Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:58:51 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108934 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2011, 10:25:54 am »

Phải nói rằng, Tổng tư lệnh tối cao thường hay giải thích nguyên nhân của sự cần thiết phải có một mệnh lệnh nào đó. Và lần này, đồng chí cũng làm như vậy: 

- Bộ dân ủy quốc phòng căn cứ vào chỗ: điều lệnh là bộ luật cho Hồng quân dùng trong nhiều năm, khác với mệnh lệnh chỉ có hiệu lực trong thời gian ngắn. Vì vậy, trước khi phê chuẩn điều lệnh, yêu cầu phải tổ chức kiểm tra kỹ lưỡng, mời các đồng chí ở ngoài mặt trận về cùng tham gia. Chúng ta đã phê chuẩn cuốn Điều lệnh chiến đấu của bộ binh theo nền nếp như vậy. Vả khi phê chuẩn hai cuốn điều lệnh trên, chúng ta cũng cần tiến hành theo nền nếp như thế để khỏi phạm sai lầm và để sau này khỏi trừng phạt một cách vô ích các quân nhân vì đã phạm các điều lệnh sai sót ấy. Đổng chí Vô-rô-nôp đã coi thường phương pháp dự thảo và thủ tục đệ trình phê chuẩn đó, còn Nguyên soái Giu-cốp thì đã quên mất phương pháp ấy...

Lúc này bản mệnh lệnh bắt đầu được viết đến phần cuối. Tất cả những người có mặt chăm chú lắng nghe. Vẫn bằng một giọng đều đều, I. V. Xta-lin nói:

- Do đó... - Rồi ngừng lại một lát như để làm cho rõ nghĩa, đồng chí đọc: 

- Thứ nhất. Hủy bỏ, - đồng chí lại nhìn vào các cuốn điều lệnh để tìm số thứ tự, - các mệnh lệnh số 76 và 77 ngày 29 tháng Năm 1944 và mệnh lệnh số 209 ngày 18 tháng Mười 1944 của Nguyên soái Giu-côp, thứ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng Liên Xô, đã phê chuẩn và ban hành Điều lệnh chiến đấu của pháo cao xạ và Điều lệnh chiến đấu của pháo binh Hồng quân.

Thứ hai. Khiển trách đồng chí Vô-rô-nôp, nguyên soái tư lệnh pháo binh, vì đã thiếu thận trọng đối với vấn đề điều lệnh của pháo binh.

Thứ ba. Nguyên soái Giu-côp từ nay về sau không được vội vàng khi giải quyết các vấn đề quan trọng.

Tôi ra lệnh:

Thành lập các ủy ban để xét duyệt và kiểm tra các điều lệnh trên:

a) ủy ban xét duyệt và kiểm tra Điều lệnh chiến đấu của pháo cao xạ;

b) ủy ban xét duyệt và kiểm tra Điều lệnh chiến đấu của pháo binh.

Đồng chí Bun-ga-nin, thứ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng Liên Xô sẽ quy định thành phần các ủy ban và đưa lên tôi phê chuẩn.

Gửi mệnh lệnh cho tất cả các tư lệnh phương diện quân (các quân khu), các tập đoàn quân, chủ nhiệm các tổng cục và các cục trung ương, tư lệnh các binh chủng của Bộ dân ủy quốc phòng Liên Xô...

Chúng tôi và tất cả những đồng chí khác, những người có quan hệ tới công việc này, mãi mãi ghi nhớ bài học đó.

Thực tiễn liên hệ với các nước đồng minh của Liên Xô, trong khối liên minh chống Hít-le đã đặt ra cho Bộ tổng tham mưu rất nhiều nhiệm vụ mới. Các cán bộ tác chiến thật không sao làm xuể công việc của mình cùng một lúc với các mối liên hệ đó, cũng như không sao phân tích hết các hậu quả quân sự của từng hành động cụ thể của các nước đồng minh.

Ít lâu sau, chúng tôi cũng phát hiện thấy rằng ngay cả phòng liên lạc đối ngoại cùng bị ngợp dưới gánh nặng công việc của mình. Phòng được mở rộng, rồi sau đó, vào tháng Chín 1944, trên cơ sở phòng đã thành lập ra cục liên lạc đối ngoại, chịu trách nhiệm thực hiện các công việc đặc biệt có liên quan tới các nước đồng minh và phụ trách mọi vấn đề hoạt động đối ngoại của Bộ tổng tham mưu. Cục trưởng là tướng N. V. Xia-vin, từng công tác lâu năm trong lĩnh vực này. Bộ tổng tham mưu thông qua cục liên lạc đối ngoại để tiến hành chỉ đạo các phái đoàn quân sự của Liên Xô hoạt động trong các nước đồng minh với chúng ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 28 Tháng Bảy, 2011, 10:26:35 am »

Cần phải nhận xét rằng những mối liên hệ ban đầu của chúng ta với các nước đồng minh rất hạn chế và chủ yếu chỉ thu hẹp trong việc thông báo cho nhau các hành động quân sự, trao đổi kinh nghiệm chiến tranh, một số các tin tức tình báo và kỹ thuật, tổ chức cho các phái đoàn quân sự các nước đồng minh ra thăm mặt trận, tiến hành làm các nghị định thư và các công việc khác.

Cho tới năm 1944, các lực lượng vũ trang trong khối liên minh chống Hít-le hiệp đồng với nhau vẫn chưa được là bao. Vì các nước đồng minh chưa tiến hành các chiến dịch quy mô lớn trên lành thổ châu Âu, nếu như không tính đến các hoạt động mang tính chất cục bộ ở I-ta-li-a.

Thế nhưng hồi đó các nước đồng minh đã đặt các phái đoàn quân sự tại Bộ tổng tham mưu xô-viết: phái đoàn Mỹ (đứng đầu là tướng Đin), phái đoàn Anh (tướng Be-rô-út), phái đoàn của chỉnh phủ kháng chiến Pháp (tướng Đờ-lát đờ Tát-xi-nhi). Ngoài ra, còn có phải đoàn quân sự Na Uy đứng đầu là đại tá Đan, phái đoàn quân sự nước Cộng hòa Tiệp Khắc là tướng V. Pi-ca và phái đoàn của ủy ban giải phóng dân tộc Nam Tư do trung tướng V. Téc-dít đứng đầu.

Phải nói rằng các phái đoàn quân sự nước ngoài rất hứng thú với những chuyến đi thăm các mặt trận, họ học tập được nhiều điều tại đây.

Ngược lại, bên cạnh Bộ tổng tham mưu của các nước đồng minh cũng có các phái đoàn quân sự của Liên Xô. Các phái đoàn ấy được đặt dưới quyền trực tiếp của Đại bản doanh, thông qua Bộ tổng tham mưu, không thuộc thẩm quyền các đại sứ. Chúng ta làm như vậy, sau khi đã nghiên cứu kỹ các chức năng và các điều kiện công tác của phái đoàn. Thực ra, các phái đoàn ấy cùng chỉ làm nhiệm vụ tác chiến. Và ở Mát-xcơ-va, các nước đồng minh cũng tổ chức các phái đoàn hoạt động tương tự như vậy.

Phái đoàn quân sự của Liên Xô ở nước Anh được tổ chức ra đầu tiên: Ngay từ ngày 8 tháng Bảy 1941, sau một chặng đường bay gian nan và nguy hiếm từ Ác-khan-ghen-xcơ tới Gla-xgô, phái đoàn đã tới Luân Đôn. Trung tướng Ph. I. Gô-li-cốp đứng đầu phái đoàn, mấy ngày sau lại trở về Tổ quốc. Thiếu tướng hải quân N. M. Khác-la-mốp, một sĩ quan 35 tuổi phục vụ trong Hải quân Liên Xô, ở lại làm trưởng phái đoàn. Đồng chí là một cán bộ thông minh và có tính nguyên tắc đồng thời còn là một chuyên gia huấn luyện chiến đấu, rất thông thạo kỹ thuật và chiến thuật của hải quân. Dưới đây chúng ta sẽ còn nói tới những mặt mạnh khác trong tính cách của N. M. Khác-la-môp khi ở Luân Đôn.

Thành phần phái đoàn có ít người - tất cả có sáu đồng chí, không kể đồng chí trưởng phái đoàn. Về sau, số người trong phái đoàn đã tăng lên đáng kể cho phù hợp với khối lượng nhiệm vụ được giao. 

Do tính chất đặc biệt quan trọng của nó, nên trưởng phái đoàn quân sự của Liên Xô ở Anh nhận nhiệm vụ trực tiếp từ đồng chí V. M. Mô-lô-tốp, bộ trưởng Bộ dân ủy ngoại giao. Nhiệm vụ hàng đầu của phái đoàn là phải đấu tranh đòi mở mặt trận thứ hai ở châu Âu “dù khoảng một tháng sau".

Nhiệm vụ tiếp sau là tổ chức vận chuyển các hàng quân sự từ Anh, Mỹ sang Liên Xô và tổ chức các đoàn tàu hộ tống hàng từ Anh vào các hải cảng của Liên Xô. Sau này, vấn đề có tầm quan trọng to lớn là đẩy mạnh các cuộc bắn phá của không quân đồng minh vào các mục tiêu quân sự của nước Đức phát-xít. Ngoài ra, phải giải quyết cả những nhiệm vụ tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng vũ trang trong khối liên minh chống Hít-le, như: trao đổi các tin tức về địch, trao đổi kinh nghiệm chiến đấu, phối hợp các tuyến, thời gian và thứ tự hành động của các đơn vị.

Cuộc đón tiếp phái đoàn Liên Xô tổ chức ở nhà ga Luân Đôn chứng minh rằng nhân dân Anh rất có thiện cảm với đất nước xô-viết đang bị kẻ thù chung xâm lược. Về sau trong công tác của mình các thành viên trong phái đoàn quân sự cùng đều cảm thấy mối thiện cảm ấy. Những người dân thường Anh hồi ấy hiểu rằng cuộc kháng chiến của Liên Xô đã cứu thoát cả Tổ quốc họ. Do đó, quảng đại quần chúng lao động trong nước Anh đã gây sức ép với những kẻ bảo thủ trong chính phủ (những kẻ này hoàn toàn không phải là không có thành kiến với chúng ta) và buộc họ phải trung thực hoàn thành các trách nhiệm đồng minh của họ.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:30:11 pm »

Ở đây tôi không có ý định tường thuật lại chi tiết các hoạt động của phái đoàn. Tôi chỉ đề cập tới những vấn đề rất gay gắt đã xảy ra, khi N. M. Khác-la-mốp phải đối diện với những con người ở tầng lớp trên có các chức vị, tước hàm cao trong bộ máy nhà nước và bộ máy chiến tranh của nước Anh. Lúc nào Khác-la-môp cũng tỏ ra có một ý chí khác thường và thông minh tuyệt vời, đứng ra bảo vệ các quyền lợi của Nhà nước xô-viết.

Điển hình về mặt này là sự kiện đã làm chấn động khắp nơi về việc quân địch đánh tan đoàn tàu hộ tống PQ-17.

Như chúng ta được biết, ngày 27 tháng Sáu 1942, đoàn tàu hộ tống PQ- 17 là đoàn tàu hộ tống lớn nhất trong lịch sử chiến tranh đã ra đi từ Ai-xơ-len tới Ác-khan-ghen-xcơ và Muốc-man-xcơ. Đoàn tàu gồm có 34 tàu vận tải (hai chiếc của Liên Xô, một chiếc của Pa-na-ma, còn lại là của Anh và Mỹ) và 21 tàu trực tiếp cảnh giới. Ngoài ra, để yểm hộ ở ngoài khơi, còn tổ chức ra hai đoàn tàu của hạm đội Anh: một đoàn gồm 4 tàu tuần dương và 3 tàu khu trục; một đoàn gồm 2 thiết giáp hạm, 1 tàu sân bay, 2 tàu tuần dương và 8 tàu khu trục.

Ngày 4 tháng Bảy 1942, đoàn tàu hộ tống tiến đến khu vực có các tàu ngầm hoạt động độc lập và không quân của Đức từ bờ biển Na Uy tới bắn phá lẻ tẻ vào các tàu vận tải và tàu cảnh giới. Đô đốc Đa-dơ-li Pa-un-dơ, tham mưu trưởng hải quân Anh, đánh giá những cuộc bắn phá ấy, những cuộc bắn phá đã bị các lực lượng hùng hậu của Anh đánh lui, là dấu hiệu nhất định sẽ xảy ra trận tập kích của các lực lượng tàu nổi chủ yếu của Đức do thiết giáp hạm “Tiếc- pít” chỉ huy.

Viên đô đốc Anh, mặc dầu đã có những tin tức rất chính xác từ Luân Đôn cho biết là các chiến hạm chủ lực của địch chưa ra khơi, song vẫn tự ý hạ lệnh: “Cho đội tàu tuần dương rút chạy thật nhanh về phía Tây", và mấy phút sau thì đánh điện, lệnh cho đội tàu cảnh giới các tàu vận tải: “do nguy cơ bị các hạm nổi của địch tập kích, đoàn tàu phải sơ tán chạy về các hải cảng Nga”.

Sau này, chúng ta được biết là các chiến hạm lớn của địch lúc đó còn đậu ở các bến của chúng ở An-ten-phi-óc-đơ và không có ý định tiến ra chạm trán với đoàn tàu hộ tống. Thêm nữa, bộ chỉ huy phát-xít Đức cũng sợ các chiến hạm lớn của chúng bị thiệt hại, nên không dám liều lĩnh cho ra khơi. Thế nhưng, khi nhận ra các biện pháp kỳ lạ đó của người Anh, địch liền tung các tàu ngầm và không quân của chúng ra tập kích vào các tàu vận tải chạy chậm không được yểm hộ. Các tàu vận tải ấy, không được bảo vệ, đã làm mồi ngon cho bọn thú dữ phát-xít.

Ngày hôm sau, ngày 5 tháng Bảy 1942, sau khi cảm thấy hoàn toàn yên ổn, thiết giáp hạm “Tiếc-pít” ra khơi. Được một số tàu nổi khác hộ tống, nó lao vào chộp lấy các tàu vận tải đã bị tan tác. Chặn đánh bọn Hít-le vào lúc này chi còn trơ trọi có chiếc tàu ngầm Liên Xô “K-21” do trung tá hải  quân N. A. Lu-nin, Anh hùng Liên Xô, chỉ huy. Chiếc tàu ngầm ấy đã dũng mãnh xông vào giữa đội hình các chiến hạm địch, phóng ngư lôi phá hủy chiếc “Tiếc-pít” và lợi dụng lúc địch bị hỗn loạn đã rút lui an toàn.

Sau trận này, trong đoàn tàu hộ tống PQ- 17 chỉ còn sót lại có 11 tàu vận tải. Những chiếc tàu bị đắm mang theo 3350 xe ô tô, 430 xe tăng, 210 máy bay ném bom và 100 nghìn tấn các hàng hóa khác. Số khí tài này đến được Xta-lin-grát thì thuận lợi biết bao

Tổn thất của đoàn tàu PQ- 17, ngoài những mặt khác, là một bài học chính trị lớn. Các đại biểu của bọn bảo thủ Anh, đặc biệt là đô đốc Pa-un-dơ, lại âm mưu cho tai nạn này là một bằng chứng hiển nhiên về tính chất không hợp lý của việc chở hàng sau này sang Liên Xô bằng con đường phía Bắc. Họ nói là tốn phí quá lớn. Chúng ta nhớ lại rằng, ngày 17 tháng Bảy 1942, các đơn vị Hít-le bắt đầu đánh vào Xta-lin-grát, và ngày 25 tháng Bảy chúng phát triển tiến công sang Bắc Cáp-ca-dơ. Các chiến dịch phòng ngự của ta ở đây lâm vào tình thế vô cùng khó khăn.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:30:58 pm »

Thông qua đại sứ I. M. Mai-xki của Liên Xô ở Anh, Chính phủ Liên Xô đòi chính phủ Anh phải cho biết thời hạn gửi những đoàn tàu tiếp sau chở các trang bị sang Liên Xô. A. I-đơn, bộ trưởng ngoại giao Anh, phúc đáp rằng: đoàn tàu PQ- 17 là một hậu quả đắt, còn Pa-un-dơ tuyên bố rằng nếu ông ta đứng về phía Đức thì không một đoàn tàu nào có thể cập bến đã định. Bộ hải quân của họ cho rằng sớm nhất cũng phải tới mùa thu mới có thể đưa các đoàn tàu đi được

Trong thời điểm quyết liệt đó, N. M. Khác-la-mốp đã lên tiếng. Đồng chí báo cáo về Mát-xcơ-va ý kiến của mình - những ý kiến của một chuyên gia hải quân - đánh giá các hành động của Bộ hải quân Anh là những hành động đê hèn và hoàn toàn không có căn cứ. N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp, bộ trưởng Bộ dân ủy hải quân, ủng hộ đồng chí. Chính phủ Liên Xô lưu ý người Anh là các thủy thủ của chúng ta không đồng ý với ý kiến của những người cầm đầu hải quân Anh.

Trước tình hình đó, U. Sớc-sin buộc phải yêu cầu A. I-đơn tổ chức cuộc hội đàm với những người cầm đầu hải quân Anh và các đại diện của Liên Xô để tìm nguyên nhân tổn thất của đoàn tàu PQ-17. Cuộc hội đàm tiến hành vào 28 tháng Bảy 1942 tại văn phòng của A. I-đơn ở Hạ nghị viện.

A. I-đơn điều khiển cuộc họp. Ngoài A. I-đơn ra, về phía Anh còn có bộ trưởng hải quân A-lếch-xan-đe-rơ và Pa-un-dơ, về phía Liên Xô có đại sứ Liên Xô I. M. Mai-xki, thiếu tướng hải quân N. M. Khác-la-mốp và đồng chí trợ lý của thiếu tướng hải quân.

Không khí trở nên căng thẳng khi Đ. Pa-un-dơ không thể bào chữa nổi những hành động sai trái của y đã gây nên hậu quả để đoàn tàu bị kẻ thù đánh đắm mà không trừng phạt được chúng. Những người có mặt hết sức ngạc nhiên khi thấy Pa-un-dơ đem tấm bản đồ địa lý học sinh thông thường ra dùng để báo cáo. Tấm bản đồ ấy làm sao có thể phản ánh được nhiều yếu tố tình huống tổn thất của đoàn tàu.

Thiếu tướng hải quân Liên Xô đến dự họp mang theo tấm bản đồ chi tiết của hải quân. Tấm bản đồ ấy đã nói được nhiều vấn đề. N . M . Khác-la-mốp dẫn ra những bằng cớ về độ sâu chứng minh rằng chiếc “Tiếc-pít” không thể uy hiếp nổi cả tàu vận tải lẫn tàu đi yểm hộ. Do đó thấy rõ rằng việc cho các tàu tuần dương cảnh giới rút chạy và phân tán các tàu vận tải trong đoàn là một sai lầm hết sức nặng nề của người cầm đầu cơ quan tham mưu hải quân Anh. Thiếu tướng hải quân đã đập tan hết lý này đến lẽ khác của Pa-un-dơ.

Pa-un-dơ bị những lý lẽ đanh thép của người đứng đầu phái đoàn quân sự Liên Xô dồn vào thế bí. Y không thể đối thoại bằng lý lẽ được nữa nên sinh ra cáu kỉnh, thô bạo, A-lếch-xan-đe-rơ lao vào chữa cháy, xin lỗi về Pa-un-dơ và về những thiếu sót của bộ hải quân Anh. I. M. Mai-xki vốn có tính ngoại giao, hay dùng những lời châm chọc sâu cay, nhận xét là: “các đô đốc Anh mà cũng mắc sai lầm ư?”. Nghe thấy thế, Pa-un-dơ đâm ra phát khùng, đến mức không thể tha thứ được, còn Khác-la-mốp bề ngoài vẫn giữ vẻ bình thản, song phê phán thẳng thừng mọi hành vi của Pa-un-dơ đã để đoàn tàu PQ- 17 bị tổn thất.

Cuộc họp diễn biến trở nên rất bất lợi cho phía Anh. Thật hoàn toàn rõ rằng: nguyên nhân chủ yếu của tấn thảm kịch ở biển Ba-ren không phải là do hoàn cảnh quân sự, mà chính là do chính sách và ác ý của các giới cầm quyền Anh đối với Liên Xô.

Cuộc tranh luận chính trị ấy không nằm trong dự tính của U. Sớc-sin và chính phủ Anh, nên A. I-đơn vội vã đình chỉ cuộc họp “vì những quan hệ ngày càng căng thẳng giữa hai bên”.

Các đồng chí chúng ta ở nước ngoài là thế đấy. Họ cũng phải chiến đấu. Nhưng, thật kỳ lạ là họ phải chiến đấu với các đồng minh của mình để đòi những người này phải thực hiện trung thực các trách nhiệm của họ.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:31:36 pm »

Tôi không muốn nói quá những công lao của N. M. Khác-la-môp, song những đóng góp của đồng chí vào sự nghiệp chung hồi đó thật rất lớn. Sau lần họp này, những người lãnh đạo Anh đã phải kiêng nể phái đoàn quân sự của Liên Xô, và các đoàn tàu chở vũ khí, đạn dược sang Liên Xô lại tiếp tục lên đường theo kế hoạch.

Hoàn cảnh làm việc của N. M. Khác-la-mốp thật khó khăn. Vương quốc liên hiệp Anh là một đồng minh phức tạp, các chính khách và các nhà hoạt động quân sự của Anh đối với Nhà nước xô-viết có thái độ khác nhau. Có loại tỏ thái độ trực diện thù địch với Liên Xô như Pa-un-dơ hoặc bộ trưởng chiến tranh Mác-kin-xơn. Viên bộ trưởng này đã bí mật ngăn cản các chuyến hàng quân sự gửi sang ta. Bị áp lực của dư luận xã hội, U. Sớc-sin đã buộc phải bãi chức hắn. Còn số người khác, nếu như không tỏ thiện cảm đặc biệt đối với liên Xô thì đối xử với ta cũng chẳng có gì ác ý.

Tình hình đó phần nào cũng thuận lợi cho công tác của phái đoàn và cho phép giải quyết thỏa đáng nhiều vấn đề thực tiễn. Chẳng hạn, huân tước Bi-véc-brúc, bộ trưởng hải quân A-lếch-xan-đe-rơ đã nói tới ở trên, tham mưu trưởng không quân Đi-lơ và một số người khác đã được Khác-la-mốp liệt vào số những người đó. Số còn lại thì có thiện cảm với Liên Xô và đã thành thật giúp đỡ phái đoàn.

Thiếu tướng hải quân Phi-líp-xơ, phụ trách các vấn đề chở hàng quân sự, hiểu rõ ý nghĩa của các quan hệ đồng minh, đã tìm mọi cách góp sức mình vào công việc này. Nhiều bạn bè, những nhân viên bình thường làm việc trong bộ máy quân đội và hải quân Anh cùng đã giúp đỡ chúng ta và nêu không có sự giúp đỡ ấy của họ thì khó có một công việc lớn nào được làm trọn.

Phái đoàn ta phái hoạt động nhiều về vấn đề mở mặt trận thứ hai ở châu Âu. Hồi đó, bộ chỉ huy Mỹ đã chú ý nhiều tới vấn đề này. N. M. Khác-la-mốp và các trợ lý của đồng chí làm việc không quản đêm ngày vì phải tới dự các cuộc diễn tập chuẩn bị của các đơn vị đổ bộ vào đất Pháp, kiểm tra sự sẵn sàng của các đoàn tàu chở hàng đường biển, v. v..

Lúc mở mặt trận thứ hai, người đứng đầu phải đoàn quân sự Liên Xô đi trên chiếc tàu tuần dương “Ma-vri-xét” tiến vào khu vực tác chiến và đổ bộ lên Noóc-măng-đi. Ít lâu sau, đồng chí được triệu tập về Liên Xô. Người đứng đầu phái đoàn quân sự Liên Xô ở Anh từ tháng Mười một 1944 cho đến hết chiến tranh là tướng A. Ph. Va-xi-li-ép. Trước đó, đồng chí hoạt động ở mặt trận I-ta-li-a của các nước đồng minh.

Thiếu tướng I. A. Xu-xlô-pa-rốp là đại biểu quân sự của Liên Xô nằm trong Bộ tham mưu các lực lượng vũ trang của nước Pháp kháng chiến và của tướng Đ. Ai-xen-hao. Tổng tư lệnh các đội quân viễn chinh của các nước đồng minh. I. A. Xu-xlô-pa-rôp là một nông dân đã tham gia Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và tham gia cuộc Khởi nghĩa vũ trang tháng Mười.

Năm 1939, đồng chí làm tùy viên quân sự của Liên Xô ở Pa-ri. Đồng chí hoàn thành trách nhiệm của mình một cách xứng đáng và khôn ngoan, người tùy viên quân sự của Liên Xô đã được chứng kiến tận mắt tấn thảm kịch tan vỡ và sự đầu hàng của nước Pháp do những người cầm quân thấp hèn phản bội.

Lúc bắt đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại Xu-xlô pa-rốp trở về Tổ quốc. Đồng chí phục vụ trong Bộ tham mưu pháo binh Hồng quân và từ năm 1942 đến giữa năm 1944 đã chỉ huy thắng lợi pháo binh của tập đoàn quân 10 thuộc phương diện quân Tây.

Đến mùa hè năm 1944, I. A. Xu-xlô-pa-rôp lại được bổ nhiệm làm công tác quân sự-ngoại giao và ít lâu sau được cử giữ chức trưởng phái đoàn quân sự của Liên Xô ở Pháp. Nhiệm vụ của đồng chí thật nặng nề, Xu-xlô-pa-rốp chịu trách nhiệm liên hệ với các nước đồng minh đang mở mặt trận thứ hai ở châu Âu. Khó khăn nhiều nhất là khi những tên đầu sỏ phát-xít Hít-le, đứng trước tai họa bị thất bại ở mặt trận Xô - Đức, bắt đầu ngấm ngầm tìm kiếm lối thoát bắng cách đầu hàng bộ chỉ huy Anh - Mỹ ở phía Tây.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:32:14 pm »

Tình hình càng thêm phức tạp ở chỗ phái đoàn quân sự của Liên Xô đặt ở Pa-ri, còn Bộ tham mưu các đơn vị của Ai-xen-hao mà bọn Hít-le đang ngấm ngầm ve vãn lại đóng ở Rem-xơ cách phía Đông thủ đô nước Pháp 125 ki-lô-mét.

Đại bản doanh và Bộ tổng tham mưu dự kiến khả năng địch sẽ thỏa thuận ngầm với các nước đồng minh ở sau lưng Liên Xô, nên I. A. Xu-xlô-pa-rôp được giao quyền đại biểu cho Liên Xô trong trường hợp bọn phát-xít Đức đầu hàng, và Liên Xô đã thông báo cho các nước đồng minh biết điều đó. Đồng chí mới nhận quyền đã phải đem ra sử dụng ngay và tỏ ra không những sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm quan trọng đó mà còn biết bảo đảm lợi ích của Tổ quốc.

Đây là nói đến vấn đề nước Đức Hít-le ký kết đầu hàng ở Rem-xơ ngày 7 tháng Năm 1945, mà tôi sẽ nói tới trong chương “Trên các tuyến cuối cùng ở châu Âu”, ở đây, tôi chỉ nói rằng tình hình lúc đó hết sức gay go, và I. A. Xu-xlô-pa-rốp đã tìm ra cách giải quyết một cách thắng lợi trước tình thế khó khăn bấy giờ.

Phái đoàn quân sự của Liên Xô ở Nam Tư giữ một vị trí rất nổi bật trong công tác của Bộ tổng tham mưu về các vấn đề chuyên môn. Như mọi người đều biết, những người cộng sản và các dân tộc trên đất nước này đã cầm vũ khí đứng lên chống lại bọn chiếm đóng Hít-le. Khi nổ ra cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, mối quan hệ hữu nghị anh em giữa những người cộng sản, các dân tộc Liên Xô và Nam Tư càng trở nên vững chắc hơn.

Các chiến sĩ bộ đội và du kích Nam Tư phải chiến đấu trong tình huống rất khó khăn. Do sự cần thiết, họ phải đặt căn cứ trong các vùng rừng núi hẻo lánh, thiếu lương thực và phải chịu đựng những thiếu thốn nặng nề về mọi phương tiện vật chất, trước hết là thiếu trang bị và đạn dược. Thêm nữa, địch lại ra sức gây chia rẽ hận thù giữa các dân tộc trong một quốc gia có nhiều dân tộc, nên càng làm cho tình hình khó khăn hơn.

Thế nhưng, nhân dân đã vượt qua mọi khó khăn đó và đến cuối năm 1943, với sự chi viện của Liên Xô, nhân dân đã làm nên nhiều sự kiện. Ngọn lửa đấu tranh của nhân dân lan rộng khắp nước. Nam Tư tuyên bố là một nước cộng hòa liên bang dân chủ và không cho nhà vua quay trở về đất nước.

Trong quá trình đấu tranh vũ trang chống bọn chiếm đóng, các lực lượng nhân dân kháng chiến đã trở nên vững mạnh hơn. Rồi đến thời kỳ các hình thức chiến tranh du kích chuyển thành các chiến dịch có kế hoạch, các chi đội phân tán trở thành các đơn vị chính quy. Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư bắt đầu được tổ chức cân đối, nhanh chóng ổn định hệ thống cung cấp và huấn luyện. Cơ quan tham mưu các cấp được thành lập và bắt đầu hoạt động có kết quả.

Sau Hội nghị Tê-hê-ran (28 tháng Mười một đến 1 tháng Chạp 1943) Bộ tổng tham mưu nhận được lệnh cử sang Nam Tư một phái đoàn quân sự Liên Xô bên cạnh I. Brốt Ti-tô. Cân nhắc đến việc thời gian này ở Nam Tư không phải chỉ có đấu tranh vũ trang, mà còn đang tiến hành xây dựng lại các lực lượng vũ trang trên cơ sở chính quy, nên quyết định chọn người trưởng phái đoàn phải là một đồng chí giàu kiến thức về nghệ thuật quân sự và xây dựng quân đội

Người được lựa chọn là tướng N. V. Coóc-nê-ép, nguyên cán bộ giảng dạy Học viện Bộ tổng tham mưu. Tôi đã học tập được ở đồng chí và có thể nói sự chọn lựa này rất đúng. N. V. Coóc-nê-ép đang ở tuổi bốn mươi ba. Đồng chí là một cán bộ thành thạo về công tác quân sự và, ngoài các mặt khác, còn kết hợp được cả sự dũng cảm của cá nhân với tính thận trọng, một đức tính thật rất cần thiết trong hoàn cảnh ở Nam Tư vào thời gian ấy. Phó trưởng đoàn là đại tá X. V. Xô-cô-lốp bốn mươi tuổi, một cán bộ giàu kinh nghiệm, thông thạo những hoạt động về không quân trong điều kiện chiến trường rừng núi.

Ngày 17 thảng Giêng 1944, hai phi công A. X. Soóc-ni-cốp và Lê-bê-đép đã lái hai chiếc máy bay chở phái đoàn quân sự từ Mát-xcơ-va bay qua A-xtơ-ra-khan, Tê-hê-ran, Kháp-ba-nhi-a, Lơ Ke, Tuy-ni đến thành phố Ba-ri nước I-ta-li-a. Tại đây, ở điểm “mút" của bán đảo A-pen-nin có một căn cứ không quân của Anh. Và từ đó, phái đoàn sẽ bay tới vùng rừng núi Bô-xni-a nơi đặt căn cứ của Bộ tham mưu tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:32:59 pm »

Phái đoàn Liên Xô được các đơn vị quân Anh đồng minh đón tiếp chu đáo ở Ba-ri, ở đây có sân bay tốt, các kho tàng cần thiết và các phương tiện thông tin. Sau này, theo đề nghị của Chính phủ Liên Xô, toàn bộ căn cứ ấy được chuyển giao cho các Lực lượng vũ trang Liên Xô, vì sự chi viện của Liên Xô cho Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư được tiến hành rất rộng. Trước lúc thành lập mặt trận Liên Xô trên đất Nam Tư, mọi dụng cụ chiến tranh đều chở tới đây bằng đường không bay qua A-đri-a-tích. Các nước đồng minh cùng tham gia vào hoạt động này, họ có những căn cứ khác, được thiết bị tốt hơn.

Thế nhưng, tới được Nam Tư không phải không có khó khăn. Các nhà cầm quyền quân sự Anh mà đại biểu là phó thống chế không quân E-li-ớt đã tìm mọi cách làm chậm trễ việc cất cánh của các máy bay Liên Xô. Họ viện các lý do: nào sương mù trên biển A-đn-a-tích, nào tuyết xuống dày không thể hạ cánh xuống khu vực đã định. Họ lần lữa ngày này sang ngày khác...

Mặc dầu vậy, những người chỉ huy đầy nhiệt huyết của Liên Xô đề nghị vẫn cứ bay, dù là mạo hiểm. N. V. Coóc-nê-ép lệnh cho các cán bộ trong đoàn hàng ngày luyện tập các phương pháp đổ bộ bằng tàu lượn và nhảy dù (nếu không bảo đảm đổ bộ bằng tàu lượn được). Tất nhiên, phải nói rằng như vậy cũng mạo hiểm, song không đến nỗi quá lớn. Mát-xcơ-va cho phép làm như vậy.

Ngày 23 tháng Hai 1944 - Ngày kỷ niệm thành lập Hồng quân, phái đoàn quân sự của Liên Xô đổ bộ bằng tàu lượn thành công. Từ đó, tướng Coóc-nê-ép và các sĩ quan trong phái đoàn lúc nào cũng ở liền bên Bộ tham mưu tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư. Các đồng chí đã chia sẻ với các bạn Nam Tư mọi nỗi gian truân trong chiến tranh và những niềm vui khi chiến thắng quân chiếm đóng Hít-le.

X V. Xô-cô-lốp ở lại Ba-ri. Thuộc quyền đồng chí tại căn cứ này (như đã nói ở trên là ít lâu sau, căn cứ ấy đã chuyển sang cho chúng ta) có hai phi đội - phi đội vận tải và phi đội tiêm kích, mỗi phi đội có 12 máy bay. Các phi đội có nhiệm vụ chuyên chở hàng - trang bị, đạn dược, thuốc men - cho Quán đội giải phóng nhân dân Nam Tư, chở các cán bộ chỉ huy và quân y tới đó rồi chở các thương binh về.

Công việc ngập tới tận cổ. Chỉ một điều này thôi cũng đủ nói lên tất cả: các phi công Liên Xô đã chuyên chở tới hơn 5000 người, chỉ tính riêng các chiến sĩ và sĩ quan Nam Tư, bay qua trận tuyến tới các vùng chiến đấu khác nhau. Ngoài ra, còn rất nhiều nhiệm vụ khác nữa hoàn toàn đột xuất, ví như cứu Bộ tham mưu tối cao Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư và cá nhân đồng chí I. Brốt Ti-tô vượt khỏi tình thế hiểm nghèo. Các phi công buộc phải bay ở ngoài biển, ở những vùng rừng núi trong các khu vực rất khác nhau của đất nước. Hàng hóa được chở đến Tséc-nô-gô-ri-a, Xéc-bi-a, Bô-xni-a, Đan-ma-xi-a, Ma-kê-đô-ni-a, Xlô-ve-ni-a, và Khoóc-va-ti-a, phải bay vào đất nước An-ba-ni và Hy Lạp.

X. V. Xô cô-lốp cũng như N. V. Coóc-nê-ép nhiều lần còn phải độc lập hạ những quyết tâm quan trọng, như: trong tháng Sáu 1944, làm phá sản âm mưu địch định dùng biệt kích thủ tiêu ban lãnh đạo các đơn vị Quân đội giải phóng nhân dân ở Đrva-rơ mà dưới đây chúng ta sẽ nói tới. Đồng chí phụ trách căn cứ đã phải bay nhiều lần tới các khu vực dự kiến các máy bay Liên Xô sẽ hạ cánh để xác định tại chỗ các điều kiện hạ cánh và chỉ sau đó mới hạ lệnh. Toàn thể các đồng chí đóng tại căn cứ Ba-ri của Liên Xô đã đoàn kết nhất trí với nhau trên tình đồng chí và tình bạn. Các phi công, nhân viên kỹ thuật và phục vụ. mặc dầu phải ở xa Tổ quốc, song đều nhận rõ trách nhiệm và vinh dự của những người con của thế giới xã hội chủ nghĩa vĩ đại, đã hoàn thành một cách xứng đáng nhiệm vụ chiến đầu nặng nề của mình cho tới ngày chấm dứt chiến tranh.

Trong Bộ tham mưu của tư lệnh đạo quân viễn chinh các nước đồng minh ở Địa Trung Hải cũng có phái đoàn quân sự của Liên Xô do thiếu tướng A. A. Ki-xlen-cô đứng đầu. Vào giai đoạn cuối cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai, lúc kết thúc việc tiêu diệt đế quốc Nhật, trong Hạm đội Mỹ ở Thái Bình Dương cũng có tổ sĩ quan liên lạc của Liên Xô, đứng đầu là thiếu tướng hải quân I-va-nốp-xki.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:33:45 pm »

Sau Hội nghị Tê-hê-ran, sự hiệp đồng giữa các Lực lượng vũ trang Liên Xô và các nước đồng minh phát triển rộng rãi hơn. Như chúng ta biết, vấn đề rất quan trọng là mở mặt trận thứ hai ở châu Âu cuối cùng đã được giải quyết. Tôi đã viết trong cuốn sách trước đây là hồi đó tôi có dịp được phục vụ công tác cho Tổng tư lệnh tối cao tại Tê-hê-ran và tổ chức liên lạc hàng ngày giữa đồng chí với Bộ tổng tham mưu và các phương diện quân.

Đoàn đại biểu Liên Xô giữ vai trò hết sức quan trọng trong cuộc hội nghị này. Các cuộc hội đàm được tiến hành trong sứ quán Liên Xô đủ cho thấy rõ ý nghĩa thắng lợi của các Lực lượng vũ trang chúng ta thật vĩ đại biết chừng nào. Kết quả các bước ngoặt cơ bản trong chiến tranh chúng ta đã giành được ở Xta-lin-grát và Cuốc-xcơ, ở Khác-côp và Ki-ép. Ở Đni-ép-rơ và Xô-giơ, như sờ thấy, như trông thấy: đó là nguyên nhân chủ yếu để các nước đồng minh ngồi vào bàn tròn hội nghị và thỏa thuận việc mở mặt trận thứ hai.

Hoàn toàn rõ ràng là các chiến sĩ xô-viết có thể đơn phương đánh tan bọn phát-xít Hít-le và các nước đồng minh sẽ trở thành những kẻ chậm chân, đứng ở phía sau. Hồi đó, đoàn đại biểu Liên Xô đã đập tan ý định phản động của Sớc-sin về “phương án Ban-căng”, là phương án tiến công ở vùng Ban-căng của các đơn vị quân đông minh phương Tây. Chúng ta đòi phải tiến hành kế hoạch đổ bộ có hiệu quả hơn và có tầm quan trọng về chính trị của quân đội Anh - Mỹ vào lãnh thổ Pháp.

Hội nghị Tê-hê-ran là kết quả rực rỡ của những chiến thắng vẻ vang của Quân đội Liên Xô năm 1943 và đồng thời cũng lả bước đầu quyết định các đòn tiến công trí mạng hiệp đồng với nhau theo một ý định chung của các đơn vị trong khối liên minh chống Hít-le trên các mặt trận châu Âu vào năm sau.

Nửa năm 1944 về sau, khi các Lực lượng vũ trang Liên Xô đã triển khai cuộc hành binh giải phóng vĩ đại ra các nước ngoài và mặt trận thứ hai đã mở thì vấn đề hiệp đồng giữa các lực lượng trong khối liên minh bắt đầu được giải quyết một cách thiết thực với đầy đủ nội dung của nó. Do đó, Bộ tổng tham mưu cũng có thêm việc.

Hàng ngày, chúng ta phải thông báo cho các nước đồng minh về tình hình ngoài mặt trận của các đơn vị quân ta, xác định các mục tiêu và tuyến tập kích bắn phá của không quân Liên Xô và không quân đồng minh, phối hợp thời hạn hành động và hướng nỗ lực của các đơn vị và hạm đội. Chúng ta đã dành một số sân bay ở khu vực Pôn-ta-va để không quân Anh - Mỹ từ I-ta-li-a và Anh bay sang bắn phá các mục tiêu của địch.

Các cuộc hội đàm giữa A. I. An-tô-nốp, N. V. Xla-vin và nhiều cán bộ trong Bộ tổng tham mưu với các đại biểu, các trưởng phái đoàn của các đoàn đại biểu các nước đồng minh và từng cá nhân, đã trở thành bộ phận hợp thành thường lệ trong kế hoạch công tác của chúng ta. Những vấn đề thỏa thuận với nhau trong các lần hội đàm ấy đều được gửi lên để Đại bản doanh quyết định.

Cơ quan cao nhất của khối liên minh các nước chống Hít-le là hội nghị những người lãnh đạo ba nước lớn, đề ra những giải pháp chủ yếu quyết định tính chất, thời gian và lực lượng các chiến dịch sắp tới của các lực lượng vũ trang, hướng đột kích chủ yếu của quân đội các nước đồng minh.

Ngoài sự kiện Tê-hê-ran đã được chúng ta nói tới, còn có Hội nghị Crưm và Hội nghị Pốt-xđam. Hai hội nghị trên được tiến hành từ ngày 4 đến hết ngày 11 tháng Hai và từ ngày 17 tháng Bảy đến hết ngày 2 tháng Tám 1945.

Ở Hội nghị Crưm, ba nước bàn việc phối hợp các kế hoạch chiến lược, sau này đã được thực hiện nghiêm chỉnh. A. I. An-tô-nốp đọc báo cáo phân tích tình hình quân sự và những dự kiến sau này. Tổng tham mưu trưởng của hai nước Anh và Mỹ (trong bộ ba nước lớn) cũng đọc những báo cáo như vậy.

Bộ tổng tham mưu Liên Xô bày tỏ lòng mong muốn rằng quân đội các nước đồng minh cần tính đến sự suy yếu của các lực lượng Hít-le ở phía Tây khi Hồng quân tiến tới sông Ô-đe để chuyển sang tiến công trong nửa đầu tháng Hai 1945. Các phiên họp tại Cung Li-va-đi-a còn xác định cả thời gian và điều kiện Liên Xô bước vào tuyên chiến với Nhật.

Cuối cùng, Hội nghị Pốt-xđam đã vạch ra chính sách chung của các nước tham gia khối liên minh chống Hít-le trong vấn đề nước Đức. Đó là điểm trung tâm của các buổi hội đàm. Cũng trong Hội nghị Pốt-xđam này, Chính phủ Liên Xô đã xác nhận trách nhiệm của mình tuyên chiến với nước Nhật. Bọn giặc quân phiệt bị tiêu diệt, các dân tộc bị bọn chiếm đóng Nhật nô dịch được giải phóng đã đánh dấu việc chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai.

Ngoài ra, các vấn đề cấp bách của chiến tranh, chẳng hạn vấn đề chiến dịch của các lực lượng vũ trang, được giải quyết bằng cách trao đổi thư từ với nhau. Ví như sự kiện mùa đông năm 1945, khi các nước đồng minh bị nguy khốn ở Ác-đen. Hồi đó, dựa vào bức thông điệp của U. Sớc-sin gửi cho chúng ta kết thúc bằng câu: “Tôi thấy tình hình cấp bách lắm rồi”, chúng ta đã quyết định mở sớm chiến dịch Vi-xla – Ô-đe. Các đơn vị quân ta nổ súng tiến công ngày 12 tháng Giêng 1945.

Bộ tổng tham mưu đã chuẩn bị tài liệu về các vấn đề quân sự cho vị đứng đầu Chính phủ Liên Xô trong tất cả ba cuộc hội nghị ấy.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:34:36 pm »

*
*   *

Bộ tổng tham mưu giải quyết nhiều vấn đề quan trọng, bảo đảm cho Bộ tổng tư lệnh tối cao chỉ huy các đơn vị trên mọi mặt trận. Công việc đó bắt đầu từ lúc chuẩn bị các kiến nghị về quyết định và kết thúc bằng việc kiểm tra các đơn vị thực hiện quyết định đó. Đi đôi với những công việc to lớn, quan trọng và tỉ mỉ nhằm thu thập và nghiên cứu các tin tức tình huống, cơ quan tham mưu đã tổ chức và giữ vững thông tin liên lạc, bảo đảm thông suốt liên tục với các đơn vị.

Bảo đảm được bí mật việc chỉ huy các đơn vị cùng là một mặt hoạt động rất quan trọng của Bộ tổng tham mưu. Các mã, các bộ mật mã bảo đảm giữ gìn bí mật, do một cơ quan đặc biệt phụ trách.

Tôi rất biết ơn mỗi khi nhớ tới thượng úy P. X. Ba-clư-cốp, người đã đi công tác cùng với tôi đến các mặt trận. Đồng chí cũng chính là người đã bảo đảm công tác thông tin quân sự bằng mã trong thời gian Hội nghị Tê-hê-ran. Năm 1970, do một sự tình cờ, tôi được gặp lại P. X. Ba-clư-cốp (bấy giờ là đại tá) và hai chúng tôi sung sướng ôn lại những ngày đã qua.

Từ cuối năm 1944, đối với Bộ tổng tham mưu, nhiệm vụ chỉ huy có phần nào phức tạp thêm, vì chế độ đại diện của Đại bản doanh bắt đầu thu hẹp lại rất nhiều.

Bạn đọc còn nhớ là trong năm đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, chúng ta đã thấy cần thiết phải có đại diện của Đại bản doanh ở các mặt trận và từ đó, công tác của các đồng chí đại diện tuy chỉ là một yếu tố lâm thời song lại hết sức quan trọng trong việc chỉ đạo chiến lược. Nhưng đến trước khi kết thúc chiến tranh lại đặt ra vấn đề: có nên duy trì khâu chỉ đạo này không? Ngoài các mặt trận, công việc tiến hành thắng lợi, các đồng chí tư lệnh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm.

Nhưng cũng nảy sinh ra sự hoài nghi là liệu Đại bản doanh có thể từ Mát-xcơ-va trực tiếp chỉ đạo các hành động chiến đấu với quy mô to lớn ở các mặt trận trên bộ và ngoài biển không? Nếu xảy ra những bước ngoặt bất ngờ trong quá trình chiến tranh, thì Đại bản doanh liệu có bị mất tay lái chỉ đạo các lực lượng vũ trang hay không?

Phải nói rằng, đây là vấn đề I. V. Xta-lin đặt ra khi Bộ tổng tham mưu báo cáo lên đồng chí dự thảo ban đầu về kế hoạch mở các chiến dịch trong chiến cục kết thúc chiến tranh. A. I. An-tô-nốp xin thêm thời gian để suy nghĩ. Tổng tư lệnh tối cao thông cảm với đề nghị của An-tô-nốp, nhưng cũng đặt câu hỏi đó cho Gh. C. Giu-cốp.

Đồng chí Giu-cốp cho rằng trong giai đoạn này, không có đại diện của Đại bản doanh cũng có thể làm trọn các nhiệm vụ, vì: số lượng các phương diện quân đã giảm bớt, tuyến trận đã thu hẹp, sự chỉ đạo các phương diện quân từ Trung ương đã ổn định và nghệ thuật chỉ huy của các đồng chí tư lệnh đã trưởng thành. Tình hình đó, theo ý kiến đồng chí, cho phép chỉ huy vững chắc các phương diện quân, mà không cần có đại diện của Đại bản doanh.

Như mọi lần gặp những trường hợp như vậy, An-tô-nốp liền bắt liên lạc ngay với Tổng tham mưu trưởng A. M. Va-xi-lép-xki. Lúc này, đồng chí đang ở Pri-ban-tích. Hai người trao đổi ý kiến với nhau. Bộ tổng tham mưu chưa đồng ý giải thể triệt để ngay chế độ đại diện Đại bản doanh với nhiều lý do: tuyến các mặt trận mặc dù đã được thu hẹp song hãy còn tới trên 2000 ki-lô-mét; thêm nữa là trong chiến cục mùa đông lại phải tổ chức tiến công trên khắp các mặt trận. Sở chỉ huy của các phương diện quân và tập đoàn quân ở cách nhau quá xa. Tình huống trên các khu vực ngoài mặt trận lại rất khác nhau và có lúc phải thay đổi về cơ bản (ví như ở Ba-la-tông). Do đó, Bộ tổng tham mưu cho rằng, chỉ có thể bãi bỏ đại diện của Đại bản doanh trong những trường hợp cá biệt, khi sự chỉ đạo từ Trung ương được bảo đảm chắc chắn hoàn toàn.

Tổng tư lệnh tối cao đứng về phía Bộ tổng tham mưu. Đồng chí bãi bỏ chế độ đại diện Đại bản doanh trên hướng chủ yếu - hướng chiến lược phía Tây và trực tiếp nắm quyền chỉ đạo các phương diện quân. Nguyên soái Liên Xô X. C. Ti-mô-sen-cô được giữ lại làm đại diện của Đại bản doanh ở các phương diện quân U-cra-i-na 2 và 3 (chỉ lệnh của Đại bản doanh ngày 21 tháng Giêng 1945, số 11012).

Đồng chí A. M. Va-xi-lép-xki làm đại diện của Đại bản doanh ở các phương diện quân Pri-ban-tích 1 và 2. Nhân đây, cần nói thêm rằng các báo cáo của đồng chí gửi Đại bản doanh về tình hình ở các mặt trận và các đề nghị hành động ở các đơn vị thật hết sức rõ ràng và đầy đủ. Sau khi A. M. Va-xi-lép-xki trở về Mát-xcơ-va trong một thời gian ngắn thì đại diện của Đại bản doanh ở các phương diện quân Pri-ban-tích này là Nguyên soái Liên Xô L. A. Gô-vô-rốp, “kiêm” tư lệnh phương diện quân Lê-nin-grát (chỉ lệnh của Đại bản doanh ngày 2 tháng Hai 1945, số 11018).

Cuộc sống đã khẳng định tính đúng đắn của chỉ lệnh đó.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 01 Tháng Tám, 2011, 12:35:27 pm »

*
*   *

Còn nhiều cơ quan khác, chẳng hạn như cơ quan giao thông quân sự, cũng đã giữ vai trò rất quan trọng trong công tác của Bộ tổng tham mưu. Việc điều động, bố trí lại các đơn vị, cấp phát dự trữ vật chất, đưa về phía sau, sẽ vô nghĩa nếu không có công tác giao thông quân sự biết tổ chức thật ăn khớp, thật chính xác.

Mọi công tác điều động, vận chuyển các lực lượng và phương tiện bằng đường sắt, đường thủy, đường không và đường bộ đều do cơ quan tham mưu phụ trách. Cơ quan tham mưu đặt kế hoạch sẽ vận chuyển đi những đâu, vận chuyển những thứ gì và bằng hình thức nào, đến thời hạn nào phải vận chuyển xong, còn các cơ quan chuyên môn phụ trách các mặt công tác này là những đơn vị thực hiện kế hoạch. Các cơ quan ấy còn tổ chức công tác cảnh bị trên khắp các tuyến đường giao thông.

Ngoài cơ quan giao thông quân sự trong mọi bộ tham mưu lớn, kể từ Bộ tổng tham mưu, còn có các cơ quan phụ trách việc đặt kế hoạch bảo đảm cho bộ đội trang bị, đạn dược, khí tài, xăng dầu, lương thực và tất cả các phương tiện cần thiết khác.

Nhưng, đây lại không phải là những cơ quan cung cấp. Các cơ quan này không có kho tàng, không có căn cứ và phương tiện vận chuyển. Trong tay họ chỉ có các văn kiện - các kế hoạch, bảng tính, thông báo (bây giờ cả máy tính).

Tài sản chủ yếu nhất của các cơ quan ấy là kỹ năng của những con người thông thạo công việc của mình. Họ hạch toán mọi hình thức bảo đảm vật chất, họ biết trong các kho tàng có những thứ gì và nền công nghiệp sản xuất được loại sản phẩm nào. Ở đây, họ còn soạn thảo cả những kế hoạch lâu dài, lên kế hoạch yêu cầu, đề nghị phê chuẩn các bảng tính phân phối các nguồn dự trữ vật chất.

Tóm lại, các cơ quan bảo đảm vật chất cho bộ đội nắm trong tay cơ sở khả năng chiến đấu của quân đội. Người cán bộ tác chiến có thể vạch ra kế hoạch tổ chức chiến dịch đầy hứa hẹn, nhưng nếu không tính hết các khả năng vật chất, thì chiến dịch cũng chỉ còn là những mũi tên đẹp đẽ trên bản đồ và sẽ không thực hiện được.

Chúng tôi, những cán bộ tác chiến, hiểu rất rõ ý nghĩa của các mối quan hệ đúng đắn với tất cả những cơ quan ấy, đã cố gắng giúp đỡ họ; còn về phần mình, họ cũng đã làm tất cả những gì để đáp ứng những yêu cầu của các cán bộ tác chiến sao cho thật tốt hơn, không chút chậm trễ. Bởi lẽ đó, nên từ ấy giữa chúng tôi không phải chỉ có tình đoàn kết chặt chẽ trong công tác, mà còn có tình bạn nồng hậu và vững chắc của những con người.

Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM