Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 11 Tháng Năm, 2024, 10:44:38 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Mũi lao thép  (Đọc 48111 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« vào lúc: 12 Tháng Bảy, 2014, 03:35:35 pm »

Truyện ký
Tác giả: Nguyễn Khắc Nguyệt
Nhà xuất bản QDND- 2014


Thân yêu tặng các đồng đội đại đội 3 xe tăng.
[/i]

   Ngồi trên nóc chiếc xe thiết giáp K63, dựa lưng vào khẩu 12 ly 7, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 4 của Lữ đoàn xe tăng 203 Phạm Ngọc Bảng thảnh thơi dõi mắt ra phía vịnh Cam Ranh. Chiều đang xuống, mặt trời đã khuất sau rặng núi phía tây làm mặt biển chuyển sang màu tím sẫm thật là huyền bí. Những làn gió biển mát rượi mơn man trên mặt, trên tóc như xua đi hết mọi mệt nhọc, lo toan làm Bảng thấy thật dễ chịu. Anh duỗi chân cố tận hưởng chút nghỉ ngơi ngắn ngủi vì biết rằng vẫn còn nhiều việc phía trước. Đã gần một tháng nay, tiểu đoàn anh hành quân rồi tác chiến liên miên. Hết đánh Huế, đánh Hải Vân, giải phóng Đà Nẵng rồi cơ động để tối hôm nay có mặt ở bên bờ vịnh Cam Ranh lộng gió này. Và vừa mới đây thôi, anh đã cử trợ lý tham mưu Bùi Văn Định chỉ huy chiếc xe 046 đi trinh sát nắm tình hình địch cho trận đánh có thể xảy ra vào nay mai thôi. Là người trong cuộc nhưng lắm lúc Bảng tưởng như mình đang mơ bởi dẫu có giàu trí tưởng tượng đến đâu anh cũng không thể nào hình dung ra tình hình lại diễn biến nhanh đến vậy.
   Cách đây đúng ba năm, ngày 15 tháng 4 năm 1972, tại một nông trường phía Tây tỉnh Quảng Bình, đang là tiểu đoàn phó tiểu đoàn 244 của Trung đoàn 202 thì anh nhận nhiệm vụ đưa đại đội xe tăng 3 hành quân độc lập vào A Lưới để cùng với đại đội tăng 4 của 203 làm mũi vu hồi vào sau lưng Huế. Hồi đó, Bảng mới từ Tỉnh đội Hà Nam Ninh chuyển về binh chủng Thiết giáp nên hiểu biết về xe tăng với thiết giáp còn rất lơ mơ. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ này anh rất lo, thậm chí còn sợ nữa. Không sợ vì phải đi chiến trường mà chỉ lo không hoàn thành nhiệm vụ. Toàn quyền chỉ huy một đại đội xe tăng “đơn thương, độc mã” đi vào một chiến trường xa lạ mà trong tay chỉ có mỗi tấm bản đồ đâu phải chuyện nhỏ. Cũng may cho anh, ban chỉ huy đại đội 3 hồi đó đều là những tay “cứng cựa”, có thâm niên công tác tại binh chủng và họ đã giúp đỡ anh rất nhiều. Đó là đại đội trưởng Lê Minh Đô, dân Thường Tín, Hà Tây. Người ta bảo “nhất lé, nhì lùn” thì riêng tay này “vừa lé lại vừa lùn”. Có lẽ vì vậy mà con người này đầy mưu mẹo, tiểu xảo quản lý, rèn luyện bộ đội. Chả thế mà ở binh chủng Thiết giáp ngày ấy đã lan truyền về huyền thoại “chế độ ông Đô” hết sức ngặt nghèo và chặt chẽ.  Nhưng nói gì thì nói, chính cái sự chặt chẽ ấy đã làm cho những người lính của đại đội 3 nổi tiếng là huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm. Điều này chính bản thân Bảng đã kiểm chứng được trong những năm qua. Đó là chính trị viên Nguyễn Thế Cương, quê Hiệp Hòa, Hà Bắc, người đen chắc như một nông dân chính hiệu, tuy “mặt sắt đen sì” như Bao Công nhưng chân tình, chắc chắn và rất thương lính. Anh xứng đáng được coi là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị. Đó là đại đội phó kỹ thuật Nguyễn Thanh Bình, người Bần Yên Nhân, Hải Hưng, nhỏ nhắn, trắng trẻo như một thư sinh nhưng trưởng thành từ một lái xe lên nên hiểu biết rất sâu sắc về kỹ thuật. Chính trị viên phó Phạm Ngọc Chu thì trẻ trung, năng nổ, làm việc gì cũng xốc vác, hăng hái. Cả bốn người, mỗi người một vẻ nhưng đều nắm rất vững chuyên môn của mình. Chính họ đã củng cố niềm tin cho Bảng và đã giúp anh một cách đắc lực trong cái nhiệm vụ khó khăn ấy.
   Cũng cần phải nói thêm, không chỉ có đội ngũ cán bộ vững vàng mà đại đội 3 còn là một tập thể có chất lượng cao, đã được huấn luyện, diễn tập rất kỹ càng từ ngày còn ở Vĩnh Phú. Các cán bộ trung đội như Nguyễn Văn Thanh, Nguyễn Văn Phùng, Trần Quốc Quang, Nguyễn Quang Hòa đều được đào tạo cơ bản ở Đoàn 10 và có năng lực quản lý bộ đội tương đối tốt. Kỹ thuật viên Đỗ Xuân Bốn trưởng thành từ lái xe lên, ngoài kinh nghiệm sử dụng xe lại được tham gia một lớp huấn luyện về sửa chữa ở trung đoàn nên tay nghề khá vững, cùng với đại đội phó Nguyễn Thanh Bình đủ sức độc lập giải quyết các sự cố kỹ thuật của đại đội. Còn đội ngũ thành viên thì có lẽ đó là ước mơ của tất cả các cán bộ chỉ huy phân đội xe tăng hồi ấy. Nhiều người trong số họ là sinh viên đại học hoặc các trường trung cấp nhập ngũ vào binh chủng, được huấn luyện cơ bản, lại được rèn luyện trong một môi trường hết sức nghiêm khắc dưới “chế độ ông Đô” nên người nào cũng nắm vững chức trách nhiệm vụ của mình và có ý thức tổ chức kỷ luật rất nghiêm. Những cái tên như trưởng xe Nguyễn Danh Vĩnh, Nguyễn Thanh Xuân, lái xe Nguyễn Văn Kính, Nguyễn Cao Tần, pháo thủ Trần Văn Song, Bùi Thanh Hải… đã từng “khét tiếng” trong các cuộc Hội thao, hội thi do binh chủng hay trung đoàn tổ chức. Chỉ có số pháo hai và lái phụ lính Hải Hưng nhập ngũ tháng 12 năm 71 là còn hơi “non” song cũng còn hơn các đơn vị khác nhiều. Có lẽ vì thế nên khi cần một đại đội đi độc lập vào chiến trường xa, các thủ trưởng binh chủng đã nhớ ngay đến đại đội 3.
Nói cho công bằng, cái ý định đưa hai đại đội xe tăng vào thung lũng A Sầu- A Lưới để đánh xuống Huế là một ý đồ hết sức táo bạo song cũng đầy lãng mạn của các nhà cầm quân hồi đó. Quả thật, nếu như quân địch đang tối mắt tối mũi chống đỡ sự tiến công chính diện từ phía bắc vào mà có một mũi vu hồi thọc vào sườn thì chúng chết là cái chắc. Tuy nhiên, chính những người ra lệnh lại không nắm được một vấn đề thiết yếu khi sử dụng xe tăng là phải có đường cho nó cơ động. Mà đường từ A Lưới xuống Huế lúc đó chỉ duy nhất có con đường 12 vốn là con đường đã bị bỏ hoang từ lâu. Không ai duy tu, chăm sóc, lại bị mưa rừng và bom đạn phá hủy hàng ngày nên đường 12 trở thành con đường “chết”. Thế là đại đội 4 của Bùi Quang Thận thì nằm chết gí ở hai bên sông Bồ trong thế “tiến thoái lưỡng nan”. Tiến cũng không được, mà lùi cũng chẳng xong. May mà địch nó không đủ sức “nống” ra chứ nếu nó mà ra thì chỉ có cách bỏ xe đánh bộ.
Còn đại đội 3 cũng chẳng khá gì hơn. Vì khi họ xuất phát rời hậu phương vào chiến trường là lúc đã bắt đầu mùa mưa nên cuộc hành quân của họ là một hành trình đầy gian nan, thử thách. Xe pháo thì đã cũ, đường sá thì sạt lở nhiều, trong khi đó không quân Mỹ hoạt động với cường độ cực kỳ cao nhằm ngăn chặn tuyệt đối mọi cuộc chuyển quân từ Bắc vào Nam. Vì vậy, phải mất gần ba tháng hành quân, phải bỏ lại dọc đường một liệt sỹ và hai chiếc xe 700, 762 đại đội 3 mới vào đến vị trí tập kết ở nam sân bay A Lưới. Nhưng rồi vào để mà nằm đó thôi chứ đường cơ động xuống Huế vẫn chưa thông. Vả lại, thời cơ thuận lợi nhất cũng đã qua mất rồi. Và thế là bắt đầu một quá trình ăn đợi, nằm chờ đến gần ba năm. Cứ tưởng sẽ chẳng bao giờ được dùng đến nữa.
   Ấy thế mà chỉ chưa đầy một tháng vừa qua đã có biết bao thay đổi diễn ra. Đầu tiên là lệnh xuất kích đến với đại đội 4 ngày 19 tháng 3. Bốn ngày sau, ngày 23 tháng 3, đại đội này cùng bộ binh tiến công Núi Bông, Núi Nghệ, phá toang tuyến phòng ngự phía tây nam cố đô Huế. Ngày 25 tháng 3, chính họ cùng với bộ binh tiến công giải phóng Huế, truy kích địch ra tận cửa Thuận An, bắt hàng nghìn tù binh và thu giữ hàng trăm xe pháo. Cũng vào ngày hôm đó, từ hậu cứ A Lưới đại đội 3 được lệnh lên đường. Chỉ bốn ngày sau, ngày 29 tháng 3, chính đại đội 3 này cùng với một đại đội bộ binh của 325 đã đánh tan tiểu đoàn thủy quân lục chiến chốt giữ ở đỉnh đèo Hải Vân để mở đường cho đại đội 4 cùng cánh quân phía bắc tiến vào giải phóng Đà Nẵng. Nhớ lại trận đánh đó, Bảng vẫn thấy máu trong mình cứ rần rật chảy như vừa mới xảy ra hôm qua.
   Thực tình, mặc dù đã đảm nhiệm chức vụ tiểu đoàn trưởng xe tăng được hai năm nhưng đó mới là trận đầu tiên anh trực tiếp chỉ huy xe tăng chiến đấu. Mà lại chiến đấu bằng một hình thức tác chiến mà bản thân anh mới chỉ được tiếp cận trên lý thuyết. Đó là tiến công trong hành tiến, một hình thức tác chiến còn rất mới lạ đối với xe tăng Việt Nam. Trong khi đó, mục tiêu cần đánh chiếm là con đèo Hải Vân lừng danh và sau đó là thành phố Đà Nẵng, thủ phủ miền Trung, căn cứ quân sự khổng lồ hãy còn nhung nhúc địch.
   Hải Vân, cái tên nghe thật thơ mộng, là nguồn cảm hứng vô tận đối với các văn nhân tài tử song cũng là nỗi ám ảnh của tất cả những ai phải vượt qua đó bởi sự hiểm trở, gian nan. Chả thế mà người ta đã tôn vinh cho nó là “Đệ Nhất hùng quan”. Chỉ đưa được mấy cái xe tăng nặng nề, cũ nát qua đó trong điều kiện bình thường đã là một chiến công rồi. Ấy thế mà các anh phải đánh  chiếm nó trong khi không biết lực lượng quân địch bố phòng trên đó có bao nhiêu, bố trí như thế nào thì khó khăn biết bao nhiêu.
   Bảng còn nhớ, khi đang đứng tần ngần dưới chân đèo, ngước mắt trông lên cái dải xanh rì sừng sững trước mặt và chưa biết làm thế nào để vượt qua thì đại tá Hoàng Đan, phó tư lệnh quân đoàn xuất hiện. Nghe Bảng trình bày về những khó khăn, ông chỉ hỏi ngắn gọn: “Về tính năng kỹ thuật, xe các anh có leo dốc này được không?”. Nghe Bảng trả lời “có”, ông lại hỏi: “Thế các anh có dám leo không?”. Bảng lại “có”. Thế là ông khoát tay: “Vậy thì cứ leo đi. Gặp địch ở đâu thì đánh ở đấy”. Ông gọi đồng chí trung đoàn trưởng bộ binh đang chốt giữ chân đèo bảo cho một đại đội bộ binh lên ngồi sau xe. Thấy được tăng cường, hơi yên tâm một chút thì Bảng thất kinh khi thấy đích thân ông trèo lên sau xe 724. Ngần ngừ một lát, anh mạnh dạn: “Thủ trưởng ngồi thế nguy hiểm lắm” thì ông gắt: “Anh em người ta ngồi được chả lẽ mình không ngồi được”. Chẳng biết nói gì hơn, anh lẳng lặng trèo lên ngồi cạnh ông rồi cắm cái mũ công tác vào ổ cắm máy nói bộ binh sau tháp pháo. Và thế là buồng truyền động xe 724 đã trở thành sở chỉ huy bất đắc dĩ của cánh quân phía bắc tiến công Đà Nẵng.

   (Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #1 vào lúc: 13 Tháng Bảy, 2014, 08:57:34 am »

    Khi mới lên đèo, tình hình cũng chưa có gì khó khăn cho lắm ngoại trừ việc chỉ huy cho bộ đội giữ vững cự ly và chú ý bảo đảm an toàn. Tuy nhiên, lên đến lưng chừng đèo, khi bọn địch chốt giữ ở đỉnh đèo đã quan sát thấy quân ta đang cơ động lên thì tình hình đã thay đổi trông thấy. Đầu tiên là những loạt đạn pháo câu xuống chặn đường. Cũng may, đường đèo khúc khuỷu, lúc ẩn lúc hiện, lại phải bắn ở “tà âm” nên độ chính xác của những loạt đạn này không cao, hầu hết đều rơi xuống vực. Bảng lo nhất là chúng gọi máy bay đến đánh thì không biết sẽ chúi vào đâu. Vì vậy, một mặt tập trung quan sát địch phía trên đèo, một mặt anh vẫn phải căng tai, căng mắt nghe ngóng trên không. Chẳng biết vì lý do gì, bọn địch đang phải dăng ra đối phó với các hướng khác hay do sân bay Đà Nẵng đã bị ta khống chế nên không thấy bóng dáng cái máy bay nào lên ngăn chặn các anh. Sáu chiếc xe tăng cứ lặng lẽ, kiên nhẫn nuốt từng khúc đường dốc ngược mà tiến lên, khói từ cửa xả phun ra đen kịt, buồng động lực thì nóng như cái chảo rang. Thấy phó tư lệnh cứ nhấp nha, nhấp nhổm Bảng phải lấy tấm bạt xe tăng rải xuống để ông ngồi. Khi vừa ra khỏi một khúc quanh, Bảng thấy một cột cây số ghi “đỉnh đèo 3 km”, nhưng ngay lúc đó anh cũng nhìn thấy mấy cái lô cốt hiện ra rõ mồn một trên nền trời xanh ngắt. Từ phía đó, những chớp lửa lóe lên liên tục và hàng tràng đạn đỏ rực đang tủa về phía các anh nhưng đều đuối tầm. Bảng ngỡ ngàng mất mấy giây nhưng rồi anh nhanh chóng hiểu ra, đó là 3 km đường xe đi, còn đường chim bay chắc chỉ hơn 1 km. Khoảng cách đó với các loại súng bộ binh là quá lớn nhưng với pháo xe tăng thì đã có thể phát huy tác dụng. Liếc sang phía Hoàng Đan, thấy phó tư lệnh vẫn ngồi bình thản như một pho tượng, Bảng hiểu cấp trên không muốn can thiệp vào công việc của mình nên bật công tắc ngực lệnh cho toàn đại đội nổ súng. Sáu khẩu pháo 85 ly lần lượt khạc lửa bằng phương pháp “tạm dừng bắn”. Ác cái, rất khó phán đoán khoảng cách, lại bắn ở góc tà rất lớn nên phải đến phát bắn thứ ba mới lác đác có đạn trúng mục tiêu.

    Khoảng cách đến đỉnh đèo ngày càng ngắn lại. Đạn đại liên địch đã không còn đuối tầm nữa mà bắt đầu bâu lấy chiếc xe đi đầu như một đàn ong lửa. Điểm xuyết vào đó là những viên đạn DKZ đỏ rực, to bằng ngón chân cái lừ lừ bay. Không chỉ vậy, lác đác trên sườn núi phía ta- luy dương cũng lóe lên những chớp lửa đầu nòng. Như vậy, bọn địch không chỉ tập trung phòng ngự ở mấy lô cốt đỉnh đèo mà còn rải quân ra dọc đường lên đèo. Bảng thấy rất lo vì với tầm quan sát hạn chế trong xe, lính của anh sẽ không thể nào phát hiện được bọn này. Và nếu để bọn chúng tiếp cận được thì sẽ là một thảm họa. Phó tư lệnh Hoàng Đan cũng có vẻ bồn chồn. Ông không ngồi yên tại chỗ nữa mà quỳ một đầu gối nhổm hẳn người lên quan sát. Có lẽ linh cảm của ông đã đúng khi cho một đại đội bộ binh ngồi sau xe. Các chiến sĩ bộ binh có tầm quan sát rộng hơn, họ nhanh chóng phát hiện được quân địch ở sườn núi. Được tháp pháo chắn đạn phía trước, họ bình tĩnh dùng AK, B41 tiêu diệt bọn này. Bảng nghĩ bụng: “Thật là may”. Bất chấp những làn đạn dày đặc bâu lấy mình, sáu chiếc xe tăng vẫn lầm lũi tiến lên. Thỉnh thoảng, đầu nòng pháo lại khạc ra một bụm lửa sáng lòa. Mấy chiếc lô cốt đã bị bắn sập gần hết. Từ trong đó, lửa khói đang bốc lên nghi ngút. Có vẻ bọn địch đã ngán với mấy chiếc xe tăng lì lợm này và đã bỏ chạy thì phải nên càng lên gần đỉnh đèo hỏa lực của chúng càng giảm đi trông thấy.

    Khi đoàn xe đến đoạn đường rộng sát đỉnh đèo thì không còn một tiếng súng bắn trả nào cả. Chỉ một lát sau, cả đại đội đã dừng lại ở đỉnh đèo. Trên đó, ba khẩu pháo 105 ly nằm lăn lóc, xung quanh là đống vỏ đạn ngồn ngộn. Rải rác xung quanh là những xác lính ngụy nằm theo đủ mọi tư thế. Một tên lính bị thương giập cả hai chân quỳ ngay vệ đường lạy như tế sao. Bảng nhảy xuống khỏi xe hỏi nó thì biết bọn này thuộc lữ đoàn lính thủy đánh bộ 258. Lực lượng phòng ngự đỉnh đèo này là một tiểu đoàn, còn một tiểu đoàn ở phía dưới đèo. Quay lại chỗ phó tư lệnh, Bảng đề nghị chờ bộ binh phía sau lên mới tiếp tục tiến nhưng Hoàng Đan khoát tay: “Không phải chờ ai cả. Cứ tiến đi!”. Biết rằng đó là mệnh lệnh không thể thay đổi, Bảng cho gọi đại đội trưởng Tường và chính trị viên Trạch lại hội ý. Chỉ mấy phút sau, cả đại đội lại tiếp tục đổ đèo. Biết rằng quân địch ở Đà Nẵng còn rất mạnh nên Bảng lo lắm, ngồi trên buồng truyền động xe mà anh cứ nhấp nhổm không yên. Cũng may, suốt chiều xuống của đèo không gặp sự kháng cự nào đáng kể. Nhưng chưa kịp mừng thì nghe trung đội trưởng Hải Xoăn báo cáo: “Phát hiện một đoàn xe địch ở phía trước”. Bảng đứng hẳn lên giương ống nhòm quan sát. Đúng là phía cầu Thủy Tú có một đoàn xe địch đang hướng về phía các anh. Không chần chừ, Bảng ra lệnh nổ súng. Sáu khẩu pháo 85 ly đồng loạt lên tiếng. Những chớp lửa nháng lên liên tiếp giữa đội hình xe địch. Bọn địch hoảng loạn quay đầu tháo chạy. Cả đại đội ngay lập tức tăng tốc truy kích rồi lao vào nội thành. Bỏ qua cái thành phố vắng ngơ, vắng ngắt các anh nhanh chóng vượt cầu Trịnh Minh Thế sang cảng Sơn Trà khi mấy chiếc tàu thủy đang cuống cuồng bỏ chạy ra biển. Đến lúc đó, phó tư lệnh Hoàng Đan mới nở nụ cười: “Thấy chưa? Cứ đợi bộ binh thì bao giờ mới vào đến đây?”.

    Như vậy, chỉ sau đúng mười ngày kể từ khi tiểu đoàn động binh, hai thành phố lớn của miền Trung đã được giải phóng, cả quân khu Một của địch đã nằm trong tay ta. Tiểu đoàn chỉ có hai đại đội nhưng vết xích của họ đã in dấu trên cả Cố đô cũng như Thủ phủ miền Trung này. Thế thì có phải là mơ không? Chỉ có điều không được vui cho lắm là sau giải phóng Đà Nẵng thì hai người anh em cùng tiểu đoàn đã gắn bó với nhau mấy năm trời máu lửa ở A Lưới lại phải chia tay nhau. Đại đội 4 thì về với đội hình tiểu đoàn 1. Đó là một trong hai tiểu đoàn xe tăng chủ lực của lữ đoàn 203. Bù lại, tiểu đoàn 4 của Bảng được bổ sung 2 đại đội thiết giáp là đại đội 8 và đại đội 9 để làm phân đội phái đi trước của cánh quân Duyên Hải. Riêng “thằng” đại đội 3 này phải bỏ lại tại Đà Nẵng chiếc xe 724- cái sở chỉ huy “bất đắc dĩ” của anh và phó tư lệnh Hoàng Đan. Chắc vì cũ quá rồi, lại chịu tải quá lâu nên tháp pháo của nó bị sệ xuống không thể quay được. Thế là cả đại đội chỉ còn có 5 xe.

    Sau ngày giải phóng Đà Nẵng đúng một tuần, chỉ vừa kịp củng cố sơ bộ lại xe pháo các anh đã được lệnh lên đường Nam tiến. Cũng chính vì vậy mà hôm nay các anh đã có mặt bên bờ vịnh Cam Ranh êm đềm này để chuẩn bị cho cuộc tiến công “lá chắn thép” Phan Rang, tuyến phòng thủ vòng ngoài cho phần đất còn lại của Việt Nam cộng hòa như tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng tuyên bố. Ấy là cũng vừa mới nghe Phó tư lệnh Hoàng Đan nói lúc chiều khi ông ghé qua tiểu đoàn chứ bản thân anh đã có khái niệm gì về cái lá chắn thép này đâu. Lại còn nghe nói đây là quê hương bản quán của Thiệu, mồ mả cha ông của hắn vẫn còn ở đây nên hắn quyết chí giữ bằng được. Thế thì chắc lá chắn này cũng “cứng” đây, “húc” được qua nó chắc không hề dễ dàng chút nào. Có lẽ cũng đã dự liệu được tình hình như vậy, Bộ tư lệnh cánh quân Duyên Hải mới đưa tiểu đoàn của anh đi trước để làm một “cây lao thép” quyết tâm chọc thủng bằng được cái lá chắn này. Dẫu chưa nhận nhiệm vụ cụ thể nhưng Bảng hiểu trọng trách đặt lên vai đơn vị mình là rất nặng nề. Nhưng nói gì thì nói, dù có tiến công bất kỳ chiến tuyến hay cứ điểm nào của địch thì với tiểu đoàn 4 bây giờ, đại đội xe tăng 3 vẫn là số 1, vẫn là lực lượng đột phá chủ yếu. Hay nói khác đi, nếu tiểu đoàn 4 là “cây lao thép” của cánh quân Duyên Hải thì đại đội 3 sẽ là cái mũi nhọn của cây lao đó. Nó mà sắc nhọn, lá chắn nào cũng sẽ bị thủng. Còn nó mà chùn, nhụt tất nhiên mọi việc sẽ hết sức khó khăn. Nghĩ vậy, Bảng quyết định tranh thủ xuống đại đội 3 để kiểm tra công tác chuẩn bị chiến đấu của nó xem sao.
    *
    (Còn nữa)


Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #2 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2014, 10:31:32 am »

(Tiếp theo)

Nhún mình nhảy xuống khỏi chiếc xe thiết giáp, Bảng quay lại dặn với công vụ Thà: “Có ai hỏi thì bảo tớ xuống đại đội 3 nhé” rồi cắm cúi đi luôn. Rời khỏi rừng dừa nơi tiểu đoàn bộ trú quân, Bảng rảo bước ra quốc lộ 1 rồi xuôi về phía nam.
   Không như hồi hành quân vào chiến trường mấy năm về trước, trú quân chỗ nào là phải ngụy trang, xóa vết xích đến mức có đi cách vài bước chân cũng không nhìn thấy. Hôm nay, năm chiếc xe của đại đội 3 mặc dù cũng cắm đầy lá ngụy trang song vẫn lồ lộ thành một hàng dọc ngay bên phải đường. Ở chiếc xe cuối cùng, mấy chiến sĩ đang xì xụp nấu món gì đó, thấy tiểu đoàn trưởng đột ngột xuất hiện cùng nhao nhao lên tiếng:
   - Chào tiểu đoàn trưởng ạ!
   Vốn đã gắn bó với anh em từ mấy năm nay, đã quen thân nhau rồi nên Bảng cũng tếu táo đáp lời:
   - Chào các tướng bộ trưởng khói um! Hôm nay có món gì đấy? Cho tớ chén với nhé!
   Đám lính trẻ lại nhao nhao:
   - Chỉ sợ thủ trưởng chê cơm bọn em thôi.
   Vốn là người nổi tiếng “tiếu lâm” trong tiểu đoàn, Bảng cười:
   - Tớ thì món gì cũng không chê, chỉ chê mỗi món “mầm đá”.
   Pháo hai Di vốn là tên mạnh miệng nhất liến láu:
   - Ai chẳng biết thủ trưởng thích nhất món “chè Thu Sen”. Thủ trưởng thông cảm, hôm nay không có món đó nhưng bọn em lại có món cá thu kho đây này.
   Biết đã bị “mắc lỡm” mấy tay lính trẻ, Bảng cười:
   - Mấy cậu thì biết quái gì về “chè Thu Sen” mà phét lác. Bây giờ mà có cho nấu cũng chẳng biết đường nấu thế nào ấy chứ.
   Đám lính trẻ lại nhao nhao”
   - Bọn em còn lạ gì. Bây giờ bảo nấu là nấu được ngay. Mỗi tội thiếu nguyên liệu thôi.
   Bảng bật cười. Thực ra, cái món “chè Thu Sen” cũng là do anh sáng tác ra nên bây giờ anh bị chính cánh lính trẻ của mình chơi lại. Chả là, hồi mùa mưa năm 72, đoàn văn công Khu ủy đến biểu diễn phục vụ đơn vị. Mùa mưa Tây Thừa Thiên thì khủng khiếp lắm nên trên đường hành quân, các diễn viên bị ướt hết cả. Vì vậy, sau khi thay trang phục biểu diễn, anh chị em phải hong quần áo ướt dưới bếp cho khô để mặc lúc về. Đêm biểu diễn kết thúc, đang lúc thiếu đói nên đơn vị chủ nhà chỉ có nồi chè đậu xanh nấu với lương khô tán vụn để chiêu đãi gọi là. Chủ khách vừa ăn chè, vừa vui câu chuyện nên chẳng mấy lúc mà nồi chè đã gần cạn. Lúc này, người ngồi đầu nồi quơ cái muôi một vòng và chợt phát hiện ra một cái gì không bình thường trong đó. Anh ta vớt và giơ cái muôi lên. Mọi người chăm chú nhìn và phát hiện ra đó là một cái quần lót nữ. Diễn viên chính Thu Sen buông bát chè lao thẳng ra ngoài trời mưa, báo hại cho cả chủ và khách phải đi tìm và dỗ mãi. Món chè Thu Sen lưu truyền từ ngày đó và mỗi khi thấy lính tráng của mình cải thiện, Bảng hay đùa: “Nấu gì đấy? Chè Thu Sen hả?”. Hôm nay, chính anh lại bị “há miệng, mắc quai”. Đánh trống lảng, Bảng trở lại vẻ nghiêm chỉnh:
   - Xe đại trưởng Tường ở chỗ nào, các cậu?
   Vũ Văn Cát, pháo hai xe 761 nhanh nhảu:
   - Xe em đỗ thứ hai ấy- Cậu ta chỉ tay về phía đầu đội hình- Thủ trưởng ạ.
   Bảng vẫy tay:
   - Nấu cho ngon, ăn cho no mà lấy sức đánh cho khỏe nhé!- Nói rồi anh rảo bước về phía xe 761.

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #3 vào lúc: 15 Tháng Bảy, 2014, 09:10:34 am »

(Tiếp theo)

Lúc Bảng đến, đại đội 3 đang hội ý cán bộ. Ban chỉ huy đại đội 3 hiện tại đã có nhiều thay đổi so với hồi các anh bắt đầu hành quân vào chiến trường. Đại đội trưởng Lê Minh Đô đã được chuyển đi, thay anh làm đại đội trưởng là Nguyễn Văn Tường, người Quảng Bình, vốn là một cán bộ của Mặt trận B4 đưa xuống làm trợ lý tham mưu tiểu đoàn từ năm 1972. Chính trị viên Nguyễn Thế Cương cũng đã ra Quảng Trị đảm nhiệm chính trị viên phó một tiểu đoàn. Thế vào đó là Nguyễn Văn Trạch, đồng hương Hà Nam Ninh với Bảng, nguyên là trung đội trưởng công binh của tiểu đoàn trước đây. Còn Nguyễn Thanh Bình cũng đã lên làm tiểu đoàn phó kỹ thuật, đại đội phó kỹ thuật bây giờ là Đỗ Xuân Bốn, trưởng thành từ kỹ thuật viên đại đội lên. Chính trị viên phó Phạm Ngọc Chu cũng đã được thăng chức chính trị viên phó tiểu đoàn, thay cho anh là Nguyễn Thanh Xuân vốn là một cán bộ trung đội hồi trước. Ngoài ban chỉ huy, hôm nay còn có các trung đội trưởng Bùi Thanh Hải, Đặng Hữu Cam. Họ ngồi quây quần ngay trên mũi chiếc xe 761 của đại đội trưởng Tường. Mặc dù chưa được giao nhiệm vụ cụ thể nhưng các anh đã biết sơ bộ là trong vài ngày tới, đơn vị sẽ tham gia tiến công Phan Rang, tuyến phòng thủ mà quân ngụy Sài Gòn mới dựng lên để cố duy trì phần đất còn lại. Biết rằng đó là một nhiệm vụ khó khăn nên ngay sau khi đến đây đại đội đã quy định các xe phải tập trung làm tốt công tác chuẩn bị mọi mặt để sẵn sàng chiến đấu được ngay khi có lệnh. Thấy tiểu đoàn trưởng đến, đại đội trưởng Tường vội nhổm dậy, anh niềm nở chào cấp trên bằng cái giọng Quảng Bình rất ấm áp:
   - Chào tiểu đoàn trưởng! Báo cáo tiểu đoàn trưởng, anh em chúng tôi đang hội ý, nắm tình hình các mặt của đơn vị ạ.
   Bảng gật đầu:
   - Tốt lắm! Tớ cũng định xuống đây nắm tình hình của đại đội 3. Các cậu cứ tiếp tục đi.
   Tường nhỏ nhẹ:
   - Vâng ạ! Mời thủ trưởng lên đây- Anh đưa tay ra kéo Bảng lên và nhường cho cấp trên chỗ ngồi trên nắp cửa lái xe. Đợi cho Bảng yên vị, anh nhỏ nhẹ- Bây giờ ta tiếp tục nhé. Xin mời đồng chí Bốn báo cáo tình hình kỹ thuật xe máy của đơn vị.
Đại đội phó kỹ thuật Bốn đằng hắng rồi trịnh trọng như thường lệ:
- Báo cáo đồng chí tiểu đoàn trưởng và các đồng chí! Chấp hành chỉ thị của cấp trên, đơn vị chúng ta đã hoàn thành chặng hành quân từ Đà Nẵng vào đến đây với chặng đường gần 600 ki- lô- mét mà không có hư hỏng nào đáng kể, đảm bảo 100 phần trăm người và xe tới đích an toàn. Khi vừa dừng ở đây, tôi đã trực tiếp gặp từng lái xe và kiểm tra từng xe một. Mặc dù thời gian ngắn nhưng thấy rằng tất cả các xe đều đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, sẵn sàng cơ động được ngay khi có lệnh. Về đạn dược đảm bảo 100 phần trăm cơ số. Về nhiên liệu còn hai phần ba cơ số, đủ để chạy khoảng 300 ki- lô- mét nữa. Nói tóm lại, thủ trưởng và các đồng chí có thể yên tâm về mặt kỹ thuật. Báo cáo hết!
   Tiểu đoàn trưởng Bảng nghiêng nghiêng mặt nhìn xói vào gương mặt Bốn như cố tìm xem trong những cái mà người đại đội phó này vừa báo cáo có điều gì đó quá chủ quan hay không. Gì chứ, Bốn thì anh không lạ gì khả năng của cậu ta nữa. Vốn là một lái xe, trước khi đi chiến trường Bốn được bổ nhiệm làm kỹ thuật viên đại đội và bây giờ đã là đại đội phó kỹ thuật. Nói cho công bằng, về mặt lý thuyết thì Bốn không sâu lắm nhưng kinh nghiệm thực tế ở con người này thì khá dày dặn. Tuyệt nhiên không có biểu hiện gì lên gân, nhưng khẳng định chắc như đinh đóng cột thế thì cũng có phần chủ quan. 
   Có vẻ như chưa yên tâm lắm nên đại đội trưởng Tường gặng lại:
   - Thực tình, tôi không hiểu sâu lắm về mặt kỹ thuật nhưng mấy hôm vừa rồi đây tôi thấy ngay bản thân xe mình chạy cũng khá ì ạch, mỗi lần lên dốc khói xả ra cứ đen kịt, có lúc lại còn phụt cả lửa ra nữa. Đề nghị anh Bốn kiểm tra lại chứ đường chiến đấu của ta còn dài mà cứ thế thì nguy hiểm lắm.
   Bốn nhấp nhổm như ngồi trên tổ kiến, đầu gục gặc:
   - Báo cáo thủ trưởng và các anh! Trường hợp xe 761 và một số xe khác xả khói đen và phụt lửa ra cửa xả khi leo dốc chủ yếu là do động cơ của ta đã khá cũ, góc độ phun nhiên liệu sớm lâu ngày không được điều chỉnh có thể sai lệch chút ít. Khi trọng tải lớn hoặc sử dụng trong thời gian dài thì nhiệt độ động cơ lên cao nên mới xảy ra hiện tượng trên. Nói chung, tình trạng này cũng không ảnh hưởng gì lớn lắm đến việc cơ động. Việc này, bây giờ thì chưa thể khắc phục triệt để được nhưng tôi đã nhắc các đồng chí lái xe kiểm tra bổ sung đủ nước làm mát rồi - Có vẻ cũng nhận thấy mình có phần chủ quan, Bốn hạ giọng- Thủ trưởng và các anh đều biết, xe của đại đội ta vốn đã là xe cũ, lại ở chiến trường lâu năm nên xuống cấp nhiều. Với khả năng của mình,  tôi và anh em lái xe đã cố gắng đến mức cao nhất. Không biết về lâu dài thế nào chứ trước mắt, các đồng chí có thể yên tâm.   
   Tiểu đoàn trưởng Bảng đột ngột buông ra một câu hỏi:
   - Thế còn xích xiếc với bộ phận hành động thì sao?
   Sở dĩ Bảng rất quan tâm đến vấn đề này vì thực tế hồi hành quân vào chiến trường, bộ phận hành động mà đặc biệt là hai băng xích đã làm cho anh và cán bộ, chiến sĩ đại đội này nhiều phen “lên bờ xuống ruộng”. Ai đời, xe tăng mà có đêm hành quân bị đứt xích tới chục lần. Lại có cả những lần bị trật xích không làm cách nào điều chỉnh cho chùng xuống được để lắp lại. Cuối cùng phải liều dùng bộc phá đánh cho đứt xích ra mới khắc phục được. Vừa từ bộ binh chuyển sang, thấy chưa đánh đấm gì cả mà cứ đứt xích suốt, Bảng thấy nản lắm. Sau này tìm hiểu thêm anh mới được biết, xe K63-85 của đại đội 3 là loại xe tăng bơi. Để giảm trọng lượng bản thân, các bộ phận, chi tiết đều mỏng và nhẹ hơn các loại xe tăng khác. Kể cả các mắt xích cũng vậy, nó khá mỏng manh và yếu ớt. Đã thế, ở nước ngoài khi cần đưa xe tăng đi xa người ta thường dùng tàu hỏa, tàu thủy hoặc xe vận tải chuyên dùng để chở. Còn ở mình thì xe tăng phải chạy bộ vã từ Bắc vào Nam, mà đường thì có ra đường đâu, nhất là những cung đường vượt Trường Sơn. Thế cho nên mấy cái mắt xích nhỏ bé lại trở thành chuyện lớn, có những lúc tưởng như vì nó mà không thể hoàn thành nhiệm vụ. Ấy là cái lần đại đội 3 gặp một đại đội xe tăng cùng loại bị máy bay địch đánh cháy ở đường 18 bên Lào. Thấy xích của những xe bị cháy còn khá lành lặn, đại đội phó kỹ thuật lúc đó là Nguyễn Thanh Bình huy động một tổ đi thu gom về được mấy trăm mắt xích. Cả đại đội hý hửng đem thay vào xe của mình. Ai ngờ, ngay đêm hôm đó, những mắt xích trông như còn mới đó thi nhau đứt. Thì ra, do đã bị nung qua lửa, chúng đã bị “non” đi và khi gặp tải nặng thì không chịu được. Thế là lại phải cho người quay lại nhặt nhạnh những mắt xích đã tháo bỏ đi để thay vào. Những chuyện đó đã in sâu vào đầu óc Bảng nên anh quan tâm cũng là chuyện bình thường.
   Như hiểu được nỗi niềm của tiểu đoàn trưởng, Bốn trả lời chắc như đinh đóng cột:
   - Báo cáo tiểu đoàn trưởng, về bộ phận hành động chúng tôi đã kiểm tra rất kỹ ở Đà Nẵng. Tất cả những mắt xích nứt vỡ và bánh chịu nặng vỡ cao su đều đã được thay mới. Dọc đường hành quân chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra và thấy rằng không có vấn đề gì xảy ra. Có lẽ do thời gian vừa rồi chúng ta cơ động chủ yếu trên đường nhựa, đường thì bằng phẳng mà mặt đường lại tốt nên xích đỡ bị hại.
Bảng gật đầu tỏ vẻ hài lòng. Có vẻ như cũng đã giải tỏa được mối lo về mặt kỹ thuật, đại đội trưởng Tường ngẩng lên nhìn thẳng vào mặt chính trị viên Trạch:
   - Thế còn tình hình ý chí quyết tâm của anh em có vấn đề gì không, anh Trạch?
   Chính trị viên Trạch sửa lại tư thế ngồi cho ngay ngắn rồi điềm đạm:
   - Báo cáo thủ trưởng và các đồng chí! Về vấn đề này cũng không có gì đặc biệt. Đại đội ta vốn có truyền thống huấn luyện giỏi, kỷ luật nghiêm từ trước, sau chiến thắng Đà Nẵng tinh thần anh em càng lên cao, ai cũng phấn khởi và sẵn sàng bước vào chiến đấu bất cứ lúc nào.
   Không nói gì nhưng Bảng gật nhẹ đầu tán thưởng. Đã cùng hành quân vào chiến trường với đại đội 3, lại cùng nhau “nếm mật, nằm gai” ở A Lưới mấy năm trời, anh thừa nhận cán bộ, chiến sĩ đại đội này là những người lính cực kỳ trung kiên và có kỷ luật. Có vẻ như đồng ý với nhận định đó của anh nên đại đội trưởng Tường quay sang hai trung đội trưởng:
   - Thế còn dưới các trung đội có vấn đề gì đặc biệt không? Tình hình sức khỏe bộ đội thế nào?
   Gọi là trung đội nhưng thực ra bây giờ chỉ có người thôi chứ xe cũng chỉ còn mỗi trung đội 2 xe chứ mấy. Thấy Tường hỏi, trung đội trưởng trung đội 1 Hải “xoăn” liếc nhìn người đồng cấp với mình rồi nhanh nhảu:
   - Báo cáo, trung đội 1 không có vấn đề gì. Anh em khỏe cả và chỉ mong được đi chiến đấu thôi.
   Quyền trung đội trưởng trung đội 2 Đặng Hữu Cam thì cười hềnh hệch:
   - Trung đội tôi thì cũng thế.
   Bấm cái đèn pin đã bọc vải hạn chế ánh sáng lên, ghi thêm vài dòng vào sổ tay rồi đại đội trưởng Tường ngẩng mặt lên dõng dạc:
   - Báo cáo các đồng chí! Qua ý kiến của các đồng chí tôi xin kết luận, cho đến giờ phút này thì đại đội ta cả người và xe đã sẵn sàng thực hiện bất cứ nhiệm nào trên giao. Tuy nhiên, nếu còn nằm ở đây thêm ngày nào, tôi đề nghị các đồng chí tiếp tục cho đơn vị củng cố thêm về kỹ thuật, đồng thời tổ chức cho anh em ăn ngủ điều độ để bảo đảm sức khỏe. Một vấn đề nữa cũng xin các đồng chí lưu ý là nhắc nhở bộ đội làm tốt công tác dân vận. Dù sao, đây cũng là vùng mới giải phóng. Nếu chúng ta không làm tốt công tác này sẽ ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người chiến sĩ giải phóng trong nhân dân - Anh quay sang tiểu đoàn trưởng Bảng, vẻ ngập ngừng- Phần chúng tôi đã xong, mời thủ trưởng cho ý kiến ạ!
   Với mục đích xuống nắm tình hình nên với Bảng thế là đã đủ nên anh lắc đầu:
   - Thôi, tình hình như thế là tốt rồi. Tớ không có ý kiến gì đâu.
   Đúng lúc đó, một bóng người nhỏ thó hớt hải chạy đến bên cạnh xe. Chỉ liếc qua nhưng Bảng vẫn nhận ra đó là Thà, chiến sĩ liên lạc của mình, anh vội lên tiếng trước:
   - Thà đấy hả? Có việc gì thế?
   Thà hổn hển nói không ra hơi:
   - Báo cáo tiểu đoàn trưởng! Có thủ trưởng Bộ tư lệnh muốn gặp ạ!
   Bảng nhảy phắt xuống xe như một thanh niên. Vừa chạm đất anh đã bước đi như chạy về phía bắc:
   - Tớ về đây, chắc sắp có chuyện rồi- Đi vài bước anh còn ngoái đầu lại- Các cậu cũng chuẩn bị sẵn sàng đi.

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #4 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2014, 08:24:09 am »

(Tiếp theo)

Cứ tưởng sẽ còn phải nằm đây vài ngày để trinh sát nắm địch rồi tiến hành công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu, Bảng không ngờ nhiệm vụ lại tới với đơn vị mình nhanh thế.
Khi tiểu đoàn trưởng Bảng về đến xe thiết giáp chỉ huy của mình thì đã thấy chính trị viên Phạm Công Đính, tiểu đoàn phó Nguyễn Thanh Bình, chính trị viên phó Phạm Ngọc Chu và trợ lý tham mưu Bùi Văn Định đang đứng nói chuyện với đại úy Phùng Minh, trưởng phòng tác chiến của binh chủng, lữ đoàn trưởng Nguyễn Tất Tài và một người tầm thước mà anh chưa từng gặp. Thấy Bảng về, Phùng Minh trải rộng tấm bản đồ trên mặt đất và vào việc ngay:
   - Báo cáo các đồng chí! Thừa ủy quyền của đồng chí Tư lệnh binh chủng, tôi truyền đạt mệnh lệnh của Bộ tư lệnh tiền phương đối với tiểu đoàn 4 của lữ đoàn 203 như sau: rạng sáng ngày mai, Tiểu đoàn 4 sẽ phối thuộc cho Sư đoàn 325 hình thành thê đội 1 tiến công tiêu diệt địch ở thị xã Phan Rang. Nhân đây, cũng giới thiệu với các đồng chí đây là đồng chí trung đoàn trưởng trung đoàn 101 của sư đoàn 325, là đơn vị mà các đồng chí sẽ phối thuộc chiến đấu- Đợi cho mọi người bắt tay làm quen nhau xong, anh phổ biến sơ bộ tình hình chung, lực lượng và hình thái bố trí của địch cũng như tình hình quân bạn rồi kết luận- Tóm lại, có ba mục tiêu mà các đồng chí phải đánh chiếm trong nhiệm vụ trước mắt là dinh tỉnh trưởng, sở chỉ huy chi khu quân sự Phan Rang và cảng Ninh Chữ. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trước mắt sẽ tiếp tục phát triển xuống phía nam, càng xa càng tốt, mục tiêu của nhiệm vụ tiếp theo dự kiến là khu vực Cà Ná. Chiều sâu tiến công dự tính cho đến hết nhiệm vụ tiếp theo là ngót 70 ki- lô- mét nên không còn cách nào khác phải tổ chức tiến công bằng cơ giới mà mũi nhọn là tăng thiết giáp, cụ thể là tiểu đoàn 4 của các đồng chí. Làm dự bị cho các đồng chí có tiểu đoàn 5, khi nào tung nó vào còn tùy tình hình cụ thể và do Bộ tư lệnh quyết định. Cùng tham gia tác chiến ở thê đội 1 còn có 1 tiểu đoàn pháo binh và 1 tiểu đoàn pháo cao xạ. Ngay sau đây, đề nghị các đồng chí tổ chức cho bộ binh lên xe rồi cơ động tiếp cận phòng tuyến của quân địch. Hiện nay sư đoàn 325 đã có lực lượng trinh sát bám sát, theo dõi mọi hoạt động của địch. Khi các đồng chí đến nơi, họ sẽ thông báo về tình hình địch cho các đồng chí. Thời gian nổ súng tiến công là 5 giờ sáng ngày mai. Thời gian hoàn thành nhiệm vụ trước mắt là trước 8 giờ sáng. Nhiệm vụ như thế, các đồng chí còn hỏi gì nữa không?
Tất cả mọi người cùng lặng đi, dường như vì họ quá bất ngờ. Dẫu quân địch đang trong thế bị động song chúng đâu có yếu. Quanh cái thị xã Phan Rang này vẫn còn một sư đoàn bộ binh, một liên đoàn biệt động quân và một lữ đoàn dù, đó toàn là những lực lượng thiện chiến của quân ngụy. Lại còn cả một sư đoàn không quân với hàng trăm máy bay đủ loại đóng ở sân bay Thành Sơn ngay cạnh thị xã nữa. Chúng lại xác định là xây dựng ở đây một tuyến phòng thủ vững chắc, một “lá chắn thép” để giữ phần đất còn lại. Không chỉ thế, lại còn phải phát triển đến tận Cà Ná. Thế mà vừa chân ướt, chân ráo đến đây họ đã phải “húc” ngay vào cái “lá chắn thép” này mà không hề được trinh sát xem địch bố trí thế nào, công sự vật cản của chúng ra sao? Ngần ngừ một lát, Bảng mới ngập ngừng:
- Báo cáo đồng chí! Nhiệm vụ thì chúng tôi rõ cả rồi. Nhưng thế này thì khó cho chúng tôi quá, vừa mới hành quân đến đây đã biết địch nó thế nào mà đánh. 
   Phùng Minh lắc đầu:
   - Không biết cũng phải đánh! Bộ tư lệnh quân đoàn đã quyết rồi.
   Tiểu đoàn phó Nguyễn Thanh Bình ngủng ngoẳng:
   - Không biết mà vẫn phải đánh thì có bằng chơi “bịt mắt, bắt dê”. Không khéo thì còn bị dê nó húc cho sứt đầu, mẻ trán ấy chứ.
   Lữ trưởng Nguyễn Tất Tài giờ mới lên tiếng:
   - Không còn thời gian để trinh sát đâu, các anh ạ. Trên Bộ tư lệnh cũng đã tính toán kỹ lắm rồi. Nếu để ra mấy ngày trinh sát và tổ chức chiến đấu chắc chắn bọn địch sẽ có thời gian củng cố công sự, vật cản và đưa thêm quân ra tiếp viện. Vì vậy cấp trên quyết định ta phải chớp thời cơ này để ra tay. Các anh đừng bàn cãi nữa mà nên tập trung bàn thảo kế hoạch tác chiến đi rồi còn triển khai cho các đơn vị chứ. Theo tôi, trong trận này các anh phải vận dụng chiến thuật tiến công trong hành tiến mà lữ đoàn đã tổ chức tập huấn hồi đầu năm ấy. Chiến thuật này chính các anh cũng đã từng áp dụng hôm đánh đèo Hải Vân tương đối hiệu quả. Vì vậy, hôm nay ta cũng có chút kinh nghiệm rồi.
   Bảng nghĩ thầm: “Đã đành là phải tiến công trong hành tiến rồi. Tuy nhiên, mỗi trận đánh nó có đặc điểm khác nhau chứ. Vả lại, địch ở Hải Vân hôm ấy chúng cũng hoang mang lắm rồi chứ có chủ động đợi ta đến như lần này đâu”. Nhưng Bảng chưa kịp phát biểu gì thì trưởng phòng Tác chiến Phùng Minh đã hạ giọng:
   - Các anh ạ! Anh Tài nói đúng đấy. Trên Bộ tư lệnh quân đoàn hôm nay các thủ trưởng cũng thảo luận kỹ lắm. Mà các anh có biết không, 6 ông tướng với Tư lệnh nhà mình ngồi bệt bên đường thảo luận cũng như tôi với các anh bây giờ thế này này. Các cụ bàn mãi mới đi đến thống nhất phải đánh ngay. Đây là thời cơ thuận lợi nhất, thêm ngày nào chúng có điều kiện củng cố ngày đó thì ta sẽ khó khăn gấp bội. Trong khi đó, quyết tâm của Bộ là ngày 20 tháng 4 này, tất cả các lực lượng của cánh quân Duyên Hải phải tập kết ở Rừng Lá, phía nam Phan Thiết để chuẩn bị tổng công kích Sài Gòn. Thế mà hôm nay đã 15 rồi. Chúng ta là chi đội phái đi trước mà không phá cái lá chắn thép này thì đại quân làm sao mà qua được. Ngoài ra, ở B2 quân đoàn 4 đánh Xuân Lộc đã gần tuần nay rồi, thương vong cũng nhiều mà chưa dứt điểm được. Vì vậy, chúng ta vào sớm ngày nào sẽ đỡ cho bạn ngày ấy- Anh vỗ vai Bảng- Với lại các cụ quân đoàn thấy các anh đánh Hải Vân trong hành tiến ngon lành quá nên tin tưởng lắm. Nhiệm vụ như vậy, các đồng chí có ý kiến gì không!
   Ngẫm nghĩ một lát, Bảng từ tốn:
   - Tôi chỉ có một đề nghị, xin các thủ trưởng lưu ý cho. Hiện nay, ở Phan Rang địch vẫn còn một sư đoàn không quân nguyên vẹn. Vì vậy, chắc chắn chúng sẽ chiếm ưu thế trên không và uy hiếp đến chúng tôi. Rất mong các thủ trưởng điều động lực lượng phòng không lên để bảo vệ đội hình.    
   Phùng Minh gật đầu dứt khoát:
   - Được, tôi sẽ báo cáo các thủ trưởng quân đoàn lưu ý đề nghị này của các đồng chí. Nhưng các đồng chí cứ yên tâm mà thực hiện nhiệm vụ đi. Sauk hi đánh chiếm được quận lỵ Du Long, quân đoàn đã lệnh cho sư đoàn 3 lật cánh lên phía tây. Vì vậy, cùng lúc ta tiến công Phan Rang ở hướng này thì sư đoàn 3 cũng nổ súng đánh sân bay Thành Sơn từ hướng đó nên chắc chúng cũng không phát huy được lực lượng không quân đâu. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải cảnh giác cao độ với mấy thằng giặc trời này. Về phía các đồng chí cũng phải chủ động sử dụng vũ khí trong biên chế để tự bảo vệ lấy mình- Anh vỗ vai Bảng, thân mật- Bộ tư lệnh rất tin tưởng các cậu đấy. Còn Tư lệnh cánh quân Duyên Hải thì gọi các cậu là cây lao thép để phá vỡ cái lá chắn Phan Rang này đấy. Cố gắng lên nhé!
   Lặng đi vài giây, Bảng gật đầu dứt khoát:
- Báo cáo lữ trưởng và trưởng phòng! Chúng tôi sẽ cố gắng!- Anh quay sang người cán bộ của bộ binh, sốt sắng- Đồng chí cho biết, bây giờ quân của các đồng chí ở đâu? Lực lượng là bao nhiêu và bao giờ thì cho lên xe được?
   Người cán bộ bộ binh chỉ tay về phía bắc:
- Chúng tôi ở ngay phía sau các anh đây rồi. Tôi chỉ đợi các anh giao nhiệm vụ xong là cho bộ đội lên thôi. Về lực lượng trực tiếp đi với các anh chúng tôi dự kiến bố trí một tiểu đoàn, số còn lại chúng tôi sẽ cơ động bằng ô tô ngay phía sau đội hình xe tăng và thiết giáp.
   Suy nghĩ giây lát, Bảng gật mạnh đầu:
   - Vậy thì các anh cho bộ đội lên ngay đi để còn cơ động. Tiểu đoàn tôi trừ xe chỉ huy ra thì có tổng cộng 20 xe, mỗi xe chỉ chở được cùng lắm là một tiểu đội nên đề nghị các anh tính toán sao cho phù hợp.
   Người cán bộ bộ binh cũng gật đầu:
   - Tôi hiểu rồi. Như thế là cũng đủ chở 1 tiểu đoàn rồi- Anh ta cười ngượng nghịu- Nói là 1 tiểu đoàn nhưng cũng chỉ có độ hơn trăm tay súng thôi, các anh ạ.
   Bảng gật đầu:
   - Thế là tốt rồi. Các anh cứ cho dẫn quân lên. Đại đội xe tăng của chúng tôi là đại đội 3, có năm xe và đang đỗ phía trước chúng ta. Còn hai đại đội thiết giáp của chúng tôi là đại đội 8 và đại đội 9. Đỗ ngay sau xe tôi đây là đại đội 8, còn tiếp về phía sau là đại đội 9. Các anh cứ bảo anh em họ hỏi xe đại đội trưởng rồi hai bên sắp xếp với nhau. Còn việc hiệp đồng chiến đấu, lúc nào lên xe, lúc nào xuống xe thì từng xe anh em người ta sẽ thống nhất với nhau.
Người cán bộ bộ binh tỏ vẻ sốt sắng:
- Vâng! Xin phép các anh, tôi về lệnh cho bộ đội lên ngay.
   Bắt tay mọi người, người cán bộ bộ binh quay quả đi về phía cuối đội hình. Phùng Minh xem đồng hồ rồi thân mật:
   - Cũng muộn rồi đấy, các anh triển khai nhiệm vụ ngay đi. Bây giờ tôi phải quay về Bộ tư lệnh để báo cáo- Anh rảo bước ra xe nhưng khi vừa chui vào xe rồi lại bước xuống- Tôi xin truyền đạt nguyên văn lời của đồng chí Tư lệnh Đào Huy Vũ như thế này: “bảo với cậu Bảng, trong mệnh lệnh của cậu ta chỉ có một tiếng là Tiến”. Các anh hoàn toàn có thể bỏ qua một số mục tiêu không quan trọng ở dọc đường để nhanh chóng đánh vào mục tiêu chủ yếu. Nhớ lấy nhé. Chỉ có tiến, tiến và tiến!.
Phùng Minh đi rồi, tiểu đoàn trưởng Bảng quay về phía lữ trưởng Tài cất giọng nhỏ nhẹ:
   - Bây giờ mà bàn kế hoạch tác chiến thì cũng bằng không vì chưa có thông tin gì về địch. Vì vậy, xin phép lữ trưởng cho chúng tôi cơ động lên gặp trinh sát của bộ binh đã, nắm được tình hình địch rồi sẽ hoàn chỉnh kế hoạch chiến đấu và giao nhiệm vụ cho các đơn vị sau.
   Lữ đoàn trưởng Tài gật đầu:
   - Tôi đồng ý!- Ngẫm nghĩ một lát, anh nói thêm- Lên đó, sau khi nắm tình hình địch, các anh cứ thống nhất trong ban chỉ huy và bên bộ binh. Nếu tôi đến kịp thì sẽ thông qua, còn nếu không các anh cứ tổ chức thực hiện theo kế hoạch. Rõ chưa?
   Bảng gật đầu::
   - Báo cáo lữ trưởng, tôi đã rõ rồi- Anh ngẩng mặt lên, cao giọng- Sau đây, tôi và các đồng chí cùng xuống các đại đội để kiểm tra xem bộ binh lên xe thế nào. Sau khi sắp xếp bộ đội xong, đồng chí Định cho xe trinh sát của mình xuất phát vượt lên đầu đội hình. Khi đi qua đại đội 3 thì lệnh cho họ cơ động theo sau, khoảng cách 500 mét. Khi bắt được liên lạc với bộ phận trinh sát bám địch của bộ binh thì phát tín hiệu cho đội hình dừng lại và đưa ngay họ về gặp tôi. Các anh rõ cả chưa?
   Tất cả đồng thanh:
   - Rõ!
   - Vậy thì triển khai đi!

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Bảy, 2014, 10:10:10 am »

(Tiếp theo)

Sau bữa ăn chiều, gần như cả đại đội 3 đang có mặt ở xe 764 của trung đội trưởng trung đội 1 Bùi Thanh Hải. Chẳng phải đến bây giờ mà ngay cả khi còn ở doanh trại trên hậu cứ A Lưới thì những lúc rỗi rãi, lính tráng trong đại đội vẫn thích tụ tập xung quanh Hải Xoăn để đấu hót và « bôi bác » nhau. Hải người Thái Bình nhưng lại sở hữu một nước da đen bóng và một mái tóc xoăn tít. Chính vì vậy, để phân biệt với Hải Phở cùng xe, cùng quê anh được gán thêm cái biệt danh Hải Xoăn. Trên gương mặt đen nhẫy của Hải chỉ có đôi mắt sáng và hàm răng trắng bóng là nổi bật. Từ hôm xuống đồng bằng, anh em thấy anh hao hao giống cái đầu người trên biển quảng cáo thuốc đánh răng Hi- nos thì Hải lại được gán thêm cái biệt danh Hải Hi- nos nữa. Hồi trước, thấy mấy anh em mới đến cứ xì xào về nước da và mái tóc của mình, Hải thẳng tưng : «Hỏi gì mà hỏi. Tao là Tây đen đấy ! Hồi chống Pháp, bà già tao chạy loạn nhưng chạy chậm nên bị một thằng Tây đen nó yêu. Thế là sinh ra tao. Còn hỏi gì nữa không ? ». Thực hư thế nào chẳng biết nhưng rồi cũng chẳng ai để ý đến chuyện ấy nữa. Hải thẳng thắn, bộc trực, làm ra làm, chơi ra chơi, cuộc sống có phần bỗ bã nhưng phóng khoáng. Cái gì không nên, không phải là bổ thẳng thừng. Tuy thế, trong đại đội không ai ghét anh cả, còn quý là đằng khác. Bằng chứng là đám lính trẻ vẫn thích những cuộc tụ tập tán dóc với anh.
    Tối hôm nay cũng vậy, một bi đông trà hảo hạng cùng mấy bao Ru- by Quân tiếp vụ, Cô- tab, Sa- lem lại được Hải moi ra đãi khách. Anh cười sảng khoái:
- Thiếu gì ! Uống hết đi, hút hết đi ! Mai đã có mấy thằng ngụy ở Phan Rang tiếp tế cho- Anh khoát tay mời mọi người rồi bóc bao thuốc Sa- lem xanh ngắt ra đưa tận tay mời quyền trung đội trưởng trung đội 2 Đặng Hữu Cam, miệng lem lém- Quê chưa khao mọi người đâu đấy nhé. Áo gấm đi đêm như thế là không được đâu.
 Ý Hải Xoăn muốn nhắc đến chuyện Cam vừa mới được giao nhiệm vụ quyền trung đội trưởng trung đội 2 mấy hôm nay. Chả là trung đội này trước đây vốn do Nguyễn Văn Phùng làm trung đội trưởng. Tuy nhiên, sau chiến thắng Đà Nẵng thì Phùng được bổ nhiệm chính trị viên phó đại đội 8 nên Cam được giao phụ trách. Cam mỉm cười chối khéo :
- Cái chức quyền trung đội trưởng đầu binh, cuối cán này thì có gì mà khao ? Mà hồi cậu lên trung đội trưởng tớ có thấy cậu khao ai đâu ?
Hải trợn mắt :
- Thé bao nhiêu lần chè thuốc với lương khô của người ta thì sao ?
Cam cười :
- Thì nó cũng phái ra tấm, ra miếng mới gọi là khao chứ.
   Có trà ngon, lại có thuốc thơm hút thả cửa, câu chuyện của đám lính trẻ rôm rả lắm. Thôi thì đủ thứ chuyện nhưng chuyện « bôi bác » nhau là chính. Vẫn là những câu chuyện tếu táo muôn đời của lính nhưng đợt này mang tính thời sự nhiều hơn. To mồm nhất vẫn là pháo thủ Nguyễn Văn Ngừng, người Gia Lộc, Hải Hưng. Cái miệng rộng hoác của cậu ta thao thao bất tuyệt đủ thứ chuyện. Nào là chuyện hôm ở bán đảo Sơn Trà, thằng Phan vớ được cái xe Hon- da, kỳ cạch một lúc thì nổ máy chạy được nhưng không làm sao dừng được. Thế là cứ phải chạy lòng vòng cho đến lúc hết xăng mới thôi. Lái xe Đức còn bình luận : « Gớm, lúc ấy trông mặt mũi nó xanh như đít nhái » làm cả bọn cười đến vỡ bụng. Rồi thì thằng ấy, thằng nọ vớ được cái tuýp thuốc « co cơ », cứ tưởng thuốc đánh răng, đem ra đánh thế là méo cả miệng. Lại có thằng vớ được hộp thuốc chống thối chân, cứ tưởng hạt tiêu bột, đem rắc vào thức ăn. Thế mà cứ chén tì tì, lại khen ngon nữa chứ. Mãi đến khi có cậu nào đó võ vẽ tiếng Anh giải thích cho thì mới biết, muốn nôn ra cũng không được, chỉ biết chửi đổng vài câu cho bõ tức…Cậu Nhàn pháo hai thì kể : « hôm ở Đà Nẵng, nó với thằng Kiên đang nắc nỏm khen ở đây sao nhiều ti vi thế. Chắc dân trong này giàu lắm thì có tên bộ binh vênh mặt lên : «Ăn thua đếch gì. Ở quê tao, ti vi chạy đầy đường ». Hỏi lại : « Ti vi là cái gì ? » thì hắn chỉ cái ô tô ». Té ra là vì chưa bao giờ thấy ti vi, cứ tưởng ti vi là cái ô tô. Hải ngồi nghe đầy khoái trá, thỉnh thoảng lại mồi chài vài câu nên câu chuyện càng rôm rả. Những tiếng cười trẻ trung, tếu táo lan xa trong đêm từng chập, từng chập.

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #6 vào lúc: 18 Tháng Bảy, 2014, 07:26:23 am »

(Tiếp theo)

Trái với lệ thường, hôm nay lái xe Hoàng Văn Phan không có mặt trong hội « bù khú » đang rôm rả trên tháp pháo. Cậu lỉnh ra một gốc cây xoài nằm sâu phía bên phải đường đọc lại lá thư của Hà, người bạn gái cùng lớp phổ thông nay đang học Đại học Y Thái Bình mà cậu mới nhận được trước hôm đi chiến đấu. Cầm lá thư trên tay, mắt Phan trìu mến lướt nhanh trên những dòng chữ tròn trịa. Thực ra, cậu đâu có đọc bởi mỗi câu, mỗi chữ trong đó cậu đều đã thuộc lòng. Học với nhau suốt mười năm phổ thông, dẫu chưa nói với nhau một lời yêu song Phan biết Hà đã có cảm tình với cậu. Về phía cậu, Phan cũng đã coi Hà như « ý trung nhân ». Sở dĩ cậu chưa dám ngỏ lời cũng chỉ vì còn chút lấn cấn : « mình chỉ là thằng lính quèn, còn Hà là một bác sĩ tương lai. Trước đây, dẫu có thân thiết với nhau thật đấy nhưng bây giờ hoàn cảnh đã khác. Thôi thì hãy cứ từ từ, để xem tình cảm thực của người ta thế nào đã ».  Tuy vậy, những cánh thư của hai người vẫn qua lại như mắc cửi. Và ngay trước hôm lên đường đi chiến đấu, Phan đã nhận được lá thư này của Hà. Lúc đó, cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân này chưa diễn ra, Hà vẫn tưởng Phan đang ở hậu cứ tăng gia cải thiện như cậu đã kể trong lá thư trước. Tuy nhiên, dường như cũng đã có điều gì đó thay đổi trong tâm hồn người bạn gái thì phải. Phan lẩm nhẩm đọc lại đoạn thư mà cậu đã thuộc lòng :
   « … Tháng vừa rồi, lớp H. được đến thực tập điều dưỡng ở Trại thương binh Chí Linh. Đã từng được đọc nhiều trang sách viết về chiến tranh, đã được nghe nhiều câu chuyện chiến trường do P. kể nhưng phải đến lúc được gặp gỡ, chăm sóc mấy chục thương binh nặng ở đây H. mới cảm nhận được thật đầy đủ sự khốc liệt của chiến tranh, cảm nhận đầy đủ hơn những nỗi vất vả, hy sinh mà những người lính phải chịu đựng. Các thương binh ở đây hầu hết còn trẻ lắm, cũng cùng trang lứa với chúng mình thôi, có một số anh thì lớn hơn vài tuổi. Điểm chung nhất là tất cả các anh đều mang trên mình bao vết thương quái ác do bom đạn của giặc Mỹ xâm lược gây ra. Nhưng điều mình cảm phục nhất là dù thân thể mang đầy thương tích song không một ai tỏ ra bi quan, chán nản. Trong đau đớn, họ vẫn kiên cường chống chọi lại với bệnh tật, với một niềm tin yêu kỳ lạ vào cuộc sống, vào tương lai. H. và bạn bè đã không cầm được nước mắt khi nghe anh T., một thương binh cụt hai tay, mù hai mắt cất cao giọng hát : « Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao… ». Thật tình, chuyến đi thực tập này tuy ngắn nhưng đã để lại trong H. những ấn tượng vô cùng sâu sắc. H. tự thấy mình quá nhỏ bé trước những hy sinh, mất mát của những người lính, trong đó có P.
   P. ơi ! Hãy cố gắng để sống và trở về nhé ! H. đợi đấy !... »
   Phan bật cười. Ai chẳng muốn sống và trở về. Nhưng dù sao đó cũng chỉ là ý muốn của mình, còn thực tế thế nào thì ai mà biết được. Phan cẩn thận gấp lá thư đút vào túi ngực rồi chạy về xe hòa mình vào những tiếng cười sảng khoái đang vang lên trên tháp pháo.

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #7 vào lúc: 19 Tháng Bảy, 2014, 07:24:47 am »

(Tiếp theo)

Không góp mặt với đám lính trẻ, sau bữa cơm chiều vội vàng, ban chỉ huy đại đội 3 lại gặp nhau ở xe 761. Họ đang rì rầm trao đổi với nhau về tình hình đơn vị và những khó khăn, biện pháp khắc phục cho trận đánh sắp tới. Thực ra, cả đại đội trưởng Tường và chính trị viên Trạch đều không phải lính « xe tăng nòi » mà từ bộ binh và công binh chuyển sang nên các anh có khá nhiều bỡ ngỡ trong chỉ huy xe tăng chiến đấu. Được cái đại đội phó Đỗ Xuân Bốn và chính trị viên phó Nguyễn Thanh Xuân lại trưởng thành từ thành viên kíp xe lên. Hiểu biết sâu sắc về xe tăng và chức trách thành viên nên hai anh cũng giúp đỡ được cho cấp trưởng của mình nhiều. Vì vậy, mới chỉ hơn một năm từ ngày về đại đội này Tường và Trạch cũng đã hiểu biết nhiều hơn về xe tăng và lính tăng. Nhất là qua chiến dịch giải phóng Đà Nẵng vừa rồi, họ đã trưởng thành lên rất nhiều.
Trận đánh đèo Hải Vân là trận đầu tiên Tường chỉ huy đơn vị chiến đấu. Nói cho thật lòng, lúc đầu anh cũng hơi run. Chẳng biết xe tăng có vừa leo đèo vừa chiến đấu được không ? Mà cái đèo Hải Vân sao nó dài đến thế, những hơn 20 ki- lô- mét, lại cao đến nỗi đỉnh đèo còn khuất trong mây. Chỉ đến khi thấy cả năm chiếc xe phăm phăm leo dốc, rồi loạt pháo đầu tiên gầm lên, mấy cái lô cốt trên đỉnh đèo đổ sụp và bốc cháy đùng đùng anh mới thấy tự tin hơn. Chiếm được đèo rồi, chỉ với mấy chục tay súng bộ binh đi cùng ngồi trên xe nhưng dưới sự chỉ huy trực tiếp của đại tá phó tư lệnh quân đoàn Hoàng Đan, đại đội anh đã xộc thẳng xuống Đà Nẵng còn nhung nhúc quân địch. Gần đến cầu Thủy Tú, một tiểu đoàn địch xông ra ngăn chặn nhưng khi thấy năm chiếc xe tăng hùng dũng tiến vào, vừa chạy vừa bắn pháo và súng máy, súng 12 ly 7 bọn chúng cuống cuồng tháo chạy. Và thế là đơn vị anh trở thành đơn vị đầu tiên đặt chân lên cái thành phố thủ phủ miền Trung này. Chỉ với một chiến dịch ấy, Tường cảm thấy mình đã già dặn lên rất nhiều. Tuy nhiên, khi đứng trước cái « lá chắn thép » Phan Rang này, anh không khỏi cảm thấy lo lắng. Là lá chắn để giữ phần đất còn lại, chắc chắn phòng tuyến Phan Rang sẽ được thiết kế một cách vững chắc. Ngoài ra, còn có một sân bay ngay sát nách với một sư đoàn không quân còn nguyên vẹn thì cuộc chiến đấu ở đó không hề dễ dàng chút nào. Hơi ngả người dựa lưng vào tháp pháo, Tường thầm thì hỏi :
   - Các anh nghĩ thế nào về trận Phan Rang sắp tới.   
   Trầm ngâm một lát, Trạch mới khẽ khàng :
   - Tôi nghĩ là sẽ khó khăn đây. Chó cùng dứt giậu, chúng nó chỉ còn có mấy tỉnh này nên chắc sẽ quyết giữ bằng được.
Tường gật đầu :
- Chắc chắn là thế rồi. Nhưng theo các anh, cái gì là khó khăn nhất đối với ta ?
Trạch trầm ngâm :
- Theo tôi, cái khó khăn nhất là hiện giờ ta không biết địch bố trí ở đâu, công sự vật cản thế nào, hỏa lực ra sao. Đánh nhau mà tù mù thế là khó nhất.
Đại đội phó Bốn láu táu :
- Theo tôi, còn một cái khó nhãn tiền nữa là không quân địch. Nói gì thì nói, phòng không của ta tuy cũng có nhưng còn rất yếu nên nó vẫn làm chủ bầu trời. Mà nghe nói ở Phan Rang này nó còn cả một sư đoàn không quân nguyên vẹn, lại có sân bay Thành Sơn ở ngay cạnh nữa nên không thể coi thường được.
Chính trị viên phó Xuân bổ sung :
- Cao xạ nhà mình thì toàn chạy tít đằng sau. Lúc có máy bay không biết có triển khai kịp không ? Chắc chỉ còn trông cậy vào mấy khẩu 12 ly 7 của mình mà thôi.   
   Tường ngồi thẳng dậy :
   - Các anh nghĩ sao nếu tôi bổ sung cho mỗi xe thêm một pháo hai để chuyên trị bắn 12 ly 7.
   Trong bóng tối nhưng vẫn thấy rõ Trạch gật mạnh đầu :
   - Được đấy, anh ạ ! Mặc dù tầm bắn không cao lắm nhưng nếu phát huy tốt khẩu 12 ly 7 này cũng đỡ nhiều, ít nhất cũng không để chúng muốn làm mưa làm gió gì thì làm. Nhưng mình có đủ pháo hai dự bị không nhỉ ?
   Tường dứt khoát :
   - Ta cứ thống nhất thế nhé ! Còn quân số các anh không lo. Tôi đã tính rồi, số pháo hai dự bị từ trung đội công binh sang và quân Đông Anh mới bổ sung vào đủ để lắp vào mỗi người một xe.
   Trầm ngâm một lát, chính trị viên phó Xuân mới thủng thẳng :
   - Thực tình, không có 12 ly 7 thì cũng gay. Nhưng để anh em pháo hai cứ phải nhô người lên đứng bắn thế thì cũng rất nguy hiểm.
   Chính trị viên Trạch ngắt lời :
   - Thế ông tính sao ? Cứ để mặc bọn chúng làm mưa, làm gió à ?
   Xuân lắc đầu :
   - Không phải ! Ý tôi muốn nói là phải có cách nào đó để sử dụng cao xạ thật hiệu quả mà vẫn đảm bảo an toàn cho anh em.
   Tường thật sự quan tâm :
   - Vậy ý anh thế nào ?
   Xuân nhỏ nhẹ :
   - Cái này thì từ kinh nghiệm từ trước đến nay đều cho thấy, nếu dùng 12 ly 7 bắn máy bay mà không có sự quan sát, chỉ huy của trưởng xe và sự phối hợp hiệp đồng giữa các xe trong đơn vị thì hiệu quả cũng rất kém. Vì vậy, theo tôi, để nâng cao hiệu quả bắn máy bay tất cả trưởng xe của ta cũng phải mở cửa để lúc cần thì chỉ huy anh em.
   Tất cả mọi người cùng lặng đi. Quả thật, những điều Xuân nói là hoàn toàn có lý. Tuy nhiên, như thế thì cũng hết sức nguy hiểm. Cuối cùng, Trạch quả quyết :
   - Tôi đồng ý! Tất cả trưởng xe của ta đều là cán bộ, đảng viên. Chúng ta làm thế cũng là để nêu gương cho anh em. Tuy nhiên, trách nhiệm của chúng ta không chỉ có chỉ huy một khẩu súng đó mà là chỉ huy cả xe, cả phân đội. Vì vậy, theo tôi ta vẫn thường xuyên để mở cửa trưởng xe, khi nào thấy máy bay chúng đánh rát quá thì mới đứng lên chỉ huy pháo hai đánh trả. Các anh thấy thế có được không ?
   Tất cả những người có mặt cùng gật đầu :
   - Nhất trí !
   Chợt mọi người im bặt vì dưới đường cái là một đoàn bộ đội đang lầm lũi bước tới. Đến cạnh xe 761, người đi đầu hỏi nhỏ :
   - Các đồng chí cho hỏi, đồng chí nào là đại đội trưởng ạ ?
   Tường nhổm dậy nhẩy xuống xe, anh chìa tay ra :
- Tôi là đại đội trưởng đây.
   Anh cán bộ bộ binh siết chặt tay Tường :
   - Tôi là Tiến, đại đội trưởng. Chúng tôi được lệnh đưa anh em lên xe tăng của đại đội anh.
   Tường gật mạnh đầu :
   - Tôi là Tường. Thế các anh có bao nhiêu người ?
   Tiến trả lời ngay :
- Chúng tôi có hơn ba chục, anh ạ.
   Liếc nhìn đám chiến sĩ lúc này đã tụ lại xung quanh hai người, Tường dứt khoát :
   - Chúng tôi có tất cả năm xe. Như vậy các anh cứ bố trí mỗi xe từ sáu đến bảy người. Lên xe rồi, anh em sẽ tổ chức hiệp đồng giữa trong xe và ngoài xe. Còn anh sẽ đi xe này với tôi- Ngoái về đám đông đang tụ tập ở xe 764, Tường cao giọng- Tất cả các xe về vị trí, hướng dẫn anh em bộ binh lên xe và hiệp đồng chiến đấu với nhau nhé. 
   Từ xe 764, đám đông túa ra tỏa về xe mình. Người chỉ huy bộ binh tập hợp bộ đội của mình lại. Sau khi nhắc nhở mấy câu, anh dằn giọng :
   - Bây giờ, mỗi tiểu đội về một xe. Bắt đầu !

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #8 vào lúc: 20 Tháng Bảy, 2014, 07:53:08 am »

(Tiếp theo)

Đám đông vừa giải tán thì đã thấy một tốp chiến sĩ bộ binh đứng cạnh xe, Hải Xoăn bảo mấy chiến sĩ của mình :
   - Kéo anh em lên xe rồi hướng dẫn cho họ cách ngồi, cách lên xuống.
   Pháo thủ Hải Phở oang oang :
   - Nào, đưa tay đây, đặt một chân lên băng xích rồi nhún người lên.
   Chỉ một loáng, năm chiến sĩ bộ binh đã được kéo lên sau xe. Có vẻ như lần đầu tiên họ được lên xe tăng nên người nào cũng tỏ ra lạ lẫm và thích thú. Một cậu vuốt ve khẩu 12 ly 7, thốt lên đầy hào hứng :
- Chà, khẩu này mà bắn thì khiếp lắm đây.
Một cậu khác phụ họa :
- Còn phải nói. Nó mà bắn chắc bọn ngụy không ngóc đầu dậy được.
Đứng trên đỉnh tháp pháo, nhìn mấy chiến sĩ bộ binh đang lơ ngơ, Hải Xoăn cảm thấy không yên tâm lắm. Mà hình như họ hơi có phần chủ quan. Vì vậy, Hải nhắc nhẹ :
- Chớ có chủ quan. Bây giờ các ông kéo mấy bao gạo với tấm bạt xe tăng này xếp ra hai bên thành xe mà lấy chỗ trú ẩn. Phía trước thì có thành tháp pháo nó che cho rồi, còn hai bên thì phải tự tạo lấy thôi.
Các chiến sĩ bộ binh làm theo răm rắp. Một lát sau, mấy bao gạo và tấm bạt đã được xếp ra hai bên thành xe. Một chiến sĩ nằm xuống kê khẩu súng AK lên ngắm thử. Xoay xở một lúc, cậu ta thốt lên :
- Ổn rồi. Còn chán vạn lần hơn mấy cái công sự đào vội.
Hải Xoăn kiểm tra một lượt thấy tương đối chắc chắn, anh ngồi xuống tháp pháo, ôn tồn :
- Thế được rồi. Từ bây giờ các ông cứ ngồi sát sau tháp pháo này và cảnh giới hai bên sườn cho chúng tôi. Nhất là khi vào thị xã, phải chú ý bọn bộ binh len lỏi ở các ngõ hẻm với trên ban công nhà cao tầng. Nhớ đừng để thằng nào nó phụt M72 vào bọn tôi đấy.
Mấy chiến sĩ bộ binh cùng cười :
- Anh cứ yên tâm. Không thằng nào thoát khỏi tay bọn tôi đâu.
Hải Xoăn cũng cười :
- Thì cứ biết như vậy đã. Thế các cậu đã ăn uống gì chưa ?- Hải đổi cách xưng hô một cách thân mật vì thấy các chiến sĩ bộ binh đều trẻ hơn mình.
Một chiến sĩ thành thực :
- Thực tình là cả ngày hôm nay bọn em có mỗi vắt cơm. Lúc nãy xe dừng, định nấu cơm lại bảo lên đây ngay nên chẳng có gì vào bụng.
Pháo hai Nhàn càu nhàu :
- Thế mà không lên sớm một tý. Bọn tôi cứ phải ăn cố mãi.
Hải Xoăn lắc đầu tỏ ý không hài lòng, anh bảo nhỏ :
- Thôi, cậu lấy cho mỗi anh em một phong lương khô ăn tạm.
Đúng lúc đó, một chiếc xe thiết giáp K63 lừ lừ chạy tới. Tất cả tạm dừng câu chuyện chú mục nhìn vào chiếc xe. Khi đến ngang xe 761, chiếc thiết giáp dừng lại để chân dầu nhỏ. Từ trên xe, trợ lý tham mưu Bùi Văn Định nhảy sang xe 761. Chẳng biết anh truyền đạt những gì, chỉ thấy một phút sau đại đội trưởng Tường đã đứng dạy hô to :
- Tất cả chú ý, chuẩn bị xuất phát !
   Như có một luồng điện truyền qua, xe nào xe nấy giục nhau ổn định chỗ ngồi. Một loáng sau đã đâu vào đấy. Chiếc xe thiết giáp trinh sát đi qua được một lúc thì xe Tường nổ máy. Ngay sau đó, năm chiếc động cơ cùng gầm lên. Một lát sau, cả đoàn xe đã rùng rùng chuyển động. Xa xa về phía nam, một quả pháo sáng lẻ loi vẽ lên bầu trời đang chạng vạng một đường vòng cung. Nơi đó, tuyến phòng thủ được mệnh danh là « lá chắn thép » Phan Rang đang chờ họ.

(Còn nữa)
Logged
lixeta
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 1531


« Trả lời #9 vào lúc: 21 Tháng Bảy, 2014, 07:53:48 am »

(Tiếp theo)

Đi ở giữa đội hình của đại đội, lái xe 763 Trần Huy Đức căng mắt nhìn con đường hiện ra lờ mờ trong ánh chiều nhập nhoạng. Cũng may, đường quốc lộ 1 khá rộng, lại phẳng lì nên thỉnh thoảng cậu vẫn nghiêng ngó nhìn quang cảnh xung quanh. Đó là một thói quen và cũng là một niềm vui của Đức. Nhưng dưới ánh sáng của buổi hoàng hôn cậu chẳng nhìn thấy gì ngoài những dãy núi đen sì và những lùm cây tối um, Đức đành tiếc rẻ cắm cúi tập trung vào công việc chính của mình.
   Sinh ra và lớn lên ở một thị trấn cổ, nơi hợp lưu của sáu con sông miền Đông Bắc nên lúc nào cũng dập dìu trên bến dưới thuyền. Từ ngày còn nhỏ Đức đã thường cùng các bạn tụ tập trên bến sông ngắm những con thuyền từ mọi miền về buôn bán ở đây. Những con thuyền đồ sộ, có đến ba buồm, phần đuôi cong vút lên có những chấn song tiện rất kiểu cách làm nơi ở cho cả gia đình thì đích thị là thuyền buôn từ vùng Trà Cổ, Vân Đồn về. Chủ nhân của những con thuyền này thường là những thương nhân Hoa kiều hồng hào, béo tốt. Họ đến đây bán các thứ hàng hóa, vải vóc buôn từ Móng Cái hay Trung Quốc về và mua các thứ lâm đặc sản của vùng Lục Nam, Lục Ngạn chở xuống. Nhỏ hơn và dài hơn, có lá buồm hình cánh dơi thì thường là thuyền từ Thanh, Nghệ ra hay từ vùng biển Thụy Anh, Hải Hậu vào. Hàng hóa họ chở đến là các loại hải sản như cá khô, nước mắm, mắm tôm với các thứ mùi không lẫn vào đâu được. Còn những con thuyền từ Chàng, Chũ trên mạn ngược xuống thì thanh mảnh với cánh buồm cũng nhỏ xíu. Trên đó thường chất đầy các loại sản vật của rừng. Mùa nào thức ấy, khi thì là những « lồ » trám trắng, trám đen to vật vã; khi thì là hạt gắm, hạt dẻ thơm lừng; gần Tết thì lớp lớp lá dong, giang chẻ lạt cùng nấm hương, mộc nhĩ v.v… Ngay cạnh bến thuyền là bến phà nối liền con đường quốc lộ 18 cũng suốt ngày tấp nập xe qua lại. Ngược lên phía bắc là đi Hà Nội, Lạng Sơn. Xuôi về phía nam là đi Hồng Gai, Uông Bí.
   Không biết là những cuốn sách, những giờ học hay những con thuyền, những chuyến xe tấp nập ngày đêm qua lại cái thị trấn cổ đó đã khơi dạy cái khát vọng được đi đây đi đó trong lòng cậu bé Trần Huy Đức mà lúc nào cậu cũng thèm được đi đến những miền đất mới. Cái khát vọng ấy không hề giảm bớt khi Đức vào bộ đội. Bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ, bổn phận một thanh niên theo lời giáo huấn của ông nội : « Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách » thì cậu cũng coi đây là một dịp để được đi du lịch, để biết đó, biết đây. Vì vậy nên đi đến đâu, dẫu có khó khăn, ác liệt đến mấy Đức vẫn giành thời gian tìm hiểu mảnh đất mà mình vừa đặt chân đến. Cuộc đời người lính xe tăng đã đưa cậu từ cái thị trấn quê hương đến với miền trung du « rừng cọ, đồi chè » bát ngát. Rồi từ chân dãy Tam Đảo uy nghiêm, cậu đã đi dọc chiều dài đất nước. Cậu đã từng ngẩn ngơ ngắm cảnh bóng xế tà trong một buổi hoàng hôn trên đỉnh Đèo Ngang. Cậu đã từng ngây ngất trước Trường Sơn hùng vĩ. Cậu cũng đã đến bên dòng Bến Hải đứng hàng giờ để nhìn về phía bờ nam hoang vắng, cô liêu rồi nếm ở đó một ngụm nước ngọt ngào mà đắng chát chia ly. Nhất là một tháng gần đây, từ khi rời hậu cứ A Lưới thì tầm mắt cậu càng được rộng mở, cậu đã được đặt chân đến bao miền đất mà từ trước đến nay chỉ biết tới qua sách vở. Cậu lặng lẽ ngắm nhìn, cảm nhận, so sánh và thỏa thuê gặm nhấm niềm sung sướng một mình. Ngay cả khi đang lái xe chiến đấu đánh đèo Hải Vân mà cậu vẫn mở cửa để thỉnh thoảng thò đầu ra ngơ ngẩn với « Đệ nhất hùng quan ». Chỉ đến khi chính trị viên Trạch phải quát lên cậu mới chịu đóng cửa vào.
Còn hôm nay, theo những gì đã được đọc từ hồi còn ở nhà thì Đức biết mình đang đi vào xứ sở của Tháp Chàm nên cậu háo hức lắm. Chẳng biết tại sao nhưng những cái Tháp Chàm, những di sản còn lại của tộc người Chăm Pa lại có sức hấp dẫn lớn đến như vậy với Đức. Có lẽ bởi nó quá huyền bí thì phải.  Hôm đi qua Tuy Hòa, lần đầu tiên Đức tận mắt nhìn thấy tháp Chàm nhưng ở khoảng cách xa quá, đơn vị lại đang hành quân gấp không được dừng lại nên cậu tiếc hùi hụi. Vì vậy, khi chạy trên cầu Đà Rằng, cây cầu hơn 1000 mét thẳng tắp như sợi chỉ căng, lại cấm các phương tiện qua lại cho xe tăng đi nên không một bóng người, Đức liền vào số 2 và cố định tay dầu rồi nhô hẳn người lên nhìn như dán mắt vào cái bóng cô liêu và bí ẩn của ngọn tháp in lên bầu trời hoàng hôn tím sẫm. Nghe nói, ở Phan Rang có nhiều tháp lắm, Đức tự nhủ với lòng mình khi đến đó sẽ phải tới tận nơi để được tận tay sờ vào những viên gạch cổ kính, rêu phong, được thỏa thuê ngắm nhìn và khám phá cho thỏa lòng mong ước. Thế mà lúc này trời tối quá, chẳng thấy gì ngoài con đường mờ mờ ảo ảo trước mắt.
   Ngồi bên cạnh cửa lái xe là pháo hai Đoàn Văn Xiển, người Ninh Giang và cùng nhập ngũ một đợt với Đức. Theo quy đinh, những khi hành quân thì ngoài lái xe chỉ cần trưởng xe thức để chỉ huy. Còn pháo thủ, pháo hai thì được quyền ngủ, nghỉ. Ở xe này, pháo thủ Trần Văn Song và pháo hai Nguyễn Văn Hòa tận dụng rất tốt cái quyền này, chả thế mà sau gần một tháng hành quân chiến đấu liên tục, cả hai vẫn béo quay, thậm chí còn lên cân nữa. Ngay cả chính trị viên Trạch nhiều khi đứng trên cửa trưởng xe đấy nhưng cũng gà gật ngủ bởi với những tay lái có thâm niên như Đức thì cũng không có gì đáng lo cho lắm. Riêng pháo hai Đoàn Văn Xiển thì không như vậy. Từ hôm hành quân rời A Lưới đến nay thì hầu như đêm nào Xiển cũng thức cùng Đức. Cậu ta cứ ngồi bên cạnh cửa lái xe, lưng dựa vào tháp pháo, thỉnh thoảng lại khum tay che gió mồi một điếu thuốc cắm vào miệng Đức. Mỗi khi nghỉ ngắn, Xiển lại vớ chiếc bi đông xe treo cạnh buồng động lực pha cho Đức một ca sữa nóng. Bình thường, Xiển đã ít nói. Những lúc này, cậu ta càng ít nói hơn. Tuy nhiên, sự chăm sóc âm thầm, lặng lẽ của người đồng đội làm Đức thấy ấm lòng hơn và dường như tay lái cũng vững vàng hơn.

(Còn nữa)
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM