Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:19:24 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108946 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #280 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 03:21:45 pm »


*
* *

Ngay sau chiến tranh, vào một ngày hè năm 1949, vấn đề củng cố phòng không của đất nước được dự định đưa ra thảo luận tại cuộc họp triệu tập ở biệt thự «gần» của Xta-lin. Dự cuộc họp có V. Đ. Xô-cô-lốp-xki, quyền Bộ trưởng thay mặt Bộ trưởng quốc phòng A. M. Va-xi-lép-xki nghỉ phép, và tác giả những dòng này — hồi đó đang giữ chức Tổng tham mưu trưởng.

Khi hai chúng tôi tới nơi thì I. V. Xta-lin và các ủy viên Bộ chính trị đang nói chuyện với nhau ngoài bao lơn về việc xây dựng các xí nghiệp công nghiệp nặng mới ở ngoại U-ran, Xi-bi-ri và Viễn Đông, về vấn đề nhân lực cho các xí nghiệp ấy.

Đang nói chuyện, I. V. Xta-lin bỗng hỏi:

—   Đồng chí Tổng tham mưu trưởng trẻ tuổi, đồng chí nghĩ thế nào, tại sao chúng ta đánh tan nước Đức phát-xít và buộc chúng phải đầu hàng?

Tôi chuẩn bị báo cáo về vấn đề phòng không, nên mọi suy nghĩ đang tập trung xoay quanh vấn đề này. Thêm nữa, tôi hoàn toàn không nắm được câu chuyện đang diễn ra theo chiều hướng nào trước lúc chúng tôi đến. Vì vậy, đứng lên rồi mà tôi vẫn chưa thể trả lời ngay được. I. V. Xta-lin cũng đứng lên, rít sâu hơi thuỗc, tiến lại gần tôi và nói: «Chúng tôi nghe đồng chí».

Trấn tĩnh lại, tôi nghĩ tốt hơn hết là cứ trình bày cho Xta-lin nghe lúc này bằng chính những lời đồng chí đã phát biểu với các cử tri trước ngày bầu cử Xô-viết tối cao Liên Xô (9 tháng Hai 1946). Ký ức tôi còn ghi nhớ cả những bài phát biểu khác trước hôm bầu các đồng chí ủy viên Bộ chính trị, mà tất cả chúng tôi trong Bộ tổng tham mưu đã được học tập kỹ lưỡng.

Nhận thấy các đồng chí có mặt đang nhìn vào mình, tôi bắt đầu báo cáo là chiến tranh đã chứng minh sức sống của chế độ xã hội và nhà nước Liên Xô, tính chất vững chắc không gì lay chuyển nổi của chế độ đó. Chế độ xã hội của chúng ta vững chắc, chính vì nó là một chế độ thực sự của nhân dân, trưởng thành từ trong lòng dân và được dân hết lòng ủng hộ... Không đồng chí nào ngắt lời tôi, nhưng tôi cảm thấy không thoải mái lắm, vì đó đều là những sự thật mọi người đã biết đến từ lâu rồi và có lẽ chỉ làm mất thời gian của các đồng chí thôi. Nhưng tất cả đều giữ thái độ nghiêm trang, có lẽ họ cũng suy nghĩ về câu hỏi đã đặt ra cho tôi. Điều đó làm tôi vững tin hơn, nên tôi lại tiếp tục báo cáo về sự đoàn kết của nhân dân xung quanh Đảng cộng sản, về sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng xô-viết của xã hội đã củng cố mối tình hữu nghị giữa các dân tộc của Liên bang Xô-viết có nhiều dân tộc. Tôi lại nói về cơ sở công nghiệp đã được thành lập trong những năm của các kế hoạch 5 năm, về nền kinh tế nông trang tập thể và còn nói cả về vấn đề chủ nghĩa xã hội đã tạo ra được những khả năng vật chất cần thiết để chống lại một kẻ địch mạnh. Cuối cùng, tôi nói về quân đội, về trình độ nghệ thuật cao của những nhà chỉ huy quân sự và các vị thống soái của Liên Xô.

Kiên nhẫn nghe tôi nói xong, I. V. Xta-lin mới nhận xét:

—   Tất cả những điều đồng chí nói đều đúng và quan trọng, nhưng chưa phải đã nói hết nội dung của vấn đề. Quân số của chúng ta cao nhất trong thời gian chiến tranh là bao nhiêu?

—   Trên mười một triệu người.

—   Tỷ lệ ấy chiếm bao nhiêu phần trăm so với dân số?

Tính nhẩm dân số của đất nước chúng ta hồi trước chiến tranh là 194 triệu, tôi trả tời: khoảng 6 phần trăm.

—   Đúng. Nhưng đó cũng vẫn chưa phải là đủ, phải tính cả những tổn thất của chúng ta trong các Lực lượng vũ trang nữa. Vì những người đã hy sinh và chết vì bị thương cũng nằm trong quân số ấy...

Và chúng tôi đã tính đến điều đó.

—   Thế bây giờ, — Xta-lin tiếp tục, — chúng ta hãy thử tính xem quân số của Hít-le, kể cả số đã bị thương vong là trên 13 triệu, so với dân số của chúng là 80 triệu người.

Chúng tôi tính: thế là trên 16 phần trăm.

—   Đó là một tỷ lệ quân số động viên cao, tỉ lệ ấy là một biểu hiện, hoặc không nắm được các quy luật khách quan tiến hành chiến tranh, hoặc là chủ nghĩa phiêu lưu. Đúng hơn đó là chủ nghĩa phiêu lưu, — Xta-lin kết luận. — Kinh nghiệm lịch sử, các quy luật chung tiến hành chiến tranh dạy rằng không một quốc gia nào có thể chịu đựng nổi sự căng thẳng to lớn ấy, vì sẽ không còn người để làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy, không còn người trồng trọt lúa mì để bảo đảm cho nhân dân và cung cấp cho quân đội mọi thứ cần thiết. Các tướng lĩnh của Hít-le được nuôi dưỡng bởi các giáo điều của Clau-dơ-vít và Môn-ke nên không thể hoặc không muốn hiểu đến tình hình đó. Kết quả là bọn Hít-le đã tự phá hoại đất nước của chúng, mặc dầu bọn chúng đã bóc lột tới hàng trăm nghìn người lấy ở các nước khác đến...

Những kẻ cầm quyền của nước Đức đã hai lần xô đẩy nước Đức vào chiến tranh và cả hai lần đều chuốc lấy thất bại, Xta-lin tiếp tục nói và đi lại trên bao lơn. — Phá hoại sức sống của đất nước trong chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai là một trong những nguyên nhân thất bại của chúng... Các đồng chí còn nhớ đến tỉ lệ quân số mà hoàng đế Đức đã động viên trong chiến tranh thế giới thứ nhất không?

Tất cả im lặng. Xta-lin quay vào phòng của mình, mấy phút sau đem ra một cuốn sách. Đồng chí lật lật trang sách tìm đoạn cần thiết, rồi nói:

—   Đấy, chúng đã động viên tới 19,5 phần trăm dân số. Năm 1918, dân số nước Đức là 67 triệu 800 nghìn người.

Đồng chí gấp sách rồi lại quay sang tôi nói đại ý:

—   Điều thứ hai mà đồng chí nói đến, còn đôi chút phiến diện, đó là vấn đề các cán bộ lãnh đạo tuyệt vời của chúng ta. Cần phải nói rằng các cán bộ lãnh đạo ấy không phải chỉ có mặt ở ngoài tiền tuyến, mà còn ở cả hậu phương. Chúng ta không được quên rằng các khả năng khách quan mới chỉ là tiền đề của thắng lợi. Các khả năng khách quan ấy rất quan trọng, nhưng tự nó không thể đánh tan quân thù được, nếu như không biết tổ chức biến các khả năng ấy thành hiện thực và không biết lợi dụng chúng một cách có tổ chức. Vai trò của người tổ chức và lãnh đạo thuộc về Đảng, và chỉ có Đảng mà thôi. Chiến tranh là một sự thử thách khắc nghiệt. Chiến tranh đã đào tạo ra những con người mạnh, táo bạo và tài năng. Con ngựời tài năng ấy xuất hiện trong chiến tranh chỉ trong vòng có mấy tháng, còn trong thời bình phải mất đến hàng năm. Ngay trong những tháng đầu chiến tranh, đã xuất hiện những người chỉ huy quân sự tuyệt vời, các đồng chí được tôi luyện trong chiến tranh, tích lũy được kinh nghiệm và trở thành những người thống soái thật sự.

Rồi đồng chí bắt đầu kể tên họ các đồng chí tư lệnh các phương diện quân, tập đoàn quân, những người lãnh đạo chiến tranh du kích.

—   Thế còn ở hậu phương? Lẽ nào những người lãnh đạo khác có thể làm trọn những cái gì mà những người bôn-sẽ-vích đã làm? Họ đã chuyển nguyên cả xí nghiệp, nhà máy ngay trước mũi súng quân thù tới các vùng hoang vu ở Pô-vôn-giê, ở ngoại U-ran, ở Xi-bi-ri. Trong những điều kiện hết sức khó khăn như thế mà chỉ trong vòng một thời gian ngắn, họ đã ổn định được sản xuất và cung cấp mọi thứ cần thiết cho tiền tuyến! Đất nước chúng ta lại đào tạo nên các tướng lĩnh và nguyên soái về dầu hỏa, luyện kim và vận tải, chế tạo máy móc và về nông nghiệp. Cuối cùng, chúng ta còn có cả những thống soái về khoa học. Và chúng ta cũng không thể không nói tới họ...

Đồng chí nhớ như in, rồi lần lượt kể họ tên các nhà bác học, các nhà hoạt động công nghiệp, nông nghiệp. Sau đó, ngừng lại một lát, đồng chí nói thêm:

—   Hàng trăm ngàn người bị chở sang nước Đức, thực ra đã biến thành nô lệ làm việc cho Hít-le. Song, dầu sao Hít-le cũng vẫn không bảo đảm cung cấp đủ cho quân đội của chúng. Còn nhân dân chúng ta thì đã làm nên những công việc tưởng chừng như không thể làm nổi, đã lập nên chiến công vĩ đại. Đó là kết quả hoạt động của những người cộng sản trong công cuộc xây dựng Nhà nước Xô-viết và giáo dục con người mới... Đấy, lại thêm một nguyên nhân thắng lợi nữa của chúng ta, các đồng chí thấy không!..



*
* *

Đảng cộng sản Liên Xô luôn luôn quan tâm tới việc củng cố nền quôc phòng của đất nước, củng cố sự hùng cường của các Lực lượng vũ trang, giáo dục lòng yêu nước, yêu quân đội cho những người dân xô-viết. Chừng nào chúng ta còn sống trong thế giới chưa có hòa bình, thì nhiệm vụ đó vẫn là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhất, — L. I. Brê-giơ-nép đã nói tại Đại hội XXIV của Đảng cộng sản Liên Xô.

Mỗi người chúng ta — từ người chiến sĩ đến vị nguyên soái — đều rất lấy làm tự hào về sự đánh giá cao của đại hội đảng đối với các Lực lượng vũ trang quang vinh của chúng ta. Tất cả chúng ta đều hết sức cảm động trước những lời nói chân thành đối với các chiến sĩ ngoài tiền tuyến — những người đã không tiếc sức mình, không tiếc cả cuộc đời mình, xông lên bảo vệ vinh quang, tự do và độc lập của Tổ quốc.

Các chiến sĩ vẻ vang ngoài tiền tuyến — những người còn sống và những người đã hy sinh — tôi xin tặng các đồng chí cuốn sách của mình.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM