Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 06:12:07 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bí mật đội quân Lê Dương Pháp.  (Đọc 79101 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« vào lúc: 08 Tháng Tám, 2008, 11:11:51 pm »

Tác giả: Đào Ngọc Ninh.
Nhà xuất bản: Công an nhân dân
Năm xuất bản: 2007.
Số hóa: ptlinh, dongadoan.


LỜI NÓI ĐẦU

  Quân đội là công cụ bảo vệ lợi ích một giai cấp, tầng lớp, quốc gia, đó là chuyện bình thường. Nhưng việc một quốc gia, một nhà nước sử dụng một đội quân bao gồm - song không phải chỉ cấu thành từ các công dân của mình để bảo vệ lợi ích của mình, lại là một chuyện khác. Lại càng khác nữa nếu lại là việc chuyên nghiệp hoá một đội quân đánh nhau chỉ vì được thuê tiền. Nhưng đó là sự thật trong lịch sử quân sự thế giới. Những đội quân đánh thuê xuất hiện từ rất sớm. Thời đế quốc La Mã cổ đại đã có các binh đoàn lính đánh thuê người Sparta. Tại Pháp, việc tuyển mộ lính đánh thuê người nước ngoài đã có từ thế kỷ 12 dưới triều vua Philippe Auguste dưới
hình thức "những đại đội tự do". Việc tuyển mộ những đội quân đánh thuê người nước ngoài chiến đấu cho mình không phải là chuyện hiếm hoi. Tuy nhiên, cho đến trước năm 1831, những đội quân đánh thuê làm nhiệm vụ bảo vệ và tham gia những cuộc chiến tranh mà người trả tiền thuê nó tham gia. Tóm lại, đó là một đội quân thông thường chỉ khác là gồm người nước ngoài và chiến đấu cho người trả tiền thuê.

  Đối với đội quân Lê dương Pháp ra đời năm 1831 thì ngoài những đặc điểm chung của những đội quân đánh thuê chuyên nghiệp, nó có đặc điểm riêng là ra đời nhằm phục vụ những cuộc chiến tranh xâm chiếm và bảo vệ những thuộc địa của Pháp. Vì vậy, lịch sử của nó gắn liền với những thuộc địa, khu vực "Pháp quốc hải ngoại" của "Mẫu quốc". Trên thế giới, hiện nay chỉ có Pháp và Tây Ban Nha là tổ chức đạo quân Lê dương nhưng đội Lê dương Tây Ban Nha chỉ là học theo mô hình của Pháp và quy mô cũng như quá trình chiến đấu của nó tầm vóc nhỏ bé hơn nhiều. Đội Lê dương Tây Ban Nha được lập ra chỉ để bảo đảm an ninh cho khu vực Morocco thuộc Tây Ban Nha mà thôi. Ở Việt Nam, những người đã sống qua những năm kháng chiến 1946-1954 đều nghe danh biết tiếng "lính Lê dương". Thế nhưng, có lẽ đó phần lớn là kinh nghiệm có được trong quá trình chiên đấu cũng như quan sát trong cuộc sống của những chiên sĩ Vệ quốc đoàn hay những người dân bình thường. Khi nói đến 1ính Lê dương thường được mô tả là một loại lính ác ôn khét tiếng. Cũng có khi xảy ra sự nhầm lẫn. Cha mẹ của tác giả, nhũng người đã trực tiếp cầm súng chiên đấu suốt 9 năm kháng chiên, khi kể lại những kỷ niệm chiến đấu của mình cho con cháu nghe, đôi khi nhắc đền cụm từ "lính Lê dương mũ đỏ". Thực ra, mũ nồi đỏ là của binh lính các tiểu đoàn dù thuộc địa Pháp, học theo trang phục của các đơn vị biệt kích dù SAS của Anh thời Đại chiến thế giới thứ hai. Sự nhầm lẫn này có lẽ bắt nguồn chính từ cái "danh tiếng lẫy lừng" của lính Lê dương nên người ta có thể quy chụp cho nó tất cả mọi thứ, một sự quy nạp không hẳn là hoàn toàn oan uổng.

  Tác giả chỉ là một người yêu thích môn lịch sử, mong muốn được chia xẻ với quý vị độc giả một nguồn thông tin tham khảo về một đạo quân đánh thuê chuyên nghiệp, một hiện tượng đặc biệt trong lịch sử quân sự thế giới. Trong quá trình cầm bút, chắc chắn không tránh khỏi sai sót, tác giả rất mong nhận được những ý kiến đóng góp của quý vị  độc giả xa gần.

  Xin trân trọng cảm ơn.

Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #1 vào lúc: 08 Tháng Tám, 2008, 11:21:13 pm »

Chương 1
SỰ RA ĐỜI CỦA MỘT ĐỘI QUÂN


I, “Toa” chỉ tuyên thệ với “Toa", nước Pháp là chuyện rất... xa


  Việc sử dụng lính đánh thuê trong quân đội Pháp đã có từ rất sớm.
 
  Từ thế kỷ 15, vua Louis 11 đã tổ chức đội quân đánh thuê toàn lính cận vệ người Scotland. Nhiều triều đại sau đó, từ vua Francois 1 đến Louis 16 đều sử dụng các đơn vị lính đánh thuê người Đức và Thụy Sĩ.

  Vua Francois 1 tín nhiệm lính đánh thuê nước ngoài đến mức tuyển mộ lính đánh thuê Thụy Sĩ làm lính Ngự lâm trực tiếp bảo vệ mình.
 
  Đội quân Lê dương là một đạo quân đánh thuê chuyên nghiệp. Nó thể hiện ở chỗ những người ra nhập không tuyên thệ trung thành với nước Pháp mà chỉ tuyên thệ trung thành với Đội Lê dương. Người ta không hỏi gì về quá khứ của kẻ gia nhập mà chỉ đòi hỏi anh ta phải hoàn thành hợp đồng khi đã ký. Đã ký rồi thì không có đường lui.

  Năm 1567, đơn vị Ngự lâm quân Thuỵ Sĩ này đã cứu vua Charles 9 thoát chết nên lại càng được các triều đại vua chúa tiếp theo tin dùng. Trong Cách mạng Pháp, trước nguy cơ quân Phổ xâm lược, Quốc hội Pháp đã thành lập "Binh đoàn tình nguyện người nước ngoài" ngày 7/6/1792. Một số binh đoàn người Italia, Ba Lan, Hà Lan cũng được tổ chức trong thời kỳ các cuộc chiến tranh cách mạng. Hoàng đế Napoleon cũng sử dụng rộng rãi các binh đoàn lính đánh thuê nước ngoài người Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Đức và Ba Lan. Các binh đoàn này đã chiến đấu trên khắp châu Âu từ Tây Ban Nha sang đến Jena, Nga và Wagram.

  Năm 1815, sau thất bại của Napoleon, các binh đoàn nước ngoài bị giải thể nhưng một thời gian ngắn sau lại xuất hiện cái gọi là "Binh đoàn Hoàng gia người nước ngoài". Năm 1821, binh đoàn này đổi tên thành "trung đoàn Hohenlohe". Khoảng 10 năm sau, trong những ngày đầu lên ngôi, vua Louis Philippe cho giải thể trung đoàn Hohenlohe và tổ chức lại các đơn vị lính đánh thuê người nước ngoài với tên gọi mới là Binh đoàn người nước ngoài (Foreign Legion).

 

Tranh vẽ một trận đánh của Foreign Legion

  Chữ Legion vốn nguồn gốc từ Le gio, một từ tiếng La tinh chỉ các binh đoàn chiến đấu - La Mã thời cổ đại. Khi Pháp đưa đội quân này sang xâm lược Việt Nam, nhân dân ta đã Việt. hoá từ Legion thành ra Lê dương. Cái tên đội quân Lê dương dần dần trở nên quen thuộc từ đó.

  Ngày 10/3/1831, vua Louis Philippe ký sắc lệnh thành lập đạo quân Lê dương, chính thức khai sinh một đội quân đánh thuê chuyên nghiệp. Sau năm 1871, nước Pháp đứng trước mối đe doạ của quân đội hùng mạnh của nước Đức mới thống nhất. Các đơn vị quân đội người Pháp phải tăng cường vào việc phòng thủ chính quốc. Thế nhưng, lúc này Pháp chuẩn bị bắt đầu quá trình xâm chiếm các thuộc địa nên ý tưởng thành lập những đội quân đánh thuê đã trở thành hiện thực. Cùng với đạo quân Lê dương, Pháp còn thành lập các binh đoàn thuộc địa gồm binh lính người các quốc gia thuộc địa của Pháp. Tuy nhiên, người thuộc các dân tộc thuộc địa Pháp không được quyền ra nhập đội Lê dương.

  Mãi đến sau này, trong thời kỳ chiến tranh Đông Dương 1946-1954, do thiếu quân trầm trọng, bị dư luận chính quốc phản đối chiến tranh mạnh mẽ trong khi đòi hỏi phải tăng cường khả năng chiến đấu tại chiến trường không hề giảm, tướng De Lat mới cho phép thành lập các đại đội người các dân tộc Đông Dương trong các tiểu đoàn Lê dương gọi là đại đội CIPLE. Khi hệ thống thuộc địa của Pháp tan rã, việc thu nhận tân binh Lê dương mới không còn phân biệt nữa.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #2 vào lúc: 09 Tháng Tám, 2008, 01:31:20 pm »

II, “Toa” đánh, "moa” chi - tiền tươi thì trách nhiệm... thật

  Suốt một thời kỳ dài, châu Âu luôn bị xáo trộn bởi các biến cố chính trị, các cuộc cách mạng, chiến tranh. Những người tị nạn, lưu vong, thất nghiệp, bọn lưu manh đầu trộm đuôi cướp từ các nước láng giềng đổ xô tới Pháp càng tạo điều kiện thuận lợi cho đội Lê dương mộ lính, tuyển quân. Quản lý ra sao đội quân ô hợp ấy cũng là một nghệ thuật và không đơn giản. Một câu chuyện mô tả việc đăng lính vào đội Lê dương thời kỳ này như sau. Một võ sĩ quyền Anh, trong bước đường cùng vì bị kẻ thù trong giới giang hồ truy sát, chạy vào một trạm tuyển mộ lính Lê dương và nói rằng anh ta muốn gia nhập đội quân này. Viên sĩ quan tuyển quân, một sĩ quan Lê dương, không hỏi một lời về quá khứ của người võ sĩ quyền Anh, chìa ra cho anh ta một tờ đơn bảo ký tên vào đấy. Mặt lạnh như tiền, ông ta chỉ vào cái chân tập tễnh của mình "Soissons, 1918", chỉ vào con mắt chột "Morocco , 1922" và nói thêm "Ký đơn rồi, anh không thoát được đâu. Chỉ có 3 con đường quay trở lại đất Pháp. Một là hoàn thành hợp đồng. Hai là bị tàn tật. Ba là. . . trong một cái hòm.

  Đội Lê dương được thành lập để chiến đấu tại các vùng lãnh thổ "Pháp quốc hải ngoại", có nghĩa là để xâm chiếm các thuộc địa mới và bảo vệ quyền lợi của Pháp tại các thuộc địa. Vì vậy tính chất phản động, liều mạng của đội Lê dương cao hơn rất nhiều so với các đội quân đánh thuê nước ngoài phục vụ các vương triều phong kiến trước đó. Dù rằng, trong thực tế, các đơn vị Lê dương đã ba lần tham chiến tại chiến trường Pháp trong 2 cuộc Đại chiến thế giới nhưng phần lớn lịch sử chiến đấu của đạo quân đánh thuê này gắn với các cuộc xâm lược và chiếm đóng thuộc địa.
 
  Tính chất đánh thuê còn thể hiện ở chỗ ai chi tiền, kẻ ấy là chủ mà lính Lê dương thì chiến đấu cho người trả lương cho mình. Vì vậy mà đã có trường hợp như tại Syria năm 1940, bán lữ đoàn Lê dương 13 theo phe Đờ Gôn và trung đoàn 6 bộ binh Lê dương theo Chính phủ Vichy thân phát xít, đã đụng nhau và theo đúng tư tưởng ai thờ chủ nấy, chiến đấu cho người trả lương, hai bên đã choảng nhau một cách "có kỷ luật" và rất chuyên nghiệp, chẳng kể gì đến tình nghĩa cùng là lính Lê dương với nhau.
 
  Si di Bel Abbes, một thành phố thuộc Algeria mới bị chiếm đóng năm 1830 thì năm 1831 được chọn đặt đại bản doanh của đội Lê dương. Đây cũng  là một nét đặc biệt vì một đạo quân đặc biệt thuộc quân đội Pháp mà đại bản doanh lại đặt bên ngoài nước Pháp, tại một thuộc địa. Sau khi Algeria giành được độc lập năm 1962, đại bản doanh của đội Lê dương mới chuyển về Pháp.
 
  Cuối năm 1832, đạo quân Lê dương của Pháp chỉ có 7 tiểu đoàn. Tiểu đoàn 1 gồm lính trong các trung đoàn Thuỵ Sĩ trước kia. Tiểu đoàn 2 và 3 gồm lính đánh thuê quốc tịch Thuỵ Sĩ và Đức. Tiểu đoàn 4 gồm lính Tây Ban Nha. Tiểu đoàn 5 gồm lính quốc tịch Italia. Tiểu đoàn 6 gồm lính Bỉ và Hà Lan. Tiểu đoàn 8 gồm lính Ba Lan. Tổng số lính thời kỳ này chỉ khoảng 3 nghìn người từ 7 quốc gia lân cận với Pháp ở châu Âu. Đến sau Đại chiến thế giới thứ hai thì trong đội Lê dương của Pháp đã có sự hiện diện người thuộc 52 quốc tịch khác nhau trên thế giới.

  Nói cho công bằng, đội Lê dương là một đội quân nhà nghề được tổ chức chặt chẽ, có chuyên môn cao. Một số đơn vị của nó đã có những trang sử vẻ vang như bán lữ đoàn Lê dương 13 đã sát cánh cùng quân Đồng minh chống phát xít trong Đại chiến thế giới thứ hai. Dù vậy, bản chất đội Lê dương Pháp vẫn là đánh thuê chuyên nghiệp không có lý tưởng, phản động. Phần lớn lịch sử chiến đấu của nó chỉ gắn liền với những cuộc xâm lược, chém giết đáng lên án mà thôi.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #3 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2008, 10:58:14 am »

Chương 2

CUỘC CHIẾN VÌ TIỀN NHÂN DANH KHAI HOÁ


I, Bắt đầu mối nợ truyền kiếp Algeria

  Năm 1830, Algeria rơi vào ách chiếm đóng của Pháp nhưng nhân dân Algeria đã không chịu ngồi yên. Abdel El Kader, tiểu vương Mascara, một . thủ lĩnh trẻ tuổi yêu nước đã lãnh đạo nhân dân đứng lên khởi nghĩa chống lại quân xâm lược Pháp. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan ra khắp nơi. Ngày 11/11/1832, Abdel Kader dẫn 3 nghìn kỵ bình tiến đánh Oran, Algeria.


Abdel El Kader, lãnh tụ phong trào kháng chiến chống Pháp ở Algeria

  Trong các đơn vị Pháp phòng thủ Oran có tiểu đoàn 4 Lê dương. Trận đánh ác liệt kéo dài đến tối, Abdel El Kader ra lệnh rút lui. Tuy không chiếm được Oran nhưng quân khởi nghĩa của Abdel El Kader đã làm cho quân Pháp lo sợ. Phong trào khởi nghĩa của Abdel El Kader còn kéo dài nhiều năm sau tại Algeria mới bị đàn áp.

II, Tắm máu Tây Ban Nha 1835 - 1839 - ra đời kiểu tác chiến hỗn hợp đầu tiên

  Năm 1833, Vua Feđinan 7 trước khi băng hà đã di chiếu truyền ngôi cho con gái 3 tuổi của mình, công chúa Isabella, với Hoàng hậu Maria Cristina nhiếp chính. Hoàng thân Don Carlos, em của nhà vua, chống lại việc thừa kế ngôi báu của cháu mình. ông ta dấy binh nổi dậy ở miền Bắc vương quốc. Căn cứ vào Hiệp ước Tam phương giữa Anh, Pháp và Bồ Đào Nha tháng 6/1834, các bên sẽ can thiệp để giúp đỡ Nữ hoàng nhỏ tuổi. Anh gửi 12 nghìn quân đến đầu tiên, triển khai quanh vùng San Sebastian. Lực lượng viễn chinh Pháp đến sau.
 
  Thực ra đây chính là Đội quân Lê dương mà Pháp cho Hoàng hậu Maria Cristina "mượn", đổi lại, Tây Ban Nha phải trả lương và chịu chi phí cho đạo quân này. Nhưng, cuối cùng Pháp lại phải tăng viện gấp tiểu đoàn 5 Lê dương Italia và tiểu đoàn 7 Lê dương Ba Lan cho quân Pháp ở mặt trận Oran, Algeria đang bị quân khởi nghĩa của Abdel Kader tấn công mạnh. Những tiểu đoàn này cũng chỉ làm được việc giúp cho quân của tướng Trezel khỏi bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận đánh Macta ngày 27- 29/6/1835. Sau đó, quân của tướng Trezel và các tiểu đoàn Lê dương phải rút lui và họ xuống tàu rời Taragona ngày 19/8/1835.
 
  Cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha giữa lực lượng của Hoàng hậu Cristina và Hoàng thân Don Carlos diễn ra ác liệt và đẫm máu. Người ta gọi binh lính của Hoàng hậu Cristina là "quân Cristinos" và quân của Hoàng thân Carlos là "quân Carlist". Hai đạo quân này khi giáp chiến với nhau thì chém giết nhau kịch liệt. Quân Lê dương chiến đấu bên phe Hoàng hậu Cristina cũng không ngoại lệ. Chẳng có Thánh thần phù hộ kẻ nào vô phúc rơi vào tay quân địch.
 
  Giữa tháng 9/1835, quân Carlist chiếm được một đồn tiền tiêu do Thiếu uý Durmoustier và 30 lính Lê dương bảo vệ. Quân Carlist thuyết phục lính Lê dương chuyển sang phe mình. Lính Lê dương từ chối. Trong vài ngày sau đó, họ bị giải từ làng này sang làng khác, bị trói, bị móc mắt và cuối cùng bị bắn chết. Khi Đại uý Lê dương Ferry bắt được một đơn vị Carlist, ông ta không coi họ là tù binh mà giết sạch.
 
  Trước năm 1836, Đội quân Lê dương Pháp chỉ đơn thuần là bộ binh. Năm 1836, Hoàng hậu Ma ria Cristina phong Bernelle hàm Thống chế và ông ta quyết định cải tổ trung đoàn của mình thành một bộ chỉ huy độc lập với đầy đủ các đơn vị yểm trợ và trinh sát. Ông trực tiếp nắm một đơn vị pháo binh do Đại uý Rousselet chỉ huy, một đơn vị công binh và một số phân đội kỵ binh phần lớn là lính Ba Lan cầm giáo. Đây là một thử nghiệm đầu tiên để thành lập một binh đoàn chiến đấu chiến thuật hỗn hợp và nó là hình hài đầu tiên của hình thức tác chiến của các đơn vị Lê dương ngày nay. Sau cuộc cải tổ này, Bernelle quyết định pha trộn binh lính mang các quốc tịch khác nhau trong một đơn vị. Những xung đột sắc tộc mà người các quốc tịch khác nhau mang theo vào đạo quân có thể gây nên mâu thuẫn giữa các tiểu đoàn mà thực tế điều này đã từng xảy ra. Việc pha trộn người thuộc nhiều quốc tịch khác nhau trong một đơn vị đã ngăn ngừa có hiệu quả những mâu thuẫn kiểu này và nó còn đem lại một tác dụng nữa là cải thiện được việc phối hợp chiến đấu giữa các đơn vị vì đơn giản là trong đơn vị hỗn hợp, mọi người buộc phải nói tiếng Pháp nên họ hiểu nhau tốt hơn.
 
  Năm 1836 cũng là một năm "đen đủi" của lính Lê dương. Họ tham gia vào hai trận thắng tại Zubiri và Tirapegui nhưng bị tổn thất nặng. Trong trận Zubiri ngày 1/8/1836, quân Carlist tấn công quân bảo hoàng. Pháo của Đại uý Rousselet đã cứu quân bảo hoàng khỏi bị tiêu diệt. Quân Carlist bị đẩy lùi nhưng 300 lính của các tiểu đoàn 3 và 4 Lê dương đã bị chết.
 
  Yêu cầu của Thống chế Bernelle nhằm bù đắp lại những gian khổ mà binh lính của mình phải chịu đựng là Triều đình Tây Ban Nha giữ lời hứa cung cấp lương thực, quân trang và tiền lương cho lính Lê dương. Đó chỉ là hy vọng hão huyền. Câu trả lời ông nhận được là lính của ông hãy tự lo lấy trang bị. Cuối cùng, lính Lê dương trở thành một đám ăn mặc rách rưới. Thiếu thốn đủ mọi thứ, họ nhặt những chiếc mũ nồi địa phương mà quân Carlist vốn ưa dùng và thay ủng của mình bằng những đôi giày vải đế làm bằng dây thừng bện của Tây Ban Nha. Bernelle làm om lên với Triều đình Tây Ban Nha vì họ đã thất hứa và ông ta bị cách chức.

  Người kế nhiệm ông, Đại tá Conrad, biệt danh là "'Bạch Mã", cũng chẳng khá hơn. Hai năm tiếp sau, lính Lê dương, đói, rách như tổ đỉa, sa vào những trận chiến đấu liên tiếp trên những ngọn đồi của dãy Pyrenees. Ngày 2/6/1837, họ tiến vào Barbatro và Đại tá Conrad bị giết trong trận này.  Đây cũng là nơi Đội quân Lê dương theo kiểu cũ kết thúc những ngày của mình. Sau trận đánh đẫm máu, họ chỉ còn khoảng 1 tiểu đoàn. Những người sống sót chuyển đến đóng tại Pamplona và còn phải chịu đựng 6 tháng nữa không có thực phẩm mà cũng chẳng tiền lương. Năm 1835, Đội Lê dương tiến vào Tây Ban Nha với khoảng gần 5000 người. Hai năm sau, chỉ còn không đầy 500 người sống sót trở về Pháp. Sự hy sinh cho vương triều Tây Ban Nha kết thúc.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #4 vào lúc: 10 Tháng Tám, 2008, 04:03:48 pm »

III, Đội quân ăn trộm Pháp trên phố xá Mexico" (1863-1867)

  Sự can thiệp của Pháp tại khu vực Mỹ La tinh bắt nguồn từ tham vọng từ lâu của Hoàng đế Pháp Napoleon Đệ tam. Thậm chí trước khi lên ngôi, ông ta đã mơ tưởng đến việc mở rộng ảnh hưởng của Pháp tại Trung và Nam Mỹ chống lại ảnh hưởng của Mỹ. Tham vọng này được củng cố khi Benito Juarez giành được chiến thắng trong nội chiến Mexico năm 1860 và một số nhân vật bảo hoàng chạy sang Pháp lưu vong. Những người này tìm cách vận động Hoàng đế Pháp qua vợ ông ta là Hoàng hậu Eugenie de Montijo người Tây Ban Nha. Bà cho rằng các quốc gia Thiên Chúa giáo ở châu Âu cần phải bảo vệ Nhà thờ ở bất cứ nơi đâu trên thế giới (người Mỹ chủ yếu theo đạo Tin Lành). Được quan điểm của vợ cổ vũ, Hoàng đế Napoleon Đệ tam quyết định can thiệp.
 
  Cuộc can thiệp vũ trang của Pháp đã làm bùng nổ cuộc nội chiến mới ở Mexico năm 1862. Pháp gửi khoảng 30 nghìn quân tham chiến trong đó có các đơn vị Lê dương người Bỉ, người Áo và một số phân đội lính Lê dương Ai Cập làm nhiệm vụ chiếm đóng. Trong giai đoạn đầu, quân Pháp dồn được quân của Juarez lên vùng núi phía Bắc và đầu năm 1865, quân đội Mexico phải lui về cố thủ tại biên giới Texas.
 
  Tuy nhiên, Napoleon Đệ tam mắc phải hai sai lầm.

  Thứ nhất, ông hy vọng vào chiến thắng của phe Hợp bang trong cuộc nội chiến của Mỹ. Nhưng không lâu sau, tướng Robert Lee của phe Hợp bang phải đầu hàng tại Appomattox tháng 4/1865, Washington quan tâm đến cuộc can thiệp vũ trang của Pháp vào Mexico và mùa hè năm 1865, quân của Juarez bắt đầu nhận được vũ khí và thậm chí là lính tình nguyện Mỹ. Trong một vài tháng, sức mạnh quân sự và chính trị của Mexico được tăng lên.
 
  Thứ hai, Napoleon đưa Hoàng thân người áo Maximilian lên làm Hoàng đế Mexico. Việc đưa một ông hoàng ngoại bang lên lập ra một vương triều bù nhìn đã làm dấy lên phong trào kháng chiến giành độc lập ủng hộ Benito Juarez. Sự tham những hủ bại của những người bảo hoàng trong triều đình của Maximilian được coi là nhằm phục vụ lợi ích ngoại bang.

  Thực ra, một số người Pháp cho rằng quân Pháp chiến đấu chống lại quân kháng chiến Mexico chẳng khác gì tình trạng khi quân Pháp sa lầy tại Tây Ban Nha trong các chiến dịch của Napoleon Đệ nhất. Quan điểm này được củng cố khi quân Pháp đại bại trước quân Mexieo trong trận Puebla năm 1862, một chiến thắng mà ngày nay Mexico coi là ngày quốc lễ. Bản thân Maximilian thì chẳng phải là một người có kinh nghiệm chính trị hay quân sự gì. Ông nghĩ ra ý tưởng xây dựng một quân đội thiện chiến với nòng cốt là lính Lê dương kết hợp với binh lính bản xứ người Anh-điêng. Điều này thể hiện tham vọng sử dụng đội Lê dương vừa là công cụ chính trị và cả quân sự. Hai đại đội Lê dương Anh-điêng được thành lập. Tuy nhiên, người Anh-điêng bản địa, lại đang chịu ảnh hưởng của phong trào kháng chiến mạnh mẽ như vậy, làm sao có thể thích nghi được với phong cách "lính tẩy" đánh thuê chuyên nghiệp của lính Lê dương nên đào ngũ hàng loạt. Các đại đội Lê dương Anh-điêng phải giải thể và ý tưởng này thất bại.
 
  Một vấn đề khác phải đối phó là người Mexico rất thích cưỡi ngựa. Lính Pháp ở Mexico hồi đó truyền tụng một giai thoại tiếu lâm rằng ở nước Mexico, Hoàng đế Maximilian rất hiếm khi rời khỏi cung điện và "Ngài" là người đàn ông duy nhất ở Mexico không cưỡi ngựa. Chẳng bao lâu, quân Pháp và Lê dương cảm thấy ngán ngẩm khi phải đối phó với các đoàn kỵ binh du kích của Mexico. Lính Lê dương H. Spinner kể lại sau khi lê bước qua những con đường núi để truy kích "bọn cướp", anh ta nhận ra rằng họ cưỡi những con ngựa nhanh hơn bước chân của anh ta cả trăm lần và đã biến mất. (1)

  Để đối phó lại, đầu năm 1863, người Pháp chấp nhận ý tưởng của Charles Louis Dupin, một cựu - lính Lê dương, đã từng phục vụ tại Algeria, Italia và Trung Quốc; về việc tổ chức một đội quân không chính quy chống lại quân Mexico. Đơn vị này gồm 1 tiểu đoàn 500 người gồm toàn cựu lính Lê dương, có ngựa cưỡi và 2 khẩu pháo, có thể đi chuyển khoảng 60 dặm/ngày. Thực chất, đơn vị Lê dương này là một "đảng cướp" hợp pháp. Theo nhật ký riêng của Dupin hiện còn lưu trong hồ sơ quân sự Pháp, kỷ luật là khái niệm xa xỉ ở đơn vị này. Sĩ quan, hạ sĩ quan và binh lính có thể say bí tỉ trong cùng một quán rượu và đến nửa đêm thì tất cả "táng” vào mặt nhau những cú đấm. Quân phục lôi thôi, một phần ba binh lính trong tiểu đoàn thậm chí chẳng có quân phục gì. Dupin thừa nhận: "Nếu đơn vị này hành quân trên đường phố Paris, mọi người sẽ nghĩ đây là một bọn ăn trộm" (2). Bọn này đột kích vào các làng mạc, cướp bóc, hành hạ người dân, đốt phá và đơn vị Lê dương của Dupin đã gây ra một sự khiếp sợ trong nhân dân Mexico lúc bấy giờ.

  Dù sao đi nữa, thành lập những đơn vị Lê dương kiểu như của Dupin cũng không phải là giải pháp hay nhất. Đội Lê dương vẫn muốn phát triển các đơn vị ky binh để nâng cao khả năng tác chiến chống lại quân Mexico. Tháng 10/1863, một đại đội cơ động Lê dương gồm 100 lính được thành lập nhưng đây chỉ là giải pháp nửa vời. Tháng 4/1864, một đại đội khinh binh đánh núi được thành lập và phối thuộc cho tiểu đoàn 1 Lê dương. Tuy nhiên, sau này khi quân Lê dương chiếm được một số ngựa chiến lợi phẩm của người Mexico thì những phân đội ky binh Lê dương mới được thành lập gồm những lính ky binh cũ người Đức.

  Tuy nhiên, họ quá ít, chỉ có 240 người (9/1866). Ngựa lại thiếu. Ngựa gửi từ Pháp sang không sử dụng được ở đồi núi hiểm trở và hay bị gãy chân. Thế là lại phải giết chúng. Tuy nhiên, các phân đội kỵ binh Lê dương cũng được sử dụng nhiều để đi "cứu hoả" cho các đồn bốt Pháp bị quân Mexico tấn công nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Quân kháng chiến Mexico cơ động rất nhanh, họ sinh ra và lớn lên trên mình ngựa và tinh thần hăng hái. Thất bại nặng nề nhất của lính kỵ binh Lê dương ở Mexico là trận Camargo ngày 14/7/1866 khi họ hộ tống một đoàn xe vượt sông gần thành phố Rio Grande City, Texas gần biên giới Mỹ. Quân kháng chiến do Juarist chief Escobedo chỉ huy, có nhiều lính tình nguyện người Mỹ da đen tham gia tấn công đoàn xe. Quân Pháp gồm 300 lính Lê dương người Áo và 2 tiểu đoàn quân bảo hoàng Mexico. Lính Lê dương kháng cự khá quyết liệt nhưng khi trận đánh đang tiếp diễn, 2 tiểu đoàn quân bảo hoàng Mexico đã quay súng chạy sang phe kháng chiến. Lính Lê dương phải đầu hàng. Quân Mexico bắt được hơn 1000 tù binh, 8 khẩu đại bác và hơn 300 xe cộ. Trận đánh này cho thấy các đơn vị ky binh Lê dương - một loại hình tác chiến không phải là sở trường của Lê dương mà là một biện pháp đối phó thụ động trước sự kháng cự đặc sắc và hiệu quả của người bản xứ không phải là một giải pháp có thể xoay chuyển chiến lược và đó là một điểm yếu mà đội quân Lê dương phải khắc phục. Tuy nhiên, sau này với sự ra đời của các phương tiện chiến tranh hiện đại -xe và pháo- kỵ bính, lực lượng cơ động là công cụ mạnh của các nhà quân sự, triều đại phong kiến đã phải nhường bước.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tám, 2008, 05:49:33 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #5 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2008, 05:48:53 pm »

  Dù sao đi nữa, các đơn vị Lê dương cũng tỏ ra thành thạo nghiệp vụ, có tinh thần chiến đấu. Ngày 29/4/1863, Đại tá Jeaning cử Đại uý Danju đưa 1 đại đội đi hộ tống đoàn xe tiếp tế từ Vera-Cruz đến Puebla. Ông chọn đại đội 3 Lê dương nhưng khi biết tất cả các sĩ quan của đại đội này đều bị ốm, Danju quyết định trực tiếp chỉ huy cuộc hành quân và mang theo hai Trung uý Maudet và Vilain phụ tá. Đoàn xe bắt đầu khởi hành lúc một giờ sáng ngày 30/4, dự kiến sẽ đến Paolo Verde lúc còn sớm. Trong lúc đó quân kháng chiến Mexico được tin về đoàn xe này nên họ điều động 800 ky binh và 3 tiểu đoàn bộ binh (tổng cộng khoảng 2000 quân) để chặn đánh đoàn xe. Lúc năm giờ, Danju cho quân dừng lại nghỉ và cho chuẩn bị bữa cà phê sáng. Đột nhiên, lính cần vụ hớt hải báo quân địch tấn công. Những cốc cà phê bị ném đi và lính Lê dương cố gắng đưa đoàn xe chạy vào làng Camerone. Danju nhanh chóng bố trí phòng ngự trong một trang trại có tường dày. Đợt xung phong đầu tiên của quân Mexico bị đẩy lùi nhưng những con la thồ hàng thì sợ hãi, giật đứt dây cương và chạy tán loạn mang theo cả lương thực, nước uống và đạn dược. Danju có trong tay 65 lính Lê dương nhưng mỗi khẩu súng chỉ có 60 viên đạn. Ông vẫn quyết định cố thủ tiếp cận quân địch, phân tán sự chú ý của họ vào các xe hàng hoá và nhanh chóng rút vào một điền trang gần đó tổ chức phòng ngự. Họ cố thủ ở đó 10 tiếng đồng hồ. Chín giờ sáng, mặt trời lên cao, lính Lê dương không có nước, lương thực. Đại tá Milian, chỉ huy quân kháng chiến Mexico kêu gọi họ đầu hàng. Lính Lê dương nói họ còn đạn và không có ý định hạ vũ khí. Tất cả hứa với Danju là dù có thế nào, họ cũng sẽ chiến đấu đến cùng. Sau đó, quân Mexico tiếp tục tiến công. Đại uý Danju bị giết lúc 11 giờ. Lúc này, ba tiểu đoàn bộ binh Mexico đã áp sát và lại kêu gọi lính Lê dương đầu hàng. Họ từ chối và tình thế trở nên xấu hơn. Quân Mexico đã tràn vào được điền trang và diễn ra cuộc đánh giáp lá cà lộn ẩu. Khói lửa ngùn ngụt trong những căn phòng, lính Lê dương lần lượt ngã gục. Trung uý Vilaín bị giết lúc 2 giờ chiều và Trung uý Maudet nắm quyền chỉ huy nhưng đến 5 giờ chiều thì anh ta chỉ còn trong tay 12 lính có thể chiến đấu. Đại tá Milian lại kêu gọi đầu hàng. Lính Lê dương không trả lời và quân Mexico lập tức tấn công. Xung quanh trung uý Maudet chỉ còn hạ sĩ Maine và 4 lính Lê dương là Leonhard, Catteau, Wenzel và Constantin. Bao đạn trống rỗng, họ bắn đi băng đạn cuối cùng và xung phong lưỡi lê vào quân Mexico. Tất cả đều trúng đạn trước khi có thể chạm đến đối phương. Trung uý Maudet trúng hai phát đạn. Người lính Lê dương Catteau lao mình lên che đạn cho trung uý Maudet, trúng 19 phát. Họ là những người cuối cùng. Trận đánh kết thúc lúc 6 giờ chiều. Trong số 65 lính và sĩ quan của đại đội Danju, chỉ còn 12 người bị thương và bị bắt làm tù binh. Ba người lính Maine, Wenzel và Constantin, bị thương nhưng còn đứng được. Quân Mexico kêu gọi họ đầu hàng. Họ trả lời sẽ chỉ hàng nếu được mang vũ khí và băng bó những người bị thương. Đại tá Millian đồng ý. Đó cũng có thể coi là một quyết định nhân đạo mã thượng hiếm có trong chiến tranh, đặc biệt xét trong lịch sử đẫm máu của đạo quân lê dương ở các thuộc địa sau này.
 

Trận Camerone.

  Sau này, Hoàng đế Napoleon Đệ Tam đã quyết định cho thêu tên Camerone lên lá cờ của Trung đoàn 1 Lê dương và ngày 30/4 hàng năm trở thành ngày lễ của Đội quân Lê dương Pháp.
  Về phía Mexico, họ cũng ghi nhận tinh thần dũng cảm của lính Lê dương trong trận đánh này. Năm 1892, một đài tưởng niệm trận đánh được đặt tại Camerone và kể từ đó, các đơn vị quân đội Mexico mỗi khi hành quân ngang qua đây đều bồng súng chào.


  Bốn năm sau trận Camerone, cuộc can thiệp quân sự của Pháp vào Mexico rõ ràng không thể đạt được thắng lợi. Sau năm 1865, Mỹ kết thúc nội chiến và bày tỏ sự ủng hộ với Juarez và những người Cộng hoà chống lại Hoàng đế Maximilian và phe Bảo hoàng của ông ta được dựng lên bằng lưỡi lê ngoại bang. Tại châu Âu, năm 1866, quân Phổ, được trang bị súng trường bắn nhanh kiểu mới, đã nhanh chóng đánh tan quân Áo trong trận Sadowa và giành thắng lợi chỉ trong 7 tuần. Sự kiện này là một tiếng sét nổ giữa bầu trời châu Âu và nước Pháp phải lập tức để mắt đến sườn phía Tây của mình. Napoleon Đệ tam buộc phải chấm dứt chiến dịch Mexico.Tháng 3/1867, các đơn vị Lê dương ở Mexico rút hết về Algeria. Trong chiến dịch này, tổn thất của Đội quân Lê dương là 31 sĩ quan và 1971 hạ sĩ quan và binh lính chết.
« Sửa lần cuối: 11 Tháng Tám, 2008, 05:51:52 pm gửi bởi dongadoan » Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #6 vào lúc: 12 Tháng Tám, 2008, 03:44:56 pm »

IV, Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871, "cái được" lớn nhất là Pháp.... mất Alsace và Lorraine

  Khi cuộc chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra, Pháp cho thành lập tiểu đoàn 5 Lê dương gồm những người nước ngoài đang sống tại Pháp.

  Tiểu đoàn này tham chiến tại Orleans ngày 10/10/1870 và gần như bị quân Phổ tiêu diệt hoàn toàn. Thiếu tá tiểu đoàn trưởng Arago và 5 sĩ quan bị giết nhưng trong số những người sống sót có thiếu uý Kara, thực ra chính là Hoàng tử Karageorgevich, sau này trở thành Vua Peter I của Serbia.

 

  Cùng với tiểu đoàn 5, Pháp cho tăng viện thêm 2 tiểu đoàn Lê dương từ Algeria về. Lính Lê dương chiến đấu với quân Phổ qua một mùa đông khắc nghiệt. Ngày 13/1, họ chiếm lại được Montbeliard nhưng lúc này thế thua của Pháp đã rõ ràng. Ngày 28/1/1871, Pháp buộc phải ký hiệp định đình chiến. Ngày 17/3, các đơn vị Lê dương chuyển về Versailles. Tổn thất của nó trong chiến tranh Pháp-Phổ là 14 sĩ quan và 916 hạ sĩ quan và lính chết. Tháng 6/1871, các đơn vị Lê dương trở về Algeria.
 
  Bị thua trong chiến tranh, phải cắt 2 vùng Alsace và Lorraine cho Phổ và không hy vọng sớm đòi lại được Chính phủ của nền Cộng hoà thứ ba của Pháp nghĩ ngay đến việc xâm chiếm và bóc lột những miền đất rộng lớn ở châu Phi và châu Á. Quân đoàn lục quân 19 của Pháp ở châu Phi được coi là thích hợp để thực hiện sứ mạng "cao cả" này. Quân đoàn này được coi là có kinh nghiệm chiến đấu ở những nơi địa hình khó khăn, giữa những cộng đồng dân cư nghèo đói và đầy bệnh tật. Trong những chiến dịch xâm lược để mở mang những thị trường mới cho Pháp, đương nhiên đội Lê dương nằm trong số những đơn vị được lựa chọn.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #7 vào lúc: 13 Tháng Tám, 2008, 09:02:01 pm »

V, Chiếm Dahomey 1892, phải viện đến kinh nghiêm xương máu khi đánh căn cứ Ba Đình trong cuộc chiến thuộc địa lần thứ nhất ở Việt Nam

  Năm 1884, quân Lê dương có 2 trung đoàn ở Algeria, trung đoàn 1 ở Sidi-bel-Abbes và trung đoàn 2 ở Saida. Để chuẩn bị cho những cuộc hành quân viễn chinh đánh chiếm những thuộc địa mới, Bộ chỉ huy Pháp thực hiện ý tưởng thành lập những "trung đoàn hành quân" (march regiment) hay “tiểu đoàn hành quân" (march battalion). Khi cần thiết, người ta sẽ lựa chọn các sĩ quan và binh lính tốt nhất từ các trung đoàn hay tiểu đoàn đã có và nhanh chóng thành lập một trung đoàn hay tiểu đoàn hành quân mới. Số quân các đơn vị này không cố định và được coi là những đơn vị mạnh vì gồm toàn những thành phần "ưu tú” của Đội Lê dương, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Pháp cho rằng việc thành lập những đơn vị kiểu này sẽ rút ngắn thời gian tác chiến và giải quyết chiến trường nhanh.
 
  Về mặt lý luận quân sự, có thể coi đây là một dạng thức sơ khởi của lực lượng phản ứng nhanh của chiến tranh hiện đại. Khi tiến hành xâm lược Dahomey năm 1892, hai trung đoàn Lê dương được lệnh rút ra tổng cộng 800 sĩ quan và binh lính để cấp tốc thành lập 1 tiểu đoàn hành quân mới điều đi Dahomey. Lực lượng viễn chinh gồm khoảng 3600 quân trong đó nòng cốt là tiểu đoàn Lê dương, còn lại là lính Algeria. Chỉ huy chiến dịch là đại tá Alfred Amedee Dodds, một sĩ quan có kinh nghiệm trong chỉ huy xâm lược giành thuộc địa. Cần phải nói thêm rằng viên sĩ quan này năm 1886-1887, khi còn là trung tá, đã tham gia chỉ huy chiến dịch đàn áp cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Việt Nam. Sau này, Dodds được phong quân hàm Đại tướng nước Cộng hoà Pháp.

  Đoàn quân viễn chinh đi trên hai tàu vận tải Mytho và Ville de Saint Nicolas rời cảng Oran, Algeria ngày 7/8/1892. Sau 17 ngày lênh đênh trên biển, họ nhìn thấy đất liền, những bãi cát trải dài về phía Đông điểm những cây dừa và một ngôi làng nhỏ. Những chiếc tàu chở lính viễn chinh nhanh chóng bỏ neo tại thị trấn Cotonu. Trái với tưởng tượng của lính Lê dương, chẳng có một chút gì mang dấu ấn của châu Âu như một ngôi nhà hay là cái gì tương tự cả. Điều đó làm nhiều người thất vọng. Sử dụng những chiếc thuyền của địa phương và được 1 pháo hạm nhỏ của Pháp hộ tống, họ tiến dọc hồ Nokoue 20 dặm đến cửa sông Ossa vào Porto Novo.
 
  Porto Novo là thủ phủ của Vương quốc Tofa. Vùng này nguyên là của Dahomey từ khoảng đầu những năm 1820. Năm 1889, Pháp yêu cầu Dahomey phải chuyển giao Cotonou cho Pháp. Dahomey từ chối thì Pháp chiếm luôn Cotonou và lập ra một triều đình bù nhìn. Việc Cotonou trở thành xứ bảo hộ của Pháp đã chặn mất đường thông ra biển của Dahomey và tất nhiên, Vua xứ Dahomey Behanzin rất tức giận.
 
  Sau khi đã nghỉ ngơi, đại tá Dodds chia quân làm 3 đạo, mỗi đạo khoảng 800 quân cùng chừng ấy dân phu Cotonou. Đơn vị dự bị có 900 quân đóng tại Porto Novo và một mũi hỗ trợ gồm 2 đại đội lính Senegal tiến từ Grand Popo theo bờ biển phía Nam tiến đến Abomey. Quân Pháp ước tính quân Dahomey có khoảng 12 nghìn người gồm cả đội nữ binh nổi tiếng mà châu Âu quen gọi là các nữ binh Amazon. Tuy nhiên, theo nhà văn Pháp Alfred Barbou thì quân Dahomey chỉ khoảng 4500 người trong đó có 800 nữ binh Amazon và có thể lên đến 10 nghìn người. Trong điều kiện châu Phi lúc bấy giờ, quân Dahomey được coi là thiện chiến, nhất là các nữ binh Amazon. Đạo quân này ra đời đầu thế kỷ 19 và trở thành niềm tự hào của Vua Dahomey. Nhiều gia đình muốn con gái mình được tuyển vào đạo quân này. Các nữ binh Amazon được rất nhiều ưu đãi, được ở trong cung điện Hoàng gia tại Abomey, ăn uống có người phục vụ và mọi người phải nhường đường nếu gặp họ. Các nữ binh này không có quyền có quan hệ với bất kỳ người đàn ông nào, trừ Vua, ai vi phạm sẽ bị xử tử. Bên cạnh đạo nữ binh Amazon, quân thường trực Dahomey có khoảng 2-3 nghìn người. Mỗi người lính tự mang trang bị và lương thực đủ trong 2 tuần. Khi chiến đấu họ thường chia làm hai cánh. Những chỉ huy quan trọng ở cánh phải và những người ít quan trọng hơn ở cánh trái. Mỗi cánh chia thành 2 binh đoàn và mỗi binh đoàn gồm một số đơn vị do các chỉ huy quân sự của các làng đứng đầu. Quân Dahomey có khoảng 2000 khẩu súng trường mua của các lái súng Đức năm 1891 và cung tên, kiếm ngắn, giáo mác.


Nữ binh Amazon của vua Dahomey.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #8 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2008, 07:46:03 pm »

  Cái cớ để Pháp bắt đầu chiến dịch xâm lược Dahomey chính là ngày 2/3/1892, quân Dahomey bắn vào pháo thuyền Topaz của Pháp khi chiếc tàu này đi ngược lên Oueme vào lãnh thổ Dahomey. Như trên đã nói, sau khi chuẩn bị xong, lính Lê dương bắt đầu tiến lên phía Bắc Porto Novo dọc theo con đường xuyên qua những rừng cọ và làng mạc. Càng hành quân càng mệt mỏi. Mỗi lính Lê dương chỉ mang 1 khẩu súng và 150 viên đạn mà vẫn cảm thấy nặng và mỗi giờ chỉ đi được khoảng 2 dặm. Ngày 11/9, quân Pháp tiến đến một khu đất cao nhìn xuống Oueme qua một ngôi làng nhỏ tên là Dogba.

  Đại tá Dodds cho hạ trại nghỉ ngơi trước khi tiếp tục tiến về phía Bắc. Lúc 5 giờ sáng ngày 12/9, đột nhiên tiếng trống và kèn hiệu lanh lảnh vang lên dựng dậy cả những người ngủ say nhất. Trung uý Jacquot choàng tỉnh khi nghe tiếng súng nổ chỉ cách khoảng 100m. Anh ta không kịp mặc quần áo, chỉ vội vớ lấy khẩu súng ngắn và gọi lính của mình. Lính Lê dương xô ra khỏi lều, một số người mặc quần đùi, vài người khác khoác áo sơ mi và chỉ hai phút sau họ đã thấy quân Dahomey rời khỏi bìa rừng tấn công dữ dội. Trong ánh sáng ban mai nhập nhoạng, những bóng đen của các chiến binh Dahomey lướt đến làm cho lính Lê dương khiếp đảm. Người trước ngã xuống, người sau tiến lên. Họ đã đến cách chu vi phòng ngự của lính Lê dương khoảng 10m nhưng pháo thuyền Pháp Opale đã can thiệp. Đại bác và khẩu đại liên Hotchkiss của nó nhả đạn liên hồi. Quân Pháp tiến lên phản công và trận đánh chuyển sang giáp lá cà. Đứng trước kẻ địch được trang bị hiện đại, các chiến binh Dahomey không hề nao núng mặc dù họ chỉ có dáo mác là chính. Trung uý Jacquot nhớ lại : "đạn và mảnh đại bác không làm họ lùi lại một phân" (3). Tuy nhiên, chỉ có giáo mác và cung tên thì làm sao chống được vũ khí tối tân. Sau 9 giờ sáng, trận đánh kết thúc, quân Dahomey rút lui.

 

Một bức tranh về trận đánh giữa Lê dương Pháp và quân Dahomey

  Quân Pháp tiếp tục tiến dọc bờ Đông con sông về phía Bắc. Họ đi chậm và cố không vượt ra khỏi tầm yểm hộ của đại bác. Rút kinh nghiệm, mỗi khi hạ trại nghỉ, quân Pháp đều cố đào hào bao quanh bốn mặt để phòng ngự. Họ cảm thấy mỏi mệt và kiệt sức Căng thẳng vì lo sợ bị tập kích lại khó chịu vì các loại côn trùng nhiệt đới bâu đốt, lính Lê dương rất chán nản. Ngày 28/9, các pháo thuyền Pháp bị phục kích. Đêm 30-31/9, trại quân Pháp bị đại bác của quân Dahomey tập kích hoả lực. Đại tá Dodds cho rằng quân Dahomey sắp tiến công. Vì vậy, ngày 2/10, Dodds bất ngờ cho pháo thuyền đưa quân vượt sông sang bờ phải. Quân Dahomey không đề phòng nên phải rút lui. Quân Pháp tiếp tục tiến theo bờ phải sông đến làng Paguessa thì phải nghỉ lại. Ngày 4/10, Dodds hạ lệnh tiến quân rất sớm và chia quân làm 2 đạo, 1 tiến dọc bờ sông và 1 tiến qua những bãi cỏ cao. Cách làng Grede khỏang 1,5 dặm thì họ bị phục kích. Nhiều tay súng Dahomey nấp trên những ngọn cây cứ nhè sĩ quan Pháp mà nã đạn. Ba sĩ quan bị họ bắn gục và quân Pháp co lại thành đội hình phòng thủ hình vuông, có đại bác 81mm yểm trợ. Tuy bị hoả lực mạnh của quân Pháp gây thiệt hại nặng nhưng quân Dahomey vẫn tiến công. Lần này, các nữ binh Amazon tham chiến. Những nữ binh này dẫn đầu cuộc xung phong. Martyn, lính Lê dương nhớ lại: "Họ (nữ binh Amazon) mặc những chiếc váy xanh . . . phủ đến đầu gối . . . . phần trên người họ để trần, đầu quấn khăn đỏ có cắm lông đại bàng. . . . Họ chiến đấu rất hăng hái và nếu bị dồn vào một góc thì họ không ngần ngại dùng cả răng lẫn móng tay" (4) Khi hai bên đang hỗn chiến thì các pháo thuyền Pháp theo sông Oueme tiến lên nã đạn vào sườn trái quân Dahomey và đội dự bị của họ. Thế trận trở nên bất lợi và quân Dahomey rút lui về phía Bắc lúc 10 giờ sáng, để lại nhiều xác chết trong đó có 30 nữ binh Amazon. Lính Lê dương Lelievre kể: "Khi chui vào một công sự làm bằng các khúc cây của người Dahomey, tôi thấy 3 người trong đó 1 người còn thở. Tôi kết liễu anh ta bằng lưỡi lê. Trong số những người chết, rất nhiều nữ binh Amazon...Tôi rất ngạc nhiên thấy phần lớn họ là những cô gái rất trẻ . . . . . . Hai người nằm cạnh nhau có vẻ là hai mẹ con" (5)
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
dongadoan
Administrator
*
Bài viết: 7256


Cái thời hoa gạo cháy...


WWW
« Trả lời #9 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2008, 05:37:45 pm »

  Quân Pháp tiến lên phía Bắc và họ còn bị quân Dahomey tấn công nhiều lần. Một hôm, sau khi tiến vào một trại quân Dahomey bỏ lại, lính Lê dương bắt được 4 tù binh trong đó có 1 nữ binh Amazon. Tất cả bị giải đến lều chỉ huy của đại tá Dodds và sau khi bị Dodds thẩm vấn, tất cả đều bị bắn. (6)

  Tiếp tục tiến lên, quân Pháp ngày càng cách xa tuyến tiếp tế dựa vào con sông và phải đi xuyên qua 60 dặm đường giữa những cánh rừng già. Dodds chia quân ra làm 3 cánh tiến song song, được kỵ binh yểm trợ bên sườn. Tuy nhiên, chỉ có 1 cánh quân đi trên đường còn lại phải đi xuyên qua những bụi rậm và luôn bị phục kích. "Từ 8 giờ sáng, tiếng súng bắt đầu cho đến khi trời tối chống lại với vô số quân địch quấy rối và xung phong với lòng gan dạ lớn nhất" (7). Chiến đấu liên tục làm tổn thất của Pháp tăng lên. Mỗi khi phải rút lui, quân Dahomey lấp giếng làm cho quân Pháp không có nước uống, phải lấy nước mưa. Martyn viết: "Ngày 13/10, khi chúng tôi đến đỉa điểm dự kiến hạ trại, mọi người quá mệt và chúng tôi nằm la liệt trên mặt đất, ngủ ngoài trời thậm chí chẳng buồn ăn hay dựng lều”. (Cool Nửa đêm, có một trận mưa to, mặc dù ướt như chuột lột nhưng lính Lê dương lại rất hài lòng vì họ được thoả cơn khát.
 
  Ngày 14/10, quân Pháp tiến đến làng Kotopa nằm trên con đường chính tiến đến Abomey. Tại đây người Dahomey lập ra ba tuyến phòng thủ dựa vào con sông Koto. Trên vùng đồi thấp cạnh sông, quân Dahomey bố trí đại bác. Dodds cho pháo binh bắn phá Kotopa trong lúc đó quân Pháp vòng qua làng. Lúc 8 giờ 30 sáng, quân Pháp đi tắt qua rừng về phía sông Koto, khát khô cả họng. Dodds cho triển khai đội hình hình vuông và tiến về phía sông. Quân Dahomey nhận thấy họ đang bị đánh bọc sườn nên cho nã pháo vào quân Pháp. Tuy nhiên, khi tiến đến gần Koto, quân Pháp vấp phải một cánh rừng và Dodds phải phái những toán trinh sát tiến lên trước. Quân Dahomey dần dần dồn lực lượng đến áp sát đội hình quân Pháp và tiến đánh dữ dội. Giữa buổi chiều, Dodds phải cho rút lui về một khu đất cao và qua đêm ở đó. Ngày 15/10, quân Dahomey tấn công nhưng bị đẩy lùi. Về phía Pháp, thiếu nước, trạm cứu thương ùn đống thương binh. Một đại đội lính Senegal cố gắng đưa một đoàn phu khuân vác mang nước đến tiếp tế nhưng giữa đường bị phục kích và những người phu bỏ chạy tán loạn. Dodds phải phái 1 đại đội Lê dương quay lại cứu viện. Ngày 16/10, Dodds phải lui về vị trí đóng quân ngày 13/10. Lính Lê dương đặt tên cho chiến dịch này là "Trại khát". Môi nứt nẻ, lưỡi rộp lên, mọi người phải uống nước trong những vũng đục ngầu. Martyn ước tính đến 20% quân lính bị đường ruột. Ngày 17/10, Dodds gửi về phía sau 200 thương binh và 2 đại đội hộ tống. Quân Pháp chỉ còn 53 sĩ quan, 1533 lính và khoảng 2000 phu nhưng sau đó được 2 đại đội Senegal đến tăng viện. Dodds chia quân làm 4 đội, mỗi đội có 3 đại đội (1 đại đội Lê dương làm nòng cốt). Đại đội thủy quân lục chiến đã bị mất sức chiến đấu. Quân Pháp cũng cho tiếp tế thêm đạn dược, lương thực, nước uống và từ ngày 26/10, họ bắt đầu tiến công. Quân Dahomey chiến đấu quyết liệt nhưng quân Pháp có vũ khí hiện đại nên đã đẩy lùi được họ. Quân Pháp tiến đến Cana, một cố đô của Dahomey. Tại đây, 300 quân Dahomey đã chiến đấu đến người cuối cùng và cũng kết thúc sự kháng cự có tổ chức của Vua Behazin. Sau đó, Vua Behazin phái sứ giả đến cầu hoà nhưng Dodds đặt điều kiện phải bồi thường chiến phí 15 triệu Phơ-răng, công nhận chế độ bảo hộ của Pháp, Pháp chiếm đóng Dahomey, Behazin phải giao nộp tất cả đại bác và 2000 khẩu súng trường. Vua Dahomey từ chối và quân Pháp tấn công. Ngày 17/ 11 , quân Pháp tiến vào kinh đô Dahomey và Vua Behazin phải chạy lên phía Bắc. Pháp dựng một người anh của Behazin lên làm vua bù nhìn và cho lùng bắt Vua Behazin. Năm 1894, Pháp chiếm xong toàn bộ lãnh thổ Dahomey và bắt được Vua Behazin. ông bị đày đi Martinique sau đó là Algeria và chết ở đó năm 1906.


Vua Behazin của Dahomey

  Tổn thất của Pháp trong chiến dịch Dahomey là 11 sĩ quan và 70 lính chết, 25 sĩ quan và 411 lính bị thương. Tuy nhiên, số chết vì bệnh tật thì cao gấp năm lần con số này. Dù vậy, người Pháp vẫn coi đó là một thắng lợi với tổn thất "tương đối nhẹ". Đại tá Dodds được thăng lên cấp thiếu tướng rồi sau này là Đại tướng nước Cộng hoà Pháp.
Logged

Duyên ấy kiếp sau tình chưa nhạt, thà phụ trời xanh chẳng phụ nàng!
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM