Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:21:16 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật quân cờ  (Đọc 22164 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:37:47 pm »

Thân ái chào các bác! Grin Grin Grin
Cũng đã quá lâu rồi nhà em không hiện hình lên chuyên mục, vì công việc và không có nguồn tư liệu hay.
Nhân có trang facebook : Quán bia com com, và có bác trên ấy hay đăng tải truyện về ngành CA, em đọc và thấy khá hay. Đã hỏi ý kiến bác ấy và biết bác đó cũng là thành viên trang nhà với tên : bodoibienphong.
Được phép của bác nên em xin post vài truyện viết về ngành CA, mảng chủ đề về an ninh quốc gia, phản gián....
để cho trang nhà ta thêm vài mảng mới cho vui cửa vui nhà.
 Trân Trọng
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2017, 11:00:58 pm gửi bởi danhthanh » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:39:55 pm »

        - Tên sách : Bí mật quân cờ
                          Tác phẩm tham dự cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “VÌ AN NINH TỔ QUỐC VÀ BÌNH YÊN CUỘC SỐNG 2012 - 2015"

        - Tác giả : Sỹ chân

        - NHÀ XUẤT BẢN CÔNG AN NHÂN DÂN

« Sửa lần cuối: 09 Tháng Tư, 2020, 04:59:27 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:42:05 pm »

Chương Một
Ie

Buổi tối ở con hẻm nhỏ nằm trong ngõ Văn Chương, thuộc làng Linh Quang, phía sau ga Hàng Cỏ, Hà Nội, thật là vắng vẻ. Nơi đây, lúc này vẫn còn là một khu lầy lội, chưa được quy hoạch lại. Nhiều ngôi nhà lụp sụp, nhiều đường ngang ngõ tắt thiếu ánh sáng điện. Một ai đó lạ lẫm tới đây, hẳn sẽ tưởng lầm là một làng quê nào đó ở ngoại thành. Đi lại rất dễ lạc đường. Nhất là vào mùa mưa, nơi nửa làng, nửa phố, nửa có ánh điện, nửa có trăng sao này, lại càng lầy lội ghê gớm. Thành phố chưa có kế hoạch đầu tư xây dựng, nên dân cư lấn đất tràn lan, đặc biệt là ở khu ven hồ. Thành ra việc xây dựng chẳng có hàng lối nào cả. Muốn tìm vào nhà ai đó, phải vượt qua những con đường ngoằn ngoèo, ngoắt ngoéo, chẳng khác nào một mê cung, không biết đâu mà lần.
Ngôi nhà của ông Đường nằm trong một ngõ hẹp thuộc làng Linh Quang ấy. Nó khuất nẻo về phía đầm nước, sát hồ Văn Chương. Trang trí trong nhà thật đơn sơ. Một cái giường lớn, một giường nhỏ, một cái tủ, một chiếc bàn làm việc, một bộ bàn ghế cũ và vài thứ lặt vặt khác. Ông và vợ con đã chuyển đến đây được mười năm rồi. Trước đó ông ở ngoài phố, tuy chật chội nhưng rất thuận tiện. Song, ông phải nhường lại cho người anh đông con, mượn của người bạn chỗ này ở tạm. Thế mà cũng đã được mười năm.
Cuộc sống của gia đình ông Đường không được sung túc, nhưng đủ ăn. Nhờ người vợ đảm đang, tháo vát, cộng với bậc lương trung bình của ông, một cán bộ lâu năm trong ngành văn hoá, nên cuộc sống cũng tàm tạm. Ông là một cán bộ làm việc hết sức cần mẫn. Cả ở nhà cũng như ở cơ quan, ông đều là một người gương mẫu, nên được mọi người quý mến. Tuy không có gì xuất sắc, song vì lòng tốt và sự đúng mực, ông đã không làm phiền hà cho ai và cũng không làm ảnh hưởng tới cơ quan bao giờ.
Đằng đẵng nhiều năm trời, ông là một viên chức mẫn cán và chỉ là một viên chức tích cực mà thôi. Nhưng như thế đối với ông là đủ. Với tuổi sáu mươi, làm việc chăm chỉ và không mệt mỏi, cho đến gần ngày nghỉ hưu, cơ quan đã ưu tiên cho đứa con trai lớn của ông đi học nước ngoài, và đứa nhỏ làm hợp đồng tại cơ quan. Như thế là ông đã cảm thấy tốt lắm rồi. Cuộc sống gia đình ông đang khá lên thì vận may lại đến nữa. Cơ quan phân cho ông một căn hộ mới thuộc một trong những ngôi nhà cao tầng của khu tập thể. Đó thật là một điều hạnh phúc đối với ông.
*
Sắp sửa tạm biệt ngôi nhà cũ để dọn đến nơi ở mới, trong ông ngổn ngang bao niềm vui. Điều đó lây sang cả nhà. Mấy đêm ông ít ngủ, lo tính và dự định đủ điều. Trong đó có việc chuẩn bị trả lại ngôi nhà cũ.
Nằm trên giường, ông không sao chợp mắt được. Mọi kỷ niệm ngổn ngang lần lượt trở về trong ký ức ông. Bây giờ cuộc sống đã thay đổi, ông chẳng còn gì phải lo nữa. Thế nhưng, trong tâm ông không cảm thấy yên bình?
Ông còn một việc phải làm, một lời hứa rất quan trọng. Rằng nếu ông chuyển đi khỏi ngôi nhà này, ông phải đánh điện báo cho người bạn cũ của ông ở Sài Gòn biết, người đã giúp đỡ ông khi ông gặp khó khăn vào mười năm trước. Lúc đó người bạn ông đã chuyển vào sống ở Sài Gòn. Ông ta đã để lại cho ông mượn ngôi nhà này ở tạm và trông giữ cho ông ấy. Điều đó đã giúp ông vượt qua những năm tháng vất vả. Và ông luôn luôn khắc ghi ơn nghĩa ấy của bạn mình.
Không phải là người bạn cũ muốn giữ lại ngôi nhà để ở, mà ông ta muốn giữ lại mảnh đất từ thời ông cha để lại tại Hà Nội. Ông ta coi đó là một kỷ niệm không bao giờ được để mất.
Theo lời hẹn, ông Đường điện báo cho người bạn biết ý định chuyển nhà và xin trả lại bạn ngôi nhà cũ. Ông muốn hẹn bạn ra Hà Nội để hai người được gặp gỡ và để ông được tri ân bạn. Người bạn cũng đã nhận được tin và ông ta nhắn lại là sẽ bay ra với ông ngay lập tức. Đó cũng là lời giao ước giữa hai người hơn mười năm rồi.
Ông nhớ lại, khi để ngôi nhà cho ông ở, bạn ông cứ năn nỉ mãi một điều:
- Ông hãy nghĩ tới tôi, cái thằng bạn đã đổ mồ hôi và nước mắt để dựng lại ngôi nhà do bố mẹ để lại. Tôi có quá nhiều kỷ niệm với nó. Nếu ông chuyển đi, ông hãy báo cho tôi một tiếng. Tôi sẽ ra với ông, ở đây với ông và thăm lại Hà Nội một vài ngày.
- Ông đừng ngại. Tôi đã muốn gửi tiền mà ông còn không nhận, cứ nhất quyết là chỉ cho tôi mượn ở tạm và trông giữ cho ông. Sao tôi lại phụ ơn này mà quên ông được?
Ông Đường ái ngại nói với bạn.
- Không phải. Tôi không muốn bán vì lẽ gì thì ông cũng biết rõ rồi. Còn tiền thì ông hiểu đấy, tôi cũng không thiếu thốn gì. Hơn nữa, ông ở chính là đã giữ gìn trông coi giùm cho tôi rồi. Chúng mình đã có cam kết chung thủy với nhau, một lời nói nặng cả ngàn vàng. Xin ông hiểu và thông cảm cho tôi, đây là một kỷ niệm gắn với sự sống của tôi mà.
Nói rồi bạn ông cứ đăm chiêu nhìn lên giá đỡ chiếc bàn thờ đặt trên cao ở gian giữa. Ông Đường hơi có vẻ băn khoăn, bèn nói:
- Vậy thì tôi sẽ giữ gìn nơi thờ tự tổ tiên, thờ tự các cụ nhà ông. Giữ lại những kỷ niệm của ông ở nơi này và sẽ không có điều gì thay đổi trên ban thờ kia hết, có được không?
Nghe ông Đường nói vậy, ông Đàm liền tiếp lời:
- Ông hãy hiểu cho tôi. Chắc ông cũng biết, tôi là một người mê tín. Chính vì mê tín mà tôi mới được như ngày nay. Tôi đã giàu có như ông thấy đấy, chính là nhờ vận hạn, nhờ lòng kiên trì và tôn thờ Tổ tiên và vị thổ công ở đây mà tôi mới tìm được người nhà mình sau bao nhiêu năm xa cách. Và, nhờ đó mà tôi mới được khá giả như bây giờ. Tôi để ngôi nhà này cho ông ở tạm, cũng vì ông là chỗ bạn thân, cũng là có ý muốn nhờ ông trông coi, giữ gìn cho những vật kỷ niệm này.
Ông Đường chỉ lặng im nhìn bạn như có ý hỏi. Bạn ông trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Ông cũng biết là tôi vẫn giữ ban thờ này từ khi các cụ xây nhà để lại. Không kiếm được tấm gỗ nào như ý hơn. Với lại, đó còn là di vật nghề thợ mộc của cha, ông tôi nữa. Và, “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Như ông biết đấy, tôi sống thế nào, khá lên thế nào, ông cũng rõ mà. Nay đi Nam, không thể mang đi được, xin gửi lại, nhờ ông trông nom giùm. Cũng không cần phải thay bát hương làm gì. Ông cứ để đấy mà thờ, sau này có làm nhà, cần sửa lại hay chuyển nhà, thì cứ báo cho tôi một tiếng. Vì sự thiêng liêng ấy tôi nhất định sẽ ra thăm ông và xem lại mảnh đất chôn rau cắt rốn của mình. Như thế mới đúng với tâm niệm của tôi.
Tất cả những lời nói đó ông Đường vẫn còn nhớ. Kể cả những khi gửi thư cho bạn, ông vẫn nhắc tới lời hứa không thay đổi vật kỷ niệm linh thiêng của bạn. Và, chính ông cũng thấy trân trọng chiếc bàn thờ đặc biệt đó. Nhất là như bây giờ, cuộc sống của ông cũng có nhiều thay đổi. Tuy không mê tín, nhưng ông cũng hết sức tôn trọng tín ngưỡng của bạn mình. Hơn mười năm qua, ông vẫn giữ chiếc bàn thờ này. Bây giờ ông đã có cơ nghiệp. Ông đánh điện cho bạn ông, nếu ông ta chưa ra kịp thì ông vẫn trông giữ cho ông ấy.
Thế rồi ông đã điện cho người bạn ở Thành phố Hồ Chí Minh ngay sau đó. Nếu không có gì thay đổi thì chắc là bạn ông cũng sắp ra đến nơi. Nội dung bức điện thật sơ sài nhưng có vẻ khẩn thiết: “Anh Đàm, tôi được phân nhà, phải chuyển khỏi nơi ở cũ. Nhớ lời hẹn với anh, điện để anh biết. Rất mong anh ra để được tạ ơn. Thân. HĐ”.
Bây giờ mọi việc đã xong. Ông Đàm đã điện cho ông, hẹn ngày ra. Mai kia họ sẽ gặp nhau. Họ đã hẹn nhau phải trò chuyện hàng tuần. Bạn ông sẽ ở khách sạn gần nhà ông. Ông Đường chỉ việc hẹn với bạn để giao nhà.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:21:23 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:44:19 pm »

*
Tối nay, ông bước thấp, bước cao qua con hẻm lầy lội từ phố trở về nhà. Ông mua sẵn vài thứ cần thiết trước lúc dọn nhà. Vừa bước vào chỗ ngoặt, ông thụt ngay xuống một vũng bùn, trượt chân suýt ngã. Ông đánh rơi cả chiếc đèn pin trong tay. Ông loay xoay tìm đường lội qua chỗ lầythụt. Rất may, có ánh đèn ai đó đi tới, thấy ông đang dò dẫm, người này đã đứng lại soi cho ông. Người đó vừa cười, vừa nói:
- Ồ, sao ông này lại thụt vào chỗ bùn ấy. Để tôi soi cho. Tối thế này mà sao không cầm đèn pin? Thật là phố với xá.
- Rơi mất đèn rồi. Ở đây mười năm mà vẫn thụt hố như thường. Hà Nội đấy, đúng là “hà lội” mà.
Ông Đường chợt nhận ra người quen cũ. Đó là một ông thiếu tá quân đội đã về hưu. Ông ta sống gần Văn Miếu, ở phố Đoàn Thị Điểm, chỗ rẽ vào từ đường Hàng Bột. Đồng thời cùng lúc đó ông bạn này cũng nhận ra ông Đường. Họ vội reo lên và cười ầm. Ông Đường nói:
- Té ra ông Vinh. Thật không ngờ, may quá. Ông đi đâu vậy?
- Tôi định đến ông đây.
Ông Vinh trả lời:
- Chẳng là thấy ông thụt hố, tôi phải cầm đèn đến đây là gì.
Nghe lời nói đùa của ông Vinh, ông Đường cười lớn hơn. Rồi cũng đùa:
- Thật không ngờ, tôi mà vẫn còn được thiếu tá làm cận vệ đó.
Hai người cười xoà. Ông Vinh vừa bước dò dẫm vừa soi đường cho ông Đường và nói:
- Hôm nay đi ngang qua cơ quan ông, người ta bảo là ông nghỉ, chuyển sang nhà mới, tôi mới biết ông có tin vui. Thành ra dù có tối vẫn đến thăm ông, sợ vài ngày nữa lại muộn, chẳng giúp gì được, lại không tìm được ông. Như thế thì ra tôi đáng trách quá.
- Quý hoá, quý hoá quá. Đúng là vui có, buồn có bạn hữu thân giao. Xin mời ông. Tuyệt quá.
Hai người về tới nhà ông Đường thì cũng vừa hết chương trình thời sự trên ti vi. Họ ngồi với nhau trên mấy cái ghế đẩu bên chiếc bàn để bộ ấm chén pha trà. Ngoài chiếc giường đôi cũ kỹ, chẳng còn bao nhiêu đồ đạc cả. Vì ông đã cùng vợ con chuyển đi gần hết rồi. Vài hôm nữa ông sẽ chuyển xong. Ông Vinh đưa mắt nhìn khắp nhà một lượt. Nó trống trơn. Song, trên bàn thờ vẫn có hương hoa và đĩa quả. Ông Vinh tỏ ra ngạc nhiên và vui sướng cùng với bạn. Trong khi đó, ông Đường kể sơ qua ít lời về sự may mắn của mình.
Sau vài lời có vẻ tóm tắt tình hình của mình với bạn, ông Đường lôi trong góc nhà ra một chai rượu không dán nhãn. Màu rượu đỏ thẫm như màu hổ phách, nhưng sánh hơn nhiều. Còn tới hai phần ba chiếc chai nửa lít. Ông nói:
- Rượu ngâm thuốc Bắc có mấy đầu vị đặc biệt đấy, tôi mới thử chút thôi. Hẹn với ông Đàm ở Sài Gòn ra, nên ngâm cả bình. Rót ra một chút uống chơi mà.
Ông Vinh tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Ông hẹn cả ông Đàm à. Bao giờ vậy? Có phải ông Đàm đã xa chúng ta có đến mười năm rồi ấy nhỉ? Tôi cũng không nhớ nữa.
Quả là họ không mấy khi gặp nhau. Hồi trước, lúc ông Đường còn ở Ngõ Huyện, nơi chung sống với người anh đông con, chật chội, ông vẫn cùng với ông Vinh gặp nhau luôn. Nhà ông Vinh trước cũng ở trên phố gần đấy. Ông Vinh cũng đã có nhiều lần gặp ông Đàm, người bạn thân của ông Đường khi còn ở Hà Nội. Nghe ông Đường nói vậy, ông Vinh có vẻ ngạc nhiên và hỏi:
- Vậy chứ khi nào ông ấy ra? Ông chu đáo thật đấy.
- Ông cứ khen. Tôi cũng chỉ nấn ná lại đây mấy hôm nữa để chờ ông ấy. Ông biết đấy, ngôi nhà này của ông ấy mà.
Ông Vinh gật đầu, nói:
- Nhưng ông ấy còn có công việc gì ở ngoài này nữa đâu?
Ông Đường liền trả lời:
- Không có việc gì đâu. Chúng tôi hẹn nhau thôi. Tôi gửi lại nhà, ông ấy thăm Hà Nội, đất cát ông cha mà. Giờ ông ấy cũng rỗi rãi. Nếu không có gì thay đổi, chắc là vài hôm nữa ông ấy bay ra đây thôi. Thế nào ông cũng tới nhé.
Hàn huyên một lúc rồi ông Vinh ra về. Ông Đường vẫn còn thao thức mãi. Ông cứ mừng cho mình là có vận may. Lúc nào ông cũng có bạn bè chung thủy.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:21:40 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:46:15 pm »

IIe
Thiếu tá Trần Vinh, một người có thân hình cao to, rắn chắc, tính tình điềm đạm, nhưng được mọi người khen là rất dí dỏm. Ông vốn hay quan tâm đến người khác. Nhất là lúc bạn bè có việc. Vì vậy, từ trước tới nay không mấy ai để ý tới những cuộc viếng thăm đột ngột của ông. Về bề ngoài, thiếu tá Trần Vinh là một sĩ quan quân đội, dày dạn kinh nghiệm trong chiến trường. Nhưng, bên trong con người ấy là cả một bầu tâm sự, một nỗi nghĩ suy, lo lắng vì một nhiệm vụ bí mật đeo đẳng suốt đời ông. Đó chính là cuộc sống hai mặt của một điệp viên trong một tổ chức gián điệp nước ngoài.
Mới vài hôm trước, Trần Vinh đã có một cuộc gặp gỡ đặc biệt với “sếp” của mình trong tổ chức bí mật đó. Tối hôm ấy, khi Trần Vinh ra phố về, đang lặng lẽ bước trên vỉa hè từ phố Sinh Từ vào phố Văn Miếu, thì chợt giật mình vì một người đi ngược lại. Đó là người phụ nữ dáng cao, bận chiếc váy dài, có bước đi nhẹ nhàng, dáng vẻ khoan thai, rất quí phái. Dưới ánh đèn đường, những dòng người và xe cộ vẫn chạy như mắc cửi. Bóng dáng những người khách bộ hành trên hè phố càng trở nên chậm chạp. Hầu như ai cũng có việc của mình. Ít người để ý đến những người xung quanh. Phía trước, Vinh nhìn thấy dáng người phụ nữ đang tiến lại. Ông có một cảm nhận đặc biệt về dáng người này. Bỗng trong tâm trí ông chợt xao động. Ông đã nhận ra con người đóvới một cử chỉ hết sức đặc biệt. Đó là một người phụ nữ đã làm cho đời ông trở nên tăm tối, như một định mệnh.
Người phụ nữ đi ngang qua ông, hơi nghiêng mình một chút. Trong cái nghiêng mình đó, ông Vinh chợt hiểu rằng, ông đã gặp lại người quen. Không, đối với ông đó không phải chỉ là một người quen, mà là một người mà ông có nhiệm vụ phải tiếp xúc. Ông đi chậm lại, bước vào một ngõ tối gần đó. Trong cái liếc nhìn lại, ông thấy người phụ nữ đã bước qua đường. Hiểu rằng mình không thể lảng tránh, ông từ từ bước về phía trước, chờ cho người phụ nữ đi qua một đoạn, ông quay lại chỗ mấy hàng phở và gọi một bát phở. Trong lúc ăn, ông cố trấn tĩnh và vạch ra trong óc một kế hoạch gặp gỡ với con người có sức quyến rũ ấy.
Ngồi trong quán ăn, Vinh trầm ngâm suy nghĩ. Ông ăn có vẻ nhẩn nha, nhưng thực ra trong tâm trí ông hết sức khẩn trương. Đã nhiều năm rồi, ông hầu như không gặp người này. Hễ lần nào gặp người phụ nữ ấy là ông lại thêm mất ngủ, bất an. Mặc dù nghề nghiệp đã bắt Vinh phải làm quen với nó. Nhưng trong thâm tâm ông muốn quên đi những cuộc gặp gỡ ấy. Song, ông không thể nào quên được con người này. Phải chăng, đó là định mệnh đã gắn chặt với đời ông. Khi ông còn là một sĩ quan trong quân đội, ông không hề nghĩ rằng, về già ông vẫn còn phải suy nghĩ, trăn trở như thế này.
Sinh ra trong một gia đình khá giả tại một vùng quê ngoại thành Hà Nội, lúc tám tuổi, Trần Vinh được cha mẹ gửi vào sống với bà ngoại ở phố Lý Quốc Sư gần Nhà Thờ Lớn. Trần Vinh học hết phổ thông, không đủ điểm qua kỳ thi vào đại học. Lúc đó là những năm chiến tranh ác liệt. Trần Vinh xung phong vào quân đội và phấn đấu trong binh nghiệp. Năm năm sau, anh tham gia vào lớp huấn luyện đặc biệt, để chuẩn bị cho đợt chuyển quân vào Nam.
Từ đó, Trần Vinh luôn là một chiến sĩ dũng cảm. Trần Vinh có năng khiếu về tín hiệu thông tin, nên vài năm trước chiến dịch Hồ Chí Minh, Trần Vinh được cử đi học lớp kỹ thuật đặc cấp, tương đương trình độ đại học về thông tin. Sau đó anh chuyển về làm việc trong Trung tâm thông tin Bộ Quốc phòng. Trần Vinh là một người làm việc hết sức chu đáo. Anh hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, anh đã có mặt tại chiến trường khi đoàn quân thông tin được điều vào mặt trận. Cho đến ngày giải ngũ, Trần Vinh vẫn là một quân nhân gương mẫu và có nhiều thành tích.
Thế nhưng, cũng trong thời gian đang làm việc tại Bộ Quốc phòng, có những bước ngoặt lớn đã xảy ra trong đời Vinh. Không ai biết được rằng, lúc này, Vinh đang là mục tiêu tấn công của một nhóm điệp báo nước ngoài. Anh đã lọt vào tầm ngắm của chúng. Bọn chúng hiểu rất rõ về gia thế của Trần Vinh. Anh có người bác ruột từng là một địa chủ, gia đình đã bị nhiều liên lụy trong cải cách ruộng đất. Tuy Trần Vinh không hề bị ảnh hưởng khi bác bị quy là địa chủ, là Việt gian thông giặc, nhưng vết nhơ vì có ông bác như thế cũng ảnh hưởng tới tư tưởng và bước đường công danh, sự nghiệp của anh. Biết được điểm yếu này trong tư tưởng của Vinh, nhóm gián điệp nọ tìm mọi cách lung lạc, lợi dụng và lôi kéo, sử dụng Vinh. Vì thế Vinh đã mắc vào những cái bẫy giăng ra của chúng. Từ khi nằm trong tầm ngắm của bọn này, mọi hoạt động của Vinh đều được chúng quan tâm.
Trong một chuyến công tác đột xuất xuống vùng ven biển kiểm tra mạng lưới thông tin của một đơn vị cáp ngầm, Trần Vinh có nhiệm vụ nghiên cứu và lập kế hoạch phát triển thông tin trêntuyến đảo. Anh đã dành toàn bộ thời gian, không nghỉ ngơi, để làm việc một cách khẩn trương. Vì đây là một nhiệm vụ quan trọng được cấp trên giao phó, với yêu cầu hết sức cấp bách. Chính trong thời gian đó, một điều bất ngờ đã đến với anh. Vào một buổi tối, Trần Vinh lên đảo theo lời mời của đơn vị phòng không trên đảo. Hôm đó có một chương trình biểu diễn văn nghệ của đoàn văn công quân khu đi tuyến đảo phục vụ các chiến sĩ ngoài biển. Đây là tối đầu tiên đoàn phục vụ cho các chiến sĩ đơn vị phòng không, nơi Trần Vinh cũng đang công tác.
Anh và các đồng đội đều say mê các tiết mục biểu diễn của đoàn như chưa có dịp nào thưởng thức. Mà thật vậy, trong thời gian công tác trong Bộ Quốc phòng, anh cũng ít khi có dịp thưởng thức văn nghệ. Thành ra, trong chuyến công tác bận rộn này, anh lại cảm thấy thích thú khi được xem đoàn văn công quân khu biểu diễn tại hòn đảo này.
Đêm đó biển lặng. Bầu trời đầy sao và trong veo. Gió thổi lồng lộng, mang theo hơi nước của biển, làm cho tâm hồn người ta trở nên thư thái. Cộng với các tiết mục hát múa của các nữ chiến sĩ văn công dưới ánh sáng của những ngọn đèn nhỏ nối với các bình ác quy, ẩn trong những cành cây đan nhau làm lưới phòng không, càng làm cho cảnh quan trở nên huyền ảo. Giá mà không có chiến tranh, không có những hồi còi báo động rít lên trên đảo vào những năm tháng đó, thì những đêm như thế trên bờ biển ven hòn đảo này mới tuyệt diệu và thú vị làm sao!
Trần Vinh đang thả mình vào suy tư trong khi nghe những bài hát quan họ, thì có ai đó chạm vào vai anh, rồi một tiếng nói nhỏ:
- Anh Vinh, ban chỉ huy mời anh lên gặp đồng chí Đoàn trưởng.
Vinh quay lại, ngạc nhiên:
- Tôi?
- Vâng. Tất cả các đồng chí ở các đơn vị bạn và các đoàn cán bộ về công tác. Thôi, đồng chí đi đi.
Vinh lặng lẽ bước ra, men theo dải cát về phía chỉ huy sở của đơn vị bảo vệ bờ biển. Anh tới đúng lúc cuộc gặp mặt bắt đầu. Ngoài sân diễn vọng vào tiếng hát của một nữ chiến sĩ với bài hát Quan họ. Nhưng cũng chỉ còn vài tiết mục nữa là đoàn nghỉ và cùng gặp gỡ để liên hoan tạm biệt. Mười lăm phút sau, khi thủ trưởng đơn vị chủ nhà nói những lời chào mừng và cảm ơn, thì đến lượt đồng chí trưởng đoàn phát biểu. Đúng lúc đó, Trần Vinh thấy có người tới bên mình và anh cảm thấy mùi thơm nhè nhẹ. Anh quay lại và hơi xao động. Đó là người nữ chiến sĩ văn công vừa hát bài quan họ. Cô gái cũng nhìn anh và nhoẻn miệng cười thay cho lời chào. Nụ cười thật duyên dáng. Trần Vinh cũng cười đáp lại và anh không giấu nổi sự xúc động. Chao ôi, sao mà nụ cười đáng yêu thế. Nụ cười đến mê hồn. Nụ cười như ánh trăng rằm, cứ như muốn hút cả hồn anh. Trần Vinh chợt nghĩ.
Khi những lời phát biểu có tính thông lệ đã qua thì không khí trở nên vui vẻ hơn. Ngồi bên cạnh cô văn công, Vinh thấy thật khó tả. Để tự trấn tĩnh và làm như mình có vẻ đã quen nhiều trường hợp như thế này, Trần Vinh quay sang cô, nói nhỏ:
- Đồng chí hát hay lắm. Tuyệt lắm. Nhưng tiếc là tôi chưa được nghe hết.
Cô gái ngạc nhiên nhìn anh và cười bẽn lẽn:
- Em cũng mới biểu diễn chưa lâu. Thế nào bọn em cũng còn quay lại đây nữa. Anh ở đây chứ ạ?
- Không, tôi cũng sắp đi rồi. Không biết bao giờ đoàn lại đến nhỉ?
- Chắc cũng phải vài tháng, nửa năm anh ạ.
- Thế sao? Tiếc quá, tôi đã đi rồi.
- Vậy anh ở đơn vị nào?
- Tôi ở Bộ.
- Vâng, thế thì tiếc thật, bọn em chắc cũng không có dịp nào gặp lại.
Phòng họp nhỏ bỗng nhiên im lặng. Thì ra thủ trưởng đơn vị trên đảo đang giới thiệu những chiến sĩ xuất sắc của đơn vị tới chào mừng và mời mọi người im lặng. Sau đó trưởng đoàn giới thiệu từng gương mặt diễn viên. Trần Vinh nhớ như khắc vào trong lòng, người nữ văn công có cái tên dễ thương: Lê Ngân Hoa. Theo lời giới thiệu tóm tắt, cô sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Học xong trường nghệ thuật quân đội cô xung phong ra chiến trường, nhưng lại được cử đi học một khoá học đặc biệt dành cho đoàn văn nghệ dã chiến. Sau đó cô được điều về đoàn văn công quân khu, và đi biểu diễn khá nhiều nơi, trong đó có những vùng chiến sự ác liệt.
Cũng chính trong buổi tối đó, người con gái ấy cũng biết được địa chỉ và quê quán của Vinh.
Chuyện tưởng dừng ở đó. Nhưng một điều bất ngờ đã đến. Trong cái đêm liên hoan văn nghệ ấy, máy bay Mỹ lại xâm phạm vùng trời và biển đảo. Đơn vị phòng không báo động chiến đấu. Các vị khách được bố trí sơ tán xuống khu hầm trú ẩn. Thật bất ngờ, Vinh và Ngân Hoa cùng xuống một căn hầm với một vài người khác nữa. Trong quãng thời gian ngắn ngủi đó, hai người được ở sát gần bên nhau. Trong hầm trú ẩn chật chội, Ngân Hoa ngồi sát cạnh Vinh. Hơi thở nóng hổi của cô phả bên tai Vinh, khiến anh như đang ở trong một giấc mơ. Những phút giây hiếm hoi đó đã gieo vào lòng Vinh những nỗi xốn xang, xáo động đến khó tả.
Máy bay Mỹ chỉ bay qua hòn đảo, nhưng chúng cũng bị quân dân vùng ven biển bắn cảnh cáo. Chúng đã trút bom xuống một mục tiêu vu vơ ở cách xa hòn đảo này khi bay về căn cứ. Vinh được lệnh trở về chỉ huy sở theo dõi hệ thống thông tin từ xa. Anh đã chia tay người bạn gái với một kỷ niệm khó quên. Ngân Hoa đã gieo cho Vinh một tình cảm thật hấp dẫn đến khó tả.
Bẵng đi một thời gian, rồi họ mới có dịp gặp lại nhau. Đó là một ngày đẹp trời, bên Hồ Tây, hai người tình cờ gặp lại. Khi đó Ngân Hoa đang đi dạo bên bờ hồ cùng mấy người nữ chiến sĩ khác. Đoàn của cô được điều về Hà Nội biểu diễn cho các đơn vị ở Bộ Quốc phòng. Còn Trần Vinh được nghỉ một ngày sau khi hoàn thành xuất sắc mạng cáp ngầm trên vùng biển nơi anh côngtác. Anh đi qua Hồ Tây. Cuộc gặp bất ngờ đó đã khiến cho họ càng thêm gần gũi, nhớ nhung. Cả hai cùng muốn được gặp gỡ nhau nhiều hơn nữa. Và, trong dịp biểu diễn ở Hà Nội lần ấy, hai người đã trở nên thân thiết. Thế rồi tình cảm nồng thắm của họ ập đến rất nhanh. Đôi trai gái đang tuổi thanh xuân, lại sống trong môi trường khắc nghiệt, nên họ cảm mến nhau rất mãnh liệt và như hút lấy nhau. Một cuộc tình vụng trộm nhưng khá hấp dẫn đã đến với họ.
Vinh có một ngôi nhà nhỏ ở ngoại thành, cách nhà cũ ở quê của Vinh không xa. Đấy là một ngôi nhà nhỏ còn lại của người bác anh, khi ông mất, đã giao cho anh trông coi. Vinh và Hoa hẹn hò, gặp gỡ nhau tại đây.
Vừa gặp nhau, hai người đã như xoắn lấy nhau trong cơn khát khao tình cảm. Mối tình thầm kín của Vinh và tình yêu như kìm nén của Hoa bấy lâu nay, bây giờ mới có dịp bộc lộ. Ham muốn trào dâng. Họ như sống dậy trong tình yêu say đắm và dục vọng đam mê. Ngân Hoa đã thả mình trong mối tình nồng thắm ấy. Và Vinh như một ngọn lửa nồng cháy, ngất ngây trong cuộc truy hoan.
Chỉ có hai người trong một ngôi nhà vắng vẻ, Vinh liền ôm choàng lấy Hoa và hôn tới tấp lên má, lên môi cô. Ngân Hoa lặng người đi trong vòng tay mạnh mẽ của người sĩ quan trẻ chưa hề biết tới hơi ấm của người con gái. Chuyện gì đến sẽ đến.
Nhưng, thật trớ trêu. Đúng lúc hai người đang còn ngây ngất đam mê với cuộc khám phá, tìm kiếm lạc thú, thì có tiếng gõ cửa làm họ giật mình.
Vinh miễn cưỡng ra mở cửa để Ngân Hoa mặc lại quần áo. Một kẻ lạ mặt xuất hiện. Hắn khá cao to, điển trai và mạnh mẽ. Lập tức hắn dí súng vào sườn Vinh, tuyên bố:
- Hai người đã bị bắt quả tang đang làm chuyện vụng trộm.
Những năm tháng thời chiến tranh, chuyện làm tình như thế bị coi là vụng trộm và là điều ngăn cấm. Hắn nói, hai người muốn hắn không tố cáo thì phải làm theo yêu cầu của hắn.
Một ý nghĩ táo bạo vụt đến với Vinh. Anh gật đầu và quay lại phía Hoa. Cùng lúc, Vinh bật lên đá vào sườn hắn. Nhanh như cắt, hắn né tránh và vẫn dí sát súng vào ngực Vinh. Đúng lúc đó Ngân Hoa cũng rút súng. Vinh thật sự kinh ngạc khi thấy cách rút súng nhanh và chuẩn xác của Hoa, thật không giống như hành động của một cô gái văn công. Nhưng điều khiến Vinh còn ngạc nhiên hơn nữa, chính lại là mũi súng của Hoa. Cô không chĩa về phía kẻ kia mà khẩu súng lại xoay tròn trong tay Hoa. Khi ánh mắt Vinh nhìn lên, Hoa bỗng mỉm cười và nhỏ nhẹ tiến lại bên Vinh. Cô khẽ kéo anh vào mình và nói:
- Bây giờ chúng ta đã là người một nhà rồi.
Vinh còn đang ngơ ngác thì gã lạ mặt nói:
- Các người nên ngồi lại và chúng ta vào chuyện thôi.
Trần Vinh chợt hiểu. Anh đã bị bẫy. Nhưng cái bẫy này sẽ đưa anh tới đâu? Anh còn đang thắc mắc thì ngay sau đó, Vinh được biết, Ngân Hoa là một thành viên của một tổ chức bí mật. Lúc đầu anh nghĩ là mình đang bị một tổ chức đặc biệt nào đó thử thách để chuẩn bị cho chiến trường. Song, anh đã hiểu ra rằng, tổ chức này chính là của bọn phản động. Vì tình thế bắt buộc nên chúng đã liều lĩnh tìm kiếm người cộng sự. Và, chính anh là mục tiêu thu nạp nhân viên của chúng.
Rồi từ đó, sau khi được Ngân Hoa kể lại mọi chuyện, Vinh đã hiểu ra rằng, bằng những biện pháp nghiệp vụ liều lĩnh và táo bạo, bọn chúng đã khống chế và buộc Vinh phải hoạt động cho chúng. Chúng đưa ra những điều kiện đe doạ về chính trị, về tư tưởng và uy tín, cũng như những hình thức kỷ luật quân đội đối với anh, nếu Vinh không làm cho chúng hoặc anh phản bội chúng. Vinh cũng hiểu được rằng, anh đã mắc phải tội lỗi, mắc phải bẫy của kẻ thù. Những sự thật về hoạt động của Vinh, và những thông tin bí mật trong công tác của anh đã bị nhóm điệp báo này nắm được. Đây sẽ là bằng chứng chống lại anh, nếu đơn vị của anh biết được. Chúng sẽ tố cáo anh, đưa những sai phạm của Vinh ra làm điều kiện trói buộc Vinh. Chúng còn đưa ra những hình thức tàn nhẫn để đe doạ anh, bắt buộc Vinh không thể không làm việc với chúng. Những âm mưu khống chế liều lĩnh và sử dụng điệp viên kiểu như vậy của tổ chức bí mật này đã đặt Vinh vào tình thế khó xử, không còn cách nào từ chối hay rút ra được nữa.
Cũng từ đó, Vinh trở thành một quân cờ trong tay tên trùm. Anh có nhiệm vụ nắm những thông tin mật qua công tác thông tin vô tuyến điện ở Bộ Quốc phòng, và nắm bắt tình hình quân sự tại chiến trường. Những mối quan hệ bè bạn và quen biết của Vinh lúc này càng trở nên mật thiết. Qua đó Vinh sẽ mở rộng quan hệ để che mắt cơ quan như những tấm bình phong. Còn Ngân Hoa từ nay sẽ là “sếp” của Vinh. Họ chỉ liên lạc với nhau khi nào có nhiệm vụ yêu cầu.
Vậy là từ nay Vinh trở thành một nhân vật quan trọng trong mạng lưới điệp ngầm này. Sau đó một thời gian, Vinh mới biết rằng, kẻ lạ mặt đó chính là tên chỉ huy Trần Cung, là người mà Lê Ngân Hoa đã gửi cả tình yêu, thể xác và cuộc đời cho hắn. Vinh biết, thế là cuộc đời anh đã bước sang một nẻo khác, đáng buồn, đáng giận, đáng thương và đầy nguy hiểm
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:22:29 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:48:29 pm »

*
Đã nhiều năm rồi, nhiệm vụ của Vinh cũng không nhiều và không khó khăn lắm. Song Vinh đã phải sống rất vất vả vì trăn trở. Cái trăn trở, lo lắng, mệt mỏi của một kẻ sống chìm, hai mặt. Ngày tháng nối tiếp nhau, là một sĩ quan chuyên nghiệp, Vinh phải căng mình hoàn thành những nhiệm vụ của cơ quan và đem hết sức lực để hoạt động tình báo trong môi trường chiến tranh ác liệt. Sống trong vỏ bọc người sĩ quan thông tin, nhưng Vinh là một điệp báo viên đặc biệt trong nhóm bí mật này. Anh đã phải cung cấp toàn bộ công trình nghiên cứu và công tác của anh trong Bộ Quốc phòng cho bọn phản động. Điều đó luôn làm anh trăn trở. Rồi vài năm sau đó, khi Sài Gòn giải phóng, Vinh tưởng mình đã có thể quên đi nhiệm vụ bất đắc dĩ này. Nhưng đâu có được. Mới vài năm trước, chính Vinh lại bị bất ngờ khi gặp lại Ngân Hoa. Từ ấy anh lại phải đương đầu với số phận hẩm hưu của mình. Lại quan hệ, nắm bắt tin tức, lại theo dõi tình hình và các đối tượng cần quan tâm. Lại bí mật liên lạc hay báo cáo những tin tức tình báo phản lại bạn bè, đồng nghiệp và Tổ quốc mình. Vinh vẫn luôn phải suy tư trăn trở. Anh giấu kín những ý nghĩ nảy sinh phản kháng vì bị lợi dụng của mình, để tỏ ra bình thản trong cách sống.
Những kỷ niệm khó phai ấy vụt trôi qua trong óc Vinh khi anh ta ngồi nghĩ về lần gặp gỡ phải có sau đây. Điều đó làm Trần Vinh thấy lo lắng. Trong khi đang ăn, Vinh luôn nghĩ tới những điều sắp xảy ra. Anh cứ nhẩn nha với bát phở để chờ đợi thời gian trôi qua, để nấn ná trước cuộc gặp mặt với con người này.
Người phụ nữ lúc nãy vòng qua đường, lướt nhẹ về phía quán cà phê, rồi chậm rãi bước vào quán.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:22:49 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Mười Một, 2017, 09:50:09 pm »

III
Người phụ nữ mà Trần Vinh phải gặp tên thật là Lê Thị Mận. Cô sinh ra ở Hà Nội. Ông nội cô là một người đánh cá gốc Thanh Hoá, khá phát đạt. Sau đó ông chuyển cả gia đình ra Hà Nội theo người anh làm việc cho Tây. Bố cô lớn lên được đi học và làm một viên chức nhỏ dưới thời thực dân Pháp ở Thủ đô. Mẹ cô buôn bán ở chợ Đồng Xuân. Gia đình rất khá giả. Cô có anh trai lớn đã hy sinh trong chiến trường Nam Lào. Một người anh khác về quê, theo nghề đi thuyền đánh cá. Anh ta có thuyền đánh cá khá lớn và thường xuyên ra khơi xa. Anh này có những mối quan hệ thân thiết với những doanh nhân nghề cá và những nhà chế biến hải sản giàu có trong nước. Những mối quan hệ này, Mận thường ít được biết. Có nhiều lần anh Mận về Hà Nội vội vàng, có khi không gặp được cô. Nhưng một người bạn của anh ta thường xuyên liên lạc với cô, cho cô biết về sự thành đạt của anh trai cô.
Mận sinh ra và lớn lên trong điều kiện sống khá sung túc. Được đi học rất chu đáo. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mận trúng tuyển vào trường văn công quân đội. Mận học giỏi, có giọng hát hay và hình thể đẹp, nên rất được chú ý. Trong lớp, cô là sinh viên xuất sắc cả về học tập và sự chăm chỉ. Học xong cô xung phong về đoàn văn công quân khu và tham gia biểu diễn ở nhiều vùng, nhiều nơi đóng quân của các đơn vị quân đội.
Đi biểu diễn, cô được mọi người khen ngợi và hâm mộ. Mận nổi tiếng từ ấy. Nhất là khi anh em trong đoàn thấy Mận vừa xinh, vừa hát hay, mỗi khi cô ngân nga những bài quan họ, đều làm say lòng người, nên họ đề nghị đặt cho cô cái biệt danh là Ngân Hoa. Cô rất lấy làm hãnh diện. Cùng lúc ấy, trưởng đoàn đã được điều lên Bộ để vào Nam. Ngân Hoa cũng được điều đi học một lớp huấn luyện quân sự đặc biệt chuẩn bị đi chiến trường. Sau đó cô được điều về đoàn văn công hỏa tuyến.
Đấy là những nét sơ lược về cô văn công nổi tiếng này. Nhưng phía sau đó, ít ai biết được rằng, Ngân Hoa chính là một điệp viên của một mạng lưới tình báo nước ngoài. Những năm còn là học sinh trường nghệ thuật, Ngân Hoa đã được sự chú ý bởi một viên tình báo Mỹ. Tên điệp viên này có ý định đưa cô vào tổ chức của hắn. Hắn đã vạch ra một kế hoạch khá chu đáo. Với ý đồ tìm kiếm một người chuyên săn tin từ hệ thống con cháu các vị tướng để biết những bí mật quân sự, hắn đã cân nhắc kỹ lưỡng nhiều cách tuyển chọn nhân viên. Cuối cùng hắn đã nghĩ tới một kế hoạch chu đáo không gì hơn được, là dùng kế mỹ nhân. Và thế là, một kế hoạch đặt bẫy cô sinh viên trường nghệ thuật Lê Thị Mận, đã được sắp đặt sẵn. Cô sẽ là một con bài trong kế hoạch này.
Trong thời gian học tại trường Văn hoá nghệ thuật, Ngân Hoa thường xuyên tiếp xúc với một người bạn trai của anh cô. Người này giúp cô những mánh khoé làm giàu và cách sống khôn khéocủa một kẻ biết cạnh tranh. Thay mặt anh trai, người bạn này đã cung cấp cho cô đầy đủ mọi yêu cầu của cuộc sống. Người bạn trai này nguyên là một thanh niên Quảng Bình, tên là Hạnh, làm nghề cá, nhưng đã xung phong vào bộ đội. Trong thời gian đi đánh cá hắn đã quen biết anh của Mận và có lần cùng anh về Hà Nội gặp Mận. Nhưng đến khi vào quân đội, hắn lại thuộc đơn vị của Trần Cung, tên điệp viên mà ta vừa nhắc tới. Trong một lần nghỉ phép, Hạnh về Hà Nội để đến thăm Mận. Chính lần đó, tên điệp viên cũng bí mật đi Hà Nội và với nghiệp vụ của mình, Cung đã tìm hiểu và biết rõ về Mận. Một cô gái xuất thân từ gia đình làm việc cho Pháp ngày trước. Một cô gái có nhan sắc xinh đẹp, thông minh, hát hay, khéo léo. Hắn đã đem lòng yêu mến và nung nấu ý định thu phục và chiếm lĩnh cô gái này. Hắn bắt đầu lập kế hoạch đặt bẫy cô từ ấy. Cung đã lợi dụng Hạnh để theo dõi và chú ý chăm sóc Mận. Tên này đã vô tình trở thành một người tốt với Mận và được sếp của đơn vị chú ý nâng đỡ. Vô tình, hắn trở thành một kẻ giúp việc cho Cung mà không biết.
Nhưng đến khi Mận được cử đi biểu diễn văn nghệ ở vùng chiến sự, thì lúc đó Trần Cung mới xuất hiện và tìm cách làm quen với cô. Hắn đã dùng tài năng và sự hấp dẫn của một trang nam nhi điển trai trong vai viên sĩ quan trẻ để quyến rũ Mận. Và cô đã mắc vào lưới tình, và cả lưới điệp viên của hắn.
*
Mận rất biết ơn anh trai và người bạn của anh ta, nhưng cô đã có chuẩn bị con đường đi riêng của mình. Khi ra trường cô xung phong đi phục vụ ở các vùng có chiến sự ác liệt. Thậm chí cô còn viết đơn xung phong vào chiến trường miền Nam để có chiến công. Nhưng rồi cô được điều về đoàn văn công quân đội. Lúc đầu cô đi phục vụ ở các đơn vị xa vùng chiến sự, như một sự thử thách. Và trong những lần đi biểu diễn như thế, Mận đã có dịp làm quen với một sĩ quan quân đội, người đã dần dần làm thay đổi cuộc đời cô.
Đó chính là một điệp viên nhà nghề của Mỹ, cũng là “sếp” của mình. Cuộc đời Mận đã biến chuyển từ đó. Chính cô cũng không biết trong thời gian đó, cô đã có những cuộc tiếp xúc với nhiều người nổi tiếng trong giới quân sự nhờ quen biết viên sĩ quan mà cô đã đem lòng yêu thương. Rồi sau đó, Ngân Hoa trở thành vợ của viên thiếu tá Trần Cung này.
*
Chuyện xảy ra từ khi cô được điều vào chiến trường, tham gia đoàn văn công hoả tuyến. Hôm ấy cô đang đi bộ dọc bìa rừng, bỗng nhiên từ phía trước, một chiếc xe con dừng lại. Một người mở cửa xe và nói:
- Ngân Hoa, Đoàn trưởng mời cô về đơn vị ngay.
Ngân Hoa hơi ngạc nhiên, nhưng cô cũng miễn cưỡng lên xe. Khi về tới đoàn, Ngân Hoa không thể tin nổi, ở đó có một đoàn cán bộ quân đội toàn những sĩ quan cao cấp. Trong đó có một vị mang quân hàm cấp tướng và nhiều sĩ quan cấp tá. Trong đoàn có một viên sĩ quan trẻ, mang quân hàm thiếu tá mà vừa gặp, cô đã thấy xao xuyến, vấn vương. Đoàn trưởng giới thiệu vắn tắt những người tới dự cuộc viếng thăm đột xuất này và cô nhớ như in vào lòng tên người sĩ quan trẻlà Trần Cung ấy. Rồi Đoàn trưởng giới thiệu Ngân Hoa biểu diễn một tiết mục văn nghệ chào mừng buổi gặp gỡ thân mật.
Sau đó, viên thiếu tá như nhìn thấu ý nghĩ của Hoa, đã chủ động đến gặp gỡ, tìm hiểu và chuyện trò với Ngân Hoa. Chỉ trong vòng vài ngày, hai người trở nên thân mật hơn.
Trần Cung không bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào để tấn công Ngân Hoa. Anh ta đã thổ lộ mối tình thầm kín và say đắm của mình, như một chàng sĩ quan si tình. Và Ngân Hoa đã không thể từ chối. Cô đã từng ao ước có một người chồng như Trần Cung. Một chàng sĩ quan chững chạc, tuấn tú, oai phong mà đầy tình cảm lại ga-lăng. Cô đã không thể biết rằng, tình yêu chớp nhoáng đó đã làm họ đã đến với nhau rất nhanh, rất mãnh liệt.
Thế rồi Trần Cung xin đơn vị vài ngày nghỉ phép, đưa Ngân Hoa đi thăm vùng quê Thanh Hoá mà anh ta chưa biết. Hai người được nghỉ phép vài ngày. Họ hẹn nhau cùng đi biển. Trần Cung và Ngân Hoa đã có một kỳ đi biển đầy kỷ niệm.
Buổi sáng hôm đó, khi họ ra đi, cơn mưa bỗng ập đến rất nhanh. Mưa trút dài không ngớt. Nhưng họ vẫn ra đi. Hoa nghĩ, cứ đi, ra đi để có được những kỷ niệm êm đềm, có những chiều trên bãi biển, có những ngày gần gũi thương yêu. Và họ đã đi tắm biển ở Sầm Sơn.
Ngân Hoa nhớ như in cái mát lạnh của con nước thủy triều đang lan dài trên bãi cát. Nhớ như in vị mặn chát của nước biển Sầm Sơn. Cái nắng chói chang lúc ban chiều sớm nhường cho cảnh hoàng hôn êm đềm và sự mát lạnh của thủy triều lên. Đôi tình nhân đang ở bên nhau trong vòng ôm của nước.
Họ lắng nghe tiếng vi vu của rặng phi lao bên bờ cát trắng. Lặng nghe tiếng ì ầm của sóng xô vào bờ không ngớt. Cái âm thanh thầm thì của biển như lời ru nhè nhẹ của một bà mẹ suốt năm tháng cuộc đời không ngơi nghỉ đưa nôi. Một thứ âm thanh hiền dịu, như nhắc nhủ suốt muôn đời không dứt. Cái âm thanh ấy trải dài theo không gian và xuyên suốt thời gian đến vô cùng. Hoa như được thả mình trong mơ ước. Tiếng thông reo trong gió vi vu như hoà vào bản nhạc đầy hấp dẫn của biển khơi.
Hai người hết ngồi trên bờ cát trắng phau của bãi tắm lại lao mình xuống nước. Tình yêu đã làm cho Ngân Hoa ngất ngây. Cô đắm say với tình cảm mạnh mẽ của Cung. Nơi biển cả hôm nay như càng chứng kiến cho mối tình của họ.
Đối với những đôi trai gái đang yêu nhau hồn nhiên và đầy sức trẻ thì cảnh đẹp nơi đây như đi vào trong thơ, đi vào trong giấc mơ, như trong cảnh thần tiên. Biển mênh mông và náo nhiệt như càng chứng kiến những niềm vui, niềm hạnh phúc của những lứa đôi trai gái đang yêu, đang hạnh phúc.
Cái dịu dàng man mác của biển đã thấm đẫm vào từng lớp da thịt của hai người. Giữa biển xanh mênh mông, một mối tình đầy lãng mạn đang trào dâng. Cung và Hoa ôm nhau trong lòng nước ấy, trong lớp sóng vỗ bờ, trong tiếng reo vi vút của rừng cây, trong tiếng ì ầm của sóng và trong sự im ắng của trời mây. Cái cảm giác tuyệt vời của tình yêu, hạnh phúc trong nước triều dâng như nghẹn thở trong tim Hoa.
Tay Cung lướt trên làn da mát mịn của Hoa. Hai người như muốn lẫn vào nhau. Da thịt cọ xát nhau, gợi lên cảm xúc mãnh liệt.
Trong thẳm sâu con người Hoa là ý nghĩ về một sự gửi trao tất cả, là tình yêu mà cô đã dâng hiến cho Cung. Vậy là từ nay cô đã là người của Cung. Dù thế nào, cô cũng không thể nào dứt ra nổi. Số phận như đã an bài. Cô đã và sẽ mãi mãi là người của Cung.
Hoa hiểu, vậy là hôm nay cô đã dâng hiến, dâng hiến tất cả cho Cung trong sự chứng kiến của đất trời, biển cả và những vị thần theo tín ngưỡng của người dân vùng biển. Chao. Sự sung sướng đến ngất ngây của hạnh phúc, của tình yêu mãnh liệt, đã nuốt mất cuộc đời cô.
Hoa chợt nghĩ, ôi “Tình yêu”, tình yêu là một cái gì rất mới, rất trẻ, rất đẹp và say đắm, đầy thi vị. Con người như lớn hẳn lên, như mới hẳn ra. Tình yêu là lẽ sống, là dòng nước tưới tốt cây trồng, vun đắp cho hạnh phúc cuộc đời, như dòng nước biển đầy thêm, dạt dào không cạn. Tình yêu là sự tuyệt đỉnh của niềm say mê, làm cho người ta thêm yêu cuộc sống, muốn lao vào làm việc với một nghị lực tuyệt vời của tuổi trẻ tươi đẹp và hồn nhiên. Tình yêu là cuộc sống hằng ngày, ta mãi mãi yêu thương. Yêu cho tới tuổi bạc đầu để trẻ mãi không già. Ý nghĩ đó như một lời nguyền trong Hoa.
Từ đó, cô thường xuyên được tiếp xúc với nhóm cán bộ cao cấp trong đơn vị của Cung. Ngân Hoa được viên thiếu tá đưa đến gặp vị tướng, Trưởng đoàn cán bộ quân khu ấy để ra mắt, giới thiệu người yêu và xin ý kiến ông về ý định kết hôn của họ. Anh ta được cấp trên đồng ý và gợi ý để hai người được nghỉ phép về xin ý kiến gia đình, chọn ngày tổ chức.
Buổi đó Ngân Hoa cũng được giới thiệu biểu dĩễn những tiết mục văn nghệ xuất sắc của mình phục vụ Đoàn cán bộ quân khu ở đó. Tài năng nghệ thuật của cô đã được vị tướng Trưởng đoàn quý mến và quan tâm giúp đỡ.
Từ những cuộc tiếp xúc đặc biệt ấy, Ngân Hoa đã làm quen được với nhiều người trong đoàn sĩ quan cao cấp trên. Và, cô cũng được nhiều cán bộ, sĩ quan trong đơn vị nể trọng hơn.
Từ những ngày ấy, chính nhờ quen biết vị tướng nọ, ông đã giúp cô gặp gỡ nhiều viên chức cấp cao trong quân đội. Vì thế, Ngân Hoa dần dần trở nên nổi tiếng và tỏa sáng tài năng ca hát của mình. Ngân Hoa trở thành một người quan trọng trong giới văn công quân đội. Và cô là một nhân vật rất được quan tâm.
Rồi tiếp đó, cô được chọn đi học lớp huấn luyện quân sự đặc biệt. Một thời gian sau đó, Trần Cung đã cùng Ngân Hoa tổ chức lễ cưới. Lễ cưới của họ tuy đơn giản, mộc mạc nhưng đầm ấm ở đơn vị của Trần Cung. Sau này cô mới nhận ra là người mình yêu, người yêu mình là một nhân vật như thế nào. Cô ngỡ ngàng, kinh ngạc. Nhưng rồi tình yêu, sự chung thủy và nỗi sợ hãi cũng như sự thần phục đã đưa cô thành một người hoàn toàn trung thành với Cung, trung thành với con đường mà cô đã bước vào.
« Sửa lần cuối: 24 Tháng Mười Một, 2017, 04:23:12 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 11:02:04 pm »

IV
Trần Cung là con nuôi một vị cán bộ tập kết ra Bắc năm 1954. Nhưng trong một trận oanh tạc của máy bay Mỹ đánh bom ở khu vực miền Trung năm 1971, ông đã hy sinh đột ngột. Ông chỉ còn có một người con nuôi này là thiếu tá Trần Cung, làm việc ở cơ quan tham mưu quân khu Bốn.

Trần Cung lúc nhỏ có tên là Đạt, được tuyển chọn từ một nhóm trẻ giang hồ ở khu vực Cần Thơ đưa về Sài Gòn, đào tạo trong một lớp huấn luyện đặc biệt qua một thời gian ngắn. Từ một lớp có gần chục người, sau những đợt tuyển chọn, chỉ có ba tên đạt tiêu chuẩn. Kết thúc lớp huấn luyện, Cung được bố trí ra Bắc, trà trộn vào đội ngũ quân đội và leo dần lên theo con đường binh nghiệp. Cuộc cài cắm người ra Bắc của bọn tình báo này diễn ra khá đặc biệt. Theo nguồn tin bí mật của chúng, chúng đã biết được một vị cán bộ ở Cần Thơ tập kết ra Bắc đang là giáo viên cấp một ở một xã vùng ven biển tỉnh Quảng Bình. Đây là điểm đáng chú ý để bọn chúng cài người theo kế hoạch sau này.

Trước khi Trần Cung được cài ra Bắc, vừa học xong lớp huấn luyện, bọn chỉ huy đưa hắn về một vùng quê tỉnh Cần Thơ. Ở đó Cung nhận biết thật rõ ràng về nơi sinh quán của mình. Hắn bí mật tìm hiểu thân phận mình sẽ đóng vai nay mai với tên mới là Trần Cung, con một gia đình nông dân. Chỉ trong một thời gian ngắn, Cung đã hiểu rõ mọi ngõ ngách vùng này và hiểu được gia đình mà Cung sẽ là con. Sau đó bọn quan thày chúng mở một trận đánh vào vùng này, tìm diệt căn cứ du kích. Chúng đã giết nhiều người. Trong đó có cả gia đình hờ của Cung. Gia đình ông giáo tập kết ra Bắc cũng mất tích luôn. Rồi chúng bố trí để Cung trốn được một cách hết sức khó khăn ra Bắc, tìm và nhận ông bác họ này, để được vào quân đội.

Vị giáo viên này đã có vợ ở quê. Đứa con trai mới được 8 tháng tuổi thì ông được lệnh tập kết, để lại gia đình còn trong vùng chính quyền Sài Gòn kiểm soát. Ra Bắc, ông được tập huấn rồi cử về làm giáo viên nông thôn. Ông không lấy vợ, sinh con ở miền Bắc nữa. Cuộc sống của ông có vẻ đơn điệu từ ấy. Ông ít nói, ít cười, suốt ngày cần mẫn với công việc. Nhưng ông rất khoẻ, thường cuốc đất trồng rau, chăn nuôi, trong khu tập thể nhà trường. Ông được rất nhiều người quý mến.

Trong một lần họp ở trên huyện, ông được các đồng chí công an và quân đội mời tới gặp mặt. Họ hỏi thăm ông về tình hình công việc của ông hiện nay có được tốt không, có vui vẻ và còn khó khăn gì không? Ông cũng hơi ngạc nhiên về việc này. Ông đã đoán già đoán non, có thể mình sẽ được huy động ra mặt trận, hoặc được cử đi Nam tăng cường cho chiến trường chăng? Và ông đã có chút hy vọng sẽ được trở về thăm quê hương sông nước Cần Thơ của ông. Rồi các đồng chí đó hỏi thăm về quê hương ông. Đã lâu lắm rồi ông không nhận được tin tức gì cả. Ông trả lời các chiến sĩ như vậy. Nhưng rồi họ cũng không để ông phải suy nghĩ, hay lo lắng lâu. Họ thông báo cho ông một tin buồn về vùng quê của ông. Nơi ấy vừa bị bọn Mỹ ngụy mở đợt tấn công xuống vùng căn cứ du kích, đánh vào làng ông. Nhiều gia đình không kịp sơ tán, nên đã mất nhà, mất con, mất cả người thân nữa. Có nhiều đứa trẻ mồ côi, bơ vơ, thậm chí chạy tứ tán. Nhà ông cũng bị tan tác cả, không biết có ai còn, ai mất. Những cán bộ của ta trong đó cho biết thông tin rất rời rạc, hiện vẫn chưa có tin tức con trai và gia đình ông. Tuy nhiên có một người cháu họ của ông đã mất hết gia đình, tìm đường trốn đi. Với lòng căm thù bọn Mỹ - Ngụy, cậu ta đã vượt sông Bến Hải ra Bắc, chỉ biết nhớ có tên người chú họ là ông. Do đó, các cơ quan, đơn vị cử cán bộ công an, quân đội, đi xác minh và tìm hiểu về gia đình ông và cậu bé này.

Ông giáo nghe như thế muốn chết lặng đi. Nhưng ông kiềm chế được và chỉ còn biết nuốt nước mắt vào trong. Ông ngồi lặng lẽ một lúc lâu, không nói, không hỏi. Mọi người đưa nước cho ông và chờ đợi. Ông chỉ còn nhớ, ông có mấy người họ hàng ở quê, làm gì. Có người, khi ông đi chưa có vợ con. Có người có con thì còn bé. Nếu là con người em họ thì đó là chú em ở cách nhà ông vài trăm mét, giáp với cái ao của nhà ông. Chú ấy có con sau ông vài tháng. Tên nó là Cung. Họ Trần, tên Cung. Con ông tên là Vòng. Trần Văn Vòng. Vì anh em họ đã sống gần nhau từ nhỏ nên con ông là Vòng, thì chú em họ đặt tên con là Cung để hai nhà thêm gần gũi. Khi ông ra Bắc, thì chú ấy vẫn ở nhà làm ruộng. Vợ chú ấy yếu hơn, nên thường làm việc nhà. Còn vợ ông thì ra đồng làm ruộng. Ông được đi học, nên được đưa ra miền Bắc đào tạo, nâng cao tinh thần để sau về phục vụ quê hương. Nay ông không được biết mọi chi tiết của vùng quê như thế nào, khác trước ra sao. Còn cậu bé đó, nếu đúng thì nay đã gần 18 tuổi. Nhưng ông cũng không biết có đúng vậy không.

Nghe ông nói, các cán bộ chiến sĩ công an và quân đội ghi nhận và hứa sẽ tìm hiểu kỹ để giúp đỡ ông. Sau đó một thời gian ngắn, thì Trần Cung được đưa về nhận chú. Ông và cậu ôn lại những chuyện quê hương và người thân. Ông đã tin chắc, đây là con chú em họ và nhận cậu làm con nuôi. Rồi ông bảo đảm xin cho cậu vào quân đội để trả thù cho cha mẹ và làng xóm. Từ đó Cung là một chiến sĩ dũng cảm trong quân đội. Anh ta đã xung phong ra chiến trường, nhưng đơn vị lại cử đi học lớp huấn luyện cấp tốc và điều về công tác trong bộ phận tham mưu của một đơn vị vùng Vĩnh Linh. Ở đó Cung đã rất dũng cảm trong chiến đấu và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Đặc biệt, Cung đã xả thân cứu những em bé trong vùng tuyến lửa dưới bom đạn Mỹ, nên được các cán bộ chiến sĩ rất kính nể. Cung đã tiến nhanh vượt cấp so với thời gian quân ngũ của mình. Và anh ta đã được điều động tham gia nhiều đơn vị trong vùng tuyến lửa. Mới đó mà Cung đã được phong lên quân hàm Đại uý. Và giờ đây, Cung đã là Thượng úy trong Ban tham mưu của quân đoàn, nơi Ngân Hoa đang phục vụ. Và hai người đã gắn kết cuộc đời với nhau như thế.
Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 11:03:16 pm »

V
Trần Vinh ăn xong bát phở, trả tiền, rồi sang quán cà phê bên đường. Cùng lúc đó người phụ nữ kia cũng bước tới. Hai người gật đầu chào nhau và đi đến góc quán. Họ tới bên chiếc bàn nhỏ đặt gần góc khuất. Khi ngồi vào bàn, Ngân Hoa nhỏ nhẹ:
- Chúng ta lại gặp nhau sau mấy năm rồi nhỉ?
Vinh gật đầu đáp:
- Thật là vinh hạnh.
Lúc uống cà phê và nói chuyện, Ngân Hoa càng trở nên kiêu sa hơn. Đối với Trần Vinh, khi gặp lại Ngân Hoa, nỗi băn khoăn lo lắng của anh lập tức được giải toả. Theo lệnh cấp trên, Vinh và Ngân Hoa được thường xuyên tiếp xúc với nhau và cùng nhận một nhiệm vụ: Họ phải theo dõi sát mọi diễn biến ở Bộ Quốc phòng và sự di chuyển của hàng ngũ tướng lĩnh Việt Nam. Ngân Hoa lúc này mang hàm thiếu tá về hưu. Sống cùng chồng là Trần Cung, tên gián điệp trong vai viên sĩ quan tham mưu ngày trước, cũng đã nghỉ hưu ở vùng Sóc Sơn. Tuy đang ở tuổi năm mươi. nhưng dáng người Ngân Hoa vẫn trẻ trung, xinh đẹp, thậm chí còn có vẻ thướt tha nữa.

Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã khiến cho Vinh trở nên bận rộn hơn trong suy nghĩ và hành động. Ngân Hoa giao cho Vinh nhiệm vụ phải tiếp cận bằng được một nhân vật cao cấp trong quân đội để nắm bắt tin tức về một công trình nghiên cứu của Hải quân với một nước Châu Âu mạnh vào bậc nhất thế giới. Ngoài ra, Vinh phải theo dõi sát một nhân vật ở khuất nẻo trong khu dân cư đông đúc giữa lòng Thủ đô, biết được những mối quan hệ của ông ta trong thời gian tới. Ông ta sẽ có cuộc đón tiếp một người sẽ từ Thành phố Hồ Chí Minh bay ra Hà Nội nay mai. Người này là một nhân vật mà cấp trên rất chú ý. Đó chính là ông Đàm mà Vinh đã biết. Chính vì thế tối nay Vinh đã đến thăm ông Đường trước để nắm được tình hình.

Trên đường từ nhà ông Đường trở về, Trần Vinh vừa nghĩ tới cuộc gặp gỡ với Ngân Hoa hôm trước, vừa nghĩ về cuộc gặp ông Đường tối nay. Ông ta chợt ngộ ra một điều: Thì ra, y như một định mệnh đã an bài, những mối quen biết và quan hệ, kể cả là bạn bè của mình, cũng gần như có chung số phận. Ông ta không hề ngạc nhiên về cuộc gặp Ngân Hoa, nhưng lại thấy giật mình khi nghĩ rằng, sắp tới đây, ông sẽ có cuộc gặp gỡ với luật sư Đàm tại nhà ông Đường. Điều này gần như có sự trùng hợp ngẫu nhiên nào đó, nhưng lại quan trọng đối với Vinh. Không ngờ, đó lại là một trong các mối quan hệ mà ông ta cần phải quan tâm hơn vì nghề nghiệp của mình.

Trần Vinh quen biết ông Đường từ nhỏ vì cùng ở gần nhau trong khu phố bên Nhà Thờ Lớn. Vinh và Đường chơi với nhau từ bé. Khi học đến cấp ba thì mỗi người vào một trường. Theo Vinh biết, thì ông Đường cùng học cấp ba với ông Đàm tại trường Lý Thường Kiệt. Còn vì sao hai người lại chơi thân với nhau, thì mãi sau Vinh mới biết. Vinh đã nhiều lần gặp ông Đàm ở nhà ông Đường. Ông chợt nghĩ, cuộc gặp mặt sắp tới ở nhà mới của ông Đường sẽ ra sao đây? Ông phải đến và chuẩn bị thật chu đáo cho cuộc gặp gỡ này mới được.
Suy nghĩ như vậy rồi Trần Vinh bước chậm rãi về phố Đoàn Thị Điểm vào ngõ An Trạch.
Logged
danhthanh
Thành viên
*
Bài viết: 708


« Trả lời #9 vào lúc: 24 Tháng Mười Một, 2017, 11:05:27 pm »

Chương Hai
I
Thành phố Hồ Chí Minh buổi chiều thật tấp nập. Các tuyến đường đổ về trung tâm ngợp dòng xe cộ. Cái nắng chiều mênh mông của vùng nhiệt đới cận xích đạo như có vẻ dịu hơn vào mùa mưa. Những vệt mây trắng trôi lang thang trên bầu trời trong veo, như tô điểm thêm cho thành phố một nét đẹp riêng của nó. Từng được tôn vinh là “Viên ngọc Viễn Đông”, Sài Gòn đã có lúc là một điểm đến du lịch có tiếng trên thế giới.
Giờ đây, sau mấy chục năm hoà bình, thành phố đã được xây dựng và mở mang thêm. Sự ồn ào tấp nập lại càng trở nên náo nhiệt hơn. Tuy nhiên, đối với một số người thì Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay, lại là nơi khó chấp nhận và không thể chịu nổi bởi sự nhốn nháo về giao thông và bụi bậm của nó. Đó cũng chính là tâm trạng của ông Đàm, một luật sư đã sống tại thành phố này hơn chục năm qua.

Chiếc xe đưa ông Đàm tới sân bay Tân Sơn Nhất đã quay về. Ông Đàm lên máy bay. Chuyến bay Airbus 321 đi Hà Nội đang chuẩn bị cất cánh.
Ông Đàm nhìn lại lần cuối những đường băng trải dài trên sân bay. Ông nhớ như in lần đầu đáp máy bay từ Hà Nội vào đây. Lúc đó sân bay còn có cả những chiếc máy bay cũ, hỏng, của chính quyền Sài Gòn cũ và của Mỹ bị xếp xó. Sân bay Tân Sơn Nhất lúc đó vẫn còn có vẻ dã chiến. Giờ đây đã trở nên chuyên nghiệp hơn trong dịch vụ Hàng không dân dụng.
Trong chuyến bay ra Bắc hôm nay ông Đàm có nhiều suy tư hơn. Không phải ngẫu nhiên mà ông lại nghĩ tới sự thay đổi hoạt động của sân bay như vậy. Là một luật sư dưới chế độ miền Bắc trước ngày Giải phóng miền Nam, ông Đàm từng làm việc trong cơ quan nhà nước. Ông gia nhập Đoàn Luật sư Hà Nội. Song thực tế Vương Thế Đàm lại là một nhân vật hết sức quan trọng trong một nhóm trí thức có khuynh hướng dân chủ mới rộ lên ở Hà Nội. Tuy nhiên, Đàm là một người rất kín đáo, khôn ngoan, không bao giờ để lộ tung tích của mình. Thực chất ông ta là một điệp viên bí mật trong ngành tình báo của một nước ngoài, từng có nhiệm vụ tìm hiểu và đi sâu nghiên cứu tình hình của không lực Việt Nam. Ông hiểu khá rõ những kế hoạch của ngành Hàng không Việt Nam từ trong chiến tranh cho đến hiện nay.
Trước ngày Sài Gòn giải phóng, Đàm sống ở Hà Nội, trong một xóm nhỏ giữa Thủ đô. Khi đó Đàm đã là một luật sư có tiếng ở Hà Nội. Rồi Đàm xin chuyển vào sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, xin mở văn phòng Luật sư riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc này, cơ sở tình báo của Đàm được thông báo tạm thời lắng xuống. Nhưng thực tế thì Vương Thế Đàm rút vào bí mật, củng cố tinh thần để chờ đợi hoạt động trở lại.
Chuyến ra Bắc lần này của Đàm có phần vội vã và có một sứ mệnh đặc biệt. Đàm buộc phải thay đổi kế hoạch hoạt động của mình.
Chiếc máy bay Airbus 321 cất cánh rời khỏi đường băng. Bầu trời rộng mở trước mắt Đàm. Thành phố Hồ Chí Minh trải rộng dưới cánh bay. Đã mười năm rồi, đây là lần ra Bắc mà trong lòng Đàm có nhiều suy nghĩ nhất. Kể từ mười năm qua, ông ta chưa một lần gặp lại người bạn cũ ở Hà Nội. Đây là lần ông cần phải gặp. Đối với người bạn này, ông vẫn thường xuyên nhận được tin tức và thư từ liên lạc. Đó chính là ông Đường, bạn ông ở Ngõ Huyện xưa, nay đang ở và trông coi nhà giúp ông tại làng Linh Quang.
Ông Đàm còn hiểu rất rõ những thay đổi trong cuộc sống của người bạn này. Mấy hôm trước, nhận điện của ông Đường gửi vào, Đàm liền lên một kế hoạch mới nằm ngoài những dự định của mình. Ông phải bay ra Hà Nội ngay và trong chuyến đi này ông phải thực hiện việc tổng hợp lại các mối quan hệ của mình trước đây để tìm ra một người bí ẩn mà lâu nay ông luôn phải tìm kiếm mà không ra.
Vương Thế Đàm năm nay đã ở tuổi gần sáu mươi, dáng người thấp đậm, bước đi nhẹ nhàng, rất từ tốn. Khuôn mặt vuông vức, nước da hơi đen nhưng mịn màng. Đôi mắt to đen và hàng lông mày rậm. Mũi nở, miệng lớn và tiếng nói trầm đục. Trông dáng vẻ ông ta toát lên sự tự tin và chín chắn, biểu hiện rõ là một con người quyết đoán. Tốt nghiệp Đại học Luật, Đàm được chuyển về công tác ở Hà Nội. Hơn năm năm sau, Đàm được đi làm luận án Thạc sĩ ở Pháp. Hai năm sau ông về công tác tại Đoàn Luật sư Hà Nội.

Đàm đã từng được đề cử bào chữa cho nhiều nhân vật có máu mặt, dính líu đến những vụ án tham nhũng và kinh tế lớn. Ông ta cũng tham gia trong một văn phòng luật sư riêng nổi tiếng ở Hà Nội do một vị lãnh đạo có chức sắc ở ngành Tư pháp về hưu tổ chức. Ở trung tâm này, Đàm nổi lên như một nhân vật có tài, rất có năng lực và tiếng tăm. Nhất là sau vụ bào chữa cho một tên tội phạm chính trị dính líu tới tổ chức phản động chống chính quyền nổi lên sau giải phóng. Các mối quan hệ của Đàm càng trở nên vững bền và lớn mạnh.
Cũng đúng vào những năm đó thì các nhóm tri thức có tư tưởng chính trị khác trong xã hội đã xuất hiện ở Hà Nội và Sài Gòn. Một số trí thức, nhà văn, luật sư đã công khai lên tiếng bộc lộ tư tưởng tự do, đòi dân chủ và đa đảng. Có một vài nhân vật chống đối lại chính quyền. Do đó có người đã bị bắt, bị lên án. Thậm chí có kẻ bị đưa ra xét xử. Bề ngoài Đàm lúc này là người luật sư đứng ngoài cuộc, nhưng thực tế lại hiểu rất rõ những tổ chức này.
Ông ta nhận chỉ thị nắm thật chắc các tổ chức chính trị này, nhưng không được tham gia hoạt động. Nhiệm vụ của Đàm là tìm kiếm những thông tin về tình hình an ninh và đặc biệt là về những bí mật quốc gia, nhất là về kinh tế của đất nước. Những bí mật này sẽ được chuyển cho đại diện của tổ chức tình báo nước ngoài bằng cách liên lạc qua các hộp thư chết.
Công tác ở Hà Nội được hơn mười lăm năm thì Đàm xin chuyển vào Nam. Từ ấy đến nay đã mười năm qua đi. Chuyến ra Bắc lần này còn có một nhiệm vụ khác làm Đàm cảm thấy lo lắng và cần tính toán kỹ. Đó là nhiệm vụ Đàm chỉ vừa mới nhận được khi có kế hoạch ra Bắc, Đàm phải trực tiếp liên lạc với “sếp” người nước ngoài. Điều này đã làm Đàm lo lắng suốt chuyến đi.
Đàm không rõ đã mười năm rồi, ông Đường có còn giữ nguyên vẹn những kỷ niệm của Đàm ở nơi đó hay không? Liệu những gì Đàm cất giữ có còn nguyên? Và, Đàm có thể gặp được những người cần gặp, gặp được người ông ta phải tìm kiếm? Trong lòng Đàm luôn băn khoăn, lo lắng. Ngồi trên máy bay, tuy có vẻ thờ ơ nhìn qua kính chắn gió xuống dưới cánh bay, nhưng thực ra trong lòng Đàm đang nghiền ngẫm cho kế hoạch của mình.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM