Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 07:35:30 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 78733 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #90 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2014, 10:18:26 am »

SƯ ĐÔNG BINH

28 NGÀY ĐÊM QUYẾT ĐỊNH VẬN MỆNH TRUNG QUỐC



1. NGƯỜI NẰM ĐÓ


Vừa chợp mắt chìm vào giấc mơ mệt mỏi thì chuông điện thoại lại réo vang, khẩn cấp. Lỗ Dân bật dậy, vội vàng chạy đến bệnh phòng, vừa là phòng ngủ, vừa là phòng sách của bệnh nhân. Nhìn đôi mắt và nét mặt của người bệnh, anh rùng mình và cảm thấy như chính anh bị trọng tội. Đã bao lần ông chết đi sống lại, thần trí quay về với thế gian một cách kỳ lạ, thế mà giờ đây mắt ông ngơ ngác, hàm chút oán trách, nghi ngờ, phẫn nộ... Nếu không cứu được ông thì bản thân anh cũng không thể tha thứ cho anh, bởi một lẽ rất đơn giản: anh là thầy thuốc và người nằm đó là Mao Trạch Đông - lãnh tụ vĩ đại mà nhân dân Trung Quốc vô cùng kính mến.

- Tôi lấy làm lạ, tại sao bệnh bình của Chủ tịch ngày cứ xấu đi như vậy. Lẽ nào lại xảy ra sự kiện áo trắng? Lẽ nào bên cạnh Chủ tịch lại là một lũ đặc vụ?

Giang Thanh la lớn.

Sự kiện áo trắng, ấy là lúc đại văn hào Marxim Gorky bên Nga lâm bệnh, mật vụ mạo danh bác vĩ đã ám hại ông, làm mọi người kinh hãi. Ăn nói khinh xuất, tuỳ tiện; thường nhật ai cũng biết về Giang Thanh như vậy, nhưng lời răn đe của bà không ngờ đã trùm một bóng đen hắc ám lên tập thể các thầy thuốc, bác sĩ, y sĩ, hộ lý lâu nay phục vụ Mao Trạch Đông, người ngoài cuộc khó mà cảm nhận. Song với kinh nghiệm của một lương y, Lỗ Dân hiểu rất rõ đây chưa phải là lúc lâm chung và nhân lúc người bệnh lại tỉnh, thần trí minh mẫn nhất, anh lựa lời nhắc lại câu nói của Giang Thanh.

Môi ông mấp máy, mắt ông ngấn lệ, ông kéo tay Lỗ Dân lại cạnh và bằng một loại ngôn ngữ không rõ ràng, ông thì thào:

- Đừng chấp bà ta, tôi biết các anh chị đều là những đồng chí tốt.

Và hôm ấy Giang Thanh cũng đến thăm ông. Mao Trạch Đông ra hiệu cho mọi người xích lại gần giường, ông nhìn Giang Thanh hồi lâu rồi chậm rãi:

- Cô bảo họ là đặc vụ, vậy cô có biết ai là người cầm đầu không?

Ông lấy tay chỉ vào mũi mình và nói:

- Chính là tôi.

Giang Thanh ra chiều tỉnh ngộ, vờ cúi xuống dìu đỡ Mao Trạch Đông, giọng nói nghẹn ngào:

- Nhuận Chi (1), ông chưa hiểu...

Mao Trạch Đông thở dài:

- Các thầy thuốc muốn hại tôi thì tôi làm sao sống nổi đến hôm nay. Bệnh của tôi, tôi biết, cô không nên khó dễ với người ta, họ đều là những người tốt.

Đó là chuyện của vài tháng trước. Thòi gian gần đây, Lỗ Dân thấy bệnh tình của Mao Trạch Đông đúng là ngày một trầm trọng, sức khoẻ yếu dần, song ý chí thì vẫn kiên cường, xử lý sự việc vẫn cẩn thận, tỷ mỉ như xưa. Mỗi lần uống thuốc hay tiêm chích, ông đều hỏi tính năng tác dụng rồi mới dùng, chỉ vừa tỉnh một chút là bảo người mang đến cho mình cái kính lão đã cưa mất một gọng, nằm nghiêng đọc sách, xem văn kiện, lúc nào mệt thì nghe người khác đọc. Cho đến 4 giờ chiều hôm nay ông còn gọi thư ký đỡ dậy, nghe văn thư, duyệt tài liệu... thế mà giờ đây...

- Lúc tôi ra đi, Chủ tịch còn đọc sách kia mà, sao mới vắng mặt có một tiếng đồng hồ, cơ sự đã ra nông nỗi này?

Vẫn cái giọng dạy đời, lăng mạ kẻ khác, Giang Thanh la hét om sòm.

- Thưa đồng chí Giang Thanh, từ 8 giờ tối chúng tôi bắt đầu thấy tay Chủ tịch lạnh toát, gọi ngay bác sĩ kiểm tra, hội chẩn và 9 giờ thì ra sức cứu chữa.

Thư ký báo cáo lại như vậy, Giang Thanh không nói gì nữa, bà đưa mắt quan sát mọi động tác của Lỗ Dân và các thầy thuốc khác, nhưng vẫn giọng điệu chỉ huy:

- Các người đừng khóc lóc, mặt mày ủ rũ như có tang. Chủ tịch nhắm mắt cũng không đành, đã mấy lần Chủ tịch chết đi sống lại, tôi có kinh nghiệm rồi, hãy cứ tận lực, tận tâm cấp cứu đi.

Vậy trước đấy một giờ, Giang Thanh đi đâu? Đó là đêm mồng 8 tháng 9 năm 1976, bà ngồi xe đến thăm nhà in Tân Hoa - cơ sở cách mạng, và theo cách nói của bà: “Tôi phải biến nơi đây trở thành pháo đài kiểu mẫu phê Đặng và chống lại luồng gió phản phúc hữu khuynh, phải từ đây nổi lên cơn bão cấp 12 quét sạch bọn người đi theo chủ nghĩa tư bản còn sót lại trong Đảng”. Giang Thanh từng đến nhà in này diễn thuyết, bồi dưỡng cốt cán lý luận phê Đặng. Ngày 27 tháng 8, Giang Thanh nhận được mật báo cho biết phái chống đối đã bố trí đặc vụ bên cạnh bà, đã liên lạc với Thành uỷ Bắc Kinh và cả nhà in Tân Hoa. “À, to gan thật, dám đụng đến lão bà thì bà sẽ cho biết tay”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #91 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2014, 10:19:17 am »

Sau sự kiện Thiên An Môn ngày 5 tháng 4 năm 1976, Đặng Tiểu Bình lần thứ hai ra khỏi Trung Nam Hải, mọi chức vụ trong quân đội, chính phủ, đảng của ông đều đã huỷ bỏ. Thời cơ phản kích chỉ tính từng ngày, khi Mao Trạch Đông còn trên giường bệnh. Qua 10 năm Cách mạng văn hoá, từ một đệ nhất phu nhân bình thường, Giang Thanh đã leo lên vị trí có thế lực khống chế toàn Trung Quốc trên vũ đài chính trị. Chu Ân Lai, Chu Đức vừa tạ thế - những trở ngại lớn đối với bà xem như được san bằng, giờ lại tiếp Đặng Tiểu Bình bị phê phán lần thứ hai, một hòn đá đè nén bà bấy lâu nay đã được hất bỏ. Bà muốn hát vang, bà muốn nhảy lên, bà muốn bước ra diễn đàn như thuở nào, buổi đầu Cách mạng văn hoá, giữa muôn ngàn tiếng hò reo, hoan hô, ca tụng, giữa bể người với bao ánh mắt kỳ vọng. Có mở đầu thì phải có kết thúc, nếu Cách mạng văn hoá đã đưa bà vào vòng quyền lực chính trị và biết bao nhà cách mạng lão thành đã phải tiêu vong; biết bao quan chức, yếu nhân phải hạ bệ, thì hôm nay chỉ còn một cửa ải nữa bà cần vượt qua để giành lấy vị trí tối thượng. Bà cần nhanh tay khi Mao Trạch Đông đang hấp hối trên giường bệnh, nếu không, sự trả giá là cả một cuộc huyết chiến khôn lường. Vì vậy phải tìm cho ra kẻ âm mưu chống phá, chúng ẩn náu ngay trong sào huyệt của ta - nhà in Tân Hoa, 10 giờ sáng ngày 1 tháng 9, Giang Thanh phê lên mật thư: “Tiểu Tạ và đồng chí Trì Quần. Hãy nhanh chóng điều tra bọn đặc vụ ở nhà in Tân Hoa và báo ngay cho tôi rõ, nhưng chớ rút dây động rừng, đạp cỏ làm rắn trốn chạy”. Và bà không quên căn dặn trả lại mật thư sau khi đã lĩnh hội nhiệm vụ.

Tạ, Trì là ai mà Giang Thanh tin dùng vậy? Tạ Tĩnh Nghi vốn là nhân viên bộ phận cơ yếu của cơ quan Trung ương Đảng, chuyên lo điện đàm, mật tín, được Mao Trạch Đông nâng đỡ và yêu mến. Thuở ấy Tĩnh Nghi còn là một cô gái trẻ, đẹp, đôi mắt bồ câu đen nhánh lúc nào cũng chao động, lúng liếng, được cả phần tướng mạo lẫn tài cán, cơ mưu. Cách mạng văn hoá tiến hành được 3 năm thì Mao Trạch Đông tự nhiên bỗng mất lòng tin và sự kỳ vọng đối với 5 lãnh tụ của đám tiểu tướng là Khoái Đại Phú, Đàm Hậu Lan, Hàn Á Tinh, Vương Đại Tân, Nhiếp Nguyên Tử. Ông nghĩ đến chuyện thay ngựa giữa giòng, mưu đồ cao hơn. Tạ cô nương đánh hơi; Mao Chủ tịch nhằm tới và thế là từ một nhân viên điện đài, Tĩnh Nghi nhảy ra chính trường với cái tên Tiểu Tạ (cô bé họ Tạ). Tiểu Tạ làm quen với Trì Quần - Phó ban tuyên huấn cục chính trị Quân đoàn 8341; hai người xin Mao Trạch Đông đi về các trường đại học điều tra khảo sát tình hình. Họ nhanh chóng rút ra kết luận và tâu trình, làm cho Mao Trạch Đông hết mực tán dương, ấy là: “Sinh viên hiện nay đều do các trường viện cũ đào tạo dạy dỗ, dựa vào họ, không những không đưa Cách mạng văn hoá đi tới thành công cuối cùng mà còn làm hỏng cả đường lối chính trị của Mao Trạch Đông. Cách giải quyết duy nhất là đi vào công nông binh, bồi dưỡng lực lượng mới”. Năm ấy, Trì Quần 35 tuổi, ăn nói chững chạc, dáng vóc nam nhi, cương nghị. Anh ta - người huyện Nhũ Sơn, tỉnh Sơn Đông, đồng hương với Giang Thanh; một sĩ quan văn võ song toàn, sánh cùng Tiểu Tạ như một cặp bài trùng và Mao, Giang đã tin dùng. Trì Quần làm Bí thư Đảng uỷ Đại học Thanh Hoa kiêm Chủ tịch uỷ ban cách mạng, còn Tạ Tĩnh Nghi làm Phó Bí thư thứ nhất. Khoảng 4 năm sau, Tạ, Trì đề ra khẩu hiệu “công nông binh vào đại học, quản lý đại học, cải tạo đại học!”. Đường lối trứ danh ấy khiến cho giáo dục xuống cấp, ảnh hưởng đến vị trí và việc làm của trí thức, gây sự bất bình trong tầng lớp đại học. Lưu Băng cũng là Phó Bí thư Thanh Hoa cùng bốn người nữa đã viết thư trình lên Mao Trạch Đông phân tích sai trái của Tạ, Trì; phê phán đường lối công nông binh hoá đại học của hai người. Bức thư được chuyển qua Đặng Tiểu Bình. Đó là lúc mà Mao Trạch Đông 82 tuổi, ngày đêm lo lắng cho sự thành bại của Cách mạng văn hoá. Tuy nó đã xuất hiện nhiều cục diện mà ông không lường trước, không mong đợi, nhưng cũng như bao nhà chính trị quyền lực khác, ông không cho phép một ai dám phủ nhận cuộc cách mạng này, một cuộc cách mạng do ông thân chinh phát động, do ông đứng ra chỉ huy vào những năm cuối đời. Mao Trạch Đông phẫn nộ, phê bút lên bức thư của Lưu Băng “Lưu và bốn người ở Đại học Thanh Hoa có trình thư cho tôi tố cáo Tạ, Trì. Tôi xem và thấy rằng, động cơ của họ không tốt, muốn lật đổ Tạ, Trì và chĩa mũi giáo vào tôi”. Phê xong, ông cho gọi Mao Viễn Tân (cháu ruột gọi Mao là bác), Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Hoa Quốc Phong đến và giải thích thêm rằng:

- Sự kiện Thanh Hoa không phải là ngẫu nhiên, nó phản ánh cuộc đấu tranh giữa hai con đường ngay trong Trung ương. Tôi ở Bắc Kinh, tại sao thư lại chuyển qua Đặng Tiểu Bình? Rõ ràng Tiểu Bình đã bao che cho Lưu Băng và phe nhóm, tôi nhắc các đồng chí phải phản kích trào lưu tư tưởng ngóc đầu của phái hữu khuynh.

Giang Thanh mừng rơn, giữa đêm khuya đã điện mời Tạ Tĩnh Nghi đến tư dinh. Bà ôm chầm lấy cô gái, mắt nhoà lệ:

- Em, ôi em đã cho chị một thời cơ phản kích. Các em đấu Lưu Băng ở Thanh Hoa, thì chị có cớ đánh Tiểu Bình trên này.

Và quả nhiên, Đặng Tiểu Bình bị đo ván; Tạ, Trì càng được tin dùng, trở thành tay chân của “bè lũ bốn tên” (tứ nhân bang)...

Chủ tịch nằm đó, lúc tỉnh lúc mê, lúc sống lúc chết, còn phu nhân thì bận rộn đưa Cách mạng văn hoá đến thắng lợi cuối cùng, tả xung hữu đột nhằm mục tiêu tối thượng là kế vị.

Trăm mối tơ vò, kẻ ở người sắp đi xa, ai hơn ai và kết cục ra sao xin hãy đợi chuyến công tác về Đại Trại của Giang Thanh sẽ rõ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #92 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2014, 10:27:13 am »

2. VẪN ĐANG ĐỌC SÁCH


Trong thời gian Mao Trạch Đông bệnh nặng, những người được phân công luân phiên trực bên cạnh ông gồm có Giang Thanh, Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Uông Đông Hưng, Diêu Văn Nguyên và Trần Tích Liên. Nhưng bà Giang Thanh không chịu ngồi yên một chỗ. Ngay cái đêm bố trí cho Tạ, Trì đi điều tra đặc vụ xong, Giang Thanh, lại tiếp tục bàn công việc với Trương, Vương, Diêu rằng bà phải đi công tác về Đại đội Đại Trại ở huyện Tích Dương, tỉnh Sơn Tây (một điểm điển hình về nông nghiệp lúc bấy giờ) để thúc đẩy phong trào phê Đặng.

- Thưa đồng chí Giang Thanh, theo tôi lúc này đồng chí không nên đi xa Bắc Kinh, - Trương Xuân Kiều hốt hoảng. - Bệnh tình của Chủ tịch khi nặng khi nhẹ, nếu không may xảy ra chuyện gì thì lấy ai đứng ra quyết định, vả lại, cái ông phó thứ nhất nửa âm nửa dương ấy lúc nào cũng kè bên Chủ tịch, tôi sợ hắn đang làm điều gì đó.

- Dám ư? - Giang Thanh cười khẩy, - đồng chí Viễn Tân của chúng ta ngày đêm bảo vệ Chủ tịch, thế mà ông còn sợ cái nỗi gì với lão họ Hoa?
Nói đoạn, bà ta kể cho mọi người nghe: Lúc đưa Hoa Quốc Phong lên ghế quyền thủ tướng thay Chu Ân Lai vừa qua đời, Mao Trạch Đông đã nói: “Hoa nở là thứ yếu, lá rạng mới quan trọng, hoa không nở làm sao kết trái được, cho nên lá rụng, hoa nở, kết trái là lẽ tự nhiên”. Hồi ấy tôi cũng không rõ Chủ tịch muốn điều gì, nhưng nay thì thấy rõ hàm ý của Người thật là sâu sắc, các đồng chí có hiểu không? Hoa đây là Hoa Quốc Phong, còn “lá” là “diệp”, là Diệp Kiếm Anh, - phải làm sao cho lá rụng.

Quả nhiên ngày 2 tháng 2 năm 1976, văn kiện số một được Trung ương phát ra, và thông báo cho toàn Đảng: “Căn cứ đề nghị của lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông, Bộ Chính trị nhất trí thông qua chức vụ quyền thủ tướng do đồng chí Hoa Quốc Phong đảm nhận và trong thời gian đồng chí Diệp Kiếm Anh lâm bệnh, đồng chí Trần Tích Liên chủ trì mọi công việc của Quân uỷ Trung ương”. Kỳ thực thì Diệp Kiếm Anh chẳng bệnh hoạn gì, dạo đầu năm khi họp Bộ Chính trị, ông phát biểu:

- Tôi nay tuổi cao, sức yếu nên rất mong các đồng chí trẻ làm được nhiều việc hơn.

Viễn Tân tâu trình ngay cho Mao Trạch Đông, ông mỉm cười và cũng nói luôn:

- Không muốn làm thì để người khác làm, đưa Trần Tích Liên lên, chứ đâu phải chết tay hàng thịt mà chúng ta ăn lợn cả lông!

Thế là trong nháy mắt Diệp Kiếm Anh mất quyền. Hồi đó Trương Xuân Kiều không chú ý điều này, ông chỉ để tâm vào cái ghế thủ tướng. Chu Ân Lai tạ thế, Đặng Tiểu Bình bị lật đổ lần thứ hai, thì còn ai vào đây nữa? Ấy thế mà bỗng chốc lại là Hoa Quốc Phong chứ không phải ông. Liên tưởng đến năm ngoái, cũng văn kiện số một, đùng một cái đưa Đặng Tiếu Bình với bao nhiêu là chức vụ, và chẳng bao lâu Mao Trạch Đông lật bàn tay, mọi chuyện vẫn như cũ, Trương Xuân Kiều rùng mình, rồi hạ bút ghi lại đôi dòng “nhị nguyệt tam nhật hữu cảm” (những cảm xúc nhân ngày 3 tháng 2)...

Biết Giang Thanh là người đã nói là làm, không ai ngăn cản được nên Trương Xuân Kiều đành khuyên:

- Có lẽ đồng chí phải xin ý kiến Chủ tịch.

- Tất nhiên.

Nhưng Mao Trạch Đông lắc đầu khi nghe thư ký báo cáo lại điều này. Đây cũng là lúc mà thần trí ông tỉnh táo nhất, ông ăn được nhiều hơn một tí, không phải thở dưỡng khí nữa và lại đeo kính đọc sách. Lỗ Dân hiểu rõ đèn sắp tắt thường bừng sáng lên như vậy, nhưng anh giữ kín miệng và cứ để cho mọi người nuôi tia hy vọng mới. Giang Thanh nài nỉ mãi và cuối cùng thì con bệnh thập tử nhất sinh phải ú ớ, não nuột:

- Ừ, đi thì đi.

Ngày hôm sau, mồng 2 tháng 9, Giang Thanh và đoàn tuỳ tùng gồm nhà văn, nhà báo và chuyên viên đáp chuyến xa dài tới 7 toa đi Đại Trại. Mấy đêm liền mất ngủ, dung nhan lão bà có đôi phần sa sút, nhưng chưa lúc nào lại nhẹ nhõm như hôm nay. Giang Thanh không quên trang điểm tí xíu để ra vẻ vui mừng khi gặp xã viên Đại Trại.

- Chào các đồng chí, xin báo một tin vui. Mao Chủ tịch của chúng ta vẫn mạnh khoẻ. Người cử tôi đến thăm Đại Trại và động viên cổ vũ phong trào phê Đặng phản hữu ở đây.

Suốt hai ngày, Giang Thanh ra tận ruộng nói chuyện với xã viên, leo lên Hổ Đầu Sơn quan sát, thăm các gia đình bần nông và trung nông lớp dưới, diễn giải lịch sử đấu tranh Nho pháp và ý nghĩa của phong trào phản kích hữu khuynh ngóc đầu v.v... Quách Phong Liên - Bí thư Đại Trại - người đón tiếp Giang Thanh, không rõ mục đích những việc làm này của bà, vì thật ra điều bí mật ẩn giấu trong con người, gọi là “lãnh tụ tả khuynh” như bà, chỉ vài người biết được mà thôi.

Tối mùng 5 tháng 9, văn phòng Trung ương điện cho Đại Trại, báo Giang Thanh nhanh chóng trở về Bắc Kinh. Bà tỉnh giấc, chột dạ nhưng gượng cười:

- Không hề gì, hãy bình tĩnh, có ra về cũng phải đàng hoàng, tự nhiên.

Bà bèn gọi mọi người thức dậy chơi bài cho bớt phần căng thẳng. Giang Thanh đi tàu nhanh từ Dương Tuyền về Thạch Gia Trang, rồi sau đó bay thẳng Bắc Kinh, bà luôn xem đồng hồ, thân tín nhìn thấy vẻ hoảng loạn của bà nên đành khuyên:

- Thủ đô nhất định phải chờ đồng chí...

- Chủ tịch thế nào rồi?

- Vừa ngủ - Trương Xuân Kiều thở phào nhẹ nhõm trút được mọi âu lo. - Mấy hôm sau Chủ tịch thường ngất lịm, tôi thấy Hoa Quốc Phong, Lý Tiên Niệm, Diệp Kiếm Anh hoạt động dữ lắm. Uông Đông Hưng cũng ngã về phía họ, sợ chuyện chẳng lành, vả lại Chủ tịch ra hiệu cho gọi đồng chí trở về.

- Nhắc Viễn Tân lúc này phải ghi đầy đủ mỗi câu, thậm chí mỗi chữ của Chủ tịch.

Trương gật đầu nhận mệnh lệnh của Giang và lôi trong cặp ra một tập giấy.

- Đây là bản thảo của phóng viên tờ Bắc Kinh nhật báo đưa tin về đồng chí, Diêu Văn Nguyên yêu cầu Thành uỷ Bắc Kinh ký duvệt để ấn phát, song họ khước từ, chẳng mấy chốc mà thủ đô trở thành một vương quốc riêng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #93 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2014, 10:28:14 am »

Mồng 7 tháng 9, Mao Trạch Đông lại tỉnh, ăn được tí cháo, uống được muỗng sữa, ông lấy ngón tay vạch 3 vạch trên giường gỗ và người ta đoán rằng Chủ tịch muốn nắm tình hình Tam Mộc bên Nhật Bản, thưa lại đầu đuôi thì nghe Người phì phào vài âm thanh kiểu như đồng ý. Giang Thanh bước vào, mừng rỡ, ngồi cạnh Mao Trạch Đông, giúp ông đeo kính và lật tài liệu bắt ông đọc. Bà ghé sát vào tai Mao Trạch Đông và nói to:

- Tình hình trong nước nghiêm trọng lắm, có kẻ đang phá rối phong trào phê Đặng phản hữu của Chủ tịch... Tôi e...

Mao Trạch Đông bỗng run lên và mặt mày nhăn nhó, Lỗ Dân hoảng sợ, đưa mắt ra hiệu cho Giang Thanh, xin bà đừng nói nữa, nhưng bà ta vẫn oang oang, cuối cùng thầy thuốc đành phải ra y lệnh:

- Thưa đồng chí Giang Thanh, cho phép chúng tôi đo điện tâm đồ của Chủ tịch.

Chiều hôm sau, bà lại đến và thấy Mao Trạch Đông nằm bất động.

- Các người nhìn xem, vải trải giường của Chủ tịch ướt hết cả rồi.

- Dạ thưa, Chủ tịch đã không cử động được nữa.

- Và cứ thế mà chờ... hay sao?

Nói đoạn bà rỉ vào tai Mao Trạch Đông:

- Chủ tịch à, tôi vừa mang về cho Chủ tịch một tài liệu quan trọng nữa, Chủ tịch đọc nhé!

Giang Thanh ra lệnh cho mọi người vần Mao Trạch Đông nằm nghiêng lại, đeo mục kỉnh cho ông, đưa tài liệu để ông đọc. Lúc 6 giờ chiều mồng 8 tháng 9, Giang Thanh thắng xe vào nhà in Tân Hoa xem kết quả Tạ, Trì điều tra đặc vụ đến đâu rồi, song cả hai thuộc hạ đều chưa làm gì cả. Bà trút cơn lôi đình lên hai người và thúc xe trở về Trung Nam Hải.

Mao Trạch Đông mặt mày xanh tím. Các thầy thuốc đang ra sức cứu chữa, hình như những giờ phút chót đã dần đến. Trong bệnh phòng, Trương Xuân Kiều đang xem lại bệnh án, khi thư ký của Mao Trạch Đông bước vào, ông vội vàng thu giấu tài liệu mật và người ta vẫn bảo mật như vậy cho đến thời khắc này. Chả trách hai tháng trước đây, trong thông báo của Bộ Chính trị gửi cán bộ cao cấp của Đảng, Trương Xuân Kiều đã tự tay viết thêm một đoạn rằng: “Bệnh tình của lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông ngày một thuyên giảm, và sẽ trở lại vị trí công tác trong nay mai”.

Diệp Kiếm Anh phản đối cách viết như vậy. Ông nói:

- Đó không phải là sự thật. Thông báo bệnh tình của Chủ tịch đến cán bộ cao cấp của Đảng cần trịnh trọng, nghiêm túc. Nếu đến họ - những cốt cán mà không tin nữa thì chúng ta còn biết làm việc với ai? Dối trá, nhỡ Chủ tịch có mệnh hệ gì thì chúng ta nói như thế nào với mọi người?

Uông Đông Hưng nghe phải cũng hùa vào:

- Diệp nguyên soái nói rất đúng, cần trao đổi triệt để với cốt cán.

Giang Thanh nhìn mọi người và bắt đầu lên giọng:

- Triệt để cái gì? Chủ tịch rất cường tráng, khả năng đề kháng rất cao, và chính tôi biết rất rõ, rất triệt để điều này, đồng chí Uông Đông Hưng ạ. Chẳng lẽ thông báo là suốt ngày Chủ tịch hôn mê, chẳng lẽ các đồng chí muốn tạo ra sự hỗn loạn?

- Thôi thôi, sức khoẻ của lãnh tụ là tài sản vô giá của toàn Đảng toàn dân, và trong lúc này là yếu tố quyết định đến toàn cục, đến sự ổn định cả nước. Xin các đồng chí không nên tranh luận nữa, cứ thế mà quyết.

Trương Xuân Kiều lựa lời dàn xếp, nhưng khi đưa lên Hoa Quốc Phong ký thì ông cương quyết gạch bỏ đoạn nói láo kia. Trương, Giang tức lắm:

- Mới có Phó Chủ tịch mà đã lên mặt, hãy đợi đấy, đợi đến lúc Chủ tịch bình phục sẽ được tính sổ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #94 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2014, 10:31:27 am »

3. TÁNG MAO HAY PHÊ ĐẶNG


Sức khoẻ của Mao Trạch Đông ngày càng sa sút và ý chí phục thù của Giang, Trương cũng theo đó mà suy giảm. Một hôm, Mao gõ thành giường gọi trực ban và Hoa Quốc Phong, Vương Hồng Văn và Uông Đông Hưng xích lại gần và với một giọng khó nhọc, mệt mỏi, ông nói:

- Người xưa bảo nhân sinh thất thập cổ lai hy, tôi nay đã hơn tám mươi tuổi rồi, nên thường nghĩ chuyện sau này. Ở Trung Quốc lại có câu: đậy xong nắp hòm là có thể phán định được rồi, nắp hòm của tôi tuy chưa đậy, nhưng có đậy cũng nhanh thôi và do vậy bây giờ là lúc cần phán định.

- Dạ thưa Chủ tịch, Chủ tịch còn khoẻ lắm, còn sống vài chục năm nữa, ít nhất là mười năm nữa ạ - Trương Xuân Kiều nịnh Mao.

Ông cười và tiếp tục mạch tư duy của mình:

- Đời tôi làm hai việc, một là giao tranh với Tưởng Giới Thạch mấy mươi năm, cuối cùng đuổi họ ra mấy hòn đảo. Kháng Nhật 8 năm và mời được người Nhật về nước, tiến vào Bắc Kinh, đặt chân đến Tử Cấm Thành. Đối với việc này, người tranh luận không mấy ai, có chăng chỉ là thúc giục tôi mau chóng lấy lại các hòn đảo đó mà thôi. Việc thứ hai như các đồng chí đã biết, ấy là chuyện phát động cuộc đại Cách mạng văn hoá, người ủng hộ không nhiều, người phản đối không ít. Cả hai việc đều chưa xong, còn dở dang, phải bàn giao lại cho hậu thế. Bàn giao bằng cách nào? Hoà bình mà giao hay phải đấm đá lẫn nhau? Nếu chọn hai, thì máu đổ xuống xương tan, và các đồng chí sẽ làm như thế nào? Chỉ có trời mới biết!...

...Trương Xuân Kiều đang miên man nhớ lại những chuyện xưa, nhớ lại cái hồi đầu “văn cách” thân như chiếc lá giữa dòng, thế mà nay đang chuẩn bị nhận bàn giao của lịch sử, yên hàn hay can qua, nhờ cậy ai bây giờ, đến như Mao cũng đầy nỗi bi thống... đang mơ màng giữa thực hư như vậy thì chuông điện thoại 202 réo lên, ông giật thót người. Cùng lúc Giang Thanh ập tới hỏi Trương:

- Báo cho Hoa Quốc Phong chưa?

- Chưa, 4 giờ chiều còn đọc sách, 8 giờ tối tay lạnh ngắt, 9 giờ thì cấp cứu, và bây giờ...

- Chủ tịch, Chủ tịch, Nhuận Chi, tôi đây mà, ông hãy mở mắt xem, Giang Thanh đây...

Đó là ngày mùng 8 tháng 9 năm 1976. Người còn đang đọc sách, đọc sách cho tận cuối đời và rồi cũng...

Hoa Quốc Phong nhận được điện thoại vội vàng chạy đến bên Chủ tịch. Ông phủ phục kêu gào:

- Mao Chủ tịch, Mao Chủ tịch!

Mao Trạch Đông mặc bộ quần áo trắng lạnh, đắp chăn trắng, nằm bất động trên giường. Mao mở mắt nhìn Hoa - Phó Chủ tịch Trung ương, Thủ tướng Chính phủ vừa mới lên ngôi chưa tròn một năm - như muốn nói điều gì mà không sao phát ra thành lời, mắt và miệng cứ chảy một loại nước màu trắng; lau mãi vẫn không ngưng được. Hoa Quốc Phong là một trong những lãnh đạo mà Mao tín nhiệm nhất vào lúc cuối đời. Khi Chu Ân Lai tạ thế, ông nén sự dày vò đau khổ, cẩn thận chọn người thay thế. Người đó phải làm việc thực sự, điều phối các quan hệ nội ngoại của cả quốc gia. Trong “nháy mắt”, Hoa được kế vị thế Chu, làm cho dư luận vô cùng sửng sốt vì không ai dự kiến rằng Hoa sẽ là Thủ tướng. Còn đối với Hoa, tựa như niềm vui từ trên trời rơi xuống, ông có đôi phần cảm nhận trước và giờ đây cảm thấy lo lắng vô cùng.
Hoa nắm tay Mao, bàn tay của vị thống soái thiên binh vạn mã, từng sóng gió hơn 60 năm qua mà nay lạnh cứng, vàng vọt như một phần của tử thi.

- Thông báo cho toàn thể uỷ viên Bộ Chính trị đến thăm Mao Chủ tịch và... - Hoa Quốc Phong không thể thốt ra những chữ cuối cùng “…và từ biệt người”, vì lâu nay ai cũng sợ mắc trọng tội - mong Chủ tịch chết sớm - nên ngoài việc cấp cứu, bảo mật, người ta chưa hề nghĩ đến chuyện hậu sự cho Mao. Giang Thanh vờ như chưa nghe rõ:

- Đồng chí bảo sao?

- Phải để cho tất cả Bộ Chính trị được gặp Chủ tịch, nhỡ Người có mệnh hệ gì chúng ta còn có thể giải thích được với toàn Đảng, toàn dân.
Dẫu sao thì cũng phải chấp hành ý kiến của Phó Chủ tịch thứ nhất, Giang Thanh không còn cách nào để chống đối, bà lẩm bẩm:

- Sắp nổi gió rồi đây, bọn hữu phái sẽ lại nhảy ra.

- Sớm muộn gì cũng có một ngày như thế, sợ mà làm gì?

Trương Xuân Kiều an ủi, nhưng bà lồng lên:

- Sợ à?

Rồi hạ giọng:

- Cẩn thận, Hoa Quốc Phong!

Và bà truy hỏi Mao Viễn Tân - cháu ruột của Mao, liên lạc viên giữa Chủ tịch và Bộ Chính trị Trung ương Đảng, phiên dịch phương ngữ Hồ Nam ra tiếng phổ thông:

- Chủ tịch không để lại di chúc ư?

- Chưa tìm thấy!

Giang Thanh thoáng chút nghi ngờ cái thằng cháu mà bà đã bỏ công nuôi dạy, biết hút thuốc lá thơm và xem phim ảnh ngoại. Nó giống như ông Mao hồi còn trai trẻ: tráng kiện, da nâu, tóc dày, cơ bắp phát triển và rất đàn ông, cũng thích bơi lội và hay bông đùa với các cháu gái: “Người ta ngồi ghế bốn chân; còn anh năm, sáu, bảy, tám cơ. Em nào không tin, thì lại đây mà xem”.

Nhưng Viễn Tân khác với bác nó cái khoản đọc sách, thế mà giờ đây lại sáng giá, nặng cân.

- Cháu phải để ý Hoa Quốc Phong, ông ta im ỉm chờ Chủ tịch qua đời rồi mới tính chuyện. Gần đây, Trương Xuân Kiều đang nghiên cứu cách đoạt quyền của Khrusov sau khi Stalin tạ thế, cháu nên nghe Trương giảng giải thêm.

Viễn Tân thưa:

- Vâng.

Nhưng bụng nghĩ “cóc cần”!...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #95 vào lúc: 03 Tháng Sáu, 2014, 10:33:26 am »

Bắc Kinh đêm tháng 9 huyên náo và oi nồng, nhưng nơi đây, chỗ ở của Mao Trạch Đông thì vô cùng yên tĩnh và thần bí. Mao nằm đó, mặt vàng như nghệ, miệng mấp máy, mắt mơ màng nhìn từng uỷ viên Bộ chính trị đi quanh bên mình. Ông đang toan tính, nghĩ suy điều gì thì lịch sử không hề ghi nhận được. Không ai dám dừng lâu, sợ Chủ tịch kích động sớm ra đi và Diệp Kiếm Anh - lão suý 79 tuổi cũng vậy, ông cúi nhìn Chủ tịch rồi hướng về phía sofa gục đầu thổn thức, nhưng nhân viên đã thưa rằng:

- Chủ tịch cho gọi Thủ tướng.

Mao Trạch Đông dùng tàn lực đưa bàn tay lên, định nắm lấy tay Diệp Kiếm Anh. Nhưng bàn tay tự rơi xuống, nó không còn nghe sự chỉ huy của cái đầu nữa rồi và vĩnh viễn nằm lại đó.

- Chủ tịch, xin Người hãy cẩn trọng. Người sẽ khoẻ và Trung Quốc không thể mất Người.

Đó là câu nói cuối cùng mà Mao còn nghe được, câu nói của một lão tướng từng xông pha bao trận mạc nhưng lại phải ngã quỵ dưới ngòi bút của ông.

- Chủ tịch có căn dặn gì không?

Mọi người vây quanh Diệp Kiếm Anh.

- Không!

Giang Thanh nhân cơ hội và như ra lệnh, bà nói:

- Tất cả đã rõ, và có lẽ Trung ương không cần ra thông báo làm gì nữa, nhằm phòng chống sự phá hoại của kẻ địch. Bây giờ các đồng chí có thể trở về.

Diệp Kiếm Anh nắm tay Hoa Quốc Phong:

- Thủ tướng, lúc gian nguy này, xin Thủ tướng ra tay và giữ gìn sức khoẻ.

- Lão suý cũng vậy.

Mọi người rời khỏi tư dinh của Mao không bao lâu, thì 0 giờ 10 phút ngày 9 tháng 9 năm ấy - 1976, tiếng khóc đã oà lên từ phòng bệnh Mao Trạch Đông. Bánh xe lịch sử vẫn quay, mọi trầm tư đều vụn vỡ, mở ra một màn quan trọng trong câu chuyện “hai mươi tám ngày đêm” của chúng ta.

Rạng ngày 9 tháng 9, toàn thể thành viên Bộ Chính trị được triệu tập họp khẩn cấp nhưng không rõ nội dung cụ thể. Khi nhân viên văn phòng đưa băng đen và hoa trắng cài cho từng vị thì mọi người đều nhoà lệ, nỗi bi thống như nhấn chìm cả hội trường. Dẫu vẫn biết ngày đau thương này sớm muộn gì cùng phải đến, nhưng sao Người ra đi đường đột đến thế. Diệp Kiếm Anh lấy lại tư thế của một Nguyên soái, của một Phó Chủ tịch, giọng ông xưa nay vẫn sang sảng nhưng giờ đây nghẹn ngào:

- Đồng chí Quốc Phong là Phó Chủ tịch thứ nhất của Đảng, là người kế vị mà lúc sinh thời Mao Chủ tịch đã chỉ định, xin mời đồng chí có đôi lời với chúng ta.

Cả 20 vị uỷ viên Bộ chính trị đều quay nhìn lão suý và cảm nhận trọng lượng câu nói của người cao tuổi nhất trong số 3 Phó Chủ tịch Đảng. Sau khi văn kiện số 1 ngày 2 tháng 2 năm 1976 phát ra, bảo rằng, đồng chí Diệp Kiếm Anh lâm bệnh, mọi công việc của Quân uỷ Trung ương do đồng chí Trần Tích Liên đảm nhận, ông hiểu là tình thế đã đến mức căng thẳng và trên thế cuộc, Giang Thanh với Trương Xuân Kiều đã thắng được một nước. Từ ấy, ông bớt lời, bớt việc, đóng cửa từ khách nhưng tuyệt không nhắm mắt, bịt tai mà như con mãnh hổ phủ phục chờ thời. Hôm nay, lúc này, ông nhảy ra và cũng làm cho Giang, Trương chợt tỉnh trong cơn mơ âm mưu mới mẻ của họ.

Hoa Quốc Phong mắt đỏ, nuốt lệ, mãi mới nói nên lời:

- Mong các đồng chí trong Bộ Chính trị hãy vì toàn cục mà tăng cường đoàn kết, cùng nhau đưa Đảng và nước nhà vượt qua bước nguy nan này.

Hội trường im lặng, trầm tư. Bỗng Trương Xuân Kiều lên tiếng:

- Thưa các đồng chí, chúng ta chỉ đau khổ thì không thể nào vượt được nguy cơ. Phải biến đau thương thành sức mạnh, trên cơ sở phê Đặng phản hữu mà đoàn kết toàn Đảng và kế thừa ý nguyện của Mao Chủ tịch, đưa cách mạng của giai cấp vô sản đến thắng lợi cuối cùng. Đấy mới là lối thoát duy nhất của chúng ta.

Không mấy ai chú ý lời đề nghị của Trương, nhưng Diệp Kiếm Anh đã kịp thời phản bác:

- Tôi đề nghị trước tiên chúng ta phải bàn việc mai táng Mao Chủ tịch, hiện nay không có công tác nào quan trọng hơn nữa, các vấn đề khác sau hãy bàn.

Lời nói ấy làm cho Hoa Quốc Phong tỉnh lại. Ông gạt nước mắt, mở cặp và bắt đầu bàn bạc với mọi người. Bộ Chính trị nhanh chóng thống nhất: giữ gìn vĩnh viễn thi hài của Mao Chủ tịch, 3 giờ chiều hôm nay thông báo tin buồn này cho toàn thể nhân dân trong nước và trên thế giới, tổ chức quần chúng viếng Chủ tịch và cử hành lễ truy điệu tại quảng trường Thiên An Môn vào ngày 18 tháng 9 v.v...

Một vài người nêu ý kiến mời khách quốc tế, nhưng Trương Xuân Kiều lý luận:

- Theo tập quán của nước ta, tốt nhất là không nên mời người nước ngoài. Chủ tịch vừa qua đời, chúng ta còn nhiều việc phải làm, không còn bao nhiêu sức lực mà đón khách, hiện nay công việc nội bộ là chủ yếu.

Thảo luận qua lại, cuối cùng hội nghị tán đồng ý kiến của Trương và phân công lịch trực linh cữu và chương trình tang lễ. Vương Hồng Văn bổ sung:

- Để đề phòng sự đột kích của đế quốc và bọn xét lại, toàn quân phải đưa vào tình trạng chiến đấu cấp một.

Trần Tích Liên hùa vào:

- Quân uỷ chúng tôi đã sẵn sàng.

Hội nghị sắp kết thúc thì Giang Thanh lấy ngón tay đẩy gọng kính và chậm rãi:

- Có lẽ các đồng chí chớ vội bãi họp, nên xem xét ý kiến của đồng chí Trương Xuân Kiều vừa nêu. Tôi thấy hôm nay chúng ta đã bỏ qua một vấn đề quan trọng, rất quan trọng, có quan hệ đến toàn cục, có quan hệ đến sự nghiệp giữ cho Đảng ta, nước ta không bị biến chất. Nhiều đồng chí rất lơ là xem nhẹ vấn đề này.

Không khí phòng họp bỗng trở nên căng thẳng, nhiều người quay lại nhìn bà. Riêng Diệp Kiếm Anh, Lý Tiên Niệm và nhiều đồng chí già khác vẫn lim dim ngả mình trên sofa...

- Đó là vấn đề phê Đặng. Khi còn sống, Chủ tịch đã nhiều lần nhắc nhở công việc này, các đồng chí có biết không? Chủ tịch đã bị Đặng Tiểu Bình bức tử. Bọn họ phủ nhận Cách mạng văn hoá, trên thực tế đã phủ nhận công lao của Chủ tịch, lúc lâm chung Người đã nói với tôi và Viễn Tân...
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #96 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:06:17 am »

4. ĐI TÌM DI CHÚC


Giang Thanh càng nói càng dài dòng, như kiểu vỡ đê, không ai chịu nổi. Hoa Quốc Phong nhiều lần xem đồng hồ như nhắc khéo bà ta không nên tiếp tục nữa, cuối cùng ông đành chen vào:

- Phê Đặng tất nhiên là phải tiếp tục, nhưng bây giờ là tang lễ nhiều việc đang chờ chúng ta, tôi thấy thời gian đã quá...

Giang Thanh lườm mắt nhìn Hoa và vẫn thao thao:

- Các đồng chí biết không, cách đây không lâu Mao Chủ tịch đã từng nói: “Làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, không biết giai cấp tư sản ở chỗ nào, chúng ở ngay trong Đảng Cộng sản, bọn người đi theo chủ nghĩa tư bản vẫn cứ đi con đường của chúng”. Ở đây là cả một vấn đề chiến lược, tôi đề nghị hội nghị phải nghiêm túc mà nghiên cứu công tác phê Đặng. Bộ Chính trị cần ra quyết định, đồng thời với việc bố cáo Mao Chủ tịch vừa tạ thế, công khai tuyên bố với toàn Đảng toàn dân là khai trừ vĩnh viễn Đặng Tiểu Bình.

Diêu Văn Nguyên lập tức lên tiếng:

- Tôi đồng ý ý kiến của đồng chí Giang Thanh, đó là hành động tốt nhất mà chúng ta kế thừa ý nguyện của Chủ tịch.

Lý Tiên Niệm chậm rãi đáp lại:

- Không đúng rồi, Chủ tịch yêu cầu chúng ta bảo lưu đảng tịch cho Đặng Tiểu Bình, chúng ta không được làm trái ý Người.

- Đó là sự khoan hồng của Chủ tịch! - Vương Hồng Văn biện bạch.

- Nhẽ nào bây giờ chúng ta không khoan hồng như Chủ tịch hay sao?

Xuân Kiều và Giang Thanh định nói điều gì, chưa kịp, thì lập tức Diệp Kiếm Anh liền “nhảy ra”:

- Đồng chí Giang Thanh, đồng chí có biết lúc này là lúc nào không? Toàn dân hãy còn chưa biết vừa xảy ra sự kiện gì, lệ hãy còn chưa ráo trên khoé mắt của các đồng chí Bộ Chính trị, tang lễ Chủ tịch hãy còn chưa cử hành. Thế mà đồng chí định kéo chúng tôi làm việc gì vậy? Đối với Đặng Tiểu Bình sau này hẵng bàn, bây giờ chúng ta phải theo trình tự. Đồng chí Quốc Phong, đồng chí là Phó Chủ tịch thứ nhất, theo đồng chí việc nào là số 1, việc nào là số 2?

Hoa Quốc Phong ậm ừ chưa biết trả lời ra sao thì Lý Tiên Niệm bồi tiếp, vừa nhu lại vừa cương:

- Tôi đồng ý ý kiến của Kiếm Anh, mong đồng chí Giang Thanh bình tĩnh. Chủ tịch vừa ra đi, chúng ta đều rất đau khổ, mai táng Chủ tịch là quốc tang, chúng ta cần thực hiện chu đáo.

- Tôi đồng ý ý kiến của Diệp suý và Tiên Niệm.

- Tôi cũng đồng ý...

- Mao Chủ tịch không còn, chúng ta đang ở vào thời khắc cam go nhất, phải đoàn kết hơn nữa, đoàn kết quanh Trung ương Đảng đứng đầu là đồng chí Hoa Quốc Phong.

Giang Thanh chột dạ. A, lão Diệp đang kéo họ Hoa về phía họ. Bà núng thế và đành a vào:

-  …Mà trung tâm là đồng chí Quốc Phong...

Trương Xuân Kiều ngơ ngác trước bước lùi của chủ tướng, nói nhỏ gì đó với Giang, nhưng bà ta cười khẩy:

- Cứ để cho họ phóng, thả sức mà phóng, và đúng thời cơ ta sẽ phản kích. Khá khen cho Diệp Kiếm Anh, cuối cùng thì lão đã nhảy ra, thế mà hay, để rồi xem sức ta mạnh hay binh mã của lão nhiều!

...Đó là cuộc giao tranh đầu tiên vừa xảy ra sau khi Mao Trạch Đông mới nhắm mắt. Thi hài ông còn chưa lạnh hẳn mà người ta đã lợi dụng tên tuổi ông cho mưu đồ của mình!...

Diệp Kiếm Anh trở về tư dinh, lòng nặng trĩu ưu phiền. Vừa đến cổng thì đã thấy hai chiếc xe dừng ở đó, ông nhanh chóng nhận ra chủ nhân của chúng là ai, bèn nhẹ nhàng mở cửa và bảo người lái quay lại trụ sở Quân uỷ. Vương Chấn và Nhiếp Vinh Trăn cùng ra nghênh tiếp Diệp:

- Chúng tôi chờ Diệp suý đã lâu.

Bỗng họ dừng lại, nghẹn ngào vì bắt gặp vòng băng đen trên tay áo của ông. Cả 3 người im lặng. Diệp Kiếm Anh thở dài:

- Ông già mang đi cả một bầu tâm sự, 3 giờ chiều hôm nay sẽ thông cáo trên đài phát thanh cho cả nước. Các anh đã chuẩn bị gì chưa?

- Thưa Diệp công, mọi việc đã hoàn tất từ lâu.

Vương Chấn nhanh nhẹn trả lời. Diệp mở máy thu thanh và chuyên mục Đại Cách mạng Văn hoá hảo cứ oang oang phát ra những lời lẽ phê Đặng và quyết tâm đưa cuộc chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng.

- Họ thật điên cuồng, giờ này mà vẫn đấu đá. - Diệp Kiếm Anh bực mình như muốn thét lên, Vương Chấn liền đáp lại:

- Chủ tịch đã tạ thế, hậu sự chưa lo lắng gì, chỉ cứ nhằm Đặng mà phê. Nhẽ nào chúng ta để họ ám hại xong Đặng Tiểu Bình, giam lỏng xong Diệp công đây rồi mới trở tay?

Vương Chấn nhỏ hơn Diệp Kiếm Anh 11 tuổi, nên thường gọi ông là “Diệp công”. Vương người huyện Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, cũng là đồng hương với Mao Trạch Đông, thỉnh thoảng gặp nhau. Mao nói đùa:

- Sao đồng hương không béo lên một tý mà cứ gầy mãi vậy?

- Dạ thưa, bản dạng khó thay đổi.

- Ừ nhỉ, bản dạng khó thay đổi, khó thay đổi.

Mao gật gù nhìn Vương. Năm 1922, Vương Chấn tham gia bạo loạn ở đoạn đường sắt Trường Nhạc Việt Hán, sự nghiệp thất bại, bèn vào quân đội công nông bảo vệ căn cứ cách mạng Tương Cán, chống bao vây. Tám năm kháng Nhật, ông từng là Lữ đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Lữ đoàn 359 Bát lộ quân, chỉ huy chiến dịch thu phục các thành phố ở Tây Bắc. Sau đó, cả lữ đoàn của ông đi khai hoang tại miền Nam nêu tấm gương bộ đội tham gia sản xuất, xây dựng căn cứ và được Mao biểu dương nhiều lần. Từ năm 1949, đảm nhận các chức vụ Bí thư phân khu Tân Cương, quyền Tư lệnh quân khu, Tư lệnh tự vệ đường sắt và Bộ trưởng Nông khẩn. Văn cách bùng nổ, Vương cũng bị phái tạo phản đưa vào danh sách đấu tố, nhưng may sao được Mao kịp thời chỉ thị:

- Đồng chí Vương Chấn là một chiến tướng, đầu đồng chí ấy không có bím tóc để nắm giựt, một con người sạch sẽ hiếm thấy.

Vương thoát nạn, nhưng không vì thế mà không chửi bới bọn tạo phản. Chuyện đến tai Mao, ông hỏi:

- Anh chửi họ cả ngày, nếu họ lật đổ anh thì sao?

- Tôi cũng chẳng sợ.

Vương Chấn trả lời không chút do dự. Mao cười mà rằng:

- Lật không đổ đâu, đã có tôi đỡ đằng sau.

Diệp Kiếm Anh quý mến Vương Chấn, cũng như Nhiếp Vinh Trăn - chiến hữu với nhau từ lúc còn sinh viên Đại học Phương Đông ở Mạc Tư Khoa, là giáo viên trường quân sự Hoàng Phố, là nghĩa quân Quảng Châu, rồi sang Hương Cảng và mấy chục năm chung lưng nơi trận mạc.
Ông tư lự giải thích:

- Theo tôi, họ chưa dám ra tay ngay đâu.

- Nhưng, binh quý thần tốc! - Vương nhanh nhẩu.

Sáng nay, tại cuộc họp của Bộ Chính trị, vẫn có người bàng quan, vẫn có người a dua, và diễn viên của họ vẫn còn xuất sắc lắm.

Nhiếp Vinh Trăn ra vẻ băn khoăn:

- Theo Diệp suý, lúc lâm chung Chủ tịch có để lại di chúc hay không?

- Người không còn nói được nữa, muốn căn dặn tôi điều gì đó mà nói chẳng nên lời. Tôi đoán chắc Chủ tịch nghĩ rằng mình không thể ra đi sớm như thế này nên chưa kịp chuẩn bị và do đó Người chỉ khóc.

- Phải làm rõ là có di chúc hay không và cần cảnh giác bọn họ nguỵ tạo. Thưa Diệp công, ta phải ra tay, kẻo muộn.

Diệp Kiếm Anh ngã mình trên sofa, vừa suy nghĩ về những lời giục giã của Vương, Nhiếp; vừa nhớ lại từng gương mặt mọi người dự họp sáng nay. Là một nguyên soái nhìn xa trông rộng, biết giấu mình, ông không giống ai đó chưa động binh đã nổi gió, chưa ra tay đã hù thiên hạ, chỉ khi nào đảm bảo hy vọng đến 99% Diệp mới tiết lộ kế sách của mình. Từ hồi tháng 7, khi Mao Trạch Đông bắt đầu lâm bệnh, Diệp Kiếm Anh đã có một dự định, nhưng những tri âm, tri kỷ như Vương, Nhiếp đều không đoán nhận được...

- Thưa Diệp công, dân chúng oán hận nhóm Thượng Hải, không phục cách giải quyết sự kiện Thiên An Môn...

- Nhưng họ đều là các vị tướng do Chủ tịch phối cử, điểm danh.

- Bọn họ giả danh thiên tử ra lệnh chư hầu, nhẽ nào ta chịu thua, cứ tiền trảm hậu tấu. Chúng táng tận nhân tâm lắm rồi, không còn đảng tính gì nữa, đáng tội bắt giam...

Diệp Kiếm Anh biến sắc, hốt hoảng ra hiệu cho Vương Chấn cấm khẩu, dò xét bốn bề. Ông hoàn toàn hiểu tấm lòng của hai tướng lĩnh, nhưng thời cơ chưa đến, còn có một nhân vật quan trọng, then chốt, đó là Hoa Quốc Phong - Phó Chủ tịch thứ nhất, Thủ tướng Quốc vụ viện, người kế vị mà đích thân Mao Trạch Đông đã chọn cử, tuy Hoa không phải là người nhà binh, nhưng việc điều quân khiển tướng không thể qua mắt ông ta được, vấn đề là Hoa Quốc Phong chưa tỏ rõ quyết tâm.

- Thái độ của Hoa Thủ tướng như thế nào?

- Trước mặt chúng ta là 3 con đường - áp lực của Giang Thanh, Trương Xuân Kiều, nhẫn nhục cầu toàn cứ thế ém nhịn; hoặc vừa đấu tranh vừa hợp tác với họ, nhượng bộ và phân quyền, càng làm cho phái Giang - Trương có cớ lấn tới, con đường thứ 3 mới là đứng về phía chúng ta, chống lại “tứ nhân bang”.

- Hoa đi theo con đường nào?

- Chưa nói được, nhưng sớm muộn gì thì Hoa Quốc Phong cũng nhận ra rằng Giang, Trương không thể dung nạp ông. Các đồng chí cứ chờ mà xem trong vòng một tháng thôi, vận mệnh của Trung Quốc tất phải được quyết định. Họ sẽ nhảy ra và các đồng chí cần thủ trại vững vàng, nắm chắc động thái của quân đội mà tiến công.

Diệp Kiếm Anh còn hỏi Vương - Nhiếp về quan hệ với Uông Đông Hưng, Chánh văn phòng kiêm Chính uỷ quân đội bảo vệ Trung ương, nhiều năm nay phụ trách an toàn cho Mao Trạch Đông, là một trong 4 người được phân công chăm sóc Mao khi ông lâm bệnh, nhưng quan trọng nhất vẫn là bất luận ai muốn gặp Chủ tịch đều phải qua Uông -cửa ải đáng kể.

- Tôi và Uông biết nhau từ ngày còn ở Diên An, gần đây thăm dò cho thấy Uông Đông Hưng cũng đã chán ngán nhóm Giang Thanh. Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu kỹ, nhưng chủ yếu vẫn là Hoa Thủ tướng.

*
*    *

Trong khi đó, mấy hôm nay Giang Thanh cũng hoạt động thật giảo trá. Bà nghĩ rằng, thời đại đã khác rồi, nữ mạnh hơn nam, phụ nữ của Trung Quốc mới không giống như xã hội cũ chỉ cam chịu bị chửi mắng, hầu hạ đàn ông. Hãỵ cho ta một cơ hội, ta sẽ mở đầu một chương mới trong lịch sử của phong trào cộng sản quốc tế - nhà nữ cách mạng đầu tiên lên nắm chính quyền lãnh đạo. Kể từ lúc Mao nhắm mắt, Giang Thanh rất chú ý ăn mặc, trang phục tuyền một màu đen trên người bà, thật buồn thảm và hiếu phục. Bà vẫn tự tin. Tuy ngoài 50, trông Giang Thanh vẫn trẻ trung như chưa đầy 40, hồi xuân mãnh liệt, nên càng giữ gìn không cho bất cứ một đấng mày râu nào dám lẳng lơ léng phéng, để không mang tai tiếng ảnh hưởng đến danh tiếng Chủ tịch phu nhân. Theo Giang, thủ tiết thờ Mao là tài sản của bà, là sức truyền hô mệnh lệnh cho bàn dân thiên hạ, vì lợi ích chính tri, Giang Thanh có thể hy sinh tất cả.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #97 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:09:46 am »

5. NHỮNG NƯỚC CỜ


Giang Thanh vốn tinh thông sử sách từ khi còn trẻ, tự mãn rằng, mình đã hiểu hết chủ nghĩa Mác - Lê, không có điều gì là không rõ. Khi Mao còn sống, bà dựa vào người anh hùng này. Nay ông qua đời, có lẽ không gì quý hơn di sản tinh thần của cố nhân để lại, đó là vũ khí củng cố cơ sở cho mình và chống lại kẻ khác. Mao Trạch Đông vừa từ giã cõi dương chưa đầy 2 giờ thì việc đầu tiên của Giang Thanh là gọi Mao Viễn Tân đến và tra hỏi:

- Cháu có biết 9 bài phát biểu của Chủ tịch giờ ở đâu không?

- 9 bài nào? Cháu không biết!

- Trời ơi! - Giang Thanh như muốn nhảy lên. - 9 bài mà khi nổ ra Cách mạng văn hoá, Chủ tịch đã soạn, định nã pháo vào Lưu Thiếu Kỳ và bè lũ. Người sửa đi sửa lại nhiều lần, nhưng sau đó, do thay đổi sách lược nên chưa dùng đến. Đây là những tài liệu rất quan trọng, có ý nghĩa về đấu tranh mang tính đường lối trong tương lai cháu ơi!

- A, cháu nhớ ra rồi. Sinh thời Chủ tịch có nhắc cháu việc này. Người dặn dùng đó làm cơ sở lý luận cho Cách mạng văn hoá, sẽ thuyết phục được nhiều người, còn có cả bản ghi chép hai cuộc nói chuyện với Dương Đắc Chí và Vương Lục Sinh nữa. Thế mà cháu quên khuấy, giờ thì lo kẻ khác cuỗm mất rồi!

- Không được, phải tìm cho ra. Cháu biết hiện ở đâu không?

- Có thể đang ở chỗ Tiểu Trương.

- Mau lên, bác cần lắm!

Cách mạng văn hoá vừa 10 năm, Giang Thanh nghĩ đã đến lúc phải tổng kết, hệ thống lại phần lý luận, những giá trị chính trị và ý nghĩa lịch sử của cuộc đại vận động này. Bà đã xem hầu hết các bài viết và lời phê của Mao, thoạt đầu chẳng có gì hấp dẫn, nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì giống như thiên thư, là cả một pho chiến lược, sách lược tiến công tả - hữu. Đã mấy ai ở gần ông mà hiểu hết điều đó. Theo Giang Thanh, hiểu Mao là hiểu cả Trung Quốc, nên bà đã cố công nắm tài sản quý giá ấy, cho quá khứ và cho cả tương lai. Đang khi suy nghĩ tính toán mông lung thì Viễn Tân điện thoại báo cáo:

- Trương Ngọc Phượng khả nghi lắm, lúc thì bảo muốn mượn văn kiện, tài liệu của Chủ tịch phải có thủ tục cho phép của Trung ương, lúc lại nói nguyên bản các bài viết ấy không ở chỗ cô ta. Cháu nghĩ, hình như con bé được lệnh không chịu giao những văn bản quan trọng đó.

Giang Thanh nổi xung, hộc tốc tới thư phòng của Mao, lục lọi hơn 2 tiếng đồng hồ và cuỗm đi một số.

- Thưa đồng chí Giang Thanh, Chủ tịch vừa qua đời, Trung ương chưa quyết định về biện pháp xử lý các di bút của Người, xin đồng chí không nên đem tài liệu này đi nơi khác - Trương Ngọc Phượng, thư ký cơ yếu của Mao đã lễ phép thưa trình với bà như vậy.

Giang Thanh trừng mắt:

- Chủ tịch chết rồi, cô còn ở đây làm gì, khôn hồn thì giúp ta tìm tài liệu. Ta là vị vong nhân của Người, mọi tài sản ở đây do ta lo liệu, cô có biết không?

Tiểu Trương đành bất lực và Giang Thanh tự do hành động. Liền những ngày sau đó, Giang Thanh không hề chợp mắt, cuộc truy tìm di chúc vẫn chưa kết quả gì. Bỗng một hôm, Viễn Tân mang về cho bà một tài liệu, đó là lời phát biểu của Trương Thiết Sinh, người vừa được cử giữ chức Uỷ viên thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (tức quốc hội), tại Liêu Ninh. Thoạt đầu Giang Thanh cho rằng chẳng có gì liên quan đến bà, nhưng càng đọc Giang Thanh càng khuyên đỏ, càng thích thú. “Hiện nay nước ta như một gia đình”, Trương Thiết Sinh ví von, “cha vừa tạ thế, cả nhà phải dựa vào anh cả, anh hai, anh ba mà sinh sống. Vấn đề bây giờ là có nhờ cậy anh cả được hay không? Tôi rất lo điều này. Rõ ràng Hoa Quốc Phong là nhân vật số 1, nhưng không hiểu ông ta biết làm việc gì đây... Nhân dân đang trông vào đồng chí Giang Thanh, bà là người hiểu biết tư tưởng của Mao Chủ tịch một cách sâu sắc nhất. Nếu bà ra gánh vác trọng trách thì chúng ta vô cùng tin tưởng, còn những vị khác ư? Thật khó mà đoán được họ sẽ đưa tiền đồ, vận mệnh của đất nước đi về đâu, nhất là các tướng lĩnh quân đội”.

Đọc xong bản tài liệu, Giang Thanh cảm động và khóc một mình. “Trời ơi! Tai mắt của quần chúng nhân dân sao mà sáng suốt vậy, đúng như lời Người dạy: “phải nắm lấy quần chúng!”. Giang Thanh đắm mình trong suy tưởng, say sưa về một mưu kế mới. Giữa lúc ấy thì mọi người đang tiếp tục nối hàng nhau, nức nở, gào thét trước linh cữu của Mao, tiếc thương vị lãnh tụ vừa ra đi mà di chúc của ông vẫn còn là một dấu hỏi.

Giang Thanh vô cùng ấm ức. Làm người vợ đi truy tìm, nắm giữ di cảo của chồng mà lại phải qua Trung ương ra quyết định. Bà đoán chắc là có ai đó chỉ thị, nếu không Trương Ngọc Phượng đã không dám nói năng lỗ mãng, ngăn cản mình như vậy. Cách mạng văn hoá bùng nổ, rồi những biến động long trời lở đất ở Trung Quốc diễn ra. Mao Trạch Đông ngày một già yếu và qua đời như hôm nay, mặc dầu bà và đám tiểu nhân ngoi lên từ tạo phản, đấu tố đang nắm giữ trọng trách của Đảng và Nhà nước, nhưng vẫn còn đó lực lượng cán bộ già. Một số vừa được phục hồi danh dự, trở lại làm việc, giữa họ và Giang Thanh là cả hào sâu ngăn cách, ngày càng lộ rõ. Người ta nhìn bà với con mắt cừu thù, oán hận, đau thương và chua xót. Cả một đời cách mạng cuối cùng lại rơi vào tay con hát, cô đào xi-nê, quả là trớ trêu!

Giang Thanh không phải không cảm nhận điều này, nhưng vấn đề là làm thế nào để dần dần giải quyết mâu thuẫn và những nhân vật tiền bối kia. Còn giờ đây, trên bàn làm việc của bà là ngổn ngang tài liệu, lòng rối bời trăm mối, biết gỡ từ đâu. Cũng như nhiều người khác, Giang Thanh đã biết sẽ có một ngày như hôm nay, nhưng khi ngày ấy đến thì bà trở tay không kịp. Lúc Mao còn sống, bà chưa bao giờ sợ hãi điều gì, thế mà mới hôm qua tại hội nghị đầu tiên của Bộ Chính trị, ông cụ vừa nhắm mắt, đã có người công khai chống đối bà; nhiều người khác im lặng, miệng câm như hến. Bà những tưởng Hoa Quốc Phong cũng cúi đầu nhận lệnh như thuở nào, thì ông ta lại vô cùng mập mờ, ấp úng. Đồ lừa đảo! Rồi bà sẽ cho nếm mùi quả đắng của kẻ đứng giữa. Giang Thanh nhủ thầm như thế và vẫn đeo đuổi câu hỏi: “Ai sẽ là người kế vị Mao?”. Hoa Quốc Phong ư? Khó lòng mà dựa được, Diệp Kiếm Anh ư? Oan gia cừu hận chịu sao nổi. Vương Hồng Văn ư? Còn trẻ quả, làm thế nào gánh vác được sơn hà xã tắc. Và Trương Xuân Kiều ư? Ông ấy đa mưu túc trí, vững vàng kiên cường, nhưng sao mà giống ta vậy, tích oán quá nhiều, là mục tiêu phản kích của phái cực hữu. Đã có lần Mao Trạch Đông nghiêm khắc chỉ tay mà rằng: “Các ngươi bảo đưa Trương Xuân Kiều lên làm thủ tướng là chẳng khác gì tách một bộ phận lớn rời khỏi tôi”. Nghĩ đến câu răn đe của Mao hồi Chu Ân Lai vừa tạ thế, Giang Thanh như quẫn bách, rối bời, bà kêu lên:

- Trời ơi!

Quả vậy, Trương Xuân Kiều là người mà Giang Thanh tôn trọng nhất. Dạy ai, chửi ai, chứ với Trương bà không dám. Ông ta không ngoi lên từ tạo phản, đấu tố, mà đã được chuẩn bị từ lâu, đã được “thai nghén” trước cách mạng văn hoá, là công thần của Mao Trạch Đông. Nhiều người lầm tưởng rằng Trương Xuân Kiều đã núp sau lưng Giang Thanh mà “trưởng thành” thăng quan tiến chức. Kỳ thực, khi quyết định phê phán kịch bản “Hải Thuỵ bãi quan” của Ngô Hàm, Mao Trạch Đông đã chỉ thị cho Giang Thanh chủ động đi tìm Trương. Mao ung dung căn dặn:

- Trong lĩnh vực hình thái ý thức, tôi nhắm được một người. Anh ta vừa hiểu chính trị, vừa hiểu văn nghệ, đó là Trương Xuân Kiều. Và chỉ có Trương Xuân Kiều mà thôi.

Đầu năm 1965, khi gặp Trương, Giang Thanh đã nói câu đầu tiên:

- Xuân Kiều, tôi mời anh xuất sơn vấn chính. Hãy “xuống núi” cùng chúng tôi gánh vác công chuyện. Nếu thành công, anh là công thần; còn chẳng may thất bại, mình tôi chịu tất cả. Tôi sẽ ly hôn với Mao, rồi đi vào nhà lao.

Trương Xuân Kiều lạnh lùng đáp lại:

- Không, đi theo Mao Chủ tịch, dù phải vào sinh ra tử, Trương Xuân Kiều tôi không hề nói nửa chữ “lùi”. Dù thành công hay thất bại, mình tôi đảm nhận. Chỉ cần đồng chí căn dặn, tôi sẽ làm tới cùng.

Và sau đó là cả một chuỗi ngày hợp tác keo sơn, bàn mưu tính kế, tâm đầu ý hợp. Giang - Trương như cặp bài trùng, kẻ đánh người đỡ, khoan dung, ủng hộ lẫn nhau. Giang Thanh nóng nảy lô bô, không ai chịu nổi; còn Trương Xuân Kiều thì ra vẻ độ lượng của một nhà chính trị, ông nhẫn nại, chăm chú, nghiêm túc lắng nghe mỗi lần bà ta thao thao bất tuyệt. Rồi đợi lúc bình tĩnh, Trương mới lựa lời nói ra sai sót của Giang, nói chính xác đến mức không sao cãi được. Thật là “trai anh hùng gặp gái thuyền quyên”. Họ khâm phục và dựa dẫm vào nhau.
Sau một cú điện thoại, Trương lập tức có mặt ở nhà Giang. Nhìn bộ mặt hùng hổ của bà, ông lắc đầu khuyên ngăn:

- Đồng chí Giang Thanh cần bình tĩnh. Đấu tranh trường kỳ, mọi việc chúng ta đã trù liệu cả rồi, vấn đề là chuẩn bị để đối phó với mức độ phức tạp mới.

- Đúng, từ khi ông cụ vừa nhắm mắt, lắm kẻ đã trở mặt, đến như con Trương Ngọc Phượng mà cũng dám quan cách với tôi. Tôi cần xem tài liệu của Chủ tịch mà hắn cả gan cản trở, yêu cầu xin ý kiến của Uông Đông Hưng. Trước đây làm gì có như vậy?

Thế là rõ, Trương vô cùng khâm phục khứu giác chính trị của người đàn bà luôn luôn biết nắm yếu điểm thời cuộc. Nắm được di cảo của Mao là nắm được quyền phát ngôn, quyền giải thích tư tưởng của Người và lại sai khiến được thiên binh vạn mã như xưa. Trước đây làm gì có như vậy? Phải nhanh tay đi nước cờ này.

- Tiểu Trương không là cái gì đáng phải để đồng chí quan tâm phiền muộn, chẳng qua là đám người đang đợi “gió chiều nào theo chiều đó”. Di cảo của Chủ tịch quyết định tất cả.

Giang Thanh hốt hoảng:

- 9 bài viết chưa công bố của ông cụ không biết nằm ở đâu, nếu lọt vào tay họ thì hậu quả thật khôn lường.

- Phải tìm cho ra, đồng chí Giang Thanh ạ. Năm ngoái, Chủ tịch còn dặn tôi đợi lúc Người gặp được cụ Karl Marx thì hãy công bố và sẽ dấy lên cao trào thảo phạt bọn theo chủ nghĩa xét lại. Chủ tịch bảo rằng nói sớm không linh, diệu kế của tôi đấy... Chúng ta phải có trong tay bản gốc.

- Hay là cho Viễn Tân gặp Trương Ngọc Phượng? Hắn chắc phải biết.

- Viễn Tân đã chỉnh lý tất cả những lời căn dặn của Chủ tịch trước lúc lâm chung chưa?

- Cũng không rõ nữa.

Trương Xuân Kiều rảo mấy vòng trên thảm đỏ và với một tư thế rất phong độ, ông phán:

- Sinh thời Chủ tịch không viết di chúc, chỉ nói, đó chính là lời trăn trối của Người. Toàn Đảng, toàn dân và thậm chí cả thế giới đang quan tâm đến vấn đề này, xem Người có sắp đặt như thế nào, do đó chúng ta phải công bố trước hội nghị Trung ương, vì vậy công việc của Viễn Tân là một quả pháo ngàn cân.

Giang Thanh khâm phục tài nghệ cao thủ của Trương Xuân Kiều. Cả trước mặt lẫn lâu dài ông ta đều quan tâm. Nay là lúc mà Trung Quốc đau thương, bi luỵ, chưa có ai trong Bộ Chính trị đã tỉnh táo mà suy nghĩ như Trương, vả lại, đối với dân chúng ít chữ nghĩa, không cần dông dài giải thích; nắm chắc và nói ra một lần như đinh đóng cột là được.

Có một người đã nhìn thấy trước nước cờ này của Giang - Trương. Nói một cách chính xác là lúc Mao đang hấp hối, ông ta đã cảm nhận ra bước đi như thế. Ông là người từng theo sát, bảo vệ an toàn cho Mao trong mấy chục năm qua, cùng Mao đi khắp các nơi, là nhân chứng của biết bao cuộc hội kiến của Mao, tự thân mình thể nghiệm mọi phong ba bão táp mà minh chủ đã kinh qua, đặc biệt trong những ngày tháng “văn cách”. Ông hiểu rõ tác dụng của hành vi và bản thân con người Mao Trạch Đông. Đó là Uông Đông Hưng, Chánh văn phòng Trung ương, Chính uỷ quân đoàn bảo vệ Mao Trạch Đông. Ít ai xem trọng ông, kể cả Giang Thanh. Lắm lúc bà còn miệt thị, bảo ăn cơm cùng bàn mà vẫn sợ, chỉ dám bưng bát ra một góc ngồi nhai... Hãy nghe câu chuyện giữa con người “tôi đòi” đó với Hoa Quốc Phong.

Ấy là tháng 7 năm 1976, khi Mao lâm bệnh và Hoa Quốc Phong vừa nhậm chức Thủ tướng chưa được bao lâu, Uông Đông Hưng chủ động gặp Hoa:

- Thưa Thủ tướng, Chủ tịch rất tín nhiệm Thủ tướng, nhiều lần căn dặn tôi phục vụ chu đáo Thủ tướng. Vạn nhất Chủ tịch có mệnh hệ gì, xin Thủ tướng hãy an tâm, tôi sẽ ủng hộ, tôn trọng Thủ tướng như đã từng đối với Chủ tịch.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #98 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:14:49 am »

6. DÀNH TRƯỚC MỘT BÀI BÁO


Hoa mừng rỡ và có đôi chút ngạc nhiên, lắc mạnh bàn tay Uông:

- Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm. Cám ơn sự giúp đỡ của đồng chí. Chúng ta phải tìm mọi cách làm sao chủ tịch chóng bình phục; không có Mao Chủ tịch, Trung Quốc không biết sẽ ra sao?

- Thế nhưng ngày ấy ắt phải đến. Là người kế vị được Chủ tịch tín nhiệm, đồng chí Quốc Phong ạ, tôi nhận thấy đồng chí phải chuẩn bị nhiều mặt, kẻo quyền lực sẽ bị vô hiệu hoá và phụ lòng kỳ vọng của Chủ tịch đối với đồng chí.

Hoa Thủ tướng sửng sốt, mãi sau mới hỏi:

- Theo đồng chí tôi phải chuẩn bị điều gì?

- Đồng chí phải nắm chặt các văn kiện của Chủ tịch, vì chỉ có đồng chí là người kế vị hợp pháp, ngoài ra không ai khác.

Uông nhấn mạnh những chữ cuối cùng và nói tiếp:

- Một khi Mao Chủ tịch không còn nữa, ai cũng có thể giương cao cờ của Người mà hành động. Do đó, nếu những văn kiện, di cảo của Chủ tịch bị xuyên tạc, sửa chữa, thất lạc thì hậu quả thật không thể tưởng tượng nổi.

Hoa Quốc Phong suy nghĩ giây lát rồi kéo tay Uông Đông Hưng dặn dò:

- Công việc này có lẽ phải nhờ cậy đồng chí. Đồng chí là Chánh văn phòng; Chủ tịch đã tín nhiệm đồng chí, tôi lại càng tín nhiệm hơn. Đồng chí cứ quyết định mọi việc, nên làm thế nào thì làm như thế ấy.

Trong suốt quá trình cấp cứu Mao Trạch Đông, những lúc bệnh tình của Mao thuyên giảm, Hoa nhẹ nhõm định bụng trình bày với Chủ tịch vấn đề văn kiện, di cảo, nhưng vừa mở miệng là như không thể nói thành lòi, sợ người quở trách, gác mãi, gác tận cho đến hôm nay... Khi nghe Uông báo cáo sự việc Giang Thanh lấy ở chỗ Trương Ngọc Phượng mấy bài viết của Chủ tịch, Hoa Quốc Phong bực dọc:

- Thật là người đàn bà không an phận. Bà ta định làm gì nhỉ?

- Xin Thủ tướng cho phép thu hồi?

Hoa Quốc Phong do dự:

- Hãy thư thả vài ngày. Chắc bà ta chỉ xem rồi trả lại thôi, mình thúc giục sẽ gây nên căng thẳng. Chờ đã, đồng chí Uông Đông Hưng ạ.

Nhưng với danh nghĩa Văn phòng Trung ương, Uông vẫn chỉ thị bảo quản toàn bộ tài liệu của Mao, chưa được Trung ương cho phép, không một ai tự động lấy bất kỳ văn bản nào.

Trong khi đó, tại Lễ đường Đại hội nhân dân, nơi cử hành nghi thức phúng điếu Mao Chủ tịch, Diệp Kiếm Anh nhận được tin do Tô Chấn Hoa báo cáo: dân quân tự vệ của Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và cả Thượng Hải nữa đã được phát vũ khí. Nghĩa là họ đang chuẩn bị lực lượng vũ trang để bàn giao lịch sử trong can qua, nâng đấu tố lên một tầm cao hơn, ấy là chém giết.

- Xin Diệp công cho phép bắt ngay Trương Xuân Kiều và Vương Hồng Văn trước.

Đây cũng là một nước cờ của phái quân sự, binh quý ở chỗ thần tốc mà. Nhưng người tướng già mưu dũng Diệp Kiếm Anh đã không đi như vậy. Ông lèo lái ra sao?

Mấy hôm nay hầu như Đặng Tiểu Bình thức trắng, nhiều lần ông điện thoại xin Văn phòng Trung ương cho phép được đến cáo biệt di thể Mao Trạch Đông và tham gia lễ truy điệu sắp tới. Thoạt đầu không ai trả lời dứt khoát, nhưng cuối cùng gặp Uông Đông Hưng, ông ta nói:

- Không được, ông không đủ tư cách, hãy thành khẩn kiểm thảo sai lầm, triệt để sửa chữa khuyết điểm sao cho nhân dân tha thứ. Đó mới là hành động tưởng niệm Chủ tịch một cách thiết thực nhất.

Sau sự kiện “Thiên An Môn”, Đặng Tiểu Bình lại bị phê phán, tội trạng trầm trọng hơn lần trước, nhưng không phải đấu tố, lăng nhục, chỉ bị giam lỏng trong tư gia của mình.

Đêm nay, Bắc Kinh yên ắng như thể hàng vạn ngựa chiến đang phủ phục say nồng; ánh trăng yếu ớt dát bạc lên cỏ hoa, cây lá. Đặng ra sân suy tư, bên trong tiếng xướng ngôn viên vẫn phát ra đều đều từ máy thu thanh bán dẫn rằng, kế thừa ý chí của Mao Chủ tịch, rằng củng cố khối đại đoàn kết, rằng tiếp tục phê Đặng phản hữu, rằng củng cố và phát triển thành quả thắng lợi của “văn cách”... Đặng nghĩ thầm chỉ toàn là nói láo, đến lúc này mà vẫn không cho nhân dân nhìn thấy, sờ thấy, tin thấy thì làm sao thoát khỏi vòng lẩn quẩn khốn cùng. Đất nước đang ở ngã tư của vận mạng, đi từ đâu và đi về đâu, vẫn do con người cầm đầu. Đọc kỹ danh sách uỷ ban tang lễ đăng trên báo, Đặng ngạc nhiên vì sao lần này Mao Trạch Đông không chọn cho mình người kế vị. Người khoan dung độ lượng, người thể trạng suy lão không còn đủ tinh lực để tiến hành một cuộc đấu tố triệt để cuối cùng nhằm chọn lựa ai đó nối ngôi hay Bộ Chính trị muốn ổn định, không xáo trộn đổi thay từ trên xuông dưới? Tất cả đều mang những dấu hỏi lớn mà đã là người làm chính trị, không thể sơ suất khinh thường... Nhớ lại ngày 3 tháng 11 năm ngoái, Mao Viễn Tân nhắn ông đến Trung Nam Hải gặp Mao Chủ tịch, Đặng Tiểu Bình thắng xe, đỗ tại bể bơi thì xáp mặt hắn.

- Sức khoẻ của Mao Chủ tịch thế nào rồi? - Đặng hỏi Viễn.

- Khá hơn trước nhiều, Chủ tịch nhờ tôi nói chuyện với đồng chí về vấn đề đánh giá kết quả của cách mạng văn hoá. Nhiều người nhận xét rằng từ ngày trở lại công tác, qua cách phát biểu của mình, đồng chí đã phạm sai lầm cầu toàn.

Viễn Tân với giọng điệu thái tử phán bảo già Đặng như vậy.

- Xin hỏi, sai lầm cầu toàn nghĩa là gì?

- Là chỉ xem cục bộ mà không xét toàn diện, tỉ như Cách mạng văn hoá đã thu được thắng lợi vĩ đại, khuyết điểm chỉ là ngón tay trên cả bàn tay thế mà họ vẫn cứ phê phán... Chủ tịch yêu cầu đồng chí nêu gương nhận sai lầm này, vì đồng chí là đại diện cho một nhóm người giữ thái độ như thế.

Đặng Tiểu Bình vô cùng bực tức trước vẻ trịch thượng của Viễn Tân - đứa cháu quỷ quyệt của Mao. Đường đường là Phó Chủ tịch Đảng mà lại bị đối phương xem thường như thể con trẻ chưa hiểu biết gì, ông quát:

- Anh về thưa với Chủ tịch: bây giờ chưa phải là lúc đánh giá một cách toàn diện về Cách mạng văn hoá, còn lâu mới làm được điều đó. Chúng ta nên dành lại cho hậu thế công việc này, còn hiện nay cấp bách nhất là sửa chữa sai lầm của “Văn cách”!

- Sửa chữa sai lầm của “Văn cách”?

Mao Viễn Tân hỏi lại và mặt biến sắc.

Sau lần ấy, Đặng Tiểu Bình đau khổ lắm. Ông đã không kiềm chế được bản thân, bộc phát sôi nổi, thiếu sự điềm đạm kiểu Chu Ân Lai. Giá như ông lấy lùi làm tiến thì đâu phải lần thứ hai ra khỏi Trung Nam Hải. Nhưng giờ đây hối hận chẳng được gì mà hãy nghĩ một đối sách mới, kịp vói sự diễn tiến của thời cuộc vào nay mai. Đặng Tiểu Bình vẫn là Đặng Tiểu Bình!

Sáng hôm sau, Đặng Tiểu Bình ăn mặc chỉnh tề, bảo người phục vụ đánh xe ra khỏi nhà mà không cần báo cáo văn phòng.

- Hãy đưa tôi về quảng trường Thiên An Môn!

Gió thu thổi nhẹ trên lá cờ 5 sao rũ treo giữa quảng trường, phát ra tiếng phần phật. Trên thành lầu Thiên An môn, lụa đen viền quanh ảnh chân dung Mao Trạch Đông, đôi mắt sáng long lanh của người thuở nào nay như ngỡ ngàng mà hỏi: “Ôi có chuyện gì vậy? Hỡi Trung Hoa?”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #99 vào lúc: 04 Tháng Sáu, 2014, 10:16:55 am »

Cùng lúc ấy, tại phòng họp Hoài Nhơn Đường ở Trung Nam Hải, Bộ Chính trị đang thông qua nội dung điếu văn sẽ tuyên đọc vào ngày truy điệu 18 tháng 9 năm 1976 sắp tới. Ngoại trừ Lưu Bá Thừa xin vắng mặt vì lý do sức khoẻ, 19 vị khách đều nhất trí thông qua. Tất nhiên khi thảo luận, Trương Xuân Kiều đã đề nghị bổ sung thêm một đoạn nhằm quán triệt lý luận tư tưởng Mao Trạch Đông vào tình hình cụ thể của Trung Quốc lúc bấy giờ.

Sau hội nghị, Giang Thanh mời Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn và Mao Viễn Tân đến nhà mình họp kín. Giang Thanh khen ngợi:

- Đoạn bổ sung của Xuân Kiều thật là tuyệt. Đó là cơ sở lý luận cho chúng ta trong cuộc đấu tranh giai cấp sau này, đồng thời cũng chứng tỏ đồng chí Trương là người nắm vững tư tưởng của Chủ tịch hơn ai hết, thật xứng đáng được làm phát ngôn viên về tư tưởng Mao Trạch Đông, chứ không phải là Hoa Quốc Phong.

- Lúc ấy tôi sợ Diệp Kiếm Anh nhảy ra phản đối. -Vương Hồng Văn hoạ theo.

- Ông ta có nhảy ra cũng không hề gì, càng tốt, vì sẽ là một Ngô Pháp Hiến thứ hai mà thôi. - Trương Xuân Kiều kiêu ngạo giải thích.

- Diệp Kiếm Anh mưu mẹo lắm, ông ta không dại gì mà đi theo con đường của Ngô Pháp Hiến. Theo tôi, việc làm của chúng ta vừa rồi chưa gây được ảnh hưởng đặc sắc, cho nên cần phải làm cho nhân dân cả nước biết được những diệu kỳ về cuộc đấu tranh hội bộ trong Trung ương. Hãy viết một bài đăng trên báo, công bố vài đoạn văn trối lúc lâm chung của Chủ tịch: Làm theo phương châm đã định.

Mao Viễn Tân phát biểu ý kiến của mình. Lập tức bà bác Giang Thanh tán dương:

- Ôi, bé hạt đậu khôn quá, phải lên tiếng, đúng! Nhưng lấy danh nghĩa của chúng ta hay của báo chí?

- Của báo chí - Xuân Kiều hiến kế. - Tốt nhất là trước ngày truy điệu, như vậy sẽ tạo ra ấn tượng mạnh trong nhân dân, người ta sẽ phải hỏi: “Tại sao điếu văn không có đoạn này?”

Cả nhóm vui mừng và giao cho Diêu Văn Nguyên chuẩn bị để có thể ra mắt bạn đọc vào trước ngày 16 tháng 9. Mười năm trước đây, Diêu Văn Nguyên mới chỉ là một cán bộ tuyên huấn cấp dưới, biên tập viên của một tờ báo bình thường, thế mà hôm nay ông đã chiếm vị trí Uỷ viên Bộ Chính trị, nắm trong tay quyền binh về tuyên truyền và dư luận cả nước, và sắp tới là thời khắc phân chia quyền lực, là thăng hay giáng, còn phải chờ trận sống mái tới đây. Diêu Văn Nguyên đặt tên cho bài viết là Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta và đăng in ở mục xã luận của Nhân Dân nhật báo, báo Quân Giải phóng và tạp chí Hồng Kỳ. Bài viết hàm chứa thông tin quan trọng: lúc lâm chung, Mao Chủ tịch trăn trối với hậu thế “Làm theo phương châm đã định”, Phương châm đó là gì? Tất cả hoàn toàn do tác giả thêu dệt nên, trong đó không quên nhiệm vụ phê Đặng phản hữu. Sau khi nhóm Giang, Trương, Vương, Diêu thông qua nội dung bài viết do Văn Nguyên dự thảo, đúng ngày 16 tháng 9, toàn bộ hệ thông thông tin đài báo đã nhất tề phát đi xã luận Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta, gây một chấn động lớn, làm ngạc nhiên mọi người, ngay như Phó Chủ tịch thứ nhất Trung ương Đảng kiêm Thủ tưóng Chính phủ Hoa Quốc Phong cũng không hề hay biết lúc lâm chung Chủ tịch có trăn trối căn dặn điều gì hay không. Một bài xã luận quan trọng như thế này mà họ không bàn tập thể, vội vàng đưa lên mặt báo, sóng đài như muốn tranh giành cơ hội và âm mưu gì đó. Đến lúc này Hoa Quốc Phong mới thấm thìa lời đề nghị của Uông Đông Hưng là phải nắm chặt các tài liệu, văn kiện, di cảo của Mao Chủ tịch để lại. Hoa Quốc Phong gọi điện thoại tìm gặp Uông Đông Hưng, nhưng ông đang bận điều tra sự việc Giang Thanh, Mao Viễn Tân đã lấy di một số bài viết của Mao do Trương Ngọc Phượng bảo quản. Ngọc Phượng là nữ thư ký cơ yếu của Mao Trạch Đông, tuổi chưa tới 30, xinh đẹp, đoan trang. Khi Chủ tịch lâm bệnh, Ngọc Phượng tận tâm phục vụ Người, cũng từng bưng bô đổ ống mà đến Giang Thanh đã phải thán phục “hầu hạ còn hơn cả hầu ông nội mình”. Sau khi Mao qua đời, nỗi nhọc nhằn của cô được vơi đi, nhưng Ngọc Phượng lại cảm thấy vô cùng trống trải, cô độc.

- Giang Thanh đã lấy ở cô những tài liệu gì? - Uông Đông Hưng hỏi Tiểu Trương.

- Những bài mà Chủ tịch đã sửa chữa, bản sao ghi chép các cuộc gặp gỡ với phóng viên ngoại quốc và nội dung buổi nói chuyện với Dương Đắc Chí, Vương Lục Sinh tại Vũ Hán năm 1974.

- Cô phải tìm cách thu hồi những tài liệu đó và bảo rằng cần kiểm kê xử lý. Thời gian Chủ tịch lâm bệnh, cô có biết Người từng trăn trối căn dặn “Làm theo phương châm đã định” vào lúc nào không?

Trương Ngọc Phượng lắc đầu:

- Điều này thì tôi không được rõ...

Tại tư dinh của mình, Diệp Kiếm Anh đọc kỹ bài xã luận Mao Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta và dùng bút chì xanh đỏ gạch đậm mấy chữ “Làm theo phương châm đã định”, cùng một dấu hỏi (?) to tướng. Ông vứt bút, vứt báo, chồm dậy như một con mãnh hổ, rồi đứng dậy trước khung cửa sổ, nhìn ra khoảng trời bao la. Đúng là gặp ma cả ban ngày, từ đâu mà moi ra “trăn trối lúc lâm chung”, đã nhiều ngày nay có nghe ai nói chuyện này đâu? Chủ tịch, Người chết không nhắm được mắt, thi thể còn chưa lạnh hẳn, lễ truy điệu còn đang chuẩn bị mà bọn chúng dám nguỵ tạo cả di chúc của Người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM