Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 04:19:46 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh - Tập 2  (Đọc 108936 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #140 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:33:44 pm »


Trong một lần nói chuyện với I. E. Pê-tơ-rốp, I. V. Xta-lin có nêu ý kiến là nếu Mi-clốt ra lệnh cho tập đoàn quân của ông ta ngừng chiến với bộ đội Liên Xô và triển khai chiến đấu chống lại bọn Hít-le thì hay biết bao. Pê-tơ-rốp trao đổi vấn đề trên với Mi-clốt. Ông ta suy nghĩ: quyết định quay súng bắn lại bọn Hít-le quả không phải việc dễ. Nhưng cuối cùng, ông ta cũng đồng ý và ngày 17 tháng Mười thì trao cho I. E. Pê-tơ-rốp bản «Mệnh lệnh đình chỉ các hành động quân sự với quân đội Nga và bắt đầu chiến đấu chống lại quân đội Đức». Trong đó có nói tới những cuộc đàm phán của Ga-bo Pha-ra-gô với các chính phủ Liên Xô, Anh và Mỹ về vấn đề đình chiến nhằm «mau chóng chấm dứt cuộc chiến tranh bất hạnh này và lợi dụng được khả năng cuối cùng để bảo đảm tương lai tốt đẹp cho nhân dân, cho đất nước ta». Bản mệnh lệnh còn nói về bản dự thảo hiệp định đình chiến xác định rõ nền độc lập và tự chủ của Hung-ga-ri, hơn nữa «không một nước lớn nào được can thiệp vào công việc nội bộ của Hung-ga-ri». Tiếp đó, bản mệnh lệnh nêu rõ: «Quân đội vương quốc Hung-ga-ri hãy giữ lại vũ khí của mình, quay súng vào bọn chiếm đóng còn đang ở Hung-ga-ri và chiến đấu chống lại các đơn vị quân Đức».

Với quyền hạn của người tư lệnh, Mi-clốt ra lệnh cho quân đội Hung-ga-ri phải chấm dứt các hành động quân sự chống lại quân đội Liên Xô, chậm nhất là 6 giờ sáng ngày 19 tháng Mười, và bắt đầu từ thời gian đó sẽ cùng với Hồng quân Liên Xô chiến đấu chống bọn Hít-le. Các đơn vị đang phòng ngự được lệnh: kể từ 10 giờ cùng ngày, bắt đầu rút khỏi các trận địa của mình về các địa điểm đã định và «phải tiêu diệt tất cả những đơn vị quân Đức gặp ở dọc đường. Quân đội Nga sẽ chi viện cho chúng ta hành động. Đấy là thời cơ mà vấn đề sẽ được quyết định: Tổ quốc thân yêu của chúng ta sống hay là chết. Tôi trực tiếp giao trách nhiệm lịch sử cho những ai nhận được chỉ thị này của tôi phải thực hiện mệnh lệnh nói trên».

Mười sĩ quan tù binh Hung-ga-ri mang gấp mệnh lệnh của tư lệnh tập đoàn quân 1 Hung-ga-ri, vượt qua trận tuyến sang hàng ngũ quân đội Hung-ga-ri. Đông đảo binh lính và sĩ quan quân đội Hung-ga-ri bắt đầu hoang mang. Ngày 15 tháng Mười, họ nhận được lời kêu gọi của Hoóc-ti ngừng các hành động quân sự chống bộ đội Liên Xô, nhưng sang đến ngày hôm sau, lại có lệnh khẩn cấp của bộ chỉ huy quân sự của chính phủ Xa-la-si yêu cầu dù tình huống diễn biến như thế nào cùng vẫn phải chiến đấu, và bây giờ đây lại có thêm mệnh lệnh của Mi-clốt.

Bộ tổng tham mưu kiên trì chờ đợi kết quả mệnh lệnh của Mi-clốt. Thế nhưng, mọi hy vọng đối với việc đình chiến và việc Hung-ga-ri ra khỏi chiến tranh bằng con đường hòa bình đã không đạt được. Xa-la-si đã tung hết mọi lực lượng còn lại ở trong nước ra các mặt trận. Bộ chỉ huy Hít-le tìm mọi cách giúp y. Nhằm củng cố phòng ngự thêm vững chắc, chúng cố gắng bổ sung các binh đoàn và binh đội Hung-ga-ri vào thành phần quân Đức. Một số tư lệnh sư đoàn và tư lệnh tập đoàn quân Hung-ga-ri được thay thế bằng những tên tỏ ra trung thành hơn với chế độ Hít-le. Nhiều tên sĩ quan Đức được «phái» đến các binh đoàn Hung-ga-ri để làm mật thám và giám sát ngầm về chính trị. Tình hình trên dẫn đến kết quả là phòng ngự của địch, kể cả những khu vực của các binh đoàn Hung-ga-ri, vẫn vững chắc.

Trong những ngày cuối tháng Mười, Bộ tổng tham mưu nhận được những tin tức đích xác về các biện pháp trừng phạt mà Hít-le áp dụng ở Hung-ga-ri, về sự thay thế Hoóc-ti và lệnh cho quân đội Hung-ga-ri kiên quyết chống trả bộ đội Liên Xô. Các hành động chiến đấu chứng minh rằng, quân đội Hung-ga-ri đang thực hiện mệnh lệnh của chính phủ mới của chúng.

Ngày 20 thảng Mười 1944, R. I-a. Ma-li-nốp-xki gửi thẳng lên Tổng tư lệnh tối cao bản đề nghị khẩn cấp tăng cường xe tăng cho mặt trận. Đồng chí viết: «Quân địch, có lẽ đánh giá đúng rằng phương diện quân U-crai-na 2 đang tiến ra hướng chiến dịch - chiến lược rất quan trọng, nên đã tung 8 sư đoàn xe tăng ra chiến đấu chống lại phương diện quân... Phương diện quân đang sắp bước vào những trận đánh quyết liệt. Quân địch không chịu để mất Hung-ga-ri một cách dễ dàng, vì đấy là điểm yếu nhất của chúng, còn quân Hung-ga-ri vẫn tiếp tục ngoan cố chiến đấu dưới sự cầm đầu của Xa-la-si...»

Đồng chí tư lệnh còn báo cáo rằng trong những trận đánh gần đây, quân địch bị mất tới 400 xe tăng, nhưng chúng ta cũng bị thiệt hại 300 xe tăng.

Tất cả tình hình trên có nghĩa là không thể chờ đợi điều đình được nữa.

Ngày 24 tháng Mười, chúng tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao rõ mệnh lệnh của Mi-clốt không có tác động là bao đối với quân địch và cũng trong ngày hôm đó, các phương diện quân U-crai-na 2 và 4 cũng như X. C. Ti-mô-sen-cô đều nhận được quyết định: «Vì lý do quân đội Hung-ga-ri vẫn không ngừng mọi hành động chiến đấu chống lại quân ta, vẫn tiếp tục duy trì mặt trận thống nhất với quân Đức, nên Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao ra lệnh: ở chiến trường bộ đội sẽ đánh quân Hung-ga-ri cũng như đánh quân Đức...»
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #141 vào lúc: 25 Tháng Giêng, 2016, 07:34:34 pm »


*
* *

Bây giờ đây, sau chiến dịch Đê-brê-xen, bộ đội của các phương diện quân trực tiếp tiến công các cánh quân phát-xít Đức và quân Hung-ga-ri đang phòng ngự tại khu vực Bu-đa-pét. Tiêu diệt được quân địch tại đây sẽ mở đường tới Viên và tạo ra các tiền đề để tổ chức các chiến dịch tiếp sau ở Tiệp Khắc và ở chính tại nước Đức.

Để tiến công ở khu vực Bu-đa-pét, chúng ta sẽ sử dụng các phương diện quân U-crai-na 4 và 2. Sau đó, sẽ tăng cường thêm phương diện quân U-crai-na 3. Với những lực lượng như vậy tưởng chừng như hơi thừa. Nhưng tình huống ở đây lại chỉ ra rằng, địch có thể điều tới đây các lực lượng dự bị lấy ở tung thâm nước Đức, ở I-ta-li-a, ở Ban-căng và cả ở phía Tây sang. Chúng tôi dự kiến quy mô các cánh quân phát-xít Đức bố trí ở đây sẽ tăng lên và Hung-ga-ri có thể sẽ trở thành chiến trường quyết liệt.

Bộ chỉ huy Hít-le và bọn Xa-la-si xây dựng ở khu vực thủ đô Hung-ga-ri các tuyến phòng thủ mạnh, thành hình nửa vòng cung rộng yểm trợ mặt phía Đông Bu-đa-pét, hai bên sườn dựa vào sông Đa-nuýp. Thành phố lớn được chuẩn bị sẽ chiến đấu trong hoàn cảnh bị vây hãm lâu dài. Bọn Hít-le tập trung ở đây các lực lượng chủ yếu của Cụm tập đoàn quân «Nam» và các đơn vị Hung-ga-ri, dự trữ nhiều trang bị, đạn dược, lương thực, thuốc men và những thứ khác. Chúng làm hết mọi việc nhằm kiềm chế các lực lượng Liên Xô ở đây trong một thời gian dài, không cho bộ đội Liên Xô tiến ra biên giới nước Đức và tiến sang phía Tây.

Bộ tổng tham mưu đi sâu nghiên cứu tính chất và phương pháp thực hiện các hành động sắp tới của bộ đội Liên Xô trong chiến dịch Bu-đa-pét. Thực chất các dự kiến của chúng ta là cơ động bộ đội, từ phía Bắc và phía Nam đánh vu hồi vào thành phố, chỉ để một số rất ít lực lượng mở mũi đột kích vào chính diện. Chiến dịch đòi hỏi phải chuẩn bị tỉ mỉ và lâu dài, hơn nữa là đã đến mùa thu, có nhiều cơn mưa rào. Không quân hầu như không hoạt động. Pháo binh thường phải kéo bằng tay. Bất kể loại xe vận tải nào cũng đều bị sa lầy trên những con đường lầy lội. Cung cấp mọi thứ cần thiết trong điều kiện này cho phương diện quân rất khó khăn, việc bố trí đội hình và cơ động vu hồi lại càng khó khăn hơn.

Quân địch tìm mọi cách phá cuộc cơ động tiến quân của ta. Điều quan trọng đối với chúng là, phải hành động như thế nào để buộc ta phải tổ chức tiến công vỗ mặt, không những bất lợi cho chúng ta mà còn kéo theo nhiều thiệt hại, khiến chúng ta phải tiến công trong hành tiến mà không có những chuẩn bị cần thiết. Đó cùng là lô-gích của chiến tranh, khi mà hai lực lượng xung đột có những mục đích hoàn toàn đối lập nhau.

Phòng ngự quân địch yểm trợ mặt phía Đông Bu-đa-pét ở tuyến Tít-xa rất vững chắc. Ở đây có những công sự kiểu dã chiến được chuẩn bị hoàn hảo. Các lực lượng dự bị sung sức được điều tới đây. Các đơn vị quân đội của địch bị bộ đội Liên Xô đánh bật ra khỏi Da-các-pát và Tơ-ran-xin-va-ni dồn về chiếm lĩnh các trận địa tại đây. Quân địch ngoan cố bám giữ các địa hình có lợi cho phòng ngự, tổ chức các cuộc phản kích. Những trận phản kích đó diễn ra đặc biệt quyết liệt ở chỗ tiếp giáp giữa hai phương diện quân U-crai-na 4 và 2, là nơi mà tập đoàn quân 40 của tướng Ph. Ph. Giơ-ma-tren-cô và tập đoàn quân Ru-ma-ni 4 của tướng A-vra-me-xcu chỉ huy đang tổ chức tiến công. Các trận đánh diễn ra ác liệt, nhưng kết quả thu được rất ít. Các đồng chí tư lệnh và chỉ huy trưởng làm việc rất căng thắng. Ngay như R. I-a. Ma-li-nốp-xki là một người vốn trầm tĩnh, song đôi lúc phải nổi nóng. Có lần tướng I. M. Ma-na-ga-rốp, tư lệnh tập đoàn quân 53, một người cũng rất điềm đạm, đề nghị với Ma-li-nốp-xki bổ sung xe kéo cho tập đoàn quân vì trời mưa nhiều. Tư lệnh phương diện quân liền giận dữ trả lời cộc lốc: «Lấy xe của địch ấy...»

Hy vọng có thời gian để chuẩn bị cho chiến dịch của chúng ta như vậy là không thành.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #142 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2016, 09:17:48 am »


*
* *

Giữa tháng Mười, Sớc-sin và I-đơn cùng các cố vấn chính trị, quân sự tới Mát-xcơ-va. Họ tiến hành hội đàm với I. V. Xta-lin, V. M. Mô-lô-tốp, A. I. An-tô-nốp. Tôi cùng các tướng lĩnh khác trong Bộ tổng tham mưu và các cán bộ của Bộ dân ủy ngoại giao được mới tham dự một số phiên họp,

A. I. An-tô-nốp được ủy nhiệm báo cáo về tình hình các mặt trận, thông thường các báo cáo đó đều do Cục tác chiến thuộc Bộ tổng tham mưu chuẩn bị. Ngoài những nhận xét chung về các chiến dịch trên mặt trận Xô - Đức, báo cáo có đề cập tới những khó khăn trong các hoạt động tiến công và nói tới các kế hoạch sau này của Bộ chỉ huy Liên Xô.

Ngay hôm trước ngày đầu đàm phán, Tổng tư lệnh tối cao yêu cầu đưa xem nội dung bản báo cáo. Đồng chí nói với A. I. An-tô-nốp: «Hãy để Stê-men-cô mang đến». Tôi được lệnh lên đường tới biệt thự «gần thành phố» của I. V. Xta-lin. Chặng đường đi không xa lắm, chẳng mấy chốc đã tới con đường vòng vèo mà tôi đã quen thuộc.

Lúc này chỉ có một mình I. V. Xta-lin. Đồng chí không hỏi gì, chỉ chào và cầm báo cáo đi vào phòng làm việc. Đồng chí nhồi thuốc vào tẩu, hút, rồi khoan thai ngồi xuống ghế, đọc lướt mấy trang. Bản báo cáo được dự kiến đọc hết 25 - 30 phút, có tính cả thời gian để chứng minh một số vấn đề trên bản đồ.

Tôi ngồi gần đây với tinh thần hoàn toàn sẵn sàng, Xta-lin vừa thở nặng nhọc, vừa sửa bản báo cáo, nhưng không hỏi gì thêm.

Khi đọc đến phần cuối bản báo cáo, Tổng tư lệnh tối cao cầm bút chì đỏ chỉ vào một dòng và nói :
— Đồng chí Xtê-men-cô, về các kế hoạch của chúng ta chỗ này cần được nói mạnh hơn so với bản dự thảo báo cáo Chúng ta nói chẳng bao lâu chúng ta sẽ tiến đến biên giới nước Đức Hít-le, muốn vậy, trước hết phải diệt được quân địch ở Hung-ga-ri. Lợi ích chủ yếu của chúng ta là ở đây, ở Hung-ga-ri. Đồng chí là một trợ lý nên cần phải nắm được điều đó.

... Cuộc đàm phán với Sớc-sin và I-đơn đã đi đến kết quả. Chương trình nghị sự đã thỏa thuận từ trước được thực hiện rất chính xác. Nhiều vấn đề phức tạp, kể cả vấn đề Liên Xô tham gia chiến tranh chống Nhật, đã được giải quyết. Những sự kiện ở Đông-Nam châu Âu được phân tích kỹ.

Rời Mát-xcơ-va, Sớc-sin tỏ ý hài lòng về kết quả cuộc tiếp xúc đó và đã phản ứng theo cách của mình đối với đoạn bổ sung của Xta-lin vào báo cáo của An-tô-nốp về vấn đề hướng những nỗ lực chủ yếu của các Lực lượng vũ trang Liên Xô vào Hung-ga-ri. Thủ tướng Anh hy vọng quân Anh-Mỹ sớm tiến được ra Li-u-bli-a-na để vào Nam Tư.

Tất nhiên, ý kiến đó của Sớc-sin đã được xem xét kỹ. Câu nói của ông ta không thể có nghĩa gì khác ngoài ý đồ muốn vượt qua Li-u-bli-a-na để tiến vào giữa châu Âu, từ phía Nam đi vòng qua dãy núi An-pơ hiểm trở, tới đất Hung-ga-ri và đất Áo trước bộ đội Liên Xô. Đó là «phương án Ban-căng» núp dưới một hình thức khác. Tổng tư lệnh tối cao liền nhận ra ngay ý đồ đó.

Cần nói rằng, ít lâu sau các nước đồng minh có kiểm tra lại những ý định của ta. Trung tướng Ga-men, đại diện của Bộ chỉ huy quân sự tối cao quân đội đồng minh trên chiến trường Địa Trung Hải, đã tới Bộ tổng tham mưu vào cuối tháng Mười. Ông ta tiếp xúc với A. I. An-tô-nốp và đề nghị nói cho ông ta biết các kế hoạch hành động sau này của bộ đội Liên Xô ở Ban-căng. Đồng thời, Ga-men còn muốn nắm được cả những tin tức về ý định của Bộ chỉ huy Quân đội giải phóng nhân dân Nam Tư, những hoạt động và lực lượng của Nam Tư ở phía Tây Bê-ô-grát.

A. I. An-tô-nốp từ chối, dứt khoát không báo cho Ga-men biết một tin gì về bộ đội Nam Tư và nói rằng: «Chúng tôi không có ý định tiến quân vào Nam Tư. Nhiệm vụ chiến đấu với quân Đức ở phía Tây Bê-ô-grát là nhiệm vụ của quân đội Nam Tư, vì vậy những tin tức ngài quan tâm, nên lấy ở chỗ nguyên soái Ti-tô thì tốt hơn».

Còn nói về các kế hoạch của Liên Xô, A. I. An-tô-nốp xác nhận tất cả những gì đã nói trong cuộc đàm phán với Sớc-sin và I-đơn: «...Nhiệm vụ chủ yếu của chúng tôi là nhanh chóng rút Hung-ga-ri ra khỏi chiến tranh, nên những cố gắng chủ yếu của chúng tôi cũng sẽ hướng vào đấy».
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #143 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2016, 09:20:50 am »


Giống như các nước khác, trước khi tiến vào Hung-ga-ri, bộ đội Liên Xô đã phải giải quyết nhiều nhiệm vụ chính trị rất phức tạp. Trước hết, phải xác định những mối quan hệ đúng đắn và vô tư với nhân dân Hung-ga-ri. Ở đây cũng giống như ở Ru-ma-ni, yêu cầu chúng ta phải có sự phân biệt đối xử tinh tế giữa nhân dân lao động Hung-ga-ri với chính sách của các giới cầm quyền đã đẩy Hung-ga-ri vào cuộc chiến tranh tội lỗi thuộc phe cánh của nước Đức Hít-le. Bọn phát-xít ở Hung-ga-ri đe dọa nhân dân, tuyên truyền những điều bịa đặt về bộ đội Liên Xô.

Do đó, ngày 27 tháng Mười, Hội đồng quốc phòng Nhà nước đã thông qua một nghị quyết đặc biệt nói về phẩm chất bộ đội Liên Xô ở Hung-ga-ri, yêu cầu Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 2 cho công bố lời kêu gọi của Bộ chỉ huy Hồng quân gửi nhân dân Hung-ga-ri ở những vùng giải phóng, giải thích thực chất sứ mệnh giải phóng của các chiến sĩ Liên Xô, mục đích và nhiệm vụ các chiến dịch của bộ đội Liên Xô trên đất Hung-ga-ri. Tướng I. D. Xu-xai-cốp, ủy viên Hội đồng quân sự phương diện quân, đã thảo ngay lời kêu gọi và phổ biến cho nhân dân Hung-ga-ri.

Lời kêu gọi nêu rõ: mục đích của Hồng quân không phải là chiếm đóng một vùng đất đai nào của Hung-ga-ri hoặc thay đổi chế độ xã hội hiện hành. Bộ đội Liên Xô tiến quân vào Hung-ga-ri là do sự cần thiết đặc biệt của chiến tranh, do quân Đức và quân Hung-ga-ri — đồng minh với nước Đức — vẫn kháng cự lại. Mục đích duy nhất của các chiến sĩ Liên Xô là tiêu diệt quân đội của nước Đức thù địch, thủ tiêu ách thống trị của nước Đức Hít-le tại các nước đang bị Hít-le nô dịch. Quyền sở hữu tư nhân về ruộng đất ở Hung-ga-ri của mọi công dân không những vẫn được duy trì, mà còn được cơ quan quân quản xô-viết bảo vệ. Các cơ quan chính quyền địa phương và các cơ quan tự quản dân sự địa phương vẫn tiếp tục hoạt động. Phần kết luận kêu gọi nhân dân Hung-ga-ri hợp tác với Hồng quân để sớm kết thúc cuộc chiến tranh đó.

Chỉ thị của Hội đồng quốc phòng Nhà nước và lời kêu gọi của Bộ chỉ huy là những văn kiện chỉ đạo cơ bản cho các Hội đồng quân sự, các phòng chính trị và các đơn vị trong suốt cả thời kỳ chiến đấu ở Hung-ga-ri.

Tình hình đòi hỏi cuộc tiến công ở khu vực Bu-đa-pét phải triển khai nhanh hơn, phải tiến ra những tuyến có lợi cho cuộc đột kích vào trúng tim nước Đức Hít-le; ngoài ra, chiếm được thành phố sẽ có ảnh hưởng lớn tới tình hình các lực lượng chính trị ở Hung-ga-ri.

Những báo cáo lạc quan của L. D. Mê-khơ-li-xơ về tình hình tan rã và mất tinh thần đáng kể của quân đội Hung-ga- ri, là điều kiện quyết định đẩy nhanh mũi đột kích vào Bu-đa-pét. Bức điện của Mê-khơ-li-xơ gửi trực tiếp cho I. V. Xta-lin ngày 28 tháng Mười đã đổ thêm dầu vào lửa: «Chống lại phương diện quân của chúng tôi là các đơn vị của tập đoàn quân Hung-ga-ri 1 đang ở trong tình trạng tan rã và mất tinh thần. Hàng ngày, bộ đội bắt được 1.000-1.500-2.000 tù binh và hơn nữa. Ngày 25 tháng Mười 1944, tập đoàn quân 18 đã bắt được 2.500 tù binh, có cả phân đội địch nguyên vẹn ra hàng... Do các mũi tiến công vu hồi của phương diện quân, nên nhiều đơn vị quân địch tự nhiên tan vỡ, từng toán địch lang thang trong rừng, có toán mang theo vũ khí, toán không mang theo vũ khí, một số trà trộn vào nhân dân... ».

Bằng những báo cáo của mình, Mê-khơ-li-xơ đã nung nấu trí tưởng tượng của I. V. Xta-lin. Xta-lin hỏi Bộ tổng tham mưu nên tiến công vào Bu-đa-pét như thế nào cho tốt, để sớm chiếm được thành phố. Không nghi ngại gì, chúng tôi trả lời rằng sử dụng căn cứ bàn đạp rộng lớn mới chiếm được ở bên sườn trái phương diện quân U-crai-na 2, giữa hai con sông Tít-xa và Đa-nuýp, là tốt hơn hết. Ở đây, chúng ta không phải vượt sông, địch lại bố trí lực lượng ít hơn những hướng khác. Ngoài ra, lực lượng tập đoàn quân 46 mới điều tới đây còn sung sức. Sau khi đột phá, tập đoàn quân có thể quặt lên phía Bắc tuyến phòng thủ của địch ở bên kia sông Tít-xa, góp phần chi viện cho mũi đột kích trực tiếp của tập đoàn quân cận vệ 7 của Su-mi-lốp và tập đoàn quân Ru-ma-ni 1 từ phía Đông đánh vào Bu-đa-pét.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #144 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2016, 09:21:37 am »

I. V. Xta-lin suy nghĩ về những ý kiến của Bộ tổng tham mưu, nói chuyện bằng điện thoại với R. I-a. Ma-li-nốp-xki và yêu cầu phương diện quân U-crai-na 2 phải đánh chiếm ngay Bu-đa-pét. Ngay cả A. I. An-tô-nốp, trong lúc báo cáo trung thực tình hình cũng không sao chứng minh nổi cho Tổng tư lệnh tối cao biết rằng, các báo cáo của L. D. Me-khơ-li-xơ là không phù hợp với tình hình thực tế ở khu vực Bu-đa-pét.

Tôi nhắc lại tình tiết này, vì các sách báo của ta nhiều lần hay nói về phương diện quân U-crai-na 2 khi tổ chức tiến công vào Bu-đa-pét ngày 29 tháng Mười 1944 đã không chuẩn bị và tập trung lực lượng được đầy đủ. R. I-a. Ma-li-nốp-xki viết bài đầu tiên nói về tình hình trên, vì đồng chí trực tiếp nhận lệnh của I. V. Xta-lin là phải đánh chiếm lấy thủ đô Hung-ga-ri trong thời gian ngắn nhất «gần như tính từng ngày một». Đồng chí tư lệnh đề nghị cho phép lui lại 5 ngày để hoàn thành các nhiệm vụ, nhưng mệnh lệnh yêu cầu đồng chí: «Ngày mai phải chuyển ngay sang tiến công vào Bu-đa-pét».

Chúng tôi khẳng định mệnh lệnh nói miệng kể trên của Tổng tư lệnh tối cao bằng quyết định của Đại bản doanh lúc 22 giờ ngày 28 tháng Mười 1944.

14 giờ ngày hôm sau, tập đoàn quân 46 của tướng I. T. Sle-min được tăng cường quân đoàn cơ giới cận vệ 2 bắt đầu tiến công. Tiếp sau. nguyên soái X. C. Ti-mô-sen-cô báo cáo về Đại bản doanh: quân địch tổ chức phản kích, kháng cự lại rất mạnh, khiến tập đoàn quân trong một ngày chiến đấu chỉ có thể tiến được 4-6 ki-lô-mét. R. I-a. Ma-li-nốp-xki đã làm hết sức mình để bộ đội đánh thắng. Đồng chí điều quân đoàn cơ giới cận vệ 4 của phương diện quân U-crai-na 3 sang phối thuộc tăng cường ngay cho khu vực tác chiến.

Bốn ngày sau, cuộc tiến công của tập đoàn quân 46 được đẩy mạnh hơn lên ít nhiều vì tập đoàn quân cận vệ của M. X. Su-mi-lốp và tập đoàn quân 1 của Ru-ma-ni đã được điều đến tham chiến. Nguyên soái Liên Xô X. C. Ti-mô-sen-cô, đại diện của Đại bản doanh, và nguyên soái không quân G. A. Va-rô-giây-kin đã giúp đỡ rất nhiều cho bộ tư lệnh phương diện quân và các tập đoàn quân. Các đồng chí đã khôn khéo sử dụng đại bộ phận máy bay tập trung hoạt động trong dải của tập đoàn quân 46 giữ vai chính lúc đó. Không quân của ta tập kích vào đội hình chiến đấu của địch, chế áp các hỏa điểm ở phía trước các đơn vị đang cơ động. Những máy bay có ngôi sao đỏ được sử dụng tập trung, và quân địch không kịp tổ chức chống đỡ lại. Đến hết ngày 3 tháng Mười một, các quân đoàn cơ giới cận vệ 4 và 2 của V. I. Giơ-đa-nốp và C. V. Xvi-ri-đốp bước vào chiến đấu đang ở cách Bu-đa-pét 10 -15 ki-lô-mét về phía Nam và Đông-Nam.

Cuộc tiến quân của bộ đội Liên Xô đến đây thì kết thúc. Như trinh sát báo cáo cho biết, quân địch đã lợi dụng việc tạm thời hoãn ngày mở chiến dịch của phương diện quân U-crai-na 4 ở phía Tây U-giơ-gô-rốt và ở Chốp để điều động 3 sư đoàn xe tăng tới chiến đấu tại dải tiến công của tập đoàn quân 46. Chẳng bao lâu chúng ta đã cảm thấy điều đó: bộ đội Liên Xô tiến công trên một chính diện tương đối hẹp ở bên kia sông Tít-xa đã bị địch đánh trả quyết liệt. Các mũi đội kích của ta vẫn mở ra, song không thu được kết quả. Chúng ta được biết là lực lượng quân địch phòng ngự tại đây tăng lên gấp đôi và không ai dám chắc rằng lực lượng của chúng không phải không còn tăng thêm hơn nữa; vì rằng khu vực thủ đô Hung-ga-ri chưa bị cắt đứt liên lạc với các vùng trong nước và các khu vực khác của mặt trận, nên cho phép địch có thể điều các lực lượng dự bị của chúng tới đây.

Như vậy là tình hình không thuận lợi cho chúng ta. Dải tiến công tương đối hẹp của bộ đội Liên Xô tạo điều kiện cho địch chống trả lại có kết quả và hình thái chiến tuyến của ta cho phép chúng trong những điều kiện nhất định, có thể tổ chức phản kích vào đội hình chiến đấu của các quân đoàn cơ giới và các đơn vị của tập đoàn quân 46 đang tiến về Bu-đa-pét. Tình hình đó đe dọa sẽ phá tan các biện pháp của ta, gây nên những hậu quả nghiêm trọng cho bộ đội.

Bộ tổng tham mưu suy nghĩ. Tổng tư lệnh tối cao trực tiếp quyết định đánh vào bên kia sông Tít-xa, nên không ai có thể thay đổi hoặc bác bỏ được quyết định đó. Nhưng, cần phải cứu vãn tình hình.
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Giêng, 2016, 01:24:19 pm gửi bởi chuongxedap » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #145 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2016, 09:06:57 pm »



Chúng tôi tìm ra lối thoát trước hết ở chỗ cho mở rộng chính diện và nâng cao tính tích cực tiến công của bộ đội của R. I-a. Ma-li-nốp-xki. Nếu như theo quyết định của I. V. Xta-lin, cuộc tiến công phát triển chủ yếu dựa vào tập đoàn quân 46 ở bên sườn trái của phương diện quân, thì bây giờ đây, theo ý kiến của Bộ tổng tham mưu, cả các đơn vị ở giữa phương diện quân cũng phải tăng sức ép đối với địch và tiến hành đột phá vào tuyến phòng thủ của địch. Bộ tổng tham mưu cho rằng, tổ chức phòng ngự của địch trên một chính diện rộng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là chính diện hẹp, như vậy là vẫn bám chắc thực chất quyết tâm của Tổng tư lệnh tối cao. Ngoài ra, chính diện tiến công rộng sẽ mở ra triển vọng đánh chiếm Bu-đa-pét không phải chỉ có các lực lượng ở bên sườn trái của phương diện quân (tập đoàn quân 46) đánh từ phía Tây-Nam theo ý định trước đây, mà còn có cả các lực lượng ở giữa—từ phía Đông và Đông - Bắc đánh vào. Hai mũi đánh vu hồi vào thành phố trong tình huống lúc đó sẽ có hiệu lực hơn. Tăng sức ép ở giữa dải tiến công của phương diện quân U-crai-na 2 còn giúp cho các tập đoàn quân của I. E. Pê-tơ-rốp vượt qua được điểm nút ở Chốp và cải thiện được các điều kiện để tiến lên phía trước.

R. I-a. Ma-li-nốp-xki đồng ý với đề nghị của Bộ tổng tham mưu—những đề nghị ấy phù hợp với ý định của đồng chí — và nói rằng: Hội đồng quân sự phương diện quân sẽ ủng hộ chúng tôi trước Tổng tư lệnh tối cao.

Ngày 4 tháng Mười một, Bộ tổng tham mưu báo cáo những ý kiến của mình với Đại bản doanh. Khi báo cáo, chúng tôi còn dựa cả vào những đề nghị của Hội đồng quân sự phương diện quân U-crai-na 2 mới gửi đến Mát-xcơ-va.

I. V. Xta-lin chấp thuận những ý kiến đó. Đồng chí hạ lệnh ra chỉ thị và đẩy mạnh tốc độ thực hiện các biện pháp đánh vu hồi Bu-đa-pét. Trong chỉ thị có nói: «...Cuộc tiến công vào Bu-đa-pét trên một chính diện hẹp chỉ bằng các lực lượng của hai quân đoàn cơ giới và một số đơn vị bộ binh thì có thể mang lại những thiệt hại không hợp lý và khiến cho các đơn vị đang tác chiến ở hướng này có thể bị địch phản kích từ phía Đông-Bắc vào bên sườn».

Vì cuộc tiến công của các tập đoàn quân 53 và 27 cũng như của các cụm kỵ binh - cơ giới của Pli-ép và Goóc-scốp đã được bộ tư lệnh phương diện quân quy định mãi đến ngày 10 tháng Mười một mới bắt đầu, nên Đại bản doanh ra lệnh: «Nhanh chóng tung ngay cánh phải của phương diện quân (tập đoàn quân cận vệ 7, các tập đoàn quân 53, 27 và 40) sang bờ phía Tây sông Tít-xa để mở rộng chính diện tiến công, dùng cánh phải của phương diện quân đột kích từ phía Bắc và Đông-Bắc, hiệp đồng với cánh trái của phương diện quân (tập đoàn quân 46, quân đoàn cơ giới cận vệ 2 và 4) từ phía Nam tiêu diệt cụm quân địch ở Bu-đa-pét».

Cụm kỵ binh-cơ giới của Pli-ép được lệnh trước ngày 7 tháng Mười một phải đột kích từ khu vực Xôn-nốc lên phía Bắc, phá tan tuyến phòng thủ của địch ở Tít-xa, tạo điều kiện cho cánh phải của phương diện quân tiến ra phía bên kia sông Tít-xa. Mặc dầu Pli-ép không có bộ binh, song V. Xta-lin vẫn giao cho bộ đội của đồng chí phải đảm đương nhiệm vụ trên, vì lúc này không còn có lực lượng dự bị nào khác.

Những trận đánh ác liệt lại bùng nổ ở Bu-đa-pét. Bộ đội chiến đấu rất dũng cảm, nhưng vẫn không sao giành được những kết quả quyết định. Có tình huống này không phải chỉ vì phòng ngự của địch mạnh, mà còn do một số tư lệnh binh đoàn sau khi đánh thắng địch ở Ru-ma-ni đã nẩy sinh ra tư tưởng có thể nói là say sưa với thắng lợi.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #146 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2016, 09:08:32 pm »


Nguyên soái X. C. Ti-mô-sen-cô, đại diện của Đại bản doanh, bám sát các đơn vị, ngày 24 tháng Mười một 1944 đồng chí đã báo cáo về Đại bản doanh như sau:

«Phương diện quân U-crai-na 2 là một trong những phương diện quân mạnh, có nhiều lực lượng để đánh tan quân địch, nhưng cho đến những ngày gần đây, vẫn chưa giành được thắng lợi.

Tôi cho rằng những nguyên nhân chủ yếu làm cho hành động kém kết quả là:

1. Với ưu thế tương đối về binh lực, bộ tư lệnh phương diện quân muốn tiêu diệt cụm quân địch ngay trên mấy hướng (Mi-scôn, Ê-ghe, Khát-van).

2. Xu hướng muốn đánh địch trên tất cả các hướng làm cho lực lượng bị phân tán và không tạo nên ưu thế cần thiết. Ví dụ, cánh quân chủ yếu của phương diện quân (các tập đoàn quân 27, 53 và cận vệ 7) có 24 sư đoàn bộ binh, 3 quân đoàn cơ giới và 1 quân đoàn xe tăng, 2 quân đoàn kỵ binh, bố trí như sau:

a) Hướng Mi-scôn: tập đoàn quân 27 với biên chế có 8 sư đoàn bộ binh trên một chính diện rộng 50 ki-lô-mét;

b) Hướng Ê-ghe: tập đoàn quân 53 với biên chế có 7 sư đoàn bộ binh trên một chính diện rộng 45 ki-lô-mét;

c) Hướng Khát-van: tập đoàn quân cận vệ 7 với biên chế có 9 sư đoàn bộ binh trên một chính diện rộng 55 ki-lô-mét, 3 quân đoàn cơ giới, 1 quân đoàn xe tăng và 2 quân đoàn kỵ binh cũng hoạt động trên hướng này.

Như vậy là các binh đoàn bộ binh, tính theo các tập đoàn quân và theo hướng, được phân bổ đồng đều nhau; chỉ có tập đoàn quân cận vệ 7 tương đối ưu thế hơn về binh lực vì cụm quân của Pli-ép, các quân đoàn cơ giới 2 và 4 hành động ở trong dải này, nhưng cả Pli-ép lẫn các quân đoàn cơ giới đều đã bị tiêu hao trong các trận đánh trước đây, cho nên trên chính diện của Su-mi-lốp lại không chiếm được ưu thế về binh lực. Ngoài ra, các cụm quân cơ động nói trên, khi đột phá tuyến phòng thủ vững chắc của địch lại hành động phân tán, không đủ pháo binh chi viện và không hiệp đồng được với bộ binh.

3. Các cán bộ chỉ huy binh đoàn và các cơ quan tham mưu của họ có phần nào chủ quan với thắng lợi trước đây ở Ru-ma-ni và ở Tơ-ran-xin-va-ni, nên không bảo đảm tổ chức hiệp đồng vững chắc giữa các binh chủng.

Do đó, tôi thấy cần phải yêu cầu bộ tư lệnh phương diện quân U-crai-na 2:

l) Xem xét lại quyết định trước đây để xây dựng cánh quân có ưu thế tuyệt đối hơn địch trên hai hướng:

a) Khát-van — Ba-la-sát-đi-a-rơ-mát, được coi là hướng chủ yếu;

b) Mi-scôn, được coi là hướng phụ...»

Đại bản doanh đồng ý với ý kiến của đồng chí đại diện của mình và ngày 26 tháng Mười một đã yêu cầu tư lệnh phương diện quân phải xây dựng trên hướng chủ yếu ưu thế lực lượng quyết định hơn địch, tập trung ở đây các sư đoàn pháo binh đột phá và các binh đoàn xe tăng. Hướng hoạt động chủ yếu của phương diện quân nằm trong dải tiến công của tập đoàn quân cận vệ 7, đánh vu hồi mặt phía Bắc vào Bu-đa-pét.

Đại bản doanh ra lệnh:

«1. Để bảo đảm cho thắng lợi của cuộc tiến công mà các đồng chí dự định, trên khu vực tập đoàn quân cận vệ 7 của Su-mi-lốp phải tập trung ít nhất là 2 sư đoàn pháo binh để đột phá.

2. Đưa tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6 của Cráp-tren-cô tham gia tiến công vào khu vực của Su-mi-lốp. Để tăng cường cho tập đoàn quân 46, chỉ được điều một quân đoàn cơ giới (không được lấy hai) ở khu vực của tập đoàn quân cận vệ 7.

3. Sử dụng cụm quân của Pli-ép để phát triển tiến công theo sau tập đoàn quân xe tăng cận vệ 6.

4. Tăng mật độ đội hình chiến đấu bộ binh của tập đoàn quân cận vệ 7 bằng cách mở rộng dải tiến công của tập đoàn quân 53 ở phía Tây-Nam... »
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #147 vào lúc: 26 Tháng Giêng, 2016, 09:09:04 pm »


Phương diện quân được lệnh phải bắt đầu tổ chức tiến công trước ngày 2-3 tháng Chạp 1944.

Lần này, các chiến dịch của phương diện quân U-crai-na 2 ở Bu-đa-pét phải được tiến hành cùng với phương diện quân U-crai-na 3 của Ph. I. Tôn-bu-khin. Tôi xin phép nhắc lại rằng, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 trong tháng Mười đã hoàn thành những nhiệm vụ giải phóng chủ yếu ở Nam Tư, giờ đây được sử dụng ở Hung-ga-ri. Hồi đầu tháng Mười một, Bộ tổng tham mưu thấy cần phải sử dụng phương diện quân này để tiêu diệt quân địch ở miền Tây Hung-ga-ri, rồi tiếp sau có thể tiến công cùng với bộ đội của R. I-a. Ma-li-nốp-xki trên hướng Viên.

Một số đồng chí tư lệnh, trong đó có Ph. I. Tôn-bu-khin, về Mát-xcơ-va dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười. Giống như mọi lần, trước khi báo cáo tình hình lên Đại bản doanh và đề nghị sử dụng bộ đội của phương diện quân, đồng chí tư lệnh thường trao đổi ý kiến với Bộ tổng tham mưu. Các đồng chí đã trao đổi ý kiến với nhau về ý đồ hành động chung của bộ đội Liên Xô trong khu vực Bu-đa-pét, về việc điều động phương diện quân đánh vào Hung-ga-ri và những nhiệm vụ tiếp sau của phương diện quân. A. M. Va-xi-lép-xki, A. I. An-tô-nốp và Cục tác chiến Bộ tổng tham mưu chủ trương dùng lực lượng của hai phương diện quân bao vây rồi tiếp sau tiêu diệt quân địch ở khu vực Bu-đa-pét. Nguyên soái Tôn-bu-khin cương quyết ủng hộ những ý kiến của Bộ tổng tham mưu. Đại bản doanh cũng đồng ý với chúng tôi. Nhưng Ph. I. Tôn-bu-khin đề nghị bây giờ chưa nên ra chỉ thị ngay cho phương diện quân vì đồng chí muốn phân tích tình hình tại chỗ trước đã.

Trong dải của phương diện quân của Ph. I. Tôn-bu-khin có những tin tức quan trọng. Ngày 7-9 tháng Mười một, bộ đội của tập đoàn quân 57 do M. N. Sa-rô-khin làm tư lệnh, đã tổ chức tiến công vượt sông Đa-nuýp bằng các phương tiện thô sơ ở các khu vực Ba-ti-na và A-pa-tin. Cả hai bàn đạp này được nhanh chóng mở rộng và qua hai tuần lễ chiến đấu đã hợp nhất được với nhau. Tập đoàn quân cận vệ 4 của tướng I. V. Ga-la-nin trụ lại tại bàn đạp này ở bên phải tập đoàn quân 57. Như vậy là phương diện quân U-crai-na 3 hướng tới sẽ tiến ra Đa-nuýp.

Do đó, ngày 10 tháng Chạp, Ph. I. Tôn-bu-khin báo cáo rằng, rút phương diện quân của đồng chí đánh vào miền Tây Hung-ga-ri là không nên, mà nên sử dụng nó để bao vây và tiêu diệt cánh quân địch ở Bu-đa-pét. «Trước tình hình đó, — nguyên soái nhấn mạnh, — tôi cho rằng phương diện quân sẽ đột kích vào hướng Bắc tới Cô-mác-nô, một bộ phận lực lượng tới Đi-ê-rơ là hợp lý. Mũi đột kích đó có thể phối hợp với cánh trái của phương diện quân U-crai-na 2 chia cắt cánh quân địch và tiêu diệt chúng từng bộ phận một, tiến ra vùng châu thổ sông Đa-nuýp để tiếp tục tiến công vào Viên». Đồng chí đề nghị tập đoàn quân 46 sẽ thuộc biên chế của phương diện quân U-crai-na 3, vì tập đoàn quân này đã tiến công vượt sông Đa-nuýp ở phía Đông-Nam Bu-đa-pét và bàn đạp tập đoàn quân chiếm lĩnh được ở bên bờ phía Tây sông, có thể dùng làm khu vực xuất phát tốt cho bộ đội của phương diện quân trong chiến dịch sắp tới.

Các trận đánh ác liệt diễn ra ở Bu-đa-pét trong suốt nửa đầu tháng Chạp. Bộ đội đã hoàn thiện được các tuyến xuất phát của mình, các cơ quan tham mưu của cả hai phương diện quân đều nghiên cứu kế hoạch các chiến dịch sắp tới nhằm bao vây quân địch. Ngày 15 tháng Chạp, phương diện quân U-crai-na 3, rồi hai ngày sau, phương diện quân U-crai-na 2 đã báo cáo các kế hoạch chiến dịch lên Đại bản doanh. Kế hoạch được phê chuẩn nhưng trên ra lệnh cho phương diện quân U-crai-na 3 không được để bộ đội hút vào hướng Viên.

Theo kế hoạch, các phương diện quân dùng các lực lượng chủ yếu bao vây Bu-đa-pét, tổ chức đánh vu hồi như sau: bộ đội của R. I-a. Ma-li-nốp-xki đánh mặt phía Bắc, bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin đánh mặt phía Tây-Nam. Các phương diện quân siết chặt vòng vây ở Đa-nuýp trong khu vực E-xtéc-gôm, Ne-xmây. Quân đoàn bộ binh 30 của tập đoàn quân cận vệ 7, quân đoàn Ru-ma-ni 7 và quân đoàn bộ binh cận vệ độc lập 18 tiến công trực tiếp vào Bu-đa-pét. Các phương diện quân được lệnh tổ chức vòng ngoài bao vây để chặn đứng âm mưu địch phá vây cho Bu-đa-pét. Cuộc tiến công được ấn định bắt đầu vào ngày 20 tháng Chạp 1944.

Bộ tổng tham mưu đặc biệt chú ý đến việc bảo đảm pháo binh cho chiến dịch sắp tới. Sở dĩ có yêu cầu đó trước hết là do tính chất phòng ngự có tổ chức của địch — các trận địa phòng ngự của chúng có nhiều hỏa điểm được che khuất, nếu không có mật độ hỏa lực pháo binh cao thì không đột phá nó được. Ngoài ra, trong biên chế của cánh quân địch có nhiều xe tăng. Theo tin tức của trinh sát lúc bấy giờ thì ở phía trước bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin có 5 sư đoàn xe tăng (3 sư đoàn Đức, 2 sư đoàn Hung-ga-ri) và 1 sư đoàn cơ giới. Đối diện với phương diện quân của R. I-a. Ma-li-nốp-xki cũng có các sư đoàn xe tăng của địch. Ở đấy, theo tính toán của chúng ta hồi ấy, địch có 4 sư đoàn xe tăng và 3 sư đoàn mô-tô cơ giới. Các phương tiện chống tăng chủ yếu của chúng ta vẫn là pháo binh.

Còn nói về Bu-đa-pét, Tổng tư lệnh tối cao yêu cầu tổ chức mật độ pháo binh cao hơn nữa. Khu vực đột phá trong dải của tập đoàn quân cận vệ 7 tiến công trên hướng chủ yếu của phương diện quân U-crai-na 2 có 224 khẩu pháo trên một ki-lô-mét chính diện, còn trên hướng chủ yếu của phương diện quân U-crai-na 3, mật độ pháo binh trung bình là 170 nòng súng trên một ki-lô-mét chính diện.

Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #148 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 11:32:12 am »


*
* *



Ngày 20 tháng Chạp 1944, cả hai phương diện quân đều chuyển sang tiến công.

Trong quyển một hồi ký, tôi đã viết về sai lầm của bộ chỉ huy Hít-le. Bắt đầu chiến cục mùa hè năm 1944, chúng cho rằng hướng đột kích chủ yếu của Hồng quân sẽ đánh vào phía Tây-Nam. Có lẽ bây giờ đây, khi đứng trước ngưỡng cửa của năm 1945, bọn Hít-le vẫn mắc phải sai lầm ấy, thêm nữa, bộ đội Liên Xô đang phòng ngự ở hướng Tây. Vì vậy, quân địch đã tăng nhiều quân và xe tăng ở vùng bao vây bên ngoài Bu-đa-pét. Rõ ràng, bọn chúng trông chờ vào các hình thức tác chiến cơ động, không định bỏ lại các khu vực phía Tây Hung-ga-ri và nuôi ý đồ giải vây cho các đơn vị của chúng đang bị hãm trong lòng chảo. Chúng trù tính sẽ mở những đòn phản kích mạnh. Tiến công sang ngày hôm sau, ngày 21 tháng Chạp, thì bộ đội Liên Xô ở dải hoạt động của tập đoàn quân cận vệ 7 do tướng M. X. Su-mi-lốp chỉ huy và của các chiến sĩ xe tăng do A. G. Cráp-tsen-cô chỉ huy tại các khu vực Nem-xe, Xa-ca-lô-sơ, Sa-khơ-tư vấp phải những đòn phản kích đó. Quân địch ra sức chia cắt và tiêu diệt bộ đội Liên Xô ở đây, nhưng rồi chính bản thân chúng lại bị ăn đòn ở bên sườn cũng như ở phía sau lưng và bị đẩy lùi cùng với những thiệt hại nặng.

Trong dải tiến công của phương diện quân U-crai-na 3 quân địch dựa vào phòng tuyến vững chắc «Mác-ga-ri-ta» cũng chuẩn bị phản kích, nhưng chúng đã tính nhầm thời gian và mọi ý định của chúng bị phá vỡ khi chúng đang tập trung các lực lượng của cánh quân phản kích. Hai tấm bản đồ của sư đoàn xe tăng 2 Đức do phương diện quân U-crai-na 3 thu được ngày 22 tháng Chạp năm 1944 ở khu vực Xe-két-phe-khéc-va-rơ đã chứng minh cho nhận định trên. Hai tấm bản đồ đó đã cung cấp cho bộ tham mưu giàu kinh nghiệm nhiều điều bổ ích. Ph. I. Tôn-bu-khin hồi đó báo cáo về Bộ tổng tham mưu: «Tấm bản đồ thứ nhất đánh dấu nhiều vùng dân cư lớn trong phạm vi đất đai của ta ở phía Đông-Nam hồ Ba-la-tông. Tấm bản đồ thứ hai chỉ rõ vị trí bố trí của các cơ quan tham mưu quân đoàn xe tăng 3 và 57, các cơ quan tham mưu và các binh đội của các sư đoàn xe tăng 1, 3, 6 và 23 thuộc trung đoàn xe tăng 130 của lực lượng dự bị của Bộ tổng tư lệnh. Tình hình đó chứng minh một cách rõ ràng rằng, quân Đức đã chuẩn bị hành động tích cực ở phía Đông hồ Ba-la-tông». Sau này chúng ta lại biết là, ở đây còn có cả sư đoàn xe tăng 8 và các tiểu đoàn xe tăng độc lập.

Bộ tổng tham mưu đồng ý với ý kiến của Hội đồng quân sự phương diện quân. Chúng tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao. Đồng chí chỉ thị thông báo cho phương diện quân phải hết sức cảnh giác và thường xuyên sẵn sàng đánh bại các biện pháp chống trả của địch. Quả vậy, quân phát-xít Đức và quân của Xa-la-si đã chuyển sang phản công nhiều lần trong một ngày. Những trận đánh diễn ra ác liệt, bộ đội Lièn Xô phá vỡ được tuyến phòng thủ của địch, song phải đổ nhiều máu. Qua 6 ngày chiến đấu liên tục, các phương diện quân U-crai-na 2 và 3 đã gặp nhau ở sông Đa-nuýp trong khu vực E-xtéc-gôm và vây chặt Bu-đa-pét. Gần 190.000 binh lính và sĩ quan địch bị nhốt trong vòng vây. Đồng thời khi đó cũng hình thành xong vòng vây bên ngoài, như chúng ta sẽ thấy, là rất cần thiết.

Tuy nhiên, các sự kiện chủ yếu vẫn còn ở phía trước các mũi đột kích của bộ đội Liên Xô vào Bu-đa-pét đã bị quân địch đẩy lùi. Địch tiếp tục hoàn thiện tuyến phòng thủ của chúng ở ngay trong thành phố và ở những vùng phụ cận. Ở đây, đến ngày 1 tháng Giêng 1945, địch đã tập trung 13 sư đoàn xe tăng, 2 sư đoàn mô-tô cơ giới và 1 lữ đoàn. Theo lời của chính bọn địch thì như vậy mật độ xe tăng ở mặt trận phía Đông dày đặc chưa từng có. Các biện pháp trên tiến hành dưới sự chỉ huy của tướng Ve-le, tư lệnh mới của Cụm tập đoàn quân «Nam» thay thế tướng Phrít-xne bị cách chức.

Lúc bấy giờ không phải chỉ có hai cánh quân mạnh của hai bên đối địch xung đột ở vùng Bu-đa-pét. Quân địch đã biến thủ đô đẹp đẽ của Hung-ga-ri thành trận địa phòng ngự, không đếm xỉa gì đến các giá trị lịch sử của thành phố, các công trình văn hóa và nghệ thuật phong phú, không tính đến xương máu của nhân dân. Bộ chỉ huy Liên Xô muốn tránh cho nhân dân Hung-ga-ri khỏi bị đổ máu không cần thiết và bảo vệ cho nhân dân Hung-ga-ri tất cả những gì đã được sáng tạo nên trước đây bởi những bàn tay khéo léo của những người thợ cả danh tiếng. Ngày 29 tháng Chạp, bộ tư lệnh phương diện quân U-crai-na 2 và bộ tư lệnh phương diện quân U-crai-na 3 gửi tối hậu thư cho quân địch đang bị bao vây ở Bu-đa-pét, đề ra những điều kiện đầu hàng nhân đạo, ví dụ, các tướng lĩnh, sĩ quan và binh lính Hung-ga-ri được bảo đảm nhanh chóng trở về với gia đình. Nhưng đại úy M. Xtây-mét, người đại diện của phương diện quân U-crai-na 2 đi đàm phán với đối phương đã bị quân địch bắn chết, còn đại úy I. A. Ô-xta-pen-cô, người đại diện của phương diện quân U-crai-na 3 cũng bị đối phương từ chối không nhận đầu hàng, rồi lúc quay trở về đã bị quân địch bắn vào lưng. Những người đại diện của Liên Xô được cử đi đàm phán với đối phương, để cứu thoát hàng vạn con người đang bị bao vây trong thành phố, bảo vệ các công trình văn hóa của đất nước Hung-ga-ri, đã bị quân thù bắn chết một cách đê tiện như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #149 vào lúc: 27 Tháng Giêng, 2016, 11:32:48 am »



Đêm 1 rạng ngày 2 tháng Giêng 1945, bộ chỉ huy Hít-le bắt đầu hành động tích cực chống lại bộ đội Liên Xô ở vòng vây bên ngoài Bu-đa-pét. Các chiến sĩ Liên Xô đã đánh lui các đòn phản kích điên cuồng của các sư đoàn xe tăng Đức muốn giải thoát cho cánh quân địch đang bị bao vây ở Bu-đa-pét suốt gần một tháng trời (cho tới ngày 26 tháng Giêng). Các trận đánh diễn ra hết sức ác liệt, song các chiến sĩ Liên Xô vẫn đứng vững. Sức mạnh, lòng quả cảm và ý chí kiên cường của người chiến sĩ xô-viết bảo đảm sự đập tan ý định của bộ chỉ huy Hít-le. Trong những ngày này, các đồng chí tư lệnh, chỉ huy và tham mưu của Liên Xô đã tỏ rõ trình độ nghệ thuật quân sự cao. Họ buộc quân địch phải thất bại, mặc dầu phương diện quân U-crai-na 3 có lúc đã lâm vào tình thế nguy hiểm. Ví dụ, ngày 20 tháng Giêng, xe tăng địch đã vọt ra tới sông Đa-nuýp ở khu vực Đu-na-pen-te-le, và chia cắt được bộ đội của phương diện quân trong một thời gian. Các trung đoàn pháo tự hành được điều động từ phía Bắc và phía Nam tới khu vục trên, tổ chức mũi đột kích đón gặp và đã thủ tiêu được mối nguy cơ đó.

Khi xuất hiện những dấu hiệu đầu tiên của việc ra đời nước Hung-ga-ri mới, thì đồng thời cũng là ngày tận số của cụm quân địch bị bao vây ở Bu-đa-pét. Ví dụ, Bộ tổng tham mưu Hồng quân nắm được những hoạt động của các đội du kích Hung-ga-ri ở các vùng trong nước, nhất là ở các vùng mỏ. Bộ tổng tham mưu không cường điệu ý nghĩa quân sự của các hoạt động ấy, nhưng đồng thời đã hiểu rõ ảnh hưởng to lớn của các hoạt động đó đối với nhân dân. Các đội du kích đó đã chứng tỏ rằng trong nhân dân đang nung nấu âm ỉ sự căm phẫn đối với chế độ Hít-le. Cố nhiên, điều đáng chú ý nhất là Đảng cộng sản Hung-ga-ri là người chủ động hô hào và cổ vũ cuộc đấu tranh nhằm khôi phục nền độc lập dân tộc của đất nước trên những cơ sở dân chủ. Chúng tôi được biết rằng, ngay từ mùa hè năm 1944, theo sáng kiến của các đảng viên cộng sản Hung-ga-ri, cơ quan thống nhất trung ương của phong trào Kháng chiến — «Mặt trận Hung-ga-. ri» — đã được thành lập. Tháng Chín năm ấy, Đảng cộng sản ra lời kêu gọi gửi nhân dân Hung-ga-ri về sứ mệnh giải phóng của các chiến sĩ xô-viết. Đảng cộng sản kêu gọi nhân dân nổi dậy cùng chiến đấu với Liên Xô đánh đuổi bọn đế quốc Đức và đập tan chế độ phản động ở Hung-ga-ri, đấu tranh cho hòa bình và cho nước Hung-ga-ri độc lập, tự do, dân chủ. Tháng Mười một 1944, ủy ban giải phóng dân tộc Hung-ga-ri được thành lập và bắt đầu chuẩn bị cuộc khởi nghĩa ở Bu-đa-pét. Dưới sự chỉ đạo của ủy ban quân sự do Đảng cộng sản thành lập, các đội du kích ở Uy-pe-stơ, Kít-pe-stơ và ở các khu khác tại Bu-đa-pét đã đánh mìn thắng lợi các đoàn tàu chở hàng quân sự, tiêu diệt bọn sĩ quan và binh lính quốc xã, phá hoại các đường sắt. Ngày 1 tháng Chạp 1944, rạp hát thành phố Bu-đa-pét, nơi bọn phát-xít Hung-ga-ri đang hội họp, bị nổ tung. Chúng tôi còn biết nhiều trường hợp nhân dân Hung-ga-ri đã quên mình cứu sống các chiến sĩ Liên Xô...

Khóa họp của Quốc hội lâm thời Hung-ga-ri ở vùng giải phóng Đê-brê-xen là cái mốc lớn trong lịch sử của một quốc gia bị tàn phá đã được khôi phục. Đó là kết quả hoạt động của Đảng cộng sản Hung-ga-ri. Đảng ra sức tập hợp các lực lượng dân chủ trong nước trên cơ sở «Cương lĩnh khôi phục nền dân chủ và phát triển Hung-ga-ri», do đảng vạch ra. Quốc hội họp từ ngày 21-22 tháng Chạp 1944, thành lập Chính phủ dân tộc lâm thời do thượng tướng Be-la Mi-clốt đứng đầu.

Thành phần chính phủ phản ánh tất cả những mâu thuẫn trong nước, gồm có các đại biểu của Đảng cộng sản, những người xã hội - dân chủ, đảng dân tộc - nông dân và đảng độc lập của những người tiểu nông; ngoài ra, còn có đại biểu của chế độ Hoóc-ti đã bị sụp đổ, ví dụ như tướng Ga-bo Pha-ra-gô, công tước Ge-da Tê-lê-ki và thượng tướng I-a-nốt Vi-ơ-ri-o-sơ mà chúng ta đã biết.

Quốc hội lâm thời họp quyết định những hành động sau này của chính phủ Mi-clốt. Hành động đầu tiên của chính phủ là quyết định cắt đứt quan hệ với nước Đức Hít-le và tuyên bố chiến tranh chống lại chúng. Sau đó, chính phủ gửi lời kêu gọi đình chiến với các chính phủ của các nước đồng minh mà Hung-ga-ri đang ở trong tình trạng chiến tranh với họ.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM