Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:32:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Napoleon Bonaparte  (Đọc 94078 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #230 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:52:24 pm »


Chính hoàng đế và các thống chế của ông ta cũng như nhiều tác giả quân sự xưa và nay đã và đang ca ngợi Na-pô-lê-ông, coi cuộc vượt sông Bê-rê-đi-na là một trong những chiến công đẹp đẽ nhất của Na-pô-lê-ông. Một số người khác lại cho đó là một điều may mắn cho những sai lầm và sự thiếu linh hoạt của Chít-sa-gốp và Vít-ghen-stai mang lại, cũng như do sự bối rối của A-lếch-xan gây ra: A-lếch-xan đã bất chấp Cu-tu-dốp, từ Pê-téc-bua gửi thẳng cho các tướng lính một kế hoạch bao vây Na-pô-lê-ông, kế hoạch mà Cu-tu-dốp cho là ngu ngốc. Kha-kê-vích, nhà viết sử quân sự người Nga đã cho xuất bản vào năm 1894 một cuốn khảo cứu đặc biệt nhan đề là Sông Bê-rê-đi-na, đến tận bây giờ cuốn sách ấy vẫn được coi là mẫu mực. Qua cuốn sách ấy, người ta thấy rõ là Cu-tu-dốp cũng chẳng buồn thực hiện kế hoạch của A-lếch-xan, và chính vì cố ý mà Cu-tu-dốp đã không đi gấp tới sông Bê-rê-đi-na, trong khi ông có đầy đủ khả năng tới đó đúng lúc. Việc nghiên cứu kỹ các tài liệu của Chít-sa-gốp cũng như của Ec-mô-lốp, của Đê-ni Đa-vi-đốp và ngay cả của chính Cu-tu-dốp để lại, đã dẫn tôi đến chỗ phải thừa nhận rằng rất khó bác bỏ được ý kiến của Kha-kê-vích. Giống như A-púc-tin, Kha-kê-vích cho rằng sự sợ hãi, một sự sợ hãi đầy kinh hoàng khi đứng trước Na-pô-lê-ông, đã làm Vít-ghen-stai và Chít-sa-gốp tê liệt đến nỗi họ không làm những điều đáng lẽ ra phải làm. Mặt khác, Kha-kê-vích đánh giá các cuộc hành binh của Na-pô-lê-ông là đúng đắn hợp lý.

Dẫu sao, tàn quân Pháp cũng đã thoát thân; họ tiếp tục hành quân rút về Vin-na. Nhưng sau cơn tuyết tan nhất thời đã buộc phải bắc cầu qua sông Bê-rê-đi-na, thì đột nhiên cái rét kinh khủng lại kéo đến. Hàn thử biểu hạ xuống 15, rồi 20, 26, 28 độ dưới không độ, và binh lính gục chết hàng chục, hàng trăm người một lúc. Những người còn sống sót phải đi giãn ra để tránh những người chết và những người hấp hối, rồi lại bám chặt lấy nhau và tiếp tục đi trong suốt thời gian rút lui khốn đốn ấy, chưa bao giờ họ phải chịu đựng những cơn rét khủng khiếp như vậy. Đằng sau họ, Cu-tu-dốp vẫn bám sát. Tuy được mặc ấm hơn quân Pháp rất nhiều nhưng binh sĩ của Cu-tu-dốp cũng đã lao đao vì rét. Chỉ cần nói rằng sau trận Bô-ri-đi-nô, khi tăng cường quân đội vào tháng 10, thoạt tiên Cu-tu-dốp rời Ta-ru-ti-nô để đi Ma-lôi-a-rô-xla-vét, rồi sau đó truy kích Na-pô-lê-ông, Cu-tu-dốp trên 9 vạn 7 nghìn người mà vào giữa tháng chạp, khi đến Vin-na thì ông chỉ còn chưa đầy 2 vạn 7 nghìn 5 trăm người. Khi rời Ta-ru-ti-nô, Cu-tu-dốp có 662 khẩu pháo nhưng ở dọc đường bị thiệt 425 khẩu, chỉ còn lại khoảng chừng 200 khẩu. Đó là những nỗi khó khăn gian khổ của những cuộc hành quân không ngừng, không nghỉ trong suốt cả một mùa đông rét mướt một cách rất đặc biệt ấy.

Cũng cần phải nói thêm rằng, mối sợ hãi đáng kể duy nhất của Na-pô-lê-ông là sợ bị Cu-tu-dốp đưa quân chủ lực ra tiến công ông. Sự thật là, tuy bằng cách đột kích vào các đoàn xe, quấy rối đội hậu vệ, quân Cô-dắc đã làm cho tình thế của quân đội Pháp đang rút lui trở nên hết sức bối rối, nhưng rất tự nhiên là họ không thể đơn độc chiến đấu với quân Pháp được, ở Cra-xnô-e họ đã đóng một vai trò quan trọng, nhưng vẫn là phụ; còn đối với quân du kích thì dẫu sao quân Pháp cũng không sợ như đội của Đa-vi-đốp, của Phít-nơ, của Đô-rô-khốp, Xét-la-vin, Vát-bon-xki, Cu-đa-sép và hai, ba đội khác nữa. Quân Pháp không coi họ như quân chính quy và hầu như không bao giờ giữ họ làm tù binh: bắt được là đem bắn hết. Vả lại, quân du kích cũng hành động như vậy, họ thích giết đối phương đã sa vào tay họ. Phít-nơ nổi tiếng là một tay rất quyết liệt. Trong hàng ngũ của quân du kích có cả sĩ quan, binh sĩ giải ngũ, những người tình nguyện. Những bút ký của người Pháp hầu như không bao giờ nhắc đến họ, trong khi ấy lại nói nhiều đến quân Cô-dắc và thừa nhận những tổn thất nặng nề do những đội kỵ binh Cô-dắc rất cơ động và ẩn hiện bất thần đã gây cho quân đội rút lui của Na-pô-lê-ông những trận tập kích liên tiếp và đột ngột, rồi sau đó lại lập tức biến đi mất. Quân du kích chỉ công kích vào những đơn vị đã hoàn toàn bị tan rã mà lúc đó họ có thể thanh toán ngay được.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #231 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:52:59 pm »


Đây là bức họa chân thật của Đê-ni Đa-vi-dốp, người chỉ huy du kích nổi tiếng, đã ghi lại: "Cuối cùng đội cựu cận vệ xuất hiện và chính đích thân Na-pô-lê-ông đi ở giữa... Nhảy lên mình ngựa, chúng tôi lại chạy ra bố trí ở ven đường cái lớn. Trông thấy những đám người hỗn độn của chúng tôi, quân địch vẫn ngang nhiên tiếp tục hành quân, súng lên đạn sẵn, bước đi đều đặn. Chúng tôi định cố bắt cho kỳ được dù chỉ là một tên trong hàng ngũ chặt chẽ ấy nhưng chúng tôi đã uổng công; như một khối đá hoa cương còn nguyên vẹn, chúng cứ đi với vẻ khinh thường mọi cố gắng của chúng tôi. Không bao giờ tôi quên được quân dung dũng mãnh và oai phong đáng sợ của những người chiến sĩ đã từng coi thường mọi cái chết ấy. Đầu đội mũ lông, quân phục màu xanh với những dây đeo súng màu trắng, gù vai và những chòm lông đỏ trên mũ của họ rực rỡ như những chùm hoa pa-vốt trên cánh đồng trắng tuyết... Mọi cuộc công kích có tính chất châu Á của chúng tôi đều không có hiệu lực gì đối với cái đội ngũ chặt chẽ của châu Âu... hàng ngũ của họ vẫn nối tiếp nhau đi tới, vừa gạt đuổi chúng tôi ra bằng những tràng súng vừa cười chúng tôi đã uổng công phi ngựa vây quanh họ. Trong ngày hôm đó, chúng tôi còn bắt được một viên tướng, nhiều xe cộ khí tài và đến 700 tù binh nhưng đội cận vệ của Na-pô-lê-ông đã đi qua đám quân Cô-dắc của chúng tôi như một chiến hạm có hàng trăm cỗ pháo băng qua một đoàn thuyền đánh cá nhỏ".

Chúng ta nên chú ý rằng, ngày hôm ấy quân du kích đã phối hợp với quân Cô-dắc, điều đó cắt nghĩa tại sao họ lại bắt được 700 tù binh. Tuy vậy họ vẫn là những trinh sát viên tuyệt vời đã thường xuyên cung cấp cho Cu-tu-dốp và các tướng lĩnh của ông nhiều tin tức quý báu. Bây giờ nên nói đến cuộc chiến tranh nhân dân năm 1812.

Ở Nga, hình thái cuộc "chiến tranh nhân dân" ít nhiều có khác với ở Tây Ban Nha, mặc dù tính chất ác liệt của Nga đã làm cho Na-pô-lê-ông phải nhớ đến Tây Ban Nha.

Ở Nga, cơn phẫn nộ của nhân dân đối với kẻ xâm lược ngày một lên cao. Ngay từ buổi đầu của cuộc chiến tranh, nhân dân Nga đã chỉ nhìn thấy rõ có một điều: một kẻ địch hung bạo và xảo quyệt đã vào đất Nga, tàn phá xứ sở và cướp bóc dân chúng. Ý thức về nỗi nhục nhã khi tổ quốc bị tan nát, lòng khát khao trả thù cho các thành phố bị tàn phá và các làng mạc bị thiêu hủy, cho Mát-xcơ-va bị hủy hoại và bị phá phách, cho tất cả những sự khủng khiếp của nạn xâm lược, lòng mong muốn bảo vệ nước Nga và trừng phạt kẻ xâm lược hung ác, tất cả những tình cảm đó đã dần dần thấm sâu vào lòng toàn dân. Nông dân tập hợp thành những đội nhỏ, bắt và giết không tiếc những lính Pháp đi rớt lại sau. Khi quân Pháp ló mặt đi tìm thóc và cỏ ngựa thì thông thường, nông dân vũ trang chống lại rất dữ dội và nếu thấy toán quân Pháp mạnh hơn họ thì họ trốn vào rừng, sau khi đã đốt hết thóc và cỏ ngựa. Và đó là điều làm cho kẻ địch ghê sợ nhất.
Ở Nga, có khi nông dân tập hợp thành từng đoàn đột kích vào những đội quân địch, đặc biệt như trường hợp cuộc rút lui của Na-pô-lê-ông, điều mà người ta không thấy diễn ra ở Tây Ban Nha; ở Tây Ban Nha, nông dân không có sự giúp đỡ của quân đội, đã tự mình bao vây và bức từng trung đoàn quân Pháp phải đầu hàng. Nhưng ở Nga, nông dân hăng hái tham gia các đội quân du kích, giúp đỡ quân du kích mọi bề, chỉ lối dẫn đường, cung cấp lương thực và tin tức cho quân đội Nga.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #232 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:53:31 pm »


Nhưng trước hết dân tộc Nga đã biểu thị ý chí kiên quyết bảo vệ tổ quốc của mình bằng tinh thần chiến đấu kiên cường bất khuất trong những trận đánh sống mái ở Xmô-len, ở Cra-xnô-e, ở Bô-ri-đi-nô, ở Ma-lôi-a-rô-xla-vét, cũng như trong vô vàn cuộc giao chiến nhỏ khác. Nếu như quân Pháp thấy rằng ở Nga họ không phải đối phó với một cuộc chiến tranh nhân dân thực sự như ở Tây Ban Nha thì lý do chủ yếu là vì quân đội Tây Ban Nha đã bị Na-pô-lê-ông tiêu diệt xong và, đã từ bao nhiêu tháng ròng rã, người nông dân là những người duy nhất có thể chiến đấu được, song ở Nga thì quân đội Nga chưa bao giờ bị tiêu diệt. Do đó, lòng căm thù của nhân dân đối với kẻ xâm lược và ý chí tống cổ chúng ra khỏi nước Nga đã được biểu thị một cách có tổ chức hơn trong hàng ngũ của quân đội chính quy. Qua các tài liệu chúng ta được biết rằng lúc thời bình việc trưng binh đã bị mọi người coi là bổn phận cực khổ nhất, nhưng năm 1812, nông dân thuộc xứ Tăm-bốp nhảy múa vui mừng khi họ được người ta tuyển vào quân đội.

Và những con người nhảy múa vui mừng vì được nhập ngũ ấy đã chiến đấu và hy sinh anh dũng trong các cuộc huyết chiến.

Sau cuộc rút bỏ Mát-xcơ-va của quân Pháp, sau trận Ma-lôi-a-rô-xla-vét, sau những ngày rét đầu tiên và cùng với sự tan rã ngày càng tăng của quân đội Pháp luôn luôn bị quân của Cu-tu-dốp đuổi sát gót, đã phát sinh hiện tượng mà những người đương thời gọi là "hoạt động du kích" và sau này người ta gọi là "chiến tranh dân tộc". Những người chỉ huy du kích như Phít-nơ, Đa-vi-đốp, Xét-la-vin, Cu-đa-sép, Vát-bon-xki và nhiều người khác nữa đều là những sĩ quan của quân đội chính quy Nga; họ được phép và có nhiệm vụ thành lập các đội khinh binh, bao gồm binh sĩ và những người tình nguyện, để quấy rối đánh chặn quân Pháp đang rút lui bằng những trận đột kích bất ngờ vào các đoàn xe, các đơn vị đi rớt lại sau, và, nói chung, vào những vị trí mà những "toán quân" nhỏ đó (vài trăm người) có thể tiến công và thu được thắng lợi. Trong các tổ chức du kích ấy có binh sĩ, có quân Cô-dắc, có dân quân mới tổng động viên và những nông dân tình nguyện.

Tất cả những điều đó tôi đã viết tỉ mỉ trong cuốn sách nhan đề là Cuộc xâm lược nước Nga của Na-pô-lê-ông.

Sau khi vượt qua sông Bê-rê-đi-na, quân số của quân đội Pháp bị giảm sút hơn nữa, không phải chỉ vì những cơn rét khủng khiếp, mà còn vì sư đoàn của Pác-tu-nô bị tiêu diệt, số là sư đoàn Pác-tu-nô, được lệnh của Na-pô-lê-ông ở lại quanh vùng Bô-rít-xốp để đánh bạc hướng Chít-sa-gốp, đã bị quân chủ lực của Cu-tu-dốp tiến công, bị bao vây bốn phía và sau khi bi thiệt hại mất già nửa số 4 nghìn quân trong hai ngày chiến đấu, đã phải đầu hàng.

Đến Vin-na, tàn quân Pháp thấy mình đã sắp thoát khỏi tai nạn bị tiêu diệt đang treo trên đầu. Họ lê tới thành phố kiệt lả đi vì rét và vì mệt nhọc, thảm hại không sao tả xiết. Vài đơn vị còn đang chiến đấu: cách Vin-na không xa, Nây và Me-dông phản pháo mãnh liệt vào quân Nga đang đuổi riết, và cuộc truy kích của quân Nga đã phải dừng lại mất mấy ngày.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #233 vào lúc: 16 Tháng Sáu, 2016, 07:55:15 pm »


Việc tiến quân vào Vin-na thật vô cùng hỗn độn, binh sĩ các đơn vị ẩu đả nhau vì tranh giành nhà ở và lương thực, họ đổ xô đi cướp phá các kho hàng và các cửa hiệu. Từ ngày 10 đến 12 tháng 12, quân Pháp tiếp tục rút về Cốp-nô và vẫn còn có thể đánh lui được quân Cô-dắc đang truy kích họ. Cu-tu-dốp cùng với quân chủ lực còn cách Vin-na vài chặng đường. Không nán lại lâu ở Cốp-nô, đám tàn quân vượt sông Ni-ê-men đóng băng. Chiến dịch Mát-xcơ-va khủng khiếp đã chấm dứt. Số 42 vạn quân vượt biên giới hồi tháng 6 năm 1812 và số 15 vạn quân sau này từ châu Âu liên tiếp kéo tới, đến tháng chạp cùng năm ấy, chỉ còn là những tốp nhỏ, lẻ tẻ như vậy quay về, tan tác vượt sông Ni-ê-men lần nữa. Với số quân đó, sau này người ta đã tổ chức lại được ở Phổ và Ba Lan một quân đoàn tổng số khoảng 3 vạn người, chủ yếu gồm các đơn vị ở lại làm nhiệm vụ bảo vệ sườn trong sáu tháng qua, đã không tham gia cuộc tiến công vào Mát-xcơ-va. Còn bao nhiêu thì đã chết hoặc đã bị bắt. Theo những sự tính toán lạc quan nhất, số bị bắt làm tù binh không vượt 10 vạn người. Tất cả số còn lại đã chết ở trên các chiến trường, nhất là chết rét, chết đói, chết vì kiệt sức và vì bệnh tật trong khi rút lui.

Một tuần lễ trước khi quân đội rời khỏi biên giới Nga, ngày 6 tháng 12 năm 1812, tại thị trấn nhỏ Xmoóc-gô-ni giao quyền chỉ huy lại cho Muy-ra, Na-pô-lê-ông đã từ giã quân đội, cùng với Cô-lanh-Cua, Đuy-rốc, Lô-bô và viên sĩ quan Ba Lan Von-xô-vích.

Khi báo cho các thống chế biết việc lên đường của mình, việc mà họ phản đối một cách cung kích, Na-pô-lê-ông đã giải thích cho họ rằng quân đội không còn nguy cơ bị bắt như trước lúc vượt sông Bê-rê-đi-na nữa, và Na-pô-lê-ông tin tưởng rằng không có mình, các thống chế cũng có thể dẫn quân đội về đến nước Phổ là đất đồng minh, nghĩa là đến sông Ni-ê-men. Nhưng sự có mặt của Na-pô-lê-ông ở Pa-ri là cần thiết, vì ngoài Na-pô-lê-ông ra không ai có thể đứng ra tổ chức được một đội quân mới bằng các cuộc trưng binh thất thường, ít ra là 30 vạn người cần thiết để mùa xuân tới đương đầu với mọi kẻ thù bất trắc. Để can ngăn việc lên đường của Na-pô-lê-ông, các thống chế đã bày tỏ nỗi lo sợ của họ là nếu hoàng đế vắng mặt thì quân đội sẽ hoàn toàn tan rã, bởi họ đã phải chịu đựng biết bao nhiêu khủng khiếp, và chỉ có sự có mặt của hoàng đế mới có thể giữ vững được họ.

Na-pô-lê-ông hoàn toàn bình tĩnh khi nói điều đó với các thống chế. Các thống chế hiểu rõ rằng không phải vì khiếp nhược mà Na-pô-lê-ông từ giã quân đội, hiểu rằng hiện nay tính mệnh Na-pô-lê-ông đã thoát khỏi hiểm nghèo, và chính họ đã biết bao lần được mục kích Na-pô-lê-ông không chút cau mày khi dấn mình vào những nguy hiểm thật sự, trước mặt. Không tỏ vẻ xúc động, Na-pô-lê-ông đã nói với các thống chế về cuộc chiến tranh khủng khiếp này, cuộc chiến tranh do ông ta tiến hành và làm thất bại, về sự tổn thất của đại quân; đó là một sự việc đáng phàn nàn, hẳn rồi, nhưng trong đó phải thấy một sự không may hơn là một sai lầm: thời tiết ma quái không lường trước được, v.v. Tuy nhiên Na-pô-lê-ông cũng đã thú nhận ngay rằng bản thân ông ta đã có những sai lầm, chẳng hạn như đã quá kéo dài thời gian ở lại Mát-xcơ-va. Rốt ruộc, trong cuộc chuyện trò ấy, các bạn chiến đấu của Na-pô-lê-ông đã không khám phá được trong tâm hồn ông ta chút gì bối rối hay ngã lòng nản chí. Na-pô-lê-ông đã nghiêm ngặt yêu cầu các thống chế lúc này phải giữ kín việc lên đường của mình, vì cần phải giữ cho tinh thần binh sĩ không bị suy sụp hẳn trong những ngày còn chưa tới được sông Ni-ê-men, nhưng điều này còn cần hơn: phải để cho hoàng đế vượt qua được nước Đức trước khi ở đó người ta biết được sự thật về thất bại của đại quân và biết được là hoàng đế đi đường không có hộ giá.

Hoàng đế ra đi để thành lập một đạo quân mới, điều mà hoàng đế không thể không làm, phải làm rất nhanh, và hoàng đế sẽ còn đẩy các thống chế và đạo quân ấy xông pha dưới làn đạn rất nhiều lần nữa: các thống chế không nghi hoặc gì điểm ấy.

Tiễn đưa ông hoàng đế ra xe trượt tuyết, các thống chế chú ý quan sát ông trong khi ông lên xe ngồi với Cô-lanh-Cua: ông cũng đã tỏ ra phải bình tĩnh như bốn tháng sau, khi cầm đầu nhiều binh đoàn mới rời nước Pháp để đi đàn áp châu Âu khởi nghĩa. Trong số các thống chế, có nhiều người đã tham dự tất cả mọi trận đánh của Na-pô-lê-ông, kể từ trận tiến đánh nước Ý lần đầu tiên cho đến chiến dịch nước Nga, và họ đã nghĩ rằng không bao giờ họ còn có dịp thấy trận nào ác liệt hơn trận Bô-ri-đi-nô nữa. Họ chưa tính trước được trận Lai-xích. Vun vút chìm biến vào bầu trời đầy tuyết của một buổi tối tháng chạp, chiếc xe chở đi một con người chỉ chịu bỏ mất đất đai của châu Âu, đất đai mà ông ta đã chiếm được, sau khi đã chiến đấu một mất một còn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #234 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 10:09:42 pm »


CHƯƠNG MƯỜI BỐN

CHÂU ÂU CHƯ HẦU NỔI DẬY CHỐNG NA-PÔ-LÊ-ÔNG
“TRẬN CÁC QUỐC GIA”
“ĐẠI ĐẾ QUỐC” BẮT ĐẦU SUY VONG
1813



I

Thoạt tiên đi bằng xe trượt tuyết, rồi xe ngựa, Na-pô-lê-ông đã vượt qua Ba Lan, Đức và Pháp trong 12 ngày, và sáng 18 tháng 12 năm 1812 thì về đến điện Tuy-lơ-ri. Biết được những sự nguy hiểm có thể xảy ra tới trong những ngày khốn đốn này, Na-pô-lê-ông đi rất bí mật: ông không ngộ nhận những tình cảm chân thật của người Đức đối với mình. Cô-lanh-Cua, người đi theo Na-pô-lê-ông, có kể lại sự tuyệt đối bình tĩnh, lòng can đảm, nghị lực và ý chí tiếp tục chiến đấu của Na-pô-lê-ông. Khi bàn về cuộc chiến tranh vừa kết thúc, ông hoàng đế đã nói với Cô-lanh-Cua rằng nếu như ông ta đã phạm sai lầm thì không phải sai lầm về mục đích, cũng như về thời cơ chính trị của cuộc chiến tranh, mà sai lầm về phương pháp chỉ đạo chiến tranh. Na-pô-lê-ông cho rằng nếu cứ ở lại Vi-tép thì bây giờ A-lếch-xan đã phải quy hàng dưới gối. Tóm lại, trong khi trao đổi, Na-pô-lê-ông đã nói bằng giọng của một nhà quán quân chỉ trích những thiếu sót của mình sau một ván cờ bị thua, trước khi mở đầu một ván khác mà ông ta quyết thắng: không mảy may ghê sợ dĩ vãng, không hề nghĩ đến sự giảm sút uy tín khuynh đảo cả thiên hạ của bản thân, cũng không hề có dấu hiệu suy sụp tinh thần như người ta đã luôn luôn thấy rất rõ ở Na-pô-lê-ông vào những năm 1810 - 1811, thời kỳ Na-pô-lê-ông đang có đầy dẫy uy quyền và danh vọng, về mặt ấy thì chiến tranh là thế giới, là sự sống của Na-pô-lê-ông, lúc nào Na-pô-lê-ông cũng làm cho người ngoài cảm thấy ông là một người tràn trề sức sống, thở đầy lồng ngực, và, kể từ khi lên xe ngồi với Cô-lanh-Cua, vấn đề duy nhất mà Na-pô-lê-ông quan tâm lo lắng là cuộc chiến tranh là sự chuẩn bị về mặt ngoại giao và quân sự cho cuộc chiến tranh đó. Có phải rằng rồi đây sẽ chỉ chiến đấu với riêng người Nga như vừa qua không? châu Âu có nổi dậy không và nước nào sẽ giương ngọn cờ khởi nghĩa trước tiên; liệu có thể (và bằng cách nào) ngừa trước được cuộc nổi dậy đó không? Phải mất bao nhiêu tháng mới tổ chức được một đạo quân mới?

Dọc đường, Na-pô-lê-ông dừng lại ở Vác-sa-va và cho gọi giáo sĩ Prát, đại sứ Pháp ở triều đình vua xứ Xắc-xơ; chính Prát cũng phải sững sờ kinh ngạc trước sự bình tĩnh của Na-pô-lê-ông. Chính trong cuộc gặp gỡ này, Na-pô-lê-ông đã nói những lời nổi tiếng sau đây: "Từ chỗ tuyệt vời đến chỗ lố bịch, chỉ có một bước mà thôi", và hậu thế sẽ phê phán điều đó. Nhưng Na-pô-lê-ông đã nói thêm rằng, chẳng bao lâu nữa ông sẽ quay lại sông Vi-xtuyn một đạo quân 30 vạn người và quân Nga sẽ phải trả thắng lợi của họ bằng một giá đắt, những thắng lợi không phải thuộc về bản thân họ, mà thuộc về thiên nhiên. Ai chẳng có lúc nếm mùi thất bại! Đương nhiên là chưa có ai đã phải chịu đựng những thất bại tương tự. Na-pô-lê-ông thú nhận như vậy, song bao giờ thất bại cũng tương xứng với cảnh ngộ, hơn nữa, rồi đây những thất bại ấy sẽ được đền bù.


Như trên đã nói, Na-pô-lê-ông về đến Pa-ri ngày 18 tháng 12, và ông nhận ngay ra là tinh thần dân chúng sụt xuống rất nhiều. Hai ngày trước khi Na-pô-lê-ông về đến thủ đô, những tin chẳng lành, đồn đại từ lâu, đã được xác nhận bằng bản tin quan trọng số 29 trong đó hoàng đế đã nói một cách khá chân thật về chiến dịch nước Nga và sự kết thúc của nó. Tang tóc gieo xuống hàng chục vạn gia đình đã làm cho không khí cả nước Pháp trở nên đặc biệt nặng nề.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #235 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 10:10:38 pm »


Những ngày tiếp theo, Na-pô-lê-ông tiếp kiến các bộ trưởng, các ủy viên Hội đồng chính phủ và Thượng nghị viện. Bằng những lời lẽ nghiêm khắc và khinh bỉ, Na-pô-lê-ông phê phán các nhà cầm quyền thiếu nhanh trí trong vụ tướng Ma-lê và yêu cầu họ phải báo cáo về cách xử trí của họ, nhưng ông ta chỉ nói phớt qua về chiến dịch nước Nga và cũng chẳng thèm trình bày chi tiết về vấn đề đó.

Các quan đại thần và các đình thần tiếp đón Na-pô-lê-ông bằng thái độ nịnh hót, khúm núm quen thuộc của bọn họ. Với lòng sốt sắng vô hạn, chủ tịch Thượng nghị viện La-xê-pét đề nghị cho phép ông ta được chính thức tiến hành tổ chức lễ đăng quang cho người thừa kế hoàng đế lúc đó mới một tuổi rưỡi, để "tượng trưng cho sự kế tục của triều đại”; cả Thượng nghị viện khom lưng cúi xuống dưới chân ông hoàng đế đang ngồi trên ngai. Trong bài diễn văn đọc trước Thượng nghị viện, quan sát cái cách nhắc đến chiến dịch nước Nga của Na-pô-lê-ông, người ta thấy rõ ràng là ông ta lại nuôi các ảo mộng mà dường như ông ta đã hoàn toàn từ bỏ khi ra lệnh cho thống chế Moóc-chi-e phá hoại điện Crem-li: ông ta cho rằng bây giờ cũng vẫn còn có khả năng ký hòa ước với A-lếch-xan bằng cách tuyên bố hai bên phân thắng bại.

"Cuộc chiến tranh mà tôi theo đuổi là một cuộc chiến tranh chính trị. Tôi đã tiến hành cuộc chiến tranh đó với lòng căm thù, và tôi đã cố tránh cho nước Nga những tai họa do chính nước Nga tự gây ra. Lẽ ra tôi đã có thể vũ trang cho một bộ phận nhân dân Nga chống lại nước Nga bằng cách tuyên cáo cho nông dân được tự do... Một số lớn làng mạc, thôn xóm đã yêu cầu tôi làm việc đó, nhưng tôi phải từ chối cái biện pháp đưa hàng nghìn gia đình đến chỗ chết ấy...". Không đếm xỉa đến các nguyên lão nghị viện, thật ra Na-pô-lê-ông đã nói với các lãnh chúa Nga và với hoàng đế của họ, với kẻ "đứng hàng đầu" trong bọn họ (sau này em hoàng đế A-lếch-xan đệ nhất là Ni-cô-la Páp-lô-vích định nghĩa các Sa hoàng Nga như vậy). Lúc này Na-pô-lê-ông đòi Nga hoàng và các lãnh chúa phải biết ơn ông ta về việc đã tha cho bọn họ một cuộc nổi loạn của nông dân chống quý tộc theo kiểu Pu-gát-sép, tuồng như chẳng bao giờ Na-pô-lê-ông có ý định dùng đến thủ đoạn ấy cả. Tất cả những sự quỵ lụy ấy của bọn đại thần trong đế chế và của những người cầm quyền, cả tấn hài kịch dối trá hèn hạ đó, mà từ trên ngai vàng ông hoàng đế đã đáp lại cũng bằng một sự dối trá ngạo mạn và nóng nảy, chỉ là một thủ đoạn do tình thế bức bách và nhằm đánh lạc hướng chú ý của nước Pháp và của châu Âu. Hai mục tiêu quan trọng bậc nhất của Na-pô-lê-ông là trước hết phải tổ chức được một đạo quân, sau nữa là phải đảm bao được một sự viện trợ, bằng không thì cũng phải tranh thủ được sự trung lập của nước Áo và hết sức cố gắng để có thể của cả nước Phổ nữa.

Mục tiêu thứ nhất đã đạt được dễ dàng, mau lẹ. Khi còn ở trên đất nước Nga, Na-pô-lê-ông đã hạ lệnh cho gọi trước kỳ hạn lớp quân địch năm 1813, và vào mùa xuân cùng năm đó việc huấn luyện tân binh căn bản cũng đã hoàn thành. Người ta phải vất vả lắm mới gọi được vạn tân binh. Ngay từ năm 1812, Na-pô-lê-ông đã chỉ thị cho thành lập "những đoàn quân vệ quốc" để khi cần đến ông ta sẽ sáp nhập tất cả vào quân đội, coi như là làm theo nguyện vọng của họ, tuy rằng nhiệm vụ của đoàn vệ quốc đã được xác định rõ là giữ gìn an ninh trong nội địa của đế chế. Việc ấy cũng đã đem lại cho Na-pô-lê-ông thêm 10 vạn người. Tháng 6 năm 1812, Na-pô-lê-ông để lại ở nước Pháp và nước Đức chư hầu 23 vạn 5 nghìn người, đó là lực lượng mà hiện Na-pô-lê-ông có thể tin cậy được. Cuối cùng, còn lại vài nghìn người (sau này tính đúng thì vào khoảng 3 vạn người) sống sót trong chiến dịch nước Nga; thật ra, những quân đoàn được Na-pô-lê-ông tách ra cho về cánh bắc (hướng Ri-ga và Pê-téc-bua) và cánh nam (Grốt-nô) bị thương vong ít hơn rất nhiều so với những quân đoàn đã chiến đấu ở Bô-ri-đi-nô, nhưng sau này, trong hai tháng rút lui Mát-xcơ-va về sông Ni-ê-men, chúng đã bị tan rã.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #236 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 10:11:12 pm »


Như vậy, ông hoàng đế đã có đủ lý do để hy vọng rằng vào mùa xuân năm 1813 sẽ có một đội quân từ 40 đến 45 vạn người, chứ không phải 30 vạn. Trong khi thừa nhận rằng con tính ấy có thể là quá lạc quan, Na-pô-lê-ông cũng vẫn không hoài nghi gì về khả năng tập hợp một quân đội cực mạnh; trong một thời gian rất ngắn cần phải tích cực xúc tiến việc cung cấp, tu bổ, bổ sung quân dụng, quân nhu, những xưởng công binh, pháo binh, nói tóm lại, tất cả các loại vật chất khí tài, Na-pô-lê-ông đã làm việc suốt ngày để tổ chức trang bị và huấn luyện quân lính.

Mùa xuân năm 1813, sau khi A-lếch-xan làm thinh trước những ý kiến ngắn gọn mong muốn hòa bình của Na-pô-lê-ông bộc lộ trong bài diễn văn đọc trước Thượng nghị viện, hệt như vào mùa thu năm 1812 đối với những bức thư chuyển qua tay Tu-ton-min, I-a-cốp-lép và Lô-rít-tông, thì giờ đây, Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn tin chắc rằng ông ta sẽ phải gặp quân Nga ở sông Vi-xtuyn và sẽ đánh cho nó tan tành. Na-pô-lê-ông biết rõ rằng mùa đông năm 1812 đã làm cho Cu-tu-dốp thua thiệt nặng nề, mặc dù ông ta còn chưa biết rằng trong hai tháng trời truy kích từ Ta-ru-tơ-nô đến Ni-ê-men, Cu-tu-dốp đã mất hai phần ba số quân có lúc đầu là 10 vạn, và hơn hai phần ba số pháo. Với tình hình đường sá tồi tàn quá đỗi và bằng vào các phương pháp được dùng dưới chế độ nông nô, Na-pô-lê-ông cho rằng Cu-tu-dốp không thể nhanh chóng lấp lỗ hổng số quân có khả năng chiến đấu đã bị hao hụt và tổ chức lại pháo binh. Không nhắc lại những sai lầm của cuộc xâm lược, Na-pô-lê-ông yên lặng chờ đợi quân Nga trên sông Vi-xtuyn và Ni-ê-men để đánh bại ở đó.

Song một vấn đề đáng sợ khác đã tự đặt ra: quân Nga có đơn độc hay không? Từ tháng 12 năm 1812, tướng Phổ Y-oóc, dưới quyền chỉ huy của thống chế Mắc-đô-man (nước Phổ lúc này vẫn là "đồng minh" của Na-pô-lê-ông) chẳng đã bỗng nhiên chạy sang hàng ngũ quân Nga rồi đó sao. Đúng là Phri-đrích Vin-hem quá khiếp nhược đã vội vàng không thừa nhận Y-oóc, nhưng Na-pô-lê-ông cũng biết rằng nếu vua Phổ không đứng về phía người Nga thì có thể sẽ bị người Nga lật đổ, vả chăng chỉ nội những lý do chủ quan của mình, Phri-drích Vin-hem cũng đã lâm vào nguy cơ bị người Nga lật đổ. Na-pô-lê-ông cũng biết rằng sẽ rất ngu xuẩn nếu không tính đến việc nước Phổ bị ông áp bức lại không tìm cách thoát khỏi sự đô hộ của ông ta, một khi quân đội Nga tiến vào nước Phổ.

Cu-tu-dốp phản đối việc kéo dài chiến tranh, không phải chỉ vì ông thấy không có lý gì để máu của người Nga tiếp tục chảy để giải phóng nước Phổ và các quốc gia Đức, mà còn vì một lý do đơn giản và hiển nhiên nữa là Cu-tu-dốp đã nhìn thấy trước những khó khăn ghê gớm do cuộc chiến tranh với Na-pô-lê-ông đẻ ra, khi mà quân đội Nga yếu hơn về số quân và đã kiệt sức. Nhưng A-lếch-xan khăng khăng không hòa giải. Ông ta xuất phát từ nhận định rằng nếu để Na-pô-lê-ông được ngơi một thời gian thì cũng như để toàn thể châu Âu nằm dưới quyền thống trị của Na-pô-lê-ông như trước đây và sẽ làm cho sự uy hiếp sông Ni-ê-men trở thành thường xuyên và không thể nào tránh được. Nhưng nếu quân đội Nga, một khi đã ở lãnh thổ Phổ, được tăng viện thêm thì rõ ràng là vua Phổ sẽ bị buộc phải xuất quân đánh hoàng đế Pháp.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #237 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2016, 10:13:06 pm »


Hành động của nước Áo cũng chẳng còn làm vừa lòng Na-pô-lê-ông nữa. Nước Áo (với tư cách là "đồng minh" của Na-pô-lê-ông) coi như đã chiến tranh với Nga từ năm 1812, thì nay, bố vợ Na-pô-lê-ông. Hoàng đế Phran-xơ và Mét-te-ních1, người đang lãnh đạo đường lối chính trị ở Áo, đã ký một "hiệp định đình chiến" với nước Nga, và tất nhiên là bất chấp những mối quan hệ thân quyền mới đây, ông hoàng đế nước Áo đã coi hoàn cảnh mà chàng rể ông ta đang lâm phải là một đặc ân không mong mà đến của vận mệnh và như một bảo đảm cho sự giải phóng nước Áo thoát khỏi cái ách khủng khiếp đã đè nặng lên mình từ trận Va-gram và hòa ước Sơn-brum.

Trong những cảnh ngộ khó khăn như vậy, hoàng đế Pháp đã nhớ đến cái việc xảy ra năm 1809: sau khi chiếm được thành Rôm, Na-pô-lê-ông đã cho bắt và đưa giáo hoàng đến Xa-von và năm 1812, trước khi đi Mát-xcơ-va, Na-pô-lê-ông lại ra lệnh dẫn giáo hoàng từ Xa-von đến Phông-ten-nơ-blô. Hơn nữa, người ta đã tạo cho mọi người thấy rằng những cảnh binh đi vây quanh chiếc xe của giáo hoàng không có gì khác hơn là một đội quân danh dự hộ tống, và trong thời gian giáo hoàng ngụ tại hoàng cung ở Phông-ten-nơ-blô thì cũng không có gì để có thể nói được rằng giáo hoàng đã bị giam giữ ở đó: giáo hoàng là khách của hoàng đế. Tuy nhiên, giáo hoàng đã không ngớt phản kháng việc người ta cướp mất thành Rôm (Na-pô-lê-ông đã giao Rôm cho đứa con trai mới đẻ của mình, phong làm "Vua thành Rôm"), cũng như phản kháng việc bị bắt giữ. Trước tình hình như vậy, ngày 19 tháng 1 năm 1813, Na-pô-lê-ông đã bất thần đến thăm người tù của mình. Thực tế là cần phải thỏa hiệp bằng cách này hay cách khác với những người công giáo là những người đã ngấm ngầm chống lại hoàng đế từ năm 1809. Nhưng cuộc trao đổi hữu hảo giữa Na-pô-lê-ông và giáo hoàng đã không đem lại kết quả cụ thể gì.

Na-pô-lê-ông ép Pi VII ký một bản điều ước mới, nhưng cũng không vì thế mà giao trả thành Rôm cho giáo hoàng (về đại thể, bản điều ước mới sao chép lại nội dung bản điều ước năm 1802). Đối với Na-pô-lê-ông, những sự nhượng bộ không có tác dụng gì hết: Na-pô-lê-ông không ưa và cũng không biết nhượng bộ. Những trò dụ dỗ hèn kém của Na-pô-lê-ông đối với giáo hoàng vào tháng 1 năm 1813 đã chấm dứt khi Na-pô-lê-ông bất thần cho bắt hồng y giáo chủ Pi-ê-tơ-rô và đưa đi khỏi Phông-ten-nơ-blô, vì Na-pô-lê-ông đã nghe phong phanh thấy Pi-ê-tơ-rô khuyên giáo hoàng Pi VII đối địch lại Na-pô-lê-ông. Nói về mưu toan thỏa hiệp không thành đó với giáo hoàng, hoàng đế đã thốt ra một câu đáng chú ý: thực là hiện nay phải bỏ thành Rôm... Điều ước ấy còn phải xếp vào tủ và sẽ chỉ được lôi ra sau khi đã đại thắng ở sông En-bơ hay ở sông Vi-xtuyn. Thật vậy, trong suốt năm 1813 ấy và những năm sau, Na-pô-lê-ông không ngừng tìm cách phá hoại các cuộc thương lượng với đối phương và luôn luôn mong mỏi một chiến thắng lớn. Vận may đã ủng hộ Na-pô-lê-ông quá lâu. So sánh toàn bộ cuộc đời Na-pô-lê-ông dưới ánh sáng của tất cả những sự nghiệp vĩ đại chưa từng có mà Na-pô-lê-ông đã hoàn thành, kể từ việc hạ thành Tu-lông năm 1793 đến việc sáng lập cái đế quốc rộng lớn ấy và rồi Na-pô-lê-ông đã dắt dẫn các lực lượng của đế quốc đó đến bên kia sông Ni-ê-men, thì dẫu sao cuộc chiến tranh năm 1812 cũng chỉ làm một chấm đen trên cả một tấm thảm mênh mông đầy thắng lợi.

Nước Phổ đã sẵn sàng phản lại: vua Phổ đòi Na-pô-lê-ông rút quân ra khỏi một số vị trí, đòi 94 triệu phrăng dùng vào việc nuôi dưỡng quân đội Pháp mà ngân khố của hoàng đế còn nợ lại, nhưng đã bị từ chối. Nước Anh không thể thừa nhận sự xâm lược nước Tây Ban Nha của người Pháp, và Na-pô-lê-ông, ngày 14  tháng 2, khai mạc khóa họp Hội đồng lập pháp, đã dứt khoát tuyên bố rằng: "Triều đại Pháp đang trị vì và sẽ trị vì Tây Ban Nha". Vào tháng 3, Mét-te-nich đã tỏ ý muốn biết những điều kiện mà Na-pô-lê-ông sẽ ưng thuận để ký một hòa ước chung, nhưng đã không được trả lời một cách rõ ràng. Đối với tất cả các vấn đề này thái độ của Na-pô-lê-ông cũng giống như đối với giáo hoàng: một trận thắng lớn ở sông Vi-xtuyn hay ở sông Ni-ê-men sẽ quyết định hết thảy. Trong bài diễn vàn ngày 14 tháng 2, Na-pô-lê-ông bảo đảm rằng toàn bộ đất đai của đế chế sẽ không thể đụng chạm đến được và đại công quốc Vác-sa-va sẽ vẫn tồn tại trong biên giới hiện nay. Lúc này, Mét-te-ních chưa muốn cắt đứt quan hệ với Na-pô-lê-ông nên đã nói với Ốt-tô, sứ thần Pháp ở Viên, rằng với những lời tuyên bố như vậy, Na-pô-lê-ông làm cho hòa bình với nước Nga, cũng như nước Anh và với nước Phổ sẽ không thể nào có được.

Khi những phái viên Áo ở Luôn Đôn bên cạnh Cát-tun-rit, ở Ca-lích bên cạnh A-lếch-xan thăm dò dư luận thì ở đâu người ta cũng chỉ trả lời rằng: nếu Na-pô-lê-ông khăng khăng không chịu nhượng bộ thì chỉ có chiến tranh mới có thể giải quyết được. Cuối cùng vua Phổ đã công nhiên đứng về phía A-lếch-xan và ký một hiệp ước liên minh với A-lếch-xan. Na-pô-lê-ông đáp lại bằng cách tuyển thêm tân binh. Xứ Xắc-xơ, Ba-vi-e, Vua-tem-be, Bát-đơ vẫn còn chịu khuất phục.
______________________________________
1. Mét-te-ních không phải là bố công chúa Ma-ri Lu-i-dơ, nhưng ở đây tác giả gọi chung là bố vợ vì Mét-te-ních là người đã đứng ra làm môi giới cho cuộc hôn nhân giữa Ma-ri Lu-i-dơ và Na-pô-lê-ông – N.D.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #238 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 12:01:56 am »


II

Ngày 15 tháng 7 năm 1813, Na-pô-lê-ông trở lại với quân đội ở Éc-phua và tiến quân đánh nước Nga và nước Phổ. Đội quân mới này được trang bị rất hoàn chỉnh. Trong những tháng đầu năm đó, Na-pô-lê-ông đã miệt mài làm việc để huấn luyện và tổ chức quân đội, dành nhiều đêm để chấn chỉnh lại nền tài chính đến mức quân đội không còn thiếu thốn một thứ gì, và có thể mua tất cả những thứ gì cần thiết cho quân đội bằng tiền vàng thật và đủ cân lượng, vì thật ra điều quan trọng là không nên phá hoại và làm cho nhân dân các quốc gia Giéc-manh bất mãn, chừng nào họ còn là "đồng minh", ít ra thì cũng còn đang chịu khất phục.

Na-pô-lê-ông có 20 vạn quân tại ngũ, quân dự bị, cũng tương đương như vậy, đã được tập trung hoặc đang được thành lập. Cu-tu-dốp chết đúng vào trước khi chiến dịch mở màn, và khi chiến sự bắt đầu thì quân Nga và quân Phổ đã không có tướng chỉ huy. Ngay lúc đầu, Na-pô-lê-ông đã giành được một số thắng lợi. Quân Nga bị đánh đuổi khỏi Vai-xen-phen, sau đó đã diễn ra những trận đánh vào ngày 1 và ngày 2 tháng 5 ở gần Vai-xen-phen và Lút-xen. Na-pô-lê-ông đã hoàn toàn chiến thắng, ở Vai-xen-phen, thống chế Bét-xi-e, đứng cạnh hoàng đế, trước đội cựu cận vệ mấy bước, bị một mảnh đạn đại bác bắn trúng, vỡ ngực chết. "Thần chết đang đến gần chúng ta", Na-pô-lê-ông nói như vậy vừa nhìn người ta liệm thống chế trong tấm áo choàng của hoàng đế để đưa ra khỏi chiến trường.

Trận Lút-xen đã diễn ra giằng đi giật lại và đẫm máu. Cưỡi ngựa từ cánh này sang cánh kia, Na-pô-lê-ông điều khiển mọi hành động tác chiến, A-lếch-xan và Phri-đrích Vin-hem ở gần chiến trường nhưng không tham gia vì. Quân Nga và quân Phổ bị đánh lùi, mất chừng 2 vạn người, nhưng số thiệt hại của quân Pháp cũng không kém mấy. Vài ngày sau, Na-pô-lê-ông tiến vào Đre-xđen.

Sau trận Lút-xen, Mét-te-ních tìm cách lập lại hòa bình giữa Na-pô-lê-ông và quân Liêm minh bằng cách đảm bảo rằng nước Áo sẽ liên minh với Na-pô-lê-ông theo những điều kiện sau đây: Na-pô-lê-ông sẽ bỏ đại công quốc Vác-sa-va, bỏ nền bảo hộ Liêng bang sông Ranh, bỏ các thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền tây-bắc nước Đức và I-ly-ri. Còn ngoài ra, Na-pô-lê-ông sẽ giữ lại tất cả; nước Bỉ, toàn bộ nước Ý, nước Hà Lan, vương quốc Vét-xpha-li vẫn nằm trong đế quốc của Na-pô-lê-ông. Na-pô-lê-ông từ chối, ông ta nói với tướng Búp-na, sứ thần của triều đình Viên: "Tôi không cần sự điều đình bằng vũ lực của các ông, các ông muốn đục nước béo cò...". Bằng một giọng châm biếm, Na-pô-lê-ông còn nói thêm: "Không phải cứ đổ nước hoa ra là chiếm được đất". Thoạt tiên người Áo đòi Na-pô-lê-ông trả I-ly-ri, nhưng rồi họ sẽ còn đòi cả Vê-nê-xi, Mi-lan, Tô-xcan, thì ra họ bức Na-pô-lê-ông thì họ cần phải rút gươm ra khỏi vỏ, họ kết luận như vậy. Ông quyết tâm tiếp tục chiến đấu và chiến đấu mãi mãi, không nhượng bộ chút gì cả. Một phong trào chống Na-pô-lê-ông ở Hăm-bua. Hoàng đế phái Đa-vu đến đó để trừng phạt những thành phố đồng minh thương nghiệp ở miền tây-bắc nước Đức về tội chống lại cảnh sát và nhân viên hải quan Pháp đã phá hoại việc buôn bán của họ bằng sự thực hiện nghiêm ngặt cuộc phong tỏa lục địa. Na-pô-lê-ông ra lệnh cho Đa-vu bắn một số nghị sĩ của tỉnh những người cầm đầu phong trào chống Pháp, một số sĩ quan, bắt 500 công dân có uy tín nhất, có tiếng là có tư tưởng chống đối và tịch thu toàn bộ tài sản của họ.

Sau khi ra những lệnh trên xong, Na-pô-lê-ông rời Đre-xđen, dẫn đầu đội cận vệ, đuổi theo quân lính đang tiến về phía đông, theo hướng Bau-xen (trên sông Spơ-rê). Trên đường từ Đre-xđen đến Bre-xlau, cùng đi với Na-pô-lê-ông có bốn quân đoàn: của Nây, của Mác-mông, của U-đi-nô và của Bét-tơ-răng. Quân Liên minh thì đặt dưới quyền chỉ huy của Vít-ghen-stai, Bác-clây-đơ Tô-li, Mi-lô-ra-đô-vích và Bluy-khe. Trận Bau-xen bắt đầu ngày 20 đến tối ngày 21 thì kết thúc. Na-pô-lê-ông điều quân đoàn của Nây đánh vòng lên phía bắc cánh phải của đối phương, nhưng vì Nây không chú ý đến những lời chỉ bảo của tham mưu trưởng Giô-mi-ni nên đến chiến trường quá chậm. Quân Liên minh đã rút lui có trật tự.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #239 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2016, 12:02:36 am »


Trận đánh cũng đẫm máu gần như ở Lút-xen. Cả hai bên đều mất chừng 3 vạn người vừa chết và bị thương. Thắng lợi lại thuộc về phía Na-pô-lê-ông và Na-pô-lê-ông dự định đẩy lùi quân Nga và quân Phổ đang rút lui, tiến thẳng đến Béc-lin. Quân Liên minh vừa đánh vừa lùi làm chậm bước cuộc truy kích. Ngày 22 tháng 5, Na-pô-lê-ông đã xông tới và đánh tan đội hậu vệ của quân Liên minh ở Gớc-lít-xơ. Tối đến, lúc trận đánh sắp sửa kết thúc, trong khi đối phương đang rút lui. thì Đuy-rốc tới trao đổi với Na-pô-lê-ông một lát, rồi vừa bỏ đi vừa buồn bã nói với Cô-lanh-Cua: "Ông bạn, ông có để ý thấy gì ở hoàng đế không? Hoàng đế vừa mới giành được những thắng lợi sau nhiều trận thất bại và lẽ ra đây phải là lúc áp dụng những bài học rút ra được trong thất bại... Nhưng ông thấy đấy, hoàng đế không thay đổi gì cả... Vẫn ham chiến... Tất cả những điều ấy sẽ chẳng đưa đến kết quả tốt đẹp gì". Và giờ chót của thống chế Đuy-rốc đến. Một mảnh đại bác bắn vào cây gần chỗ Na-pô-lê-ông đứng đã bật vào Đuy-rốc. Đuy-rốc còn đủ sức chúc ông hoàng đế thắng lợi và ký được hòa ước. Na-pô-lê-ông trả lời: "Xin vĩnh biệt bạn, có lẽ chẳng mấy chốc mà... chúng ta sẽ lại gặp nhau".

Cái chết của Đuy-rốc, một trong số rất hiếm người được Na-pô-lê-ông yêu và tin cậy, đã làm cho Na-pô-lê-ông bị xúc động mạnh. Na-pô-lê-ông bất giác ngồi xuống một gốc cây: những mảnh trái phá của quân hậu vệ Phổ rơi quanh người, nhưng Na-pô-lê-ông vẫn ngồi đó rất lâu, chìm đắm trong những ý nghĩ riêng. Trong chiến dịch năm 1813 này, Na-pô-lê-ông thường xông pha vào nơi nguy hiểm và nhất là trong những trường hợp không cần thiết một chút nào, điều đó trước đây Na-pô-lê-ông không bao giờ làm và đã phản lại quan niệm của Na-pô-lê-ông về vị trí của một người tướng tổng chỉ huy ở ngoài mặt trận. Những người ở gần Na-pô-lê-ông cũng nghĩ rằng ông thầm tìm cái chết và cố che giấu mọi người. Hầu như suốt trong thời gian quân Pháp truy kích, quân Nga và quân Phổ đã dùng pháo bắn lại rất mãnh liệt để yểm hộ cuộc rút lui của họ, nhưng Na-pô-lê-ông ngang nhiên đi với đội tiền vệ, ở chỗ nguy hiểm nhất, mặc dầu về mặt quân sự ông không cần thiết phải có mặt ở đó.

Sau trận Bau-xen và sau vài ngày truy kích, hai bên tham chiến đã chấp nhận đề nghị hòa giải của nước Áo do Mét-te-ních đề xướng và, ngày 4 tháng 6 năm 1813, ký hiệp định đình chiến Plai-dơ-vít.

Mặc dầu, theo đề nghị của Mét-te-ních, bên phe Liên minh cũng như Na-pô-lê-ông đã thỏa thuận cử đại diện toàn quyền của mình đến Pra-ha để đàm phán, nhưng khi ký hiệp định đình chiến, cả hai bên đều không muốn có hòa bình thật sự. Quân Liên minh biết rằng trước trận Lút-xen và Bau-xen, Na-pô-lê-ông đã không chịu nhượng bộ một chút nào thì bây giờ, sau khi đã chiến thắng hai trận, lại càng không chịu; còn về phía mình, nếu như A-lếch-xan đã bằng lòng ký hiệp định đình chiến thì đó chỉ vì Bác-Clây đơ Tô-li đã tuyên bố dứt khoát là sau những thất bại, quân đội cần phải được hồi phục, củng cố đội ngũ và tăng viện. Na-pô-lê-ông cũng vậy, ông ta thỏa thuận đình chiến cũng chỉ nhằm tăng cường quân đội của mình để có thể đè bẹp quân Liên minh một lần cho rồi. Đồng ý hoãn chiến, Na-pô-lê-ông đã phạm một sai lầm tai hại vì sự đình chiến chỉ có lợi cho đối phương, chứ không có lợi cho Na-pô-lê-ông và vì nó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nước Áo từ bỏ vai trò trung gian hòa giải của nó để nhảy sang hàng ngũ Liên minh.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM