Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:25:27 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: 28 ngày đêm quyết định vận mệnh Trung Quốc  (Đọc 78735 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 09:51:13 am »

KẺ SÚNG NGƯỜI BÚT,
MAO - TƯỞNG CÙNG CHUNG SỰ NGHIỆP Ở QUẢNG CHÂU


Lần thứ ba đến Quảng Châu, sau Tam đại của Trung Cộng, Nhất toàn của Quốc dân đảng và nay vội vội vàng vàng. Bấy giờ đã là tháng 10 năm 1925, Quảng Châu buồn, lặng lẽ trước chân dung Tôn Trung Sơn phủ lụa đen và hai bên treo câu liễn “Cách mạng thượng vinh thành công. Đồng chí nhưng tu nỗ lực” (cách mạng vẫn chưa thành công, đồng chí còn phải nỗ lực).

9 giờ 25 ngày 12 tháng 3 năm 1925, Tôn Trung Sơn tạ thế ở Bắc Kinh, lúc lâm chung tự thấy mình không qua nổi cơn bệnh hiểm nghèo, Tôn Trung Sơn bèn khẩu truyền di chúc, Uông Tinh Vệ ghi chép và ông xem lại rồi kí tên, đó là Bản di chúc Tổng thống nổi tiếng của Trung Quõc.

Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Uông Tinh Vệ nghiễm nhiên trở thành người thừa kế. Tháng 7 năm 1925, Uông đảm nhận chức vụ chủ tịch chính phủ quốc dân kiêm chủ tịch quân uỷ, Hồ Hán Dân - Bộ trưởng ngoại giao, Liêu Trọng Khải - Bộ trưởng tài chánh, Hứa Sùng Trí - Bộ trưởng quốc phòng, và như vậy Uông, Hồ, Liêu, Hứa trở thành “Tứ cự đầu” của Quốc dân đảng lúc bấy giờ. Nhưng 9 giờ 50 phút ngày 20 tháng 8 năm 1925, Liêu bị ám hại. Liêu Trọng Khải là cột trụ của Tôn Trung Sơn, lãnh tụ phái tả của Quốc dân đảng, theo ý kiến của La Diệc Nông - uỷ viên ban chấp lâm thời Trung Cộng thành uỷ Quảng Châu thì “Liêu Trọng Khải là mãnh tướng trong phong trào cách mạng của Quốc dân đảng Trung Quốc, sau khi Tôn Trung Sơn tạ thế chỉ có Liêu là người kế tục được sự nghiệp của Tôn mà thôi, và trên thực tế đã trở thành thủ lĩnh quần chúng tiến hành cách mạng”.

Viên đạn của thích khách đã biến “Tứ cự đầu” thành “Tam cự đầu”, một thích khách không may bị bắt đã khai là có quan hệ với Hồ Hán Dân. Hội nghị liên tịch đảng -chính - quân nhóm họp và quyết định thành lập ban đặc nhiệm xử lí vụ án Liêu Trọng Khải gồm Uông Tinh Vệ, Hứa Sùng Trí và Tưởng Giới Thạch được toàn quyền sử dụng chính phủ, quân đội và cảnh sát cho công việc. Hồ Hán Dân có liên quan bị gạt ra ngoài, cục diện “Tam cự đầu” giờ đây là Uông, Hứa, Tưởng. Qua điều tra thẩm xét, những người chủ mưu ám hại Liêu Trọng Khải trước đây là tay chân, thuộc hạ, tham mưu của Hồ Hán Dân và cả Hứa Sùng Trí nữa.

Ngày 25 tháng 8, Tưởng Giới Thạch ra lệnh bắt Hồ Hán Dân. và đêm 19 tháng 9 cho lính bao vây bộ Tư lệnh của Hứa Sùng Trí, buộc y phải đi Thượng Hải “dưỡng bệnh”. Hứa vốn là Bộ trưởng quốc phòng kiêm Tổng Tư lệnh Việt quân, chủ tịch chính phủ Quảng Đông, dưới trướng là binh hùng tướng mạnh, xưng bá một phương. Tục ngữ có câu “trai cò tranh nhau, ngư ông được lợi”, một phát súng nổ - Liêu chết, Hồ bị bắt, Hứa ra đi và “ngư ông” họ Tưởng nổi lên, thay thế cả ba, thâu tóm binh lính của bộ quốc phòng về tay mình, trở thành nhân vật có thực lực trong Quốc dân đảng. Qua trận sống mái vừa rồi, Tưởng Giới Thạch đã tỏ ra tinh ranh của kẻ buôn và sắt thép của người lính.

Chính ngay lúc ấy, Mao Trạch Đông đến Quảng Châu với hai bàn tay không, chẳng có một binh một tốt, ngoại trừ cây bút mà thôi. So với Tưởng Giới Thạch, ông chỉ là kẻ thư sinh không quyền không thế. Tuy mất chức bên phía Trung Cộng, Mao Trạch Đông vẫn còn là uỷ viên dự khuyết ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng và do đó ông đã đến cư trú tại cơ quan trung ương của đảng này. Mao Trạch Đông có một cây viết, có sở trường về công tác tuyên truyền và thật trùng hợp, chân trưởng ban tuyên truyền của Quốc dân đảng đang còn khuyết chỗ và do đó Mao Trạch Đông nghiễm nhiên nhảy vào.

Hội nghị trung ương lần thứ nhất khóa 1 của Quốc dân đảng dự kiến đưa Liêu Trọng Khải, Đới Quý Đào, Đàm Bình Sơn lên đảm nhận chức vụ uỷ viên thường vụ, trong đó Đới Quý Đào sẽ là trưởng ban tuyên truyền. Đới cũng là một cây viết, từng làm thư kí cơ yếu cho Tôn Trung Sơn, khi Tôn bệnh nặng, Đới thường túc trực bên cạnh Người. Tôn Trung Sơn nhớ lại những điều tai nghe mắt thấy cả đời mình và truyền khẩu cho Đới. Sau đó, Tôn qua đời và Đới Quý Đào đã đóng cửa từ khách trong hai tháng, liền một mạch viết xong các trước tác “Cơ sở triết học của chủ nghĩa Tôn Văn”, “Cách mạng Trung Quốc và Quốc dân đảng Trung Quốc”, nghiễm nhiên trở thành người kế thừa, người bảo vệ, người phát biểu “chính thống” học thuyết của Tôn Trung Sơn. Sách của Đới ra mắt bạn đọc, dư luận xôn xao, có người nhạo báng “Khổng Tử truyền cho Tôn Trung Sơn, Tôn Trung Sơn truyền lại cho Đới Quý Đào”, khiến tác giả dở khóc dở cười.

Có một dạo Đới Quý Đào là nhân sĩ cánh tả, từng tham dự sáng lập Trung Cộng, soạn thảo cương lĩnh, nhưng ông không gia nhập hàng ngũ cộng sản vì đã hứa chỉ một lòng một dạ theo đảng của Tôn Văn. Sau này Đới chuyên sang cánh hữu và ngay tại Nhất toàn ông đã phản đối đướng lối liên Nga thân Cộng. Ngày 23 tháng 11 năm 1925, một nhóm chính khách khăn áo chỉnh tề tụ họp tại chùa Bích Vân Tây Sơn ngoại ô Bắc Kinh, tự xưng là đầu não của Quốc dân đảng, đối kháng với Quảng Châu, Đới Quý Đào cũng là một phần tử của phái Tây Sơn tự mình rồi bỏ cơ quan trung ương ở trung tâm cách mạng Ngũ Dương hành. Vì lẽ đó mà cái ghế trưởng ban tuyên truyền để trống và Mao Trạch Đông từ uỷ viên dự khuyết chễm chệ ngồi vào, vậy là tay súng tay bút, Mao - Tưởng không hẹn mà gặp đã cùng nhau gánh vác cho sự nghiệp chung ở Quảng Châu lúc bấy giờ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 09:54:36 am »

MAO - TƯỞNG CÙNG LÊN DIỄN ĐÀN NHỊ TOÀN QUỐC DÂN ĐẢNG


“Ai là kẻ thù chung của ta? Ai là bạn bè của chúng ta? Đó là vấn đề quan trọng hàng đầu của cách mạng. Thành công của tất cả những cuộc đấu tranh cách mạng trước đây ở Trung Quốc chưa được là bao, chính là do không biết đoàn kết bạn bè chân chính để chống lại kẻ thù đích thực...”. Bài “Phân tích các giai cấp của xã hội Trung Quốc” này ngày nay xếp ngay ở tập đầu của Mao tuyển với ghi chú: phát biểu vào tháng 3 năm 1926. Sự thật không phải như vậy, vì nó đã được đăng trong số 4 bán nguyệt san “Cách mạng” ngày 1 tháng 12 năm 1925 do Bộ Tư lệnh số 2 quân cách mạng Quốc dân đảng Trung Quốc chủ trì. Lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông quả là một cây bút cao thủ của Quốc dân đảng, giúp đại hội lần thứ nhất tỉnh đảng bộ Quảng Đông khởi thảo tuyên ngôn, chủ biên tờ “Chính trị tuần báo” của trung ương v.v... Thời gian ấy, Dương Khai Tuệ và hai con Ngạn Anh, Ngạn Thanh đã chuyển từ Trường Sa đến Quảng Châu cùng Mao Trạch Đông sống chung trong một tổ ấm.

Trong khi Mao Trạch Đông bận rộn với tuyên ngôn, báo chí thì Tưởng Giới Thạch xuất thân chinh Đông, thảo phạt quân phiệt Trần Quýnh Minh. Tưởng Giới Thạch làm chỉ huy trưởng thảo Trần quân, còn chính uỷ lại là một đảng viên cộng sản mới 27 tuổi - Chu Ân Lai. Tháng 9 năm 1924, Chu Ân Lai từ Pháp trở về Quảng Châu đảm nhiệm trưởng ban tuyên truyền khu uỷ Trung Cộng ở Quảng Đông, cởi bỏ bộ com-lê, Chu mặc quân phục và đến giữ chức chủ nhiệm khoa chính trị của Trường quân sự Hoàng Phố, từ đó Chu là người cộng sự của Tưởng hiệu trưởng. Tưởng Giới Thạch khâm phục tài năng của Chu Ân Lai, nhưng im lặng mà than rằng: “Đáng tiếc! Con người có đôi mày rậm đen này lại là cộng sản”.

Tưởng Giới Thạch cầm đầu ba vạn quân chinh Đông cũng là chủ trương của Quốc - Cộng hợp tác nên đã mời Chu Ân Lai làm chính uỷ. Ngày 1 tháng 10 năm 1925 xuất binh, thì ngày 14 đã có trận thắng đầu, công phá thành Huệ Châu - sào huyệt của Trần Quýnh Minh, đến cuối tháng 11 san bằng mọi lực lượng của y, quân lính nhanh chóng khải hoàn Ngũ Dương thành, Tưởng Giới Thạch bỗng nhiên càng nổi danh.

Theo điều lệ Quốc dân đảng, mỗi năm triệu tập một lần đại hội đại biểu toàn quốc và do đó Nhị toàn cũng đã đến gần, vả lại phái Tây Sơn liên tục phá rối, Nhị toàn phải kịp họp nhanh chóng để giải quyết. Mao Trạch Đông là một trong năm uỷ viên ban thẩm tra tư cách đại biểu đại hội và chấp bút khởi thảo báo cáo “Giải thích sách lược cách mạng với toàn thể đảng viên Quốc dân đảng Trung Quốc trong và ngoài nước”.

8 giờ 30 sáng ngày 4 tháng 1 năm 1926, Nhị toàn của Quốc dân đảng Trung Quốc chính thức khai mạc, chủ tịch đoàn chủ tịch là Uông Tinh Vệ, trưởng đoàn thư kí là Ngô Ngọc Chương - đảng viên đảng Cộng sản, Mao Trạch Đông ngồi ở số ghế 15, số đại biểu cộng sản gồm 100 vị trong tổng số 256 người dự đại hội. Tưởng Giới Thạch không chỉ là đại biểu chính thức mà còn lên diễn đàn báo cáo về quân sự, oai phong như “anh hùng chinh Đông”, ông khẳng khái mà rằng: “Năm ngoái đã có thể thống nhất Quảng Đông, năm nay thống nhất cả Trung Quốc hẳn không khó khăn gì!”. Đại hội đứng dậy hoan hô nhiệt liệt, và nào ngờ cái gọi là “năm nay” của Tưởng sao mà lâu vậy! Mao Trạch Đông báo cáo chuyên đề tuyên truyền.

Người đời sau bình luận, ai mà biết trước Nhị toàn 1926 là nơi gặp gỡ của Mao Trạch Đông, Tưởng Giới Thạch và Uông Tinh Vệ, ba con người đó sau này lại trở thành thủ lĩnh của ba thế lực. Trung Cộng, Quốc dân đảng và Nguỵ quyền cho Nhật, từng một thời kì như ba chân kiềng của lịch sử Trung Quốc.

Tưởng Giới Thạch lọt vào hàng ngũ uỷ viên trung ương chính thức, còn Mao Trạch Đông vẫn chân dự khuyết nhưng là quyền trưởng ban tuyên truyền.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 09:57:07 am »

“NGÔI SAO CHÍNH TRỊ” TƯỞNG GIỚI THẠCH GẶP CẢNH ÉO LE


Sau Nhị toàn chẳng bao lâu, ngày 1 tháng 2 năm 1926, Tưởng Giới Thạch được phong chức Tổng giám quân cách mạng Dân quốc, ông trở thành nhân vật quan trọng “dưới một người, trên vạn người” ở đất Quảng Châu này. Con người mà Tưởng Giới Thạch còn phải đứng dưới chính là Uông Tinh Vệ, một mình thâu tóm cả ba quyền lực: đảng, chính, quân - Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, Chủ tịch Hội đồng chính phủ Dân quốc, Chủ tịch hội đồng quân sự.

Uông Tinh Vệ lớn hơn Tưởng Giới Thạch bốn tuổi, đêm 11 tháng 3 năm 1910, Uông bị bắt vì can tội đặt mìn dưới cầu Ngân Định nhằm sát hại Nhiếp chính vương, lúc ấy Uông mới 27 tuổi, hiên ngang nhận án tử hình, may mà cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Uông được cứu sống. Từ bấy, vị chí sĩ phản Thanh họ Uông như diều gặp gió, có danh vọng trong Quốc dân đảng, lại là người thông minh sáng láng, viết hay nói giỏi, tính tình tròn trịa, sớm được lòng Tôn Trung Sơn và rõ ràng đảm nhiệm trọng trách ghi lại di chúc của Tôn. Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, bất kì hội nghị to nhỏ nào của Quốc dân đảng. Uông Tinh Vệ cũng yêu cầu mọi người đứng dậy cung kính đồng thanh đọc bản di chúc một lần, quả là người kế thừa xuất sắc của Tôn Trung Sơn. Cũng từ Nhị toàn, Uông Tinh Vệ luôn chủ trì các cuộc hội nghị... Quốc dân đảng với sự tham gia của Tưởng Giói Thạch và Mao Trạch Đông, họ xưng hô với nhau bằng đại từ “đồng chí”, tuy vậy vai trò của Mao vẫn chỉ là “dự khuyết” và “quyền” mà thôi. Ngày 16 tháng 2 năm 1926, Mao Trạch Đông cáo bệnh xin nghỉ hai tuần, công việc của ban tuyên truyền tạm bàn giao cho Thẩm Nhạn Băng thay thế. Kì thực thì Mao chẳng đau ốm gì, ông là người của Trung Cộng nên vì nhiệm vụ của bên cộng sản, ông bí mật đến vùng giáp ranh giữa Tương -Việt (Hồ Nam và Quảng Đông) là Thiều Quan để tổ chức và lãnh đạo phong trào nông dân ở đó.

Trong thời gian Mao Trạch Đông “cáo bệnh”, Tưởng Giới Thạch cũng ít xuất đầu lộ diện, và ngày 19 tháng 2 năm 1926 ông đột nhiên xin phép Uông Tinh Vệ “đi Nga nghỉ dưỡng”. Đang là một ngôi sao chói sáng, lại tiến nhanh tiến thẳng, chỉ “dưới một người”, cớ sao Tưởng Giới Thạch lại muốn rời xa Quảng Châu đi Nga làm gì?

Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông khác nhau ở chỗ, người ưa viết nhật kí để giãi bày tâm sự, kẻ chỉ ghi qua loa đôi dòng cảm hứng nhân du lãm đó đây, không hề liên quan đến chính trị, vì vậy nên chúng ta hiểu được đôi điều éo le, trắc ẩn mà Tưởng Giới Thạch đang trăn trở qua nhật kí của ông. “Ta quyết định sang Nga nghỉ dưỡng, nhân đó nghiên cứu lí luận chính trị cách mạng. Gần đây hoàn cảnh xấu đi rõ rệt, nhiều người hoài nghi, tích thù tích oán, tư tưởng không nhất trí, chí hướng khó xác định, ưa nhàn hạ v.v... Thôi đành li Việt viễn du, đi chơi xa khỏi Quảng Đông một chuyến”.

Quả đúng như vậy, trong nội bộ Quốc dân đảng “rễ” của Tưởng chưa sâu, “thân” lại còn non, đành một nhẽ như vậy nhưng điều làm ông bức xúc nhất chính là Trung Cộng. Tưởng Giới Thạch sở dĩ xây dựng trường quân sự Hoàng Phố trở thành “trung tâm của đảng ta, của quân đội ta” là nhờ lực lượng Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch chinh Đông, thắng lợi, công lao lớn nhất cũng do Trung Cộng đóng góp. Đầu năm 1926, đại biểu của đảng bên cạnh chỉ huy trưởng ba sư đoàn thuộc sư đoàn 1 dưới quyền của Tưởng Giới Thạch thì hai người là cộng sản. Tưởng lo ngại thanh thế của Trung Cộng ngày một phát huy và người bên họ ngày một luồn sâu. Đã có lần ông yêu cầu Chu Ân Lai công bố danh sách đảng viên cộng sản trong Trường quân sự Hoàng Phố và quân đoàn 1 nhưng đã bị Chu cự tuyệt!

Ngoài ra, giữa Tưởng và cố vấn quân sự của Liên Xô phái sang là Quý Sơn Gia (tên Trung Quốc) đã nảy sinh mâu thuẫn. Tưởng yêu cầu Bắc phạt, Quý cho rằng chưa đến thời cơ, Uông Tinh Vệ ủng hộ ý kiến cố vấn và do đó nghị quyết của Nhị toàn không thể đả động đến vấn đề này, Tưởng tức giận đã bỏ luôn cả lễ bế mạc đại hội. Mâu thuẫn gay gắt đến mức “đồng chí Liên Xô ganh tị ta, nghi ngờ ta, làm nhục ta, ta sẽ có cách...”, Tưởng Giới Thạch đề xuất từ chức Tổng giám, uỷ viên hội đồng quân sự, Tư lệnh Quảng Châu rồi xin đi nghỉ dưỡng ở Nga. Nói như vậy nhưng Tưởng cũng hiểu rằng, tình hình đã khác xưa, không như hồi Tôn Trung Sơn còn sống, hễ có điều gì bất mãn là bỏ về Khê Khẩu và Tôn lại năm điện bảy điện “thỉnh Tưởng hồi kinh”, nhưng nay, nếu quả là đi Nga nghỉ dưỡng thật thì quân quyền sẽ nhanh chóng rơi vào tay Uông Tinh Vệ!

Tiến thoái lưỡng nan, Tưởng Giới Thạch buồn rầu ghi lại đôi dòng nhật kí “người ta nghi ta, nhạo ta, ganh ta, chửi ta, hại ta...” và đâu đó đã xuất hiện truyền đơn vận động chống Tưởng.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:04:35 am »

TƯỞNG GIỚI THẠCH CŨNG KHOÁC ÁO ĐỎ NHƯ AI


Tưởng Giới Thạch không phải hạng người yếm thế, ông có cái tinh ranh của một tay buôn, biết đâu là cơ hội để chăm chú đầu tư trục lợi. Những năm ấy ai muốn đứng chân ở Quảng Châu thì không thể không hô hào tả khuynh, vì Trung Cộng đã trở thành cốt cán của quân cách mạng Quốc dân đảng, đã trở thành rường cột của Trường quân sự Hoàng Phố, chỉ nói lời “tả”, hát bài “tả” thì mới được cố vấn Liên Xô, Trung Cộng phái tả của Quốc dân đảng ủng hộ, mới ngồi yên vị.

Thời đó Uông Tinh Vệ như hòn bi sắt lắc trong cái bát đồng kêu “tang, tang” rõ vui tai. Uông đã có một “danh ngôn” lưu truyền vạn thuở - “Cách mạng quốc dân Trung Quốc đã đi đến một thời kì vô cùng quyết liệt, ai là người cách mạng hãy quay sang trái, ai không phải cách mạng hãy cút ngay!”. Đến như Hồ Hán Dân, vì liên quan đến vụ án Liêu Trọng Khải, nên ngày 11 tháng 9 năm 1925 với danh nghĩa “khảo sát” không thể không rời khỏi Quảng Đông sang Liên Xô “lánh nạn”, Hồ tham dự hội nghị mở rộng lần thứ sáu ban chấp hành Quốc tế Cộng sản và trong lời chúc mừng của mình, Hồ phát biểu thật “cảm động”: “Khẩu hiệu của Quốc dân đảng là vì quần chúng nhân dân, cũng có nghĩa chính quyền do công nông nắm giữ, khẩu hiệu của chúng tôi nhất trí như Quốc tế Cộng sản, Quốc tế Cộng sản là đại bản doanh của cách mạng, là Bộ Tổng Tư lệnh của cách mạng”.

Còn Tưởng Giới Thạch? Ông hiểu, không khoác áo đỏ thì khó lòng được phái tả ủng hộ, mà Quảng Châu chính là thành trì của họ. Tưởng từng nói “Đảng Cộng sản Nga trọng kỉ luật, chặt tổ chức, đảng viên phục tùng mệnh lệnh của đảng, tuân thủ kỉ cương, không tự do vị kỉ, vì sao họ dám hi sinh riêng tư? Vì họ hiểu rõ chủ nghĩa của mình, mưu cầu quyền lợi cho đồng loại, và đã thành công như vậy. Nước Nga thế, còn ta? Thật đáng hổ thẹn và vô cùng đen đủi, muốn thực hiện chủ nghĩa tam dân, không thể không mô phỏng họ!”. Tưởng cũng không quên hết lời ca tụng Trung Cộng: “Ngoài Trung Cộng ra, thử hỏi có đảng phái nào, đoàn thể nào ủng hộ chúng ta, đoàn kết hợp tác với chúng ta, khẩu hiệu “chống Cộng”“ là của đế quốc, nếu chúng ta hô hào “chống Cộng” là mắc mưu đế quốc” và đâu đâu cũng cổ xuý cho chủ trương Quốc - Cộng hợp tác: “Tổng lý đã dung nạp cộng sản vào đảng của chúng ta, Người muốn đoàn kết các phần tử cách mạng, chống lại đường lối này là có tội với Tôn Trung Sơn, có tội với cách mạng, vì vậy, giờ này trong đảng chỉ nên phân rạch đâu là tả, đâu là hữu, chứ không nên chia rẽ Cộng sản hay Quốc dân”.

Cũng như Trung Cộng, Tưởng Giới Thạch kiên quyết chống chủ nghĩa đế quốc, ông nói: “Chủ nghĩa đế quốc không bị lật đổ thì Trung Quốc bất vong, mà muốn Trung Quốc bất vong, chỉ còn có cách chống đế quốc và đây là trận sống mái cuối cùng!”...

Bằng những lời nói như vậy, Tưởng Giới Thạch nhanh chóng trở thành một diễn viên đỏ và lúc Thiệu Lực Tử sang thăm Liên Xô, Tưởng Giới Thạch đã nhờ chuyển cho Stalin một phong tư: “Mong muốn Quốc tế Cộng sản đệ tam trực tiếp lãnh đạo Quốc dân đảng Trung Quốc, không cần gián tiếp qua Trung Cộng”. Stalin không thể vô nguyên tắc chấp nhận lời đề nghị “nhiệt tình” đó nhưng tại hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản (17.2.1926 đến 15.3.1926) đã quyết định kết nạp Quốc dân đảng Trung Quốc làm “thành viên cảm tình” và Tưởng Giới Thạch được bầu là uỷ viên danh dự đoàn chủ tịch.

Tất cả chỉ là lời nói, vì từ bên trong, Tưởng Giới Thạch đã ra tay phòng thủ Quốc tế Cộng sản và Trung Cộng, ông ghi nhật kí một cách kiên kiên quyết rằng, “quyền lực không thể giao cho ai khác, ngoài ta!”.

Tưởng Giới Thạch trở nên dị thường, nói năng cẩn trọng để được lòng cố vấn và Trung Cộng, nhưng hành động thì đầy ắp cơ mưu, như muốn chuẩn bị cho cuộc cờ thế kỉ sắp “hạ tịch” nay mai.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:07:26 am »

“SỰ KIỆN CHIẾN HẠM TRUNG SƠN” BÙNG NỔ


Là con nhà nông, Mao Trạch Đông rất hiểu nông dân, quan tâm nông dân, sau khi đảm nhận chức vụ quyền trưởng ban tuyên truyền Quốc dân đảng, Mao kiêm thêm nhiệm vụ uỷ viên uỷ ban vận động nông dân của đảng này.

Dân Quốc nhật báo ở Quảng Châu số ra ngày 17 tháng 3 năm 1926 đưa tin, trung tâm huấn luyện nông vận đã khai giảng khoá 6 tại cung Phiêu Ngu và do Mao Trạch Đông chủ trì. Trong những ngày đó, Tưởng Giới Thạch vẫn trăn trở suy tính, và nhật kí ngày 17 tháng 3 của Tưởng biểu lộ một sự khủng hoảng cao độ về tinh thần: “Ta khác nào như Phật tổ cùng đi xuống địa ngục để cứu vớt chúng sinh?”. Hôm ấy Chu Ân Lai từ Sán Đầu trở về Quảng Châu, với con mắt tinh đời, Chu Ân Lai phát hiện thần sắc của Tưởng Giới Thạch có phần khác lạ, vả lại Tưởng bắt đầu tiếp xúc với phái hữu khá nhiều. Hai người làm việc bên nhau đã lâu, nên Chu hiểu Tưởng rất cặn kẽ, ông nhanh chóng báo cáo Trương Thái Lôi về hiện tượng kì quặc của Tưởng Giới Thạch, lúc bấy giờ Trương là Trưởng ban Tuyên truyền khu uỷ Quảng Đông của Trung Cộng kiêm thông dịch cho cố vấn Liên Xô, Chu yêu cầu Trương cũng thông báo cho Quý Sơn Gia - trưởng đoàn cố vấn - biết tình hình. Và lịch sử đã chứng minh năng lực quan sát của Chu Ân Lai quả là sắc sảo, phán đoán chính xác và những tín hiệu dự báo của ông vô cùng quan trọng.

Ngày hôm sau, 18 tháng 3 tại lầu Văn Đức, Lý Chi Long nhận được một công hàm khẩn cấp do người của trường quân sự Hoàng Phố mang tới.

Lý Chi Long người Miến Dương, tỉnh Hồ Bắc, mới 29 tuổi, trung tướng, quyền cục trưởng Cục hải quân kiêm tham mưu trưởng và hạm trưởng chiến hạm Trung Sơn. 19 tuổi Lý theo học sĩ quan hải quân ở Yên Đài, gia nhập Trung Cộng, rồi làm thư kí và thông dịch cho cố vấn Liên Xô. Sau đó không lâu được điều về Trường quân sự Hoàng Phố tham dự khoá 1, học xong ở lại trường làm việc tại ban chính trị và chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Chu Ân Lai. Bắt đầu đảm nhiệm công việc của Cục hải quân từ năm 1925, lúc bấy giờ Lý mang quân hàm thiếu tướng.

Lý Chi Long đọc công hàm ghi rõ: Hiệu trưởng mệnh lệnh Cục hải quân cấp tốc phái hai chiến hạm tới Hoàng Phố, kí tên: Văn phòng đại diện của trường tại Quảng Châu. Y lệnh, hai chiến hạm Trung Sơn và Bảo Bích đồng thời nhổ neo, nổ máy hướng về phía đảo Hoàng Phố Trường Châu thẳng tiến.

Chiến hạm Trung Sơn chính là chiến hạm Vinh Phong, khi Trần Quýnh Minh chính biến, trên chiến hạm này Tưởng Giới Thạch đã xả thân yểm trợ cho Tôn Trung Sơn thoát nạn, sau khi Tôn qua đời, Vĩnh Phong cải danh thành Trung Sơn để kỉ niệm ghi nhớ ông. Lúc 6 giờ sáng ngày 19 tháng 3 năm 1926, Bảo Bích và Trung Sơn lần lượt tiến vào thuỷ phận Hoàng Phố. Hai chiến hạm này tuân lệnh hiệu trưởng truyền qua điện thoại của trưởng phòng giáo vụ và công hàm do văn phòng đại diện chuyển tới đã tề tựu tại đây chuẩn bị báo cáo Tưởng Giới Thạch, nhưng ông không ở trường, lại đi hỏi Đặng Diễn Đạt - trưởng phòng giáo vụ - Đặng cũng không hay biết về quân lệnh này! Và thế là mọi việc trở nên rắc rối phức tạp.

Mãi sau truy tìm mới hay là do thông tin sai lạc, một thuyền buôn Thượng Hải mắc nạn trên thượng du Hoàng Phố yêu cầu cứu giúp, lúc ấy là 4 giờ chiều ngày 18, chủ nhiệm văn phòng hiệu trưởng Khổng Khánh Tuệ lệnh cho trưởng phòng quản lí Triệu Miên Văn phái một chiến hạm ứng viện. Triệu giao nhiệm vụ cho nhân viên là Lê Thời Ung thực hiện, Lê nhận thấy xung quanh Hoàng Phố không có chiến hạm nào neo đậu, bèn điện thoại về Quảng Châu nhờ văn phòng đại diện của trường xử lí giúp, Vương Học Thần nhận điện và báo cáo lại cho thủ trưởng là Âu Tích Chung. Không ngờ một chiến hạm nghe thành hai, không rõ ai chỉ thị, Âu bèn phán đoán chắc là trưởng phòng giáo vụ ra lệnh, và nhận thấy việc này chỉ có Lý Chi Long bên Cục hải quân mới đủ lực lượng giải quyết, bèn thảo công hàm như trên. Để cho thêm phần quan trọng, Âu Tích Chung bạo gan ghi vào mấy chữ “hiệu trưởng mệnh lệnh”, và quả nhiên rất hiệu nghiệm, hai chiến hạm đã đến Hoàng Phố đúng giờ.

Đang khi bối rối chưa biết xử trí ra sao thì phái đoàn của công hội Liên Xô muốn tham quan chiến hạm Trung Sơn, Lý Chi Long điện báo Tưởng Giới Thạch, lúc này Tưởng mới hay là chiến hạm Trung Sơn được điều về Hoàng Phố. Đến 6 giờ 30 phút chiều 19 tháng 3, chiến hạm Trung Sơn về Quảng Châu và cả ngày hôm ấy Tưởng Giới Thạch bàng hoàng không yên với bao nhiêu nghi ngờ lo lắng. Tưởng từng biết Lý Chi Long là cộng sản và liên lạc rất chặt với Chu Ân Lai nên lâu nay ông luôn luôn cảnh giác. Khi nhận điện thoại của Lý, phản ứng đầu tiên của Tưởng là Trung Cộng bí mật điều hai chiến hạm đến Hoàng Phố, chắc muốn hại ta? Lại trước đó, ba lần Uông Tinh Vệ điện hỏi Tưởng có đi Hoàng Phố hay không, liên kết các sự việc, Tưởng hoài nghi: hay là cố vấn Liên Xô, Trung Cộng và Uông Tinh Vệ đang âm mưu khử ta?

Tưởng Giới Thạch quyết định đi Sán Đầu nghỉ dưỡng, nhưng giữa đường quay lại Quảng Châu và đúng 4 giờ ngày 20 tháng 3 thì hạ lệnh “trấn áp âm mưu chiến hạm Trung Sơn”.

Ngày 19, Chu Ân Lai báo cho Trương Thái Lôi: “Hình như phái hữu chuẩn bị hành động, tình thế hiện nay giống như hồi mưu sát Liêu Trọng Khải, khắp nơi đều tán phát truyền đơn và tin đồn”. Sáng 19, Mao Trạch Đông dự hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng và cũng “dự cảm là sẽ sinh chuyện”, Mao hỏi Lý về việc hai chiến hạm được điều đến Hoàng Phố, Lý trả lời: “Đây là mệnh lệnh của hiệu trưởng”.

Đêm 19, cả quân đoàn 1 “gối súng chờ sáng”, Mao Trạch Đông gặp Trần Diên Niên, con trai của Trần Độc Tú, bí thư khu uỷ Quảng Đông của Trung Cộng, ông vừa ở Thượng Hải về, sau khi nghe Mao báo cáo tình hình, Trần phán: “Mọi sự vụ đều có nguyên nhân, phải điều tra thực hư, đề cao cảnh giác, và bình tĩnh quan sát”.

Quảng Châu, đêm về gió thổi mạnh, song phương tứ phái đều “gối súng chờ sáng”, đợi một ngày mai với bao sự bùng nổ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:12:17 am »

TƯỞNG, MAO CÙNG ĐI NƯỚC CỜ ĐẦU TIÊN


Ngày 20 tháng 3 năm 1926, đằng đông còn chưa ửng hồng thì toàn bộ những người lính đêm qua “gối súng chờ sáng” theo lệnh Tưởng Giới Thạch đã bắt đầu hành động. Còn ông, một đêm thức trắng, trăn trở trước nước cờ đầu tiên này mà về sau lịch sử mãi không quên - “Sự kiện 3.20”, “Sự kiện chiến hạm Trung Sơn”, “Sự kiện Quảng Châu”. Cách Đông Sơn, Quảng Châu - tư dinh của Tưởng không xa, Mao Trạch Đông và Thẩm Nhạn Băng cũng dõi theo binh tình ngoài đường phố, và lầu trên Dương Khai Tuệ đang say nồng trong giấc ngủ với con nhỏ Ngạn Anh, Ngạn Thanh...

Theo mệnh lệnh của “hiệu trưởng”, lính tráng chia làm nhiều toán và trong chốc lát đã hoàn thành nhiệm vụ của mình:

Chiếm chiến hạm Trung Sơn, thu toàn bộ vũ khí.

Bao vây lầu Văn Đức, nơi cư trú của Lý Chi Long, viên trung tướng trẻ vừa mới tân hôn bị cắt ngang tại giường cưới.

Cục hải quan bị chiếm lĩnh.

Toàn bộ vũ khí của hội đồng bãi công bến cảng bị tịch thu.

Giam lỏng Chu Ân Lai.

“Bảo vệ” tư dinh của Uông Tinh Vệ.

Giới nghiêm trong toàn thành phố Quảng Châu. Và tiếp được mật lệnh của Tưởng Giới Thạch, Hà Ứng Khâm đã bắt toàn bộ đảng viên Trung Cộng nằm trong quân ngũ của quân đoàn 1 đồn trú tại Triều Sán.

Tất cả diễn ra theo đúng kịch bản và sự đạo diễn của Tưởng Giới Thạch. Một hành vi tắc trách của Ân Tích Chung - nghe sai điện, cường điệu hoá công hàm, mạo danh “theo lệnh của hiệu trưởng” v.v... đã dẫn đến cơ sự như thế này. Có lẽ đó chỉ là cái cớ rất ngẫu nhiên làm bùng nổ cả một mưu đồ xưa nay từng nung nấu của Tưởng Giới Thạch, bao oán hờn với Trung Cộng, với đoàn cố vấn Nga Xô và cả Uông Tinh Vệ nữa nay mới có dịp mượn sự kiện chiến hạm Trung Sơn để ra tay báo oán, Tưởng còn tung tin “Chính biến vũ trang do Trung Cộng bí mật phát động”.

Lúc bấy giờ, Mao Trạch Đông không phải là người trong ban lãnh đạo Trung Cộng, nhưng ông vẫn tìm cách đi gặp Trần Diên Niên - bí thư khu uỷ cộng sản ở Quảng Đông (con trai Trần Độc Tú). Với “quan hàm của Quốc dân đảng cấp - Trung ương uỷ viên và quyền Trưởng ban Tuyên truyền, Mao Trạch Đông vượt qua mọi hàng rào giới nghiêm, cùng Thẩm Nhạn Băng lần tới trụ sở của đoàn cố vấn, Trần đang họp ở đó.

Mao Trạch Đông dặn Thẩm Nhạn Băng chờ ông tại phòng thường trực và sau đây là trích đoạn hồi kí do Thẩm - một nhà văn lớn của Trung Quốc, từng cộng tác với Mao Trạch Đông trong hàng ngũ Quốc dân đảng ghi:

“Tôi chờ Mao Trạch Đông ở phòng thường trực và nghe rất rõ tiếng nói phía bên trong, rất nhiều giọng, tranh cãi nhau, kể cả Mao. Một lúc sau Mao bước ra, nét mặt vô cùng bực tức, chúng tôi lặng lẽ trở về cư xá, đợi Mao bình tĩnh, tôi mới hỏi:

- Chuyện gì vậy?

- Trần Diên Niên cho biết, Tưởng Giới Thạch không chỉ bắt mỗi Lý Chi Long mà gom hết đảng viên Trung Cộng của quân đoàn 1 giam vào một căn nhà và tuyên bố: quân đoàn 1 không cần cộng sản. Quý Sơn Gia còn nói thêm: Tưởng Giới Thạch muốn đuổi cả đoàn cố vấn quân sự Liên Xô về nước.

- Làm thế nào bây giờ? Tôi hỏi.

- Mấy hôm nay tôi đã nghĩ cách, - Mao Trạch Đông giải thích, - chúng ta phải cứng rắn với Tưởng Giới Thạch, ông ta vốn là bộ hạ của Trần Kỳ Mỹ, có sang Nhật Bản học chút ít quân sự, nhưng sau đó đầu cơ kinh doanh ở Thượng Hải, cùng nhóm với Đới Quý Đào. Tưởng Giới Thạch là hạng người “mềm nắn rắn buông”, chúng ta càng yếu ớt thì ông ta càng lấn tới, ngược lại ta cứng rắn, ông co vòi. Tôi đã đề nghị Trần Diên Niên và Quý Sơn Gia hãy động viên toàn thể các uỷ viên trung ương Quốc dân đảng bí mật tụ họp tại Triệu Khánh - nơi đóng quân của quân đoàn độc lập Diệp Đình, mở hội nghị thảo phạt Tưởng Giới Thạch, chỉ trích ông ta vi phạm điều lệ đảng, luật pháp quốc gia, tước binh quyền, khai trừ đảng tịch. Lý Tôn Nhật - thủ lĩnh quân sự Quảng Đông vốn có mâu thuẫn với Tưởng Giới Thạch, lại thêm cả Lý Tế Thâm, hai lực lượng này rất mạnh, chúng ta có thể lợi dụng được. Trận thế như vậy thì Tưởng Giới Thạch làm sao địch nổi...”.

Bình sinh, đây là lần đầu tiên Mao Trạch Đông đối kháng và giao tranh với Tưởng Giới Thạch, nhưng ông ta chỉ có thể thực hiện được nếu Trần Diên Niên và Quý Sơn Gia đồng ý. Ban đầu Trần ra vẻ ưng thuận, nhưng khi nghe Quý phản đối, ông cũng hùa theo, và Mao Trạch Đông phải giải thích, tranh luận, cãi cọ, cuối cùng thì Mao thua. Sự kiện 3.20 đã trình diễn đúng kế hoạch, bắn một mũi tên trúng được ba đích; bắt Lý Chi Long, đánh vào Trung Cộng. Lý chịu hai tầng oan khuất, nội bộ Trung Cộng nghi ngờ Lý bị lợi dụng, tháng 6 năm 1926 được phóng thích, theo quân Bắc phạt, ngày 6 tháng 2 năm 1928 bị bắt tại Quảng Châu và hôm sau thì người ta hành quyết ông ở Hồng Hoa Cương. Đích thứ hai, đánh động Uông Tinh Vệ, y viện có “tâm trạng không yên, đau đầu đau mắt, khó lòng làm việc” để “tạm thời nghỉ dưỡng”, ngày 25 tháng 3 năm đó tự nhiên “mất tích” và một tay Tưởng Giới Thạch nắm cả ba quyền lực: đảng, chính, quân. Đích thứ ba, bức tường toàn cố vấn quân sự Nga Xô là Quý Sơn Gia rời Quảng Châu về nước và phía Nga cũng phải chấp thuận.

Tưởng Giới Thạch vừa ra quân đã thắng lợi, nhưng vì chưa đủ lông cánh, thế lực Trung Cộng còn mạnh, lực lượng Quốc dân đảng chưa phải “thiên vô nhị nhật, dân vô nhị chủ”, chưa phải mọi người đều nghe Tưởng tất cả... nên với đầu óc của một thương gia, Tưởng Giới Thạch ra vẻ co lại chờ thời. Ông tuyên bố: “Sự kiện chiến hạm Trung Sơn ngày 18 tháng 3 hoàn toàn không liên can gì đến Trung Cộng, Trung Cộng hoàn toàn không có âm mưu gì trong vụ này”. Tưởng bức Quý Sơn Gia về nước nhưng lại mời trưởng đoàn cũ là Gia Luân (tên Trung Quốc) sang làm cố vấn, và như vậy về bề ngoài Tưởng vẫn “liên Nga, thân Cộng”.

Đúng như Mao Trạch Đông nhận định, Tưởng Giới Thạch “mềm nắn rắn buông”. Ngày 3 tháng 4 năm 1926 trên tờ “Hướng đạo” - cơ quan ngôn luận của Trung Cộng, Trần Độc Tú tán dương: “Tưởng Giới Thạch là một trụ đá vững vàng trong phong trào cách mạng dân tộc của Trung Quốc”, sau đó Trần còn gởi thư cho Tưởng, thư có đoạn: “Kể từ ngày xây dựng Trường quân sự Hoàng Phố đến nay, 20 tháng 3, chưa hề thấy Tưởng có một hành vi phản cách mạng nào... Giờ đây ai muốn đánh đổ Tưởng? Tôi nghĩ chỉ có bọn phản cách mạng mà thôi. Vì vậy, thưa Tưởng tiên sinh, nếu một đảng viên Trung Cộng nào đó chống đối tiên sinh, xin hãy đừng khách sáo!”.

Trần Độc Tú nhún đến thế là cùng và tội gì mà Tưởng không tiếp tục lấn tới.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:17:10 am »

... ĐƯỢC ĐÀ, TƯỞNG CÀNG LẤN TỚI


Trong bối cảnh Quảng Châu vừa qua chính biến 20 tháng 3 như vậy thì người ta thấy một nhân vật mới, tuổi ngoại ngũ tuần, gầy gò xương xẩu, chân cẳng khập khiễng, từ Thượng Hải đến Ngũ Dương thành, được Tưởng Giới Thạch trọng vọng như “quân sư”. Ông họ Trương, người Ngô Hưng, Triết Giang, đồng hương với Tưởng.

Năm 20 tuổi, Trương Tĩnh Giang mắc bệnh đau xương, đi lại khó khăn, nhưng ông ta có một cái đầu tinh thông buôn bán, mở công ty vận tải ở Paris, thu được lợi nhuận kếch sù. Năm 1905 trên chuyến tàu biển từ Trung Quốc sang pháp, Trương Tĩnh Giang đã gặp Tôn Trung Sơn, ông ngưỡng mộ Tôn và tự mình bái vọng trước, hứa sẽ tài trợ cho những hoạt động cách mạng của Tôn. Trương Tĩnh Giang dặn Tôn Trung Sơn ám hiệu liên lạc, tuần tự theo ABCDE, nếu điện báo chữ A, Trương sẽ tài trợ một vạn, chữ B hai vạn, chữ C ba vạn, chữ D bốn vạn, chữ E năm vạn. Tôn Trung Sơn bán tín bán nghi. Hai năm sau, lúc ở Tokyo ngân quỹ của Đồng Minh hội cạn kiệt, không còn cách nào khác, Tôn bèn nhớ lại Trương Tĩnh Giang trọc phú và kì quặc đã gặp nhau trên biển, liền điện báo chữ C, quả nhiên ngày thứ hai thì nhận được ba vạn quan tiền Pháp. Ông vô cùng ngạc nhiên, ít lâu sau Trương xin gia nhập Đồng minh hội và trở thành bạn chiến đấu của Tôn, từng giữ chức trưởng ban tài chính Đảng cách mạng Trung Hoa. Trương Tĩnh Giang cũng có tình nghĩa đặc biệt với Tưởng. Năm 1920 nhờ Trương mách bảo, Tưởng đã phát tài bằng bốn cố phiếu, nhưng càng lao vào thị trường chứng khoán Tưởng càng thua lỗ, đổ nợ, phải nhờ Trương trả giúp, cuối cùng Trương khuyên Tưởng nên về Quảng Châu phò tá cho Tôn Trung Sơn. Khi Trần Quỳnh Minh bắn phá chiến hạm Vĩnh Phong, Tưởng Giới Thạch xả thân yểm trợ Tôn Trung Sơn, ông phải đưa hai con nhỏ của mình cho Trương Tĩnh Giang chăm sóc.

Trương hay tin Tưởng Giới Thạch phát hoả sự kiện 3.20 ở Quảng Châu nên tức tốc từ Thượng Hải về đây để bày mưu tính kế, làm người “nhắc vở” cho Tưởng, đúng như Trương Quốc Đào đã hồi ức: “Ông không xuất đầu lộ diện, nhưng ai cũng phải công nhận đó là nhân vật quan trọng đứng đằng sau Tưởng”.

Ngày 15 tháng 5 năm 1925, cả Quảng Châu trong tình trạng giới nghiêm, quân lính tuần tra chặt chẽ và hội nghị toàn thể lần thứ 2 khoá 2 Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng khai mạc, do Tưởng Giới Thạch chủ trì. Đây là một cột mốc quan trọng có tính lịch sử trong cuộc đời chính trị Tưởng Giới Thạch. Theo đề nghị của ông, Trương Tĩnh Giang thay thế Uông Tinh Vệ giữ chức Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, Đàm Diên Khải thay thế Uông Tinh Vệ giữ chức Chủ tịch Hội nghị chính trị trung ương Quốc dân đảng kiêm Chủ tịch chính phủ Quốc dân, và như vậy Tưởng đã chiến thắng đối thủ quan trọng nhất trong nội bộ, ấy là Uông Tinh Vệ, mặc dù ông không đứng ra làm chủ tịch đảng, nhưng chức vụ đó nằm trong tay Trương cũng có nghĩa là ông nắm luôn.

Nhân đây xin có đôi lời về họ Uông, hiện giờ tung tích ở đâu. Sau sự kiện chiến hạm Trung Sơn, ngày 25 tháng 3, bỗng nhiên Uông Tinh Vệ “mất tích”, có người bảo ông đã qua Hương Cảng và đi Liên Xô, kì thực thì Uông vẫn bí mật ẩn cư tại Quảng Châu, dẫu cam chịu để quyền lực rơi vào tay Tưởng một cách dễ dàng như vậy, ông chờ thời cơ. Nhưng vì không nắm dược quân đội, đấu không nổi Tưởng, sau một tháng quan sát thấy không còn hi vọng gì, Uông Tinh Vệ mới đi Hương Cảng và cuối cùng sang Pháp.

Lại nói về Hồ Hán Dân, nhân vật có liên quan đến vụ án Liêu Trọng Khải đã bị Tưởng Giới Thạch đuổi khỏi Quảng Châu, Hồ sang Liên Xô và diễn thuyết vô cùng khẳng khái, nghe tin sự kiện 3.20 và Uông Tinh Vệ “mất tích”, liền mò về Ngũ Dương thành, nhưng Tưởng không dùng con bài này và Hồ lại bị bỏ rơi. Sau khi Tôn Trung Sơn vừa tạ thế, Uông, Hồ được xem là những người kế vị xuất sắc, vị trí còn cao hơn Tưởng rất nhiều, thế mà giờ đây cả hai cùng trên một chuyến tàu lưu vong, tự dọn bớt chông gai để cho Tưởng Giới Thạch bước lên con đường lãnh tụ...

Nhờ quân sư Trương Tĩnh Giang bày mưu tính kế, hội nghị 15 tháng 5 năm 1926 của Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng đã thông qua “Phương án chỉnh lí đảng vụ”. Phương án gồm ba điểm quy định: (1) Phàm đảng viên của đảng khác gia nhập vào đảng ta thì đảng đó phải giao cho Ban chấp hành trung ương đảng ta danh sách của họ để lưu trữ quản lí. (2) Phàm đảng viên của đảng khác gia nhập vào đảng ta thì không được giữ chức trưởng ban hoặc bí thư các cơ quan trung ương. (3) Mọi mệnh lệnh của đảng khác đối với đảng viên của họ gia nhập vào đảng ta đều phải thông qua hội nghị liên tịch cùng đảng ta rồi mới được truyền đạt. Đây là vũ khí pháp lí mà Tưởng Giới Thạch đã tự chế tạo để gạt Trung Cộng, ra khỏi nội bộ Quốc dân đảng, vì thuật ngữ “đảng khác” trong phương án này hẳn muốn chỉ cộng sản mà thôi.

Ròng rã một tuần thảo luận tranh cãi, cuối cùng hội nghị dùng phương pháp kí tên để thông qua, Mao Trạch Đông (uỷ viên dự khuyết) kiên quyết phản đối, Trương Quốc Đào tuân theo ý kiến của Trần Độc Tú đã đồng ý và kết quả: theo phương pháp chỉnh lí đảng vụ của Quốc dân đảng, Mao Trạch Đông từ chức quyền trưởng ban tuyên truyền, Lâm Tổ Hàn từ chức uỷ viên tài chính và thư kí ban thường vụ, Đàm Bình Sơn từ chức thư kí ban thường vụ... vì họ đều là đảng viên cộng sản.

Cũng có thể nói, những năm tháng đầu tiên khi mà Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông tay súng tay bút cùng phụng sự cho một sự nghiệp chung đã kết thúc, họ “chia tay”, và mãi 19 năm sau mới gặp lại tại cuộc đàm phán Trùng Khánh. Đây chỉ là khúc dạo đầu cho một bản nhạc, là những phút thăm dò lực lượng đối phương trước khi xông vào cuộc, song ít nhiều đã thể hiện khí chất của hai người - một lái buôn và một nông dân, một tay súng và một cây bút.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:21:27 am »

II
MẬT SỨ NỘI TRƯỚNG


Sau hai nước cờ “chiến hạm Trung Sơn” nhằm thăm dò hoả lực đối phương và “chỉnh lí đảng vụ” với mục đích tách cộng sản ra khỏi nội bộ Quốc dân đảng, Tưởng Giới Thạch tiếp tục phát động “chính biến 4.12” để triệt để thanh toán sự dính líu của Trung Cộng mà lúc bấy giờ thế giới đã phải cấ báo “ngọn lửa đấu tranh giữa KMT và CP ở Trung Quốc đã bùng cháy” (KTM - chữ viết tắt tiếng Anh chỉ Quốc dân đảng, CP - chỉ Đảng Cộng sản). Năm 1926, Tưởng thăng tiến như diều gặp gió, ngày 5 tháng 6: Tổng Tư lệnh, ngày 29 tháng 6: uỷ viên chính phủ, ngày 5 tháng 7: Trưởng ban quân sự, ngày 6 tháng 7: thay Trương Tĩnh Giang lên nắm chức Chủ tịch Ban chấp hành trung ương Quốc dân đảng, ngày 9 tháng 7 tuyên thệ Bắc phạt, soái lĩnh tám quân đoàn với 10 vạn tinh binh lên đường tiêu diệt quân bắc phiệt Bắc Dương, nhanh chóng công phá thành trì Vũ Xương. Có thể nói ngày 9 tháng 7 năm 1926 như một lễ “đăng cơ” của Tưởng, trong tay nắm giữ ba quyền quân, chính đảng. Nhưng sự đòi quá dễ dàng đối với Tưởng Giới Thạch, “giặc ngoài” tạm xong, “thù trong” còn đó, thế trận Tưởng Giới Thạch - Uông Tinh Vệ - Hồ Hán Dân của nội bộ Quốc dân đảng luôn luôn diễn ra kịch bản “hai chọi một” rồi “hai chọi lẫn nhau” để dành vương vị. Đã lắm phen Tưởng Giới Thạch thất sủng, bị khai trừ đảng tịch, miễn nhiệm mọi chức vụ, phải tuyên bố từ chức đi Nhật hoặc về Khê Khẩu. Đã có lúc, hai chính phủ, hai trung ương cùng tồn tại, một bên là Tưởng và một bên là Uông. Và cuối cùng đành chấp nhận “thể chế Tưởng Uông” - Uông nắm chính quyền, Tưởng nắm quân đội, cả hai liên hiệp nắm đảng, còn Hồ Hán Dân được chia phần ở Tây Nam và Lưỡng Quảng (Quảng Tây và Quảng Đông).

Còn Mao Trạch Đông, sau vụ “chỉnh lí đảng vụ” phải từ chức quyền trưởng ban tuyên truyền Quốc dân đảng, ông lưu lại Quảng Châu ít lâu cho công việc huấn luyện nông dân, được mệnh danh là “nông vận đại vương”“, nhưng cuối cùng tháng 11 năm 1926 cũng rời Ngũ Dương thành đi Vũ Hán rồi về bản quán cho ra đời tác phẩm trứ danh “Báo cáo khảo sát phong trào nông dân Hồ Nam”, năm 1927 lãnh đạo khởi nghĩa vụ gặt mùa thu, rút được kết luận “họng súng đẻ ra chính quyền”, kéo lên Tỉnh Cương Sơn hội sư cùng Chu Đức, lập nên quân đội Chu - Mao, thực lực cho những nước cờ sau này với Tưởng, về phần Trung Cộng, một quá trình lựa chọn lãnh tụ đã diễn ra, lần lượt từ Trần Độc Tú, Cù Thu Bạch, Hướng Trung Phát, Lý Tập Tam, Vương Minh đến Bác Cổ, mãi tới tháng 1 năm 1935, tại hội nghị Tuân Nghĩa, tay lái mới giao về Mao Trạch Đông, từ bấy hình thành “thể chế Mao - Trương” (Trương Văn Thiên) để chọi lại “Tưởng Uông” biến Quốc dân đảng và trong tay, họ cũng có chính quyền - Nước Cộng hoà xô-viết Trung Hoa, cũng có quân đội - Quân cách mạng công nông Trung Quốc.

Hai bên dàn trận, quân xanh quân đỏ, cuộc cờ vào lúc quyết liệt, phía bên Mao phải Vạn lí trường chinh từ Hoa Nam lên miền bắc Thiểm - Cam, tìm nơi đứng chân, phía bên Tưởng hô hào càn quét, tàn sát “cộng tắc”, “cộng phỉ”, “cộng quân”, một thời hợp tác lật đổ phong kiến, diệt trừ ngoại xâm đã lùi xa vào dĩ vãng, nay chả còn Quốc - Cộng giao tranh, câu chuyện Tàu của chúng ta lần tới chương 2 - “Mật sứ nội trướng”, kể chuyện đánh đánh đàm đàm cũng rất... Tàu.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:24:02 am »

TRẤN NHỎ BẢO AN Ở THIỂM BẮC TRỞ THÀNH HỒNG ĐÔ


Mỗi lần có khách quý tới thăm, người xưa thường rất lịch sự mà “xuất khoác tương nghinh” nghĩa là phải đi xa khỏi thành để đón tiếp. Đối với trấn nhỏ Bảo An nằm lọt thỏm giữa vùng đất hoàng thổ Thiểm Bắc này thì cái bờ tường xây bằng gạch kia có thể gọi là “khoác”, là “thành”.
Bảo An, hàm ý “bảo đảm an toàn” ở phía tây bắc Phu Thi (ngày nay gọi là Diên An), nguyên là đồn luỹ phòng ngự ngoại xâm của đời nhà Đường. Năm 1934 cải danh thành huyện Xích An, hai năm sau (1936) lại đổi thành Chí Đan. Chí Đan là tên của danh tướng Hồng quân Lưu Chí Đan, một trong những người xây dựng nên căn cứ địa Thiểm Bắc, sinh ở Bảo An, năm 1936, Lưu mới 34 tuổi và đã hy sinh tại trận tiền lúc giao tranh với quân Quốc dân đảng, vì vậy tháng 6 năm ấy, Trung Cộng quyết định mệnh danh cho quê hương anh là Chí Đan để mãi mãi ghi nhớ ý chí sáng ngời và đỏ thắm của người chiến sĩ cách mạng.

Đây vốn là một trấn nhỏ vô danh, không mấy ai để mắt, nhưng từ ngày 3 tháng 7 năm 1936, nó bỗng trở thành Hồng đô - thủ đô đỏ trong tầm nhìn của mọi người. Đó là hôm mà Mao Trạch Đông cùng cơ quan trung ương Trung Cộng trở về đồn trú tại đây. Tuy không thể so sánh với thủ đô Nam Kinh của Dân quốc muôn phần tráng lệ, Bảo An vẫn đương nhiên là trụ sở của chính phủ trung ương nước Cộng hoà nhân dân xô-viết Trung Hoa, và tương tự cái nhà hầm nằm sâu trong hốc núi vô cùng giản dị mà Mao Trạch Đông trú ngụ cũng không thể so sánh với văn phòng rất hào hoa của Tưởng Giới Thạch, nhưng đây vẫn là hành dinh của một vị chủ tịch.

Kể từ tháng 1 năm 1935, sau hội nghị Tuân Nghĩa, thể chế Mao - Trương (Mao Trạch Đông và Trương Văn Thiên) được xác lập trong nội bộ Trung Cộng và Hồng quân dần dần thoát khỏi vòng vây. Vượt qua hai vạn năm ngàn dặm trường chinh từ Hoa Nam, ngày 19 tháng 10 năm 1935, Mao Trạch Đông cùng Hồng quân đặt chân đến huyện Ngô Khởi - Thiểm Bắc, sau đó không lâu thì cơ quan trung ương Trung Cộng dời về Ngoã Dao Bảo (ngày nay gọi là Tử Trường) phía đông bắc Diên An. Thuở ấy Ngõa Dao Bảo bỗng trở thành Hồng đô tạm thời của Trung Cộng. Nhưng ngày 21 tháng 6 năm 1936, quân Tưởng truy kích và đánh vào Ngõa Dao Bảo, Mao Trạch Đông và cơ quan trung ương phải rút về Từ Dao mạn tây, cuối cùng là Bảo An, bắt đầu đứng chân và ổn định lại tất cả cái trấn nhỏ “bảo đảm an toàn” này.

Khoảng hơn 10 ngày sau khi Mao Trạch Đông vào trú thân tại nhà hầm móc sâu trong vách đá, thì một người khách viễn phương, giống mũi lõ đã dũng cảm tới đây xin được phỏng vấn Mao Chủ Tịch. Lịch sử nghi nhận anh phóng viên Mỹ, người vượt qua muôn trùng kiềm tỏa, lọt vào Bảo An là “ngoại tân” thứ nhất của Hồng đô, đó là ngày 16 tháng 7 năm 1936 rất đáng ghi nhớ.

Trong “Tây hành mạn ký”, người Mỹ ấy đã mô tả: “Tôi đến đó không lâu thì gặp ngay Mao Trạch Đông, ông có khuôn mặt xương gầy, trông như một gã lâm khẩn, cao hơn khổ người Trung Hoa, lưng hơi gù, đầu tóc đen nhánh, ken dày và để dài, hai mắt sáng long lanh tựa có thần sắc, mũi cao và lưỡng quyền nổi hẳn lên. Tất cả để lại trong tôi một ấn tượng tốt đẹp về con người trí thức thông minh ấy. Nhưng mấy hôm đó tôi vẫn chưa có dịp để xác tín một điều quan trọng đang âm ỉ trong lòng. Bỗng một chiều vào lúc hoàng hôn, Mao Trạch Đông đầu trần tản bộ, bên ông là hai người nông dân trẻ, họ vừa đi vừa hỏi chuyện. Thoạt đầu, tôi nhận không ra Mao Trạch Đông, bởi vì ở Nam Kinh người ta treo giải 25 vạn quan cho ai lấy được thủ cấp của Mao, còn đây ông vẫn thản nhiên sống giữa nhân dân, thiên hạ.

Ông và phu nhân (chỉ Hạ Tử Trân) ở trong hai gian nhà hầm, giản dị đến mức không thể giản dị hơn nữa, vách tường không treo gì cả ngoại trừ mấy tấm bản đồ, vật chất xa xỉ nhất của hai người chỉ là cái màn muỗi, mọi thứ khác đều theo tiêu chuẩn một chiến sĩ Hồng quân. Là lãnh tụ quân cách mạng, từng trăm ngàn lần tịch thu tài sản của địa chủ, quan lại v.v... mà giờ này của cải riêng mình chỉ vỏn vẹn tấm chăn, cái màn muỗi, vài bộ quân phục...”

Năm tháng sau khi người khác đầu tiên của Hồng đô rời khỏi vùng đất hoàng thổ, thì hôm nay lại một toán người ào tới, vó ngựa cuốn tung bụi vàng. Họ từ Tây An đi ô-tô đến Lạc Xuyên, xe dừng ở đó và thay ngựa, phi về bắc - nơi có cái trấn nhỏ Bảo An, đoàn người đều mặc quân phục kiểu Đông Bắc của Trương Học Lương. Vị chủ soái đã ngoại tứ tuần, tướng mạo oai phong, còn lại số tuỳ tùng tuy con nhà lính mà y như các thư sinh.

Phái đoàn đang căng yên ngựa, phải ngoài 20 dặm nữa mới tới Bảo An thì thoắt trông một trưởng giả mặc quân phục Hồng quân đứng đợi để làm nhiệm vụ “xuất khoác trương nghinh”.

Vị mang quân phục Hồng quân vừa dứt lời: “Diệp lão, vất vả cả một dặm trường”, thì vị mặc quân phục Quốc dân đảng cười to, âm vang sang sảng: “Lâm lão, ông ra đây chắc không phải đón tôi mà cốt để nhận mấy đồng “Quang Dương a”.

“Diệp lão” đây chính là Diệp Kiếm Anh, còn “Lâm lão” kia đích danh Lâm Bá Cừ. Lâm lúc ấy là Bộ trưởng tài chính mà trong tay khô kiệt, nay nhận điện là Diệp sẽ mang về năm vạn đồng Quang Dương, lòng mừng khôn tả, vì vậy nên phải ra khỏi cổng thành long trọng nghênh tiếp. Năm vạn đồng tuy chỉ bằng một phần năm của hai mươi lăm vạn tiền thưởng mà Tưởng Giới Thạch treo giải cho ai lấy được thủ cấp Mao Trạch Đông, nhưng đối với hoàn cảnh thiếu thốn của Hồng quân lúc bấy giờ chẳng khác nào như hạn hán gặp mưa rào.

Diệp Kiếm Anh đào đâu ra mà có những năm vạn đồng Quang Dương?
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 21 Tháng Tư, 2014, 10:27:51 am »

“MÃ PHU” DIỆP KIẾM ANH LỌT VÀO TÂY AN


Trước đây hai tháng, khoảng hạ tuần tháng 9 năm 1936, một đoàn kỵ mã rời khỏi Bảo An thành, nhắm hướng huyện Phú rong ruổi yên cương, họ ghé lại đồn luỹ của quân đoàn Đông Bắc, thay ngựa thắng xe tiến về Tây An.

Họ đều mặc quân phục Quốc dân đảng, người dẫn đoàn ngực đeo phù hiệu hình tròn nổi bật dòng chữ “Hội đồng quân sự trung ương Quốc dân đảng”, hẳn phải là trưởng quan, cạnh kề ông bên hữu phó quan súng ống nai nịt đằng đằng sát khí, bên tả viên thư ký nho nhã ung dung đôi mắt giấu sau cặp kính cận. Nghe nói đây là đoàn đại biểu do Quốc dân đảng phái đến Bảo An để đàm phán với Hồng quân, kỳ thực thì không phải như vậy. Viên trưởng quan Biên Chương Ngũ, 36 tuổi, tốt nghiệp trường sĩ quan Bảo Định, tham mưu trưởng sư đoàn Quân quốc dân đảng, tháng 12 năm 1931 tham gia cuộc bạo động Ninh Đô và trở thành đảng viên đảng cộng sản, đảm nhận chức sư trưởng Hồng quân, đã qua Vạn lí trường chinh. Còn phó quan 29 tuổi Bành Tuyết Phong, năm 1926 gia nhập Đảng Cộng sản, chính ủy sư đoàn Hồng quân, cũng từng trường chinh từ nam lên bắc. Viên thư ký nho nhã kia vừa qua cái tuổi “nhi lập”, vào đảng năm 1925, bí thư tổ chức Trung Cộng trong Liên minh văn hóa cánh tả, nay là trưởng ban tuyên truyền Tổng cục chính trị Hồng quân, anh có tên gọi Phan Hán Niên. “Đoàn đại biểu” còn có các thành viên khác nữa như Uông Phong, Ngô Tự Lập, và một mã phu mặc quân phục lính Quốc dân đảng không mấy ai chú ý, người đó mới chính là trưởng đoàn - tướng quân Diệp Kiếm Anh. Tất cả bọn họ đã được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai chọn lựa kỹ càng, kết thành một đội ngũ thần bí mang sứ mạng quan trọng. Trước khi đoàn lên đường đi Tây An, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai dành nhiều thời gian bàn bạc, dặn dò “mã phu” Diệp Kiếm Anh.

Đoàn đến huyện Phú và tiến vào khu vực kiểm soát của quân Đông Bắc Quốc dân đảng thì theo mật lệnh từ Trương Học Lương, viên sư trưởng họ Lưu đã ra nghênh tiếp và tự mình lái xe đưa đoàn về Tây An không chút trở ngại. Diệm Kiếm Anh trở thành “Ngô tiên sinh” trong nước cờ đầy kỳ thú này giữa Tưởng và Mao, ông lọt vào Tây An cố đô.

Trấn giữ Tây An là Trương Học Lương - Phó Tư lệnh hải lục không quân Hội đồng quân sự Quốc dân đảng, Phó Tư lệnh Bộ Tổng Tư lệnh tiễu phỉ Tây Bắc. Lúc bấy giờ đối với Tưởng Giới Thạch, Trung Cộng là “phỉ”, “Cộng phỉ”, cái gọi “tiễu phỉ” chính là “tiễu cộng”. Phó Tư lệnh “Tây Bắc tiễu tổng” Trương Học Lương năm ấy 35 tuổi, là trưởng nam của “Đông Bắc vương” - Trương Tác Lâm. Đông Bắc là quê hương của Trương, và quân đội của họ có tên gọi “Phụng quân”, bởi lẽ hồi đó Thẩm Dương (thủ phủ tỉnh Liêu Ninh) giản xưng là Phụng. Trương Học Lương có mối thù khắc cốt ghi xương với quân Nhật; rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1927, cầu đường sắt Thẩm Dương tự nhiên bị gãy và cả đoàn tàu rơi chìm xuống sông, thân phụ của Trương là một hành khách trong đó, kịp đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng mấy giờ sau thì qua đời, kẻ thù của vụ gãy cầu chìm tàu này là quân Nhật và Trương quyết không đội trời chung với chúng.

Tiếp đến “sự biến 9.18”. Ngày 19 tháng 8 năm 1931, quân Nhật đánh chiếm Thẩm Dương, sau bốn tháng 18 ngày, cả ba tỉnh Đông Bắc (Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang) rơi vào tay giặc, họ Trương tha hương, Phụng quân lưu lạc sang xứ người.

Khi Mao Trạch Đông dẫn đầu Hồng quân trường chinh đến Thiểm Bắc, Tưởng Giới Thạch tuyên bố “chủ lực của phỉ quân rút chạy về vùng Cam Xuyên Thiểm” và ông đã đi một nước “diệu kỳ” trên bàn cờ thế kỷ, nhắc “quân cờ” Trương Học Lương từ Đông Bắc sang Tây Bắc, phong cho Trương chức vụ phó Tư lệnh “Tây Bắc tiễu tổng”. Trương Học Lương vốn không phải phái hệ, chính giòng của Tưởng Giới Thạch nên dùng Phụng quân đánh Hồng quân, “ngư ông” họ Tưởng lại một lần nữa được lợi trong cuộc tranh nhau giữa “trai, cò”, vừa làm yếu thế quân Đông Bắc, vừa tiêu hao lực lượng Hồng quân. Thật là diệu kế! Phụng mệnh quân lệnh, tháng 6 năm 1935, Trương Học Lương dẫn đầu 13 vạn tinh binh tiến vào Đồng Quan - cửa ngõ của Tây An.

Mao Trạch Đông hiểu tâm trạng của Trương, tuy trên văn bản công bố chính thức, họ Trương bị liệt vào “quân bán nước”, nhưng phía đằng sau, Mao liên tục phái mật sứ len vào nội trướng tìm cách lôi kéo Trương Học Lương và Diệp Kiếm Anh trong vai “Ngô tiên sinh” lần này không ngoài sứ mạng quan trọng đó, còn phía bên kia Trương Học Lương phái cử ai “nghênh tiếp”? Người ấy là Tôn Minh Cửu, tham mưu tùy tòng cơ yếu của phó chủ tịch “Tây Bắc tiễu tổng”.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM