Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 07:33:45 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Máy bay Mỹ trên vùng trời Điện Biên Phủ  (Đọc 27888 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #40 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:49:29 pm »


Thời tiết xấu. Khi bay trên dãy Trường Sơn, tôi cảm thấy chiếc máy bay số 572 mà tôi chỉ tin cậy một cách tương đối bị xóc mạnh. Hiệu thính viên cho tôi biết, vùng đồng bằng dày đặc mây mù. Các sân bay Hà Nội và Hải Phòng liên tiếp phát tín hiệu QBI có nghĩa là phải chấp hành nghiêm các nguyên tắc hạ cánh, rồi liền đó là QGO có nghĩa là cấm hạ cánh.

Khi tôi có thể tiếp cận đài kiểm soát không lưu trung tâm tại Hà Nội tới mức có thể nói được điện thoại vô tuyến, tôi nhận được những thông tin tương tự như Hải Phòng, nghĩa là: trần mây năm mươi mét, tầm nhìn từ một đến hai kilômét, giảm xuống số không dưới mưa. Tôi nghĩ, có thể bay xuyên mây theo trục đường đã ấn định.

Khi quay trở về đơn vị, tôi tới gặp Soulat, trình bày rõ, tôi không hề lẫn lộn giữa "đi công tác" với "đi phép", ông chấp nhận. Hơn nữa, trong ngày hôm nay do trời xấu nên không tiến hành một phi vụ chiến đấu nào. Suốt trong ngày, sân bay Cát Bi chỉ ghi nhận có hai chuyến hạ cánh: đó là chiếc Dakota của đội Franche Comté và chiếc Packet của tôi.

Tôi được nghe kể lại nhiều tin tức. Trước hết, tôi được biết, ngày hôm trước, tức là ngày thứ tư mồng 10 tháng 3, một chiếc C119 số 546 đã hạ cánh xuống đường băng sân bay Điện Biên Phủ. Cách lòng chảo khoảng một trăm kilômét, chiếc máy bay này đã gặp trục trặc về động cơ, phải hạ cánh bắt buộc với một động cơ. Trên máy bay chở sáu tấn xăng dầu.

Việc bay chỉ có một động cơ không đối xứng không thích ứng với máy bay đã gặp trục trặc trong việc thả hàng qua cửa bên hoặc bằng cửa sau. Mặc dù động cơ còn lại vẫn hoạt động tốt, phát huy được sức mạnh tối đa, Magnat là người phi công lái chiếc 546 đã bị hẫng độ cao rất nhanh và buộc phải trút tất cả số hàng mang theo xuống vùng rừng núi. Được nhẹ nhàng, chiếc Packet của anh mới có thể lấy lại độ cao, vượt lên trên những đỉnh núi phía Đông tập đoàn cứ điểm rồi hạ cánh xuống đường băng có phủ ghi sắt, dù đường băng này ngắn đối với loại máy bay C119.

Magnat quay trở về căn cứ Cát Bi bằng chiếc máy bay nhỏ thường trực trên sân bay Điện Biên Phủ. Chiếc C119 nằm lại Điện Biên Phủ để sửa chữa và sẽ do một người khác lái về sau.

Tôi cũng được nghe tin chi tiết về vụ Việt Minh tiến công sân bay trong đêm 6 rạng ngày 7 tháng 3, khi tôi đang qua đêm đầu tiên tại Sài Gòn trong khung cảnh thanh bình.

Đó là lúc 1 giờ 15 phút sáng. Trung tá Brunet vẫn còn ngồi trong phòng làm việc bỗng nghe thấy một tiếng nổ lớn, tiếp đó là nhiều loạt đạn súng máy. Ông lập tức ra lệnh tăng cường phòng thủ.

Rất khó hiểu là tại sao đặc công lại có thể vượt qua được ba tuyến phòng thủ sân bay bố trí theo ba mức độ:

- Tuyến vành ngoài có các đội tuần tra thường xuyên.
- Tuyến sát vị trí có các lớp hàng rào dây thép gai...
- Tuyến phòng thủ trực tiếp ngay tại các bãi đỗ máy bay và các điểm quan trọng.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #41 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:50:45 pm »


Việc phòng thủ sân bay do không quân đảm nhiệm, có tăng cường thêm lực lượng lục quân. Trước và trong đêm sân bay bị tiến công, tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 do Bigeard chỉ huy đóng tại căn cứ Cát Bi. Bigeard đã tới trình diện, báo cáo với trung tá Brunet như sau:

- Kính chào trung tá! Tôi được tướng Cogny cử dẫn đầu đơn vị tới tăng cường phòng thủ sân bay trong vài ngày.

- Không thành vấn đề. Tôi không cần sự trợ giúp của tướng Cogny và cũng ít cần đến bọn lính dù các anh. Ở đây không có nhà chứa gái điếm đâu. Anh đi ngay cho tôi nhờ.

- Thưa trung tá, tôi không chỉ huy nhà chứa gái điếm. Tôi cao một mét tám mươi, nặng bảy mươi nhăm kilô, nếu ngài muốn gây chuyện với tôi, tôi xin sẵn sàng.

Và đêm 6 tháng 3, Việt Minh đã tiến công. Tiếng súng và tiếng lựu đạn tiếp tục nổ ran. Đội đặc công Việt Minh lọt được vào sân bay đã dùng thuốc nổ phá hủy sáu máy bay Morane 500 dùng để liên lạc, quan sát, thám thính và bốn máy bay ném bom B.26. Lính dù của Bigeard đã kéo tới đánh đuổi.

Việc thâm nhập này của quân Việt nhất định đã phải chuẩn bị kỹ lưỡng từ lâu, bởi vì trung tá Brunet chỉ huy căn cứ là người rất cẩn thận, không để xảy ra sự cố ngẫu nhiên. Tình báo cho biết, Việt Minh đã bỏ ra hai tháng để chuẩn bị cho cuộc tiến công này.

Ngày thứ sáu 12 tháng 3, khi tôi bay đi làm nhiệm vụ trở về, tôi thấy một sự ồn ào náo nhiệt khác thường trong phòng làm việc của đơn vị.

Trong phòng, có nhiều người mặc thường phục, nói tiếng Anh theo giọng Mỹ của dân Texas. Mọi người đang thảo luận việc nhanh chóng thay chúng tôi lái máy bay C119. Đó là những tin tức đáng lo ngại, một số người đã từng thăm dò tại phòng làm việc của tình báo quân sự.

Tại Điện Biên Phủ, Việt Minh đang tích cực hoạt động. Pháo địch bắn phá không ngừng những cứ điểm của chúng tôi tại khu vực phía Bắc và Đông Bắc, đạn rơi vào đường băng phá hủy chiếc C119 số 546 do Magnat bỏ lại hai hôm trước. Máy bay cháy bùng, chúc mũi xuống đất, chổng hai thân máy bay lên trời. Toàn thế giới được nhìn thấy hình ảnh này trên bìa tờ báo Match hồi đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #42 vào lúc: 23 Tháng Ba, 2016, 09:51:16 pm »


Tại Cát Bi, mọi người nghiêm chỉnh cho rằng Việt Minh đang chuẩn bị tiến công Điện Biên Phủ.

Chính trong khung cảnh bị kích động và lo ngại này, tôi đã làm quen với các nhân viên phi hành đội "Cọp bay" còn gọi là đội "Mãnh hổ của tướng Chennault".

Tất cả đều nom như những thanh niên bảnh trai, áo sơ-mi sặc sỡ, người cao lớn, súng ngắn Colt đeo trễ bên đùi. Họ đặt sở chỉ huy gần sân bay, ngay sát lối ra vào. Chắc họ cho rằng, từ vị trí này không cần phải lùi xa để xem xét sự kiện và nhất là để thảo luận công việc sắp được giao cho họ. Hệt như những viên tướng đánh thuê ở Italy mà họ là hậu duệ, đó là những con người thực dụng và không hề bối rối khi dấn thân từ cuộc sống hào hoa vào việc phiêu lưu này. Chỉ có một người nói được tiếng Pháp.

Sếp của họ là tướng Mỹ Chennault đã nghỉ hưu. Trước khi Chính phủ Mỹ tham gia chiến tranh năm 1940, tướng Chennault đã chiêu mộ được khoảng tám mươi phi công đánh thuê cho Tưởng Giới Thạch chống lại Nhật Bản. Sau khi cảng Trân Châu (Pearl Harbour) của Mỹ bị Nhật Bản tiến công cuối năm 1941, lúc đó đội bay của Chennault mới sáp nhập vào lực lượng không quân Mỹ. Chiến tranh kết thúc, tướng Chennault thành lập "Công ty vận tải đường không dân dụng", gọi tắt là CAT tại Đài Loan. Trên sườn những chiếc máy bay già nua cũ kỹ này có sơn hình đầu con hổ đang há mõm nhe nanh. Vì vậy, các phi công đã gọi là "những con cọp bay". Đó là những con người dũng cảm, đáng giá, dám đương đầu với nguy hiểm, tạo vận mệnh từ tham vọng cá nhân.

Việc đội "Cọp bay" tới đây là kết quả cụ thể thỏa thuận giữa tổng chỉ huy Đông Dương với Công ty CAT, đại diện là ngài K'Ely. Bản thỏa thuận này được ký ngày 3 tháng 3 năm 1954. Chưa đầy ba mươi sáu giờ sau đó, mười hai phi công trưởng phi cơ, mười hai đồng phi công, một chỉ huy dưới mặt đất và một phụ trách hoạt động trên không đã tới sân bay Cát Bi. Việc thực thi thỏa thuận quả là nhanh chóng.

Việc thuê phi công làm cho chúng tôi nghĩ ngợi, đôi chút ước mơ. Họ được trả lương một tháng ba mươi ngày là 4.425 đôla, cộng với tiền công tác phí mỗi giờ bay là 70 đôla tính từ chuyến bay thứ sáu mươi mốt. Họ không phải trả tiền thuê chỗ ở, khi đổi chỗ ở và di chuyển được trả tiền bù.

Thời hạn công tác theo giao kèo là ba tháng, sau đó nếu thỏa thuận sẽ ký tiếp giao kèo từng tháng một.

Trong giao kèo ghi rõ, họ không tham gia bất cứ một hoạt động chiến đấu nào như ném bom phá, bom napalm...
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #43 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:21:01 am »


NGƯỜI LÁI MÁY BAY VẬN TẢI TRỞ THÀNH CHIẾN BINH KHÔNG VŨ KHÍ


Những đợt tiến công đầu tiên của Việt Minh. Từ ngày 18 tháng 3,
đường băng không sử dụng được ban ngày và từ ngày 28 tháng 3,
cả ban đêm cũng không sử dụng được. Từ ngày 19 Điện Biên Phủ
chỉ thu lượm được một tấn hàng một ngày. Tập đoàn cứ điểm bị sứt mẻ,
yêu cầu không quân vận tải cấp cứu.


Chúng tôi chuẩn bị bàn giao cho các phi công dân sự Mỹ. Hôm nay, là ngày 13 tháng 3. Đến ngày 16 chúng tôi sẽ trở về đơn vị cũ để lái máy bay C47.

Trong vòng vài giờ tôi làm phi công hướng dẫn cho trưởng phi cơ người Mỹ Waiter. Chúng tôi cùng ngồi trên chiếc Packet số 557, tôi trao tay lái cho người Mỹ. Ông ta đã biết rõ loại máy bay này và tôi không phải can thiệp nhiều lắm khi bay.

Khi chúng tôi tới Điện Biên Phủ, súng phòng không của địch chỉ bắn lên vừa phải, không làm xúc động "con Cọp" đang bay. Tôi chỉ cho viên phi công Mỹ những bãi thả, trục thả dù, và giải thích tôi vẫn thường làm như thế nào khi thả hàng. Mọi việc tiến hành thuận lợi. Có một chi tiết đáng buồn, tức là nhìn thấy số lượng máy bay các loại bay theo tất cả mọi hướng trên thung lũng. Khi tiếp đất, người Mỹ bảo tôi, ông ta có cảm giác như bay giữa một bầy ong, và muốn bay một mình.

Những phi vụ buổi chiều hoàn toàn giao cho đội "Cọp bay". Không có phi công Pháp bay kèm, mà chỉ có một hiệu thính viên radio và một hoa tiêu Pháp giúp họ hoàn thành nhiệm vụ, nhưng tiền công không được bằng người Mỹ.

Tôi không rõ Việt Minh có biết những người Mỹ đã tới lái máy bay C119 hay không, hay là một sự ngẫu nhiên, hoặc một hoạt động phối hợp với pháo mặt đất bắn chuẩn bị tiến công, khi những chiếc Packet do đội "Cọp bay" lái bay tới thung lũng đã được chào đón bằng một lưới lửa phòng không đủ các loại vũ khí bắn rất mạnh vào họ. Những luồng lửa đạn cực kỳ dữ dội, một chiếc C119 số 137 và 581 vội chuồn khỏi khu vực có cao xạ, bay trở về Cát Bi mà không tiến hành nhiệm vụ thả dù.

Sau khi các phi công Mỹ đã về tới căn cứ, những cuộc tranh cãi ầm ĩ, dài dòng đã bùng nổ, cứ y như họp hội đồng chiến tranh. Cánh phi công dân sự tỏ vẻ không hài lòng, và cho là đã bị mắc lừa. Quả là trong hợp đồng lái thuê không có điều khoản nào ghi rõ một hệ thống cao xạ phòng không mạnh đang thử thách họ.

Đội "Cọp bay" từ chối làm việc, không chịu bay nữa.

Soulat lập tức gọi dây nói báo cáo với Bộ tư lệnh không quân vận tải.

Trước tình hình đó, chúng tôi cũng không cần vội vã chuẩn bị hành lý ra đi.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #44 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 07:22:01 am »


Trong khi đó, tại Điện Biên Phủ, tập đoàn cứ điểm như bị thác lũ lửa đạn trút xuống. Cụm cứ điểm Béatrice nằm sát đường 41 trong lòng chảo bị đè bẹp dưới sức mạnh của những quả đạn pháo. Hai chiếc máy bay Dakota của đội Béarn đậu ở sân bay bị phá hủy. Lần này, đúng là một canh bạc lớn, và nếu còn có ai đó trong đội bay tỏ vẻ hoài nghi thì bức điện sau đây của tướng Lauzin, tư lệnh lực lượng không quân Pháp ở Viễn Đông đã làm tan biến hết mọi ảo tưởng. "Bắt đầu từ hôm nay, tình hình Điện Biên Phủ phụ thuộc vào hoạt động đường không. Tôi chấp nhận các rủi ro đặc biệt".

Nội dung của bức điện khiến chúng tôi sửng sốt, nhất là hai chữ "đặc biệt". Còn có cái gì gọi là "đặc biệt" hơn nữa khi mà hàng ngày chúng tôi vẫn vấp phải lưới lửa phòng không mạnh mẽ của Việt Minh. Chúng tôi cùng có ý thức chấp hành mệnh lệnh, không một ai tìm cách thoái thác nhiệm vụ. Một người bạn đứng cạnh tôi đã thốt ra một câu kết luận phản ánh đúng nhận xét của mọi người:

- Những thằng trong ban tham mưu không quân, chỉ là những đồ... (văng tục).

Chúng tôi nhận được tin Béatrice đã bị mất trước lúc rạng đông sau cuộc giao tranh giữa một tiểu đoàn phòng ngự với ba trung đoàn Việt Minh. Quả là một ngày chủ nhật rất buồn.

Từ 11 giờ đến 12 giờ 10, năm chiếc máy bay C119 do phi công Pháp lái lần lượt bay lên Điện Biên Phủ. Thời tiết xấu buộc mỗi chiếc phải cất cánh cách nhau mười phút, ở vùng thượng du đang mưa dông. Những chiếc Packet nặng nề lướt trên vùng trời có những đám mây đọng trên rừng núi. Tôi đã tới gần lòng chảo:

- Castor - Gonio! Packet 557 đây!
- Castor đây! Chào các ngài!
- Castor gửi 557 lời chào ban ngày.

Im lặng một lát rồi tiếng nói từ dưới đất lại vang lên qua điện đài trên máy bay.

- 557 của Castor! Đêm hôm qua chúng tôi rất khốn khổ.

Tôi nghe rõ giọng nói bình tĩnh của những nhân viên điện đài dưới đất, những tiếng nói ngày càng gần gũi hơn đối với tôi. Tôi nghe những tiếng nói của họ và không thể không xúc động khi nhận được những bức điện của họ gửi tới:

- Rất cảm ơn. Ngày mai lại đến nhé!

Tôi tự coi như đại diện cho những người đang chiến đấu trong cảnh khốn cùng với tất cả mọi hiểm nguy và trước cái chết. Tôi đang bay chỉ cách họ khoảng năm trăm mét. Tôi hoàn toàn chia sẻ nỗi niềm đau khổ cùng với họ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #45 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 04:51:08 pm »


Việt Minh sau trận Béatrice hình như đang lấy lại hơi thở: giữa ngày 14 tháng 3 tình hình tương đối yên tĩnh. Tôi thả xuống gần cụm Eliane toàn bộ số hàng và khi tăng tốc bay vọt lên cao tôi nhìn thấy đường băng sân bay lỗ chỗ hố đạn, những tấm ghi sắt phủ đường vặn vẹo bật tung. Khi bay trở về căn cứ, tôi được tin Việt Minh lại tiếp tục bắn phá tập đoàn cứ điểm rất dữ dội.

Kịch bản ngày hôm trước lại tái diễn. Đạn pháo tập trung bắn vào Gabrielle, một trung tâm đề kháng được coi như người lính gác đứng cạnh bên đường Pavie ở phía Bắc tập đoàn cứ điểm.

Suốt đêm 14 rạng ngày 15 tháng 3, tiểu đoàn 5 thuộc trung đoàn 7 lính bộ binh Angiêri cố sức đẩy lùi những đợt tiến công của đối phương nhưng đến sáng thì bị đánh gục mặc dù đã tiến hành mọi cố gắng để giải vây cho họ.

Ở bên Pháp, vợ tôi được biết tin này khi đọc báo. Về phần tôi, tôi giữ kín không cho vợ biết số hiệu đơn vị đóng giữ Gabrielle. Tôi nghĩ, đây không phải lúc gợi lại kỷ niệm cũ, nhắc đến cái chết của người em trai vợ tôi đã hy sinh oanh liệt dưới lá cờ của trung đoàn 7 bộ binh Angiêri trong trận tiến công thành Belvédère ở Cassino ngày 1 tháng 2 năm 1944 trên đường hành quân tiến về giải phóng nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức.

Sáng sớm ngày 15 tháng 4, một chiếc Dakota chở tới Cát Bi một số nhân viên phi hành người Pháp nhằm lấp lại sự thiếu hụt quân số do các phi công dân sự người Mỹ từ chối bay. Tôi gặp lại Coudon. Anh giải thích đã phải cố gắng như thế nào để khắc phục khó khăn khi một động cơ bị hỏng để bay được tới Hà Nội. Anh cũng cho biết đã bị đánh thức từ 4 giờ sáng để bay tới đây trước khi mặt trời mọc. Và bây giờ họ đã có mặt ở đây, kể cả những người Mỹ. Những phi công dân sự của đội "Cọp bay" đã suy nghĩ suốt ngày chủ nhật. Đội trưởng của họ đã thông báo với Soulat: họ chấp nhận lại tiếp tục bay.

Soulat cũng báo cáo lại với Bộ tư lệnh không quân vận tải. Những đội phi hành người Pháp vừa mới tới bổ sung sẽ không bay vội. Một chiếc Dakota sẽ lại đưa họ về đơn vị cũ. Họ đành miễn cưỡng chấp hành các mệnh lệnh trái ngược nhau, bị đưa đi đẩy lại giữa các căn cứ ở Hà Nội và Hải Phòng tùy theo thái độ của người Mỹ.

Tại vùng thượng du thời tiết vẫn xấu. Magnat, Courrèges và Rols bay trước tôi. Tôi nghe thấy họ lần lượt gọi Castor-Gonio (là đài kiểm soát ở Điện Biên Phủ) và có vẻ như không nhận được trả lời. Tiếp đó là những câu trao đổi giữa họ với nhau. Họ đã không bắt liên lạc được với cả đài kiểm soát không lưu lẫn đài kiểm tra các hoạt động tác chiến. Magnat là người đầu tiên bay tới lòng chảo, thông báo cao xạ ở mức trung bình, các điều kiện thả dù thuận lợi. Chúng tôi lần lượt trút hàng xuống bãi thả mặc dù không nhận được chỉ dẫn từ mặt đất.

Chuyện gì đã xảy ra vậy? Rất đơn giản. Các tháp kiểm soát đường bay và kiểm tra các hoạt động trên không đều đã bị pháo Việt Minh phá tung từ đêm trước, đài kiểm soát không lưu sụp đổ như tòa lâu đài làm bằng giấy bìa.

Trong khi chúng tôi thả dù, có hai máy bay khu trục bị cao xạ Việt Minh bắn rơi. Đó là chiếc Bearcat và chiếc Hellcat của hải quân.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #46 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 04:52:22 pm »


Khi tôi bước vào phòng ngủ đã 22 giờ đêm. Tôi viết thư gửi vợ, báo tin thời tiết xấu đã phản lại chúng tôi. Vì thời tiết xấu nên hôm nay Điện Biên Phủ chỉ nhận được sự yểm trợ hạn chế bằng máy bay. Đạn pháo đối phương "rơi như mưa" xuống cứ điểm. Tôi phát điên lên khi nhìn thấy quân Pháp trong cảnh mưa đạn như vậy. Tôi nghĩ đến hàng trăm binh lính bị thương. Làm thế nào để di tản thương binh? Các phi công lái máy bay C47 cố gắng hạ cánh nhưng luôn luôn không thực hiện được. Tôi viết tiếp cho vợ, cho cô ấy biết tôi còn lo ngại về việc Việt Minh có thể tiến đánh vùng châu thổ sông Hồng. Tôi kết thúc lá thư bằng cách tiết lộ với vợ, ngày mai, nếu thời tiết tốt, sẽ có một chuyến bay thả những kiện hàng quan trọng xuống Điện Biên Phủ.

Hôm sau, tức thứ ba ngày 16 tháng 3, ngày làm việc bắt đầu từ sớm. Lúc 2 giờ 30 phút, tức là đang đêm, có lệnh báo động giữa khi tôi đang ngủ say. Cho tới lúc người công vụ gõ cửa phòng, tôi vẫn cứ tưởng đang trong cơn ác mộng:

- Báo cáo trung úy! Có báo động!

Việt Minh đã táo tợn thâm nhập qua những lớp rào dây thép gai vây bọc căn cứ không quân Cát Bi. Lập tức đơn vị bảo vệ nổ súng ngăn chặn kịp thời. Nhưng cũng phải mất gần một tiếng đồng hồ mới ổn định được tình hình. Đơn vị lính dù của Bigeard không đóng ở đây nữa.

Ngày hôm đó, đội bay được lệnh thả các khẩu pháo và thiết bị vô tuyến xuống Điện Biên Phủ, thay cho những thứ đã bị pháo Việt Minh phá hủy. Rolls bay ở vị trí đầu tiên trên chiếc máy bay số 133 chở một khẩu pháo 105. Tiếp đó là Soulat trên chiếc 562 có nhiệm vụ đặc biệt phải thực hiện thành công bằng được. Đó là thả xuống trung tâm vị trí, gần hầm chỉ huy của đại tá De Castries những thiết bị và các dàn ăng-ten của đài vô tuyến đã bị Việt Minh quét sạch từ hai hôm trước.

Tôi không rõ tại sao đội trưởng Soulat lại bỏ lại người vẫn là đồng phi công và lệnh cho tôi thay thế. Tất cả các bãi thả đều nằm dưới hỏa lực của Việt Minh, phải bảo vệ các kiện hàng chuyên chở trên máy bay bằng mọi cách có thể, kể cả khi đã rơi xuống đất.

Đến buổi chiều, có lệnh hủy bỏ phi vụ của tôi. Nhưng rồi tôi lại được lệnh cùng bay với Rols, vẫn trên chiếc 562, thay thế người phi công vẫn cùng lái với Rols. Magnat bay theo chúng tôi, chở một khẩu pháo 105 khác trong khoang chứa.

Trên vùng trời lòng chảo diễn ra một sự nhốn nháo lớn. Có tới bốn mươi hai chiếc Dakota cất cánh từ các sân bay Gia Lâm, Bạch Mai tại Hà Nội, chở theo những lính dù thuộc tiểu đoàn dù lê dương số 1, tiểu đoàn dù xung kích số 6. Những đơn vị lính dù này đã từ Cát Bi chuyển lên đây từ bốn mươi tám giờ trước. Họ đã từng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ ngày 20 tháng 11 năm 1953, được trở về nghỉ sau khi có các đơn vị bộ binh do máy bay chở tới thay thế, nay lại phải lên sống trong cái lỗ Điện Biên Phủ lần thứ hai. Tổng cộng có tới một ngàn lính dù được lệnh nhảy xuống tăng viện cho Điện Biên Phủ trong ngày hôm đó.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #47 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 09:39:11 pm »


Những chiếc C47 bay tới Điện Biên Phủ từ phía Nam, tránh những bãi thả ở phía Bắc là khu vực có bố trí nhiều khẩu pháo của Việt Minh bắn rất chính xác. Chúng tôi thả hàng xuống các bãi phía Nam, nằm ở phía Tây cụm cứ điểm Isabelle, trên một bãi rộng, buộc địch phải tản mát các quả đạn pháo. Hơn nữa, pháo địch ở khu vực này cũng thưa hơn phía Bắc. Cuộc thả dù kết thúc, không bị thiệt hại nhiều lắm.

Mặc dù bắn pháo rất dữ dội, nhưng đến trưa thứ ba 16 tháng 3 Việt Minh vẫn ngừng tiến công bằng bộ binh, có lẽ do bị thương vong nhiều, về phía Pháp, binh lính trong tập đoàn cứ điểm được "thổi phồng" tinh thần vì ngày hôm đó đã nhận được không chỉ binh lính tăng viện mà cả súng, đạn và một trạm phẫu thuật phụ.

Ngày 17 tháng 3, tôi được điện báo phải trở lại đội Béarn để bay tới trung tâm an dưỡng của không quân tại Đà Lạt, nghỉ ngơi từ ngày 22 tháng 3 đến ngày 2 tháng 4.

Theo quy định, mỗi nhiệm kỳ phục vụ tại Viễn Đông, nhân viên phi hành được nghỉ mười ngày. Nhà nghỉ đặt tại trung tâm Đà Lạt. Đây là thủ phủ cấp tỉnh ở độ cao một nghìn hai trăm mét, giữa một thảm thực vật phong phú trên những cao nguyên miền Trung Kỳ, là một nơi nghỉ mát tuyệt vời. Thật tình, tôi không quan tâm lắm đến việc nằm trên ghế dài hoặc chơi bài trong khi các bạn tôi phơi mình trước làn đạn. Việc nghỉ ngơi an dưỡng lúc này không làm tôi thích thú, mặc dù trước kia, nếu phải bay tới Nha Trang hỗ trợ cho cuộc hành quân Atlante, tôi rất muốn lên thăm Đà Lạt.

Tôi cũng được biết, những người Mỹ đã lại nhận bay và rất có thể sắp tới chúng tôi sẽ phải chuyển về đơn vị cũ để lái máy bay C47. Hiện nay, chưa có gì bắt buộc tôi phải trả lời ngay có đi nghỉ hay không. Tôi dự định hai hoặc ba hôm nữa sẽ trả lời dứt khoát.

9 giờ 25 phút ngày 17 tháng 3, tôi cất cánh cùng với Soulat trên chiếc Packet số 133, chở theo một khẩu pháo 105 mm để thả xuống Điện Biên phủ. Đây không biết đã là khẩu pháo thứ bao nhiêu chúng tôi phải thả xuống cho các pháo thủ của tập đoàn cứ điểm. Trong khi bay, tôi có thời gian bộc lộ với đội trưởng Soulat những do dự, ngần ngại, không biết có nên nhận lệnh đi nghỉ hay không.

Trong phi vụ buổi chiều, Rols và Magnat cùng bay trên chiếc 133. Họ bị pháo cao xạ đón bắn kịch liệt. Một quả đạn xuyên qua sàn máy bay nhưng không nổ, nằm ngay sát bình chứa xăng. Họ đành phải cho máy bay quay trở lại khi còn cách xa bãi thả.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #48 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 09:40:17 pm »


Tình hình Điện Biên Phủ ngày càng tồi tệ. Cụm cứ điểm Anne Marie nằm ở phân khu Bắc lọt vào tay Việt Minh. Như vậy là, bắt đầu từ nay pháo cao xạ 37 mm của Việt Minh đặt trên các quả đồi ở các cụm cứ điểm Béatrice, Gabrielle, Anne Mane thỏa sức bắn vào máy bay Pháp.

Buổi tối hôm đó. Soulat gọi điện cho tôi từ phòng tác chiến:

-   Mình hiểu tâm trạng cậu. Mình đã đề nghị giữ cậu ở lại đơn vị.

Tôi nghĩ, bộ tư lệnh sẽ không từ chối.

Trong ngày hôm đó, những người Mỹ thả được bốn khẩu 105 và hai khẩu 155 xuống Điện Biên Phủ.

Ngày 18, tôi phải thả thêm một khẩu 105 mm nữa xuống bãi thả gần Isabelle từ chiếc C119 số 187. Tôi bay tới bãi thả từ hướng Nam. Nhân viên điện đài lại gần, nói với tôi, những người phụ trách thả hàng cho biết máy bay đang bị bắn, hình như là từ các súng phòng không cỡ nhỏ. Tôi không quan tâm lắm. Sau khi thả xong hàng, tôi lái máy bay rẽ ngoặt về phía trái, tăng tốc, bay vọt ra khỏi khu vực nguy hiểm. Dù sao, tôi cũng đã quan sát thấy khẩu pháo đã rơi đúng bãi thả nhưng vừa mới chạm đất đã bị những quả đạn, không biết là đạn súng cối hay pháo 105, bắn tới tấp chung quanh như những hạt mưa rơi xuống ao.

Nhờ trời hửng, thời tiết tốt lại đứng về phía chúng tôi. Những chiếc máy bay ném bom B.26 và khu trục Privateer lại hoạt động tưng bừng. Người phi công Mỹ tên là Watter nói có lý, Cát Bi đúng là một tổ ong. Từ Cát Bi, máy bay ném bom cất cánh đồng loạt bay lên Điện Biên Phủ ném bom các vị trí đóng quân và cả các tuyến đường giao thông của địch. Việt Minh vẫn tỏ ra năng nổ, hành quân cả ban đêm lẫn ban ngày và ngày càng hoạt động mạnh ở ngay vùng châu thổ như chúng tôi đã cảm thấy trong cuộc tập kích vào Cát Bi mấy đêm trước. Các vùng lân cận căn cứ không quân 195 đặt tại sân bay này được tuyên bố là "khu cấm", dân làng bị xua đi nơi khác.

Một số vấn đề mới lại phát sinh. Những kiện hàng, tổng cộng tới một tấn, thả xuống các bãi bị địch bắn, không thể nào thu nhặt được, dù là ban đêm. Việc thu hồi những chiếc dù để gửi về Cát Bi không thực hiện được. Các kho dù dự trữ không được bổ sung, cứ vơi dần.

Bắt đầu từ ngày 19 tháng 3, những đội bay chúng tôi trên máy bay C119 thực tế đã ngừng tham gia cầu hàng không lên Điện Biên Phủ. Một số phi vụ ưu tiên giao cho đội "Cọp bay" người Mỹ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #49 vào lúc: 24 Tháng Ba, 2016, 09:41:11 pm »


Ngày 19, chiếc C119 số 133 của Soulat. chiếc 137 của Rols và chiếc 537 của tôi được lệnh chở khoảng hai trăm hành khách từ Hải Phòng vào Đà Nẵng. Đó là những binh sĩ sau đó được thả xuống Cánh đồng Chum và Xiêng Khoảng, vẫn còn một hoặc hai chiếc máy bay đậu tại Viêng Chăn, sau đó do Magnat và Courrèges lái trên tuyến vận tải nối với Sài Gòn. Sáng 23 tôi được lệnh lái chiếc máy bay huấn luyện nhảy dù. Đợt biệt phái này kéo dài ba ngày.

Tại Điện Biên Phủ, Việt Minh không tiếp tục tiến công nhưng chuẩn bị trận địa bằng cuốc và xẻng. Họ xây dựng một mạng lưới hào giao thông mà các phi công từ trên máy bay nhìn thấy rất rõ nhưng bộ binh dưới đất không tài nào triệt phá được. Pháo binh địch vẫn tiếp tục gây sức ép.

Việc hạ cánh xuống sân bay Điện Biên Phủ ngày càng bấp bênh, lúc được lúc không. Mỗi lần hạ cánh lại đòi hỏi người lái C47 phải tận dụng hết sức lực và tinh thần dũng cảm. Việt Minh từ các vị trí đã chiếm lĩnh có thể quan sát bằng mắt thường, trực tiếp bắn thẳng xuống đường băng.

Nếu đường băng vĩnh viễn không sử dụng được, có nghĩa là tập đoàn cứ điểm sẽ bị bóp cổ, nghẹt thở. Bộ tư lệnh nhận thức rõ điều đó. Nếu máy bay vận tải không thường xuyên đảm bảo nhiệm vụ tiếp tế, có nghĩa là thất bại.

Trong một thông tri của ban tham mưu các lực lượng mặt đất về việc sử dụng máy bay trên vùng trời Điện Biên Phủ có đoạn viết:

"Chính máy bay vận tải là lực lượng chọc thủng sự bao vây của địch và cứu cho tập đoàn cứ điểm khỏi ngạt thở. Chính máy bay tạo ra những khả năng chiến thắng ở Điện Biên Phủ".

Thông tri này đã như một lời kêu gọi cấp cứu SOS bằng cách nhìn qua lăng kính việc sử dụng lực lượng không quân vận tải. Làm thế nào mà một chiếc máy bay không vũ trang, bị tật nguyền, không hạ cánh được hoặc không thả dù được thực tế bị giảm sút tới số không mọi khả năng hoạt động hữu hiệu, chỉ như một con rối quay cuồng giữa lưới lửa cao xạ phòng không lại có thể trở thành con bài trong ván bạc bắn giết này được?

Người lái máy bay vận tải thật sự là một chiến binh không vũ khí. Họ phơi mình trước đối phương mà đối phương không có gì phải sợ họ. Họ phanh ngực trước kẻ địch, nhận thức quá rõ mình chỉ làm mục tiêu cho địch nhằm bắn. Cuộc sống quả thật không dễ dàng. Trong giai đoạn cuối của phi vụ, họ chỉ có thể trao số phận cho đức Chúa Trời và Chúa sẽ giải quyết phần còn lại.

Vòng vây của địch phải bị chọc thủng bằng vũ khí. Nếu không làm chủ được ở trên trời thì cũng không thể có được chiến thắng dưới mặt đất.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM