Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 01:22:02 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: AK-Khẩu súng huyền thoại  (Đọc 45279 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #50 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:46:46 pm »


MIKHTIM

Tôi không biết đường đến trường bắn. Đến được đó là một việc phức tạp, vì xung quanh khu vực này có cả một hệ thống bảo vệ đặc biệt. Trong khi trưởng phòng sáng chế còn đang suy nghĩ, đưa tôi đến trường bắn bằng cách nào tiện nhất, thì có một người trung tuổi, trên ngực áo đeo mề đay bước vào phòng.

Trưởng phòng đứng dậy đón khách, chào hỏi, rồi nói giọng vui mừng:

- Xecgêi Gavrilôvich, hôm qua đồng chí đã làm thủ tục ra trường bắn, cho tôi gửi đồng chí thượng sĩ. Có đồng chí thì đồng chí ấy mới đến đấy được, không ai đụng đến, và cho ra khỏi xe được.

- Nhất trí thôi. Đi hai người vui hơn. Đường xa đấy. Nào ta hãy làm quen với nhau, đồng chí thượng sĩ. Tên và phụ danh tôi, đồng chí biết rồi. Còn họ - là Ximônốp. - Ông chìa tay ra cho tôi.

Ximônốp!... Đây là một trong những nhà thiết kế hàng đầu của chúng ta. Tên tuổi ông trước chiến tranh bất kỳ quân nhân nào cũng biết: Ông là người sáng chế ra khẩu súng trường ABC.

Hồi đầu chiến tranh, khi xe tăng Đức xuất hiện bất ngờ tung hoành gây hoảng loạn cho ta, người ta kể một huyền thoại rằng: Theo lệnh riêng của Stalin, sau 22 ngày đêm liền không ngủ, Ximônốp đã chế tạo được mẫu thứ nhất của khẩu súng chống tăng ΠTPC. Đây là một vinh hạnh đối với Xecgêi Gavrilovich, vì thực tế thì đến tận cuối cuộc chiến tranh, người Đức vẫn chưa giải quyết xong vấn đề vũ khí chống xe tăng Liên Xô.

Tôi phải nói ngay rằng, từ ngày đầu mới làm quen cho đến tận khi ông mất, chúng tôi vẫn có quan hệ tốt với nhau. Trong cuộc đời tôi Ximônốp chiếm một vị trí đặc biệt. Ông luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của tôi, đi sâu vào thực chất vấn đề, không bao giờ tỏ ra cách biệt về tuổi tác và tất nhiên, cả về kinh nghiệm giữa ông và tôi.

Trong toa tầu, chúng tôi nói chuyện với nhau. Ông thật giản dị và dễ gần trong giao tiếp. Ông kể cho tôi nghe về căn cứ trong trường bắn, ông khuyên tôi nhất thiết phải đến thăm bảo tàng vũ khí trong căn cứ, ở đó có trưng bày các hệ thống vũ khí đã chế tạo ở trong và ngoài nước, hệ thống nào, vì lý do gì không được trang bị, chỉ là mẫu thử...

Ximônốp đột nhiên nheo mắt, cười hỏi:

- Cậu hãy nói cho mình nghe: cậu có thích tháo lắp máy không?

- Còn phải nói! - Tôi reo lên. Tháo, lắp, lại tháo, rồi lại lắp, nắm vững từng cái tai, cái rãnh, từng chỗ lõm, từng cái vòng đệm, từng con vít đều phải hiểu cặn kẽ để biết tác dụng, và sự làm việc của nó như thế nào.

- Khi đến trường bắn, đầu tiên cậu hãy tháo – lắp từng mẫu một. Khi nào cả tay và mắt đã thông thạo kết cấu của chi tiết, thì lúc ấy cậu sẽ hiểu được nhiều hơn, tốt hơn, lúc đó sẽ hoàn chỉnh mẫu của mình dễ hơn.

- Nhất định tôi sẽ làm như vậy - Tôi hứa với Ximônốp.

Tôi cảm thấy ông đang nhìn phù hiệu binh chủng tăng trên vai tôi:

- Đó là việc mà ai cũng phải làm! Chẳng hạn... Cậu đã khi nào phải chui từ xe tăng ra và bắn trả bằng súng lục chưa? Thế đấy... trước chiến tranh thì không nói làm gì!

Đến trường bắn thì chúng tôi chia tay nhau. Và chỉ gặp lại nhau, cũng chính ở đây, khi cuộc chiến tranh Vệ quốc đã gần kết thúc. Lúc ấy chúng tôi vừa là đồng đội vừa là đối thủ của nhau, cùng có mẫu vũ khí tương tự - cácbin tự động nạp đạn - đưa ra Hội đồng xét duyệt. Trong cuộc thi đua sáng tạo ấy của các nhà thiết kế, Xecgêi Gavrilovich đã thắng. Đó là vào năm 1943, khi súng cácbin của chúng ta lúc đó chuyển sang dùng cỡ đạn mới. Đây chính là giai đoạn mới trong việc chế tạo vũ khí bộ binh tự động. Súng cácbin tự nạp đạn CKC-45 cỡ đạn 7,62mm của Ximônốp có lẽ người nào cũng thấy rồi, không thấy gần, thì cũng thấy từ xa, không thấy trên tivi, thì cũng thấy trên phim ảnh; và trong nhiều năm, chính những người lính gác trên vọng gác số Một cạnh lăng Lênin đã dùng loại súng này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #51 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:47:39 pm »


Theo lời khuyên của Xecgêi Gavrilovich, cứ lúc nào rảnh là tôi lại chạy sang viện bảo tàng. Bộ sưu tập vũ khí ở đây quả thật rất đa dạng. Thông qua cáo mẫu cụ thể, bộ sưu tập cho ta thấy rõ sự tiến triển của vũ khí. Tôi cầm trong tay những khẩu súng trường, súng cácbin, súng lục, tiểu liên, trung liên mà cứ suy ngẫm mãi một điều rằng, có biết bao nhiêu những giải pháp thiết kế khác nhau, có biết bao nhiêu những ý tưởng sáng tạo của các nhà sáng chế thật bay bổng lãng mạn không ngờ tới, và cũng có không biết bao nhiêu những mẫu trong nước và ngoài nước được thực hiện giống nhau.

Đối với tôi, được thấy trong bảo tàng nhiều mẫu chưa từng được thử, hoặc những mẫu nào đó vì các lý do khác nhau không được trang bị cho quân đội, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôi nhiều lần tháo các mẫu đó ra, nghiên cứu mối quan hệ lẫn nhau giữa các bộ phận và các cơ cấu. Và mỗi lần tháo mẫu, tôi đều tìm hiểu nguyên nhân, tại sao mẫu đó không được thử, vấn đề là ở chỗ nào? Đôi lúc tôi phát hiện ra rằng, tính độc đáo không phải lúc nào cũng đem lại ích lợi. Tôi cho rằng không có một mẫu vũ khí nào trong bảo tàng nằm ngoài tầm mắt, và tầm tay tôi. Đó chính là học vấn cơ bản của tôi...

Tiếc là tôi không đủ thời gian dành cho các cuộc tham quan sâu về thiết kế như thế. Đã đến lượt thử khẩu trung liên nhẹ của tôi. Biết bao nhiêu hồi hộp và lo lắng, nhưng mẫu không có trục trặc gì lớn.

- Mẫu của đồng chí thượng sĩ làm việc không tồi, nhưng kết luận mẫu đạt, thì tôi không dám nói chắc - Người kỹ sư thử, sau một loạt bắn, thở dài nhìn nòng súng nóng đỏ, nói.

- Sao đồng chí lại nghĩ thế? Mọi việc đều bình thường cả cơ mà.

- Nếu cùng lúc trang bị nhiều loại trung liên nhẹ khác nhau sẽ lãng phí, chúng tôi đã tiến hành thử rất thành công mẫu của Xuđaép. Mẫu của đồng chí không có những ưu điểm vượt trội so với mẫu của Xuđaép. Đương nhiên đây chỉ là ý kiến riêng của tôi. Tuy thế, tôi vẫn hài lòng về mẫu này. Đồng chí hãy sẵn sàng nghe quyết định của Hội đồng.

Người kỹ sư thử nhiều kinh nghiệm đã chặn trước những kết luận vội vàng của tôi, và theo tôi hiểu, anh đã có thiện ý chuẩn bị tư tưởng, tinh thần trước cho tôi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #52 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:48:24 pm »


Và sau đây là kết luận chính thức do trưởng phòng ủy ban pháo binh thuộc Tổng cục pháo binh Hồng quân, trung tá - kỹ sư Rôgasepki và trợ lý của ông, đại uý - kỹ sư Tremen ký; ký duyệt: trung tướng Khakhlốp, Tổng cục phó Tổng cục pháo binh, chủ tịch ủy ban pháo binh.

"Căn cứ vào biên bản của trường bắn, ngày 9 tháng 2 năm 1943 (N°2734) và sau khi nghe ý kiến của tác giả, phòng 5 ủy ban pháo binh Tổng cục Pháo binh cho rằng:

1. Kết quả thử mẫu trung liên nhẹ của nhà thiết kế Kalasnhicốp đạt trung bình.

Kết luận của trường bắn về nguyên nhân hóc là điểm yếu của mẫu: "Sau khi bóp cò, kim hoả đập nhẹ, không đủ lực làm nổ hạt nổ, vì khi nó chuyển động cùng cơ bẩm tới điểm trên nhất thì bị mất năng lượng". Vấn đề là ở chỗ, lúc bóp cò thì cơ bẩm còn cách điểm trên nhất 2mm, còn kim hoả thì cách 4mm. Vì vận tốc kim hoả bắt đầu tăng từ không, còn vận tốc cơ bẩm đang ở điểm cực đại, nên kim hoả không thể nào chuyển động kịp cơ bẩm. Lý do rõ ràng nhất dẫn đến hóc đạn là lực cản phụ phát sinh từ mối hàn đắp trên ống lò xo.

2. Sửa chữa để hoàn thiện mẫu trung liên nhẹ: Tiến hành khắc phục các thiếu sót sau:

a) Giảm tốc độ bắn (từ 824 viên/phút xuống khoảng 700 viên/phút) bằng cách tăng trọng lượng khớp nối hoặc thay đổi bước rãnh xoắn nòng.

b) Khắc phục bộ ngắt bị kẹt bằng cách giảm ma sát các cạnh bên của nó với hộp đạn và tăng lực lò xo.

Việc tăng đường kính lỗ thoát vỏ đạn đã được tiến hành ở trường bắn trong quá trình thử.

3. Trung liên nhẹ của Kalasnhicốp chế tạo phức tạp hơn và giá thành đắt hơn so với mẫu ΠΠ-41 và ΠΠC, hơn nữa mẫu đòi hỏi phải gia công trên máy phay, chậm hơn và máy lại khan hiếm. Do vậy, mặc dù có nhiều mặt khác bù lại (trọng lượng nhẹ, kích thước ngắn hơn, bắn phát một được, kết hợp cần gạt và chốt an toàn, thông nòng gọn nhẹ...) nhưng mẫu của Kalasnhicốp không thể đại diện cho nhóm mẫu cùng loại, để đưa sang chế tạo, phù hợp với lợi ích sản xuất công nghiệp".

- Đừng quá thất vọng, - Thấy tôi suy sụp tinh thần, người kỹ sư thử, an ủi - Tốt hơn hết là hãy định hướng cho một công việc mới khác nào đó bền và chắc chắn hơn.

- Tôi vẫn tin rằng mẫu súng của tôi sẽ được các chiến sĩ ngoài mặt trận dùng để đánh quân Đức. Thế mà, bây giờ...

- Cậu nghĩ rằng Điôchiarep, Tôcarep, Ximônốp hoặc Xudaép không từng bị thất bại à? Trước khi chế tạo được một cái gì đó thành công, họ đã phải nhiều lần muối mặt trước những kết luận không hề thương tiếc. Hội đồng xét duyệt là tập hợp của những người khắt khe mà lại! Cậu phải biết rằng, đã có rất nhiều mẫu không đạt của các nhà thiết kế nổi tiếng cũng có, chưa nổi tiếng cũng có đã qua tay mình. Chỉ có cái là họ không bao giờ ngã lòng, không khóc than van vỉ. Ngược lại, mỗi lần thất bại lại làm tăng thêm sức mạnh và khi họ đến thử lần sau đã có những mẫu tốt hơn, và đôi khi còn có hẳn một sản phẩm mới.

Những lần chuyện trò với các kỹ sư thử nghiệm, thường thường giúp tôi hiểu sâu hơn các công việc "bếp núc" của các ý tưởng thiết kế, của các công việc cải tiến, hoàn thiện, cũng như các mối quan hệ lẫn nhau. Giao tiếp với họ, luôn đem lại ích lợi, tôi hiểu rõ điều này khi tiến hành công việc hoàn thiện mẫu súng đầu tiên của mình.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #53 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:48:54 pm »


Thế còn số phận của khẩu trung liên nhẹ đầu tiên của tôi ra sao? Hiện nay mẫu súng này để ở Viện bảo tàng lịch sử pháo binh, công binh - công trình và thông tin liên lạc ở Lêningrát. Vẫn như xưa, đối với tôi nó là đứa con đầu lòng trong sự nghiệp thiết kế của tôi, đứa con được sinh ra trong đau khổ, trong điều kiện chiến tranh phức tạp nhất...

Trở về Tổng cục pháo binh, Vladimir Vaxilievích Glukhốp sau khi hỏi cặn kẽ tôi về quá trình thử nghiệm, ông nói, vẻ quan tâm:

- Giờ đồng chí làm gì tiếp?

- Nếu được phép, tôi xin tiếp tục làm súng máy xách tav.

- Ừ, thì làm súng máy. Ngay từ năm ngoái đã công bố thi thiết kế rồi đó. Duy có điều cần lưu ý là, các yêu cầu đối với mẫu rất cao. Cuộc thi sẽ có nhiều nhà thiết kế tham gia, nên sẽ có cạnh tranh quyết liệt.

Thế là tôi lại tham gia vào cuộc thi tiếp, để kết thúc công việc mà tôi cùng với Giênhia Kraptrencô đã bắt đầu từ khi còn ở đềpô Matai: Song song với việc chế tạo trung liên nhẹ, hồi ấy chúng tôi còn làm cả khẩu trung liên xách tay nữa. Tôi đã mang "bán thành phẩm" lên Alma-Ata và cố gắng tới mức có thể, để hoàn thiện nó trong các xưởng sản xuất - học tập của Trường đại học hàng không Mátscơva. Tuy nhiên, việc làm này không thành, vì mọi sức lực phải tập trung vào việc hoàn thiện khẩu trung liên nhẹ.

Sau khi từ Mátscơva về Taskent tôi được điều về một căn cứ của quân khu Trung Á ở Uzơbekixtan. Cấp trên đã rất quan tâm đến công việc của tôi. Thời chiến, quân số tính toán từng người một, nhưng Tư lệnh quân khu vẫn dành cho tôi một số công nhân lành nghề, nhà ở, dụng cụ, vật liệu. Mối quan hệ cộng tác thật quý báu.

Và thế là, tôi lại thấy xung quanh mình những người say mê với công việc của tôi. Mọi người làm việc hết mình, hết tài năng. Trong nhóm có một thợ nguội có cái họ Đức là Kôkh. Anh được mệnh danh là ngươi có "bàn tay vàng". Mọi chi tiết anh làm với một tình yêu đặc biệt, khi dập phần báng súng anh điểm cả hoa văn trang trí lên sản phẩm – điều mà trên vũ khí quân sự không được làm. Xong công việc, chúng tôi làm một chiếc thùng đặc biệt và đóng gói cẩn thận mẫu súng vào đó. Cấp trên cấp giấy tờ đi đường cho tôi và một đồng chí nữa. Chúng tôi lên đường đi Mátscơva.

Mẫu được trình lên các chuyên gia quân sự của Tổng cục pháo binh. Sau khi báo cáo Tổng cục trưởng, tôi được lệnh mang mẫu đi thử.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #54 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:49:22 pm »


Từ sáng sớm đã bắt đầu thử các mẫu. Tham gia cuộc thi có ba mẫu súng máy khác nhau - mẫu của B.A. Điôchiarép, mẫu của C.G. Ximônốp và mẫu của tôi. Ba mẫu này được lọt vào vòng chung kết. Tôi sẽ không kể chi tiết về cuộc thử nữa. Nói vắn tắt là mẫu của tôi không qua được kỳ thi. Hội đồng thi kết luận: nó không ưu việt hơn các mẫu trước đã trang bị cho quân đội. Như vậy khẩu súng máy xách tay của tôi lại trở thành vật trưng bày của bảo tàng.

Phải thú nhận là, thất bại này đã giáng một đòn vào lòng tự ái của tôi. Đối với Điôchiarép cũng không nhẹ nhàng gì hơn, mẫu của ông cũng không được Hội đồng thi thông qua, sau nữa, cuối cùng cả mẫu của Ximônốp cũng bị loại.

Còn tôi, sau thất bại tiếp theo này, đã rút ra được cho mình kết luận: cần phải nghiên cứu càng sâu càng tốt tất cả những gì đã làm được và đang làm trong lĩnh vực này. Nếu không, sẽ chẳng làm được một cái gì ra trò. Vì vậy với lòng hăng say gấp bội, ngày ngày tôi lại vào viện bảo tàng của trường bắn để xem lại toàn bộ những gì đã có ở đó, thuộc lĩnh vực vũ khí bộ binh. Ngoài ra tôi còn đọc nhiều tài liệu về phương pháp thử súng như các văn bản về các lần thử đã tiến hành. Tôi cũng tranh thủ trao đổi với các chuyên gia thử giàu kinh nghiệm về đề tài này. Ở đâu tôi cũng tìm cách để mọi người giúp tôi trả lời câu hỏi: "Tại sao cả hai lần tôi đều chịu thất bại, sai sót ở đâu?". Tôi muốn tự mình phải nhận ra tất cả các thiếu sót của mẫu, tiếp cận với sản phẩm của mình một cách khách quan, cần phải học cách phê phán đối với những việc mình đang làm.

Qua những năm tháng thi đua, cạnh tranh với các đồng nghiệp - thiết kế, tôi đã nhận ra rằng, trong thiết kế anh phải luôn nghĩ đến tính tiện lợi khi sử dụng, hay như bây giờ người ta thường nói: Tính tiện lợi trong khai thác. Mẫu phải có cấu tạo đơn giản tối đa, độ tin cậy cao trong hoạt động, không cho phép sử dụng các chi tiết kích thước nhỏ, dễ bị mất khi tháo v.v... chỉ có kiên trì học hỏi thông qua những lần kiểm tra, thử nghiệm và thông qua các sai lầm tôi mới xây dựng được phương pháp này để áp dụng cho công tác sáng chế của mình.

Trước kia, các mẫu đầu tiên của tôi thất bại chính bởi không có những hiểu biết này, dẫn đến các mẫu làm ra không cạnh tranh nổi với các mẫu đã được trang bị. Như đã nói trong báo cáo kết quả thử, hai mẫu trung liên của tôi không được dùng để trang bị không phải vì không ưu việt hơn hẳn so với mẫu trang bị cho quân đội. Nó bị loại bởi vì không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản đối với loại vũ khí chiến đấu. Đó là nguyên nhân hai lần thất bại của tôi. Tôi đã cố gắng để đạt được kết quả tốt, nhưng không nghĩ đến có một tiêu chuẩn là đơn giản và bền chắc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #55 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:50:47 pm »


Sau các thất bại đầu tiên, tôi như đứng ở ngã ba đường. Có những người khuyên tôi: "Có lẽ cậu đã đến lúc chuyển sang làm việc gì khác, thôi việc vũ khí đi!". Bị ảnh hưởng nặng nề những câu nói của đồng đội, tôi đâm ra nghi hoặc vào khả năng sáng tạo ra một cái gì đó của chính mình. Đang ở trong tình trạng thần kinh căng thẳng, thì tôi gặp trưởng phòng sáng chế của ủy ban dân biểu B.B. Glukhốp đến trường bắn công tác.

- Ta đi dạo một chút nhỉ? - Vlađimir Vaxilievích mời tôi - Tôi có câu chuyện muốn nói với đồng chí.

Tôi chuẩn bị tinh thần nghe lời khiển trách hoặc những lời kết luận nặng nề nhất. Ông là người luôn nói thẳng mọi sự thật, dù đó là sự thật cay đắng đến mức nào và đặc biệt rất nguyên tắc trong việc đánh giá công tác của các nhà thiết kế... dù người đó có nhiều công trạng đến mức nào chăng nữa. Còn tôi, chỉ là một người thiết kế trẻ, đã bị hai lần thất bại liên tiếp, biết chờ đợi gì đây?

- Lo lắng lắm hả? – Glukhốp đặt tay lên vai tôi - Nếu người thiết kế biết lo lắng sâu sắc trước thất bại của mình thì đó là điều tốt. Nếu bây giờ chưa hiểu, thì sau này đồng chí sẽ hiểu. Tôi chỉ khuyên đồng chí bên cạnh sự lo lắng đau buồn đó, cần phải có thêm sự phân tích thực sự phê phán nguyên nhân thất bại. Bây giờ ta thử xét lại lần nữa xem, tại sao mẫu của đồng chí bằng mẫu của Điôchiarép và Ximônốp, mà lại không được thử tiếp.

- Hay là, tôi không nên làm tiếp công việc thiết kế vũ khí? Vai và tay tôi hầu như đã bình thường. Tôi cần trở lại mặt trận, về đơn vị cũ...

- Xem chừng nhiệt huyết giảm sút nhiều đấy - Valađimir Vaxilievích dừng lại, rút tay trên vai tôi xuống. - Ra mặt trận thì ngay ngày mai đồng chí có thể đi được. Việc này đơn giản hơn nhiều so với ở lại đây, ở hậu phương, đồng chí chế tạo được thứ vũ khí cho cả đại đội, trung đoàn, sư đoàn và nói chung cho toàn mặt trận sử dụng đánh quân thù, hiệu quả tốt hơn, để góp phần nhanh chóng mang lại chiến thắng cho Tổ quốc. Thế đồng chí có biết điều này không: cả Điôchiarép, cả Ximônốp, không ai dễ dàng cả. Hay Xuđaép trong thành phố Lêningrát bị phong toả đói rét đã hoàn thiện khẩu trung liên của mình, rồi mang ra tiền tuyến để trực tiếp bắn thử, là dễ dàng à? Anh bạn thân mến, hãy nhớ là, kinh nghiệm và kiến thức phải trải qua một quá trình tích luỹ, nếu ta không lười biếng, mới có được. Vậy nên, hãy bình tĩnh và chúng ta sẽ cùng nhau phân tích xem tại sao thất bại.

Chúng tôi tiếp tục đi trên con đường có hàng cây hai bên.

- Như vậy là kết luận của Hội đồng thi nói rằng, mẫu của cậu không được thông qua để trang bị, vì không có những ưu điểm cơ bản so với các mẫu đang sử dụng?

- Đúng như thế.

- Nhưng đây là kết luận chung. Cậu phải đào sâu suy nghĩ hơn nữa. Và hãy tự xác định ngay là: Mẫu không đáp ứng được các yêu cầu chủ yếu của loại súng trung liên xách tay.

- Sao không đáp ứng ạ? - Tôi băn khoản hỏi lại Vlađimir Vaxilievích. - Khi thiết kế và chế tạo mẫu, tất cả các điều kiện dự thi đã được tính toán kỹ.

- Đấy mới chỉ là điều kiện, còn những yêu cầu mà người thiết kế phải tự đề ra cho mình: Chẳng hạn, anh đã nâng cao được sự tiện lợi trong sử dụng vũ khí chưa? Cấu tạo đã đơn giản hoá tối đa chưa? Độ tin cậy khi hoạt động có được nâng cao không? Các giải pháp trong thiết kế của đồng chí có khác biệt nhiều so với các giải pháp tiêu chuẩn không?

- Tôi đã cố gắng thiết kế không theo khuôn mẫu. - Tôi bắt đầu vội vàng kể ra những cái mới, theo quan điểm của tôi, mà tôi đã đưa vào mẫu của mình khi thiết kế và hoàn thiện.

- Cái độc đáo trong thiết kế không được che khuất những yêu cầu chính đề ra cho loại vũ khí đó. Này nhé, cậu hãy nói tôi nghe, sao hộp đạn của một khẩu trung liên xách tay chỉ chứa được có 15 viên? Cơ cấu tự động đồng chí giải quyết không tồi, nhưng đáng tiếc là nó hoạt động không đủ tin cậy, thế là toàn bộ các giải pháp thiết kế độc đáo bị xoá sạch. Còn độ chụm của mẫu thế nào? Ngoài những điều nói trên, nếu cộng thêm một số chi tiết khác không được bền vững, thì ta sẽ có một bức tranh, có thể nói là, kém vui.

Chúng tôi còn đi khá lâu trên con đường rợp bóng cây trong khuôn viên trường bắn để phân tích, tổng kết về mẫu trung liên xách tay của tôi. Cuộc nói chuyện này đem lại cho tôi nhiều điều. Bài học chủ yếu là không né tránh khuyết điểm của bản thân, có thái độ tự phê bình nghiêm túc trong việc đánh giá kết quả lao động của mình. Lúc bấy giờ tôi còn thiếu những điều này. Mọi người thường hỏi tôi cùng một câu: "Sao ông trở thành nhà sáng chế được, khi học vấn còn chưa hết trung học?"
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #56 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:51:30 pm »


Phải thừa nhận rằng, đợi một câu trả lời đơn giản một chiều đối với câu hỏi này là khó. Tuy nhiên, theo chuẩn mực của những năm 30 thì học hết lớp chín như tôi, trước khi vào làm ở đềpô xe hoả và trước khi nhập ngũ cũng là tương đối khá rồi. Nhưng tôi tin rằng, vấn đề không chỉ ở chỗ anh có trình độ trung cấp hay cao cấp... Vì có phải khi nào tấm bằng kỹ sư cũng xác định đúng trình độ kiến thức đâu.

Không, tôi không cho rằng không cần học tập, không cần tự hoàn thiện mình. Nếu không có kiến thức, không có học vấn, không nghiên cứu sâu sắc kinh nghiệm của người đi trước, thì sẽ không trở thành người kỹ sư, nhà thiết kế, người giáo viên, người chỉ huy được. Tuy nhiên, mọi trình độ học vấn chỉ đem lại lợi ích cho bản thân và cho Tổ quốc thân yêu, với điều kiện anh phải khẳng định được bản thân mình bằng công việc cụ thể, anh phải đề ra cho mình mục tiêu lâu dài cũng như trước mắt. Thậm chí tôi còn muốn nói thêm rằng: Ta còn cần phải quyết tâm phấn đấu để hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ mục tiêu đã đề ra đó. Chỉ có như thế thì ta mới chinh phục được những đỉnh cao sáng tạo mà trước kia chỉ mới nghĩ đến ta đã hoảng sợ.

Giờ tôi sẽ làm gì đây? Lòng tự ái chất chồng lên nhau - Hãy gạt nó sang một bên! - Tôi tự nhủ mình - không vì lý do gì mà đầu hàng, ta đang đi đúng hướng. Giờ của ta đã điểm.

Lần trở lại những tháng năm chiến tranh, khi mà tôi tiếp tục thử sức mình lần nữa trong việc thiết kế và chế tạo khẩu cácbin tự nạp đạn, phải nói ngay rằng tôi cũng đã bị thất bại.

Tuy nhiên, mẫu vũ khí này đã đem lại cho tôi niềm vui của những giải pháp thiết kế bất ngờ, làm nền tảng cho bước tiến mới, chất lượng hơn của tôi về phía trước. Tôi dám mạnh dạn mà khẳng định rằng, nếu không có mẫu cácbin đã hoàn thiện của C.G Ximônốp thì có thể mẫu của tôi đã có số phận khác rồi.

Khi ấy mẫu cácbin của Ximônốp đã hoàn thiện xong, thì tôi mới bắt tay vào chế tạo khẩu cácbin của tôi theo thiết kế cho loại đạn mới năm 1943. Tôi làm việc hết sức hào hứng và say mê. Đến bây giờ tôi vẫn nhớ, để tìm giải pháp tự động nạp đạn, cố định và nhả băng đạn, bố trí tay gạt nạp lại đạn, tôi đã tẩy đi tẩy lại tờ giấy vẽ oatman đến thủng lỗ. Ở đây nhà thiết kế súng trường tự động người Mĩ Garanđ đã giúp tôi. Theo kinh nghiệm của ông, tôi đã áp dụng cách nạp đạn vào cửa thu và gạt bỏ kẹp đạn không ra ngoài, đương nhiên ở dạng cải biên, vào trong thiết kế bộ nạp đạn tự động của tôi. Còn tay gạt nạp đạn lại tôi bố trí ngược, ở bên trái. Và còn một số các giải pháp độc đáo khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #57 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:51:55 pm »


Mẫu thử ở trường bắn cho kết quả tương đối tốt. Lúc ấy, thiếu tướng kỹ thuật pháo binh N.N. Đubôvitxki của Tổng cục pháo binh đến trường bắn, ông vẫn thường đứng đầu các Hội đồng đặc biệt xét duyệt các mẫu vũ khí bộ binh. Ông là người nóng tính, nhưng phải nói là tương dối khách quan và nguyên tắc. Đáng tiếc là, trong một số trường hợp, tính nóng nảy của ông đã gây trở ngại cho việc đánh giá các mẫu của nhà thiết kế. Tôi cho rằng trường hợp ấy đã xảy ra khi ông quyết định tự mình bắn thử khẩu cácbin của tôi.

Chúng tôi dán bia và nạp đạn cẩn thận vào kẹp. Tiếng còi vang lên, tín hiệu bắt đầu bắn. N.N. Đubôvitxki bắn một, hai, ba loạt... Hết đạn, kẹp đạn rỗng bay vèo ra ngoài.

Đáng lẽ phải nạp kẹp đạn mới, và bắn tiếp thì ông lại đặt khẩu súng xuống bờ chiến hào và tìm cái gì đó trên cỏ. Chúng tôi hiểu là ông tìm kẹp đạn. Tôi nói với ông không cần tìm, theo tính toán kẹp đạn tự bắn ra ngoài. Ông phủi tay mạnh:

- Tôi biết. Nhưng tôi nghĩ rằng, người lính cũng sẽ làm như tôi, nghĩ là vừa có một chi tiết nào bị văng ra và có thể sẽ mất, trong khi đó phải bắn tiếp!...

Ông còn phản ứng mạnh hơn khi nói về tay gạt nạp đạn lại:

- Nhà thiết kế, hình như muốn để người bắn nhắm mắt. Cái tay gạt của đồng chí khi bắn nó cứ chạy nhảy vướng mắt tôi.

Hướng về phía tôi, ông kết luận dứt khoát:

- Này, nhà thiết kế trẻ Kalasnhicốp! Nếu sau này đồng chí vẫn cứ đưa các chi tiết trái khoáy này vào mẫu, thì hãy quên đường đến chúng tôi đi!

Tôi hiểu, tất nhiên, đó là câu nói do nóng nảy. Có thể hiểu tâm trạng ông lúc đó: Ông vừa thông qua mẫu cácbin của Ximônốp, bỗng nhiên lại có một anh lính mới chen vào với mẫu súng khác kiểu, gây chú ý. Tốt hơn hết là cắt bỏ, không nhận. Và ông đã quyết định như vậy.

Lúc ấy, tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Nhưng từ bài học cay đắng và bất công ấy, tôi đã rút ra được những kết luận cần thiết, để sau đó tiến lên một giai đoạn mới có chất lượng hơn - thiết kế và chế tạo khẩu tiểu liên AK.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #58 vào lúc: 07 Tháng Chín, 2016, 05:52:28 pm »


Còn một điều đáng nhớ nữa là, trong thời gian làm khẩu cácbin tôi được làm quen với Alêcxêi Ivanôvích Xuđaép là một trong những nhà thiết kế vũ khí bộ binh thú vị và độc đáo nhất thời ấy.

Ông có sức thu hút kỳ lạ bởi đức tính hồn nhiên, chân thành, khiêm tốn trong quan hệ với mọi người và là người dễ gần. A.I. Xuđaép không chỉ hiểu biết kỹ thuật rất uyên bác, mà còn có khả năng thâu tóm thực chất vấn đề một cách nhạy bén.

Mỗi lần nói chuyện với ông, là mỗi lần được nghe nói chuyện ngoại khoá về lịch sử vũ khí. Nhiều lần chúng tôi đã trở lại đề tài về các mẫu trung liên thất bại của tôi, chúng tôi đã phân tích hết sức kỹ càng chúng.

- Ưu điểm của khẩu trung liên nhẹ của cậu là gì? Là nó có thể bắn liên thanh và phát một. Bộ phận cò súng mẫu của tôi chỉ bắn liên thanh được, về mặt này mẫu của cậu vượt trội. - Xuđaép là người hết sức khách quan và trung thực trong cách đánh giá công việc của mình với một quan điểm phê phán. - Và chắc cậu cũng nhất trí, mẫu trung liên nhẹ của cậu dễ điều khiển, làm việc ổn định hơn và độ chụm tốt hơn. Trên phần trước của nắp bảo vệ, tôi bố trí bộ phận hãm - bù trừ nhằm làm giảm va đập của các bộ phận chuyển động ở vị trí sau cùng - tức là lò xo giảm chấn của khoá nòng. Còn tại sao mẫu của tôi nhẹ hơn và quy trình sản xuất hợp lý hơn mẫu ΠΠΠΠ-41? Phần lớn các chi tiết được sản xuất bằng phương pháp dập và hàn. Chúng tôi đã phấn đấu đạt được mức sử dụng kim loại để sản xuất ít hơn hai lần và giảm ba lần thời gian chạy máy công cụ để gia công cơ khí so với mẫu ΠΠΠΠ. Cậu hãy tưởng tượng xem, điều đó có ý nghĩa to lớn dường nào trong điều kiện Lêningrát bị vây hãm.

Tính kiên trì là một phẩm chất nữa tôi nhận thấy trong tính cách của Xuđaép. Khi đã đặt ra cho mình một mục tiêu nào đó thì ông nhất quyết phải thực hiện bằng được. Ông luôn khát khao làm việc, không thích sự thiếu chuẩn xác, không dứt khoát, không tập trung.

Cuộc sống ở trường bắn, đôi khi thấy nhẹ nhàng hơn bởi những trò đùa và những câu nói vui chẳng làm giận ai, mà có nhiều câu đã trở thành những câu cửa miệng "nội bộ". Nhiều lần tôi đã rơi vào trường hợp đùa vui liên quan tới Cachia, vợ tương lai của tôi. Khi đó cô ấy làm nhân viên vẽ kỹ thuật ở phòng thiết kế của trường bắn, một phụ nữ có trình độ cao và rất cẩn thận. Cô hiểu rất nhanh ý đồ của người thiết kế đối với một chi tiết nào đó qua những bản vẽ phác, đôi khi không rõ ràng của chúng tôi. Đối với tôi thì cô lại càng khó làm việc, vì tôi không được đào tạo chuyên môn về thiết kế, hơn nữa khả năng vẽ của tôi lại kém... Thường thì cô không hiểu bản vẽ phác của tôi để mà vẽ. Còn tôi thì không biết giải thích một cách thành thạo. Thành ra, đôi khi phải làm chi tiết trước, Cachia lấy kích thước và lập bản vẽ sau. Những cuộc gặp gỡ thường xuyên này của chúng tôi, là đầu đề đàm tiếu bóng gió của đám bạn hữu. Sau khi biết chúng tôi yêu nhau, họ lại càng đùa, gán ghép thường xuyên hơn. Cứ bước chân vào xưởng, là lại nghe nói: “Này, Cachia vừa đến tìm cậu đấy. Cô ấy không hiểu bản vẽ phác của cậu, nhắn cậu đến để hỏi". Hiểu rõ sự việc tôi liền chạy đến phòng Cachia để hỏi. Cô ấy chả hiểu đầu đuôi ra sao cả. Tôi lúng túng đến đỏ cả mặt, Cachia cũng vậy. Anh em chỉ cần có thế!
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #59 vào lúc: 08 Tháng Chín, 2016, 11:48:21 pm »


... Như vậy là khẩu cácbin của tôi không qua được kỳ thử. Nhưng mọi ý tưởng tốt định thể hiện trong mẫu này tôi chuyển sang mẫu mới mà lúc đó đã có một số nhà thiết kế khác bắt tay vào thiết kế. Tôi muốn nói về khẩu tiểu liên chế tạo cho loại đạn mới năm 1943.

Người đi đầu thiết kế mẫu này lại là Alêcxêi Ivanôvích Xuđaép.

...Năm 1945 mẫu của ông đã được sản xuất hàng loạt. Mẫu đã được thử ở trường bắn và ở đơn vị quân đội. Một trong những nhược điểm chủ yếu của nó là khối lượng lớn, đòi hỏi phải giảm nhẹ kết cấu. Ông tiếp tục kiên trì cải tiến mẫu. Vào thời kỳ đó, chúng tôi gặp nhau rất ít. Có lẽ trước hết là do ảnh hưởng của ông mà tôi đã tham gia vào cuộc cạnh tranh thiết kế loại tiểu liên dùng đạn mới, cỡ nhỡ, nhỏ hơn đạn súng trường, lớn hơn đạn súng lục.

Khi tôi chỉ mới bắt đầu công việc này thì Xuđaép đang tiếp tục hoàn thiện mẫu của ông. Tôi cho rằng, lẽ ra ông đã đạt được những thành công tuyệt vời và bổ sung thêm vào truyền thống vẻ vang của ngành vũ khí bộ binh nước ta, nếu ông không đột ngột từ trần vào năm 1946. Đối với cá nhân tôi, đây là một mất mát không thể bù đắp được. Sự nghiệp sáng chế của ông chỉ gói gọn trong khoảng bốn, năm năm gì đó. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, ông đã đạt tới những đỉnh cao sáng tạo vũ khí, mà những nhà thiết kế khác cả đời cũng không mơ tới được.

Số phận của nhà thiết kế vũ khí thật lạ lùng thay! Khi ông chết đi, tiễn biệt ông là những loạt súng mà ông không thể ngờ tới được, không một lời điếu văn long trọng nào, không một dòng nhạc nào nhắc nhở đến những kỷ niệm về ông, chỉ có những lời than khóc đau đớn và tiếng thét kinh hoàng.

Sau khi ông mất vài năm tôi đã viết những câu thơ này:

Sương mù bao bọc đời ông
Từ trong năm tháng chiến trường xưa kia
Vụt qua như đám sao xa
Dấu vết để lại mãi là của ông


Và cuộc thi được công bố là sẽ tiến hành bí mật, nghĩa là mọi tài liệu thiết kế trình Hội đồng được đặt bí danh, giấu tên thật, có một phong bì riêng trong đó viết rõ tên thật của nhà thiết kế nào đó. Phong bì này chỉ được bóc ra khi đã xét xong các bản thiết kế và công bố vị trí kết quả của chúng. Làm thế để việc xét duyệt được khách quan hơn và để sức nặng "của những người nổi tiếng" không gây áp lực lên quyết định của các thành viên trong Hội đồng. Mọi người tham gia trên cơ sở bình đẳng!

Tôi thật không dễ dàng gì khi quyết định tham gia cuộc thi này. Theo điều kiện cuộc thi, phải đưa trình không chỉ các bản vẽ tổng quát mà cả các bản vẽ chi tiết các cụm chính, các bản tính toán độ bền của cụm khoá nòng, xác định tốc độ bắn và một loạt các tính năng khác nữa. Nếu thiếu một trong các tài liệu nào đó Hội đồng sẽ không nhận bản thiết kế. Bây giờ nhớ lại thời ấy, tôi khó có thể hình dung được tại sao mình lại dám bắt tay vào một việc lớn như thế, trong khi không được đào tạo chuyên môn gì cả?... Nhưng tuổi trẻ và lòng hăng say được bồi bổ từ những cuộc thi trước, đã hướng tôi đến cuộc cạnh tranh này.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM