Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:30:42 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lêningrat giữ vững thành đồng  (Đọc 10594 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #20 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:16:26 pm »

MÙA ĐÔNG TRONG VÒNG VÂY HÃM

Bị đánh đau ở Tikhơvin, quân Đức buộc phải chịu cảnh đồn trú mà đông ở chân thành Lêningrat. Sợ bị bộ đội xô-viết tấn công, chúng càng rút sâu hơn nữa xuống đất, mở rộng thêm lưới điểm tựa, cắm thêm cọc chống tăng, cài thêm mìn và rào thêm dây thép gai.

Cùng với mùa đông tới, trên các cửa ngõ trực tiếp dẫn vào Lêningrat cũng có một sự im ắng tương đối. Cả hai bên đều quay ra phòng ngự trận địa chiến. Hàng ngày thông báo chiến sự đưa tin: “Không có gì quan trọng xảy ra”, “hoặc: “Ở Mặt trận Lêningrat không có gì thay đổi”. Thỉnh thoảng mới có tin về những trận đánh có tính chất cục bộ.

Song đằng sau những lời vắn tắt của các thông báo chiến sự đó là cả một cuộc đấu tranh gay go, tàn khốc, dai dẳng ngày đêm.

Một phong trào bắn tỉa đã xuất hiện trong các chiến sĩ Mặt trận Lêningrat. Người mở đầu là Fêôđôxi Xmôliatscôp, chiến sĩ thuộc tiểu đoàn trinh sát của sư bộ binh 13. Đồng chí đã được Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên-xô. Trước khi từ trận, đồng chí đã bắn tỉa chết 125 tên phát-xít.

Phong trào bắn tỉa đã có tác dụng rất lớn. Các thiện xạ viên đã tiêu diệt hàng nghìn lính và sĩ quan địch.

Mùa đông 1941-42 là một mùa đông tuyết nhiều và băng giá cao độ. Tuyết hình như nhiều hơn bao giờ hết. Tuyết chất thành những đống chướng ngại vật trên các đường phố và quảng trường, đóng băng lại thành từng tầng từ trên nóc và các đường viền của các tòa nhà rủ xuống. Những tàu bị mắc băng trên sông Nêva nom giống như một đoàn lữ hành bị chôn chân giữa đầm băng Bắc cực. Và trên tất cả cái thế giới của tuyết đó là cái rét buốt thấu xương ngự trị. Các ống dẫn nước đóng băng lại, hệ thống thoát nước bị hỏng. Các nhà tắm và hiệu giặt phải đóng cửa. Các nhà máy điện phải ngừng chạy vì thiếu nhiên liêu. Các phương tiện giao thông của thành phố ngừng hoạt động. Các xe điện và xe điện không ray đứng chết ở giữa phố, tuyết phủ đầy thành những núi tuyết.

Nhân dân Lêningrat không có nước, không có điện, không có hơi sưởi ấm. Họ đã gặp phải những nỗi gian khổ và cơ cực chưa từng thấy. Những con người đói lả và kiệt sức đó hằng ngày phải vượt qua nhiều cây số đường phố đầy tuyết để tới công xưởng và nhà máy. Còn ai không đủ sức đi thì phải sống ngay tại nơi làm việc. Phụ nữ, các cụ già và trẻ em phải lê bước theo các đường mòn trong tuyết để tới sông Nêva và các sông đào đã đóng băng để lấy nước dùng. Để giảm bớt phần nào khó khăn của nhân dân, người ta đã đặt ở các phố những vòi nước và cột nước, song ngay cả những thứ này cũng thường hay bị đóng băng lại.

Trong các căn nhà, những chiếc lò sưởi bằng sắt lâm thời đã xuất hiện. Người ta dùng cả ghế, tủ, sàn nhà, sách, giậu, nhà kho, nhà gỗ để làm củi. Song tất cả những thứ đó cũng chả được bao lâu. Người ta đã phải quấn vào người tất cả những gì có thể được và tụm năm túm ba trong từng gian phòng nhỏ, dùng hơi thở của mình mà sưởi ấm cho không khí băng giá.

Mùa đông đầu tiên trong vòng vây hãm – đó là một bản anh hùng ca về ý chí rắn rỏi và tinh thần anh dũng vô song của nhân dân xô-viết.

Cựu nữ công nhân nhà máy Kirôp, Anna Nilôpna Caocpuxnôva, kể lại rằng:

“Tuyến mặt trận khi đó có thể trông thấy rõ từ nóc nhà hiện nay tôi ở. Thế mà nhà này lại không xa ngõ của nhà máy. Khi giao thông của thành phố còn hoạt động, thì tàu điện cũng chỉ chạy tới ngõ ấy là cùng, đến bên ấy là người bán vé báo: “Hết đường rồi, ngoài kia là mặt trận!”. Và thật vậy, ụ súng đánh đai lấy suốt nhà máy; chúng tôi đã quyết định nếu quân thù tới thì diệt chúng ngay ở đây. Mặc dầu nhiều công nhân đã bị chết vì các cuộc oanh tạc, hàng nghìn người đã di dân quân, nhiều máy móc đã chuyển về hậu phương, vì đói và đại bác cũng chết khá nhiều, song nhà máy vẫn sống và không ngừng hoạt động một ngày nào. Chỉ riêng trái phá địch nổ ở sân nhà máy cũng có tới năm nghìn rưởi, không kể hàng trăm bom nổ và hàng nghìn bom cháy! Cũng có người bị kiệt, lả đi vì đói, chữa chạy qua ở bệnh xá nhà máy, lại ra đứng máy ngay. Ngay cả các cụ già, nói thế nào cũng không chịu nghỉ, vẫn đứng ở vị trí của mình”.

Từ 20 tháng một, khẩu phần bánh mì của mỗi người lại phải rút xuống mức thấp nhất: công nhân được phát 250 gam mỗi ngày, còn tất cả những người khác thì được 125 gam thứ cám đóng bánh lại, ôi khét, gọi là bánh mì.

Sức khỏe của mọi người giảm sút một cách kinh khủng. Nạn chết đói đe dọa mỗi người dân Lêningrat. Hàng ngày, hàng nghìn đàn ông, phụ nữ, trẻ em bị chết.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #21 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:18:09 pm »

Bọn phát-xít thấy thế hí hửng. Chúng tưởng rằng bị giầy vò và kiệt quệ vì đói rét, vì những trận oanh tạc và pháo kích liên miên, nhân dân Lêningrat sẽ không chịu đựng nổi, sẽ thôi làm việc và sẽ giao thành phố cho chúng. Trong nhật lệnh năm mới gửi quần chúng đang bị bao vây Lêningrat, Hitle đã khoác lác tuyên bố rằng chỉ ba-bốn tuần lễ nữa là cùng “Lêningrat sẽ như một quả táo chín rụng xuống chân chúng ta”.

Nhưng điều đó đã không xảy ra. Không một sự hy sinh gian khổ, thiếu thốn ghê gớm và nặng nề đến đâu đi nữa, đã có thể làm nhụt được tin thần của những người Lêningrat dũng cảm và làm cho họ chán nản, tuyệt vọng. Ăn đói, thiếu ngủ, ngã rụi đi vì kiệt sức, họ vẫn làm việc, vẫn đấu tranh chống lại các trận đánh phá của không quân địch, giúp đỡ lấn nhau, vì quên hết thảy, chỉ nhớ mỗi một điều là: quân thù phải bị tiêu diệt.

Trong điều kiện cực kỳ gian khổ, khi nguyên liệu, nhiên liệu và dụng cụ đều thiếu thốn, trong xưởng thì lạnh cóng, địch lại không ngớt pháo kích và oanh tạc nhà máy, vậy mà những con người bị kiệt đi vì đói và lao động mệt nhọc vẫn đứng máy mấy ngày đêm liền để làm kịp hàng cấp tốc cho tiền tuyến. có khi đang đứng máy thì bị mảnh trái phá hay kiệt sức quá, họ ngã xuống và không bao giờ trở dậy nữa. Khi đó, lại có những người khác đứng vào chỗ các đồng chí đã hy sinh.

ơ quan lãnh đạo phòng thủ đã đem hết mọi cố gắng ra để mong làm giảm bớt khó khăn trong đời sống của nhân dân, cứu họ khỏi bị chết đói và chết rét. Tại các nhà ăn, trong các tòa nhà lớn và ở ngoài phố, người ta đã mở ra các trạm phân phát nước sôi; người ta cũng lập ra nhiều nơi điều trị để cứu chữa cho những người đã kiệt sức. Trong công việc khó khăn và quan trọng này, các đoàn viên thanh niên cộng sản Lêningrat đã giúp một tay đắc lực. Họ đã tập hợp nhau lại thành những đội phục vụ sinh hoạt cho nhân dân, tự đảm nhiệm việc trông nom các trẻ em không có cha mẹ, săn sóc người ốm và những người đã kiệt sức vì đói. Bản thân các nam nữ đoàn viên cômxômôn ấy cũng bị đói và nhược, song đối với những ai không đi lại được thì họ giúp chặt củi, gánh nước, lĩnh khẩu phần bánh mì và thức ăn ở nhà ăn mang về, quét dọn căn nhà ở và úy lạo bằng lời nói thương yêu, thông cảm.

Trong những ngày bị bao vây phong tỏa, phụ nữ Lêningrat cũng đã biểu hiện một tinh thần hy sinh quên mình hiếm có. Họ đã phải gánh vác phần lớn công việc lao động và chăm sóc gia đình. Họ đã đứng máy quay cho nam giới ra trận, đã khắc phục khó khăn để kiếm củi sưởi cho trẻ con, đã lặn lội đi lấy nước từ ở xa, rồi mỗi bận máy bay địch bắn phá, họ đã túc trực trên các mái nhà để chống lại bom cháy, và còn trăm công nghìn việc khác nữa đều do bản tay đảm đang của những người nữ lao động Lêningrat vẻ vang lo toan đảm nhiệm. Bằng lao động của mình, bằng ý chí quyết thắng, phụ nữ Lêningrat cũng đã góp phần làm cho giờ thắng lợi tới gần.

Có một cuộc gặp gỡ mà suốt đời tôi còn nhớ mãi. Đó là vào cuối tháng một năm 1942. Từ trên chiến hạm của hạm đội nhỏ ở hồ Lađôga bước xuống đất Lêningrat, chúng tôi – những người từ Vônkhôp tới – trước hết đã trông thấy trên các hè đường sắt những người phụ nữ đang mải khuân vác, xếp thành từng chồng những bao vá hòm bột mì, ngũ cốc, đường và các thứ thực phẩm khác. Chúng tôi đã lại gần họ, hỏi thăm xem họ sống và làm việc thế nào, tâm tư ra sao. Về phần các chị em, thấy chúng tôi từ phía “Đất liền” lại, họ cũng tíu tít hỏi thăm tình hình hậu phương và Matxcơva ra sao và, cuối cùng, gặng hỏi đã sắp tới ngày quân đội ta đuổi hết lũ phát-xít xâm lược ra khỏi đất đai xô-viết chưa.

Nhìn nét mặt của các bà, các chị, tôi không thấy có một chút nghi hoặc nào về sự tất thắng của ta cả. Trong những đôi mắt mệt mỏi của họ, vẫn ánh lên một ý chí kiên quyết và sẵn sàng cống hiến mọi sức lực để giành thắng lợi và quyết đánh cho kỳ được. Tôi đã trò chuyện với người phụ nữ đứng bên cạnh, dáng thấp và có khuôn mặt Nga chất phác. Mùa đông đầu trong vòng vây hãm, chị Môzơgalêva Nađejơđa Alecxanđrôpna đã phải để tang chồng, tiếp đến con trai chị lại tử trận trong trận ở Đubrôpca Nepxcaia. Còn người con trai thứ hai đang phục vụ trong hạm đội Bắc thì họa hoằn mới có thư về. Bây giờ chị sống có một mình, nhưng vẫn không ngã lòng nản chí. Đối với người thiếu phụ quả cảm ấy, cũng như đối với hàng ngàn nữ anh hùng khác, liệu người ta có thể không kính phục được chăng? Bằng lao động quên mình và ý chí sắt đá của mình, những người phụ nữ lao động Lêningrat thật đáng để cho người ta dựng tượng về họ, cũng như dựng tượng người chiến sĩ vô danh.

Các nhà văn nghệ còn ở lại trong thành phố cũng đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung chống kẻ thù. Họ đã sáng tác những tác phẩm mới, đã tới biểu diễn cho các đơn vị ở ngoài tiền duyên, ở các phân xưởng nhà máy và ở trên đài phát thanh. Tuy đã bị lả đi vì đói và bị khổ sở vì những cuộc báo động liên miên, người ta không chỉ nghĩ đến bánh mì và sự yên tĩnh, mà vẫn thèm được nghe hát, thèm âm nhạc và thơ ca. Nữ thi sĩ Onga Becgôn ở Lêningrat đã hồi tưởng lại: “tôi nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ người ta còn nghe ngâm thơ, như những người Lêningrat đói rét, sưng phù, hầu như chỉ còn thoi thóp sống, đã nghe ngâm thơ của các nhà thơ Lêningrat trong mùa đông ấy”.

Các chiến sĩ ngoài mặt trận cũng vậy, họ thích được nghe hát, nghe pha trò, châm biếm. Các nhà văn nổ tiếng A. Fađêep, N. Tikhônôp, V. Visnepxki... đã nhiều lần đếm thăm các đơn vị của mặt trận Lêningrat; các nhà thơ V. Inbe, O. Becgôn, V. Rôjơđextơvenxki đã ngâm thơ cho các chiến sĩ nghe.

Khó mà kể lại được hết nhiệt tình và tinh thần lao động quên mình của các nhà khoa học và hoạt động văn hóa Lêningrat. Một nhóm các nhà bác học nổi tiếng của Liên-xô – các viện sĩ I. I. Mêsanicôp, L. A. Oocbêli và I. Iu. Cratscôpxki – đã lãnh đạo việc tổ chức lại các tập thể nghiên cứu khoa học của thành phố nhằm tập trung sức lực vào việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến việc kháng chiến và đến việc đánh bại quân thù. Các nhà khoa học đã chỉ đạo việc xây dựng các công sự phòng ngự, đã sáng chế ra các máy chuyên dùng để dọn dẹp nhà cửa bị tàn phá, đã thảo ra quy trình công nghệ khai thác thế phẩm làm thức ăn. Các thày thuốc đã tìm cách đấu tranh chống bệnh loạn dinh dưỡng và những chứng bệnh khác thường xảy ra với người dân ở thành phố bị bao vây. Các nhà hoạt động văn hóa đã tìm mọi cách để giữ gìn kho tàng nghệ thuật của thành phố bảo tàng khỏi bị hủy hoại.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #22 vào lúc: 17 Tháng Sáu, 2018, 04:19:50 pm »

Nhân dân Lêningrat đã gặp phải những khó khăn không thể tưởng tượng được. Song họ đã dũng cảm chịu dựng mọi thử thách, họ biết rằng cả đất nước ủng hộ họ và đang tìm mọi cách để giảm bớt khó khăn cho họ. Từ khắp nơi trên đất nước, các chuyến tàu chở lương thực, đạn dược, nhiên liệu, chất đốt được phái đi tiếp tế cho Lêningrat.

Cùng với những lời chào mừng nồng nhiệt, nhân dân lao động Xibêri, Tasken, Viễn Đông và Muôcmanxcơ đã gửi tới thành phố anh hùng rất nhiều quà quý: hoa quả và bột mì, bơ và thuốc lá, thịt, cá. Song tất cả những chuyến hàng đó bị đọng lại ở bên kia hồ Lađôga. Thế là khi đó, người ta đã nảy ra một ý kiến táo bạo: mở một con đường vận tải ô tô qua mặt nước dóng băng của hồ Lađôga – con đường này về sau nhân dân Lêningrat đã gọi một cách biết ơn là “Con đường sống”.

Những người đầu tiên đã đặt chân lên mặt băng còn chưa cứng của hồ Lađôga là các trinh sát viên. Họ đã đi dò để và chỉ ra con đường tương lai trên mặt băng, nghiên cứu định ra những nơi cần dừng lại để sưởi và địa điểm để đặt trạm y tế. Đến ngày 22 tháng một 1941 thì những chiếc ô tô đầu tiên đã chạy qua con đường đó.

Song không phải ngay lúc đầu đã sử dụng được con đường đó để vận tải bằng ô tô được nhiều. Thời gian đầu, mặt nước đóng băng còn mỏng không chịu được xe tải chở nặng. Các xe này bị thut xuống hoặc bị mắc kẹt vào những chỗ nước xói. Đầu mùa đông đã băng giá nhưng rồi có lúc lại tan giá. Lớp băng không chịu dày lên cho. Ô tô đi lại còn bị càn trở bởi những chỗ chưa đóng băng hẳn, bởi những cơn tuyết xuống ùn lại và bởi những hố bom, hố trái phá của địch. Vì con đường chỉ chạy cách tiền duyên địch có 8-12 cây số.

Song dần dà con đường đã mạnh lên. Khối hàng chuyên chở ngày một tăng. Ngày 22 tháng chạp, tức là một tháng sau khi mở đường, người ta đã chở được tới Lêningrat 700 tấn hàng, và ngày hôm sau: 800 tấn. Nhờ vậy, cơ quan lãnh đạo phòng thủ Lêningrat đã có thể tăng tiêu chuẩn bánh mì từ ngày 25 tháng chạp lên thêm 100 gam cho công nhân và thêm 75 gam cho viên chức, trẻ em và các miệng ăn khác trong giai đình. Tuy khẩu phần bánh mì được tăng thêm đó vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu của những người đã kiệt sức, song bản thân việc tăng này đã cổ vũ thêm nhân dân trong thành phố bị bao vây, làm cho họ có thêm nghị lực và củng cố thêm lòng tin rằng nạn đói chẳng bao lâu nữa sẽ chấm dứt.

Chính từ hôm đó, nhân dân Lêningrat đã gọi con đường xuyên qua mặt băng ấy là “Con đường sống”.

Để đẩy mạnh việc tiếp tế, nhân dân đã ra sức để mở rộng thêm đường. Đầu tháng giêng đã có 4 con đường chạy qua mặt hồ, sau đó ít lâu thì thành 6 đường. Ba đường dùng cho ô tô cơ lương thực, thuốc men, đạn dược và nhiên liệu tới Lêningrat, còn ba đường kia để ô tô khi quay về, chở trẻ em, phụ nữ, người già và người ốm.

Theo quyết định của Ủy bna Quốc phòng Nhà nước, một mạng lưới đường sắt đã được đặt từ ga Vôibôcalô đến Cabôna (một địa điểm ở ngay trên bờ hồ Lađôga). Từ 10 tháng hai 1942, các đoàn xe lửa đã tiến đến tận bờ đông hồ Lađôga. Do đó đã rút ngắn được đường xe tải đến một nửa, và nhờ vậy đã tăng được thêm chuyến chở hàng tới Lêningrat. Song ngay từ cuối tháng giêng, con đường trên băng đã trở thành một tuyến giao thông vận tải thường uyễn hoạt động. Nên chẳng bao lâu khối lượng hàng chở tới đã tăng lên khá, làm cho khả năng tăng tiêu chuẩn bánh mì lần thứ hai. Từ 24 tháng giêng 1942, phiếu bánh mì của công nhân Lêningrat đã làm 400 gam, còn viên chức là 300 gam, còn của trẻ em và các miệng ăn khác là 250 gam. Đó chính là công lao của những ai đã mở “Con đường sống”, đã lái xe, thợ sửa chữa, điều chỉnh viên, liên lạc viên, nhân viên y tế, những quân nhân làm những nghề không hẳn là chiến đấu ấy, song bằng lao động dũng cảm của mình, họ đã phá tân âm mưu dã man của giặc định làm cho thành phố chết đói.

Theo “Con đường sống”, thư từ và quà cáp từ hậu phương đã được chuyển tới các chiến sĩ và nhân dân Lêningrat. Cũng theo đường ấy, các đoàn đại biểu của Matxcơva, Uran, Klêcghizi, Uzơbêkixtan, Cazăcxtan và của các nước cộng hòa và các tỉnh khác nữa, đã tới thăm đồng bào Lêningrat.

Theo nghị quyết đặc biệt của thành ủy Lêningrat, 700 đảng viên cộng sản đã được phái đi công tác tại “Con đường sống”.

Tất cả những ai đã làm việc trên con đường này rất xứng đáng được giữ một chỗ vinh dự trong số những người anh hùng của cuộc phòng thủ Lêningrat.

Bộ tư lệnh phát-xít Đức đã không phút nào rời mắt khỏi hồ Lađôga. “Con đường sống” không ngớt bị ném bom và pháo kích. Các cuộc đánh phá của không quân và pháo binh địch đã gây ra thiệt hại, song không thể làm ngừng sự vận chuyển. Những nơi có hố bom và trái phá, các đội coi đường đã kịp thười làm bảng báo hiệu và làm những con đường vòng. Để chống lại sự phá hoại của địch, ta đã bố trí cao xạ bảo vệ đường và phi cơ khu trục Liên-xô thường xuyên tuần tiễu trên không.

Quân Đức thậm chí đã mưu toan cắt con đường này. Vào một đêm tháng giêng tối như mực, khoảng hai đại đội lính địch trượt tuyết đã từ Slitxenbuôc mò ra Oxinôvet và sục ra con đường trên hồ. Song ở đây, chúng đã bị phát hiện và sau một trận chóng vánh thì chúng đã bị đánh bật lại. Đó là lần đầu mà cũng là lần cuối quân Đức cả gan đánh vào “Con đường sống”. Tuy vậy, bộ tư lệnh Mặt trận Lêningrat vẫn tính đến khả năng địch có thể xâm phạm vào con đường này, nên đã tăng cường việc bảo vệ nó bằng những đơn vị đặc biệt. Suốt dọc con đường, bộ đội đã dựng lên những cấu trúc phòng ngự và những hỏa điểm, đắp bằng tuyết và băng.

Cho đến khi xuân về, băng tuyết tan, thì “Con đường sống” đã chuyên chở được hơn 20 vạn tấn lương thực, đạn dược, dầu xăng, thuốc men, và đã chở đi tản cư khỏi Lêningrat được hơn nửa triệu người.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #23 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:20:57 am »

XUYÊN QUA RỪNG VÀ SÌNH LẦY

Chính vào lúc Lêningrat gặp khó khăn nhất, khi cái đói và cái rét đã làm thiệt mạng hàng nghìn người và áp sát chân thành phố là một đạo quân địch khổng lồ sẵn sàng xông lên công thành bất cứ lúc nào, thì Bộ Tổng tư lệnh xô-viết đã có chủ trương giải tỏa cho thành phố khỏi kìm kẹp của địch.

Tôi đã được biết về chủ trương này ở Matxcơva, tại hành dinh ủa Bộ Tổng tư lệnh mà tôi được triệu tập về hồi giữa tháng chạp 1941. Tai cuộc họp ở Bộ Tổng tư lệnh, Nguyên soái Liên-xô B. M. Sapôsnicôp đã báo cho biết rằng, nhằm mục đích liên kết các tập đoàn quân đang hoạt động ở phía đông sông Vônkhôp cũng như mới tập trung đến vùng này, Bộ tổng tư lệnh đã quyết định thành lập Mặt trận Vônkhôp. Mặt trận này có nhiệm vụ chủ yếu là, cùng với Mặt trận Lêningrat, tiêu diệt đạo quân địch đang vây Lêningrat và giải phóng thành phố khỏi bị vây hãm.

Cũng trong cuộc họp đó, tôi được biết rằng tôi được cử làm tư lệnh mặt trận Vônkhôp. Ý đồ của chiến dịch sắp tới chủ yếu là phát triển liên tục cuộc phản công mà các đơn vị của mặt trận Vônkhôp (hai tập đoàn quân 4 và 52) và tập đoàn quân 54 của Mặt trận Lêningrat đã tiến hành, thành một cuộc tấn công mới, mãnh liệt hơn. Nhằm mục đích đó, cần phải đưa vào chiến đấu những lực lượng mới và sử dụng vào chiến dịch bộ đội của Mặt trận Tây-bắc.

Mặt trận Vônkhôp phải đóng vai chính trong chiến dịch lớn có mục tiêu vĩ đại này và được giao nhiệm vụ tấn công theo hướng tây-bắc, dọc tuyến Luban – Vôlôxôvô. Mặt trận Lêningrat phải bằng hành động tích cực giúp cho Mặt trận Vônkhôp tiêu diệt quân địch. Còn Mặt trận Tây-bắc có nhiệm vụ đánh về hướng Xtaraia Rutxa – Xonxư và phối hợp với bộ đội của Mặt trận Vôn-khôp cắt đứt đường rút của địch ở phía Nôpgôrôt và Luaga.

Ý đồ của chiến dịch phù hợp với tình huống khi đó và có tính kiên quyết và mục đích tính.

Song dù cho ý đồ có hay đến đâu đi nữa, nếu nó không được củng cố về mặt vật chất, nếu bộ đội không được cung cấp đầy đủ phương tiện chiến đấu, đạn dược, lương ăn và nhiên liệu, thì cuộc tấn công vẫn trở nên bấp bênh ngay cả khi có ưu thế về lực lượng. Một tình thế tương tự như vậy đã xảy ra với quân ta. Mặt trận Vônkhôp trội hơn địch về người, về pháo và cả về tăng. Song nó lại có ít máy bay, súng máy, phương tiện vận chuyển và thông tin. Đặc biệt là rất thiếu đạn đại bác và cỏ cho lừa ngựa.

Cuộc tấn công đã phải tiến hành trong những điều kiện rất khó khăn và phức tạp. Đang giữa mùa đông, rừng thẳm tuyết dài trở ngại cho cuộc tiến quân. Đường xá không có. Việc cơ động rộng rãi, phải loại trừ. Thêm vào tất cả những cái đó, lại không thể tính đến chuyện bất ngờ được. Quân địch đã biết về cuộc tấn công sắp tới và đã chuẩn bị đối phó.

Trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp như vậy, không có đủ mọi điều kiện cần thiết để phát triển chiến đấu thắng lợi, cuộc tấn công của Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã bắt đầu.

Bộ đội thuộc tập đoàn quân 55 của tướng V. P. Xviriđôp (Mặt trận Lêningrat) đã đánh đòn đầu tiên. Ngày 20 tháng chạp họ đã tấn công trận địa địch ở Craxnưi Bo, nhằm chiếm lấy Ulianôpca và Tôxnô, thọc vào sau lưng cụm quân địch ở Mơga và tiêu diệt chúng. Đáp lại các trận tấn công của các đơn vị tập đoàn quân 55, địch đã tiến hành phản kích lại và cấp tốc điều thêm lực lượng mới và pháo binh đến tăng viện. Cuộc chiến đấu đã diễn ra quyết liệt, đẫm máu, và sau năm ngày thì biến thành một cuộc đọ đại bác và súng cối. Bộ đội của tập đoàn quân 55 bám được vào ngoại ô bắc Craxnưi Bo, củng cố ở đó và chuyển sang phòng ngự.

Ngày 13 tháng giêng 1942, bộ đội Mặt trận Vônkhôp và của tập đoàn quân 54 thuộc Mặt trận Lêningrat chuyển sang tấn công. Các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp đánh về phía tây đường sắt và đường ô tô ở Matxcơva – Lêningrat, vòng tránh trận địa kiên cố của địch ở Chuđôvô, còn các đơn vị tập đoàn quân 54 thì tiến về hướng Pôgôxtiê – Tôxnô.

Bằng cuộc tấn công này, bộ đội Mặt trận Vônkhôp đã mở đầu cuộc chiến đấu lâu dài và bền bỉ để giải phóng Lêningrat. Sau này, trong suốt hai năm rưỡi, cho đến khi thành phố hoàn toàn được giải vây, những người lính Vônkhôp đã chiến đấu sát cánh với các chiến sĩ của Mặt trận Lêningrat. Các binh đoàn của Mặt trận Vônkhôp đã phải chiến đấu trên một địa hình hiểm trở, rất khó cho sự vận động. Mãi mãi còn in sâu trong trí nhớ những khu rừng trùng điệp, những sình lầy, những cánh đồng than bùn ngập nước, những con đường sụt lở. Để sống và chiến đấu, bộ đội ở đây đã phải làm ra những hàng rào bằng gỗ hai vách, có rắc đất ở giữa, thay cho chiến hào, và những ụ đất nổi thay cho hố xạ kích; họ đã phải kiến thiết những cầu nối và những đường lót khúc cây dài nhiều cây số, và cấu trúc ra những ụ súng nổi bằng gỗ cho pháo và súng cối.

Song chúng ta hãy trở lại câu chuyện về cuộc tấn công đã bắt đầu. Cuộc tấn công ấy đã phát triển chậm chạp. Địch chống lại quyết liệt. Ta đã phải cố gắng ghê gớm để giành giật từng mẩu đất, để vượt qua mỗi thước rừng vá sình lầy phủ đầy tuyết và cài mìn.

Tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã tấn công thắng lợi hơn cả. Các đơn vị của nó đã vượt sông Vônkhôp, chọc thủng trận địa phòng ngự thứ nhất của địch chạy dọc bờ sông, và đến ngày 21 tháng giêng thì tiến tới trận địa phòng ngự thứ hai của địch, ở khu vực Xpatxcaia Pôlixti – Miaxnôi Bo, cấu trúc dọc theo đường sắt và đường ô tô Chuđôvô – Nôpgôrôt.

Cuộc chiến đấu để giành những địa điểm dân cư này đã diễn ra rất ác liệt. Cuối cùng, sau ba ngày tấn công, trong đêm rạng ngày 24 tháng giêng, bộ đội của tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã chiếm được Miaxnôi Bo và chọc thủng trận địa phòng ngự chính của địch ở hướng này. Quân đoàn kỵ binh 13 của thiếu tướng N. I. Guxep lập tức tràn qua lỗ hổng đó. Theo chân họ, các đơn vị trong tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã bắt đầu tiến nhanh về phía Luban, bọc lấy cụm quân địch ở Chuđôvô từ phía tây-nam.

Việc các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp đã tràn qua các trận địa phòng ngự của chúng làm bộ tư lệnh phát-xít lo sợ. Tên đại tướng Cukhơlê mới đến nhậm chức thay tư lệnh phương diện quân “Bắc” vội tìm mọi cách để bịt lỗ hổng. Y đã ném vào chiến đấu ngày càng nhiều đơn vị mới, rút đi từ các khu vực khác của mặt trận, kể cả từ tuyến sát với Lêningrat.

Phát triển tấn công, tập đoàn quân mũi nhọn 2 đã cắm sâu vào trong đội hình địch. Đến cuối tháng hai, tập đoàn quân này đã chiếm thêm được mấy địa điểm dân cư, đã cắt con đường sắt Lêningrat – Nôpgrôrôt và tiến sát tới trận địa phòng ngự của địch ở cửa ngõ Luban.

Các đơn vị trong tập đoàn quân tiếp tục tấn công vào trận địa địch. Song họ đã mệt và hết sức, nên không thể bẻ gãy được sức chống cự của những sư đoàn địch mới đến tăng viện.

Tập đoàn quân 54 khi đó đã được tăng cường bằng lực lượng dự bị của Bộ Tổng tư lệnh, ngày 28 tháng hai, đã chọc thủng phòng ngự của địch ở hướng Luban từ phía Pôgôxtiê. Qua những trận ác liệt kéo dài suốt thượng tuần tháng ba, tập đoàn quân này mới tiến được 20 cây số. Và kết thúc thắng lợi ở đây. Và tuy về sau quân địch đã cắt được giao thông của tập đoàn quân mũi nhọn 2, làm chúng tôi phải rút nó về, song chiến dịch được tiến hành cũng đã có ảnh hưởng quan trọng đến ý định của bộ tư lệnh quân phát-xít Đức. Vì đã tiêu hết dự trữ trong việc chống đỡ lại quân ta, nên quân địch buộc phải từ bỏ ý định tổ chức một cuộc tấn công mới vào Lêningrat và ý định tổ chức thêm một vành đai phong tỏa thứ hai. Chúng không còn có cách nào khác là rúc sâu hơn nữa xuống đất, củng cố phòng ngự và đợi thời. Và chúng đã làm như thế.

Cũng vì vậy mà bộ tư lệnh phương diện quân “Bắc” đã không chi viện được gì cho phương diện quân “Trung” đang bị Quân đội xô-viết đánh cho dồn dập trong cuộc phản công thắng lợi ở tây Matxcơva. Không những thế, sợ quân chúng ở quanh Lêningrat bị tiêu diệt, bọn chỉ huy phát-xít từ tháng giêng đến tháng ba còn tăng cường thêm cho phương diện quân “Bắc” 6 sư đoàn rút ở Đức, Pháp, Đan-mạch và Nam-tư tới.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:45:19 am gửi bởi macbupda » Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #24 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:22:12 am »

PHÁ VỠ CUỘC TẤN CÔNG MỚI CỦA ĐỊCH VÀO LÊNINGRAT

Cái gì rồi cũng có tận cùng. Những tháng khó khăn chưa từng có, khủng khiếp của mùa đông 1941-1942 cuối cùng rồi cũng chấm dứt. Mùa xuân đã về. Nó đã đem lại sự ấm áp cho những con người đã kiệt quê. Thời rét mướt kinh khủng với những hậu quả ghê gớm của nó đã qua.

Nhân dân thành phố bèn bắt tay vào dọn dẹp phố phường, quảng trường, các đường bờ sông và các sân nhà khỏi tuyết và rác rưởi. Chỉ trong một thời gian rất vắn, thành phố đã trở nên sạch sẽ phong quang; và chỉ có những vết lõm trên các tường nhà và những trái phá và bom nổ đây đó trong thành phố là còn nhắc tới chuyện quân địch đang ở bên cạnh. Song dịch bệnh đã không còn đe dọa Lêningrat nữa.

Khi tuyết đã tan và đất đã khô lại, thì hàng chục vạn dân Lêningrat đã cầm lấy cuốc thuổng, bờ cào và thùng tưới. Ở các trang trại ngoại thành và các nông trường, ở các vườn hoa và công viên trong thành phố, ở các sân nhà và các bãi trống – đâu đâu cũng người người tấp nập. Họ sới đất, trồng khoai tây, bắp cải, hành, củ cải đỏ. Rau do nhân dân Lêningrat trồng ra, không những đã đỡ đần rất nhiều cho họ mà còn cho cả bộ đội phòng thủ thành phố.

Bước vào mùa xuân, du kích trong tỉnh Lêningrat cũng bắt đầu tích cực hoạt động mạnh hơn. Họ đã giải phóng hai huyện và lập ra căn cứ du kích. Tiến hành cuộc chiến đấu gian khổ trong lòng địch, quân du kích chẳng những đã chi viện cho Lêningrat bằng vũ khí mà còn bằng lương thực nữa. Vào tháng ba 1942, với sự phối hợp của các đơn vị tiền vệ của bộ đội, các chiến sĩ du kích đã chọc thủng tuyến mặt trận và đưa tới Lêningrat được 225 xe ngựa lương thực do nhân dân trong địch hậu quyên góp. Việc này đã biểu dương hùng hồn sự thống nhất của nhân dân xô-viết và tấm lòng tha thiết của họ đối với thành phố vĩ đại.

Xuân hè 1942, hoạt động của bộ đội Mặt trận Lêningrat cũng mạnh lên. Điều đó không chỉ do cung cấp cho bộ đội được cải thiện và có thêm lương thực bổ sung, mà còn do Mặt trận Lêningrat đã có vị tư lệnh mới là trung tướng I. A. Gôvôrôp. Là một người từng trải đời và từng trải chiến đấu, đồng chí đã nhanh chóng nắm được tình hình đặc thù của mặt trận này và loại trừ tất cả những cái gì cản trở việc phòng ngự tích cực. Từ khi đồng chí đến, pháo binh địch không được yên, chúng thường phải đối phó với pháo binh ta, thay đổi vị trí, tháo chạy và bắn vào thành phố ngày một thưa hơn.

Bộ tư lệnh của Hitle đã yêu cầu tên thượng tướng Kenle, tư lệnh tập đoàn không quân 1, phải chặn phá cho được đường tiếp tế vào Lêningrat. Song chúng đã không thực hiện được lệnh đó. Không quân Mặt trận Lêningrat và của hạm đội Bantich Cờ đỏ đã tỏ ra mạnh hơn không quân địch. Họ đã giành và giữ vững đượ quyền làm chủ trên không ở trên đường Lađôga, bảo đảm cho các tàu bè tiếp vận qua hồ Lađôga không bị ngừng trệ.

Lo ngại trước hoạt động tích cực của quân ta quanh Lêningrat, bộ tư lệnh quân phát-xít không đợt kết cục của trận đánh lớn trên sông Vônga, đã quyết định mở cuộc tấn công đánh chiếm lấy thành phố. Quyết định này nằm trong kế hoạch chung của bọn Hitle định ra cho mùa hè năm 19423, - nhằm đạt những mục tiêu mà chúng đã không đạt được trong năm 1941, tức là đánh quỵ Liên-xô và kết thúc chiến tranh ở phương Đông.

Tên đại tướng Erich Manstêin, “chuyên gia về công thành”, đã được phái đến bờ sông Nêva. Hitle đã giao cho hắn phải “thanh toán” cho xong Lêningrat và những người bảo vệ thành phố này.

Từng đoàn tàu chở quân địch, khí tài, đạn dược nối tiếp nhau đến Lêningrat. Lực lượng chính của tập đoàn quân 11 và trọng pháo công thành đã tham gia đánh chiếm Xêvaxtôpôn, đã được địch điều cấp tốc từ Crưm tới.

Như vậy là quân địch ra sức cố gắng để tạo cho được một lực lượng đột kích thật mạnh đủ sức chiếm lấy Lêningrat trong một thời hạn ngắn.

Kế hoạch đánh chiếm Lêningrat, mà sau này Erich Manstêin thuật lại trong hồi ký của y, chủ yếu nhằm bọc lấy thành phố bằng một vành đai khép chặt. Cuộc đánh chiếm định bắt đầu từ phía nam bằng một lực lượng đột kích là 3 quân đoàn của tập đoàn quân 11 với sự yểm hộ mãnh liệt của pháo binh và không quân. Quân địch định rằng, sau khi chọc thủng được phòng ngự của bộ đội Mặt trận Lêningrat, và tiến được vào ngoại ô nam thành phố, sẽ cho hai quân đoàn ngoặt sang phái đông, vượt sông Nêva và cắt đứt mọi liên lạc của Lêningrat với đất nước.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #25 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:22:55 am »

Song kế hoạch này đã bị thất bại, có thể nói là còn nặng hơn các kế hoạch trước, vì vào cuối tháng tám bộ đội của hai Mặt trận Vônkhôp và Lêningrat đã chuyển sang tấn công, nên quân Đức thậm chí đã không kịp bắt đầu kế hoạch của chúng. Số là Bộ Tổng tư lệnh Quân đội xô-viết đã có chủ trương cho các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat mở chiến dịch tấn công và đã chọn mũi nhô (mà bọn Đức gọi là “cổ chai”) Slitxenbuôc – Xiniavin làm địa bàn cho chiến dịch đó. Đó là một địa đoạn trọng yếu trong vành đai của lục quân địch bao vây Lêningrat. Tất cả địa đoạn này chỉ rộng 12-15 cây số, bị địch đóng, đã chia cắt bộ đội Mặt trận Lêningrat với các đơn vị của Mặt trận Vônkhôp ra. Mà đó là địa đoạn thế nào kia chứ! Hầu hết là sình lầy hiểm trở, những cánh đồng than bùn và ở nam Xiniavin là những rừng sình lầy. Và ở khắp mọi nơi: dọc sông hồ, dọc mương sói và đầm lầy, trên các cao điểm và trong các cánh rừng là những trận địa phòng ngự của địch với nhan nhản là những đầu mối đề kháng và những điểm tựa. Trong 12 tháng mà bọn phát-xít đã làm chủ mảnh đất này, chúng đã dốc hết sức ra làm cho cái mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin trở thành bất khả xâm phạm.

Trung tâm phòng ngự của địch là những điểm cao Xiniavin, từ đó chúng có thể kiểm soát và bắn ra xung quanh hàng nhiều cây số. Ngày 27 tháng tám 1942, tập đoàn quân 8 của Mặt trận Vônkhôp đã nhằm hướng các điểm cao đó tiến đánh. Các đơn vị địch phòng ngự ở đây đã bị nghiền nát. Sau khi chọc thủng phòng ngự địch, bộ đội ta đã tiến sát tới Xiniavin.

Bộ tư lệnh quân phát-xít vội vã điều đến nơi bị đột phá một số bộ đội và phân đội rút từ các khu vực khác trên mặt trận và tăng cường mật đổ hỏa lực súng máy. Nhưng khi thấy cả việc này cũng vô hiệu quả, chúng lại cấp tốc điều thêm pháo binh, hầu hết không quân đóng ở quanh Lêningrat và ném vào cuộc chiến tất cả những gì mà chúng có trong tay.

Sự chống cự của quân địch mỗi ngày một mạnh thêm. Ngày 29 tháng tám, trên chiến trường xuất hiện một sư bộ binh của tập đoàn quân 11 của Manstêin, vừa ở Crưm tới. Sư này được tăng cường thêm tăng rút từ khu vực Nêva trên Mặt trận Lêningrat, liền tấn công trong hành tiến vào các đơn vị của tập đoàn quân 8 đang tiến quân.

Những trận đánh tao ngộ dữ dội đã nổ ra.

Về phần mình, Bộ tư lệnh Mặt trận Vônkhôp cũng đưa vào chiến đấu những lực lượng mới. Đi vòng Xiniavin từ phía nam, họ đã thọc sâu vào hàng phòng ngự của địch thêm 2-3 cây số. Chỉ còn hơn 6 cây số nữa thì tới bờ sông Nêva. Cuộc bao vây phong tỏa của địch có nguy cơ thực tế bị phá vỡ.

Thấy thế, bộ tư lệnh Hitle lo cuống cả lên. Theo lời Manstêin thuật lại thì khi đó, để tránh xảy ra tai họa, Hitle đã đề nghị với y lập tức nắm quyền chỉ huy khu vực mặt trận đó. Và Manstêin, thay cho việc tấn công vào Lêningrat như đã dự định, đành phải làm việc chống đỡ lại với cuộc tiến quân của bộ đội Mặt trận Vônkhôp, và tiếp đó là của Mặt trận Lêningrat. Hòng khôi phục lại tình thế, y đã ném tập đoàn quân 11 vào vòng chiến, đưa thêm pháo binh định dùng để tấn công vào Lêningrat đến vùng này và tập trung một lực lượng không quân lớn.

Phi pháo địch đã ném xuống đội hình chiến đấu của quân ta hàng nghìn tấn bom và trái phá. Pháo binh và không quân Mặt trận Vônkhôp cũng cũng đem hết uy lực ra đánh đòn trả lại. Thế là cả một vùng rừng và sình lầy, nơi diễn ra cuộc chiến đấu, rung chuyển trên dưới tiếng nổ của bom, trái phá và đạn cối. Lửa cháy ngùn ngụt trên rừng và sình lầy, phủ khói dày dặc cả chiến trường.

Mặc hỏa lực ác liệt của pháo địch và những trận oanh tạc không ngớt của không quân địch, quân ta vẫn tiếp tục tiến công, đồng thời chống lại các cuộc phản kích của địch.

Các cán bộ chính trị trung đoàn và sư đoàn thường xuyên có mặt ở các đại đội và pháo đội. Bằng lời nói và bằng hành động gương mẫu, họ đã nâng cao tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, động viên họ xông lên đánh chiếm các trận địa của địch. Khi chỉ huy bị hy sinh thì các cán bộ chính trị và sĩ quan tham mưu đã dẫn đầu các đơn vị xung phong. Trong cuộc chiến đấu đó, chính ủy tiểu đoàn Cônôvalôp, chủ nhiệm chính trị sư bộ binh 374, đã lập một chiến công anh hùng. Một lần địch đột kích vào khu vực bố trí cơ quan tham mưu, đồng chí đã chỉ huy một nhúm quân nhân trong tham mưu sư đoàn dũng cảm xông ra đánh chặn địch. Cônôvalôp hy sinh, song cuộc phản kích của địch đã bị đánh lui.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #26 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:23:38 am »

Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn nhớ như in trong óc hình ảnh của người chỉ huy gan dạ đại đội pháo 3 thuộc trung đoàn pháo cận vệ 71 - thượng úy cận vệ Bakhơtin. Cùng với 8 chiến sĩ Hồng quân, đồng chí đã 7 ngày ở trong vòng vây để dùng vô tuyến điện điều chỉnh xạ kích cho các pháo dội của mình. Nhiều lần, Bakhơtin đã gọi pháo bắn thẳng vào chỗ mình. Các dũng sĩ ấy đã đánh bật tất cả các đợt xung phong của địch, đã thoát vòng vây với đầy đủ vũ khí và điện đài.

Cuộc chiến đấu diễn ra mỗi ngày một dữ dội và ác liệt. Ngày 9 tháng chín, tập đoàn chiến dịch Nêva của Mặt rận Lêningrat bước vào tấn công. Họ đã đánh qua sông Nênva, nhưng không thành công. Phi pháo địch đã mau chóng tiêu hủy mất các phương tiện vượt sông, làm cho cuộc vượt sông bị đình lại.

Hai tuần sau, ngày 26 tháng chín, các đơn vị này lại đánh vào các trận địa phòng ngự của địch ở bên kia sông Nêva. Họ đã vượt được sông ở khu vực Đubrôpca và Annexki, và đã chiếm lĩnh được một số nơi ở bờ đông Nêva.

Trong những ngày đó, tiểu đoàn bộ binh cảu thượng úy Blinôp đã quần nhau quyết liệt với quân phát-xít. Tiểu đoàn phụ trách một tuyến quan trọng. Các chiến sĩ trong tiểu đoàn đã thề quyết giữ vững tuyến này, không lùi một bước. Họ hiểu rằng nếu lùi một bước là làm cho quân địch tiến sát vào Lêningrat. Và những người dũng sĩ ấy đã giữ lời thề.

Địch đã tung ra chống tiểu đoàn này một lực lượng mạnh hơn gấp bội và đã dùng súng lớn bắn phá mãnh liệt. Những đám mây khói và bụi dày dặc trong một bức trường thành lơ lửng trên trận địa của tiểu đoàn. Tưởng chừng như không còn có gì có thể sống được ở đó. Song đó chỉ là tưởng thế thôi. Thực ra, tiểu đoàn vẫn sống và chiến đấu. Lần lượt các thê đội của địch bị hất lại đằng sau, mỗi lần lại phủ đầy chiến địa xác của quân quan chúng. Liên tiếp đánh mãi sang đến ngày thứ tư cũng chẳng được, bọn phát-xít đành phải quay ra phòng ngự.

Bộ tư lệnh tập đoàn quân đã tuyên dương công trạng toàn thể quân nhân trong tiểu đoàn và đã đề nghị lên chính phủ khen thưởng những cán bộ và chiến sĩ đặc biệt xuất sắc.

Nhân dịp này, cục chính trị của tập đoàn quân đã in ra một tờ truyền đơn đặc biệt, kêu gọi các chiến sĩ phòng thủ thành phố vĩ đại:

“Các đồng chí cán bộ và chiến sĩ!

Hãy noi gương các dũng sĩ tiểu đoàn của thượng úy Blinôp đập chết bọn chó phát-xít bất kỳ ở đâu mà chúng thò cái mõm đẫm máu của chúng vào!

Hãy tiêu diệt quân phát-xít khốn kiếp như các chiến sĩ tiểu đoàn của đồng chí Blinôp đã làm!”

Sau khi tung hết mọi lực lượng dự bị ra và phải chịu trả một giá rất đắt, quân địch đã trừ bỏ được múi dùi do bộ đội của Mặt trận Vônkhôp cắm vào mảnh đất nhô ra ở Slitxenbuôc – Xinavin, và khôi phục lại được tình thế ban đầu của chúng.

Trong những cánh rừng đông-nam Xiniavin, chiến trận sôi nổi chấm dứt vào ngày 20 tháng chín. Còn ở bờ đông sông Nêva, cuộc chiến đấu còn tiếp diễn đến ngày 6 tháng mười. Bộ tư lệnh quân Đức đã tốn rất nhiều công sức hòng đánh bật vác đơn vị của tập đoàn chiến dịch Nêva ra khỏi những khu vực mà họ đã chiếm được trên tả ngạn sông Nêva. Song các chiến sĩ của Mặt trận Lêningrat vẫn giữ được hai bàn đạp nhỏ.

Đến đây, chiến dịch Xiniavin (như sau này gọi tên như vậy) đã kết thúc. Và tuy bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã không thực hiện được nhiệm vụ đề ra cho họ là phá vỡ vòng vây Lêningrat, chiến dịch này vẫn có một tầm quan trọng lớn đối với công cuộc bảo vệ Lêningrat và miền bắc đất nước. Kế hoạch của bộ tư lệnh phát-xít định đánh chiếm Lêningrat bằng một cuộc tấn công mới đã bị phá sản hoàn toàn.

Như vậy là, kết quả trực tiếp của các trận trong tháng chín ở đông-nam Xiniavin là đã phá tan cuộc tấn công của giặc vào Lêningrat định vào mùa thu 1942 và tiêu diệt các lực lượng dự bị của chúng, trong đó có cả những đơn vị mà chúng định dùng để hạ thành Lêningat. Chỉ riêng bị giết và bị bắt, giặc đã mất hàng vạn quân. Nhiều phương tiện chiến tranh của địch bị mất và bị phá hủy. theo lời khai của các tù binh thì trong phần lớn cá sư đoàn địch mỗi đại đội chỉ còn 18-20 người. Lính của tập đoàn quân Manstêin nói với nhau: “Thà ba lần ở Xêvaxtôpôn, còn hơn một lần ở đây, tại miền Bắc này!”

Kết quả thứ hai, không kém phần quan trọng của chiến dịch này là đã làm cho bộ tư lệnh phát-xít Đức một thời gian dài phải chú ý tới hướng Tây-bắc. Địch không những không sử dụng được lực lượng dự bị có ở đây vào các hướng khác, mà còn buộc phải tăng cường cho phương diện quân “Bắc” bằng các đơn vị lấy ở Tây Âu, ở các mặt trận miền Nam và Trung bộ. Về phương diện này, cuộc tấn công của bộ đội Mặt trận Vônkhôp và Mặt trận Lêningrat đã phần nào làm giảm nhẹ cuộc chiến đấu của Quân đội xô-viết chống bày rợ phát-xít bên bờ sông Vônga.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #27 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:24:38 am »

CHIẾN DỊCH “TỈA LỬA”

Đã sắp tới mùa dông thứ hai trong vòng vây hãm. Qua mùa hè, Lêningrat đã khỏe lên, đã tăng thêm sức lực. Và tuy cuộc sống trong thành phố bị vây hãm vẫn đầy khó khăn, gian khổ như trước kia, nhân dân Lêningrat vẫn tin tưởng nhìn về tương lại. Họ không ngơi tay lao động sản xuất cho nhu cầu của tiền tuyến, anh dũng chiến đấu trong hàng ngũ Quân đội xô-viết và ở quanh thành phố, trong các chi đội du kích.

Quân thù cũng đã khác trước. Khí thế tấn công của chúng, sau khi tập đoàn quân 11 của Manstêin bị đánh tan tác ở Xiniavin, ở bên bờ Vônga đã làm cho tên Cukhơle, tư lệnh phương diện quân “Bắc”, luôn luôn phải ngoái xuống miền nam, nơi không ngớt đòi hỏi tiếp viện.

Suốt mùa thu, quân phát-xít ở trên khắp cả Mặt trận Lêningrat lo củng cố hầm hào, hy vọng có thể yên ổn rút vào trong đó cho qua mùa đông. Những cuộc oanh tạc và pháo kích dã man vào thành phố vẫn tiếp tục. Quân thù vẫn tưởng đâu rằng thành phố sẽ không đứng vững nổi và sẽ sụp đổ.

Đã mất hết hy vọng dùng không quân có thể ngăn cản được việc tiếp tế cho Lêningrat bị bao vây, vào cuối mùa thu 2942 giặc Đức đã mưu toan chiếm lấy đảo Xukhô trên hồ Lađôga để cắt đường tiếp tế của ta. Một ít quân ta ở trên đảo, gồm thủy binh và chiến sĩ biên phòng, đã dũng cảm chống lại một lực lượng địch mạnh hơn gấp bội. Các chiến hạm của hạm đội nhỏ trong hồ Lađôga và máy bay của hạm đội Bantich đã đến chi viện cho họ và làm cho thế trận ngã ngũ hẳn. trong số 26 tàu địch tấn công đảo này thì 16 chiếc bị đắm và 1 chiếc ta bắt được còn nguyên vẹn, số còn lại bỏ chạy. Con đường Lađôga vẫn tiếp tục hoạt đọng với cường độ cao.

Vào mùa xuân 1942, khi con đường trên mặt băng không còn nữa, thì đã có nguy cơ là thành phố sẽ hết nhiên liệu. Theo quyết định của Ủy ban Quốc phòng Nhà nước người ta đã đặt ống dẫn dầu ngầm ở dưới đáy hồ Lađôga. Công binh xây dựng, không quản những cơn sóng lớn mùa xuân, không quản những trận bắn phá của địch và thiếu thốn ngay cả những thứ tối cần thiết, trong 50 ngày đã đặt xong một đường ống dẫn xăng dài 30 cây số, và ngày 19 tháng sáu bộ đội và thành phố đã nhận được những tấn nhiên liệu đầu tiên. Đến mùa thu thì cũng hoàn thành xong cả đường dây tải điện ngầm dưới nước. Nhà máy thủy điện Vônkhôp đã tiếp điện cho thành phố bị bao vây.

Nhớ lại mùa đông băng giá năm trước, nhân dân Lêningrat đã tận dụng mọi khả năng để sửa chữa nhà cửa, lắp kính vào cửa sổ, dự trữ tiềm tiệm một ít củi và than bùn. Hầu hết trong mọi nhà, ống dẫn nước và hệ thống thoát nước bẩn đều hoạt động. Ngoài phố, tàu điện chạy đều.

Trong mùa hè và mùa thu 1942, lại thêm khoảng nửa triệu người nữa, phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người ốm, được tản cư đi khỏi Lêningat. Trong thành phố bây giờ chỉ còn lại người có sức lao động. Đến mùa thu thì công nghiệp Lêningrat đã phục hồi sản xuất nhiều thứ hàng quân sự. Trong các xí nghiệp của thành phố khi đó, người ta đã làm ra súng cối, tiểu liên, trái phá, mìn, sửa chữa xe tăng, đại bác và những thứ vũ khí khác.

Đến giữa tháng chạp, khi mặt băng trên hồ Lađôga đã dày cứng lại, thì “Con đường sống” lại bắt đầu hoạt động. Trên đường đó, cũng như mùa đông đầu, hàng đoàn ô tô lại chạy tới Lêningrat, chở đầy vũ khí, đạn dược, lương thực.

Những người Lêningrat đã nhận được hàng ngàn bức thư chúc mừng nhân dịp kỷ niệm lần thứ 25 cuộc Đại cách mạng tháng Mười sắp đến. Đầu tháng một, báo “Sự thật Lêningrat” đã đăng một bức thư ân cần khích lệ của Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô M. I. Calinin.

“Có thể mạnh dạn nói rằng, - M. I. Calinin viết trong thư, - không có một nơi thâm sơn cùng cốc nào trong khắp đất nước rộng lớn của chúng ta mà ở đó người ta lại không quan tâm theo dõi và vui buồn với mỗi tin nhận được từ Mặt trận Lêningrat. Lêningrat từ xưa vẫn là thành phố yêu dấu của nhân dân xô-viết, giờ đây hơn bao giờ hết nó lại càng là thành phố yêu dấu của toàn thể nhân dân Liên-xô trong khắp tất cả các miền”.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #28 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:25:23 am »

Tổ quốc đã đánh giá cao ý chí ngoan cường bất khuất và lòng quả cảm của những người bảo vệ Lêningrat. Sắc lệnh của Chủ tịch đoàn Xô-viết tối cao Liên-xô ngày 22 tháng chạp 1942 đã đặt ra huy chương “Bảo vệ Lêningrat:”. Huy chương này đã lóng lánh trên ngực của tất cả những ai đã cầm vũ khí trong tay bảo vệ Lêningrat. Cũng như những ai bằng lao động của mình đã góp phần củng cố sức phòng thủ của thành phố. ở mặt phải của huy chương, bên hình người lính và thủy binh có hình nam và nữ công nhân, điều này tượng trưng cho sự thống nhất của quân đội, hạm đội và nhân dân thành phố đã sát cánh với nhau giữ vững Lêningrat.

Tình hình Mặt trận Lêningrat biến chuyển từng tháng một. Tuy quân địch còn đóng quanh thành phố, song lực lượng và tinh thần của chúng đã bị sứt mẻ nhiều. Các lực lượng dự bị chiến lược thì phải đưa đi đến bờ sông Vônga, Bắc Côcazơ, Vôrônejơ, Đêminanxcơ, Vêliki Luki, Rơjep, nơi Quân đội xô-viết đang mở rộng tấn công mãnh liệt. khoảng 7 sư đoàn của phương diện quân “Bắc” cũng bị rút đi các hướng đó.

Tình thế ở Lêningrat trở nên có lợi cho quân ta. Nhận thấy như vậy, Bộ Tổng tư lệnh đề nghị với hai mặt trận Lêningrat và Vônkhôp lại mở cuộc tấn công vào mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin.

Bộ đội đã chuẩn bị cho chiến dịch này về thực chất, ngay sau khi đập tan tập đoàn quân Manstêin ở Xiniavin. Mùa đông đến đã không gây trở ngại, trái lại, nó càng tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch định tiến hành. Mùa đông làm cho cá sình lầy khô cứng lại và sông ngòi có rất nhiều ở vùng này đóng băng lại. Bộ đội nhân đó có thể cơ động một cách rộng rãi hơn.

Cuối tháng một 1942, Bộ Tổng tư lệnh đã phê chuẩn kế hoạch chiến dịch nhằm chọc thủng vòng vây Lêningrat và đặt cho nó ám danh là “Tia lửa”.

Tư tưởng của kết hoạch chiến dịch này là: tiếp theo đợt hỏa lực chuẩn bị cực kỳ mãnh liệt bằng pháo binh và không quân, dùng lực lượng đột kích mạnh của Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp chọc thủng phòng ngự của địch ở nam hồ Lađôga, tiêu diệt cụm quân địch ở Slitxenbuôc – Xiniavin và do đó mà phá vỡ vành đai bao vây của địch.

Hạ quyết tâm đột phá vòng vây của địch ở chính mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin, bộ tư lệnh quân ta không chỉ xuất phát từ chỗ đây là chỗ gián cách ngắn nhất giữa bộ đội của Mặt trận Lêningrat với bộ đội của Mặt trận Vônkhôp, mà còn tính đến tình huống này: ở mạn bắc Xiniavin, qua những đầm lầy than bùn, trong quá trình chiến tranh, ta chưa lần nào có hoạt động tấn công quyết liệt ở đây cả. Do đó, địch đã ít để ý đến khu vực này. Nhân tố bất ngờ ta có thể đạt được đó, có thể bù lại những khó khăn sẽ gặp phải trong việc khắc phục địa hình sình lầy và trận địa phòng ngự mạnh của địch.

Thế mà khó khăn thì lại không ít. Trên đường tiến quân của ta là những sình lầy bao la, nơi đây trước kia có những mỏ than bùn lớn. Vào mùa ấm áp, những sình lầy đó là chướng ngại rất khó vượt qua. Về mùa đông thì bộ binh có thể đi qua được cùng với súng lớn loại nhẹ kéo trên ván trượt tuyến. Còn các loại phương tiện nặng như tăng, pháo, ô tô, thì chỉ có thể đi trên các con đường tuyết sau khi đã lót thêm đường bằng vật liệu cần thiết.

Bộ tư lệnh phát-xít không thể không thấy nguy cơ bị quân ta tấn công vào mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin khi mùa dông tới. Nên chúng đã ra công làm cho khu vực này trở thành bất khả xâm phạm. Suốt cả khu vực này đầy dẫy những tuyến phòng ngự, và được bao phủ bởi mạng lưới dày đặc những đầu mối đề kháng và những điểm tựa mạnh, làm cho mũi nhô này thành một khu phòng ngự dã chiến rất kiên cố.

Địch đã đặc biệt tăng cường củng cố công sự sau những trận hồi tháng chín, khi thấy trận địa của chúng ở đây đã có thể bị quân ta chọc thủng. Đầu mối đề kháng ở cánh rừng nhỏ Cruglaia đã được củng cố lại hoàn toàn. Ở đây có tới hơn một trăm hỏa điểm súng máy và đại bác, một số rất lớn hầm hào cố thủ. Chúng cũng đã đắp ở đây hai thành lũy rộng và cao tới 1,5 mét. Để đối phó với quân ta tấn công, quân giặc đã lấy nước dội lên, làm cho những thành lũy đó biến thành băng đá, rất khó vượt qua.

Một chướng ngại quan trọng khác là sông Nêva, chiều rộng của nó ở giải tấn công của tập đoàn quân 67 là 500 – 600 mét. Muốn vượt qua khoảng cách đã đóng băng, bằng phẳng và hoàn toàn trống trải đó, thì nhất thiết phải đè bẹp được mọi phương tiện hỏa lực của địch bố trí ở bên kia bờ sông Nêva.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
macbupda
Moderator
*
Bài viết: 11970


Lính của PTL


« Trả lời #29 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2018, 07:26:03 am »

Vậy mà suốt bờ sông ấy lại chằng chịt những chiến hào và giao thông hào, chi chít những hỏa điểm dày dặc các hàng rào dây thép gai và bãi mìn. Ở sườn dốc đứng của bờ ấy thì băng trơn.

Pháo và lực lượng dự bị của địch đặt ở trên các cao điểm Xiniavin nằm giữa mũi khô. Từ đây, chúng có thể bắn pháo và tung đội dự bị ra phản kích ở bất cứ hướng nào.

Mật độ quân địch ở mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin cao hơn là quy định trong điều lệnh của quân Đức nhiều. 5 sư bộ binh của tập đoàn quân Đức 18 phòng ngự ở đây. Ngoài ra, ở khu Mơga còn có 1 sư đoàn nữa làm dự bị. hầu hết tất cả các đơn vị của địch đều được bổ sung quân số đầy đủ, trang bị tốt và có nhiều kinh nghiệm chiến đấu tấn công cũng như chiến đấu phòng ngự, đặc biệt là trong điều kiện địa hình rừng rú – sình lầy.

Qua tất cả những điều đó ta thấy rằng toàn thể cán bộ và chiến sĩ tham gia chiến dịch này đã phải có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng và mọi mặt như thế nào, phải có một bản lĩnh quân sự cao cường và tinh thần dũng cảm vô song như thế nào, mới đè bẹp được một quân địch cố thủ sâu trong đất và có hàng ngàn đại bác, súng cối, súng máy và các hỏa khí khác tua tủa vây bọc như vậy, để mà phá được vành đai bao vây của chúng.

Trong gần hai tháng, mọi công tác chuẩn bị khẩn trương đã diễn ra cả ở hai phía của mũi nhô Slitxenbuôc – Xiniavin. Bộ đội các binh đoàn và phân đội kéo đên các khu vực tập trung. Hậu cần lập các kho đạn dược, lương thực và các đồ dùng quân sự khác. Con đường tiếp tế trên hồ Lađôga vận chuyển đến mức tối đa.

Trong khi đó, các đơn vị đóng ở tuyến sau tích cực học tập khẩn trương. Cán bộ chỉ huy các cấp và các binh quân chủng học nắm vững nghệ thuật phức tạp về việc điều khiển các binh đoàn, các bộ đội và phân đội trong chiến đấu tấn công. Công sự và bố trí phòng ngự của địch được làm theo đúng như các ảnh trinh sát máy bay cho bộ đội tập. Ở thao trường của sư bộ binh 327 của đại tá N. A. Pôliacôp, là sư sẽ tấn công vào hướng rừng con Cruglaia, người ta đã dựng lên một thành lũy bằng băng đá đúng hệt như của địch.

Trên các thao trường, bộ đội ráo riết luyện tập cách đánh chiếm những công sự kiên cố của địch, vượt qua những khu sình lầy trống trải, những chướng ngại do địch dựng lên, rèn luyện bản lĩnh chiến đấu tấn công trong điều kiện phức tạp của địa hình rừng rú – sình lầy.

Các đại đội và tiểu đoàn của tập đoàn quân 67, là những đơn vị có nhiệm vụ tấn công đầu tiên qua sông Nêva, đã luyện tập cách vượt qua mặt nước đóng băng, qua những chỗ nước còn chưa đóng băng hẳn, tập cách trèo lên dốc băng trơn của bờ sông dưới hỏa lực của địch, khiêng súng cối và đại bác lên bờ và xung phong chiếm công sự phòng ngự của địch trên bờ sông.

Vào đầu tháng giêng 1943, với tư cách là tư lệnh Mặt trận Vônkhôp, tôi đã đến Lêningrat lần thứ hai, trong quá trình chuẩn bị cho chiến dịch đột phá vòng vây mùa đông ấy, để gặp tư lệnh Mặt trận Lêningrat – L. A. Côvôrôp. Trong lần gặp đầu – đó là vào cuối tháng mười -, chúng tôi đã thỏa thuận với nhau về hướng tấn công chính, đã vạch ra tuyến hội quân của bộ đội hai Mặt trận, đã thảo luận về hướng chủ công của cá lực lượng đột kích sau khi hội quân và quy định thời hạn dự kiến để bắt đầu tấn công. Giờ đây, trong lần gặp này, chúng tôi thảo luận các chi tiết về việc hội quân và quyết định xem sẽ hiệp đồng với nhau như thế nào.

Những tin vui liên tiếp từ miền nam đưa tới. Ở đó, bên sông Vônga, Quân đội xô-viết ngày 19 tháng một 1943 đã chuyển sang phản công, giờ đang đang vây chặt hơn 33 vạn quân Đức và đang phát triển tấn công mãnh liệt trên suốt cả cánh phía nam của mặt trận Xô-Dức. Các chiến thắng vẻ vang của quân ta bên bờ sông Vônga, sông Đông và ở Bắc Côcazơ đã nâng cao thêm sĩ khí của các chiến sĩ Mặt trận Lêningrat và Mặt trận Vônkhôp.

Đảng bộ Lêningrat đã tổ chức những buổi công nhân ở các nhà máy và xí nghiệp gặp mặt các chiến sĩ sắp đi chiến dịch. Nhân dân kể cho bộ đội nghe về những khó khăn trong đời sống và trong công tác ở thành phố bị bao vây, về ý chí rắn rỏi và tinh thần dũng cảm của người dân Lêningrat.

Nhân dân lao động Lêningrat đã viết thư cho các chiến sĩ tập đoàn quân mũi nhọn 2 của Mặt trận Vônkhôp, thiết tha kêu gọi họ đột phá trận địa phòng ngự của địch ở quanh Lêningrat, phá vỡ vành đai bao vây của quân thù, giải phóng thành phố Lênin.
Logged

Tự hào thay, mác búp đa
Khởi đầu những bản hùng ca lẫy lừng.
Thô sơ, gian khổ đã từng
Chính quy, hiện đại, không ngừng tiến lên.
Trang: « 1 2 3 4 5 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM