Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 09:34:35 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45255 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 04:45:42 pm »


Tên sách: AK-Khẩu súng huyền thoại
Tác giả: M.Kalasnhicốp
Thể hiện: G.L.Nhemchencô
Người dịch: Đỗ Quyên
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2001
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




"SỰ NGHIỆP CỦA KALASNHICỐP..."

Cái nhìn của anh ta đầy bí hiểm.

Trong các cuộc nói chuyện tôi thường cảm thấy: ngoài sự kính trọng sâu sắc đặc biệt, ngoài mối thiện cảm hầu như vô tận, thường có ở thế giới Ảrập phương Đông, trong mắt anh ta còn ẩn giấu không chỉ mối quan tâm chân thành mà cả nỗi buồn thân ái, và thậm chí cả sự lo lắng cho tôi...

Mọi chuyện cùng một lúc đã được giải thích rõ.

Hầu như vào những giây phút cuối cùng của cuộc chia tay ở sân bay Erơ-Riiat, cặp mắt của người thiếu tá bảnh trai bỗng sáng bừng lên, anh nói hăng hái, sôi nổi. Người phiên dịch đầy kinh nghiệm của chúng tôi phải cố gắng lắm mới dịch kịp: "Thưa ngài Kalasnhicốp, có khi nào ngài nghĩ rằng ngài cần phải thay đổi tín ngưỡng không?... Theo khái niệm của Kitô giáo thì ngài là một kẻ phạm tội vĩ đại... Ngài phải chịu trách nhiệm về hàng ngàn... hàng vạn các vụ giết người trên khắp thế gian này. Địa ngục từ lâu đã giành sẵn chỗ cho ngài rồi. Ngài sẽ không được tha thứ, dù cho có nhiệt tâm cầu khẩn nhà tiên tri Chúa Giêsu của ngài. Có phải thế không? Chả lẽ ngài lại đồng ý thế ư? Nếu ngài theo đạo Hồi, thì lại là chuyện khác. Chẳng giấu giếm gì, từ lâu tôi đã để ý tới ngài: ngài là một tín đồ đạo Hồi chân chính. Thuở sinh thời ngài sẽ trở thành ngọn cờ của cả thế giới Ảrập, đến khi thời hạn trên trần thế dành cho ngài kết thúc, Đức Thánh Ala sẽ đón tiếp ngài như một vị anh hùng. Ngài xứng đáng được hưởng vinh quang ấy, thưa ngài Kalasnhicốp! Đây không phải ý kiến của riêng tôi. Các vị tu sĩ cao siêu của chúng tôi cũng tán thành ý kiến đó. Một vài tu sĩ còn biết những gì tôi vừa nói với ngài... Lòng nhân từ của Đức Ala là vô hạn. Vâng, sẽ là như thế!”.

Mười năm về trước tôi đã "rửa tội" trước khi ra nước ngoài, tôi đã được nghe không biết bao nhiêu những câu nói không ngờ tới nhất, nhưng quả thực tôi không hề nghĩ tới những lời nói trên. Một cách vô thức tôi dè dặt chuyển sang giọng nửa đùa:

- Đây có phải là lời đề nghị chính thức không?

Anh ta sôi nổi đáp lại rằng, tôi đã hiểu anh không cần phiên dịch. Người phiên dịch chỉ còn biết khẳng định một ý nghĩ đã thoáng qua trong đầu tôi: "Ừ, hãy cứ coi là như thế!”.

Cũng như mọi người Nga, trong trường hợp này để từ chối một cách lịch sự, tôi trì hoãn quyết định bằng cách hứa hẹn với giọng biết lỗi:

- Để tôi suy nghĩ ạ!

Người thiếu tá nâng hai bàn tay để ngửa dưới cằm, mắt ngước nhìn lên bầu trời oi ả lẩm nhẩm: "Ala acbar!... Bixmiliac!"

Câu này tôi cũng hiểu không cần phiên dịch: "Lạy Đức Ala vĩ đại!... Ý nguyện của Người là tất cả!".

- Có lẽ anh phải suy nghĩ nghiêm túc thật đấy! - Với vẻ mặt đăm chiêu cố ý, người phiên dịch còn khá trẻ tỏ ra thông cảm, khi chúng tôi bước lên thang chiếc "Boing".

Tôi nói một câu đùa vui thân ái mong làm dịu đi ấn tượng nặng nề có thể gây ra bởi lời tuyên bố khô, lạnh của người thiếu tá Xêút về chỗ dừng chân sắp tới của tôi. Tôi bắt đầu phụ hoạ với anh ta: Tôi sẽ nghiên cứu, tôi nói là, tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi ngồi vào ghế, hoàn toàn hài lòng với nhau, và hài lòng với những ngày qua ở cuộc triển lãm vũ khí bộ binh ở Erơ-Riiat... Người phiên dịch cùng với các thành viên khác trong đoàn đã kịp nhấm nháp một, hai ngụm cônhắc mừng cho cất cánh an toàn, mừng cho thời tiết bay tốt, giờ đã hoà vào câu chuyện chung, còn tôi, "tín đồ Hồi giáo chân chính", lại kiêng dè, và vô tình tách ra đơn độc. "Chịu trách nhiệm về hàng ngàn, hàng vạn các vụ giết người trên khắp thế gian này...".

Có biết bao nhiêu lời buộc tội tương tự như vậy dành cho tôi thời gian qua mà tôi phải đọc: bằng tiếng Nga và các bản dịch tiếng nước ngoài, hoặc nghe trên rađiô, trên tivi và cả khi ngồi đối mặt với nhau. Thế nhưng người phản đối tôi này, chỉ trong một thời gian quen biết ngắn ngủi, nhiều lần tôi đã thấy rõ không chỉ là một chuyên gia xuất sắc trong công việc của mình, mà còn là một người có học vấn rộng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 08:10:32 pm »


Khi nói chuyện về "tội lỗi" của tôi, anh ta đã khéo léo lái câu chuyện từ lĩnh vực đạo đức, tinh thần sang lĩnh vực thuần tuý tôn giáo, một lĩnh vực mà tôi cũng như nhiều đồng bào tôi không thiết tha lắm... Và tôi không những không sẵn sàng tranh luận với anh ta, thậm chí không dự định tiếp thu những điều anh ta nói ra với một sự hiểu biết đầy đủ.

Nhiều người cùng thế hệ tôi, trong đó có tôi, quan niệm về vấn đề tôn giáo với một sự tôn kính thầm kín trong lòng, pha chút sợ hãi. Sự tôn kính đó phần lớn ta có thể hiểu đó là sự nối tiếp nào đó với khái niệm tôn vinh chính bố mẹ, tổ tiên xa xưa của chính mình, và nói chung, với lịch sử của Tổ quốc. Nhưng cuộc sống quá khứ không đơn giản chút nào với những phương châm cứng nhắc, thường xuyên căng thẳng, cá nhân luôn phải cố gắng nỗ lực tập trung hướng tới một mục đích, một vấn đề cụ thể nào đó, đã làm cho chúng ta trở thành những kẻ vô thần chính cống, đến mức chẳng có lúc nào để nhìn vào một chân lý hiển nhiên là: không có Chúa Trời. Với một lòng đố kỵ vô thức và kèm theo là một nỗi buồn vô thức, tôi thường suy nghĩ và tự vấn mình: thế ra mi chỉ thích thú duy nhất có một việc là thiết kế súng ống à? Cái việc gây hại cho những việc khác...

Thú thật là, những ý nghĩa đó luôn ở trong tôi.

Một ngày trước khi rời Ijepsk để sang Ảrập Xêút tôi có mời Tfgênhi Vaxilievich, một thợ nguội có kinh nghiệm, một trong những người tham gia đội chế tạo AK-47 đầu tiên, lên phòng làm việc của tôi. Chúng tôi nói chuyện về công việc xong xuôi thì Tfgênhi bỗng nhớ ra: "Tôi cứ quên mãi câu chuyện mà các xạ thủ kể cho nghe. Có một đại tá đã luống tuổi từ Mátscơva đến thăm trường bắn. Tâm trạng ông không được vui, ông nói với các chiến sĩ thế này: trông các cậu xách khẩu súng máy mà chán, cứ như thằng dở hơi xách bị đi khất thực, cầm súng phải cho ra cầm súng chứ! Giá mà được thấy khẩu trung liên khạc đạn trong chiến đấu!... Chiến sĩ Vôlôđia đã từng ở Apganixtan về, nói: Tốt hơn hết là bố không nhìn thấy cảnh này! Đặt cái chụp tai xuống, Vôlôđia đi khỏi. Hôm sau cậu ta kể cho các bạn mình nghe trường hợp cả một đơn vị quân ta rơi vào ổ phục kích của địch. Như mọi khi, chúng chỉ có ba khẩu trung liên, súng chính do ta sản xuất, thế mà đè bẹp cả đội quân ta... Sau đó đi đếm, các cậu có biết bao nhiêu xác chết không?... Sáu mươi bảy!".

Xong câu chuyện, Tfgênhi Vaxilievich cứ nhìn tôi mãi, với cặp mắt thật buồn!... Thế đấy, từ lâu chúng tôi đã ở lứa tuổi mà mỗi người đã đến lúc phải nghĩ đến và chăm sóc phần hồn của mình.

Và còn hơn thế nữa, nếu như cả đời, chỉ làm mỗi việc chế tạo vũ khí giết người.

Như thế, chính người thiếu tá Xêút ấy, không biết mình đã gieo hạt vào nơi đã được cày xới từ lâu.

Người của ta đã rút khỏi Apganixtan, nhưng chiến tranh ở đó vẫn tiếp diễn. Gần đây, tôi đã được nghe kể rằng: vẫn như xưa, trên khắp đất nước Apganixtan, loại cửa hàng duy nhất mở cửa vào "thứ sáu - thiêng liêng" là cửa hàng bán AK. Hầu như mỗi tỉnh có thủ lĩnh riêng, mỗi tỉnh có luật lệ riêng, nhưng có một luật chung ấy là: riêng vũ khí bạn có thể mua cả vào ngày thiêng của Chúa.

Giá như người thiếu tá nói với tôi sớm hơn, thì thế nào tôi chả hỏi anh về những đặc điểm này của đạo Hồi ngày nay... Hay là chính vì thế mà anh cố ý để lui câu chuyện mãi tới phút cuối cùng?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 08:11:03 pm »


Tôi nhớ lại, cách đây mười lăm năm ở ngoại ô Mátscơva có mở một khoá huấn luyện sĩ quan cao cấp cho các học viên từ các nước xã hội chủ nghĩa và các nước đang phát triển, thực chất đây là cuộc hội tụ các tinh hoa quân sự của các nước Á-Phi thân thiện với ta. Tôi và các nhà thiết kế vũ khí bộ binh chủ chốt khác được mời về giảng bài. Trong một lần giảng, chưa kịp kết thúc bài, thì một học viên châu Phi người săn chắc, tay cầm lá cờ nhỏ: "Bộ trưởng quốc phòng Môdămbích". Ông ta nói: "Tôi muốn cảm ơn và nhắc nhà công trình sư đáng kính rằng, hình khẩu súng của ông đã được in trên lá cờ nước cộng hoà trẻ tuổi chúng tôi. "Khẩu súng" tượng trưng cho cuộc chiến đấu giành tự do của chúng tôi - cuộc chiến đấu chống lại ách áp bức của bọn đế quốc nước ngoài. Bên cạnh khẩu súng là cuốn sách mở - tượng trưng cho cuộc đấu tranh chống nạn mù chữ, và cái cuốc tượng trưng cho sức lao động được giải phóng...".

Tôi thật nở gan nở ruột khi nhận vật kỷ niệm đầy ý nghĩa ấy...

Nhưng cách đây không lâu, theo yêu cầu của các cộng tác viên của Viện bảo tàng AK-47 tương lai (Viện bảo tàng đã được quyết định xây dựng ở thành phố Ijesk chúng tôi) tôi lục lại giấy tờ trong khu lưu trữ và toàn bộ vật kỷ niệm... Tôi tìm thấy lá cờ Môdămbích và bất giác thở dài cay đắng.

Có thể những bài báo táo bạo những năm gần đây đã hoàn thành sứ mệnh của mình?... "Sự nghiệp của Kalasnhicốp vẫn sống và chiến thắng: AK được in hình trên quốc huy của sáu nước". "Cỡ 5,45, cỡ chết người: Apganitxtan - Bacu - Đubôxarư". Sợi dây chỉ đẫm máu nối mảnh đất Apganitxtan, thủ đô Azécbaizan và thành phố nhỏ ở Moldavia. Sợi chỉ này cuộn thành hình viên đạn cỡ 5,45mm dùng cho khẩu tiểu liên Kalasnhicốp...". "Vật thiêng "Kalasnhicốp": Làm thế nào để dọa người dân trung lưu Nam Phi?... Hãy chỉ cần nói một từ - "Kalasnhicốp", thế là sẽ có hiệu quả. Ở đây thậm chí còn xuất hiện một từ mới, đồng nghĩa với động từ giết người - "ây-kây" - "AK".

Muốn hay không muốn, tất cả những điều trên sẽ gắn với tôi mãi mãi như mảnh đạn cũ găm trong người. Thường ngày ta bận rộn, lao động vất vả, lo âu suy nghĩ ta tạm quên "nó” nhưng "nó” vẫn cứ treo lơ lửng trong bạn, "đông cứng" trong mô thần kinh của bạn từ lâu... Nhưng nếu nó bỗng nhiên "cựa quậy" dữ dội? Đã có lần người Mỹ viết rằng "trung sĩ Nga vũ trang cho cả "khối Vácsava". Phải chăng những "công tích" ngày nay của tôi thực sự phù hợp với quân hàm cấp tướng đang đeo?

Những năm gần đây trên truyền hình Nga chiếu tràn ngập những bộ phim ít tập, vài tập, hoặc dài vô kể về những "bố già" và về các cuộc thanh toán, phân chia khu vực đẫm máu của các băng đảng mafia quốc tế. Xem những phim này tôi không chịu nổi, thế nhưng đôi khi tính tò mò nghề nghiệp đã thắng thế. Bật kênh nào cũng thấy cảnh bắn giết nhau khủng khiếp thế, một cách vô thức, tôi để ý xem bọn chúng, quân giết người ấy nó dùng "mẫu” súng nào? Thôi thì không thiếu kiểu nào cả, nhưng thằng trùm sỏ thì nhất thiết là dùng khẩu AK thân thuộc. Đôi lúc tôi nghĩ, nếu tất cả lũ quái thai này mà tập trung lại với nhau, thì sẽ thành một đội quân đông đảo biết bao nhiêu và khủng khiếp biết chừng nào!

Thế nhưng những gì đang xảy ra trong cuộc sống thực ngày nay còn khủng khiếp hơn nhiều so với điện ảnh.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 08:12:37 pm »


Năm 1941, tôi - anh lính xe tăng bị thương đi nằm viện. Hàng đêm tôi bị những cơn ác mộng giày vò. Sáng dậy, với tờ giấy và cái bút chì trong tay, tôi vẽ khẩu tiểu liên tương lai của mình, thế là quên hết những giấc mơ đêm và dịu đi cả nỗi đau ngày... Đây không chỉ là kiểu tự vệ của riêng tôi, thời đấy có biết bao chiến sĩ như tôi đã vùng đứng lên với niềm khát khao cháy bỏng được bảo vệ Tổ quốc! Lúc ấy tôi đâu có nghĩ được rằng bản thiết kế kiểu súng mới sẽ đưa những cơn ác mộng trở lại dưới dạng khác

Bây giờ nghĩ lại, cũng phải thôi, không thể khác được. Thật bất hạnh nếu anh không có nghề nghiệp gì: không phải người làm vườn, không phải kỹ sư nông nghiệp, không phải bác sĩ thú y, như một trong các ông bạn thân của tôi... Còn tôi - người chế tạo vũ khí - điều đó đã nói lên tất cả, rõ ràng. Chỉ có điều là trước kia tôi không nghĩ được rằng vị trí của người ta ở thế giới bên kia không phụ thuộc vào phẩm chất, tư cách cá nhân, mà phụ thuộc vào nghề nghiệp của anh ta.

Có thể - tôi nghĩ - quả thật lối thoát duy nhất cho tôi là đạo Hồi?... Tôi không biết, liệu đạo Hồi có cứu rỗi được cuộc sống dưới âm phủ, - nếu như có cuộc sống ấy thật, - hay không. Nhưng nó có thể đảm bảo sự thanh thản trong lòng trên trần thế thì chính xác. Dù những ảo tưởng có xa vời đến mấy, con người ta lại thường hay xây dựng cho mình một pháo đài mà không một thứ vũ khí nào có thể đánh chiếm được. À, mà có thể, nếu ta nhìn kỹ hơn chúng ta với người Ảrập, quả thật, cũng hợp nhau?

Dù tôi là người Nga mắt xanh, nguồn gốc từ vùng Altai xa xôi trải dài đến Cuban, chúng tôi vẫn là những người họ gần với những người dân miền núi Capcadơ, thế mà từ Capcadơ đến vịnh Pecxich, đến Iran, đến phương Đông Ảrập nói chung chẳng còn bao xa. Có thể đây là bộ nhớ di truyền của tôi được truyền lại từ bộ nhớ đời cụ kỵ, làm cho nét mặt của người Ảrập có thiện cảm đối với tôi đến thế?... Hay mối thiện cảm này xuất phát từ truyền thống quan hệ hữu hảo có từ hàng ngàn năm?

Con người bản tính vốn hữu hảo. Ở đây tôi chợt nghĩ: phải chăng sự chăm sóc chân thành cho bạn là không đáng quý?... Thế còn khi ở trong nước có ai nói và nói bao giờ với tôi lần cuối về phần hồn?... Hay chúng ta lãng quên?... Hay là không được thừa nhận?

Nói gì thì nói, người thiếu tá Ảrập Xêút đã chạm vào nỗi đau của tôi: "Thủ tướng Aicập bị bắn chết bởi khẩu súng AK-47 Nga", "Tên Kalas được đặt cho các bé trai mới sơ sinh đang là cái mốt ở Nam Phi".

Bạn thử nghĩ xem: các chú bé này là ai? ... Chúng là những đứa con bất đắc dĩ, không chờ đợi và ngoài dự đoán của tôi? Hay ngược lại, là biểu trưng chung của sự tha hoá, côi cút tràn ngập hành tinh?

Thế còn bộ phim viđeo "Kalasnhicốp đi săn" của các nhà báo Anh có giá trị gì? Giá như đổi lại cái tên thì sẽ phù hợp biết bao nhiêu "Đi săn Kalasnhicốp". Nhưng mọi uẩn khúc, mọi sự thật về bộ phim này, tôi và một số bạn tôi chỉ biết khi vô tình được chứng kiến cuộc thăm của những người làm truyền hình từ đài BBC ở thành phố Ifepsk chúng tôi. Thế nhưng nhiều người khác đã xem bộ phim này đều khẳng định, hàng trăm triệu người xem truyền hình trên khắp các châu lục đều chung nhau một ý nghĩ duy nhất: nhà sáng chế người Nga này không chỉ là tên tội phạm chiến tranh bất trị - mà còn là một con quái vật!

Và dẫu sao thì sự kiện ở Erơ-Riiat cũng chẳng quan trọng gì, nhưng vẫn buộc tôi trước khi bay về nước phải suy nghĩ lại về nhiều vấn đề, và bỗng dưng phải nhìn nhiều sự vật bằng con mắt khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 08:13:34 pm »


Không loại trừ chính cuộc nói chuyện với người thiếu tá A-rập ở sân bay đã trở thành giọt nước cuối làm tràn đầy ước vọng của tôi muốn kể lại các tư liệu về mình, về đồng đội, về Tổ quốc đau thương và về hành tinh chìm trong khói lửa chiến tranh liên miên của chúng ta... Cuối cùng thì tôi cũng không chỉ nghĩ đến cá nhân mình. Trong dân gian vốn vẫn có câu: Kiên nhẫn là mẹ thành công. Nhưng do cuồng tín, chỉ cho mình là phải, chúng ta đã chia thế giới này thành hai phe ta và địch, còn chủ nghĩa vị kỷ quái đản đã đẩy biết bao con người có nghị lực vào việc biến thiên đường trên trái đất thành hoả ngục chung cho mọi người. Tôi bắt đầu suy nghĩ về cuốn hồi ký từ đã khá lâu, nóng lòng vì nó, đến nỗi gác lại tất cả các công việc nào có thể, để ngồi vào bàn, bên tờ giấy trắng, không phải để vẽ một chi tiết nào đó mà để viết, viết.

Trong suốt cuộc đời, tôi đã phải trả lời biết bao bức thư: hàng trăm, hàng ngàn người gửi đến tôi... Lúc ấy tôi nghĩ rằng, sao mình không cố gắng viết một bức thư lớn, cùng một lúc gửi đến mọi người?

Nhưng trong cuộc sống thường vẫn phải có những công việc và kế hoạch khác nữa. Lúc thì việc thiết kế lúc thì công việc sản xuất đòi hỏi, muốn hay không muốn lại phải cho bản thảo vào cặp buộc lại, để lên đường xa làm nhiệm vụ. Trong nhiều năm, trong ngăn kéo bàn, tôi để các trang viết về các thời kỳ khác nhau của cuộc đời và các đoạn văn rời được viết một hơi vào những ngày đau khổ không lối thoát, hoặc vào những lúc phấn chấn...

Đến bao giờ tôi mới có thể hợp nhất lại những trang viết đó, mới có thể "lắp ráp" các "phôi” đơn chiếc quý giá đối với tôi này thành một "sản phẩm" hoàn thiện? ... Đôi khi tôi cứ tưởng tượng rằng, con đường để xuất bản cuốn hồi ký cũng xa vời và đầy trắc trở y như con đường để sản xuất hàng loạt mẫu vũ khí nào đó. Mỗi lần tiêu phí mất bao nhiêu thời gian! Nhưng khi đó tôi còn trẻ, chịu đựng được.

Ước nguyện viết được một tác phẩm văn học đặc biệt cháy bỏng trong tôi còn bởi một sự kiện đặc biệt: tôi làm quen với nhà nghiên cứu lịch sử vũ khí Mỹ: Etrard Edward Clintơn Izel. Bạn có thể tưởng tượng tôi đã hồi hộp thế nào khi cầm trong tay cuốn sách dầy cộp của ông: "Lịch sử khẩu tiểu liên AK-47". Ngoài bìa in dòng chữ "Hơn mười năm nhà sử học quân sự E.C. Ezel hoạt động trinh thám, luồn sâu vào lớp vỏ bọc bí mật bao quanh cuộc đời Kalasnhicốp". Thế đấy, tôi nghĩ, mình có trong tay tất cả các quân bài - mà lại im lặng!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 08:14:14 pm »


Trong một bức thư, Izel đề nghị: "Viện Smithson có ý định xây dựng một bộ phim video tư liệu khoa học về những nhà phát minh kỹ thuật hiện đại. Tôi muốn ông mời tôi sang bên để cùng trò chuyện với ông. Người của chúng tôi sẽ quay video cuộc nói chuyện của chúng ta. Nếu ông nhất trí, tôi rất mong được ông cho biết đặc điểm quá trình sáng tạo để trở thành một nhà sáng chế; những động cơ, phương pháp, điều kiện làm việc nào giúp định hướng tư duy và khả năng của nhà sáng chế. Ngoài ý nghĩa về mặt khoa học và về con người, thì những hiểu biết về các lĩnh vực trên sẽ có giá trị lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ, và tôi cho rằng nó cũng giúp cho việc thúc đẩy phát triển sự hiểu biết lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước chúng ta. Trong chương trình này đã quay xong về Yougin Stoner mà ông đã biết. Có lẽ sẽ còn có các nhà chế tạo vũ khí hiện đại xuất sắc khác nữa.

Tôi không ngạc nhiên về tài năng tổ chức của Edward, ông mang sang nước Nga một nhóm lớn cộng tác viên được trang bị đến tận răng các phương tiện kỹ thuật video, kỹ thuật điện ảnh... Tôi thường nghĩ đến câu nói của ông: có giá trị đối với thế hệ trẻ.

Trong khi đó, thì một câu nói cửa miệng của con cái chúng ta vẫn ngày ngày đập vào tai ta: "Pepsi là sự lựa chọn của thế hệ mới!"

Thế đấy...

Khi đã kết thân, Izel ép tôi viết cuốn sách về bản thân. Có một số đoạn tôi viết được là nhờ có sự kiên trì của con người không biết mỏi mệt này.

Giờ thì ông không còn nữa. Có thể ông mất vì làm việc quá căng thẳng, mong muốn hết sức để trong một thời gian không dư dật mà số phận đã dành cho ông lại làm được nhiều nhất.

Lúc bấy giờ tôi đã viết xong chương "Hộp đen". Chương này kể về những ngày bi đát của gia đình chúng tôi vào những năm "bần cùng hoá nông dân” và về một số các chi tiết thời thơ ấu của tôi mà trước kia bản thân tôi vì mục đích tự vệ không dám nhớ đến.

Khi cuốn sách tự bạch đã được in trên giấy, tôi càng suy nghĩ căng thẳng hơn: đã đến thời được nói tất cả những gì đã xảy ra trong đời tôi chưa, có thể nói hết sự thật chưa? Và nói chung có cái "thời" ấy hay không?

Tuy nhiên thời gian, năm tháng trôi qua không thể giữ kín mọi chuyện được mãi, ngược lại báo chí "Tự do" rất hăng hái sục vào những năm mà hoạt động của tôi hoàn toàn được giữ kín: "Bàn tay Elsin đã vươn tới Kalasnhicốp", "Con người và khẩu súng”, "Huyền thoại cuối cùng về kỹ thuật vũ khí", "Kalasnhicốp - người Bỉ", "Hạ giá quần áo cho người nghèo".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 31 Tháng Tám, 2016, 08:14:51 pm »


Thư từ gửi cho tôi tăng đến mức không thể viết thư trả lời hết được, mặc dù tôi vẫn coi đó là trách nhiệm của mình.

Đã lâu lắm rồi, khi còn niên thiếu, tôi đã làm thơ, làm nhiều thơ, sáng tác cả những trường ca nữa. Lúc đó hình như tôi có biết thế nào là cảm hứng sáng tác... Thế nhưng sự việc lại diễn ra theo hướng khác, sự nghiệp thơ ca cao cả đó lại giúp tôi trong những việc khác, hoàn toàn xa lạ với thơ ca, thậm chí còn thù nghịch nữa là khác...

Đâu khoảng vào giữa những năm 60, một lần tôi được làm quen với một nhà thơ nổi tiếng, và hiện nay vẫn đang thành đạt. Chúng tôi nói chuyện rất cởi mở, bất ngờ tôi thú nhận với ông rằng tôi cũng làm thơ... "Nghĩa là anh hiểu thế nào là thơ Jambơ, thế nào là thơ Côrê - Ông hỏi tôi với vẻ hài hước rõ rệt - Thế còn các nhà chế tạo vũ khí thích "tiết tấu" nào? Loạt ngắn? Hay loạt dài?..."

Tôi thấy thích câu nói đùa khéo ấy và tôi hiểu rất rõ cái sắc sảo trong câu nói đó, thế nhưng còn cái giọng nói và cái nhìn đầy vẻ đắc thắng đó của ông ta...

Và, dù sao chăng nữa, tôi vẫn quyết định đưa tác phẩm chưa được hoàn thiện của mình ra trước công chúng để phán xét. Hãy cứ để ai đó cho rằng "loạt từ" quá dài, hoặc ngược lại có người cho rằng quá ngắn và ngắt quãng. Vấn đề không phải ở đây.

Cái chính là tiếng nói của tôi nhằm trúng đích.

Nhưng điều đó không chỉ phụ thuộc vào tôi mà còn phụ thuộc vào tất cả những ai có ý định đọc những ghi chép này của tôi.

Ngày trước, lúc còn bé, sống ở quê, được nghe câu chuyện huyền thoại về các chiến sĩ đánh giáp lá cà tài ba có thể dùng tay tóm được viên đạn bay.

Thế còn việc "tóm được" lời nói là một việc vừa đơn giản hơn lại vừa phức tạp hơn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:19:07 pm »


CHIẾC ÁO LỌT LÒNG...

Tôi sinh ra và lớn lên ở Altai, làng Curia. Thế nhưng ngay từ khi biết nhận thức, tôi vẫn nhớ là gia đình tôi trước kia ở nơi khác, một vùng ấm áp tôi chưa hề biết. Theo lời kể của cha mẹ tôi thì vùng ấy ví như một thiên đường đã bị mất... Ở đó mọi người sống hạnh phúc. Ở đó mọc những cây ăn quả tuyệt vời: táo, mơ, "bargamôtư" và "granclét".

Những quả táo, tôi có thể tưởng tượng như người ta viết trong các chuyện cổ tích, chúng giống "những quả táo thần”. Thế còn hai loại quả huyền thoại kia là quả gì? Có phải chúng đem lại niềm vui sướng cho con người?

Tôi hỏi bố mẹ tôi sao lại chuyển đến một vùng tuyết giá, thì cả hai đều cười hiền từ, và trả lời gần như chung một ý: rằng hoa quả đối với con người không thể phải là chính yếu, nó chỉ là thứ ăn chơi, cái cơ bản đối với mỗi người sống trên mặt đất là bánh mì. Thế mà ở đây bánh mì mọc sẵn trên cây cơ mà - nào tôi có thấy lần nào loại cây ấy đâu?

Bí mật này của tuổi thơ tôi còn lưu giữ rất lâu, đến độ nhiều năm sau, mỗi khi nhắc đến một chi tiết nào đó của câu chuyện xưa, trong lòng tôi lại bừng lên một tình cảm thơ mộng huyền diệu. Và trong các báo cáo long trọng thời trẻ, cũng như trong các bài phát biểu chính thức mang nặng dấu ấn thời đó, tôi thường nói thế này: thật hạnh phúc nhận ra một sự thật là... Thế rồi, tôi kể ra các thắng lợi, thành tích đạt được, mặc dù cái thắng lợi đó có thật hay không không cần biết, vậy mà trong tôi lúc ấy thể nào cũng thức dậy những hồi ức về một thời hạnh phúc xa xưa. Và chỉ mãi đến khi ở tuổi gần như đã trưởng thành tôi mới hiểu rằng "granclét" là một loại mận quả cực to giống "renclôt", còn "bargamôtư" là giống lê ngọt quả to... Và cuối cùng tôi mới biết, thế ra là cha mẹ tôi từ làng Hạng phúc vùng Cuban chuyển đến Altai.

Có lẽ vì mọi người trong nhà thường hay kể chuyện nên từ bé tôi đã biết tôi sinh ra trên đống cỏ khô, chứ không phải trong nhà. Hôm đó mẹ tôi vừa kịp đặt xô nước gánh từ giếng về, treo đòn gánh lên chiếc đinh xong, chỉ kịp đi đến đống cỏ thi tôi đã ra đời. Lúc sinh ra, tôi rất gầy yếu, và như người nhà tôi nói, không có bệnh nào mà tôi không mắc. Có khi cùng lúc mắc hai, ba bệnh liền chữa mãi không khỏi, thôi thì hết đến ông "y sãi" làng lại đến khắp lượt các bà lang băm trong vùng. Tôi đã suýt chết.

Khi ấy tôi lên sáu. Tôi đã ngừng thở. Bố mẹ tôi đặt chiếc lông lên mũi tôi, nó chẳng động đậy tí nào, bèn cho người đi gọi bác thợ mộc. Đến nhà, bác bẻ cành cây làm thước đo người tôi, rồi bước ra sân làm hòm... Nhưng bác chỉ vừa kịp bổ nhát rìu đầu tiên, thì tôi bắt đầu tỉnh lại. Lại gọi bác thợ mộc vào nhà. Bác nhổ nước bọt nói: "Thằng nhãi ranh, vắt mũi chưa sạch, thế mà đã biết lừa!".
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:19:41 pm »


Sau này nhiều lần tôi được nghe một người làng cứ gặp tôi là nói bóng gió gợi lại chuyện tôi đã từng giả vờ ốm. Nghe nói thế về mình, đôi khi tôi rất tức, và chỉ sau này, muộn hơn, tôi mới hiểu và tha thứ cho mọi người. Mẹ tôi, Alecxanđra Phơrôlốpna, có tất cả 19 người con, nhưng chỉ còn sống tám người. Tôi nhớ hồi ở Ijepsk lúc ấy mẹ tôi từ lâu đã thành cụ nội rồi, các con tôi bám lấy bà mà hỏi: Bà ơi, bà kể đi, bà có bao nhiêu người con tất cả?... Mẹ tôi bắt đầu bấm đốt ngón tay tính: "Gasa, Vichia, Nhura, Vaxia, Nhicôlai, Ivan, Anđrêi, Tachiana, Ivan...". Các cháu gái định chữa: "Ivan bà đã tính rồi, bà?", "Không, đây là Ivan khác, - Bà nói - Ivan kia chết rồi", "Bà đếm tiếp đi". Bà gập ngón tay út: "Mikhain...". Tôi là người con thứ mười của bà. Bà lại xoè hết các ngón trên hai bàn tay tính lại. "Thế còn Nhicôlai bà cũng tính hai lần?" - Các cháu gái lại hỏi. - "Cái gì?" - Nhicôlai thứ nhất cũng..." "Còn sống, các cháu ạ! - Bà thở dài - Còn sống".

Lúc này, bất giác tôi nghĩ về gia đình người Nga chúng ta: Nó đã hình thành như thế đấy. Làm gì có kế hoạch hoá gia đình, mọi chuyện diễn ra, đều do "trời cho" cả! Còn một khía cạnh nữa: ai cũng mong có con, hy vọng khi lớn lên chúng sẽ giúp đỡ. Mong có người làm! Chính vì thế mà chúng tôi đến vùng Altai xa xôi: "Đi tìm đất”.

Ngày nay hoàn toàn khác: mỗi cặp vợ chồng chỉ có một con, hoặc có khi người mẹ sống độc thân...

Mọi thứ chỉ dồn cho mình nó, mọi sức lực cạn kiệt vì nó. Nhưng nó có được bằng một trong số 15-18 đứa con kia hay không?

Giờ ta lại trở về làng Curia của chúng tôi. Có một chi tiết, có thể, không kém phần quan trọng trong tiểu sử của tôi: "Từ khi còn bé tí, đến tuổi thiếu niên nhiều lần tôi được nghe mẹ tôi thì thầm đầy bí ẩn với hàng xóm, rằng: "Thằng Misa nhà tôi sau này sẽ sướng lắm đấy, nó đẻ ra trong chiếc áo sơ mi hạnh phúc vào giờ tốt. Tôi sẽ giữ cẩn thận! - Nói rồi mẹ tôi chỉ vào chỗ chiếc đèn thờ và tượng thánh trên bàn thờ - Ở đấy!"

Và một lần, cơ hội hiếm có đã đến, chỉ có một mình ở nhà, tôi kéo chiếc bàn lại gần bàn thờ, đặt chiếc ghế đẩu lên trên, leo lên tháo bức tượng thánh trên ra. Tôi nghĩ trong đấy sẽ có cái áo hạnh phúc mà không hiểu sao mọi người lại giấu tôi. Bẻ mấy cái đinh con lên cho thẳng, tôi tháo miếng đậy sau bức tượng ra, nhưng ngoài lá kim loại đồng và những bông hoa giấy, không có gì nữa cả. Sau đấy bố tôi lôi tôi xuống "cho mấy cái thắt lưng" và đe: "Giờ mày đã biết cái gì ở đấy chưa... Giờ đã hiểu chưa?". Tuy nhiên phải thú thật là, đối với tôi trận đòn hôm ấy vẫn chưa rõ lý do: làm hỏng tượng thánh hay vì tội tò mò.

Bây giờ, từ xa nhìn lại, khi mà nhiều tình tiết trong đời tôi hình như không phải ngẫu nhiên xảy ra, mà mang ý nghĩa điềm báo nào đó thì đôi khi tôi bỗng nhớ lại: vậy bức tượng thánh ấy là gì nhỉ? ... Sau đó tôi đã lao động hết mình, cẩn thận làm lại tất cả như cũ, nhưng rồi cũng chẳng có thời gian rỗi để mà ngắm nhìn chính hình tượng Chúa... Và sau đó bức tượng biến đi đâu mất, và tôi cũng không tìm thấy "chiếc áo hạnh phúc" của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2016, 10:20:07 pm »


Vài năm trước đây, khi nói chuyện về chiếc áo bí ẩn này, một người quen tốt bụng của tôi nói thế này: "Ông Mikhain Timôphêêvích ạ, giờ tôi mới hiểu bí mật của các thành công trong sáng chế của ông. Chẳng hạn, trước kia theo tục lệ của người Cherkes, thì bố mẹ thế nào cũng đem đốt hoặc chôn xuống đất cái áo ấy, để cho đứa trẻ trở nên bình thường như các bạn đồng trang lứa, không có những khác biệt và ưu thế riêng biệt gì vượt trội. Còn ông, chính là một mẫu hình của nền dân chủ nhân dân: không hề có bất cứ một hình thức nguỵ tạo nào. Mẹ ông đã không làm như mọi người, bà cụ đã thương ông, giấu kín cái áo, bất chấp tục lệ. Thế nên, ông phải mang ơn mẹ mình, cụ Alêchxanđra Phơrôlốpna, mãi mãi sau này!".

Cũng có thể như thế. Quả thật, tôi mang ơn mẹ tôi nhiều lắm.

Tôi đã là một đứa bé ốm yếu, bệnh tật nhưng lại thích chơi với các bạn lớn hơn, bằng tuổi các anh tôi. Tôi thường ra sức cố gắng để không thua kém ai, chơi bình đẳng với cả hội. Ước vọng này có lúc đã dẫn đến những hậu quả đáng buồn...

Khoảng sáu - bảy tuổi, tôi vẫn ngầm ganh tị với các bạn mình có đôi giầy trượt băng làm lấy bằng gỗ, bịt sắt hoặc "đóng móng" bằng một đoạn dây sắt dưới đế. Cuối cùng thì tôi cũng thực hiện được ước mơ của mình: anh cả đã làm cho tôi đôi giầy trượt băng như thế! Buộc xong đôi giầy gỗ vào ủng, tôi khập khiễng đi ra phía sông. Lần đầu tiên trong đời, tôi biết thế nào là trượt băng, cứ một chân trượt một chân đẩy tôi đi, và cứ thế, tôi trượt thẳng xuống lỗ đục thủng trong băng... Nếu không có cái mũ bông to của anh cả tôi xoè ra như cái dù căng gió thì tôi đã chết chìm. Tôi ôm mũ, người chìm trong nước đến thắt lưng kêu to, nhưng các bạn tôi lại còn kêu to hơn, gọi người đến cứu.

Bây giờ tôi không còn nhớ mọi người đã lôi tôi lên và mang về nhà như thế nào... Bố mẹ tôi lột hết quần áo ướt của tôi ra, đẩy tôi lên mặt bếp lò kiểu Nga, trên đó sấy lúa kiều mạch. Hơi ấm từ lúa nhanh chóng truyền sang tôi, một lúc sau người tôi ướt đầm mồ hôi, nhưng bố mẹ vẫn tiếp tục giữ tôi một thời gian ở trên lò, vì sợ tôi mắc bệnh lao phổi. Mọi việc đã xong xuôi: những hạt lúa nóng ấm đã làm được công việc tốt lành là xông hơi lần ấy cho tôi thật kỹ. Sau này, mỗi khi bị lạnh ở ngoài mặt trận, lúc nằm viện hệ thống sưởi ấm kém, lúc đi câu cá sau chiến tranh, chỉ cần nghĩ đến lần xông ấy là đã thấy ấm lòng. Nhưng lại có cái dở là tôi không biết trượt băng. Tôi đã thử nhiều lần và hoàn toàn không hiểu tại sao, không thể trượt nổi, giầy tự làm không nói làm gì, kể cả giầy chính hiệu "Nàng Bạch Tuyết", "Canada"... cũng không trượt được. Nhân nhắc tới nước, có lẽ nên kể luôn câu chuyện tôi đã lập "kỷ lục" lặn như thế nào.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM