Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 16 Tháng Tư, 2024, 06:58:49 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94360 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #240 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 12:04:20 am »


Đáng lấy làm lạ khi người ta nhận thấy rằng quân Liên minh đã không nhận ra được sai lầm ấy của Na-pô-lê-ông, tuy rằng, sau đó khá nhiều năm, các tướng lĩnh của họ (Nga và Phổ, cũng như thái tử nước Thụy Điển Béc-na-đốt) đều quả quyết nói rằng họ đã rất khéo biết lợi dụng hiệp ước đình chiến ngay từ buổi đầu và họ rất lấy làm hài lòng về hiệp định ấy. Tuy nhiên, chúng ta có chứng cớ không thể chối cãi được sau đây của trung tá Vla-đi-mia I-va-nô-vích Lơ-ven-xte, người đã có điều kiện quan sát tường tận tình trạng tư tưởng đang diễn ra trong các bộ tham mưu của quân Liên minh: ông khẳng định rằng: "trong quân đội Liên minh, ở Phổ, trong các quốc gia Giéc-manh, nơi đâu người ta nói tiếng Đức thì nơi đó người ta than thở rằng cái hiệp định đình chiến ấy là một tai họa ghê gớm nhất". Và, với sự châm biếm đúng đắn, Lơ-ven-xte đã thốt lên: "Ôi, trí tuệ của con người!". Những ghi chép ấy của Lơ-ven-xte (Denkwürdigkeiten eines Livlanders), một người Đức, là một trong những tài liệu quý báu và vô tư nhất về lịch sử năm 1813, trong khi ấy thì nhiều tác giả Pháp, Nga, Áo và Thụy Điển, khi ghi chép về nó, đã vô tình hay hữu ý đưa ra nhiều điều dối trá.

Thế là hiệp ước đình chiến đã được ký kết, nhưng Na-pô-lê-ông không tin rằng việc đó đem lại cho ông ta những cơ hội chắc chắn để đi đến một nền hòa bình mà ông ta bằng mong mỏi, và ông ta đã kiên quyết không ký một hiệp ước đình chiến nào khác nữa.

Được tất cả hoặc mất hết: đó là khẩu hiệu của Na-pô-lê-ông khi khởi cuộc chiến lớn năm 1813, và Na-pô-lê-ông đã theo đuổi cuộc chiến cũng với khẩu hiệu ấy. Ngay khi ở đảo Thánh bà Hê-len, sau khi đã mất hết, kể cả sự tự do của mình, ông hoàng đế cũng không bao giờ tỏ ý mảy may tiếc rằng mình đã phạm phải sai lầm ấy, bởi đối với ông điều đó tuyệt nhiên không phải là một sai lầm. Ông nói một cách mỉa mai rằng mặc dầu ông hoàn toàn thất bại, ông vẫn có thể chiến bại trở về và ngồi vững trên ngai vàng, nếu không phải là chính ông thì là cháu đích tôn ông. Ông còn xác định nhiều lần rằng giữa ông và các vị vua chúa thừa kế tọa hưởng kỳ thành có sự khác nhau rất lớn.

Sau những khủng khiếp của chiến dịch Mát-xcơ-va làm cho hầu hết nhân dân Pháp chìm đắm trong đau khổ, Pa-ri đã đón tiếp Na-pô-lê-ông bằng một sự khuất phục, hoàn toàn. Vậy thì một sự đón tiếp như vậy ắt cũng sẽ diễn ra nếu như sau chiến dịch rực rỡ mùa xuân năm 1813, Na-pô-lê-ông trở về vẫn giữ được tất cả những miền đất đai rộng lớn của mình (trừ xứ I-ly-ri vô tác dụng nằm xa lắc xa lơ tít trong vùng Ban-căng) mà chỉ hy sinh mất có đại công quốc Vác-sa-va và Liên bang sông Ranh, nơi Na-pô-lê-ông không trực tiếp trị vì, chỉ thông qua các chư hầu, và các nước ấy cũng chẳng phải là thành viên hợp thành đế quốc của Na-pô-lê-ông. Nhưng Na-pô-lê-ông hiểu rằng những sự nhượng bộ ấy, sự từ bỏ ý đồ hoàn thành việc xây dựng một đế quốc quy mô toàn thế giới sẽ có nghĩa là sự thắng lợi của nước Anh về mặt kinh tế và chính trị. Nhiệm vụ mà Na-pô-lê-ông tự đặt ra sẽ bị bỏ dở, nền thương nghiệp và công nghiệp Pháp sẽ không chống chọi được với thương nghiệp và công nghiệp Anh, cuộc khủng hoảng năm 1811 sẽ trở thành một hiện tượng mãn tính, nạn thất nghiệp cũng vậy, cuộc "cách mạng của những cái bụng rỗng". Một cuộc cách mạng không sợ gì súng đạn, sẽ "định cư" ở các khu trung tâm thợ thuyền, ở thủ đô và ở các tỉnh; còn đối với giai cấp tư sản mà Na-pô-lê-ông là người cầm đầu đầy thế lực và trung thành trong cuộc đấu tranh kinh tế chống nước Anh thì rồi Na-pô-lê-ông cũng sẽ chỉ là con người vô dụng. Vì cái gì mà giai cấp tư sản Pháp cứ phải tiếp tục chịu đựng sự chuyên chế chưa từng thấy của Na-pô-lê-ông? Và trị vì theo kiểu khác thì Na-pô-lê-ông không muốn mà bản chất Na-pô-lê-ông cũng không cho phép. Những cái đó đã thúc đẩy Na-pô-lê-ông phái Đa-vu đến Hăm-bua, Crôm, Lu-bếch, mang theo những lệnh nghiêm ngặt, để tiến hành những cuộc xử bắn và tịch thu tài sản vào giữa lúc Mét-te-ních đang cố hết sức thuyết phục Na-pô-lê-ông từ bỏ những nơi đó. Những cái đó đã làm cho Na-pô-lê-ông không những không nghĩ đến hòa bình và sự quay trở lại Pa-ri, mà lại nghĩ đến một chiến dịch mới trên sông Vi-xtuyn và Ni-ê-men và đã làm cho cuộc thương lượng ở Pra-ha trở thành một màn hài kịch hão huyền. Người ta bàn với Na-pô-lê-ông nhượng lại Hăm-bua trong khi Na-pô-lê-ông nghĩ đến Ni-ê-men, người ta đề nghị với Na-pô-lê-ông bỏ I-ly-ri trong khi Na-pô-lê-ông còn chưa triệu về những gián điệp và trinh sát viên do Na-pô-lê-ông phái đến Thổ, Ba tư, Xi-ri, Ai Cập trước khi bước vào chiến dịch nước Nga. Sự tranh chấp chỉ có thể giải quyết bằng súng đạn, không thể bằng những thủ đoạn ngoại giao tế nhị.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #241 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 12:06:16 am »


Thực tế đường lối ngoại giao của nước Áo là không muốn Na-pô-lê-ông chiến thắng hoàn toàn quân Liên minh và cũng không muốn quân Liên minh chiến thắng Na-pô-lê-ông, vì như vậy sẽ làm cho Nga hoàng trở nên bá chủ. Mét-te-ních muốn hướng Na-pô-lê-ông vào con đường nhượng bộ, và khi vừa đến Dre-xđen ngày 28 tháng 6 năm 1813, Mét-te-ních đã đến yết kiến hoàng đế Pháp lúc ấy đang ngự ở đó.

Na-pô-lê-ông mở đầu bằng dọa nạt, dứt khoát buộc tội nước Áo là viện cớ đứng làm trung gian hòa giải để chuẩn bị bỏ sang hàng ngũ quân Liên minh. "Các ngài hãy nói cho tôi rõ, có phải các ngài muốn chiến tranh với tôi không? Thì ra con người ta không thể giáo hóa được! Thì ra những bài học đường đời chẳng giúp ích gì họ cả! Bất chấp những kinh nghiệm đau đớn của họ, người Nga và người Phổ phấn khởi say sưa vì những chiến thắng mùa đông năm ngoái, đã cả gan giao chiến với tôi và tôi đã đánh cho thua, thua tơi bời, mặc dầu họ đã nói với các ngài trái hẳn lại. Thế các ngài, các ngài cũng muốn đến lượt các ngài chăng? Được, sẽ đến lượt các ngài. Tôi hẹn gặp các ngài ở Viên, vào tháng 10".

Rất lễ phép nhưng rất kiên quyết, Mét-te-ních biện bác rằng nước Áo không có những ý định như vậy, mà chỉ muốn có một nền hòa bình lâu dài. Và Mét-te-ních đã nêu ra những điều kiện cho hòa bình: Na-pô-lê-ông đồng ý nhường I-ly-ri, Hăm-bua, Brêm và Lu-bếch, đại công quốc Vác-sa-va và từ bỏ danh nghĩa bảo hộ đối với Liên bang sông Ranh, ngoài ra thì Na-pô-lê-ông sẽ giữ lại tất cả những đất đai còn lại. Na-pô-lê-ông đã nổi khùng: "Này, tôi đã rõ điều bí mật của các ngài, tôi biết trong thâm tâm các ngài muốn gì rồi... Người Áo các ngài muốn toàn bộ nước Ý, bạn các ngài là người Nga muốn nước Ba Lan; người Phổ muốn xứ Xắc-xơ; người Anh muốn nước Hà Lan và nước Bỉ, nếu hôm nay tôi nhượng bộ thì ngày mai các ngài sẽ đòi hỏi những thứ mà các ngài thèm khát ấy. Nhưng muốn thế, các ngài hãy chuẩn bị gọi hàng triệu quân, hãy chuẩn bị đổ máu hết thế hệ này đến thế hệ khác và đến thương lượng ở chân đồi Mông-mác". Mét-te-ních đáp lại rằng người ta chẳng đòi hỏi Na-pô-lê-ông như vậy, rằng hòa bình mà người ta đề nghị với Na-pô-lê-ông là một nền hòa bình cao cả, vẻ vang. Na-pô-lê-ông bèn viện ra cái lập luận rằng đối với ông ta, nhượng bộ là nhục nhã. "Vua chúa của các ngài ra đời trên ngai vàng nên không thể hiểu được những tình cảm trong người tôi. Họ chiến bại trở về thủ đô, việc đó đối với họ chẳng sao cả. Nhưng tôi, tôi không thể nào trở về với danh dự giảm sút giữa nhân dân tôi được; tôi vẫn phải vĩ đại, quang vinh và được kính phục".

Mét-te-ních đáp lại rằng, nếu như vậy thì chiến tranh sẽ không bao giờ kết thúc mà hiện nay toàn thể châu Âu cũng như nước Pháp đã bị chiến tranh làm kiệt quệ và cần có hòa bình. "Tâu hoàng thượng, tôi vừa đi qua các trung đoàn của hoàng thượng, binh lính của hoàng thượng là những thiếu niên. Hoàng thượng đã trưng binh trước tuổi và đã gọi vào quân ngũ một thế hệ vừa mới đến tuổi thành niên; thế hệ này một khi bị cuộc chiến tranh hiện nay hủy hoại đi thì rồi hoàng thượng có còn gọi lính trước kỳ hạn được nữa hay không? Liệu hoàng thượng có gọi đến thế hệ trẻ hơn họ nữa hay không?”
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #242 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 12:07:07 am »


Trong tập ký ức của mình, Mét-te-ních kể lại rằng lúc đó Na-pô-lê-ông phát điên phát khùng quăng mũ xuống đất thét lên: "Ngài không phải một người lính, thưa ngài, ngài không có tâm hồn của một người lính; ngài chưa sống trong trại lính, ngài chưa học cách xem thường tính mạng của người khác và của ngài thì cần đến 20 vạn người làm được cho tôi những gì?". Đó là những lời trơ tráo nhất mà Na-pô-lê-ông đã thốt ra để lăng nhục đối phương trong một cơn thịnh nộ. "Dẫu sao thì những người Pháp mà máu của họ đang được ngài bảo vệ đã không oán trách tôi lắm đâu. Đúng là tôi đã mất 20 vạn quân ở nước Nga, trong số đó có 10 vạn lính Pháp, những người lính ưu tú; tôi tiếc những người đó đúng, tôi rất tiếc họ... Còn những người khác, họ là người Ý, người Ba Lan, và chủ yếu là người Đức", Na-pô-lê-ông nói tiếp và kèm vào tiếng cuối cùng ấy một điệu bộ khinh bỉ, "thì cứ cho là thế - Mét-te-ních đáp lại - nhưng bệ hạ, chắc bệ hạ cũng đồng ý rằng đây không phải chuyện bênh vực riêng gì một người Đức nào".

Sau những lời tuyên bố như thế, đương nhiên là cuộc gặp gỡ không đưa đến kết quả gì. Na-pô-lê-ông đã xoi mói nhận xét rằng nước Áo đã khoác lác về lực lượng quân sự của họ, và khi Mét-te-ních yêu cầu Na-pô-lê-ông cho phép tiến hành đứng trung gian điều giải về mặt ngoại giao theo những quy định sẵn thì Na-pô-lê-ông đã nói rằng: "Chà, ngài cố tình, ngài vẫn cứ muốn cưỡng bức tôi. Này, ngài Mét-te-ních, nước Anh đã đãi ngài bao nhiêu để gây chiến với tôi. Thôi được! Chiến tranh thì chiến tranh! Nhưng thôi, xin tạm biệt, gặp nhau ở Viên!". Trong cơn thịnh nộ, Na-pô-lê-ông còn hỏi Mét-te-ních rằng nước Anh đã cho ông ta bao nhiêu để đóng vai trò này với Na-pô-lê-ông.

Khi Mét-te-ních cáo từ và đi ra thì thống chế Béc-ti-ê - một người rất khao khát hòa bình và coi những điều kiện mà Mét-te-ních đưa ra là những điều hoàn toàn có thể chấp nhận được và rất vẻ vang - đã hỏi Mét-te-ních về kết quả cuộc hội đàm. "Tôi cam đoan với ông rằng thủ lĩnh của ông mất trí rồi" - Mét-te-ních đáp.

Mặc dầu cảnh kịch ấy đã diễn ra (trong đó, ngoài những lời tuyên bố khác ra, Na-pô-lê-ông còn nói rằng ông ta đã gia ơn cho nước Áo khi kết hôn với Ma-ri Lu-i-dơ và đó là một "sự điên rồ" của ông ta) nhưng cuối cùng Na-pô-lê-ông cũng đã chấp nhận việc nước Áo đứng trung gian hòa giải, tuy không có sự giao ước chính thức nào. Ngày 12 tháng 7 năm 1813 trong khi các viên đại diện toàn quyền Nga, Phổ và Áo hội họp ở Pra-ha theo lời mời của Mét-te-ních và đang đàm phán mất thời gian vô ích thì quân đội của Na-pô-lê-ông được tăng cường, nhưng tình hình chính trị chung thì lại trở nên nghiêm trọng rõ rệt. Giữa lúc ấy, những tin tức về tình hình nguy khốn và thất trận của Pháp ở Tây Ban Nha bay tới. Quân Anh và quân du kích Tây Ban Nha đã đuổi quân Pháp đến tận dãy núi Pi-rê-nê. Oen-linh-tơn đã chiến thắng ở Viet-to-ri-a.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #243 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 12:07:42 am »


Biết trước là cuộc đàm phán ở Pra-ha sẽ không đi đến kết quả gì và hơn nữa cũng không muốn đi đến kết quả, Na-pô-lê-ông đã cố tình kéo dài sự việc. Các đại diện toàn quyền Nga và Phổ, ngay cả Mét-te-ních, đều lấy làm bất bình và nổi giận trước những thủ đoạn đàm phán ấy. Các viên đại diện đó đã ở Pra-ha từ ngày 12 tháng 7, mà người Pháp thì vẫn chưa thấy đến không ngừng thọc gậy bánh xe.

Sau cuộc hội đàm của Mét-te-ních và Na-pô-lê-ông người Áo không còn do dự gì nữa. Mét-te-ních nói thẳng với đại diện toàn quyền Pháp là Nác-bon rằng nếu hội nghị Pra-ha không được nhóm họp trước khi hiệp định đình chiến hết hạn, nghĩa là vào ngày 10 tháng 8 thì nước Áo sẽ gia nhập Liên minh.

Các cuộc đàm phán đó tuyệt nhiên không mang lại kết quả gì. Na-pô-lê-ông đã chỉ thị trước cho bá tước Nác-bon: 1. kéo dài các vấn đề nhằm ngăn cản các hội nghị đi vào bàn bạc; 2. trong trường hợp không ngăn cản được hội nghị thì không được có một chút nhân nhượng nào, và nắm chắc nguyên tắc ngoại giao biểu thị bằng công thức la-tinh: "Uti possidetis" (ai chiếm được đâu thì ở đó).   

Nác-bon, Cô-lanh-Cua, Phu-sê, Xa-va-ri, Béc-ti-ê và hầu hết các thống chế khác đều khẩn khoản xin hoàng đế ký hòa ước. Mọi cố gắng của họ đều vô hiệu quả. Xa va-ri, bộ trưởng Bộ công an mà Na-pô-lê-ông phong cho làm công tước xứ Rô-vi-gô, dám nói với hoàng đế rằng nhân dân bị điêu đứng vì gánh nặng của những cuộc chiến tranh liên tục và lấy làm lo rằng cuối cùng họ sẽ phẫn nộ nổi lên chống lại vị chúa tôn kính của họ. Lập tức viên bộ trưởng Bộ công an nhân được mệnh lệnh phải im lặng và "không được can thiệp vào những vấn đề mà hắn không biết".

Ngày 10 tháng 8 hiệp định đình chiến kết thúc, và ngày 11, Mét-te-ních thông báo tin nước Áo tuyên chiến với Na-pô-lê-ông.

Ở Luân Đôn và trong hàng ngũ Nga - Phổ, mọi người đều hân hoan vui mừng. Bắt đầu từ đây, lực lượng của khối liên minh trội hơn hẳn lực lượng của Na-pô-lê-ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #244 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2016, 10:53:29 pm »


III

Đoạn kết của chiến dịch năm 1813 đang đến gần. Ở Nga, ở Phổ và ở Áo người ta liên tiếp động viên tân binh. Người ta đưa hết lực lượng dự trữ ra mặt trận, người ta căng hết sức lực. Nước Anh một lần nữa cởi túi tiền, không keo kiệt bủn xỉn tiếc đồng vàng lá bạc cần thiết cho việc củng cố khối Liên minh, cũng như khi tăng cường cho Oen-linh-tơn ở Tây Ban Nha. Kể cả những lực lượng dự bị, bây giờ khối Liên minh có gần 85 vạn binh lính, và Na-pô-lê-ông kể cả đội dự bị có gần 55 vạn quân.

Đại nguyên soái Áo Svác-xen-be được bổ nhiệm tổng chỉ huy Liên minh. Na-pô-lê-ông không sợ Svác-xen-be chút nào. Quân Nga không còn Cu-tu-dốp và Ba-gra-chi-on nữa và bây giờ hoàng đế đánh giá số tướng lĩnh còn lại của họ cũng chẳng hơn gì năm 1812. Na-pô-lê-ông đánh giá khá cao một số người đã chiến đấu ở Xmô-len và Bô-ri-đi-nô, song, nói chung Na-pô-lê-ông đánh giá quá thấp bộ tham mưu Nga. Chẳng hạn Na-pô-lê-ông cho rằng phương pháp chỉ đạo các cuộc hành binh suốt trong quá trình rút lui khỏi Mát-xcơ-va, là hoàn toàn ngu xuẩn, và Na-pô-lê-ông xác định rằng, như ông đã từng nhắc mãi cho đến khi chết, chỉ có những khoảng không gian vô hạn, việc đốt cháy thành Mát-xcơ-va, mùa đông khủng khiếp và cái sai lầm mà chính bản thân Na-pô-lê-ông mắc phải trong khi chiếm đóng Mát-xcơ-va và lần lữa ở lại đó mới là những nguyên nhân làm cho chiến dịch bị thất bại; còn như các tướng lĩnh, các nhà chiến lược, chiến thuật Nga, theo ý Na-pô-lê-ông đều không có khả năng lợi dụng kịp thời một chút nào những hoàn cảnh vô cùng thuận lợi cho họ. Năm 1813, Na-pô-lê-ông đánh giá người lính Nga còn cao hơn năm 1807, sau trận A-lau, trên cả những người lính khác trong khối Liên minh.

Còn đối với nước Phổ, Na-pô-lê-ông coi cũng chẳng hơn gì nước Áo và nước Nga, ông ta không thấy trong hàng ngũ họ tay địch thủ nào khả dĩ đáng sợ về nghệ thuật chiến tranh. Nhưng Na-pô-lê-ông biết rằng Béc-na-đốt (người đã trở thành kẻ thù của Na-pô-lê-ông vào năm 1813) với tư cách là thái tử nước Thụy Điển, đã khuyên A-lếch-xan đệ nhất và các vua chúa các nước liên minh cầu cứu tướng Mo-rô, một tướng tài mà năm 1804 đã bị kết án vì liên quan vào vụ âm mưu Gióoc-giơ và Pi-sơ-gruy, rồi trục xuất khỏi nước Pháp và từ đó sống ở châu Mỹ. Là kẻ thù không đội trời chung với Na-pô-lê-ông, Mo-rô đã sang hàng ngũ của A-lếch-xan đúng vào lúc chiến sự lại tiếp diễn, sau khi hội nghị Pra-ha bị thất bại. "Không nên xông vào những cánh quân nào mà chính Na-pô-lê-ông có mặt ở đó, chỉ nên đánh vào các thống chế", đó là lời khuyên đầu tiên của Mo-rô với A-lếch-xan và quân Liên minh. Nhưng mọi việc đều làm cho người ta thấy lương tâm của kẻ phản bội ấy không để cho hắn yên, mặc dầu hắn đã tự an ủi bằng cách cho rằng hắn không đánh lại nước Pháp mà chỉ đánh lại kẻ áp bức nước Pháp. Tướng Nga, hoàng thân Rép-nen, được chứng kiến cảnh tượng nổi bật sau đây: gặp một người lính Pháp già bị bắt làm tù binh, Mo-rô liền bắt chuyện, nhưng nhận ra được người tướng trước đây đã từng chỉ huy quân đội của nước Pháp, bây giờ lại giúp đỡ kẻ thù của Tổ quốc mình, người lính già đó lánh xa Mo-rô mấy bước và hô lên: "Nền cộng hòa muôn năm". Người lính già chỉ còn nhìn thấy ở người tướng cộng hòa ấy một kẻ phản bội mà lão chẳng thèm bắt chuyện. Với thái độ mơn trớn, A-lếch-xan đệ nhất tỏ ra hết sức chăm chú quý mến Mo-rô, và nhất quyết giao cho Mo-rô vai trò chính. Trước hết, hoàng đế Nga quý trọng Mo-rô vì với tài chiến lược của Mo-rô thì Mo-rô là người duy nhất xứng đáng gọi là địch thủ của Na-pô-lê-ông, sau nữa là sự có mặt của Mo-rô ở tổng hành dinh của quân Liên minh có thể gây ra một sự dao động nào đó trong quân đội Pháp, vì đến tận bây giờ Mo-rô vẫn giữ được tiếng tăm của một người tướng cộng hòa hoàn hảo, bị nghi oan trong vụ Ca-đu-đan và đã bị Na-pô-lê-ông trục xuất. Nhưng trong thời đại ấy, đối với binh lính Pháp, đối với quân đội thì các khái niệm nước Pháp, đế chế, hoàng đế, Tổ quốc chỉ là một; khi họ đứng trước quân thù, trước sự không thể thiệp của nước ngoài, trước bọn bảo hoàng, trước bọn lưu vong thì họ coi tất cả bọn chúng cũng chỉ là một mà thôi, và Nga hoàng đã tính sai. Về mật tinh thần, dưới con mắt của binh lính Pháp, người được Nga hoàng nâng đỡ đã không còn sống nữa ngay từ khi hắn vừa bước sang hàng ngũ quân địch. Lẽ ra A-lếch-xan định để Mo-rô đứng đầu chỉ huy quân đội Liên minh thay Svác-xen-be nhưng chính Mo-rô lại đề nghị tổng chỉ huy quân đội là A-lêch-xan còn Mo-rô làm tham mưu trưởng, như vậy có ngược thực tế Mo-rô nắm quyền chỉ huy tối cao. Nhưng số mệnh lại đã quyết định hoàn toàn khác.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #245 vào lúc: 04 Tháng Tám, 2016, 10:54:18 pm »


Sau khi chiến sự tiếp diễn, trận đánh lớn đầu tiên là trận Đre-xđen (27 tháng 8 năm 1813). Ở đây, Na-pô-lê-ông đã giành được một trong những chiến công rực rỡ nhất. Trong trận này, quân Liên minh thiệt hại chừng 2 vạn rưởi người chết, bị thương và bị bắt, và Na-pô-lê-ông mất gần 1 vạn. Quân đội liên minh rút lui rất trật tự, trừ một vài quân đoàn bỏ chiến trường chạy trốn, bị kỵ binh truy sát gót. Cả hai bên đều sử dụng lực lượng pháo binh mạnh mẽ, và toàn bộ trận đánh đã diễn ra trong cơn sấm sét liên hồi của 1 nghìn 2 trăm khẩu pháo. Vào lúc ác liệt nhất, khi cánh trái của quân Liên minh đã hoàn toàn bị bại, đích thân Na-pô-lê-ông đứng ở trung tâm chỉ huy pháo binh, trên đồi Ron-ních-xa, thấy bên trận địa quân địch có một toán kỵ binh, Na-pô-lê-ông bèn hạ lệnh cho một khẩu đội ngắm bắn. Ở giữa toán kỵ binh đó là hoàng đế A-lếch-xan, lần đầu tiên làm tròn nhiệm vụ tổng chỉ huy quân đội Liên minh, bên cạnh A-lếch-xan là Mo-rô. Những viên đại bác đầu tiên bắn vào dúm người đó, theo lệnh của Na-pô-lê-ông, đã làm gãy hai chân của tướng Mo-rô và vài hôm sau thì Mo-rô chết. Trong hàng ngũ quân Pháp cũng như trong hàng ngũ quân Liên minh người ta thêu dệt ra rằng Mo-rô bị chết bởi một viên đạn của khẩu pháo do chính tay Na-pô-lê-ông nhằm bắn sau khi Na-pô-lê-ông nhận ra kẻ "phản bội" qua ống nhòm. Dầu sao thì quân Liên minh cũng đã hoàn toàn thua ở Đre-xđen và cái chết hết sức đột ngột của Mo-rô, nhà chiến lược có tài nhất của quân Liên minh, cũng đã giáng cho họ một đòn ác liệt.

Bị đánh bại ở Đre-xđen, quân Liên minh đã rút bằng nhiều đường về phía núi Kim khí. Trong những ngày sau, các thống chế Mác-mông, Víchto, Muy-ra, Xanh Xia, tướng Văng-đam, được phái đi truy kích, còn bắt được hàng nghìn tù binh Nga, Phổ và Áo. Nhưng vì Văng-đam quá hăng nên đã tách rời khỏi quân chủ lực tiền vệ và đã bị đánh tan ở Cun-nơ vào những ngày 29 và 30 tháng 8; trong trận này, Văng-đam bị thương và bị bắt làm tù binh cùng với một phần quân đội.

Thắng lợi này lại cổ vũ tinh thần quân Liên minh đã bị suy sụp từ sau trận Đre-xđen. Đối với Na-pô-lê-ông, phải đương đầu cho vững và không ký hòa ước, dù có bị thua, đó lại là một trong những lời khuyên răn mà Mo-rô còn kịp nói với quân Liên minh trước khi Mo-rô chết quá sớm. Quân liên minh nhận thấy rằng, nếu như trước sau Na-pô-lê-ông vẫn là một thiên tài thì binh lính của ông ta, nay không phải là những người như trước. Những đứa trẻ 18 đến 19 tuổi không thể thay thế được những quân đoàn vô địch, những đội quân gang thép mà Na-pô-lê-ông đã cùng với họ chiến đấu ở Ai Cập, ở Xi-ri và đã chinh phục được châu Âu, cũng không thể thay thế được các đội quân mà Na-pô-lê-ông đã dẫn đến Mát-xcơ-va và đã vung vãi hài cốt của họ trên các chiến trường. Chính Na-pô-lê-ông cũng biết điều đó. Na-pô-lê-ông còn thấy được một khó khăn khác. Cái nguyên tắc mà Na-pô-lê-ông đã xây dựng nên, một thứ nguyên tắc đã trở thành cổ điển sau thời Na-pô-lê-ông và đã được mang ra giảng dạy qua tất cả các giáo trình chiến lược và chiến thuật, nói rằng bí quyết của nghệ thuật chiến tranh là ở chỗ phải tập trung mạnh hơn địch vào thời gian và địa điểm cần thiết, nay đã bị chính Na-pô-lê-ông vi phạm, bởi vì bây giờ mọi vấn đề đều tuỳ thuộc vào cái chiến dịch Xắc-xơ này. Đa-vu, người cầm đầu những lực lượng đông đảo, một trong những tướng lĩnh ưu tú nhất của Na-pô-lê-ông, bây giờ ở đâu? Đang bắn giết những thương gia ở Hăm-bua. Những phân đội bộ binh, kỵ binh và pháo binh quan trọng có thể giúp ích cho Na-pô-lê-ông trong trận quyết định sắp tới, bây giờ ở đâu? Ở Đan-xích, ở miền bắc nước Đức, ở miền nam và miền trung nước Ý, ở Tây Ban Nha. Gọi họ về thì khác gì tự tay Na-pô-lê-ông làm tan rã cái đại đế quốc chỉ có thể đứng vững được bằng sức mạnh của các đồn ải, không gọi về thì cũng sẽ đi đến kết quả như vậy, bởi vì Na-pô-lê-ông sẽ không thể tránh được thất bại khi quân Liên minh tiến công; quả là khối Liên minh thiếu tướng tài kể từ khi Mo-rô chết nhưng họ điều ra trận tuyến một số quân gần gấp đôi số quân của Na-pô-lê-ông.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #246 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2016, 09:16:38 am »


Những mâu thuẫn sâu sắc và bế tắc ám ảnh tâm trí Na-pô-lê-ông. Đường đến Béc-lin hiện ra đầy gian khổ, khó khăn. Béc-na-đốt với quân lính Thụy Điển và Bu-lốp với một bộ phận của quân đội Phổ đã đánh lùi những sư đoàn Pháp, trong đó có rất nhiều quân của các nước chư hầu của Na-pô-lê-ông như quân Ba-vi-e, Xắc-xơ và những nước khác và càng ngày họ càng trở nên không tin cậy được, họ đào ngũ hàng trăm người một và không chịu chiến đấu với lý do duy nhất là không chống lại những người Đức khác để phục vụ những mưu đồ của Na-pô-lê-ông mà họ không biết. Ngày 23 tháng 8, ở Grốt-bi-ren, thống chế U-đi-nô bị đánh bật lại trên đường đi tiến công Béc-lin. Trên đường đi Xi-lê-di, Mắc-đô-nan cũng đã bị thất bại ở Cát-bắc. Ngày 4 tháng 9, Muy-ra tiến công Bluy-khe làm cho Bluy-khe thua chạy nhưng lại không tiêu diệt được Bluy-khe. Ngày 6 tháng 9 Nay bị thất bại ở Đen-nơ-vít. Từ nay trở đi, Na-pô-lê-ông hoàn toàn không còn trông cậy gì được vào lính Đức trong quân đội của mình nữa: Nây đã phải rút lui chỉ vì lính Xắc-xơ trong quân đoàn của Nây bỏ chạy từng mảng, khi có cơ hội. Na-pô-lê-ông cũng không hài lòng về các thống chế của ông ta. "Nhưng các tướng lĩnh và sĩ quan mệt mỏi vì chiến tranh, đã không còn có cái hành động đã giúp họ làm nên những việc lớn khi xưa", ngày 8 tháng 9 năm 1813, Na-pô-lê-ông viết như vậy cho Clác, bộ trưởng Bộ chiến tranh, khi ông ta ra lệnh cho Clác củng cố và tiếp tế cho các cứ điểm ở Rê-na-ni.

Tháng 9 trôi qua, không xảy ra sự kiện quyết định nào, nhưng Na-pô-lê-ông cũng như quân Liên minh còn muốn đọ sức nhau bằng một trận tổng công kích vào trước mùa đông. Phong trào giải phóng dân tộc lan rộng trên toàn cõi nước Đức. Những đội du kích của hội sinh viên Đức yêu nước khác đã bắt đầu xuất hiện. Thanh niên tư sản, sinh viên Phổ, Xắc-xơ, sinh viên các quốc gia trong Liên bang sông Ranh, sinh viên Vét-xpha-li, bây giờ ai nấy đều hăng say hoạt động cho công cuộc giải phóng nước Đức thoát khỏi ách ngoại bang.

Na-pô-lê-ông tích cực chuẩn bị chiến dịch mùa thu. Nhưng Na-pô-lê-ông đã thấy trước rằng dù ông ta có thắng trận thì chiến tranh cũng không thể kết thúc ngay được bởi ông ta đã quyết tâm không nhượng bộ một chút nào và hiểu rằng với những lực lượng dự bị hùng hậu, quân Liên minh cũng không chịu là kẻ bại trận dù rằng họ bị thất bại. Na-pô-lê-ông liền quyết định cho gọi thêm 28 vạn thanh niên mới lớn lên, lẽ ra đến năm 1815 mới đến tuổi đăng lính. Lời tiên đoán của Mét-te- ních đã trở thành hiện thực: cửa các trại lính lại khép lại, bên trong nhốt những chú bé tân binh.

Ngay từ những ngày đầu tháng 10, người ta thấy quân đội đối phương bắt đầu tiến hành những cuộc hành binh phức tạp, cùng với những trận đánh nhỏ, những cuộc tiến công cục bộ, những cuộc rút lui. Trong những ngày đau đớn ấy đối với Na-pô-lê-ông, sự hoạt đông của ông để chỉ đạo, kiểm tra và tìm tòi thêm mỗi ngày những mưu chước, thủ đoạn chiến tranh mới thật đáng kinh ngạc.

Quân Nga lúc đó đã tràn vào chiếm vương quốc Vét-xphai-li, và vua Giê-rôm chạy trốn. Xứ Ba-vi-e phản bội và chạy sang với phe Liên minh. Na-pô-lê-ông buộc phải gấp rút mở đợt tổng công kích và phải thắng trận. Na-pô-lê-ông đã nói như vậy, và hẳn là ông ta hiểu được ý nghĩa bi thảm của sự kiện; các nước chư hầu đã bắt đầu phản bội ông, họ không cần đợi chờ kết quả của những trận đánh sắp tới.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #247 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2016, 09:17:49 am »


Ngày 16 tháng 10 năm 1813, trên cánh đồng Lai-xích đã diễn ra trận đánh lớn nhất trong suốt cuộc đời võ nghiệp của Na-pô-lê-ông: "trận các quốc gia", như ở nước Đức lúc bây giờ người ta thường gọi. Ròng rã ba ngày 16, 18, 19 tháng 10 ở Lai-xích, Na-pô-lê-ông đã chống lại cuộc liên minh của người Nga, người Áo, người Phổ và người Thụy Điển.

Ngoài người Pháp ra, trong quân đội của Na-pô-lê-ông còn có người Ba Lan, Xắc-xơ, Hà Lan, Ý, người Đức của Liên bang sông Ranh. Khi vào cuộc chiến, Na-pô-lê-ông có 15 vạn rưỡi quân và bên Liên minh có 22 vạn. Khi trời vừa tối, hai bên cầm cự rất găng và chưa phân thắng bại. Trong ngày đầu ấy Na-pô-lê-ông mất gần 3 vạn quân, số thương vong của quân liên minh lên tới gần 4 vạn.   

Người ta chờ đợi ngày hôm sau. Suốt đêm Na-pô-lê-ông và quân liên minh đều nhận được tiếp viện. Sáng ngày thứ hai, Na-pô-lê-ông giao chiến với số quân tiếp viện là 1 vạn rưỡi, trong khi đó thì 11 vạn quân của quân đội miền bắc, dưới quyền chỉ huy của Bec-na-đít và Ben-nít-xen, đã đến tiếp viện kịp Liên minh. Trời vừa sáng, Na-pô-lê-ông đi thăm bãi chiến trường ngày hôm trước cùng Muy-ra. Muy-ra đã lưu ý Na-pô-lê-ông rằng kể từ trận Bô-ri-đi-nô đến nay chưa bao giờ người ta thấy cảnh tàn sát như vậy. Buổi sáng ngày 17 tháng 10 đã có lúc Na-pô-lê-ông nghĩ đến việc rút lui, nhưng cuối cùng lại quyết định ở lại. Na-pô-lê-ông sai dẫn tướng Áo Méc-phen, bị bắt làm tù binh từ hôm trước, đến và đề cập với Méc-phen về vấn đề hòa bình với nước Áo. Méc-phen nói rằng ông Na-pô-lê-ông "vì hạnh phúc của thế giới và của nước Pháp" đồng ý thì có thể ký kết ngay được.

Cả ngày 17 tháng 10 được dành cho việc chuyển thương binh và chuẩn bị để lại tiếp tục chiến đấu. Sau một hồi lâu do dự, Na-pô-lê-ông quyết định rút về tuyến sông Dê-le, nhưng trước khi Na-pô-lê-ông kịp thực hiện cuộc hành quân ấy thì chiến sự lại đã nổ ra vào sớm ngày 18 tháng 10. So sánh lực lượng lại đã biến đối có lợi cho quân Liên minh. Ngày 16 tháng 10, sau khi mất khoảng 4 vạn quân thì ngày 17 và trong đêm 18 họ đã nhận số quân tiếp viện hùng hậu: để tiếp tục chiến đấu ngày hôm đó họ đã điều ra trận địa số quân đông gần gấp đôi của Na-pô-lê-ông. Trận đánh ngày 18 đã diễn ra kinh khủng hơn cả trận đánh ngày 16. Giữa lúc giao chiến, toàn bộ quân đội người Xắc-Xơ, chiến đấu miễn cưỡng trong hàng ngũ Na-pô-lê-ông, đột nhiên bỏ chạy sang hàng ngũ quân Liên minh và quay súng bắn vào quân Pháp, những người mà vừa đây họ còn chung mục đích. Tuy vậy, Na-pô-lê-ông vẫn tiếp tục chiến đấu với một nghị lực tàn bạo, bất chấp tình thế tuyệt vọng. Khi tiếng súng câm lặng cùng với bóng chiều đổ xuống thì hai bên lại diện đối diện và chiến sự vẫn chưa kết thúc. Nhưng rồi đoạn chót đã đến vào đêm 18 rạng ngày 19. Sau những tổn thất kinh khủng mà Na-pô-lê-ông lại vừa chịu đựng và sau sự phản bội của binh lính Xắc-xơ, Na-pô-lê-ông không thể đương đầu được nữa. Ông quyết định đánh rút lui. Cuộc rút lui bắt đầu vào ban đêm và kéo dài suốt cả ngày 19 tháng 10, trong ngày hôm đó Na-pô-lê-ông đã rút khỏi Lai-xích, vừa đánh vừa rút về phía tây và bị quân Liên minh đuổi gấp. Trận đánh thật là đẫm máu chưa từng thấy vì ở trong các đường phố và ở các cửa ô, quân rút lui ùn lại đông nghịt. Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh phá các cầu đã đi qua, nhưng vì một sự lầm lẫn, công binh đã cho nổ mìn quá sớm: trong khi ấy gần 2 vạn 8 nghìn quân (quân Ba Lan) chưa qua được. Tướng Ba Lan là thống chế Pô-ni-a-tốp-xki, chỉ huy quân đoàn Ba Lan, bị thương, đã chết đuối khi thúc ngựa cố vượt sông En-Xte. Nhưng chẳng mấy chốc, cuộc truy kích cũng ngừng lại.

Tổng số thiệt hại của quân Pháp, từ ngày 16 đến ngày 19 tháng 10 ít nhất là 6 vạn rưỡi người và quân Liên minh cũng đã mất vào khoảng 6 vạn. Nhiều ngày sau đó ở những vùng lân cận thành phố Lai-xích cơn vang lên những tiếng kêu ghê rợn của những binh sĩ bị thương nặng, và mùi hôi thối không thể chịu nổi của những xác chết đã rữa xông lên ngột ngạt khắp vùng. Không có người để thu dọn chiến trường, không có nhân viên y tế để cứu chữa các thương binh và những người bị què cụt.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #248 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:13:03 pm »


IV

Từ Lai-xích, Na-pô-lê-ông lui về tận biên giới nước Pháp, về đến tận tuyến sông Ranh, nghĩa là tuyến ngăn đôi nước Pháp và đế quốc Đức trước khi có những cuộc xâm lược của Na-pô-lê-ông. Xung quanh nhân vật Na-pô-lê-ông nền hội họa Pháp đã nhiều lần gợi lại cái giờ phút báo ứng ấy của định mệnh và những biến cố xảy ra đầu năm 1814. Nét bút thiên tài của Mét-xô-ni-ê đã nắm được tâm trạng của Na-pô-lê-ông: Ông miêu tả Na-pô-lê-ông ngồi trên mình ngựa đi bước một giữa những người lính già và hướng cặp mắt buồn rượi nhằm vào một vật vô hình đằng trước họ. Vào cuối tháng 10 ấy và trong những ngày đầu tháng 11 năm 1813, tức là vào giữa giai đoạn cuối của chiến dịch Xắc-xơ và giai đoạn đầu của chiến dịch Pháp, một cuộc đấu tranh khủng khiếp và chắc chắn là đau xót đã diễn trong tâm can của con người đó, cuộc đấu tranh mà Na-pô-lê-ông không hề nói với một ai trong đám tuỳ tùng đi giữa hàng quân thưa thớt của đội cựu cận vệ kỵ binh nhưng nó đã hiện rõ trên nét mặt nghiêm nghị và cặp mắt ủ dột của ông ta.

Lần đầu tiên, Na-pô-lê-ông buộc phải hiểu rằng đại đế quốc đã sụp đổ: cái khối những quốc gia và dân tộc không đồng nhất, táp nham, mà Na-pô-lê-ông đã cố công gắng sức nhào nặn thành một quốc gia độc nhất bằng thép và lửa trong bao nhiêu năm, nay đang rã rời nát vụn. Muy-ra, người thống chế, người chỉ huy kỵ binh của ông, người anh hùng của biết bao chiến trận, người được ông phong cho làm vua xứ Na-plơ nay lìa bỏ ông. Muy-ra bỏ đi, và Na-pô-lê-ông biết Muy-ra ra đi là để phản bội ông, biết Muy-ra đã bí mật đứng về phía quân Liên minh để giữ lấy ngai vàng. Anh Na-pô-lê-ông là Giô-dép bị quân Anh và nghĩa quân Tây Ban Nha đuổi khỏi bán đảo Tây Ban Nha. Em là Giê-rôm, vua xứ Vét-xpha-li đã trốn khỏi Cát-xen. Đa-vu bị quân Nga và quân Phổ bao vây ở Hăm-bua. Nền thống trị của nước Pháp ở Hà Lan đang lung lay nghiêng ngửa. Nước Anh, nước Nga, nước Áo, nước Phổ chưa dồn được nước Pháp trở về biên giới cũ thì còn chưa chịu. Đại đế quốc, sự nghiệp của Na-pô-lê-ông, đã đến giờ chót: nó đang tan rã ở khắp mọi nơi.

Na-pô-lê-ông hãy còn 10 vạn quân, trong đó 4 vạn sẵn sàng chiến đấu được. Chỉ phải trang bị và tổ chức biên chế số quân còn lại. Ông cũng còn một số quân đóng đồn ở Đan-xích, Hăm-bua và rải rác trong các vùng của châu Âu còn trung thành với đế chế, tổng số khoảng từ 15 đến 18 vạn quân. Những tân binh thuộc lớp năm 1815, đã gọi nhập ngũ năm 1813, đang được huấn luyện cấp tốc ở trong các trại lính.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #249 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2016, 10:13:38 pm »


Na-pô-lê-ông vẫn chua chịu giảng hòa. Ông ta còn nghĩ đến giai đoạn chiến đấu mới, và khi ông ta nói với các thống chế để phá vỡ sự yên lặng não nề của mình thì đó chỉ là để ra các lệnh mới. Hồi này, Na-pô-lê-ông quyết định đưa giáo hoàng về La Mã, cho Phéc-đi-nan, vua nước Tây Ban Nha, bị cầm tù từ năm năm nay, được trở về nước.

Đã phải tổn thất 12 vạn rưỡi người của cả hai bên ở Lai-xích và nhất là vẫn có cuộc rút lui sau lần tàn sát rùng rợn như vậy, Na-pô-lê-ông mới hiểu được rằng một trận đánh lớn không thể cứu vãn tất cả những gì đã xảy ra, không thể xoá nhòa hình ảnh Bô-ri-đi-nô, đám cháy thành Mát-xcơ-va, đại quân bị chôn vùi trong tuyết, sự phản bội của nước Phổ, nước Áo, xứ Xắc-xơ, xứ Ba-vi-e, vương quốc Vét-xpha-li, không thể thanh toán những hậu quả của trận Lai-xích, không thể giải quyết cuộc chiến tranh mà nhân dân Tây Ban Nha đang đương đầu, và đánh bật Oen-lin-tơn cùng quân Anh ra biển. Mãi đến tận tháng 6, tháng 8 của cái năm 1813 khủng khiếp ấy, khi hỏi Mét-te-ních đã nhận bao nhiêu tiền của người Anh, Na-pô-lê-ông vẫn còn có thể giậm chân, đùng đùng nạt nộ, lăng mạ hoàng đế Áo Phran-xơ, khiêu khích nước Áo, phá vỡ các cuộc đàm phán hoà bình, chỉ nghĩ đến phải nhượng lại miền I-ly-ri ở phía nam hoặc những thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền tây-bắc nước Đức mà đã nổi khùng lên; Na-pô-lê-ông vẫn có thể tiếp tục thiêu đốt hàng hoá Anh bị tịch thu, bắn giết những thượng nghị sĩ của thành phố Hăm-bua, nói tóm lại là Na-pô-lê-ông vẫn có thể tiếp tục xử sự tuồng như năm 1812 ông ta chiến thắng quân Nga trở về, và tuồng như vào năm 1813 vấn đề chỉ là trừng phạt nước Phổ dấy nghĩa. Nhưng sau trận Lai-xích, khi về đến gần biên giới nước Pháp cũ, đằng sau là quân địch đông như kiến cỏ đang bám gót, Na-pô-lê-ông thấy cần phải xét lại tất cả tư tưởng chính trị của mình. Nước Pháp đang bị đe doạ xâm lược, phải bảo vệ lấy lãnh thổ của nó.

Trước khi tới sông Ranh, ngày 30 tháng 10, ở Ha-nau, Na-pô-lê-ông còn phải dùng vũ khí với người Ba-vi-e và người Áo, trước đây là đồng minh với ông, để mở đường máu, và ngày 2 tháng 11 năm 1813 khi tới May-ăng-xơ ông hoàng đế chỉ còn 4 vạn quân có thể chiến đấu được. Theo sau họ là một bầy người bị tước vũ khí, kiệt sức và ốm yếu ùa vào thành phố, họ là những người không đáng kể đến nữa, mặc dầu họ vẫn có tên trong những bản báo cáo thực lực quân số.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM