Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:07:13 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương  (Đọc 37245 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:21:16 pm »

        Tên sách: Tướng Giáp qua hai cuộc chiến tranh Đông Dương

        Tác giả: Peter Macdonald

        Dịch theo bản tiếng Pháp của Jean Clem và Frank Strachitz

        Người dịch: Nguyễn Viết Quyền-Nguyễn Đình Cao

        Nhà xuất bản: Quân đội nhân dân

        Năm xuất bản: 2004

        Số hóa: ptlinh

        Hiệu đính: Giangtvx

        
Chương 1

Tuổi trẻ

       Nhờ có đấu tranh bền bỉ, anh hùng, thông minh và giàu tưởng tượng để chống chọi với thiên nhiên, để thay đổi xã hội và để chiến thắng những kẻ xâm lược nước ngoài, Tổ quốc ta đã trở thành một lực lượng lớn lao và đã xây dựng nên một xã hội đầy sức sống mãnh liệt.
        
Võ Nguyên Giáp        

        Việt Nam không phải là một đất nước rộng lớn. Từ bắc chí nam, chiều dài bờ biển chạy dọc theo biển Đông khoảng 3.260 km. Chiều rộng lớn nhất ở phía bắc gần 560 km, đoạn hẹp nhất ở giữa chỉ 50 km, còn ở phía Nam đi sâu vào đất liền trên 240 km. Diện tích toàn bộ khoảng 300.000 km2. Nước Pháp lớn hơn 2 lần và dân số đông hơn 2 lần vào khoảng những năm năm mươi.

        Tỉnh Quảng Bình ở đoạn hẹp nhất của đất nước mà người xưa gọi là xứ An Nam. Ba năm trước lúc xảy ra chiến tranh thế giới, một cậu bé ra đời ngày 28 tháng 8 năm 1911 ở làng An Xá gần vĩ tuyến 17; số người xoay chuyển dòng lịch sử quả thật hiếm, nhưng cậu bé này là một trong số họ. Hiện nay trên thế giới vẫn còn một vị tướng của một đội quân nguyên thủy mà đã đánh thắng hai thế lực phương Tây: đó là Võ Nguyên Giáp.

        Năm 1954, Giáp giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dẫn đến người Pháp rút khỏi Đông Dương, và tác động mạnh đến sự sụp đổ của những đế quốc châu Âu trước chiến tranh. Trong năm 1960, hàng chục quốc gia được thành lập ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh, làm thay đổi cơ bản liên minh chính trị thế giới. Cũng trong thời kỳ này, vị Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Võ Nguyên Giáp đã dùng vũ lực làm thất bại chiến lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam: quốc gia mạnh nhất thế giới đã chịu thua về chính trị, quân sự và kinh tế. Mỹ phải từ bỏ một cuộc can thiệp kéo dài hơn 20 năm. Trong những năm 70, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Giáp đã tạo cơ sở cho việc thống nhất đất nước.

        Nếu người ta ngạc nhiên rằng quân đội của một nước nghèo và công nghiệp chưa phát triển, có thể đánh thắng hai lực lượng quân sự hùng mạnh của thế giới, thì bản thân con người đã tạo nên phần lớn chiến công đó quả chẳng kém phần xuất sắc. Chẳng những lúc còn trẻ, ông đã tỏ ra có trí thông minh lớn và sức sống mạnh, mà sau đó ông còn thể hiện biết bao nhiêu phẩm chất đặc biệt về chỉ huy và tổ chức.

        Trong nửa sau của thế kỷ 20, ông là Tổng tư lệnh suốt 30 năm liên tục trong quân đội. Xuất phát với 34 chiến sĩ, cuối cùng ông đã chỉ huy gần một triệu quân. Rõ ràng ông là một nhân vật không có ai địch nổi. Võ Nguyên Giáp đã xuất sắc trong việc kết hợp hoạt động chính trị với trách nhiệm quân sự. Ông đã chiến đấu tích cực trong hàng ngũ Đảng Cộng sản trước khi trở thành chiến sĩ. Ông là Bộ trưởng Bộ nội vụ trong Chính phủ Hồ Chí Minh đầu tiên năm 1946. Trong những năm 60 và 70 ông đảm nhiệm nhiều chức vụ Bộ trưởng, vừa là Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, vừa thực hiện những nhiệm vụ khác trong Trung ương Đảng.

        Cho đến ngày nay mặc dầu đã 80 tuổi, ông vẫn còn là Phó thủ tướng, được tôn kính như một nhân vật cao tuổi của Nhà nước, như một chiến sĩ lão thành trong quân đội, đối với người nước ngoài, về phương diện cá nhân ông là vị chỉ huy chính trị quân sự đạt được đỉnh cao nhất trong sự nghiệp.

        Có bao nhiêu đổi thay từ đầu những năm 20 khó có thể hình dung còn cái gì của An Xá năm 1911, tuy về cơ bản làng này không có gì chuyển động trong nhiều thế kỷ. Ngoài những thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội và các tỉnh lỵ địa phương, tất cả độ vài chục triệu người, Việt Nam gồm khoảng 5.000 làng nhỏ, phần lớn ở những vùng đồng bằng cày cấy dọc hai bên con sông lớn, sông Hồng ở phía Bắc và sông Cửu Long ở phía Nam.

        Những làng mạc mọc lên xung quanh một nhóm trang trại xây dựng lên gần một nguồn nước: sông, suối hoặc giếng. Đồng ruộng từ trung tâm tản ra trên cánh đồng. Sống chung quanh trang trại là những người làm công theo yêu cầu của chủ trang trại hoặc quản lý của họ và làm các dịch vụ khác của dân chúng. Người có thế lực nhất là quan: đứng đầu về tinh thần và dân sự (đôi khi một ông quan thuộc hạng hai có ít quyền lực và uy tín hơn những người điều hành các khu vực quan trọng). Đồng thời ở đó cũng có người buôn bán, thợ thủ công và nông dân làm nông nghiệp. Dân làng thường ở trong các túp lều nhỏ bằng đất và tre, lợp lá cọ hoặc cỏ. Họ ngủ trên những chiếc chiếu rải trên nền đất.
« Sửa lần cuối: 08 Tháng Ba, 2021, 12:36:14 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:27:14 pm »

        Mỗi làng được bao bọc bởi một lũy tre dày có cổng đóng kín, khi mặt trời lặn, không ai có thể đột nhập vào làng trong đêm. Người ta thường nói: “Mệnh lệnh đức vua cũng dừng lại ở lũy tre làng”, vì trong làng quyền hành thuộc các bậc tiên chỉ, một tổ chức được dân làng bầu lên, gồm những người được kính trọng nhất. Làng có đền thờ, miếu mạo và nghĩa trang. Chó, mèo, trâu, bò, lợn, chuột, ruồi muỗi, gà vịt, ngỗng đều sống chung với người, kể cả những con chim nuôi trong lồng. Không có điện, chỉ có ánh sáng của đèn dầu hỏa. Không có nước máy, chỉ có gàu múc nước từ dưới suối hoặc giếng. Đường đi lại đều bằng đất nện. Các chất thải của con người hoặc động vật đều được chất đống để làm phân bón ruộng. Lao động liên tục, đói nghèo triền miên, tầm vóc gầy gò. Nhưng có trật tự, có tổ chức, có giúp đỡ người già, cứu tế người nghèo, có cuộc sống gia đình, có những ngày hội hè, có niềm vui và tiếng cười. An Xá là một nơi bình yên: không ai có thể hình dung được cái làng nhỏ ấy lại bị người Pháp đốt cháy và bom Mỹ phá hoại khi cậu bé ra đời và lớn lên.

        Bố Võ Nguyên Giáp, một học giả có tiếng ở địa phương là một viên quan chức hạng hai nhưng nghèo. Ông Giáp kể: “Tôi xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo”. Nhà của gia đình ông không phải là tồi, nhưng mọi người trong làng sống ở mức tối thiểu”. Ngày nay thu nhập bình quyền của một người Việt Nam tương đương 1.000Fr/năm. 80 năm sau có lẽ quy ra sức mua thì cũng gần như vậy. Mọi thứ đều không có nhiều để mua bán. Người ta ăn chủ yếu bằng gạo, thức ăn có tí ớt, thỉnh thoảng có cá (An Xá không xa biển bao nhiều) hầu như không bao giờ có thịt, kể cả thịt lợn và thịt gà. Mỗi năm một lần Tết-năm mới theo lịch mặt trăng là những ngày hội ăn uống kéo dài nhiều ngày. Hay nói khác đi trừ những dịp cưới hỏi, suốt năm người ta chờ đến Tết để ăn uống dồn dập, thức ăn, bia và rượu gạo.

        Quan chức không phải là cha truyền con nối mà họ được tuyển chọn sau những kỳ thi viết và vấn đáp kéo dài khoảng 3 tháng ở kinh đô. Hệ thống cai trị vay mượn hệ thống của Trung Quốc hoặc của tổ tiên để lại. Các quan chức Việt Nam được tuyển chọn trong số những người trẻ tuổi ở thành phố hoặc thôn quê, có khả năng thông thuộc những điều kinh điển của Khổng Tử về tôn giáo, lịch sử, toán học và âm nhạc. Bất kỳ ai cũng có thể trở thành quan chức, nhưng con trai nhà có học được học hành nhiều hơn con cái nông dân thất học, họ đỗ đạt nhiều hơn và củng cố thêm địa vị của gia đình họ trong xã hội. Từ năm 1945, phần lớn những người lãnh đạo Việt Nam đều xuất thân từ thiểu số có học đó.

        Phật giáo là tôn giáo chính của gia đình cậu bé Giáp. Nhưng cũng như phần lớn các quốc gia ở châu Á người ta hòa trộn dễ dàng những giáo lý của ba ngành tôn giáo phương Đông: Khổng giáo, Lão giáo và Phật giáo và thực hiện những điều thuận tiện nhất. Cuộc sống hàng ngày ở An Xá thể hiện rõ những đạo lý của Khổng Tử, chấp hành nghiêm chỉnh trật tự xã hội, và ứng xử đúng đắn, tôn trọng tuổi tác và kinh nghiệm, thờ cúng tổ tiên.

        Bố Giáp đã đấu tranh lâu dài trong những tổ chức cách mạng dân tộc, tham gia những cuộc nổi dậy 1885 và 1888 chống lại người Pháp (Trong bài: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quê hương, gia đình và tuổi thơ” của trung tướng Hồng Cư đăng báo tiền phong chủ nhật số 32 ra ngày 12-8-2001 đã viết: …”Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bắt đầu (1946) gia đình đi tản cư, ông (Bố Võ Nguyên Giáp) còn đang thu xếp vài việc, chưa kịp đi theo, thì giặc Pháp ập tới: Chúng càn quét lùng bắt ông, đưa ông về giam ở Huế. Ông bị giặc tra tấn. Có người trông thấy ông bị buộc tay vào đằng sau xe Gip. Gia đình không biết ông sống chết ra sao. Mãi về sau, gia đình mới có tin là ông đã mất trong nhà tù ở Huế (tháng 11-1947)). Không bao giờ từ bỏ hận thù chống chế độ thực dân Pháp, sớm gieo hạt giống cách mạng vào cậu con trai còn trẻ tuổi, ông bị bắt vì hoạt động nổi dậy năm 1919. Sau vài tuần lễ ông chết ở trong tù.

        Võ Nguyên Giáp có hai chị gái và một cậu em trai. Sau cái chết của cha, một trong hai chị cũng bị bắt. Chị không bị tù lâu, nhưng vì thiếu thốn kéo dài trong tù, chị đổ bệnh và chết sau vài tuần được trả tự do. Gia đình phải chịu hai cái tang tàn khốc trước lúc cậu Giáp được 10 tuổi.

        Lúc còn nhỏ, Giáp được cha dạy học từ khi đến trường làng. Sau đó nhờ trí thông minh xuất chúng, cậu được gửi đến trường miền. Đạt nhiều tiến bộ trên bước đường học tập, năm 1924, 13 tuổi, cậu rời gia đình vào trường quốc học Huế. Cậu tạm biệt mẹ, nước mắt lưng tròng, và thi đỗ vào trường quốc họ do người Pháp điều hành. Lúc bấy giờ, tiếng Pháp là ngôn ngữ thứ hai (do đó đến năm 1954 Pháp ngữ là tiếng phổ thông, ai đó muốn có một chức danh nào đó đều phải đọc và viết tiếng Pháp). Mặc dù có hận thù sâu sắc với chế độ thực dân, càng ngày cậu càng ca ngợi văn hóa Pháp và các tác gia người Pháp.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:30:01 pm »

        Huế thành phố của nhân dân trên bờ sông Hương là cố đô của Việt Nam. Đó là một thành phố pháo đài và chung cư, một trung tâm hành chính và thương mai năng động. Năm 1802, vua Gia Long đã xây dựng một thành trì có hào sâu bao quanh với những cổng to lớn, tạo thành trái tim của Kinh đô, ở giữa các cấm thành. Cầu sắt do Gustave Eiffel vẽ, vài chục năm sau bắc qua sông.

        Trong những năm 1924 và 1925, Giáp bắt đầu đấu tranh cho lý tưởng trong hàng ngũ những người yêu nước. Nhờ nghị lực và tài tổ chức, anh được chọn để tập hợp những học sinh hoạt động cách mạng cùng học trường quốc học và các trường khác ở Huế. Trong mọi trường hợp, hoạt động của anh cũng không thể giữ bí mật được, nên mới 13 tuổi anh đã có tên trong hồ sơ của mật thám Pháp, của cảnh sát hồi bấy giờ. Sở mật thám đã kiên nhẫn theo dõi những hoạt động bí mật chống thực dân xuất hiện từ khi người Pháp đến Đông Dương, lập danh sách những người tham gia biểu tình công khai hoặc trả tiền cho những ai đưa tin về những người hoạt động bí mật.

        Sau 2 năm, trường quốc học không cho phép Giáp hoạt động nữa. Anh bị buộc thôi học sau khi tham gia một cuộc bãi khóa. Anh trở về An Xá và không bao giờ chịu từ bỏ đấu tranh cho tự do của Tổ quốc; được một người hoạt động chính trị địa phương Nguyễn Chí Diểu giới thợi, anh đã gặp những nhà yêu nước trong Tân Việt cách mạng đảng, một tổ chức yêu nước thành lập ở Trung kỳ năm 1924.

        Theo chủ nghĩa dân tộc nhưng Tân Việt cũng có màu sắc cộng sản: trong số những tài liệu chuyển đến Giáp, một tài liệu có đầu đề “Tố cáo những tội ác của chế độ thực dân” do một người tên là Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Con người ấy đã gần gũi với anh từ những năm 13 tuổi, hồi ở Huế, trong dịp anh được gặp nhà chí sĩ cao tuổi Phan Bội Châu đang bị quản thúc vì hoạt động bạo loạn. Giáp đã phải tìm chỗ vắng người và trèo lên cành cây để đọc tài liệu. Những lý luận mác xít do ông Quốc trình bày đã thay đổi cuộc đời Giáp: đó là một xã hội không giai cấp, công bằng và trung thực. Anh nói: “Đây là khả năng đem lại hạnh phúc cho toàn nhân loại”. Lúc đầu là người yêu nước về sau trở thành cộng sản.

        An Xá, một làng quê nhỏ xa vắng và yên ả không phải là nơi của anh; anh lại được nhà cầm quyền cho trở lại học tập ở Huế. Đã có điều kiện hoạt động tốt hơn, anh tiếp tục tổ chức đấu tranh. Lần này, anh đã vượt qua những giới hạn cho phép, anh bị bắt khi đang điều hành những cuộc biểu tình của sinh viên, học sinh và bị cầm tù 2 năm. Nhưng anh đã được thả ra sau 3 tháng ở tù, vì không đủ chứng cứ buộc tội anh.

        Năm sau, tuy vẫn hoạt động tích cực, nhưng nhờ sự giúp đỡ của một viên quan cai trị thực dân cũ, anh được nhận vào học ở trường Albert Sarraut. Trường có một lớp triết học học trong một năm. Với thái độ dễ mến và lịch lãm, anh đã được một giáo sư của anh viết về anh: “một con người vui tính, hết sức nhiệt tình tìm ra chân lý”. Cuối năm anh đỗ tú tài. Cánh cửa trường đại học đã rộng mở.

        Đối với thanh niên châu Âu hoặc châu Mỹ có bằng tú tài là một bước quan trọng, thì đối với một người Việt Nam, việc đó quan trọng gấp 1.000 lần. Chỉ có 10% trẻ em được đến trường dưới dạng này hoặc dạng khác, và chỉ có 4% trong số đó vượt qua bậc tiểu học. Từ năm 1883, năm Pháp xâm lược Việt Nam, đến năm 1945 trong toàn cõi Đông Dương (bao gồm Việt Nam, Lào, Campuchia) chỉ có 14.393 thí sinh tốt nghiệp tiểu học. Một số ít người Việt Nam hiếm hoi được phép đến một trong ba trường quốc học của đất nước để đào tạo thành những viên quan lại Pháp. Từ năm 1919 đến 1938, 827 trong số họ đỗ tú tài. Trong 25 năm trước 1945, 3.000 sinh viên theo học ở trường đại học duy nhất của Việt Nam ở Hà Nội. Trong số họ có 229 tốt nghiệp bác sĩ, 160 giáo viên và 408 luật sư. Giáp học ở ngành luật, tốt nghiệp luật và kinh tế chính trị năm 1937. Cũng năm ấy, anh vào Đảng Cộng sản Đông Dương do một người đại biểu của Đảng Cộng sản Pháp được giới thiệu về Sài Gòn để làm nhiệm vụ tổ chức thành lập Đảng giới thiệu.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:33:56 pm »

        Trong những năm học đại học, anh ở trọ nhà giáo sư Đặng Thái Minh, giáo sư có một người con gái Nguyễn Thị Minh Giang (Sách: “Chiến thắng bằng mọi giá” của Cecil B Curey trang 29 viết: … Ở nhà trong một thời gian, ông Giáp lại một lần nữa quyết định đi Vinh… Ông cần việc làm và hy vọng tìm được một việc làm ở đó. Giáo sư Đặng Thai Mai, thầy cũ của ông lúc đó cũng được phóng thích khỏi nhà tù Lao Bảo, sống ở Vinh và có thể giúp ông. Quan trọng hơn, Vinh là quê hương của Nguyễn Hữu Bình, cha của người bạn tù của ông là Nguyễn Thị Quang Thái (sinh năm 1915)). Trang 46 viết: … Năm 1939 đã 28 tuổi, Võ Nguyên Giáp làm một chuyến đi Vinh và dạm hỏi Quang Thái làm vợ… Một thời gian, trước tháng 4-1939, Giáp và Quang Thái tổ chức lễ cưới…) là người quen biết từ hồi ở Trường Quốc học Huế. Lúc bấy giờ cô là một trong những nữ chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi nhất. Cô đã tiếp thu được tinh thần yêu nước của cha cô và cũng như của Giáp, cô tin tưởng rằng chủ nghĩa cộng sản là phương tiện chắc chắn nhất để đạt được lý tưởng của họ. Họ cưới nhau tháng 6-1938. Thật vậy, Giáp công tác với nhiều tờ báo cách mạng: Tin tức (Les Nou Velles), Nhân dân (Le Peuple), tiếng nói của chúng ta (Notrevoix) và lao động, Le Travail. (Sau này anh mới biết rằng những bài đăng trong các báo ấy ký tên P.Lin là Hồ Chí Minh viết). Anh cũng xuất bản với Trường Chinh-sau này cũng trở thành nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam-một tác phẩm nhỏ “vấn đề dân cày”. Các hoạt động của Giáp đã phải trả giá: anh trượt thi cử nhân luật hành chính, không được hành nghề và cần tiền giúp gia đình-một đứa con gái Hồng Anh sinh 5-1939-anh đã nhận làm giáo sư sử học ở trường tư thục Thăng Long Hà Nội.

        Chị vợ của Giáp cũng là một chiến sĩ cách mạng, chị học chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô vào cuối những năm 30. Về đến Sài Gòn, chị bị bắt giam và bị bắn. Giáp suy nghĩ như vậy trong gia đình anh, người ta đã thấy được 3 cái chết dã man tàn bạo do chế độ thực dân Pháp gây nên.

        Là người yêu nước vững tin, Giáp dành một bài giảng riêng về những cuộc kháng chiến lâu dài chống Trung Quốc, quốc gia đã nhiều lần xâm lược Việt Nam hàng thế kỷ. Ca ngợi những hành động anh hùng, anh diễn đạt đầy sức thuyết phục những trận đánh và thắng lợi của Napoléon. Anh đã nghiên cứu những chi tiết nhỏ nhất của các trận đánh và truyền đạt đầy nhiệt huyết bằng hình vẽ những tổ chức lực lượng của Napoléon trên trận địa. Học sinh của thầy Giáp đều nhớ rất kỹ những bài giảng trong sáng và giọng nói hấp dẫn của thầy.

        Giáp cũng rất chú ý nghiên cứu những tác phẩm của Lênin, Mác-Ăngghen và Mao Trạch Đông. Từ những tác phẩm của ba nhân vật trên, Giáp tìm ra những cơ sở tư tưởng của hệ thống xã hội tương lai và anh tin rằng một chế độ xã hội công bằng hoàn toàn mới sẽ thay thế những bất công cũ. Từ các nguyên lý của Mao Trạch Đông, Giáp khai thác những nội dung quân sự để xây dựng lực lượng vũ trang. Ngoài ra Giáp đã nhiều năm nghiên cứu tướng Raoul Salon, anh đọc tác phẩm của T.E Lawrence, Lawrence Arập. Người lính của chiến tranh thế giới ấy bằng những thí dụ chính xác đã dạy anh làm sao có hiệu quả tối ưu trong kế hoạch chiến thuật và chiến lược mà chỉ sử dụng lực lượng tối thiểu. Anh cũng rất quan tâm đến điều Lawrence nhấn mạnh: giá trị con người.

        Giáp say mê học tập. Cũng như nhiều nhân vật cùng thời ở phương Đông và phương Tây, khi đi tìm một phương thuốc cho những nỗi đau của thế giới. Anh thấy rằng chủ nghĩa cộng sản là một phương sách giải thoát. Chủ nghĩa cộng sản rõ ràng có tác động sâu sắc: nó chấm dứt chế độ bóc lột công nhân của chủ nghĩa tư bản. Và cuối cùng khẳng định cách mạng Nga là tấm gương đi tới, như một người đi thăm Liên Xô đã nói: “Tôi đã thấy tương lai, và cứ như vậy tiến lên!”. Lý luận cộng sản đề cao tính cao thượng của con người; nên làm điều gì tốt cho con người, mà không phải làm điều gì xấu nhất. Đối với nhiều người, một thời đại mới đang thức dậy trong toàn nhân loại.

        Chân dung nổi bật của Giáp lúc đã gần 30 tuổi: một người trẻ tuổi dễ mến rất thông minh năng động và quyết đoán, bằng nhân cách và hoạt động tinh thần đã hoàn toàn chinh phục những người xung quanh. Các đặc điểm ấy không thay đổi theo năm tháng mà không ngừng tăng trưởng theo thời gian: anh hưởng thụ ít nhất và sẵn sàng đè bẹp mọi tư tưởng chống đối. Mặc dù vậy đó là một con người cần mẫn, tư duy cho đến giờ phút cuối cùng, sẵn sàng chờ đợi hơn là hành động vội vàng. Anh sẵn sàng nghe mọi ý kiến trái ngược được trình bày logic và có sức thuyết phục để tránh được một phản ứng mạnh ngăn cản anh đạt mục đích, anh cảm giác với những trường hợp lạm dụng lý lẽ: như người ta thường nói một nét đặc trưng thuận lợi cho một cuộc đời chính trị vĩ đại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:39:49 pm »

   
Chương 2
       
Xây dựng lực lượng

        Mục đích của chúng tôi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội-dân cày có ruộng. Trước đây đã có những người lãnh đạo của chúng tôi nói đến độc lập nhưng họ không đem lại ruộng đất cho dân cày, do đó họ không thành công. Tôi tin chức chủ nghĩa xã hội là lý do đấu tranh của nông dân và công nhân.
        
Võ Nguyên Giáp(nói với tác giả)        

        Ở Pháp năm 1939 sau khi ký kết hiệp ước Xô-Đức, Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động. Ở Việt Nam, chế độ cai trị cũng phụ thuộc chính phủ mẫu quốc, bắt đầu bắt bớ những đảng viên của Đảng hoạt động công khai. Giáp có thể bị bắt, Trung ương Đảng quyết định chuyển Giáp khỏi Việt Nam. Mồng 3 tháng 5 năm 1940, Giáp chia tay vợ-“đồng chí Thái” như ông thường gọi và con gái nhỏ bên bờ Hồ Tây-ở Hà Nội. Ông rời Hà Nội trên một chiếc xe kéo tay do một đảng viên tin cậy kéo. Sau đó Giáp đi cùng Phạm Văn Đồng lớn hơn Giáp 4 tuổi, là một nhân vật quan trọng khác của Đảng. Được vài kilômét, Giáp và Đồng lên xe lửa đi về phía tỉnh Cao Bằng (Lào Cai: Sđd, trang 16) rồi vượt qua biên giới sang Trung Quốc. Họ phải trốn vào phòng vệ sinh để tránh cảnh sát tuần tra trên hành lang. (Hai con đường sắt do người Pháp xây dựng, một từ Hà Nội vào Sài Gòn, và một từ Hải Phòng sang Côn Minh qua Hà Nội. Đường sắt đi qua đồng bằng sông Hồng năm 1903 và đến biên giới Trung Quốc năm 1906, nhưng phải mất hơn 4 năm nữa và tốn thêm nhiều sinh mạng mới vượt qua vùng rừng núi khắc nghiệt để đến Côn Minh). Cũng như Giáp và Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng đã bị tù 20 năm vì hoạt động cách mạng. Ba con người để điều hành đất nước Việt Nam trong 30 năm sau này đang đến với nhau. Hai người trong số họ đang tiến lên phía Bắc đến Trung Quốc, nơi Hồ Chí Minh đang hoạt động cùng những người cộng sản của Mao Trạch Đông. Vợ Giáp trở về gia đình ở Vinh, thuộc tỉnh Nghệ An miền Trung Việt Nam. Chị bị bắt và xử 15 năm tù rồi chuyển ra trại giam Hỏa Lò Hà Nội.

        Tháng 6 năm 1940 ở Côn Minh Trung Quốc, Giáp gặp Hồ Chí Minh lần đầu tiên lúc 29 tuổi. Phạm Văn Đồng và Giáp cùng với những người tạm trú đang chờ đợi đến tiếp xúc với một con người. Giáp nhớ lại khi nhìn thấy Hồ Chí Minh bình tĩnh, thái độ khiêm tốn và trang phục giản dị. Ông biết Nguyễn Ái Quốc, người có những bài viết ảnh hưởng sâu sắc đến mình trước đây.

        Trong trí nhớ của Giáp cũng như những người khác, hình như không ai có chút nghi ngờ về năng lực điều hành phong trào độc lập của con người ất. Cụ Hồ suốt đời chiến đấu cho lý tưởng cộng sản. Vì những tư tưởng ấy ông đã bị người Anh bắt giam ở Hồng Kông và người Trung Quốc bắt nhiều lần. Tác phẩm của ông được lưu truyền rộng rãi, tên tuổi của ông được nhiều người nhắc đến trong tất cả các phong trào cách mạng ở phương Đông. Nhưng tự bản thân ông đã có một đức tin tiềm tàng-Giáp nói: “một con người nhân văn rất riêng”. Một niềm tin mạnh mẽ khiến cho mọi người đối thoại đều bị thuyết phục. Giáp rất xúc động trước cách sống giản dị và lòng trung thực của ông và cũng chính phong cách “cụ thể và khôn ngoan” trong tư duy và công tác, một tác phong tự Giáp phải cố gắng rèn luyện (kiềm chế tính dữ dội của Giáp) đã giúp Giáp thích ứng với chính trị cũng như hoạt động quân sự trong những năm sau này. Một trong những nguyên tắc đầu tiên của Cụ Hồ là hành động chính trị đi trước hành động quân sự, vì nhân dân là ưu tiên tuyệt đối đó là nguyên nhân của mọi thắng lợi về chính trị và quân sự. Giáp đã áp dụng hoàn toàn đầy đủ những nguyên tắc ấy trong những năm sau này.

        Để khắc phục những mặt yếu về lý luận của Giáp, Hồ Chí Minh đã gửi Giáp đến học viện Mác-Lênin ở Diên An Trung Quốc, nhưng hai tuần sau khi ra đi, tháng 6 năm 1940, quân Đức chiếm Paris, Hồ Chí Minh biết rằng sẽ có những thay đổi chính trị lớn ở Việt Nam, ông gọi Giáp trở lại. Cùng với Phạm Văn Đồng, Giáp đến Quảng Tây Trung Quốc. Tại đây, với cái tên Dương Hải Nam, Giáp học nói và viết tiếng Trung Quốc, sau đó ông đã cho ra đời một tiểu luận về nội dung mới này với đầu đề: “Những vấn đề quân sự Trung Quốc”.

        Sau khi Paris thất thủ, chính quyền thực dân Pháp bị bọn bành trướng Nhật Bản khiêu khích, bị cô lập đối với phía bên kia thế giới và chỉ còn 10.000 binh lính dưới quyền, chấp nhận để cho quân Nhật xâm chiếm miền Bắc Việt Nam và rồi năm sau chúng chiếm luôn cả miền Nam.

        Nhật Bản đã liên minh với Đức Quốc xã và Italia tạo thành phe trục. Trước Pháp bị quân Đức xâm chiếm, các thuộc địa cũng cùng chung số phận cho đến khi thành lập chế độ Vichy. Khi đã nắm chính quyền, chế độ này thực hiện chế độ chính trị hợp tác để cho quân Nhật “Bảo hộ” Đông Dương. Dù thế nào thì chính quyền Hà Nội cũng tiếp tục điều hành đất nước theo chỉ thị của Vichy xa xôi. Mặc dù nhân vật đã chiếm mất một số vị trí, đô đốc Decoux toàn quyền Đông Dương cũng còn giữ được cho nước Pháp một số vùng cai quản trên đất nước.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2016, 08:04:47 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:44:19 pm »

        Tháng 5 năm 1941, ở hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ 8 ở Pắc Bó Bắc Việt Nam, Hồ Chí Minh và cộng sự của ông quyết định thành lập một tổ chức của những người yêu nước-“nông dân, công nhân, thương gia và binh lính”-chiến đấu cho nền độc lập của Việt Nam. Tổ chức này có tên là Việt Nam độc lập đồng minh hội của những người đấu tranh cho nền độc lập của Việt Nam, bộ phận quân sự, gọi tắt là Việt Minh.

        Sau nhiều giờ thảo luận, Giáp đã làm Hồ Chí Minh khâm phục vì những hiểu biết sâu sắc về lịch sử quân sự của mình. Cụ Hồ thấy được nghị lực và nhân cách bao quát của Giáp, hy vọng người thanh niên này có thể mang lại sức cho phong trào cách mạng. Nhưng luôn tỉnh táo, Cụ Hồ quyết định để Giáp được thử thách trên thực địa. Vì vậy Giáp đã trải qua một phần thời gian tốt đẹp của năm 1941 để thành lập một mạng lưới huấn luyện và xây dựng những cơ sở chính trị trong tỉnh Cao Bằng, ở cực Bắc của Việt Nam. Đến cuối năm ấy, Giáp đã thành lập được 2 cơ sở, một ở Bắc Sơn và một ở Võ Nhai. Tờ tạp chí thông tin Việt Nam độc lập (gọi tắt là Việt Lập) đã ra đời để giữ vững liên lạc và tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân. Giáp rất tích cực công tác, nhưng Hồ Chí Minh từ chối những bài viết dài dòng của Giáp, yêu cầu cắt bớt đi một nửa và diễn đạt giản dị hơn. Giáp đã thử nhiều lần, nhưng Giáp có khuynh hướng khuếch trương những dự định của mình nên chẳng bao giờ đáp ứng được yêu cầu (có lẽ chăng bao giờ thuộc lòng các bài viết nên có rất nhiều chỗ lặp; dù sao Giáp cũng thành công trong việc mô tả và có khi mơ mộng).

        Năm 1942, Giáp đi Kangta một chuyến đến một trường của Diên An dự các lớp với chiến tranh du kích và chính trị. Rồi đến Quảng Tây, lần này Giáp bị bọn dân tộc khiêu khích, và hoàn toàn ngược lại với tình trạng năm 1940, Giáp phải vượt biên giới để trở về Việt Nam. Đến giữa năm 1942, Giáp đến làng Pắc Bó ở Việt Bắc, cách biên giới 2 km (chỉ là một biên giới chính trị vì nhân dân ở hai phía bên này hoặc bên kia đều là dân tộc Nùng). Ở đó, trong một làng có tên là Vũ Nhai, gần thị xã Cao Bằng, phía Bắc Hà Nội có một cơ quan 40 người quan trọng đang sống trong hang động dưới sự bảo vệ của các dân tộc miền núi. Đó chính là những tổ chức đầu tiên của lực lượng quân sự trong phong trào giành độc lập Việt Nam.

        Việt Minh gồm những chi bộ của Đảng Cộng sản đang ra sức vận động nhân dân vùng phụ cận theo chủ nghĩa cộng sản. Rất hiếm người biết tiếng Việt, Giáp và các đồng chí phải tập nói tiếng địa phương và dùng hình vẽ hướng dẫn họ hiểu được ý định của mình. Khi các toán bảo an Pháp đến gần nơi ẩn náu, họ tạm thời di chuyển đi nơi khác và thỉnh thoảng ẩn nấp trong một cái hang phía sau một con suối rất khó ra vào, hoặc trong vùng dân tộc Mán Trắng, họ chỉ uống nước suối, ăn ngô và quả chuối rừng để sống. Một hôm, họ đến Lạng Sơn và sống trong một nhà sàn trên sườn núi.

        Ở hội nghị Liễu Châu tháng 10 năm 1942, mặt trận thống nhất Việt Nam cách mệnh đồng minh hội được thành lập để tập hợp các khuynh hướng dân tộc khác nhau, đang thảo luận về gây ảnh hưởng ở miền Bắc Việt Nam. Đó là dẫn chứng đầu tiên của chiến thuật Hồ Chí Minh khi đối mặt với sự chống đối, ông không tốn nhiều sức lực, không đẩy họ sang phía thù để thủ tiêu họ, ông liên minh với họ.

        Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ tinh thần của phong trào, một nhà duy mỹ, một vị thánh (hình như ông có một số thuộc tính của một vị thánh-theo Giáp: “Ông là mẫu mực về kiên nhẫn, về tiết kiệm, về liêm khiết và tình thường yêu”, tất cả những đặc điểm khiến mọi người Việt Nam phải tôn kính). Giáp là con người hành động. Có lẽ sau khi đọc Mao Trạch Đông, Giáp hiểu rằng “nhân dân có thể là tất cả”, động cơ là chìa khóa của thắng lợi về chính trị cũng như trong lĩnh vực quân sự. Trong những năm sau, Giáp đã dựa vào nhân dân, sức lực và số đông của họ để làm người thợ cả trong những trận thắng kỳ diệu. Giáp có thể đưa đông đảo nhân dân đi đè bẹp quân thù, dùng số lượng đông đảo cánh tay vào công việc xây dựng những con đường, trong những trận tấn công của số đông thay thế cho những số lượng to lớn phương tiện vật chất, Giáp yêu cầu hàng triệu và hàng triệu giờ đồng hồ dùng sức khỏe cơ bắp của đàn ông và đàn bà để đào giao thông hào, hầm hố và sửa chữa những nơi bị thiệt hại.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 06:47:33 pm »

        Giáp hoàn toàn tán thành sự giác ngộ quần chúng. Phải xoay chuyển quần chúng, đưa nhân dân đi theo đúng hướng. Sau khi đã trang bị đầy đủ về tinh thần và vật chất cho quần chúng, giao cho quần chúng đánh đổ trật tự cũ xây dựng trên cơ sở những phong tục tập quán lạc hậu của các dân tộc, trên cơ sở chủ nghĩa thực dân hoặc cơ sở của chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Mọi người đều phải là chiến sĩ. Mọi người, đàn ông, đàn bà, con gái, con trai, người già: đều góp phần khiêm tốn của mình vào cuộc đấu tranh. Đó là một khái niệm đơn giản và dễ hiểu. Giáp hoàn toàn thích ứng với chủ nghĩa yêu nước sâu sắc của người Việt Nam. Không phải là một ý tưởng mới, mà đó đã có từ thế kỷ 13 và những lần sau đó, càng ngày càng được tăng cường ở Việt Nam, nhân dân đặc biệt gắn bó với quá khứ và truyền thống.

        Nhưng trước hết là bản chất. Muốn tiến tới tương lai: cần phải có những con người quyết đoán, cương nghị và nhiệt tình. Nếu họ là cộng sản thì tốt nhất. Nếu họ được giác ngộ dân tộc và chống thực dân thì không có gì đáng phàn nàn: hy vọng có thể chuyển biến họ theo chủ nghĩa cộng sản. Mỗi khi đã chấp nhận như vậy, tổ chức sẽ gửi họ đến các lớp học ở cơ sở để họ giác ngộ. Giáp xây dựng xung quanh mình những người tin cẩn-những cán bộ cốt cán-tùy theo trình độ hiểu biết về chủ nghĩa cộng sản: trung tâm vững chắc này đã tập họp nhiều hội viên khác. Với phương pháp hoàn toàn tự tin, Hồ Chí Minh đã đặt ra một mức cao. Những cốt cán phải là những người không thể chê trách về tinh thần, không bị cuộc sống đồi trụy của đế quốc cám dỗ. Ông bắt buộc họ phải dám làm, trung thành, tiết kiệm, thẳng thắn, công bằng, khiêm tốn và giản dị, họ phải sống chung với những người nông dân giản dị. Giáp rất thận trọng và cẩn mật trong việc chọn lựa, vì những người cộng tác với Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng và cả với Giáp phải cùng làm việc hằng mấy năm trời, họ sẽ trở thành những người lãnh đạo phong trào ngày càng mở rộng trong toàn quốc, phát triển dần dần từ phạm vi hẹp đến rộng.

        Về nguyên tắc yêu cầu các cán bộ cốt cán họp lại trong một vùng ít nguy hiểm để trở thành những tổ nhóm hội viên trên khắp địa bàn. Các nhóm này phát triển để trở thành những nhóm quan trọng giữ vững lấy địa bàn và mở rộng thành vùng tự do. Những vùng này là cơ sở để nhân dân chuẩn bị và nổi dậy đấu tranh tiến công quân địch. Như sau này, Giáp đã viết: “Cuộc đấu tranh phải mạnh dần lên. Ta chiến thắng từ những thất bại nhỏ, từ trận này đến trận khác cho đến khi thời cơ đến”. Khái niệm nội bộ ấy cho phép chờ đợi đến thời cơ thuận lợi. Ngược lại với phương Tây, họ thấy cần thiết phải có hiệu quả tức thời, hiệu quả thường ám ảnh họ mãi. Đó là đức tính quan trọng của Giáp trong những thập kỷ tới. Có nhiều người bước vào cuộc chiến đấu và không hề nghĩ tới khả năng rút ra càng nhanh càng tốt, Giáp vẫn không lay chuyển những quyết định ban đầu. Do đó, chỉ hơn một năm, Giáp đã xây dựng được những cơ sở vững chắc cho cuộc khởi nghĩa.

        Dưới sự chỉ đạo của Giáp, các cán bộ học tập chiến lược quân sự và chuẩn bị những chiến khu tương lai (Trong thời kỳ này, mọi người ở cơ quan đều phải tham gia công việc chung, Giáp phải rửa bát, vì công việc bếp núc của Giáp quá vụng về). Ban đêm, rét quá không ngủ được, mọi người thức dậy và ngồi quanh bếp lửa cho đến sáng. Các phòng học-lều bằng tre lợp lá-và những khu dân cư được xây dựng để tiếp nhận đông đảo người vào hội. Giáp tuyển lựa những binh sĩ đang phục vụ trong các binh đoàn Đông Dương của người Pháp để mua bán ở địa phương và canh phòng khu vực. Đến nửa năm 1943, ba trăm người trong số họ được đưa sang Liễu Châu và Quảng Tây Trung Quốc tập luyện. Ở Việt Bắc khoảng dăm chục binh sĩ mới tuyển cũng được tổ chức lại. Những binh sĩ ưu tú được giữ lại làm giáo viên. Cuối năm 1943, hàng trăm đàn ông, đàn bà gia nhập quân đội quốc gia. Đến đầu năm 1944, hai mươi nhóm khác nhau được tập họp lại.

        Vào mùa hè năm 1943, Giáp được tin vợ chết trong nhà giam Hỏa Lò Hà Nội. Cái nhà giam rất nổi tiếng mà ở Hoa Kỳ gọi dưới cái tên khách sạn Hinlton Hà Nội, vì nhiều tù binh chiến tranh Mỹ bị giam giữ ở đó. Những người cùng công tác với Giáp thời kỳ đó khẳng định Giáp nhận tin này rất bình tĩnh, nỗi đau của Giáp chỉ biểu hiện bên ngoài bằng mảnh băng đeo trên người nhiều ngày. Tuy vậy Giáp đã tuyên bố với một nhà báo vài năm sau: “cuộc đời tan nát”, hơn tất cả những điều khác, không còn nghi ngờ gì nữa, cái chết của người phụ nữ trẻ mà Giáp tôn thờ đã dẫn đến những tư duy sâu sắc và tin tưởng mãnh liệt của Giáp. (Người con gái của họ được đưa về An Xá để bà nội nuôi dạy. Cô ta thừa hưởng trí thông minh của bố mẹ, học tập ở Hà Nội, đỗ tiến sĩ toán lý. Năm 1987, cô nhận giải thưởng khoa học Liên Xô Kowolepxkia).
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 07:22:50 pm »

        Nhiều người Việt Nam tin tưởng rằng sự hội tụ của các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa có tác dụng điều chỉnh các hoạt động của con người. Thời cơ tốt nhất phải chuyển sang hành động “Thời cơ tốt, một con tốt cũng thắng. Thời cơ chưa đến mà hành động không thích đáng có thể mất hai con ngựa”. Tháng 7 năm 1944, Giáp nhận định “tình hình thế giới và hoạt động cách mạng ở tỉnh Cao Bằng có nhiều thuận lợi và cho rằng điều kiện để phát động chiến tranh du kích đã đến”. Hồ Chí Minh biết tin này đã không đồng ý. Tháng 8, Cụ Hồ vội trở về Cao Bằng càng sớm càng tốt, và đã được Giáp đón tiếp long trọng.

        Hội nghị quân sự lần thứ nhất của Đảng khai mạc tháng 9 năm 1944 (Trường Chinh điều khiển hội nghị, bốn ủy viên Trung ương là Võ Nguyên Giáp, Văn Tiến Dũng, Lê Thanh Nghị và Trần Đăng Ninh). Hội nghị quyết định thời cơ đã đến, bây giờ phải chuyển sang hành động. Quân giải phóng Việt Nam được tổ chức, Giáp được đề cả làm Tổng chỉ huy. Theo chỉ thị viết nguệch ngoạc trên bao thuốc lá của Hồ Chí Minh-một thói quen cũ-hội nghị cũng quyết định thành lập những đội vũ trang tuyên truyền được trang bị vũ khí. Nếu nhiệm vụ hàng đầu là tuyên truyền giác ngộ thì các đội viên cũng phải có vũ khí để chiến đấu tự vệ.

        Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Võ Nguyên Giáp thành lập đội võ trang tuyên truyền đầu tiên: đội quân gồm ba tiểu đội và 34 chiến sĩ tất cả-31 đàn ông và 3 đàn bà. Ra quân ở chiến khu Trần Hưng Đạo, tên một vị anh hùng dân tộc Việt Nam, đội được trang bị 2 súng lục, 17 súng trường và 14 súng kíp có từ thời chiến tranh Nga-Nhật và một súng máy. Họ chụp ảnh để kỷ niệm sự kiện vinh quang này. Ở một trong những bức ảnh này, người ta thấy Giáp chân đất, mặc một bộ âu phục, đầu đội mũ phớt đen, một quả lựu đạn dắt ngang lưng, vai đeo túi bản đồ, trước một đám đông lộn xộn đang giương cao cờ hiệu và vũ trang. Ở một tấm khác, Giáp ngồi giữa đội quân và một chiến sĩ đứng gác ở cuối hàng.

        Chính Hồ Chí Minh đã tuyển lựa những thành viên của đội quân này và giao nhiệm vụ cho Giáp tổ chức và lãnh đạo chỉ huy. Với bí danh quan tư Nam, Giáp chỉ huy một đội, một người chỉ huy khác là Văn Tiến Dũng, người sau này trở thành Tổng tham mưu trưởng ở Điện Biên Phủ và kế tục sự nghiệp của Giáp ở cương vị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trong những năm bẩy mươi. Người chỉ huy thứ ba là Chu Văn Tấn, một người nhã nhặn, dân tộc Nùng sau này trở thành một vị tướng quan trọng trong quân đội nhân dân. “Trung đội” gồm những người chỉ huy chiến khu, người chỉ huy các nhóm và các chiến sĩ thuộc quân du kích địa phương.

        Sau khi tuyên bố nhiệm vụ chính trị của đội không phải là đánh giặc, Hồ Chí Minh chỉ thị tiếp: Chính vì mục đích tuyên truyền mà đơn vị đầu tiên này phải giành được một thắng lợi quân sự trong tháng mới thành lập. Ngày 25 tháng 12 năm 1944, Giáp đã chỉ huy đội tấn công hai đồn quân Pháp ở Phai Khắt và Nà Ngần thắng lợi. Hai sĩ quan Pháp bị giết. Quân lính của các đồn này đều trở về quê hương. Nhờ công bác binh vận vận động được quân lính của người Pháp chỉ huy, các lực lượng tấn công không bị tổn thất gì. Giáp đã viết: “Chúng tôi đã quên rằng chúng tôi chỉ có 34 con người, nhưng chúng tôi là một đội quân gang thép, không một lực lượng nào thắng nổi. Lòng tin và ý chí đã có hiệu quả”. Vài tuần sau, đầu năm 1945, Võ Nguyên Giáp bị thương ở chân trong cuộc tấn công ở Đồng Mu.

        Tháng 4 năm 1945, Đội tuyên truyền giải phóng quân thu nhận Đội cứu quốc quân của Chu Văn Tấn, một đội quân chân trần, chủ yếu là những người dân tộc Thái và chưa có đủ chỉ huy từ khi nhận được sáp nhập với Giáp và Văn Tiến Dũng. Sự hòa nhập đã đạt đến trình độ cao. Những đội võ trang tuyên truyền khác được thành lập và đi sâu vào quần chúng. Họ bảo đảm kiểm soát được vùng đất được mở rộng hàng ngày. Sau vài tháng, cả ba loại quân xuất hiện: lực lượng chủ lực, lực lượng địa phương và dân quân tự vệ của cơ sở làng xã. Ba thứ quân này tạo thành cơ sở tổ chức các lực lượng cách mạng Việt Nam trong những năm sau này.

        Bây giờ những đội quân của Giáp thực hiện Nam tiến (Giáp thỉnh thoảng đi ngựa) về đồng bằng sông Hồng, nhiều đơn vị khác được thành lập. Chỉ ở Nước Hai, ba nghìn đội viên nhận nhiệm vụ; tháng 3 năm 1945 Việt Nam đã có cơ sở du kích ở sáu tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Tuyên Quang, Lai Châu và Hà Giang.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 07:27:31 pm »

        Ngày 9 tháng 3, Nhật đảo chính Pháp Vichy. Như chúng vẫn thường tiến hành một cách xảo trá và tàn nhẫn, chúng bắt các sỹ quan cao cấp người Pháp ở nơi đồn trú, trong đó có người chỉ huy tiểu đoàn bộ binh lê dương thứ 5, tước vũ khí của họ sau khi đã mời họ dự tiệc ở khách sạn Metrophobe. Chúng yêu cầu tất cả quân Pháp đầu hàng. Họ từ chối, chúng chuyển sang tấn công. Ngày 12 tháng 3 chúng chém đầu viên chỉ huy quân sự Sài Gòn, tướng Lemonnic, cùng với viên công sứ Camille Auphelle, sau khi bắt buộc họ đào lấy hố chôn mình. Được tin này, trung đoàn bộ binh lê dương “REI” thứ 5 phải rút sang Trung Quốc, sau khi đã chiến đấu đẫm máu với quân Nhật. Những người Pháp không đi sang Trung Quốc, trong đó có đô đốc Decoux đều bị bắt vào trại tập trung tù binh (quân Nhật phá hủy không thương tiếc những gì còn sót lại của lực lượng bảo an Pháp và để lại khu tự do của người dân tộc và cộng sản ở vung nông thôn; bọn Pháp, bọn bảo an còn kiểm soát được một ít, còn bọn Nhật không kiểm soát).

        Ngày 15 tháng 4 năm 1945, Giáp quyết định thành lập những vùng chiến tranh du kích trong 6 tỉnh trên để rồi đến ngày 4 tháng 6 tập trung thành một vùng tự do. Nhiều đơn vị quân đội đã có tập trung thành giải phóng quân dưới sự chỉ huy của Giáp với quân hàm Đại tướng. Thời kỳ này Việt Minh đã có đến 5.000 hội viên. Cũng như cán bộ cốt cán, nam nữ hội viên Việt Minh tự nguyện và có quan hệ với nhân dân nơi họ sinh sống. Họ long trọng thề; hết lòng tôn trọng nhân dân, bảo vệ nhân dân, được dân tin yêu và thật sự đoàn kết giữa quân đội với nhân dân. Giáp nhấn mạnh đoàn kết giữa chiến sĩ và cộng đồng nhân dân là rất cần thiết: “Một cuộc kháng chiến lâu dài yêu cầu tất cả phải được giáo dục giác ngộ, đấu tranh cho lý tưởng, trong đó nhân dân là trung tâm. Không có dân chúng ta không có tin tức, chúng ta không giữ được bí mật, không phát động được những trận tấn công bất ngờ. Nhân dân bày ra mưu kế và chúng ta giúp họ thực hiện. Nhân dân tìm kiếm cho chúng ta những chiến sĩ giao liên, che giấu chúng ta, bảo vệ những hoạt động bí mật của chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta và săn sóc các thương binh của chúng ta”.

        Tháng 5, trên đèo Chan, bộ đội của Giáp tấn công vào đồn quân Nhật và giết hết bọn người đó. Sâu hơn về phía Nam, làng Tân Trào của tỉnh Tuyên Quang được tổ chức khu căn cứ của Trung ương, là nơi quyết định kế hoạch tương lai. Chính ở đó giữa tháng 5 và tháng 8 năm 1945, một đơn vị lính Mỹ “Deer Team” thuộc OSS, tiền thân của CIA đến để giải giáp quân đội Nhật, gặp Giáp mà họ gọi bằn tên M.Nam. Sau đó, một đơn vị khác do sỹ quan tham mưu Allison Thomas chỉ huy nhảy dù xuống vùng này, trước khi tiếp tế vũ khí và đạn dược cho Việt Minh. Ba trăm năm mươi chiến sĩ quân đội Giáp phục vụ cho OSS (Quan năm Peter Dewey của OSS là sỹ quan bị thương đầu tiên trong số 60 nghìn binh sĩ Mỹ bị thương ở Việt Nam: Một chiến sĩ bảo vệ Việt Minh bắn nhầm vào xe của ông ta).

        Một nghịch lý tró trêu của lịch sử: người Mỹ đã cung cấp vũ khí hiện địa cho Việt Minh đầu tiên và dạy cho quân đội Việt Minh sử dụng vũ khí đó. Theo viên sỹ quan tham mưu Archimedes Patti phụ trách Deer Team: “Sau khi được người Mỹ hướng dẫn sử dụng tên lửa, phóng lựu, súng trường, súng máy… Giáp đã tiến công nhiều tiền đồn của quân Nhật cùng với người của chúng ta. Thật đúng là chúng ta đã liên minh với Việt Minh để chống lại quân Nhật”. Chỉ trong vòng một tháng người Mỹ đã huấn luyện được hại trăm cán bộ chỉ huy tương lai của Việt Minh. Họ được lựa chọn bất kỳ và họ đã tạo nên cái tình trạng sẽ gặp trong những năm 60. Mặc dầu việc cung cấp chỉ khiêm tốn ít ỏi, nhưng vũ khí đó cũng bảo đảm lợi thế hơn hẳn của Việt Minh trong thời kỳ khó khăn đó. Có lẽ sai lầm nếu khẳng định rằng Giáp được OSS huấn luyện như một vài câu chuyện huyền thoại được truyền đi ở một số nơi.

        Ngày 17 tháng 7 năm 1945, Giáp chỉ huy 500 chiến sĩ Việt Minh tấn công một đồn lính Nhật ở Tam Đảo có khoảng dăm chục tên: bộ đội của Giáp đã giết 8 tên và bắt số còn lại, chúng thuộc sư đoàn bộ binh Nhật bản số 21.

        Ngày 16 tháng 8, hơn sáu chục đại biểu dự Đại hội quốc dân Việt Minh ở đình Tân Trào. Một Chính phủ lâm thời được thành lập, Hồ Chí Minh là Chủ tịch. Ngày 17 tháng, bộ đội của Giáp tiến công và giải phóng thành phố Thái Nguyên. Các đội quân bắt đầu hoạt động vũ trang có tổ chức, Giáp vừa là sỹ quan chỉ huy vừa là huấn luyện viên. Đến nửa tháng 8, Giáp được tin bộ đội đã đến gần Hà Nội. Ngày 28, ông dẫn đầu đoàn quân tiến về giải phóng Hà Nội.

        Chặng đầu lịch sử đấu tranh giải phóng của Việt Nam đã khép lại. Trong thời điểm phấn đấu này, không ai có thể đoán biết được thời gian phải chờ đợi cho đến khi kết thúc chiến tranh. Một cuộc chiến tranh kết thúc. Rồi một cuộc chiến tranh khác nữa kết thúc.

        Chiến sĩ Giáp là ai? Tầm cỡ nào? Phải chăng như một số người Giáp chỉ là một sỹ quan có tầm hiểu biết của một Tổng chỉ huy được phong hàm đại tướng một hai ngày. Hoặc phải chăng là một người đã từng nghiên cứu sâu sắc khoa học quân sự trước khi hành nghề mới và có thể nhanh chóng vận dụng kết quả nghiên cứu vào thực hành có hiệu quả như ta đã biết. Thành công đó trước hết của ông, hoặc ông không phải là một ngôi sao đích thực trong những thắng lợi bị quên lãng trong các phẩm vô danh? Ông ở vị trí nào trong các khái niệm của chiến sĩ của ông? Ông đã là nhà tư duy quân sự đến độ nào?

        Chỉ có nhân dân Việt Nam giúp cho chúng tôi trả lời được câu hỏi này, bởi vì không có một vị tướng nào, dù xuất sắc hoặc may mắn đến mấy cũng không thể một mình thu được thắng lợi. Chính là bản chất nhân dân được quân đội tuyển chọn, và động cơ mãnh liệt giành chiến thắng của quân đội.

        Làm sao giải thích được người Việt Nam có thể chiến đấu dai dẳng trong một thời gian dài với bấy nhiêu sức lực? Tại sao cuối cùng họ đã thắng hai nước lớn?

        Hiểu được nhân dân, người ta hiểu được quân đội, người ta giải thích được thắng lợi.
Logged

Giangtvx
Thượng tá
*
Bài viết: 25560


« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Tư, 2016, 07:35:35 pm »

        
Chương 3
       
Nước Việt Nam ra đời

        Lịch sử của chúng tôi bao giờ cũng chỉ biết đấu tranh. Đấu tranh chống quân xâm lược nước ngoài, hầu như lúc nào cũng mạnh hơn chúng tôi, đấu tranh chống chọi với thiên nhiên. Vì không đi đâu được nữa, chúng tôi đã tự tạo cho mình một hệ thống thần kinh cực kỳ ổn định. Chúng tôi không bao giờ hoảng sợ. Mỗi khi có tình thế mới chợt đến, nhân dân lại tuyên bố: “Kìa, mọi chuyện lại bắt đầu!”.
        
Phạm Văn Đồng        

        Đặc điểm hình thể nước Việt Nam là những dãy núi cao rừng rậm khó vượt qua chiếm giữ biên giới phía tây. Ở phía Bắc cũng núi cao rừng rậm bao quanh lấy châu thổ sông Hồng để tạo thành biên giới với Trung Quốc và Lào; ở giữa những dãy núi ấy uốn cong về phía đông: sườn núi kéo ra tận biển ở nhiều nơi. Cuối cùng chúng vòng về phía tây và thấp dần xuống phía nam vẽ nên đường biên giới Campuchia. Dọc theo chiều dài biên giới, rất nhiều động vật hoang dã sống dày đặc trên những ngọn đồi nóng và ẩm có tán lá cây dày che khuất ánh sáng: nào hổ, nào voi, nào báo, nào gấu và cả muỗi rừng mang vi trùng sốt rét. Chính những chướng ngại núi non ấy ở giữa đã ngăn cách con người miền Bắc và miền Nam không gần gũi nhau được.

        Con sông Hồng bắt nguồn từ Trung Hoa. Nó chảy qua mười ba trăm kilômét trước khi đổ ra Vịnh Bắc Bộ. Hà Nội ở hai bên bờ sông. Hải Phòng là bến cảng ở cửa sông. Lưu lượng nước sông đổ ra biển khoảng bốn nghìn mét khối nước trong một giây, đến mùa mưa khối lượng tăng lên bốn mươi lần. Hai bên bờ sông có đê cao nên trước có những chỗ cao hơn Hà Nội vài ba chục centimét: hằng năm, đê thường bị vỡ và dẫn đến lũ lụt khủng khiếp kèm theo đói kém mất mùa từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

        Ở phía Nam biển Đông là một vịnh rộng nhưng không sâu ở giữa những dãy núi. Trải qua hàng thế kỷ, phù sa sông Mêkông bắt nguồn từ Tây Tạng chảy dài bốn nghìn năm trăm kilômét, lấp dần vịnh tạo nên một vùng châu thổ rộng lớn và màu mỡ với những dòng kênh cắt ngang, có khả năng cho thuyền bè đi lại trên bốn nghìn tám trăm kilômét (Hiện nay đất liền vẫn lấn ra biển mỗi năm dăm chục mét). Theo dòng chảy, sông Mêkông vẽ nên biên giới Thái Lan và Lào, chảy qua Campuchia rồi chia thành hai nhánh chính và nhiều nhánh phụ vào một hồ lớn ở Campuchia và tràn vào đất Việt Nam. Sông Mêkông ít nguy hiểm hơn sông Hồng: hiếm thấy lụt lội và đói rét ở miền Nam.

        Trải dài theo sườn Đông của châu Á, khí hậu Việt Nam chịu ảnh hưởng của gió màu, gió đầy mây mang đến theo mưa bão tàn phá dọc ven biển. Về mùa hè, khí hậu miền Bắc và miền Nam gần giống nhau, nhiệt độ trung bình ở Hà Nội là 300C, ở Sài Gòn là 320C, nhưng mùa đông nhiệt độ trung bình ở Hà Nội là 160C trong khi ở Sài Gòn là 270C. Trên những vùng cao ở miền Bắc hiếm khi có tuyết, mùa khô hoàn toàn không có tuyết, ngay cả sườn núi Phăng Xi Păng, đỉnh cao nhất của Việt Nam cao 3.150 mét. Trong những tháng mưa của mùa hè, lượng mưa trung bình ở Sài Gòn và Hà Nội là 178 milimét nước, gần gấp 3 lần lượng mưa hàng năm ở Parí và gấp 2 lần ở New York.

        Trước khi người Việt giành độc lập, hệ thống xã hội thuộc chế độ phong kiến phương Bắc: những quan thái thú và con cháu họ thu tóm quyền lực toàn bộ trên các lĩnh vực: tôn giáo, quân sự và hành chính: họ chiếm giữ ruộng đất và biến nông dân thành nông nô của họ. Đứng đầu thiên triều là một vị vua, người đã chiến thắng tất cả các đối thủ. Vua chia đất nước thành vùng lãnh thổ quân sự có các quan thái thú đứng đầu, duy trì một chế độ bảo hộ rộng rãi của Trung Quốc mà không can dự vào phong tục địa phương.

        Cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân chống lại người Trung Quốc là cuộc nổi dậy của chị em Bà Trưng năm 39 sau Công Nguyên. Trưng Trắc là một phụ nữ quý tộc có chồng bị quân Trung Quốc giết vì nổi loạn. Em là Trưng Nhị dẫn đầu nhiều lãnh chúa và quân của họ tấn công quân Trung Quốc. Sau khi đánh dẹp được quân Trung Quốc, hai chị em cưỡi voi dẫn đầu đoàn người Việt Nam reo hò, tuyên bố làm Vua nước Việt Nam độc lập. Nhưng vương quốc của hai bà chỉ tồn tại ba năm: Vua nhà Hán đã phái một đội quân đi lập lại trật tự cho Trung Quốc. Hai bà đã nhảy xuống một dòng sông ở Hà Nội tự tử. Ở đó còn đền thờ để ghi nhớ công ơn hai Bà.

        Đầu thế kỷ thứ X, trận thất bại năm 939 đã kết liễu nền đô hộ của Trung Quốc, nhân dân Việt Nam đã chọn năm đó là năm mở đầu nền độc lập của mình. Nhưng chủ quyền của Việt Nam phải trả giá bằng máu. Quân Trung Quốc quay trở lại năm 1057, phải bốn năm chiến đấu oanh liệt mới đẩy lùi được bọn chúng. Năm 1257, một đạo quân Mông Cổ tiến vào Hà Nội, nhưng cũng phải rút quân. Một đạo quân khác đánh chiếm châu thổ sông Hồng năm 1284 và ba năm tiếp theo một đạo quân nữa. Nhưng tất cả quân Nguyên xâm lược đều bị quân đội Việt Nam đánh bại.
« Sửa lần cuối: 02 Tháng Tư, 2016, 08:06:09 pm gửi bởi Giangtvx » Logged

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM