Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:07:19 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 84863 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #10 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:15:31 pm »


Tuy vậy thu xếp xong công việc, những người Pháp dân sự tiếp nhau ra đi. Thế nhưng trong lúc khai vị một số "ông già" thuộc địa thề sẽ ở lại Hà Nội. Người ta thấy những người về hưu này, khuôn mặt sạm nắng, đội mũ bê-rê, kích thích lẫn nhau. Họ yêu và khinh khi người Annam: họ biết rõ những người dân này, đúng không? Không vì dân quê trở thành Việt Minh mà họ, những người cũ sợ hãi.

Chỉ khoảng nửa tá trụ lại. Trong số đó có tình nhân của một người Pháp tên là Nini. Nini xấu nhưng cô tốt và biết tiêm thuốc phiện. Và người Pháp của cô có thể làm gì khác? Gầy gò, răng rụng, đau yếu, anh ta chẳng còn tích sự gì. Anh làm đủ mọi nghề, từ săn thú rừng đến làm báo; và anh không muốn thử vận may ở nơi nào khác. Thà nổ bung ra tại chỗ.

Những người khác, trong số những cặn bã da trắng - các tay nghiện thuốc phiện, "chạy theo con gái’', những binh lính cũ sống theo kiểu Annam - ra đi. Số phận của họ cũng bi ai. Không có tiền, không biết rõ nước Pháp, không có bà con, bạn bè ở đó. Cuộc sống của họ là thành phố Hà Nội này, xứ Bắc Kỳ này. Họ không thể thích nghi với kiểu sống hành chính sắp bắt đầu - đi lại tập thể trên xe Nhà nước chi trả, các trại, những chỗ nội trú. Họ sẽ trở thành những người ở đâu đó. Nhưng tất cả những điều ấy người ta không thấy được.

Cũng biết bao nạn nhân là người lai Âu Á! Tám mươi năm chế độ thuộc địa để lại ngoài lề một lớp người không cơ bản - dân lai với những nghề bị khinh rẻ, các bà mẹ Annam của con lai, vợ hoặc vợ lẽ da vàng của những người Pháp mất tích và vô số những đứa trẻ do Đội quân viễn chinh tạo ra. Không ai biết rồi họ sẽ như thế nào.

Có ai nhận thấy những bi kịch ấy? Xã hội tư sản thu vén tài sản nhưng không mang theo được các xí nghiệp và hầm mỏ của họ. Vì thế trong các hội đồng quản trị nổi lên ẩn ý: "Phải chăng chúng ta cũng có thể điều đình với Chính phủ Hồ Chí Minh để có cách nào đó tiếp tục hoạt động?" Vì những công ty mới đây rất tồi tệ ở Thượng Hải, các công ty lớn châu Âu, tất nhiên đề phòng mọi mặt, di tản toàn bộ nhân viên da trắng nhưng bí mật xúc tiến những thương lượng vô cùng tế nhị và bền bỉ.

Đến một lúc tôi không còn thấy người Pháp nữa: cuối cùng họ đi hết. Lúc đó những nhà tư sản da vàng đến than thở với tôi số phận khắc nghiệt của họ. Tôi ái ngại cho họ sao được? Họ hèn hạ xấu xa. Điều xảy ra do lỗi của họ, hèn nhát và kiêu căng. Họ đã nghĩ mình ranh mãnh, tuyên bố "trong lòng ủng hộ Việt Minh" nhưng vẫn ở lại các thành phố làm ăn được quân đội Pháp bảo vệ. Họ làm giàu ghê gớm bằng đồng bạc của nhà băng Đông Dương. Vợ họ mang đầy kim cương, con họ học ở Pháp. Tuy vậy họ đau khổ "về tinh thần”: rất mẫn cảm về tất cả những gì là của Pháp. Một lần tôi nói chuyện với một người trong bọn họ, ông ta mỉm cười cao đạo khẳng định: "Việt Minh khi vào Hà Nội sẽ cần đến những người như tôi".

Những người Việt sẽ đến. Và, vào phút chót, những nhà giàu Annam chạy trốn ngay vào Sài Gòn. Họ chuyển đồ đạc, mang đi tất cả, vợ lớn vợ bé, bố mẹ già, con cái không đếm xuể, đồ trang sức, các bảng nghi lễ, đồ gỗ đen. Tiền đã gửi vào chỗ từ lâu. Họ chỉ để lại một người bà con nghèo, giao trách nhiệm thoả thuận với phe đỏ.

Họ không xứng đáng được thương hại vì đã lợi dụng cuộc chiến tranh. Những tư sản đáng kính duy nhất, được ái ngại sâu sắc là một số yêu nước vì lý tưởng, đánh nhau chống Pháp. Những người ấy là kẻ địch thực sự, giết sĩ quan và binh lính Đội quân viễn chinh. Nhưng sau khi ở lại nhiều năm với người Việt, cuối cùng họ trở về trong một Hà Nội người Pháp tạm chiếm do chán ngán chủ nghĩa cộng sản. Những người ấy không nhiều nhưng họ trung thực và nghèo. Hơn những người Việt Nam khác họ sợ thế giới Việt Minh sắp tới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #11 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:16:39 pm »


Một người trạc ngũ tuần, mang huân chương, tiếp tôi tại nhà - Ông được một Toàn quyền khen thưởng đã lâu, sau đó là một bộ trưởng trong Chính phủ Hồ Chí Minh. Bây giờ ông dẫn tôi lại trước bàn thờ tổ tiên nói với tôi:

- Tôi sinh ra trong ngôi nhà này. Nó là của bố tôi và các gia tiên quan lại của tôi. Đây là vật quý nhất của tôi trên đời. Mấy hôm nữa tôi sẽ bỏ nó đi vĩnh viễn. Tôi không muốn sống với Việt Minh, những người tôi biết rất rõ. Tôi ra đi không có một đồng bạc. Tôi mang theo bà mẹ già, một người đàn bà góa vốn không bao giờ rời thành phố này, vùng châu thổ này. Chắc bà sẽ chết vì điều đó. Tôi là tất cả của bà. Thế mà bà nói với tôi: "Đừng nghĩ ngợi về mẹ, con đi đi vì con cần phải thế." Bà muốn tôi để bà lại, sợ sẽ là một gánh nặng cho tôi trong cuộc sống khó khăn phía trước.

Thực lòng, là người Pháp, tôi cảm thấy có tội với những "con em", những viên chức hợp tác với chúng ta. Họ mất mát vì chúng ta và Việt Minh sẽ không lay chuyển với họ. Hòa bình cứu chúng ta, những người Pháp với giá những người khốn khổ ấy.

Tôi nghĩ đến đội quân làm thuê - bồi, bếp nam nữ, những ông thư ký và phiên dịch, đến những tên vô lại cần thiết, gái điếm; và có cả những mật thám, chỉ điểm, tất cả những người tay chân. Người ta sai họ phục vụ những thú vui, làm tất cả mọi công việc kể cả những việc xấu xa nhất. Có lẽ họ đáng khinh nhưng đó là lỗi của chúng ta. Người ta làm họ hư hỏng rồi bỏ đi. Những người Pháp của Hà Nội và cả những người Việt Nam giàu có đã đề phòng, họ "biết trước". Nhưng những người khổ sở này ngây thơ, tin tưởng; cho rằng nước Pháp không thể sụp đổ. Nhiều người làm không chỉ vì lợi lộc, họ "tận tâm", bao nhiêu người gian nguy vì chúng ta, bị tra tấn và ám sát; cũng vì chúng ta. Bây giờ họ là những người bị ruồng bỏ. Người ta hứa những khoản trợ cấp, người ta phỉnh nịnh: Hãy đi theo chúng tôi. Nhưng nếu họ làm thế họ sẽ khốn khổ, nếu không là cái chết.

Tôi đang trên bờ sông Hồng, ở Việt Trì, trên một bãi rộng, chỗ số lớn tù binh được trao trả cho chúng ta. Tôi chờ đợi hàng giờ dưới một bụi tre. Việt Minh đã biến đổi vùng cây xanh hoang vắng này thành một khu vườn Phương Đông đầy đá sỏi, đường mòn khúc khuỷu và cờ hoa. Các nhà báo của Chính phủ Hồ Chí Minh, da nhẵn như bộ đồng phục kaki, nói chuyện rất lễ độ đối với tôi và mời tôi uống nước chanh. Họ nói tù binh ở trong một trại cách đây mấy trăm mét nhưng họ không biết giờ trao trả: đấy là một bí mật quân sự.

Đến trưa điệu nhạc xa xa dội qua cây cối, tiến lại gần từng phút một. Đấy là một điệu vũ miền Provence, một lễ hội đồng quê.

Một sĩ quan liên lạc Việt Minh rạng rỡ nụ cười đôn hậu. Ông ta tâm sự với tôi:

- Họ đến gần rồi đấy. Ông nghe xem, họ sung sướng biết mấy.

Tiếng ồn tăng dần nhưng tôi vẫn chưa thấy gì. Chỉ mười lăm phút sau một dàn nhạc của quân đội nhân dân lộ ra khỏi cây cối. Một người đàn ông đi lui tiến về phía chúng tôi vừa đánh nhịp. Hai chiến sĩ nữ, tết tóc, theo sự chỉ huy vỗ đàn ghi-ta mang trước người. Một người lính đánh trống, một người khác thổi ác-mô-ni-ca.

Phía sau tốp nhạc, đoàn người được giải phóng tiến theo hàng tư. Họ vừa đi vừa nhún nhảy, múa hát, vỗ tay. Bên cạnh họ, một cán bộ đi theo đội ngũ, kích thích cuộc vui.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #12 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:17:38 pm »


Các tù binh bước bên cạnh không nhìn tôi theo nhịp hành quân của Lữ đoàn Sông Hồng. Đấy là quân lính lê dương và những người A Rập, khuôn mặt phồng lên và xanh xao nhưng họ tỏ ra sung sướng. Ít nhất quân trông giữ cũng đã dạy cho họ cách thể hiện vui mừng: lối vũ đập chân, hát đồng ca, vỗ tay. Họ được tập dượt nhiều về những động tác ấy, đặc biệt cứ năm giây lại vỗ tay vào nhau. Tóm lại là một nhịp điệu ám ảnh thể hiện sự hoan hỉ.

Nối đuôi đoàn người, một số đau ốm không đi được, chỉ hát; các nữ chiến sĩ dìu họ.

Cả đoàn vừa đi vừa nhảy, bước xuống tam cấp đưa ra bờ sông Hồng. Hàng nghìn nam nữ nông dân tôi không rõ từ đâu mang cờ và băng rôn hiện ra. Họ có một chỉ huy luôn hô lớn: "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", "Hòa bình muôn năm", "Tình đoàn kết giữa nhân dân Pháp và Việt Nam muôn năm". Mỗi lần như thế, đám đông sôi nổi lặp lại những khẩu hiệu ấy vừa vỗ tay. Các tù binh cũng hét lên, ban nhạc rung lên. Cả một cảnh cuồng nhiệt.

Khi đoàn người đến một nền cao dựng trên mép nước, tất cả im lặng. Phía bên kia một thanh chắn mỏng manh là nước Pháp, những sĩ quan tiếp nhận của Đội quân viễn chinh. Một chiếc tàu LCT sàn rộng, chờ chuyển người đi.

Sau cùng, trước vòng cuối, người cán bộ đọc danh sách. Cách mấy mét, quân lính Pháp mặc đồng phục phụ trách tiếp nhận ra hiệu thông cảm với tù binh. Những người này không trả lời, trông như chết. Đã đến thời điểm lo lắng nhất, thời điểm phán xét cuối cùng. Họ rất sợ cán bộ bỏ sót, không nghe thấy tên mình trong danh sách! Họ còn e ngại vào những phút chót đã vụng về làm Việt Minh nổi giận và đưa họ trở lại đất nước cộng sản này. Các sĩ quan Pháp tiếp nhận có thể ở bên cạnh; họ không đáng gì so với thực tế đỏ đang tồn tại.

Nhưng kìa, những người được giải phóng bước ra con đường giữa thế giới Hồ Chí Minh và người Pháp. Ban nhạc và tất cả những người Việt Minh đi theo họ trong niềm cuồng nhiệt ôm nhau và chúc sức khỏe. Hai chiến sĩ nữ vẫn bấm phím đàn ghi-ta; các cô cười, ôm hôn đứng đắn. Khi người cán bộ vỗ tay, mọi tù binh cũ của ông cũng đột nhiên cùng làm động tác như thế.

Người cán bộ chính trị này, một lực sĩ, tiến lên như một con mèo rừng trên đôi dép cao su, đứng trước cánh cửa sắt hạ xuống của chiếc tàu. Ông nổi lên bên cạnh viên trung uý hải quân mang lon vàng, những đại liên Pháp đã nạp đạn, lá cờ tam tài bay trên chiếc cán dài. Hình như ông không trông thấy bộ máy quân sự ấy, ông đưa bàn tay thân thiện cho tất cả những tù binh bước lên chiếc tàu Pháp: không ai từ chối ông. Và khi chiếc LCT nổ máy rời bến, ông kêu lớn:

- Hãy nói chúng tôi đã đối xử tốt với các anh như thế nào.

Chiếc tàu rời bến. Những người được giải phóng, trong bộ quần áo "dân dã” vẫn không tươi cười, cả khi một hội cứu tế xã hội la hét họ cũng không tỉnh lại. Chỉ khi chiếc tàu vào đúng dòng chảy đi xa khỏi Việt Trì họ mới bắt đầu hồi sinh, phản ứng lại những gì họ đã chịu đựng. Một người cầm chiếc mũ tre đan trên đầu ném xuống nước. Anh xua đuổi, phá bỏ quá khứ bị bắt. Rồi từng người một, những tù binh được giải phóng nghiêm trang làm động tác tượng trưng ấy, nên nhiều chục chiếc mũ trôi trên dòng chảy và chìm xuống.

Những khuôn mặt vẫn căng thẳng. Thủy thủ đoàn phân phát bữa ăn tạm. Những khúc dồi, những cốc rượu vang đầy đưa lại phép màu, nụ cười đầu tiên, một sự nhạo báng đầu tiên.

Tuy vậy, người lính lê dương, người đầu tiên ném mũ xuống sông nói với tôi:

- Đáng lẽ tôi phải đánh người cán bộ nhưng tôi lại bắt tay ông ta. Không bao giờ tôi tự tha thứ cho sự hèn hạ ấy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #13 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:18:25 pm »


Mỗi người được giải phóng giữ trong mình một nỗi xấu hổ; ở với người Việt, họ nén nhịn. Làm khác đi họ có thể không được trao trả.

Ở bến tàu Hà Nội, quan chức Pháp cố xóa bỏ cảm giác tội lỗi ấy của các tù binh bằng một cuộc đón tiếp thắng lợi. Tướng Cogny với nắm tay rắn rỏi làm lu mờ nắm tay thân thiện của người cán bộ. Trong điệu Marseillaise do một ban nhạc của đội lê dương trình tấu, ông ôm chặt từng người được giải phóng. Các nhạc công trang phục đại lễ không thèm chú ý đến những quân lính lê dương bị bắt trở về - những đồ giẻ rách.

Binh lính người Maroc cảm thấy vinh dự, mắt ánh lên theo tiếng hô khàn khàn của viên sĩ quan; mắt những lính biệt kích vẫn lờ đờ và chắc sẽ thiếu khí sắc thế mãi.

Toàn thể Ban tham mưu kính cẩn tập họp sau tướng Cogny, con người khổng lồ hào hiệp và hoàn hảo ấy. Với ông, cả quân đội Pháp hết sức tỏ vẻ để tiêu huỷ những tác dụng của "niềm vui đỏ". Nhưng phải mất bao lâu để tái tạo linh hồn cho những kẻ khốn khổ đã bị hủy hoại khi trở về mà người ta tiếp đón như những anh hùng?

Các tù binh trở về trong nhiều tuần lễ. Mỗi ngày người Pháp lại đi Việt Trì đón họ mà không biết sẽ đưa về bao nhiêu người, còn được bao nhiêu. Người Việt tăng cường khó khăn kiếm chuyện vô cớ, yêu sách trong việc trao trả. Giá như không phải chịu đựng để rút những người này ra khỏi họ!

Và khi những người này về đến nơi, họ còn thuộc về một thế giới khác, họ không thể thích nghi, lạ lẫm, suy sụp. Phải tổ chức giải độc và tập cho họ xóa bỏ dấu vết đỏ.

Người ta đưa tất cả những người được giải phóng đến bệnh viện Lanessan. Ở đây người ta sàng lọc họ, sắp xếp theo mức độ thương tổn thể chất và tinh thần. Quân cảnh điều tra về một số phản bội hoặc hầu như phản bội. Nhưng những việc đó thật khó biết được chính xác! Người ta im lặng trước những trường họp nặng nề nhất.

Làm sao để không nghĩ đến những người được trao trả cho phía Việt Nam? Khi trao trả, họ đẹp đẽ, béo tốt, trang bị đồ đạc của quân nhu. Nhưng vừa lên xe, họ đã vứt bỏ thức ăn và quần áo người ta phát cho, hầu như ở trần; họ không muốn vấy bẩn vì những gì nhận của người Pháp. Đến Việt Trì họ hô vang "Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm", họ vừa vứt bỏ những vật dụng cuối cùng của tư bản. Các nữ y tá Việt Minh bận quần áo trắng, tập trung những đồ vật ấy lại và nhóm lửa đốt.

Việc trao trả kết thúc; còn thiếu hàng nghìn tù binh đối với người Pháp - số phận của họ vẫn mãi mãi không ai hay biết. Một người Pháp dân sự có mặt mỗi khi có đoàn xe đến, ông ta yêu một người lính lê dương. Nỗi đau khổ của một anh đồng tính luyến ái có vẻ thật thảm hại! Ông ta chăm chú nhìn những khuôn mặt, lo lắng, hy vọng nhận ra bạn mình. Ông khóc, chờ đợi trong nhiều tuần, đơn độc và thất vọng.

Gia đình các tù binh ở bên Pháp, rất xa. Họ chỉ nhận được một bức điện tín của bên quân sự.

De Castries là người cuối cùng. Đối với ông ta, kẻ chiến bại ở Điện Biên Phủ, người ta chuẩn bị một buổi lễ đặc biệt lớn cách Hà Nội mươi cây số. Tại chỗ này cách đây một thế kỷ, các đội quân đã tiến hành đánh chiếm vùng châu thổ. Bây giờ vinh quang Pháp kết thúc ở đây. Trên LCT đưa de Castries về, trước tiên tôi thấy chiếc ca-lô kỵ binh đỏ của ông - ông đã đội nó trên mọi chiến trường của Đông Dương, để chứng tỏ sự phóng túng quý phái. Bây giờ chiếc ca-lô đã xỉn màu. Bản thân ông cũng thay đổi nhiều. Khuôn mặt nhăn nheo, làn da trước đây căng và đầy khí sắc, bây giờ giống một găng tay quá rộng. Đôi mắt tinh nhanh trũng sâu trong hốc mắt. Ông đã già.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #14 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:19:02 pm »


Trước các đội quân, Cogny ôm hôn de Castries đang khóc và thấm nước mắt. Ông cố cười yếu ởt để nói về chiếc ca¬-lô của ông: quân Việt muốn lấy nó làm chiến tích nhưng ông đã giấu đi. Ông nói:

- Cử chỉ tự do đầu tiên của tôi là trước mặt những người Việt trao trả, tôi lấy chiếc ca-lô trong túi ra đội nó lên đầu.

Mặc dù có nhiều lời đồn thổi, de Castries có phải vẫn là một hiệp sĩ thời Trung cổ không? Ông ta cố gắng làm cho người ta tin thế một cách thảm hại! Ông muốn tự bào chữa, giận dữ kêu lên ông chỉ là một nạn nhân, là bung xung của cuộc thất trận. Nhưng lệnh chỉ huy bảo ông im đi; nếu không ông lộ ra hết những bất lực của mình ở Điện Biên Phủ.

Ít lâu sau tôi biết sự thật về de Castries. Tại Hà Nội do Việt Minh chiếm giữ, tôi ăn trưa với các phóng viên báo chí đỏ. Tôi ngồi bên cạnh Jensens, một người Do Thái Úc béo phệ, mắt lồi, râu tóc bờm xờm, chuyên viên lôgíc, một người cuồng tín. Anh ta ca ngợi de Castries, biết ông này rất rõ. Chính anh ta đi theo ông khi trao trả cho người Pháp. Anh nói:

- Ngồi bên cạnh nhau trong chiếc xe Molotova trong nhiều giờ, chúng tôi nói chuyện cởi mở với nhau. Ông ta nói bộ chỉ huy Pháp đã lừa dối và bỏ rơi ông! Bao nhiêu lời hứa trước trận đánh không được thực hiện. Tôi trả lời dù sao thì Điện Biên Phủ cũng tan vỡ. Ông công nhận, tán thành khi tôi nói về sự ngu ngốc của cuộc chiến tranh Đông Dương và thừa nhận chủ nghĩa cộng sản sẽ thắng lợi ở Châu Á. Chúng tôi có cảm tình với nhau lắm.

Sao tôi không tin Jensens dù khó hình dung được tình bạn bè của một viên tướng đánh thuê cao đạo với một tay Do Thái dữ tợn. De Castries là con người trong sự chờ đợi lâu dài, trước đòn tấn công của người Việt, đã cho rải tờ rơi trên phòng tuyến địch vây quanh Điện Biên Phủ. Ông rêu rao khinh thường ông Giáp hèn nhát không ra lệnh tấn công. Điều đó xảy ra chỉ cách đây mấy tháng - nhưng dĩ nhiên người ta, cả de Castries cũng có thể thay đổi lạ lùng vì thảm bại.

Thực vậy, cả những quân lính giỏi nhất của Điện Biên Phủ, cả những lính dù đã hy sinh vô vọng, cũng bị tác động. Tôi hình dung được nỗi thất vọng của họ ở Normandie mấy ngày sau khi được giải phóng. Trong quán bar nổi tiếng này của Hà Nội mà nhiều "tù binh" ăn uống, tôi nhận ra ngay các chỉ huy lính dù của Điện Biên Phủ. Tuy bề ngoài giống những sĩ quan khác, họ vẫn toát ra một khác thường nào đó: họ không còn biết mình là ai, bối rối và lúng túng do bồn chồn. Một số nói quá nhiều, số khác không hề nói gì.

Ba anh hùng của Điện Biên Phủ uống champagne ở một bàn với các bà lai. Đấy là một tiệc rượu hoàn toàn vì lịch sự; họ đang mải mê với ý nghĩ của mình. Dở say, một người vỗ lưng tôi:

- Chúng tôi không thể nói với anh chúng tôi đã cảm thấy thế nào. Đó là điều không "nói được". Chúng tôi đã mất lòng tin.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #15 vào lúc: 23 Tháng Sáu, 2017, 09:19:34 pm »


Một người khác, một đại uý nổi tiếng, nói với tôi như mộng du:

- Tôi uống để quên nhưng không quên được. Tôi chỉ huy quân lính đánh đến cùng; họ nghe theo. Ngày cuối cùng, tôi ra lệnh cho một anh chột và một anh cụt chân sử dụng súng cối. Một trong những hạ sĩ quan của tôi, bị thương ở bốn chỗ, tiếp tục ném lựu đạn. Họ đều bị tử trận. Phải chăng tôi có tội đối với họ? Vì nghề nghiệp mà tôi dẫn quân lính đến cái chết. Chúng tôi là lính dù. Nhưng tôi có quyền đày đọa người của tôi một cách vô ích như vậy không? Họ là những người tuyệt vời, là anh em của tôi. Chúng tôi đã ở bên nhau trong những trận đánh lớn. Tôi ân hận chính ở Điện Biên Phủ. Họ bị hy sinh chẳng để làm gì cả. Ngay từ đầu chúng tôi đã biết thất bại và Bộ chỉ huy đặt chúng tôi vào một cái bẫy chết.

Tôi nghĩ về mọi điều đó khi là tù binh của quân Việt. Tôi đã thấy họ đúng như người họ. Tình cảm của tôi đối với họ thật phức tạp. Có nỗi ghê sợ, lòng căm hận và cả sự thán phục. Làm sao không kinh ngạc về kết quả họ đạt được? Tôi không bao giờ nghĩ con người có thể cố gắng đến thế và thực hiện những kế hoạch chính xác và có tính toán đến thế. Tôi xấu hổ về lề thói Pháp già cỗi của chúng ta.

Người Việt giải thích cho chúng ta họ thắng vì họ có lý tưởng. Họ chê trách chúng ta thiếu điều đó. Tôi đã kể với họ về lòng can đảm ghê gớm của những lính dù trẻ của tôi ở Điện Biên Phủ. Họ trả lời: "Chủ nghĩa anh hùng phải chăng là một giải pháp?"

Than ôi, tôi biết là không. Thời gian bị giam giữ tôi đã suy nghĩ. Tôi hiểu sự dũng cảm vô vọng chỉ là một yếu đuối. Cùng với các bạn, sự suy sụp của các sĩ quan cao cấp. Chúng tôi đã kết luận, phía trên cấp bậc chỉ huy, người ta chỉ còn là bùn và mỡ,

Trong trại chúng tôi có một cách giải trí hơi độc ác: chúng tôi xem xét kỹ lưỡng các chỉ huy chính ở Đông Dương, chỉ tha thứ cho rất ít người trong bọn họ: Vanuxem, Bigeard, d'Alencon, cả Cogny nữa.

Chúng tôi đau đớn phát hiện thấy quân đội Pháp lún sâu trong thể chế già cỗi. Tất cả chúng tôi cùng một chẩn đoán. Đối với chúng tôi bi kịch chiến tranh Đông Dương là ở chỗ một Đội quân viễn chinh siêu hiện đại đã không thể đương đầu với một đội quân cách mạng.

Trong trại tù đụng chạm với thực tế Việt Minh, chúng tôi cảm thấy sự mù quáng của các ban tham mưu thật kỳ lạ. Trong tám năm các tướng tá đánh nhau với một cuộc cách mạng mà không biết nó là gì, vẫn dùng những phương pháp của cứng nhắc được dạy trong trường quân sự. Khi tình hình tồi tệ đi, Bộ Chỉ huy sử dụng biện pháp cổ điển - nói dối. Chúng tôi sát cánh thảm họa đã ba năm nay, và may mắn tránh được nó nhiều lần. Việt Minh luôn luôn tự phê bình và cải tiến tình hình. Về phía mình, chúng tôi luôn tỏ vẻ, tuyên bố mọi việc tiến triển tốt và các tướng tá hiềm khích nhau. Các ban tham mưu hoạt động tối đa, không ngừng xây dựng những chiến lược mới, luôn luôn lạc quan hơn, lý thuyết và trí tuệ hơn. Chỉ cần một sai sót là cả hệ thống chúng tôi đổ sụp. Tướng Navarre ủng hộ việc đó. Điện Biên Phủ không phải là một hậu quả tình cờ mà là một phán xét.

Nhưng chúng tôi, những người thua cuộc đã làm chết quân lính của mình, thì ra sao? Chúng tôi sẽ tin vào việc gì? Chúng tôi thất vọng, về bại trận thì ít mà về sự mục ruỗng thì nhiều.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #16 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2017, 06:11:01 pm »


Việt Minh vào Hà Nội

Trình tự cuộc bại trận tiếp tục. Hà Nội chỉ còn là sườn, ngày di tản đã đến: mồng 9 tháng mười năm 1954.

Lá cờ Pháp được hạ xuống chiều tối mồng 8 trong một buổi lễ đơn giản. Đã về đêm và một cơn bão nổi lên. Bên trong sân vận động Mangin rất thô sơ với đường vòng bằng đất, gió mưa ùa vào những dụng cụ thể thao và cầu môn bóng đá; ở giữa dựng lên một cây cột, mờ đi trong hoàng hôn, biến trong mây mưa sát mặt đất. Khó khăn lắm mới thấy lá cờ treo trên đó, lá cờ Pháp cuối cùng ở Hà Nội. Tôi nghe thấy những mệnh lệnh khàn khàn. Vài trăm người bồng súng. Một hạ sĩ quan kéo lá cờ xuống, gấp vào và ôm hôn, trong lúc kèn thổi buồn bã. Im lặng bao trùm nhưng tôi thấy mãi khuôn mặt của tướng Cogny, tất cả những khuôn mặt khô cứng của quân lính ông, trong mấy giây, thể hiện đỉnh sâu cay đắng.

Ngày hôm sau quân đội Việt Minh, phân tán từ khi ngừng bắn, có mặt để chiếm hữu thành phố. Đây là lần đầu người ta thấy họ ban ngày. Tuy luôn luôn đe dọa và hiện diện, họ giấu mình từ nhiều năm nay trong núi rừng và đồng ruộng. Họ chỉ xuất hiện để chiến thắng.

Đội quân viễn chinh trao trả Hà Nội lại cho người Việt chưa bao giờ đẹp đẽ hơn thế. Những nghi ngờ về ngày mai của việc ngừng bắn đã biến mất. Bây giờ người ta không tìm ra một trong các sĩ quan, hạ sĩ quan Pháp không chửi rủa đáng lẽ phải tiếp tục chiến tranh. Người ta giấu kín những tù binh tìm lại được, nhân chứng của sự bất lực.

Than ôi! Họ không còn đánh nhau nữa mà là thực hiện những bổn phận nhục nhã của cuộc bại trận. Trong ngày tang tóc này phải chấp nhận chúng thật đẹp. Rời bỏ thành phố là một cuộc diễu binh, có những hàng xe tăng, các đại liên ở tư thế bắn, binh lính mũ sắt, các sĩ quan cao ngạo. Việc rút lui vững mạnh và trật tự diễn ra như một nhịp điệu đồng hồ, từ khu phố này sang khu phố khác, từ đường này đến đường khác đến tận sông Hồng và cầu Doumer1. Đấy là quang cảnh rất cổ điển.

Đấy cũng là tính kiêu ngạo thuần tuý và dửng dưng đặt lên trên thảm họa. Người Pháp thể hiện với Việt Minh một sự lễ độ hoàn hảo làm huỷ diệt hiệu lực của họ, lấy đi thực tế của họ. Người Pháp giúp đỡ họ vào Hà Nội - tiếp đón, bố trí chỗ ở, thậm chí cho họ mượn xe để chuyển quân vào.

Những người trong Đội quân viễn chinh xử sự theo lối hào hoa lịch thiệp, để lại cho những người tiếp nhận những tài sản đáng lẽ phải phá bỏ vì tai họa. Tính kiêu ngạo ấy thật đẹp nhưng không vì thế mà ngăn cản được một quân đội nhà nghề bị một đội quân nông dân đánh bại. Những Việt Minh tiến vào Hà Nội còn là những người dân quê. Quân phục chưa phải đã hoàn toàn đồng phục, mũ chưa ra mũ. Sĩ quan của họ luôn luôn vẫn là những người của nhân dân. Không phải vì họ không mang lon mà người ta không phân biệt được họ và người của họ mà vì tinh thần họ như nhau.

Việt Minh thắng trận với đôi chân đi hàng chục, nhiều chục nghìn cây số, đơn giản không ngờ được. Ngoài tiểu liên, mỗi chiến sĩ chỉ có ruột tượng gạo quanh cổ và trên lưng một ba lô nhỏ buộc vào đấy là chiếc ve lá cờ đỏ.
____________________________________
1. Cầu Long Biên
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #17 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2017, 06:11:41 pm »


Trong mỗi đơn vị toàn bộ trang bị giảm thiểu trong mấy gói mang đầu gậy, nồi niêu. Việc chăm sóc thuốc men gần như không có. Và vũ khí phải luôn luôn vác trên lưng người.

Chỉ với mấy trọng pháo 75 ly và những khẩu súng cối mà Việt Minh đập nát ở Điện Biên Phủ những người Pháp có ca nông, xe bọc thép, máy bay rải khắp bề mặt Đông Dương.

Đấy là thực tế mà Đội quân viễn chinh cố quên đi một cách vô vọng qua thái độ của mình trong những giờ bi kịch rút lui khỏi Hà Nội.

Vì Hà Nội của Đội quân viễn chinh co lại như một tấm da buồn thảm. Đến trưa những lữ đoàn Pháp cuối cùng chỉ cách bến sông Hồng một cây số. Rồi đến lượt họ rút qua cầu Doumer, tác phẩm bằng sắt cũ, dài hai cây số mà Bộ chỉ huy Pháp đã sợ đến thế trong suốt cuộc chiến tranh! Họ vẫn luôn sợ Việt Minh phá đổ cầu nhưng Việt Minh đã không đụng đến, biết rằng có ngày cây cầu sẽ là của họ.

Trên bờ sông trước mặt Hà Nội chỉ còn lại một đại đội. Chỉ còn lại một toán sĩ quan chào nhau theo nghi thức, chỉ còn một đại tá ấp úng mấy câu xúc động với các nhà báo; quân đội Pháp chẳng còn lại gì. Lúc đó có một chiếc ô tô phía trước là một đại uý má phính, bụng phệ và dáng ẻo lả. Ông ta đưa cánh tay béo tròn ra vẫy và kêu giọng the thé: "Chờ tôi. Chờ tôi”.

Trong lúc Đội quân viễn chinh rút lui, Hà Nội nở ra như một bông hoa đỏ, từng cánh một.

Chỉ trong mấy giây không khí hồi sinh lan ra khắp nơi. Người Pháp lùi vào hư vô. Xung quanh họ, thành phố chết - không một bóng người, một tiếng ồn, một lá cờ. Nhưng Việt Minh chỉ phía sau họ mấy mét. Và bỗng nhiên đám đông khổng lồ của Châu Á xuất hiện sau bước chân họ. Trong quá trình giải phóng, vào giờ phút này đường phố, nhà cửa biến mất sau rừng cờ màu đỏ máu. Có thể nói một làn sóng đỏ tràn lên. Chí trong mười lăm phút, xã hội "tự do” đã được tổ chức. Giữa những băng-rôn, ảnh Hồ Chí Minh và các vòm chiến thắng, các uỷ viên chính trị dặn dò nhắc nhủ.

Tôi ở lại Hà Nội, thấy được "niềm vui" nảy nở dưới mắt tôi. Không hề là một kích động. Đám đông không tỏ ra quá khích mà rất đúng mực. Mỗi người dân làm theo lời chỉ dẫn. Những "cán bộ" đến cùng các đoàn người hô vang khẩu hiệu, dân chúng hô theo. Các uỷ viên chính trị, dân chúng, nhảy múa điệu vũ Giải phóng. Mọi việc đều được dự kiến, không bất ngờ.

Hà Nội năm 1954 này, Hà Nội chiến thắng của Hồ Chí Minh thật khác với thành phố đỏ năm 1946 say sưa nổi dậy và giết chóc.

Tính thụ động này không chỉ do chiến tranh bị huỷ diệt. Đây là vấn đề khác. Việt Minh đã thay đổi, không muốn để tự phát cá nhân mà chứng tỏ được niềm vui thích tập thể. Họ tổ chức "tình cảm”, đặt những thể lệ. Các cá nhân khi thực hiện thậm chí không còn biết họ có thành thực không. Họ không dám nêu vấn đề.

Để tự bào chữa, chiến binh của Đội viễn chinh nói: "Chúng tôi không bị đánh bại vì một quân đội mà vì một dân tộc." Không đúng. Người Pháp không bị đập nát bởi sự nổi dậy tự phát của quần chúng mà, do đường lối tổ chức cách mạng. Những người cộng sản Châu Á đã sáng tạo một phương pháp mới để chiếm lĩnh thể chất và tinh thần phục vụ cho mục đích của họ. Người Pháp không thể chống khoa học tâm lý quần chúng ấy. Ở Đông Dương chỉ có những người Pháp truyền thống với những đức tính và sai sót của lịch sử ngàn đời của họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #18 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2017, 06:12:12 pm »


Việt Minh không chỉ khó phân định đối với người Pháp. Họ cũng như vậy đối với những người dân Hà Nội. Dân chúng chờ đợi các đoàn quân chiến thắng vào thành, nghĩ rằng Hồ Chí Minh sẽ xuất hiện trên một ban công vẫy chào chiến thắng. Nhưng Việt Minh phân tích tình hình và kết luận những thể hiện huy hoàng ấy phản tác dụng.

Không ai biết cụ Hồ và ông Giáp ở đâu. Không ai nói về họ. Chỉ mấy ngày sau nhân dân mới được thông báo trên một bài báo ngắn họ đã về Hà Nội, cũng không nói ở chỗ nào.

Thực tế, Việt Minh không tổ chức lễ hội chiến thắng mà là lễ hội "dân chủ", thành quả của chiến thắng. Tôi có tham dự một buổi lễ. Tôi thấy giai cấp tư sản trở thành dân tộc, thay đổi bản chất, ý thức được mình trong quá trình buổi lễ mang tính chất thiêng liêng. Trong hai ngày nhân dân mừng hoan hỉ. Cả thành phố như một bàn thờ trang nghiêm. Có huấn luyện viên hướng dẫn, người ta tập đi, tập hát, diễu hành và xử thế dân chủ. Ngày đêm trên đường phố từng đoàn người tập dượt, cả thành phố như một trường học trình diễn.

Cuối cùng là buổi sáng đoàn kết dân tộc. Năm giai cấp được biết - công nhân, nông dân, binh lính, tiểu tư sản, tư sản yêu nước - tập hợp nhau thể hiện tình thân ái.

Bốn giờ sáng toàn thể nhân dân đã sẵn sàng, tập trung từng tốp hàng trăm nghìn người trên đường phố. Mỗi hè phố là một khối sống động đàn ông, đàn bà như bao trùm dưới vòm cờ. Giữa những lớp bao quanh, những đám đông im lặng trong tư thế chuẩn bị, hàng trăm đoàn người chờ thời điểm rung chuyển trên đường. Có nhiều loại hàng ngũ. Đông nhất gồm thiếu niên mặc theo lối hướng đạo sinh - người Việt trước hết lo phân phối khăn quàng cho nam nữ thiếu niên dưới hai mươi tuổi. Người ta cũng thấy những hàng ngũ các ông già, phụ nữ, xã viên hợp tác xã, thị dân. Phụ nữ địu con trên lưng. Thợ giày yêu nước mang dụng cụ trước người.

Chỉ có nhân dân tồn tại. Tất cả là vì nhân dân. Không có khán đài chính thức, các nhân vật, đoàn ngoại giao. Phía trên khối người chỉ một bức ảnh, ảnh cụ Hồ Chí Minh. Các cô gái, bận quần áo trắng, kính cẩn đặt bức ảnh trên ngọn tháp hồ Gươm, nơi linh thiêng của Hà Nội.

Những đám đông ấy đứng tại chỗ cho đến mười một giờ. Rồi chỉ trong mấy giây những dòng người bắt đầu chảy khắp nơi trong trật tự kỳ lạ. Tôi tự hỏi làm sao trong một thời gian ngắn như thế Việt Minh có thể biến dân chúng không rèn luyện ấy trở thành một khối người đồ sộ biểu tình dân chủ? Tôi chẳng còn ngạc nhiên là trước đây, trong những điều kiện vô cùng khó khăn họ huy động những lực lượng đông đảo - những đoàn dân công, đàn ông và đàn bà theo đường mòn rừng núi tiếp tế cho quân lính bao vây Điện Biên Phủ.

Một tiếng hô vang lên từ chân trời bao trùm thành phố. Dân chúng chào đón quân lính trung đoàn Thủ đô, trung đoàn xuất sắc của Việt Minh đã dẫn đầu cuộc nổi dậy ngày 19 tháng mười hai năm 1946 để đồng loạt tiêu diệt hết người Pháp. Sau đó, trung đoàn là hạt nhân của sư đoàn 308, đơn vị bảo vệ sắt, tham gia vào mọi trận đánh và tấn công đòn quyết định ở Điện Biên Phủ. Quân Pháp sợ hãi mỗi lần phải chạm trán với sư đoàn này.

Trung đoàn Thủ đô xuất hiện trên bờ con hồ nhỏ mà đội quân viễn chinh đã bao lần diễu binh. Hôm nay không phải một cuộc diễu binh mà chỉ là buổi lễ của các đồng chí chiến sĩ. Những người chiến thắng bận đồng phục màu xanh lá cây. Họ không chú trọng bước đều, tiến về phía trước, mềm dẻo, lộn xộn như đi trong rừng. Mỗi người lính cầm vũ khí như dụng cụ làm việc của mình.

Đoàn quân này không tự phô trương để tác động dân chúng mà để nói chuyện với họ. Câu chuyện giữa quân lính với "dân chúng" là những bài hát, vỗ tay và hoa, tăng lên từng phút một. Đám đông hô vang và làm những cử chỉ nồng nhiệt. Nhưng tính chất mãnh liệt ấy được chỉ đạo, hướng dẫn có tính toán. Chính những uỷ viên chính trị đi trong hàng ngũ cách nhau mười lăm mét một là những chỉ huy dàn nhạc. Binh lính mang vũ khí "trả lời". Họ nhảy nhót, bước theo vũ điệu, giơ nắm tay, hét to lên, chào với những bó hoa lớn, chơi những bài hát ngắn bằng đàn măng-đô-lin và kèn ác-mô-ni-ca. Một số đơn vị nhảy múa, những đơn vị khác hát hoặc hô vang trời.

Dân chúng không ngớt khuyến khích quân lính vui hơn nữa. Quân lính kích thích dân chúng càng phấn khởi hơn. Lời qua tiếng lại dồn dập đến nỗi không phân biệt được yêu cầu và lời đáp lần lượt bung ra. Chỉ còn là một sự lẫn lộn tạm thời mà hàng trăm ngàn người, dân và quân như những cỗ máy làm hàng nghìn, hàng triệu cử chỉ được chỉ đạo. Đấy là một hình thức cao của trật tự đỏ. Đấy là mệnh lệnh từ trên xa qua đó cả thành phố tự hòa đồng vào chế độ. Từ nay Hà Nội hoàn toàn là Việt Minh: nước Pháp bị gạt bỏ vĩnh viễn.

Trong lúc ấy Đội quân viễn chinh rút xuống Hải Phòng. Quân Pháp bị đuổi khỏi Hà Nội vinh quang xuống thành phố cảng lớn này mà họ đã chiếm đóng nhiều năm và sẽ phải rời bỏ sau mười tháng. Tướng Cogny đứng thẳng người trên một chiếc xe. Tất cả các đội quân ở Bắc Kỳ chào tôn vinh ông và diễu binh hùng tráng. Tướng Cogny đề nghị giám mục Hải Phòng cho kéo chuông ở nhà thờ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #19 vào lúc: 25 Tháng Sáu, 2017, 06:13:40 pm »


Đông Dương bị mất

Sự thất bại không dừng lại. Điện Biên Phủ và Hà Nội chỉ là hai giai đoạn đầu. Ở phần còn lại của Đông Dương người Pháp tiếp tục xuống dốc.

Những người Pháp hy vọng cứu vớt một số phần còn lại nhờ vào hiệp định Genève. Họ chia cắt Việt Nam làm hai, nghĩ sẽ có hai con bài để chơi. Đây chỉ là một ảo tưởng. Họ đã mất lực lượng và có những lực lượng mới xuất hiện. Từ nay Đông Dương thuộc Pháp cũ là Trung-Nga ở phía Bắc và Mỹ ở phía Nam.

Ở miền Bắc bí mật về "Hồ Chí Minh phúc hậu" biến mất nhanh chóng. Chỉ trong mấy ngày người ta nhận thấy Bắc Việt Nam chỉ là một vệ tinh đỏ. Chẳng bao lâu nước Pháp chỉ còn lại mấy chục người Pháp ở Hà Nội sống một cuộc sống tập trung cao sang trong "Ngôi nhà Pháp". Một Sainteny đã trở lại đây và sẽ thất vọng nhanh chóng.

Ở phía Nam người Pháp không còn cần thiết nữa. Từ khi họ thôi đánh nhau, người Việt Nam và người Mỹ không cần đến họ nữa. Miền Nam Việt Nam biến thành một quốc gia phụ thuộc vào lá cờ sao như Philippines, Thái Lan, Đài Loan. Tổng thống Diệm trước hết là công cụ loại bỏ họ.

Như vậy chủ nghĩa cộng sản đã đuổi họ, chủ nghĩa dân tộc cũng thế. Từ sau Điện Biên Phủ người Pháp không được kể đến ở Châu Á, hầu như bị xóa khỏi lục địa da vàng. Người Châu Á hoàn toàn không biết đến họ, những người da trắng khác ở Viễn Đông nghiêm khắc phán xét họ. Gay gắt nhất là người Mỹ.

Ở Hồng Kông, trong Câu lạc bộ các phóng viên, một nhà báo Mỹ - một người theo đạo Tin Lành, gầy và cuồng tín - nói với tôi:

- Ở Điện Biên Phủ, đáng lẽ chúng tôi phải làm cho các anh thắng. Có thể đấy, tuy quân đội các anh nghèo nàn nhất thế giới.

Một trong những đồng nghiệp của anh cố an ủi tôi:

- Tôi thì tôi thán phục vì là quân đội của "sự nghĩa hiệp”. Tôi muốn nghe nói đến sự nghèo nàn hơn là những cử chỉ đẹp. Chính tôi cũng dùng cách diễn tả ấy, đã viết nó. Nhưng tôi ghét nó từ miệng một người Mỹ vì biết nó có nghĩa như thế nào đối với họ. Điều đó muốn nói quân đội Pháp là sản phẩm của một nền văn minh chết, như chiếc ghế phô-tơi Luis XV.

Tôi có thể trả lời những người Mỹ ấy quân lính nước họ không bao giờ tiến hành được một cuộc chiến tranh Đông Dương, không chịu đựng được sự mệt nhọc, tàn bạo, thiếu tiện nghi ở đây. Nhưng đáp lại? Vì người Mỹ sẽ không đánh nhau như lính Pháp. Họ sẽ dàn thành hàng để tiến hành một cuộc chiến tranh khác, sẽ đưa tới bao nhiêu phương tiện. Và làm tan nát đất nước, dân chúng bằng bom đạn và đô-la. Cuối cùng rất có thể họ thành công hơn. Hơn nữa một lý do cơ bản bó tay người Pháp, vốn không có sự vượt trội bàn đầu như họ. Ở Đông Dương, Đội quân viễn chinh không bao giờ có những nguồn lực theo tầm của Mỹ. Thế mà họ đã áp đảo so với Việt Minh!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM