Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 05:06:54 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cuộc truy nã tên Đồ tể Do Thái Adolf Eichmann  (Đọc 79225 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #70 vào lúc: 12 Tháng Ba, 2015, 11:45:03 pm »

       Yigal, người duy nhất còn rảnh đôi tay, với tay để rút khẩu súng lục ra khỏi túi Eichmann. Anh lấy ra một vật cứng. Đó là cái đèn bấm! Đến lúc đó anh mới nhớ lại rằng một trong các bản phúc trình có đề cập đến việc mấy ngày trước đây, lúc rời xe buýt Eichmann bắt đầu dùng một cây đèn bấm đẻ báo hiệu sự có mặt của ông ta với các xe xuất hiện trong đêm tối.

      Anh cười phá lên, không thể giải thích cho các bạn biết được sự khôi hài của tình thế, vì họ quyết định giữ im lặng để tù nhân không thể biết được mải mai nào về họ trong lúc này. Chỉ một câu được thốt ra trong suốt lúc đi đường. Câu đó thốt ra từ miệng người tài xế: Ba phút sau khi mở máy chạy, anh nạt lớn bằng tiếng Đức:

     -Một cử động nhỏ, ông sẽ thành cái xác không hồn.

     Phần còn lại của cuộc hành trình trải qua trong im lặng tuyệt đối.

     Họ chạy trong sự căng thẳng ghê gớm, nhưng tốc độ không mau quá, vì đây không phải là lúc để bị cảnh sát lưu thông bắt lại.

      Khoảng ba cây số, người tài xế nhìn thấy xe của Dov trong khính chiếu hậu, do bạn anh lái. Thấy chiếc xe với người bạn phía sau và trên quãng đường nầy có nghĩa là cuộc bắt có không bị ai để ý thấy. Thật phấn khởi. Cả hai xe chạy thong thả, cách nhau ba mươi thước.

     Trước khi về đến nhà, có hai nơi mà họ có thể bị ngừng lại. Đó là các chỗ mà đường xe lửa cắt ngang đường cái mà cổng có thể hạ xuống. Điều đáng ngại là nếu trong khi họ chờ đợi, những chiếc xe khác đến đậu bên cạnh hoặc ngay phía sau và nếu các người lái xe đó thấy có gì khác lạ trong xe các người bắt cóc. Lại còn ngại việc Eichmann có thể tìm cách kêu cứu.

     Họ may mắn với cổng xe lửa đầu tiên. Nhưng đến cổng thứ hai họ phải ngừng lại. Yigal đã nhìn thấy ngọn đèn đỏ trên hàng rào đóng kín, cách đó ba mươi thước. Anh nhanh nhẹ lấy ra miếng băng keo dành sẵn cho lúc tới nhà và dán lên miệng Eichmann. Họ hơi hồi hoppj trong khi chờ đợi, nhưng chẳng có chiếc xe nào đến đậu bên cả. Trong vòng hai phút, đoàn xe lửa chạy qua, hàng rào được giở lên và họ lại đi êm thấm.

     Ngay trước khi tới nhà, họ bịt mắt Eichmann lại. Lúc đến nơi, họ lôi hắn ta ra khỏi xe và đẩy hắn ta vào ngôi nhà đã chuẩn bị sẵn.

     Họ đã không dùng đến thuốc mê, dây trói cũng như còng.

    Cho đến lúc này, ngoại trừ lời cảnh báo của người tài xế, không có một lời nào được thốt ra.

     Khi đã vào tới phòng, việc đầu tiên xủa họ là lột hết quần áo của hắn ta ra, lấy hết những gì hắn ta có thể giấu giếm cho việc tự sát.

     Sau đó họ gỡ miếng băng keo ra và xét trong răng hắn ta có ống thuốc độc nào gắn trong đó không. Lúc đó Eichmann mở lời lần đầu tiên. Hắn ta nói với một giọng mệt mỏi, nhưng người ta hiểu rõ ràng theo lời nói của hắn ta rằng hắn ta nhận biết mình đang nằm trong tay những người nhà nghề. Nếu bọn tay mơ thì đã tát tai, đánh đập hắn ta túi bụi rồi. Ngược lại, các người bắt cóc hắn ta, đã cư xử rất đàng hoàng, không dùng bạo lực một cách vô ích. Cuộc khám xét họ đang làm chứng tỏ họ là những tay lão luyện.

     -Mười lăm năm đã trôi qua rồi, Eichmann nói, tôi không có phòng bị gì đâu. Không có gì trong răng tôi cả.

      Hắn ta không nói thêm gì nữa.

      Trong khi tiếp tục cuộc khám xét, họ giở cánh tay trái của hắn ta lên và khám ra dưới nách một vết thẹo tại chỗ bọn SS thường mang dấu xâm. Chỉ đến khi cuộc khám xét kết thúc, Yigal mới quay qua hắn ta và hỏi một câu đơn giản bằng tiếng Đức:

      -Ông là ai?

      -Ich bin Adolf Eichmann, hắn ta trả lời ngay lập tức.

      Sự kiện này khiến họ nín thở. Chẳng ai nói tên hắn ta ra cả. Người ta không yêu cầu hắn ta xác nhận mình là Eichmann. Người ta chỉ hỏi hắn ta là ai.

     -Tôi là Adolf Eichmann, hắn ta đã trả lời.

      Kế đó, hắn ta nói thêm:

      Tôi biết, tôi đang ở trong tay người Do thái.

      Việc này cũng thật là bất ngờ. Không một ai nói tiếng hébreu cả. Không làm sao hắn ta nghe được lời cảnh cáo của Yigal về vấn đề khẩu súng, ngay trước lúc bắt cóc. Dov đã chỉ nghe được mang máng mà thôi. Giả thử hắn ta có nghe gì đi nữa, thì hắn ta cũng không thể phân biệt được ba tiếng của Yigal thuộc ngôn ngữ nước nào. Vả lại không ai đã làm gì để hắn ta nghi ngờ dù chỉ một chút xíu về nguồn gốc của những kẻ bắt cóc hắn ta.

     Nhưng Eichmann đã đoán. Và đoán đúng. Hắn ta đã bị người Do thái bắt và hiện đang nằm trong tay họ.

     Cuộc truy nã dai dẳng trong suốt mười lăm năm qua đã chấm dứt.
« Sửa lần cuối: 13 Tháng Ba, 2015, 10:52:11 am gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #71 vào lúc: 13 Tháng Ba, 2015, 05:58:14 pm »

      Giờ đây hắn ta đã nhìn nhận lai lịch của mình mà không cần một lời hỏi han hay khuyến dụ của các người bắt cóc, những người này có thể cho hắn ta biết về ý định của họ.  

      Họ không cho hắn ta biết hiện hắn ta đang ở đâu. Yigal chỉ báo cho hắn ta biết là hắn sẽ được đưa về Do thái để xét xử. Hắn sẽ được phép chọn một vị luật sư và vụ kiện sẽ được diễn ra đúng với luật pháp của Quốc gia Do thái. Yigal hỏi hắn ta có bác luận điều gì không. Hắn ta trả lời không. Yigal liền hỏi hắn ta có thuận viết trên giấy câu trả lời của mình chăng. Hắn suy nghĩ giây lát và hỏi người ta có thể để cho hắn nghiên cứu kỹ vấn đề không. Hắn ta có thể trao câu trả lời vào ngày mai có được không? Yigal chấp nhận.

     Cuộc đối thoại chiều hôm đó kết thúc như vậy.

     Trong khi đó quần áo của Eichmann được khám xét kỹ lưỡng, người ta trả chúng lại cho hắn ta sau khi đã lấy tất cả những gì trong túi, ngoại trừ chiếc khăn tay. Người ta dọn bữa ăn lên, hắn ta ăn bằng một cái muỗng. Người ta cũng cho hắn ta biết là hắn có thể đi ngủ lúc nào muốn. Đèn vẫn được thắp sáng một cách liên tục, và hai người trong nhóm túc trực bên hắn ta, luôn phiên nhau canh giữ ngày đêm. Họ không rời hắn ta lúc nào cả.

      Khi còn lại một mình với các người canh giữ, hắn ta bắt đầu hỏi han và tìm cách lôi cuốn họ vào một cuộc nói chuyện. Phớt tỉnh, họ vận giữ im lặng.

     Gần trưa ngày hôm sau, hắn ta nói:

    -Tôi đã suy nghĩ, tôi sẵn sàng viết một tờ khai! Những người gác gật đầu, nhưng vẫn không nhúc nhích.

     Một giờ sau, đổi phiên gác. Một người đi tìm Yigal và cho anh biết những gì Eichmann đã nói. Yigal bước vào trong phòng.

     -Thế nào? Anh bảo.

      Tôi sẵn sàng viết là tôi thuận để được đưa về Do thái để được xét xử, Eichmann nói.

      Yigal rút từ trong túi áo ra một tờ giấy trên đó có viết sẵn bằng tiếng Đức, một lời khai chấp nhận đi đến Do thái. Anh đưa cho Eichmann và hỏi hắn ta có bằng lòng ký tên không.

       Không cầm tờ giấy cũng chẳng đọc, Eichmann chỉ nói:

      -Nếu ông không thấy có gì trở ngại, tôi thích được tự tay viết lời khai. Tôi đã suy nghĩ và tôi biết tôi muốn nói gì.

      Yigal rời phòng giây lát và quay lại với tờ giấy viết và cặp mắt kiếng của Eichmann. Hắn ta ngồi vào bàn và viết bản văn sau đây, bằng tiếng Đức:

      “Tôi ký tên dưới đây là Adolf Eichmann, tự ý tuyên bố do chứng thư này.

      Xét về lai lịch thực sự của tôi giờ đây đã bị khám phá cho nên tôi thấy không còn lý do nào để tiếp tục tìm cách trốn tránh pháp luật. Tôi tuyên bố thuận đi đến Do thái để được xét xử tại đó trước một Tòa án thẩm quyền.

       Dĩ nhiên là tôi có quyền nhờ một luật sư biện hộ và tôi sẽ có thể thử trình bày chân thật mọi sự việc liên quan đến những năm phục vụ cuối cùng của tôi tại Đức, để một bản tường trình chân thật về các biến cố được truyền lại cho các thế hệ tương lai. Tôi tự ý viết tuyên ngôn này: tôi không được hứa hẹn và cũng chả bị hăm dọa gì cả. Sau hết, tôi ước ao tìm được sự thanh thản cho tâm hồn.

     Vì không thể nào nhớ hết tất cả mọi chi tiết, và vì tôi có thể xáo trộn các sự việc, tôi yêu cầu được giúp đỡ bằng cách cung cấp cho tôi các tài liệu và lời chứng để hỗ trợ các cố gắng của tôi trong việc thiết dựng sự thật


                                                                                                                                Adolf Eichmann
                                                                                                                       Buenos Aires, tháng 5 năm 1960”


     Yigal đọc qua tờ khai với nét mặt thản nhiên. Khi đọc xong, anh đưa tay lấy lại cây viết và cặp kiếng rồi ra khỏi phòng.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #72 vào lúc: 14 Tháng Ba, 2015, 06:04:39 pm »

       Anh gọi Gad và Dov, nét mặt rạng rỡ. Ai cũng ngạc nhiên về những điều Eichmann đã viết. Thật sự, hắn ta đã đi xa hơn những gì họ mong mỏi và rất là minh bạch trong sự chấp thuận hơn hẳn bản văn mà Yigal đã chuẩn bị sẵn. Chấp nhận hay không, vấn đề không quan trọng mấy, dù viết trên giấy tờ hoặc chỉ gật đầu cũng vậy.. Nhưng họ thấy thích thú sự việc Eichmann đã sẵn sàng thảo một lời khai như vậy và làm việc ấy không phải trong tinh thần rối loạn của giây phút đầu tiên bị bắt, mà làm sau khi đã suy nghĩ chín chắn. Họ đã tưởng rằng khi hỏi hắn ta có chịu để cho đem đi Do thái không thì hắn ta sẽ thì thầm những gì chẳng hạn như: “Các ông muốn tôi nói gì bây giờ? Tôi có thể chọn lựa sao?”. Phản ứng của hắn ta lại khác hẳn. Hắn ta chấp nhận ngay, và về sau lại chịu ghi trên giấy. Nội dung bản văn do hắn ta viết ra. Chẳng có áp lực, hăm dọa hoặc hứa hẹn gì.

       Trong khi suy nghĩ, Yigal và các bạn kết luận rằng tự trong lời tuyên bố đã có sự xác nhận rằng Eichmann sẵn sàng đương đầu với một vụ kiện. Hắn ta đã viết: “Sau hết, tôi ước ao tìm được sự thanh thản cho tâm hồn”. Điều đó không có nghĩa là hắn ta đã cải hóa, hối hận dĩ vãng, sẵn sàng gột rửa tâm hồn, giải thoát lương tâm bằng cách đền tội. Hoàn toàn không phải. Đó chỉ là sự biểu lộ ngẫu nhiên của một người đã chán ngán lẩn trốn, mỏi mệt vì chạy trốn từ 15 năm qua dưới gánh nặng của tội lỗi, và bị ám ảnh ngày đêm bởi mối lo sợ bị bắt. Giờ đây hắn ta đã bị bắt. Cuộc săn đuổi đã kết thúc. Sẽ không còn cuộc theo đuổi nữa cả. Hắn ta không cần khắc phục thể xác và tâm trí lâu hơn nữa trong tình thế trốn chạy. Cuối cùng hắn ta sẽ có thể yên nghỉ. Đó là sự “thanh thản của tâm hồn” mà hắn muốn nói đến.

     Khi tờ giấy khai đã được viết xong, không còn cuộc nói chuyện nào khác giữa Eichmann và những kẻ bắt cóc hắn ta nữa. Hắn ta được canh giữ trong im lặng. Thật chán nản cho mọi người. Nhưng thêm vào là sự chán nản của những người canh gác hắn ta còn mối lo aaukeps về một sự khám phá của cảnh sát và về một việc trắc trở trong việc thuê bao phi cơ. Thì giờ kéo dài lê thê, nặng nề còn hơn cả khi tiếp theo sau sự giao động xảy ra trước sự bắt cóc.

      Buổi chiều khởi hành, người ta cho Eichmann uống cà-phê có thuốc ngủ. Ba khắc sau đó, trong khi hắn ta ngủ say, những người canh giữ mặc quần áo cho hắn ta, ngoại trừ chiếc áo veston. Thay vào đó, người ta choàng cho hắn ta một chiếc áo ngủ. Trước cửa nhà, một chiếc xe đen được đưa đến, sang trọng, phù hợp với một “du khách sang trọng nhưng bệnh hoạn”. Nơi tay lái, một trong số người phụ tá ngồi mặc bộ đồng phục tài xé. Bên trong có một chiếc băng ca xếp được.

       Hành lý của Yigal, Gad và Dov được bỏ trong thùng xe. Kế đó là những câu giã biệt nhiệt thành được trao đổi giữa nhóm Do thái và các người phụ tá, hiện đang sắp sửa ai nấy về xứ sở của mình. Họ khiêng Eichmann vào trong xe và đặt nằm trên băng sau. Gad và Dov ngồi trên các ghế phụ, còn Yigal leo lên ngồi cạnh tài xế. Họ đi về hướng phi trường.

       Các thủ tục được trải qua nhanh nhẹn. Giấy tờ của tất cả hành khách có vẻ hợp lệ. Người bệnh vẫn trong cơn ngủ say, được hai người lao công phi trường khiêng đến máy bay trên một chiếc băng ca. Đi kè hai bên là hai viên “y tá” Gad và Dov, và Yigal, thân nhân của người hành khách “bệnh”, đi sau cùng. Ở bên trong phi cơ, nhiều chiếc ghế đã được xếp đặt lại để tiếp đón người bệnh hôn mê. Gad và Dov ngồi hai bên.

      Phi cơ cất cánh đi Tây Phi, chuyến bay yên tĩnh và không có gì trục trặc. Eichmann gần như lúc nào cũng ngủ mê. Khi vừa hơi tỉnh dậy, thì một trong các viên “y tá” lúc nào cũng có túc trực bên cạnh, đã cho hắn ta uống ngay một cốc cà-phê có chất thuốc ngủ mà họ đã đem theo trong ba bình thủy. Từ Tây Phi châu đến xứ Do thái, chuyến bay cũng yên ổn.

      Tại Ten-Avip, Dan liên lạc với các Cơ quan Đặc biệt và cho họ biết lai lịch của người hành khách trên chuyến phi cơ khởi hành từ Tây Phi, và sẽ về tới trong vài giờ sau đó. Các xếp đặt được bố trí mau lẹ để tiếp đón hắn ta tại phi trường Lod.

       Đài kiểm soát báo cho viên phi công biết rằng, khi đáp xuống, phải đưa phi cơ đến một khoảng đất trống đặc biệt, tránh xa chỗ phi cơ đậu thường lệ để đổ khách xuống. Một chiếc xe cứu thương được mượn trong trường hợp này, chạy tới bên cạnh phi cơ. Eichmann được đưa xuống và xe Hồng thập tự chở hắn ta mau lẹ về một nơi tạm giam, dưới sự hộ tống của hai xe cảnh sát chạy phía sau.

       Sáng ngày 23, một vị thẩm phán được đưa đến phòng giam Eichmann, chính thức truyền đạt sự cáo tố hắn ta và ký một án lệnh di giao trong mười lăm ngày.

       Lúc bốn giờ chiều ngày hôm ấy, thứ hai ngày 23 tháng năm, các ghế ngồi trong tòa nhà Quốc hội Do thái chật ních người. Trước đó ít lâu, có nguồn tin hành lang cho biết. Thủ tướng David Ben Gourion sẽ đưa ra một tuyên ngôn quan trọng. Không ai biết về chuyện gì, nhưng chắc chắn đó là vấn đề đặc biệt quan trọng vì Hội đồng Nội các đã được triệu tập khẩn cấp lúc 15 giờ 30, chính trong buổi họp ấy, Ben Gourion đã báo tin cho các Bộ trưởng của ông biết.

      Đúng bốn giờ chiều, ông Chủ tịch Quốc hội khai mạc buổi họp và mời thủ tướng lên diễn đàn. Một bầu không khí nôn nóng im lặng bao trùm trong khi ông vượt khoảng cách ngắn độ vài bước giữa hàng ghế dành cho phái đoàn chính phủ và diễn đàn. Bằng một giọng nói trong sáng, ông loan báo biến cố trọng đại:

     -Cách đây không lâu,, một trong số các tên tội phạm chiến tranh quốc xã quan trọng nhất Adolf Eichmann, kẻ đã cùng bọn lãnh tụ quốc xã chịu trách nhiệm về vấn đề mà chúng gọi là “giải pháp cuối cùng của vấn đề Do thái”, nghĩa là việc tận diệt sáu triệu người Do thái ở Âu châu, đã được tìm thấy…Hắn hiện đang trong tình trạng bị giam giữ tại Do thái và sẽ bị xét xử trong một ngày gần đây đúng theo luật pháp dành riêng cho việc phán xử bọn Quốc xã và các người hợp tác vơí chúng.

      Toàn thể Quốc hội như bị điện giựt. Trong vài giây đồng hồ, một sự im lặng choáng váng bao trùm. Rồi bỗng nhiên, từ khắp mọi phía trong Quốc hội, tiếng vỗ tay ầm ầm vang lên. Ít khi nào, Quốc hội Do thái nhất trí đến như vậy. Ít khi nào các vị Dân biểu đã bị vô cùng xúc động đến như thế. Kẻ sát hại dân tộc họ đã bị bắt. Hắn đang có mặt tại Do thái. Hắn sẽ bị đưa ra pháp luật.

      Tại đâu? Bao giờ? Như thế nào? Đó là những câu hỏi sẽ đặt ra sau này. Hiện tại, sự việc như thế là đủ rồi. Và tính cách tuyệt diệu của nó làm họ phỉ lòng. Sự cảm động đã vượt qua lòng mong mỏi, giản dị trả thù hoặc bồi thường. Đó là một sự xác nhận lòng tin tưởng của họ nơi một nền công lý tối hậu. Con người tiêu biểu cho uy lực của bóng tối, kẻ trách nhiệm tận diệt hàng triệu người Do thái, sắp được phán xử theo luật pháp bởi các Tòa án của Quốc gia Do thái.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #73 vào lúc: 16 Tháng Ba, 2015, 05:37:30 pm »

     IX – CANH PHÒNG CẨN MẬT


    Buổi họp báo cáo buổi sáng sắp sửa bắt đầu trong văn phòng của Tổng thanh tra các Lực lượng Cảnh sát Do thái, Yosep Nahmias, tại Tổng hành dinh ở Tel-Avip. Đó là ngày thứ hai 23 tháng 5 năm 1960. Đôi mắt nâu của chàng trẻ tuổi Nahmias sáng lên lúc anh quan sát những người phụ tá của anh ngồi thành hình bán nguyệt trước bàn giấy anh. Chờ cho tất cả ngồi xuống xong xuôi, đoạn anh mở đầu buổi họp bằng cách loan báo: “Con người mà chúng ta mới nhận được để canh chừng tạ phi trường Lod, và đang được đặt tại một nơi tạm giam chính là… Adolf Eichmann”.

    Các thanh tra cảnh sát đã từng có tiếng là lạnh lùng, khó xúc động, kín đáo, thản nhiên. Nhưng trong buổi sáng hôm đó, không một chút dè dặt nào trong phản ứng của những người này. Trên nét mặt họ pha lẫn sự hoài nghi và nỗi vui mừng. Đó là sự ngạc nhiên lớn nhất mà họ chưa hề được biết qua trong nghề nghiệp.

    Eichmann cần phải được trình diện cấp tốc trước một vị thẩm phán vì bị tố cáo để có một lệnh tống giam chính thức của tòa. Nếu không, theo luật hiện hành tại Do thái, Eichmann có thể xin một mệnh lệnh bảo hộ nhân thân để được tại ngoại hầu tra. Nahmias nói.

     Việc canh giữ Eichmann dĩ nhiên thuộc trách nhiệm của Cảnh sát. Viên tổng thanh tra không cần nhấn mạnh tính cách quan trọng. Tin tức về sự có mặt của Eichmann tại Do thái, anh ta nói, sẽ được thông báo trong ngày. Cần phải bảo vệ mạng sống cho hắn ta cho đến khi nào hắn ta bị đưa ra trước pháp luật và nhiệm vụ của Cảnh sát là làm thế nào để không có gì ngăn trở việc ấy.

      Những mối nguy mà Nahmias đoán trước thuộc bốn loại: Tự tử; Ám sát bởi thân nhân của các nạn nhân của bọn quốc xã, họ có thể tấn công nơi giam giữ hắn ta; Bị giết bởi một trong số người canh giữ bị thúc đẩy bởi cùng một động lực thi hành pháp luật một cách chóng vánh giản tiện; Một cuộc đột kích chớp nhoáng theo kiểu Skorzeny để giải thoát hắn ta.

     Kế hoạch canh giữ phải chặt chẽ và phải tiên liệu tất cả mọi bất trắc. Phải soạn kế hoạch này ngay tức khắc. Nơi giam giữ hiện thời sẽ chỉ được dùng vài ngày thôi, không lâu hơn được.

     Nahmias ngừng một chút và nhìn bộ tham mưu của mình. Tất cả đều là sĩ quan cảnh sát. Mắt anh ngừng lại trên một đồng nghiệp trẻ tuổi, thân hình mảnh dẻ và lanh lợi, mà dáng dấp cởi mở lúc nào cũng đii đôi với nụ cười nửa miệng. Đó là viên thiếu tá Aharon Sela, trưởng khối kế hoạch, mà các bạn hữu và dân chúng biết đến dưới cái tên Aharonchik.

     -Anh, Aharonchik, Nahmias nói, anh sẽ chịu trách nhiệm về các kế hoạch an ninh. Đây sẽ là một công việc nhức óc. Anh sẽ nhận được các chỉ thị viết trong ngày. Nhưng tốt hơn anh nên bắt đầu suy nghĩ đến việc nầy ngay từ bây giờ. Vấn đề rất phức tạp. Không phải là một công việc canh giữ tầm thường. Nhưng anh sẽ có tất cả mọi sự giúp đỡ cần thiết nơi tôi. Điều kiện căn bản là phải tìm một nơi nào để có thể giam giữ Eichmann trong nhiều tháng, nếu cần, và liên tục đặt hắn ta dưới một sự canh giữ nghiêm ngặt nhất. Tôi cho anh bảy mươi hai tiếng đồng hồ để tìm hoặc sắp xếp một chỗ như vậy và trình tôi một kế hoạch canh giữ đầy đủ. Ngay từ bây giờ hãy chuẩn bị để đưa một vị thẩm phán đến gặp Eichmann để ông có thể ký một lệnh giam cứu. Tôi muốn các anh giữ liên lạc với tôi trong ngày để cho tôi biết các anh sắp xếp cách nào và tôi muốn nhận được bản kế hoạch đại cương nội trong chiều nay

  Sứ mạng kế tiếp sẽ là việc chuẩn bị hồ sơ của Eichmann cho vụ kiện. Không cấp bách lắm, nhưng Nahmias và các phụ tá cũng bàn luận để biết người nào thích hợp với sứ mạng nầy nhất. Tất cả đều tán thành khi anh đề nghị giao cho “Rami”, “Rami” đó là Avraham Sellinger, chỉ huy trưởng khu Bắc. Rất am hiểu tiếng Đức, cựu Chỉ huy trưởng Cơ quan Truy tầm tội phạm. Rami là một sự hỗn hợp giữa con người hoạt động (ông ta đã mất một chân trong một cuộc tấn công  của Ả-rập) và là một nhà tìm tòi uyên thâm và chăm chỉ. Việc làm của ông sẽ rất lâu dài và phức tạp để tìm nhiều chứng cứ và tài liệu, tại Do thái cũng như tại ngoại quốc, tất cả phải là những bằng chứng không thể chối cãi được và xác thực để thỏa mãn những đòi hỏi của Tòa án Do thái. Ông phải thành lập một toán chuyên viên thông thạo nhiều thứ tiếng có khả năng thực hiện các cuộc phỏng vấn và khảo cứu các tài liệu. Sellinger không có mặt tại buổi họp nầy, nhưng ông nhận được các chỉ thị hai ngày sau đó, và một tuần lễ sau, ông đặt văn phòng của ông trong phạm vi nhà tù giam Eichmann. Và văn phòng nầy chẳng bao lâu được biết đến với tên Phòng 06.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #74 vào lúc: 17 Tháng Ba, 2015, 07:05:26 am »

      Một trong số các sĩ quan hiện diện, và sau đó ông ta cũng được giao phó một nhiệm vụ đặc biệt là “Kurie”, thiếu tá Yekutiel Keren, trưởng khối hành chánh. Đó là người sẽ chịu trách nhiệm về tất cả mọi sự chuẩn bị về vật chất cần thiết cho vụ kiện. Lệ thường, loại công việc này không thuộc phạm vi của Cảnh sát mà là nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Nhưng tổ chức cần thiết cho một vụ kiện quốc tế có một tầm vóc lớn như vậy vượt qua các khả năng của bộ khiêm tốn này. Vài tuần sau, khi Chính phủ yêu cầu Nahmias đảm trách công việc nầy, thì Keren được ủy nhiệm tại đây. Thời hạn hoạt động của ông ta tùy thuộc thời gian mà Sellinger cần để hoàn tất việc chuẩn bị hồ sơ, điều sẽ chắc chắn kéo dài trong nhiều tháng.

      Công việc hoàn tất, họ tụ hội vài phút trước tách cà-phê Thổ nhĩ kỳ. Họ nói ít, tâm lý bị chi phối bởi các vấn đề mà họ phải đương đầu với tư cách là thanh tra Cảnh sát. Nahmias lúc đó mỉm cười nói rằng có thể nói là chính vì Eichmann mà họ mới đã gia nhập ngành Cảnh sát, và anh ta nói thật. Sự thật, những người phụ tá của anh và chính anh đã trải qua những năm dài tuổi trẻ của họ như là các người tiên phong của Tân Quuocs gia, và vào năm 1948, họ đã chấp nhận, như là một sứ mạng, gia nhập ngành Cảnh sát để thiết lập và bảo đảm trật tự trong một xã hội dân chủ mới. Một phần lớn dân chúng thuộc thành phần di dân, những kẻ sống sót từ móng vuốt của Eichmann và các thuộc cấp của hắn ta. Những người nầy đã quen sống trong sự áp chế, họ đã có thói quen nghi ngại Cảnh sát, song giờ đây họ đang sống tại Do thái, họ phải tập lại thói quen kính trọng các uy lực của trật tự và tuân theo luật pháp.

     Nahmias đã từng làm phụ tá cho viên Tổng Thanh tra Yeherkel Sahar lúc Quốc gia Do thái vừa được thành lập. Với chức vụ này, anh ta đã dự phần vào việc tổ chức ngành Cảnh sát và đã góp công biến ngành này thành một cơ quan phục vụ Cộng đồng đến độ công chúng không còn cảm thấy đó là biểu hiện của một quyền lực áp chế. Là sĩ quan trong đạo quân Haganah, quân nhân và nhà ngoại giao, anh đã đảm nhận chức vụ Tổng thanh tra khi Sahar được bổ nhiệm làm đại sứ tại Áo quốc. Và ngày hôm nay, cùng với Sela, Sellinger, Keren và một số khác, anh ta lo tới vấn đề Eichmann; họ đã cùng chung xây dựng một hệ thống Cảnh sát có tư cách đáng được sự kính mến và lòng ái mộ của dân chúng, và có khả năng biến cải thái độ của những người trong cộng đồng đối với những người duy trì trật tự. Eichmann, giờ đây thành tù nhân của họ, sẽ được ủy thác vào sự trông nom của những con người đã trở thành nhân đạo hơn bởi các cố gắng của họ trong việc làm thăng bằng những hậu quả của các hành động bạo hành của hắn ta.

     Các viên sĩ quan trở lại các cơ quan của họ.

      Aharon Sela triệu tập các thuộc viên của ông. Một số các người nầy đã từng phục vụ với ông trong đạo quân Haganah và về sau, ở quân đội chính qui trong trận chiến tranh giành độc lập. Ông cho họ hay những gì ông vừa biết được. Ông nói thêm rằng phải không có gì, tuyệt đối không có gì xảy đến cho Eichmann: “Nếu có gì xảy đến cho hắn ta thì mọi việc sẽ hỏng hết”. Họ liệt kê tất cả mọi rủi ro xảy ra và những phương cách để tránh. Buổi chiều, Sela đem đến Nahmias các kế hoạch và bản liệt kê các nhu cầu của ông. Viên phụ tá giúp ông hoàn thành các kế hoạch này là một thanh niên trẻ tuổi thông minh lanh lợi tên là Shaul Rosolio, phụ tá chỉ huy trưởng Cảnh sát khu vực Nam.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #75 vào lúc: 21 Tháng Ba, 2015, 10:24:19 am »

      Lẽ dĩ nhiên là người ta không thể giam giữ Eichmann chung với các tù nhân khác tại một trại giam tầm thường trong một thời hạn nào đó được. Những rủi ro cách ngoại bắt buộc phải có những sự thận trọng dặc biệt, chẳng hạn như hắn ta được giam giữ trong một thành lũy kiên cố, hoặc hơn thế nữa, trong một kiến trúc biệt lập. Sela, Rosolio và các phụ tá của họ, trong khi xem lại danh sách các cơ sở của cảnh sát trong xứ, đã chọn một nhà giam cứu cô lập, ngôi nhà nầy, với một vài sửa đổi, sẽ có thể thích ứng với việc giam giữ Eichmann: Canh giữ liên tục, thuận tiện cho các cuộc thẩm vấn, và được bảo vệ toàn hảo bên trong cũng như bên ngoài. Một cú điện thoại gọi đến Ban quản đốc cơ sở nầy cho biết nó hiện đang giam giữ sáu phạm nhân. Các mệnh lệnh được ban ra lập tức nhằm di chuyển các can phậm và các giám thị của họ, sau đó chuyển giao cơ sở lại cho các nhân viên của Aharon.

     Bốn mươi tám tiếng đồng hồ sau đó, được mệnh danh “trại Iyar”, tên bằng tiếng Hesbreu của tháng mà Eichmann bị đưa về Do thái, nó trở thành nơi trú ngụ tạm thời của tên tù nhân quốc xã được áp giải đến ngày 26 tháng năm.

     Trại Iyar là một nhóm các khu nhà và sân nhỏ bên trong, nằm vươn lên trên một gò đất nằm giữa một thung lũng rộng lớn mà vẻ phì nhiêu ngày hôm nay đã cho thấy các công lao cố gắng của những người tiên phong khai khẩn.. Trong suốt nhiều thế kỷ, bệnh sốt rét ngã nước đã ngự trị tại đây và những dốc đồi bao quanh thung lũng này chứa toàn núi đá và sỏi. Cách đây bốn mươi năm, những người tiên phong Do thái được thúc đẩy bởi lý tưởng Do thái tự trị, đã xây dựng lại trung tâm quốc gia của họ trên mảnh đất cổ xưa này, làm khô cạn những đầm lầy và thiết lập những nông trại cộng đồng mà những quy tắc sống là: “Hãy giúp đỡ đồng bào của anh”.

     Bây giờ họ không thể tưởng tượng được rằng ít lâu sau đó, sáu triệu đồng bào của họ, trong đó có các gia đình của họ sẽ bị tàn sat. Song le, họ đã quen thuộc với những tin tức về các cuộc tàn sát người Do thái tại Nga và các nơi khác.  Trong số họ, có nhiều người đến từ các xứ đã được gieo rắc mầm mống thù ghét đối với người Do thái. Chính vì muốn dẹp tan tai ách này mà họ trở thành người Do thái tự trị. Vì họ cho rằng, nếu sự thù ghét các nhóm thiểu số là một nét đặc biệt của các xã hội sơ khai, sự thù ghét đó đã biến thành bạo lực chống người Do thái hơn bất cứ nhóm chủng tộc nào khác. Sự cuồng bạo nầy đã trở lên mãnh liệt ở nhiều xứ, ở mọi thời đại, từ lúc nền độc lập của Do thái bị sụp đổ và họ bị tống khứ ra khỏi xứ Israel hai ngàn năm trước. Từ đó, họ lang thang trên khắp thế giới, được tiếp rước trọng đại tại một số quốc gia, được dung thứ tại vài nước khác, và sau hết bị đối xử tệ bạc như đám dân đê tiện tại nhiều nơi khác nữa. Chủ đích của những người Do thái tự trị đầu tiên là: “Bình thường hóa” tình trạng của dân tộc Do thái, cho phép họ sống bình thường như các dân tộc khác với lãnh thổ riêng biệt và chính quyền riêng biệt của họ, cho họ tự do cầy cấy, canh tác đất đai (điều mà họ bị từ khước tại rất nhiều xứ), tự do phát triển xã hội riêng của họ, tự do nói thứ ngôn ngữ cổ truyền của họ, ngôn ngữ của Thánh kinh, tự do nuôi dậy con cái trong một bầu không khí không cuống tín, không dọa nạt, không thù hận. Họ nghĩ là cách tốt nhất để chiến thắng các mối nguy của chủ nghĩa bài Do thái. Điều đó cũng sẽ giúp đỡ người Do thái, dù trong bất cứ quốc gia nào mà họ đang sinh sống, đứng thẳng người lên. Nhưng có lẽ đó là định mệnh, họ chỉ đạt được nền độc lập sau khi một phần ba anh em của họ là nạn nhân của cuộc tàn sát khủng khiếp nhất mà thế giới được biết qua. Một trông số những người chịu trách nhiệm về tội ác gớm ghiếc ấy đang bị giam giữ trong một xà lim, trong một ngôi nhà tại thung lũng đáng yêu của họ, và ở đó chờ đợi ánh sáng của công lý.

     Tuy nhiên rất ít người biết đến, vì nơi giam giữ Eichmann được giữ bí mật. Eichmann không thể nhìn thấy bên ngoài, nhưng từ nóc nhà giam, hắn ta có thể nhìn ra khung cảnh trải dài những lá cây xanh tươi, các đồng lúa mì vàng ánh, các vườn cây ăn trái và các đồn điền, bao bọc bởi các ngọn đồi cây cối rậm rạp: Đó là công trình của những người nam nữ thoát hiểm từ các trại tập trung quốc xã và họ đã trở về với những người khai khẩn lập quốc đầu tiên. Họ đã chịu đựng sự ngược đãi tàn bạo về thể xác và những sự sỉ nhục đê tiện nhất, nhưng họ vẫn sống còn. Họ đã thoát khỏi móng vuốt của Eichmann. Họ đã lũ lượt trở về Israel để xây dựng một đời sống mới và dưỡng dục con cái để chúng sẽ không bao giờ được biết đến thế giới của Eichmann. Nông trại cộng đồng gần nhất chỉ cách trại giam có một cây số, nhưng hắn ta không biết.. Hắn ta không thể thấy nỗi vui mừng, nghe được tiếng hát hân hoan của họ. Hắn ta chỉ biết rằng giờ đây hắn ta là tù nhân của họ, rằng hắn ta sẽ bị đưa ra trước một Tòa án dân chủ và rằng những người ấy sẽ không tự tay thi hành công lý.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #76 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2015, 04:31:41 pm »

      Các nhân viên của Aharon đã hoàn tất các bố trí về an ninh khi Eichmann được đưa tới trại Iyar. Cổng vào trại được đóng bằng hai lớp cửa song sắt. Các lính canh ở vòng cửa phía trong chỉ mở theo hiệu lệnh của các cửa lính canh ở vòng cửa phía ngoài. Muốn đến khu kiên cố giam giữ Eichmann, phải đi qua một hành lang hẹp chạy dài giữa hai hàng dây kẽm gai được tăng cường thêm bằng những chướng ngại vật nhân tạo. Cách khoảng đều đặn dọc theo hành lang là những cửa song sắt tiếp nối nhau. Khi đã đi qua một cửa, nó sẽ được khóa lại sau lưng bạn trước khi cửa kế tiếp được mở ra.

     Nơi giam giữ  Eichmann gồm có một phòng lớn, một phòng tắm và một phòng vệ sinh, tất cả hợp thành chữ L  và đẩy ra một cái sân bên trong. Căn dài bốn thước trên ba thước và chiều cao đến trần nhà là ba thước năm mươi. Phía trên bức tường là một cánh cửa rộng có chấn song sẳt. Tường quét vôi trắng tinh. Đồ đạc gồm có một chiếc giường sắt có nệm, một ghế và một chiếc bàn nhỏ, và một cái ghế khác tại một  góc dành cho người lính gác. Phòng tắm gồm một cái bông sen, một cái thau nhỏ và một vòi nước nơi hắn ta giặt quần áo. Quần áo giặt xong được phơi trên các chấn song sắt cửa sổ phòng tắm ngó ra sân.

       Bốn người canh gác thường trực trong khu này, bốn giờ họ đổi phiên một lần. Không người nào đưực mang vũ khí, cả một con dao hay cây dùi cui, nhưng tất cả đều cao lớn và lực lưỡng, đủ sức chế ngự hắn ta bằng tay. Một trong những người nầy đi theo sát hắn ta ở mọi nơi. Trong phòng, người gác nầy ngồi tại một góc, mắt không bao giờ rời khỏi hắn ta. Không một người gác nào được mở miệng. Họ đã được lệnh giữ im lặng trong tất cả mọi trường hợp. Lúc đầu Eichmann đã cố gắng gợi chuyện với họ,.nhưng hắn ta phải từ bỏ chuyện ấy sau vài tuần lễ.

      Khi Eichmann đi vào phòng tắm, một người gác bước theo. Đó là người gác duy nhất không mang chìa khóa. Anh ta bị nhốt trong phòng bởi một người gác thứ hai đứng sau cánh cửa lưới sắt và canh chừng liên tục cùng một lúc Eichmann và người gác thứ nhất. Một người gác thứ ba được đặt phía bên ngoài cánh cửa lưới mở ra sân và trông chừng người gác thứ hai. Người gác thứ tư đi tuần trên nóc nhà và có thể nhìn thấy người gác thứ ba và thứ hai và, nghiêng người xuống, nhìn bên trong căn phòng của Eichmann xuyên qua màn lưới sắt của cánh cửa.

     Hiện diện trong mỗi phiên gác, một người thư ký giữ một quyển nhật ký ghi đầy đủ những chi tiết về các hành động của Eichmann ; ngoài ra còn có một thanh tra cảnh sát sẵn sàng đương đầu với mọi bất trắc. Viên thanh tra cảnh sát hiện diện mỗi lần Eichmann di chuyển từ phòng giam đến phòng tắm hoặc phòng thẩm vấn. Tiếp cận khu này có một phòng cũng hướng ra sân. Trong các cuộc thẩm vấn, Eichmann được dẫn tới phòng nầy mà cách bố phòng tương tự được áp dụng : một người gác riêng với hắn ta trong phòng (cộng thêm thẩm vấn viên), một người khác bên ngoài phòng nhìn vào bên trong, một người khác nữa trong sân để giám sát người gác thứ hai và người sau chót canh phòng trên nóc nhà. Toàn thể các người canh gác riêng biệt ẩy, nhưng kẻ duy nhất được thấy Eichmann được gọi là Lực lượng A. Nhóm nầy, như tôi đã nói, không được mang vũ khí, nhằm ngăn ngừa một người gác có thể tự ý thi hành công lý.

       Lực lượng B là nhóm được chỉ định ngăn ngừa mọi cuộc tấn công từ bên ngoài, một âm mưu ám sát hoặc bắt cóc. Họ bố trí trong chu vi vòng rào kiên cố và trang bị vũ khí mạnh mẽ. Nhưng không một phần tử nào được nhìn thấy Eichmann hoặc chỗ nhốt hắn ta. Như thế, dù cho có muốn, họ cũng chẳng bao giờ bắn được hắn ta. Lực lượng B nầy gồm các phần tử thiện chiến của Lực lượng Cảnh sát biên phòng, tất cả đều là Cựu chiến binh, một số là Cựu quân nhân nhẩy dù.

     Phục vụ họ có một nhóm lao công lo các công tác tầm thường về tiếp tế lương thực.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #77 vào lúc: 24 Tháng Sáu, 2015, 06:35:20 pm »

       Đứng đầu các Lực lượng A và B và được giao trọng trách cai quản toàn bộ Trại Iyar, là một viên thanh tra cảnh sát trẻ tuổi đã có thành tích sáng chói trong quân đội và Cảnh sát, thiếu tá David Oler. Cánh tay mặt của ông ta, viên Tổng giám thị là một ông già bốn mươi tám tuổi, tiểu đoàn trưởng Lực lượng Biên phòng.

       Ngày của  Eichmann bắt đầu từ lúc 6 giờ 30. Hắn ta tự tay quét dọn căn phòng và làm việc nầy một cách tỉ mỉ theo cùng một diễn tiến mỗi sáng. Hắn ta quét sàn nhà bằng năm phát chổi theo chiều dọc, kế đó theo chiều ngang. Một buổi sáng, hắn ta chỉ quét có bốn phát chổi trước khi đổi chiều. Hắn ta ngừng lại, cảm thấy có một cái gì không ổn, gục gật đầu, “xì” một tiếng bực bội, lấy lại tự chủ và hoàn tất công việc quét dọn. Hắn ta hình như có vẻ bực bội suốt cả ngày.

      Sau việc tắm rửa người gác cửa đưa cho hắn ta một dao cạo râu chạy bằng pin và hắn ta cạo râu. Đôi khi hắn ta bị thẩm vấn sau buổi ăn điểm tâm.

       Những hôm không bị thẩm vấn, hắn viết lách với một cây viết nguyên tử và mớ giấy mà người ta đưa cho hắn ta. Sau buổi cơm trưa, hắn ta tiếp tục viết hoặc đọc các tiểu thuyết ngắn bằng tiếng Đức. Một trong các cuốn sách hắn ta đọc mang tên là Quán trọ của Salome, đã làm hắn ta khóc sướt mướt. Quyển sách nầy có một đoạn liên quan đển một ngôi Giáo đường tại Salzbourg, mà ngày xưa, hắn ta đã từng gặp gỡ một mối tình tuổi trẻ trước sân. Sau cơn xúc động đầy nước mắt nầy, hắn ta đặt quyển tiểu thuyết xuống và yêu cầu những người gác đừng đem đến cho hắn ta những quyển tiểu thuyết tình cảm nữa.

       Trước khi đi ngủ, hắn ta giặt quần áo — áo veste, quần đùi, vớ, áo sơ mi và quần ka ki ngắn — để cho ráo nước trong thau trước khi phơi lên vào sáng hôm sau. Trở về phòng, hắn ta có thể đọc sách, trong trường hợp nầy người ta để đèn trên trần nhà cháy sáng, hoặc nếu đi ngủ, người ta sẽ để đèn chông để lúc nào cũng có thể nhìn thấy hắn ta.

       Máy cạo râu chạy pile và cây viết nguyên tử với chất mực không độc được dùng để đề phòng những mưu toan tự tử. Không còn cái gì khác trong phòng có thể giúp hắn ta tự hại nếu hắn ta muốn. Người ta cho hắn ta hút năm điếu thuốc mỗi ngày, mỗi điếu đều do một người gác đốt sẵn và trao cho. Để giảm thiểu mối nguy có thể bị đầu độc, người ta dọn cho hắn ta cùng các món đồ ăn với các người gác. Đến giờ ăn, năm đĩa đồ ăn được dọn từ nhà bếp lên khu vực giam giữ Eichmann và viên thanh tra trực tập hợp các nhân viên canh gác lạii. Sau đó, ông chọn đại một trong các đĩa đò ăn đó cho Eichmann, bốn đĩa còn lại được phân phối giữa những người gác. Bằng cách này, nếu có một kẻ nào đó len lỏi vào nhà bếp với ý định đầu độc hắn ta thì kẻ đó sẽ không làm sao biết được phải bỏ thuốc độc vào đĩa nào, Eichmann dùng bữa trước sự hiện diện của viên thanh tra.

       Những hôm đầu tiên, Aharon bị lúng túng bởi cặp mắt kiếng của Eichmann, hắn ta cần kiếng để đọc sách và viết. Nhưng các tròng mắt kiếng có thể bị đập bể và dùng để cắt một mạch máu. Aharon giải quyết vấn đề bằng cách nhờ một người bán kiếng chế ra loại mắt kiếng không bể.

       Những người canh giữ hắn ta nhận thấy rằng, trong vài tuần lễ đầu tiên, hắn ta còn có vẻ sự hãi. Nhưng sau đó, cử chỉ của hắn ta trở lại bình thường, mặc dù hắn ta đã tỏ vẻ bị khích động mỗi khi có một cuộc viếng thăm của một viên thanh tra cảnh sát nào khác hơn là viên thanh tra chỉ huy toán canh gác. Lúc ấy, hắn ta đứng lên, gom cặp giò khẳng khiu lại, nghiêng đầu chào một cách khô khan và đứng ở thế nghiêm, cổ họng giật giật và nét mặt căng thẳng. Với mái tóc lưa thưa điểm hoa râm và cặp kiếng gọng đồi mồi, trong căn phòng giam, hắn ta có dáng dấp của một nhân viên bị thất bại của một cơ sở thương mãi làm ăn thua lỗ, muốn tỏ ra ta đây là một cấp chỉ huy thành công.

      Hắn ta có vẻ kinh hãi trong khi di chuyển đến trại lyar. Trước khi đến nơi ít lâu,, người ta bịt mắt hắn ta lại. Hắn ta ngồi phía sau xe, giữa hai người gác, mỗi cổ tay bị còng dính vào cổ tay một người gác, Khi người ta đeo kiếng mờ vào cho hắn ta, hắn ta bắt đầu toát mồ hôi và run rẩy, ngay cả sau khi người ta xác nhận rằng không làm gì hại đến hắn ta cả. Hắn ta chỉ thoát khỏi trạng thái ấy nhiều ngày sau. Những người canh gác hắn ta khó tưởng tượng được rằng con người với dáng dấp tầm thường như vậy lạilà  môt tên ác quỷ dưới bộ đồng phục SS đã từng ra lệnh tàn sát nhiều triệu người.
Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #78 vào lúc: 27 Tháng Sáu, 2015, 01:03:05 pm »

                                                                            X - PHÒNG 06


      Sau khi bị câu lưu, Eichmann phải chịu nhiều cuộc thẩm vấn mỗi tuần. Hắn ta cũng đã quyết định viết tự truyện của mình.

     Hắn ta nói sự thật chăng ?

     Những người đủ tư cách nhất để phê phán điều đó là nhân viên của Phòng 06, dưới sự điều khiển của thiếu tá Avraham Selinger.

     Selinger và toán của ông đến trại lyar, ba ngày sau khi Eichmann được chuyển đến: ông bắt tay ngay vào công việc bề bộn của công cuộc chuẩn bị các chứng cứ buộc tội. Ông chọn lựa thành phần thuộc viên gồm hai mươi điều tra viên già kinh nghiệm của cảnh sát, trong đó có viên phụ tá của ông từ nhiều năm qua tại cơ quan C.I.D., chỉ huy phó Ephraim Hoffstetter.

       Đây là một công việc rất nghiêm mật, và Selinger đặt ra những quy tắc sắt đá để thỏa mãn những đòi hỏi của chính thể dân chủ. Tại Do thái, cũng như trong tất cả các chế độ dân chủ khác, mọi người đều
được coi là vô tội khi ra trước tòa án. Viện dẫn các bằng cớ về tội trạng của y là nhiệm vụ của bên khởi tố, Vậy cho nên không có gì có thể được cho là toàn hảo.

       Mặc dù hàng triệu chữ đã viết ra về chương trình tận diệt của bọn quốc xã và hàng khối bằng chứng đã được trưng ra trong những vụ án khác nhau về tội phạm chiến tranh, cho thấy sự tham dự của Eichmann trong kế hoạch nầy, tất cả mọi nguồn tin phải được phối kiểm, mỗi chữ, mỗi tài liệu phải được kiểm chứng về tính cách xác thực. Các bản phúc trình không được xác nhận rõ ràng bởi các nhân chứng đã nhìn thấy tận mắt hoặc bởi các tài liệu có chữ ký, hoặc hỏi chính Eichmann trong các cuộc thẩm vấn, đều bị loại bỏ thẳng tay. Chỉ duy bằng chứng coi như có thể được chấp nhận bởi Tòa án Do thái mới được rời khỏi Phòng 06 để được đệ trình cho ông Chưởng lý, tại bộ Tư pháp. Một viên chức tại bộ này, ông Gabriel Bach, được biệt phái đến Phòng 06.

      Những nguồn gốc căn bản chính của hồ sơ Eich- mann là những bài tường thuật các vụ kiện tội ác chiến tranh đã xử tại tòa án Nuremberg ; mười hai vụ kiện tội phạm chiến tranh ít quan trọng hơn do người Hoa Kỳ thẩm cứu tại Đức quốc sau vụ án Nuremberg ; các vụ kiện đã được Thẩm cứu tại các nước đã bị Đức chiếm đóng ; văn khố vĩ đại của Viện Tưởng Niệm Yad Vashem ở Jérusalem, chứa đựng các bản phúc trình của các cộng đồng Do thái Âu châu, những quyển nhật ký riêng viết tay, các bản phúc trình của những kẻ bị lưu đày tại các trại tập trung ; những tài liệu trong văn khố của Bộ Ngoại giao Hoa kỳ và các Bộ Ngoại giao Anh, Pháp và những quốc gia đã từng bị Đức chiếm đóng ; cùng những tài liệu khác của quốc xã tịch thâu được. Tất cả các yếu tố ấy được xét duyệt cẩn thận để trích ra những sự việc chỉ liên quan đến trường hợp của Eichmann. Selinger đã đích thân làm nhiều chuyến công du để tham khảo trong các văn khố tại các thủ đô ngoại quốc, nơi ông đã được hưởng sự hợp tác hoàn toàn của phần đông các chính phủ.

         Nhưng có thêm hai nguồn cung cấp tin tức mà ông ta có thể thâu lượm được, các nguồn tin tức nầy chưa có lúc các vụ kiện được đem ra xét xử ngay sau khi chiến tranh chấm dứt. Một nguồn gồm những tự truyện của những kẻ sống sót từ các trại tận diệt, đã về định cư tại Do thái sau đó. Nguồn thứ hai — quan trọng nhất — là chính Eichmann.

       Các cuộc thẩm vấn Eichmann đều chỉ do phòng 06 thực hiện. Trước mỗi phiên, người ta báo trước cho viên trưởng trại để sắp đặt đưa Eichmann đến căn phòng thẩm vấn tiếp giáp với phòng giam hắn ta, vào giờ đã ấn định.
« Sửa lần cuối: 27 Tháng Sáu, 2015, 01:11:00 pm gửi bởi huytop » Logged
huytop
Thành viên
*
Bài viết: 919


« Trả lời #79 vào lúc: 05 Tháng Bảy, 2015, 09:09:43 am »

        Cuộc thẩm vấn được thực hiện bằng tiếng Đức. Trên bàn có đặt một máy thâu băng và một máy vi âm cho thẩm vấn viên và một cho Eichmann. Sau mỗi cuộc thẩm vấn, bài thâu băng được ghi lại trên giấy và cho Eichmann coi lại. Đôi khi hắn ta sửa đổi đôi chút, hoặc viết thêm vài chi tiết, rồi ký tên.Hắn ta ký tắt dưới những chỗ sửa đổi cũng như dưới mỗi trang giấỵ. Từ đó bản khẩu cung sẵn sàng để trưng ra. Kế đó, những trang giấy nầy sẽ được dịch sang tiếng hébreu dưới sự kiểm nhận lại và ký tên chịu trách nhiệm của một sĩ quan Cảnh sát và bản phiên dịch được chứng nhận là xác thực và được phép mang trình tòa án.

        Ngoài những cuộc thẩm vấn liên quan trực tiểp đến các hoạt động của hắn ta, người ta thường trưng ra cho Eichmann thấy các tài liệu mà Phòng 06 đã tìm ra trong các văn khố. Người ta yêu cầu hắn ta chú giải các tài liệu ấy. Nếu là một lệnh được tìm thấy trong số các tài liệu quốc xã bị tịch thâu thì người ta hỏi hắn ta còn nhớ nó không, có!, hắn ta công nhận tính cách xác thực của nó không, và nó phát sinh trong các hoàn cảnh nào. Hắn ta ký tên dưới những lời chú giải của mình, và bản tài liệu trở thành một lời cung khai để trưng ra.

         Các lời khai của hắn ta trong các buổi thẩm vấn được bổ túc bởi tự truyện mà hắn ta đã bắt đầu viết ít lâu sau khi bị giam giữ. Và điều đó đã trở thành một dữ kiện bổ túc để cho vào hồ sơ.

        Eichmann nói sự thật chăng ?

        Khi bọn quốc xã, có một dĩ vãng và hồ sơ cùng loại, bị bắt được, chúng phản ứng theo một trong ba cách sau đây; chúng chịu nói nhưng nói láo; chúng chịu nói và nói sự thật; chúng giữ im lặng.

          Một số hãnh diện vì qui phạm quốc xã của chúng, đã giữ một sự im lặng, ngạo mạn trong khi nhấn mạnh những gì chúng đã làm là do lòng yêu nước. Họ không có một chút ân hận nào. Những kẻ đã bắt được chúng muốn đối xử ra sao cũng được, chúng không góp phần vào việc làm sáng tỏ quá khứ, chắc chắn là không đối với những người mà họ đã từng khinh bỉ, và đã muốn tiêu diệt, và do một sự ngẫu nhiên của định mệnh ngày hôm nay những ngườ nầy đã nắm phần thắng. Người ta có thể kết án những con người ấy vì các tội ác của họ, nhưng cũng có thể một chút phẩm cách nào đó trong một thái độ như vậy.

      Một số khác, hổi hận vì những hành vi tàn bạo của chúng, đã chịu nói và nói sự thật. Ớ đây cũng vậy, cũng có một thứ nhân phẩm nào đó.

      Người ta không thể nói Eichmann thuộc loại nào trong hai loại nầy. Rõ ràng là hắn ta đã tìm cách nói láo để tránh bị kết tội. Hắn ta tìm cách gây một ấn tượng là hắn ta ta thẳng thắn và ngay thật, Nhưng hẳn ta nói dối bằng những phương cách nhỏ nhặt khác biệ nhau ở những chỗ mà hắn ta nghĩ là có thể thoát được. Hắn ta cũng không luôn luôn gây cảm giác là mình có thiện ý và khéo léo trong cung cách trả lời các câu hỏi. Trong các cuộc thẩm vấn, hắn ta tự mâu thuẫn nhiều lần mà không hay biết. Đôi lúc, khi người ta bắt quả tang hắn ta nói láo, hắn ta đã chỉ làm cho mình càng bị lún sâu hơn trong khi tìm cách gỡ ra.

         Tự truyện của hắn ta là một mưu toan kép để tự bạch hóa và trình bày hoàn cảnh của mình như là hoàn cảnh của một viên chức trung cấp chỉ biết thị hành các mệnh lệnh. Đó cũng là thái độ của hắn ta trong suốt các cuộc thẩm vấn. Khi người ta trưng ra trước mặt hắn ta những tài liệu chứa đựng một mệnh lệnh mang chữ ký của hắn ta, hắn ta thừa nhận tính cách xác thực của nó nếu điều này hợp với đường lối hiện hộ của hắn ta. Nếu, ngược lại việc này làm nặng tội, hắn ta viện dẫn một sự mất trí nhớ.

         Các tài liệu văn khố của Phòng 06 được kiểm xét kỹ theo từng quốc gia và từng tội ác. Mỗi quốc gia có người đã bị tiêu diệt có một ban riêng, được điều khiển bởi một điều tra viên cảnh sát, người nầy thường là một người di dân ở xứ đó và nói tiếng xứ đó trôi chảy ngoài tiếng Bức và tiếng hébreu. Người này và nhóm của ông ta khảo xét từng tài liệu chiểu theo tinh cách xác thực và sự liên hệ của nó với trường hợp Eichmann. Nếu tài liệu được chấp thuận, nó được ghi vào vựng tập, phiên dịch, và cho vào hồ sơ cáo tố.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Bảy, 2015, 09:22:20 am gửi bởi huytop » Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM