Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:00:29 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tôi từng là phi công tiêm kích  (Đọc 29700 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 24 Tháng Năm, 2016, 09:41:38 am »

        
        - Tên sách: Tôi từng là phi công tiêm kích
        - Tác giả: Nguyễn Công Huy
        - Nhà xuất bản: Nhà xuất bản Văn Học
        - Số hóa: Giangtvx

        - Thông tin thêm: Đây là cuốn tự truyện của một người lái máy bay MIG 21 đã từng tham gia chiến tranh chống lại không quân Mỹ ở Việt Nam.

        Nguyễn Công Huy cũng là thành viên trong diễn đàn, có nickname là Phicôngtiêmkích. Các bạn có thể tìm hiểu thêm trong các topic mà ông thành lập và chủ trì:

        +   Phi công tiêm kích (phần 1): http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=24255.0

        +   Phi công tiêm kích (phần 2): http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=26488.0

        Và có thể trao đổi trực tiếp với tác giả ở:

        +   Phi công tiêm kích (phần 3): http://www.vnmilitaryhistory.net/index.php?topic=29092.0

Xin trân trọng giới thiệu

--------------------------------------------------------------------------------

MỤC LỤC

Lời tựa

chương 1: Thuở thiếu thời
chương 2: Những năm tháng trưởng thành
chương 3: Thử lửa
chương 4: Đoạn đường sau chiến tranh
chương 5: Hạnh phúc riêng tư

Thay cho lời kết

------------------------------------------------------------------------------




« Sửa lần cuối: 09 Tháng Hai, 2021, 10:36:58 am gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Năm, 2016, 08:29:29 am »


Lời nói đầu

        Tôi xin bày tỏ lòng kính trọng và biết ơn vô bờ bến đến bố mẹ tôi - những người sinh thành, dưỡng dục tôi, đã tạo cho tôi những bước đi ban đầu trong cuộc đời và dạy cho tôi học Làm người.

        Tôi biết ơn và vô cùng cảm ơn các thầy cô - những người đã trang bị cho tôi những kiến thức quý báu, đặc biệt là các thầy dạy bay đã truyền đạt cho tôi những kỹ thuật bay, đã nhen nhóm cho tôi ngọn lửa tình yêu bầu trời, dạy cho tôi nhưng thuật cơ bản để thoát khỏi mọi hiểm nguy trong chiến trận, trở về với cuộc sống.

        Tôi biết ơn và cảm ơn vợ tôi - người bạn đời của tôi đã dám gắn bó đời mình với một phi công tiêm kích, đã gánh chịu mọi gian nan vất vả trong cuộc sống, đồng thời cũng là nơi neo đậu yên tĩnh cho tâm hồn tôi khi tôi gặp những bão giông của cuộc đời và luôn bên cạnh tôi để cùng vượt qua những thăng trầm.

        Xin cảm ơn các thế hệ phi công đàn anh - những người đi trước đã cho chúng tôi tiếp thu những kinh nghiệm trong các trận không chiến, trong cuộc sống thường ngày và đã dìu dắt tôi qua những ngày ác liệt của đạn bom, giành lấy chiến thắng.

        Xin cảm ơn các đồng đội của tôi - những người luôn kề vai sát cánh trong đội hình, những người cùng chia lửa, cùng chia sẻ cho nhau mọi nỗi vui buồn, luôn coi nhau như anh em ruột thịt và đã cùng tôi vượt qua được cổ họng của chiến tranh.

        Xin cảm ơn và luôn tưởng niệm đến những đồng đội đã xếp lại những đôi cánh của mình trong các trận không chiến - những người đã góp phần không nhỏ giúp cho bầu trời được yên lành, thanh bình.

        Xin cảm ơn nhân dân các vùng, miền - nơi tôi từng đóng quân, từng cơ động, từng tham gia chiến đấu ở các mặt trận - những người đã quan tầm, chăm chút, nuôi nấng, động viên tôi trong suốt chặng đường chiến tranh, những người đã giúp cho tôi thấu hiểu thêm nghĩa vụ và trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, với đồng bào.

        Xin cảm ơn những người bạn, những người tôi yêu quý đã giúp tôi cho ra đời cuốn sách này.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Năm, 2016, 05:00:50 am »


        Chương I:

Thuở thiếu thời

        Tôi sinh ra ở một làng quê nghèo, nhỏ bé, cách sông Hồng chừng hơn 1 cây số đường chim bay. Lớp chúng tôi trong thôn cả trai lẫn gái có đến gần ba chục đồng niên. Cái tuổi Đinh Hợi là phải xa xứ “ly tổ lập thân”, nhất là những người đẻ vào tháng 5 (tháng Ngọ) như tôi, cứ đi hết chân trời này đến góc biển nọ, chả mấy khi dừng.

        Tôi nhớ, hồi còn đang học cấp 2, có lần bác tôi bảo tôi rằng, sau này tôi phải đi xa, đi nhiều. Quả thực “cái số” của tôi đúng là bắt tôi phải như thế, mười phương trời, dễ đi đến tám, chín.

        Anh em của tôi, không ai được ở gần ai. Mang tiếng có 6 anh em mà sau này chẳng khi nào tụ hội đủ, chỉ giai đoạn còn trẻ con là ở cùng nhau mà thôi.

        Tôi sinh ra được một thời gian thì Tây càn. Mẹ tôi gồng gánh tôi và gia sản chạy loạn. Gọi là gia sản cho oai, chứ thực ra chỉ vài ba bộ quần áo, bao tượng gạo ở một bên thúng, còn thúng bên kia là tôi ngồi cho vừa đủ gánh. Thôi thì, hết chạy xuôi, lại chạy ngang, chạy ngược, ăn nhờ, ở đậu khắp nơi, nghe ngóng yên hàn lại trở lại làng quê tiếp tục cày cấy.

        Rồi bố mẹ tôi tản cư ra Hà Nội kiếm ăn. Tôi còn nhớ, dễ chuyển nhà đến mấy đận: từ chùa Sét lên Bạch Mai rồi chợ Đuổi, Vân Hồ... tôi cũng cứ lếch thếch bám theo bố mẹ suốt.

        Năm 1955, sau khi giải phóng Thủ đô, bố mẹ tôi quyết định trở về quê hương bản quán: làng Đào Xá, tổng Vũ Lăng, sau này còn có một lần chuyển ra Hà Nội nữa, nhưng rồi lại về lại làng. Tuổi thơ của tôi chịu ảnh hưởng nhiều của làng quê. Ngày đầu về làng, cái gì cũng lạ lẫm, nhà làm tạm, lợp mái rạ, vách trát rơm còn nồng mùi bùn mẹ con tôi đã phải vào ở. Bố tôi vẫn làm trên Hà Nội. Những năm ấy đói lắm, thường ăn su hào trừ bữa (vì nhà trồng được vườn su hào ngay trước cửa), thi thoảng mới loáng thoáng vài ba hạt gạo, gọi là để đỡ xót ruột. Đã có lần vào mùa nước to, nghe hô vỡ đê, mấy mẹ con tôi bỏ nồi cháo ở chõng tre để dắt díu nhau chạy đến nhờ một nhà có nền cao hơn, sau mới biết là tin nhảm, về lại nhà thì mấy mẹ con con chó đã tranh thủ giải quyết hết nồi cháo kia rồi. Vậy là mẹ con tôi đành nhịn đói ngày hôm ấy.

        Mấy đứa em tôi ra đời cách nhau 3-4 năm một. Tôi vừa giúp mẹ các công việc đồng áng, vườn tược, vừa phải bế ẵm em. Nhà tôi được chia 3 sào đất sau cải cách, tôi lại là con lớn nên phải lặn lội, học các lão nông chi điền cách thức làm ruộng. Tính hiếu động và siêng năng đã giúp tôi nhanh chóng nắm bắt được mọi việc: từ cày bừa, nhổ mạ, xay lúa, sàng sảy... đến các bài hát, làn điệu hát ru. Cũng vì tính hiếu động mà tôi thường xuyên bị ăn đòn, có trận đến nhừ tử.

        Tính bình quân ra, hầu như cứ mỗi ngày một trận. Thôi thì đủ thứ, từ cầm đầu lũ trẻ con đi ăn trộm hoa quả đến lôi nhau đi bơi, trèo cây bắt tổ chim, tổ chức đánh nhau với trẻ con các làng bên để tranh cánh đồng cỏ chăn bò, bắt cá làm nát lúa hợp tác, trêu chòng con người khác... nhiều lắm chả thế nào kể hết ra đây được. Những trận đòn như cơm bữa ấy chẳng làm tôi sợ, chừng như chúng làm tôi dạn dĩ thêm, nghịch ngợm thêm thì phải. Bố tôi đi vắng, mẹ tôi tôi mặt tôi mũi ở nhà với công việc đồng áng, lại gặp những trò của tôi bày ra thì đúng là không thể chịu nổi. Tôi nhớ có lần mưa to, thóc phơi ở sân tôi chỉ cào đống lại, lấy nong, nia che lên, vào bếp xúc tro đổ xung quanh chân đông thóc cho nước mưa đỡ ngấm vào đấy, xong lấy bùn đắp lỗ công thoát nước ở sân lại, lột hết quần áo mấy đứa em ra, bắt chúng nó tập bơi ở sân, đứa nào đứa đấy ngấm lạnh, mặt mũi tái mét. Mẹ tôi về người mệt mỏi bơ phờ, lại ngấm lạnh nước mưa đã như muốn lên cơn sốt rồi, thấy cảnh ấy thì “ba máu, sáu cơn” bùng lên, tôi được một trận đòn nhừ tử. Mấy đứa em tôi đứng dúm vào xó nhà, vừa sợ vừa thương anh, có lẽ cả vừa mừng nữa, vì chỉ có mẹ mới trị được anh thôi. Được cái, từ tôi đến mấy đứa em tôi, khi bị bố mẹ đánh, không đứa nào dám chạy như con người khác. Biết tội mình, nên chỉ im lặng nhận đòn roi. Sau này lớn lên, vào bộ đội, xa nhà, lắm lúc cứ nghĩ về quê hương, về bố mẹ, về các em là nước mắt tôi cứ tự ứa ra không sao ngăn nối vì nhớ đến những trận đòn roi xưa mà ân hận vì mình từng làm khổ mẹ mình quá.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 28 Tháng Năm, 2016, 09:31:27 pm »

        Ý thức phải giúp bố mẹ và trách nhiệm đối với gia đình cũng lớn dần lên theo năm tháng của tôi. Khi mẹ tôi sinh em thứ tư, ba anh em tôi còn bé lắm. Tôi học xay lúa, sàng, sẩy từ đó. Đội thúng gạo đi giã mà ba anh em đứng không dận bổng cối, tôi phải ra nâng đầu chày đếm nhịp, giã nháo nhào rồi về giần gạo mới có thứ thổi cơm. Đi chợ, chăn bò, cắt cỏ, mò cua, bắt ốc... tôi làm luôn tay, nhưng cũng thấy được cái thú vui đồng áng. Tóc tôi phơi nắng nhiều nên đỏ quạch như lông bò và luôn khét mùi nắng. Khổ nhất là những ngày rét. Đó là những ngày đồng cỏ già lụi, kiếm được sọt cỏ khó vô cùng, chân đất đầu trần, dầm mưa giữa trời mưa bụi nên đám trẻ chăn bò chúng tôi đứa nào đứa ây cứ run như rẽ. Sau rồi, chúng tôi cũng nghĩ cách lây đất cày đắp xung quanh như xây lô cốt, chỉ có một lối vào, lấy áo tơi phủ lên làm mái, nhổ gốc rạ và nhặt phân bò khô vào trong đó để đốt sưởi. Cũng chính vì vậy mà mẹ tôi luôn thắc mắc tại sao quần áo tôi luôn có mùi phân bò, mặc dù vừa mới giặt xong, chỉ mãi về sau này, tình cờ mẹ tôi phát hiện ra và có lẽ Người thương chúng tôi lắm, nhưng nền kinh tế bấy giờ và hoàn cảnh gia đình tôi như vậy, bố mẹ tôi chẳng thể nào cố thêm được.

        Lũ trẻ chúng tôi lứa tuổi ấy, cả trai lẫn gái, đứa nào cũng nghịch như nhau, không cái gì là không dám làm. Thôi thì từ đầu làng đến cuối ngõ, khi thì trêu cho người khác chửi mình nghe cho “khoái”, khi lại trêu nhau, khi thì rủ choảng nhau với lũ làng bên... đủ các kiểu. Tôi nhớ đầu làng tôi có bà già ở một thân một mình, vườn tược rộng, tre trúc nhiều. Chúng tôi thi thoảng lại đến đấy cưa trộm trúc về làm cần câu và cũng có dịp trêu chọc bà để bà chửi, vì bà chửi rất bài bản, nghe như hát. Đến giờ tôi vẫn còn nhớ dược những đoạn như: “Tao lôi từ thằng nằm chiếu ngang, thằng mang chiếu dọc, thằng đọc văn tế, thằng bế cây đài, thằng nhai sỏ lợn nhà mày lên...”. Chúng tôi chỉ thấy bà chửi có vần như vậy thì trêu, chứ không có ác ý gì. Mà cũng chẳng dám trộm gì lớn của bà, thi thoảng cần câu bị gãy thì mới lẻn lên cưa rút một cây trúc mà thôi. Mang tiếng là tôi nghịch ngợm vậy, nhưng chúng tôi cũng làm được khối việc ra trò. Sau khi thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong xong (hồi đó tôi làm Liên đội trưởng), chúng tôi phát động phong trào giữ vệ sinh làng xóm sạch đẹp - sống có lễ phép, cảnh giác với kẻ gian. Lũ chúng tôi hàng tuần quét ngõ xóm, đốt rác, lấy mùn bón cây, kẻ khẩu hiệu, trống phách cổ động cũng om sòm một thời. Các cụ, các bác khen lắm. Bọn tôi còn được cấp đất để tăng gia lập quỹ Đội, giúp cho các hoạt động được sôi nổi hơn. Sau này, lũ cùng tuổi với tôi cứ bỏ học dần, còn mỗi mình tôi lẽo đẽo đến trường. Có chút chữ nghĩa, xã còn lấy tôi vào ban viết lịch sử cho xã nữa. Hồi ấy thấy thế là thích lắm.

        Tôi chẳng năm nào được đi học gần. Ngay từ khi từ Hà Nội trở về đã phải đi sang xã khác cách khoảng 2 km để học rồi. Từ đó, ngày càng phải đi xa hơn, đến năm học lên cấp 3 là trường cách nhà đã 6 km. Hàng ngày, tôi cứ lủi thủi một mình với bộ quần áo nâu, vai đeo túi dết, đi chân đất đến trường. Bạn bè gọi tôi là thằng lái trâu. Gọi vậy chứ họ rất quý vì tôi quan tâm, sống chan hoà với mọi người, tham gia nhiệt tình vào các phong trào của trường, lớp và học cũng không đến nỗi nào, nghịch cũng chẳng kém ai nữa. Có lẽ duy nhất, tôi là đứa học sinh của trường thường mặc quần áo nâu, đi chân đất cho đến tận ngày tốt nghiệp lớp 10.

        Suốt cả đời học sinh, tôi cứ đi học buổi sáng thì buổi chiều lại về chăn bò, cắt cỏ, cày bừa, nhổ mạ, gánh phân lợn, gà, cám bã, tất bật phụ giúp mẹ tôi. Rỗi lúc nào thì học, đọc sách lúc ấy, vừa chăn bò, vừa đọc. Tôi cảm thấy học cũng nhàn nhã, mà đọc được khá nhiều truyện. Gần như tôi là một trong những thành viên tích cực nhất của thư viện trường. Các hiệu sách thì khỏi nói, tôi chẳng có tiền mua sách, nhưng mấy chị bán sách thấy tôi ham đọc, cũng đồng ý cho tôi mỗi ngày đứng ở đó mấy chục phút đọc tại quầy. Dần dà, tôi cũng đọc hết khối quyển ở cửa hàng. Bọn bạn chăn bò cùng lứa thường bắt tôi kể mọi chuyện tôi đọc trong sách vở. Tôi cũng có cảm hứng phải đọc nhiều hơn. Và tôi cũng học được rất nhiều qua những cuốn sách tôi từng nghiến ngấu vì không có thời gian. Những cuốn sách hay dạy mình nhiều lắm và chẳng phản bội mình bao giờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 09:21:43 am »

        Cũng qua sách vở mà hồi đó chúng tôi đã chiến thắng trong những trận chiến với bọn trẻ mục đồng ở làng bên để giành giật cánh đồng cỏ. Chẳng là đọc “Tam quốc diễn nghĩa” và “Thuỷ hử” xong, tôi cũng áp dụng chia những cánh quân ra sao cho hợp lý, dùng cờ gậy (chẳng qua là những miếng giẻ buộc ở đầu roi bò) để chỉ huy, cũng tiền quân, hậu quân, tả phù, hữu bật hẳn hoi. Bọn trẻ làng bên rối loạn, bị chúng tôi “tẩn” cho mấy trận đành phải rút vĩnh viễn, nhường lại cánh đồng cỏ cho bọn tôi chiếm lĩnh. Mãi sau này khi học ở Học viện Quân sự mang tên Gagarin (Liên Xô) nhớ lại thời đó, mới biết rằng mình đã từng áp dụng chiến thuật đánh “vu hồi” , “trực diện”, sử dụng “thê đội một”, “thê đội hai”..., chứ thuở ấy chỉ biết rằng “oánh” xong một trận, thấy đám mục đồng kia chạy, về bàn nhau mai sẽ “oánh” kiểu khác, không lặp lại kiểu cũ nữa mà thôi.

        Mấy đứa em tôi thì không phải “tham chiến” như tôi, có lẽ bởi “chiến trường” đã được chúng tôi chiếm lĩnh cho rồi, có lẽ cũng bởi lứa chúng nó sống hoà bình hơn. Và sau này, bố mẹ tôi cũng bán bò đi mất, nên những khái niệm tranh giành “thị trường đồng cỏ” chắc không hình thành ở mấy đứa em tôi, đụng độ như lứa tuổi của chúng tôi mà làm gì.

        Cho đến năm tôi vào học cấp 3 thì cả làng tôi chỉ còn có mỗi mình tôi đeo đuổi sự nghiệp “mài quần ở ghế nhà trường”. Dù nghèo khó đến mấy đi chăng nữa, bố mẹ tôi vẫn cố để “dành cái chữ cho con”. Vì thế mà anh em tôi, đứa nào cũng được học hành đến nơi đến chốn. Mấy đứa em tôi còn tốt nghiệp được đại học. Chúng tôi biết ơn bố mẹ chúng tôi lắm. Vốn liếng kiến thức mà bố mẹ chúng tôi để lại cho chúng tôi là những tài sản vô giá.

        Từ hồi còn trẻ con, tôi cứ ước mơ khi lớn lên sẽ trở thành bác sỹ nhãn khoa. Bác tôi (chị gái của mẹ tôi) chỉ có một thân một mình, mắt thì loà, đi đâu cứ lò dò, lẫm dẫm, luôn mong rằng tôi học giỏi để chữa mắt cho bà được sáng, được nhìn thấy mọi thứ trên đời này. Người hay đi chùa và thường khấn vậy. Mọi bài kinh kệ, tôi phải chép và dạy lại bác tôi theo kiểu truyền khẩu, giả dụ như chẳng có chiến tranh thì có lẽ tôi đã thực hiện được ước mơ của tôi và lời khẩn mong của bác tôi rồi. Vậy mà sự việc lại đột ngột chuyển hẳn sang một hướng khác, hướng chẳng bao giờ tôi ngờ tới.

        Cổng làng tôi là nơi mà bọn chúng tôi hay trèo lên ngồi ngắm những cánh dồng làng, rồi chỉ trỏ tranh luận nhau những chuyện không đâu (mặc dù trần đã bị sập, cầu thang lên bị sập, mái cũng không còn nữa) cũng là kỷ niệm khó quên. Bất kể sau này khi ngắm một bức tranh, bức ảnh nào thấy hình cổng làng là tôi lại nhớ quê đến da diết. Từ ngày tôi nhập ngũ tới giờ, tôi ít có dịp về làng, nhưng những gì về làng quê khắc hoạ trong tôi đậm nét lắm, không dễ gì phai mờ được.

        Chùa làng tôi gọi là Chùa “Vân La Tự”. Theo như lời kể thì sự tích Thị Kính, Thị Mầu xảy ra ở làng tôi. Bằng chứng là từ Tam Quan, giếng nước, sân đình đúng hệt như chuyện kể, và chùa làng tôi không thờ được bà Thị Kính vì bà không cho thờ. Các chùa của các thôn khác đều có tượng thờ bà ngồi khâu, tay bế đứa con, trên vai là con vẹt (tương truyền là chồng bà chết rồi hoá thành). Thực, hư chẳng rõ thế nào, nhưng đình chùa làng tôi nghiêm linh lắm, bấy nhiêu năm chiến tranh chống Pháp rồi chống Mỹ, mà đình chùa làng tôi không bị mảnh bom, mảnh đạn nào rơi vào. Cũng lạ là bao nhiêu năm nay không sư nào trụ trì được (chỉ một thời gian lại phá giới, chẳng lẽ do Thị Mầu quấy quả chăng?).

        Những ngày cuối năm giáp tết Nguyên đán thì vui lắm. Lũ lứa tuổi tôi phải đến giếng đình gánh nước về ăn. Nồi đồng, thùng tôn được huy dộng gánh kẽo kẹt cả. Đấy cũng là lúc tranh thủ huých nhau, trêu nhau nhất trong năm mà không ai giận ai. Đường làng ướt đẫm vì nước sánh ra. Lũ tôi cười nói oang oang, chí choé, rạo rực niềm vui khi Xuân về. Sau này, khi làng quê “ngói hoá” rồi thì nhà nào cũng xây bể chứa nước mưa, chẳng còn cảnh gánh nước ầm ĩ như thời của chúng tôi nữa.

        Cũng nhiều năm sau Giao thừa, tôi vẫn lên giếng làng gánh nước đầy về để “lấy lộc”. Cái lệ ấy tôi giữ mãi tới giờ, dù không đi gánh nước thì cũng xách lấy một xô nước từ vòi nước vào để sớm mồng một rửa mặt cầu may. Âu cũng là niềm tin của cõi tâm linh, chẳng phương hại gì.

        Cua cá ỏ đồng làng tôi rất sẵn, tháng Năm đi bắt cua nắng, tháng Chạp đi bắt cá giá. Điều ấy gần như là quy luật. Lũ trẻ chúng tôi cứ í ới gọi nhau đi. Bùn đất lấm đầy người, cua cá đầy giỏ. Tháng Năm nắng về mặt đỏ như gấc, tháng Chạp lạnh về mặt xám như chàm. Tát ao, tát chuôm, hôi cá bị ném, bùn cứ từ đầu đến chân như bị ma vùi, nhưng mà vui lạ. Cuộc sống cứ lặng lẽ trôi như thế, không bon chen, không lường gạt... cái tình nghĩa người làng quê sao mà sâu nặng.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 29 Tháng Năm, 2016, 11:31:55 pm »

        Lũ trẻ bọn tôi hết đánh đáo, chơi khăng lại bày trò nhảy dây, rồi thi nhau nhảy cao. Cũng chính cái trò nhảy cao ấy mà đã làm tôi mang tật đến suốt đời. Số là cứ cắm hai cây gậy hai đầu chặt xuống ruộng, dây thừng bò buộc vào gậy làm chuẩn cao, nhảy qua một mức lại nút lên cao hơn. Ớ mức cao (chẳng biết bao nhiêu) tôi nhảy không qua, chân vướng vào dây ngã xuống, thấy tay kêu cái “khục” rồi ngất luôn. Bạn bè sợ quá giật tóc mai rồi “hú ba hồn bẩy vía” một lúc tôi mới tỉnh. Tay phải không co không duỗi được nữa. Kể ra, tôi về nói ngay thì chẳng sao, nhưng vì sợ mẹ tôi mắng nên cứ ngậm tăm, vẫn làm mọi việc chỉ bằng tay trái, trong khi tay kia ngày càng sưng to. Mãi đến lúc không thể cầm bút được, tôi mới dám kể với mẹ tôi, mẹ tôi hốt hoảng đưa tôi ra bác tôi (anh trai mẹ tôi) để bác chữa cho. Đến lúc ấy tôi mới thực sự biết bác tôi là ông lang chữa gẫy tay, trẹo chân, xương, khớp. Bác tôi rút lại khớp cho tôi, bó thuốc lại, vài ngày sau tôi di học bình thường, nhưng tay thì vẹo lệch hẳn. Khi tôi đi khám tuyển phi công, các bác sỹ ngoại khoa cứ đắn đo mãi về cái “tay khèo” của tôi. ơn trời, mọi việc rồi cũng cứ qua đi theo năm tháng, tay tôi hoạt động không có gì trở ngại, mỗi tội trông nó cong queo mà thôi. Dẫu sao cũng là dấu ấn đậm nét của tuổi thơ.

        Rồi cũng theo quy luật của tự nhiên, giọng tôi ngày càng ồ ồ, khàn như giọng vịt đực. Bỗng dưng thấy thích bay nhảy, muốn đi xa hơn khỏi làng quê mình xem chân trời góc biển kia có gì mới lạ. Những chiều chăn bò thả diều lại ước mơ viển vông khi ngắm nhìn những đám mây trắng lững thững trôi giữa trời xanh trong nắng chiều vàng óng, cứ rạo rực, cứ ao ước muốn thấy được những gì ở tít chân trời mờ xa kia, chân cẳng bỗng thấy bị tù túng ở quanh luỹ tre làng. Đã có lần, tôi xung phong lên Hà Nội mượn máy bơm cho trường, chúng tôi kéo xe bò, đi bộ hơn 40 cây số cả đi lẫn về, háo hức lắm. Càng gần thành phố, không khí càng ồn ã, dù rằng tôi đã từng sống ở thành phố, nhưng về quê một thời gian rồi khi tiếp cận lại, vẫn thấy lạ lẫm như thường.

        Anh em tôi càng lớn lên, càng ít được gặp nhau hơn. Đứa học sáng, đứa học chiều, tối về đứa vớt bèo nấu cám, nấu cơm, đứa chúi đầu vào học bài, đứa bé thì ngủ say tít từ tối, nên có lẽ mỗi tuần chỉ có được một ngày chủ nhật là còn chọc ghẹo nhau được. Cũng chính vì thế mà có lẽ đòn roi đối với tôi cũng bớt đi. Bố tôi thì ngày đạp xe đi làm, tối khuya mới về. Mẹ tôi cũng hầu như suốt ngày ngoài đồng. Những ngày mưa dầm là những ngày mẹ con tôi ru rú ở nhà. Lại bày trò rang ngô, rồi quanh sàng ngô lại trêu nhau. Thuở ấy vô tư, vô tâm đến nỗi không để ý đến những nếp nhăn ngày càng nhiều trên mặt bố mẹ tôi nữa. Sau này, khi đi xa mới mường tưởng lại, tôi mới thương bố mẹ tôi đến cháy lòng.

        Bạn bè tôi ở lớp ngày càng vơi dần đi vì số lớn đến tuổi đi bộ đội là tòng quân nhập ngũ hết. Tôi còn nhớ hồi học lớp 8B, sỹ số ở lớp là 65, lên lớp 9B còn 32, đến khi lên lớp 10B còn có 28. Nhà trường phải “điều” bớt một số từ lớp 10A sang lớp tôi cho đông thêm. Lớp tôi là lớp nghịch có tiếng trong trường từ hồi mới vào 8. Càng ngày thì càng tinh quái hơn, đến nỗi số học sinh từ lớp A sang lớp tôi, giai đoạn đầu trong lớp không dám ho he, cục cựa gì, tới giờ ra chơi là chạy ù về lớp cũ. Dễ có đến một học kỳ như thế, sau rồi mới quen. Còn thầy, cô chủ nhiệm mấy năm ấy thì đúng là cưỡi hổ vì bọn tôi là đám bất trị, mặc dù học hành không đến nỗi nào.

        Vườn trường (lấy tên là Vườn Cần Thơ - vì kết nghĩa với Cần Thơ) có trồng hai cây dừa. Một buổi trưa nọ, chúng tôi đố nhau: khi dừa đã mọc thành cây thì cùi dừa có còn ăn được hay không? Để “mục sở thị”, tôi đào béng một cây lên, bổ ra thì không thể nào ngửi nổi, chứ đừng nói gì ăn, sau đó thì tìm cách “thủ tiêu tang vật”. Từ đó, vườn trường chỉ còn có một cây dừa đứng bơ vơ, không ai hiểu nổi một cây nữa biến đi đâu mất. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn ân hận vì cái trò nghịch “thử nghiệm” quái gở ấy của mình.

        Sang đến lớp 10 thì có đợt tuyển phi công do Quân chủng Không quân về tuyển. Lũ học trò bọn tôi thật là háo hức. Làm sao lại không háo hức được kia chứ. Chiến tranh đã leo thang ra miền Bắc, không quân Mỹ đã đánh phá, Không quân ta cũng đã xuất trận, đã giành chiến thắng. Hình tượng của anh phi công bấy giờ là thần tượng đâu chỉ của lũ trẻ bọn tôi! Bốn ngàn năm lịch sử của cha ông dựng nước, giữ nước tới giờ mới có mặt trận trên không kia mà!
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 31 Tháng Năm, 2016, 04:15:43 pm »

        Tôi cũng được “nhặt” trong đội quân học trò đi khám tuyển. Hồi đó tôi lẻo khoẻo lắm; cao l,69m nhưng nặng có 47kg, (dáng vóc học trò mà!) Vậy mà tôi qua lần lượt tất cả các vòng khám. Những anh “to con” hơn tôi thì lại bị trượt. Sau rốt, cả trường tôi chấm được có hai người, tôi và một bạn nữa. Nhưng rồi chỉ có mỗi mình tôi đi thôi vì người kia vướng “lý lịch gia đình có vấn đề”.

        Mùa xuân 1964 - 1965 thì tôi trúng xổ số độc đắc. Thuở ấy, giải độc đắc là chiếc xe máy JAWA - 05 trị giá đâu 1600đ tiền Việt Nam. So với giá bát phở có 2 hào, 5 xu một que kem thì sô tiền trên giá trị lắm chứ. Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ số vé trúng giải là 117411. Con số rất kỳ cục vì 2 số đầu và cuối là 11, hai số giữa cộng lại cũng bằng 11, quả là độc đắc!

        Tôi - một thằng chân đất, quần áo nâu ở một làng quê nghèo đói chỉ có chạy đuổi theo xe ô tô khi nào nó xuất hiện ở làng để ngừi lấy mùi xăng ô tô là thấy oai rồi, bây giờ bỗng dưng lại được cả cái “bình bịch” thì run cả trong giấc ngủ. Bố con tôi ra phố Hai Bà Trưng (hình như số nhà 37 của Công ty xổ số) lĩnh thưởng, chụp ảnh. Mãi đến tận những năm 70 tôi vẫn thấy hình ảnh tôi - cậu học trò mặt búng ra sữa, ngượng nghịu đứng dắt chiếc xe máy JAWA - 05 treo ở đó. Bán lại chiếc xe cho nhà nước (ngay tại nơi phát thưởng), trích một số tiền ủng hộ đồng bào Miền Nam, ủng hộ trường, xã..., còn lại mua một chiếc xe đạp, mua gạch ngói về sửa nhà. Ngôi nhà ở quê bây giờ chính là xây từ năm ấy. Đời tôi sau này không bao giờ chơi xổ số nữa vì tôi nghĩ rằng dịp may cũng chỉ đến một lần trong đời mà thôi, không thể nào lặp lại được, “phúc bất trùng lai” mà!

        Thế là, lần đầu tiên trong đời học sinh của tôi và cũng là những tháng cuổi cùng chuẩn bị rời ghế nhà trường, tôi đã có được một chiếc xe đạp để đi, chấm dứt bao nhiêu năm cuốc bộ. Phải nói rằng, tôi quý giá, giữ gìn chiếc xe ấy một cách ghê gớm, vì dẫu sao nó cũng đánh dấu một bước ngoặt trong đời học trò của mình. Cảnh đi bộ trời nắng, chân dẫm vào những đám nhựa đường chảy nhão ra vì nóng làm bàn chân rộp lên, cảnh mùa đông đi trên những vạt sương lạnh cóng đến mức phải quấn rơm rạ vào chân để đi, đến gần trường mới bỏ ra... không còn nữa. Cái hạnh phúc đơn sơ đến vậy mà sao cũng lớn lao đến vậy.

        Khi tôi nhập ngũ, chiếc xe ấy truyền lại cho mấy đứa em tôi sử dụng. Các em tôi cũng quý nó chẳng khác gì tôi.

        Kỷ vật thật đáng trân trọng!

        Sau khi tốt nghiệp lớp 10 xong thì lớp tôi cả gái lẫn trai nhập ngũ nhiều lắm. Cả nước lên đường, cả nước hướng về Miền Nam, số không nhập ngũ là số thanh niên “khoèo chân, hở rốn”, hoặc do lý lịch gia đình. Cuối tháng 6 năm 1965 thì tôi nhận được giấy báo nhập ngũ; ngày 5 tháng 7 phải có mặt tại nơi tập trung.

        Cả huyện Thường Tín lúc bấy giờ chỉ có mỗi mình tôi thôi. Cả tỉnh Hà Đông cũng chỉ được 6 người: Tôi ở Thường Tín, Soát ở Phú Xuyên, Sơn ở Đan Phượng, Thắng ở Trúc Sơn, Đức Lâm và Văn Lâm ở thị xã (sau này Nguyễn Đức Soát trở thành anh hùng các lực lượng vũ trang, Tư lệnh Qưân chủng Không quân, Phó tổng tham mưu trướng quân đội nhân dân Việt Nam; Phạm Hồng Sơn là giáo viên của Học viện Không quân; Hoàng Thế Thắng hy sinh trong trận không chiến với F4 của không quân Mỹ vào năm 1972; Nguyễn Đức Lâm hy sinh khi bay thử máy bay IAK- 52 ở Gia Lãm; Nguyễn Văn Lâm là giáo viên của Học viện Chính trị Quốc gia).

        Ngày tôi nhập ngũ là ngày mưa tầm tã, mưa xối xả. Trước đó 1 ngày tôi chia tay với gia đình, họ hàng. Cảm động nhất là cô tôi, khi được tin tôi đi bộ đội, cô đến gặp tôi nước mắt lưng tròng nói với tôi rằng muốn đãi tôi một bữa cơm, nhưng nhà nghèo chẳng rõ tôi có chê không. Tôi cười, ôm vai cô tôi nói rằng tôi sẽ đến nhưng chỉ xin cô tôi luộc cho tôi một quả bầu để chấm tương ăn cho đỡ nhớ thôi.

        Và cô tôi đã luộc bầu cho tôi. Tôi ăn bầu chấm tương còn cô tôi thì ngồi nhìn tôi ăn mà cứ khóc hoài. Khi viết những dòng chữ này, mắt tôi cũng nhoà lệ. Thôi, cầu xin vong linh cô hãy tha thứ cho tôi, nếu tôi có mắc những lỗi lầm.

        Còn mẹ tôi thì khỏi phải nói, mẹ tôi đã khóc rất nhiều, nhưng dấu tôi. Nhiều đêm tôi thức giấc nghe mẹ tôi sụt sịt ở phía giường trong là tôi lại thấy lòng mình như ứa máu. Tôi biết, các em tôi còn nhỏ, bố tôi lại đi làm xa, tôi ra đi thì mọi công việc ở nhà đều trút lên vai mẹ tôi cả. Thực lòng, các đứa em tôi cũng không xốc vác với công việc đồng áng được như tôi. Mẹ tôi không muốn cho tôi thấy các lo nghĩ của Người, cốt để tôi yên tâm mà đi. Lúc tiễn tôi, mẹ tôi chỉ dặn: “Con đi phải giữ sức khoẻ, phấn đấu làm sao cho bằng anh, bằng em!”.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2016, 03:36:54 pm »



Cùng bố mẹ và các em

        Tôi biết, Người đã nói câu ấy trong nước mắt, vì có lẽ, thời điểm này, đứa con đã dứt ra khỏi vòng tay mẹ, lăn vào cuộc đời, vào cuộc chiến đầy cam go, chẳng rõ rồi ra đi còn có ngày trở lại! Người mẹ nào mà không khỏi lo âu!

        Và có lẽ tất cả những điều đó đã tạo nên trận mưa ghê gớm lúc tôi lên đường hay sao? Tôi ra đi với một tâm trạng thật khó tả, khi nặng nề, lúc bay bổng, háo lức... Lủi thủi một mình dầm trong cơn mưa, tôi đi bộ lên Thường Tín tập trung. Bác tôi thì nói rằng: “Đi đi cháu ạ! Phong vũ tất cát! Đi thôi!”

        Về sau này thì tôi ngẫm thấy những biến cố lớn trong đời tôi đều gắn liền với mưa giông cả. Tôi cũng là đứa rất thích dầm mưa và rất nhạy cảm với mưa.

        Đang ngủ nhưng tiếng mưa rơi dù rất khẽ cũng đủ đánh thức tôi rồi, cũng rõ lạ mà tôi không lý giải được.

        Vậy là, khăn gói quả mướp trong tiễn biệt của gió mưa, làng quê nhạt nhoà xa dần đằng sau lưng. Không người thân, không bạn bè đưa tiễn. Mình tôi lên đường để bước vào một cuộc sống mới, một thế giới mới khác hẳn những gì mình từng mường tượng, chấm dứt thời học trò, và cũng là chấm dứt tuổi ấu thơ, tuổi nghịch ngợm đầy mộng mơ hão huyền nhưng cũng rất trắng trong để bước vào con đường dài hun hút ở phía trước ẩn chứa đầy nguy hiểm, khó khăn và những điều bất ngờ.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2016, 10:48:33 am »

       
Chương II

Nhũng năm tháng trường thành

        Chúng tôi tập trung ở Thị xã Hà Đông, sau đó về Gia Lâm, rồi về sân bay Cát Bi. Mấy ngày sau lại sơ tán về thôn Sâm Bồ của khu vực Hải Phòng. Biên chế tiểu đội, trung đội, đại đội xong, rồi chúng tôi đi lĩnh quần trang. Quần áo bộ binh lùng thùng. Quần chẽn ống, gài 6 cúc dưới cổ chân, áo thì 3 cúc mỗi bên cổ tay, giầy vải cao cổ. Quân hàm binh nhì. Chúng tôi ngắm nhìn nhau, thấy diện mạo khác hẳn ngày thường, thế là đã thành “chú bộ đội” thực sự. Chúng tôi ở nhờ nhà dân. Tiểu đội tôi sơ tán, ở nhờ nhà ông Chòm (ông và các con ông có những cái tên khá ngộ nghĩnh: Chòm, Chèm, Chùm...). Phải đào hầm tránh máy bay, sinh hoạt theo nền nếp quân đội. Nếp sống ngày thường của đời học trò bị phá vỡ. Những ngày đầu tôi thấy rất khó chịu. Nước ăn, uống, giặt giũ, vo gạo, rửa rau... đều chung ở một cái ao trước nhà. Tắm thì bọn tôi ra ngoài mương máng. Bệnh hắc lào xuất hiện. “Phi hắc lào không phải là tân binh”. Cái câu cửa miệng ấy chẳng qua để an ủi nhau khi có những cơn ngứa như điên nổi lên, hai tay “sột soạt tựa gẩy đàn”. Bôi thuốc lốt thì xót, xuýt xoa. Thôi thì đủ kiểu chữa: nào là bẻ quả chuôi xanh để sát; nào sương mạng nhện ở lá khoai v.v... mãi rồi, rốt cục chúng tôi cũng dẹp bỏ được căn bệnh ngoài da oái oăm ấy.

        Đúng ngày 27/7/1965 - Ngày thương binh liệt sỹ thì chúng tôi rời Sâm Bồ. Trút bỏ lại quần áo bộ đội, chúng tôi được phát quần áo thường phục, va li đựng đồ đạc..., lên tàu liên vận ngược hướng Đồng Đăng - Lạng Sơn sang Liên Xô học bay. Đó là một đêm khá yên tĩnh trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng Không quân của Mỹ. Đến Đồng Đăng, chúng tôi phải xuống tàu, vác vali đi bộ một đoạn dài, lên ô tô vượt qua “Hữu nghị quan” sang ga Bằng Tường của đất Trung Quốc làm thủ tục, rồi lại lên tàu tiếp tục cuộc hành trình. Lần đầu tiên trong đời được ra nước ngoài, cũng là lần dầu tiên xa nhà biền biệt. Lần đầu tiên đi tàu liên vận với thời gian dài đằng đẵng (11 ngày 11 đêm mới tới Mátxcơva). Lòng tôi xáo trộn bao cảm xúc. Háo hức ngắm cảnh lạ nơi đất khách quê người, ngơ ngác vì phong tục khác nhau, ngôn ngữ khác nhau; xáo trộn đồng hồ sinh học của cơ thể vì thời gian ăn, ngủ thay đổi; da diết nỗi nhớ quê, nhớ nhà... Tất cả những thứ đó ùa lại, ứ ngập làm tôi như nghẹt thở. Dầu sao, tôi cũng chỉ là một đứa trẻ mới tới tuổi thành niên, vừa chân ướt, chân ráo rời khỏi ghế nhà trường xong, tránh sao khỏi những choáng ngợp trước những gì mà bố mẹ tôi cũng quá sức răn dạy thường ngày. Tôi ý thức được rằng từ bây giờ trở đi mới thực sự là cuộc sống tự lập, thực sự cảm nhận được cảnh xa gia đình, quê hương, không nơi nương tựa, càng về sau này, ngẫm lại thì tôi càng thấy mệnh “ốc thượng thổ” của tôi càng chính xác (đất trên nóc nhà mà) dựa vào đâu được nữa kia!.

        Suốt chặng đường tàu liên vận chạy qua Sibêri, tôi “mục sở thị” được đất nước Liên Xô hùng vĩ, bao la và tuyệt vời như thế nào. Bấy giờ đương là cuối mùa hạ. Rừng Bạch Dương trắng trải bạt ngàn, cỏ xanh đến nõn nà. Hoa cúc dại nở thành rừng, vô tận là hoa. Trời thì thăm thẳm, bao la. Những bản nhạc dân ca Nga réo rắt qua loa phóng thanh của tàu làm tôi đắm chìm trong nỗi nhớ Quê. Đất Nga có cái gì như thân quen, gần gũi ngay từ lần đầu tiên khi ta đến. Cảm giác này tôi còn giữ được mãi khi sau bao nhiêu năm lại trở lại, và lần nào cũng thấy như thế.

        Chúng tôi về trường quân sự đào tạo học viên bay mang tên Sêrốp. Trường nằm gần thành phố Primorskơ - Akhtarsk cạnh biển Adôp. Sang trước đoàn chúng tôi đã có 2 đoàn học viên bay Việt Nam và một đoàn học viên bay của Inđônêxia (hồi ấy gọi là Nam Dương).

        Ổn định nơi ăn, ở xong, chúng tôi được phổ biến nội quy của trường và bước vào học chương trình lý thuyết, đồng thời học ngoại ngữ, văn hoá. Các thầy, cô giảng giải rất nhiệt tình, rất yêu mến chúng tôi. Họ đối xử với chúng tôi khác hẳn với học viên của Inđônêxia. Chúng tôi cần cù, chịu khó, tìm mọi cách để nắm bắt kiến thức mới mẻ. Rất may cho đoàn tôi là trưởng đoàn, phó doàn đã là những người bay, những phi công thực sự và nhiều anh đang học ở các trường đại học, lũ còn lại chúng tôi đều tốt nghiệp lớp 10 nên nhận thức khá nhanh.

        Mấy tháng học lý thuyết trôi qua vùn vụt với mức độ không ngờ. Chúng tôi thấy cứng cáp hẳn lên, vẫn học nhưng vẫn rèn luyện theo đúng điều lệ, điều lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam: chạy thể dục sáng, tập đội ngũ, chào cờ, sinh hoạt đoàn, đọc báo.v.v... Chúng tôi đã thích nghi với đời sống trong quân ngũ.

        Lần đầu tiên trong đời, tôi thực sự biết thế nào là tuyết rơi, tiếp xúc với tuyết, cảm nhận được cái lạnh của nó, cái thơ mộng của nó. Cũng lần đầu tiên ở đất Nga tôi mới tận mắt thấy được thế nào là “mùa thu vàng” ở xứ sở này. Những cảm xúc thật khó tả. Cảnh vật nên thơ, ngân thành nhạc trong tâm hồn tôi. Đến bây giờ ngồi viết những dòng này, nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy nó hiện ra rõ mồn một và cảm giác của tôi như đang sống đúng ở những thời điểm ấy vậy.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 08 Tháng Sáu, 2016, 10:49:38 am »

        Thi xong lý thuyết, chúng tôi học nhảy dù trước khi vào học bay. Chuyện nhảy dù biết bao nhiêu điều đáng nói, đáng kể. Tập nhảy từ bục cao xuống để học cách tiếp đất, tập điều khiển dù và tập phóng ghế dù thì không nói làm gì, nhưng khi đeo dù vào người, trèo lên máy bay để nhảy ra thì đúng là lắm chuyện. Máy bay “cõng” chúng tôi lên độ cao khoảng 800m. Bọn tôi rất hồi hộp, mặc dù biết rằng dù thế nào cũng mở nhưng vẫn thấy sợ. Sợ vì lần đầu tiên được lên máy bay, lần đầu tiên thả người rơi trong khoảng không... nhiều thứ lắm, nhưng có một điều trong chúng tôi hầu như ai cũng nghĩ như ai, đó là lòng tự trọng của dân Việt Nam. Phải nhảy, sợ hãi rồi tính sau. Khi đèn hiệu trên máy bay báo là chúng tôi đứng lên. Cửa máy bay mở, thế là chúng tôi lao ra. Anh thì lao cắm đầu xuống như nhảy ở cầu bơi, anh thì nhảy rơi 2 chân như nhảy ở đông rơm, anh thì mặt quay đằng trước, anh quay đằng sau... loạn xạ cả. Mọi động tác lý thuyết thầy dạy quên đâu mất. Một anh lao ra, thế là lao theo bao anh sau, thế thôi. Cùng nhảy với bọn tôi có cả các học viên của Inđônêxia, bọn họ nhiều anh sợ phát khóc, có anh giáo viên phải lôi ra cửa máy bay đạp xuống, chứ không thì không dám nhảy.

        Lao người ra khoảng không, dù mở, nhìn quanh thấy dù của các đồng đội mình tròn như những chiếc nấm trứng trong không gian, chúng tôi bắt đầu la hét vì sung sướng, gọi nhau í ới cả. Dù của chúng tôi là dù tập, không có cửa điều khiển nên gió thổi kéo chúng tôi đi tan tác mỗi người mỗi nơi. Anh nào càng nhẹ thì càng đi xa. Gấp dù xong, ôm về nơi tập trung, bọn tôi gặp nhau hân hoan như con trẻ, dẫu sao thì cũng là kỷ niệm khó quên, là dấu ấn đầu tiên khi chúng tôi gắn bó với bầu trời. Ai nhảy dù xong thì được phát một chiếc huy hiệu chứng nhận đã nhảy dù, thật tự hào vì mình cũng làm được một vấn đề gì đó rồi.

        Chúng tôi học thực hành bay khi tiết trời lạnh, máy bay mớ máy, người chúng tôi run lên với bao nhiêu cảm xúc lạ. Mùi dầu cháy thải ra sau động cơ ấm nồng, và tôi giữ được cho tới tận bây giờ khi đi sau các máy bay (hoặc mở máy hoặc vừa tắt máy) cái cảm giác hệt như chuyến bay đầu tiên của ngày bay đầu tiên.

        Thầy dạy bay năm thứ nhất của tôi là Đại uý Vaxiliep, phi công thứ 8 của Liên Xô về nhào lộn trên máy bay thể thao. Có lẽ cả đời học bay của tôi, bay L - 29 năm thứ nhất, năm thứ hai và bay MIG -21 năm thứ ba đều gặp được những thầy dạy tuyệt vời: nhân từ, kỹ thuật bay thật điêu luyện.

        Tôi đã học hỏi được rất nhiều ở các thầy, và có lẽ cũng vì nắm vững kỹ thuật bay nên mới tồn tại được qua chiến tranh.

        Tôi còn nhớ như in chuyến bay đầu tiên và đặc biệt là chuyến bay đơn đầu tiên. Run rẩy, sờ sợ khi trong tay mình bỗng dưng có độ cao, có tốc độ. Cũng đúng thôi, bấy nhiêu năm từ khi được sinh ra, toàn đi trên mặt đất. Bầu trời thì cao tít, thăm thẳm ở trên đầu đầy bí ẩn với những đám mây đủ hình thù, màu sắc; với giông tố, sấm sét, với những vì sao lấp lánh xa vời vợi, lung linh, huyền ảo... Vậy mà bây giờ chính mình lại bay lượn trên bầu trời, từ trên trời nhìn ngó xuống dưới mặt đất, ai mà không đầy ứ những cảm xúc. Phấn khích bởi mình đã làm chủ được máy bay, biết bay... lo lắng không biết rồi mình sẽ hạ cánh ra sao, có xử lý trôi chảy các hỏng hóc bất ngờ xảy ra không... nhiều thứ lắm! Có lẽ tất cả đồng đội của tôi cũng đều có những cảm xúc ấy cả.

        Đoàn chúng tôi có một số bị cắt bay vì lý do sức khoẻ, vì lý do kỹ thuật - bay mãi không hạ cánh được ...nên chuyển xuống học thợ máy. Khi bay đơn ổn định rồi, vốn tính còn trẻ con, nghịch ngợm của tuổi học trò, bọn tôi mới bắt đầu quậy - nào đi bẻ trộm hoa hướng dương về lấy hạt để rang, nào đi bẻ trộm ngô về luộc, nào đi bắn chim, bắt chim về để quay, nào bứt táo, bứt mơ, đào... đủ cả. Đến mức độ phi đội phải đưa tin lên tờ báo tường trong ban bay để cảnh cáo mới hạn chế được chút nào sự “phá phách” của chúng tôi. Được cái, đoàn trưởng của chúng tôi - anh Đinh Tôn (sau này trong chiến tranh chống không quân Mỹ đánh phá miền Bắc anh đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang) vốn là một phi công kỳ cựu, xuất thân từ lính trinh sát, cũng là tay nghịch ngợm ranh mãnh, nên rất thông cảm với những trò của chúng tôi, lắm khi còn bật đèn xanh cho chúng tôi nghịch nữa kia.

        Đoàn chúng tôi thuộc loại bay khá, tiếp thu khoa học kỹ thuật nhanh. Nhà trường rất mến mộ đoàn của bọn tôi và cũng khá ưu ái trong mọi chuyện.

        Càng nhiều người được bay đơn thì đoàn tôi sống càng sôi động. Hầu như không cần phải phát động thi đua, chúng tôi tự ganh đua nhau, tự phấn đấu bay sao cho tốt hơn, khí thế lắm.
Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM