Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 20 Tháng Tư, 2024, 02:31:39 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thành Cát Tư Hãn  (Đọc 142209 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:13:56 pm »

Nguồn sách: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn1ntn2nqn31n343tq83a3q3m3237nvn

Lời Tựa


Thành Cát Tư Hãn là một nhân vật lịch sử nổi tiếng từ xưa tới nay trên toàn thế giới; là một vĩ nhân được thế giới công nhận hằng nghìn năm qua. Ông chẳng những thống nhất cả vùng thảo nguyên Mông Cổ, xây dựng dân tộc Mông Cổ, mà còn có công đóng góp một cách kiệt xuất trong việc thống nhất và phát triển dân tộc trung hoa, đồng thời, còn có ảnh hưởng rất to lớn đối với nhiều quốc gia và dân tộc ở âu Châu cũng như ở á Châu. Đối với việc giao lưu văn hóa giữa đông và tây cũng như đối với việc thay đổi và cải cách chính trị, thúc đẩy sự phát triển lịch sử trên thế giới có một tác dụng mà từ trước tới nay chưa bao giờ có.

Thành Cát Tư Hãn chẳng những là một vị anh hùng của dân tộc Mông Cổ mà cũng là của dân tộc Trung Hoa, mà còn là một trong những nhà quân sự, chính trị, tư tưởng vĩ đại nhất trong lịch sự thế giới. Thông qua những hình thức như lịch sử tiểu thuyết, truyện ký nhân vật hoặc điện ảnh, truyền hình và hí kịch để phản ánh cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn là một sự mong đợi tha thiết của đọc giả, khán giả trong và ngoài nước.


Tôi nguyên là một người làm công tác sử học, ngay từ lúc còn học bậc đại học tôi đã hết sức sùng bái Thành Cát Tư Hãn. Sau cách mạng văn hóa tôi trở về trường Đại Học Bắc Kinh để học chuyên sâu ngành "Lịch sử về các triều đại Liêu, Kim, Nguyên" của nhà sử học nổi tiếng Thái Mỹ Bưu, cho nên đối với Thành Cát Tư Hãn tôi lại càng cảm thấy hứng thú. Bắt đầu từ đó tôi nghiên cứu sâu về Thành Cát Tư Hãn. Đến đầu năm 1991, trong vòng 12 năm tôi đã lần lượt sáng tác những tác phẩm như Truyện Thành Cát Tư Hãn (viết theo thể văn kể chuyện nhân vật lịch sử hiện còn bản in của nhà xuất bản đại học sư phạm Liên Ninh) ; Thành Cát Tư Hãn Toàn truyện (viết theo thể văn chuyên khảo, do nhà xuất bản Bắc Kinh xuất bản) và kịch bản văn học truyền hình nhiều tập có nhan đề "Con Cưng Của Trời". Về sau, tôi được đạo diễn nổi tiếng là ông Trần Gia Lâm giới thiệu, quen được với thầy Du Trí Tiên, một nhà biên kịch nổi tiếng. Thầy đã bỏ ra suốt mấy tháng để viết bản thảo thứ hai cho kịch bản truyền hình nhiều tập "Thành Cát Tư Hãn". Sáu tháng đầu năm 1997, tôi và thầy Du Trí Tiên được tập đoàn Sĩ Kỳ của Nội Mông Cổ ủy thác sửa chữa nhiều lần bản thảo nói trên, cuối cùng đã hoàn thành kịch bản truyền hình nhiều tập "Thành Cát Tư Hãn". Sáu tháng đầu năm năm nay, kịch bản này được Vương Văn Kiệt đạo diễn đã quay xong toàn bộ. Trong một ngày gần đây nó sẽ được đưa ra chiếu rộng rãi trên khắp toàn quốc cũng như ở nước ngoài.


Nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo khán giả và đọc giả, chúng tôi tham khảo tất cả những tác phẩm nói trên, như Thành Cát Tư Hãn Toàn truyện, truyện Thành Cát Tư Hãn, kịch bản văn học truyền hình Con Cưng Của Trời và quyển Thành Cát Tư Hãn, v. v. . . viết lại thành một bộ tiểu thuyết lịch sử dài, lấy nhan đề Thành Cát Tư Hãn. Mọi người thường nói phải: "Mày mò 10 năm mới cho ra được một vở kịch". Năm 1988, khi tôi bắt đầu viết kịch bản văn học Con Cưng Của Trời cho tới nay đã 12 năm trôi qua. Nếu tính từ năm 1980 là năm tôi bắt đầu viết truyện ký nhân vật lịch sử Thành Cát Tư Hãn Truyện, thì đến nay đã hơn 20 năm. Trong quá trình 20 năm sáng tác, tôi đã cảm nhận được một cách sâu sắc rằng, đem truyện nhân vật lịch sử cải biên thành kịch bản truyền hình nhiều tập, rồi lại cải biên thành tiểu thuyết lịch sử dài, đó là một sự thử nghiệm rất có ý nghĩa, vì nó đã kết hợp lại làm một sự nghiên cứu về sử học với văn nghệ giải trí, cũng như lợi ích kinh tế xã hội, mở một con đường mới mẻ cho ngành sử học, đồng thời, cũng là một sự mò mẫm có ích đối với việc nâng cao chất lượng của phim truyền hình lịch sử nhiều tập. Có nhiều bạn xem hiện tượng đó là "Sử học truyền hình” hoặc "Văn học của sử học ". Tôi cho rằng, dùng hình thức kịch lịch sử hoặc tiểu thuyết lịch sử để tuyên truyền chính xác một nhân vật lịch sử, phải trở thành một trong những nhiệm vụ của các nhà sử học.

Các nhà sử học của chúng ta không nên hoàn toàn đùn nhiệm vụ cho những nhà viết kịch bản truyền hình, hoặc cho những nhà viết tiểu thuyết; ngược lại, những nhà viết kịch bản truyền hình cũng như những nhà viết tiểu thuyết không nên chặn các nhà sử học ở ngoài cửa, mà cả hai nên chủ động kết hợp với nhau. Vì làm như vậy, chẳng những có thể tiến lên một bước nâng cao tính khoa học và tính đáng tin trong những vở kịch lịch sử, cũng như trong những quyển tiểu thuyết lịch sử, đồng thời, có thể thúc đẩy việc nghiên cứu lịch sử tiến sâu thêm một bước.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:29:32 pm gửi bởi ptlinh » Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:14:25 pm »

Tất nhiên, muốn thực sự làm được điều này cũng không phải là dễ dàng, vì nó chẳng những đòi hỏi ở các nhà sử học phải có một sự phối hợp ngầm với các nhà sáng tác kịch bản truyền hình, cũng như các nhà viết tiểu thuyết, nhất là cần phải xử lý tốt mối quan hệ giữa sự chân thực trong lịch sử và sự chân thực trong văn học. Khi được xem là một sáng tác chuyên đề về học thuật như quyển Thành Cát Tư Hãn Toàn Truyện, đòi hỏi phải hết sức nghiêm túc, cẩn thận; đòi hỏi phải bất cứ sự việc gì cũng phải có xuất xứ, bất cứ sự việc gì cũng phải có lai lịch. Do vậy, tôi đã bỏ ra thời gian 12 năm để tham khảo một số lượng lớn những tài liệu ban đầu ở trong nước cũng như ở ngoại quốc, hấp thu thành quả nghiên cứu của các bậc tiền nhân, sửa chữa đi sửa chữa lại bản thảo nhiều lần, để có thể giới thiệu toàn diện cuộc đời của Thành Cát Tư Hãn. Những nhà xuất bản cũng như trong giới học thuật đều cho rằng, quyển sách này là quyển truyện ký lớn về Thành Cát Tư Hãn đầu tiên ở Trung Quốc, đứng đầu tất cả những quyển sách giới thiệu về nhân vật "Con Cưng Của Trời " này. Hơn nữa, nó cũng bổ sung những khoảng trống trong việc nghiên cứu lịch sử của triều đình nhà Nguyên, nâng cao việc nghiên cứu về Thành Cát Tư Hãn lên một trình độ mới. Quyển sách này không phải dựa vào sự ước đoán chủ quan để suy luận, mà là dựa vào những tài liệu lịch sử đáng tin cậy để tiến hành sáng tác, cố gắng phản ánh cho được sự chân thật về mặt lịch sử.

Nhưng, đối với các tác giả kịch bản truyền hình cũng như tiểu thuyết lịch sử, thì không phải hoàn toàn giới hạn trong phạm vi lịch sử, mà còn phải có sự gia công cần thiết về mặt văn học. Nhưng tôi cho rằng, những phim truyền hình về lịch sử cũng như tiểu thuyết lịch sử là phải khác nhau với hí kịch hoặc tiểu thuyết nói chung, mà sự gia công đó không nên tùy tiện theo ý muốn chủ quan, không nên chỉ "hư cấu thuần túy” , mà phải dựa vào điều kiện lịch sử thời bấy giờ để điển hình hóa những nhân vật và những sự kiện, phải tập trung làm nổi bật một số nhân vật và một số sự kiện, phải sáng tạo hoàn cảnh điển hình, sáng tạo tình tiết của câu chuyện, sự xung đột trong hí kịch, thậm chí còn phải sáng tạo cả ngôn ngữ hí kịch.

Tất cả những sự sáng tạo đó từ góc độ của sử học mà xét, đều phải có khả năng phát minh, dù trong lịch sử không nhất định phải có người thật việc thật như vậy. Tôi cho rằng đó là sự chân thật trong nghệ thuật. Mấy năm gần đây, tôi và thầy Du Trí Tiên đã hợp tác một cách mật thiết, cùng nhau bàn bạc, sửa đi sửa lại để cuối cùng hoàn thành được một kịch bản văn học truyền hình nhiều tập và quyển tiểu thuyết lịch sử dài này. Chúng tôi cho rằng, cả hai sáng tác trên đều đạt được sự chân thật về mặt lịch sử, đồng thời, cũng đạt được sự chân thật về mặt nghệ thuật và xử lý tương đối tốt mối quan hệ giữa hai sáng tác đó.

Đọc giả lúc nào cũng hoan nghênh các nhà sử học viết càng nhiều loại truyện ký nhân vật lịch sử hay và cũng hoan nghênh các nhà sử học cũng như các kịch tác gia, các nhà tiểu thuyết, cùng nhau sáng tác càng nhiều kịch bản truyền hình hoặc những bộ tiểu thuyết lịch sử hay. Phải làm thế nào kết hợp một cách hữu cơ việc nghiên cứu về lịch sử với các hình thức văn học, nghệ thuật, để tuyên truyền lịch sử một cách chính xác đối với đông đảo đọc giả và khán giả, là một vấn đề mới đang đặt ra trước mặt đông đảo các nhà sử học và những người làm công tác văn nghệ. Những sự thăm dò của chúng tôi chỉ mới là bước đầu, do trình độ có hạn, thời gian cấp bách, cho nên chắc chắn trong sáng tác có nhiều chỗ còn chưa được như ý. Hơn nữa, do lĩnh vực khác nhau nên cũng không thể tránh khỏi một số sai sót hoặc sai lầm. Tôi thành tâm mong muốn được sự phê bình của các vị có tài năng trong ngành đối với tác phẩm của chúng tôi và cũng hy vọng được sự hợp tác mật thiết của đông đảo các bạn làm công tác sử học cũng như làm công tác văn nghệ, để cho trên văn đàn của chúng ta liên tục có những đóa hoa xinh đẹp nở rộ và có nhiều trái chín ngon ngọt hơn.

Chu Diệu Đình

Bắc Kinh, ngày 27 tháng 6 năm 2000

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:15:13 pm »

Phần Một - Phần Dẫn Chuyện
Thời Thơ ấu Nước Mắt Nhiều Hơn Sữa Mẹ

Một ngày vào mùa thu năm 1146, tại phủ Hội Ninh thủ đô của nước Kim, tiếng tù và thổi kéo dài và nghẹn ngào. Cờ phướn rợp trời giũ phần phật giữa những cơn gió lộng. Các võ sĩ cận vệ đứng thành đội hình vuông, xa xa nhìn thấy những chiếc mũ sắt và những ngọn giáo dài của họ phản chiếu lấp lánh dưới ánh sáng mặt trời, làm lóe mắt mọi người.

Trong một cỗ tù xa (xe chở tù) bằng gỗ, đang nhốt một người Tartary (Thát Đát) có thân hình cao lớn. Tiếng xe lộc cộc chạy qua khu chợ đông rồi tiếp tục hướng về khu pháp trường cao nơi xử tử những phạm nhân quan trọng. Cỗ xe làm cho những người buôn bán trong các cửa hiệu, buôn bán dưới lề đường, kể cả những người dẫn lạc đà, những người khuân vác, những khách qua đường đều cùng chú ý nhìn theo.
Thế kỷ thứ 12 sau công nguyên, người Nữ Chân đánh bại và tiêu diệt nước Đại Liêu từng cường thịnh một thời, rồi lại tiếp tục đánh chiếm thủ đô của vương triều nhà Tống là thành Biện Lương, bắt sống hai vua Tống Huy Tông và Tống Khâm Tông, xây dựng chánh quyền nước Kim, cùng chong mặt với triều đình Nam Tống đang sống cầu an ở một góc, trở thành người thống trị cả khu vực miền bắc của Trung Quốc. Thời bấy giờ, tại đồng cỏ ở phía nam và phía bắc của vùng sa mạc rộng lớn mênh mông, đang sống rất nhiều bộ lạc độc lập riêng biệt. trong đó có những bộ lạc tương đối lớn như Nải Man, Khắc Liệt, Miệt Nhi Khất, Tháp Tháp Nhi, Mông Cổ, cùng gọi chung là Đại Ngột Lỗ Tư, tức khối liên minh năm bộ lạc hoặc năm quốc gia mới hình thành bước đầu. Ngoài ra, còn có các bộ lạc khác như Uông Cổ, Hoàng Cát Thích. Do họ sinh sống ngoài rìa của vùng thảo nguyên, nên có mối quan hệ với nước Kim tương đối mật thiết và cùng các bộ lạc khác luôn xảy ra những cuộc chiến tranh cướp đoạt, cũng như những cuộc chiến tranh nhằm thôn tính nhau để xưng bá.

Người thống trị tối cao của nước Kim do muốn chia để trị, nên chẳng những họ không ngăn chặn những cuộc chiến tranh đó, mà trái lại còn xúi bẩy các bộ lạc đó tàn sát lẫn nhau. Hôm nay họ ủng hộ bộ lạc này đánh bộ lạc kia, ngày mai họ lại ủng hộ bộ lạc kia đánh lại bộ lạc này. Họ thậm chí còn cứ cách ba năm thì phái quân đội tiến vào vùng thảo nguyên để “giảm đinh" (Giết người, cướp người, cướp đoạt dê cừu bò ngựa). Do vậy, người sống tại thủ đô của nước Kim đối với việc xử tử hoặc áp giải người ở vùng thảo nguyên đã xem quen mắt như chuyện cơm bữa, không có chi gọi là lạ. Nhưng hiện nay chưa phải là năm "giảm đinh” , thế tại sao lại có chuyện giết người?

Kìa! xa giá của hoàng đế đã đến. Hoàng thượng của nước Kim "Hy Tông" ăn mặc hết sức lộng lẫy, nét mặt tươi vui ngồi trên chiếc kiệu rồng do 32 người khiêng. Dưới sự bảo vệ của đội nghi trượng gồm toàn cấm vệ quân, kiệu vua tiếp tục đi tới giữa sự tiền hô hậu ủng. Người cưỡi con ngựa cao lớn đi ở phía sau kiệu vua chính là Thiếc Mộc Chân Ngột Cách, thủ lĩnh của bộ lạc Tháp Tháp Nhi. Quần thần văn võ cũng đã kéo tới. Xem ra phạm nhân này chắc chắn là một nhân vật quan trọng!

Vua Kim bước lên và ngồi xuống ghế đặt chính giữa đài cao của pháp trường. Văn võ quần thần chia thành hai hàng đứng hai bên. Riêng Thiếc Mộc Chân Ngột Cách do được đãi ngộ đặc biệt, nên đứng sát bên cạnh vua Kim. Vị quan chủ trì buổi hành hình to tiếng xuống lệnh:

- Dẫn tử tù ra. . . .

- Dẫn tử tù ra! ... Dẫn tử tù ra!...

Mạng lệnh được theo từng cấp truyền xuống phía dưới. Bốn võ sĩ từ từ áp giải người tù lên. Khắp thân mình của người tù này tuy mang đầy thương tích, nhưng vẫn có thái độ ngạo mạn không chịu khuất phục. Ông ta vừa giẫy giụa vừa gầm thét giống như một con mãnh thú sa cơ. Người này bị áp giải đến trước chiếc ghế của nhà vua ngồi, các võ sĩ muốn đè ông ta quì xuống, nhưng ông ta vừa nhảy tưng lên vừa giận dữ thét vào mặt Thiếc Mộc Chân Ngột Cách đang đứng bên cạnh vua Kim:

- Bớ Thiếc Mộc Chân Ngột Cách! Bọn người Tháp Tháp Nhi của nhà ngươi có phải là con chó đi bằng bốn chân không? Không phải nhà ngươi hứa gã em gái cho ta để giữa người Tháp nháp Nhi và người Mông cổ vĩnh viễn hòa hiếu với nhau sao? Thế tại sao nhà ngươi lại bán đứng ta cho lũ chó Kim?

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:15:50 pm »

Thiếc Mộc Chân Ngột Cách cười nhạt, đáp :

- Này Yểm Ba Hài, để ta nói cho nhà ngươi nghe kẻo khi chết vẫn còn ấm ức: việc đó là do ta nhận mật chỉ của hoàng đế Đại Kim để bắt tên phản nghịch triều đình nhà ngươi đem xử tử! Chỉ đáng trách là con lạc đà ngu xuẩn nhà ngươi lại thích dệt mộng đẹp. Vậy bây giờ nhà ngươi còn muốn cưới em gái của ta nữa sao? - Một chuỗi cười to hết sức hả hê của Thiếc Mộc Chân Ngột Cách, làm cho vua Kim và toàn thể quần thần có mặt đều cười rộ lên.

Thì ra, Yểm Ba Hài Hãn của Mông Cổ, chỉ dẫn theo có mấy tên tùy tùng cùng đến bộ lạc Tháp Tháp Nhi để cầu hôn. Thủ lĩnh của Tháp Tháp Nhi là Thiếc Mộc Chân Ngột Cách hứa hẹn sẽ gã em gái của mình cho Yểm Ba Hài Hãn, để dụ ông ta uống rượu say, rồi bắt trói chở đến nước Kim dâng lên cho hoàng đế Hy Tông của nước này.

- Bớ lũ chó Kim! - Yểm Ba Hài nhìn thẳng vào vua Kim quát to một tiếng, làm cho trận cười đột ngột ngưng hẳn. Ông ta nghiến răng nói tiếp - ngươi hãy đưa cao lưỡi dao lên đi nào! Nếu Yểm Ba Hài ta có nhíu mày thì không phải là con cháu của người Mông Cổ!

- Khá khen cho nhà ngươi! - Vua Kim đứng phắt dậy, đưa tay chỉ thẳng vào Yểm Ba Hài nói tiếp - Bộ nhà ngươi muốn chết nhanh hả? Không, ta sẽ cho nhà ngươi thưởng thức mùi vị của cảnh dở sống dở chết. Bây đâu, khiêng con lừa gỗ ra đây!

Vị quan chủ trì hành hình đứng ở phía dưới dài cao to tiếng ra lịnh:

- Khiêng lừa gỗ lên! ...

Tám tên binh sĩ cùng khiêng một con lừa gỗ to lớn đi lên đài cao của pháp trường. Trên mình con lừa gỗ hãy còn lốm đốm những vệt máu khô, khiến ai nhìn vào cũng phải rởn tóc gáy. Theo “luật trừng trị những bộ lạc làm phản" của nước Kim, thủ lĩnh của những bộ lạc nào dám cả gan làm phản chống lại người Kim, đều bị bắt đóng lên con lừa gỗ này để xử tử.
Viên quan chủ trì cuộc hành hình lại to tiếng ra lệnh:

- Đem tên phản nghịch Yểm Ba Hài đóng lên lừa gỗ! ...

Tám tên binh sĩ nhắc bổng Yểm Ba Hài đưa đến trước con lừa gỗ. Yểm Ba Hài to tiếng quát mắng:

- Bớ lũ chó Kim! Bớ người Tháp Tháp Nhi! Con cháu của ta sẽ ghi nhớ mãi ngày hôm nay, ghi nhớ mãi món nợ máu này, cho dù có mài mòn hết năm móng tay của chúng, cho dù có bẻ gãy hết 10 ngón tay của chúng, chúng nhất định cũng sẽ báo thù!

Các binh sĩ đặt Yểm Ba Hài lên con lừa gỗ, trói chặt. Một tên đao phủ thủ mình cởi trần, ngực mọc đầy lông, miệng cắn những cây đinh dài, tay cầm chày vồ gỗ, bước đến trước con lừa, bắt đầu đóng một cánh tay của Yểm Ba Hài vào thân con lừa. Đóng xong cánh tay bên này, hắn lại đóng cánh tay bên kia. Yểm Ba Hài cắn răng chịu đựng sự đau đớn, không hề buột miệng kêu lên một tiếng nào. Tên đao thủ phủ lại bắt đầu đóng đinh vào chân của nạn nhân: cộp, cộp, cộp...!

Đôi môi đang cắn chặt của Yểm Ba Hài đã chảy xuống một dòng máu tươi, đầu nghiêng hẳn qua một bên và chết ngất đi.

Thiếc Mộc Chân Ngột Cách bước đến bên cạnh Yểm Ba Hài, dùng gáo múc nước lạnh đựng sẵn trong thùng gỗ tưới lên đầu Yểm Ba Hài cho ông ta tỉnh lại, cười hỏi:

- Thế nào, ông em rể của ta? Nhà ngươi còn muốn cưới em gái của ta nữa thôi?

Yểm Ba Hài vừa thở hổn hển, vừa trừng to đôi mắt rồi bất thần phun một ngụm máu tươi vào mặt Thiếc
Mộc Chân Ngột Cách, thét lớn:

- Bớ Thiếc Mộc Chân Ngột Cách! Bớ ông chủ của nhà ngươi hãy cùng nghe đây! Người Mông Cổ uống nước của dòng sông Onon để lớn, sẽ không bao giờ chịu khuất phục! Chắc chắn sẽ có một ngày người anh hùng tại khu vực đồng cỏ sẽ đứng lên rữa mối nhục của người Mông Cổ chúng tao ngày hôm nay. Tất cả bọn sát nhân chúng bây sẽ cùng bị đóng đinh lên con lừa gỗ!

Nói dứt lời, Yểm Ba Hài dùng sức cắn mạnh đứt cả đôi môi và chiếc lưỡi của mình...

Một vị anh hùng oai phong lẫm liệt đã chịu chết như thế đó. Những tiếng thét cuối cùng của ông ta ngân vang mãi trên bầu trời của thủ đô nước Kim, rồi nương theo những áng mây trắng bay đến vùng đồng cỏ bay đến đầu nguồn của con sông Onon, bay đến những chiếc lều của người Mông Cổ sống từ đời này qua đời khác, bay đến tai con cháu của Yểm Ba Hài. Chính mối thù truyền kiếp đó đã dẫn tới những cuộc chinh chiến trường kỳ tại bên trong lẫn bên ngoài vùng thảo nguyên và đã hun đúc nên một bậc Con Cưng Của Trời, luôn lấy việc chinh chiến làm nội dung chủ yếu của cuộc sống.

Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:16:35 pm »

Chương Một (1)
Chào Đời Trong Chiến Loạn

Thời gian đi thật nhanh, không mấy chốc mười lăm năm đã trôi qua, cũng là một mùa thu vàng - mùa cưới hỏi của người ở vùng thảo nguyên.

Mười hai người kỵ mã thuộc bộ tộc Miệt Nhi Khất đang cùng đưa một cỗ xe có mui mới toanh do lạc đà kéo, vượt qua ngầm của con sông Onon. Người hiểu biết phong tục của vùng thảo nguyên, vừa nhìn qua đã biết ngay đoàn người ít ỏi này là một đám rước dâu. Họ đến từ bờ hồ Bujr là nơi cư trú của bộ lạc Hoằng Cát Thích giàu có. Tại bộ lạc này có rất nhiều gái đẹp. Người thảo nguyên ai nấy đều cảm thấy rất danh dự khi cưới được một cô gái đẹp của bộ lạc Hoằng Cát Thích. Năm nay, người tộc đệ tên gọi Xích Liệt Đô của thủ lĩnh bộ lạc Miệt Nhi Khất là Thoát Hắc Thoát A đã nhận được sự may mắn này. Anh ta cưới được một cô gái đẹp tên gọi Kha Ngạch Luân của bộ lạc Hoằng Cát Thích. Theo tập quán của người Thảo Nguyên, sau khi hoàn thành hôn lễ tại nhà cha mẹ ruột của Kha Ngạch Luân, thì họ dùng xe lạc đà để đưa người vợ mới cưới đáng hãnh điện và tràn ngập hạnh phúc của chú rể trở về bộ lạc của mình. Nhưng, có điều làm cho họ lo lắng, ấy là đoàn rước dâu của họ phải đi ngang qua nơi cư trú của người Mông Cổ ở vùng bờ sông Onon. Người Mông Cổ ai ai cũng biết người Miệt Nhi Khất và người Tháp Tháp Nhi đều là những bộ lạc tuân theo mạng lệnh của triều đình nhà Kim. Vậy, họ phải chăng có thể để cho đoàn người rước dâu bé nhỏ này được đi ngang qua vùng đất của họ?

Ở phía trước mặt bỗng thấy một người bịt kín cả mặt đang đứng một cách ngạo nghễ. Toán người của Xích Liệt Đô giật mình đứng lại cùng nhìn đối phương với đôi mắt dò dẫm và chờ đợi. Tiếp theo đó, từ phía sau của đồi cát lại xuất hiện thêm bốn tay kỵ mã khác. Cả năm người cùng đứng thành một hàng ngang trên đỉnh đồi cát. Đôi bên cùng chong mặt nhau trong một bầu không khí căng thẳng. Một chốc sau, có một tay kỵ mã từ trên đỉnh đồi cát đi xuống. Người này vừa thúc ngựa chạy quanh toán rước dâu vừa nói:

- Tôi là Thoát Đóa, "Na Khả Nhi" của Dã Tốc Cai, thủ lãnh bộ lạc Khất Nhan Mông Cổ. Chủ nhân tôi bảo nói lại với các người, chúng tôi chỉ muốn cướp cô dâu theo tập quán nhiều đời của chúng tôi tại vùng thảo nguyên này, chứ không muốn giết người. Nếu các anh để cô dâu lại, thì các anh sẽ đi về êm xuôi như dòng nước chảy trên sông Onon vậy!

Ba tiếng "Na Khả Nhi" trong tiếng Mông Cổ có nghĩa tương đương với các chức vụ như hộ vệ, thân binh, hoặc người hầu thân tín của các quan nhà Hán. Người xuất hiện tự bảo anh ta là "Na Khả Nhi” của Dã Tốc Cai, vậy thì một trong bốn người đang đứng trên đỉnh đồi cát kia chắc chắn có Dã Tốc Cai trong đó.

Kha Ngạch Luân đang ngồi trong mui xe lạc đà nghe không sót một tiếng nào của gã Na Khả Nhi vừa nói. Nàng vén màn cửa sổ xe lên, đưa mắt nhìn về hướng đỉnh đồi cát, thấy người kia đang thúc ngựa chạy xuống và cùng đứng chung với bốn người bịt mặt.

Trên nét mặt đẹp trai của chàng rể Xích Liệt Đô đang lộ sắc hốt hoảng, tay giữ cương ngựa không còn đủ sức kềm con ngựa đang lồng lên đứng im trở lại. Đứa em trai tên gọi Xích Lặc Cách Nhi cũng có gương mặt xinh đẹp đứng bên cạnh chàng rể, vừa siết chặt cán dao vừa hỏi:

- Anh ơi, làm sao bây giờ?

Người trả lời thay cho Xích Liệt Đô là một người đàn ông khỏe mạnh trong nhóm đi rước dâu:

- Sợ cái gì chứ? Chúng ta có tất cả 12 thanh đao, còn chúng chỉ có năm tên thôi!

Qua ánh mắt tràn ngập vẻ sợ hãi, Xích Liệt Đô lắc đầu nói tiếp - Nơi đây là nơi cư trú của người ta, vậy họ không thể tăng viện thêm 50 hoặc 500 người nữa hay sao? Chúng ta kể như phủi tay rồi! - Ông ta vừa trào hai dòng lệ vừa nhảy xuống khỏi lưng ngựa bước tới cạnh cỗ xe, nắm lấy tay bà vợ nói tiếp - Này Kha Ngạch Luân, thật không ngờ chúng ta chỉ có thể hưởng được sự ân ái của tình chồng vợ có 10 hôm..., bây giờ thì em bị lũ sói này tha đi mất rồi!

Đối với thái độ của người chồng mới cưới, Kha Ngạch Luân tỏ ra hết sức ngạc nhiên. Nàng rút cánh tay trở lại, nói:

- Xích Liệt Đô, chả lẽ thanh đao mang bên cạnh sườn anh không phải là thanh đao thép, mà là thanh đao bằng cỏ hay sao? Dòng máu chảy trong huyết quản của anh, chả lẽ không phải máu đỏ, mà là nước lạnh của dòng sông hay sao?

- Anh ơi! - Xích Lặc Cách Nhi nghe qua, đôi má đỏ bừng lên như gấc.

Người đàn ông có thái độ chủ chiến vừa rồi liền tuốt thanh đao ra, nói:

- Ngài tân lang ơi, hãy mau lên ngựa! Hãy dùng lưỡi đao thép để chứng minh ngài là một người dũng cảm
của bộ tộc Miệt Nhi Khất!

- Không, tôi không muốn các anh vì tôi mà phải hy sinh tánh mệnh! - Xích Liệt Đô đưa hai bàn tay ôm lấy đầu nói tiếp qua giọng nghẹn ngào - Tại sao ông trời lại bắt tôi phải chịu cảnh hoạn nạn như thế này? Kha Ngạch Luân ơi, duyên phận của nàng và ta tại sao lại ngắn ngủi như thế này? - hai dòng lệ lại lăn dài trên đôi má xinh đẹp của anh.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:17:22 pm »

Kha Ngạch Luân đưa mắt nhìn chồng một lượt, rồi buông tấm màn cửa xe xuống. Một chốc sau, nàng lại vén tấm màn lên và đưa ra một chiếc áo lót, đôi mắt ngấn lệ, tràn đầy nét bi phẫn, nói:

- Xích Liệt Đô ơi, em biết chàng là một người chồng tốt. Trong vòng 10 ngày qua, chàng đã mang đến cho em bao nhiêu tình thương êm ấm, chỉ đáng tiếc là chàng không phải một người anh hùng của vùng thảo nguyên. Vậy chiếc áo lót này chàng hãy cầm lấy rồi mau bỏ trốn đi?

Xích Liệt Đô nấc nở nói:

- Nhưng anh làm thế nào rời xa em được chứ?

- Xích Liệt Đô ơi, chỉ cần chàng giữ được mạng sống, thì trên mỗi càng xe nào cũng có những cô gái chưa
chồng, trong mỗi mui xe nào cũng có phu nhân?

- Kha Ngạch Luân thân yêu của anh!...

- Nếu anh còn lưu luyến cô gái Kha Ngạch Luân từng đắp chung một chiếc mền với anh, sau này anh lấy một cô vợ khác, hãy đổi tên cô ta là Kha Ngạch Luân được rồi!

Cánh tay cầm lấy chiếc áo lót của Xích Liệt Đô run lẩy bẩy, nói:

- Kha Ngạch Luân ơi! Tội nghiệp cho em quá! ...

- Chàng hãy mau bỏ chạy đi! Hãy mang theo hơi ấm và hương thơm của em bỏ chạy mau đi! - Nói đoạn, Kha Ngạch Luân nghiêm nghị bước xuống xe. Nàng quay sang Xích Lặc Cách Nhi nói tiếp - Hãy trao cho tôi một con ngựa phòng hờ mang theo và một thanh đao nữa!

Xích Lặc Cách Nhi lúng túng không biết phải làm thế nào, liền quay sang Xích Liệt Đô nói:

- Anh ơi? !

Những người Miệt Nhi Khất trong đoàn rước dâu đều tỏ ra hết sức căm phẫn. Xích Liệt Đô kêu lên một
tiếng lớn:

- Ôi! Nàng làm như thế tức là làm nhục tôi! ...

Nói dứt lời, Xích Liệt Đô tuốt thanh đao ra, chạy bay về phía con ngựa của mình như một người điên. Cùng một lúc đó, người đàn ông khỏe mạnh chủ chiến vừa rồi đã thúc ngựa phóng lên đồi cát nhanh như một mũi tên, quát lớn:

- Hãy lấy máu Dã Tốc Cai đi nào!...

Các tay kỵ mã khác cũng nối tiếp phóng ngựa chạy theo. Đôi mắt người nào người nấy đều nổi gân máu đỏ. Họ múa con dao thép trong tay xông về phía trước, sẵn sàng chiến đấu. Xích Liệt Đô cũng vội vàng nhảy lên lưng ngựa đuổi theo mọi người. Cô dâu Kha Ngạch Luân dùng đôi mắt lạnh lùng nhìn lên đồi cát sắp xảy ra một cuộc chém giết.

Năm người trên đồi cát cũng thúc ngựa chạy xuống. Phía sau lưng họ lại xuất hiện hơn 10 người tiếp viện. Chỉ trong chốc lát, họ đã chém té xuống ngựa từng người Miệt Nhi Khất xông lên tấn công. Con ngựa của Xích Liệt Đô chùn chân đứng lại. Anh ta nhìn vào những xác chết của từng bạn bè đang nằm la liệt trên mặt đất, ấp úng nói to:

- Hỏng hết rồi! Hỏng hết rồi! - Bỗng anh ta to tiếng gọi - Ta đã nói đây là một sự hy sinh vô ý nghĩa! ... Bớ
Xích Lặc Cách Nhi, hãy bỏ chạy mau!

Dứt lời, anh ta quay đầu ngựa bỏ chạy như bay. Xích Lặc Cách Nhi cũng thúc ngựa chạy theo người anh.
Những người bịt mặt liền truy đuổi theo, Xích Lặc Đô và họ đã múa dao chém chết anh ta trên lưng ngựa.
Kha Ngạch Luân đang ngồi trên cỗ xe vội vàng đưa tay bụm mặt.

Số người bịt mặt còn định đuổi theo Xích Lặc Cách Nhi, nhưng người cầm đầu quát:

- Đừng đuổi theo nữa, hãy để cho nó sống sót trở về đốt cháy ngọn lửa căm thù trong lòng của từng người Miệt Nhi Khất!

- Xem kìa!

Bỗng có người kinh hoàng kêu to. Những người bịt mặt quay đầu nhìn lại, trông thấy Kha Ngạch Luân đang tung roi đánh con lạc đà kéo chiếc xe chạy như bay trở về đường cũ.

- Hãy bắt cô ta lại!

Những người bịt mặt đuổi theo cỗ xe của Kha Ngạch Luân. Những con ngựa của họ đã dần dần rút ngắn khoảng cách với cỗ xe. Họ dùng những con chiến mã của mình ép con lạc đà phải quay đầu xe lại. Kha Ngạch Luân cố tung ngọn roi đánh vào con lạc đà để nó chạy nhanh hơn. Nhưng những người bịt mặt vẫn đuổi theo sát. Vì cỗ xe chạy quá nhanh nên bị lật. Kha Ngạch Luân bị hất ra khỏi xe và lồm cồm ngồi dậy để tiếp tục bỏ chạy. Số người bịt mặt cùng cười to và tiếp tục đuổi theo.

Kha Ngạch Luân cắm đầu cố chạy thoát thân, bỗng thấy mấy con chiến mã xuất hiện trước mặt. Người cầm đầu liền tuốt dao và dùng sóng đao bổ thẳng vào người bịt mặt chạy đến đầu tiên, khiến tên này té lăn xuống ngựa. Tên thứ hai vừa xông tới lại bị bồi cho một đao té lăn quay. Riêng những người tùy tùng khác cũng bắt đầu đánh nhau với số người bịt mặt tràn lên. Vì thấy số người bịt mặt quá dũng cảm nên người cầm đầu huých lên một tiếng sáo rồi quay ngựa bỏ chạy trước tiên. Tên bịt mặt bị té ngựa đầu tiên vội vàng bò dậy. Đồng bọn của chúng đỡ những người bị té ngựa lên lưng ngựa của mình rồi hối hả đuổi theo đối phương. Qua sự kiện vừa xảy ra, đã làm cho tình thế hoàn toàn đảo ngược. Kha Ngạch Luân đứng ngoài nhìn xem nãy giờ không khỏi ngẩn ngơ.

Sau đó, những người dũng sĩ kia thúc ngựa bước đến gần nàng và người cầm đầu hỏi:

- Cô giống như một con tiên hạc vừa trải qua một phen kinh hoàng, nhưng con tiên hạc này từ đâu bay đến đây vậy? Số người kia tại sao lại đuổi theo cô?
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:18:07 pm »

Kha Ngạch Luân tức giận đáp:

- Tôi xin đa tạ ơn cứu mạng của các vị! Tôi là vợ mới cưới của Xích Liệt Đô thuộc bộ tộc Miệt Nhi Khất. Tôi tên là Kha Ngạch Luân, người của bộ tộc Hoằng Cách Thích. Những người vừa rồi thuộc bộ tộc Khất Nhan của Mông Cổ. Tên đáng chết Dã Tốc Cai muốn cướp cô dâu nên đã giết chồng tôi!

Mọi người nghe qua không khỏi giật mình, nhưng sau đó họ cùng phá lên cười to. Kha Ngạch Luân hoang mang không hiểu thế nào, hỏi:

-Tại sao các vị lại cười?

Một tay kỵ mã đứng bên cạnh người cầm đầu đáp:

- Chúng tôi đây mới là người trong bộ lạc Khất Nhan của Mông Cổ còn vị này đây mới là thủ lĩnh Dã Tốc
Cai. Còn tôi là Thoát Đóa, Na Khả Nhi của ông ấy.

- Ngài cũng là Dã Tốc Cai sao?

Dã Tốc Cai khẽ gật đầu. Ánh mắt tha thiết của ông ta nhìn thẳng vào Kha Ngạch Luân, khiến nàng thẹn thùng quay mặt đi nơi khác. Người bạn thân của Dã Tốc Cai là Mông Lực Khắc lấy khuỷu tay thúc vào Dã Tốc Cai, rồi hạ giọng nói nhỏ cốt để cho Kha Ngạch Luân nghe được:

- Này Dã Tốc Cai, cô ta xinh đẹp quá. Không phải anh từng thề, nhất định phải cưới cho được một cô gái
đẹp của bộ lạc Hoằng Cát Thích cao quí đó sao? Có lẽ trời cao nghe được, nên ngày nay mới đưa nàng tới đây tặng cho anh!

Kha Ngạch Luân nghe thế, vừa bước lùi ra sau vừa lắc đầu nói:

- Không! Tôi đã là vợ của người Miệt Nhi Khất rồi!

Mông Lực Khắc cười to, nói:

- Ông ta đã trở thành quỉ không đầu rồi kia mà!

Kha Ngạch Luân vội vàng cúi mặt để tránh ánh mắt của Dã Tốc Cai đang nhìn chăm chú vào mình.
Đám đông cùng nhảy lên lưng ngựa để đưa Kha Ngạch Luân trở về bộ lạc. Thoát Đóa đánh cỗ xe lạc đà đi sau cùng, trong mui xe là "chiến lợi phẩm" mà họ vừa nhặt được. Mông Lực Khắc vẫn cảm thấy băn khoăn trong lòng, liền lên tiếng hỏi Dã Tốc Cai:

- Này Dã Tốc Cai, bọn họ là ai, tại sao lại mạo nhận tên tuổi của anh để đánh cướp cô dâu vậy?

Người em thứ tư của Dã Tốc Cai là Đáp Lý Đài, nói:

- Tam Ca à, số người đó chắc chắn là kẻ thù của chúng ta. Chúng có ý muốn gây hấn giữa chúng ta với
người của bộ lạc Miệt Nhi Khất đó.

Dã Tốc Cai nghiến răng nói:

- Nếu vừa rồi ta biết dụng tâm xấu xa của chúng, thì ta không chém chúng bằng sống dao đâu?

Nhị Ca của Dã Tốc Cai là Niết Côn Thế Thái Thạch đề nghị:

- Vậy chi bằng ngay bây giờ chúng ta đuổi theo họ để giết quách chúng đi!

Thoát Đóa Na Khả Nhi của Dã Tốc Cai với vóc đáng gầy gầy, khỏe mạnh, liền nheo mắt một cách nghịch ngợm, nói:

- Bọn chúng hả? Bây giờ chúng đã bỏ chạy mất như một lũ thỏ rừng rồi !

Đám đông cùng phá lên cười to một cách hả hê, trong khi đó, số người bịt mặt kia không phải đã bỏ trốn mất như ông ta nói, trái lại, sau khi chạy được một quãng xa, họ đã gò cương cho ngựa đứng lại, rồi tất cả cởi bỏ tấm vải đen bịt mặt. Người cầm đầu chính là thủ lĩnh Thiết Mộc Chân Ngột Cách của bộ lạc Tháp Tháp Nhi, trước đây 15 năm chính ông ta đã bán đứng Yểm Ba Hài Hãn tại thủ đô của nước Kim.
Người anh em của ông ta là Miệt Ngột Chân Tiếu Lý Đồ ngỏ ý hối tiếc, nói:

- Nếu chúng ta dẫn thêm một số người nữa, thì Kha Ngạch Luân sẽ không bị Dã Tốc Cai cướp đi.

Thiết Mộc Chân Ngột Cách cười đáp:

- Như thế không phải rất hay đó sao? - Nhìn thấy Miệt Ngột Chân Tiếu Lý Đồ có vẻ chưa hiểu, Thiết Mộc
Chân Ngột Cách giải thích tiếp - Việc cướp cô dâu của chúng ta là có ý giá họa cho Dã Tốc Cai giờ đây chính ông ta tự mình dùng lửa đốt mình, cướp đi cô dâu mới của Xích Liệt Đô, vậy hãy để cho nhân dân của bộ lạc Miệt Nhi Khất cùng kéo tới thanh toán Dã Tốc Cai thay cho ta.

Nói dứt lời, ông ta thúc ngựa bỏ đi. Số người của Miệt Ngột Chân Tiếu Lý Đồ cũng vội vàng thúc ngựa chạy theo.

- Mau đến xem, Dã Tốc Cai mới cướp được một cô dâu thực xinh đẹp!

- Ôi chao, đẹp như tiên nữ !

- Đẹp như đóa hoa cốt đóa nhi?

- Nghe đâu cô ta đã làm vợ người Miệt Nhi Khất mười mấy hôm rồi đó, phải không? Đó là một đóa hoa đã nở!

Đám đông đang vây quanh xem cô dâu mới liền cười rộ lên.

Cha của Mông Lực Khắc, cụ Sát Thích Hợp là người già nhất trong bộ lạc, ông đưa tay vuốt hàm râu đã bạc trắng rồi nói từ sau lưng mọi người:

- Này, đừng có ồn ào như một bầy gà nữa! Ai chọc cho cô dâu mới buồn thì ta sẽ dùng roi ngựa đét vào
đít đó! - Ông đưa cao ngọn roi lên, đám đông đang vây quanh cùng lùi về phía sau và một trận nói vui vẻ lại rộ lên.

Từ phía xa đi tới là một chàng thanh niên có thân thể sớm béo phì - người cháu của Yểm Ba Hài Hãn là Tháp Lý Hốt Đài. Anh ta không phải là người có lòng dạ trong sáng, dũng cảm, hào phóng như ông nội của mình, mà trong thân hình to béo của anh ta lại có một quả tim quá bé nhỏ. Thời bấy giờ tại vùng thảo nguyên vẫn chưa hình thành chế độ cha truyền con nối, những chuyện lớn trong bộ lạc đều do "Đại Hội Khố Lý Đài" quyết định. "Đại Hội Khố Lý Đài" cũng giống như quốc hội ngày nay, đấy là một hội nghị do các quí tộc có uy tín trong bộ lạc tham gia. Dã Tốc Cai là thủ lĩnh do “Đại Hội Khố Lý Đài”, của bộ lạc Khất Nhan Mông Cổ đề cử, trong khi người cháu của Yểm Ba Hài Hãn là Tháp Lý Hốt Đài thì không giành được địa vị lãnh đạo của bộ lạc. Qua đó cũng đủ thấy anh ta không phải là “Ba đặc nhi" - người anh hùng vùng thảo nguyên được số đông tôn trọng.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:18:52 pm »

Anh ta bước đến gần một người thanh niên đang đứng nhìn với đôi mắt bàng quan, hỏi:

- Này, Tát Sát Biệt Khất, xảy ra chuyện gì vậy ?

Người thanh niên trả lời qua thái độ không tốt:

- Thủ lĩnh Dã Tốc Cai vừa cướp được một cô vợ của người Miệt Nhi Khất. Này, chú Tháp Lý Hốt Đài ơi, tại
sao chưa mau trở về nhà để chuẩn bị?

- Ta phải chuẩn bị cái gì?

- Đánh giặc đó! Dã Tốc Cai cướp vợ của em trai thủ lĩnh Miệt Nhi Khất, vậy người Miệt Nhi Khất không trả thù sao?

Bộ lạc Khất Nhan của Mông Cổ có nhiều gia tộc, nhưng thuộc về cái gọi là gia tộc "hoàng kim" thì chỉ có ba họ, đó là gia tộc Chủ Nhi Khất, gia tộc Thái Xích Ô và gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân. Dã Tốc Cai thuộc về gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân, Tháp Lý Hốt Đài thuộc về gia tộc Thái Xích ô, còn người thanh niên sách động tâm trạng bất mãn đối với Tháp Lý Hốt Đài có tên là Tát Sát Biệt Khất, là người thuộc gia tộc Chủ Nhi Khất. Ba cánh họ thuộc người Mông Cổ này do muốn đề phòng sự tấn công khuấy rối của các bộ tộc chung quanh, nên họ mới cùng đến sống chung với nhau để lo việc chăn nuôi và họ đã đề cử Dã Tốc Cai làm thủ lĩnh quân sự của họ, nhưng không phải là Khả Hãn. Trong khi đó, ngôi vị Khả Hãn đang bỏ trống kia, thì cả hai gia tộc Chủ Nhi Khất và Thái Xích Ô đều đang thèm muốn. Do vậy, trong khi Dã Tốc Cai đưa Kha Ngạch Luân về bộ lạc, thì số người của hai gia tộc này tất nhiên là không vui mừng như gia tộc Bột Nhi Chỉ Cân.

Tháp Lý Hốt Đài tức giận chen vào đám đông đang vây quanh để xem. Anh ta đưa cao ngọn roi da, quất vào những người đứng xem nói:

- Dang ra! Dang ra! Cô gái mang tai họa đến cho người Mông Cổ ở đâu?

Nhóm người của Mông Lực Khắc có nhiệm vụ hộ tống Kha Ngạch Luân giật mình. Riêng Kha Ngạch Luân đang đi giữa đám người trên cũng ngạc nhiên đưa mắt nhìn về phía Tháp Lý Hốt Đài và gặp phải hai tia mắt thù địch cũng như những lời nói đầy ác ý:

- Ồ! thảo nào hồn phách của Dã Tốc Cai đã bị hốt đi tất cả. Đúng là một con yêu nghiệt! - Nói dứt lời thì
Tháp Lý Hốt Đài đi vòng để tránh đám đông, rồi tiếp tục đi về phía Dã Tốc Cai.

Mông Lực Khắc lên tiếng an ủi Kha Ngạch Luân là người tâm trạng đang bấn loạn.

- Cô đừng để ý làm gì. Đó là người cháu của cố Khả Hãn Yểm Ba Hài, tên gọi Tháp Lý Hốt Đài. Lòng dạ của anh ta hẹp hòi như ruột của con dê vậy, còn tính tình thì xấu hơn cả những ngày trời đổ tuyết?

Tháp Lý Hốt Đài bước về phía Dã Tốc Cai đang cỡi ngựa đi tới, chặn ngang đầu ngựa của Dã Tốc Cai lại nói:

- Này Dã Tốc Cai, anh vì cô gái này mà gây thêm thù oán với người Miệt Nhi Khất. Chả lẽ anh muốn kéo bộ lạc Mông Cổ vào cuộc chém giết hận thù nữa hay sao?

Dã Tốc Cai đưa mắt nhìn người tộc đệ, nói:

- Ngươi làm sao rồi? Bộ ngươi đã sợ vỡ mật trước lưỡi dao thép của người Miệt Nhi Khất rồi hay sao? - Những người anh em của Dã Tốc Cai cũng như đám đông có mặt chung quanh đều phá lên cười to.

- Đừng cười nữa! - Tháp Lý Hốt Đài đưa cánh tay lên khoát qua, nói tiếp - người Miệt Nhi Khất biết anh cướp nàng dâu của họ thì tai họa binh đao sẽ đổ ập xuống đầu bộ lạc Mông Cổ?

Dã Tốc Cai hoàn toàn không để ý gì đến Tháp Lý Hốt Đài, bình tĩnh đáp:

- Trong khi chúng ta không trêu chọc gì họ, thì tai họa binh đao mà người Mông Cổ phải gánh chịu có ít đi không nào?

Lý Hốt Đài bị câu hỏi đó làm cho cứng họng. Ông ta đổi giọng, nói to:

- Dù vậy, anh cũng không thể chiếm lấy quyền lợi cho một mình, lại kéo chúng tôi cùng chịu tai họa chung với anh. Nghe đây, hãy chia những con ngựa và cỗ xe cướp được cho tôi và trả cô gái kia trở về xứ sở của cô ta!

- Tại sao ngươi lại giống một gã "Thất Lân Thốc Hắc" vậy? - Dã Tốc Cai hỏi.

- Cái gì?

- Một con người tham lam và bủn xỉn?

Những người anh em của Dã Tốc Cai cười rộ lên, rồi bỏ đi nơi Khác. Tháp Lý Hốt Đài tức giận đến đổi đứng ra tại chỗ. Một số trẻ con đồng thanh kêu to lên:

- Khất Lân Thốc Hắc! Khất Lân Thốc Hắc!

Tháp Lý Hốt Đài liền trút sự tức giận lên đầu đám trẻ con. Hắn tung ngọn roi da đánh chúng. Bọn trẻ con thấy thế đều bỏ chạy, nhưng những tiếng kêu "Khất Lân Thốc Hắc" thì vẫn tiếp tục vang lên khắp bốn phía.

Dã Tốc Cai nói với phụ thân của Mông Lực Hắc:

- Này cụ Sát Thích Hợp, hãy tạm để cho Kha Ngạch Luân đến ở tạm nhà cụ, chờ hai hôm sau tôi sẽ đón nàng về.

Sát Thích Hợp tươi cười nói:

- Hãy yên tâm đi Dã Tốc Cai. Cha con tôi sẽ bảo vệ vị hôn thê của anh như bảo vệ một con cừu non mới vừa sinh ra vậy! - Nói dứt lời, ông quay mặt vào trong lều gọi to - Vợ của thằng Mông Lực Khắc đâu, hãy mau ra nghênh đón người mới đây! - Người phụ nữ có nhan sắc bình thường, vợ của Mông Lực Khắc, từ trong lều vội vàng bước ra.
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:19:32 pm »

Một nữ bộc tên gọi Khoát A Hắc Thần có thân hình cao to, bưng một chậu nước bước ra, quì xuống trước mặt Kha Ngạch Luân, rồi đỡ chân nàng gác lên lưng mình, nói:

- Tân chủ nhân cao quí của tôi, tôi tên gọi Khoát A Hắc Thần. Kể từ ngày hôm nay tôi sẽ là nữ bộc luôn ở bên cạnh bà. Bà là vị chúa tể của tôi. Xin hãy để cho tôi chải lại kiểu tóc của một cô gái sắp lấy chồng cho bà!

Vợ Mông Lực Khắc đứng bên cạnh an ủi:

- Hãy thay đổi kiểu tóc đi! Gia đình chúng tôi hiện nay tạm là gia đình đàng gái đó mà?

Kha Ngạch Luân bước tới trước tấm gương đồng ngồi xuống. Khoát A Hắc Thần mở búi tóc trên đầu nàng, làm cho những sợi tóc xinh đẹp xõa xuống. Vợ Mông Lực Khắc chép miệng khen:

- Ôi chao! Tóc vừa dài vừa đẹp quá! Thực chẳng khác nào một tấm gấm vóc trải ra; chẳng khác nào dòng
nước của con sông Onon đang chảy cuồn cuộn!

Khoát A Hắc Thần vừa vuốt nước để đánh bím cho Kha Ngạch Luân, vừa nói:

- Tổ mẫu của Dã Tốc Cai cũng là một cô gái đẹp của bộ lạc Hoằng Cát Thích. Tôi đã từng hầu hạ bà cụ một thời gian. Nay tôi cầu nguyện cho linh hồn của bà cụ được thảnh thơi ở trên trời. Người Mông Cổ của chúng tôi qua nhiều đời đều có mối quan hệ hôn nhân với người Hoằng Cát Thích. Chủ nhân Dã Tốc Cai từ lâu có thề nguyền, nếu không phải cô gái của bộ lạc Hoằng Cát Thích thì không bao giờ cưới về làm vợ - Bà ta thở dài nói tiếp - Suốt mấy năm qua do chúng ta cùng liên tục đánh nhau với người Tháp Tháp Nhi, nên con đường đi về phía đông đã bị gián đoạn.

Vợ Mông Lực Khắc nói chen vào:

- Con trai ở vùng thảo nguyên cứ đến 12 tuổi là có thể lấy vợ. Thế nhưng Dã Tốc Cai năm nay đã 28 tuổi rồi mà vẫn còn là một con nhạn cô đơn!

- Đúng thế, ngay như tôi là một người tớ già, từng chứng kiến ông ấy ngày một trưởng thành, mà trong lòng cũng cảm thấy rất ái ngại!

- Bây giờ thì tốt rồi, trời xanh đã đưa nàng tới đây!

- Phong tục ở vùng thảo nguyên này cho rằng, cô dâu cướp được còn quí hơn cả cô dâu đi cưới. Trong khi đó, bà lại đẹp như thế này, quả chủ nhân Dã Tốc Cai thật là người có phước!

- À lời nói của Khoát A Hắc Thần rất chí lý. Dã Tốc Cai là thủ lãnh của bộ lạc Khất Nhan thuộc người Mông Cổ, là cháu đích tôn của gia tộc hoàng kim, là một người anh hùng chân chính. Từ nghìn xưa người anh hùng bao giờ cũng sánh đôi với người đẹp kia mà!

- Chủ nhân mới của tôi ơi? Bà chớ thấy Dã Tốc Cai là một người đàn ông sắt, trên chiến trường nhìn thấy máu không bao giờ chau mày. Thế nhưng, ông ấy lại là người biết thương yêu nhất. Bà làm vợ ông ấy, chắc chắn ông ấy không bao giờ có sự đối xử xấu với bà đâu!

Kha Ngạch Luân nghe hai người đàn bà ngồi bên cạnh nói đủ điều, liền đưa mắt nhìn hình ảnh của mình vừa
đánh bím xong và đã thắt vải đỏ thẹn thùng cúi gầm mặt.

Lúc bấy giờ Tháp Lý Hốt Đài đang tập hợp rất nhiều người đàn ông Thái Xích Ô trong căn lều lợp bằng thảm len của mình. Tháp Lý Hốt Đài mặt đầy sát khí, đưa cao lưỡi dao lên khỏi đầu để động viên mọi người:

- Hỡi các dũng sĩ là cháu đích tôn của Yểm Ba Hài Hãn! Hỡi các dũng sĩ của gia tộc Thái Xích ô, hãy đi theo ta đi giết chết Dã Tốc Cai là một kẻ thuộc loại con cháu hư hỏng của người Mông Cổ!

Mười mấy gã đàn ông cùng cất tiếng hú một lượt, rồi cầm dao đứng lên kéo nhau đi ra khỏi chiếc lều Mông Cổ. Nhưng, họ vừa mới bước tới cửa lều thì tất cả đều dừng chân đứng lại - quả phụ Yểm Ba Hài là Oát Nhi
Bá đứng lạnh lùng trước mặt họ, hỏi :

- Các ngươi định làm gì?

Tháp Lý Hốt Đài vạch đám đông bước tới trước mặt Oát Nhi Bá giải thích:

- Bẩm bà nội, tên Dã Tốc Cai đáng ghét kia đã đi ngược lại nguyện vọng của bà...

- Ta đã biết tất cả rồi - Oát Nhi Bá ngắt lời Tháp Lý Hốt Đài. Mặc dù bà ta cũng từng tham gia "Đại Hội Khố Lý Đài" để đề cử Dã Tốc Cai lên làm thủ lĩnh, nhưng trong lòng bà ta không bao giờ muốn đứa cháu ruột Tháp Lý Hốt Đài của mình là người thuộc gia tộc hoàng kim bị thất thế. Do vậy, trong lòng bà ta cũng luôn thù hận Dã Tốc Cai. Nhưng, mọi sự suy nghĩ của bà ta bao giờ cũng thận trọng chu đáo hơn bọn con cháu của mình. Đôi mắt của Oát Nhi Bá long lên làm cho ai nhìn thấy cũng phải khiếp sợ. Bà ta nói tiếp - đưa người ta vào cõi chết không phải chỉ có lưỡi dao thép, mà còn phải có thời gian và lòng nhẫn nại. Việc này tạm thời ta không cho phép ai nói tới. Hãy lui đi, để chuẩn bị tham gia hôn lễ giữa Dã Tốc Cai và cô gái vừa được hắn ta cướp về .

Đối với cụ bà Oát Nhi Bá, mọi người đều râm rấp nghe theo lệnh. Do vậy, họ đành phải ngoan ngoãn lùi ra sau một bước, rồi cúi người đưa bàn tay phải lên ngực phía trái cung kính đáp:

- Phải, thưa bà!
Logged
DesantnhikVDV
Thành viên
*
Bài viết: 2103


Никто, кроме нас


« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 07:20:19 pm »

Chương Một (2)

Dã Tốc Cai, thủ lĩnh của bộ lạc Khất Nhan thuộc người Mông Cổ, sau khi đánh bại được số người bịt mặt trên vùng thảo nguyên - Thiếc Mộc Chân Ngột Cách, thủ lĩnh của bộ lạc Tháp Tháp Nhi, cứu được Kha Ngạch Luân một cô gái đẹp thuộc bộ lạc Hoằng Cát Thích, thì từ đó Dã Tốc Cai có được một người vợ trẻ đẹp, nổi tiếng khắp trong vùng. Nhưng, việc đó làm cho nội bộ gia tộc hoàng kim của Mông Cổ gồm các họ Thái Xích Ô và Chủ Nhi Khất đều bất mãn và có thái độ chống đối. Đồng thời, cũng từ đó dẫn đến sự thù hận giữa các bộ lạc Miệt Nhi Khất và bộ lạc Tháp Tháp Nhi đối với bộ lạc Mông Cổ. Sau đó không bao lâu, hai bộ lạc này đã bắt tay nhau phát động một cuộc tấn công đại qui mô vào bộ lạc Khất Nhan của người Mông Cổ.

Trong khi cụ bà Oát Nhi Bá chặn đứng số người của Tháp Lý Hốt Đài định khiêu chiến với Dã Tốc Cai, thì cách xa đó hằng trăm dặm, tại bãi đất trống trước bộ lạc của người Miệt Nhi Khất, đang có hằng trăm cây đuốc cắm thành hình tròn, chiếu sáng rực lên từng khuôn mặt đầy vẻ căm hờn của người Miệt Nhi Khất. Trên một chiếc bàn đặt giữa sân trống, là linh vị của tổ tiên người Miệt Nhi Khất đã bị trận vong trong những cuộc chiến tranh với người Mông Cổ. Thủ lĩnh của người Miệt Nhi Khất là Thoát Hắc Thoát A đang giữ địa vị chủ tế. Bên cạnh ông ta còn có một vị lãnh tụ khác của bộ lạc Miệt Nhi Khất là Hợp A Đài và Xích Lặc Cách Nhi. Tất cả họ đang nhảy múa để cúng tế giữa tiếng trống bập bùng, giữa tiếng khua leng keng của những chiếc lục lạc mà họ đeo ở cạnh sườn tạo thành một bầu không khí âm u chết chóc.

Thoát Hắc Thoát A tuốt lưỡi dao thép ra đưa ngang trước mặt. Tất cả mọi người vội vàng quì xuống. Thoát Hắc Thoát A ngước mặt lên trời khấn vái:

- Tôi là Thoát Hắc Thoát A, xin tuyên thệ với tổ tiên của người Miệt Nhi Khất, xin tuyên thệ trước linh hồn của Xích Liệt Đô và các dũng sĩ người Miệt Nhi Khất đã bị người Mông Cổ giết chết, sẽ liên minh với người Tháp Tháp Nhi để rửa nhục báo thù, cướp hết con gái người Mông Cổ về làm thê thiếp, làm nô lệ và tôi tớ, cũng như giết chết hết tất cả những đàn ông con trai người Mông Cổ mà chúng tôi sẽ gặp!

Đám đông cùng lớn tiếng hô to ba lượt:

- Rửa nhục báo thù! Rửa nhục báo thù! Rửa nhục báo thù!

Mạng lệnh rửa nhục báo thù của Thoát Khắc Thoát A được nhiều tay kỵ mã đi truyền rao khắp các đồng cỏ chăn nuôi của người Miệt Nhi Khất, khiến cho những người đàn ông đang chăn nuôi ngựa, đang chăn nuôi dê cừu, đều tuốt đao ra khỏi vỏ, để cùng theo thủ lĩnh Thoát Hắc Thoát A đi giết người Mông Cổ.

Những bộ lạc sống trên vùng thảo nguyên, tất cả đàn ông đều lo việc chăn thả gia súc, đồng thời, tất cả những người lo chăn thả gia súc này cũng là những chiến sĩ của bộ lạc. Bình nhật họ lo việc chăn thả gia súc để duy trì đời sống và khi có chiến tranh thì không cần phải có mạng lệnh triệu tập, không cần phải đăng ký báo danh, tất cả mọi người đều tự động nhảy lên lưng ngựa, tuốt thanh đao có hình cong đeo bên cạnh sườn ra cầm trên tay và trở thành chiến sĩ. Do vậy, chỉ trong chớp mắt là người Miệt Nhi Khất đã tập họp được một đạo quân đông đảo.

Người Miệt Nhi Khất lại phái sứ giả đến thuyết phục người Tháp Tháp Nhi. Thiết Mộc Chân Ngột Cách vốn có dự mưu đối phó với Dã Tốc Cai từ lâu, liền vui mừng xoa tay nói:

- Tốt! Này Miệt Ngột Chân Tiếu Lý Đồ, nhà ngươi hãy ra bãi chăn nuôi triệu tập người Tháp Tháp Nhi về đây! Phen này ta nhất định giết sạch tất cả con cháu của Yểm Ba Hài, không bỏ sót một tên nào!

Những tay kỵ mã đi truyền lệnh, chạy đến tất cả các bãi chăn nuôi của người Tháp Tháp Nhi la to:

- Bớ anh em? Hãy mau tuốt đao ra khỏi vỏ. Chúng ta sẽ đi theo thủ lãnh Thiết Mộc Chân Ngột Cách giết sạch người Mông Cổ! ...

Người Tháp Tháp Nhi cũng chỉ trong chốc lát đã tổ chức được một đạo quân đông đảo. Thoát Hắc Thoát A chỉ huy số người của bộ lạc Miệt Nhi Khất cùng kết hợp với số người Tháp Tháp Nhi do Thiết Mộc Chân Ngột Cách chỉ huy, trở thành một đội binh mã to mạnh, cùng kéo nhau lao về hướng bộ lạc Mông Cổ với một ý chí căm thù cuồng nhiệt...
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM