Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 01:58:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108929 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #230 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:47:16 am »


Chẳng bao lâu các sự kiện diễn ra đã khẳng định những kết luận của chúng ta là đúng. Cuối tháng Ba, chúng ta được tin của người Anh là đại bộ phận các bộ trong chính phủ Đức đã di chuyển xuống phía Nam. Sau đó, người Mỹ cho biết ngày 7 tháng Tư 1945, Ríp-ben-tơ-rốp đã triệu tập đại sứ Ô-xi-ma của Nhật và thông báo cho ông ta biết những diễn biến trong tình hình quân sự có thể dẫn đến «sự cần thiết phải tạm thời rời chính phủ Đức xuống miền Nam nước Đức». Chúng ta được tin đích xác rằng Hít-le đang xây đựng «Pháo đài An-pơ». Tướng Pi-ca, trưởng phái đoàn quân sự Tiệp Khắc, thông báo hàng ngày cho chúng ta những tin tức về tình hình ở Tiệp Khắc, và từ cuối tháng Ba, ông ta thường xuyên báo cho biết: quân phát-xít Đức đang tập trung không ngừng các lực lượng và phương tiện của chúng trong các vùng núi. Các đoàn tàu và đoàn xe chở xi-măng và các vật liệu xây dựng khác, các xưởng sửa chữa các loại, các trang bị của bộ tham mưu và các đội công nhân được chở tới đây. Rõ ràng địch đang tranh thủ thời gian, dồn các phương tiện vật chất lại để trang bị các sở chỉ huy, xây dựng kho tàng, hệ thống các trận địa dùng cho các loại vũ khí, địa điểm bố trí và khu phòng thủ các đơn vị. Mọi biện pháp ngụy trang được chúng tiến hành rất cẩn thận.

Địa điểm của «Pháo đài An-pơ» tại nơi tiếp giáp giữa Đức và Áo (vùng Muy-ních, In-xbuốc, Dan-xbuốc) — hoàn toàn phù hợp với các kết luận của chúng ta. Tình hình đó làm chúng ta thêm cảnh giác, hơn nữa Sớc-sin vội nói thẳng với Bộ chỉ huy liên quân Anh-Mỹ rằng chính họ phải chiếm Béc-lin và không để cho quân Nga vào vì lý do thuần túy về chính trị. Trong thư gửi Ai-xen-hao ngày 31 tháng Ba 1945, ông ta khuyên nên tiến công vượt qua sông En-bơ và tiến xa hơn nữa đến tận thủ đô của nước Đức.

Hồi đó, Chính phủ Liên Xô đã kịp ngăn chặn tình hình phức tạp có thể xảy ra trong quan hệ giữa các nước đồng minh. Bộ đội Liên Xô ngày đêm kiên quyết tiến công địch, cho đó là biện pháp tốt nhất để tiến gần đến giờ thắng lợi. Bộ đội của các phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 và 2 đã đánh thắng quân địch ở Pô-mê-ra-ni. Một cụm quân lớn của phát-xít Đức bị tiêu diệt tại đây. Các chiến dịch của ta trên hướng Béc-lin lúc này được bảo đảm chắc chắn về mọi mặt.

Trong tháng Tư 1945, bọn quốc xã còn triển khai một mạng lưới chính trị rộng rãi hơn nữa. Ngày 16 tháng Tư, sau khi ba phương diện quân Liên Xô tiến công vào thủ đô nước Đức phát-xít thì nguyên soái Gh. C. Giu-cốp, tư lệnh phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, nắm được tin qua lời khai của tù binh địch rằng, chúng nhận nhiệm vụ phải chiến đấu kiên quyết không chịu lùi một bước trước quân Nga và sẽ chiến đấu đến người cuối cùng, dù cho quân đội Mỹ có tiến vào phía sau lưng quân Đức. Đồng chí tư lệnh báo cáo bằng điện cho I. V. Xta-lin những tin tức khác thường ấy. Tất nhiên rồi Bộ tổng tham mưu cũng biết được ngay những tin trên.

Trong thời gian ấy, tại điện Crem-li mỗi ngày có đến mấy lần báo cáo về tình hình chiến dịch Béc-lin. Chẳng hạn, ngày 17 tháng Tư, tôi và A. I. An-tô-nốp đến Đại bản doanh, mang theo những tin mới tiến công thắng lợi vào điểm cao Dê-e-lốp. Trong quá trình làm việc, chúng tôi có nói đến cả thông báo của tư lệnh phương diện quân.

— Cần phải trả lời cho đồng chí Giu-cốp, — I. V. Xta-lin nói, — đồng chí ấy có thể chưa biết được hết những cuộc đàm phán của Hít-le với các nước đồng minh...

Ngừng một lát, thấy An-tô-nốp và tôi chuẩn bị ghi, đồng chí đọc bức điện ngắn cho phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1. Sau khi nói đã nhận được điện của Giu-cốp, Tổng tư lệnh tối cao đọc tiếp: «Đồng chí đừng lưu tâm đến những lời khai của tù binh Đức. Hít-le đang căng chiếc mạng nhện ở khu vực Béc-lin, để gây nên những mối bất hòa giữa người Nga và các nước đồng minh. Chúng ta cần xé toang chiếc mạng nhện ấy, bằng cách bộ đội Liên Xô phải chiếm lấy Béc-lin. Chúng ta có thể làm được và chúng ta phải làm bằng được công việc ấy».
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #231 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:47:57 am »


Ngày 20 tháng Tư, pháo binh Liên Xô bắt đầu nã vào Béc-lin, và sang ngày hôm sau thì các chiến sĩ Liên Xô đột nhập vào thành phố. Súng nổ không những đã chôn vùi cái ngày sinh nhật vốn đã buồn tẻ của Hít-le, mà còn buộc Hít-le phải ra lệnh phái ngay đội tiên phong đi đến Dan-xbuốc, tới «Pháo đài An-pơ», vì thời gian không chờ đợi nữa rồi.

Như chúng ta đều biết, Hít-le chưa thể dời sang địa điểm mới vì nhiều nguyên nhân: chẳng hạn «Pháo đài» chưa chuẩn bị xong mà quân Mỹ đã tiến sát đến đấy. Nhưng chủ yếu có lẽ là đến giờ phút cuối cùng, Hít-le vẫn còn hy vọng rằng trước khi Béc-lin thất thủ sẽ diễn ra sự tranh chấp giữa các nước đồng minh.

Những hành động của Hồng quân ở khu vực Béc-lin đã uy hiếp địch, không những sẽ bị mất thành phố, do vị trí của thành phố đó, nên phần lớn nhân dân Đức còn giữ ấn tượng về tính chất vững vàng của nhà nước phát-xít, mà còn đe dọa sẽ đánh vu hồi thành phố tới sông En-bơ. Đến đây, bộ đội Liên Xô sẽ gặp quân đội của các nước đồng minh, như vậy có nghĩa là sẽ chia cắt toàn bộ mặt trận địch và sẽ gây thêm biết bao khó khăn khác nữa cho chúng.

Tình hình uy hiếp đó lại càng thôi thúc bọn quốc xã. Ngày 19 và 21 tháng Tư 1945, Him-le đề nghị với Anh và Mỹ là quân Đức xin đầu hàng ở phía Tây. Đề nghị của Him-le diễn ra ở Xtốc-khôm, nói miệng qua bá tước Béc-na-đốt là phó chủ tịch hội Chữ thập đỏ Thụy Điển. Các nước đồng minh không bác bỏ đề nghị ấy, nhưng tỏ ý rằng họ chỉ chấp nhận sự đầu hàng đó khi quân Đức cũng phải đầu hàng cả với Liên Xô.

Cùng trong ngày 21 tháng Tư ấy, các phái đoàn quân sự Anh và Mỹ đã thông báo cho Bộ tổng tham mưu Liên Xô rằng: tới đây có thể sẽ có sự đầu hàng không điều kiện của những lực lượng lớn quân địch trên bất kỳ khu vực mặt trận chủ yếu nào. Họ viết: «Các tham mưu trưởng liên quân cho rằng mỗi cường quốc chủ yếu trong các nước đồng minh, nếu họ muốn, thì phải có khả năng cử các đại biểu của mình đến dự những cuộc đàm phán về bất cứ sự đầu hàng nào. Thế nhưng, không được từ chối một đề nghị đầu hàng nào, nều chỉ vì vắng mặt đại biểu của một trong ba nước đồng minh...»

Chúng ta đồng ý như vậy, mặc dầu giọng văn bức thư không lịch thiệp lắm, nó toát lên tinh thần: muốn hay không chúng tôi vẫn tiếp nhận sự đầu hàng trong bất cứ hoàn cảnh nào thậm chí sự đầu hàng ấy thực chất là chống đối lại các ngài — nước đồng minh của chúng tôi.

Do nắm được ý đồ của Anh và Mỹ trong cuộc đàm phán, nên tối 21 tháng Tư, bộ chỉ huy Đức ra lệnh cho quân đội của chúng rút hết lực lượng ở các khu vực mà quân Mỹ ở phía Tây hoạt động, và điều động sang mặt trận phía Đông. Kết quả những cuộc đàm phán của các nước đồng minh với Hít-le là chĩa mũi nhọn chống lại Liên Xô.

Ngày 22 tháng Tư, trong căn nhà hầm của văn phòng đế chế, tại buổi họp cuối cùng bàn về tác chiến, I-ốt nêu lên ý kiến mà hồi đó chưa ai dám chính thức nói, rằng sẽ rút hết quân đội ở mặt trận chống quân Anh-Mỹ và tiến về chiến đấu giữ lấy Béc-lin. Hít-le thông qua đề nghị ấy và tự đảm nhiệm chỉ đạo chiến dịch đó. Ngày 24 tháng Tư, Hít-le đã ra chỉ thị đặc biệt gửi cho tư lệnh các cụm tập đoàn quân, yêu cầu dốc hết mọi sức lực hiện có để chống lại «kẻ thù không đội trời chung, chống lại chủ nghĩa bôn-sê-vích». Trong chỉ thị còn nói rõ: không cần quan tâm đến vấn đề quân Anh - Mỹ có thể chiếm được phần lớn đất đai trong nước. Chỉ thị đó gửi đi cho mọi tư lệnh cụm các tập đoàn quân phát-xít Đức ở châu Âu. Cũng trong ngày hôm ấy, tập đoàn quân 12 Đức của tướng Ven-cơ được điều về Béc-lin chống lại bộ đội Liên Xô.

Thời gian này, bộ đội Liên Xô đã bao vây Béc-lin và đang liên tục tiến công vào các khu phố, các pháo đài, từ nhiều ngả đánh về phía nhà quốc hội. Ở phía Tây Béc-lin, Bộ đội Liên Xô tiến ra sông En-bơ và ngày 25 tháng Tư đã gặp quân Mỹ ở khu vực Xtơ-rên-la, Toóc-gau.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #232 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:48:36 am »


Lúc này, Gơ-rinh — kẻ đang trực tiếp gần gũi mặt trận quân Mỹ, đã mạnh dạn gửi cho Hít-le bức điện đề ngày 25 tháng Tư, nói rằng thuận theo ý chí của quốc trưởng, chính y — Gơ-rinh — sẽ là người kế nghiệp của quốc trưởng. Và, thực tế cũng đã đến lúc phải thực hiện cái sự nghiệp đó. Gơ- rinh thông báo rằng y sẽ nắm quyển lãnh đạo nhà nước, vì Hít-le đang ở trong vòng vây Béc-lin không thể chỉ đạo hết mọi công việc. Và y — Gơ-rinh  — là người có đủ mọi quyền hành cần thiết có thể đứng ra đàm phán trực tiếp với Anh - Mỹ.

Hít-le nổi xung, vì kẻ trước đây rất thân cận với y, nay lại dám coi y chỉ còn là cái thây ma chính trị, và y gọi người «thừa kế» của mình là kẻ đê hèn và phản bội, lập tức truất Gơ-rinh khỏi chức tư lệnh không quân. Hai ngày sau biến cố về bức điện của Gơ-rinh, một trong các quan chức cao cấp của ngành thông tấn báo cáo cho Hít-le biết: hãng thông tấn Anh Roi-tơ loan tin rằng Him-le đề nghị với chính phủ Mỹ và Anh ký kết hòa ước riêng rẽ. Viên quan chức nọ báo cáo rằng Him-le đã thông báo cho hai chính phủ biết về tình trạng bệnh hoạn của Hít-le, dường như Hít-le đang sắp tới ngày tận số, mà có sống sót thêm nữa cũng chẳng được bao ngày. Hít-le càng thêm phẫn uất. Y cố sức chứng minh rằng y vẫn đang còn quyền hạn ảnh hưởng tới các sự kiện. Y đặt hy vọng cuối cùng vào tập đoàn quân 12 của Ven-cơ là tập đoàn quân có thể sẽ là bằng chứng quan trọng trên chiến trường. Có lẽ, vì có sự thúc ép của Hít-le nên mới có bức thư gửi cho tư lệnh tập đoàn quân Đức 12 do Boóc-man và Crếp ký ngày 29 tháng Tư. Bức thư viết: «Tướng Ven-cơ thân mến! Như Ngài được biết trong thông báo, Ngài thủ lĩnh SS Him-le đã đề nghị với Anh - Mỹ trao không điều kiện thành phố của chúng ta cho bọn bịp bợm. Chỉ có quốc trưởng, riêng quốc trưỏng mới quyết định được bước ngoặt như vậy! Điều kiện cấp bách hiện nay là quân đội của Ngài phải bắt liên lạc được ngay với chúng tôi, để tạo điều kiện cho quốc trưởng có thể dễ dàng hoạt động chính trị đối nội và đối ngoại lúc tiến hành các việc đàm phán...»

Thế nhưng, các sự kiện phát triển lại không lợi cho Hít-le và bè lũ tay sai của y. Những trận đánh ở Béc-lin đang tiến sát đến nhà quốc hội và văn phòng đế chế. May ngày gần đây, hỏa lực của bộ binh và pháo binh Liên Xô liên tục bắn phá quyết liệt vào đây. Nhận thấy đã đến bước đường cùng, Hít-le mới giở trò hề làm lễ cưới E-va Brao, và ngày 30 tháng Tư, Hít-le cùng với vợ tự sát.

Sau khi tên đầu sỏ phát-xít chết, những người kế tục của y còn lớn tiếng kêu gào quân đội của chúng trên khắp các mặt trận phải siết chặt hàng ngũ, dù tình hình có xấu đến mức nào cũng phải cố thủ các trận địa của mình, không cho bộ đội Liên Xô chiếm được nhiều đất đai của Đức. Chúng vẫn tiếp tục hy vọng vào «lá bài chính trị»: sự chia rẽ giữa Liên Xô và các nước đồng minh. Đô đốc Đe-nít, thủ lĩnh mới của «chính phủ» phát-xít gọi hành động tự sát của Hít-le là «một cái chết anh hùng» và tất cả những ai nghĩ tới đình chiến đều là những kẻ nhát gan và phản bội. Trước sự đe dọa của những biện pháp trừng trị tàn bạo, binh lính Đức ở mặt trận phía Đông vẫn ngoan cố chống cự.

Tôi nhắc lại những sự kiện mà ai nấy đều biết, để một lần nữa chứng minh rằng bọn cầm đầu phát-xít cho đến lúc thấy cuộc chiến tranh của chúng đã trở thành vô nghĩa, vẫn bắt nhân dân Đức phải đổ máu vì những mục đích viển vông và tội lỗi của chúng!

Béc-lin thất thủ ngày 2 tháng Năm 1945, đúng vào ngàv bọn quốc xã đang thực hiện những âm mưu mới, muốn thoát ra khỏi chiến tranh ở phía Tây. Cũng ngày hôm đó, lúc 12 giờ trưa thì ở Ý cũng chấm dứt chiến sự. Bộ chỉ huy quân Đức có ghi trong nhật ký: «Kể từ ngày hôm nay nguyên tắc của đường lối hành động chủ yếu của Bộ chỉ huy tối cao là cứu vãn binh lính Đức khỏi bị làm tù binh của Liên Xô càng nhiều càng tốt và tiến hành đàm phán với các đồng minh phương Tây».

Sau ngày quân Đức đầu hàng ở Ý, Đe-nít ủy nhiệm cho chuẩn thống chế Ke-xen-rinh, tư lệnh quân đội Đức ở phía Tây ký kết hiệp định đình chiến với Mỹ. Viên chuẩn thống chế này còn được lệnh không những tìm hiểu ý định của Anh- Mỹ về việc điều quân sang phía Đông, mà còn tạo nên những tiền đề để thương lượng nhằm cứu vãn binh lính của chúng thuộc Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» của Séc-nơ, Cụm tập đoàn quân «Áo» của Ren-đu-lích, Cụm «Đông-Nam» của Lo-rơ. Quân lính của những viên tướng ấy còn bị giam hãm ở Tiệp Khắc, miền Tây nước Áo và ở Nam Tư. Ngày 4 tháng Năm, các cụm tập đoàn quân nói trên đặt dưới quyền của Ke-xen-rinh nhằm những âm mưu lâu dài là mọi lực lượng Đức còn lại sẽ thông qua kế hoạch chung đình chiến ở phía Tây để thoát khỏi các đòn tiến công của bộ đội Liên Xô.

Đồng thời, bọn chúng giải quyết vấn đề chuyển các cơ quan cầm đầu nước Đức và ra lệnh chuẩn bị ở Pra-ha tòa nhà dành cho 200 người. Nhưng bộ đội Liên Xô đã không cho phép bọn phát-xít giải quyết nhiệm vụ chính trị đó cùng với số phận các tập đoàn quân của Séc-nơ, Ren-đu-lích và Lo-rơ.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #233 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:50:20 am »


Đối với chúng tôi, những cán bộ trong Bộ tổng tham mưu, tuần lễ cuối cùng của tháng Tư và đầu tháng Năm 1945 là thời gian làm việc rất căng, rất nhiều và cũng rất vui sướng. Mỗi người đều cố gắng đem hết sức mình để giải quyết thật nhanh khối lượng công việc tham mưu không sao tính xuể hồi đó. Bộ đội Liên Xô hoạt động trong thời gian này đang thu được những thắng lợi lớn. Còn tổng hành dinh của Hít-le, mặc dầu đã thành lập những bộ chỉ huy độc lập, ở phía Bắc do Cây-ten đứng đầu và ở phía Nam do Ke-xen-rinh chỉ huy, vẫn không sao ổn định được việc chỉ đạo các lực lượng vũ trang của chúng. Thắng lợi đang tiến lại gần.

h. Trên các tuyến cuối cùng ở châu Âu

Nắm được tình hình bộ đội Liên Xô đang tiến tới sông En-bơ, Tổng tư lệnh tối cao nói rằng thời cơ tiến công vào Pra-ha đã điểm. Hôm sau, sau khi bộ đội Liên Xô gặp gỡ quân Mỹ, đồng chí trực tiếp gọi điện cho tư lệnh phương diện quân U-crai-na 1, nguyên soái Liên Xô I. X. Cô-nép, đi ngay vào vấn đề: ai sẽ đánh chiếm Pra-ha?

Đối với I. X. Cô-nép, câu trả lời vấn đề này không có gì khó khăn, vì tình hình lúc này đối với phương diện quân U-crai-na 1 là thuận lợi hơn cả so với các phương diện quân khác. Phương diện quân sẽ từ phía Bắc và Tây-Bắc theo con đường ngắn nhất mở mũi đột kích vào Pra-ha, cắt đường rút quân về phía Tây của cánh quân địch ở Pra-ha. Hồi ấy, Cô-nép được lệnh báo cáo những ý kiến của mình về chiến dịch Pra-ha, còn Bộ tổng tham mưu thì có nhiệm vụ phải chuẩn bị những đề nghị của mình.

Thủ đô nước Tiệp Khắc hữu nghị với chúng ta chiếm một vị trí hết sức nổi bật trong kế hoạch của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô. Ban lãnh đạo chiến lược của chúng ta tìm mọi cách để bảo vệ thành phố cổ kính, đẹp đẽ, có nhiều di tích văn hóa, không bị phá hoại. Trước hết, cần phải giữ gìn cho Pra¬ha không bị máy bay Mỹ ném bom, vì các đồng minh của chúng ta thường liệt kê thành phố vào trong danh mục các đối tượng ném bom. Do khu vực thành phố nằm trong dải hoạt động của bộ đội Liên Xô và các mục tiêu bắn phá của không quân cần có sự phối hợp với nhau, nên Bộ tổng tham mưu Liên Xô kiên quyết loại trừ thành phố Pra-ha khỏi danh mục các đối tượng bị bắn phá.

Đến hết ngày 30 tháng Tư, sức kháng cự cơ bản của địch ở Béc-lin bị đè bẹp. Thủ đô của nhà nước phát-xít sắp đến ngày phải đầu hàng. Tình hình cho phép chúng ta hy vọng rằng, chỉ riêng những lực lượng của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 cũng đủ để hoàn toàn tiêu diệt địch ở Béc-lin, dù tập đoàn quân 31 của phương diện quân có chuyển cho phương diện quân U-crai-na 1. Còn phương diện quân U-crai-na 1 lúc này có thể tiến vào Đre-xđen, rồi sau đó đánh vào Cụm tập đoàn quân «Trung tâm». Trong dải của phương diện quân U-crai-na 4, bộ đội Liên Xô tiến công chiếm được trung tâm công nghiệp lớn và điểm tựa phòng ngự mạnh của quân Đức ở Tiệp Khắc là thành phố Mô-ráp-xca Ô-xtơ-ra-va. Đồng thời, phương diện quân còn chiếm được cả thành phố Gi-lin, đầu mối giao thông quan trọng ở miền Tây Các-pát. Nổi bật lên trong những trận đánh trên hướng này là bộ đội của thượng tướng A. A. Grê-xcô, C. X. Mô-xca-len-cô, P. A. Cu-rốt-kin, của trung tướng A. I. Ga-xti-lô-vích và nhiều đồng chí khác.

Cũng giống như trên kia, quân đoàn Tiệp Khắc 1 do thiếu tướng K. Cla-pa-lếch chỉ huy, lúc bấy giờ vẫn là đơn vị bạn chiến đấu với chúng ta trong các trận đánh tại những miền núi đá vách đứng ở Các-pát này.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #234 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:51:02 am »


Lút-vích Xvô-bô-đa được cử làm Bộ trưởng quốc phòng nước Cộng hòa Tiệp Khắc. Bức thư đồng chí gửi cho Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 4 khi đồng chí được cử giữ chức vụ mới cao quý là một bức thư đầy cảm động:

«Tôi rất lấy làm vinh dự là đã chỉ huy đơn vị Tiệp Khắc được thành lập và huấn luyện trên đất Liên Xô, và cùng với Hồng quân anh dũng chiến đấu trên mặt trận chống kẻ thù chung của chúng ta. Chúng tôi lại được cùng sát cánh chiến đấu với bộ đội dũng cảm của phương diện quân U-crai-na 4 trong sự nghiệp giải phóng Tổ quốc thân yêu của mình.

Tôi đề nghị các đồng chí hãy nhận lấy lòng biết ơn chân thành của chúng tôi về những sự giúp đỡ anh em và chân tình mà bộ tư lệnh và Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 4 đã dành cho chúng tôi trong thời kỳ chiến đấu chung của chúng ta.

Nhiệm vụ chủ yếu của toàn thể nhân dân Tiệp Khắc lúc này là phải đẩy mạnh hơn nữa sự giúp đỡ toàn diện và to lớn đối với Hồng quân — người giải phóng của chúng tôi, nâng các nỗ lực quân sự của chúng tôi lên đến mức cao nhất và đẩy mạnh tốc độ tiếp tục xây dựng quân đội Tiệp Khắc dân chủ mới».

Quân đoàn Tiệp Khắc —đơn vị cùng tiến công với phương diện quân U-crai-na 4 — cùng được Tổng tư lệnh tối cao biểu dương về việc chiếm được thành phố Mô-ráp-xca Ô-xtơ-ra-va và Gi-li-na. Mát-xcơ-va đã bắn hai mươi loạt đại bác chào mừng chiến thắng của phương diện quân.

Bị mất Mô-ráp-xca Ô-xtơ-ra-va, quân địch không còn những tuyến có lợi trong tung thâm gần nhất để tổ chức phòng ngự. Hơn nữa, bộ đội Liên Xô lại đánh vu hồi sâu vào hai bên sườn của địch dọc theo biên giới phía Bắc và phía Nam Tiệp Khắc. Quân địch không còn cách nào khác là phải rút về Ô-lô-mô-út, làm thay đổi hẳn tình hình trong dải của phương diện quân U-crai-na 2 của R. I-a. Ma-li-nốp-xki. Lúc này, điều quan trọng hơn hết là phương diện quân phải sử dụng các lực lượng chủ yếu của mình nhanh chóng tiến về Pra-ha, như vậy là đã tạo nên mặt phía Nam của vòng vây sắp tới đối với Cụm tập đoàn quân «Trung tâm». Trong trường hợp này, các tập đoàn quân của phương diện quân U-crai-na 3 của Ph. I. Tôn-bu-khin sẽ bảo đảm được chắc chắn chiến dịch có tính chất chiến lược ở miền Tây nước Áo. Ở đây, vẫn còn cụm quân phát-xít Đức tới nửa triệu người do tướng Ren-đu-lích chỉ huy.

Trong buổi báo cáo tình hình vào buổi tối, I. V. Xta-lin ra lệnh chỉ thị cho R. I-a. Ma-li-nốp-xki và đại diện Đại bản doanh X. C. Ti-mô-sen-cô nhân khi quân địch ở phía trước phương diện quân U-crai-na 4 đang rút lui. Chỉ thị nêu rõ: «Các lực lượng chủ yếu của phương diện quân triển khai sang phía Tây và mở mũi đột kích vào hướng chung tới I-gla-va, Pra-ha, có nhiệm vụ trước ngày 12-14 tháng Năm phải chiếm được tuyến I-gla-va, U-la-bin-trơ, Go-rơn, và tiếp sau tiến ra sông Vơ-lơ-ta-va và chiếm lấy Pra-ha». Riêng một bộ phận lực lượng của phương diện quân U-crai-na 2 phải tiến công vào hướng Ô-lô-mô-út. Quân địch còn tiếp tục kháng cự ở đây.

Như bạn đọc đã thấy trong đoạn trích chỉ thị trên đây, hồi ấy chúng tôi cho rằng chiến dịch phải kéo dài ít ra là hai tuần lễ vì phía trước các phương diện quân của ta là Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» rất mạnh của địch.

Các sự kiện diễn biến ngoài mặt trận đã được sự hưởng ứng ở ngay hậu phương quân Đức trên lãnh thổ Séc. Ngọn lửa đấu tranh chống phát-xít ngày càng cháy sáng tại đây. Những người yêu nước tích cực vũ trang, từng vùng đã nổi dậy nắm lấy chính quyền. Các sự kiện quyết định vận mệnh của các dân tộc Tiệp Khắc sắp bắt đầu. Bộ tổng tham mưu chú ý theo dõi các sự biến ở khu vực Pra-ha. Các cụm quân lớn của phát-xít Đức rút lui tới đây. Vành đai phòng ngự của cụm tập đoàn quân của Séc-nơ tại vùng miền núi kéo tới phía Đông Pra-ha. Theo ý của Bộ tổng tham mưu, các sự biến quan trọng rồi sẽ diễn ra ở nơi đây.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #235 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:51:48 am »


Đêm 30 rạng ngày 1 tháng Năm 1945, Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao chỉ thị lấy các tập đoàn quân bên cánh trái của phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1 thay phiên cho bộ đội của phương diện quân U-crai-na 1 đang ở Béc-lin trước ngày 4 tháng Năm. I. X. Cô-nép được lệnh phải kết thúc việc tiêu diệt cánh quân Đức đang bị bao vây ở phía Đông Lúc-ken-van-đe trước ngày 3 tháng Năm, và sau khi thay phiên, bộ đội đã được rảnh tay bên cánh phải của phương diện quân phải tiến công mãnh liệt vào hướng chung tới Pra-ha. Từ ngày 6 tháng Năm, tuyến phân giới giữa các phương diện quân vẫn tới Li-u-ben như cũ, còn đối với phương diện quân U-crai-na 1 thì tiến sâu hơn nữa tới Vi-ten-béc.

Đó là cơ sở ý đồ chiến dịch Pra-ha của ba phương diện quân Liên Xô, trong đó phương diện quân U-crai-na 1 là lực lượng chủ yếu. Phương diện quân phải cắt đường rút của địch sang phía Tây và Tây-Nam, tạo nên mặt phía Bắc và phía Tây vòng vây các đơn vị của Séc-nơ đang bị giam hãm ở các vùng núi Rút-nư-ê và Xu-đê-tư. Phương diện quân U-crai-na 4 của A. I. Ê-ri-ô-men-cô tiến quân ở giữa tới Ô-lô-mô-út. Phương diện quân U-crai-na 2 của R. I-a. Ma-li-nốp-xki mở những mũi đột kích ở phía Nam. Sau khi bao vây địch, các phương diện quân ấy phải chia cắt và mở những mũi đột kích đồng loạt, liên tục ở mặt đất và trên không, tiêu diệt cánh quân địch đã bị bao vây. Quân đội của các nước đồng minh của chúng ta tiến vào miền Tây Tiệp Khắc.

Kế hoạch chiến dịch Pra-ha — chiến dịch lớn cuối cùng của các Lực lượng vũ trang Liên Xô ở châu Âu — đến ngày 4 tháng Năm 1945 thì xây dựng xong. Trong ngày hôm ấy, hồi 1 giờ 10 phút, phương diện quân U-crai-na 1 nhận được chỉ thị tác chiến như sau: «Các tập đoàn quân bên cánh phải của phương diện quân chuyển sang tiến công mãnh liệt dọc hai bên bờ sông En-bơ, vào hướng chung tới Pra-ha nhằm tiêu diệt cụm quân địch ở Đre-xđen - Ghe-rơ-lít, còn các tập đoàn quân xe tăng thì đến ngày thứ sáu của chiến dịch phải chiếm được thành phố Pra-ha, thủ đô của Tiệp Khắc». Tướng N. P. Pu-khốp, tư lệnh tập đoàn quân 13, được lệnh đột phá qua đèo vào vùng núi Rút-nư-ê và sang đến ngày thứ bảy của chiến dịch phải tiến tới tuyến Bê-rô-un (cách Tây-Nam Pra-ha 30 ki-lô-mét). Bộ đội của tập đoàn quân có nhiệm vụ bảo đảm chiến dịch của phương diện quân đề phòng mũi đột kích bất ngờ của địch ở phía Tây, ngăn chặn không cho quân của Séc-nơ rút ra khỏi khu vực Pra-ha về phía Tây và liên lạc trực tiếp với quân đội của các nước đồng minh ở tuyến sông Mun-đa và dọc theo giới tuyến. Quân đoàn xe tăng 25 của tướng E. I. Phô-mi-nức được phối thuộc cho tập đoàn quân, tiến công ở tuyến đầu các lực lượng chủ yếu của tập đoàn quân.

Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 4 của tướng Đ. Đ. Lê-liu-sen-cô chuyển sang tiến công trong khu vực của tập đoàn quân 13. Tập đoàn quân có nhiệm vụ đột phá qua đèo tới Pra-ha, mở những mũi đột kích từ phía Tây và Tây-Bắc; như trên đã nói, đến ngày thứ sáu của chiến dịch thì hiệp đồng với quả đấm bọc thép khác là tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 của P. X. Rư-ban-cô chiếm lấy thành phố. Tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 phải tiến công song song với bộ đội của Lê-liu-sen-cô từ khu vực Đre-xđen và từ phía Đông và Đông-Bắc đột nhập vào Pra-ha. Vì chúng ta dự tính là cánh quân của Séc-nơ sẽ rút về phía Tây, nên bộ đội của tập đoàn quân Rư-ban-cô không những có nhiệm vụ tiêu diệt quân địch đang kháng cự và giải phóng Pra-ha, mà còn phải làm tấm bình phong ngăn chặn giữa các lực lượng chủ yếu của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» với thành phố. Các tập đoàn quân cận vệ 3 và 5 của các tướng V. N. Goóc-đốp và A. X. Gia-đốp cùng như tất cả các đơn vị trước đây nằm trong thành phần cánh quân chủ yếu của phương diện quân U-crai-na 1 phải đi theo sau xe tăng tiến vào Pra-ha.

Tập đoàn quân 2 của Quân đội Ba Lan do tướng Ca-rôn Xve-rơ-trép-xki chỉ huy, tiến công vào hướng Piếc-na ở phía Đông các lực lượng chủ yếu của phương diện quân. Các lực lượng còn lại của phương diện quân, như tập đoàn quân 28 của tướng A. A. Lu-trin-xki và tập đoàn quân 52 của tướng C. A. Cô-rô-tê-ép, triển khai tiến công ở phía Nam, sau tập đoàn quân 2 Ba Lan thành hình cánh quạt xòe rộng. Từ ngày 6 tháng Năm, 2 sư đoàn thuộc tập đoàn quân 31 của tướng P. G. Sa-phra-nốp cũng bắt đầu hoạt động.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #236 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:52:29 am »


Cánh quân xung kích của phương diện quân U-crai-na 2 gồm có tập đoàn quân 53 của tướng I. M. Ma-na-ga-rốp, tập đoàn quân cận vệ 7 của tướng M. X. Su-mi-lốp, cụm kỵ binh-cơ giới của Pli-ép và tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 của tướng A. G. Cráp-tsen-cô tiến công từ phía Đông-Nam vào Pra-ha. Sườn phải của phương diện quân gồm tập đoàn 40 của tướng Ph. Ph. Giơ-ma-tren-cô và tập đoàn quân Ru-ma-ni 4 do tướng N. Đét-xke-le-xcu chỉ huy tiếp tục đột kích vào hướng Ô-lô-mô-út.

Như đã nói ở trên, phương diện quân U-crai-na 4 tiến công từ phía Đông lại và đánh chiếm Ô-lô-mô-út.

Trước ngày bộ đội Liên Xô chuyển sang tiến công vào Pra-ha, nguyên soái I. X. Cô-nép đã gặp tướng Ô. Brét-li, tư lệnh cụm tập đoàn quân 12 của Mỹ, cùng với các sĩ quan đi theo ông ta. Cuộc gặp mặt đã diễn ra trong bầu không khí hữu nghị. Theo báo cáo của tư lệnh phương diện quân lên Đại bản doanh thì cuộc gặp gỡ ấy không đề cập tới các nhiệm vụ của chiến dịch. Tuy nhiên, người Mỹ có đề nghị giúp đỡ chúng ta tiêu diệt cánh quân Đức đóng ở Tiệp Khắc.

Cũng cần nói thêm rằng, lúc bấy giờ giữa bộ tham mưu của Ai-xen-hao và Bộ tổng tham mưu Liên Xô, đã thỏa thuận với nhau về tuyến phân giới, khi bộ đội Liên Xô và Mỹ tiến ra tới tuyến phân giới ấy thì không được vi phạm tới nó. Tuyến phân giới ấy nằm theo tuyến sông Mun-đa, Khem-nít Các-xbát, Plơ-den, Cla-tô-vi. Đề nghị của Brét-li có nghĩa là đã vi phạm tới tuyến phân giới tuy là quy ước, nhưng quan trọng, do đó vi phạm tới sự thỏa thuận của các cơ quan lãnh đạo chiến lược tối cao. Ngoài ra, tư lệnh phương diện quân còn hiểu rằng bọn Đức rất xảo quyệt, nhất định chúng sẽ lợi dụng việc quân Mỹ tiến công ở phía trước để rút các đơn vị hậu cần và bộ đội của chúng thoát khỏi đòn đột kích của Hồng quân, nên I. X. Cô-nép đã cám ơn người Mỹ về những đề nghị ấy, và dựa vào tuyến đã phân giới, đồng chí bảo đảm với Brét-li rằng cánh quân Đức nhất định sẽ bị các lực lượng của Liên Xô đánh tan và điều đó chẳng bao lâu đã xảy ra.

Trưa ngày 5 tháng Năm 1945, Pra-ha phát động cuộc khởi nghĩa chống lại những tên bạo chúa phát-xít Đức. Chúng tôi nắm được các tin tức trên vào hồi 4 giữ sáng ngày hôm sau, do phái đoàn quân sự Tiệp Khắc thông báo bằng điện thoại cho biết. Tướng Pi-ca thông báo ngắn rằng: ngày 5 tháng Năm, hồi 12 giờ trưa ở Pra-ha bắt đầu nổ ra khởi nghĩa chống lại bọn chiếm đóng Đức. Những người yêu nước đã chiếm đài phát thanh và kêu gọi binh lính Tiệp Khắc, cảnh sát và nhân dân trong thành phố đứng dậy vũ trang khởi nghĩa. Hồi 12 giờ 30 phút, cờ của Tiệp Khắc, Liên Xô và các nước đồng minh phấp phới tung bay ở Pra-ha. Các tấm biển áp-phích của bọn Đức đều bị xé hết. Những người yêu nước chiếm được vũ khí, súng máy và mấy khẩu đại bác của Đức. Mọi đường ra vào Pra-ha đều bị ngăn chặn.

Pi-ca còn thông báo cuộc khởi nghĩa do Ra-đa nhân dân của Séc lãnh đạo. Ra-đa đã truyền thanh lời kêu gọi gửi nhân dân Tiệp Khắc, sau đó là bản tối hậu thư gửi binh lính Đức yêu cầu phải đầu hàng. Trong tối hậu thư có nói «nền bảo hộ» không còn nữa, đại bộ phận đất Séc ở trong tay quân đội Séc và những người yêu nước. Các đơn vị quân Đức phải đầu hàng và sẽ được đối xử theo công ước quốc tế. Theo tin tức của Pi-ca thì bọn Đức đóng trong các đồn bốt ở Pra-ha tuy đã bị bao vây, nhưng vẫn chiến đấu chống lại những người khởi nghĩa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #237 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:53:01 am »


Đêm mồng 5 rạng ngày 6 tháng Năm, đài phát thanh Pra-ha tiếp tục kêu gọi chiến đấu và ra chỉ thị cho những chuyên gia sản xuất vũ khí, những người lái xe tăng v. v. phải đến đâu. Thành phố tiếp tục xây dựng các ụ chướng ngại. Cũng trong đêm hôm ấy, đài phát thanh còn truyền đi lời kêu gọi của Ra-đa nhân dân gửi cho các nước đồng minh yêu cầu chi viện: «Thành phố Pra-ha kêu gọi quân đội của tất cả các nước đồng minh. Quân đội Đức từ khắp mọi phía đang tiến công vào Pra-ha. Xe tăng, pháo binh và bộ binh Đức đang hoạt động. Pra-ha cần được chi viện khẩn cấp. Các bạn hãy gửi máy bay, xe tăng và vũ khí, hãy giúp đỡ, giúp đỡ, giúp đỡ thật nhanh!» Ngày 6 tháng Năm, hồi 5 giờ sáng, trên không trung còn vang lên lời đề nghị bằng tiếng Nga: «Gửi Liên Xô, phương diện quân U-crai-na 4... Đề nghị các bạn gấp rút thả dù chi viện. Đổ bộ xuống Pra-ha, 12, Vi-nô-gra-đư — nghĩa trang Ôn-san-xcô-ê. Tín hiệu — hình tam giác. Các bạn hãy gửi vũ khí và máy bay». Sau đó, do khí quyển bị nhiễm nên không bắt được tiếp những tin truyền thanh của đài phát thanh Pra-ha. Về phía mình, trưởng phái đoàn quân sự Tiệp Khắc cũng đề nghị Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô giúp đỡ cuộc khởi nghĩa và gửi vũ khí cho quân khởi nghĩa. Pi-ca cho ta biết sóng điện của đài phát thanh quân khởi nghĩa và còn thông báo rằng ông ta đã nhận được tin từ Luân Đôn là đã bắt đầu có các cuộc đàm phán của bộ chỉ huy Đức với Ra-đa nhân dân của Séc.

Đó là những tin tức chúng ta nhận được sáng ngày 6 tháng Năm. Chúng tôi báo cáo ngay bằng điện thoại những tin tức trên với I. V. Xta-lin, và ngay lúc đó đồng chí hỏi A. I. An-tô-nốp là liệu Cô-nép có thể bắt đầu tiến công ngay vào Pra-ha, không chờ đến ngày 7 tháng Năm như đã định trong kế hoạch không? A. I. An-tô-nốp trả lời ngay rằng được vì thời hạn sẵn sàng của cánh quân xung kích của phương diện quân được xác định vào ngày 6 tháng Năm. Sau đó, chúng tôi được lệnh của đồng chí chỉ thị cho I. X. Cô-nép chuyển sang tiến công vào ngày 6 tháng Năm 1945. Từ 12 giờ ngày hôm ấy, các đội tiên phong của nhiều tập đoàn quân bắt đầu tiến công, và đến 14 giờ thì các lực lượng chủ yếu của cánh quân xung kích phương diện quân tiến được lên phía trước.

Bấy giờ, các đơn vị quân Đức cùng với xe tăng đã vây Pra-ha. Những trận đánh ác liệt nổ ra. Quân khởi nghĩa bị tổn thất nặng, nhưng vẫn kiên trì giữ vững...

Để nắm chắc quá trình diễn biến của các sự kiện, chúng ta hãy nhìn qua sang phía địch. Phía địch vẫn chưa có gì thay đổi quan trọng. Sau khi Hít-le tự sát và Béc-lin đầu hàng, bọn phát-xít vẫn động viên mọi khả năng bên trong của chúng để chống cự lại ở phía Nam. Ph. Séc-nơ được cử giữ chức tổng tư lệnh lục quân vào những ngày cuối cùng của Đế chế thứ ba. Chúng ta nắm được đầy đủ về tên chỉ huy quân sự này của nước Đức phát-xít. Y là kẻ trung thành với Hít-le và được Hít-le tin cậy do sự đắc lực và sự tàn bạo của y đối với binh lính Đức, nhất là đối với tù binh và nhân dân ở các vùng bị chiếm đóng. Đã có thời kỳ Hít-le cử Séc-nơ cầm đầu bộ tham mưu giáo dục quốc xã cho quân đội. Nhưng, trước những thắng lợi to lớn của Hồng quân, bộ chỉ huy tối cao Đức buộc phải điều động Séc-nơ ra chỉ huy ở khu vực quan trọng nhất trên mặt trận phía Đông. Y được phong hàm cấp chuẩn thống chế. Trong những ngày cuối đời mình, Hít-le còn phong cấp hàm này cho một tên phát-xít gian ác nhất là Ri-ta Phôn Grê-im. Y được cử ra thay thế Gơ-rinh «đã phản bội» chỉ huy các lực lượng không quân. Nhưng còn có thể thay đổi được những gì nữa? Khi con tàu bị đắm đã phải thả chiếc xuồng xuống nước thì người đô đốc tài ba đến mấy cũng khó mà cứu vớt nổi con tàu!..
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #238 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:53:37 am »


Ngày 2-4 tháng Năm, Tổng hành đinh của Đe-nít mở phiên họp ban chỉ đạo chiến tranh tối cao của nước Đức phát-xít. Phiên họp có mặt Đe-nít, Cây-ten, I-ốt và những tên khác. Vấn đề được đặt ra là sẽ đầu hàng quân Anh - Mỹ và tiếp tục chiến đấu chống lại Hồng quân. Ngày 5 tháng Năm, bộ chỉ huy Đức kết thúc các cuộc đàm phán ở phía Tây về vấn đề đình chiến trên nhiều mặt trận. Đe-nít mở rộng hiệu lực của một số hiệp định đến các vùng ở phía Bắc. Chúng ta nhận được đều đặn các tin tức về các cuộc đàm phán và kết quả của nó do các phái đoàn của chúng ta ở ngoài nước, nhất là những tin tức chi tiết mà tướng I. A. Xu-xlô-pa-rốp cho biết.

Ít lâu sau, thượng tướng I-ốt vội tới tổng hành dinh của Ai-xen-hao ở Rem-xơ. Tên trọng phạm chiến tranh xảo quyệt ấy không được ủy nhiệm quyền hạn ký lệnh đầu hàng của toàn bộ quân đội phát-xít Đức trên khắp các mặt trận. Y chỉ được chỉ thị ký kết đình chiến để hòng tranh thủ càng nhiều thời gian càng tốt nhằm cứu vãn binh lính Đức thoát khỏi mặt trận phía Đông. Ở mặt trận của Liên Xô, các trận đánh vẫn diễn ra ác liệt, và trong hàng ngũ quân địch vẫn chưa thấy có dấu hiệu đình chỉ chiến sự ở trên gửi xuống. Chiều 6 tháng Năm, I-ốt bắt đầu đàm phán và công khai tuyên bố với các nước đồng minh của chúng ta về ý đồ «giữ gìn cho dân tộc Đức càng nhiều người Đức càng tốt và cứu họ thoát khỏi chủ nghĩa bôn-sê-vích». Ngoài ra, y nói rằng không gì có thể ràng buộc binh lính của các tướng Lo-rơ và Ren-đu-lích, của chuẩn thống chế Séc-nơ chấp hành lệnh đầu hàng trong khi chúng còn có thể thoát ra tới các khu vực quân Mỹ chiếm đóng. Nói một cách khác, I-ốt từ chối không chịu để quân đội Đức đầu hàng ở phía Đông. Thế nhưng, mọi lời tuyên bố của I-ốt đều bị bác bỏ, vì y không được ủy nhiệm ký kết đầu hàng của quân đội phát-xít Đức. Người ta nói cho y biết là các cuộc đàm phán rồi sẽ bị gián đoạn. I-ốt bắt buộc phải xin sự ủy nhiệm cần thiết...

Tối 6 tháng Năm, viên sĩ quan tùy tùng của Đ. Ai-xen-hao đáp máy bay tới gặp tướng Xu-xlô-pa-rốp, trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô. Hắn đưa thiếp của Tổng tư lệnh mời Xu-xlô-pa-rốp tới ngay Bộ tham mưu của Ai-xen-hao. Đ. Ai-xen-hao đón tiếp I. A. Xu-xlô-pa-rốp tại dinh thự của mình. Ai-xen-hao mỉm cười nói về việc tướng I-ốt của Hít-le tới đề nghị xin đầu hàng quân Anh-Mỹ và chiến đấu chống lại Liên Xô.

— Thưa tướng quân, ngài có ý kiến gì về việc này, — Đ. Ai-xen-hao hỏi.

I. A. Xu-xlô-pa-rốp cũng mỉm cười. Có nghĩa là cuộc chiến tranh với nước Đức sắp kết thúc, mặc dầu địch còn quanh co nhằm làm cho các nước đồng minh bối rối. Xu-xlô-pa-rốp cũng biết rằng viên đô đốc Đức Phri-đe-bua đã ngồi ở Bộ tham mưu của Ai-xen-hao mấy ngày rồi nhưng vẫn chưa làm cho Đ. Ai-xen-hao tán thành hiệp nghị riêng rẽ. Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô trả lời cho người đứng đầu Bộ chỉ huy Anh-Mỹ rằng các thành viên của khối liên minh chống Hít-le đã cùng cam kết với nhau về sự đầu hàng không điều kiện của địch trên tất cả các mặt trận, tất nhiên kế cả mặt trận phía Đông.

Đ. Ai-xen-hao vội vàng thông báo là ông ta đã yêu cầu I-ốt rằng, nước Đức phải đầu hàng hoàn toàn chứ không chấp nhận một loại đầu hàng nào khác cả. Bọn Đức buộc phải đồng ý với điều đó. Sau đó, Tổng tư lệnh đề nghị Xu-xlô-pa-rốp thông báo về Mát-xcơ-va văn bản đầu hàng, để Mát-xcơ-va tán thành và thay mặt Liên Xô ký vào văn bản đó. Theo lời ông ta, văn bản đầu hàng sẽ được ký vào lúc 2 giờ 30 phút ngày 7 tháng Năm 1945 tại phòng tác chiến của Bộ tham mưu Tổng tư lệnh liên quân.

Trong bản dự thảo văn bản đầu hàng nhận được ngay lúc ấy có nói tất cả các lực lượng lục quân, hải quân và không quân dưới sự kiểm soát của Đức trong thời gian ấy phải đầu hàng không điều kiện. Bộ chỉ huy Đức có trách nhiệm ra lệnh    đình chỉ chiến sự vào lúc 00 giờ 01 phút (theo giờ Mát-xcơ-va) ngày 9 tháng Năm. Tất cả quân Đức phải ở tại các trận địa đang chiếm lĩnh. Cấm không được phá hủy các vũ khí và các phương tiện đấu tranh vũ trang khác. Bộ chỉ huy Đức bảo đảm chấp hành mọi mệnh lệnh của Tổng tư lệnh các lực lượng viễn chinh đồng minh và của Bộ tổng tư lệnh tối cao Liên Xô.

Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô còn rất ít thời gian để nhận chỉ thị của chính phủ mình. Đồng chí chuyển ngay về Mát-xcơ-va bức điện về việc ký kết đầu hàng sắp tới và biên bản, đồng thời xin chỉ thị. Bức điện của I. A. Xu-xlô-pa-rốp gửi đi, tới được địa chỉ người nhận phải mất đến mấy tiếng đồng hồ. Lúc này ở Rem-xơ đã quá nửa đêm, sắp đến thời gian ký kết đầu hàng. Thế nhưng, Mát-xcơ-va vẫn chưa có chỉ thị gửi tới. Đồng chí trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô ở vào tình thế rất khó khăn. Lúc này, tất cả chỉ còn trông vào chính mình, sẽ thay mặt Nhà nước Liên Xô ký vào đấy hay sẽ từ chối?

I. A. Xu-xlô-pa-rốp hiểu rõ rằng những tên đầu sỏ Hít-le cuối cùng này rất có thể sẽ lèo lá về vấn đề đầu hàng trước các nước đồng minh, nếu đồng chí có một sơ suất nhỏ nào đó thì sẽ gây ra hậu quả to lớn. Đồng chí đọc đi đọc lại văn bản đầu hàng và chưa tìm thấy một ác ý nào ẩn núp trong đó. Đồng thời, trước mặt vị tướng hiện lên toàn cảnh cuộc chiến tranh, mà mỗi phút đồng hồ đã cướp đi bao sinh mệnh con người. Trưởng phái đoàn quân sự Liên Xô quyết định ký vào văn kiện đầu hàng. Đồng thời, để bảo đảm cho Chính phủ Liên Xô có khả năng ảnh hưởng trở lại khi cần thiết đến tiến trình tiếp sau của các sự kiện, đồng chí đã ghi chú thêm vào văn kiện. Phần ghi chú có viết: biên bản đầu hàng chiến tranh này không loại trừ sau này có thể ký kết một định ước khác hoàn hảo hơn ghi nhận sự đầu hàng của nước Đức, nếu một chính phủ nào đó bên phía đồng minh yêu cầu.

Đ. Ai-xen-hao và đại biểu của các nước khác trong Bộ tham mưu của ông ta đồng ý với phần ghi chú đó của I. A. Xu-xlô-pa-rốp. Hồi 2 giờ 41 phút ngày 7 tháng Năm, trong phòng làm việc của các trợ lý của Tổng tư lệnh liên quân Anh-Mỹ, đã làm lễ ký kết văn bản đầu hàng của nước Đức.

Đ. Ai-xen-hao chúc mừng I. A. Xu-xlô-pa-rốp nhân dịp ký kết văn bản. I. A. Xu-xlô-pa-rốp gửi báo cáo về Mát-xcơ-va. Trong khi ấy thì từ Mát-xcơ-va có điện trả lời: không được ký kết một văn kiện nào cả!..
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #239 vào lúc: 02 Tháng Hai, 2016, 06:54:36 am »


*
* *


Trên mặt trận phía Đông, các trận đánh vẫn tiếp diễn. Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» chiếm lĩnh tuyến Xu-đê-tư và dải núi Rút-nư-ê, dựa vào các trận địa vững chắc với những công sự được trang bị chu đáo, đã chuẩn bị tiếp tục chiến đấu tại đây. Quân phát-xít Đức ở miền Nam Tiệp Khắc, Áo, Khoóc-va-ti-a vẫn tiếp tục chống cự. Séc-nơ cho rằng, có thể ngăn chặn được Hồng quân trên các tuyến đã được củng cố ấy, và sẽ cố thủ tại đây ít ra cũng được 3 tuần lễ, đủ thời gian cho quân đội Mỹ tiếp cận đến. Song Đe-nít lại suy nghĩ khác. Y nhận được một số tin về cuộc khủng hoảng đang chín muồi ở Pra-ha và cho rằng sắp tới đây, sẽ có cuộc tổng khởi nghĩa của dân tộc Séc. Trong các điều kiện ấy, y không có ý định cố thủ Xu-đê-tư. Vì vậy, sau khi nghe ý kiến của các thành viên trong «chính phủ» của y và các nhà chỉ huy quân sự, ngày 3 tháng Năm 1945, y quyết định cho rút quân càng sớm càng tốt tới mặt trận của quân Mỹ. Thế nhưng quyết định đó của Đe-nít không thực hiện được, vì những người khởi nghĩa ở Tiệp Khắc, rồi sau đó là các chiến sĩ Hồng quân, đã chặn mất đường rút quân về phía Tây của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm».

Trong khi ấy, ngay tại Pra-ha tình hình càng thêm căng thẳng. Tướng Đức Tu-xen, tư lệnh thành phố, báo cáo về bộ tham mưu ban chỉ đạo tác chiến của quân đội Đức rằng: «Tình hình chung hết sức căng thẳng... » Y còn báo cáo tiếp là mọi người chờ đợi một sự giải quyết về chính trị ngay tức thời. Thế nhưng, viên tư lệnh vẫn không bị mất tinh thần và cho rằng trong vòng 24 tiếng đồng hồ hắn sẽ lập lại được trật tự. Nhưng, những người khởi nghĩa lại đã hành động theo cách của mình: họ triển khai cuộc khởi nghĩa rộng khắp và phá hỏng con đường sắt chạy về phía Tây ở ngoại vi thành phố Pra-ha. Tình hình đó buộc quân phát-xít Đức khi rút ra khỏi giới tuyến phải hành quân bộ, nên càng làm cho tình hình của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» phức tạp thêm.

Những phát súng đầu tiên của những người khởi nghĩa ở Pra-ha đã buộc bọn Hít-le phải từ bỏ ý định bố trí các cơ quan chính phủ của chúng ở khu vực Pra-ha, mặc dầu tướng I-ốt đã ra lệnh chuẩn bị những ngôi nhà ở đây dành cho Bộ chỉ huy tối cao quân đội Đức và chính phủ. 1.600 chiến lũy và 30.000 người bảo vệ chúng dù là chưa được vũ trang đầy đủ nhưng cũng là một lực lượng đáng kể. Một số sư đoàn có xe tăng yểm hộ trong thành phần của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm» và cả số binh lính đóng trong các đồn bốt ở thành phố đã tiến đánh những người khởi nghĩa. Trong hàng ngũ binh lính địch có nhiều đơn vị SS. Những trận đánh ngoan cường đã nổ ra ở Pra-ha.

Ngày 6 tháng Năm là ngày nóng bỏng cả ở tổng hành dinh Hít-le. Hồi 14 giờ 12 phút, Cây-ten yêu cầu phải rút thật nhanh quân lính của Cụm tập đoàn quân «Trung tâm», «Áo» và «Đông-Nam» về dải hoạt động của quân Mỹ. Báo cáo từ mặt trận gửi về buộc chúng phải hành động như vậy. Các báo cáo đó còn cho biết, Hồng quân đã chuyển sang tiến công ở hướng Pra-ha. Tướng Ke-xen-rinh được lệnh phải mở cửa cho quân Mỹ tiến về phía Đông vào xứ «bảo hộ» (bọn Hít-le gọi Tiệp Khắc như vậy).
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM