Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 09:26:02 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 78724 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #100 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:22:06 am »

7. ALÔ! CÓ THỂ KHRUSOV SẼ LÊN NGÔI


Diệp Kiếm Anh khẳng định đây là màn kịch của “ba chấm thuỷ” - tên lóng chỉ Giang Thanh, vì chữ Giang có bộ thuỷ ba chấm. Trong con mắt của Diệp, Giang chỉ là một con đào bảo khóc là khóc, bảo cười là cười, hoài nghi đã thành bản tính, bức hại người khác như thể điên khùng, và cho dù ai có tâng bốc gì đi nữa, con hát ấy không thể cao thượng lên được.

Cuộc đấu tranh giữa ba lực lượng Giang Thanh và nhóm Thượng Hải, Hoa Quốc Phong và Uông Đông Hưng, Diệp Kiếm Anh và các tướng lĩnh quân đội vẫn ngấm ngầm tiếp tục. Còn Mao Trạch Đông nằm yên bất động, vô tri vô giác, và không rõ linh hồn ông đang phiêu diêu ở chốn nào?

Kể từ ngày khi Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn lần lượt được điều lên Trung ương công tác, thành phố Thượng Hải đông dân nhất Trung Quốc là của Mã Thiên Thuỷ. Ông là Bí thư Thành uỷ, tuổi đã già, tóc đã bạc, nhưng vẫn cảm thấy sức xuân vì luôn luôn gắn chặt với Trung ương do Mao Chủ tịch đứng đầu và cũng nhập dòng thác tả khuynh như những thành viên “nhóm Thượng Hải” ở Bắc Kinh. Mã Thiên Thuỷ tự tạo dựng cho mình một hình tượng hoạt bát phi thường, ngày ngày lấy nước sôi mà không cần người phục vụ, viết công văn không nhờ thư ký, và chủ trì hội nghị liên tục 3, 4 giờ không nghỉ giải lao v.v… Mã bí thư đã nhiều lần nghe Trương Xuân Kiều rỉ tai rằng sẽ được cất nhắc, hoặc chủ trì Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, hoặc Phó Thủ tướng, dù chức vụ gì thì đời Mã cũng sắp lên hương. Nhưng nay bỗng Mao Chủ tịch qua đời, thương Người chẳng mấy mà hoảng sợ vì bóng đen trùm lên con đường hoạn lộ của mình lại nhiều. Giá mà cái ghế thủ tướng về tay Trương Xuân Kiều thì thời cơ thuận lợi biết chừng nào. Nay không may là Hoa Quốc Phong, rắc rối quá... Đang miên man lo âu như thế trong những giờ phút quốc tang thì Mã Thiên Thuỷ nhận được điện thoại từ Bắc Kinh điện về:

- Alô, lão Mã đó phải không?

- Kính chào Trương huynh. Vâng, tiểu đệ đây.

- Đồng chí thông báo cho các thành uỷ viên Thượng Hải biết: Khrusov sẽ lên ngôi ở Liên Xô. Hãy nghiên cứu đối sách.

- Đấu!

- Bằng cách nào?

- Cả văn lẫn võ.

- Ôi, Mã bí thư thật tài ba. Đồng chí hãy mau mau vũ trang cho lực lượng dân quân tự vệ của Thượng Hải, phát ngay vũ khí cho họ. Một mai Khrusov lên ngôi, bọn theo chủ nghĩa xét lại có cầm quyền, thì cây súng Thượng Hải là cái vốn của chúng ta. Đồng chí hãy nhớ Thượng Hải là căn cứ công nghiệp của Trung Quốc, nếu công nhân được vũ trang thì đó chính là pháo đài bất khả xâm phạm mà không một lực lượng chủ nghĩa xét lại nào dám đụng tới.

- Trương huynh yên tâm, đã làm và sẽ làm mạnh hơn nữa...

Đúng vậy, từ trung tuần tháng 8 đến nay, chưa đầy 30 ngày mà số vũ khí Thành uỷ Thượng Hải giao cho công nhân đã lên tới 53.000 khẩu súng trường kiểu 56 bán tự động, 22.642 khẩu tự động kiểu 63, ngoài ra còn trang bị 200 khẩu liên thanh và 300 trọng pháo... cả một chiến dịch chống phá Hoa Quốc Phong mà người ta gọi là “Khrusov của Trung Quốc” đã được dàn thế trận như vậy.

Còn ở Bắc Kinh, Trì Quần và Tạ Tĩnh Nghi - cặp bài trùng đã một lần lập công vì thành tích “công nông binh hoá đại học” hiện đang nắm quyền ở Đại học Thanh Hoa -một học phủ lừng danh của Trung Quốc, được phân công đấu tranh trên mặt trận chữ nghĩa. Trì bàn mưu với Tạ:

- Em cho nhóm sáng tác viết bài công kích Khrusov ngay, nhân quả pháo “Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta” của Diêu thủ trưởng mà xung phong, cấp tập nã đạn. Lúc này không thể ngồi chờ, đợi lệnh chỉ huy nữa rồi.

- Làm như vậy nhỡ thất bại thì anh em mình mắc trọng tội. - Tạ cô nương ra chiều nũng nịu với Trì Quần.

- Chính trị mà không mạo hiểm thì sao thành công được? Từ một góc độ nào đó, có thể xem chính trị là nghệ thuật của sự mạo hiểm.

Trì chậm rãi hít một hơi thuốc, rồi từ từ nhả khói vào không trung và tiếp tục mê hoặc người đẹp:

- Mao Chủ tịch của chúng ta bao phen bị dồn ép, bãi quan, chịu không biết bao nhiêu là công kích, vùi dập... Đến cả Chu Đức, Trần Nghị, Chu Ân Lai đều đã phản đối Người. Mười năm nội chiến, mất hết quyền, sống gian khổ trong cái hầm nhỏ trên núi, thế mà ông cụ đã vượt qua muôn trùng mạo hiểm và chung cuộc thì như em đã rõ.

- Ôi, anh Trì giỏi quá! Em đồng ý.

Họ tâm đầu ý hợp và kéo bè kết mảng nã đạn vào lực lượng Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh; hy vọng qua cơn mạo hiểm này mà chiếm cứ đỉnh cao chính trị.

Cánh quân thứ ba mà Giang - Trương muốn nắm là Ngoại trưởng Kiều Quán Hoa. Liên tục mấy bận, Trương Xuân Kiều thăm dò hỏi han Kiều Quán Hoa về phản ứng của quốc tế, kể cả phe địch trước lời trăn trối lúc lâm chung của Mao Chủ tịch.

Hầu hết đều nhận định rằng, bất luận ai lên cầm quyền ở Trung Quốc lúc này đều phải đi theo đường lối của Mao Chủ tịch một thời gian. Nhưng mật điện ngoại quốc dự đoán: Đặng Tiểu Bình có khả năng trở lại!

- Thế đồng chí có tìm hiểu được kỹ thuật bảo tồn di thể của các nước trên thế giới không?

- Theo tôi, chúng ta nên tự lực giải quyết vấn đề này. Tôi tin người của chúng ta làm được!...

Kiều Quán Hoa goá vợ từ lúc trung niên, ở vậy hơn mười mấy mùa xuân, sau đó Mao Trạch Đông giới thiệu cho Kiều cô Chương Hàm Chi, từng là phiên dịch tiếng Anh của Mao, làm bạn đời. Tháng 4 năm 1976, Chương Hàm Chi thu thập được một tài liệu mật của Khang Sinh, phát giác Giang Thanh và Trương Xuân Kiều là phản bội, đầu hàng. Tài liệu trình lên Mao, Mao xem xong chuyển cho Giang, Trương và kèm theo lời phê: “Hãy xem kỹ, sẽ biết nhiều chuyện”. Vì vậy, sau đó cả hai đều không mặn mòi gì với vợ chồng Kiều - Chương, vả lại vị Ngoại trưởng này cũng từng công bố: “Tôi tin tưởng đồng chí Giang Thanh và Trương Xuân Kiều là trên cơ sở tôn trọng Mao Chủ tịch, nói xấu các đồng chí là nói xấu Người, do đó nghe được điều gì không phải, là báo cáo ngay. Vạn nhất sau này Chủ tịch ra quyết định phế truất các đồng chí, Kiều Quán Hoa tôi chiểu theo ý Người tán thành hai tay”. Gờm quá, Giang - Trương đành xa Kiều và sẽ tính sổ sau vì còn nhiều đối thủ quan trọng hơn.

Giang Thanh quyết định đến văn phòng Thủ tướng, chủ động nói chuyện với Hoa Quốc Phong. Bà mặc toàn một màu đen tang tóc và bi thống. Châm chọc nhau không được thì ta quay sang hoà hoãn lôi kéo - bà nghĩ vậy rồi đường đột mở cửa:

- Chào đồng chí Quốc Phong!

- Chào chị. Chị bỏ qua cho, đáng lẽ tôi phải sang chia buồn cùng chị và cháu Lý Nạp, nhưng quả thật chưa sắp xếp được thời gian.

- Cám ơn, cháu đang nằm viện, ông cụ qua đời, ra đi một cách đường đột làm cháu tủi lắm. Lý Nạp là đứa con được Chủ tịch yêu mến nhất, là kết tinh của mối tình đẹp đẽ giữa tôi và ông cụ từ thuở ở Diên An. Ban đầu định để cháu nó làm liên lạc viên cho Chủ tịch, nhưng vì sức khoẻ nên phải giao cho Mao Viễn Tân thay thế. Thật là trớ trêu, ai cũng có khó khăn riêng của mình... - Giọng Giang Thanh chìm xuống và như có cái gì đó rất xa xăm, không hiểu bà đang nói chuyện hay là đang đóng kịch!

- Chị cho tôi hỏi thăm sức khoẻ Lý Nạp.

- Vâng, xin cảm ơn tấm lòng của chú.

Đoạn bà chuyển nhanh lên cao trào:

- Chủ tịch không còn nữa, chúng tôi đi đâu cũng là vợ goá con côi, nhiều việc không thể không cậy nhờ Thủ tướng. Đồng chí biết không, khi Mao Chủ tịch chọn đồng chí làm Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương Đảng kiêm Thủ tướng Chính phủ, tôi đã hết lòng bảo vệ, ủng hộ. Viễn Tân cũng thế, chúng tôi trình bày, nói tốt cho đồng chí, nếu không thì đã khó lòng...

- Dạ, tôi rõ, rất rõ ạ.

- Đồng chí thật thà, an phận, trung thành với Chủ tịch, kiên quyết đấu tranh với Đặng Tiểu Bình. Đồng chí còn nhớ Chủ tịch đã nói: “Chú làm việc, tôi yên tâm” chứ? Đồng chí đừng làm điều gì phụ lòng ông cụ, xin nhắc lại như vậy với đồng chí Quốc Phong!

Hoa chau mày trước lời lẽ uy hiếp của Giang - một Võ Tắc Thiên hiện đại - và chậm rãi thưa lại:

- Tôi không bao giờ quên ân tình của Chủ tịch và cũng sẽ không làm điều gì phụ lòng Chủ tịch. Phàm là chỉ thị của Chủ tịch, tôi kiên quyết thực hiện, phàm là quyết sách của Chủ tịch, tôi tuân thủ đến cùng, tôi nhất định...

Hoa Quốc Phong đang thao thao tuyên thệ về “chủ nghĩa phàm là” của mình thì Giang Thanh cắt ngang:

- Thôi đủ rồi những lời tốt đẹp, Chủ tịch không còn nữa. Vấn đề mấu chốt bây giờ là thái độ với người sống!

- Chị nói gì? Tôi không hiểu.

Hoa đã chịu đựng quá tải lắm rồi, nhưng ông vẫn điềm tĩnh hỏi lại. Bà cười khỉnh:

- Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu chống phá tôi, mưu hại tôi, kết quả kẻ chết không ai chôn; người thiêu thân trên hoang mạc. Đó là ý của trời, chú có hiểu không? Cho nên hãy ủng hộ tôi, tạo thuận lợi cho tôi.

- Chị Giang Thanh, chị đã mệt, nên về nghỉ. Không ai phản đối chị đâu. Một vài ý kiến này nọ làm sao mà nói là mưu hại chị? Chỉ cần chị và đại đa số Bộ Chính trị đoàn kết, nhất trí thì không ai dám gây khó dễ đối với chị.

- Không hẳn đã như vậy!

- Chị hãy tin vào đa số.

- Được, tôi nêu ra vấn đề này, mong đồng chí Thủ tướng suy nghĩ, nếu không kịp giải quyết thì sẽ sinh sự đó. Đồng chí không nên cắt lời tôi, để tôi nói hết đã.

- Vâng, chị cứ nói.

- Tôi làm thư ký nhiều năm cho Chủ tịch, hiểu rõ tư tưởng của Ngươi hơn ai hết. Người ra đi, nhưng hồ sơ, văn kiện, bài viết, chỉ thị của Người còn để lại là rất quan trọng, nếu không may bị thất thoát, bị xuyên tạc thì ai chịu trách nhiệm? Tôi đã nghĩ kỹ, tốt nhất là phải giao cho tôi bảo quản, chỉnh lý. Tôn Trung Sơn tạ thế, thì Tống Khánh Linh đã từng phụ trách di cảo của ông, và trường hợp của Lênin cũng giao cho Krupskaia. Còn tôi bây giờ, vừa vào thư phòng của chồng mình lập tức có người đuổi ra. Xin nhớ: xác chồng tôi hãy còn chưa lạnh hẳn!

- Thưa đồng chí Giang Thanh, di cảo của Chủ tịch là tài sản chung của toàn Đảng toàn dân, trước mắt do Văn phòng Trung ương niêm phong bảo quản và sau này giao cho tập thể Trung ương chỉnh lý, đó là thái độ trọng thị và kế thừa ý chí của Người. Và cũng xin đồng chí nhớ cho rằng, Mao Chủ tịch là lãnh tụ của toàn Đảng và của cả nước chứ không của riêng ai!

- Thế vợ muốn bảo quản và chỉnh lý di cảo của chồng lại phạm tội sao?

- Nếu đa số Bộ Chính trị đồng ý giao nhiệm vụ này cho đồng chí thì tôi sẽ hoàn toàn phục tùng. Còn hiện nay, đang tuần tang lễ, sau ngày truy điệu cho Chủ tịch xong, hãy bàn bạc!

- Được, di cảo của Chủ tịch các người không giao tôi, thì đó, di thể của ông cụ, bảo tồn, giữ gìn ra sao tôi sẽ không tham dự. Hồng Văn, Xuân Kiều cũng vậy, các người đi mà lo với nhau!

Thật là một con người tàn nhẫn! Hoa Quốc Phong rùng mình và kiên quyết không nhượng bộ. Ai sẽ giúp ông trong giờ phút căng thẳng này?...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #101 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:24:42 am »

8. CUỘC GIAO TRANH SAU LỄ TRUY ĐIỆU


Chín ngày khóc thương Chủ tịch đã trôi qua, chín ngày vừa túc trực bên linh cữu của Người, vừa bày binh bố trận, tranh giành nhau từng nước cờ đã trôi qua. Điều phải đến đã đến, đó là lễ truy điệu.

Chiều ngày 18 tháng 9 năm 1976, đất trời như bị đè nặng bởi màn mây u ám. Hơn một triệu quần chúng tề tựu trong đội ngũ công - nông - binh - trí và các giới khác đang lặng lẽ đứng chờ tại quảng trưởng Thiên An Môn. Chính giữa quảng trường là cột cờ, trên đó treo rủ quốc kỳ 5 sao. Trước thành lầu Thiên An Môn, đài chủ toạ buổi lễ được dựng lên, thấp thoáng rất nhiều ảnh chân dung Mao Trạch Đông. Biển người với băng đen và hoa trắng không chút gợn sóng, im phăng phắc một cách đáng sợ. Có thể nghe thấy tiếng ho của ai đó trên đài chủ toạ. 14 giờ 50 phút, các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước bước lên đài chủ toạ. Cũng như thường lệ, Giang Thanh là người đến sau cùng. Bà bận áo choàng màu đen, đầu phủ khăn tang cũng màu đen như kiểu châu Âu, bước từng bước rất nặng nề, như thể không đi nổi, tiến dần về vị trí của mình. Bà quay người hướng về ảnh chân dung Mao Chủ tịch mà toàn khung đều viền lụa đen, kính cẩn vái ba lạy. Vương Hồng Văn tiến lên tranh bắt tay Giang Thanh đầu tiên và cao giọng: “Xin được phép chia buồn”. Giang Thanh gật đầu đáp lễ, bắt tay Vương và đến bắt tay Hoa Quốc Phong. Bà nói khẽ:

- Đồng chí Quốc Phong, sau lễ truy điệu tôi có việc quan trọng cần nói với đồng chí.

Diệp Kiếm Anh đứng cạnh Hoa Quốc Phong đã nghe trọn câu nói ấy. Ông vờ lảng tránh, nhìn ra phía quần chúng và trước đài chủ toạ, vị trí quy định cho đám ký giả đang tranh nhau chĩa ống kính vào đám Giang - Trương -Vương - Diêu. Ông mỉm cười nghĩ về thói đời xu nịnh.
Phía bên này, Lý Tiên Niệm bắt tay hỏi hai các tưóng lĩnh, cán bộ lão thành, những chiến hữu đã cửu biệt nay mới có dịp trùng phùng. Họ gật đầu chào nhau và khẽ nói: “sắp rồi”.

Diêu Văn Nguyên căn dặn người phụ trách Tân Hoa xã phải đưa tin tường tận buổi lễ hôm nay, không sợ trùng lặp, cái gì quan trọng viết tất, và nhớ nhấn mạnh câu “trăn trối lúc lâm chung của Người”, giả sử không có câu đó thì tìm cách diễn đạt ý tương tự, Diêu cũng không quên ra hiệu gọi cán bộ truyền hình lại hội ý và rỉ tai:

- Kéo dài cảnh quay chỗ tôi.

- Vâng thủ trưởng cứ yên tâm.

Chủ trì buổi lễ 18 tháng 9 là Phó Chủ tịch Trung ương Đảng Vương Hồng Văn. Cho đến hôm nay, ông đã liên tục chủ trì các buổi lễ truy điệu Chu Ân Lai, Chu Đức nên hầu như rất thành thạo. Vương đứng kề bên Hoa, tư thế rất trịnh trọng nhìn về phía quần chúng và mỗi tế bào trong người ông đều như muốn trào sôi. Cũng ngày này 10 năm về trước, ông chỉ là một trưởng phòng loại nhỏ - Phòng bảo vệ của Nhà máy Bông số 17 Thượng Hải. Thế mà nhờ “cách mạng”, nhờ “tạo phản”, hôm nay ông bỗng dưng trở thành đại chủ nhân của nưóc Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, tên tuổi ông chỉ đứng sau mỗi một người và biết đâu mai đây, qua giao tranh, ông sẽ thành nguyên thủ? Tuy nhiên, ông biết mình còn hổng nhiều chỗ, nhất là tri thức, ông chưa hề bước vào cổng trường đại học. Nắm trong tay cả pho sách kinh điển Mác - Lê mà đến thuật ngữ còn chưa hiểu huống hồ là nội dung ý nghĩa. Khi còn sống, Mao Chủ tịch đã bắt ông phải học, nhưng ông ngồi không yên, thôi thì phần gì thuộc về tư tưởng lý luận thì ông ngoan ngoãn nghe lời Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên. Họ đều là đại sư của chúng ta, còn ta, ta là cái kim xung kích, Vương Hồng Văn an phận suy nghĩ...

Đúng 15 giờ, toàn thể mọi người đang làm việc ở cơ quan, trường học, nhà máy, hầm mỏ, cửa hàng, cửa hiệu, trại lính, nhà giam, công xã nhân dân, và cả các khách bộ hành trên đường, ngoài phố trong cả nước đều đứng nghiêm mặc niệm. Xe lửa, tàu thuyền, chiến hạm, công xưởng kéo còi ba phút, tất cả đồng loạt tiếc thương đưa vị lãnh tụ của mình về nơi an nghỉ cuối cùng. Nhạc điếu ai oán, bi thống ngân lên ở quảng trường Thiên An Môn. Sau đó, Hoa Quốc Phong với khẩu âm Sơn Tây, tuyên đọc điếu văn:

- Thưa đồng bào, đồng chí. Hôm nay...

Điếu văn không có đoạn trăn trối lúc lâm chung “Làm theo phương châm đã định” do nhóm Giang Thanh đề nghị, lý do đơn giản là: “Các đồng chí nói chậm quá, mà nội dung điếu văn thì Bộ Chính trị đã thông qua”. Kỹ thuật và khoa học hiện đại đã không những ghi lại đầy đủ cảnh tượng lịch sử hiếm hoi này, mà còn truyền đi một cách trung thực mọi tư thế và âm thanh của Hoa Quốc Phong đến với khán giả toàn Trung Quốc và cả thế giới. Vương Hồng Văn vẫn không rời mắt trên từng con chữ của văn bản điếu văn, chứng nhân cho sự tuyên đọc chính xác của Hoa Quốc Phong. Còn Trương Xuân Kiều, ông vừa nghe, vừa lượng sức giữa các phe phái, ai sẽ là người kế vị, nắm quyền. Ông ngoái nhìn đám tiền bối và lo sợ, một mai họ nổi dậy thì ta chỉ có đường chết.

Cách quảng trường Thiên An Môn không bao xa, Đặng Tiểu Bình chăm chú xem vô tuyến, cân nhắc từng câu chữ của bài điếu văn, nhiều lúc rùng mình kinh ngạc và không khỏi phân vân với gương mặt xa lạ kia - Hoa Quốc Phong. Giọng đọc từ máy thu hình vẫn đều đều phát ra:

- …Người đại diện cho lợi ích và nguyện vọng của giai cấp công nhân, bần nông và trung nông lớp dưới, tự mình phát động và lãnh đạo cuộc Đại Cách mạng Văn hoá đập tan âm mưu phản phúc của Lưu Thiếu Kỳ, Lâm Bưu, Đặng Tiểu Bình, phê phán đường lối theo chủ nghĩa xét lại, chống đối cách mạng của họ...

Thật trớ trêu, người ta vừa táng Mao, vừa phê Đặng và như muốn nhấn chìm cả hai người hùng này cùng một lúc.

Lễ truy điệu kết thúc trong tiếng nhạc Đông Phương Hồng và Quốc Tế ca. Thời lượng không quá một tiếng đồng hồ. Công việc đưa Người về nơi thiên cổ xem như đã xong và bây giờ cuộc giao tranh chính thức xem như mở màn sau bao ngày bí mật diễn tập.

Trên đài chủ toạ bước xuống, Giang Thanh, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều bám sát Hoa Quốc Phong. Bà nói:

- Đồng chí Quốc Phong, tôi trịnh trọng đề nghị, ngày mai chúng ta mở hội nghị để bàn một số vấn đề quan trọng. Ngoài Vương, Trương - hai uỷ viên thường vụ ra, tôi, Viễn Tân, Văn Nguyên đều phải tham gia, vì có nhiều điều cơ mật liên quan đến Đảng và Nhà nước. Đồng chí thấy thế nào?

- Vâng, tôi sẽ báo cáo cho Diệp Kiếm Anh. Đồng chí ấy cũng là Phó Chủ tịch, uỷ viên thường vụ.

- Diệp Kiếm Anh già yếu, vả lại Chủ tịch không phải đã cho ông ấy nghỉ bệnh rồi hay sao? Chắc đồng chí chưa quên? Bàn xong chúng ta thông báo cho ông ấy cũng được.

- Đành vậy, ngày mai chỉ là hội ý công việc mà thôi.

Họ đã tuyên chiến với nhau như thế trên quảng trường Thiên An Môn lịch sử, ngay sau khi tiếng nhạc Quốc Tế ca vừa dứt và giữa hàng chục vạn người dự lễ truy điệu còn ngoái nhìn ảnh Mao Trạch Đông, bịn rịn, tiếc thương, chân bước đi không đành.

Khoảng 15 giờ chiều ngày 19 tháng 9, hai chiếc Hồng Kỳ đưa Giang Thanh đến Đại lễ đường Nhân dân từ từ đỗ lại ở cổng phía nam. Bà ôm cặp da màu trắng xuống xe, rút chiếc lược gỗ hoàng dương sửa lại mái tóc rồi bước vào phòng họp. Chào hỏi Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Mao Viễn Tân và Uông Đông Hưng xong, bà ngồi xuống sofa, bắt đầu thao thao bất tuyệt:

- Lễ truy điệu đã thành công tốt đẹp. Hôm nay chúng ta bàn với nhau những vấn đề quan trọng, rất quan trọng, mong các đồng chí hãy vì sự đoàn kết, hãy vì Mao Chủ tịch mà chân thành phát biểu ý kiến của mình. Người ta vẫn cho rằng Giang Thanh tôi là người làm văn nghệ, là nghệ sĩ. Sự thực thì không phải như vậy. Tôi chưa hề quản lý công việc này, hồi đứng ra phê bình sân khấu là hoàn toàn tuân theo chỉ thị của Chủ tịch. “Văn cách” mà, không chỉ mình tôi, Chủ tịch, Thủ tướng và cả đồng chí Xuân Kiều đây đều phải tham chiến. Các đồng chí chưa hiểu đó thôi, tôi là chính trị gia, là nhà quân sự, tôi cũng mang quân tịch có số hiệu quân nhân. Hồi ở Diên An, tôi làm thư ký cho Chủ tịch, hàng ngày phải nhận điện, xem tài liệu và giúp Người bày binh, đánh đấm khắp nơi. Sang giai đoạn “Văn cách” một mình tôi chứ ai vào đó, Xuân Kiều, Văn Nguyên đều đã rõ.

- Vâng, đồng chí Giang Thanh bận suốt ngày đêm, quên ăn quên ngủ. Cách mạng mà, đấu tranh giai cấp mà.

Giang Thanh tiếp tục:

- Từ ngày đầu tiên tham gia cách mạng, tôi đã làm chính trị rồi. Như Lênin, tôi hoàn toàn có thể điền vào lý lịch mục nghề nghiệp với ba chữ “chính trị gia”. Ai đó bảo tôi là nghệ sĩ là có dụng ý xấu, như Đặng Tiểu Bình chẳng hạn.

Bà vòng vo tam quốc, còn Hoa Quốc Phong thì vẫn im lặng, hai tay tựa trên thành sofa không nói một lời. Song, ông đã ngửi được mùi vị kế ngôi đoạt quyền của người đàn bà này. Bà ta định nhân cơ hội Mao Trạch Đông vừa mới tạ thế nhảy ra chiếm chỗ. Nhưng bà biết đâu 10 năm “Văn cách”, khổ ải đã đè lên biết bao người, đưa họ đến kiếp trâu ngựa và có ngày họ sẽ khùng lên, điên lên lật nhào bà như chơi.
Tưởng vấn đề gì mới mẻ, hoá ra cũng lại di cảo.

Bà nói:

- Chỉ có tôi, Lý Nạp, Viễn Tân mới hiểu được Người viết cái gì và giải thích cho quần chúng rõ.

Thật là ngạo mạn. Hoa Quốc Phong phải lên tiếng:

- Tôi đã nói rồi, tài liệu của Chủ tịch tạm thời giao Văn phòng Trung ương niêm phong, và sẽ do hội nghị Bộ Chính trị thảo luận quyết định. Đồng chí Uông Đông Hưng y lệnh thi hành.

Bỗng Giang Thanh gào khóc:

- Bình sinh Chủ tịch đã làm gì nên nỗi mà hôm nay các người nỡ vong ơn bội nghĩa? Ai bồi dưỡng đề bạt các người lên, lương tâm của người vứt đi đâu cả rồi?

Mọi người hốt hoảng, kể cả Hoa Quốc Phong. Ôi, nước mắt đàn bà cũng là một loại vũ khí! Nhưng riêng Uông Đông Hưng, ông đã chứng kiến nhiều lần cảnh tượng như thế này. Đúng là một diễn viên cần khóc thì khóc, cần cười thì cười, dễ ợt. Cuộc hội ý tạm thời kết thúc, chưa phân thắng bại.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #102 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:27:40 am »

9. LIÊN QUÂN HOA - DIỆP


Tháng 3 năm 1976, khi Mao Trạch Đông nghe báo cáo tình hình phê Đặng phản hữu, ông đã hỏi Hoa Quốc Phong:

- Đồng chí có quen thân Diệp Kiếm Anh không?

- Ngoài những lúc gặp nhau trong cuộc họp, chúng tôi ít tiếp xúc và hiểu chưa nhiều về đồng chí ấy.

Mao Trạch Đông bèn giảng giải một cách lờ mờ cho Hoa rằng:

- “Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân”, nghĩa là vật nhóm lại theo chủng loại, còn con người chia ra theo quần thể, tập đoàn, phe phái. Diệp Kiếm Anh không thể tách rời cánh bạn của mình như Đặng Tiểu Bình chẳng hạn. Tình cảm của họ sâu đậm lắm, mà cũng không trách được người ta. Âu Dương Tu đời Tống đã viết Bằng Đảng luận, nói rất rõ ràng: “Bằng đảng chi thuyết, tự cổ hữu chi”. Lý luận về bầu bạn, đảng phái đã có từ ngày xưa, nhưng cần phân biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân. Người quân tử “dĩ đồng đạo vi bằng”, kết nghĩa bạn bè vì cùng chung chí hướng, còn kẻ tiểu nhân thì lại “dĩ đồng lợi vi bằng”, nghĩa là vì quyền lợi chung, kiểu như “còn bạc còn tiền còn đệ tử” mà thôi. Chúng ta giao tranh với Đặng Tiểu Bình là do “đạo bất tương đồng”, song Diệp Kiếm Anh kết bạn với Đặng lại thuộc hàng quân tử, do đó không nên yêu cầu Diệp quá nhiều. Ông ta là người trong sáng, cẩn thận, không mơ hồ mà tôi đã từng tán dương. Diệp Kiếm Anh có công lớn trong khởi nghĩa Nam Xương mồng 1 tháng 8, và trên đường trường chinh bọn Trương Quốc Đào làm phản, định ám hại chúng ta, may nhờ Diệp báo tin nên mới dẹp yên. Nhưng vào giai đoạn này, Diệp khó lòng bước qua cánh cửa xã hội chủ nghĩa, làm việc với Diệp là phải luôn luôn nghiên cứu, ông ta quả là con người đáng để chúng ta nghiên cứu...

Hoa Quốc Phong vâng lệnh, song lòng những vấn vương. Ông đã tốn nhiều công sức để lý giải lời dạy của Mao, cho người tra cứu hồ sơ lai lịch của Diệp, nhất là hai lần lập công lớn đối với Đảng. Thuở nhỏ Diệp có tên là Nghi Vĩ, sinh ra trong một gia đình buôn bán ở Quảng Đông. Năm 19 tuổi, đang học trung học thì ông được người anh họ đưa đi một vòng từ Sán Đầu, qua Hương cảng, Singapore đến Malaysia rồi trở về Côn Minh học pháo binh ở Giảng võ đường. Khi nhập học, ông đã tự ý bỏ hai chữ Nghi Vĩ mà thay bằng Kiếm Anh thành tên gọi cho mãi tới già. Năm 23 tuổi, Kiếm Anh tốt nghiệp lục quân tại Giảng võ đường Vân Nam, gia nhập lực lượng vũ trang Mân (tên gọi tắt của tỉnh Phúc Kiến) - Việt (tên gọi tắt của tỉnh Quảng Đông) viện quân của Tôn Trung Sơn và bước lên con đường cách mạng lâu dài từ đó. Tháng 1 năm 1924, Tôn Trung Sơn cử Tưởng Giới Thạch và một số người nữa chuẩn bị thành lập Trường sĩ quan lục quân Hoàng Phố. Nhận lời mời của Liêu Trọng Khải, Kiếm Anh cũng về đây làm việc. Tháng 3 năm ấy, Tôn Trung Sơn hợp nhất Việt quân và Đông lộ thảo tặc quân thành Kiến quốc Việt quân; Diệp Kiếm Anh được cử làm Tham mưu trưởng sư đoàn 2. Đó là thời kỳ hợp tác giữa Đảng Cộng sản và Quốc dân đảng. Diệp Kiếm Anh gặp Chu Ân Lai, Diệp Đình; ông đã bị chí hướng, tính khiêm tốn, vốn học thức và trí tuệ của Chu lôi cuốn, sau đó hai người trở thành đôi bạn thân. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch phản bội Quốc - Cộng hợp tác, Diệp dấy binh chống Tưởng, bí mật gia nhập Đảng Cộng sản, vẫn là Tham mưu trưởng Quân đoàn 4 thuộc phương diện quân số 2 của Quân cách mạng Dân quốc.

Ngày 15 tháng 7 năm 1927, Uông Tinh Vệ theo gót Tưởng cũng phản bội cách mạng, cùng Trương Phát Khuê trù mưu tiêu diệt quân của Hạ Long và Diệp Đình. Lấy danh nghĩa là Tổng chỉ huy Phương diện quân số 2, Trương Phát Khuê thông báo cho Hạ Long và Diệp Đình về Lư Sơn dự hội nghị và mệnh lệnh cho họ hội quân tại vùng An Đức giữa Cửu Giang và Nam Xương. Uông - Trương chuẩn bị 3 quân đoàn và trù tính đánh tan hai đội quân kia. Diệp Kiếm Anh hay tin, cải trang dân thường, phi ngựa tìm tổ chức báo cáo, xúc tiến khởi nghĩa Nam Xương.
Có một lần Chu Ân Lai nói vui:

- Đồng chí Kiếm Anh vào Đảng bằng lễ ra mắt đầu tiên là mật báo với Đảng âm mưu lớn của Uông Tinh Vệ và Trương Phát Khuê, cứu vãn được lực lượng vũ trang quan trọng của Đảng ta, thúc đẩy khởi nghĩa Nam Xương bùng nổ. Công lao to lớn ấy đáng ghi vào sử sách và Mao Chủ tịch cũng đã rất rõ điều này.

Khi nghiên cứu đến đây, lòng Hoa Quốc Phong vô cùng sùng kính Diệp nguyên soái. Cùng bao lão tướng khác, ông đã chịu đựng cho đến ngày hôm nay, thật là không đơn giản. Thi tứ bỗng trào dâng trong con người mà thường ngày tưởng như vô cùng khô khan, chậm chạp... Ôi biển cả bao lớp sóng dồn, là máu và nước mắt đã chảy hoà nơi ấy, ôi núi cao ngàn trùng vời vợi, là xương cốt lớp lớp chất đầy. Hoa Quốc Phong tiếp tục lần theo đời sóng gió của Diệp, lần theo những chiến tích của ông trên nẻo đường Vạn lí trường trinh, rồi kháng chiến chống Nhật. Hồi ấy, Bắc Bình thất thủ, Thái Nguyên rơi vào tay giặc, quê hương Sơn Tây của Hoa Quốc Phong cũng bị quân Nhật tam quang: giết sạch, đốt sạch, phá sạch. Chủ tịch thanh niên Hoa Quốc Phong 17 tuổi xếp bút nghiên lên đường tranh đấu; những cái tên Mao Trạch Đông, Chu Đức, Chu Ân Lai, Diệp Kiếm Anh lúc bấy giò chỉ nghe qua lời kể của người đội trưởng du kích quân, sao mà thần bí, tôn kính, hướng vọng và hiếu kỳ đến thế, ước có một ngày nào đó được nhìn thấy họ, chiêm ngưỡng họ - những anh hùng thời đại...

Thế mà lịch sử xoay vần, hôm nay ước mơ đã thành sự thật. Hoa Quốc Phong giờ đây đang cùng Diệp Kiếm Anh liên quân chống lại “Tứ nhân bang” mà bình sinh Chủ tịch đã căn dặn phải giải quyết cho xong. Khó khăn cho Hoa là ở chỗ “Diệp - Đặng đồng đạo bằng đảng”, mà Đặng thì Người cũng căn dặn phải phê phán. Nhưng qua nghiên cứu, Hoa đi đến kết luận phải dựa vào Diệp, vì đó là Quân uỷ, là lực lượng vũ trang của Đảng!

Diệp Kiếm Anh mời Đặng Tiểu Bình đến tư dinh của mình, hai người dễ có nửa năm rồi chưa gặp nhau, nay tay bắt mặt mừng, bao điều muốn nói mà một lúc không cùng. Mãi sau Đặng lên tiếng:

- Thật không ngờ Diệp soái chống chọi cho tới hôm nay. Phải trí dũng song toàn mới làm được điều đó, quả là tấm gương cho chúng tôi noi theo.

- Nếu không có Đặng huynh xung phong, tiền đạo thì Diệp tôi đây cũng bị đánh gục từ lâu rồi.

Sau vài câu vui đùa mở đầu, họ đi vào chủ đề. Đặng hỏi Diệp:

- Nguyên soái định liệu ra sao? Có thể xoay chuyển được tình thế không?

- Tất nhiên là đã hạ quyết tâm, sau khi giải quyết xong nhóm Thượng Hải, tiếp tục công việc chỉnh đốn năm 1975 mà Đặng huynh còn bỏ dở, đưa Trung Quốc trở về chính quy.

- Hoa Quốc Phong như thế nào? Ông ta dựa vào ai?

- Hiện nay đang xích gần với chúng ta. Sau khi nhận chức Thủ tướng, ông chịu mũi giáo của Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, và cả hai bên đều lôi kéo Hoa. Con người này tính tình thật thà, có kinh nghiệm công tác, hô hào dân chủ, biết tôn trọng các đồng chí già, cho nên Giang - Trương càng phản đối Hoa thì chúng ta càng phải ủng hộ ông ta. Mao Chủ tịch đã nói: “Một anh hảo hán phải có ba người giúp mới thành công được”.

- Thế Diệp soái đã cùng Hoa bàn kế hoạch giải quyết nhóm Thượng Hải chưa?

Diệp nói khẽ:

- Chưa, vì nhận thấy thời cơ chưa chín muồi.

Đặng gật đầu và cương nghị:

- Phải giải quyết triệt để, cả bốn cùng một lúc, không để sót.

- Chúng tôi cũng nghĩ vậy, nhưng đi đến nước này không phải dễ. Thường vụ Bộ Chính trị có 4 người thì họ đã chiếm 2: Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều. Ngoài ra còn Giang Thanh đang giương cao cờ Chủ tịch phu nhân và Diêu Văn Nguyên nắm quyền tuyên truyền trong cả nước. Họ tuy không đông người, nhưng lực mạnh, từ ngày Mao Chủ tịch lâm bệnh lại bổ sung thêm Viễn Tân, đồng đảng với Giang Thanh và cả nhóm đã có ảnh hưỏng sâu sắc đối với Trung ương. Tôi đồng ý với Đặng huynh, một mẻ tóm gọn, nhưng đang suy nghĩ dùng phương pháp nào cho có lợi nhất.

- Diệp suý có thể huy động được bao nhiêu quân đội?

- Sẽ bàn với Hoa và để ông ta xuất đầu lộ diện, vì dẫu sao cũng nên sử dụng biện pháp hợp pháp.

- Vâng, đó là thượng sách, như vậy dễ ăn nói với toàn Đảng toàn dân. Tuy nhiên phải chuẩn bị đến trường hợp xấu nhất. Nhóm Thượng Hải thâm độc lắm, bọn họ sẽ không từ điều gì đâu. Nếu chẳng may Hoa Quốc Phong dao động, lo sợ, không tự nguyện thì chúng ta phải tạo điều kiện, giống như xưa kia từng “bức Tưởng kháng Nhật” vậy.

Diệp Kiếm Anh gật đầu đồng ý với Đặng, cảnh vệ vòng ngoài bí mật báo giờ nói chuyện của hai người đã hết. Đặng Tiểu Bình đứng lên bắt tay Diệp và động viên thêm:

- Lưu Bá Thừa vì bệnh nặng không thể tham dự hội nghị Bộ Chính trị, còn lại 19 người. Họ chiếm 4, còn 15 người khác đều có cảm tình không tốt đối với nhóm Thượng Hải, tức giận mà chưa nói ra, cũng có người đang mơ hồ định giữ thái độ bàng quan trước trận đấu tranh này. Nếu chúng ta biết dùng biện pháp lôi kéo giải thích thì chẳng có mấy ai cam chịu theo “Tứ nhân bang”, trước mắt phải làm sao cho Hoa Quốc Phong hạ quyết tâm: Mấu chốt của thắng lợi là ở chỗ ấy, mong Diệp soái cẩn trọng.

Tiễn bạn ra về, trở lại thư phòng một mình, Diệp Kiếm Anh bỗng nhớ tới câu chuyện hoa mẫu đơn, hồi đang cao trào “Văn cách” Mao Trạch Đông bảo gia nhân cho dọn sạch những chậu hoa kiểng trong nhà, chỉ để lại mấy gốc mẫu đơn. Thư ký lấy làm lạ bèn hỏi, ông cười mà rằng: “Đó là việc dựng ỉên một hình tượng đối lập. Các đồng chí có biết nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên đời Đường không? Một nhân vật khó ai sánh nổi! Hôm ấy, bà ra lệnh cho trăm hoa trong ngự viên phải cùng nở, 99 loài hoa tuân lệnh, chỉ riêng mẫu đơn là không chịu thi hành mà cứ trơ gan lá cành, một bông không hé. Võ Tắc Thiên nộ khí xung thiên, sai thái giám đào gốc, chặt cành mẫu đơn, nhưng lạ thay sắt thép mà phải thua loài thảo mộc, chặt cành mẫu đơn, nhưng lạ thay sắt thép mà phải thua loài thảo mộc, dao gãy, rìu mẻ, đào không lên, chặt không đứt. Nữ hoàng đế bèn ra lệnh đốt mà đốt cũng không cháy, cuối cùng chỉ còn cách vứt mẫu đơn ra ngoài đường, không cho nó chiếm chỗ trong ngự hoa viên nữa. Mẫu đơn đáp lại: “Thử địa bất lưu gia, tự hữu lưu gia xứ, xữ xứ bất lưu gia, gia khứ đầu bát lộ” (đất này không dung ta, đã có nơi có chốn, một khi hết mọi chỗ, ta sẽ đi đầu quân).

Mao Trạch Đông ví von: “Thôi được, người bỏ ta nhặt, và tôi đã mời mẫu đơn về đây”.

- Thế sao mẫu đơn không chịu nở? - Viên thư ký hỏi Mao, ông cười và trả lời:

- Lệnh của Võ Tắc Thiên không đúng, trái với quy luật trời đất và mẫu đơn chống lại...

Liên tưởng chuyện xưa và cho đến hôm nay, Diệp Kiếm Anh vẫn chưa hiểu hàm ý Mao Trạch Đông muốn ám chỉ ai hoặc điều gì.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #103 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:30:17 am »

10. TIẾN ĐẾN HỘI NGHỊ BỘ CHÍNH TRỊ


Mã Thiên Thuỷ nhận được điện thoại của Vương Hồng Văn báo tin sẽ đi công cán Thượng Hải. Mã thở phào nhẹ nhõm, thế là những cái ghế của nhóm Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn, Diêu Văn Nguyên vẫn chưa có gì lung lay. Họ còn nắm chặt quyền lực ở Trung ương thì hẳn có ngày Mã sẽ được điều lên Bắc Kinh làm Chủ nhiệm uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc Phó Thủ tướng, càng tăng thêm sức mạnh cho những người anh em quê hương Thượng Hải. Nhưng đồng thời Mã Thiên Thuỷ lại phân vân tư lự, “mà bát cơm chính trị cũng thật khó nuốt, làm một chính trị gia, anh phải học cách đánh người và phòng người đánh, học vấn mênh mông lắm, nhỡ bước là đi đời...”, Mã Thiên Thuỷ đang được “nhóm bốn người” tín nhiệm, bàn mưu, tính kế, lấy Thượng Hải làm căn cứ cho mọi hoạt động cánh tả, nhưng rồi một mai không biết sao đây, người có tuổi, lại non gan như Mã thường hay suy nghĩ vẩn vơ.

Sáng sớm ngày 21 tháng 9, một chiếc máy bay quân sự đảo mấy vòng trên vùng trời sông Hoàng Phố và sau đó hạ cánh xuống phi trường Hồng Kiều. Theo hẹn trước, ra đón Vương Hồng Văn hôm nay chỉ có Mã Thiên Thuỷ, Vương Tú Chân, Liêu Tổ Khang, không tổ chức quần chúng, phóng viên tấp nập như quy định đối với Phó Chủ tịch Trung ương Đảng.

- Sao không thấy Từ Cảnh Hiền? - Vương hỏi.

- Đồng chí ấy đi Bắc Kinh, theo lệnh của Xuân Kiều.

- Thế mà tôi không biết.

Cả đám ra vẻ quan tâm cùng đồng thanh hỏi:

- Tình hình Bắc Kinh ra sao ạ?

Vương chau mày:

- Làm sao truyền đạt tình hình và nhiệm vụ ở đây được.

Mã lo ngại, hẳn có chuyện gì đây và mời mọi người lên xe về cơ quan Thành uỷ.

Quả vậy, chuyến công cán bí mật của Vương Hồng Văn lần này về Thượng Hải là để kiểm tra tình hình vũ trang của lực lượng dân quân tự vệ ở đây như thế nào và từ đó kịp thời chỉ thị hành động. Những người đứng đầu Thành uỷ Thượng Hải phần nào đã nhận thức được tình hình khẩn trương lúc này ở Bắc Kinh và chấp hành lệnh của Vương: nhanh chóng phát vũ khí cho công nhân.

Còn ở thủ đô, ai có hỏi thì trả lời rằng: Vương đi kiểm tra tình hình chế tạo các thiết bị giữ gìn thi hài Mao Chủ tịch, thế thôi. Ngày hôm ấy, Giang Thanh, Mao Viễn Tân đang chăm chú đọc các tài liệu chưa từng công bố của Mao Chủ tịch và bày mưu sửa chữa trên những trang bản thảo di bút của Người. Đang khi bận rộn như vậy thì Uông Đông Hưng và Trương Ngọc Phượng tiến vào:

- Xin mời các đồng chí ra khỏi phòng này và cho phép chúng tôi niêm phong toàn bộ những gì mà Chủ tịch để lại.

Giang Thanh, Mao Viễn Tân mặt biến sắc. Giang Thanh đập bàn và hét lên:

- Đây là nhà của tôi, các người làm sao đuổi tôi được, tôi không đi đâu hết.

- Thưa đồng chí Giang Thanh, xin được phép nhắc lại lần nữa, đồng chí hãy để cho nhân viên Văn phòng Trung ương thực hiện công vụ, đồng chí có ý kiến gì, đề nghị tìm Hoa Thủ tướng phản ánh giải quyết, hoặc gặp tổ chức, nhưng trước tiên phải chấp hành kỷ luật của tổ chức.

Uông Đông Hưng từ tốn nhưng rất đĩnh đạc yêu cầu Giang Thanh như vậy. Bà căm giận lời đe nẹt của Uông, nhưng kịp trấn tĩnh vì không khôn khéo thì dễ bị phế truất, nên đành ngậm quả bồ hòn mà rằng:

- Thôi được, người ta đã thế thì chúng tôi chẳng chấp làm gì - Bà giục Viễn Tân - Ta đi gặp Quốc Phong, đi!

- Khoan đã! - Trương Ngọc Phượng ngăn lại. - Xin đồng chí Giang Thanh trả lại những tài liệu đã mượn.

- Ta đọc chưa xong!

- Xem chưa xong, lần sau sẽ mượn, còn bây giờ phải trả để chúng tôi niêm phong theo quyết định của tổ chức. - Uông Đông Hưng kiên quyết.

- Quyết định ấy bắt mọi người tuân theo, kể cả tôi? - Giang Thanh nhìn chằm chằm vào Uông như muốn nuốt cả ông.

Uông Đông Hưng vẫn ung dung:

- Đương nhiên.

- Gớm thật. Hãy đợi đấy! - Giang Thanh ra lệnh cho Viễn Tân, và hắn ném lên bàn học hồ sơ cùng mấy văn bản rút trong cặp ra:

- Tất cả chỉ có thế! - Viễn Tân nói như quát.

Giang Thanh vội vàng viết mấy dòng cho Hoa Quốc Phong và dặn Uông Đông Hưng:

- Thật là một sự hiểu lầm, anh đưa thư này cho Hoa Thủ tướng, xem xong, chuyển Vương Hồng Văn và Trương Xuân Kiều.

Nói xong, bà và Viễn Tân, kẻ trước người sau, rời khỏi bể bơi Trung Nam Hải - nơi ở của Mao Trạch Đông mà Trung ương thường gọi “Nội viện 202”.

Hai người đi một lát thì Ngọc Phượng kêu lên:

- Trời ơi, họ sửa nhăng nhít lên trên văn bản này và còn thêm vào biết bao là chú thích nữa.

- Muộn rồi, hãy xếp lại và báo cáo Hoa Thủ tướng.

Cùng lúc ấy, Lý Tiên Niệm đem đến cho Hoa Quốc Phong một bọc tài liệu ghi lại những hoạt động của Vương Hồng Văn ở Thượng Hải, chỉ huy công việc phát vũ khí cho công nhân, chuẩn bị đối phó nếu một khi “Khrusov Trung Quốc” lên ngôi, ngoài ra còn có những bài viết công kích Hoa Quốc Phong do nhóm sáng tác của Thành uỷ Thượng Hải và Đại học Thanh Hoa tán phát, Hoa xem xong và cười vang:

- Họ chưa biết trong tay tôi có 3 câu văn, 3 thủ lệnh của Mao Chủ tịch trao cho. - Hoa kể lại.

... Đêm 30 tháng 4 năm 1976, lúc bấy giờ Người đã rất mệt, nói không rõ, khi tiếp Thủ tướng Tân Tây Lan, đầu tiên Vương Hải Dung phải dịch tiếng Hồ Nam ra tiếng phổ thông. Người gật đầu đồng ý rồi mới dịch một lần nữa sang tiếng Anh. Sau cuộc hội kiến ấy, Thủ tưóng Tân Tây Lan dự đoán: “Người hùng phương Đông này chỉ vài tháng nữa sẽ đổ, tôi lo lắng Trung Quốc đỏ sẽ đối phó như thế nào với nguy cơ của thời kỳ sau Mao Trạch Đông”. Khách nước ngoài ra về, Người cho gọi Hoa và lấy bút ghi lên giấy ba câu: “Hãy từ từ, đừng vội”, “Làm theo phương châm trước đây”, “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm”. Lý Tiên Niệm nghe xong, mừng rỡ:

- Ba câu nói ấy khác nào như tam bảo kiếm, đồng chí sợ gì Giang Thanh và Mao Viễn Tân, tuy họ là người nhà của Chủ tịch, nhưng đều tay không.

- Bà ấy có bức thư ngày 8 tháng 7 năm 1966 của Mao Chủ tịch, đó là vũ khí lợi hại mà lâu nay Giang Thanh vẫn dùng.

- Không còn nguyên bản nữa, vì Chủ tịch đưa cho Lâm Bưu xem trước, dặn khẩu truyền và đốt ngay lá thư - Lý Tiên Niệm giải trình. - Nay Giang Thanh chỉ giữ bản sao qua lời nói, và đó lại là chuyện của 10 năm về trước. Từ bấy đến nay, Chủ tịch đã nhiều lần phê bình bà ta, và đây là toàn bộ tư liệu.

Hoa Quốc Phong vỗ tay lên bàn:

- Thế thì chúng ta phân công chuẩn bị, đợi đến hội nghị Trung ương sẽ đưa vấn đề ra giải quyết.

Hoa Quốc Phong muốn tiến hành xử lý “nhóm Thượng Hải” một cách hợp pháp, còn Lý Tiên Niệm và cánh tiền bối lại yêu cầu “tiền trảm hậu tấu” vì tài liệu đã rành rành ra đó.

Tháng 1 năm 1969, trước Đại hội 9 của Đảng có người gửi thư yêu cầu Trung ương bầu Giang Thanh làm uỷ viên Bộ Chính trị kiêm Trưởng ban tổ chức, Mao phê ngay lá thư: “Đồ hữu hư danh, đồ bất thích đáng” (người này chỉ muốn tiếng tăm, không được). Ngày 20 tháng 3 năm 1974, Giang Thanh biên thư xin tiền, Mao đã phúc đáp: “...Đã nhiều năm tôi nói với cô, cô vẫn không chịu làm, sách Mác -Lê đó, sách của tôi đó mà cô có đọc đâu. Nay tôi 82 tuổi rồi, bệnh nặng, cô cũng không thông cảm. Cô có đặc quyền, thử xem tôi chết đi, cô sẽ làm như thế nào? Việc lớn chẳng bàn bạc, ngày ngày cứ sai khiến mọi người, cô cần nghĩ lại”. Ngày 17 tháng 7 năm ấy, tại hội nghị Bộ Chính trị, Mao phê bình Giang: “Đồng chí Giang Thanh cần chú ý, nhiều người có ý kiến về đồng chí mà không dám nói trực diện. Đồng chí không nên lập 2 nhà máy: sản xuất gang thép và sản xuất mũ, đồng chí chụp mũ cho người ta nhiều quá đấy”. Mao nhấn mạnh: “Các đồng chí phải chú ý, không được kéo bè phái thành nhóm bốn người”. Đã 2 lần Mao Trạch Đông khẳng định: “Giang Thanh, bà ta không đại diện cho tôi, mà chỉ đại diện cho chính mình thôi, chính mình thôi” - Mao nói lại lần nữa mấy tiếng “chính mình thôi”. Ngày 12 tháng 11, Mao cảnh cáo Giang: “Không được xuất đầu lộ diện, phê văn kiện, lập nội các. Người ta thù oán cô nhiều lắm đó, cần phải đoàn kết!”. Khi hay tin Giang Thanh muốn đưa Vương Hồng Văn làm phó uỷ viên trưởng (phó chủ tịch Quốc hội - ND) xếp sau Chu Đức và Đổng Tất Vũ, Mao liền nói: “Giang thật dã tâm, bà ta chuẩn bị cho Vương làm uỷ viên trưởng còn mình là chủ tịch đảng!”. Cuối năm 1974, ngày 24 tháng 12, Mao Trạch Đông phê bình Giang, Trương, Vương, Diêu: “Các đồng chí không nên bè phái, bè phái nhất định sẽ thất bại”. Đầu năm 1975, sau Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội - ND) khoá 4, thông qua 2 thư ký của Mao là Đường Văn Sinh và Vương Hải Dung, Giang Thanh đã lăng mạ hầu như tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị. Mao nghe báo cáo và phán rằng: “Không mấy ai kính trọng bà ta, có chăng là chính bà ta mà thôi, tôi cũng vậy, chờ tôi chết, sẽ gây sự”. Cuối cùng, ngày 3 tháng 5 năm 1975, Mao Trạch Đông chỉ thị: “Vấn đề của bốn người này, sáu tháng đầu năm giải quyết không xong, thì sáu tháng cuối năm phải làm. Năm nay không xong, thì sang năm phải làm. Sang năm không xong, thì năm sau nữa...”

Đọc lại những tài liệu có căn cứ này, Đàm Chấn Lâm - một cán bộ già - đã ấm ức, khóc rằng: “Mao Chủ tịch ơi, Mao Chủ tịch! Người anh minh, sáng suốt như thế mà tôi đã nghĩ sai cho Người, tôi thật có tội, tôi hối hận”. Đó là ý kiến của Đàm, còn lịch sử thì vẫn nghĩ rằng anh minh sáng suốt của Mao cũng không ngăn nổi sự tác oai tác quái của Giang Thanh - đệ nhất phu nhân, con người luôn “làm theo phương chấm đã định”. Vì Mao hay vì bản thân mình? Hẳn phải tốn nhiều bút mực và thời gian nữa mới trả lời được câu hỏi đó.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #104 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:36:24 am »

11. TƯƠNG QUAN LỰC LƯỢNG


Hai mươi ngày sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, 20 ngày âm thầm và công khai giao tranh, cuối cùng thì Bộ Chính trị đã họp, hay nói đúng hơn chiến trận đã mở.

Đúng 10 giờ đêm ngày 29 tháng 9 năm 1976, trừ Lưu Bá Thừa xin vắng mặt vì lâm bệnh, 15 uỷ viên chính thức và 4 uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị Trung ương Đảng đều tề tựu, an toạ trên các ghế bành trong phòng họp.

Hoa Quốc Phong ngồi chính giữa, chủ trì hội nghị. Ông đến rất sớm và trao đổi gì đó với mấy người dự họp. Phòng họp bố trí 7 máy điện thoại có thể trực tiếp liên lạc với tất cả các uỷ viên Trung ương ở mọi nơi trong toàn quốc. Đang khi chờ đợi khai mạc, Hoa điện thoại cho Bộ Ngoại giao chuẩn bị chiêu đãi khách nước ngoài nhân dịp Quốc khánh mồng 1 tháng 10.

Diệp Kiếm Anh ngồi nghiêm như pho tượng, thân thẳng theo dáng cây bút, từ từ lau cặp kính lão, mắt lim dim nửa nhắm nửa mở, liếc qua Hoa, rồi dừng lâu trên khuôn mặt của Lý Tiên Niệm và nở một nụ cười.

Uông Đông Hưng ngồi cạnh Trần Tích Liên, hai người to nhỏ điều gì đó, khẽ đến mức không ai nghe được. Mấy ngày gần đây, Diệp đã trao đổi với Trần về tình hình cán bộ và cơ quan trong quân đội, tất cả nội dung làm ông đăm chiêu suy nghĩ. Kỷ Đăng Khuê và Ngô Đức cũng đã biết sự việc Mao Chủ tịch viết thủ lệnh “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm” giao cho Hoa, đây không phải là việc nhỏ, chứng tỏ Hoa có thể căn cứ ý kiến của Chủ tịch mà thực hiện những gì mình muốn làm, hai người quyết định ủng hộ Hoa tại hội nghị này.

Hứa Thế Hữu quan sát nhất cử nhất động của Diệp, vị tướng già. Đây là linh hồn của quân đội, sau khi Chủ tịch qua đời không có ai có ảnh hưởng trong lực lượng quân sự như Diệp suý, huống hồ nay ông đang chủ trì công việc của Quân uỷ, nắm giữa một phần sức mạnh của quốc gia. Hứa lý luận: mất quân đội là mất nhân dân.

Lý Đức Sinh ngồi đối diện với Diệp. Ông nhớ lại cuộc trao đổi mấy hôm trước đây: “Trong tình hình nghiêm trọng như hiện nay, nắm tổ chức và nắm sản xuất, nhiệm vụ nào cần thiết hơn?”, Diệp không do dự mà rằng: “Theo tôi tổ chức”. Lý nhận ra ngay hai chữ “tổ chức” Diệp suý nêu ra không phải là thông thường mà muốn ám chỉ hành động đặc biệt gì đây. Lý vui vẻ đáp lại: “Công việc này hẳn cần đến tài năng nhìn xa trông rộng, suy nghĩ căn cơ của Diệp nguyên soái, nêu yêu cầu điều gì xin Diệp công cứ gọi”.

Tô Chấn Hoa người chỉ huy hải quân, đã khắc cốt ghi xương mối cừu hận với Trương Xuân Kiều, Vương Hồng Văn chỉ cần Diệp suý ra lệnh là ông sẽ xông lên ngay, tiêu diệt chúng.

Trần Vĩnh Quý, Vi Quốc Thanh, Ngô Quế Hiền, Nghê Chí Phúc, Trại Phúc Đỉnh yên vị, không có biểu hiện gì đặc biệt. Nhóm Giang, Trương, Vương, Diêu vẫn như xưa, lăm lăm “đạn đã lên nòng”.

Hoa nhìn Giang và ít nhiều hoảng loạn. Ông vừa hay tin Chủ tịch phu nhân mới từ huyện Xương Bình trở về. Bà đến thăm quân đội ở đấy, giảng giải về đấu tranh với Nho pháp, phổ biến tình hình trong nước sau khi Mao Chủ tịch qua đời và kêu gọi các chiến sĩ phải nghe chỉ huy. Người đàn bà này ghê gớm thật, lúc nào cũng giành đi trước.

- Tôi xin phát biểu! Các đồng chí cần suy nghĩ kỹ, Mao Chủ tịch đã tạ thế, lãnh đạo của Trung ương Đảng nên như thế nào?
Diệp Kiếm Anh “hừ” một tiếng, nhắm mắt, mặt đầy miệt thị, còn mọi người thì quay nhìn Giang Thanh và có vẻ nhẹ nhõm vì đã hiểu rõ cuộc hội nghị này sẽ làm việc gì. Riêng Trần Vĩnh Quý - vị Phó Thủ tướng xuất thân nông dân - vẫn rất đau khổ chú mục vào bàn họp, ông ngán ngẩm quá với những cuộc đấu đá đã diễn ra, chắc hôm nay cũng thế.

Giang Thanh tiếp tục:

- Bây giờ Trung ương cần tăng cường lãnh đạo tập thể, đó cũng là điều mà lúc sinh thời Chủ tịch luôn nhắc nhở chúng ta.

Thoạt đầu, Giang Thanh đã chĩa mũi nhọn sang Hoa Quốc Phong.

- Thời gian làm việc ở Trung ương của đồng chí Hoa Quốc Phong còn rất ít, chưa có kinh nghiệm về lối sống thượng tầng, nên trong xử lý các vấn đề đang do dự không dám quyết đoán, trở ngại lắm, do đó biện pháp khắc phục duy nhất là tăng cường lãnh đạo tập thể...

- Chúng ta cần suy nghĩ ý kiến của đồng chí Giang Thanh, tham gia hoạch định quyết sách quan trọng này của Trung ương.

Trong khi Trương Xuân Kiều “đệm đàn” như vậy, Giang Thanh đảo mắt lên từng gương mặt những người dự họp và khi đến lượt mình, ai cũng mất hồn như đứa trẻ phạm tội, cúi gằm xuống và tránh đi ánh lửa phát ra sau cặp kính cận xoáy nhiều vòng của bà. Giang Thanh rút khăn tay lau mũi, rồi như vẻ ngậm ngùi:

- Tôi xin các đồng chí đều nghe lời của Mao Chủ tịch, làm theo phương châm mà Người đã định. Thưa các đồng chí, tôi đã cùng sống với Chủ tịch hơn 40 năm nay, tôi hiểu ông cụ. Đối với mỗi đồng chí tại đây, Người đều có cảm tình và đánh giá rất cao. Ông cụ là người rất khoan dung và căn dặn tôi về từng đồng chí một.

Nghe Giang Thanh vòng vo tam quốc, ai cũng sốt ruột, nhưng cuối cùng thì lại vấn đề xử lý di cảo của Mao.

- Những ngày cuối đời, Chủ tịch nói năng khó nhọc, không ai hiểu, may nhờ Viễn Tân làm liên lạc, công lao lớn lắm. Nay Người vừa qua đời, thử nghĩ để đồng chí ấy ở lại Bắc Kinh, ở lại Trung ương giúp chúng ta chỉnh lý di cảo của Người có phải tốt không? Thế nhưng có đồng chí phản đối, còn nói nhiều lời lẽ không đáng nói. Tôi cho rằng thái độ như vậy đối với Chủ tịch thật không đúng, thiếu lương tâm.

- Các đồng chí biết ai không? - Vương Hồng Văn lên giọng hỏi.

- Tôi đây, Diệp Kiếm Anh! Tôi cùng Mao Chủ tịch làm cách mạng gần 50 năm và trong Trung ương nhiều đồng chí còn già hơn tôi, trung thành với Người, nhận thức tư tưởng của Người rất sâu và rất rộng, nhẽ nào họ không đủ tư cách để chỉnh lý những di cảo của Chủ tịch hay sao? Tôi đã nói nhiều lần, Mao Chủ tịch là Chủ tịch của toàn Đảng, toàn dân chứ khộng phải của riêng ai. Cho nên tôi kiên quyết chủ trương toàn bộ di sản của Người trước mắt giao cho Văn phòng Trung ương bảo quản, sau này sẽ do Trung ương xử lý tập thể một cách nghiêm túc như đã xuất bản Tuyển tập của Người. Còn đồng chí Mao Viễn Tân, anh ấy là Phó Tư lệnh quân đội Thẩm Dương, làm liên lạc là biện pháp tạm thời của Trung ương, nay nhiệm vụ đã hoàn thành, Viễn Tân trở về Liêu Ninh là đương nhiên, còn điều gì mà không lý giải được?

Diệp Kiếm Anh dứt lời, Hoa mới có dũng khí và bắt đầu rút trong cặp ra lá thư Mao Viễn Tân viết cho ông, đọc để mọi người cùng nghe và nói:

- Liên lạc cho Chủ tịch không thuộc biên chế của Trung ương, nhiệm vụ hoàn thành, thì nên trở về đơn vị cũ. Về điểm này, ý kiến của tôi và Diệp suý là nhất trí như nhau!

- Không được! Mao Viễn Tân phải ở lại, - Vương Hồng Văn bừng đỏ mặt. - Đồng chí ấy là người nắm vững chỉ thị của Mao Chủ tịch hơn ai hết trong Trung ương, tại sao lại cho về Liêu Ninh? Nếu các uỷ viên Bộ Chính trị muốn tìm hiểu tinh thần chỉ thị của Người thì biết hỏi ai?

- Viễn Tân không được đi đâu cả, - Diêu Văn Nguyên lắp bắp. - Anh ấy là người... là người hiểu văn bản của Chủ tịch, chỗ nào xem không rõ đều phải hỏi Viễn Tân.

Giang Thanh chen ngang:

- Mao Viễn Tân phải ở lại! Đồng chí đó còn phải lo việc gìn giữ thi hài Chủ tịch và mọi hậu sự của Người.

Hoa Quốc Phong chộp ngay:

- Không phải đồng chí đã từng nói, đồng chí sẽ không tham gia việc hậu sự cho Chủ tịch, Mao Viễn Tân cũng không tham gia, đồng chí quên rồi sao? Bây giờ lại yêu cầu Viễn Tân ở lại!

- Vu khống, tôi nói lúc nào? - Giang Thanh hốt hoảng vụt đứng dậy.

- Tại hội nghị ngày 19 vừa qua, hãy hỏi Chánh văn phòng Uông Đông Hưng.

- Đúng đồng chí Giang Thanh đã nói như vậy vào ngày 19 tháng 9 năm 1976. - Uông nhanh nhẹn trả lời. Giang Thanh đuối lý và lại khóc, khóc như một diễn viên điệu nghệ. Không khí cuộc họp vô cùng căng thẳng. Trương Xuân Kiều muốn hoà hoãn:

- Theo tôi, tạm thời cho đồng chí Viễn Tân ở lại giúp chúng ta một vài tháng nữa, đồng chí ấy đọc được chữ viết của Chủ tịch mà.

Nhiều người xì xào định chấp nhận ý kiến của Trương, nhưng Lý Tiên Niệm kịp thời ứng chiến:

- Tôi đồng ý ý kiến của Diệp suý, vừa tuân thủ nguyên tắc tổ chức, vừa có lợi cho sự nghiệp của Đảng.

- Tôi đồng ý với Hoa Thủ tướng, Diệp suý và Lý Phó Thủ tướng. - Lý Đức Sinh lên tiếng và sau đó là Uông Đông Hưng cũng phát biểu như vậy.

Thế là hai phe đã rõ ràng, Trương Xuân Kiều dụi tắt điếu Trung Hoa bài đang hút dở, đứng lên đỡ đòn, quay sang hướng khác:

- Mồm cứ thao thao là trung thành với Chủ tịch thì có ý nghĩa gì, mấu chốt là có thái độ với người đang sống, cụ thể là đối với quả phụ Giang Thanh, tôi nghĩ hội nghị hôm nay còn phải thảo luận việc bố trí công tác cho đồng chí Giang Thanh!

- Công tác gì cho đồng chí Giang Thanh? - Có người hỏi.

Trương Xuân Kiều nhanh nhảu:

- Đưa đồng chí Giang Thanh vào ban thường vụ, vì hiện nay chúng tôi mới có 4 người, khó biểu quyết quá.

Hoa Quốc Phong đập ngay:

- Đồng chí Xuân Kiều, đồng chí vừa phát biểu vô nguyên tắc và thật không nghiêm túc. Làm sao có thể đặt đồng chí Giang Thanh ngang hàng với Chủ tịch chúng ta được? Lúc sinh thời Người không phải đã nhiều lần tuyên bố rằng, Giang Thanh không đại diện cho Người, chỉ đại diện cho bà ấy mà thôi. Cho nên không chỉ đồng chí Giang Thanh mà bất cứ ai trong chúng ta đều không có thể sánh cùng Người!

- Còn công tác của đồng chí Giang Thanh thì Chủ tịch đã phân công lâu rồi, muốn thoả thuận vấn đề này cần phải đưa ra hội nghị toàn thể Trung ương. - Diệp Kiếm Anh bổ sung.

- Hội nghị Bộ Chính trị có quyền đề xuất! - Vương Hồng Văn cắt lời Diệp và hoa chân múa tay - Nhiều đồng chí, kể cả trong quân đội đã viết thư đề nghị bầu đồng chí Giang Thanh làm Chủ tịch Đảng. Bộ Chính trị chúng ta cần lắng nghe ý kiến quần chúng, riêng cá nhân tôi, tôi thấy đồng chí Giang Thanh hoàn toàn đủ tư cách đảm nhận chức vụ này.

Hoa Quốc Phong vừa bất ngờ, vừa phẫn nộ với ý kiến đưa Giang Thanh lên chức Chủ tịch Đảng, chưa biết xoay xở ra sao thì Lý Tiên Niệm lên tiếng:

- Các đồng chí hãy xem lại điều lệ Đảng, không phải chức vụ Chủ tịch Đảng đều phải bầu cử tại hội nghị toàn thể Trung ương hay sao? Hẳn đồng chí Trương Xuân Kiều đã quên rồi!

- Tôi chưa quên! Xin các đồng chí cũng đừng quên bài học của Cách mạng Văn hoá vừa qua! - Xuân Kiều hăm doạ.

Trời rạng sáng, cuộc giao tranh kéo dài gần 8 tiếng đồng hồ, từ 10 giờ đêm ngày 29 cho đến hơn 5 giờ sáng ngày 30, lực lượng hai bên đã huy động trí lực và cả thể lực nữa. Nhiều đồng chí già bắt đầu ngáp và gục đầu trên thành sofa, tranh thủ chớp mắt. Lấy cớ bảo vệ sức khoẻ, người ta buộc một số đồng chí về nghỉ trước, nhưng điều đó không hề ảnh hưởng đến ý kiến kết luận của Phó Chủ tịch Đảng Hoa Quốc Phong:

- Đồng chí Mao Viễn Tân trở về Liêu Ninh làm công việc cũ. Báo cáo chính trị đọc tại Hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba do tôi chuẩn bị khởi thảo, còn vấn đề nhân sự Trung ương, Bộ Chính trị sẽ thoả thuận đề xuất để Trung ương thông qua. Hội nghị hôm nay đến đây kết thúc.

Nói đoạn, Hoa Quốc Phong bước ra xe, cùng đi theo ông có Uông Đông Hưng, Giang Thanh lại gào khóc. Thế là âm mưu dùng Mao Viễn Tân - liên lạc viên, người phiên dịch tiếng Hồ Nam của Mao Chủ tịch ra tiếng phổ thông trong những ngày Người lâm bệnh - truyền đạt lại cái gọi là di chúc của Chủ tịch cho hội nghị toàn thể Trung ương lần thứ ba sắp họp đã thất bại. Hôm nay là 30 tháng 9, Trung Quốc mừng ngày Quốc khánh đầu tiên vắng bóng Mao Chủ tịch và câu chuyện của chúng ta đã sang ngày thứ 22!
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #105 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:38:43 am »

12. BẮT GIỮ TỨ NHÂN BANG


Giang Thanh phân công: Diêu Văn Nguyên phụ trách công tác báo chí, hãy đưa toàn bộ nội dung và tình tiết cuộc họp Bộ Chính trị ngày 29 tháng 9 lên phương tiện thông tin đại chúng nhằm bôi nhọ liên quân Hoa - Diệp, Vương Hồng Văn đi Xương Bình tiếp tục lôi kéo quân đội, bí mật điều sư đoàn xe tăng về thủ đô yểm trợ; Trương Xuân Kiều với danh nghĩa Chủ nhiệm Cục Chính trị Quân Giải phóng luồn sâu vào hàng ngũ tướng lĩnh, tách họ ra khỏi ảnh hưởng của Diệp Kiếm Anh; còn mình đi Đại học Thanh Hoa cùng Trì Quần và Tạ Tĩnh Nghi hâm nóng lại phong trào sinh viên đã một thời phá phách hồi “Văn cách”.

Ngày 1 tháng 10 năm 1976, kỷ niệm lần thứ 27 Quốc khánh Trung Quốc, năm đầu tiên vắng bóng Mao, khuôn viên Đại học Thanh Hoa vẫn một màu rực đỏ của muôn ngàn biểu ngữ. Người ta chuẩn bị đón Chủ tịch phu nhân trong tâm trạng rất mới: đợi xem bà ta diễn trò gì? Quả nhiên từ cổng trường, Giang Thanh xuống xe và lên ngựa đi về sân vận động, nơi tụ tập quần chúng sinh viên, giáo chức để nghe bà diễn thuyết. Một phụ nữ luống tuổi mặt vênh váo, ngồi vắt vẻo trên yên ngựa, nhưng dây cương lại do người khác kéo đi dưới đất và láo nháo đám tuỳ tòng tiền hô hậu ủng. Lịch sử ghi được hình ảnh khác thường ấy, lùi xa ngắm nhìn và mới hay Giang Thanh đang làm xiếc trên chính trường. Bà đã đem ngón nghề trên sân khấu áp dụng vào vũ đài chính trị.

Giang Thanh bắt đầu hò hét:

- Tôi xin tuyên thệ vói các bạn trẻ rằng nhất định rèn luyện thân thể khoẻ, để có sức mà đấu vói bọn họ - kẻ thù của giai cấp. Còn hôm nay các bạn xem tình thế có tốt không? Theo tôi, rất tốt, và quảng đại quần chúng, cán bộ đều yêu cầu phải tiếp tục cách mạng, cùng chúng tôi tiến bước.

Tháng 10, đúng, hôm nay là ngày đầu tiên của tháng 10, một tháng có tính quyết định. Tôi khuyên các bạn hãy dành những quả táo, cuốn phim, bài ca, điệu múa, vở kịch cho ngày mai toàn thắng, khi nổ ra sự kiện chính trị trọng đại, lúc ấy các bạn thả sức mà ăn, mà chụp, mà biểu diễn v.v... Còn bây giờ, hãy tập trung quả đấm vào bè lũ đi theo con đường tư bản chủ nghĩa.

Giang Thanh vừa dứt lời thì cả biển người sôi động, đồng thanh hô vang: “Đả đảo Đặng Tiểu Bình!”. Bà dương dương tự đắc là mình đã nắm được quần chúng, nhưng nào có biết, họ cũng chỉ là những diễn viên quần chúng được thuê đóng cảnh quay này mà thôi. Trì Quần - thủ lĩnh Thanh Hoa nhảy lên bục, hạ quyết tâm:

- Đồng chí Giang Thanh, xin đồng chí an tâm. Người Thanh Hoa chúng tôi lúc nào cũng bên cạnh đồng chí, chiến đấu và thắng lợi!

Giang Thanh cười vang:

- Đúng, tôi nhất định chiến thắng, nếu không sẽ có tội với Mao Chủ tịch, có tội với các bạn trẻ hôm nay.

Và tự nhiên bà khóc, làm cho đám nữ sinh đứng gần đó vô cùng kinh ngạc. Cười đó, khóc đó, đúng là một diễn viên tầm cỡ. Nhưng có người nghi ngờ thần kinh của bà có vấn đề chăng?

Sáng hôm ấy, cũng mồng 1 tháng 10, Hoa Quốc Phong duyệt bài phát biểu mà Kiều Quán Hoa sẽ trình bày tại hội nghị thường kỳ của Liên Hợp Quốc. Ông gạch bỏ những chữ sai trong câu thủ lệnh do Mao Trạch Đông giao cho mình, và phê lên bản thảo: “Không phải “Làm theo phương châm đã định” mà là “Làm theo phương châm trước đây”, cần viết cho đúng chỉ thị của Người!”. Chuyện đến tai Trương Xuân Kiều. Theo Trương, nhóm Thượng Hải sẽ mắc trọng tội vì đã sửa chữa di chúc của Mao, hỏi lại Mao Viễn Tân, hắn cũng ú ớ, hình như Chủ tịch nói như vậy... Giang Thanh cười mà rằng: “Các chú nhát gan như thỏ đế, “đã định” với “trước đây” có gì khác biệt nhau cho lắm. Vả lại một bên là khẩu lệnh Chủ tịch trăn trối cho Viễn Tân, còn một bên là thủ lệnh giao lâu rồi; Hoa ỉm đi, chưa công bố”. Hãy tổ chức viết bài đả kích Hoa Quốc Phong, sửa chữa di chúc Chủ tịch, chuyển bại thành thắng, mau lên!”

Đúng là bản tướng của Giang Thanh! Tờ Quang Minh nhật báo thực hiện chớp nhoáng chỉ thị của bà và quả tình Hoa Quốc Phong trở tay không kịp. Ông nhớ lại có lần Diệp Kiếm Anh đã nói: “Giang Thanh là Bạch Cốt Tinh, có đủ 18 ban võ nghệ, ngón nào cũng giỏi. Còn Trương Xuân Kiều đã được người đời gọi là rắn đeo kính, quân sư của ba người kia, một bụng đầy dao găm và mưu ma chước quỷ. Diêu Văn Nguyên, cái gậy tuyên truyền, mở miệng là lý luận, bất kể lúc nào cũng có thể gây bão cấp 12 làm hại hoặc quật đổ người khác. Đáng đề phòng nhất là Vương Hồng Văn, trong nhà luôn có hàng chục khẩu súng, hàng ngàn viên đạn và một lũ hắc cẩu. Ông ta từng nói: “Khử ta không dễ đâu!”. Cho nên, đồng chí định áp dụng biện pháp chính tắc để xử lý nhóm bốn người là rất khó khăn!”

Nhận định của Diệp càng ngày càng chính xác và tình hình cũng càng ngày càng thúc bách. Trong khoảnh khắc của lịch sử, Hoa Quốc Phong quyết định chọn phương án 2, mật kế giữa 3 người: Hoa nắm thế; Diệp, Uông nắm lực, quân đội và lực lượng cảnh vệ Trung ương và đến giò G sẽ tóm gọn cả 5 người: Giang, Trương, Vương, Diêu và Viễn Tân. Lý do: có sai lầm, cần cách ly kiểm điểm, bắt giam xong mới đưa ra tập thể luận tội, ai bảo vệ cho bọn họ, xử lý luôn! Âu cũng là một thủ đoạn, đúng sai xin đời sau phán xét.

Vương Hồng Văn đang tập bắn tại trường bia Tây Sơn thì nhận được điện thoại của trực ban báo: “8 giò tối ngày 6 tháng 10 năm 1976, Ban Thường vụ Bộ Chính trị họp tại Hoài Nhơn Đường, Trung Nam Hải, xin kính mời đồng chí Vương Hồng Văn tham dự”. Vương tỏ vẻ xem thường Hoa Quốc Phong. Từ ngày ông cụ mất, Hoa không dám quyết chuyện gì, hở một tý là họp, nhưng thế lực hai phe vẫn còn tương đương chưa phân thắng bại, đợi mai mốt bổ sung thêm Giang Thanh thì sẽ biết tay. Kể cũng thật ly kỳ, mới chỉ 10 năm mà từ một tay trưởng phòng bảo vệ nhà máy, Vương ngoi lên vị trí Phó Chủ tịch Đảng. Việc ấy phần do “cách mạng”, phần do “tạo phản”, nhưng cũng chính là do Vương dám hai tay hai súng, thiện xạ, bắn giết đối thủ, và giờ đây Vương là vai võ tướng của “Tứ nhân bang”.

Vương trở về văn phòng và chuẩn bị danh sách nhân sự nội các sẽ tranh luận tại cuộc họp sắp tới. Tương tự, Trương Xuân Kiều cũng nhận được thông báo cuộc họp. Vẫn như mọi lần, ông yêu cầu phải để Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên tham dự hội nghị Thường vụ. Chánh văn phòng Trung ương Uông Đông Hưng vờ xin ý kiến Phó Chủ tịch thứ nhất Hoa Quốc Phong và trả lời ngay cho Trương: “Vâng ạ”.
Phòng họp Hoài Nhơn Đường hôm ấy rộng mênh mông, chỉ để lại hai chiếc ghế bành cho Hoa, Diệp mà thôi. Nội ngoại tuyến đều do Uông bố trí, yểm trợ vòng thứ ba có lực lượng quân đội của Nguyên soái. Theo kỷ luật từ thời ông Mao còn sống, chỉ một mình thủ trưởng vào phòng họp, còn tất cả nhân viên bảo vệ đều ở ngoài. Lần này Vương Hồng Văn cũng phải làm như vậy, nhưng đón tiếp Vương lại là 4 chiến sĩ cảnh vệ lực lưỡng:

- Đứng yên, giơ tay lên!

- Ta đến họp Thường vụ, các người muốn gì?

Vương kêu to: “Người đâu!” nhưng ngoài kia người của Vương đã bị tóm gọn. còn trong này mình Vương và 4 chiến sĩ quần thảo một trận võ thuật vô cùng ngoạn mục. Vương cũng là tay hảo hán nên cảnh vệ của Uông bố trí phải dũng cảm lắm mới hạ được đối thủ và đeo còng vào tay. Vương được đưa vào “phòng họp” và ở đó Hoa, Diệp đã đợi sẵn. Sau mệnh lệnh: “...Vương Hồng Văn phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng, Trung ương quyết định cách ly thẩm tra” do Phó Chủ tịch thứ nhất tuyên đọc, Vương được đưa vào nơi “cách ly”. Trường hợp Trương Xuân Kiều và Diêu Văn Nguyên đơn giản hơn. Họ là những quan văn, nhiều âm mưu nhưng lại “trói gà không chặt”, nên chỉ sau câu hỏi hốt hoảng: “Chuyện gì thế này?” thì còng đã khoá tay và nghe Hoa Quốc Phong đọc lệnh rồi đi về nhà giam.

Còn Giang Thanh? Biện pháp có phần nhẹ nhàng hơn so với các đấng mày râu. Đội cảnh vệ Đại viện 201 Trung Nam Hải được lệnh tập hợp gấp về văn phòng nghe truyền đạt chỉ thị quan trọng, tạm thời giao nhiệm vụ “bảo vệ” Giang Thanh cho một toán khác gồm 2 phó văn phòng, 3 chiến sĩ nam và 2 chiến sĩ nữ. Tất cả những người này (nhóm đi họp và nhóm thay thế) đều dưới quyền Uông Đông Hưng đã mấy chục năm nay, bảo vệ an toàn cho Trung ương Đảng, và nay nhận lệnh bắt giải Giang Thanh về nơi “cách ly”.

Nhớ lại khi đi Thượng Hải gặp Trương Xuân Kiều, chiêu hiền đãi sĩ, Giang Thanh có nói: “...Nếu không may thất bại, thì mình tôi chịu, tôi sẽ ly hôn với Mao Trạch Đông và vào nhà lao”. Phải sau gần 10 năm, lời tiên tri ấy mới ứng nghiệm.

Cũng từ đêm mồng 6 tháng 10, Mao Viễn Tân, tại tư dinh của mình, sau khi khẽ kêu “Bác ơi! tạm biệt” là bị bắt và sống một chuỗi ngày tù ngục, hết một thời Đông cung Thái tử!...

Đúng 10 giờ khuya, mọi việc hoàn tất theo kế hoạch. Tại lầu số 9 Ngọc Tuyền Sơn, hội nghị bất thường của Bộ Chính trị với sự tham dự của 11 thành viên là Hoa Quốc Phong, Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm, Uông Đông Hưng, Trần Tích Liên, Tô Chấn Hoa, Kỷ Đăng Khuê, Ngô Đức, Nghê Chí Phúc, Trần Vinh Quý và Ngô Quế Hiền đã thông qua quyết định Hoa Quốc Phong đảm nhận chức vụ Chủ tịch Đảng, Chủ tịch Quân uỷ.

Tờ lịch trên tường ghi rõ: mồng 6 tháng 10 năm 1976, 28 ngày sau khi Mao Trạch Đông tạ thế, nhiệm vụ Người giao “giải quyết Tứ nhân bang” đã hoàn thành. Quả đúng như Mao Trạch Đông từng trăn trối: “Đồng chí làm việc, tôi yên tâm”. Hoa Quốc Phong nâng ly chúc mừng Diệp Kiếm Anh và Lý Tiên Niệm, ông nói vui: “Hẳn đời sau sẽ có người nhân chuyện này mà viết vở Dùng mưu chiếm Điếu Ngư Đài”.
Đằng đông đã ửng hồng, thủ đô Bắc Kinh sau một đêm chìm ngủ đã bừng tỉnh...


Hết
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM