Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 11:03:47 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84943 lần)
0 Thành viên và 4 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #310 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2019, 09:15:36 pm »


Đôi khi người ta cùng lầm các tên gọi và càng tăng thêm rối ren. Bao nhiêu lời chú giải để biết ai là Paul - tên thường được nêu lên trong những bức thư của tướng Revers. Nói chung người ta tưởng đấy là con trai của tổng thống Cộng hòa. Nhưng không phải; anh ta không nằm trong vụ này. Đấy là tướng Xuân - một quân cờ cần thiết trong kế hoạch của Revers. Chính ông này, với sự bảo trợ của tướng Mast, phải thay thế Bảo Đại để thành lập một chế độ cộng hòa chịu trách nhiệm về hòa bình và thương lượng với Hồ Chí Minh. Dù thế nào thì ông Paul này làm Bảo Đại rất lo lắng - can thiệp ngay với ông Vincent Auriol bố, nhắc lại những lời hứa và cam kết. Hơn nữa hoàng đế theo những cách riêng của mình bằng cách dùng sắc đẹp, xã giao, tiền bạc, gây mọi ảnh hưởng ở Paris và khắp nơi.

Không có gì ra mặt. Pignon và Reveis gặp nhau ít và bao giờ cũng tử tế. Nhưng Pignon còng xuống hơn, chăm chú và mệt mỏi hơn bao giờ hết, khép mình dần dần xung quanh Revers luôn tiến lên phía trước. Revers "làm việc tỉ mỉ". Ông cố đưa Mỹ, Anh vào cuộc để bảo vệ quyền lợi Phương Tây ở Châu Á. Ông khôn ngoan giải thích hòa bình với người Việt sẽ là giữ lại nước Pháp ở Đông Dương, là tấm chắn tốt nhất chống chủ nghĩa cộng sản và mọi hành động lật đổ. Bao nhiêu thăng bằng, bao nhiêu công việc nhào lộn. Ngay trên đường về ông cũng tiếp tục làm việc. Ở Bangkok ông dừng lại để ca ngợi kẻ độc tài nước Xiêm, thống chế Pibul, một người chống cộng sản dữ dội và mẫn tiệp, hoàn toàn nằm trong tay Hoa Kỳ. Nhất là ông nghe một thời gian ngắn ở Home - người hội viên Tam điểm ai cũng biết muốn đưa giáo hoàng vào cuộc chơi của mình. Đức Giáo hoàng tỏ ra "cảm thông" trong một cuộc tiếp kiến riêng. Thắng ván bài thì thật quan trọng. Mọi việc sẽ dễ dàng hơn nếu Vatican có những chỉ thị phù hợp cho giáo dân Việt Nam và cho MRP của nước Pháp!

Và tất cả những cái đó - chiến dịch đồ sộ ấy - sụp đổ một cách đáng xấu hổ mấy tuần lễ sau đó ở Paris trong một cuộc đấu đá nhỏ, có thể là khốn nạn nhất về loại này! Tôi còn nhớ lại niềm vui dã man của một người dưới trướng Pignon - Cousseau - thông báo với tôi về "vụ bê bối" sau một bữa ăn ngon ở Sài Gòn. Những năm sau anh ta phải thú nhận với tôi không hề tình cờ - đúng là một đòn bố trí, một cái bẫy. Ý tưởng đơn giản thật tài tình: tạo ra một cuộc xô xát giữa một lính viễn chinh cũ và một người Việt Nam; cảnh sát bắt hai người vì làm mất trật tự công cộng - và lục túi người Châu Á, họ kinh ngạc thấy một bản sao tối mật báo cáo của Revers. Từ cuộc ẩu đả nhỏ ấy người ta đi đến chứng minh điều gì? Chỉ cần phát hiện ra người Việt Nam ấy là một Việt Minh; sau đó có gì dễ hơn nhấn chìm Revers xuống nước, kết tội ông bất tài, thiếu khôn ngoan, thậm chí phản bội. Phải chăng ông đã chuyển tài liệu của ông cho tình báo Hồ Chí Minh để phá huỷ đường lối chính trị của Chính phủ và đưa ra đường lối của mình? Bằng cách nào thì vụ việc đã bung ra. Revers hết đời.

Việc này do một cơ quan đặc biệt thuộc bộ Pháp quốc Hải ngoại chuẩn bị, do thiếu tá Maleplatte chỉ đạo. Như trong một vở kịch, người ta chọn diễn viên, đã cho tập dượt. Người Việt Nam là một phần tử tiến bộ hối cải người ta nắm trong tay. Chiến binh Đông Dương là một lính giải ngũ cần tiền. Người ta bảo người Châu Á: "Chúng tôi giao cho anh một chiếc cặp đựng giấy tờ. Anh lên chiếc xe buýt nào, vào giờ nào, chỗ nào và sẽ đứng ở bến xe". Người ta nói với người lính cũ: "Anh lên chiếc xe ca; đến gần người Việt Nam, nhất là có vẻ không quen biết anh ta". Sự việc xảy ra tiếp đó. Người Châu Á vô ý bước lên chân người Pháp. Anh này mắng: “con khỉ Châu Phi bẩn thỉu". Thế là chửi rủa xô xát nhau phía ngoài vùng ga xe.

Mọi việc diễn ra như dự kiến. Sau đó người ta phát hiện ra những gì? Trước hết những bản sao báo cáo Revers lan tràn khắp nơi. Chính thức chỉ được có ba bản, tài liệu đồ sộ ấy nói về tất cả đường lối và chiến lược Pháp ở Viễn Đông. Nhưng ai cũng có bản ấy kể cả Hồ Chí Minh trong "tứ giác" của mình chăng? Việc truyền bá ấy vẫn là một bí mật. Giả thuyết đưa ra nhiều, ít hay nhiều chắc cũng đúng. Có giả thuyết do cho rằng do thiếu khôn ngoan và kiêu căng - Revers và Mast tự phân phối bản tài liệu quan trọng ấy cho các bạn để "kích động" họ và "khoe khoang". Có kẻ cho là một sự phản bội và rò rỉ có tổ chức - ví dụ nhân một Văn Co, con người lạ lùng, đáng ngờ, khó tả nên lời, được giao trách nhiệm chuyển tài liệu cho Bảo Đại, cũng đã đưa cho những kẻ thù của hoàng đế chăng? Và nếu không phải anh ta, phải chăng là một vị cao cấp nào đó xung quanh Hoàng đế? Tất cả đều có thể. Cũng có lập luận cho là một vụ khiêu khích - một loại "rò rỉ" khác, không phải phản bội mà bố trí có mục đích. Bảo Đại, bộ Pháp quốc Hải ngoại. Ông Coste-Floret có thể làm việc ấy. Người ta cho in sao bản báo cáo, tung ra khắp nơi: một cái bẫy để nắm được quả tang Revers - có thể nói thế. Tất cả đều đáng ngờ nhưng kết quả chắc chắn: màn kịch ở bến xe.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #311 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2019, 09:16:10 pm »


Revers muốn xóa bỏ một đường lối chính trị, những người của đường lối ấy. Ông làm một cách bất chính. Nhưng là sự bất chính của "viên tướng thật thà", của một người không biết rõ cuộc đời hoặc làm với ý tưởng sai, với hàng loạt nông nổi; dễ dàng cho những người ông muốn "hạ bệ" quay lại "tóm lấy ông". Sau đó họ chỉ còn "khai thác" chống lại ông đủ mọi loại âm mưu, vận động ám muội, quan hệ đáng ngờ. Mỗi ngày vụ bê bối càng lớn, dễ dàng bổ sung bằng một lời đồn mới! Tất cả vào đó, đúng hay sai - lớp người thân tín lạ lùng của ông, những chuyện tiền bạc, cả một mớ chính trị hạ cấp, thói chạy theo lợi nhuận, tham vọng. Xung quanh ông là cảnh chạy tán loạn. Revers cũng đã rất xa, xa nhiều lắm. Mọi người đồng tình hy sinh tay "ngu xuẩn" này - và trở lại nguyên trạng tốt xưa kia.

Vậy là đi để lật đổ tất cả đường lối chính trị Pháp ở Đông Dương, trong tai họa của mình, Revers chỉ đi đến củng cố nó thêm vững chắc. Chính ông, qua đợt bị phản công lại, đã đảm bảo thắng lợi cho Bảo Đại, Pignon, MRP để họ rảnh tay trong cuộc chiến tranh chống người Việt và bản báo cáo bị chôn vùi sau khi bị quật trên xe buýt.

Trong nhiều tháng ở Chính phủ người ta không nói đến Đông Dương nữa. Có những mối lo ngại, những đụng độ khác. Tuy nhiên, dù người ta không biết rõ lắm, các sự kiện ở bên kia ngày càng xác minh cho Revers. Con người lạ lùng ấy trong mình có cả cái tốt nhất và xấu nhất, với sự thông minh tuyệt vời, đã phát hiện ra những sự thật xấu xa của cuộc chiến tranh Đông Dương mà người ta vẫn che giấu. Ông thấy trước sẽ thất bại trong cuộc "chạy đua tốc độ". Thực tế thời gian từ nay sẽ phản lại người Pháp. Từ mùa thu 1950 họ lao vào một cuộc chiến liên miên chống chủ nghĩa cộng sản thuần túy, trong những điều kiện xấu hơn làm tiêu tan lá bài "chủ nghĩa dân tộc" vùng du kích, không nắm được dân chúng thực thụ, liên kết với những kẻ mục ruỗng và phản tiến bộ. Họ phải tiếp tục theo vết xe cũ không thoát ra được, luôn luôn khó khăn hơn, khốc liệt hơn cho đến cuối cùng phải từ bỏ sau Điện Biên Phủ.

Việc "thanh toán" Revers không phải là một biến cố đơn giản. Đây là lúc quyết định trong cuộc chiến tranh của pháp ở Châu Á, sự "cam kết" cuối cùng trước một số dữ liệu xấu, cơ hội mất đi trong việc thử những phương pháp, những giải pháp khác. Từ nay người ta sẽ thấy hậu quả không tránh được của việc đã lựa chọn trong diễn biến tiếp theo.

Có lẽ trước đây đã không có một lối thoát ở Đông Dương. Có thể kế hoạch Revers nếu được áp dụng, dù với một cách khác chăng nữa, cũng dẫn đến tai họa tồi tệ. Nó chứa đựng nhiều đường lối thấp kém, không chính xác, ảo tưởng - nền hòa bình Revers mong có với Hồ Chí Minh chỉ là lặp lại một ảo tưởng cũ. Tất cả chứng tỏ người Việt đã chọn "cuộc chiến tranh trường kỳ" theo công thức của chủ nghĩa cộng sản Châu Á. Tất cả chứng tỏ giữa mối nguy người Pháp và mối nguy Trung Hoa, họ đã chọn - đứng về phía Trung Hoa của Mao Trạch Đông.

Báo cáo của Revers - với phần quân sự, chính trị, năm phụ lục, mười tám bổ sung và sáu bản đính kèm - là cả một công trình. Tất cả được phân tích tỉ mỉ, từ Bảo Đại, con đường số 4, Việt Minh, Trung Hoa cho đến những vấn đề hậu cần bình thường nhất. Chưa bao giờ và sẽ không bao giờ có một công việc như vậy nữa. Và nếu báo cáo yếu về phần tích cực thì ít nhất cũng là một tiếng kêu cấp báo khác thường. Đấy là điều chủ yếu. Biết bao điều sẽ đã thay đổi nếu lúc ấy người ta thoát khỏi lạc quan, chuẩn bị cho mình trước thực tế nặng nề.

Dù sao tài năng của Revers là đã thông báo rất chính xác điều gì sẽ đến nếu người ta tiếp tục theo con đường đang đi - và đúng như thế nếu không có giải pháp thay đổi. Mọi việc diễn ra như ông dự kiến, gần như theo số học.

Từ đấy nảy sinh bi kịch về lương tâm của Pignon. Không ai hơn ông đã góp phần dìm nát Revers. Ông làm việc ấy với những biện pháp đáng ngờ, nhưng với mục đích căn bản "trung thực". Đối với ông những "ý tưởng" của Revers sẽ dẫn Đông Dương đến thất bại. Vì vậy ông hết sức lên án những ý tưởng đó. Ông chắc chắn vào mình, tin tưởng sâu sắc vào quyền lợi của mình. Thế mà mặc dù ông cố gắng, kiên trì, dù có những kết quả bên ngoài, ông thấy mọi việc hư hỏng xung quanh ông - như Revers đã dự kiến. Ông lo ngại đến chết nhưng âm thầm, không dám lộ ra với Chính phủ, với các tướng vẫn rất thỏa mãn.

Revers bị nhấn chìm, quên lãng, khinh thường, dù sao vẫn ở khắp nơi - ít nhất là bóng dáng ông và ông đã đúng. Ông ở Đà Lạt: đã lên án Bảo Đại và Pignon đã bảo vệ. Nhưng Bảo Đại, tất cả nhờ vào Pignon, thể hiện hết sức "mục ruỗng" với chứng loạn thần kinh, thủ đoạn và bất lực. Từ kế hoạch ấy là nền độc lập của Việt Nam như Pignon nhận định, tỏ ra vô ích, không tầm cỡ, không có giá trị. Về bình diện chính trị, tất cả bị hẫng hụt.

Revers cũng ở trên đường số 4; ở đây là cách rõ ràng nhất. Đã xác định chuyển hết quân ở Cao Bằng để tập hợp, tổ chức lại Đội quân viễn chinh ở những vị trí tấn công cho đến lúc thương lượng. Nhưng phải làm nhanh khi còn thì giờ. Sau vụ bê bối, quyết định không chính thức bị loại bỏ nhưng lùi thời hạn đến vô cùng. Vậy là ở lại Cao Bằng. Nhưng sau đó nó trở thành một cạm bẫy chết người. Vì quân đội mới của ông Giáp được người Trung Hoa tổ chức lại, đánh những đòn điếng người đầu tiên: không chỉ còn phục kích mà những trận tấn công, xung kích, những trận đánh lớn. Không thể ở lại nữa nhưng không biết giải thoát bằng cách nào. Và thế là bắt đầu bi kịch về quân sự; cuộc "chiến tranh thoải mái" chuyển sang cuộc "chiến tranh thất vọng".

Năm 1950 lạ lùng, rất lạ lùng! Người ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác nhưng vực thẳm ở đấy. Người ta không muốn thấy nó nhưng vẫn đi thẳng vào đấy, suy sụp gấp gáp; sau khi rơi vào lỗ hổng trống không về chính trị ở Đà Lạt là thất bại chết người của những tiểu đoàn trên đường số 4 trong những núi đá vôi khổng lồ ở Đông Khê.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #312 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:47:00 pm »


Chế độ Bảo Đại

Tai hại đầu tiên của Pignon là Bảo Đại gần như quật lại ông ngay.

Trong lúc Revers cho là một mối họa, Hoàng đế đã rất lịch sự. Rồi ông không bận tâm nữa, chẳng nói không, chẳng có nghị lực, là một con sứa. Và Pignon phát hiện ra ở Bảo Đại một kỹ xảo kỳ lạ để không hiểu, không hoạt động, huỷ hoại mọi mong muốn. Bao sức mạnh phủ nhận thể hiện ở nụ cười và đôi mắt to lim dim của Bảo Đại!

Pignon không thuyết phục được Bảo Đại, dù cố gắng ép buộc, thúc đẩy. Ông đặt bên cạnh Hoàng đế hai thần hộ mệnh, hai chiến sĩ xung kích, Cousseau và Faugère, người da trắng quỷ quyệt và người con lai quan cách. Đây là hai người quen biết cũ của Hoàng đế - Cousseau là người mang tiền từ Hồng Kông tới cho ông. Hai ông bạn ở Đà Lạt trong một biệt thự của phủ Cao ủy, Bảo Đại ở trong biệt thự riêng, cách nhau mấy cây số. Giữa những người thân cũ ấy lúc đầu là thời kỳ trăng mặt. Bảo Đại giãi bày với hai phụ tá của Pignon những ý tưởng đầy thông minh, sáng sủa, hữu nghị. Nhưng sau mấy ngày Bảo Đại không nghe nữa, không nói nữa, lim dim ngủ gà gật trước mắt họ, bắt họ chờ đợi, đứng trước mặt như chưa bao giờ quen biết họ.

Thế là hai tháng giông tố, đủ mọi sức ép theo cách Châu Âu, Châu Á trôi đi trước sự thờ ơ thân tình của nhà vua. Mỗi ngày Cousseau càng tái mặt và Faugère càng nghiêm nghị họ đứng trước việc bất ngờ là không "lay chuyển" được hoàng đế. Cả Cousseau kiên định cũng chán nản và một hôm nói với tôi: "Chúng tôi thạo nghề chứ, đã thử mọi cách nhưng vô ích". Sau đó ít lâu là kết thúc.

Màn cuối cùng diễn ra trong một buổi tối qua điện thoại trước mặt tôi. Tôi đang ở trong biệt thự Cousseau và ông đang gọi tới biệt thự nhà vua, càng nói và nghe, Cousseau, con người hào hiệp một cách độc ác và rất tự chủ, chuyển thành một Cousseau giận sôi lên. Con người rất mạnh mẽ ấy đã quá mức điên loạn và gần như đau đớn, kêu gào chửi rủa - một cảnh đáng thương. Cuối cùng ông bất lực quăng máy, sau mấy giây bình tĩnh lại nói với tôi:

- Bảo Đại nghĩ mình là người ranh mãnh nhất, mặc kệ. Ông ta muốn làm việc gọi là cuộc chơi của mình. Điều ấy sẽ kết thúc xấu cho chúng tôi nhưng còn xấu hơn đối với ông ta - ông hãy nhớ lời tôi.

Một tuần lễ sau Bảo Đại buộc Pignon gọi Cousseau, Faugère về và hai người ra đi. Từ nay Bảo Đại được tự do. Còn Pignon đã đưa Bảo Đại về Đông Dương, buộc phải giữ Hoàng đế và thậm chí chính ông là tù nhân của Bảo Đại.

Điều Bảo Đại từ chối là ra Bắc Kỳ. Ông ta không muốn ở Sài Gòn, nơi ông chỉ là "người thứ hai". Cao uỷ đã từ chối thả ra cho ông lâu đài Norodom, biểu tượng của quyền lực. Nhưng ở Hà Nội không có vấn đề ngôi thứ. Người ta cho ông lâu đài Puginier, một xưởng làm bánh đồ sộ, trang hoàng quá mức năm 1900, vốn là chỗ ở của các toàn quyền. Tất cả được chuẩn bị để đón tiếp ông. Ở đây Bảo Đại sẽ là người thứ nhất, nhà vua, người kế tục không chối cãi được của quyền lực Pháp. Nhưng như vậy có nghĩa ông đi vào trung tâm cuộc ẩu đả, tham gia hỗn chiến, điều ông tuyệt đối không muốn. Vậy là không làm sao chuyển ông đi được. Cousseau sau khi chứng minh hàng nhiều giờ một cách vô ích cho Bảo Đại rằng dân quê vùng châu thổ chờ đợi ông và xuất hiện lại giữa họ ông lại trở thành "Con Trời", đã lặp đi lặp lại với tôi: "Thật là một đồ đít chì".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #313 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:48:11 pm »


Pingon cũng hiểu rất rõ Bảo Đại "lợi dụng" ông để trở thành tỷ phú một siêu tỷ phú. Nhưng tại sao không làm thẳng thắn, với những khoản tiền lãi lớn và đều đặn? Người ta đề nghị với Hoàng đế tổ chức cho ông những phi vụ lớn, những nhà băng, công ty, những công ty hàng hải, hàng không, cơ sở với 51% vốn Pháp còn lại là của ông tuy ông không có một xu vốn. Nhưng Bảo Đại không thích thế. Ông muốn nhận đút lót theo phong tục cũ Châu Á. Ý tưởng lớn đầu tiên của ông là biến Đà Lạt thành một "địa ngục cờ bạc" thay thế vị trí của Ma Cao suy sụp. Sẽ xây dựng những sòng bạc đồ sộ, những khách sạn rất lớn. Đây sẽ là vùng thực sự vui vẻ. Máy bay đi, về sẽ đưa khách hàng tới, những tỷ phú của Hồng Kông, Singapore và những nơi khác. Những người Pháp cho rằng một quốc trưởng không nên chính thức là một siêu hồ lỳ. Bảo Đại bèn thoả thuận với Bảy Viễn, giao cho anh này khu Đại thế giới ở Sài Gòn.

Dù sao suốt những tuần lễ sau khi về Đà Lạt, mối quan tâm duy nhất của Hoàng đế là bố trí chỗ ở, để trở lại một mình trong "nhà mình" với cận thần xa mọi phiền phức và phiền muộn. Biệt thự của Hoàng đế, không đồ sộ rộng rãi nhưng đủ mọi tinh xảo tiện nghi và cuộc sống huy hoàng, chưa sẵn sàng. Giáo quát thợ bảo sẽ treo cổ họ lên. Bảo Đại vui đùa: "Bình tĩnh, anh đừng ngu xuẩn". Việt Minh; không chắc chắn lắm về người bếp trưởng, anh ta kêu lên: "Thưa ngài, hãy cho phép tôi nếm thức ăn trước; nếu có thuốc độc tôi sẽ chết thay". Bảo Đại cả cười đầy chế giễu: "Giáo, anh chỉ! là một kẻ khờ khạo nhưng tôi rất thích anh. Nếu anh muốn có những đầy tớ tin cậy, đừng lấy những người đạo đức mà hãy dùng những kẻ bất lương".

Biệt thự cuối cùng hoàn chỉnh xong, ở trên chỏm đồi, hoàn toàn riêng biệt giữa rừng hoa và cây thông. Bảo Đại sống khép kín ở đây với thế giới nhỏ của mình, có Bửu Lộc người anh em họ ở Paris đã kéo lê lâu dài trong khổ cực và các tiền sảnh, Đắc Khê, luật sư nổi tiếng "ở Pháp" luôn huênh hoang, Vĩnh Cảnh, cậu con trai duyên dáng và rụt rè, là người bảo vệ Giáo luôn mặn mà lo những điều cần thiết và một nha sĩ, một bác sĩ châm cứu, một số vai phụ. Ngoài một số người mua vui, tất cả những nhân vật ấy là các ông hoàng: hậu duệ các gia đình hoàng tộc Huế trở thành những người hào hoa phong nhã hiện đại, những người mẫu của xã hội rộng lớn quốc tế. Họ có đủ các ngón khéo léo của sự thanh lịch, lễ nghi và thô lỗ, tất cả khoa học về môi trường quý tộc. Chỉ duy nhất họ, những quý tộc chán chường và tham lam ấy có thể chịu đựng Bảo Đại với tính cách vô lại thực sự.

Với họ, Bảo Đại sống như trong một cuộc cắm trại thường xuyên; phần còn lại không tiếp cận được với họ, Bảo Đại biến biệt thự của mình thành một "thị trấn cấm" - vì tuy lăn lộn trên thế giới ông vẫn rõ ràng là Con Trời, ghét đám đông, ghét tiếp xúc. Vậy là Bảo Đại đóng cửa sống cùng "người của mình" không trông thấy được và khi báo chí đề nghị một cuộc hội kiến, những người bao quanh trả lời: "Hoàng đế không thể - ngài đang suy nghĩ". Thực ra những ngày đầu dành cho việc "trang trí" mua bán với khối lượng khổng lồ những chiếc xe Mỹ, tủ lạnh, máy quay phim, tất cả những gì cần cho sự lộng lẫy và thú vui. Và cuối cùng khi Bảo Đại đã được bố trí hợp lệ, nghỉ ngơi và đầy đủ tiện nghi quanh mình, ông bắt đầu những buổi tiếp kiến. Vì dù sao ông cũng phải hình thành một chính phủ. Điều đó làm ông thích thú.

Xung quanh Bảo Đại, vẫn ở trong biệt thự của mình, luôn đầy người vì Bảo Đại là tiền và vị trí. Hoàng đế hân hoan về lòng tham ấy, nói: "Tôi sẽ cần mười nghìn chiếc ví để khen thưởng tất cả những sự tận tụy". Và khi một người thân đoán chắc với ông chỉ là bọn vô lại chạy đến đây, Bảo Đại thốt lên: "Càng tốt". "Thực tế ở Đà Lạt người ta thấy - Phạm Công Tắc, các tướng Hoà Hảo, các bộ trưởng Nam Kỳ, những quan lại Annam, một số tu sĩ và cả những người môi giới, những tỷ phú Trung Hoa, những người kinh doanh Pháp. Tất cả những ai là Đông Dương "thuộc Pháp" đến hòa nhập với Bảo Đại. Cũng có cả gia đình đến, bắt đầu từ đại tá Didelot (lấy em gái bà hoàng hậu đạo đức và nghiêm khắc Nam Phương mà Bảo Đại cẩn thận để lại ở Pháp và các con). Còn có tầng lớp dưới là những phái viên và nhân viên, đầy những "quan sát viên" Việt Minh: họ rất lịch sự, không ngớt nhắc lại Bảo Đại trước đây là cố vấn tối cao của Hồ Chí Minh. Lúc nhúc những "phóng viên đáng kính" của tất cả những cơ quan có thể có và không tưởng tượng nổi. Thêm vào là những người quen biết cũ ở Phòng Nhì và của tình báo Anh. Đà Lạt cũng đầy những ông "ria" Mỹ đang tự hỏi: "Bảo Đại có phải là một tay chơi hay không?" Tất cả những cái đó không hề ngượng ngùng - một loại hỗn độn xung quanh một khúc xương mới để gặm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #314 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:49:04 pm »


Trái với sự bình lặng của ngôi biệt thự, Bảo Đại tiến hành những cuộc "hội kiến" mà khách sạn Lang Bian là nơi tụ hội. Đây là một khách sạn âm mưu trên bờ hồ nhân tạo của Đà Lạt do một thiếu tá Pháp già quản lý, phẩy tay trước những thì thầm của các ông Annam chào nhau rất phức tạp và nói không dứt về các tình huống, nghĩa là những "kế sách" họ đưa ra. Các ông ấy hài lòng - họ biết Bảo Đại "hiểu".

Tuy vậy bề ngoài tất cả vẫn nghiêm trang trong những bộ comple, áo sơ mi hồ bột. Mỗi người có Bắc đẩu bội tinh, gọi nhau là "ngài", "hoàng thân'' hoặc "đức ông". Luôn luôn người ta nghe những từ theo nghi thức: "Hoàng đế đã hứa với tôi..." Hoàng đế ở cửa miệng mọi người, vô cùng tôn kính.

Chỉ có một trường hợp thông tục của một sắc đẹp hoạt bát rất trẻ nhưng đã đồ sộ, béo tốt. Đấy là "trưởng" phòng chiếu phim của Hoàng đế, đặc biệt đến từ Paris để quay một cuốn phim về Hoàng đế. Nhóm của cô gồm các ông tóc nâu của các bar ở Bờ biển Xanh, có những máy quay phim thật đẹp. Cô gái tóc vàng là một hướng dẫn viên của Cannes, bô bô khắp khách sạn Lang Bian về câu chuyện của mình: "Bảo Đại nói sẽ đem tôi theo nhưng tôi không thể đến đất nước ông ta không có lý do. Ông bảo tôi phải làm một cuốn phim; tôi trả lời "cục phân ấy". Ông cười, giải thích cuốn phim làm cho có chuyện ấy mà, không phải điều ông cần. Tôi bèn mang theo mấy ông bạn và thế là chúng tôi đến đây". Nhưng rồi cô gái tóc vàng uống rượu say, các ông bạn uống rượu say và những lời than phiền ghê gớm nổi lên vào ngày các nhà quay phim được đề nghị đi cùng Hoàng đế vào rừng. Những người kia giận dữ, hét lên qua hành lang khách sạn: "Chúng tôi không đến đây để đi chơi bời". Khi có ám chỉ kín đáo thổ lộ với Bảo Đại về những việc đó, Hoàng đế trả lời: "Tôi biết lắm nhưng làm thế nào được, cô gái ấy hôn như một nàng tiên". Ông nói thêm: "Cô ta làm nghề nghiệp của mình nhưng chính tôi mới là đĩ điếm thực sự". Trong biệt thự luôn như ngủ gà gật, Bảo Đại đang làm vui cho toàn Việt Nam. Chiếc xe buổi sáng đưa cô gái đến sau đó đưa tiễn "người khách" thứ nhất. Cả ngày hàng người tiếp tục. Bảo Đại làm việc với từng người một, người này sau người khác. Ông ngồi như tê cứng trên ghế phô tơi, thỉnh thoảng liếc nhìn có ý nghĩa: "Tay này dùng được. Tay kia hỏng, phải loại bỏ thôi". Với hướng thông tin khác thường, với bản năng, ông phát hiện đúng cái xấu trong con người đối thoại, biết anh ta muốn gì. Và khi quyền lợi ấy thấp kém, Bảo Đại biết người ấy sẽ là của ông. Dù thực tế bên trong ti tiện đến mức nào, các vấn đề cũng được đề cao theo phong tục tốt nhất của giới quý tộc Phương Đông. Tất cả là tự hiểu lấy. Bảo Đại có một nhìn nhận rõ ràng, nói ra bằng tiếng Pháp (ông nói tiếng Việt kém). Trước hết ông nói mình là một người yêu nước Việt Nam. Phải biết sử dụng người Pháp nhưng không phải là công cụ của họ. Thế là người đối thoại tuyên bố trung thành, bày tỏ ủng hộ Bảo Đại. Qua đó Phạm Công Tắc mang tới cho Hoàng đế hai triệu "con chiên" của mình - nhưng để giáo phái độc lập hơn đối với người Pháp về phần mình Hoàng đế có thế đảm bảo một khoản tài trợ cho quân đội Cao Đài hoặc ít nhất đưa một người Cao Đài vào chính phủ, ở Bộ Tài chính hoặc Bộ Chiến tranh chẳng hạn. Bảo Đại khen ngợi ông ta, nói thêm để ông suy nghĩ, xem xét (nhất là ông không muốn cho tiền). Mọi việc diễn biến theo cách đó và trong mấy ngày Bảo Đại kéo được một số khách hàng - do sự kích động lòng tham. Khi có người thực bụng hoặc vô tư thì Bảo Đại lên án - con người ấy nguy hiểm.

Vậy là Bảo Đại đang trong vận mệnh lớn của mình. Vì lúc đó ông nói, và lần này nói đúng: "Tôi không muốn là một kẻ làm vì". Vận mệnh ấy là dựng lên "chế độ Bảo Đại" đưa ông thành người chủ trên tất cả mọi việc. Ông buộc phải khôn khéo, vì không thể trở lại là ông vua thực sự - ông những muốn trở lại là một ông vua hợp pháp, như không có sự thoái vị năm 1945. Ông giải thích: "Vì lúc ấy tôi chỉ có một vị trí và mọi việc sẽ dễ dàng cho tôi". Nhưng người Pháp không muốn thế - vì sao người ta không rõ khi họ đã đặt tất cả vào ông ta, chắc do vài điều lo ngại khôn ngoan. Dù sao Bảo Đại chỉ được đưa lên sau một thu xếp đáng ngờ với người Pháp chứ không phải có toàn quyền. Người ta gọi ông là Hoàng đế nhưng thực tế ông không phải một Hoàng đế. Ông chỉ là quốc trưởng và do những sắp đặt tự ông ký, không hề có ý kiến dân chúng, không thực hợp pháp. Ông không ngớt nói với Pignon: "Nếu như thế tôi chẳng là gì cả mà tôi phải làm". Tóm lại Bảo Đại được người Pháp đưa về, đầy căm hận đối với họ. Ông thường nói: "Tôi yêu người Pháp nhưng họ buộc tôi phải chống lại Pháp. Tôi luôn phải tỏ ra không phải là bù nhìn của họ. Mặc họ! Điều ấy không như thế nếu tôi có thể ngồi trên ngai vàng."

"Tự làm lấy" là tất cả ám ảnh của Bảo Đại và cũng là bi kịch của ông. Vì đối với ông, tự làm lấy là thực hiện gián tiếp ở bên dưới, là mưu mẹo, lừa gạt, tha hóa, thối ruỗng- và lúc ấy ông nắm lấy. Trong toàn Việt Nam không Việt Minh, không có gì hết, lỗ hổng, về quyền lực không một đảng phái chính trị, một tư tưởng chính trị, thậm chí không một dư luận xã hội và Bảo Đại có thể muốn làm gì thì làm. Nhưng muốn thế tự mình phải điều khiển. Phải rất phiêu lưu trong hành động, phải trở thành chỉ huy, người độc tài, người dẫn dắt nước Việt Nam dù chống lại chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa thực dân, tùy lựa chọn. Đó là điều một người bình thường sẽ làm. Nhưng Bảo Đại không phải con người bình thường ấy; ông bị tê liệt, bị khống chế bởi nỗi lo lắng và chỉ bình tâm lại trong rắc rối và hèn hạ, ông tiêu phí trí thông minh để chẳng đi đến đâu.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #315 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:50:31 pm »


Một Hamlet da vàng

Bảo Đại không phải con người chỉ biết hưởng lạc; đấy là một người cảm thấy lo âu, hiểu quá rõ hành động là như thế nào. Thậm chí ông không thể đối mặt với thế giới bên ngoài nên việc đi Sài Gòn là một cực hình đối với ông. Trong các lễ tiết ông đứng đó không một cử chỉ, một lời, gần như đần độn với sự khó chịu của mình. Sài Gòn căm ghét - nhưng Bảo Đại cũng tỏ ra mệt mỏi như thế ở Bắc Kỳ khi ra đấy lần thứ nhất được hàng trăm nghìn dân quê hoan nghênh vì nghĩ ông vẫn là vua. Nhưng ở đây cũng thế, không một động tác một câu nói và vẫn chiếc mặt nạ ủ ê, khinh thường. Mấy tháng sau ông trở lại Bắc Kỳ nhưng dân chúng không hoan nghênh ông nữa.

Bảo Đại có mắc chứng mất ngủ, nhiều tuần liền ông không ngủ được. Thường cũng có những đợt đau đầu ghê gớm. Sau này ông đau mắt và có những thời kỳ, hầu như không trông thấy nữa. Chẳng bao giờ ông ngớt suy nghĩ và chính ý nghĩ ấy huỷ hoại ông. Như thế ông có nhiều mánh khóe. Có những bữa tiệc sang trọng, những trác táng, "hôn hít". Ông có nhiều đàn bà, hàng đống con gái đủ các nòi giống, màu da, Giáo, thủ hiến Annam, cung cấp cho ông, đưa từ Hồng Kông và khắp thế giới đến. Dù đầy sức lực nhưng nhiều quá, ông chán việc làm tình và say việc đánh bạc, thành thạo nhất là chơi Pô-khơ và britje vì ông là chúa ở những nơi cần mưu mô, tính toán, ranh mãnh. Ông thích rừng: đây là chỗ ông cảm thấy một mình, rũ bỏ tất cả. Cả biệt thự Đà Lạt của ông cũng quá "thượng lưu" và càng ngày ông càng lẩn tránh ngôi nhà bên hồ. Ở đây xa tất cả, ở khu rừng hoang sơ nhất, giữa những ngọn núi ngay trên một vùng đầm lầy đầy lau lách. Đấy là quang cảnh nhiệt đới tuyệt đối, hoang sơ tiền sử. Ngôi nhà ở trên một gò đất cách mặt nước đục mờ mấy mét, xung quanh là màu đen của rừng rậm nhiệt đới. Ở đấy Bảo Đại sống nhiều tuần, sung sướng giữa những người cổ sơ và thú vật hoang dữ. Ngồi sau cửa sổ, ông đeo kính ngắm nhìn những đàn gấu, đẹp và hung dữ nhất trên đời, những con trâu hoang u vai trên hai mét, chạy nhanh như gió. Ở đấy ông sống giữa những người thiếu số có phong tục mê tín và những con voi - ông rất thích voi. Ông tìm những con mẫu đẹp nhất, mua của những bộ tộc "phù thủy săn voi", có hàng chục con voi đã thuần hóa ông luôn vuốt ve.

Bảo Đại cũng thường vào rừng đi săn, một mình hoặc với trưởng nhóm săn của ông người lai, một anh chàng tử tế mặt như kẻ cướp. Ông là một người săn bắn giỏi, và xem ra ông không bao giờ sợ. Nhưng cuối cùng ông cũng không bắn nữa, ông ngồi dưới cây hàng nhiều giờ liền chẳng làm gì cả.

Tuy vậy Bảo Đại không bị rối loạn thần kinh. Bệnh tâm thần của ông là của người quá thông minh nhìn tất cả đều là mối nguy hiểm. Trong cuộc đời ông bị đập nát vì những lực lượng mạnh hơn, bị phản bội bằng mọi cách, và ông cũng phản bội. Nhưng hơn bao giờ hết, ở nước Việt Nam mà vận mệnh đưa ông về làm quốc trưởng, ông cảm thấy những lực lượng mạnh hơn đang rình mò ông. Ông thường mỉm cười lạ lùng nói: "Các ông biết, Việt Nam là một đồ chơi trong các nước lớn, đúng là một vật cá cược. Chúng ta bị đường lối chính trị quốc tế thống trị, chúng ta chỉ là con số không". Ông cũng bí hiểm nói: "Điều tôi làm chắc sẽ bị phá huỷ. Việt Nam sẽ có những năm khó khăn, có lẽ mười hoặc mười lăm năm. Điều tôi sẽ xây dựng và trước khi bị nhấn chìm có lẽ sẽ phục vụ được, cần phải nghĩ nước Việt Nam là trường tồn".

Nhưng đấy là mâu thuẫn của con người ấy - điểm nút bệnh tật của ông ta. Vì Bảo Đại nói về tương lai như thế nhưng không xây dựng nó mà ngược lại. Trong mối lo lắng lạ lùng và thầm kín, ông nghĩ những gì ông có thể làm ở Việt Nam - mọi hành động ông chỉ huy, mọi sức lực tung ra - trước hết làm ông thất vọng và quay lại chống ông. Thế là trong điều kiện có thể, ông phá huỷ. Ông có tài chia rẽ, gieo rắc ghen tỵ, cản trở. Và những ai không khá mục ruỗng, không ở trong tay mình thì ông đánh bại. Ông làm như thế vì bản chất và cũng vì đường lối có dụng tâm - chế độ Bảo Đại là nghệ thuật tâm lý điều hành sự đê tiện, tinh tế, loại bỏ tất cả vì sự đê tiện. Ông thường tuyên bố: "Tôi đã học được cách tin tưởng vào bọn đều giả". Thế là giữa những đổ nát, "chế độ" của ông đi đến sự đồng loã của một băng, thậm chí có thể nói một "băng cướp" ở một nước Việt Nam xuống cấp. Và ông tự cho mình đủ mạnh, do sự khôn khéo để luôn ở trên cao, để giữ "băng cướp" ấy chống lại tất cả nhờ vào một loạt đòn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #316 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:51:14 pm »


Mục đích của ông trước hết là bất động: Nếu người ta đề nghị một kế hoạch sáng tạo, bao giờ ông có những lập luận rất hợp lý để chống đối. Chưa lúc nào trí thông minh phê phán, phủ nhận đến mức ấy. Sự sáng suốt của ông như một bệnh ung thư.

Tất cả được phân tích rất rõ. Trước hết ông nhìn tình hình từ trên cao, ông là một trong những người Việt Nam hiếm hoi làm được điều ấy. Hơn ai hết ông biết thực lực ở Việt Nam là chủ nghĩa cộng sản quốc tế và Mỹ. Nước Pháp quá yếu quá xa, không đủ nghị lực và phương tiện để có thể thực sự "chơi" ở Châu Á - hơn nữa chính phủ ba đảng phái của họ lu mờ, không gây được sự tin tưởng nào. Vậy không nên quá gắn chặt với họ, cũng không nên máy móc đánh bại họ vì trong lúc này họ đang chiếm đất và nếu không có Đội quân viễn chinh thì Việt Minh sẽ tràn tới. Từ đó theo suy nghĩ của Bảo Đại, tình hình chỉ tạm bợ, kéo dài đến lúc những sự thực sâu xa của thế giới quyết định vận mệnh của xứ Đông Dương. Phải dùng tài năng giữ cho đến ngày ấy. Phải phong tỏa tất cả, ngăn chặn nước Pháp muốn lôi kéo Bảo Đại đi theo con đường của mình - nhưng cũng phải ngăn chặn Mỹ muốn sử dụng ông. Ông nói: "Tôi không muốn là bù nhìn của người Pháp, cũng không là quả chanh ép của người Mỹ".

Ở Việt Nam ông cũng chống lại tất cả, rất cương quyết, không phải chống đối thẳng thừng, ngớ ngẩn mà theo lối trơ lì bất động. Ông chống lại nhân dân và những gì thuộc về nhân dân vì ông có sự hiểu biết ghê sợ, đến mức không chịu đựng được những tiếp xúc gây cho ông mất tự chủ. Vậy là đối nghịch hoàn toàn với những cuộc bầu cử, với những gì có thể "đánh thức dậy" số đông: vì khi họ cảm thấy mình quan trọng thì có gì họ không đòi hỏi? Đấy là sự bướng bỉnh càng kỳ lạ khi mà trong lúc đó Việt Minh làm tất cả, bằng mọi cách để động viên dân chúng da vàng đông đảo. Và dân quê đáng lẽ đi theo một Bảo Đại quan tâm đến họ, cuối cùng ngả theo Việt Minh chăm sóc họ dù là quá đáng. Bảo Đại không hiểu sự miệt thị có tính cách vua chúa, lối khôn ngoan theo đạo Khổng đã lỗi thời, loài người không muốn thế nữa và làm điều tốt nhất cho nhân dân mới là cơ may của ông để chống lại được Việt Minh.

Bảo Đại chống chủ nghĩa quốc gia. Ông tự nhận là người quốc gia, lãnh tụ của tất cả những người quốc gia các loại nhưng chỉ để "phá huỷ". Lúc đầu ông vờ tiếp xúc với quân du kích. Ông dùng một thành viên trong văn phòng ông có mười ba người bà con trong Kháng chiến để đặt quan hệ. Nhưng những điều đình ấy không có kết quả gì. Và những người liên minh hiếm hoi - những người tự rời bỏ hàng ngũ phía bên kia, bị thô lỗ đuổi khéo khi ra mắt Hoàng đế, nếu không ít nhiều là bà con thì cũng thuộc về gia đình quý tộc nào đó ở Huế.

Bảo Đại sâu sắc chống chủ nghĩa cộng sản và Hồ Chí Minh - ông biết quá rõ nếu họ thắng thì điều gì sẽ chờ đợi ông vì lần này họ không để ông "lọt lưới". Nhưng ông không tỏ rõ, không nói gì về mối căm thù ấy. Ngay lúc đầu thậm chí ông phác họa một số thương lượng mơ hồ với Tổng bộ Việt Minh. Điều đó làm người Pháp không bằng lòng nhưng chứng tỏ ông quan trọng - đấy là chứng cứ phô trương mà cả những người nghiêm khắc nhất cũng không coi ông như trong số có thể bỏ qua và cũng sợ ông. Những chỉ thế thôi trừ việc ông Hồ Chí Minh đã hứa người ta sẽ không giết ông. Rất khôn ngoan Bảo Đại sợ lời hứa ấy chỉ là một mưu kế để giết ông dễ dàng hơn. Ông bố trí quanh biệt thự một đội bảo vệ với những ngự lâm quân được trả lương rất cao và đẹp - có trách nhiệm cứu mạng sống của ông, đó là "ý tưởng" tích cực duy nhất.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #317 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:51:45 pm »


Trong lúc này, người thù địch thực sự và duy nhất là giới tư sản lớn Nam Kỳ đã nhúng tay vào vụ Revers và bỏ qua ông. Vì thế Bảo Đại chống lại mọi hội đồng - vì ông rất biết các hội viên, dưới ảnh hưởng của các trí thức và nhà giàu của Sài Gòn sẽ nhanh đi đến kết luận ông hoàn toàn không tích sự gì. Về việc này ông cũng chẳng thể làm gì hoặc không được bao nhiêu. Ngược lại ông sẵn sàng giao Chính phủ cho những tư sản này. Không nguy hiểm vì tất cả đã được tính toán để làm họ thất bại, phá sản. Đây là một "cuộc chơi" mà ông chắc chắn mình sẽ thắng.

Cuộc chơi tiến triển theo cách sau: Dù thế nào cùng phải có một người lãnh đạo Chính phủ. Có thể là Bảo Đại nhưng ông ta không muốn. Ông không thích ra mặt mà chỉ nấp trong bóng tối. Ông nói với những người xung quanh: "Tất cả những người khao khát hành động và trách nhiệm kết thúc một cách khốn khổ. Quyền lực giết người ta. Những ai khôn ngoan và không ra mặt là những người lãnh đạo thực sự quốc gia". Mánh khóe của Bảo Đại là bình thản sống ở Đà Lạt và để Chính phủ xa mình ở Sài Gòn. Đứng đầu Chính phủ ông cử một kẻ thù, một người phải rũ bỏ. Vì Chính phủ là chỗ dùng làm cho "bất tỉnh". Đấy là lý thuyết lớn về sự huỷ hoại - sử dụng những người quấy rầy cho đến khi không còn nữa, cho đến ngày Hoàng đế có thể tổ chức Chính phủ tin cậy. Chính phủ của "băng nhóm". Tiến trình huỷ hoại bao giờ cũng giống nhau, giữa mèo và chuột; Bảo Đại là mèo vì theo thể chế quốc gia - thể chế của ông ta - chính ông thành lập hoặc giải tán các chính phủ dựa vào lương tâm ông vì họ chỉ chịu trách nhiệm trước riêng ông. Vũ khí duy nhất của Chính phủ là nắm công quỹ. Một lần có người thân tín của Bảo Đại tâm sự với tôi: "Chúng tôi cũng phải khôn ngoan vì Chính phủ như có tiền".

Tuy vậy không bao giờ Bảo Đại hỏng việc. Người ta cảm thấy ông thích thú khi hành động, ông chỉ đạo công trình tiêu huỷ từ biệt thự Đà Lạt hoặc trong ngôi nhà ven hồ giữa cuộc sống đầy thú vị. Đấy là việc cho chết từ từ, bao giờ cũng thế. Lúc đầu ông "mềm mỏng" hết sức thân mật với viên lãnh đạo mới của Chính phủ, rất khéo tán dương và đối xử tử tế! Rồi ông chờ cho Chính phủ tự tan rã vì chính ông làm những "việc bẩn thỉu". Khi tình hình có vẻ chín muồi, Hoàng đế bắt đầu tỏ thái độ khác; bằng lời lẽ chọn lọc điện đi "sự ngạc nhiên" của mình. Những bức điện của nhà vua tiếp nhau, nhanh chóng làm Chính phủ tê liệt, thủ tướng lo sợ. Tiến trình ấy tiếp tục và thủ tướng chỉ còn là một mảnh vải rách sống trong sự ám ảnh của Đà Lạt, của tính khí thất thường, của những bức điện. Ông ta khúm núm chạy chọt, cho Bảo Đại cả lớp cận thần tiền dưới mọi hình thức. Điều ấy cũng chẳng có tác dụng gì. Nếu thủ tướng cố gắng hoạt động và lãnh đạo, Hoàng đế ngạc nhiên về những "sáng kiến không phải lúc" của ông; nếu ông không làm gì nữa, Hoàng đế sẽ ngạc nhiên về sự "bất lực của Chính phủ". Đôi khi thủ tướng muốn đến Đà Lạt thanh minh. Bảo Đại cho biết không tiếp ông được và để chắc chắn hơn, ông tự bảo "bị bệnh" hoặc đi săn nhiều ngày trong rừng. Thỉnh thoảng thủ tướng cố chống lại, thậm chí nhờ người Pháp can thiệp. Thế là đi đến gần kết thúc. Nói chung bỗng có sự gia ân trở lại, Hoàng đế vui vẻ cười; khi thủ tướng đã yên tâm, Hoàng đế cho biết ngài chấm dứt nhiệm vụ của ông. Thường là người kế vị được chỉ định, rất tinh tế, được giao đưa thư thải hồi cho người bị thất sủng. Và rồi toàn bộ chu kỳ ấy lại bắt đầu.

Ở Viễn Đông gọi cách ấy là "vận động khéo" - nghệ thuật làm khánh kiệt và bóp nặn đến cùng. Việc "vận động" ấy càng hoàn hảo khi bên cạnh chính phủ khốn khổ Sài Gòn Bảo Đại có chính phủ "của mình". Đấy là văn phòng nhà vua, những người cầm quyền của hoàng gia. Đấy là lớp cận thần phiêu lưu hoặc chơi bời, người Việt Nam, người lai, cũng có một số người Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #318 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:54:35 pm »


Lớp cận thần quyền thế

Bảo Đại sống giữa cận thần. Nhưng bí mật quyết định là Văn phòng Nhà vua - thậm chí là mùi vị của Hoàng đế, lớp cận thần của ông. Không có gì được xác định rõ ràng và về nguyên tắc chỉ là ban thư ký. Nhưng văn phòng này thực tế là một loại phòng soi sáng tất cả những gì xảy ra ở Việt Nam, công cụ của mọi tác phẩm cao và thấp. Vũ khí của họ là con triện của Hoàng đế và nhờ vào đó họ can thiệp vào tất cả. Rất khó gỡ là những mưu mô của Văn phòng với nửa tá người mù quáng phục vụ những đam mê, những lợi ích của Hoàng đế, và của họ. Bảo Đại nhu nhược với bạn và khi ông lợi dụng ông cũng cho phép họ lợi dụng.

Bảo Đại không đi vào chi tiết nhưng con người của các chi tiết là chánh văn phòng nhà vua, Nguyễn Đệ. Đây là một ông bé nhỏ kể cả đối với người Việt Nam, ăn mặc chải chuốt, người Thiên Chúa giáo, rất trịnh trọng. Bảo Đại gần như quá một con người. Nguyễn Đệ không phải một con người, đấy là sự tàn bạo. Ông ta chỉ bắt người ta làm mọi công việc đều qua ông. Trong cả thời kỳ chế độ Bảo Đại, chắc chắn. Người ta ít thấy ông, không nói về ông, ông như người ở ẩn. Bí mật là phương châm nhưng ông biết hết. Nguyễn Đệ bao giờ cũng ở trong văn phòng khô khan của mình cách phòng khách Hoàng đế ngồi chơi đùa mấy mét. Ông không có thú vui, đúng hơn chỉ có một thú vui - lừa bịp. Có lẽ đấy là một ân huệ của tự nhiên. Tôi thường tự hỏi làm sao ông lừa bịp người ta được khi mà sự giả dối thể hiện rõ trên khuôn mặt nhỏ bé của ông ta, trơn lì, trong giọng nói vờ nhân từ và những tiếng cười ngắt quãng. Tuy là người hiện đại nhất về tài chính trong những người Việt Nam (ông là một người môi giới cũ của Nhà băng Đông Dương), ông còn thuộc về Châu Á cũ mà nghệ thuật cao nhất là sự lừa bịp. Ông ta rất thành thạo trong việc phức tạp hóa một âm mưu mà chỉ có ông mới tìm ra và đấy là sức mạnh của ông. Một hôm Bảo Đại bảo ông: "Anh nói sự thật cho tôi nghe". Nguyễn Đệ chỉ khôn khéo cười không trả lời. Bảo Đại lại nói: "Tôi thấy anh thậm chí không biết mình đã làm gì". Đối với mọi vụ việc ông có hàng tá giải pháp vòng vèo. Nguyễn Đệ tin vào nét đẹp của tính phức tạp "lôi thôi". Ở Việt Nam Bảo Đại bị khinh miệt với một sự độ lượng nào đó; Nguyễn Đệ thì bị căm ghét. Một hôm ông ta nói với tôi: "Các bộ trưởng lớn xưa kia đều bị căm ghét. Sự kinh tởm là dấu hiệu một nền cai trị tốt." Trong thế giới hiện đại Nguyễn Đệ có thể là một bộ trưởng lớn nếu không có tính tai ác, sở thích làm điều xấu. Chính ông ta lôi kéo Bảo Đại vào trò chơi tinh ranh, luôn tìm cách lừa bịp, điều mà mấy năm sau để hoàng đế một mình, bị cả những người ông cho ăn uống quá nhiều bỏ rơi. Trong lúc chờ đợi, Nguyễn Đệ làm giàu thoải mái ở Văn phòng nhà vua. Người ta đánh giá tiền lãi của ông đến một tỷ phrăng, nhất là việc bán chức tước đưa lại cho ông. Bảo Đại biết nhưng chấp thuận nhận phần của mình.

Trong "chế độ Bảo Đại" cũng có những thủ hiến, đại diện trực tiếp của Hoàng đế trong nước. Có ba người.

Thủ hiến Nam Kỳ, đúng ra là thoát gần như hoàn toàn khỏi chính quyền nhà vua. Ông này lệ thuộc vào chính quyền tư sản Sài Gòn. Nói chung là một tư sản lớn bình thường, hơi có bà con với thủ tướng Chính phủ. Vì vậy ở miền Nam đất nước mình Hoàng đế dựa vào đủ loại vô lại - tổ chức Bình Xuyên, các giáo phái vũ trang Cao Đài, Hòa Hảo, các tầng lớp cặn bã chống lại các "nhà giàu" đầu sỏ, đầy tiền bạc, ít nhiều tự do, ít nhiều là người cộng hòa, đang cầm quyền. Ngược lại các thủ hiến Bắc và Trung Kỳ là những quân vương thực tế độc lập đối với Sài Gòn, phục tùng quyền bá chủ của Bảo Đại, do Hoàng đế đào tạo. Thủ hiến Bắc Kỳ, Nguyễn Hữu Trí là một ông chúa lớn, một quan lại, hậu duệ của vô số nhà nho. Đây là một người thanh mảnh, đẹp, khoảng năm mươi tuổi, mái tóc bạc với những nét đặc biệt kiểu Phương Tây, quần bao giờ cũng thẳng nếp, nước da ngăm ngăm như màu nghệ sĩ, vẻ đẹp hơi buồn gần như thơ mộng trong đôi mắt hiền, nụ cười đắm đuối! Ông quý phái đến mức người ta quên ông là người da vàng không có vẻ mặt bí hiểm của Phương Đông, tỏ rõ những cảm xúc, nỗi đau đớn. Ông có thể nói hàng giờ về những bất hạnh của Tổ quốc mình với thái độ thực sự khổ sở. Nhưng những xúc cảm của ông bao giờ cũng đi đến kết luận: phải để ông giết hết Việt Minh, lũ thô thiển, kẻ thù của trật tự xã hội và nhân loại. Thường ông cũng tỏ ra suy sụp vì không thể làm được gì nhiều. Đã bao lần trong các văn phòng lớn của ông ở Hà Nội, một mình và tế nhị, ông than thở với tôi: "Chà! Nếu người Pháp hiểu...". Một lần thậm chí ông nói: "Chà! Nếu Hoàng đế hiểu...". Vì ông Nguyễn Hữu Trí khốn khổ yêu nước và gần như trung thực, rất bất lực một mặt vì Đội quân viễn chinh hoạt động một cách độc tài trên vùng châu thổ tùy theo tính khí của các sĩ quan, hạ sĩ quan, mặt khác vì Bảo Đại trong những thú vui ở Đà Lạt: Hoàng đế chẳng cần đến xứ Bắc Kỳ xa xôi, nghèo nàn và nguy hiểm như thế - ông không muốn đến đó.

Thủ hiến Trung Kỳ là một người thô lỗ - Giáo, nguyên dược sĩ. Ông ta run giọng và đầy nước mắt cảm thông khi nói về Bảo Đại. Trước mặt ông này, ông kêu lên: "Tôi kính yêu Hoàng đế". Hoàng đế trả lời: "Giáo, đừng ngốc nghếch". Thực tế Giáo rất quan trọng, một nhân vật chủ yếu của "chế độ Bảo Đại".

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #319 vào lúc: 22 Tháng Sáu, 2019, 08:55:41 pm »


Vì Bảo Đại có thể uống Whisky hàng ngày ở Hồng Kông nhờ vào Giáo nên Giáo trở thành thủ hiến Trung Kỳ. Giáo kể với tôi; "Hoàng đế sống cuộc đời cay đắng ở nơi lưu vong. Tôi đã thuyết phục vợ tôi mang tiền tiết kiệm của tôi đến cho Hoàng đế. Ngài lúc ấy nói chỉ có tôi là người duy nhất làm việc đó. Tôi đã làm đầu bếp, lái xe cho Hoàng đế và trong lúc tôi ở dưới gầm xe bôi dầu mỡ tôi đã nghe những người Việt Nam khác nói với ngài: "Giáo là một tay mánh khóe. Giáo là một tên lươn lẹo để ngoi lên". Nhưng vì tôi đã làm những việc đó mà Hoàng đế giữ được địa vị của mình và ngài nhớ lắm".

Giáo thủ hiến lúc đầu xuất hiện trước tôi trong thủ đô Huế là quán quân đua xe đạp, áo may-ô sát người và ruột xe quấn quanh người - ông đang bận tranh giải với một "cô người Mỹ” trên một chiếc xe tay nắm cong do ông tự đặt làm. Tôi khen ngợi và ông nói: "Giáo thủ hiến buộc phải thắng nếu không sẽ phải bỏ tù các tay đua vì tội làm tổn thương thủ hiến"- và đúng vậy. Đấy là một tính cách riêng của Giáo khi nói về mình - ông ta thích nói với tôi: "Giáo hơi điên nhưng muốn điều gì làm điều ấy". Phần lớn thời gian ông muốn mình là Mussolini. Bắt chước lối huy hoàng phát xít, ông cho làm một lâu đài kiến trúc hiện đại. Trong đó có một văn phòng dài năm mươi mét, rộng hai mươi mét, cuối phòng một chiếc bàn giấy dài năm mét rộng ba mét và sau chiếc bàn là Giáo. Gian phòng trống trải, bao la. Trang trí chỉ ở giữa có hai con hổ nhồi rơm, con mắt thủy tinh và xung quanh một đường viền bằng chậu xanh lấy ở bảo tàng công cộng. Phải mất một phút mới bước tới chỗ Giáo ngồi chờ, cái nhìn không thiện cảm, hàm răng nghiến chặt, đưa cằm lên và đến giây chót, nếu là một "người bạn", ông ta phá lên cười và vỗ mạnh vai. Làm sao biết được nếu Giáo là một Mussolini làm hề hay một anh hề làm Mussolini? Thâm tâm Giáo là con người ghê gớm nhưng ông dí dỏm luôn tự chế giễu mình. Làm sao không cười được khi ông ta khẳng định nguyên tắc cai trị của mình là "để cho dân chúng được hạnh phúc, lò xo giường của thủ hiến suốt đêm phải rung lên". Vì vậy lẽ tự nhiên sẽ làm tổn thương thủ hiến khi một người đàn bà từ chối không góp sức với Giáo vì hạnh phúc của dân chúng. Không thể chấp nhận việc đó. Giáo cũng giải thích: "Tôi là giáo dân, giáo dân quá sùng đạo để xưng tội, làm phép thánh. Vì linh mục sẽ hỏi: "Giáo con có hối hận về tội thông dâm không?" Tôi không muốn nói dối linh mục và Chúa. Tôi sẽ đi xưng tội khi đã quá già không thông dâm được nữa.”.

Giáo cũng nói về mình: "Giáo tinh ranh lắm, biết nên làm như thế nào". Khi ra lệnh cho dân chúng thủ đô Huế tổ chức lễ mừng hoàng đế Bảo Đại, cả trăm nghìn dân hoan nghênh nhà vua không thiếu một người, cả khối người, biển cờ, sư sãi tụng kinh, có những cô gái trang trí hoa bức ảnh rộng lớn của Hoàng đế, có Giáo đứng trên bục cao hét lên: "Hoàng đế muôn năm" - và cả đám đông hô như điên. Một cảnh như vậy không được chấp nhận ở một nơi nào khác. Giáo tâm sự với tôi: "Những "đồng bọn" khác của Bảo Đại không dám, họ không liều lĩnh. Nhưng ở Huế tôi bảo: "Ai không thích Bảo Đại, không thích Giáo nào? Kẻ nào không thích Bảo Đại, không thích Giáo tôi chặt đầu ngay! Thế là mọi người thích chúng tôi.".

Giáo có quân đội - đoàn vệ binh, do người Pháp cung cấp lương. Với số lương quy định trả cho một người lính, Giáo có hai và ông ta còn lấy đi gần nửa tổng số tiền. Có một chỉ huy trưởng cũng nhận phần. Một hôm Bảo Đại nói với Giáo: "Chỉ huy đoàn quân của anh quá đáng, ăn quá nhiều". Giáo cao đạo trả lời nhà vua: "Thưa ngài, tôi đã bảo anh ta hứa danh dự, anh ta thề lương thiện. Thưa ngài, tôi tin vào lời nói của một người lính". Dù sao quân đội của Giáo cũng đánh nhau, giết và bị giết, ít nhất trong một chừng mực nào đó. Vì vậy Giáo rất tự hào về họ. Ông ta khoe khoang: "Khi tôi đã nói chuyện với những người của tôi thì họ là những con hổ. Dần dần Giáo bị ám ảnh về quyền lực quân sự, ông đề nghị với Bảo Đại cử ông làm chỉ huy trưởng quân đội Việt Nam tương lai. Hoàng đế muốn lắm nhưng người Pháp dứt khoát chống. Để an ủi Giáo, Bảo Đại phong ông làm tướng - viên tướng thực sự đầu tiên của Việt Nam - và Giáo đóng một bộ đồng phục có vẽ hoa lá, lộng lẫy, mỗi ống tay áo thêu một con rồng.

Rồi Giáo có một ý tưởng lớn khác: Chinh phục Annam của Việt Minh, đưa quân đội của mình đánh chiếm những tỉnh và thành phố đỏ Thanh Hóa và Vinh. Việc này cũng bị người Pháp từ chối, bảo Giáo nên bình định vùng nông thôn xung quanh Huế đang có Việt Minh thì tốt hơn. Giáo giận sôi lên. Một hôm ông cầm một quả cam trong đĩa: "Đây là bằng chứng. Quả cam này là một giống đặc biệt chỉ có ở Vinh. Những người đã có thể mang đến đây cho tôi sẽ nổi giận hàng loạt khi biết Giáo ra giải phóng họ. Nhưng người Pháp không muốn tin, ngay cả khi tôi đưa cho họ xem quả này."
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM