Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:11:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lão thơ - Thơ và đời  (Đọc 2687 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vanghoquang
Thành viên
*
Bài viết: 10


« vào lúc: 23 Tháng Chín, 2016, 02:26:47 pm »

                                     LÃO THƠ -THƠ VÀ ĐỜI

Mặt nhăn nhó Vứt huỵch khúc gỗ xuống lề đường,lão lẩm bẩm một mình-đúng là số chó,lại dựng lều với chả lán.bảy mươi tuổi, hai lần cháy quán chợ,một lần cháy nhà,lần này chuyển chợ là lần thứ ba.
Tiếng bà vợ trong nhà ré lên:
- Khẩn trương,khẩn trương lên, mai phải xây xong quán chợ, để bán hàng…
lão đảo mắt lườm về phía tiếng nói, miệng lẩm bẩm: rõ khỉ ! mới có hai hôm không được đút tiền vào hòm sắt mà đã nhặng xị lên. nghỉ mươi hôm chắc mụ rồ mất.
Thong thả rít một hơi thuốc lào,ngán ngẩm nhìn đống hàng sắt ngồn ngộn lão thầm nghĩ; may mà trời phú cho sức khỏe hơn người, bảy mươi tuổi đầu óc lão vẫn minh mẫn, tính tiền không cần máy, chẳng nhầm một xu,lão chẳng cần thuê ai, mình lão mang vác tuốt tuột.nhìn mấy ông bà tuổi năm sáu mươi đi tập thể dục lão bĩu môi xem thường:đúng là cái đồ rửng mỡ, lúc trẻ chả tập tành gì, giờ lão hóa sắp chết mới giở chứng luyện với chả tập. lão mày đây thời trai trẻ đá bóng chạy như gió,ba lô con cóc 25 kg, hành quân dã ngoại, đi vòng quanh núi Là, nhẹ như không,đàn, ca, thơ phú không phải tay vừa.nghĩ đến thơ lão lại giật mình thảng thốt.tiên sư khỉ…bao nhiêu lần thề dí… B.. vào Thơ mà không được,vài năm gần đây con cái trưởng thành, kinh tế dư thừa lão lại giở “túi thơ” giấu kỹ bao năm qua ra,lão cặm cụi làm thơ, mặc dù mụ vợ không khoái thỉnh thoảng mắng lão là đồ hâm…
Mà ở xó chợ toàn quân mổ trâu bò, phường buôn bán, lão có làm thơ, đọc cho họ nghe cũng chẳng khác nào “khiêu vũ giữa bầy sói” thì đúng là hâm thật.
Thơ của lão đọc cũng tàm tạm, không có bài nào xuất sắc để đời, nhưng thơ lão mang tính thời sự. có ai đặt hàng bài thơ về chủ đề gì ,hôm sau lão sáng tác đúng yêu cầu ngay.đài báo nói nhiều về ngày tận thế, lão làm thơ tiên đoán .
“…Nhưng em ơi!chẳng có ngày tận thế
Trái đất vẫn quay đều,trời vẫn lấp lánh những vì sao
Còn em vẫn ở nơi, cuối trời góc bể
Để trái tim anh,thổn thức dạt dào.”
Thơ tình thì lão dấu nhẹm thỉnh thoảng đọc cho người thân nghe bởi lão phải giấu vợ ,vợ mà biết thì lão chết.
Có lần bà vợ đã tru tréo lên vì cái tội trong thơ của lão, làm từ ngày xửa ngày xưa lại thấp thoáng có cô mắt nai,mắt ngọc nào đó ?
Nhiều lần lão gửi thơ cho các báo nhưng chẳng thấy báo nào đăng…báo chí bây giờ chỉ đăng toàn chuyện cướp, giết, hiếp chứ ai hơi đâu đăng thơ lão…
Có người mách lão, bây giờ muốn thơ được đăng lên báo là phải mất tiền. mà phải ăn mặc như giới văn nghệ sỹ,phải để râu dê ,tóc dài búi tó củ hành,mặc quần bò bẩn bẩn, đi dép chân màu xanh chân màu đỏ, đến tòa soạn đưa tiền,nói khó với người ta, thì thơ của ông mới được đăng lên mặt báo…lão sửng cồ chửi : thế thì dí …C… vào.
Vừa rồi ngày hội đoàn kết của khu dân cư lão hì hụi làm thơ đến nửa đêm mới xong, ấy vậy hôm sau khi đọc thì chẳng ai để ý nghe…các thính giả còn mải nhồm nhoàm, đánh chén…ơ hay lão định mang đàn đi gảy tai trâu đấy phỏng? Chẳng bù khi lão còn trong quân ngũ, những năm 1966 -1970 thơ lão đọc trong hội trường, trước mấy trăm bộ đội, họ vỗ tay tán thưởng ầm ầm.Báo Văn Nghệ Quân Đội và nhiều báo đã đăng thơ của lão,tiền nhuận bút lúc bấy giờ còn nhiều hơn vài lần lương phụ cấp thượng sỹ của lão. Dở nỗi tính lão chẳng biết nịnh ai, nhiều thủ trưởng tập tọe làm thơ đưa lão xem mong được câu khen ! lão xổ toẹt nói vỗ vã : Thơ gì mà như bài cúng…các thủ trưởng giận tím mặt .Tính khí lão thế,bây giờ cũng vậy lão chỉ xem,đọc, ngả mũ trước các nhà thơ lớn như:Tố Hữu,Chế Lan Viên, Hàn Mạc Tử , hainơ, puskin…còn lại các vị làm thơ làng nhàng lão gọi bằng thằng tuốt tuột.
Tai nạn đầu tiên về thơ cũng chính ở thời gian lão là lính tỉnh đội Tuyên Quang,đang là giáo viên dạy bổ túc văn hóa cho hạ sỹ quan ,khi đó lão đang độ sung sức. thơ, ca, đàn hát, thể thao thể dục sôi nổi. đơn vị đang chuẩn bị cử người đi điều tra lý lịch để kết nạp đảng cho lão.Những vần thơ gây “tai nạn” cho lão nếu bây giờ được coi là, mang tính nhân văn, tiến bộ,thậm chí có thể được giải no ben hòa bình, thì khi ấy theo quan điểm của một số người trong đơn vị không ưa lão cho là: ảnh hương đến tinh thần chiến đấu giải phóng miền nam, Chỉ tại bài thơ lão viết có đoạn rất hồn nhiên :
“…Tôi không muốn nòng súng kia bốc khói
Tôi muốn thấy em thơ dưới mái ngói đỏ tươi…”
Rồi Lão bị quay như chong chóng, bị nâng quan điểm. bây giờ giới trẻ gọi là bị “ném đá”. Dậu đổ bìm leo, người ta moi móc lý lịch từ đời cụ,đời ông của lão ra mà phán xét.Thay vì đi học lớp tuyên văn báo chí, lão bị điều đi làm thủ kho bom,mìn ,rồi đi canh gác xác máy bay Mỹ cháy. Đi đâu lão cũng khệ nệ mang theo hòm đạn chứa đầy bản thảo thơ .Vốn được học hành tử tế lại có sức khỏe, việc gì lão cũng hoàn thành, lão tự nhủ ơ kìa ! mình bộ đội là để đi chiến đấu,phục vụ quân đội, giải phóng Miền Nam chứ có làm ông nọ bà kia đâu nhỉ? hết chiến tranh về,ôn thi vào đại học Văn khoa cho đúng nguyên vọng. tha hồ mà viết lách,làm thơ.Biết thế cái đêm ở ngã ba Tam Dương, lão trốn quách lên xe ô tô theo đơn vị ,vào chiến đấu ở chiến trường miền Nam cho thỏa trí trai. “không xanh cỏ cũng đỏ ngực”. đêm ấy cả đơn vị bị đánh thức lúc nửa đêm để đi chiến trường B nhưng vì lão và một số người có trình độ văn hóa hết cấp 3, nên cấp trên giữ lại để đi học lớp quân khí, chuyên về khí tài quang học.
Sau năm năm binh nghiệp, xuất ngũ với quân hàm thượng sỹ.về địa phương vì có trình độ văn hóa lão được làm kế toán Hợp Tác Xã ăn uống RỪNG LIM, chuyên bán lòng Lợn,Tiết Canh và phở không thịt, thời chiến tranh gọi là “phở không người lái” .bốn giờ sáng lão dậy sớm , giữ chân lợn cho ông chủ nhiệm hợp tác chọc tiết , cả ngày sổ sách, tối tối lão ngồi ôn bài quyết thi đại học. một năm sau lão có giấy gọi đi học trường đại học ngoại ngữ, khoa tiếng Nga.Lão hăm hở vác cái hòm đạn đựng đầy sách về Hà Nội nhập học.cả dòng họ hãnh diện vì Lão. Sau hai năm dùi mài sách vở tiếng Nga, Lão đã xì xồ hát được bài “Đôi Bờ” bằng tiếng Nga.rồi lão quen một cô gái mang tên một loài hoa,cô học đại học sư phạm ,Lão tấn công ,tỏ tình toàn bằng thơ.lời thơ chau chuốt,tinh tế,lãng mạn…Chẳng biết cô có xiêu lòng hay không? Ấy rồi một buổi tối Lão đi tắt qua cánh đồng gần làng Nhân Chính, đường đột đến thăm nhà cô gái, Lão bất ngờ thấy cô đang leo tót lên chiếc xe đạp Phượng Hoàng của thằng cha tóc đít vịt,quần loe nào đó… thất vọng xé toạc bài thơ tình đang định mang sang tặng cô. Từ đó Lão ít làm thơ tình hẳn . Sau này Lão ngộ ra rằng với các cô gái họ thích những dạng người có của, hơi ngu ngu,kệch cỡm, ga lăng một chút, chứ tỏ tình cao siêu, nói năng uyên bác,những vần thơ bác học chưa chắc đã chinh phục được họ.
Sau cuộc tình bất thành đó,rồi lão cũng lấy vợ, cuộc hôn nhân chóng vánh, sau khi lão về nghỉ hè một tháng, lần này lão chẳng tốn một vần thơ nào,cô gái tên Mị,cô thuần phác,chân chất,đặc trưng của các cô gái đồng bằng bắc bộ.ngày đưa lão về làng báo cáo gia đình dòng họ, các vị trưởng lão ai cũng tấm tắc khen cô Mị khéo chọn chồng,không những biết mò cua,tát cá ,gánh phân ,tối đến bên cái sân gạch, dưới ánh trăng lão nói chuyện về văn hóa nước nga… lão đọc bài thơ “Đợi Anh Về” của simônôv bằng tiếng nga cho các vị trưởng lão nghe,ai cũng trầm trồ thán phục.Có cụ vỗ đùi đen đét phán :
- Anh này mai sau không làm ở bộ ngoại giao, thì cũng làm thông ngôn cho chuyên gia liên Xô chứ chẳng chơi.
- Thì vưỡn…
- Được như cậu này là hiếm lắm đấy-phúc đức cho nhà cô Mị Quá.
Ấy vậy mà có một cụ có vẻ uyên thâm, nói nhỏ vào tai lão :
-Tôi nói khí không phải anh bỏ qua nhé.tôi trông tướng anh là vất vả về đường công danh lắm đấy, nhiêu truân chuyên lắm ,dáng anh đi tất bật,tai nhỏ, mà anh cười như khóc,khuân dung không được tươi tắn.số anh vất vả !
Khi đó lão không để ý lắm, nhưng sau này lão nghiệm thấy quả là đúng thật.
Lấy vợ được hơn một năm,gia đình thấy lão hay về thăm vợ ,rồi lão ở riết trong nhà. cả nhà gặng hỏi lão chỉ ậm ờ cho qua chuyện.cho đến bây giờ việc lão bỏ học khi sắp ra trường vẫn còn chưa được giải mã.Người đoán già đoán non- chắc cô Mị muốn giữ chân lão ở nhà, cô sợ lão ra trường, như cá ra biển lớn,công việc toàn đi theo Tây với đầm ,mình chân chỉ thật bột thế này, làm sao giữ được lão…Có người lại thì thầm:Có khi lão bị ảnh hưởng cái thằng cha chết tiệt họ Vàng đang làm to ở trung ương, chẳng biết bất mãn thế nào lại trốn sang Tàu, khổ thân lão mà có máu mủ ruột thịt gì đâu,Tay họ Vàng là anh bà vợ cả của bố lão,lão là con bà hai thì có dính dáng gì đâu nhỉ? Bố đẻ,rồi cả nhà lão chẳng ai biết mặt cái tay họ Vàng này, chẳng nhờ vả gì ,thì hệ lụy gì nhỉ?
Vào những năm 80 của thế kỷ trước. người ta thấy một gã trung niên ăn mặc nhàu nhĩ, mũ len đội lụp xụp che gần hết mặt, mở một quán sửa chữa xe đạp nho nhỏ ở cổng chợ phố huyện,đồ nghề chẳng có gì nhiều ngoài một ít đồ phụ tùng xe đạp,vài cái cà lê,mỏ lết đựng trong cái hòm gỗ nguyên là cái hòm đạn 57ly của Liên Xô và một thùng đạn đại liên 12,7ly làm ghế ngồi.sáng sớm gã ngồi quay mặt vào tường nhồm nhoàm nhai cái bánh Trưng to tướng,gã làm việc cặm cụi đến tối, luôn tránh mặt người quen, gã mặc cảm…làm sao gã không mặc cảm, bởi cuộc đời gã như hạt giống tốt nhưng gieo vào chỗ đất không có nước,tuổi trẻ của gã như một bức tranh giang giở.Mười năm đi bộ đội,rồi làm kế toán ,đi học gã vẫn tay trắng,không có bằng cấp gì,không sổ gạo không tem phiếu.đám bạn học ngày trước gã thường chê là học ơ tờ rốt ,đầu óc đậu phụ nay đã có chức sắc,địa vị ở cấp huyện, cấp xã,thấy họ gã tuy ngại ngại nhưng vẫn xem thường… bí bách gã lôi cái thùng đạn chứa đầy bản thảo thơ và sách tiếng Nga gói kỹ cất lên gác bếp,lần này gã quyết mang cái hòm đạn này ra đầu đường làm kinh tế.
Hơn hai mươi năm bươn trải, từ vá chiếc săm xe đạp,buôn cái bẫy chuột,rồi động cơ máy nổ…gia tài giờ kha khá,con cái phương trưởng,việc mua cái xe hơi đời mới với gã bây giờ dễ như trở bàn tay.hai mươi năm trời đoạn tuyệt với thơ,đến tuổi cổ lai hy lên lão .nhiều khi tự an ủi lão bảo- trong cái rủi có cái may :
- nếu được đi học báo chí ,làm nhà thơ,để râu dê, tóc búi tó, lê đít đi các tòa soạn có khi cháo không có mà ăn! rồi cũng chết trong nghèo túng như một số văn nghệ sỹ .
Cô Mị đã lên chức bà từ lâu.sau khi chồng không thành đạt đường công danh,chị ít về quê, tuy có buồn nhưng bù lại chị luôn được ở bên chồng. thú vui của chị là chiều chiều đi đón cháu và đếm tiền cho vào két sắt .lần đầu tiên lão làm thơ trở lại. lão nịnh vợ thế này;
Tóc rụng nhiều quá em ơi
Nghẹn ngào nhìn lá vàng rơi bên hè!
Ngày xưa mơn mởn gái quê
Tóc mây khuất cả sao khuê trên trời!
Mấy mươi năm, tháng ngày trôi
Con thuyền chồng vợ giữa ĐỜI mông mênh
Vượt qua trăm thác ngàn ghềnh
Đắng cay, chua ngọt, ân tình mộng mơ
……..
Em ngồi dưới bóng trăng soi
Tóc kém xanh,vẫn ngời ngời sắc xuân!..
bà Mị sướng lắm, nhưng vẫn nhắc đi,nhắc lại:
- Mình nhớ nhé,chỉ làm thơ về em thôi!đừng tơ tưởng đến cô mắt nai,mắt ngọc nào nhé – tơ tưởng,làm thơ về người khác, cũng là một dạng hủ hóa tâm hồn đấy mình nhé.

Chiêm Hóa 25/11/2013
P/S ảnh minh họa tải trên mạng

- Không viết hoa toàn bộ tên chủ đề
- Thiếu nguồn gốc xuất xứ tác phẩm
- Không đăng các nội dung ngoài tác phẩm (lời bình, ...)

« Sửa lần cuối: 20 Tháng Ba, 2017, 11:07:18 pm gửi bởi Giangtvx » Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM