Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 07:46:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lêningrat giữ vững thành đồng  (Đọc 10608 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #10 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 03:49:55 pm »

QUYẾT KHÔNG ĐỂ CHO QUÂN THÙ QUA ĐƯỢC!

Trong khi các đơn vị bộ đội và dân quân kìm hãm bước tiến của quân phát-xít Đức ở ngoài các cửa ngõ xa dẫn tới Lêningrat, thì nhân dân trong thanh phố tích cực chuẩn bị để bảo vệ thành phố của mình. Công việc làm công sự ở các cửa ngõ gần của thành phố và ở ngay trong thành phố đã diễn ra liên tục suốt ngày suốt đêm. Người ta đào chiến hào và hào chống tăng, xây đắp các ụ súng, các lô cốt và các hòa điểm, cấu trúc hệ thống chướng ngại chống tăng và chống bộ binh. Trong tháng bảy và thám tám, hàng ngày đi là công việc đó có tới nửa triệu người, phần lớn là phụ nữ. Rất nhiều người trong số đó trước kia chưa cầm đến cuốc xẻng bao giờ. Song tất cả họ - những bà mới hôm qua chỉ biết việc nội trợ và những cựu nữ sinh viên, nữ công nhân và nữ viên chức, thiếu nữ và phụ nữ đã đứng tuổi – đều đem hết sức mình cống hiến cho việc củng cố phòng thủ của thành phố quê hương. Cụ M. Carêlina, nữ công nhân 57 tuổi ở nhà máy thuốc lá, đã viết lời tâm sự sau đây gửi phụ nữ Lêningrat:

“Các bạn cũng biết, ở vào tuổi tác của tôi, chân tay chậm chạp, cầm cuốc cầm xẻng chẳng phải dễ gì. Song, trong những ngày tai biến này, phụ nữ Liên-xô liệu có thể đứng ở ngoài cuộc chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ danh dự và tự do, được chăng?

Cùng với một nhóm nữ công nhân đã có tuổi ở nhà máy chúng tôi, tôi đã xung phong đi vào công sự. 18 ngày liền, không nghỉ, chúng tôi làm việc, mỗi ngày 12 tiếng đồng hồ. Đất rất cứng, nhiều khi phải dùng cuốc chim bổ mới được… Tại đây, những công sự kiên cố đã mọc lên trước mắt tôi. Và chúng tôi lấy làm hãnh diện rằng đã có phần lao động của mình trong đó.

“Những chiến hào viên” – người ta gọi đội quân lao động xây dựng công sự kihi đó như vậy, những người hàng ngày bị cái chết đe dọa. Quân thù phá việc làm công sự, thường cho máy bay oanh tạc và bắn vào những người đào hào. Song công việc không vì thế mà bị ngừng trệ.

Trong một thời gian ngắn ngủi chưa từng thấy, người ta đã cấu trúc xong một tuyến phòng ngự, tổng số chiều dài là 3 vạn cây số! Tuyến công sự bao quanh làng Craxnôê, Gatchina, Pêtergôt, Paplôpxcơ, Côpinô, Mơga, Puskin.

Ở các vùng ngoại ô Lêningrat và ngay trong thành phố, người ta đã dựng lên các chiến lũy, đắp các ụ súng và các lô cốt. Nhiều nhà đã đục lỗ châu mai. Cửa kính của các cửa hiệu và các công sở đã được che bằng lưới sắt. Rất nhiều hầm hố và hào trú ẩn đã được đào ở khắp nơi. Trên các quảng trường và các đường bờ sông, các ụ súng cao xạ bố trí. Tổng cộng ở Lêningrat, người ta đã lập ra 25 cây số chiến lũy, xây đắp 4.126 ụ súng và lô cốt, và rất nhiều bãi chướng ngại đủ thứ. Người ta cũng đã cấu trúc 4.600 hầm hào chống bom chứa được hơn 90 vạn người

Người cổ vũ và tổ chức mọi công việc đó là Đảng bộ Lêningrat. Một tiểu ban đặc biệt, do bí thư thành ủy A. A. Cuzơnêsôp làm chủ tịch, đã trực tiếp chỉ đạo công tác kiến trúc công sự phòng thủ. Trong tiểu ban này còn có các viện sĩ: B. G. Galeckin (nhà xây dựng) và N. N. Xêmênôp (nhà hóa học). Nhiều viện sĩ khác đã tham gia công tác của tiểu ban, như: nhà luyện kim A. A. Baicôp, nhà vật lý A. F. Iôffê, nhà đóng tàu iển A. N. Cưlôp, và nhiều nhà bác học nổi tiếng khác.

Công tác sôi nổi ở khắp mọi nơi: ở nơi xây dựng các tuyến phòng ngự cũng như ở các xí nghiệp Lêningrat. Công nghiệp thành phố đã chuyển sang sản xuất cho nhu cầu tiền tuyến. Các nhà máy và công xưởng Lêningrat đã sản xuất ra các vũ khí bộ binh và pháo binh, các mũ sắt, dây thép gai và các dụng cụ công binh.

Phụ nữ và thiếu nữ, người già và thiếu niên thay thế cho các nam công nhân đã ra trận. Công nhân làm việc hai ba ca một ngày. Nhiều ngày đêm liền, họ không rời khỏi xưởng. Nhận rõ lao động của mình giúp cho Hồng quân mau chóng tiêu diệt quân phát-xít xâm lược, nên ai nấy đều cố gắng gấp đôi, gấp ba.

Theo chủ trương của thành ủy, nhân dân đã được huấn luyện quân sự một cách phổ biến. Ai cũng biết bắn súng, ném lựu đạn, đốt tăng và làm công tác cấp cứu. tại các xí nghiệp, những đội công nhân được lập ra để bảo vệ nhà máy chống các cuộc oanh tạc và đám cháy, và nếu địch đột nhập vào thì đánh trả lại chúng.

Tất cả nhân dân Lêningrat đều trải qua một lớp huấn luyện bắt buộc về phòng không. Họ đã làm hầm hố tránh máy bay, theo dõi việc che ánh sáng và cảnh giác chống bọn chỉ điểm. Các đội viên tự vệ canh gác và giữ gìn trật tư.

Công tác của hàng nghìn người đã đưa lại kết quả. Lêningrat đã biến thành một pháo đài không thể công phá được. Và cho dù nếu quân địch có đột nhập được vào thành phố, thì từ khắp mọi nơi: từ cửa sổ, từ hầm nhà, từ mái nhà, chúng sẽ bị một biển lửa dội vào đầu, và những hàng cây đổ xuống để cản đường xe tăng của chúng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #11 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 03:52:47 pm »

Địch tấn công ngày một mạnh. Bọn phát-xít vội vã. Chúng như ngựa bị quất lồng lên khi thấy đô thành lớn đã ở ngay trước mặt, và vì những lời quả quyết của Hitle rằng việc chấm dứt chiến sự tùy thuộc vào việc chiếm nhanh được Lêningrat. Không kể gì đến thiệt hại, quân Đức tấn công đi tấn công lại các trận địa của bộ đội xô- viết.

Trong suốt 10 ngày đã diễn ra trận đánh dữ đội ở trên hướng Slixenbuôc. Tại đây, ở thượng nguồn sông Nêva, bộ tư lệnh Đức định hội quân với những đơn vị của Mannecgây đang tấn công Lêningrat từ phía bắc, để khép chặt vòng vây Lêningrat lại.

Các chiến sĩ của ta đã chiến đấu đũng cảm và ngoan cường. Sư đoàn của Bộ dân ủy Nội vụ(1), các phân đội thủy binh đánh bộ và các đơn vị biên phòng đã bảo vệ từng tấc đất một. Họ đã được các pháo thủ và các thủy binh của hạm đội nhỏ trong hồ Lađôga tích cực chi viện. Tuy vậy, họ đã không thể ngăn được các sư đoàn địch tiến đến bờ nam hồ Lađôga. Và ngày 8 tháng chín địch đã tràn vào Slixenbuôc.

Từ hôm đó, Lêningrat chỉ có thể liên lạc được với đất nước bằng đường thủy qua hồ Lađôga, hoặc bằng đường không. Tất các các đường khác đều đã bị cắt đứt.

Sau khi chiếm được Slixenbuôc, quân Đức đã định vượt sông Nêva bằng bè. Song các phân đội bộ đội và các đội tự vệ công nhân bảo vệ hữu ngạn con sông đã buộc chúng phải bỏ ý định ấy. Quân Đức cũng không gặp được quân Phần-lan Mannecgây đồng minh của chúng. Bọn này đã bị các đơn vị của tập đoàn quân 23 và hỏa lực của các pháo đài mạnh ở Crônstat chặn lại ở các sông Nêva mấy chục cây số.

Còn đám quân Phần-lan tiến vòng hồ Lađôga thì khi đó đã bị mắc kẹt ở eo Lađôga – Ônejơxcôe. Các đơn vị của tập đoàn quân 7 phòng ngự kiên cố, đã chặn đường tiến của chúng từ phía đông tới Lêningrat.

Từ sáng 9 tháng sáu, ở các cửa ngõ nam và tây-nam Lêningrat, các trận đánh lại diễn ra kịch liệt hơn.

Quân Đức tập trung một lực lượng rất lớn ở tây Gatchina và tiến theo hướng làng Craxnôê – Urixcơ – Lêningrat. Một cánh khác của địch từ phía nam Cômpinô đánh dọc theo đường Matxcơva. Với cuộc tấn công này, địch định công kích thẳng vào Lêningrat và hạ thành bằng đợt tổng công kích đó.

Chiều 8 tháng chín, không quân phát-xít đã đánh phá dữ dội Lêningrat. Chúng đã ném hơn 6 nghìn bom cháy, làm bùng nổ 178 đám cháy. Các đội cứu hỏa, các đội tự vệ và hàng nghìn công nhân viên chức đã lao vào vật lôn với lửa. Những trận oanh tác thành phố còn tiếp tục trong những ngày sau. Dã man hơn nữa, quân thù đã chọn những khu nhà ở đông đúc nhất, để trả thù nhân dân Lêningrat về những thất bại của chúng ngoài mặt trận.

Thế mà tình hình của quân Đức, tuy rằng chúng đã tới được vịnh Phần-lan ở vùng Xtrenna và đến được vùng ngoại thành phía nam Lêningrat vẫn không phải là sáng sủa gì lắm. Mục đích cơ bản của cuộc tấn công vẫn như trước: chưa đạt được. Chúng đã định bằng một cuộc tổng công kích ngắn ngủi mà lấy được thành phố, nhưng không xong; trận đánh đã đẩy đưa kéo dài. Dọc đường tới Lêningrat và ở quan thành, tới cuối tháng chín, đã có 17 vạn quân quan địch phải phơi thây. Địch đã mất hàng nghìn đại bác, hàng trăm chiến xa và phi cơ, rất nhiều liên thanh và vũ khí khác.

Quân phát-xít đã tấn công điên cuồng lên cao điểm Puncôvô. Chúng đã tập trung ở hướng này một lực lượng tăng rất lớn và tới 2 sư bộ binh, hòng bằng con đường ngắn nhất chọc thẳng vào Lêningrat. Suốt hai tuần liền, các đợt công kích nối tiếp nhau không ngớt, song lần nào quân địch cũng buộc phải rút lui, để lại trên sườn đồi phía nam hàng trăm xác chết.

Địch cũng đã tấn công liên miên như thế vào các ga xe lửa Ligôvô và Urixcơ. Từ những nơi này, chúng đã nhìn thấy rõ Lêningrat. Thành phố có thể nói là đã ở trong tầm tay với tới được. Điều đó đã kích thích bọn phát-xít tợn. Trận đánh đã diễn ra cực kỳ ác liệt. Ga Ligôvô đã mấy lần ta và địch chiếm đi chiếm lại. Cuối cùng, bọn phát-xít đã chiếm được các địa điểm đó, song chúng đã không thể tiến xa được hơn nữa. Đài kỷ niệm dựng lên hiện nay ở ngã ba đường đi về Pêtegôf và Làng Craxnôê, đánh dấu chỗ này là nơi các chiến sĩ xô-viết đã chặn quân phát-xít lại, không cho chúng tiến đến Lêningrat.

Bị thất bại ở Urixcơ, quân Đức đã lao vào hướng khác. Tập trung một lực lượng bộ binh và chiến xa rất lớn, chúng quyết định đột phá vào Lêningrat qua Puskin. Sau rất nhiều đợt công kích và đánh phá dữ dội của không quân, địch đã đột nhập được vào phần phía bắc của thành phố Puskin. Song chúng đã không thể phát triển tấn công được nữa. Hỏa lực mãnh liệt của bộ đội phòng ngự tuyến này đã buộc địch cả hướng này nữa cũng phải quay sang thế thủ.

Những cố gắng của địch hòng tiến vào Lêningrat qua phía Cônpinô cũng không đạt được kết quả. Bộ đội và công nhân ở Ijora đã đánh bật tất cả các đợt công kích của địch, biến Côpinô thành một pháo đài bất khả xâm phạm.

Trong cuộc chiến đấu để giữ Cônpinô, tiểu đoàn tình nguyện Ijora – mà khi đó cũng đã nổi tiếng rồi – đã tỏ ra vô cùng gan dạ và dũng cảm. Gồm toàn công nhân nhà máy, mà nhiều người lần đầu tiên mới cầm súng trong tay, tiểu đoàn không những đã kiên cường giữ vững trận địa phòng ngự của mình, mà còn giáng cho địch nhiều đòn nên thân. Trong đêm 16 rạng ngày 17 tháng chín, cùng với các đơn vị khác, tiểu đoàn Ijora đã quét sạch địch ra khỏi ngoại ô Cônpinô, tổng cổ chúng về phía nam. Các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã dũng mãnh quần nhau với quân thù. Để lại hàng trăm xác chết và hàng chục xác xe tăng, quân Đức thế là cũng không tiến lên được ở hướng này.


(1) Bộ dân ủy Nội vụ Liên-xô phụ trách bảo vệ trật tự trị an trong nước, bảo vệ sở hữu xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo các cơ quan đăng ký việc hộ, v.v... Sau khi thành lập Bộ Nội vụ Liên-xô thì các chức trách này do Bộ Nội vụ đảm nhiệm. – B.T.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #12 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 03:58:23 pm »

Trong khi các chiến sĩ bộ binh, xe tăng và pháo binh đánh bật các đợt tấn công của quân phát-xít cố sống cố chết tiến tới Lêningrat, thì các phi công ra sức bảo vệ thành phố từ trên không. Mỗi ngày họ giao chiến với không quân địch nhiều lần và hầu như ngày nào cũng đánh phá các sân bay địch.

Trong những ngày đó, phi công khu trục hầu như không có nghỉ ngơi. Họ tuần tiễu trên thành phố, che chở cho bộ đội dưới mặt đất chống lại với không quân địch, tấn công tiền duyên của địch và bắn phá các sân bay địch. Chỉ riêng trong một tháng – từ 15 tháng tám đến 15 tháng chín – không quân của Mặt trận Lêningrat đã tiến hành mấy trăm lượt chiếc xuất kích. Trong những trận ở cửa ngõ gần vào Lêningrat, bọn phát-xít đã mất trong tháng đó 505 máy bay, trong số có 299 chiếc bị không quân ta ta hạ trong các trận không chiến và 206 chiếc bị diệt trên phi trường.

Cùng với lục quân và không quân, hạm đội Bantich Cờ đỏ cũng đã tích cự tham gia tác chiến ở quanh Lêningrat. Hơn 8 vạn thủy binh của hạm đội này đã rời tàu chiến xuống bộ chiến đấu sát cánh với các chiến sĩ bộ binh, xe tăng, pháo binh. Còn những người ở lại trên hạm tàu thì đã dùng hỏa lực pháo binh chi viện cho các đơn vị chiến đấu với quân phát-xít ở bờ vịnh Phần-lan.

Cuộc chiến đấu đẫm máu ở quanh thành Lêningrat vẫn tiếp diễn hầu suốt tháng chín. Bằng những trận ném bom dã man, quân thù hòng khủng bố tinh thần của dân thường. Và đôi lúc tưởng chừng không có sức nào có thể ngăn chặn sự tấn đánh ồ ạt của những đoàn thiết giáp phát-xít.

Những trận kịch chiến sống mái, mà cả hai bên đều dốc hết sức ra, thật không thể nào tả được bằng lời. Quân Đức đã đổ xuống các trận địa của bộ đội xô-viết hàng nghìn, hàng nghìn mìn và trái phá, đã tung ra hết đợt không quân này đến đợt không quân khác, đã giáng liên tiếp những đòn bằng xe tăng, song chúng vẫn không sao bẻ gãy được sức đề kháng của các chiến sĩ bảo vệ thành phố. Những loạt pháo chính xác của quân ta đã làm cho các chiến xa phát-xít đã từng xông xáo mãnh liệt ở các nước châu Âu, phải tan xác; đại bác và súng máy của chúng tung lên không trung. Xác bọn xâm lược phủ đầy mặt đất.

Quân phát-xít Đức lấn được tới chân thành Lêningrat, đã buộc phải dừng lại. Đến ngày 26 tháng chín thì rõ là quân Đức trên khắp mặt trận ở phía nam Lêningrat đang đào chiến hào toàn thân. Quân thù tìm cách rúc vào lòng đất.

Thế là Quân đội Xô-viết và nhân dân Lêningrat đã phá vỡ kế hoạch của bộ tư lệnh phát-xít. Với sự ủng hộ của toàn dân Liên-xô, họ đã chặn đứng cuộc tấn công điên cuồng của bày rợ phát-xít và đã giữ vững thành phố Lênin. Hitle đã buộc phải đổi thời hạn chiếm thành phố là ngày 1 tháng tám sang ngày 15 tháng tám, sau đó lại lùi lại ngày 1 tháng chín. Và cuối cùng, điều mà chính bộ Tổng tư lệnh Hitle cũng không sao ngờ tới, là chúng đã phải hoàn toàn từ bỏ việc đánh chiếm Lêningrat.

Chiến tuyến mà quân Đức đã không thể nào vượt qua được và sau này đã trở thành tuyến xuất phát tấn công thắng lợi của Quân đội xô-viết, chạy dài tới phía bắc và phía nam Lêningrat, đông dựa vào hồ Lađôga và tây dựa vào vịnh Phần-lan.

Ở phía bắc thành phố, tại eo Carêli, mặt trận đã ổn định lại theo tuyến nam Tappari – Vôxkêlôvô – Bêlôôxtrôp – Xextnôrexcơ. Tuyến này do tập đoàn quân 23 phòng thủ.

Ở mạn nam Lêningrat, tuyến mặt trận chạy từ vịnh Phần-lan qua ngoại ô ở bắc Urixcơ, qua Puncôvô, Puskin, nam Cômpinô, Uxti-Tôxnô và tiếp theo, dọc hữu ngạn sông Nêva cho đến Slitxembuôc (Pêtrôcrêpôx). Đoạn chiến tuyến từ vịnh Phần-lan đến đường sắt Vitepxcơ do tập đoàn quân 42 phụ trách. Dọc hữu ngạn sông Nêva, từ Uxti-Tôxnô đến Slitxenbuôc là trận địa phòng ngự của các đơn vị gọi chung là tập đoàn chiến dịch Nêva.

Các binh đoàn trong tập đoàn quân 8 cùng với các đơn vị phòng ngự trên bờ của hạm đội Bantich và bộ đội đã rút từ tuyến Kinghixep về, phụ trách giữ một bàn đạp không lớn dọc vịnh Phần-lan, phía tây Oranienbaum. Mảnh đất nhỏ này, nhân dân Lêningrat gọi là đất Oranienbaum, hay là bàn đạp Primoocxcôi, và các đơn vị phòng ngự ở đó được gọi chung là tập đoàn chiến dịch Primoocxcôi.

Tập đoàn quân 54 của Mặt trận Lêningrat ở ngoài vòng vây, trên “Đất liền”, phụ trách phòng thủ theo tuyến Lipca – đông Mơga và tiếp theo, dọc đường sắt Mơga – Kirisi, đối diện với quân địch đóng ở Mơga và ở giáp Slitxenbuôc.

Buộc quân phát-xít phải chuyển sang phòng ngự, các chiến sĩ bảo vệ Lêningrat đã giam chân một đạo quân không lồ của địch – gần 35 sư đoàn tinh nhuệ - nằm bẹp ở chân thành Lêningrat.

Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #13 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 03:59:26 pm »

TRONG VÒNG VÂY HÃM CỦA ĐỊCH

Sự kiện là một vật bướng bỉnh. Việc các chiến sĩ xô-viết đã bằng sức mạnh chiến đấu của mình, và nhân dân Lêningrat bằng sức đề kháng anh dũng của mình, bắt quân địch phải dừng lại trước thành phố vĩ đại hồi cuối tháng chín 1941 – đó là một sự kiện không thể bác bỏ được. Song, trong số những học giả nước ngoài nghiên cứu về cuộc phòng thủ Lêningrat anh dũng chưa từng có, vẫn có kẻ xuyên tạc sự thật một cách thô bỉ. Những kẻ này dèm pha vu khống thành phố anh hùng và các chiến sĩ dũng cảm, ngoan cường đã bảo vệ nó.

Chẳng hạn, Lêông Guaxơ, trong cuốn “Cuộc vây hãm thành Lêningrat” in ra năm 1962, đã khẳng định không phải bộ đội Liên-xô đã bắt quân phát-xít Đức phải dừng lại trước chân thành Lêningrat, mà là… “lòng nhân đạo” của Hitle đối với dân cư thành phố này, những người mà hình như “tiêu diệt đi cũng chẳng được, mà nuôi sống cũng chẳng xong”. Guaxơ viết: “Điều này tựa hồ như là một trong những sự ngược đời nhất của cuộc đại chiến thứ hai, rằng chính Hitle chịu trách nhiệm về việc thành phố đã được cứu khỏi bị xâm chiếm… Hitle đã quyết định không chiếm lấy thành phố khi mà đax có cơ thắng nhất”.

Thật là nói lá hết chỗ nói! Bọn phát-xít chẳng phải đã nghĩ đến chuyện làm thế nào để nuôi dân cư Lêningrat, mà là làm thế nào để tiêu diệt họ và san bằng thành phố khỏi mặt đất. Trong một bản mệnh lệnh mật “Về tương lại của thành phố Pêtecbua”, đề ngày 22 tháng chín 1941, chúng đã viết rằng: “Nếu do tình thế ở trong thành phố xảy ra mà có đề nghị xin hàng, thì cũng kiên quyết bác…”. Điều đó cũng được nhắc lại trong bản huấn lệnh ngày 7 tháng mười 1941 của chúng, trong đó nói trắng ra rằng “không được tiếp nhận sự đầu hàng của Lêningrat, cũng như sau này của Matxcơva”.

Đó không phải là những lời tuyên bố ngẫu nhiên của bọn sói lang phát-xít, mà là đường lối chung của bọn thủ lĩnh nước Đức Hitle. Chính bởi đường lối đó mà hàng triệu đàn ông và phụ nữ, người già và trẻ em đã bị bọn phát-xít tiêu diệt trong những vùng chúng chiếm đóng, bị hành hạ đến chết trong các trại tập trung và bị đốt cháy trong các lò thiêu người Oxvensim và Maiđanêch.

Thế mà sau những sự kiện đó, Lêông Guarơ còn cả gan viết về Hitle như là cứu tinh của Lêningrat! Thậm chí bọn phát-xít cũng chả dám nói lên một điều quá ư vô lý đến thế. Kể cả đại tướng Manstêin là kẻ đã phải điêu đứng trong cuộc công phá Lêningrat, kể cả viên tướng cũ của Hitle – Cuôctơ Tippenxkiêc – là kẻ đã cho ra một pho sách dày cộp về lịch sử đại chiến thứ hai, cũng đều không có một lời nào dám nói như vậy. Trais lại, bọn này đã tìm đủ mọi cách đổ lỗi cho Hitle về việc quân phát-xít đã bị tiêu diệt ở quanh Lêningrat. Song cả họ nữa cũng không có lý. Vị cứu tinh thực sự của Lêningrat là nhân dân Liên-xô, là các chiến sĩ Hồng quân, là những người dân Lêningrat.

Không còn hy vọng vào việc chiếm lấy Lêningrat bằng một cuộc công thành, bộ tư lệnh quân phát-xít Đức đã quay ra dùng cách vây hãm hòng đè bẹp sức kháng cự của những người bảo vệ thành phố. Chúng đã trông mong vào nạn đói, vào những cuộc pháo kích và oanh tacj. Kế hoạch man rợ nhằm tiêu hủy thành phố và bắn giết dân cư đã được chúng thực hiện ngay từ khi chúng còn hy vọng chiếm thành phố bằng một cuộc công thành. Ngày 4 tháng chín, quân Đức đã dùng trọng pháo tầm xa đặt ở vùng Tôxnô bắn loạt đầu tiên vào Lêningrat. Sau khi tiến được tới ngoại thành phía nam thành phố, chúng đã dùng thêm trọng pháo dã chiến để bắn phá thành phố. Hằng ngày, không quân địch oanh tạc Lêningrat.

Những cuộc oanh tạc của không quân và bắn phá của trọng pháo địch đã giết hại nhân dân, tiêu hủy những kiệt tác của trí tuệ con người, phá hủy nhà ở và nhà máy. Đối với bọn phát-xít thì không có gì là thiêng liêng cả. Chúng đã độc ác và ngu xuấn rắc bom bừa bãi, không kể đó là nhà máy hay bệnh viện, chỉ huy sở hay vườn trẻ, trận địa cao xạ hay viện bảo tàng.

Nhân dân Lêningrat đã đáp lại các cuộc oanh tạc và pháo kích dã man của quân thù bằng tính tổ chức ngày càng tăng. Hàng vạn người đã gia nhập các nhóm tự vệ. Người ta cũng cố gắng gấp bội trong công tác nhằm củng cố hơn nữa sức phòng thủ của thành phố. Trong một thời gian nắn, tiền duyên ở tuyến Urixcơ – Puncôvô – Cônpinô đã được củng cố bằng những công trình công binh kiên cố. Dọc đoạn đường sắt Ôcrujơnaia, một giải phòng ngự thứ hai đã được lập ra và giải phòng ngự thứ ba thì đã được củng cố - giải này bao quanh ngoại ô của thành phố. Còn bản thân thành phố thì chia thành sáu khu phòng ngự: Kirôp, Matxcơva, Vôlôđacxki, Primooocxki, Vưboocxki và Cận vệ đỏ, mỗi khu này có chừng mười lăm tiểu đoàn địa phương. Tổng cộng trong sáu khu của thành phố, đã lập ra 99 tiểu đoàn địa phương.

Để bảo vệ thành phố, khi cần đến còn huy động công an thành phố, bộ đội của Bộ dân ủy Nội vụ, các đội cứu hỏa và các đơn vị công nhân.

Ở các đường phố, các quảng trường và các công viên, người ta đã dựng thêm những chiến lũy mới, cấu trúc thêm những hỏa điểm và những ụ súng. Các hầm nhà đã được sửa sang để làm nơi trú ẩn phòng không và phòng pháo kích. Những mục tiêu quan trọng, những tòa nhà có giá trị lịch sử và các tượng đài kỷ niệm đã được ngụy trang kỹ lưỡng.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #14 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:00:23 pm »

Lực lượng phòng không của Lêningrat cũng được tăng cường. Theo quyết định của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước, tất cả các lực lượng và phương tiện phòng không trong khu vực Mặt trận Lêningrat, kể cả các lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ con đường thủy qua hồ Lađôga và các con đường sắt đi tới hồ đó, đều trực thuộc Hội đồng quân sự Mặt trận Lêningrat. Lực lượng chính của không quân khu vực trực thuộc lực lượng phòng không được dùng vào việc đánh chặn không quân địch đến oanh tạc thành phố. Ở các vùng ngoại ô thành phố, trên các chiến hạm và các xà lan đậu ở vịnh Phần-lan, trên các công viên và các quảng trường ở trong thành phố đều có các tiểu đoàn và trung đoàn pháo cao xạ bố trí trận địa hỏa lực. Cứ tối đến, các khinh khí cầu phòng không lại bay lên bầu trời, và ở nhiều nơi trong thành phố các ngọn đèn pha lại rạch màn đêm bằng những tia sáng xanh.

Trong cuộc chiến đấu chống không quân địch đã có hàng trăm chiến sĩ và cán bộ chỉ huy – không quân, cao xạ, bộ đội đèn pha, bộ đội khinh khí cầu – nêu gương dũng cảm. Không có một chuyến nào của không quân địch đột nhập vào thành phố mà không bị trừng phạt. Trong một trận không chiến ban đêm, khi phi công A. T. Xêvaxitanôp đã bắn hết đạn, đồng chí đã dùng máy bay của mình đâm vào máy bay địch đang bỏ chạy. Trong lịch sử không quân, đó là vụ đâm máy bay ban đêm đầu tiên.

Lực lượng phòng không của thành phố cứ mỗi ngày lại lớn mạnh và hoạt động tích cực. Bọn phát-xít đã phải trả mỗi cuộc tấn công vào thành phố bằng một giá đắt. Chỉ riêng trong tháng chín, 318 phi cơ địch đã bị hạ. Các chiến sĩ bảo vệ bầu trời Lêningrat – phi công và pháo thủ cao xạ - đã làm cho bọn phát-xít mất thói đánh phá Lêningrat bị bao vây bằng những chuyến bay tập trung đông phi cơ hàng loạt. Bị thiệt hại đau, không quân địch đã buộc phải chuyển sang hoạt động bằng những tốp phi cơ nhỏ, và chủ yếu là hoạt động về ban đêm.

Chống lại với pháo tầm xa của địch có phần phức tạp hơn. Ta không đủ trọng pháo. Nhân dân Lêningrat lúc đầu lại không biết phòng tránh pháo địch. Còn bọn phát-xít lại cứ nhè những chỗ đông người nhất mà tập kích. Nên trong những ngày đầu, đã có rất nhiều người bị thiệt mạng. Có khi chỉ một quả trái phá mà đến vài chục người bị thương vong.

Nhiều biện pháp đã được thi hành để bảo vệ nhân dân thành phố khỏi pháo kích. Trong các vườn và các công viên, trong các sân nhà và các phân xưởng của các xí nghiệp, người ta đã đào các hào để tránh đạn đại bác. Trên các tường nhà, có kẻ lời chỉ dẫn: “Đồng bào! Khi bị pháo kích thì bên này là đường phố nguy hiểm hơn cả”. Nhân dân ở các khu phố Kirôp và Matxcơva, giáp mặt trận, được tản cư vào trong những khu phố ít bị bắn phá hơn.

Một đoàn phản pháo đã được tổ chức ra để chống lại với pháo binh địch tập kích vào Lêningrat. Đoàn này gồm có những tiểu đoàn và trung đoàn trọng pháo của mặt trận và pháo của hạm đội Bantich. Bằng những đòn chính xác, các pháo thủ Liên-xô đã gây cho pháo địch nhiều thiệt hại nặng. Họ đã theo dõi sát sự di chuyển của mỗi khẩu pháo Đức và đã chủ động giáng đòn đầu tiên vào vị trí quân thù.

Cường độ pháo kích của địch do đó đã giảm đi một cách rõ rệt. Tuy nhiên pháo của quân bảo vệ thành phố đã không có đủ ưu thế cần thiết để bắt pháo địch phải câm họng. Nên trái phá địch vẫn tiếp tục nổ ở trên đường phố và quảng trường Lêningrat, reo chết chóc.

Nguy hiểm hơn cả các cuộc oanh tạc và pháo kích là nạn đói. Dự trữ lương thực đã hầu cạn. Còn việc chở tới thì, sau khi địch chiếm được Slitxenbuôc, đã hầu như bị ngừng hẳn. Con đường duy nhất thông với đất nước – thông qua hồ Lađôga – lại không được tiện lợi và không chở được là bao, so với nhu cầu của thành phố và mặt trận.

Ngay từ 2 tháng chín, Ủy ban Xô-viết Lêningrat đã buộc phải giảm bớt tiêu chuẩn cấp phát bánh mì cho nhân dân. Mười ngày sau – 12 tháng chín – khẩu phần bánh mì lại phải giảm bớt đi nữa. kể từ ngày đó, công nhân được lĩnh mỗi người một ngày 500 gam, viên chức và trẻ em: 300 gam, còn những miệng ăn khác trong gia đình: 250 gam. Tất cả các kho lương thực đều được kiểm kê chặt chẽ. Người ta đã thi hành nhiều biện pháp để tiết kiệm thực phẩm, để tìm ra những nguồn thức ăn phụ. Người ta đã pha thêm vào bột mì thứ lúa mạch thường cho ngựa ăn, bã kho dầu hạt bông và thậm chí cả chất xenluylô đã được đặc biệt chế biến thành thực phẩm.

Mặt khác, nhiều biện pháp đã được thi hành để chuyên chở tới thành phố lương thực và những thứ khác, tối cần thiết cho đời sống nhân dân và bộ đội. Người ta đã cấp tốc xây dựng một bến cảng trên bờ tây hồ Lađôga, ở vịnh Oxinôvet, để nhận hàng tiếp tế. Từ bờ đông hồ Lađôga, ngày và đêm, trong mưa gió và bão táp, quần nhau với không quân địch, các tàu chiến đấu hạm đội nhỏ ở hồ Lađôga, đã chở tới cảng này lương thực, đạn dược, nhiên liệu, và đã chở về hậu phương người, thiết bị công nghiệp quý giá.

Cuối thu, khi hồ Lađôga bắt đầu đóng băng, tàu bè không đi lại được, thì không quân vận tải đã đến chi viện cho thành phố bị bao vây. Chống trả các khu trục địch, các phi công đã bay liên tiếp nhiều chuyến cả ngày lẫn đêm, không kể thời tiết thế nào: mưa, tuyết mù mịt hay là mây thấp. Họ chở tới Lêningrat lương thực và thuốc men, khi quay về lại chở người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #15 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:03:18 pm »

Song khối lượng mà máy bay chở tới thật chẳng thấm tháp vào đâu, so với ngay cả nhu cầu tối thiểu của nhân dân và bộ đội. Nên khẩu phẩn bánh mì và các thứ thực phẩm khác lại phải rút xuống nữa. Cả bộ đội cũng phải ăn đói. Song cả cái đó lẫn những cuộc oanh tạc và pháo kích thành phố của quân thù, cả sự tuyên truyền lừa bịp của bọn phát-xít đều không thể làm cho những người xô-viết nản chí được. Cuộc bao vây phong tỏa đã không đem lại cho quân phát-xít kết quả mong muốn. Lêningrat không hàng phục. Nhân dân Lêningrat tin rằng Đảng cộng sản và Chính phủ xô-viết, cùng toàn thể đất nước, sẽ không bỏ họ trong cơn hoạn nạn; và lòng tin ấy đã tăng thêm sức mạnh cho họ. Họ đã chịu đựng mọi gian khổ hy sinh của cảnh bị bao vây với một lòng dũng cảm phi thường. Ngày nào, công nhân cũng đứng máy để rèn ra vũ khí. Xong việc, họ lại cầm lấy khẩu súng trường hoặc nằm bên súng máy tập bắn.

Bộ đội Mặt trận Lêningrat và thủy binh của hạm đội Bantich đã tích cực tiến hành phòng ngự. Họ không chờ được giải vây mà chính mình tích cực đánh địch.

Ngày 20 tháng chín năm 1941, các đơn vị của các sư đoàn bộ binh 115, 86, và của lữ đoàn thủy binh 4 cùng các binh đoàn khác trong tập đoàn chiến dịch Nêva đã vượt sông Nêva ở vùng Nepxcaia Dubrôpca và chiếm được một bàn đạp nhỏ ở tả ngạn sông này, gần Matxcôpxcaia Đubrôpca. Những trận ác liệt đã diễn ra ở đây nhiều tháng ròng. Song quân ta đã không mở rộng được bàn đạp và phát triển tấn công vào tung thâm địch, vì không đủ lực lượng. Trong khi giữ vững mẩu đất đã giành được của quân địch đó, các chiến sĩ xô-viết đã tỏ ra gan dạ, ngoan cường và anh dũng tuyệt vời. Họ đã chống chọi lại với nhiều đợt tấn công của bộ binh và xe tăng, với những đòn mãnh liệt nhất của pháo binh và không quân địch, và đã gây cho bọn phát-xít nhiều thiệt hại.

Quân thù cũng không được yên ổn cả ở các hướng khác. Bộ đội và thủy binh ta, khi ở chỗ này khi ở chỗ khác, đã tích cực mở những đợt công kích cục bộ, tập kích sâu táo bạo vào trong lòng địch, làm cho bọn phát-xít luôn luôn căng thẳng.

Ngọn lửa chiến tranh giải phóng toàn dân trong vùng đất đai bị địch chiếm đóng, thuộc tỉnh Lêningrat, cũng ngày càng lan rộng. Trong những cánh rừng từ hồ Inmen đến nam ngoại thành Lêningrat, vào mùa đông 1941-1943, đã có đến mấy chục chi đội du kích hoạt động. Các dội này đã tiêu diệt nhiều đồn trại của địch, phá hủy đường dây điện thoại của chúng, đánh đổ các cầu xe lửa, đốt phá kho tàng.

Để đối phó với du kích, quân địch đã phải rút bớt một lực lượng quan trọng ở mặt trận đi. Không đạt được kết quả trong cuộc chiến đấu trực diện, bọn phát-xít đã dùng đến thủ đoạn phao tin đồn nhảm về tình hình ngoài mặt trận, rồi báo và truyền đơn khoác lác về “chiến công” của chúng và về “tình thế tuyệt vọng” của Lêningrat và của Liên-xô.

Song nhân dân ta đã một lòng tin tưởng ở thắng lợi và đã không chịu mắc mưu khiêu khích và dụ dỗ của kẻ thù. Một hôm, một chi đội du kích đọc thấy trong một tờ báo Đức thông báo rằng chúng đã chiếm được Lêningrat, họ bèn ghi trong biên bản cuộc họp bất thường như sau:

“Được nghe: thông báo trong báo của bọn phát-xít nói rằng chúng đã chiếm được Lêningrat.

Quyết nghị: chúng tôi cho rằng Lêningrat không bị chiếm và không bao giờ có thể bị chiếm được”.

Để bắt bộ đội và nhân dân Lêningrat đình chỉ kháng chiến, bọn phát-xít đã quyết định cắt đứt con đường cuối cùng, qua hồ Lađôga, nối liền thành phố bị bao vây với đất nước, và hoàn toàn vây chặt thành phố lại. Ngày 16 tháng mười, chúng đã tung ra 2 quân đoàn và một lực lượng không quân quan trọng. Từ vùng Chuđôvô, quân đoàn môtơ hóa 39 của tướng Smit, đã được bổ sung và tăng cường thêm xe tăng, đã tiến về hướng Buđôgôx, Tikhơvin và tiếp theo đến sông Xvia nhằm bắt liên lạc với quân Phần-lan. Còn các sư đoàn của quân đoàn 1 trong tập đoàn quân thì tiến theo hai bờ sông Vônkhôp về hướng đầu mối đường sắt Vônkhôp, nhằm đích cuối cùng là bờ đông hồ Lađôga. Đồng thời bộ tư lệnh Đức cũng cho một số đơn vị nữa tiến về Visêra Nhỏ và Bôlôgôe, nhằm đón mũi tiến cánh trái của phương diện quân “Trung”, mũi này sau khi đã chiếm được thành phố Calinin giờ đây sắp tấn công đến Visnii Vôlôtsêc.

Thế là trên đất đai Lêningrat, tiếng sắt thép của binh khí kỹ thuật của giặc lại ầm ầm nổi lên. Sông Vônkhôp và những cánh đồng, những giải rừng kế cận lại vang lên tiếng động cơ, tiếng sấm sét của các loạt pháo và tiếng ròn đanh của các khẩu súng máy và tiểu liên.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #16 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:06:34 pm »

CHIẾN THẮNG LỚN ĐẦU TIÊN TRÊN MẶT TRẬN LÊNINGRAT

Từ khi quân Đức bắt đầu tấn công, Tikhơvin – một thị trấn nhỏ, cách Lêningrat về phía đông 180 cây số - đã trở nên đặc biệt quan trọng. Đây là nơi con đường sắt cuối cùng chở hàng tới bờ nam hồ Lagôđa để tiếp tế cho Lêningrat chạy qua. Đây cũng là nơi mà quân phát-xít Đức muốn hội quân với quân Phần-lan phải đi qua.

Bọn phát-xít rất vội vã, vì mùa đông đã sắp tới. Chúng không tiếc sức, đưa vào chiến đấu nhiều đơn vị môtơ hóa và tăng mới, và rất nhiều không quân. Cũng như trong các chiến dịch trước, bộ tư lệnh Đức trông mong vào quả đấm thiết giáp để chọc thủng hàng phòng ngự của bộ đội xô-viết và mở đường cho chúng tiến đến Tikhơvin, rồi sau đó đến sông Xvia. Nhưng bộ đội ta phòng ngự ở Vsêra Nhỏ và Buđôgôx (những địa điểm này nằm trên đường đi Tikhơvin) đã sửa lại kế hoạch của địch một cách quan trọng. Bằng sự đề kháng ngoan cường, họ đã kìm các sư đoàn của địch lại trong hơn một tuần lễ. Lợi dụng các chướng ngại thiên nhiên có nhiều ở vùng này – sông ngòi, đầm lầy, rừng rậm – các đơn vị đã đánh trả lại địch rất quyết liệt. Tuy vậy, quân Đức cuối cùng vẫn tiến được đến Tikhơvin và ngày 8 tháng một thì chúng chiếm thị trấn này.

Gần như cùng một lúc ở hướng Vônkhôp địch cũng đã tiến được tới gần thành phố Vônkhôp và ga xe lửa Vôibôcalô. Chúng chỉ còn cách hơn 20 cây số một chút thì tới Lađôga Mới – địa điểm trên bờ nam hồ Lađôga, nơi chứa hàng để chuyển vào Lêningrat.

Sau khi chiếm được Tikhơvin, địch cố tiến lên phía bắc, tới sông Xvia, đâm vào sau lưng tập đoàn quân độc lập 7, và về phía đông, dọc đường sắt và đường ô tô, - tới Vôlôcđa. Chúng cố sao để hội quân với quân Phần-lan đang mắc kẹt ở bên sông Xvia thật nhanh, và như thế là khép chặt vòng vây lại.

Một nguy cơ ghê gớm đang đe dọa Lêningrat.

Tuyên tuyền phát-xít reo lên. “Bây giờ thì Lêningrat sẽ buộc phải đầu hàng mà quân lính Đức không cần phải đổ máu”, - báo chí Đức viết như vậy. Cả Hitle cũng lên giọng tiên tri. Phát biểu tại Muynich hôm quân Đức tiến vào Tikhơvin, hắn nói: “Tự Lêningrat sẽ phải dơ tay lên. Sớm muộn thì nó cũng thất thủ. Không một ai sẽ thoát khỏi, không một ai có thể lọt qua được các tuyến đã được lập ra, - Lêningrat sẽ phải chết đói”.

Muốn phá vỡ vòng vây của địch và duy trì được đường tiếp tế cho Lêningrat, thì cần phải, đặ biệt là, lấy lại Tikhơvin ở trong tay quân địch và sau đó phát triển tấn công về tây-bắc. Đơn vị gần nhất đã chặn địch lại, là tập đoàn quân độc lập 7 đang án ngữ ở bên sông Xvia. Và tác giả những dòng này, khi đó chỉ huy tập đoàn quân 7, đã nhận được lệnh lâm thời chỉ huy cả tập đoàn quân 4 đang rút lui trên hướng Tikhơvin. Trước khi đáp máy bay đến tập đoàn quân 4, tôi đã ra lệnh đưa tất cả các lực lượng dự bị của tập đoàn quân 7 tiến ngay ra tăng viện cho các đơn vị đang kìm địch ở tây-bắc Tikhơvin.

Trời đã tối, khi máy bay chúng tôi chạm bánh xuống đường đậu của sân bay và vừa làm tung tóe tuyết lên, nó vừa lắn tới chỗ đậu. Sân bay vắng tanh. Sau lưng tôi, có tiếng nói:

- Có phải đúng phi trường mà ta định xuống đây không? – có ai đó thắc mắc hỏi.

- Phải đấy, phải đấy, - tôi làm yên lòng các đồng chí cùng đi, khi thấy một thiếu tá ăn vận binh phục không quân đang bước nhanh lại phía chúng tôi. Thiếu tá tự giới thiệu (đồng chí là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn phục vụ sân bay) và báo cáo rằng tiểu đoàn đã sẵn sàng để rút lui, còn sân bay thì sẽ phá đi.

Biết tin chúng tôi tới, các sĩ quan bắt đầu kéo đến nhà ăn, nơi người ta đã dẫn chúng tôi vào. Câu chuyện lúc đầu còn rời rạc. Những người chúng tôi hỏi chuyện chỉ trả lời nhát gừng, không sốt sắng bắt chuyện. Và khi thấy tôi nói địch sắp bị đánh lui khỏi Tikhơvin, thì một số mỉm cười có vẻ hoài nghi. Tôi nghĩ bụng: “Tình hình tư tưởng thật chẳng tốt gì. Rõ ràng là hoàn cảnh phái rút lui liên miên và tác chiến không thắng lợi đã làm cho một số người giảm mất lòng tin ở thắng lợi. Cần phải tạo ra một bước ngoặt. Và trước hết là phải nâng cao tinh thần chiến đấu của bộ đội”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #17 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:09:31 pm »

Vừa nghĩ như vậy, tôi vừa lắng nghe các sĩ quan dần dà cởi mở hơn trong câu chuyện. Hầu hết họ đều đã rút qua Tikhơvin. Song thành phố đã bị mất như thế nào, thì chẳng ai nói được cho ra đầu ra đũa. Cứ theo lời họ, thì thành phố đã bị địch bất ngờ chiếm lấy. Một số đơn vị và phân đội đã mất sự chỉ huy ngay từ khi còn chiến đấu ở các cửa ngõ Tikhơvin, đã rút qua thành phố mà không chịu dừng lại.

Ngày hôm sau, tôi đã gặp một số sư đoàn trưởng của các đơn vị rút lui. Theo lời họ thì đã chẳng có gì để chặn địch lại được, mỗi sư đoàn chỉ có hơn một nghìn quân, mà lại rời rạc, thiếu tổ chức, hoạt động lẻ tẻ từng phân đội một, thiếu một sự chỉ huy thống nhất. Ngoài ra các binh đoàn trong tập đoàn quân này đã bị yếu đi rất nhiều, thiếu vũ khí, đạn dược, quần áo ấm và thức ăn nóng.

Cùng với các tướng tá đi cùng với tôi đến tập đoàn quân này, chúng tôi bắt tay vào việc tổ chức chỉ huy và cung cấp cho bộ đội. Các sư đoàn trưởng được lệnh tập hợp các phân đội và bộ đội tản mác ở trên các ngả đường và trong các cánh rừng về những địa điểm tập trung, tại đây có tổ chức những chỗ nghỉ cho bộ đội, có thức ăn nóng, quân trang, đạn dược và thuốc men. Các cán bộ chính trị đã tiến hành sâu rộng công tác giải thích tình hình và nhiệm vụ.

Thế là các phân đội và bộ đội rút lui về hướng Xvia đã được củng cố thành các đơn vị có khả năng chiến đấu, và ngày 10 tháng một họ đã chặn lại được các mũi tăng của địch. Sang ngày 11 tháng một, cùng với đội dự bị của tập đoàn quân 7 (một lữ tăng và một trung đoàn bộ binh), họ đã tấn công trong hành tiến vào bọn quân địch đang tiến về Xvia và đã đánh bật chúng trở lại 12-13 cây số, về ngoại ô bắc Tikhơvin. Cả cánh quân địch tấn công về hướng Vôlôcđa cũng bị một số phận như vậy.

Bị đánh trả, quân phát-xít dồn về Tikhơvin và bắt đầu xây dựng phòng ngự xung quanh thành phố. Chúng cấp tốc dựng lên các chướng ngại công binh, trong các tòa nhà bằng đá chúng bố trí đại bác và súng máy, xây đắp các ụ súng và lô cốt, cài mìn dày đặc tất cả các lối vào thành phố.

Không có sức để tiếp tục tấn công, bộ tư lệnh phát-xít Đức quyết định sống chết giữ cho bằng được thành phố Tikhơvin để do đó mà tăng cường được việc phong tỏa Lêningrat.

Mất Tikhơvin đã làm cho đường tiếp tế Lêningrat bị một đòn nặng nề và đã gây nhiều thiệt hại cho quân ta phòng ngự. Các đoàn xe lửa chở lương thực bây giờ phải đỗ lại ở ga nhỏ Zaborie, cách Vônkhôp 160 cây số. Thế mà trước mắt lại không thể tổ chức ngay việc chuyển tiếp bằng ô tô. Vì ở vùng này, ngoài đường rừng và đường làng ra, không có một đường cái nào cả. Trong khi đó, dự trữ bộ mì ở Lêningrat đã sắp cạn.

Do đó, việc giải phóng vùng Tikhơvin đã trở nên một vấn đề cấp thiết. Đó là vấn đề sống còn đối với Lêningrat và Mặt trận Lêningrat. Nhưng chuyển ngay sang tấn công quyết liệt thì ta lại không có lực lượng. Tập đoàn quân 4, tuy đã chặn lại được bước tiến tiếp tục của giặc, nhưng phát triển tấn công để giành lại ngay Tikhơvin thì không đủ sức.

Nên khi nhận được bổ sung, chúng tôi trước hết đã dùng vào việc củng cố cho các đơn vị đã bị hao hụt quá nhiều của tập đoàn quân 4, trang bị cho họ vũ khí, đạn dược và cấp phát quân trang ấm cho chiến sĩ. Ngoài việc bổ sung bằng bộ đội chính quy ra, chúng tôi còn thành lập, bằng nguồn dự trữ của bản thân tập đoàn quân và cán bộ của Đảng và chính quyền địa phương, một lữ đoàn bộ binh nữa, gọi là lữ “lính lựu đạn” (vì phần lớn các phân đội trong lữ này lúc đầu chỉ được trang bị độc có lựu đạn; mà, như mọi người đều biết, hồi thế kỷ XVII-XVIII, người ta gọi lính ném lựu đạn là lính lựu đạn).

Đồng thời, Hội đồng quân sự Mặt trận Lêningrat đã tìm cách mở đường đưa lương thực đến Lêningrat. Đã đi tới một quyết định mạnh bạo là mở đường vòng Tikhơvin. Tới ngày 6 tháng chạp thì bộ đội và nông trang viên ở các làng lân cận đã hoàn thành một con đường dài 200 cây số, mà họ đã khởi công làm từ cuối tháng một. Song cũng chỉ sử dụng con đường này được có mấy ngày thôi. Vì bội đội ta, sau khi tiêu diệt quân phát-xít ở Tikhơvin, đã lấy lại được con đường sắt.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #18 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:11:22 pm »

Khi thấy các đơn vị ta bao quanh Tikhơvin tăng cường hoạt động, quân Đức đã tích cực chuẩn bị đề phòng. Chúng lại càng ra sức củng cố công sự trong thành phố và ở các địa điểm dân cư lân cận, và đưa viện binh tới. Trong những ngày 20 tháng một, bộ tư lệnh Đức đã vội vã điều tới vùng Tikhơvin sư bộ binh 61 từ Pháp sang. Việc điều quân này của địch đã không lọt qua mắt bộ tư lệnh xô-viết. Ta đã thi hành nhiều biện pháp làm cho sư địch không những di chuyển bị chậm trễ, mà còn bị thiệt hại khá. Sư 61 của địch mãi mới tới được Tikhơvin và đã bị sứt mẻ nặng. Tuy thế, cụm quân địch đóng ở Tikhơvin đã được tăng cường và bây giờ lên tới 5 sư đoàn cả thảy. Ngoài ra, vào những lúc khác nhau, chúng cũng đã tăng viện đến đây một trung đoàn bộ binh, hai tiểu đoàn cầu đường, một tiểu đoàn vận tải và một số đơn vị khác nữa.

Các lực lượng của tập đoàn quân 4 cũng đã lớn mạnh lên. Nó đã được bổ sung thêm sư bộ binh 65 đang xung sức của đại tá P. K. Côsêvôi, hai tiêu đoàn tăng và một số đơn vị khác. Điều đó đã cho phép tạo ra một ưu thế tương đối hơn địch về bộ binh, đại bác và súng cối, tuy vẫn còn thua chúng về xe tăng. Mặt khác, tập đoàn quân 4 vẫn còn thiếu nhiều đạn dược, không đủ súng máy và một số trang bị khác. Sau hết, tổ chức của tập đoàn quân bị sộc sệch trong chuyến rút lui vừa qua, vẫn chưa được chấn chỉnh hẳn hoi.

Để khắc được tất cả những thiếu sót đó, thì cần phải có thời gian. Thế mà thời gian thì lại không có. Tình hình nghiêm trọng ở Lêningrat và những sự thúc giục của Bộ Tổng tư lệnh đòi phải mau chóng giải phóng Tikhơvin đã buộc phải tích cực chuyển sang phản công. Và ngày 19 tháng một, tuy chưa hoàn toàn làm xong mọi việc chuẩn bị, tập đoàn quân 4 đã mở cuộc tấn công.

Cuộc tấn công này đã phát triển chậm chạp. Khắp nơi, các đơn vị trong tập đoàn quân đều vấp phải sự chống cự quyết liệt của địch. Trong những ngày đầu của cuộc phản công, trên khắp khu vực, hoạt động chiến đấu chủ yếu mang tính chất tạo ngộ chiến. Không đủ đạn cối và đại bác, nên nhiều khi bộ binh phải đánh vào các điểm tựa của địch, khi hệ thống hỏa lực của chúng vẫn chưa bị đè bẹp hoàn toàn.

Đặc biệt gay go là trận đánh ở Lazarêvich – cứ điểm phòng ngự kiên cố nhất của địch, ở tây Tikhơvin. Chỉ sau nhiều lần công kích và tiêu diệt hầu hết sinh lực địch ở đây, thì các phân đội trong sư bộ binh 44 của đại tá P. A. Actusencô mới lấy được cứ điểm đó. Quân địch đã đem hết sức ra để khôi phục lại tình thế. Cuộc chiến đấu để tranh đoạt Lazarêvich lại nổ ra dữ dội hơn. Quân Đức đã tung không quân và xe tăng ra. Sau khi tạo ra được một ưu thế quan trọng về người và vũ khí, chúng lại chiếm được Lazarêvich trong một thời gian ngắn.

Cuộc chiến đấu ở đông-nam ngoại vi Tikhơvin cũng diễn ra không kém phần gay go. Sư bộ binh 65 tấn công ở đây, sau khi chiếm được một số địa điểm dân cư, đã buộc phải dừng lại trước những công sự kiên cố của địch. Sư đoàn bèn chuyển hướng đánh vào ngoại ô nam thành phố, song ở đây cũng lại vấp phải sức kháng cự ngày càng mạnh của quân địch. Họ chỉ tiến được mấy trăm mét, rồi mấy ngày sau thì dừng lại hoàn toàn.

Cánh trái của tập đoàn quân đã tấn công có hiệu quả hơn. Các đơn vị ở cánh này tiến theo hướng tây-bắc để tạo ra một mối uy hiếp cho giao thông của địch. Song chẳng bao lâu cả ở đây nữa, địch cũng hoạt động mạnh lên.

Quân Đức ngày càng phản kích lại. rõ ràng là chúng muốn cướp lại quyền chủ động đã mất và củng cố tình thế của chúng đang bị lung lay. Song, do kết quả hoạt động tấn công, quân ta đã làm cho địch bị thiệt hại khá nặng và làm yếu cụm phòng ngự của địch ở Tikhơvin. Hỏa lực của pháo binh ta đã kiểm soát được một đoạn đường sắt dài ở tây Lazarêvich, làm cho quân Đức không thể di chuyển được từ Tikhơvin về phía tây. Quân địch chỉ còn có mỗi con đường ô tô chạy từ Tikhơvin đến Buđôgôx. Cần phải đánh chiếm con đường này. Đầu tháng chạp, ta tập trung cố gắng chính vào cánh trái của tập đoàn quân, ở vùng sông Xiaxi, nam Tikhơvin.

Từ sáng 5 tháng chạp, tập đoàn quân 4 lại tiếp tục tấn công. Đến cuối ngày hôm đó thì các đơn vị của tướng Ivanôp đã cắt ngang được đường ô tô Tikhơvin – Vônkhôp, của các đơn vị tấn công lên Tikhơvin từ phía nam thì, sau khi đã chiếm được một số địa điểm dân cư, đã tiến ra sát đường ô tô Tikhơvin – Buđôgôx.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #19 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:14:01 pm »

Cảm thấy nguy cơ bị bao vây, quân địch từ sáng 6 tháng chạp đã liên tiếp tiến hành nhiều đợt phản kích. Song quân phát-xít đã không thu được một kết quả nào.

Lần lượt, các điểm tựa của địch, che chở cho Tikhơvin từ đông-bắc, rơi vào tay bộ đội xô-viết. Bị thiệt hại nặng nề, địch đã buộc phải rút lui. Vòng vây các đơn vị Đức chiếm đóng Tikhơvin ngày càng thắt lại.

Trong đêm rạng ngày 9 tháng chạp, cuộc tổng công kích vào Tikhơvin bắt đầu. Gần 200 khẩu pháo nhất loạt nhả đạn vào trận địa địch. Không chịu nổi sức công phá của pháo binh và sức tấn công của bộ binh ta, địch bắt đầu rút lui, để lại hàng trăm xác chết, hàng chục xác tăng, đại bác và xe cộ. Đến sáng thì Tikhơvin được giải phóng. Trong chiến dịch Tikhơvin này, chỉ riêng bị chết địch đã mất hơn 7 nghìn binh lính và sĩ quan, và đã phải bỏ lại nhiều vũ khí và quân trang quân dụng.

Tàn binh của các sư đoàn phát-xít cố sống cố chết chạy về tây-nam, về phía Buđôgôx, và một phần về phía tây, về hướng Vônkhôp. Chúng vứt bỏ cả xe cộ đồ đạc, khí giới, đốt các kho lương thực, đạn dược và nhiên liệu, chạy cho mau. Song khắp nơi chúng đều bị đánh túi bụi. Không kể gì mệt nhọc, quân ta đã liên tục truy kích địch về hướng tây. Vượt qua đầm lầy và rừng rậm, lội trong tuyết sâu, đi tắt đón đầu quân địch một cách táo bạo, quân ta đã cắt ngang đường rút của địch và tiêu diệt chúng.

Trong khi đó thì sư đoàn cận vệ 4 thuộc cánh quân của tướng Iacôplep đã đánh bật quân Đức ra khỏi Xitômli và cắt ngang đường đi Buđôgôx. Cánh quân địch ở vùng này đã bị lọt vào vòng vây.

Những trận gay go đã diễn ra trong nhiều ngày, và quân ta đã thắng. Các đơn vị địch rút lui đã buộc phải đầu hàng hoặc trốn qua rừng chạy xuống tây-nam. Bộ đội ta truy kích đã lấy được của quân phát-xít nhiều ô tô, đại bác và súng máy, đã bắt được một số lớn tù binh, trong đó có cả một trung đoàn pháo của sư bộ binh 61.

Các đơn vị trong tập đoàn quân 54 Mặt trận Lêningrat cũng tấn công thắng lợi. Sau khi nhận được bổ sung từ Lêningrat, ngày 3 tháng chạp họ đã tấn công dọc tả ngạn sông Vônkhôp và đã bắt đầu đẩy quân địch về phía nam.

Ngày cũng như đêm, các đơn vị bộ binh và tăng của tập đoàn quân 54 đã không để cho quân giặc được yên. Họ đã đánh địch ở trước mặt trận và đã vượt qua tuyết dày đánh tập hậu vào sau lưng địch, đã đánh chiếm đường xá và đã tống cổ quân Đức từ trong làng xóm ra ngoài cánh đồng băng giá.

Trong khi các sư đoàn tàn binh của địch chạy khỏi Tikhơvin bị quân ta đuổi đánh, thì ở quanh Matxcơva Quân đội xô-viết đã mở cuộc phản công vĩ đại. Những tin thắng lợi từ hướng Trung tâm đưa tới lại càng làm tăng sĩ khí của các chiến sĩ bảo vệ Lêningrat và cổ vũ họ tiến lên lập chiến công mới. Tới ngày 24 tháng chạp thì cụm quân địch bị tiêu diệt hoàn toàn và đường sắt Tikhơvin – Vônkhôp hoàn toàn được giải phóng.

Bộ đội tiến đến đâu, các đội sửa chữa đường sắt tới ngay đó để sửa chữa cầu đường bị địch phá hủy. Và khi bộ đội hãy còn đuổi nốt những tên lính Đức cuối cùng sang bên kia sông Vônkhôp thì từ Tikhơvin đã có những chuyến xe đầu tiên chở lương thực đến cho Lêningrat.

Chiến thắng Tikhơvin đã có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với số phận của Lêningrat. Tới ngày 9 tháng một, dự trữ bột mì ở Lêningrat chỉ còn được 9-10 ngày. Ăn uống quá thiếu, đã làm cho số người chết mỗi ngày một tăng nhanh.

Tikhơvin được giải phóng và việc vận chuyển trên đường sắt phương Bắc tới ga Vôibôcalô được khôi phục đã cho phép chở tới Lêningrat được nhiều lương thực hơn, do đó đã cứu được hàng ngàn người khỏi bị chết đói.

Để bào chữa cho thất bại ở Mặt trận Lêningrat, Hitle đã đổ lỗi cho viên tư lệnh phương diện quân “Bắc”, đại tướng fôn Lêep, và cho viên thượng tướng (sau này thành đại tướng) fôn Cukhơle đến thay.

Tất nhiên, vấn đề không phải là Lêep. Tên này đã chỉ huy quân phát-xít chẳng kém gì những tên tướng khác của Hitle. Nguyên nhân thất bại chính là ở chính sách xâm lược điên dại của bọn đầu sỏ phát-xít, ở tính chất sai lầm và phiêu lưu của các kế hoạch của chúng đã không tính đến tinh thần bất khuất và dũng cảm vô song của nhân dân Liên-xô.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM