Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Ba, 2024, 11:33:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Củ Chi - đất thép thành đồng  (Đọc 68997 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
tkhanh
Thành viên
*
Bài viết: 25


« vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2009, 09:18:48 pm »

Thấy forum chưa có bài giới thiệu về Địa Đạo Củ Chi , nơi dc coi là đất thép trong KCCM . Em xin mở topic này để giới thiệu với các bác về Địa Đạo Củ Chi

nguồn http://www.cuchitunnel.org.vn/content/index.php

 Địa đạo Củ Chi cách Thành phố Hồ Chí Minh 70 km về phía Tây Bắc. Đây là nơi thu nhỏ trận đồ biến hóa của quân và dân Củ Chi trong cuộc kháng chiến lâu dài ác liệt suốt 30 năm chống kẻ thù xâm lược giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, là một công trình kiến trúc độc đáo, nằm sâu trong lòng đất, có nhiều tầng, nhiều ngõ ngách như mạng nhện, có nơi ăn ở, hội họp và chiến đấu với tổng chiều dài hơn 200 km. Và địa đạo này được đào hoàn toàn bằng sức người với các công cụ là cuốc , thuỗng ... ko hề có 1 máy móc nào .

   Những sự tích có thật từ địa đạo đã vượt quá sức tưởng tượng của con người. Chỉ cần chui xuống một đọan đường hầm, bạn sẽ hiểu vì sao nước Việt Nam bé nhỏ lại chiến thắng kẻ thù là một nước lớn và giàu có bậc nhất. Vì sao Củ Chi, mảnh đất nghèo khó lại đương đầu ròng rã suốt 21 năm với một đạo quân hơn gấp bội, thiện chiến, được trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, tối tân. Trong cuộc đọ sức này, nhân dân Củ Chi đã chiến thắng oanh liệt.

   Dựa vào hệ thống đường hầm, công sự, chiến hào, chiến sĩ và đồng bào Củ Chi đã chiến đấu vô cùng anh dũng, lập nên những chiến công thần kỳ. Quân xâm lược Mỹ lần đầu vào đất Củ Chi gặp phải sức kháng cự quyết liệt từ các địa đạo trong vùng căn cứ hiểm yếu, đã phải thốt lên: “Làng ngầm”, “Mật khu nguy hiểm”, “Việt cộng không thấy đâu mà đâu đâu cũng có”….

Trong chiến tranh , quân dân Củ Chi trực teíp đương đầu với lực lượng quân đội của quân khu 3 chế độ sài gòn và sư đoàn 25 Mỹ mệnh danh tia chớp nhiệt đới . Với hệ thống địa đạo trên , quân dân đã sống và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân đội Mỹ - ngụy .

Với tầm vóc chiến tranh của mình, địa đạo Củ Chi đã đi vào lịch sử đấu tranh anh hùng của nhân dân Việt Nam như một huyền thoại của thế kỷ 20 và trở thành một địa danh nổi tiếng trên thế giới.

do máy ảnh hư nên em lượm lặc 1 số ảnh từ web , sửa máy rùi em sẽ làm 1 chuyến cho các bác .

1 số hình ảnh về du kích CỦ CHI dc tái hiện lại




phòng họp dưới hầm ( ở đó tối lắm , có lẽ cái này đã bật flash )


1 số bẫy chông , bẫy xoay của du kích CỦ CHI






1 lối vào địa đạo


và trong địa đạo ( cái này là có flash nên nó sáng chứ thật ra tối lắm các bác )



« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2009, 09:31:39 pm gửi bởi tkhanh » Logged
tkhanh
Thành viên
*
Bài viết: 25


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2009, 09:22:09 pm »

Ngaoì ra đến với địa đạo CỦ Chi thì nên ghé thăm qua đền Bến Dược , trong ngôi đền này 3 mặt tường của đền đã khắc tên các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc . Do ko tìm dc ảnh đó nên hẹn các bác 1 dịp gần đây

Qua Tết có bác nào mún đi CỦ CHI thì pm em với , em cũng về đó làm 1 bộ ảnh mới .

Ngaoì ra sau khi đi địa đạo các bác sẽ được thưởng thức khoai mì nướng , món ăn mà du kích củ chi hay dùng nhất Cheesy
Logged
Gunshot
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #2 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 09:33:40 pm »

Đội quân từ lòng đất

Đánh bao nhiêu trận, những người du kích năm xưa giờ này không nhớ hết. "Bom đạn Mỹ xối xuống Củ Chi và đế giày giặc giày xéo mỗi ngày, đánh trận nhiều hơn ăn cơm thì nhớ trận này trận nọ làm gì!", ông Chín Ảnh nói.

Nhưng những chiến tích anh hùng thì vẫn còn nguyên đó. Lần tìm trong ký ức của những anh hùng du kích thầm lặng còn sống hôm nay, chúng ta trở về với những trang sử oai hùng.

Súng… ống nước, lôcôt… tầm vông!

Từ năm 1961-1965, cuộc chiến tranh du kích của nhân dân Củ Chi phát triển mạnh gây cho địch những tổn thất nặng, góp phần làm thất bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Giai đoạn này, toàn bộ hệ thống địa đạo ở các xã phía bắc Củ Chi đã hoàn thành mạng “xương sống” và nối thông với nhau.

Những năm 1961-1962, vũ khí của du kích lúc này vẫn chủ yếu là mã tấu, tầm vông, lựu đạn Pháp… Ông Nguyễn Văn Tập, một du kích từ thời chống Pháp, cha đẻ của du kích Chín Ảnh, trở thành người rèn dao, mã tấu nổi tiếng cho du kích quân. Về sau ông chiêu tập được thêm nhiều anh em, mở quân binh xưởng ngay giữa lòng địa đạo.

Ông Út Kang nhớ lại súng hồi đó rất hiếm. “Ngon” lắm là được cấp súng tự tạo. Nòng súng bằng sắt ống nước hoặc tuýp xe đạp, bắn vài viên là cong hoặc toác nòng, vì thế phải bắn thật gần, chính xác. Với cây súng không có tên trong từ điển vũ khí thế giới này, du kích Phạm Văn Chệ lần đầu tiên bắn chết một tên địch tại ấp Bàu Tròn ở khoảng cách… 3m khiến quân ta nức lòng, còn bọn Mỹ-ngụy thêm kinh hồn bạt vía.

Vì súng… ống nước phải bắn tầm gần nên ngay giữa lòng địa đạo, du kích phải bố trí tạo những ổ châu mai nhô lên khỏi mặt đất, ngụy trang là ụ đất, ổ gò mối hoặc hốc cây… Không có ximăng và các vật liệu khác, ổ châu mai được thiết kế là một hầm âm dưới đất, hình chóp nón, vật liệu chính là thân tầm vông dày nhiều lớp được trét dày bởi đất trộn rơm.

Ông Út Kang cười ha hả: “Bà con mình đi làm vườn làm đồng qua lại mỗi ngày mà còn không phát hiện được, huống hồ thằng địch lúc dớn da dớn dác…”. Xung quanh ổ chiến đấu được bố trí dày đặc các kiểu hầm chông, hố chông. Nhiều loại chông sắt bằng ngón tay được chặt ngạnh trê như lưỡi câu, khi giặc đạp phải thì chỉ còn nước bê nguyên bàn chông về Sài Gòn giải phẫu. Nhưng đó là những thằng giặc may mắn.

Gặp các loại chông hầm dày đặc lao tầm vông là coi như bị xăm nhừ; chông treo như quả cầu gai sắt thì bị băm toác đầu hoặc nát ngực; chông bàn, chông thọt… thì có nước cưa chân… Thường dưới mỗi hầm chông đều có chiến hào hoặc địa đạo liên thông để khi địch dính đòn thì du kích nhanh tay thu chiến lợi phẩm.

Ông Chín Ảnh nhớ lại lần đầu tiên “chơi” với lính Mỹ. Đó là khoảng cuối năm 1963. Lúc này ông chiến đấu ở ấp Bàu Cạp, chung ấp với anh hùng du kích Phạm Văn Cội. Tờ mờ sáng, địch đổ quân trên toàn tuyến. Một mũi bộ binh Mỹ có trên 10 xe tăng yểm hộ từ Bến Cát (Bình Dương) vượt sông Sài Gòn đánh thẳng vào Bàu Cạp.

Tổ chiến đấu của Phạm Văn Cội không nao núng, vừa lẩn giặc vừa tìm thế đánh trả. Với những quả lựu đạn tự tạo, tổ của Phạm Văn Cội đã đánh bứt xích một chiếc xe tăng khiến địch bối rối làm mồi cho các tay bắn tỉa xuất quỉ nhập thần. Du kích rút êm xuống lòng đất. Địch bỏ lại một xe tăng. Đây là trận đầu tiên đi vào lịch sử khi quân dân Củ Chi buộc xe tăng địch bỏ xác tại chiến trường bằng… lựu đạn.

Bẻ gãy hai chiến dịch "Cái bẫy" và "Bóc vỏ trái đất"

Toàn bộ lực lượng du kích Củ Chi những năm 1966-1969 gần như phải ở dưới địa đạo nhiều hơn trên mặt đất. Mùa khô còn dễ chịu. Mùa mưa bùn nước lầy lội, lắm khi rắn rết cũng chen ở với người. Muỗi mòng thì nhiều vô kể. Sốt rét, bệnh tật cũng tràn về…

Đầu năm 1966, Mỹ đưa sư đoàn 25 “Tia chớp nhiệt đới” thiện chiến và nổi tiếng tàn bạo đến lập căn cứ Đồng Dù, sát nách hệ thống địa đạo Bến Đình và phối hợp với đồn bót xung quanh, đặc biệt là huyện lỵ Củ Chi, tạo thế bao vây khống chế toàn bộ căn cứ.

Cũng thời điểm này, chúng tung sư đoàn 1 bộ binh “Anh Cả Đỏ” thực hiện cuộc hành quân mang tên Crimp (cái bẫy), càn quét đánh phá ác liệt với mục tiêu hủy diệt toàn bộ lực lượng Khu ủy, Bộ tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Chợ Lớn (địa đạo Bến Dược) và Huyện ủy Củ Chi (địa đạo Bến Đình).

Rạng sáng 8-1-1966, đất trời Củ Chi rung chuyển bởi cuộc đổ bộ của 12.000 bộ binh Mỹ phối hợp không quân, xe tăng, pháo binh ồ ạt tấn công. Quân du kích vừa đánh vừa lui trước thế tấn công biển người của địch. Cả vùng rộng lớn bắc Củ Chi thành một chiến trường khổng lồ.

Ở từng ngóc ngách địa đạo, dưới mỗi gốc cây, ụ đất, bìa rừng, bất cứ chỗ nào cũng là một ổ đề kháng. Lối đánh thoắt ẩn thoắt hiện xuất quỉ nhập thần bắt đầu từ lòng đất được nhân rộng ra trên toàn chiến trường khiến quân Mỹ hoang mang tột độ. Chúng dùng bom rải thảm nhưng hệ thống địa đạo như sợi tơ trong lòng đất, không tài nào biết đâu mà đánh phá.

Núng thế, chúng bèn dùng máy bơm nước vào lòng địa đạo với niềm hoan hỉ là du kích quân sẽ… chết ngạt! Chúng không hề biết rằng một số cửa ngõ của địa đạo được thông ra lòng sông Sài Gòn. Vậy là nước lại về với sông. “Anh em tụi tui được Mỹ nó tắm cho, sướng quá !”, ông Út, ông Tư, ông Chín nhe hàm răng rơi rụng cười ló lợi!

Tổn thất nặng nề, sau 11 ngày giơ lưng cho quân du kích nện, ngày 19-1 địch quyết định dừng chiến dịch Cái bẫy. Toàn bộ chiến dịch, quân địch chỉ phá hủy được 70m địa đạo trong khi có 1.600 tên bỏ mạng và thương vong, 77 xe tăng và thiết giáp bị phá hủy, 84 máy bay bị bắn rơi. Cái bẫy “sập lại” và chính bọn Mỹ đã đưa mình vào rọ.

Đúng một năm sau đó, tháng 1-1967, địch mở cuộc hành quân mang tên Cedar Fall (bóc vỏ trái đất), không giấu ý đồ xới tung đất Củ Chi, lật từng ngọn cỏ để truy diệt hết quân du kích. Lần này chúng huy động 30.000 quân, gấp 2,5 lần chiến dịch Cái bẫy, được trang bị tận răng và sự yểm trợ của máy bay, xe tăng, thiết giáp, pháo binh, đánh phá khốc liệt vào vùng “tam giác sắt”.

Trong chiến dịch này, chúng dùng “đội quân chuột cống” lùng sục tìm địa đạo và bơm khí độc vào; dùng chất nổ phá hủy từng đoạn địa đạo… Tuy nhiên, thành lũy trong lòng đất càng vững vàng hơn bao giờ hết. Những túi gạo rang trộn đường đã được tập kết trong những kho bí mật dưới địa đạo giúp quân ta có thể ung dung sống cả chục ngày và thỉnh thoảng tổ chức phản kích lẻ tẻ ở bất kỳ đâu đó.

Đêm, đội quân từ mặt đất tỏa lên đặt mìn gạt, gài chông. Những quả mìn gạt của anh hùng Tô Văn Đực chế tạo được cài khắp nơi trên chiến trường khiến quân địch tổn thất nặng nề. Chỉ sau 20 ngày càn quét, địch buộc phải kết thúc sớm chiến dịch với số thương vong gấp đôi chiến dịch Cái Bẫy: 3.500 tên chết và bị thương, 130 xe tăng, 28 máy bay bị phá hủy.

Những anh hùng trên đất thép

Người du kích năm xưa Võ Văn Cậm (Tư Cậm) chỉ tay về phía sau hè nhà ông Ba Rô đối diện UBND xã Nhuận Đức: “Mới năm kia (2002) anh em mình mới quy tập được hài cốt của mấy ông bạn tụi tui về nghĩa trang liệt sĩ thành phố…”.

Đó là trận đánh năm 1972. Khi đang cố thủ trong địa đạo sau khi hất lui nhiều đợt tấn công của địch thì ổ chiến đấu của ba du kích và một bộ đội chủ lực bị vùi bởi một loạt bom. Anh em dùng dao lê, cuốc thuổng đào bới ròng rã suốt ngày, đến tối chỉ lôi lên được du kích Út Lắm đang thoi thóp.

Suốt cuộc chiến 21 năm trời ròng rã, quân dân Củ Chi tiêu diệt trên 20.000 tên địch nhưng tổn thất của quân dân ở đây cũng không phải nhỏ. Máu nhuộm từng đoạn hào, từng khúc địa đạo. Các chiến sĩ du kích già như Chín Ảnh, Út Kang, Tư Cậm lâu lâu ngồi lại buồn thiu: “Tuổi của tụi tui anh em hi sinh hết rồi…”. Các ông may mắn hơn nhưng trên người cũng đầy thương tích, lần đâu trên người cũng lỗ chỗ vết thương.

Chỉ riêng xã Nhuận Đức có trên 600 anh hùng liệt sĩ; toàn Củ Chi có trên 10.000 liệt sĩ. Đền Bến Dược lưu danh trên 44.000 anh hùng liệt sĩ trên các miền đất nước đã hi sinh trên chiến trường này. Ông Chín Ảnh nói trong nỗi buồn vô hạn: “Căm thù giặc quá mà đánh chí chết mới thôi. Thấy bạn bè ngã xuống thì mình tiến lên. Cứ vài ba ngày thấy thiếu đi một đứa…”.

Trên chiến trường này, anh hùng du kích Phạm Văn Cội với lòng gan dạ dũng cảm đã sáng ngời như lửa đỏ: trong chiến dịch Crimp 8-1-1966, ông chỉ huy tổ du kích bám thắt lưng địch, tám ngày diệt 111 tên Mỹ, bắn rơi bảy máy bay lên thẳng, một phản lực và phá hỏng nhiều xe cơ giới. Tháng 2-1966, ông năm lần chỉ huy du kích tập kích căn cứ Mỹ; một mình ông phá hủy sáu xe bọc thép. Tháng 4-1966 ông đột kích vào tận căn cứ Đồng Dù, gài mìn diệt hai xe, thu nhiều chiến lợi phẩm…

Năm 1967, trong một trận chống càn Phạm Văn Cội đã anh dũng hy sinh. Ông được tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1967. Kết thúc cuộc chiến tranh, Củ Chi có 13 xã anh hùng, 28 anh hùng lực lượng vũ trang, 715 bà mẹ VN anh hùng, 1.800 người được phong dũng sĩ.

Củ Chi trong con mắt những người sau chiến tranh như chúng tôi là một làng quê thanh bình. Đâu cũng thấy màu xanh. Giờ đây phía bắc Củ Chi còn là khu công nghiệp. Nhiều nhà máy đã mọc lên trên những đoạn hầm hào, địa đạo ngày xưa. Những chiến sĩ du kích năm xưa giờ chỉ toàn nói chuyện vườn tược, cây trái.

Bà Chín Lan giới thiệu tất cả tài sản trong nhà rồi nói: “Giải phóng xong, nhìn lại mới thấy mình không có gì ngoài mấy bụi tre với đoạn địa đạo dưới nền nhà. Vậy mà giờ sống cũng đủ. Đẻ bốn đứa con, nuôi đứa nào cũng mạnh khù!”.

Hỏi ra mới biết ở Củ Chi, nhất là ở xã Nhuận Đức, ai tuổi đời quãng 50 trở lên đều đã từng đào địa đạo, sống trong lòng địa đạo và hầu hết đều là du kích. Họ không chỉ là chứng nhân lịch sử mà còn là những người làm nên lịch sử. Đến Củ Chi là gặp sự bình dị, sự bình dị lấp lánh lịch sử oai hùng.

(Theo TT)
Logged
Gunshot
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #3 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 09:34:09 pm »

Kỳ quan giữa lòng đất thép


TT - Có một công trình kỳ diệu của nhân dân TP.HCM: địa đạo Củ Chi. Đó là hệ thống đường hầm ngầm trên 200km trong lòng đất; vừa là căn cứ địa, vừa là nơi trú ẩn, vừa là công sự chiến đấu...

Điều lạ thường là địa đạo nằm giữa lòng địch, bị phong tỏa bởi bốn bề đồn bót và nằm sát nách thủ đô của bộ máy chiến tranh Mỹ - ngụy. Và trên 10.000 chàng trai, cô gái Củ Chi đã đổ máu xương để thành hào thành lũy. Những con người bình dị chân đất ấy đã làm cách nào tạo nên một kỳ quan như thế?...

Nhuận Đức những năm chống Mỹ với hệ thống địa đạo chừng trên 11km, một bộ phận hợp thành của hệ thống địa đạo huyền thoại trên 200km Củ Chi, là tử địa của hàng chục ngàn Mỹ - ngụy. Ông Tư Cậm, nguyên chính trị viên xã đội Nhuận Đức những năm đánh Mỹ, nói chắc: “Ngày nào tụi Mỹ càn vô Nhuận Đức thì thế nào bên kia trái đất cũng có những bà mẹ, bà vợ khóc con khóc chồng”.

Đào hầm suốt... 15 năm

Nhuận Đức ngày xưa không xanh tươi như bây giờ mà trắng xác trắng xơ, lại lọt thỏm giữa bốn bề đồn bót: bót An Nhơn Tây, bót Trung Hòa, bót Phú Hòa Đông, bót cầu Bến Mương, huyện lỵ Củ Chi và sau này là căn cứ Đồng Dù của sư đoàn dù 25 Mỹ “Tia chớp nhiệt đới”. Do vậy khi đi càn, dù xuất phát từ bất cứ hướng nào, địch cũng phải càn qua Nhuận Đức.

Cũng chính ở trong thế “cái túi” như vậy nên lực lượng cách mạng Nhuận Đức chỉ còn một cách bám trụ tại chỗ chứ không thoát ra đường nào được. Năm 1960, sau phong trào đồng khởi, địch càng tăng cường ruồng bố, tình hình cách mạng càng thêm cam go. Nhiều đồng bào, đồng chí hi sinh. Lực lượng cách mạng ngày càng mất mát...

Trước tình hình đó, đảng ủy xã Nhuận Đức đã quyết định phải đào địa đạo, lấy đó làm hệ thống trú ẩn và phòng thủ phản công, phòng thủ tiến công. Lúc này ở Nhuận Đức còn một đoạn địa đạo dài trên 500m từ thời kháng chiến chống Pháp còn lại, được khôi phục và nối rộng ra.

Bắt đầu từ năm 1961, xã Nhuận Đức phát động phong trào đào địa đạo. Già trẻ gái trai, nam phụ lão ấu, tất cả không phân biệt thành phần đều rùng rùng lao vào trận mới. Trai tráng từng tổ 3-4 người làm một, thay phiên nhau người trước đào đất, người sau cào đất ra sau, xúc vào ki tre, người trên mặt đất kéo lên. Khắp các ụ cây, khắp các bìa rừng từng nhóm người lố nhố.

Người trước mệt, người sau thay. Người trước ngã, người sau tiến. Người già đan ki, trẻ con múc nước, đàn ông đào, phụ nữ nấu cơm nấu khoai... Các ấp, các làng hừng hực khí thế cách mạng. Công việc anh hùng đó không chỉ diễn ra một tháng, một năm. Kỳ diệu thay, nó được duy trì liên tục, liên tục suốt 15 năm, bất kể nắng mưa, bất kể mưa bom bão đạn, cho tới ngày cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc Lập.

Chính trong những ngày đào hầm đánh giặc đó, nhiều chàng trai cô gái đã hiểu nhau, thương yêu nhau, lấy nhau để cả nhà cùng đào hầm đánh giặc. Như vợ chồng Chín Ảnh - Chín Lan, lúc đó ông là bí thư xã đoàn, 18 tuổi, bà là ủy viên ban chấp hành, 17 tuổi; hay như các cặp Hai Nên - Hai Dìn; Gình - Sung; Tét - Sa; Quợt - Ghe... Những đôi uyên ương ngày xưa giờ này người còn người mất. Có người vinh danh liệt sĩ anh hùng…

Lứa trai tráng ngày đó 16 tuổi như ông Út Kang, 17 tuổi như ông Tư Cậm, 18 tuổi như ông Chín Ảnh… giờ đã trên 60. Đó là những chàng trai đầu tiên cắm nhát cuốc vào lòng đất đào địa đạo thời chống Mỹ. Vật dụng đào là một lưỡi cuốc cùn, dân địa phương gọi là cuốc ngao, cán ngắn chừng 3-4 tấc.

Bắt đầu là đào miệng thí, trổ từ trên mặt đất thẳng xuống như đào giếng. Nhưng miệng thì rất hẹp, đường kính chừng 6 tấc. Đào sâu xuống chừng 4-5m thì miệng thí trổ ngang. Lúc này cuốc ngao mới phát huy tác dụng: người đào phải làm việc trong tư thế ngồi, mò mẫm đào từng nhát cuốc giữa lòng đất tối đen như mực. Một phần vì đào từng đoạn ngắn, nhưng quan trọng hơn là đào hẹp và sâu dưới lòng đất, thiếu dưỡng khí nên một đường hầm thường chỉ có hai người làm việc. Hai người khác - có khi chỉ một - ở bên ngoài cửa hầm kéo đất lên.


Quy cách chuẩn được phổ biến của địa đạo là chiều rộng khoảng 9 tấc, chiều cao khoảng 1,1m. Với kích thước này, người du kích quen thuộc và thông thạo lòng đất có thể khéo léo di chuyển nhanh nhẹn bằng tư thế lom khom, nhưng đối với người lạ thì điều đó cực kỳ khó khăn.

Đặc biệt là bằng kinh nghiệm dân gian, những người đào địa đạo đều linh cảm được mạch nước ngầm ở đâu đó nên thường xác định đường địa đạo luôn cách mặt nước ngầm khoảng 1,8-2m. Mỗi miệng thí cách nhau 10m. Như vậy mỗi tổ đào mỗi bên 5m. “Khi nào “phụp” với nhau (hai đoạn địa đạo thông nhau) thì miệng thí được lấp lại. Cứ thế các đoạn địa đạo được nối rộng ra, mỗi ngày một chút.

“Xương sống”, “nút chai” và lỗ thông hơi kỳ diệu

Lòng địa đạo không thẳng mà ngoằn ngoèo uốn khúc, ngoắt qua ngoắt lại. Ông Út Kang giải thích: là để tránh trái (lựu đạn) của địch. Lắm khi địch dò ra miệng địa đạo, lò dò đuổi theo và tung trái nổ nhưng miểng lựu đạn chẳng ăn thua gì với những ngóc ngách trong lòng đất.

Dọc theo trục chính của đường “xương sống” địa đạo, từng tổ du kích sẽ đào thêm những đường xương cá rẽ ra hai bên chằng chịt hơn nữa. Các đường xương cá này thường là các điểm trú ẩn, hoặc ổ chiến đấu cá nhân mà mỗi chiến sĩ du kích quân bảo quản cho riêng mình, người khác đi vào có thể bị lạc. Thậm chí, do điều kiện hoạt động bảo mật nên những người du kích đồng chí với nhau, dù trong trường hợp khẩn cấp nào cũng rất ít khi cho đồng đội ẩn náu trong đường xương cá của mình.

Có lần một người bạn chiến đấu trên đường đi công tác về gặp địch càn, ông Út Kang kéo đại xuống đường địa đạo của mình nhưng vẫn buộc đồng chí đó tuân thủ nguyên tắc: “Cho tui “bịt mù” (bịt mắt) anh lại...”. Cuối ngày khi địch rút, ông đưa bạn lên mặt đất, tháo khăn bịt mắt. Các đường xương cá này có khi được bố trí chằng chịt gần nhau, nhiều vách đất chỉ cách chừng 2-3 tấc. Chính nhờ thế nên khi bị lộ hoặc bị tấn công, du kích chỉ cần co chân đạp vách để lần sang đường khác.

Gọi là đúng quy cách chiều ngang, bề cao nhưng ở rất nhiều đoạn sự bố trí về kích thước của địa đạo hết sức lắt léo và thông minh. Ở nhiều đoạn, địa đạo ở ngoài to, sâu vào trong nhỏ lại như toi nơm cá. Ở những đoạn này bên trên được bố trí những khúc gỗ tròn ép sát vách đất, đầu có cột dây thừng, vót thuôn đầu to đầu nhỏ theo chiều tương ứng của địa đạo như cái nút chai.

Khi địch phát hiện và dò theo đường hầm đuổi theo, tung lựu đạn hoặc bơm khí độc vào lòng hang thì người du kích chỉ cần giật “nút chai”, đóng địa đạo lại. Sức ép của trái nổ nếu càng mạnh thì càng ép “nút chai” kín hơn, không cho khí độc len vào địa đạo. Cũng nhờ cái “nút chai” thông minh đó mà năm 1963, khi địch đi càn bắt được một nông dân, tra tấn người này dã man và cột dây vào lưng buộc dẫn đường xuống địa đạo. Du kích địa đạo phát hiện và chờ khi người nông dân vừa qua là giật “nút chai”, cắt dây cứu người.

Trong chiến dịch mang tên Cedar Fall (bóc vỏ trái đất) mở màn từ 8-1-1967, địch dùng “đội quân chuột cống” gồm 600 tên lính công binh được tuyển chọn từ những tên nhỏ thó, huấn luyện cách đánh phá địa đạo. Bọn “chuột cống” phiên thành mỗi tổ 2-4 tên, trang bị mặt nạ phòng độc, tiểu liên cực nhanh, lủng lẳng lựu đạn, thuốn sắt, dao găm, máy thổi lùa chất độc... luồn sâu xuống đất. Thế nhưng gặp phải những “nút chai” thông minh, chúng chỉ phá hủy được vài đoạn địa đạo không đáng kể, lại bị thiệt hại nặng nề. “Đội quân chuột cống” bất lực và thất bại.


Không ai tính toán được là cần bao nhiêu lỗ thông hơi cho hệ thống địa đạo nhưng khả năng kỳ diệu của những người du kích Củ Chi bấy giờ đã làm được điều ấy. Ít thì sẽ thiếu dưỡng khí; nhiều thì dễ tạo cơ hội cho địch phát hiện, nhất là chúng dùng lực lượng quân khuyển - loại becgiê lai chó sói Đức - để đánh hơi phát hiện.

Lỗ thông hơi hình cái phễu, miệng như cái chén ăn cơm úp lại, được xoi thẳng lên trên bằng một khe nhỏ. Miệng lỗ được ngụy trang rất khéo léo: có thể trổ ra một bụi tre, bụi tầm vông, một gốc cây hoặc một ụ gò mối... Tuy nhiên tất cả kiểu ngụy trang đó chỉ che được mắt người chứ không giấu được mũi chó. Nhiều tổn thất đã xảy ra.

Bằng kinh nghiệm dân gian, du kích giã nhuyễn ớt, hạt tiêu thành bột rắc bên trên để chó không đánh hơi được. Nhưng khổ nỗi tụi lính Mỹ ranh ma cũng thừa sức phát hiện lỗ thông hơi khi thấy bọn quân khuyển... sặc sụa. Cuối cùng du kích phải nhờ người vào nội thành mua các loại dầu tắm, xà bông của lính Mỹ về bôi ở bên trên. Bọn chó Mỹ nghe mùi “anh em” thì chỉ biết thè lưỡi nhe răng ngơ ngác.

Hệ thống địa đạo dưới lòng đất còn được kết nối với hệ thống chiến hào chằng chịt trên mặt đất. Dọc tuyến hàng trăm kilômet chiến hào, ở bất cứ đâu cũng có thể gặp những ụ chiến đấu. Giữa các ụ chiến đấu thường là một miệng địa đạo. Từ lòng địa đạo, du kích xuất hiện, len theo chiến hào, dựa vào các ụ chiến đấu tấn công địch. Khi địch phát hiện phản công, lại theo đường hào rút vào lòng đất...

ĐẶNG ĐẠI-Tuổi trẻ Online
Logged
Gunshot
Thành viên

Bài viết: 3


« Trả lời #4 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2009, 09:34:38 pm »

“Dế cụ” Củ Chi

"Dế"... đá xe

Lần xe tăng cháy mà ông Tám Điệp (tên đầy đủ là Hà Văn Điệp) nhớ nhất là do chính ông dùng B40 bắn. Ông và một du kích khác núp trong chiến hào, nhờ khói súng nên không bị phát hiện. Trước đó mấy phút, ông bắn gẫy càng một chiếc xe ủi. Khói phụt xanh lè, nhưng địch lại tưởng “dính” mìn. Thời đó, khi càn quét, đi kèm xe tăng thường có xe ủi để san đất “làm tróc nóc hầm cộng sản”. Cách chỗ ông đứng khoảng 50m, một chiếc xe tăng lùi lũi như con bọ hung. Chừng 10 tên lính Mỹ lười chạy bộ ngồi vắt vẻo bên trên. Đồng đội ông nhằm trán xe, nơi chứa máy móc, tương một quả. Viên đạn đuối tầm, găm xuống, cày tung khoanh đất trước đó vài thước. Địch vẫn tưởng mìn. Ông hậm hực giật lấy khẩu B40. Ông không được huấn luyện bài bản, nhưng tự săm soi rồi cũng suy ra, đạn B40 đi chúc xuống, muốn đánh vào trán, phải nhằm ngang đầu pháo. Viên đạn trúng đích. Mấy tên lính cháy đen. Xác dán đét vào thành xe.

Thời đó, mặc bom đạn, xe tăng, giày đinh địch cày xới mảnh đất Củ Chi, du kích nơi này vẫn thoắt ẩn dưới lòng đất, thoắt hiện trong những công sự, giáng đòn chí mạng. Địch cay cú gọi họ là “lũ dế”. Du kích Củ Chi không lấy làm “tự ái” ngược lại còn vỗ nhau cười. Châu chấu có thể đá đổ xe, thì dế cũng vậy. Ông Tám Điệp là xã đội phó xã Phú Mỹ Hưng gan lỳ; là bí thư chi bộ, chỉ huy tiểu đội gồm 10 du kích ấp Phú Hiệp gan lỳ nhất xã, thì đương nhiên ngang cấp “dế cụ”.

Đất Củ Chi đỏ xuộm, chắc như được lèn. Mưa xối, đạn xối, đất vẫn trơ. Mặt đất ráo hoảnh, nhưng ở dưới, dưới sâu, nước thật trong mát. “Chất đất Củ Chi đã ngấm vào người dân” - ông Tám Điệp nói. Ngay từ những năm đầu chống Mỹ, Củ Chi đã là căn cứ của nhiều lãnh đạo thành ủy. Gia đình ông Tám Điệp từng nuôi giấu đồng chí Võ Văn Kiệt trong mấy năm đồng chí hoạt động bí mật tại đây.

Hầm... sáng

Địa đạo Củ Chi xuất hiện từ năm 1953, với khoảng 250m. Khi đó ông Tám Điệp mới 17 tuổi. Đến năm 1963, địch hoành hành, người dân lại tiếp tục đào. Đào ngày đào đêm. Chiều cao 70cm, chiều ngang 60cm. Vừa cho thân người đi khom. Cách mặt đất khoảng 2m, người trước dùng xẻng xúc đất. Người sau xếp hàng chuyển đất lên. Trong địa đạo, ngày cũng như đêm, tối om. Họ góp tiền mua đèn cầy, vì sợ đèn hoa kỳ nhiều muội. Vậy mà ai nấy đen lỗ mũi. Đất mới đào được đổ lên trốc địa đạo, đầm cho chắc. Nạo đất cũ nơi khác lấp lên trên để ngụy trang. Cuối cùng, rắc một lớp lá khô. Cả huyện Củ Chi có khoảng vài chục cây số địa đạo. Riêng ấp Phú Hiệp, ông Tám Điệp huy động đào được chừng 7km, cùng hàng trăm hầm bí mật. Cứ vài mét địa đạo lại có một công sự chiến đấu. Dọc địa đạo không cần lỗ thông hơi. Không khí bị hút theo các lối vào là đủ. Trước khi xuống hầm, người dân đốt đèn cầy. Nếu đèn cháy, tức là đủ oxy để sống. Chỉ có bom mới khiến địa đạo sập. Mỗi lần vậy, anh em lại hò nhau đào vòng qua chỗ bom rơi để nối lại địa đạo. Nếu gặp bom lép thì “vòng cua” nới rộng một chút, phòng bom nổ.

Đến chuyện vũ khí mới khó. Súng đạn được cấp không đáng bao nhiêu. Súng đạn cướp của địch cũng chẳng đáng kể. Phải tự chế thôi. Ông Tám Điệp suốt mấy tháng trời chạy đôn chạy đáo. Dòm chỗ nọ, ngó chỗ kia. Có được chút tay nghề, bèn kéo mấy anh em mày mò. Đất Củ Chi vô khối bom lép. Anh em đào lên, cưa ra, lấy bi, lấy thuốc. Cái khôn giúp ông trị những quả bom “láu cá”. Chẳng hạn, khi cưa bom bi thường cưa dợm quanh mỏm một vòng, rồi vặn cho đứt lìa. Một lần vặn thấy cức tay, anh em đoán có viên bi to bị kẹt, xanh mặt. Không dám xiết tiếp. Ông Tám chộp lấy, vặn ngược lại. Vòng xiết được nới. Viên bi lăn đi chỗ khác. Ông xiết trở lại thì mỏm bom đứt. Nơi khác từng có mấy vụ nổ bom do vỏ bị nóng khi cưa. Ông Tám rút kinh nghiệm, múc sẵn một ca nước, thỉnh thoảng tưới lên thân bom làm mát. Nhưng “say” cưa, có khi quên. Ông bèn treo bịch nước đục lỗ nhỏ trên đầu, để nước nhỏ tòng tọc xuống thân bom. Vậy là ổn.

Bom chủ yếu dùng chế mìn. Vỏ bom bằng nhôm được nấu chảy, rót vào khuôn làm vỏ mìn. Mỗi vỏ mìn đặt một viên bi, kèm một kim hỏa. Cả ngày ngửi thuốc, nhiều khi ông thấy váng đầu, hoa mắt. Nước tiểu đỏ cạch. Lúc này, dân bị dồn vào ấp chiến lược nhưng nhiều người lẻn ra, tiếp tế lương thực. Nhờ thế, ông có đậu đen, nấu chè, uống giải độc.

Từ đó đến giải phóng, du kích ấp Phú Hiệp khai tử tại chỗ 10 xe tăng. Còn số xe bị thương địch kéo trở lại lên tới hàng trăm. Mà du kích chẳng thương vong là bao. Có lần địch phát hiện công sự. Ông và một đồng chí nữa rút nhanh xuống địa đạo. Địch xắng xở bít lối. Rồi bơm nước pha thuốc độc vào địa đạo. Lúc này họ đã đội đất trồi lên một cánh rừng cách đó hơn 200m. Đứng xem một hồi, rồi bấm nhau chuồn. Một tuần sau quay lại, ngấn nước vàng bốc mùi hăng hắc vẫn hằn vào vách địa đạo. Thấy rùng mình. Nổi da gà.

Mới chỉ “tốt nghiệp” lớp xóa mù chữ, chưa qua huấn luyện quân sự, nhưng cái khôn giúp ông nhiều lần thoát chết. Địch dội bom, đạn xuống Củ Chi như sung rụng. Cứ thấy trái bom đang rơi tròn xoe, hay thấy trực thăng dựng đứng, khuất đuôi là biết bom đạn đang nhằm trúng mình, phải nhảy ngay xuống hầm. Còn nếu thấy trái bom có hình chai, trực thăng dựng đứng mà vẫn lộ đuôi, nghĩa là xa mình, thì chỉ việc nằm xuống, không sao cả. Có lần, trái bom nổ sau khi ông xuống hầm chỉ một giây, cách miệng hầm 5-6m.

Xe tăng địch bị hư đa phần do mìn. Thời gian đầu, mìn được ém dưới đất, xe tăng cán phải là nổ. Nhưng như thế chỉ đánh trúng xích, chẳng ăn thua gì. Cái giống này phải đánh trúng bụng, nó mới phòi ruột gan. Vậy là ông lại nghĩ cách nối mìn với những cây gậy. Xe cán phải gậy, lực truyền đến và mìn nổ. Nhiều quả trúng bụng.

Từ năm 1965, địch càn quét thêm rốt ráo. Ngày nào cũng có trực thăng vè vè quần đảo như diều hâu. Du kích hiếm có cơ hội lên mặt đất. Nhiều người nản. Ông động viên anh em cắn răng chịu đựng. Mọi việc rắp theo khẩu hiệu: uống nước lỗ bom, nấu nước dưới hầm, đi không dấu, nấu không khói, nói không to, ho không ra tiếng, giếng không mòn. Vợ con ông ở ấp cách đó vài cây số mà mấy năm trời không gặp. Khi gặp lại, mấy ba con không nhận ra nhau.

Đánh giỏi thì làm phải giỏi

Sau giải phóng, ông được điều vào nội thành làm kinh tế. Đến năm 1990, bị bệnh, phải nghỉ. Hơn chục năm trời mà làm đến ba chức giám đốc: thức ăn gia súc, thủy sản, thuốc lá. Lần nào cũng ăn nên làm ra. “Người ta bảo, mấy ông kháng chiến chỉ giỏi đánh nhau. Ít học, làm kinh tế sao nổi. Không, đánh nhau hay làm ăn cũng vậy, đều phải có cái khôn. Có điều, trong kháng chiến, người ta bị dồn đến đường cùng, nên nhiều sáng kiến. Trong hòa bình, có đừng lui, nên không cần sáng kiến vẫn tồn tại. Ví như, có người chỉ cần lo cấp trên là được thành tích tốt”.

Ông đi họp, nghe người ta cứ nhắc đi nhắc lại phải đặt quyền lợi tập thể lên trên hết. Nhưng ông nghĩ hoài. Khi trước dân Củ Chi gan lì theo du kích vì họ muốn đuổi giặc để được sống yên. Nay chuyện công nhân với xí nghiệp cũng thế. Vậy phải lo cho mỗi công nhân trước. Đó cũng là cách lo cho xí nghiệp. Nghĩ rồi ông tìm đủ cách để công nhân có cái ăn. Thời gian đầu, ông không hiểu gì về thức ăn gia súc. Có người khuyên từ chức. Nhưng cái lì lợm của “dế Củ Chi” lại trỗi dậy. Ông lại chạy đôn chạy đáo. Dòm chỗ nọ, ngó chỗ kia. Rồi cũng biết thế nào là cám cho lợn sề, thế nào là cám cho lợn thịt. “Đó, đánh nhau hay làm ăn cũng vậy. Phải học cho tới!”.

Có lần, xí nghiệp thủy sản của ông cần mặt bằng. Cấp trên cho giải tỏa hộ dân, nhưng dân không chịu. Ông đánh liều làm báo cáo “nói quá” tài sản đền bù. Người có vài vuông gạch lát nền, ông báo có cả nền gạch. Nhà có bể nước nhỏ, ông báo có bể lớn... Dân thấy vậy, ủng hộ di dời. Nhờ đó, xí nghiệp sớm có mặt bằng để sản xuất.

... Hiện vợ ông đang ốm nặng. Tiền viện phí phải nhờ con cái phụ giúp. Tôi hý hoáy ghi. Ông xua đi: “Ấy đừng. Tôi hưởng lương hưu 9 trăm ngàn/tháng. Còn đòi hỏi gì”. Thấy ông im lặng, tôi lại đòi kể “chuyện đánh nhau”. Ông vừa kể vừa cười khầng khậc. Cái cười của nông dân được mùa...

Phạm Cường -Việt Nam Net
Logged
private
Thành viên
*
Bài viết: 19


« Trả lời #5 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2009, 11:45:06 am »

Hỗ trợ bác vài tấm ảnh về Củ Chi nhìn từ phía bên kia:
- Nguồn http://www.rjsmith.com/scrapbook.html
- 1st Bn 69th Armor Panther.



Tank Mỹ trúng mìn


Căn cứ của Mỹ tại Củ Chi


Tác giả chú thích là thành phồ "lều vải"
Logged
danviet
Thành viên
*
Bài viết: 234


« Trả lời #6 vào lúc: 30 Tháng Mười Một, 2010, 12:51:50 am »

The Cu Chi Tunnels ---Địa đạo Củ Chi (phim tiếng Việt)

Bộ phim của đạo diễn Mickey Grant phối hợp cùng hãng phim Giải Phóng thực hiện, phát hành 1/10/2001, thời lượng 60 phút. Đây là bộ phim được xếp hạng #1 trong thể loại phim lịch sử quân sự trên trang web Amazon.com. Bộ phim được thuyết minh tiếng Anh nhắm tới người xem Mỹ, nhưng những người xuất hiện trong phim đều là những chiến sỹ đã từng sống, chiến đấu ở vùng đất huyền thoại này.
Xin được dẫn lại cảm nhận của một số người xem phim:

Humanizing the enemy, December 27, 2001
By A Customer
This review is from: The Cu Chi Tunnels [VHS] (VHS Tape)
I had an incredible range of emotions the first time I saw this film. You get to know these brave individuals, men and women, who fought to survive against all odds. But when you realize their survival pended on the deaths of Americans, you are caught in a very uncomfortable situation...having to recognize the enemy not as pure evil, but instead as humans on the same level as you. Watch it twice...at least.

Tôi đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc khi xem bộ phim này. Chúng ta được biết tới những con người dũng cảm, đàn ông và đàn bà, những người đã chiến đấu và tồn tại trong hoàn cảnh vô cùng ngặt nghèo. Nhưng khi bạn nhận ra rằng sự tồn của họ phụ thuộc vào cái chết của những người Mỹ, bạn sẽ cảm thấy rất khó xử...khi được biết rằng kẻ thù không phải là xấu xa, mà thay vào đó cũng là con người như chúng ta. Hãy xem ít nhất 2 lần.

wow!, June 5, 2003
By
"missyellis" (Jacksonville, FL) - See all my reviews
This review is from: The Cu Chi Tunnels [VHS] (VHS Tape)
I'm in college, and wasn't born yet during the Vietnam War. My college professor showed this video in class, and I was blown away. I've seen interviews before of American vets, but this was the first time I saw something with the Vietnamese that fought against the Americans. I was against war before I saw this film, but my feelings are even more strong now. I bought the video for my dad who's interested in history, and he thought it was great too.

Tôi đang học đại học, và chưa được sinh ra trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Giáo sư của tôi ở trường chiếu video này ở lớp và tôi hoàn toàn bị choáng ngợp. Tôi đã từng xem các cuộc phỏng vấn với các cựu binh Mỹ trước kia, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được xem từ những người Việt Nam đã từng chiến đấu chống lại người Mỹ. Tôi đã phản đối chiến tranh trước khi tôi xem phim này, nhưng cảm giác của tôi thậm chí giờ đây còn mạnh mẽ hơn. Tôi đã mua bộ phim cho bố tôi, người có niềm đam mê với lịch sử, và ông cũng nghĩ rằng nó rất tuyệt.

Mời các bác xem bộ phim ở đây. Những điều chúng ta đã từng nghe, nhưng chứng kiến lại vẫn rất cảm động.
« Sửa lần cuối: 30 Tháng Mười Một, 2010, 12:57:26 am gửi bởi danviet » Logged
duongthanhvan
Thành viên
*
Bài viết: 471



« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 12:13:41 am »

Củ Chi qua ảnh của nhiếp ảnh gia Dương Thanh Phong.


Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Dương Thanh Phong (tức Hai Hình, Phong Vân)

-Sinh ngày 10/5/1940 tại huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà.(từ trần ngày 19 tháng 9 năm 2007)
-Hội viên hội nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam.
-Hội viên liên đoàn nhiếp ảnh thế giới (FIAP)
-Hoạt động nhiếp ảnh phục vụ kháng chiến thừ năm 1955
-Đã tham gia nhiều cuộc thi ảnh trong nước và quốc tế:
         +Giải thưởng văn học nghẹ thuật Nguyễn Đình Chiểu (1960-1965)
         +Giải thưởng quốc tế ACCU năm 1985
         +Giải thưởng toàn quốc và TP. Hồ Chí Minh.




Củ Chi đồng khởi nổi dậy chống chính quyền Ngô Đình Diệm



Biểu tình của các mẹ,các chị xã Phước Hiệp, Củ Chi (1961)



Bám đất giữ làng, một tấc không đi, một ly không rời, chống địch gom dân vào ấp chiến lược



« Sửa lần cuối: 23 Tháng Tư, 2011, 02:18:10 am gửi bởi duongthanhvan » Logged

...Bắn trúng, đánh rất hay ...
duongthanhvan
Thành viên
*
Bài viết: 471



« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 12:20:52 am »

Nhân dân Củ Chi đòi Mỹ cút và không được bắn phá vào xóm làng (1965)



Đồng bào trong ấp chiến lược diệt ác phá kềm giành quyền dân chủ (1967)



Phá ấp chiến lược trở về nền cũ đất cũ (1965)



Đơn vị võ trang đầu tiên Quân khu Sài Gòn- Gia Định (có tư lệnh quân khu Trần Hải Phụng và các vị trong khu ủy- 1961)



Logged

...Bắn trúng, đánh rất hay ...
__Bin__
Thành viên

Bài viết: 4


___Tôi ở miền xa___Trời quen đất lạ............


« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Tư, 2011, 12:41:49 am »

Hỗ trợ bạn vài hình ành Củ Chi

Đền Bến Dược





Trưng bày bom đạn Mỹ ở Củ Chi


Và một số loại súng đã sử dụng trong cuộc chiến
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM