Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:13:35 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 85343 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #160 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:46:47 am »


Ở nhà R... bữa ăn tối thịnh soạn. Đến mười một giờ chuông điện thoại reo, R... nhắc máy rồi mặt ông nhăn lại; "A-lô, a-lô, nói tiếp đi". Nhưng chẳng nghe gì nữa.

R... đổ người xuống một chiếc phô-tơi, nói với tôi:

- Một giọng nói không phân biệt rõ thì thầm với tôi: "Đây là bốt Mai Sơn. Một đại đội Việt Minh tấn công. Súng cối phá một lỗ hổng ở rào. Chúng tôi chờ đợi cuộc tấn công từng giây. Làng cháy. Chúng tôi sợ...” và giọng nói im bặt. Đối với R... là sự bất lực hành hạ, không làm gì được.

Ông điện thoại cho viên đại tá rồi Bạc Canh Quy nhưng chẳng ai có thể làm gì. Mai Sơn bị ngăn cách trong đêm. Cuộc chiến xảy ra cách đây hơn ba mươi cây số. Không một tiếng động nào vang tới. Sẽ là điên rồ nêu cử một toán quân đi giải vây; nó sẽ bị diệt tận gốc trong cuộc phục kích không thiếu được trên con đường vào duy nhất. Chỉ còn chờ trời sáng.

R... nặng lòng nói với tôi:

- Chính Canh tấn công làng mình, nơi mẹ hắn sống, cùng một đại đội Thái Đen do Việt Minh huấn luyện. Chỉ có thể là anh ta!

Và hai bên không cân sức! Bốt bị tấn công chỉ là một ngôi nhà sàn có những lỗ châu mai. Tôi chỉ có ở đó năm mươi ngụy binh trang bị súng cũ. Còn Việt Minh giao cho Canh vũ khí Mỹ tốt nhất mua ở Trung Quốc.

Bốt bị hạ thì trách nhiệm của tôi thật lớn. Đấy là công trình của tôi; tôi muốn có nó. Hơn nữa tôi không tin người Thái Đen trong cuộc chiến chống Canh nên đề nghị người của Đèo Văn Long, thủ lĩnh ghê gớm của Thái Trắng Lai Châu. Ông ta cung cấp cho tôi ngay. Không mong gì Canh thương xót; họ sẽ bị hành hình thôi...

Ban đêm trôi qua trong lúc uống champagne và ngủ gà gật. Đến bốn giờ sáng những cú đấm lung lay cả cánh cửa. Một phái viên của bốt, không phải người thoát nạn mà anh ta đến báo tin chiến thắng. Canh và người của anh bị đẩy lùi. Khu đồn trú không bị bất ngờ và tiêu diệt, ngược lại đã xoay chuyển bất ngờ; họ được mật báo trước. Mười giờ tối có một viên đá do bàn tay bí mật ném xuống chân một lính gác. Hòn đá buộc một tin báo không có chữ ký: "Các anh sẽ bị tấn công sau một giờ nữa. Quân địch đang trên đường đến, theo hai đường mòn từ hướng bắc". Quân lính Thái Trắng bố trí phục kích trong rừng. Toán quân của Canh thấy bị lộ, bắn mấy quả đạn móc-chi-ê rồi rút lui.

- Sự việc khác thường thật! R... lẩm bẩm. Chỉ mẹ Canh mới dám báo tin cho bốt. Tôi muốn biết rõ điều này. Ngay trời vừa sáng chúng ta đi Mai Sơn.

Trên đường đi, cả vùng này tôi thấy có vẻ hòa bình như thường thấy ở Đông Dương ngay giữa chiến trường. Và phong cảnh thật hài hòa! Làng xóm ẩn dưới dốc núi trước những thửa ruộng bậc thang, là những mảng nấm dại, cao ráo, sít nhau. Nét duyên dáng là sự nhẹ nhàng của chất liệu - những tấm tre đan vào nhau như ren thêu. Mỗi xóm nổi lên "lâu đài" của trưởng bản, một ngôi nhà như những nhà khác nhưng rộng mênh mông, nhất là ở hai đầu mái cong vòng cung có hai chữ thập trắng, biểu tượng của sự quý phái.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #161 vào lúc: 24 Tháng Tư, 2018, 05:49:02 am »


Ở Mai Sơn cũng thanh thản như thế. Tuy có khoảng một chục nhà cháy, song dân chứng vẫn bình thường. Bốt đồn trú hoàn toàn phấn khởi mặc dù một số bị giết và bị thương. Binh lính tặng chúng tôi hoa; trung uý trưởng bốt mời uống rượu. Làm sao tin được đêm trước suýt xảy ra bi kịch?

Chúng tôi, kính cẩn chào bà mẹ của Canh. Một bà vợ để tang chồng rất đúng mực nhưng sáng sủa. Còn duyên dáng, mang đầy trang sức, bà cười nhăn nheo, nói đùa, dèm pha. Bà bê trên tay một bé gái thông minh, cháu nội, con gái của Canh.

Những cô hầu xinh xắn mang rượu và bánh lên như một bữa tiệc. Bà già rất quyền uy và mến khách, hướng dẫn mọi thứ bằng ngón tay và mắt. Bà vẫn cười nhiều hơn nhưng bỗng rên rỉ, đập tay và khóc. R... vừa nói đến Canh.

- Tôi chẳng biết gì, bà than thở. Tôi chỉ biết mình sắp chết. Con trai tôi không kính trọng tôi nữa. Tính kiêu căng làm nó điên rồ, chắc do thần ác nào đó ám ảnh. Vả lại toàn thế giới bị những ảnh hưởng xấu, thiên văn đã báo tai họa.

Người đàn bà khốn khổ! Giữa những nức nở bà không muốn nói gì cụ thể, bà muốn giữ kín bí mật nặng nề đêm trước. Nhưng R... tấn công với sự nhẹ nhàng độc ác:

- Đêm qua có phải bà đã tố cáo với những người Thái Trắng kế hoạch của con trai bà? Người ta bảo một trong những đầy tớ của bà vứt giấy báo tin cho họ nên đã cứu được họ.

Bà mẹ Canh liền chối một cách khổ sở, dùng những lời thanh minh, thề độc. Bà nói chẳng biết gì hết bà đã gần trăm tuổi, và sắp về vương quốc của những bóng ma. Bà xin lỗi, nước mắt chảy đầy má. Chúng tôi từ biệt bà.

R... tin chắc do bà. Trên đường về ông hơi buồn:

- Tôi đã thương hại bà già tuy biết ở Châu Á lòng thương hại khá nguy hiểm. Tôi sai lầm khi không hỏi sâu thêm.

Nhưng R... vừa về đến Sơn La đã hô hố cười vui vẻ. Trong phòng khách một nhân vật kỳ lạ đang cởi trang bị trên người. Một người lai rất trẻ nhưng đã có cục ghèn ở đôi mắt nhỏ. Con người này đầy vũ khí: tiểu liên cầm tay, hai súng ngắn trên hông, một con dao dắt thắt lưng, băng đạn khắp nơi và một quả lựu đạn. Phụ tùng là một chiếc mũ cứng, đôi bốt khổng lồ và cả một hệ thống dây nhự.

Anh ta sắp xếp những trang bị chiến binh thành một đống ngăn nắp. Giải phóng xong anh đổ người xuống một chiếc ghế phô-tơi, kêu lên:

- Lần này thì tôi bỏ. Tôi về Lai Châu, không muốn bị giết nữa. Tham gia cuộc chiến theo lệnh người Pháp chính là tự sát! Tôi đã báo trước với ban tham mưu là không muốn có việc nhảy dù xuống hàng ngũ tôi: đấy là cách làm cho Việt Minh nhận biết tốt nhất. Nhưng người ta vẫn làm. Một giờ sau đó là cuộc phục kích. Chúng tôi đi dọc một vực sâu bờ cao mười mét. Việt Minh trên cao bắn xuống như bắn những con thỏ. Cuộc chiến kéo dài một giờ. Mười người của chúng tôi bị bắn chết và nhờ phép lạ mà chúng tôi thoát được.

R... vui vẻ vỗ thân mật vào người anh:

- Nếu anh trở về Lai Châu, bố vợ anh sẽ nói sao?

- Ông ấy sẽ không bằng lòng. Tôi chỉ ở lại Sơn La nếu tôi chính là chỉ huy của tôi. Tôi muốn có thêm vũ khí và tiền. Ông xoay xở đi.

Rồi anh ta lăn ra ngủ, ngáy vang. R... hở những chiếc răng nhọn qua một nụ cười bí hiểm. Trời lại tối, lại uống champagne. Ông giải thích:

- Đấy là B... Mẹ anh người Thái. Anh cưới một trong bốn cô gái của Đèo Văn Long, tên độc tài ở Lai Châu. Tuy vẻ ngoài nhu nhược, anh ta làm hết mọi việc, là người tin cậy của ông bố vợ. Với anh ta, những chiếc đầu rơi nhanh và thuốc phiện đắt giá.

Anh ta đến đây với tôi nhiều tuần lễ nay. Vì ngoài năm mươi nguỵ binh ở bốt Mai Sơn, Đèo Văn Long cử đến bảo vệ Sơn La bị Việt Minh đe dọa một đội biệt phái Thái Trắng. Chính B... chỉ huy đội này. Đồ con lợn, anh ta muốn tăng thêm phần thưởng đã hứa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #162 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:22:53 pm »


Cuộc chiến tranh thuốc phiện

Hôm sau R... nhận được điện của Hà Nội: cuộc tấn công Sơn La chỉ để đánh lạc hướng. Cuộc tấn công thực sự, do nhiều tiểu đoàn Việt Minh, nhắm vào Lao Cai và thượng lưu sông Hồng; tình hình ở đây đã đến lúc quyết định.

Lao Cai là trung tâm hội tụ của vùng cao Bắc Kỳ, một thị xã thương mại và buôn lậu, một thị trường thuốc phiện, vũ khí và thông tin, một căn cứ có tầm quan trọng chiến lược chủ yếu. Đấy là đầu nguồn sông Hồng từ những ngọn núi cao xa xôi Châu Á chảy về vùng rừng rậm Bắc Kỳ - qua một lưu vực rộng nhưng không điều hòa, lắm bệnh tật không người, không có gì hết. Ở Lao Cai có một chiếc cầu bắc qua sông đi về Hà Nội và vùng đồng bằng cách đấy ba trăm cây số một cửa ngõ "Trung Quốc" đi Vân Nam, lên vùng cao nguyên, những vực sâu núi hoang là phần nhô ra của Tây Tạng, tới "con đường Miến Điện". Đây là lối ra tự nhiên một vùng rộng lớn của Trung Quốc chưa được thăm dò bao nhiêu. Để khai thác nhiều hơn những biên giới huyền thoại giàu khoáng sản, thuốc phiện và dầu quý ấy, trước kia người Pháp đã xây dựng một đường sắt xâm nhập, đến tận Côn Minh. Với công trình này hàng chục nghìn cu-li đã chết vì sốt rét và kiệt sức.

Bây giờ là Trung Quốc đã trở nên nguy hiểm, đầy quân du kích, đe dọa tràn xuống vùng cao Bắc Kỳ. Năm 1945, quân đội của ông chúa chiến tranh Lư Hán qua Lao Cai ào về Hà Nội. Nút Lao Cai mở ra một lần nữa và những người cộng sản Trung Hoa đã có nhiều ở Vân Nam tiếp tay cho Việt Minh. Cả một cánh sườn Bắc Kỳ sẽ sụp đổ.

Vì vậy tôi muốn đến Lao Cai. Có thể đi qua xứ Thái, một cuộc du hành sóng gió năm trăm cây số. Một chiếc xe jeep đưa tôi đến Lai Châu. Từ đó là đường mòn, đi ngựa một, hai tuần lễ qua một vùng bấp bênh, thậm chí cả biên giới Trung Quốc.

Ngày hôm sau tôi ra đi không tùy tùng trên đường 41. Mấy năm nữa đây sẽ là con đường lớn tiếp tế cho Việt Minh bao vây Điện Biên Phủ; máy bay Pháp cố gắng tích cực dội bom cắt đường nhưng vô ích. Đầu năm 1949 đây còn là con đường thuộc địa của xứ Thái, hầu như đang yên bình. Chỉ có nguy hiểm giữa đường, ở đèo Mẹo, do cuộc chiến tranh thuốc phiện, trong vụ thu hoạch cứ bắt đầu lại vào mùa xuân.

Sau khi ra khỏi mớ hỗn độn đá vôi bao quanh Sơn La, lái xe và tôi chạy lâu trong một thung lũng dày đặc cây chuối dại trổ hoa màu máu. Tre gai để rơi bầu đầy đường. Rồi con đường ra khỏi nhà tù cây cối - sự ngột ngạt dành chỗ cho cảm giác bao la; Những ngọn núi phủ cây cỏ, đắm mình trong sương nối tiếp nhau vô tận, luôn cao hơn, bí hiểm hơn đến dãy Himalaya xa xăm.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #163 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:24:35 pm »


Con đường 41 vượt dãy núi đầu tiên, lên cao mãi và bỗng xuất hiện con người ở vùng chỏm núi. Những sinh vật nửa người nửa loài vật bước đi nối đuôi nhau. Những quái vật quần áo lôi thôi màu xanh, mang trên lưng như bướu những chiếc gùi lớn. Trên trán rộng trần trụi, hói rất xấu, thả rơi xuống phía sau một đuôi tóc tết, cổ mang đầy vòng bạc, chân là những ngấn bắp thịt; nhiều người bị bướu cổ.

Đấy là những người Mèo, nông dân vùng thuốc phiện, chúa của những đỉnh núi cao, những người trèo giỏi nhất thế giới. Họ không chịu đựng một luật lệ nào, không tin vào một tôn giáo nào, hoàn toàn tự do. Hơn nữa họ say mê bảo vệ sự tự do của họ.

Không có nòi giống nào bí ẩn hơn. Người Mèo nói là họ sinh ra từ con Chó thiêng, nhưng với các nhà nhân chủng học đấy là người vùng Bắc Cực, những người Et-ki-mô. Dù thế nào họ cũng mới đến Đông Dương chưa đến một thế kỷ. Họ tiến đến bằng một cuộc nhập cư chậm rãi và bí mật, luồn từ đỉnh núi này đến đỉnh khác, ở những độ cao không có ai để bắt họ. Đôi khi họ ở lại mấy tháng hoặc mấy năm trên đỉnh một ngọn núi dốc đứng hầu như những người khác không trèo lên được. Ở đấy họ đốt rừng cháy cả một vùng đồi núi và trên tro tàn họ trồng loại cây duy nhất: thuốc phiện.

Khó tiếp cận được với người Mèo. Họ không bao giờ xuống khỏi độ cao; người ta nói hệ hô hấp làm họ chết nếu ở dưới thung lũng. Dữ tợn và đa nghi, họ sống trong những tổ đại bàng của họ, cấm người lạ vào. Vì những người này hầu như luôn luôn là những người có vũ khí, kẻ cướp hoặc quân lính mọi chủng tộc, đến chỉ để cướp bóc chất ma túy quý.

Con đường 41 đưa tôi đến vương quốc của họ. Sau một đợt trèo lên rất lâu, con đường dựng đứng trước khoảng không một chục đỉnh và trên mỗi đỉnh có mấy nhà thấp bằng đất trộn rơm và những thửa ruộng màu sắc rực rỡ. Đấy là một làng bên cạnh kho báu, những bông hoa tuyệt đẹp của cây thuốc phiện mà hàng ngày người ta kiên trì chích lấy nhựa - chỉ còn đun lên làm cô đặc thành chất keo màu nâu và độc.

Người Mèo giàu vì thuốc phiện. Họ nhận một số người buôn lậu có tín nhiệm, nói chung là các "ông Trung Hoa" tư sản, đôi khi những người Pháp phiêu lưu, đến để mua "kẹo", thuốc phiện còn hơi lỏng. Để trả, không có giấy bạc, ngân phiếu nhà băng Đông Dương mà những đồng bạc thật, những bì muối và gạo.

Nhìn bề ngoài cổ xưa và khổ sở nhưng người Mèo sống trên những chỏm núi trong sung túc, hạnh phúc và vô chính phủ. Một xóm nhỏ nhất là một cộng hòa độc lập, thù ghét thế giới, thù ghét cả những xóm Mèo bên cạnh. Vì vậy mỗi cộng đồng - một nhóm mấy nhà cùng ở trên một ngọn núi - bố trí ở phía dưới quả núi một loạt bẫy như bãi mìn của những người văn minh. Đường vào là một con đường nhỏ đi lên thẳng đứng. Không nên rời xa con đường ấy. Trên cao chất đống những tảng đá to, họ sẽ cho đổ xuống những người họ không cho vào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #164 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:25:56 pm »


Người Mèo là những chiến binh đáng sợ, những người chủ của đèo và dốc. Họ lẫn lộn với núi, ẩn nấp sau những chỏm và các tảng đá. Không bao giờ người ta bắt được họ; họ đi thẳng về phía trước, coi thường những vật cản, vượt núi theo đường dốc gần như thẳng đứng - đứng trên thành vực như những con ruồi đậu trên viên gạch. Và họ là những thiện xạ khác thường dù chỉ có súng tự chế.

Người Mèo luôn lo sợ. Hầu như cả năm họ sống những ngày yên bình kiên trì. Ai muốn gì làm nấy, phong tục rất lơi lỏng. Con gái bận quần áo vải thô, đầu chít khăn, chân cuốn xà cạp thường vào rừng yêu nhau. Ban đêm đàn ông nhảy một mình. Giữa một vòng những khuôn mặt dịu mến, từng chàng trai quay người, ngồi xổm trên chân và thổi khèn cho đến khi nhảy lên và đổ nhào.

Nhưng đến tháng năm sau mùa thu hoạch, tất cả những người Mèo mai phục trên ngọn cây và đường mòn. Đấy là sự tổng động viên của những người trên núi cao chống lại những đám cướp; từ những biên giới vô định của Trung Quốc chúng đến hàng trăm, hàng nghìn. Các dãy núi đầy những cuộc đánh nhau, phục kích, giết người, mua bán. Những việc đó xảy ra không ngừng. Nhưng bây giờ với cả Đông Dương trong lửa đạn, hàng năm có một chiến dịch chính thức về thuốc phiện. Điều ấy đã trở thành một cuộc chiến tranh thực sự, với những tiểu đoàn.

Thuốc phiện là một mục tiêu quân sự đối với Việt Minh và người Pháp. Việt Minh muốn có nó, bán lại ở Hà Nội, Sài Gòn, Hồng Kông, những thủ đô "tư bản" của Châu Á, được lãi rất lớn.

Người Pháp cũng muốn thuốc phiện như thế. Nắm lấy nó là ngăn cản Việt Minh tích lũy tài chính nhờ việc buôn bán béo bở ấy. Ngược lại nó cho phép Đội quân viễn chinh và Chính quyền làm đầy quỹ đen của họ.

Thuốc phiện vậy là sức mạnh của chiến tranh ở Đông Dương. Nhưng để giành giật nhau, để cũng giành giật ở người Mèo, Việt Minh và người Pháp đã có những trận đánh nhau nhỏ. Một hỗn hợp rất phức tạp. Người ta sử dụng mọi cách. Vừa đánh nhau vừa giành giật người Mèo - tấn công hoặc xoa dịu tuỳ trường hợp. Trước sự ganh đua ấy người Mèo cố để vừa khỏi bị giết vừa đòi hỏi được giá cao nhất. Tình hình không ngừng thay đổi, càng không thể giải thích được khi có những thèm khát, những can thiệp khác xen vào.

Ở đèo Mẹo còn yên ổn. Nhưng không gian rộng lớn đầy những toán người; tình trạng chiến tranh các loại đã sẵn sàng. Ẩn nấp ở các khe núi có Việt Minh, người Pháp, Trung Quốc, lính của Đèo Văn Long. Một cuộc hành quân chuẩn bị tiến hành, một tiểu đoàn Pháp được lệnh săn đuổi một chi đội đỏ. Giữa đám người ấy, người Mèo từ đỉnh núi này đến đỉnh khác sẵn sàng đánh nhau và mặc cả mua bán.

Tôi nhìn mãi toàn cảnh im ắng của chất ma túy. Nhưng người lái xe bảo tôi:

- Chúng ta không nên chậm trễ, người Mèo có thể đến giết chúng ta đấy.

Tình hình thật lạ! Có vẻ chúng tôi chẳng gặp nguy cơ gì về phía quân chính quy Việt Minh. Họ muốn lặng lẽ "thu nhặt" thuốc phiện. Chính những người miền núi mới nguy hiểm.

Trong phần lớn những vùng núi ở Đông Dương người Mèo thích người Pháp hơn. Những người này trả nhiều hơn và không nói về lý tưởng. Vì vậy họ chặt đầu các phái viên Việt Minh ngay. Nhưng trên đường 41, trước hết là họ chặt đầu người Pháp, cho là đồng loã với Đèo Văn Long. Ông chúa chiến tranh Lai Châu với lý do thu thuế, có thói quen cử cảnh sát với tiểu liên lên chỗ những người Mèo giết và cướp.

Điều ấy gắn chặt người Mèo với Việt Minh, dẫn đến một cuộc chiến tranh du kích làm kiệt quệ quân đội Pháp. Nhiều sĩ quan tức giận Đèo Văn Long. Nhưng ở Sài Gòn, người ta nói đấy là người duy nhất giữ được xứ Thái chống Việt Minh bởi nắm tay sắt của ông ta. Chính thức người ta chơi con bài Đèo Văn Long.

Ai nghĩ rằng, việc lựa chọn này về sau có một ảnh hưởng quyết định đối với cuộc chiến tranh Đông Dương? Người Mèo đường 41 sẽ chống lại Đội quân viễn chinh. Ngược lại Đèo Văn Long bỏ trốn.   
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #165 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:27:48 pm »


Con người ghê gớm Đèo Văn Long

Sau ngọn đèo Mẹo người ta sắp đánh nhau. Chúng tôi vào trong lãnh địa độc chiếm của Đèo Văn Long, chỗ những người Thái Trắng mà Việt Minh không đến được - họ sẽ bị giết không chậm trễ.

Chúng tôi trở xuống rừng rậm, đi đò vượt những thác nước đá đen làm tung bọt trắng, lại trèo lên núi và thấy ở chân trời nổi lên đỉnh Phansiphăng ngọn núi mây mù. Đấy là dấu hiệu Lai Châu đã gần.

Bỗng con đường đổ xuống hai nghìn mét trên một nút vực xoáy. Nhìn như một ngôi sao ba nhánh đào trong đất ba đường hầm khổng lồ, ba vực sâu giao nhau. Thật kỳ lạ. Dưới những con sông hợp lưu: sông Đà tiếp nhận hai nhánh. Ở nơi tập hợp mọi thung lũng và nước ấy, chỗ thấp nhất là Lai Châu.

Chúng tôi đi xuống. Tôi có cảm giác vào sâu trong lòng đất, mỗi bên là cạnh dốc đứng. Phía trên bầu trời chỉ còn một dải dài và hẹp. Nhưng ánh sáng từ đấy xuống lan tỏa trên đất sét tươi bờ dốc một màu trời phớt xanh, một loại bóng mờ mềm dịu. Cảnh vật đẹp.

Không phải con đường xuống địa ngục. Vì ở đáy vực sâu đáng sợ ấy tôi thấy thiên nhiên thật tinh tế, một nền văn hóa thật đáng mến. Như mọi sức mạnh của rừng và của núi dùng làm trang sức cho cuộc sống êm dịu cổ xưa, bảo vệ và cất giấu cuộc sống ấy.

Có vẻ đôi lúc các nhà thám hiểm sau khi vượt qua những vùng đáng sợ, tìm ra thung lũng hạnh phúc, không nghi ngờ gì và cách biệt tất cả. Đấy là cảm giác tôi có ở Lai Châu.

Vực thẳm bên dưới! Một chiếc máy bay xuất hiện cách xa những ngọn núi sắp hạ cánh. Tôi thấy máy bay bổ nhào quay vòng xoắn ốc như giữa bờ khung một chiếc lồng hẹp. Điều mà phi công gọi là động tác xoắn nút chai. Trò nhào lộn ấy là cách duy nhất để hạ cánh ở Lai Châu.

Thế nhưng ở đáy vực thẳm ấy là một giấc mơ duyên dáng và gợi cảm. Khắp nơi là đồng cỏ như nhung, những bánh xe gỗ đồ sộ nước kéo, những xóm làng ẩn trong vĩnh hằng. Và cả một vườn hoa đẹp!

Hình ảnh đầu tiên thật tuyệt vời! Chúng tôi gặp trên đường đi những chiếc lọng rơm, rộng và tròn. Đấy là mũ của các cô gái Thái; các cô khẽ hất mũ ra sau và tôi thấy những con người, khuôn mặt dài thanh tú, thân hình duyên dáng thon thả. Quần áo các cô cũng được trang trí nhẹ nhàng - một chiếc áo cánh trắng có hàng cúc bạc bó chặt chiếc váy đen với chiếc thắt lưng đỏ thắm. Trong trang phục sát người tinh tế ấy, những thân hình hầu như toàn là chân, được thiên phú cho âm điệu và nhịp điệu: Phụ nữ Thái Trắng là những vũ nữ nổi tiếng.

Các cô gái Thái thể hiện vừa cách điệu hóa vừa đơn giản đối với tôi! Không biết đến những tư thế cứng nhắc và sự thanh thản cao xa của đạo Phật, các cô có nụ cười tuyệt đẹp, sống động, hơi ngạc nhiên, tươi vui đến cả nét cong nhẹ của miệng và khóe mắt. Đúng là những cô gái một dòng dõi vô thần, chỉ tin vào sắc đẹp, lười biếng và hưởng thụ. Những người Thái Trắng hơn Thái Đen, là những người tôn thờ khoái lạc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #166 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:29:00 pm »


Nhưng sự yên bình của Lai Châu không phải chỉ vì xa cách, núi cao vực sâu bảo vệ. Chủ yếu là do Đèo Văn Long, kẻ độc tài với những biện pháp đẫm máu.

Trong cảnh trí lớn lao đó, ngay giữa hợp lưu ba con sông một mỏm đá vươn ra tới bờ sông. Ở đây nhân vật đáng sợ ấy cho xây dựng một lâu đài kiên cố bằng xi măng và đá lớn với những lô cốt và lỗ châu mai. Để vào đấy phải đi đò qua những dòng nước dữ dội, phải trèo những bậc thang không dứt. Trước hết người ta thấy những lính gác quá nhiều đai nịt, đáng sợ. Những tù binh rách rưới, đáng thương, đang vác đá làm những tường bao mới, những công trình tự vệ mới.

Người ta dẫn tôi vào phòng khách đồ sộ, có một người đàn ông ngự trên chiếc phô-tơi lớn bằng gỗ mun và đá hoa. Tôi nhận ra ngay vị chúa tể chiến tranh theo đúng mẫu Trung Quốc. Vì toàn xứ Thái này mang vết tích Trung Quốc chứ không phải Việt Nam.

Đây là một nhân vật khoảng tuổi sáu mươi, to béo, mạnh khỏe. Khuôn mặt như mặt nạ, lời nói chậm rãi, không màu mè. Không bao giờ ông có vẻ hoạt động, ngồi một chỗ, bó người trong bộ quân phục đơn giản kiểu Quốc dân đảng. Nhưng đây là tính cách không thực của một lãnh chúa Châu Á, quen lối chỉ hơi mỉm cười và giấu kín sau thái độ không nao núng ấy một sự hung bạo tính toán và những khát khao không giới hạn.

Việc đầu tiên của Đèo Văn Long là đưa tôi lại trước bức chân dung vẽ trên lụa một quan lại Trung Hoa rất già, quần áo sang trọng. Đấy là bố ông ta, Đèo Văn Try huyền thoại, thủ lĩnh Cờ Đen, bọn giặc Trung Hoa hung dữ mà người ta nói đến trong sách lịch sử thời trước. Chính ông này vây hãm đội Bobillot ở Tuyên Quang rồi sang Lào, chiếm Luang Prabang và thực hiện nhiều chiến công trước khi quy phục.

Tên tướng cướp này trở thành vua Lai Châu bằng một tội ác khủng khiếp. Hắn cho thắt cổ ông vua Pháp họ Đèo rồi lấy con gái ông, bản thân cũng lấy họ Đèo. Người Pháp, khi hắn quy phục, để lại cho hắn lãnh địa chưa được bình định.

Con trai của kẻ sát nhân và công chúa bị cưỡng bức là Đèo Văn Long. Ông ta tiếp tôi tại lâu đài. Trong huyết quản ông là dòng máu quân cướp Trung Hoa nhưng nhận được một nền giáo dục tốt của phương Tây; ông thích kể chuyện đã học ở Pháp, cùng trường trung học với Vincent Auriol. Có vẻ tình bạn học cũ ấy còn đóng một vai trò trong cuộc chiến tranh Đông Dương.

Nhưng sự lại giống đã chiếm ưu thế! Đèo Văn Long thống trị trong trật tự tuyệt đối. Việc xảy ra như thế nào người ta không bao giờ biết và tai họa cho ai nói ra! Dù sao, không có Việt Minh, không có những kẻ chống đối trong vương quốc ông. Trong lâu đài mình, ông chúa chiến tranh có một quyết định và liên lạc chạy ngày đêm trên đường mang mệnh lệnh đi các nơi. Ông tự dán những sợi lông chim lên những chỉ thị - một để buộc phải mau chóng, hai là ghi nhận khẩn, ba, người đưa phải chạy nhanh như chim bay và đến nơi chậm một ít cũng bị chặt đầu.

Khi Đèo ra lệnh hành quyết, người ta đưa tai những người bị xử tử trong một cái giỏ đến làm chứng cứ. Vả lại đấy là một phong tục cũ của người Thái. Một sĩ quan Pháp hứa thưởng cho lính ngụy giết được Việt Minh cũng nhận được một chuỗi tai để chứng minh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #167 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:29:39 pm »


Đèo Văn Long mở rộng quyền lực ra ngoài lãnh địa của mình. Ông ta bị những ông hoàng khác căm ghét vì bố ông là kẻ giết người nhưng họ là anh em về đàng mẹ. Vì vậy những ông vua con ấy, những người cùng khổ, khi bị Việt Minh đe doạ, khúm núm cầu cứu ông. Đèo cử lính tới, thu xếp cho họ một cuộc hôn nhân. Ông cho cưới con trai, con gái ông với những hậu duệ của họ. Đấy là những buổi lễ trang trọng ở Lai Châu. Ngay dưới lâu đài ông là xuồng của bà con phấp phới cờ đuôi nheo. Những bãi cát, sỏi đen nổi lên những đám lửa vui - cả một tập hợp những người chèo thuyền, binh lính, đầy tớ, những chức sắc nhỏ ngồi quanh ngọn lửa ăn uống. Trong lâu đài là bữa tiệc theo phong tục gồm năm mươi món ăn. Nhưng giữa không khí vui vẻ ấy, Đèo vẫn đề phòng khỏi bị đầu độc.

Đèo Văn Long chỉ say mê hai thứ, chúa tể của chiến tranh: vũ khí và kim loại quý. Lâu đài của ông là một xưởng vũ khí, một kho báu. Ông tích lũy trong những hầm bọc thép các hòm tiểu liên và những thỏi bạc, vàng.

Vũ khí, ông muốn phải là hiện đại, giết người, mua ở Trung Quốc, đòi hỏi ở người Pháp. Nhưng thay vì phân phát cho người của ông để chiến đấu, ông dồn lại trong hầm ngầm sâu mấy mét dưới lâu đài. Vì những đống vũ khí ấy, luôn nhiều hơn, đối với ông là biểu tượng tối cao của sức mạnh.

Đèo rất giàu vì ông ta là một trong những đầu mối thuốc phiện ở Đông Dương. Ông tổ chức thật tốt để thu thập và bán, nắm trong tay một hệ thống thu nhặt, vận chuyển, phân phối. Người Pháp để cho ông ta làm, thậm chí là đồng loã vì họ dựa vào tính chất phong kiến để đánh lại chủ nghĩa cộng sản, không biết rằng đánh vào những "bạo chúa" như Đèo, thuyết biện chứng đỏ có nhiều sức mạnh hơn. Đèo rất mạnh nhưng bị căm ghét và hễ "hệ thống" của ông ta hơi yếu đi là tất cả sụp đổ.

Nhưng năm 1949 là đỉnh cao. Cao uỷ Pháp để bên cạnh Đèo hai đại diện để "kiềm chế" ông ta một ít nhưng họ tay trong tay tiến bước cùng Đèo. Đấy là hai viên chức, một trưởng phụ trách hành chính và phó của ông. Thực ra đấy là những người phiêu lưu, có khả năng làm tất cả cũng như Đèo.

Những nhân vật lạ lùng ấy và những người xung quanh - họ cũng có vợ, các con họp thành một loại "hội kín". Chỉ có họ là đáng kể, còn lại không là gì cả. Nhóm người ấy có lối nói riêng. Mỗi buổi chiều chia tay nhau họ cùng nói: "Ngày mai gặp lại". Và khi người ta hỏi tại sao thế, họ trả lời: "Vì đối với chúng tôi ngày nào cũng là chủ nhật".

Nhưng hội kỳ lạ ấy không thích người ta dúng mũi vào công việc của họ. Tôi cảm thấy mình là một người lạ. Vì vậy tôi ra đi xa hơn, đến Phong Thổ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #168 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:53:36 pm »


Châu Á cổ xưa nhất

Ra khỏi Lai Châu không có đường lớn, chỉ đường mòn vô tận. Đèo Văn Long tổ chức một đoàn nhỏ đưa tôi đi, do cháu ông ta hướng dẫn.

Trong ba ngày chúng tôi đi ngựa trên một con đường không rõ ràng giữa những ngọn núi tuyệt đẹp, qua vùng cao nguyên ngát mùi hương - những vạt hoa huệ và dâu tây dại, những bụi hoa hồng, những rừng đỗ quyên. Chúng tôi lao xuống các thung lũng, giữa những cây gỗ với những cây dương xỉ khổng lồ và dây nhợ cong queo như hàng nghìn cánh tay của một Phật bà Ấn Độ. Giữa những đống đá sụt lở và những cây cổ thụ, toán người cứ tiến lên, hàng một, với tư thế những người quan trọng. Trước chúng tôi là một chiến binh danh dự mang trên người một khẩu súng bắn đá. Phía sau là đám người giữ ngựa và loài vật kéo, người và vật cùng cam chịu.

Tôi thực sự có cảm giác đi sâu vào trong lòng Châu Á. Như là không còn biên giới nữa. Người ta gặp những đoàn người ngựa đi hàng nhiều tuần lễ từ vùng sâu Trung Quốc, từ Tây Tạng - đi theo con đường cũ buôn chè hoặc xạ hương, đã dành cho hàng hóa hiện đại. Người ta gặp những dân tộc hầu như không được biết đến như người Xá, trần truồng và gầy còm ăn đất, đá thạch anh phân huỷ. Không gì ngạc nhiên hơn nhìn thấy trong bóng mờ cây cối thân hình xám đen của họ cuốn dây quanh người treo những chiếc ống điếu, tài sản duy nhất của họ.

Trên đường đi chúng tôi gặp nhiều dòng tộc khác, thuộc mọi mức độ văn minh. Vùng cao Bắc Kỳ là một bảo tàng về những dân tộc ở khắp nơi đã biến mất. Nhưng đôi khi chỉ còn một làng, một xóm không đến mấy chục người. Vùng Phong Thổ là một nơi có những chủng tộc đã mất, những nhóm nhỏ đàn ông và đàn bà tên tuổi và phong tục rất lạ.

Khi chúng tôi đến gần, những người miền núi ấy đứng im, không một cử chỉ, một thể hiện gì như họ không trông thấy chúng tôi. Thế nhưng đôi mắt họ nhìn chằm chằm vào chúng tôi, nhất là vào tôi, với cách làm tôi sợ. Hình như không phải thù địch mà chỉ vì tò mò, không có nguy cơ gì. Nguy hiểm chỉ có người Hà Nhì, những kỵ sĩ răng đỏ, tóc dài như tóc đàn bà, thường dùng giáo đâm thủng khách bộ hành. Nhưng họ ở ngay biên giới, trên những đầm lầy hôi thối, phải mất hai ngay đường.

Hoàng hôn ngày thứ ba, rừng rậm dành chỗ cho các khu vườn. Chúng tôi lội qua một dòng nước xiết. Một vòng đồi bao quanh thị trấn ngọt ngào, tươi vui nhất. Tôi đã đến Phong Thổ, thị trấn huyền thoại của ông già Đèo Văn Ân.

Tôi đã như bị mê hoặc vì khoảng cách, bây giờ là vì thời gian. Tôi thấy như sống lại một biên niên sử xa xưa, được đưa đến một Châu Á cổ xưa và hào hiệp hơn Lai Châu của Đèo Văn Long, ông chúa tể chiến tranh! Phong Thổ, dưới thời Đèo Văn Ân - một ông già con trai của ông Đèo bị tướng Cờ Đen bố của Đèo Văn Long thắt cổ trước kia - là một thiên đường tuyệt đối giản dị mà sự tàn bạo cũng có phần nhân từ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #169 vào lúc: 03 Tháng Năm, 2018, 04:54:51 pm »


Qua nhiều thế kỷ chẳng có gì thay đổi. Công trình của nước Pháp chỉ là một chiếc cầu gỗ. Trước chiến tranh một quan cai trị yếm thế cho phá đi để tự cách ly với tất cả những người kế nhiệm đã cho làm lại.

Trong công quốc huyền thoại vàng này, lâu đài là một trạm du khách suy tàn đầy một đám đông ăn mặc khác thường. Tôi đi qua một hàng rào tre có những con ngựa nhỏ đang gặm cỏ và hí vang lên. Trong khoảnh sân hôi thối vô số chức sắc hoạt động - các bộ trưởng, những người vợ lẽ, đao phủ, đầy tớ, một nhóm trẻ nhỏ ở truồng và có cả lợn, chó hung dữ. Người ta thấy khắp nơi ánh lên những lưỡi dao găm và vật trang sức. Nhưng lẫn lộn với các lãnh chúa và sủng thần có cả dân chúng, chẳng làm gì ngoài đùa vui. Chỉ mấy người hành khất làm việc giơ tay và cầu khẩn. Cũng có một nhà thông thái đang viết đơn thỉnh cầu một nông dân.

Đấy là Trung cổ - thực sự, không phải Trung cổ của tiểu liên khắp nơi ở Đông Dương. Trong đám lộn xộn này tôi không thấy binh lính mặc quân phục.

Đèo Văn Ân đang chờ tôi. Lâu đài của ông xây bằng bùn khô và gỗ ít đẽo gọt, là một ngôi nhà sàn. Tôi phải trèo lên bậc thang. Suốt thời gian tôi đi lên, người chủ lễ đánh chiếc trống đồng treo bằng một sợi dây. Cuối cùng với bao cố gắng tôi đến được gian phòng chúa tể. Và đấy là một nhà kho nổi trội những quà tặng chính thức của các đời cộng hòa Pháp: một tháp Eiffel thu nhỏ, một tờ lịch, những bưu ảnh trong đó những người yêu trong trắng ôm nhau, chân dung tổng thống Fallières. Trong góc tường một người đàn bà bình thản bắt chấy trên mái tóc. Cuối bên trong một ông già ngồi trên chiếc ghế gỗ trắng đứng dậy và cầm tay tôi dẫn lại trước một tấm bảng đầy giấy chứng nhận và bằng. Tất cả những quan cai trị đã qua xác nhận trên giấy bóng và chữ viết đẹp, những tình cảm ủng hộ Pháp của chủ nhà. Nhưng tấm bằng quý nhất là giấy khen do một toàn quyền cấp đã khoảng bốn mươi năm nay.

Đèo Văn Ân rất vui. Một chiếc mũ ca-lô nhỏ trên đầu, ria mép trắng rủ xuống, da nhăn nheo, mặc một bộ quần áo dạ Trung Quốc, trông rất lạ. Nhưng trước hết ông là một tộc trưởng sùng bái khoái lạc. Ông không chỉ nghĩ về mình - ông là bố của người Thái, Kôuchus, Nhắng, Mèo, Mán, của tất cả những dân tộc ở từng bậc núi của ông như cư dân một nhà chọc trời. Ông đem sự cô đơn của ông đến từng dân tộc, thậm chí cả ở một bộ tộc ăn thịt người. Nguyên tắc thống trị của ông là vui chơi, bắt buộc hưởng thụ thường xuyên cho tất cả thần dân. Vì vậy ông bắt họ tôn trọng phong tục tập quán cũ, đảm bảo họ hạnh phúc trên vùng đất ảo tưởng này.

Về pháp luật, ông tha thứ cho những kẻ trộm cắp, đào ngũ, không làm tròn nhiệm vụ nhưng không bao giờ nương nhẹ cho người lơ là nhảy múa. Ông phạt tù người nào trong năm đoàn ca vũ của ông vắng một buổi tập duyệt. Ông có một trường dành cho những cô gái quyền quý. Đây cũng là thú vui dân tộc.

Buổi tối hôm tôi đến, Đèo Văn Ân chiêu đãi một buổi lễ hội. Toàn dân Phong Thổ đến, ngồi xổm trên sân lâu đài. Đèo Văn An ngồi ở một chiếc phô-tơi, các tên hề vây quanh. Ông nghiêm nghị nhìn các toán biểu diễn. Thật thần tiên! Dưới ánh đuốc những cô gái Thái lắc lư như những con bướm say sưa vì vui, những cô gái Lào uốn người một cách gợi cảm và lười biếng. Đấy là Châu Á của hoan lạc. Ngay sau đó phụ nữ Nhắng, những người nặng nề dòng giống Trung Hoa đến thực hiện những động tác lao động với nhịp điệu chậm, đau đớn và bi ai - vì cũng có một Châu Á cố gắng mà lượng người quá đông phải vất vả không mệt mỏi để sống sót. Chỉ còn là những quay cuồng hoang dã, lẫn lộn tiếng kêu, sáng lên những ánh thép qua đó những người Mán, Mèo, rất lực lưỡng và cân đối, đàn ông cũng như đàn bà, thể hiện sự hỗn độn của những người ở đỉnh, khinh thường những gì ở phía dưới họ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM