Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 12:23:58 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94405 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #250 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:14:49 pm »


Trung tuần tháng 11, Na-pô-lê-ông về tới Pa-ri. Chiến dịch năm 1813 kết thúc, chiến dịch năm 1814 bắt đầu. Liếc nhìn qua sổ tổng kê, có thể nhận thấy ngay được rằng ngoài nửa triệu người mất trong năm 1812 (con số ước lượng), nước Pháp còn mất thêm hàng chục vạn nữa do cuộc trưng binh cướp đi và bị tiêu diệt trong năm 1813.

Nhưng chiến tranh còn tàn phá ác liệt hơn bao giờ hết, và đại bác đã gầm rú ở biên giới nước Pháp. Nước Pháp đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng kinh tế mới, giống như cuộc khủng hoảng mà cái đế quốc ấy đã trải qua vào nửa đầu năm 1813. Nhưng lần này, vấn đề không phải là cứu vãn một phần thất nghiệp bằng tiền trợ cấp của nhà nước nữa và tuyệt không có hy vọng gì chấm dứt ngay được nó. Năm 1813, trong khi Na-pô-lê-ông đang chiến đấu ở Đức thì cảnh binh Pa-ri đã bắt đầu để ý và ghi vào các bản cáo sự tái phát của một hiện tượng mà đúng là người ta đã nói đến một cách rất bí mật vào năm 1811: thợ thuyền công khai bàn tán, biểu thị sự bất bình và bắt đầu nói những "lời lẽ phá hoại".

Còng lưng quá lâu dưới gồng sắt của nền chuyên chế quân phiệt và trong hơn 18 năm trời (kể từ Tháng Nảy mầm và Tháng Đồng cỏ năm 1795) không mưu đồ được một hoạt động có tổ chức nào, dưới sự thôi thúc ngày càng mạnh của túng thiếu và thất nghiệp, các vùng ngoại ô thợ thuyền bắt đầu lên tiếng kêu ca phàn nàn. Nhưng điều đó không thể dẫn đến một cuộc bạo động Tháng Nẩy mầm và Tháng Đồng cỏ trước đây, cũng không thể dẫn đến những cuộc biểu tình lớn. Và như vậy, không phải chỉ bởi công tác do thám đã được nâng lên tới mức hoàn thiện dưới thời Phu-sê, và nay, dưới thời Xa-va-ri - công tước xứ Rô-vi-gô, thừa kế - vẫn giữ được nếp cũ; cũng không phải vì bọn cảnh binh đông nhung nhúc và bọn lính tuần tra ngày đêm cưỡi dạo khắp thành phố, lượn đi lượn lại qua những vùng ngoại ô Xanh Ăng-toan, Xanh Mác-xo, qua khu phố Tu viện cũ, đường phố Múp-pơ-ta; càng không phải vì quần chúng thợ thuyền phẫn nộ chính quyền. Những điều đó đang diễn ra, Na-pô-lê-ông là kẻ sửa đổi cuốn "tiểu bạ công nhân", tiểu bạ ấy đặt người lao động vào vị trí hoàn toàn lệ thuộc và giao phó hẳn họ cho chủ tha hồ sử dụng; hàng năm trong khi đòi hỏi thuế máu, ban đầu thì Na-pô-lê-ông đã tuyển những tân binh đến tuổi trưởng thành, nhưng giờ đây Na-pô-lê-ông cướp đoạt những đứa trẻ tuổi 18 và đã dùng hàng chục vạn đứa để bón cho những cánh đồng xa xăm của những lò sát sinh rải rác khắp nơi trên thế giới. Na-pô-lê-ông, kẻ đã cướp hết của thợ thuyền mọi phương tiện để chống trả với sự bóc lột của bọn chủ, không có lý gì để trông cậy vào sự ủng hộ của các tầng lớp lao động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #251 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:15:24 pm »


Nhưng bây giờ đây, cũng như vào những ngày đầu của cách mạng, khi quân thù đang tiến đến gần biên giới, và khi những kẻ xâm lược đang rắp tâm khôi phục nền thống trị của bọn quý tộc và đặt lại dòng họ Buốc-bông lên ngai vàng thì giới thợ thuyền hoang mang và lưỡng lự. Hình ảnh đẫm máu của kẻ chuyên chế tham quyền cố vị bỗng chốc bị xoá nhoà: họ lại thấy xuất hiện trên sân khấu một bầy bảo hoàng gian manh đê tiện cũ - những tên phản bội lưu vong. Lại một lần nữa bè lũ ấy chống lại nước Pháp, chống lại Pa-ri, và đang còn ẩn núp sau lưng quân đội nước ngoài, bọn chúng đã mơ tưởng đến sự phục hưng trật tự xã hội cũ và xoá tất cả những thành tựu của cách mạng.

Làm gì đây? Nổi dậy ở hậu phương của Na-pô-lê-ông và, như vậy, tạo điều kiện cho quân thù dễ dàng chinh phục nước Pháp và phục hưng lại dòng họ Buốc-bông chăng?

Quần chúng thợ thuyền đã không nổi dậy vào cuối năm 1813 và đầu năm 1814 mặc dù trong suốt triều đại Na-pô-lê-ông, họ đã đau khổ hơn bao giờ hết.

Tâm trạng của giai cấp tư sản lại hoàn toàn khác. Đa số các nhà công nghiệp vẫn ủng hộ Na-pô-lê-ông. Bọn họ biết rõ hơn ai hết rằng nước Anh đang muốn gì và mong đợi gì, và họ sẽ gặp biết bao nhiêu khó khăn trong việc cạnh tranh với nước Anh ở ngoài nước cũng như trong nước nếu Na-pô-lê-ông bị thua. Giới thương mại lớn, giới tài chính muốn bán chứng khoán họ than phiền từ lâu rằng không thể sống và làm việc trong thời chiến tranh liên miên và dưới chế độ độc tài đã được xây dựng thành một chính thể. Từ lâu, thị trường ngoài nước cũng vừa bị thu hẹp lại không kém. Một hiện tượng đã được nhiều nhà quan sát lưu ý: "có tiền nhưng không biết nó chạy đi đâu mất". Bọn người làm giàu bằng chạy môi giới trăm nghìn công việc không hy vọng chiến tranh chấm dứt chừng nào Na-pô-lê-ông còn trị vì; sau thảm hại của đại quân ở nước Nga, nhất là sau hội nghị Pra-ha tan vỡ và sau trận Lai-xích, họ tin chắc rằng hoàng đế không sao tránh khỏi bị thất bại và như vậy là chẳng có sự ổn định tối thiểu nào về tài chính, chẳng có việc mở rộng quan hệ thương mại, việc nhận đơn bán hàng, hay đặt đơn mùa hàng quan trọng. Bộ phận rất đáng kể ấy của giai cấp tư sản đã nóng lòng sốt ruột, đắng cay, chán chường, tức giận: họ nhanh chóng tách khỏi Na-pô-lê-ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #252 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:15:53 pm »


Tuy Na-pô-lê-ông đã làm cho các làng mạc Pháp bị kiệt quệ vì những đợt trưng binh liên tiếp, không ngừng không dứt, cũng vì những sự bòn rút của cải, nhưng quần chúng nông dân có ruộng đất (trừ nông dân ở Văng-đe) lại còn sợ những sự thay đổi về chính trị do cuộc xâm lược đem đến hơn. Đối với đông đảo quần chúng của giai cấp nông dân, dòng họ Buốc-bông là tượng trưng của sự phục hưng chế độ phong kiến, với quyền lực của bọn lãnh chúa về con người và ruộng đất, là tượng trưng của sự tước đoạt lại những tài sản của giáo hội cũng như những đất đai tịch thu của bọn lưu vong đã đem phân tán bán cho tư sản và nông dân trong thời kỳ cách mạng. Mối lo sợ bị mất quyền lợi đã phải khó khăn lắm mới giành được ấy, cũng như quyền sở hữu hoàn toàn những mảnh đất của mình, đã buộc người nông dân phải chịu đựng tất cả những hậu quả của đường lối đối ngoại xâm lược và cướp bóc của Na-pô-lê-ông. Nhưng dù sao, Na-pô-lê-ông cũng còn dễ chịu hơn chế độ phong kiến cổ xưa do dòng họ Buốc-bông phục hồi.

Cuối cùng là tầng lớp quý tộc cũ và mới không đông lắm nhưng có thế lực. Quý tộc cũ và ngay cả số người trong bọn họ đã từng phụng sự Na-pô-lê-ông. Không phải tất cả quý tộc mới gồm các thống chế, công hầu, bá tử của đế chế, đã được chính tay hoàng đế chồng chất cho vàng bạc và ân huệ, đều là chỗ dựa cho hoàng đế. Họ thèm khát hưởng thụ những nguồn của cải vô tận của họ như bọn quý tộc chính cống: sống trong danh giá và tiện nghi, xếp những chiến công còn mới tinh của họ vào thế giới ký ức xa xưa. Có lần nổi nóng, hoàng đế đã nói: "Thưa các ngài, tôi thấy rõ là các ngài không muốn chiến tranh nữa! Béc-ti-ê muốn đi săn ở lâu đài Gro Boa, Ráp muốn chui vào ngôi biệt thự đẹp đẽ ở Pa-ri”. “Tâu hoàng thượng, hạ thần cũng bằng lòng như vậy… thú vui của thủ đô, hạ thần được nếm quá ít", Ráp đã chua chát đáp lại. Cuộc đời này đồn ải, giữa muôn vàn nguy hiểm, dưới làn lửa đạn, canh bạc lớn và thường xuyên với thần chết ấy đã làm mệt mỏi và kiệt sức những người dũng cảm và cương quyết như Sác-đô-nan, Nây, Ô-giơ-rô, Xê-ba-xti-a-ni, Vích-to, những người tận tụy nhất như Cô-lanh-Cua và Xa-va-ri, đến nỗi họ bắt đầu nghe những lời bóng gió của Tan-lây-răng và của Phu-sê, những kẻ đã bí mật mưu mô phản bội từ lâu.

Sau khi thất bại ở Lai-xích ngày 16, 19 tháng 10 năm 1813, một chiến dịch mùa xuân khởi đầu rực rỡ là thế nhưng Na-pô-lê-ông trở lại Pa-ri để xây dựng lại lực lượng nhằm đương đầu với các cuộc xâm lược đang ào ào tràn vào nước Pháp thì tình hình và tình trạng tư tưởng của các tầng lớp và các giai cấp là như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #253 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:17:01 pm »


V

"Ta đi đánh ông ngoại Phran-xơ đi", chú vua nhỏ thành Rôm nói như vậy, nó lặp lại với vẻ nghiêm trang của một đứa trẻ lên ba những lời nói của người cha rất yêu con đã dạy cho. Ông hoàng đế phá lên cười khi nghe thằng bé nhắc lại như một con vịt câu nói mà nó không hiểu nghĩa. Giữa khi đó, khi quân đội của mình càng tiến đến gần sông Ranh thì ông ngoại Phran-xơ càng tỏ ra do dự, và đó cũng là tâm trạng của Mét-te-ních, quân sư của hoàng đế Phran-xơ.

Chắc hẳn sự do dự ấy không phải vì những mối quan hệ họ hàng: Na-pô-lê-ông là con rể của hoàng đế Áo, và người kế nghiệp Na-pô-lê-ông là cháu của Phran-xơ đệ nhất. Những nguyên nhân khác buộc đường lối ngoại giao của Áo phải tính toán kết quả mong muốn trong cuộc chiến tranh này một quan điểm kém dứt khoát hơn nhiều so với người Anh chẳng hạn, hoặc so với A-lếch-xan đệ nhất, hoặc so với vua Phổ Phri-đrích Vin-hem đệ tam. Đối với người Anh, Na-pô-lê-ông là kẻ thù không đội trời chung và nguy hiểm nhất của sự bành trướng thế lực Anh| mà họ đã vấp phải sau mười lăm năm thế kỷ lịch sử. Chừng nào Na-pô-lê-ông còn trị vì thì không thể có hoà bình lâu dài giữa nước Pháp và nước Anh. A-lếch-xan cần rửa mối nhục cá nhân và nhất là nhìn thấy ở Na-pô-lê-ông một viên thủ lĩnh duy nhất có khả năng phục hưng nước Ba Lan khi gặp thời cơ. Và Sa hoàng biết rằng nếu Na-pô-lê-ông còn ở trên ngai thì ắt ông ta sẽ tìm những biện pháp quân sự và ngoại giao để giáng cho kẻ thù của ông ta những đòn chí mạng. Phri-đrích Vin-hem đệ tam bị bức phải chống lại Na-pô-lê-ông vào tháng 3 năm 1813, và từ đó tới trận Lai-xích vẫn còn chết khiếp, theo đúng nghĩa từ ấy - còn bị lý do ấy thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Ông ta công kích kịch liệt A-lếch-xan, nhất là những vố thất bại sau trận Lut-xe, Bau-xen, Dre-xđen: “Phen này tôi lại ở trên sông Vi-xtuyn đây!”. Phri-đrích Vin-hem nhắc lại một cách tuyệt vọng cả đến trận thắng ở Lai-xích cũng không làm Phri-drích Vin-hem yên lòng thêm là mấy. Vào thời ấy đứng trước Na-pô-lê-ông người ta sợ hãi khủng khiếp gần như sợ thần linh, và đó là hiện tượng phổ biến cho đến sau trận Lai-xích, sau khi Na-pô-lê-ông mất hết đất đai đã chinh phục được, chỉ còn lại cái hậu phương nước Pháp kiệt quệ với tình hình dân chúng xôn xao, mà hình như Na-pô-lê-ông vẫn còn đáng sợ, đến nỗi Phri-đrích Vin-hem không thể không hãi hùng nghĩ đến mai này khi chiến tranh kết thúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #254 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:17:34 pm »


Khi các bạn Liên minh đã rút đi hết thì ông ta, vua nước Phổ, sẽ còn phải chịu đựng cái cảnh láng giềng với một kẻ thù là Na-pô-lê-ông. Nước Anh A-lếch-xan, Phri-đrích Vin-hem cho rằng nếu lần này phe Liên minh vẫn để cho Na-pô-lê-ông ngồi trên ngai thì bao nhiêu máu đã đổ ra năm 1812 và 1813 đã uổng phí. Nhưng nước Áo lại không thấy như vậy. Mét-te-rích muốn rằng nước Nga có một đối thủ đáng kể ở phía Tây, muốn rằng sau khi Na-pô-lê-ông không còn là kẻ thù đáng sợ của nước Áo nữa thì Na-pô-lê-ông vẫn tồn tại ở châu Âu, với tư cách là đồng minh mọi mặt một nền quân chủ của dòng họ Hap-xbu, để luôn luôn là vật chướng ngại lớn của nước Nga. Mét-te-rích và Phran-xơ đệ nhất lại cố gắng dàn xếp với Na-pô-lê-ông và vị thượng thư ấy, con người thạo ngón doạ dẫm quân Liên minh bằng cách đe rút nước Áo khỏi Liên minh đã lại buộc được nước Anh, nước Nga, nước Phổ ưng thuận đề nghị đàm phán hoà bình với Na-pô-lê-ông một lần cuối cùng theo những điều kiện sau đây: Na-pô-lê-ông phải chấm dứt chiến tranh bằng cách từ bỏ các đất đai chiến lược mà hiện nay đã bị mất; Na-pô-lê-ông sẽ còn lại nước Pháp và đường biên giới không thay đổi với những đường biên giới của nước Pháp đã được hoà ước Luy-nê-nin quy định năm 1801. Các vua chúa phe Liên minh đã có mặt ở Phran-pho, Met-te-rích đã mời Xanh E-nhăng nguyên đại sứ Pháp ở Vai-ma hiện đang bị giữ ở Phran-pho và trước mặt thượng nghị sĩ A-bec-đin đại diện cho nước Anh, Nét-xen-rốt đại diện cho nước Nga (Nét-xen-rốt tuyên bố mình thay mặt cho cả Ha-đen-be, tể tướng nước Phổ), người ta đã giao cho nhà ngoại giao Pháp nhiệm vụ đi gặp Na-pô-lê-ông để chuyển những đề nghị của các cường quốc Liên minh khi ký kết nó thì hoà ước Luy-Lê-nin đã là kết quả của một cuộc chiến tranh thắng lợi. Cho nên Na-pô-lê-ông vẫn còn lại các cường quốc mà ông ta đã lập nên năm 1801 sau trận Ma-ren-gô và Hô-hen-li-ên. Đang đứng chông chênh bên bờ vực thẳm - sau những tai hoạ khủng khiếp năm 1812 và 1813, trước nguy cơ nước Pháp bị quân Liên minh tức thời xâm lược vẫn là chủ một cường quốc đứng vào bậc nhất. Ngày 14 tháng 11 năm 1813, Xanh E-nhăng đã đến Pa-ri với những điều kiện của Liên minh.

Na-pô-lê-ông không muốn bày tỏ ý kiến ngay vì đang lao vào hoạt động sôi sục và cuồng nhiệt nhất: Tuyển mộ các lớp quân dịch mới, chuẩn bị đầy đủ cho một cuộc chiến tranh mới. Tuy vậy, Na-pô-lê-ông đã ưng thuận đàm phán một cách bất đắc dĩ và dè dặt, đồng thời tiến hành ráo riết hơn nữa việc tổ chức quân đội. "Rồi khắc biết! Rồi khắc biết!". Trong khi rảo bước đi đi lại lại trong phòng, Na-pô-lê-ông nói chung cũng vậy chẳng nhằm vào ai, "Không lâu đâu rồi các ngài sẽ biết rằng binh lính của tôi và tôi không quên nghề nghiệp! Người ta đã đánh bại chúng tôi ở sông Ranh và sông En-bơ, đánh bại bằng những cách phản bội... nhưng rồi không có những kẻ phản bội ở giữa sông Ranh và Pa-ri đâu".

Những lời ấy bay khắp nước Pháp, bay khắp châu Âu. Trong số những người am hiểu Na-pô-lê-ông không một ai tin rằng đề nghị hoà bình của phe Liên minh đạt được kết quả . Ngày ngày, những đoàn quân mới tiến về phía đông, về phía sông Ranh diễu qua con mắt theo dõi chăm chú của ông hoàng đế. Tấn thảm kịch lớn đã sắp tới ngày kết thúc.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #255 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 07:20:38 pm »


CHƯƠNG MƯỜI LĂM

CHIẾN DỊCH NƯỚC PHÁP VÀ SỰ THOÁI VỊ
LẦN THỨ NHẤT CỦA NA-PÔ-LÊ-ÔNG
1814



I

Trong năm 1814, cũng như trong suốt cuộc đấu tranh của Na-pô-lê-ông với châu Âu năm 1813, vũ trang. Tuy nhiên Na-pô-lê-ông cũng nhận thấy rằng, sau trận Lai-xích và trước ngày quân Liên minh xâm lược nước Pháp ra, lúc bấy giờ người ta còn đồng ý để lại cho Na-pô-lê-ông và tất cả những đất đai chiếm được, trừ vùng I-ly-ri, các thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền tây-bắc nước Đức và một vài vị trí ở nước Đức cùng với tất cả các quyền đắc lợi, trừ danh vị và quyền lợi của người bảo hộ Liên bang sông Ranh. Nhưng Na-pô-lê-ông đã phá vỡ các cuộc đàm phán, những mong thanh toán gọn khối Liên minh bằng một trận đánh.

Những điều kiện mà hiện nay người ta đưa ra với Na-pô-lê-ông chắc rằng là tệ hơn, nhưng Na-pô-lê-ôn biết rằng nông dân và thợ thuyền, tư sản thương nghiệp và công nghiệp, tầng lớp công chức đông đảo mà Na-pô-lê-ông đã tạo nên, và điều quan trọng nhất là bộ tư lệnh tối cao của quân đội đứng đầu là các thống chế, nói tóm lại toàn thể nhân dân bao gồm mọi giai cấp trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, đều đã mệt lả vì chiến tranh và khao khát hoà bình. Cho nên Na-pô-lê-ông không trắng trợn từ chối cuộc đàm phán do Xanh E-nhăng chuyển đạt, đồng thời còn làm ra vẻ mong muốn hoà bình, nhưng Na-pô-lê-ông đã kéo dài công việc trong gần hai tháng trời (kể từ ngày 15 tháng 11 năm 1813, ngày Na-pô-lê-ông nhận được những điều kiện giảng hoà). Không phải vô cớ mà Na-pô-lê-ông hy vọng quân Liên minh sẽ phạm phải những điều kiện do chính họ đưa ra và như vậy tự họ sẽ phải chịu trách nhiệm, ngoài nước Áo ra thì không một nước nào đang chiến tranh với ông lại mong muốn triều đại của ông tồn tại lâu dài và đặc biệt là nước Anh ắt sẽ không hài lòng chừng nào tỉnh Ăng-ve còn nằm trong tay Na-pô-lê-ông. Nhưng theo những điều kiện từ Phrăng-pho gửi đến cho Na-pô-lê-ông thì toàn bộ nước Bỉ (chứ không riêng tỉnh Ăng-ve) vẫn tiếp tục nằm trong đế quốc Pháp. Na-pô-lê-ông còn biết rằng càng làm trì trệ công việc thì càng tạo cơ hội cho Cát-tưn-rít, bộ trưởng Bộ ngoại giao Anh, bác bỏ những điều kiện mà Thượng nghị sĩ A-béc-đin đã ưng thuận ở Phrăng-pho hồi đầu tháng 11, dưới áp lực của Mét-te-ních.

Nhưng trong khi chờ đợi, Na-pô-lê-ông cần phải làm ra vẻ rằng hiện nay ông ta không hề gây trở ngại gì cho cuộc đàm phán hoà bình và nếu như Na-pô-lê-ông có trưng binh một lần nữa thì không phải để chiến tranh mà chỉ để làm mâu thuẫn cho thiện chí hòa bình của ông ta. “Tôi không phản đối việc lập hòa bình - đó là lời của Na-pô-lê-ông trong bài diễn văn khai mạc khóa họp của Thượng nghị viện ngày 19 tháng 12 năm 1813 - Tôi rất hiểu và thông cảm với quan niệm của người Pháp nào muốn đổi danh dự lấy hòa bình. Rất tiếc tôi phải đòi hỏi ở nhân dân hào hiệp này những hy sinh mới; nhưng những hy sinh ấy đều do những quyền lợi cao cả và quý báu nhất của họ đòi hỏi. Tôi đã phải tăng cường quân đội của tôi bằng nhiều cuộc vận động mới; cách quốc gia chỉ có thể yên ổn thương thuyết bằng cách dốc hết lực lượng của mình ra”. Rõ ràng Na-pô-lê-ông không muốn hòa bình. “Sao cho những thế hệ mai sau đừng nói về chúng ta rằng: Họ đã hy sinh những quyền lợi căn bản của đất nước; họ đã phục tùng những quyền lực mà từ bốn thế kỷ nay nước Anh đã không bắt nổi nước Pháp phải theo”.

Diễn từ của Na-pô-lê-ông kết thúc như vậy để đáp lại cuộc đàm phán hòa bình của các cường quốc đã khai mạc từ hơn một tháng nay.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #256 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 07:21:51 pm »


Tháng 1 năm 1814, 11 vạn tân binh được gọi nhập ngũ. Một cuộc vận động viên mới được quyết định. Na-pô-lê-ông phái một số Thượng nghị sĩ đi khắp nước Pháp để động viên nhiệt tình của các cấp chính quyền địa phương trong việc tuyển quân và thu các thứ thuế thường lệ và bất thường để nuôi quân đội.

Ngay từ tháng 1 năm 1814, người ta được tin rằng cuối cùng quân đội địch đã vượt qua sông Ranh và làn sóng xâm lược đã tràn vào An-đát và Phăng-xơ Công-tê, rằng Oen-linh-tơn đã vượt qua rặng Pi-rê-nê và tiến vào miền nam nước Pháp...

“Tôi không sợ phải thú nhận việc đó - đó là lời hoàng đế nói với các Thượng nghị sĩ được phái đi các tỉnh - tôi đã chiến tranh quá nhiều, tôi có những dự án lớn lao, tôi đã muốn đảm bảo cho nước Pháp quyền bá chủ trên thế giới. Tôi đã nhầm, những dự án đó không tương xứng với lực lượng dân số của nước ta. Đáng lẽ gọi toàn dân nhập ngũ, và tôi nhận thấy được điều đó, nhưng những yêu cầu của cả tiến bộ xã hội và cả sự thuần hóa phong tục đã không cho phép biến cả một quốc gia thành toàn dân vi binh”. Nếu các Thượng nghị sĩ không muốn mất khẩu khiếu trong suốt thời gian trị vì của Na-pô-lê-ông thì ắt họ đã có thể trả lời ông hoàng đế rằng hoàng đế đã quá khiêm tốn và rõ ràng là hoàng đế đã biến cả nước thành binh lính, trừ đàn bà, con trẻ và người già. “Tôi phải chịu lỗi vì đã quá tin vào vận hội của tôi, và tôi sẽ chịu... tôi mắc sai lầm thì chính tôi phải chịu - hoàng đế nói tiếp - chứ không phải là nước Pháp. Nước Pháp không mắc sai lầm, nước Pháp đã không tiếc cho tôi máu, đã không từ chối một sự hy sinh nào đối với tôi...” Na-pô-lê-ông coi việc ký kết hoà bình là một sự hy sinh mà cá nhân ông phải chịu. Na-pô-lê-ông nói: “Còn tôi, tôi chỉ dành lại cho tôi cái vinh dự là phải can đảm phi thường, tức là can đảm từ bỏ cái tham vọng cao quý nhất chưa từng có, và, vì hạnh phúc của dân chúng, tôi can đảm hy sinh những dự kiến lớn lao chỉ có thể thực hiện được bằng những cố gắng mà tôi không muốn đòi hỏi nữa”.

Rất ít khi Na-pô-lê-ông nói thành thật như trong dịp này. Nhưng Na-pô-lê-ông không tín nhiệm gì mấy các Thượng nghị sĩ. Người ta có thể tóm tắt ý kiến của Na-pô-lê-ông về các Thượng nghị sĩ như thế này: hôm nay là nô lệ, ngày mai là kẻ phản bội. Na-pô-lê-ông không còn nghi ngờ gì nữa về sự phản bội của Tan-lây-răng. Vừa mới trở về đến Pa-ri sau trận Lai-xích vào tháng 11 năm 1813, trong cuộc đại trào, Na-pô-lê-ông đã dừng lại trước mặt Tan-lây-răng, lớn tiếng hỏi: “Ông đến đây làm gì? Tôi biết là ông tin rằng ông sẽ làm thủ lĩnh nếu như vừa rồi tôi chết đi. Hãy coi chừng, thưa ông, chống lại quyền lực của tôi, không được đâu. Xin báo để ông biết rằng nếu tôi ốm nguy kịch thì ông sẽ chết trước tôi”.

Tuy vậy, Na-pô-lê-ông cũng không cho xử bắn Tan-lây-răng, như đã có lúc con cáo già ấy lo sợ, mà tháng 1 năm 1814, Na-pô-lê-ông lại còn yêu cầu Tan-lây-răng cùng đi với Cô-lanh-Cua để tiến hành đàm phán với quân liên minh, và giơ nắm đấm dọa khi Tan-lây-răng từ chối.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #257 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 07:22:27 pm »


Na-pô-lê-ông không còn tin Phu-sê, cũng như các thống chế của ông ta; ông ta chỉ còn tin vào binh lính, nhưng chỉ tin cách cựu chiến binh, chứ không phải những chiến binh chưa đến tuổi thành niên, trong hai năm sau cùng, ông ta đã bức họ phải lìa bỏ gia đình. Song số cựu chiến binh chẳng là bao: ở những vùng thôn quê La Mã trên cao nguyên Ma-đrít, ở các vùng lân cận Giê-ruy-da-lem, trên con đường từ Mát-xcơ-va về đến sông Bê-re-đi-na, trên khắp cánh đồng Lai-xích, xương cốt của họ còn phơi trắng ngổn ngang. Na-pô-lê-ông đã phải cấp tốc gọi về những người còn sống sót trong số những đám quân cũ ở Tây Ban Nha, ở Hà Lan và ở Ý. Tuy nhiên, Na-pô-lê-ông vẫn muốn chiến tranh, không muốn nói đến hoà bình.

Vả lại, sau hai tháng lần nữa và sau khi đã chà đạp lên đất nước Pháp thì quân Liên minh, tin vào việc nước Pháp đã mệt mỏi rã rời vào tỷ lệ đảo ngũ ngày càng nhiều trong các tầng lớp binh lính mới gọi nhập ngũ của quân đội Pháp, đã xác định trong tư tưởng rằng sẽ chỉ để lại cho Na-pô-lê-ông những đường biên giới cũ của nước Pháp vào năm 1790, nghĩa là không bao giờ nước Bỉ, nước Hà Lan, xứ Xa-voa và tản ngạn sông Ranh chiếm được từ thời kỳ cách mạng. Như vậy vẫn là còn ít hơn so với những đề nghị hồi tháng năm 1813, nhưng lần này các phe liên minh đều đồng ý, kể cả Thượng nghị sĩ Cát-tun-rít, người đã thân chinh đến tận tổng hành dinh của quân Liên minh.   
Hội nghị hoà bình đã họp ở Sa-ti-ông, nhưng các cuộc đàm phán không mang lại kết quả gì.

“Trước bản đề nghị nhục nhã mà ông gửi cho tôi, tôi bị kích động đến nỗi thấy rằng dù chỉ đặt tôi vào thế mà người ta đã đề nghị thấy với ông cũng đã làm mất hết danh dự rồi...”. Na-pô-lê-ông viết như vậy cho Cô-lanh-Cua đại diện của ông ta ở hội nghị, khi Cô-lanh-Cua báo cho Na-pô-lê-ông biết đó là sự hy vọng cuối cùng để giữ được ngai vàng và ngăn ngừa phục hưng của dòng họ Buốc-bông phục hưng ở nước Pháp nhưng là tôi phải chịu nhận những đề nghị nhục nhã mà ông gửi”.

Chiến tranh, chiến tranh phải định đoạt tất cả. Hội nghị giải tán, không làm nên được trò gì, nhưng cũng đã ở vào giai đoạn giữa cuộc chiến tranh tuyệt vọng của Na-pô-lê-ông chống khối liên minh.

Đêm 24 rạng ngày 25 tháng 1 năm 1814, Na-pô-lê-ông lên đường chinh chiến. Ông giao quyền nhiếp chính cho vợ là Ma-ri Lu-i-dơ. Trường hợp hoàng đế chết thì đứa con trai của hoàng đế, ông vua nhỏ thành Rôm, lên ba tuổi, sẽ được đặt lên ngôi ngay, và Ma-ri Lu-i-dơ vẫn giữ quyền nhiếp chính. Trong đời mình, Na-pô-lê-ông chưa hề yêu ai như đứa trẻ này. Những người biết rõ hoàng đế đã không thể ngờ được hoàng đế lại có thể quyến luyến với đứa bé đến như vậy hơn với bất kỳ ai. Khi hoàng đế ngồi làm việc trong phòng của mình, bên cạch lò sưởi, đang viết hoặc đọc sách, đứa bé không rời khỏi đầu gối của hoàng đế, đứa bé không muốn rời khỏi gian phòng và đòi bố phải chơi lính chì với Mê-nê-ven, một trong những bí thư riêng của Na-pô-lê-ông đã kể lại như vậy. So với tất cả mọi người trong triều, chú bé này là người duy nhất không e sợ hoàng đế chút nào và chú ta cảm thấy mình hoàn toàn làm chủ trong phòng làm việc của hoàng đế. Suốt cả ngày 24 tháng 1, Na-pô-lê-ông ngồi trong phòng làm việc, bận giải quyết gấp các công việc khẩn cấp trước khi lên đường đi đánh trận quyết định này, cuộc đo gươm đáng sợ với toàn thể châu Âu đứng lên chống Na-pô-lê-ông. Chú bé với con ngựa gỗ vẫn quẩn quanh bên bố như thường lệ, và cuối cùng thấy làm khó chịu khi thấy bố miệt mài trên đống giấy tờ, nó kéo áo bố để bắt phải chú ý tới nó. Hoàng đế nhắc bổng đứa con tung lên không rồi lại bắt lấy để nô đùa với nó. Tối đến, người ta ẵm nó đi ngủ. Vào hồi 3 giờ sáng, người vú, đêm ấy đến phiên trực trong phòng của thái tử, bất chợt thấy Na-pô-lê-ông “rón rén bước vào”, còn Na-pô-lê-ông thì không biết người vú đang nhìn mình. Na-pô-lê-ông đến đứng bên cạnh cái nôi của đứa con đang ngủ say sưa, chăm chú ngắm nghía hồi lâu. Lát sau, Na-pô-lê-ông đã lên xe và đến với quân đội. Từ đó, không bao giờ Na-pô-lê-ông còn gặp lại đứa con trai của ông ta nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #258 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 07:23:25 pm »


II

Việc huấn luyện tân binh chưa xong, việc trưng binh vẫn tiếp tục, hoàng đế và các thống chế mới chỉ có 4 vạn 7 nghìn quân sẵn sàng chiến đấu được, còn Liên minh đã dàn ra 23 vạn quân và 1 số quân gần bằng thế nữa đang cấp tốc kéo đến tăng cường trên nhiều ngả đường khác nhau. Hầu hết các thống chế, kể cả Nây, đều ngã lòng. Na-pô-lê-ông là người duy nhất còn đầy hăng say và khí thế và ông ta vẫn cố gắng truyền lại cho các thống chế tinh thần lạc quan ấy. “Na-pô-lê-ông tỏ ra cương nghị và như trẻ lại” những người được chứng kiến đã kể lại như vậy.

Đến Vít-tơ-ri ngày hôm trước thì ngày hôm sau, 26 tháng 1, Na-pô-lê-ông cho tập trung hết lực lượng và đã đánh bật được Bluy-khe ra khỏi Xanh Đi-đi-ê. Từ Xanh Đi-đi-ê, sau khi đã quan sát hành động của quân Phổ, Na-pô-lê-ông tiến đánh quân Phổ và đánh quân Nga của Ốt-xren Xắc-ken. Ngày 31 tháng 1, ở Briên, Na-pô-lê-ông đã đánh thắng một trận mới vô cùng gay go, và trận này đã khôi phục tinh thần cho binh sĩ, lúc đó đang bạc nhược lên rất nhiều.

Bluy-khe bị đánh bại, vội vã lui về Ba-xuya Ô-bơ, nơi mà chủ lực quân của Svác-xen-be đã đến tập trung. Quân Liên minh điều động một khối 12 vạn 2 nghìn quân ở giữa Sô-mông và Ba-xuya Ô-bơ.

Trong tay chỉ còn hơn 3 vạn quân, nhưng Na-pô-lê-ông quyết tâm nghênh chiến, không lui. Trân Rô-ti-e đã diễn ra từ tinh mơ ngày 1 tháng 1, kéo dài đến 10 giờ. Sau đó, Na-pô-lê-ông vượt sông Ô-bơ không bị địch truy kích và tới Tơ-roay vào ngày 3 tháng 2.

Ở Rô-ti-e, quân Pháp có thể tin rằng mình sắp thắng lợi hoàn toàn; thắng lợi của Na-pô-lê-ông trong việc chống lại những lực lượng đông gấp 4 gấp 5 lần thật vô cùng to lớn. Nhưng không phải thế mà tình hình không còn cực kỳ nguy hiểm, quân đội nhận được viện binh rất ít rất chậm. Nây, Mác-đô-nan, Béc-ti-ê, Mác-mông đều cho rằng biện pháp duy nhất để cứu vãn ngai vàng là đàm phán hòa bình và khi hội nghị Sa-ti-ông bị thất bại thì họ tỏ ra buồn bực.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #259 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2016, 07:23:57 pm »


Nhưng nghị lực của Na-pô-lê-ông tỏ ra ngày càng lớn mạnh song song với sự hiểm nghèo. Ngay từ năm 1812, các thống chế đã nhận xét thấy ở Na-pô-lê-ông có những biểu hiện trì trệ mệt mỏi, hình như thiên tài quân sự Na-pô-lê-ông bị giảm sút. Nhưng vào tháng 2 và tháng 3 năm 1814, các thống chế không còn tin vào mắt mình nữa và thấy trước mắt họ vẫn là tướng Bô-na-pác, người anh hùng trẻ tuổi ở Ý và ở Ai Cập, tựa hồ như Na-pô-lê-ông đã trút bỏ được gánh nặng 15 năm cai trị một cách độc đoán cái đế quốc rộng lớn của ông ta và châu Âu chư hầu. Na-pô-lê-ông giữ vững tinh thần cho các thống chế và binh lính, làm yên lòng cho các bộ trưởng còn lại ở Pa-ri. Ngày 10 tháng 2, sau vài cuộc hành quân mau lẹ, Na-pô-lê-ông tiến công vào quân đoàn On-su-phi-ép đóng ở Săm-pô-pe và đánh cho thất bại tan tành. Hơn 1 nghìn 5 trăm quân Nga bị giết chết, bị bắt làm tù bình chừng 3 nghìn, trong đó có cả viên tướng chỉ huy, số còn lại bỏ chạy.

Chiều tối Na-pô-lê-ông nói với các sĩ quan thân cận: “Nếu ngày mai ta cũng gặp may mắn như hôm nay thì 15 ngày nữa, ta sẽ đánh bật quân địch về phía sông Ranh, và từ sông Ranh đến sông Vi-xtuyn chỉ có một bước chân”.

Ngày hôm sau, Na-pô-lê-ông tiến từ Săm-pô-pe về Mông-tơ-ray, nơi quân Nga và quân Phổ đang trú quân. Trận Mông-tơ-ray diễn ra ngày 11 tháng 2, đã kết thúc bằng một thắng lợi mới và rực rỡ của Na-pô-lê-ông. Trong số 2 vạn quân chiến đấu dưới cờ của Liên minh thì họ bị tổn thất gần 8 nghìn người, còn Na-pô-lê-ông mất gần đầy 1 nghìn người. Quân Liên minh vội vã rút chiến trường. Hoàng đế lập tức tiến về Sa-tô-ti-e-ri, ở đó còn khoảng 1 vạn 8 nghìn quân Phổ và 1 vạn quân Nga. Sau này, Na-pô-lê-ông nói là mình đã thấy đôi hài trong chiến dịch nước Ý.

Những nhà bình luận quân sự đánh giá chiến dịch nước Pháp năm 1814 như một trong những chiến dịch đặc sắc nhất của thiên hùng ca Na-pô-lê-ông và là một chiến dịch trong đó thiên tài chiến lược của hoàng đế đã lên tới tận điểm tột cùng.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM