Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:50:58 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đội công an số 6  (Đọc 18542 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2017, 08:25:46 pm »


        - Tên sách : Đội công an số 6

        - Tác giả : Văn Phan

        - Nhà xuất bản Công an nhân dân

        - Số hóa : Giangtvx
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2017, 08:30:46 pm »

        
        Tác giả xin chân thành cảm on các đơn vị công an và các đồng chí sau đây đã vui lòng cung cấp tài liệu hoặc kể lại kỷ niệm công tác và chiến đấu của mình vào thời kỳ lịch sử nói đến trong truyện:

        - Viện Khoa học công an, Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

        - Phòng Nghiên cứu tổng hợp, Phòng Bảo vệ chính trị Ty Công an Ninh Bình (cũ).

        - Đổng chí Phạm Văn Bổng (tức Oanh), Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Ninh Bình (sau này là Thiếu tướng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an).

        - Đồng chí Đỗ Văn Tuyến, chuyên viên Bộ Nội vụ, nguyên Trưởng Ty Công an Ninh Bình.

        - Đổng chí Trần Cao Giảng, Trưởng phòng, Ty Công an Đắc Lắc.

        - Đồng chí Đỗ Hữu Dụ, Trưởng phòng, Ty Công an Hà Nam Ninh.

        Cùng một số cơ sở cũ của Đội Công an số 6 và nhân dân Phát Diệm.


MỤC LỤC

        Lời giới thiệu   5

        1.   Về với bà con   11

        2.   Nỗi lòng của anh Bích Hưng   20

        3.   Chúng tôi đã có mặt   28

        4.   Chuyện tản mạn của người trinh sát   35

        5.   Vầng sáng trên sông Vạc   46

        6.   Người đội mũ giang   55

        7.   Tình báo lính Cụ Hồ   60

        8.   Con gái trong vành đai trắng   77
        
        9.   “Anh sẽ là em con cô của tôi”   89

        10.   “Cha” tổng chỉ huy vệ sĩ   95

        11.   Ngay giữa Trì Chính, cạnh Xéc-tơ   107

        12.   “Bẩm ông Giám!”            116

        13.    Người công an công giáo   130

        14.    “Tôi xin bộc bạch với các ông”   146

        15.    Trên bàn thờ Đức thánh   153

        16.   Nhóm “Kháng chiến trùm chăn”   160

        17.   Công nhân lò bánh mì   165

        18.   Vào trại Kiến Thái   173

        19.   Sử dụng bọn lợi dụng   183

        20.   Vào Ty cảnh binh   198

        21.   Kẻ gây tội phải chịu tội   206

        22.   Chỉ vì hai cái tát         215

        23.    Có nội gián   219

        24.   Quả mìn đã rút chốt   231

        25.    Bản án được thi hành   239

        26.    Tiếng nổ bên sông Vạc   250

        27.    Niềm vui thắng trận   266

        28.   Chuyện không đáng xảy ra   271

        29.   Đau hơn đòn tổng bộ

        30. “Còn nhiều mìn lắm”   302

        31.   Bông hoa đỏ thắm   307

        32.   Chiến trường mong đợi   316

        33.   Rạng đông Phát Diệm   322
« Sửa lần cuối: 10 Tháng Giêng, 2018, 06:44:39 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2017, 08:32:15 pm »

   
LỜI GIỚI THIỆU

       “Đội Công an số 6” kể lại quá trình hoạt động của một tập thể cán bộ chiến sĩ Công an huyện Kim Sơn, Ninh Bình trong thị trấn Phát Diệm bị tạm chiếm, thời kì kháng chiến chống Pháp. Bắt đầu từ khi xâm nhập xây dựng cơ sở, qua những ngày hoạt động sôi nổi cho đến giờ phút đủ điều kiện đưa bộ đội tấn công tiêu diệt, tiêu hao sinh lực địch.

        Cuộc đấu tranh chống bọn phản động lợi dụng đạo Thiên chúa ở vùng Phát Diệm những ngày đầu, từ thời kì xây dựng chính quyền sau Cách mạng Tháng Tám tiếp đến sau ngày giặc Pháp nhảy dù chiếm đóng Phát Diệm (16-10-1949) là một cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt và phức tạp. Ở vùng Thiên chúa giáo toàn tòng này vốn có nhiều đặc thù, nhiều hoàn cảnh xã hội và những con người đặc biệt, tiêu biểu cho nhiều xu hướng chính tộ, tín ngưỡng, lợi ích khác nhau, nhiều mâu thuẫn và xung đột đa chiều. Trong đó bao trùm là cuộc đấu tranh giữa một phía là những thế lực bảo thủ phản động cấu kết với thực dân xâm lược duy trì nô dịch và phía chính diện là lực lượng vũ trang non trẻ và đồng bào, nhất là với giáo dân kính chúa yêu nước tiến bộ, chống ngoại xâm giải phóng cho nhân dân, giành độc lập dân tộc.

        Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền nhân dân đã được thành lập, nhưng những kẻ phản động lợi dụng đặc sách tôn giáo, dựa thần quyền và tình thế khó khăn của chính quyền cách mạng còn non trẻ, đã gây nên những cuộc bạo loạn chống lại chính quyền cách mạng ở Tang Điền, Phúc Nhạc. Bọn “Thiết Huyết đoàn”, tự vệ Nhà Chung đã truy sát những người tiến bộ. Chúng giết ông Ái cán bộ huyện trên đường phố, khi ông đang đi cùng Đức cha Lê Hữu Từ bàn về việc giữ trật tự trong khu vực. Khi Phát Diệm thành vùng tạm chiếm, lực lượng “Tự vệ Nhà Chung” tổ chức thành một thứ lính gọi là “Vệ sĩ’ hết sức tàn ác. Bọn chúng đã cùng với lính “Tự lực” thuộc ngụy quyền, trang bị vũ khí Pháp, được quân dù và các binh chủng quân đội viễn chinh Pháp hỗ trợ, suốt ngày đêm canh gác truy lùng cán bộ và đồng bào yêu nước. Chúng trả thù các chiến sỹ công an vô cùng man rợ. Bọn “Thiết Huyết đoàn” cắt tiết anh Mão giữa chợ, chôn sống anh Thúc lộn đầu xuống dưới rồi dùng mã tấu chém vào hai chân anh đang cử động! Chúng chém ba nhát vào mặt anh Tề rồi vứt anh xuống sông Trì Chính, chúng cắm cọc bêu đầu ông Ninh chủ tịch xã... Bà con trong các thôn làng và vùng chợ Trì Chính, Thượng Kiệm còn phải chứng kiến nhiều cảnh đau lòng khi chúng mổ bụng moi gan, chặt đầu bêu cọc cán bộ và đồng bào ta trong bạo loạn và khi bọn vệ sĩ theo chân giặc đi càn quét!

        Sau khi quân Pháp nhảy dù, Phát Diệm trở thành “vùng trắng”. Các tổ chức thuộc chính quyền cách mạng bị đánh bật khỏi địa bàn. Xung quanh Phát Diệm, quân Pháp và vệ sỹ của Hoàng Quỳnh càn quét chà đi xát lại tạo thành vùng đai trắng rộng lớn không còn một mái nhà, một bóng cây!

        Tình trạng tàn bạo đó của quân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng không thể khuất phục được tinh thần yêu quê hương đất nước của nhân dân Phát Diệm. Dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, chính quyền cách mạng Kim Sơn đã quyết tâm trở về Phát Diệm xây dựng cơ sở, cùng đồng bào tổ chức kháng chiến. Những chiến sĩ công an Phát Diệm, Ninh Bình là những người đầu tiên thực hiện quyết tâm chiến lược đó của cấp ủy.

        Từ vùng tự do đột nhập về hoạt động bí mật ở vùng trắng Phát Diệm đang bị tạm chiếm lúc đó là một công việc tưởng như không thể thực hiện nổi. Nhiều cán bộ trong lực lượng vũ trang, trong đội công tác vùng địch của công an và dân chính dũng cảm đột nhập và bám trụ đã bỏ mình trên vành đai trắng hoặc sa vào tay giặc rồi hy sinh vì đòn tra tấn của lũ quỷ khát máu. Đến cuối năm 1950, Đội biệt phái Công an Kim Sơn được thành lập. Và Họ đã vào. Từ chỗ một mình anh Oanh đột nhập vào, chỉ một thời gian ngắn, các anh đã chuyển đội biệt phái thành một đơn vị công an có phiên hiệu là “Đội Công an số 6”. Dựa vào đồng bào yêu nước giáo và lương, họ đã xây dụng cơ sở bám trụ chiến đấu ngoan cường, lập nhiều chiến công vang dội làm nức lòng quân dân đồng bằng Bắc bộ và góp phần đẩy mạnh cuộc kháng chiến mau đến ngày thành công. Những trận diệt ác trừ tề ngay giữa chợ. Bắt sống quân địch trong hang ổ của chúng. Khống chế, cảm hóa những kẻ cơ hội, những người lỡ bước. Những trận đánh xuất quỷ nhập thần giữa vòng kìm kẹp khắc nghiệt của “vệ sỹ”, như trận đánh câu lạc bộ sỹ quan ở nhà Lê Phát bên bờ sông Vạc giữa Trì Chính và rất nhiều những hoạt động táo bạo bảo vệ dân, thu thập tin tức tình báo phục vụ chiến trường, đã làm cho nhân dân trong vùng tạm chiếm phấn khởi, tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi còn kẻ thù thì khiếp vía phải chùn tay gây tội ác.

« Sửa lần cuối: 31 Tháng Mười Hai, 2017, 08:38:55 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Mười Hai, 2017, 08:33:12 pm »


        “Đội Công an số 6” là một tập thể, một đơn vị chiến đấu, sụ hình thành, hoạt động và chiến công của đội gắn liền với tên tuổi của những con người mưu trí dũng cảm, hết lòng vì dân vì nước, rất cá tính mà dung dị trong đời sống hòa nhập với đồng bào. Đó là đội trưởng Oanh, người luôn có nụ cười hiền hậu mà suy nghĩ sâu sắc, có quyết tâm cao và đủ bản lĩnh vượt qua mọi gian khổ hy sinh để thực hiện mục tiêu.

        Trong căn cứ, khi Đội biệt phái Công an Kim Sơn đang chuẩn bị “vào”, một lãnh đạo huyện bắt tay Oanh, nói: “Mai tôi vào, ta vào luôn chứ?”. Oanh thoáng nghĩ, có lẽ cấp trên muốn thử quyết tâm của Công an? Ai đã từng hoạt động bí mật trong lòng địch đều hiểu, giữ được lòng tin của cấp trên ở hậu phương là điều quan trọng sống còn. Nhưng lúc này tỏ rõ ý chí không phải chỉ bằng lời nói hăng hái. Không thể nôn nóng mà phải rất thận trọng. Anh cười nhẹ, thật thà: “Xin anh cho vài hôm nữa...”.

        Tâm là con người quả cảm, thoắt hiện thoắt ẩn như cái bóng. Đêm khuya, bọn lính Tự lực vừa đi tuần qua. Nghe gõ cửa, tưởng bọn vệ sỹ lục soát, ông Tám, một giáo dân ở cạnh Nhà Chung, lầu bầu khó chịu, mở hé cánh cửa. Người khách bước tới choán hết cửa, nói nhỏ: “ông Tám!”. Chủ nhà sửng sốt giật lùi. Rồi vừa lùi ông ta vừa há mồm nhìn. “Ông bà mạnh khỏe luôn chứ?” - Người khách nói thong thả, vừa như chào, vừa như trách chủ nhà vô tình, anh cười tươi. Chưa hết bàng hoàng, ông Tám kêu lên khe khẽ: “Anh Tâm! Lạy Chúa. Có thật anh không? Anh ở đâu đến?”. “Ở ngoài vào... ông cứ bình tĩnh!”, ông Tám thổi phụt tắt cái đèn trên tay, hổn hển nói: “Làm sao các anh vào được đây! Lạy Chúa tôi. Khiếp quá!”...

        Thông và Nhởn mới hai mươi tuổi, đều rất thông minh, táo bạo và nhanh nhẹn. Ban ngày, giữa phố Trì Chính, các anh dụ Hanh, một tên phản bội nguy hiểm bằng mồi là món hàng thuốc phiện. Tưởng dựa thế lực Nhà Chung và cha Tổng chỉ huy Vệ sĩ, hắn có thể ép người vớ được món bở thỏa máu tham. Nhưng không ngờ khi đến điểm hẹn nhận hàng, hắn vừa ngả mũ đẩy rèm bước vào thì... Người trẻ tuổi bước tới, dí dao găm vào cạnh sườn hắn, nói rành rọt đủ nghe: “Câm họng!

        Anh đã bị bắt ” Hắn bủn rủn muốn khuỵu xuống khi người thanh niên nói: “Đỗ Huy Hanh! Anh đã phản bội Tổ quốc. Thừa lệnh ủy ban Kháng chiến hành chính huyện Kim Sơn, Đội Công an số sáu bắt anh. Biết điều thì sống.”

        Còn nhiều trận đánh, nhiều chiến công của Đội Công an số 6 gắn với tên tuổi của các anh Đỗ Văn Tuyến, Đỗ Hữu Dụ, chị Thuận... và đặc biệt là những đồng bào lương và giáo kính Chúa yêu nước như ông bà Tám người có đạo gốc, anh Bích Hưng có vợ là cháu của cha Tổng chỉ huy vệ sỹ, các giáo dân ngoan đạo như bà Duyên, bà Phú, ông Đạt, ông Dinh, anh Phương... và nhiều người khác đã che giấu, giúp đỡ công an, bộ đội ẩn náu và đánh giặc.

        Qua cuốn sách mang nhiều cốt cách hồi ký này, người đọc không chỉ được chiêm nghiệm, thưởng thức sự phản ảnh thực tế sống động một thời kỳ hoạt động sôi nổi của các chiến sỹ công an trong một vùng có đạo Thiên chúa bị tạm chiếm mà còn gợi mở một số suy nghĩ về vận dụng đường lối quần chúng, chính sách tín ngưỡng vào công tác nghiệp vụ; về kinh nghiệm xây dựng cơ sở, phát triển lực lượng, khống chế, thuyết phục kẻ địch; về tác phong sâu sát, cách nhìn nhận ứng xử thích hợp, cụ thể của người trinh sát với từng loại đối tượng rất đa dạng phức tạp mà mình tiếp xúc... Và trên hết là suy nghĩ về lòng tin của người trinh sát hoạt động địch hậu đối với đường lối của Đảng và chỉ đạo của cấp trên; về tinh thần hy sinh vô bờ bến và lòng trung thành tuyệt đối với sự nghiệp cách mạng cùng tinh thần trách nhiệm vì hạnh phúc của người dân theo đạo bị kìm kẹp đàn áp cực kỳ tàn khốc dưới ách quân chiếm đóng và bọn lợi dụng thần quyền.

        Với cách viết trung thực, giản dị, tập sách nhỏ này mong không đến nỗi phụ lòng đón nhận của bạn đọc đang muốn giở lại những trang sử chiến đấu trong lòng địch thời kháng chiến chống thực dân Pháp của những chiến sỹ công an.


NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN       
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 09:48:47 pm »


1

VỀ VỚI BÀ CON

        Đêm khuya.

        Tiếng giày đinh nặng nề khua lộp cộp trên những đường phố chập chờn tối. Thỉnh thoảng những cái bóng đen to lớn của lính Âu - Phi cầm súng hiện ra bên bóng tháp chuông nhà thờ in rõ nét dưới mặt kênh bàng bạc xám. Hiệu phở Bích Hưng và mấy hiệu cà phê bên chợ Nam Dân còn đỏ đèn. Những tên lính đổi gác, lũ vệ sĩ canh nhà thờ và những tay cờ bạc, rượu chè lếch thếch, chuếnh choáng vào ra. Tiếng cười nói nửa say nửa tỉnh, cùng với tiếng bát đũa lách cách, vang xa mãi tới bờ sông Vạc. Những tên lính gác cầu Trì Chính bực dọc dẫm chân, dỗ báng súng huỳnh huỵch xuống đất để xua muỗi và xua đi cả tiếng ồn ào lẫn mùi thơm tiệm ăn đầy quyến rũ, đang giày vò cái bụng háu đói của chúng.

        Trong khi đó, dọc theo bờ kênh Thượng Kiệm mờ tối, có hai bóng người lặng lẽ lần bước vào phố. Bóng họ ẩn ẩn hiện hiện trên bờ tường hàng phố. Khi qua ngã ba, ngã tư hoặc gặp lính gác, lính tuần, họ khéo léo tách xa nhau, trông chừng cho nhau vượt.

        Trong một ngõ hẻm nào đó, bỗng vang lên tiếng báng súng thúc vào cửa ván rầm rầm, tiếng quát gọi, mắng chửi, tiếng chó sủa, tiếng người thất thanh van xin thưa bẩm. Tất cả rộ lên một lúc rồi lại im lìm như giữa bãi tha ma. Đó là cảnh thường tình khi bọn lính tuần soát giấy, khám nhà ban đêm. Hai bóng người vẫn đi. Đến gần ngang Ty Bảo chính đoàn, họ dừng lại, rẽ vào một ngôi nhà nhỏ bên kia đường.

        Người đi sau nép vào góc tường quan sát. Người đi trước bước sát vào cửa nhà, gõ từng tiếng một: Cốc! Cốc! Cốc!

        Trong nhà có giọng đàn ông khê nồng vì ngái ngủ và bực dọc:

        - Ai gọi gì? Đêm hôm khuya khoắt thế này!...

        - Ông Tám, cho vào với!

        - Ông là ai? - Tiếng nói trong nhà đã tỉnh táo hon.

        Tiếng người đứng ngoài vẫn khẽ nhưng rành rọt, dứt khoát:

        - Người quen đây mà!

        Trong nhà im bẵng một lát. Có tiếng sờ soạng loạt soạt. Lửa diêm lóe lên đột ngột, chập chờn rồi sáng đều. Tiếng chủ nhà lầm bầm, khó chịu ra mặt:

        - Có ngày nào, đêm nào các ông không vào! Khuya thế này còn lục soát?

        Cánh cửa hé mở miễn cưỡng, vừa đủ cho người trong nhà trông chừng qua ánh đèn dầu vàng khè hắt ra. Người khách bước tới choán hết cửa, nói nhỏ:

        - Ông Tám?

        Chủ nhà sửng sốt lùi lại, rồi cứ thế, ông ta há mồm nhìn.

        - Ông bà mạnh khỏe luôn chứ? - Người khách nói thong thả, vừa như đùa, như trách chủ nhà vô tình, anh ta cười rất tươi.

        Chưa hết bàng hoàng, ông Tám kêu lên:

        - Anh Tâm! Lạy Chúa. Có thật anh không? Anh ở đâu đến đây?

        - Ở ngoài vào... Ông cứ bình tĩnh. - Tâm cố tỏ ra dịu dàng, tự nhiên trong lòi nói, cử chỉ, nhưng mỗi lời của anh đều tác động mạnh mẽ tới chủ nhà.

        Cái đèn trên tay chủ nhà tắt phụt. Tiếng ông Tám thì thầm gần như bị ngập trong hơi thở: -Vào đây... vào đây. Còn ai nữa không?

        - Có hai anh em con. - Tâm quay lại ra hiệu cho người đi sau cùng vào.

        - Vào hẳn trong này cả đi! - Ông Tám hấp tấp giục.

        - Bà đi đâu?

        Ông Tám không trả lời mà cầm chặt, gần như ôm lấy hai tay Tâm, khiến cho lòng Tâm rưng rưng cảm động. Anh nhận thấy rất rõ những giọt nước mắt nóng hổi của ông Tám nhỏ trên tay mình.

        - Chết chửa! Ai lại đứng thế này? - Ông Tám luống cuống buông tay Tâm, bước ra đóng chặt cửa, rồi quay lại đẩy lưng hai người khách vào sâu trong nhà.

        Tiếng ông Tám nói khẽ như xuýt xoa:

        - Làm sao các anh vào được đây? Lạy Chúa tôi, khiếp quá!... Thế mà ở đây chúng nó nói rằng đã đuổi Việt Minh lên rừng rồi. Chúng nó còn nói Việt Minh đói rách không đi đâu được, quân Pháp và quân Đức cha đang bao vây chặt, sắp tiêu diệt sạch...

        Bình tĩnh hơn, ông Tám nói thêm:

        - Chúng tôi vẫn nghĩ, thế nào cũng có ngày các anh trở về với bà con.

        Bên cạnh tiếng thở đều đều của đứa bé đang ngủ say trên giường, trong bóng đêm im ắng, hai người khách còn nhận thấy có tiếng động khe khẽ; có người nào đó ý tứ đứng tránh, nhường lối cho họ bước vào. Chắc bà Tám vẫn nín lặng dõi theo phút gặp gỡ cảm động và đáng sợ này. Tâm nói khẽ, giọng tự nhiên vui vẻ như hồi Phát Diệm chưa bị tạm chiếm, mỗi khi tới đây anh vẫn chào hỏi bà:

        - Bà Tám vẫn mạnh khỏe luôn chứ?

        - Hai bác! - Tiếng bà Tám thì thào thân tình nhưng quá hồi hộp. Mấy giây sau bà nói tiếp, giọng run run:

        - Để tôi dọn cái gì ăn tạm? Ông trông chừng với...

        - À phải đấy! - Ông Tám tiếp lời bà - Các anh ở xa về mệt và đói đấy bà ạ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 09:52:37 pm »


        Hai người khách vội ngăn ông bà:

        - Không ạ. Chúng con không mệt, không phải ăn uống gì đâu.

        Người bạn cùng đi với Tâm nói thêm:

        - Ông bà cứ ngồi nói chuyện tình hình cho chúng con nghe.

        Tâm tiếp lời, giới thiệu anh với ông bà Tám:

        - Anh Oanh đây là cán bộ cùng công tác với con.

        - Vâng. - Ông Tám nắm cánh tay Oanh, tỏ lòng quý mến. Ông thầm thì – Nếu có động, các anh hãy vào tạm trong buồng. Nhà có cửa sau ra chợ.

        Rồi ông xuýt xoa kể lể:

        - Chúng nó đóng đồn bốt vòng trong vòng ngoài, khắp nơi. Ngả nào cũng đầy lính tráng canh gác. Bên kia cầu là khu Xéc-tơ1 của Liên hiệp Pháp2 toàn lính là lính, dây thép gai chằng chịt. Đêm đến, chúng rào cầu, rào hết các ngả đường thông thương ra ngoài. Dọc sông, lên quá bệnh viện một tý, là Ty Công an. Còn bên này, trước mặt đây là Ty Cảnh binh và Ty Bảo chính đoàn. Gần cầu Trì Chính có bốt Hai Vỡi, tòa tỉnh trưởng. Đằng sau đây là đền Đức Bà cứu giúp và sân bay... Đều là những nơi chúng canh gác nghiêm ngặt suốt ngày đêm. Đi xuống quá cầu ngói, khu Nhà Chung bây giờ toàn vệ sĩ. Thôi thì, cả Phát Diệm có mấy chục cái nhà thờ lớn bé thì bấy nhiêu là đồn bốt, điếm canh. Còn bên ngoài thị trấn ở các làng lân cận, đồn bốt nó đóng sát sạt nhau như nấm.

        Lính tráng thì có đủ loại. Lính Âu - Phi, Bảo chính đoàn thuộc Bắc phần, tiểu đoàn địa phương số 18, vệ sĩ của Nhà Chung, bảo an, cảnh binh, dõng tổng, dõng thôn, công an, chỉ điểm và đủ loại phản động thuộc các đảng phái và tôn giáo. Trong làng, trong phố chúng đặt ra liên gia. Mỗi gia đình phải có một sổ kiểm soát có dán ảnh ghi tên từng người. Bất ngờ chúng sục vào gọi người ra đối chiếu sổ, thừa ai chúng bắt ngay. Chúng còn giao cho hai, ba gia đình công giáo theo dõi kiềm thúc một gia đình lương... Thật không còn cái thời nào mà người dân bị đè nén thế này!

        Ông Tám để ý hai anh cán bộ, có lẽ các anh cũng đã biết nhiều. Sau vài phút trầm lặng, ông Tám hạ thấp giọng hỏi cách tha thiết, kính cẩn:

        - Nghe nói Bác Hồ ở Việt Bắc ạ? Bác có được mạnh khỏe luôn không các anh?

        Được nghe tin Bác Hồ, hai ông bà già sung sướng cảm động, họ luôn thốt lên thành kính: “Phúc đức quá!” hay “lạy Chúa!”.

        Bà Tám xì mũi, hắng giọng, thì thầm kể, giọng vỡ ra:

        - Tội nghiệp bà Tý ở Trì Chính chẳng được nghe cho sướng bụng. Các bác hẳn còn nhớ bà Tý? Hồi trước, bà bán nước chè đầu chợ chiều Trì Chính ấy. Đấy. Chả là anh Tý con bà đi du kích. Thằng Thư đem lính đến bắt bà tra khảo chết đi sống lại. Hành hạ thể xác chán, chúng còn bắt bà bỏ lương tòng giáo. Ngày nào cũng phải vào nhà thờ trình diện. Bà ấy ốm mãi xác xơ, không còn ra hồn người nữa. Ây vậy mà gặp ông nhà tôi lần nào cũng hỏi chuyện kháng chiến, hỏi chuyện Cụ Hồ. Chả là ông nhà tôi cứu bà ta tránh được bọn thằng Thư. Bà biết ông nhà tôi cũng có lòng...

        - Bây giờ bà Tý đỡ chưa ạ? - Tâm cảm động hỏi.

        - Đỡ gì! Chúa cứu vớt linh hồn bà ấy. Người trung nghĩa như vậy nhất định được lên nước Chúa! Các bác tính hơn sáu mươi tuổi đầu, chúng nó giày xéo như thế.

        Được nghe tin kháng chiến thắng lợi khắp nơi, từ trên Việt Bắc, Biên giới đến phong trào du kích trong tỉnh, trong huyện nhà, từ những người mình hằng tin tưởng, ông bà Tám thấy nỗi khổ cực của mình bảy, tám tháng nay như nhẹ bớt. Họ càng tin ngày giải phóng Phát Diệm không xa nữa. Nhưng trước mắt, họ vẫn sợ hãi.

        Một lát, ông Tám tưởng hai anh chỉ tạt qua thăm gia đình chốc lát trên đường công tác, rụt rè hỏi:

        - Các anh còn đi những đâu nữa?

        - Ông bà Tám ạ - Tâm nói, giọng nhỏ nhưng sôi nổi - anh em công an chúng con sẽ ở lại cùng đồng bào...

        - Các anh ở lại? - Bà Tám hoảng hốt hỏi lại.

        - Vâng. Ông bà có thể giúp đỡ cho chúng con?

        Lạy Đức Mẹ lòng lành vô cùng! Không thể được đâu. Các anh hiểu cho. - Giọng ông Tám như nghẹn ngào nghe thảm thiết. Dù trong bóng tối, Tâm và Oanh cũng hình dung ra nét mặt khổ sở của ông khi phải nói những lời trái với lòng mình như thế. - Sáng mai chúng nó sẽ bắt mất các anh... Bọn Lu-xi-phe3 ấy chúng nó sục khiếp quá. Nó mà bắt được anh em công an thì...

------------------
        1. Secteur: Vùng hoạt động quân sự của địch trong thời kỳ Pháp chiếm đóng. Phạm vi hoạt động thường là tương đương với một hoặc hai tỉnh tùy theo tầm quan trọng chiến thuật của vùng đó; do một trung đoàn hoặc lực lượng tương đương phụ trách.

        2. Cách gọi thông thường lính Pháp chính quốc, để phân biệt với lính ngụy.

        3. Lu-xi-phe: Quỷ cầm đầu hỏa ngục - đây ý nói là bọn ác ôn trong bộ máy kìm kẹp dân chúng của giặc.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 09:53:41 pm »


        Tâm và Oanh ngồi im. Họ hiểu lắm. Trong óc mỗi người ở đây còn khắc sâu hình ảnh những ngày đấu tranh quyết liệt với bọn phản động đội lốt Thiên chúa giáo gây bạo loạn để bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ. Năm 1947, bọn bạo loạn vũ trang kích động giáo dân chậm tiến biểu tình phản đối Chính phủ, đả đảo công an. Đến khi giặc Pháp nhảy dù tháng 10 năm 1949, chúng biến các lực lượng tự vệ Nhà Chung thành vệ sĩ, cho bọn lính “tự lực” cầm vũ khí đi săn lùng cán bộ và đồng bào yêu nước. Đặc biệt chúng trả thù các chiến sĩ công an vô cùng man rợ. Bọn “Thiết Huyết đoàn1” cắt cổ anh Mão giữa chợ, chôn sống anh Thúc ngược đầu xuống dưới rồi dùng mã tấu chém vào đôi chân anh đang cử động! Chúng chém ba nhát vào mặt anh Te, vứt anh xuống sông, may anh được đồng bào cứu sống. Và biết bao nhiêu trường hợp chúng mổ bụng moi gan các đồng chí và đồng bào ta!

        Nhưng cũng chính vì thế mà Oanh, Tâm và các chiến sĩ công an cách mạng bao lâu nay nóng lòng muốn được trở về đây chiến đấu.

        Tuy nhiên, thực tế trước mắt các anh là những khó khăn lớn phải suy nghĩ kỹ.

        Tâm muốn tìm lời nói cho ông bà Tám hiểu, dù kẻ địch hung ác và xảo quyệt đến đâu nhưng nhân dân hết lòng với Tổ quốc, quyết tâm giúp đỡ cán bộ thì chúng ta vẫn đối phó được. Anh tin rằng ông bà Tám, một cơ sở trung kiên cũ của công an, sẽ hiểu ra và vui lòng để các anh ở lại. Tâm đã nghĩ, vào được tới đây thì sống chết bám lấy dân chứ không quay ra nữa. Còn Oanh thì “vâng, vâng...” như tán thành những lời ông bà Tám nói. Chả lẽ lại bàn bạc ở đây khi ý kiến chưa thống nhất? Tâm im lặng tùy Oanh quyết định. Tâm vốn tin vào kinh nghiệm hoạt động của Oanh, một cán bộ trinh sát đã có nhiều thành tích chiến đấu và thông thạo tình hình Phát Diệm.

        Ra khỏi nhà ông Tám, Oanh nói khẽ bên tai Tâm:

        - Bước đầu gặp được đồng bào thế này là thắng lợi lắm rồi. Muốn ở lại xây dựng cơ sở để chiến đấu lâu dài, chúng ta phải chuẩn bị chu đáo hơn nữa. ít nhất cũng phải chuẩn bị tinh thần cho quần chúng đã. Dù mình không sợ hy sinh thì cũng không được để phiền lụy đến đồng bào. Đây là Phát Diệm...

------------------
        1. Thiết Huyết đoàn: Tổ chức ám sát, khủng bố của bọn phản cách mạng hồi đó.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 09:56:32 pm »

     
2

NỖI LÒNG CỦA ANH BÍCH HƯNG

        Tiếng chuông chầu lễ cuối ngân vang lên từ phía Nhà Chung, như một làn sóng trầm rè rè sánh nặng tỏa xuống các ngả. Tiếng chuông rờn rợn như lơ lửng, ngưng đọng đè trĩu các mái nhà, ngõ phố, bờ kênh và thôn xóm Phát Diệm u uất.

        Ông Tám nhớ chừng, muốn dứt ra, đóng cửa hàng để đến nhà thờ đón bà đi lễ về, nhưng Bích Hưng, anh hàng phở cùng phố, không buông tha ông. Anh ta nắm cánh tay ông thầm thầm thì thì:

        - Đấy. Chỉ ông tôi mới nói, cho ông mừng.

        Anh hàng phở này biết ông Tám có lòng theo cách mạng, anh thường tìm ông để tâm sự. Ông Tám đã quen, đã tin anh ta. Từ lâu rồi Bích Hưng vẫn quen thế; mỗi khi nghe biết chuyện gì của kháng chiến như hoạt động của du kích, cán bộ, hay chỉ những phỏng đoán, những điều do lòng mong muốn của anh nghĩ ra, Bích Hưng cũng chạy sang thì thầm với ông Tám. Cả khi căm tức quân thù đè nén, giết hại đồng bào yêu nước hay bản thân anh bị ức hiếp, như một tên lính Com-măng-đô nào đó ăn quỵt phở chẳng hạn, anh ta cũng than thở, kể lể hoặc nói cho “hả hơi độc” với ông Tám.

        Câu chuyện của Bích Hưng hôm nay tự nó đã hấp dẫn. Tiếc rằng có nhiều điều ông Tám đã biết, biết hơn thế nữa, nhưng ông chưa thể nói cho anh bạn tâm đắc nghe.

        - Thế là Lai Thành bắt đầu rồi đấy ông ạ! - Bích Hưng nói một cách tự hào. Đôi mắt long lanh tin chắc người nghe phải thích mê đi - Hôm qua, cánh khăn vàng1 anh nào anh nấy bơ phờ, rũ rượi, kéo vào nhà tôi uống rưọu, chúng nói ra đấy. Ai đời giữa chùa Lai Thành đang ngày hội mà Việt Minh vũ trang vào xách cổ thằng Đàm “đơ bê” trước mặt bao nhiêu lính tráng vệ sĩ! Anh em lại còn tuyên truyền diễn thuyết, phát truyền đơn nữa chứ. Không tốn một phát đạn, không đụng đến một người dân. Ông bảo có thần tình không?

         Ông Tám gật gù:

        - Nghe nói ở Bình Sa, Cồn Thoi và nhiều vùng trong Kim Sơn ta, du kích đã mạnh lắm.

        - Còn phải nói. - Bích Hưng cao hứng nói ngay - Tôi tính, trong Phát Diệm này thế nào cũng có cán bộ bí mật. Có cái là ta chưa biết đó thôi?

        - Biết thế nào? - Ông Tám cầm điếu châm lửa, cố kìm lòng mình và để suy nghĩ những điều muốn nói - Anh Bích Hưng này, ví phỏng cán bộ về bắt mối với anh, anh có dám cho họ ở trong nhà không?

        Bích Hưng xịu mặt, bắc hai chân lên ghế, ngồi ôm gối trầm ngâm rồi nói chậm rãi, buồn thiu:

        - Mình thì còn phải nói làm gì, gưom kề cổ cũng dám đấy! Nhưng hoàn cảnh tôi trong lúc này không ai tìm đến đâu!

        Ông Tám gật đầu:

        - Ừ, nhà cậu bán hàng ăn, khách vào ra suốt ngày, mà lại toàn lính tráng với chỉ điểm như thế thì làm sao mà che giấu được?

        Bích Hưng lắc đầu uể oải như đang chăm chú theo đuổi ý nghĩ xa xôi khác, tuy anh vẫn nghe ông Tám nói.

        - Cái đó thì không ngại, - Anh ta vẫn chậm rãi, lơ đễnh - được thế thì tôi để ngay các anh làm người giúp việc. Lên thẳng Ty Công an và Tổng bộ mà xin giấy chứ. - Bích Hưng nháy mắt ranh mãnh - Có gì đâu, đấm vào mõm chúng nó một cú thôi mà. Chỉ cốt anh em được ở công khai, có nơi đi về. Nhưng... nhưng hoàn cảnh tôi nó éo le the!

        Ông Tám bỗng sáng mắt. Bích Hưng đã gợi cho ông ý kiến thật hay vào đúng lúc ông đang bí. Đơn giản vậy mà ông không nghĩ ra! May quá là may! Và ông Tám chợt hiểu thấu nỗi buồn của Bích Hưng. Tâm huyết anh ta, ông Tám biết lắm. Khốn nỗi, vợ anh ta lại là cháu gọi Hoàng Quỳnh bằng cậu! Chị là người ngoa ngoắt thường át giọng chồng và hàng ngày vẫn đi xưng tội với cha Quỳnh... Trước đây ông cũng đã có nhiều băn khoăn như vậy. Ông lo nhà mình có bàn đèn thuốc phiện, bọn xấu thường lui tới hút xách, chăc không đời nào cán bộ còn tin ông... Ông lựa lời an ủi Bích Hưng:

        - Cốt nơi lương tâm mình thôi. Có lòng yêu nước, ghét chúng nó thì thiếu gì cách giúp đỡ Chính phủ, ủng hộ kháng chiến? Mình có lòng thì nhất định mình có dịp...

        Bích Hưng gật đầu, giọng vẫn buồn:

        - Nói có Chúa chứng giám cho. Cái đầu tôi cũng không tiếc chứ nói gì đóng góp? sống mà phải ức chúng nó thế này thì không chịu được. Chỉ mong bộ đội Cụ Hồ đánh vào cho một trận!

        Hai người cùng trầm ngâm nhìn ra cửa. Đường phố Thượng Kiệm, người đi lễ về kéo đoàn lũ lượt. Một chiếc xe jeep của quân Pháp phóng như hóa rồ làm nước bùn đọng trên mặt đường bắn tung tóe. Bà con giáo dân, áo lễ vắt trên cánh tay, chạy dạt vào bên vỉa hè. Nhiều người chậm chân bị bùn lấm tận đầu. Họ cau mày nhìn cái xe, không ai dám nói một lời.

---------------
        1. Lính vệ sĩ mặc đồng phục đen, quàng khăn vàng ở cổ.
Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2018, 09:58:40 pm »

  
        Ông Tám giật mình, nhổm người ra cửa ngó chừng. Mải chuyện, quên đi đón bà, ông tặc lưỡi: “Chả đi nữa, chắc bà đã về đến nơi?”. Ông đứng trong cửa nghển ra. Bích Hưng vẫn ngồi bó gối, cau mày nói to với ông Tám, vừa có vẻ bực dọc, vừa chế giễu:

        - Ông cứ làm như bà còn trẻ dại lắm mà phải đưa với đón! Có mấy nước bước dưới Nhà Chung về đây.

        - Nào có ai muốn nhiêu khê thế? - Ông Tám quay lại phân trần - Nhưng cái buổi tệ hại này, lính tráng giặc giã đầy đường. Đàn bà con gái ra khỏi nhà có mấy khi được yên ổn.

        Vừa lúc ấy bà Tám về. Bà bực bội vứt cái nón lên cái bàn cân, trách ông:

        - Đã dặn rồi mà ông chả thèm nghĩ tới tôi. Hôm nay tôi chết khiếp, tưởng không về được đến nhà với ông nữa.

        Vẻ coi thường, có phần nhạo báng, Bích Hưng tiếp lời bà:

        - Lại mấy thằng lính khốn khiếp chặn gái ở cửa Nhà Chung khi tan lễ chứ gì? Chúng nó ghẹo gái chứ có đứa vô phúc nào mà đụng phải bà già!

        - Ôi dào? - Bà Tám cáu, chì chiết - Chúng nó không đụng đến bà già nhưng móc tiền trong túi bà già. Nó giật mất cái dây thánh giá bằng bạc của tôi đây này! Hôm nay thật quá tệ. Tôi chết khiếp. Ai đời, người ta nói, ở các xứ đang giữa buổi lễ mà bọn “Hổ xám” 1 nó sục từng hàng ghế, mắt cứ trợn trừng trắng dã, đi tìm gái. Thấy cô nào vừa mắt là nó vác ngửa ra sau nhà thờ hãm hiếp. Tiếng kêu khóc xé ruột. Thế mà cả ngàn con người bổn đạo cứ phải gằm mặt làm ngơ không ai dám ho he.

        Ông Tám cau mày:

        - Thế các cha đâu?

        - Cha đấy chứ cha đâu? - Nói đến cha, bà Tám dịu giọng, lắc đầu, kể - Đức cha đang giảng chứ phải ai lạ. Người cũng phải nhắm mắt làm ngơ, sinh chuyện thế nào được với bọn quỷ dữ ấy.

        Bích Hưng mỉa mai:

        - Các cha dù có vệ sĩ, Tự lực gì cũng sợ bọn Com-măng-đô Hổ xám ấy. - Anh ta đấm tay vào ngực thùm thụp - Thôi thì “muôn sự tại ta”.

        Bà Tám hốt hoảng nhìn Bích Hưng:

        - Lạy Chúa. Anh này sao sinh cứng lòng vậy?...

        Bích Hưng uể oải đứng dậy, cười nửa miệng như mếu. Tiếng dép lê loẹt quẹt ra mãi đường cái còn vọng lại, buồn rười rượi.

        Ông Tám mỉm cười say sưa với những lời Bích Hưng nói. Ông sẽ thoát ra khỏi những băn khoăn lo lắng vẫn giày vò lương tâm ông mấy bữa nay. Thật, có trải qua những phút gay go trong tâm can như ông đã trải qua, khi phải từ chối các anh công an về bắt mối, mới thấm thìa những lời Bích Hưng và hiểu được nỗi tự hào sung sướng của ông lúc này. Anh Oanh còn bận đi xây dựng những cơ sở khác đã đành. Còn anh Tâm, ông sẽ khai là cháu ở quê mới ra giúp việc trông hàng cho ông. Thật là ổn! ông Tám thở phào, nhớ lại từng chi tiết cái hôm đáng nhớ đó.

        Sau cái đêm ông bà Tám phải đau lòng từ chối các anh, Tâm và Oanh cứ phải đêm đêm đi lánh ẩn, ngày hoạt động. Được hơn một tuần - trong cái tuần dài dặc đó, trong nhà ông bà Tám cứ như giận nhau. Ai cũng bực dọc như người có lỗi, chả muốn ăn muốn nói gì. Hôm kia mưa suốt đêm, ông nằm trằn trọc thở dài, thở ngắn không sao nhắm mắt được. Các anh ấy không biết ở bụi bờ nào? Mỗi giọt mưa rơi như một mũi kim đâm vào lòng ông. ông thấy rõ bà cũng chẳng sung sướng gì hơn. Gần sáng, khi bọn lính tuần đêm kéo nhau về rồi, vừa thấy hai anh đến.

        Vừa mừng, vừa thương, bà không cầm được nước mắt, cứ xuýt xoa luống cuống. Ông run rẩy chạy tìm mấy cái áo quần khô cho các anh thay tạm.

        - Lạy Chúa cứu vớt. Mưa suốt đêm thế này... sống làm sao được ngoài bờ, ngoài bụi! - Bà Tám nói trống không mà như ý trách móc ai đó.

        Oanh và Tâm vẫn cười. Oanh đỡ lời bà:

        - Biết làm thế nào được ạ? Chúng con bị ướt trên đường vào.

        Ông bà Tám, kẻ lên nhà, người xuống bếp. Ông rót nước tráng mấy cái chén vừa mới tráng, xếp lại mấy cái đóm vốn đã đặt ngay ngắn. Bà dựng lại cái chổi, xếp lại mấy bó cói ngoài thềm...

        Ông bà đều có những ý nghĩ giống nhau nhưng họ lúng túng chưa dám quyết đoán nói ra.

        Lát sau, bà bưng cơm lên cho hai anh ăn. cầm đũa cả đánh nồi cơm, bà hơi nhăn mặt, né đầu tránh khói bốc lên, cặp mắt mọng chớp chớp. Đột nhiên bà nói giọng cao cao:

        - Chả lẽ các anh cứ thế này mãi à?

        - Ông Tám lăm xăm đi tới, ngồi ghé bên mâm, thì thầm:

        - Tôi tính, ta đào hầm bí mật mà ở lại ngay trong này thôi?

        Hai anh công an nhìn ông, chưa nói gì, bà đã tiếp lời:

        - Các anh cứ ở trong nhà, đụng sự thì xuống hầm. Chúng nó làm gì được? Lạy Chúa! Có khổ phải xuống hầm cũng còn hơn phải dầm mưa dãi gió ngoài ruộng, ngoài bờ...

        Bây giờ nghĩ lại, ông Tám còn ân hận, sao hôm đó ông hèn nhát thế! Chỉ cốt ở lòng mình thôi. Có lòng theo Cụ Hồ thì thiếu gì cách bịt mắt quân thù? Cứ xem như Bích Hưng, anh ta chỉ lo không được các anh đến thôi. Có lẽ hầu hết dân Phát Diệm ta đều vậy cả, chỉ tội phải giữ mặt lạnh lùng để che mắt chúng nó thôi?
       
        Bất ngờ tiếng bà Tám cáu kỉnh làm ông giật mình:
       
        - Chứ trẻ mỏ gì nữa mà cứ nằm cười một mình như người dở hơi thế ông? Có dậy mà ăn cơm đi không, hay lại bắt tôi phải chờ chực mãi nữa!

-------------------
       1. Lính Com-măng-đô Hổ xám, Phi hổ do tên đại úy Phi Hùng chỉ huy đóng ở nhà tế bần Nam Định.
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Giêng, 2018, 09:31:03 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Trung tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 06 Tháng Giêng, 2018, 09:33:38 pm »

       
3
       
CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ MẶT
       
        Ngọn đèn dầu hỏa tỏa ánh vàng im lìm trong gian buồng nhỏ. Trên vách nhà in rõ cái bóng đen to lớn của Oanh, lặng yên như nét vẽ.
       
        Có thể khi suy nghĩ, trông người ta khắc khổ già trước tuổi? Nhưng, dù thế đi chăng nữa, thì có người quen cũ nào ở Ty Công an Ninh Bình gặp Oanh lúc này, cũng phải sửng sốt, không ngờ anh thay đổi đến thế? Mặt anh hốc hác, đôi mắt to tròn gan góc giờ sâu xuống làm đôi mày như rậm thêm. Cái mũi dọc dừa càng như cao thêm trên đôi môi dày mím lại một cách đăm chiêu. Nhìn anh ngồi đó, người mới gặp khó tin rằng anh chỉ mới hăm bốn tuổi.
       
        Ấy thế nhưng nếu có ai nói những nhận xét bên ngoài ấy với anh, thì Oanh sẽ rất ngạc nhiên. Bởi vì, trái lại, trong lòng anh lúc này đang tràn ngập một niềm vui sảng khoái. Các anh đã hoàn thành được những nhiệm vụ bước đầu và đang say sưa với những dự kiến công tác trong bước mới đầy hứa hẹn.
       
        Cho đến giờ phút này, anh đã có thể viết bản báo cáo đầu tiên gửi lên các đồng chí lãnh đạo Ty Công an Ninh Bình ngay trên mảnh đất Phát Diệm bị tạm chiếm đầy đau thương, căm thù và nguy hiểm này. Từ đây ngọn lửa kháng chiến sẽ cháy bùng lên giữa sào huyệt kẻ thù mà chúng vẫn tự đắc là “khu vực an toàn, bất khả xâm phạm” của chúng.
       
        Viết những gì đây?
       
        Oanh xôn xao cảm động. Bao nhiêu suy nghĩ, bao nhiêu sự việc diễn ra với các anh trong thời gian qua như cùng ập đến.
       
        Đã một tháng rồi. Thời gian trôi nhanh biết bao! Nhưng đó sẽ mãi mãi là thời gian đáng ghi nhớ trong đời hoạt động cách mạng của Oanh.
       
        Hôm ấy, một ngày hè oi ả, tại một địa điểm trong đồn điền Tham Huyền. Ty Công an Ninh Bình đã mở hội nghị sơ kết công tác sáu tháng đầu năm 1950. Có một điều làm cho mọi người không vui là chương trình công tác của Công an huyện Kim Sơn không hoàn thành. Các huyện khác đều đã lập được những đội biệt phái hoạt động trong lòng địch. Có nơi như Yên Mô, Yên Khánh khó khăn không ít, mà họ đạt được những thành tích lớn trong việc xây dựng cơ sở, phá hoại, tiêu hao sinh lực địch, đẩy mạnh phong trào kháng chiến, thật đáng tự hào. Riêng Kim Sơn vẫn là địa bàn trắng. Những “đội công tác vùng địch” của công an đã mấy phen tiến vào, đều bị đánh bật ra. Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trên vành đai trắng, hay sa vào tay quân thù. Có người vào được đến nơi, thì nằm im không còn tác dụng. Chỉ vài nơi giáp ranh có núi non hiểm trở như Lai Thành mới có được một số đội công an xung phong lẻ tẻ, tối đột nhập hoạt động ngày phải rút ra.
       
        Đồng chí Giám đốc Công an Liên khu 3 thay mặt Khu ủy về dự hội nghị, đã chỉ thị cho Công an Ninh Bình phải có mặt ở Phát Diệm ngay trong tháng sau đó. Bám đất bám dân, xây dựng cơ sở ở Phát Diệm trở thành quyết tâm của Công an Ninh Bình. Điều đó đã được ghi rõ trong nghị quyết của chi bộ Ty.
       
        “Đội biệt phái Công an Kim Sơn” được thành lập ngay. Với tư cách là bí thư chi bộ, Oanh xung phong nhận nhiệm vụ và anh đã được cấp trên chỉ định làm đội trưởng.
       
        Chỉ mất vài ngày chuẩn bị, Oanh đã hăng hái lên đường. Trong địa điểm cơ quan Huyện ủy đóng ở Thanh Hóa, đồng chí Hòe bí thư huyện ủy, vui vẻ bắt tay anh, cười nói:
       
               -  Mai tôi vào, ta cùng đi luôn nhé?
       
        Oanh thoáng nghĩ: có lẽ Huyện ủy có ý thử thách cán bộ công an? Oanh lặng đi trong giây lát. Đã có người nghĩ rằng công an chưa cử cán bộ có trình độ vào hoạt động trong Phát Diệm, chỉ mới có những chiến sĩ công an xung phong hoạt động vùng tranh chấp thôi. Nhưng Oanh hiểu việc này phải rất thận trọng, không thể nôn nóng. Oanh bình tĩnh nói với anh Hòe:
       
        - Xin anh cho ba hôm nữa. Chúng tôi còn một số anh em cơ sở chưa về đủ.
       
        - Ừ thì ba hôm? - Đồng chí Hòe gật đầu, cười.
       
        Đen khi các đội viên công an hăng hái xin lên đường, đồng chí Hòe mới họp anh em để đả thông tư tưởng. Đồng chí nói:
       
        - Các đồng chí còn phải chuẩn bị thêm một thời gian nữa.
       
        Oanh cùng đồng chí Hòe vào trước để chuẩn bị đường dây.
       
        Cho đến khi lên đường, “Đội biệt phái Công an Kim Sơn” mới chính thức thành lập và được mang tên là “Đội Công an số 6”.
       
        Đội gồm các đồng chí đã được thử thách và chọn lọc ở các cơ sở, như: Oanh, Tuyến, Dụ, Tâm, Thông, Nhởn... Oanh, Thông, Tâm vào hoạt động trước ở thị trấn, số còn lại là công an xung phong do Tuyến phụ trách, hoạt động chủ yếu ở các làng xung quanh. Phải ba tháng sau các anh mới hình thành được một mạng lưới hoạt động gồm năm trạm liên lạc, hai mươi đội viên và một số liên lạc.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM