Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 08:32:25 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: ALFA - Đội đặc nhiệm siêu mật Nga  (Đọc 69248 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:14:52 pm »



Tác giả: Mikhail Boltunov
Biên dịch và biên soạn: Trung Hiếu - Nam Hồng
Nhà xuất bản: Quân đội Nhân dân
Năm xuất bản: 2004
Số hoá: ptlinh, nhinrathegioi


LỜI GIỚI THIỆU

Chưa bao giờ trong lịch sử nhân loại, chủ nghĩa khủng bố lại trở thành vấn đề thời sự đặc biệt căng thẳng như hiện nay. Có người gọi nó là “Ôn dịch chính trị của thế kỷ XX” - căn bệnh trầm kha đã mở rộng mục tiêu tấn công đến cả những người dân thường vô tội. Và điều đáng sợ hơn cả của nó là khiến lây lan nỗi kinh hoàng, hoảng loạn cho rất nhiều người khác trong cộng đồng xã hội không là nạn nhân trực tiếp của hành động này. Chính vì vậy, dù theo số liệu thống kê, xác suất bị khủng bố của mỗi cá nhân không cao nhưng chính phủ các nước rất coi trọng nhiệm vụ chống khủng bố.


Alfa-đội đặc nhiệm của nước Nga đã ra đời trong bối cảnh lịch sử phức tạp như vậy. Nằm trong cơ cấu Uỷ ban An ninh Quốc gia Liên Xô cũ (KGB) và Cục An ninh Liên bang Nga (FSB) hiện nay, đội quân tinh nhuệ vào bậc nhất thế giới chuyên thực hiện nhiệm vụ chống khu vực này suốt ba thập kỷ qua ẩn mình sau tấm màn bảo mật và trở thành nguồn gốc của nhiều câu chuyện thêu dệt và huyền thoại về những chiến công lẫy lừng của họ.


Alfa-đặc nhiệm siêu mật Nga của tác giả M.Boltunov là cuốn sách giới thiệu quá trình hình thành, phát triển và chiến đấu của đội đặc nhiệm Alfa, dẫn ra nhiều tư liệu, nhiều sự kiện lịch sử ở Liên Xô cũ, nước Nga mới hiện nay và cả trên thế giới, trong đó có nhiều sự kiện mới được công bố lần đầu.


Ngoài phần chính, những người làm sách bổ sung thêm phần Phụ lục nói về cuộc chiến chống khu vực của Nga hiên nay trước những vụ tấn công liên tiếp của phiến quân Chechnya, đặc biệt là về chiến công mới giải phóng gần 1.000 con tin ở nhà hát Trung tâm Moxcova cuối năm 2002.


Chúng tôi hi vọng cuốn sách đem lại cho bạn đọc nhiều hiểu biết bổ ích, nhất là trong bối cảnh cuộc chiến chống khủng bố quốc tế hiện nay.


NHÀ XUẤT BẢN
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Năm, 2020, 06:05:01 am gửi bởi Giangtvx » Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #1 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:16:36 pm »

Chương I
RA ĐỜI TRONG THỬ THÁCH


Trung tướng Alecxei Dmitrievich Bestrastnov, cục trưởng Cục VII của KGB, đang đến gặp Andropov.

Những bậc thang lát đá cẩm thạch, lối đi rải thảm êm ái, những văn phòng, rồi lại những văn phòng như những trạm gác. Bên trái, bên phải… những dãy hành lang bất tận trong trụ sở Lubianca. Tất cả có vẻ như thân thiết, quen thuộc, nhưng Bestrastnov không ưa chúng. Năm 1953, cũng theo lối hành lang này ông từng vội vã đến gặp Cobulov, phó tướng của Beria. Bestrastnov lúc đó là cố vấn ở Tiệp Khắc. Một thời kỳ hỗn độn: dân Tiệp bãi công, bạo loạn lan rộng khắp đất nước. Yên lặng nhìn xoáy vào viên đại tá đứng trước mặt, Cobulov thở phì phò, cố thu gọn cái bụng phệ xuống dưới bàn. Chiếc bàn gỗ sồi được thửa riêng có cái lỗ khoét vừa cái bụng của Cobulov rít lên cọt kẹt. Cuối cùng Cobulov lên tiếng hỏi:

-Các cuộc bãi công ở chỗ anh là quái gì thế hả, Bestrastnov?

-Thưa không phải ở chỗ tôi mà là ở Tiệp Khắc đấy ạ.

Phó chủ tịch KGB đỏ bừng mặt, răng nhe ra:

-Anh quên là đang đứng trước mặt ai sao? Ta thì lột ngay chiếc huy hiệu kia của anh-ông ta trỏ ngón tay vào chiếc huy hiệu đại biểu Xô Viết của Bestrastnov-lúc ấy đang là đại biểu Xô Viết Tối cao Liên bang Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết Nga-và tống anh xuống hầm giam ngay trong Lubianca này…


Bestrastnov rời phòng làm việc của Cobulov và lại thấy văn phòng nối tiếp văn phòng, như những trạm gác và một hành lang. Nó dẫn đi đâu nhỉ? Tới chỗ Beria chăng? Hay xuống tầng hầm giam, nơi không người nào đã rơi vào mà thoát ra được?


Bestrastnov thoát nạn một cách kì diệu. Sau khi bàn giao công việc ở Praha, ông được lệnh bay ngay về Moscow. Ông biết mình sẽ bị bắt ngay chân cầu thang máy bay. Bestrastnov chống lệnh, trở về bằng tàu hoả. Trong đêm ông về tới Moscow, Beria bị bắt, phe cánh của ông ta tan tác, còn bản thân Cobulov bị giam vào tầng hầm ngầm dưới Lubianca.


Bestrastnov đang đi theo lối hành lang quen thuộc. Và đây là cánh cửa căn phòng nơi trước đây Cobulov từng ngồi, nhưng giờ này ở đó là người khác-một người trẻ tuổi, có thể nói là rất trẻ.

-Anh Alecxei Dmitrievich!-Có ai đó gọi ông.

Bestrastnov quay lại: Volodia Criutrcov, chánh văn phòng của chủ tịch KGB. Ông đến gần và họ chào hỏi nhau.

-Sao lại đứng rụt rè như kẻ khó vào nhà quan vậy?

-Nhớ lại thời trẻ thôi mà… Anh biết ai ngồi trong đó không?

-Tôi có nghe nói!

-Còn tôi đã gặp… Lạy Chúa, đừng trao chỗ này cho người khác.

-Thế mà anh nói: tuổi trẻ…,-Criutrcov thở dài và khoác tay ông-Thời trẻ tôi chỉ thấy Bestrastnov ngồi trên Chủ tịch đoàn thôi.

-Thôi đi cậu-Bestrastnov vội gạt đi.

-Không, nghiêm chỉnh đấy. Tớ là gì, chỉ là một công tố viên quèn cấp huyện, còn cậu đã là thủ trưởng cơ quan cấp tỉnh. Mà đâu phải bỡn. Tỉnh Stalingrad hẳn hoi. Còn nhớ, mình lúc đó giở tờ Pradva ra: Ôi trời, Stalin trúng cử đại biểu Xô Viết Tối cao Liên bang Nga tỉnh Leningrad, còn Bestrastnov ở Stalingrad…
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #2 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:25:46 pm »

… Mấy năm sau, Bestrastnov đã là một ông tướng về hưu, gọi điện cho chủ tịch KGB Criutrcov:

-Volodia, cậu lúc nào cũng chì chiết là chỉ thấy mình ngồi trên Chủ tịch đoàn, còn nhớ không?

Criutrcov cười thành tiếng trong ống nói:

-Nhớ chứ…

-Bây giờ mình cũng thấy cậu ngồi ở Chủ tịch đoàn đấy thôi. Cậu đố kị hơi thừa đấy…

… Chia tay với Criutrcov, đúng giờ hẹn Bestrastnov có mặt tại phòng khách của Andropov:

-Đồng chí Andropov đang đợi-người trợ lý thông báo.

Bestrastnov bước vào. Andropov ngước mắt lên trên cặp kính, từ sau bàn đứng dây. Cử động có vẻ nặng nhọc nhưng ông cố không biểu hiện ra bên ngoài. Bestrastnov biết Andropov bị đau thận. Nói chung trong uỷ ban chuyện này không giấu được ai.  Andropov không than phiền nhưng cũng không giấu bệnh tật của mình. Cái bắt tay của ông mạnh mẽ, ánh mắt nhìn chăm chú thoáng chút hài hước. Sau khi Andropov mất, người ta viết về ông rất nhiều. Ban đầu họ ca ngợi trí tuệ, khả năng làm việc, sự thông thái của ông, thậm chí còn dựng phim về ông, nhưng sau đó lại thi nhau bôi nhọ, gán cho ông đủ thứ tội lỗi. Bestrastnov đã đọc, đã xem tất cả và không thấy ngạc nhiên. Điều này là một nét truyền thống ở nước Nga: bọn nịnh bợ thường có thói ưa giày xéo nấm mồ của người hôm qua còn là ông chủ của chúng. Không có ai trong số những người làm phim và viết về Andropov quen biết riêng và hiểu rõ Andropov là ai, là người thế nào? Còn riêng Bestrastnov, ông có biết không? Ông có biết. Ông biết Andropov từ khi còn là chàng trai Alioska Bestrastnov nhìn thấy trên lễ đài đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Moscow bí thư tỉnh đoàn Iaroxlav-Iura Andropov. Số phận sau đó đã bao lần đưa họ đến gần nhau rồi lại chia xa. Và lúc này họ lại ở bên nhau. Chính vì vậy Bestrastnov biết rất rõ có nhiều điều người ta viết về Andropov chỉ làng những chuyện vớ vẩn bịa đặt.


Yuri Vladimirovich Andropov - Chủ tịch KGB

-Chào anh Alecxei-chủ tịch KGB gật đầu chỉ ghế bành cạnh chiếc bàn nhỏ để sách báo-mời ngồi. Chúng t auống gì chứ nhỉ?

-Nếu được quyền chọn-Bestrastnov nhếch mép-xin cho một li cô nhắc, thưa đồng chí Iuri Valadimirovich.

Đôi mắt Andropov sau cặp kính sáng lên hóm hỉnh. Có thể cấm người khác nhưng với Bestrastnov thì không. Bestrastnov là người được cả cơ quan yêu mến, một người vui nhộn, đầu trò không thể thiếu trong các buổi liên hoan. Chẳng hạn như trong buổi lễ mừng thọ Xemen Kuzmich Svigun, người phó thứ nhất của Andropov. Ban đầu không khí buồn bã đến chết người. Mọi người ngồi sau bàn thẳng đơ rất nghiêm chỉnh cứ như trong buổi họp giao ban của KGB hay trong buổi lễ viếng tang. Thế mà Bestrastnov xoay chuyển được. Ông đã khuấy động ngay cả người được mừng thọ; ông này sau một li rượu đã bắt đầu gà gật… Andropov ngồi xuống chiếc ghế bành bên cạnh:

-Quyền thì có đấy-Alecxei ạ, nhưng chọn thì không. Hoặc là trà không hoặc là trà với sữa.

-Có thế thôi à?-Bestrastnov ngạc nhiên.Andropov giơ tay, người ta dọn trà đặc. Nhưng đã đến lúc bắt tay vào công việc và Andropov lại trở lại là đồng chí Andropov, chủ tịch KGB, Uỷ viên Bộ Chính trị và Bestrastnov là cấp dưới của ông, cục trưởng Cục VII. Chủ tịch KGB nói:

-Chuyện là thế này, Alecxei Ditrievich, nhiệm vụ trước mắt của chúng ta không dễ dàng… Cần xây dựng một đơn vị mới…

“Mới thì mới chứ sao!”-Bestrastnov nghĩ thầm. Thời gian này KGB đã lập mới không ít đơn vị, cả tạm, cả lâu dài để thực hiện những nhiệm vụ riêng biệt nào đó. Có gì lạ đâu! Andropov ngừng lời giây lát, đưa mắt nhìn Bestrastnov vẻ dò hỏi. Bestrastnov chờ đợi.

-Một đơn vị đặc biệt. Một đội “commando”1 (Commando: đội biệt kích) kiểu Xô Viết. Anh thử đoán xem để làm gì!

-Nhiệm vụ có thể đủ loại…

-Tạm thời chỉ có một nhiệm vụ: chống khủng bố. Nhìn về toàn cảnh dường như có một vòng xoáy mới bắt đầu: cướp máy bay, giết con tin, tấn công cướp bóc. Thử nhớ lại vụ Munich, lần Thế Vận hội Olympic ấy, anh cũng biết rõ chuyện này không kém gì tôi. Hãy xem nhóm “Tháng Chín Đen” đã gây ra cái gì: một vụ thảm sát thật sự. Còn cái cơ quan cảnh sát nức tiếng ở đó lại chẳng làm được việc gì cả. Chúng ta đâu có phải là đang sống trên hành tinh khác? Chúng ta đã làm gì để chống lại bọn kẻ cướp ấy?
Bestrastnov muốn trả lời nhưng Andropov gạt đi:

-Tôi biết anh định nói gì rồi. Khi có vụ “nóng” xảy ra chúng ta liền triệu tập các chiến sĩ-cán bộ tác chiến giỏi nhất. Chúng ta có các vận động viên và các xạ thủ. Có đấy nhưng liệu họ có biết cách tiếp cận một chiếc máy bay và lọt vào trong không? Để giải cứu được con tin, tiêu diệt bọn khủng bố, còn bản thân mình vẫn sống không? Thế nào?

Bestrastnov im lặng. Chủ tịch Uỷ ban đã nói rõ chuyện. Bản thân Bestrastnov cũng đã nghĩ đến việc này. Mà đâu chỉ có chuyện máy bay, nếu bọn khủng bố chiếm một toà nhà thì tấn công bọn chúng ra sao đây? Và tàu thuỷ, tàu hoả? Lạy Chúa vì những điều đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng lấy gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ tiếp tục sống yên bình được mãi.

-Tôi hỏi lại anh một lần nữa, chúng ta đã có gì để chống lại bọn chúng?-Andropov nhìn xoáy vào mặt Bestrastnov, rồi không đợi mà tự trả lời-Chưa có, Alecxei thân mến của tôi ạ, chưa có gì cả. Thế đấy, anh biết không, chưa có gì ngay cả ở mức nghiệp dư, bán chuyên nghiệp. Mà chúng ta thì cần một đội ngũ chuyên nghiệp cao cấp. Tôi muốn nói cao cấp nhất…
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #3 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:27:29 pm »

Ông đứng dậy lấy ở trên bàn làm việc một cuốn tạp chí rõ ràng đã được để từ trước.

-Anh xem đi, đây là các cán bộ ở Tổng cục I mang sang theo đề nghị của tôi.

Trên trang tạp chí mở sẵn Bestrastnov nhìn thấy tấm ảnh lớn: những chàng trai cao to lực lưỡng như vệ sĩ mặc quân phục nguỵ trang loang lổ. Họ ngồi trên đầu thùng một chiếc Mercedes đen, chân vắt chữ ngũ. Những nắm tay to đặt trên đầu gối. Họ mỉm cười đầy tự tin.

-Thế nào, Alecxei Dmitrievich, liệu có phải là thủ đoạn tuyên truyền của bọn tư sản không?-Andropov cười. Bestrastnov lắc đầu-Phải đấy! Đây là đơn vị tinh nhuệ GSG-9 của Tây Đức. Họ chuyên giải quyết những vụ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như giết người, bắt cóc con tin, ăn cướp, trấn lột. Tóm lại là một đội “commando” được huấn luyện tốt.


Andropov tháo kính, đưa cuốn tạp chí sát mặt, căng mắt nhìn thân hình những người lính GSG-9. Sau đó ông đóng mạnh cuốn tạp chí lại ném lên bàn.

-Còn chúng ta thì sao? Kém hơn à? Không kiếm được những chàng trai thực thụ à? Kiếm được. Nói tóm lại là như vậy, Alecxei ạ, Tổng cục I sẽ giúp. Họ sẽ cho anh một số tài liệu nước ngoài. Đọc đi, suy nghĩ đi. Trước mắt chúng ta sẽ thành lập một nhóm, phát triển các đội “commandos” của mình.


Bestrastnov bắt tay vào thực hiện mệnh lệnh của chủ tịch KGB. Ông tìm được một ít tài liệu. Thực ra, cả ở Tổng cục I những tài liệu như thế này không có nhiều. Ông đọc và thầm tính toán. Đặc biệt là đừng nôn nóng, công việc mới mẻ, kinh nghiệm thực tế lại chẳng có gì. Bestrastnov có cảm giác cấp trên sẽ không bổ sung biên chế cho các “commandos”, tiền nong cũng vậy. Nói chung, công việc rất đau đầu. Nhưng Andropov đã sớm hỏi thăm đến nhiệm vụ mà ông giao phó. Cục trưởng Cục VII chẳng có gì để báo cáo ngoài những câu chung chung: “Chúng tôi vẫn đang nghiên cứu”, “đang tiến hành”. Cặp kính của chủ tịch uỷ ban loé lên vẻ hoàn toàn khác lạ.


… Ngày hôm sau thiếu tá Robert Petrovich Ivon được bổ nhiệm tạm thời làm trưởng nhóm.

-Hãy lấy chỉ huy đội trong đám biên phòng, Andropov khuyên-Thử chọn Bubenin ở đảo Daman xem. Một anh hùng, một chàng trai dạn dày, dũng cảm đấy…

Bestrastnov gọi điện thoại nhắc lại câu chuyện với Andropov cho tướng Matroxov, Tư lệnh bộ đội biên phòng. Ông ta đồng ý:

-Được, nếu lấy anh ta làm chỉ huy thì chúng tôi sẽ đồng ý.

Bubenin bay về. Người ta giải thích cho anh về đội đặc nhiệm, về nhiệm vụ, mục tiêu của nó. Người ta cũng kiểm tra chàng sĩ quan biên phòng. Một sĩ quan chiến đấu thực sự, đã được tặng ngôi sao Anh hùng-thời đó là của hiếm. Cả Liên Xô biết tên, mà đâu chỉ Liên Xô, thực ra là cả thế giới. Ảnh các anh hùng biên phòng trên đảo Daman đã xuất hiện trên rất nhiều báo và tạp chí của hành tinh. Bản thân Bubenin lúc đầu còn ngần ngại, sau cũng đồng ý. Một quân nhân thực thụ có nghĩa là phải chấp hành mệnh lệnh. Thực ra mấy năm sau anh cũng viết báo cáo xin trở lại biên giới. Làm thế nào được, đây cũng như trong tình yêu vậy, không thể ép duyên. Vào đội đặc nhiệm không thể là chuyện cưỡng ép. Đội sẽ như hòn nam châm tự hút mọi người đến với mình. Có rất nhiều thanh niên muốn được chiến đấu.


Cuối cùng, biên chế của đội đã được duyệt, việc tuyển chọn bắt đầu. Bestrastnov báo cáo điều đó cho chủ tịch KGB.  Andropov rất hài lòng. Ông tin tưởng đội đặc nhiệm ra đời sẽ bảo vệ nhân dân trước bệnh dịch hạch đáng sợ của thế kỷ XX là chủ nghĩa khủng bố. Ngày hôm đó, sau khi báo cáo với Andropov, chuẩn bị ra về Bestrastnov đặt vấn đề: đặt tên gì cho đội vậy?

-Tên à?-Andropov hỏi lại-Gọi gì không quan trọng. Quan trọng ở chỗ nó sẽ hoạt động như thế nào, cái đội đặc nhiệm của chúng ta ấy. Cứ đặt tên cho nó là đội “A”.

Thế là cái tên đó đã đi vào lịch sử KGB-đội đặc nhiệm siêu mật chống khủng bố “A”. Sau vụ chính biến tháng 8-1991, báo chí gọi nó là “Alfa”.

Trích hồ sơ “Alfa”
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #4 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:32:08 pm »

Chủ nghĩa khủng bố là một trong những tội ác ghê tởm đáng kinh sợ nhất chống lại toàn nhân loại. Brutus1 (Mark Juni, 85-42 trước CN, nhà độc tài trị vì đế chế La Mã thời cổ đại) ám sát Ceasar (102 hoặc 100-44 trước CN)-giết một kẻ độc tài. Ông ta có phải là một tên khủng bố không? Chắc chắn là như vậy. Nhưng kẻ giết người biết rằng hệ thống những giá trị tồn tại trong khuôn khổ cơ cấu chính trị của đế quốc La Mã sẽ biện minh cho ông ta. Vâng, chủ nghĩa khủng bố như một hiện tượng của đời sống con người đã được biết đến từ lâu. Ngay từ thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, ở xứ Judea đã tồn tại hoạt động băng nhóm bí mật mang tên “Xikari” (Xika: nghĩa là dao găm hay đoản kiếm) chuyên giết những đại biểu quý tộc Do Thái hợp tác với người La Mã. Còn Thomas Aquinas2 (1224-1274: nhà thần học và triết học kinh viện) và các linh mục Thiên Chúa giáo rao giảng ý tưởng phải giết những kẻ cầm quyền bị họ coi là thù địch với nhân dân. Thời Trung cổ, đại diện các giáo phái Hồi giáo trong cộng đồng dân cư Athena sát hại các tổng trấn và lãnh chúa. Đó cũng là thời kì nạn khủng bố chính trị hoành hành bởi những băng đảng bí mật ở Ấn Độ và Trung Quốc.


Năm 1848 nhà tư tưởng cấp tiến người Đức Charles Heinsen chứng minh rằng lệnh cấm giết người không thể đem ra áp dụng trong các cuộc tranh giành chính trị và việc sát hại hàng trăm, hàng nghìn người có thể được biện minh nếu xuất phát từ “lợi ích tối cao” của nhân loại. Heinsen về mặt nào đó có thể coi là người đặt nên móng cho học thuyết chủ nghĩa khủng bố hiện đại. Trong các tác phẩm của ông ta có thể tìm thấy không ít tư tưởng đồng điệu với những quan điểm ý thức hệ của chủ nghĩa khủng bố hiện đại. Ông ta cho rằng để chống lại sức mạnh và kỷ luật của một đội quân phản động cần phả sử dụng thứ vũ khí mà với nó một nhóm người nhỏ có thể gieo rắc sự hỗn loạn tột độ. Heinsen đặt hi vọng vào hơi độc, tên lửa và nhấn mạnh đến việc tìm kiếm những phương tiện giết người mới. Đó chính là thứ “triết học quả bom” xuất hiện vào thế kỷ XIX, mặc dù cội rễ của nó xuất phát từ sự biện minh cho hoạt động ám sát những kẻ độc tài trong lịch sử Hy Lạp cổ đại. Học thuyết “triết học quả bom” tiếp tục được phát triển và mở rộng hơn trong “lí thuyết phá hoại” của Bacunin1 (Bacunin M.A. (1814-1876): nhà cách mạng Nga, lí thuyết gia của chủ nghĩa vô chính phủ, nhà tư tưởng của phái dân tuý cách mạng). Trong tác phẩm của mình ông này khăng khăng ý tưởng thừa nhận chỉ một hành động-sự phá hoại, và đề nghị sử dụng chất độc, dao găm và dây thừng như những phương tiện đấu tranh. Các nhà cách mạng, theo Bacunin, cần như câm điếc trước tiếng rên rỉ của người bị giết hại, không chấp nhận bất cứ sự thoả hiệp nào. Ông ta nói mảnh đất Nga cần được rửa sạch bằng kiếm và lửa. Giáo điều “tuyên truyền bằng hành động” được những kẻ vô chính phủ giương lên những năm 70 của thế kỷ XIX. Bản chất của nó là không phải lời nói mà chỉ những hành động khủng bố mới có thể thức tỉnh quần chúng gây áp lực với chính phủ. Ý tưởng này sau đó cũng được Cropotkin2 (Cropotkin P.A (1842-1921): nhà cách mạng Nga, lí thuyết gia của chủ nghĩa vô chính phủ, nhà tư tưởng của phái dần tuý cách mạng) nêu ra khi khẳng định tư tưởng vô chính phủ là “sự kích động liên tục bằng lời lẽ hay văn bản, bằng dao, súng và thuốc nổ”.


Cuối thế kỷ XIX, vai trò đặc biệt trong việc tuyên truyền cho chủ nghĩa khủng bố ở châu Âu và Mỹ thuộc về Johann Most, người cổ suý cho việc sử dụng “các phương tiện dã man chống chế độ dã man”. Chủ nghĩa khủng bố trở thành hiện tượng thường ngày trong đời sống xã hội từ cuối thế kỷ XIX. Đại diện cho khuynh hướng này là các phần tử dân tuý ở Nga, quốc gia cấp tiến ở Ireland, Macedonia, Serbia, vô chính phủ ở Pháp của thập kỷ 90, và các phong trào tương tự ở Italia, Tây Ban Nha và Mỹ. Trước đại chiến thế giới I, chủ nghĩa khủng bố được coi là công cụ của phe cánh tả. Nhưng sử dụng nó thực chất chỉ có những cá nhân không có cơ sở chính trị cũng như các phần tử quốc gia không thuộc phe cánh tả mang định hướng xã hội chủ nghĩa mà thôi. Chiến tranh kết thúc, phe cánh hữu, bọn quốc xã li khai và phát xít Italia, Đức, Pháp, hung, “Đội cận vệ sắt” ở Rumani lại vũ trang bằng chủ nghĩa khủng bố. Những vụ khủng bố lớn nhất thời kì đó là vụ giết hại Kerl Liebknecht và Rosa Luxemburg (các lãnh tụ đảng Cộng sản Đức và Quốc tế cộng sản) năm 1919, vụ ám sát vua Nam Tư Alecxander và thủ tướng Barth của Pháp năm 1934. Nền tảng của các phong trào đó là những hệ tư tưởng khác nhau, nhưng thực tế thì những phe nhóm đó, dù thế này hay thế khác, đều tuân theo các luận điểm của học thuyết “triết học quả bom” hay “tuyên truyền bằng hành động”.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #5 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:34:08 pm »

Bước vào thế kỷ XX bản chất của chủ nghĩa khủng bố không thay đổi. Hơn nữa chủ nghĩa khủng bố lúc này bao quát cả mộ phổ rộng các hiện tượng vô cùng đa dạng: từ ám sát chính trị đến thảm sát hàng loạt dân lành trong các cuộc nội chiến. Nếu đối với các nhà dân tuý Nga, các chiến sĩ của phong trào “Một tháng Ba”, các đảng viên xã hội cánh tả Nga, việc thực hiện các hành động khủng bố được coi là hành động tự nguyện hi sinh, tự sát vì lợi ích của xã hội thì đối với các phần tử của “Lữ đoàn đỏ” lại là hành vi tự khẳng định. Hiện nay chủ nghĩa khủng bố dù “đỏ” hay “đen”, phát xít hay phát xít mới đều không khác nhau là mấy và có rất ít điểm chung với các hành động khủng bố do những người dân tuý Nga thực hiện. Đó là vì chủ nghĩa khủng bố hiện nay chỉ có một mục tiêu dẫn dắt là cướp chính quyền. Không hề có chút gì là vì “lợi ích xã hội”.


Trong thế kỷ XX chủ nghĩa khủng bố được nâng lên cấp độ nhà nước. Điều này trước đây nhân loại chưa từng chứng kiến. Nhà nước khủng bố “đàn áp” công dân của mình bằng sự vô pháp luật trong nước, khiến họ luôn cảm thấy yếu ớt và bất lực. Nhà nước đó cũng không thay đổi hành vi cư xử cả ở ngoài biên giới của nó và trong cộng đồng quốc tế. Nước Đức phát xít đã chà đạp Ba lan ngay trước mắt mọi người. Đó là bài học cho cả châu Âu và thế giới. Mỉa mai thay nhiều quốc gia đã vội vã biểu lộ lòng trung thành của mình đối với “nhà nước láng giềng-kẻ cướp” ấy! Làm thế nào được, nếu tên kẻ cướp quá mạnh?


Ngày nay truyền thống kẻ cướp ấy đã phát huy sức mạnh ở nhiều khu vực Liên Xô cũ. Khuynh hướng dùng vũ lực đoạt cho mình, dù là với mục đích cao quý đến mấy, cũng sẽ khiến nẩy những chồi độc trên cái cây chủ nghĩa khủng bố nhà nước. Và điều đáng sợ nhất là những chồi độc đó đang lớn nhanh-Armenia, Azerbaizan, Oxetia, Moldova đã bị kéo vào cuộc chiến. Thỉnh thoảng đâu đó lại vang lên những lời chỉ trích và đe dọa lẫn nhau ở cấp độ chính phủ và nhà nước. Chủ nghĩa khủng bố mang nhiều bộ mặt. Liên bang Xô Viết-“cường quốc hạt nhân” lớn nhất thế giới sụp đổ khiến vấn đề càng trở nên nóng bỏng hơn bởi sự thất thoát vũ khí hạt nhân. Điều này đồng nghĩa với khả năng tiềm tàng của khủng bố hạt nhân. Cần phải nói thêm là bọn khủng bố hiện nay không chỉ là những kẻ nghiệp dư ném bom tự tạo vào đám đông, mà là bọn được huấn luyện tốt, trình độ chuyên nghiệp rất cao.


Gần đây, trong các vụ khủng bố, những ứng dụng khoa học và kỹ thuật quân sự mới nhất như máy bay phản lực, liên lạc vệ tinh, tên lửa có đầu dẫn hồng ngoại đã được sử dụng. Sau đó sẽ là gì nữa đây? Vũ khí hạt nhân, sinh học, hoá học chăng? Hãy cứ để cho ai đó mỉm cười giễu cợt cho rằng đó chỉ là sự lo sợ hão huyền? Ngay từ thời tự xưng là các chiến sĩ xung kích của Baarder Meinhoff, bọn khủng bố đã nuôi mộng hoặc ăn cắp hoặc là chế tạo bom nguyên tử. Ở Mỹ, qua tìm hiểu tài liệu của một đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố hạt nhân, từ mấy năm trước đây người ta đã nhận thấy với mấy chuyên gia am hiểu công việc thì một nhóm khu vực hoàn toàn có thể chế tạo được một cơ cấu hạt nhân đơn giản (mặc dù công việc có thể gặp không ít khó khăn).


Tiện thể cũng phải nói là năm 1975 thành phố New York đã trải qua những giây phút kinh hoàng trước mối đe doạ hạt nhân khi chính quyền thành phố nhận được lời cảnh báo nặc danh viết: “Chúng tôi đã thiết kế và chế tạo được một quả bom nguyên tử. Hiện nó được đặt tại một địa điểm bí mật ở trên đảo Manhattan. Bom sẽ nổ lúc 6 giờ chiều nế yêu cầu sau không được thực hiện: nộp 30 triệu đôla tiền mặt, mệnh giá nhỏ, tiền không bị đánh dấu và thuộc các seri khác nhau”. Mảnh giấy đó có thể được coi là trò đùa nếu không kèm theo một bản vẽ mà người vẽ rõ ràng là nắm rất vững vật lý hạt nhân. Ơn trời là không có ai đến lấy bọc tiền giả đặt ở điểm hẹn quy định.


Nhưng câu chuyện trên khiến người ta thấy hết sức lo lắng. Tại Mỹ đã có hơn tám mươi lần xuất hiện những lời đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân, mặc dù đa số trường hợp chỉ là báo động giả. Vài năm trước đây tờ Washington Post cùng hãng truyền hình ABC tiến hành một cuộc điều tra xã hội nhằm xác định điều nào dưới đây được dư luận đánh giá là hiểm hoạ lớn đối với nước Mỹ: sức mạnh quân sự của Liên Xô hay chủ nghĩa khủng bố được Liban, Iraq, Iran hậu thuẫn? Chỉ có 15% người Mỹ cho rằng đó là sức mạnh quân sự của Liên Xô, 82% người cho rằng chủ nghĩa khủng bố mới là mối đe doạ chính đối với an ninh của đất nước.


Nói về hoạ khủng bố hạt nhân, chúng ta không thể không nhớ đến các mục tiêu xa của nhà độc tài Uganda Idi Amin. Ông ta chỉ đạo triển khai một âm mưu hạt nhân bí mật mang tên “Chiến dịch Poker” với dự kiến chế tạo những quả bom hạt nhân cỡ nhỏ có thể đặt gọn trong chiếc vali bình thường để qua tay nhân viên ngoại giao-sát thủ có thể chuyển tới các đại sứ quán Uganda trên khắp thế giới. Tất nhiên để chế tạo được những quả bom nguyên tử mini ấy cần phải có những chuyên gia cực kì am hiểu khoa học và kỹ thuật. Điều này nằm ngoài khả năng của chính quyền Amin. Người ta chỉ biết rằng nhà độc tài đã cố gắng tìm kiếm họ. Chuyện đó xảy ra cách đây chưa lâu vào năm 1979. Sau khi chế độ Amin sụp đổ các tài liệu bị phát hiện ở Uganda được công bố đã khiến cả thế giới biết đến những kế hoạch tội ác của kẻ điên cuồng ấy.


Đương nhiên, khủng bố hạt nhân không phải là phát kiến duy nhất của thế kỷ XX. Các nhà bác học đã cảnh báo về sự xuất hiện trong thời gian tới những vụ khủng bố sinh thái. Các phong trào "xanh" đủ loại đang trên bờ tuyệt vọng; điều đó có thể đẩy họ tới hành động khủng bố vì họ không có các phương tiện hữu hiệu được thể chế nhà nước chấp nhận để gây tác động với chính phủ và nghị viện và không có cách nào khác để buộc chính phủ chú ý và cân nhắc đến vai trò của họ. Khó nói trước được khủng bố “xanh" sẽ mang hình thức nào, sẽ vũ trang bằng phương tiện nào, nhưng sự xuất hiện của nó trong cuộc sống thực tại của chúng ta là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #6 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:35:40 pm »

Nếu những tên tội phạm hạt nhân luôn mơ có một trái bom và đe dọa bằng thứ vũ khí tưởng tượng, còn nạn khủng bố "xanh" mới hiện diện trong dự đoán của các chuyên gia thì đám không tặc đã hoạt động từ lâu. Cách thức của chúng ngày càng tinh vi, có tính toán và thành thạo hơn. Theo dự báo của các chuyên gia trong Tổ chức An toàn Hàng không thế giới, sắp tới nạn khủng bố không tặc sẽ trở thành một tai họa thực sự. Một số chuyên gia có cái nhìn bi quan nhất (hay có thể là tỉnh táo nhất?) cho rằng, sắp tới ngành vận tải hành khách hàng không sẽ trải qua một thời kì vô cùng khó khăn. Hàng không quốc gia Nga sẽ không phải là ngoại lệ Hàng chục vụ cướp máy bay chính là lời khẳng định hùng hồn nhất. Những vụ tấn công máy bay dân dụng cũng như các phương tiện vận tải khác để chiếm đoạt chúng, đưa ra nước ngoài hoặc phá hủy đã trở thành những hình thức phổ biến và nguy hiểm nhất của chủ nghĩa khủng bố ở thời điểm này.


Cuối cùng lệnh thành lập đội đặc nhiệm đã được kí duyệt. Ban chỉ huy được chỉ định. Công việc chủ yếu cần làm trước mắt là tuyển người. Bestrastnov và ban chỉ huy đội hiểu rằng: các phương pháp tuyển chọn người truyền thống vẫn được áp dụng ở KGB không thích hợp cho việc này. Đội là đơn vị đặc biệt độc nhất nên cách tuyển người cũng phải khác biệt và độc đáo. Nói thì dễ, nhưng cụ thể thì chàng thiếu tá Bubenin, nguyên đồn trưởng một đồn biên phòng và chàng phó chỉ huy đội Von có thể đề xuất được điều gì cụ thể đây? Thực tế là cả hai người chưa bao giờ làm một công việc nào tương tự như vậy. Kinh nghiệm ở đây chỉ là số không. Mà cũng chẳng biết học hỏi ở đâu. Thiếu tá Bubenin không thể có được điều kiện giống như Becvit - người tổ chức và chỉ huy đội đặc nhiệm "Delta" của Mỹ; ông này được cử sang thực tập ở một đơn vị trong lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh học hỏi những kinh nghiệm tốt nhất để áp dụng tại đất nước mình. Thiếu tá Bubenin thì thậm chí không thể ra khỏi Moxcva. Andropov tuy cho phép chọn người trong biên chế của toàn bộ ủy ban an ninh, nhưng một trong những điều kiện bắt buộc đối với chiến sĩ tương lai của đội đặc nhiệm là hộ khẩu Moxcva. Đại tá Charles Becvit đã viết về việc chọn lựa người gia nhập đội "Delta" như sau: "Để tìm được những người đáp ứng đủ tiêu chuẩn, các sĩ quan chúng tôi đã đi gần khắp mọi miền đất nước. Họ đã đến Benning và Hude, Leonardwood và Carson, Bellvaar, Stuard và Teevens. Họ không bỏ qua ngay một đồn binh nhỏ nhất. Hai lần chúng tôi đã đến tập đoàn quân đóng ở châu Âu. Một công việc nặng nhọc khủng khiếp vì chúng tôi phải đi tìm những người đáng tin cậy nhất". Chúng tôi cũng đi tìm những người đáng tin cậy nhất cho đội đặc nhiệm “A". Việc chọn lựa tuy vậy vẫn tiến hành trong một phạm vi khá rộng. Dù có một số quy định hạn chế, tiểu ban tuyển người vẫn có khả năng chọn cho mình những cá nhân ưu tú nhất trong số hàng ngàn nhân viên KGB. Chúng tôi cũng không quên nhắc lại rằng đội đặc nhiệm được thành lập vào năm 1974. Cho đến lúc này, Andropov đã đảm nhiệm cương vị của mình tám năm. Với thời gian đó ông kịp biến KGB từ một cơ quan bị thất sủng thời Khrutsov thành một tổ chức hùng mạnh, quyền thế. Một thực tế không thể bác bỏ là các sĩ quan an ninh có vị trí đặc biệt trong thể chế nhà nước: họ hưởng lương cao hơn nhiều, có nhiều ưu đãi, những thứ mà ít ai dám mơ, kể cả đối với cán bộ các Viện Công tố, nhân viên Bộ Nội vụ và thậm chí so với quân nhân là những người thuộc một thiết chế lớn và có nhiều ảnh hưởng.


Dù giờ đây người ta có nói gì đi nữa về KGB trong những năm 70, thì được phục vụ ở đó vẫn cứ là rất có thể diện. Người ta cố gắng che giấu chức năng đàn áp của nó và thanh niên thường được hứa hẹn một công việc lãng mạn và thú vị. Vì vậy công bằng cần phải nói khiếm khuyết, nhược điểm ở những người mong muốn trở thành nhân viên ủy ban an ninh quốc gia là không được phép có. Và tập hợp vào đây không thể là những kẻ tồi tệ. Hiện nay có một dư luận rất phổ biến được sự tán đồng và thổi phồng của một số các phương tiện thông tin đại chúng cho rằng hình như KGB bổ sung vào đội ngũ của mình cả những kẻ xấu xa, bị ép buộc làm cho ủy ban vì sợ hãi, những tên du côn chỉ giỏi đánh đấm đủ loại. Một ý kiến ngây ngô nếu xét theo quan điểm nghề nghiệp. Dân đánh đấm cần ở những nơi nào mà cần có họ, nghĩa là ở ngoài cơ quan này. Còn trong biên chế chỉ có những cán bộ có trình độ, có giáo dục, với các đầu biết nghĩ và không thể là kẻ ngu đần. Và nếu như vào thời đó các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, các trường đại học đã giới thiệu những nhân viên ưu tú nhất của mình cho lực lượng công an thì đối với KGB còn hơn thế. Người vào đây phải là có khả năng tuyệt vời. Còn sau đó có thể năng lực và trí tuệ của những chuyên gia đó được dùng đôi khi cho những công việc không thật là đẹp lắm thì lại là chuyện khác. Còn trong trường hợp này, với đội đặc nhiệm "A", năng lực và trí tuệ của họ được sử dụng để đấu tranh với nạn khủng bố.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #7 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:36:54 pm »

Bubenin khác với Charles Becvit, không có khả năng tiến hành phân tích dữ liệu máy tính của những ứng cử viên được đề cử, và anh buộc phải dựa vào kinh nghiệm của các cán bộ tổ chức trong ủy ban, và nghe thì hơi lạ, vào sự quen biết. Nhiều người được chọn vào đội đặc nhiệm nhờ sự tiến cử của thủ trưởng đơn vị - những người đã có thâm niên phục vụ lâu năm ở Cục VII và hiểu tương đối rõ năng lực phẩm chất những nhân viên trong cục của mình. Bất kì ai muốn "nâng đỡ người thân”, như một nhân vật văn học thường nói, đều hiểu rằng anh ta sẽ phải kề vai sát cánh cùng "người thân" đó dưới làn đạn của bọn khủng bố. Ai chẳng quý sinh mạng của mình? Và còn điều thứ hai là đội đặc nhiệm "A" chắc gì đã là "nơi ấm thân". Những căng thẳng thể lực, công việc thường xuyên nặng nhọc và cuối con đường công danh, như Vưxoski thường hát, là "lưỡi rìu trên đoạn đầu đài". Do vậy lối tuyển chọn "tiêu cực” ở đây là không thể có.


Khi thành lập đội đặc nhiệm "Delta", có lần Charles Becvit viết thông báo: "Cần những người tình nguyện gia nhập "Delta". Đảm bảo sẽ có huân chương, quan tài và hoặc cái này, hoặc cái kia". Chúng tôi cũng đưa ra đề nghị tương tự như thế cho các chiến sĩ và chỉ huy đội đặc nhiệm "A". Họ tất nhiên cũng cố để có những đặc quyền ưu đãi nào đó, nhưng chúng quá nhỏ nhoi, không thể coi là điều kiện hấp dẫn đối với kẻ hám thích quyền lợi vật chất. Gia nhập đội là những con người dũng cảm, sẵn sàng hi sinh thân mình không vì tiền mà vì lí tưởng, vì muốn cứu người khác. Sau này, qua năm tháng, ý nghĩ về sự xả thân giải cứu con tin đã trở thành một trong những điều chủ yếu và biến thành một thực tế kinh khủng. Nhưng khi Becvit hứa sẽ đem lại quan tài cho những người tình nguyện gia nhập vào đội "Delta", ông cũng biết rõ nếu điều bất hạnh xảy ra, gia đình người hi sinh sẽ được đảm bảo mọi mặt, còn nếu bị thương hoặc tàn phế, thương binh sẽ được nhận lương hưu đảm bảo cuộc sống xứng đáng.


Còn ở Nga? Chiến sĩ đội đặc nhiệm "A" sẽ ra sao nếu chấm dứt cuộc đời phục vụ là một kẻ thương tật? Có duy nhất một khả năng: anh sẽ được cấp đồng lương hưu còm cõi chỉ đảm bảo cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống khốn khổ. Đội trong thực tế đã phải đối mặt với vấn đề đó năm 1979. Sau cuộc tấn công vào dinh của tổng thống Amin ở Afghanistan, một số chiến sĩ bị thương nặng. May mắn cục trưởng Cục VII Bestrastnov là người từng tham gia chiến đấu, có tấm lòng nhân hậu. Ông đã đứng ra bảo vệ, vận động cho các thương binh trước Andropov. Vì vậy những người đó được giữ lại trong biên chế cán bộ của KGB. Một số người nay vẫn đang còn phục vụ; vốn kinh nghiệm phong phú của họ còn cần thiết với nhiều người. Nhưng nếu một người khác ở vào cương vị của Bestrastnov lúc đó thì chắc chắn các thương binh này sẽ lâm vào hoàn cảnh như hàng trăm cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở Afghanistan như họ: về hưu, chuyển sang ngạch dự bị, và sống với đồng lương hưu còm cõi. Chưa có một văn bản pháp luật nào được ban hành xem xét cho họ được tiếp tục ở lại vị trí công tác. Tình cảnh đối với gia đình các liệt sĩ còn tệ hơn. Ở Afghanistan đội đặc nhiệm "A" bị mất hai chiến sĩ. Ngay trong “thời bình" công việc của chiến sĩ đặc nhiệm Alfa thường xuyên gắn với mọi hiểm nguy và chúng tôi phải cay đắng thừa nhận sự tổn thất về con người là khả năng hoàn toàn có thể bởi viên đạn của kẻ khủng bố chẳng khác gì viên đạn của một tên lính đối phương trên chiến trường. Rất tiếc vấn đề nhạy cảm và phức tạp này không được xem xét ngay từ ngày đầu thành lập đơn vị đặc nhiệm để quy định quyền lợi của họ. Tuy vậy, nói thực ra, phán xét là điều không dễ nếu biết được đơn vị đặc nhiệm đã được thành lập trong hoàn cảnh như thế nào. Bàn luận khi chuyện đã xảy ra thì ai mà chả thông minh. Mikhail Mikhailovich Romanov thừa nhận với tôi rằng lúc đó họ đã thử xem xét, dự kiến quyền lợi cho chiến sĩ đơn vị đặc nhiệm, xin mức lương cao hơn bằng cách tính niên hạn phục vụ ưu tiên hơn - tăng gấp rưỡi so với thông thường. Để hiểu chuyện đó mất công như thế nào ta phải quay về thời kì đó. Với hoàn cảnh thời ấy không thể trông đợi hơn được. Các thành viên của đội cũng không mong hơn vì nghĩ như vậy đã đủ lắm rồi. Điều quan trọng là công việc sắp tới. Họ muốn một công việc hào hứng, một cuộc sống chiến đấu thực sự. Tiểu ban tuyển chọn chỉ nói với trung úy Anatoli Xavelev duy nhất một điều là công việc đề nghị với anh ở đội đặc nhiệm "A" sẽ thú vị hơn và nói thêm, tất nhiên sẽ nguy hiểm hơn. Nhưng điều đó chẳng nghĩa lí gì và Anatoli đồng ý ngay.


Các chiến sĩ gia nhập đơn vị đặc nhiệm là ai? Trước tiên đó là những vận động viên. Đơn vị được thành lập hoàn toàn từ nhân viên KGB được huấn luyện thể lực tốt, có trình độ nghiệp vụ cao. Tất nhiên toàn bộ sĩ quan và hạ sĩ quan đều có học vấn đại học hoặc trung cấp về chuyên môn. Charles Becvit viết trong hồi kí rằng ông thực sự bị "sốc" khi kiểm tra trình độ của các ứng cử viên đội “Delta". Với những câu hỏi dạng: "Anh nghĩ thế nào về sự bất đồng giữa tổng thống Truman và đại tướng Mac Arthur trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, ai đúng và vì sao?" ông thường nhận được cái im lặng nặng nề thay cho câu trả lời. Còn các chiến sĩ của chúng ta thì không cần phải kiểm tra. Về mặt lí thuyết họ đã được đào tạo cẩn thận. Ví dụ Valeri Emưsev gia nhập đơn vị sau khi đã tốt nghiệp trường Cao đẳng Nghiệp vụ KGB và có bằng luật. Anatoli Xavelev tốt nghiệp trường Trung cấp Kĩ thuật Hàng không và Đại học Sư phạm. Ban chỉ huy quan tâm hơn đến các bài kiểm tra thể lực. Do vậy thành phần đội đặc nhiệm "A” chủ yếu gồm các vận động viên cấp 1, kiện tướng thể thao, các nhà vô địch từ các Cục thuộc KGB Moxcva, thậm chí cả các nhà vô địch quốc gia. Chẳng hạn kiện tướng thể thao Gleb Tolxticov, nhân viên đội đặc nhiệm "A" từng đoạt ngôi vô địch quốc gia môn quyền Anh, thành viên đội tuyển thi đấu trong Thế Vận hội Olympic. Tuy việc rèn luyện thể lực, hoặc các môn chuyên biệt khác như tập bắn bằng mọi loại vũ khí, lái ôtô hoặc xe bọc thép có tầm quan trọng đặc biệt, nhưng tiêu chuẩn hàng đầu để tuyển người vào đội đặc nhiệm lại là “cái đầu trên cổ". Thuật ngữ nghe có vẻ đùa bỡn này là tiêu chuẩn quyết định. Điều đó khẳng định sự cần thiết của khả năng tư duy linh hoạt, quyết định nhanh, không sai lầm, và hành động chính xác để thực hiện chúng ở mỗi chiến sĩ đặc nhiệm. Dần dần đội cũng có những đảm bảo y tế và tâm lí, các kế hoạch của riêng mình với sự nghiên cứu và áp dụng kinh nghiệm của nước ngoài nhưng dù có sự chỉ đạo thế nào, dù các đội viên có được đào tạo thành các chuyên gia gì đi nữa, bước vào chiến dịch anh vẫn luôn một mình đối mặt với bọn tội phạm. Và thường là khi ấy cả người chỉ huy lẫn đồng đội dày dạn kinh nghiệm cũng khó giúp được gì.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #8 vào lúc: 24 Tháng Hai, 2012, 07:37:38 pm »

Năm 1986, tại thành phố Upha, những tên tội phạm có vũ khí đã cướp một chiếc máy bay TU-134 với bảy mươi sáu hành khách trong khoang. Bọn khủng bố là hai quân nhân. Một vụ tương tự xảy ra cách đó không lâu ở Xarapul thuộc nước Cộng hòa Xô Viết Tự trị Udmurt. Khi đó người ta tương đối dễ dàng khống chế bọn tội phạm khoác áo lính. Nhưng cuộc đời vốn nhiều bất ngờ. Giờ đây chúng không đơn giản là những thanh niên mặc áo lính và không tình cờ đi cướp máy bay. Chúng là "chuyên gia" thực thụ, đã phục vụ trong nhóm chống khủng bố của một đơn vị công an, đã được huấn luyện đặc biệt, hiểu rõ cơ cấu máy bay, biết tường tận cửa vào, cửa ra, biết rõ từng khoang, kể cả khoang nhỏ nhất. Chúng dễ dàng khống chế trên thực tế mọi hướng đột nhập vào bên trong chiếc máy bay chở khách và có trong tay những vũ khí hỏa lực mạnh như súng máy và tiểu liên. Bọn chúng gần như bất khả xâm phạm. Tình huống đó là "ngoài giáo án" theo cách nói thông thường. Hãy nghĩ đi, đội đặc nhiệm "A", hãy nghĩ đi. Nhân đây cũng cần nói rằng suốt thời gian hoạt động của đội thực tế chưa hề có tình huống nào nằm trong giáo án. Cuộc sống đảo lộn tất cả những kế hoạch soạn thảo tỉ mỉ nhất ngay từ phút đầu của chiến dịch. Năm 1990 ở Xukhumi, trong chiến dịch đoạt lại một phòng biệt giam bị bọn tội phạm chiếm giữ, chiếc xe bus minh hiệu RAF mà bọn khủng bố ẩn trên đó lẽ ra phải dừng lại ngay lập tức sau tiếng nổ. Toàn bộ chiến dịch được tính toán dựa theo trên “nước đi" đó, nhưng chiếc RAF lại trượt thêm quãng đường khoảng 25 m. Mà mỗi giây, mỗi mét xe chạy thêm có thể phải trả giá bằng sinh mạng con người. Vậy đấy, hãy suy nghĩ đi, đội đặc nhiệm "A", hãy nghĩ và hành động thật chính xác không được sai lầm. Nhưng than ôi, vẫn có những sai lầm. Ngày 8 tháng 3 năm 1988 tại Leningrad, người nhà Oveskin cướp chiếc máy bay Tu-154 trên tuyến bay Irkut - Kurgan - Leningrad. Những tin báo ban đầu về mặt đất cho các chỉ huy KGB và Sở Công an ở địa phương có vẻ không đáng ngại. Một phụ nữ với lũ trẻ con, một thiếu niên ôm khẩu súng cưa nòng, một trái bom có vẻ là giả... Khi cuộc thương lượng bế tắc người ta quyết định tấn công. Bằng lực lượng nào? Tất nhiên là lực lượng sẵn có. Cần gì đến đội Alfa? Người ta tự thu xếp được. Hành động của nhóm tấn công hết sức không chuyên nghiệp, thiếu suy xét và vụng về... Điều đó nhắc chúng ta nhớ đến thuật ngữ "Alfa": "cái đầu trên cổ". Sự kiện bi thảm ở Leningrad khẳng định tính thiết yếu của điều kiện này. Cuộc tấn công khiến một số người chết và bị thương, chiếc máy bay cháy rụi. Báo chí Leningrad sau đó đã sôi nổi phân tích mọi mặt của sự kiện, cố tìm ra người có lỗi, và tìm kiếm câu trả lời cho các vấn đề đang được tất cả quan tâm: Tại sao lại xảy ra vụ đó, đâu là nguyên nhân thảm họa? Còn tôi cho rằng, ở đây không nên bàn đến các sai lầm cụ thể của ban chỉ huy chiến dịch hoặc trình độ kém cỏi của nhóm tấn công. Nguyên nhân ở chỗ khách Ngày nay một người nghiệp dư, dù tài ba nhất đi nữa, không thể đối chọi với bọn khủng bố. Không thể giải quyết những vấn đề như thế này ở trình độ kiêm nhiệm. Một người nếu theo đuổi cuộc chiến chống khủng bố phải dành trọn cuộc đời cho nó, phải là một nhà chuyên nghiệp. Bởi vì sai lầm của anh ta sẽ không thể bù đắp được bằng bất kì giá nào.


Khi tuyển lựa ba mươi chiến sĩ đầu tiên cho đội đặc nhiệm “A”, Bestrastnov chưa thể dự kiến, mà chỉ linh cảm rằng đội sẽ phải chuyên làm nhiệm vụ chống khủng bố. Vì vậy ông muốn tập hợp trong đội những người giỏi nhất trong số hàng vạn nhân viên KGB thời đó Ngày nay ta có thể nói chắc chắn rằng, ông và ban chỉ huy đội đã không mắc sai lầm khi tuyển người: nhóm ba mươi người đầu tiên tập hợp được vào năm 1974 đã trở thành nòng cốt cho một đơn vị cơ động cực kì tinh nhuệ, có sức chiến đấu cao và khả năng (có thể nói mạnh dạn) hoàn thành mọi nhiệm vụ, kể cả những nhiệm vụ phức tạp nhất trong cuộc chiến chống khủng bố và tội phạm có tổ chức. Nhờ ý chí quyết tâm của chủ tịch KGB, đội đặc nhiệm “A" đã ra đời. Biên chế đội chỉ có ba mươi thành viên nhưng là những chiến binh thực thụ, những vận động viên thể thao sung sức, nghị lực và giàu tự tin. ở vị trí công tác cũ họ là những người ưu tú nhất. Còn ở đây mọi sự bắt đầu từ số không.
Logged
nhinrathegioi
Thành viên
*
Bài viết: 1023



« Trả lời #9 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2012, 06:34:51 pm »

Mikhail Mikhailovich Romanov, đội phó đội đặc nhiệm "A" kể:

- Chúng tôi lúc đó sống như mấy họ hàng nghèo vậy. Đội mới thành lập, tất nhiên là chưa có trụ sở. Người ta thu hẹp một ban, cố lắm mới sắp xếp đượm. Kíp trực ngủ bầng giường xếp. Không có chỗ để vũ khí. Quy trình huấn luyện vì thế cũng bị hạn chế, cắt xén. Nhưng tập thể rất tốt, anh em đều là những chiến sĩ Trekis ưu tú, có kinh nghiệm sống.


Thế giới lúc đó đang bị xáo trộn bởi các tin khủng bố cướp máy bay, bắt cóc con tin. Cần tăng tốc. Robert Von, đồng nghiệp của tôi, lúc đó cũng là đội phó, một sĩ quan chuyên nghiệp. Anh nhận trách nhiệm soạn và triển khai giáo án huấn luyện, diễn tập và thao diễn thực địa, còn tôi chịu phần việc huấn luyện thể lực và các khoa mục chuyên môn. Một đội đặc nhiệm chống khủng bố mà không biết cách vô hiệu hóa bọn khủng bố và giải thoát con tin, dù ở trên máy bay, ở trong nhà hay tàu hỏa thì còn ra gì nữa. Đầu tiên phải lên mô hình giải thoát: dự kiến vũ khí thích hợp, khí tài quang học và các khí cụ chiến đấu đặc biệt như vũ khí hóa học, thiết bị chiếu sáng, gây nổ. Tôi còn nhớ một trong những kế hoạch đầu tiên của chúng tôi là chế tạo “xe bus bẫy". Chúng ta thấy là bọn khủng bố thường đòi đưa chúng ra sân bay bằng xe con hoặc xe bus. Tại sao không gây mê chúng trên đường đi nhỉ? Chỉ cần một lượng khí gây ngủ đưa vào trong xe là có thể "tóm sống" như cách nói thông thường, khiến chúng chưa kịp hiểu sự việc gì xảy ra. Ý tưởng có vẻ hấp dẫn đủ mọi mặt. Nhưng khi tìm cách thực hiện lại nảy sinh khá nhiều vấn đề... Chúng tôi đã gây mê mấy con vật làm thí nghiệm (ba con khỉ và hai con mèo) trong vòng 5-7 phút. Nhưng liệu khoảng thời gian ngắn ngủi ấy có đủ cho chúng tôi đuổi kịp chiếc xe bus và bắt gọn bọn chúng không? Nhóm đặc nhiệm bao giờ cũng phải đi phía sau một quãng để khỏi bị phát hiện. Nếu như họ để vuột mất chiến xe và bọn khủng bố, khi đánh hơi được chuyện gì vừa xảy ra, sẽ tàn sát con tin thì sao. Còn có những vấn đề kĩ thuật thuần túy nữa. Chẳng hạn làm thế nào để xoá tiếng động khi phun khí vào xe? Phải có thể ngụy trang bằng tiếng ồn của động cơ xe đang chạy nhưng trong thực tế điều đó hóa ra rất khó thực hiện. Và thế là ý tưởng thất bại.


Ngay từ những bước đi ban đầu đội đã vấp phải những vấn đề mang tính quan điểm pháp lí. Trong cuộc chiến chống khủng bố một số nước như Argentina, Columbia, Thổ Nhĩ Kì coi thương lượng là không cần thiết. Họ cho rằng khi xảy ra bắt cóc con tin cần lập tức đàn áp bằng sức mạnh. Chúng tôi chọn cách khác và coi thương lượng là biện pháp hiệu quả có thể giải quyết xung đột, đôi khi chúng tôi cũng sẵn sàng chấp nhận một số nhượng bộ. Đội đặc nhiệm có nhiệm vụ chỉ sử dụng vũ khí chiến đấu trong trường hợp bất khả kháng. Quan điểm này đã thay đổi cách nhìn nhận của chúng tôi về vai trò của vũ khí. Về nguyên tắc chúng tôi cần loại vũ khí mới, chẳng hạn vũ khí hơi gas có thể mua ở nước ngoài. Nhưng lúc đó chúng tôi chưa có kinh nghiệm sử dụng chúng. Giải quyết sao đây - tốt nhất là thực nghiệm trên bản thân. Còn nhớ chúng tôi đã dịch tài liệu hướng dẫn kĩ thuật sang tiếng Nga. đọc rất kĩ. Nếu trúng đạn loại đó, bản hướng dẫn nói, chất làm dịu tốt nhất là nước. Nước thì nước. Tôi và Von lột áo quần còn mỗi quần đùi và đấu súng bằng sủng bắn đạn hơi gas. Liều lượng không cao lắm. Chúng tôi bắn vào nhau rồi lao xuống nước. Thứ gas đó bắn vào da gây đau khủng khiếp như dao cắt. Có cảm giác là thôi rồi, sắp chết đến nơi, xin vĩnh biệt đời. Sau này, chúng tôi mới nhận ra rằng loại vũ khí đó không thích hợp lắm vì: không thể dùng được khi có gió lùa hoặc gió thổi ngược. Mà dưới thân hay trên cánh máy bay ai dám đảm bảo không có gió? Vậy là phải tìm thứ khác thay cho cái "vòi phun hơi" này.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM