Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:32:06 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Yamamoto - Con rồng Thái Bình Dương  (Đọc 38606 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:47:16 am »

Link sách: vnthuquan.net

- 1 -
Người Hùng Sơn-Bản Ngũ-Thập-Lục

Ngày nay hẳn người Nhật vẫn còn nhớ tới hàng trăm ngàn binh sĩ của họ đang yên nghỉ trong lòng biển, suốt từ Thái Bình Dương cho mãi tới tận Ấn Ðộ Dương. Họ cũng có thể nghe thấy tiếng thì thầm phẫn uất từ đáy đại dương của những vong hồn thủy thủ này, những chiến sĩ can trường của Hải Quân Hoàng Gia Nhật đã hy sinh đời mình không thương tiếc, nhưng đã thất bại không đem lại được vinh quang cho Nhật Hoàng và tổ quốc. Ðây là những chiến sĩ hải quân Nhật một thời tung hoành chiến đấu theo nhật lệnh của đô đốc Yamamoto, đã làm Thái Bình Dương dậy sóng, đi từ chiến thắng này tới chiến thắng khác, và đã đánh bại hải quân hùng mạnh của Hoa Kỳ, Anh quốc và Hòa Lan. Trong suốt hơn một năm, từ chiến thắng hiển hách tại Trân Châu Cảng ngày 7-12-1941 cho tới ngày 18-4-1943 bị không quân Mỹ phục kích ám sát tại đảo Bougainville, đô đốc Yamamoto quả thực là một con rồng của huyền thoại, gây sóng gió và làm chủ một chiến trường mênh mông, bao gồm cả Thái Bình Dương và Ấn Ðộ Dương. Các địch thủ của Yamamoto vừa căm hận ông vừa kính sợ ông, một chiến lược gia hải quân phi thường trong đệ nhị thế chiến.
« Sửa lần cuối: 16 Tháng Ba, 2021, 12:28:05 pm gửi bởi ptlinh » Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #1 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:47:48 am »

- 2 -
Thằng Bé Năm-Mươi-Sáu

Yamamoto chào đời ngày 4-4-1884, giữa một mùa hoa anh đào trong một căn nhà nhỏ bé nghèo nàn tại vùng Nagaoka, một nơi nổi tiếng nhiều tuyết về mùa đông. Thân phụ ông, Sadakichi Takano, là một cựu võ sĩ đạo. Trong một cuộc chiến giữa hai phe võ sĩ đạo, phe ông bại trận, và do đó ông lâm vào cảnh nghèo túng. Sau khi dẫn vợ và bốn con trai đi lưu lạc một thời gian, Sadakichi Takano trở về làng cũ để trở thành một giáo viên trường làng. Nhưng đúng lúc đó bà vợ chết, và Sadakichi tục huyền với em gái của vợ là Mineko. Mineko sinh được ba người con nữa, hai trai một gái, và Yamamoto là con út của ông bà Takano.

Ngày 4-4-1884, Sadakichi đang ngồi chơi cờ với một người bạn già thì một đứa con của ông chạy lại báo tin, vợ ông đang đau đẻ và cần một cô đỡ. Sadakichi sai đứa con đi tìm cô đỡ và vẫn tiếp tục chơi cờ như không có gì quan trọng cả. Không phải Sadakichi là một con người chai đá, nhưng lúc đó ông đã già rồi và đứa con sắp sinh là đứa con thứ bẩy của ông, nên ông cũng không hào hứng lắm. Khi bà vợ đòi ông đặt tên cho con thì ông nói: "Năm nay ta đã 56 tuổi rồi. Thôi hãy gọi nó là Năm-Mươi-Sáu." Trong tiếng Nhật, Isoroku có nghĩa là 56, và cái tên đầu tiên của danh tướng Yamamoto là Isoroku Takano. Mãi về sau này ông mới đổi tên là Isoroku Yamamoto.

Tuy Sadakichi đón nhận đứa con trai thứ bảy một cách thờ ơ, nhưng dần dần Isoroku trở thành nguồn vui lớn của ông. Hàng ngày ông già kể cho đứa con nhỏ nghe về những chuyện võ sĩ đạo trong gia tộc ông, những trận đánh đẫm máu giữa các lãnh chúa, và dậy Isoroku viết chữ Hán. Sadakichi rất ghét người tây phương nhưng khi bà Newall, một nhà truyền giáo Mỹ, tới dạy học trong vùng thì ông lại cho các con ông học với bà Newall. Chính bà Newall đã giới thiệu đạo Thiên Chúa cho Isoroku và sau này ông có thói quen đọc Thánh Kinh.

Gia cảnh một giáo viên rất là nghèo túng. Cái gia đình đông đúc chín người đó sống chen chúc trong một căn nhà gỗ nhỏ bé. Về mùa đông lạnh cắt da thịt, Isoroku chỉ được mặc một chiếc áo kimono bằng vải sợi do mẹ may. Nhà nghèo không có tiền mua sách nên Isoroku phải đi mượn sách về và chép lại để học. Khi lên trung học, Isoroku rất yêu chuộng thể thao, nhất là môn dã cầu, bơi lội và chạy. Trong một lần đi câu một mình, thuyền của Isoroku bị lật vì biển động. Cậu bé phải bơi vào một hang động ngoài khơi, và nằm chờ hai ngày sau biển lặng rồi mới bơi trở vào bờ.

Là một thiếu niên cường tráng, yêu thể thao, thấm nhuần tinh thần võ sĩ đạo và yêu thích biển cả, nên năm 15 tuổi Isoroku quyết định ghi tên vào trường sĩ quan hải quân Etajima. Isoroku đã chọn ngành hải quân đúng lúc Minh Trị Thiên Hoàng đang quyết tâm phát triển hải quân Nhật, theo khuôn mẫu của hải quân tây phương.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #2 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:48:21 am »

- 3 -
Thần Phong

Nhật Bản là một quốc gia hải đảo, nên từ lâu đời các lãnh chúa Nhật đã phải nhìn nhận việc phát triển hải quân, để kiểm soát biển cả và phòng vệ đất nước là việc rất hệ trọng. Kinh nghiệm hải chiến đầu tiên của Nhật Bản xẩy ra từ cuối thế kỷ 13, khi vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt tập trung một hạm đội hùng hậu tại Cao Ly nhằm xâm lăng Nhật Bản. May mắn cho người Nhật là khi hạm đội Mông Cổ tiến tới gần Nhật Bản thì một cơn bão lớn nổi lên, đánh đắm tất cả hạm đội xâm lăng của Mông Cổ. Người Nhật gọi cơn bão cứu tinh đó là Thần Phong, trận Gió Thần đã cứu dân tộc Nhật khỏi cảnh tàn phá và nô lệ.

Ðến thế kỷ 16, đại lãnh chúa Hideoshi phái một hạm đội mở cuộc viễn chinh đầu tiên tiến chiếm Cao Ly, nhưng hạm đội Nhật bị hải quân Cao Ly đánh tan. Hideoshi quyết phục thù một lần nữa. Lần này hải quân Nhật mở cuộc tấn công bất ngờ trong lúc Nhật và Cao Ly đang thương thuyết. Quân Nhật thành công đổ bộ lên Cao Ly, nhưng người Cao Ly được người Trung Hoa giúp đỡ thành lập một hạm đội, và đánh bại được hải quân Nhật. Hai lần bị đánh bại, Hideoshi căm phẫn và ra một đạo luật cô lập Nhật Bản, không giao tiếp với thế giới bên ngoài trên hai thế kỷ, cho tới khi hạm đội Mỹ của Perry tới uy hiếp, bắt buộc Nhật Bản phải mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài.

Năm 16 tuổi, Isoroku dự cuộc thi tuyển vào trường Etajima. Vì có quá nhiều thí sinh dự cuộc thi tuyển, Isoroku không lạc quan lắm, và dự định sẽ theo nghề giáo viên của thân phụ nếu thi rớt. Nhưng Isoroku đậu thứ hai trong số 300 thí sinh. Các khóa sinh tại Etajima phải trải qua một giai đoạn huấn luyện rất khắc khổ trong bốn năm, và phải sẵn sàng dâng hiến đời mình cho vinh quang của Nhật Hoàng và tổ quốc. Mỗi ngày, khóa sinh phải bơi ba giờ liền. Ðến mùa hạ, họ phải sống ngoài trời trên một hòn đảo cách trường Etajima 16 cây số. Sau đó tất cả phải bơi về Etajima trong suốt khoảng cách 16 cây số đó. Sau mỗi lần bơi như thế thì 10% khóa sinh bị loại vì thiếu sức khoẻ. Sự huấn nhục ấy đã tạo họ thành những thủy thủ giỏi. Ngày 14-11-1904, Isoroku tốt nghiệp thiếu úy hải quân hạng thứ bảy trong số 200 tân sĩ quan. Ðúng lúc ấy, Nhật Bản đang sửa soạn cho một trận hải chiến lớn đầu tiên.

Vào thời kỳ đó, các nước tây phương tấp nập đi chiếm thuộc địa tại Á Châu và Phi Châu. Nhật Bản cũng muốn nhập cuộc, và nơi Nhật Bản thèm muốn nhất là vùng Mãn Châu thưa người và giàu tài nguyên, nhưng Mãn Châu đã bị Nga Sô chiếm rồi. Nhật Bản rất coi thường Nga Sô và muốn đẩy Nga Sô ra để chiếm lại Mãn Châu. Ðô đốc Iriu có nhiệm vụ gây hấn với chiến hạm Nga Variag đang bỏ neo tại hải cảng trung lập Chemulpo của Cao Ly. Ðô đốc Iriu khiêu khích và đánh đắm được chiến hạm Variag và đổ quân lên Cao Ly. Trong lúc cuộc thương thuyết giữa Nga Sô và Nhật Bản tiếp tục, hải quân Nhật dùng tàu phóng thủy lôi mở cuộc tấn công bất thần về ban đêm vào hạm đội Nga tại hải cảng Lữ Thuận. Hải quân Nhật đánh đắm được một tuần dương hạm và phá hủy ba chiến hạm của Nga. Sau đó đô đốc danh tiếng của Nhật là Togo mở cuộc phong tỏa hải cảng Lữ Thuận trong nhiều tháng, dụ chiến hạm Nga xuất trận. Nhưng tất cả mọi chiến hạm Nga xuất trận đều bị hải quân Nhật đánh chìm.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #3 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:49:36 am »

- 4 -
Trận Hải Chiến Ðối Mã

Thiếu úy Isoroku rất sung sướng được bổ nhiệm vào chiếc hộ tống hạm Nisshin có nhiệm vụ bảo vệ soái hạm Mikasa của đô đốc Togo. Ðây là cơ hội hãn hữu cho tân sĩ quan Isoroku được quan sát chiến pháp của một trong những đô đốc vĩ đại nhất. Nga Sô phải điều động một hạm đội gồm 27 chiến hạm từ Âu Châu sang giải vây cuộc phong tỏa của Togo. Hạm đội Nga phải mất bảy tháng để di chuyển từ biển Ban-Tích tới Thái Bình Dương. Ngày 14-4, hạm đội Nga bỏ neo nghỉ tại vịnh Cam Ranh của Việt Nam, cho đến ngày 18-4 thì tiếp tục cuộc hành trình tiến về Hải Sâm Uy.

Ðô đốc Togo đã sẵn sàng. Lực lượng của Togo gồm có bốn chiến hạm, tám tuần dương hạm lớn và một số tuần dương hạm nhỏ, và nhiều tàu phóng thủy lôi. Lực lượng Nga có tám chiến hạm, nhưng chỉ có ba tuần dương hạm lớn. Hải quân Nga có nhiều súng lớn gấp hai lần hải quân Nhật, nhưng súng của Nhật tối tân hơn và bắn nhanh hơn. Ngày 26-5, đô đốc Togo chuyển hạm đội tới căn cứ tại núi Mã Sơn, ngay tại eo biển Ðối Mã tại Cao Ly để chờ hạm đội địch. Ðêm đó là phiên trực của thiếu úy Isoroku. Ðó là một đêm sương mù. Ðúng 4 giờ sáng, Isoroku hết phiên trực và xuống hầm tàu để ngủ. Bỗng khoảng 4:45 thì có tín hiệu từ soái hạm: "Hạm đội địch xuất hiện tại tọa độ 203, tiến từ phía tây qua Ðối Mã."

Trên soái hạm Mikasa, đô đốc Togo được đánh thức dậy, và trên chiếc hộ tống hạm Nisshin, Isoroku cũng được thủy thủ lay dậy. Isoroku mặc vội binh phục và chạy lên boong tàu. Hạm đội Nga vẫn đang tiến vào điểm hẹn với tốc độ 12 hải lý một giờ. Ðô đốc Togo dự định đụng địch tại ngoài khơi đảo Oki vào lúc hai giờ chiều. Khoảng 1 giờ chiều, tất cả hạm đội Nhật đều im lặng chờ đợi. Isoroku có nhiệm vụ quan sát và ghi chép, rồi truyền tin tức cho hạm trưởng. Ðến 1:45 chiều, Isoroku trông thấy hạm đội Nga - 18 chiến hạm từ hướng đông nam tiến tới. Ðô đốc Togo dàn thế trận, các chiến hạm Nhật đứng vào đội hình với soái hạm Mikasa dẫn đầu. Rồi bất thần đúng 2 giờ chiều, Togo ra lệnh cho hạm đội Nhật phải chuyển hướng 180 độ, nghĩa là quay ngược lại theo hình chữ U. Súng của hạm đội Nga khai hỏa trước, pháo kích vào các chiến hạm Nhật, gây tổn hại cho một số chiến hạm, nhưng các xạ thủ Nga không xuất sắc lắm, vì không bắn trúng được một mục tiêu nào quan trọng.

Một nửa giờ sau khi các chiến hạm Nhật chuyển hướng, chạy song song với các chiến hạm Nga, các ổ súng trên các chiến hạm Nhật bắt đầu tấn công vào mạn sườn hạm đội địch, và chiếm được ưu thế. Bây giờ cuộc tàn sát của đô đốc Togo bắt đầu. Hầu hết chiến hạm Nga bị bắn chìm, và hàng ngàn binh sĩ Nga tử thương. Tuy phải mất ba ngày nữa hạm đội Nga mới đầu hàng, nhưng chỉ sau vài giờ giao chiến thì hạm đội Nhật đã chiếm được thế thượng phong, và các chiến hạm Nga đã phải tìm đường bỏ chạy rồi.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #4 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:50:11 am »

Trong cuộc hỗn chiến ấy, một đạn đại pháo của Nga rơi trúng chỗ đứng của Isoroku, và mảnh đạn văng tứ tung. Isoroku bị mất một mảng thịt đùi, hai ngón tay trái bị cắt đứt, và trên người trúng rất nhiều mảnh đạn nhỏ. Ngày từ giã gia đình đi nhận nhiệm vụ, Isoroku được bà mẹ tặng cho một chiếc khăn tay làm kỷ niệm. Isoroku lúc nào cũng giữ chiếc khăn tay của mẹ trong túi. Bây giờ Isoroku dùng chiếc khăn tay của mẹ quấn lấy bàn tay bị thương, và bình tĩnh đứng quan sát trận đánh đầu tiên cho tới lúc kết thúc. Sau này Isoroku gửi về cho mẹ chiếc khăn tay có những vết máu đã khô, để chia xẻ với mẹ niềm hãnh diện được đổ máu cho tổ quốc.

Isoroku được chuyển tới tầu bệnh viện, quần áo đẫm máu. Khi người ta cởi bộ quân phục rách nát và đầy máu ra, Isoroku yêu cầu được giữ bộ quần áo ấy làm kỷ niệm. Thân phụ Isoroku trịnh trọng cất giữ bộ quân phục đẫm máu của con trong một chiếc thùng gỗ, như là một kỷ vật vinh dự quý giá nhất. Ngày 30-5, Isoroku nhận được giấy khen thưởng của đô đốc Togo, nhưng chàng vẫn phải nằm bệnh viện cho tới tháng 8. Ðến tháng 10, Isoroku được thăng trung úy và thuyên chuyển tới trường tác xạ của căn cứ hải quân Yokosuka.

Cuộc hải chiến tại eo biển Ðối Mã có ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai của Isoroku. Isoroku cho là may mắn được chứng kiến một đô đốc lỗi lạc nhất thời đại, điều động hạm đội và sắp đặt kế hoạch đánh bại một hạm đội địch hùng mạnh ngay từ những phút giao tranh đầu tiên. Ðấy là một nguồn cảm hứng vô biên đã giúp phát triển tài năng của chính Isoroku mau lẹ nẩy nở, để trở thành một đại đô đốc, một chiến lược gia đại tài như chính đô đốc Togo. Trận hải chiến Ðối Mã cũng gây chấn động khắp thế giới. Ðây là lần đầu tiên người da vàng đánh bại người da trắng. Người Á Châu rất phấn khởi trước chiến thắng vẻ vang của một dân tộc da vàng như mình, và giảm bớt mặc cảm đối với người da trắng. Còn người tây phương thì bắt đầu gờm người Nhật.

Tổng thống Mỹ Theodore Roosevelt đứng ra hòa giải giữa Nga và Nhật trong hòa hội Portsmouth. Ngày 5-9-1905, hòa ước Portsmouth được ký kết, với các điều khoản sau đây:

1. Công nhận quyền tối thượng của Nhật Bản về chính trị, quân sự và kinh tế tại Cao Ly.

2. Nga Sô phải nhượng lại các quyền lợi của Nga Sô cho Nhật Bản tại bán đảo Liêu Ðông.

3. Các đường hỏa xa tại miền nam Mãn Châu trước kia của Nga Sô nay thuộc về Nhật Bản.

4. Miền nam đảo Sakhalin từ vĩ tuyến 50 thuộc quyền của Nhật Bản.

5. Cả Nga Sô và Nhật Bản phải rút quân đội khỏi Mãn Châu, nhưng được quyền giữ quân để canh phòng các đường hỏa xa.

6. Nga Sô và Nhật Bản không được ngăn cản việc phát triển thương mại và kỹ nghệ của Trung Hoa tại Mãn Châu.

7. Các đường hỏa xa tại Mãn Châu chỉ được khai thác về phương diện thương mại và kỹ nghệ, và không được xử dụng cho các mục đích quân sự.

Nhật Bản có vẻ thắng thế trong hòa hội Portsmouth, đạt được một chỗ đứng quan trọng tại Viễn Ðông. Tuy nhiên giới quân phiệt Nhật không hài lòng với hòa ước đã đạt được. Ðiều quan trọng nhất mà người Nhật muốn đạt được là Nga Sô phải bồi thường chiến phí. Nhật Bản đang rất cần nhiều tiền để phát triển hải quân và đóng chiến hạm mới. Nhưng tổng thống Mỹ e sợ sự bành trướng của Nhật Bản nên bênh vực Nga Sô không phải trả chiến phí cho Nhật Bản. Giới quân phiệt Nhật rất căm phẫn và thề sẽ trả thù. Kể từ đấy, người Nhật không còn tin tưởng người tây phương nữa.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #5 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:50:57 am »

- 5 -
Người Vợ Ăn Chắc Mặc Bền

Isoroku sống cuộc đời của một sĩ quan hải quân trong thời bình, theo tầu tới các hải cảng của Cao Ly, Trung Hoa và Úc. Năm 1913, thân phụ Isoroku từ trần và sau đó ít lâu bà mẹ cũng chết theo chồng. Một năm sau, theo tục lệ Nhật, Isoroku được nhận làm con nuôi của một gia đình danh giá giầu có thuộc dòng họ Yamamoto. Lúc đó Isoroku đã là một thiếu tá ba mươi tuổi. Ông chính thức từ bỏ họ Takano và lấy họ Yamamoto, Yamamoto Isoroku. Yamamoto có nghĩa là Chân Núi, và người Trung Hoa gọi Yamamoto là Sơn-Bản Ngũ-Thập-Lục. Yamamoto lập gia đình rất trễ, có thể vì ông mải mê với binh nghiệp nên không còn thời giờ cho tình ái; một lý do nữa là ông phải gửi hết tiền lương về nuôi cha mẹ; và lý do cuối cùng có thể là bàn tay trái cụt mấy ngón của ông, gây cho ông cái mặc cảm xấu xí, không muốn để đàn bà con gái trông thấy.

Mãi tới năm 33 tuổi ông mới bắt đầu để tâm tìm vợ. Có rất nhiều con gái các đô đốc muốn kết hôn với ông, một người có nhiều triển vọng trong hải quân, nhưng Yamamoto từ chối hết, và chỉ muốn tìm một cô gái cùng quê với ông. Một hôm ông được giới thiệu với con gái một nông dân nuôi bò sữa, tên là Reiko. Reiko cao tới 1.6 thước và bị ế chồng vì cao quá. Ðàn ông Nhật vốn thấp nên không thích lấy vợ cao quá, nhưng thiếu tá Yamamoto không quan tâm đến chiều cao của Reiko, vì hầu như ông không hề có một mặc cảm kém cỏi nào. Một lý do nữa khiến Yamamoto thích Reiko là vì nàng rất mạnh khoẻ to con, và chăm chỉ làm việc. Ông biết cuộc đời một quân nhân rất nguy hiểm, có thể chết bất cứ lúc nào, nên ông cần một người vợ mạnh mẽ để có thể tiếp tục nuôi dưỡng con cái cho ông, nếu chẳng may ông tử trận.

Yamamoto viết cho Reiko một lá thư dài tỏ tình và xin gặp mặt. Vì biết Reiko không đẹp nên buổi hai người gặp nhau lần đầu, bà mẹ nàng chọn một căn phòng tối lờ mờ để Yamamoto không nhìn rõ Reiko. Khi Reiko bước vào phòng, và quỳ gối cúi chào Yamamoto thì hai người chịu nhau liền. Ðám cưới được cử hành ngay sau đó trong một ngôi chùa Phật giáo. Reiko theo chồng lên Ðông Kinh. Một hôm bà mẹ vợ lên thăm con gái, bà vô cùng kinh ngạc trước cảnh sống của con. Ðồ đạc trong nhà rất sơ sài, chỉ gồm có các thùng rượu làm bàn ghế. Khi Reiko rót trà vào một cái chén ăn cơm rẻ tiền mời bà thì bà cảm thấy bị xúc phạm. Reiko giải thích trong nhà không có chén uống trà. Nàng không muốn chồng bận tâm tới những việc nhỏ mọn trong nhà, trong lúc phải quan tâm đến quốc sự. Bà mẹ bắt hai người phải mua và dọn vào một căn nhà đầy đủ tiện nghi ngay.

Nhưng khi hai vợ chồng Yamamoto dọn vào nhà mới thì ông được lệnh đi học hai năm tại đại học Harvard của Hoa Kỳ, và để vợ ở nhà một mình. Môn học chính của Yamamoto là dầu hỏa. Ông học hành rất nghiêm chỉnh, khi nào có giờ rảnh rỗi, ông đi du lịch khắp nước Mỹ để quan sát. Nhưng cũng chính tại Hoa Kỳ, Yamamoto đã học hỏi nhiều về hàng không. Ông biết rằng chính hải quân đã giúp Togo chiến thắng hải quân Nga Sô tại eo biển Ðối Mã, nhưng trong tương lai, hải quân cần phải có không quân hỗ trợ. Ông bắt đầu chú ý tới việc đóng hàng không mẫu hạm.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #6 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:51:24 am »

Năm 1923, Yamamoto được thăng chức đại tá vào lúc 39 tuổi; ông trở thành chỉ huy trưởng trường huấn luyện phi công Kasumigaura. Vào những ngày ấy, ngành không quân không hấp dẫn với thanh niên Nhật, vì có rất nhiều tai nạn tử thương trong lúc tập bay, nhất là tập đậu xuống hàng không mẫu hạm. Nhiều tướng lãnh cao cấp không chịu bước lên máy bay, và nhiều gia đình không chịu gả con gái cho phi công. Nhưng Yamamoto có công cải tiến lại việc huấn luyện cho được an toàn hơn, và các khóa sinh phải tuân theo kỷ luật nghiêm khắc hơn. Ông đã có công phát triển ngành bay ban đêm, vì ông cho rằng phi cơ tấn công ban đêm sẽ có ưu điểm bất ngờ.

Sau 18 tháng chỉ huy trường huấn luyện phi công, Yamamoto được bổ nhiệm làm tùy viên quân sự tại Hoa Thịnh Ðốn. Lúc ấy Nhật gặp một trở ngại lớn cho việc phát triển hải quân. Sau đệ nhất thế chiến, Nhật Bản phải theo quy ước 5-5-3 với Anh và Mỹ, có nghĩa là Nhật Bản phải theo tỷ lệ như sau: Anh Mỹ được phép đóng 5 chiến hạm thì Nhật chỉ được phép đóng 3 thôi. Các chiến lược gia hải quân đồng ý rằng trong một cuộc hải chiến, lực lượng phòng thủ phải mạnh gấp rưỡi lực lượng tấn công. Nhật Bản muốn thay đổi tỷ lệ thành 7-10, nhưng Mỹ không đồng ý, vì như thế Mỹ chỉ còn 43% mạnh hơn. Tuy nhiên những chiến hạm mới của Nhật tối tân hơn, có hỏa lực mạnh hơn, và chạy nhanh hơn các chiến hạm Anh Mỹ.

Năm 1931 Nhật Bản bắt đầu chiếm Mãn Châu và Yamamoto được thăng chức đề đốc và chỉ huy ngành kỹ thuật hải quân. Yamamoto đã nghiên cứu và chế tạo những phi cơ phóng thủy lôi, và những phi cơ có tầm bay xa. Yamamoto cũng có công trong việc chế tạo một loại chiến đấu cơ nổi tiếng là loại chiến đấu cơ ZERO. Năm 1934 Nhật Bản muốn hủy bỏ quy ước 5-5-3 và Yamamoto được chọn làm trưởng phái đoàn Nhật tại hội nghị Luân Ðôn. Yamamoto đã cứng rắn đòi chấm dứt quy ước bất bình đẳng 5-5-3. Hội nghị Luân Ðôn kéo dài hai tháng và cuối cùng đi đến bế tắc và quy ước 5-5-3 không còn hiệu lực nữa.

Trong một bữa tiệc do người Anh khoản đãi, một thực khách hỏi Yamamoto tại sao ông không đồng ý với tỷ lệ hải quân 5-5-3. Yamamoto bỏ dao và nĩa xuống bàn và hỏi lại: "Tôi bé nhỏ hơn ông, nhưng ông có bắt tôi chỉ được ăn hai phần ba thịt trong đĩa của tôi không? Ông có cho phép tôi ăn đủ no không?"
Khi hội nghị Luân Ðôn tan vỡ, Yamamoto không đổ lỗi cho ai cả. Ông tuyên bố người ta chỉ cần một sự phòng vệ, đó là sự công bằng và tình thân hữu quốc tế. Các phái đoàn Anh Mỹ không tế nhị như thế, và đổ lỗi cho phái đoàn Nhật đã làm bế tắc hội nghị. Tuy nhiên nếu hội nghị thành công, nghĩa là quy ước 5-5-3 vẫn còn hiệu lực thì Yamamoto chắc không bao giờ gặp lại được vợ con. Ông vốn được coi là một người thân thiện với tây phương. Trong khi hội nghị Luân Ðôn đang tiếp diễn thì đảng Hắc Long đã công khai chủ trương sẽ ám sát Yamamoto và phái đoàn Nhật, nếu không hủy bỏ được quy ước bất lợi cho Nhật Bản. Trái lại, ngày Yamamoto từ Luân Ðôn về Ðông Kinh, ông được đón rước như một anh hùng, các đô đốc và đảng Hắc Long dẫn đầu hai ngàn người diễn hành, tung hô các khẩu hiệu "Banzai" chào mừng ông. Yamamoto được vinh dự vào Hoàng Cung để Nhật Hoàng Hirohito ban lời khen ngợi.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #7 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:52:02 am »

- 6 -
Anh Hùng Và Giai Nhân

Hình như trong đời các bậc anh hùng bao giờ cũng thấp thoáng hình bóng một người đàn bà đẹp. Yamamoto cũng không thoát khỏi thông lệ đó, và đã bị tiếng sét ái tình vì một nàng kỹ nữ (geisha) tuyệt đẹp. Sau khi dự hội nghị Luân Ðôn về, Yamamoto được mời tham dự nhiều bữa tiệc mừng. Một trong những bữa tiệc ấy bao gồm các kỹ nữ tại một khu ăn chơi sang trọng. Trong buổi tiệc ấy có cả Kikuji, một kỹ nữ trẻ đẹp nổi tiếng nhất Ðông Kinh.

Kikuji đang hầu tiệc và trông thấy Yamamoto lúng túng không mở được nắp một chén cháo, vì bàn tay bị cụt mất mấy ngón. Nàng vội chạy lại, cúi chào và đưa tay mở nắp chén cháo dùm Yamamoto. Yamamoto vốn rất nhạy cảm vì mấy ngón tay cụt và cảm thấy hơi bất lực phải nhờ một người con gái giúp đỡ nên ông nổi giận, và sẵng giọng lên tiếng bảo Kikuji tránh ra để mặc ông. Chưa có ai dám lớn tiếng với Kikuji như thế, vì nàng là một kỹ nữ nổi tiếng nhất Ðông Kinh, ai cũng phải chiều chuộng để lấy cảm tình của nàng. Dĩ nhiên Kikuji cảm thấy bị xúc phạm, nàng đứng lên, bỏ bữa tiệc ra về ngay.

Vài ngày sau, trong một bữa tiệc khác của hải quân, Yamamoto có dịp gặp lại Kikuji. Kikuji được mời tới đàn hát giúp vui cho bữa tiệc. Lần này một sĩ quan hải quân trịnh trọng giới thiệu Kikuji với Yamamoto: "Ðây là người sẽ trở thành một đô đốc vĩ đại nhất của Nhật Bản. Xin cô hãy chiều tiếp ông ta."

Kikuji lạnh lùng nhìn Yamamoto và trả lời: "Vậy hả? Nhưng đối với tôi thì ông ta không khác gì một tên nhà quê."

Yamamoto không những không phật lòng vì lời nói khiếm nhã của Kikuji, mà trái lại ông còn thích thú nữa, vì ông vẫn tự nhận là "một tên nhà quê" hoặc "một thủy thủ tầm thường". Yamamoto ha hả cười vui thích khiến Kikuji cũng phải khúc khích cười theo. Ðấy là khởi đầu của một thiên tình sử lâu dài giữa chàng Từ Hải đa tình Yamamoto và nàng Kiều Kikuji. Hai hôm sau Yamamoto một mình tới thăm kỹ viện Tsukiji, nơi Kikuji làm việc, và mời Kikuji ăn tối với ông. Kể từ đấy Yamamoto được mọi người công nhận là người tình của Kikuji.

Trong thời kỳ đó, được làm người tình của một geisha hạng nhất như Kikuji phải tốn kém lắm. Có hai cách làm chủ một geisha. Thứ nhất người đó phải bỏ thật nhiều tiền mua nàng geisha về làm vợ bé. Cách thứ hai đỡ tốn kém hơn, là cứ để nàng geisha trong kỹ viện, nhưng được ưu tiên hơn những khách phong lưu tìm hoa khác. Yamamoto không đủ tiền bạc để thực hiện một trong hai cách trên đây. Lương đô đốc của ông chỉ đủ gửi về cho vợ nuôi bốn con. Thực ra ông có thể dùng quỹ hải quân vào việc bao Kikuji, nhưng ông lại là người quá thanh liêm, danh dự và tự trọng, không muốn dùng công quỹ cho việc du hí riêng.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #8 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:52:25 am »

Nhưng Yamamoto có một địa vị đặc biệt để có thể bao được Kikuji. Ông là nhân vật nổi tiếng đến nỗi các kỹ viện và nhà hàng đều muốn có sự hiện diện của ông. Nếu ông đến ăn tại một nhà hàng nào, hoặc vào giải trí trong một kỹ viện nào, thì những nơi đó lập tức thu hút các sĩ quan hải quân khác. Do đó kỹ viện Tsukiji cho ông đặc quyền được gặp Kikuji bất cứ khi nào ông muốn. Ðôi khi ông làm việc trễ tại bộ hải quân, Kikuji thường nấu cháo cá và thân hành đem vào đặt lên bàn làm việc của ông. Nàng cũng rất sung sướng được ngồi nhìn ông húp từng muỗng cháo.

Kikuji là một người rất ghen. Nàng để ý thấy Yamamoto giữ trong túi áo một cuốn sổ màu đen. Nàng nghi ngờ Yamamoto giữ tên và địa chỉ của một số geisha khác tại các hải cảng khác. Một hôm nhân lúc Yamamoto đang tắm, Kikuji lén lấy cuốn sổ ra đọc. Trong cuốn sổ ấy không có tên một người đàn bà nào cả, mà chỉ là tên của những khóa sinh phi công thuộc trường huấn luyện phi công do ông chỉ huy trước kia. Những sĩ quan này đã tử nạn trong khi tập luyện theo lệnh của ông. Việc huấn luyện phi công rất quan trọng nên ông coi cái chết của họ trong lúc tập bay cũng giống như cái chết ngoài mặt trận. Chính những cái chết của họ đã giúp ông cải tiến được phương pháp huấn luyện cho được hoàn hảo an toàn hơn. Ông mang tên tuổi của họ trong người như một sự để tang cho những thuộc cấp đã tuẫn quốc.

Về phần Yamamoto, ông cũng dâng tất cả tình yêu cho Kikuji. Ông mê nàng và đến thăm nàng nhiều đến nỗi một đô đốc khác đã bí mật gặp Kikuji, yêu cầu nàng hãy chấm dứt mối tình của nàng với Yamamoto vì quyền lợi của Hải quân Hoàng Gia. Khi Yamamoto gọi điện thoại cho Kikuji, nàng từ chối không gặp và tiếp chuyện ông. Vừa lo lắng vừa ghen, Yamamoto gọi xe tắc xi đến tìm nàng ngay và hỏi nguyên do. Có phải nàng không còn yêu ông nữa? Kikuji vừa khóc vừa trả lời nàng không muốn gặp ông vì lời yêu cầu của một đô đốc, và cũng vì lòng ái quốc của nàng bắt nàng không được ích kỷ giữ Yamamoto là người tình riêng, mà phải trả chàng về với hải quân.

Yamamoto khuyên Kikuji đừng quan tâm đến lời nói của vị đô đốc kia. Tình yêu ông dành cho nàng không làm hại tới quyền lợi quốc gia, trái lại tình yêu đó giúp cho cuộc đời vốn khô khan của ông có thêm đôi chút tươi mát, gây thêm cảm hứng cho ông trong nhiệm vụ nặng nề của ông. Kikuji rất sung sướng nghe lời giải thích của ông, vì thực ra nàng cũng rất đau khổ nếu phải xa ông. Mối tình này kéo dài mãi cho tới những ngày cuối cùng của đời ông, với một kết thúc thật thương cảm cho nàng kỹ nữ tài sắc vẹn toàn Kikuji.

Yamamoto cũng còn có một đam mê khác, ngoài tình yêu Kikuji. Ông rất mê chơi cờ bạc và chơi rất hay. Ông đánh bạc với bất cứ ai, các sinh viên Mỹ tại đại học Harvard, các tùy viên quân sự ngoại quốc, các sĩ quan Nhật. Nhưng dù chơi bạc ở đâu và với ai, Yamamoto không bao giờ thua và thường vơ hết tiền làng. Ðánh bạc không những là một thú tiêu khiển của ông, mà đôi khi cờ bạc cũng là nguồn cung cấp tiền tiêu vặt cho ông. Chính nhờ tài bạc gạo này mà ông đã có tiền giúp đỡ một sĩ quan Nhật mắc kẹt tại Mỹ có đủ tiền trở về Nhật.

Thường giới sĩ quan Nhật rất ham uống rượu. Các đệ tử của Lưu Linh trong quân đội Nhật uống rượu sa-kê như người ta uống nước lã. Trái lại tửu lượng của Yamamoto lại rất kém. Ông chỉ uống vài tợp rượu là đã đỏ mặt tía tai rồi. Tuy nhiên ông vẫn cho phép thuộc hạ tổ chức các bữa tiệc nhậu vui chơi trên chiến hạm, hoặc tại các câu lạc bộ hải quân, hoặc tại tư gia một sĩ quan nào đó. Riêng ông thường chỉ có mặt lúc đầu, nhấp vài ngụm rượu nhỏ rồi rút lui đi tìm chỗ đánh bạc.
Logged
Uragan
Thành viên
*
Bài viết: 860


« Trả lời #9 vào lúc: 17 Tháng Tư, 2011, 11:53:13 am »

- 7 -
Thứ Trưởng Bộ Hải Quân: Phát Triển Hải Quân Nhật

Sau khi Yamamoto thành công làm bế tắc hội nghị Luân Ðôn trở về, Nhật Bản lập tức tiến hành công cuộc đóng thêm tầu chiến một cách đại quy mô. Ðô đốc Yonai, bộ trưởng hải quân Nhật, thông báo cho Quốc hội Nhật biết hải quân hoàng gia Nhật không đủ sức đương đầu với lực lượng hạm đội hỗn hợp của Anh và Mỹ, và Nhật Bản cũng không bao giờ có ý định xây dựng một lực lượng hải quân ở mức độ ấy. Tuy nhiên trong lúc Yonai tuyên bố công khai như thế thì hải quân Nhật âm thầm nỗ lực đóng chiến hạm mới và trang bị thêm cho hàng chục chiến hạm đang có sẵn. Chính trong giai đoạn này, những chiếc tầu lớn nhất thế giới được đóng ra tại Nhật bản, như hai chiếc Yamato và Musashi. Chiếc Yamato dài tới 863 bộ, trọng tải tới 73,700 tấn, nghĩa là lớn gấp bội các chiến hạm vào thời đó, sườn tầu dầy tới 16 inches và có 9 đại bác 18 inches. Chiếc Yamato hoàn thành tháng 12-1941; chiếc Musashi cũng được hạ thủy tám tháng sau đó. Chiếc Shinano khởi công đầu năm 1940, và sau đổi thành một hàng không mẫu hạm, và là mẫu hạm lớn nhất thế giới.

Việc đóng tầu tuy có nhộn nhịp, nhưng người Nhật che dấu các hoạt động này rất kỹ. Các cơ xưởng đều có những hàng rào kín thật cao để che cản mọi con mắt tò mò, và việc bảo vệ an ninh quanh những xưởng đóng tầu thực là cực kỳ nghiêm mật. Ðô đốc Yonai vẫn tuyên bố rằng Nhật bản không thể đuổi kịp hải quân Anh Mỹ, và không có ý định đóng thêm chiến hạm. Trong khi Yonai tuyên bố như vậy thì công việc đóng chiến hạm vẫn tiếp tục mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Hầu hết các đô đốc Nhật rất hào hứng với việc đóng các đại chiến hạm cho hải quân Nhật, trừ đô đốc Yamamoto. Yamamoto đã mạnh mẽ phát biểu quan điểm của mình, nhấn mạnh rằng các đại chiến hạm đã lỗi thời rồi. Bây giờ phải là thời của hàng không mẫu hạm, một sự phối hợp chiến đấu giữa hải quân và không quân. Các đô đốc già không đồng ý với quan điểm của Yamamoto, nhưng các sĩ quan trẻ đang vươn lên trên nấc thang quyền bính đứng về phe Yamamoto.

Yamamoto gay gắt chỉ trích việc đóng đại chiến hạm. Ông nói: "Những đại chiến hạm chẳng khác gì những bức trướng tôn giáo mà người ta treo trong nhà. Chúng chỉ tạo ra một niềm tin tưởng chứ không có ích dụng thực tế. Giới quân nhân thường mang theo những hào quang của chiến trận quá khứ bên mình. Họ mang những thanh kiếm cổ lỗi thời và họ không thấy rằng những thanh kiếm ấy nay chỉ là những vật trang trí mà thôi. Sự ích lợi của những đại chiến hạm cho Nhật bản trong chiến tranh tân thời cũng tương tự như là thanh kiếm võ sĩ đạo vậy."

Dần dần quan điểm của Yamamoto có vẻ chiếm ưu thế và hai mẫu hạm mới được ra đời, đó là các mẫu hạm Shokaku và Zuikaku, mỗi chiếc nặng 30 ngàn tấn, và có tốc độ 34 hải lý một giờ, nhanh hơn các mẫu hạm lớn của Nhật đang có là hai chiếc Akagi và Kaga. Vẫn có một số người chỉ trích quan điểm của Yamamoto và cho rằng chủ trương của Yamamoto rất nguy hiểm cho Nhật Bản. Giới chiến lược gia cổ điển quan niệm rằng chỉ có chiến hạm mới đánh hạ được chiến hạm. Nhưng Yamamoto cho rằng dùng các các phi cơ phóng thủy lôi hữu hiệu hơn nhiều. Yamamoto dùng hình ảnh một con rắn hung hãn cũng có thể bị một bầy kiến đông đảo cắn hạ trong tục ngữ Nhật Bản, để cổ xúy cho việc phát triển mẫu hạm với mục đích đưa lực lượng xung kích Nhật tới gần mục tiêu. Sau này trong các trận đánh tại Trân Châu Cảng và Tân Gia Ba, người ta mới công nhận Yamamoto là người sáng suốt, đi trước những người cùng thời.

Yamamoto chủ trương chế tạo các phi cơ có tầm bay xa, vì nếu Nhật bản muốn kiểm soát Thái Bình Dương thì rất cần loại phi cơ này. Cuối thập niên 1930, ông đã có những phi cơ có tầm bay xa tới 800 dặm và chở được thủy lôi hoặc bom nặng hai ngàn cân. Năm 1938 trong cuộc Trung Nhật chiến tranh, thế giới lần đầu sửng sốt chứng kiến những phi cơ Nhật cất cánh từ đảo Kyushu tới oanh tạc tại Thượng hải, rồi trở lại căn cứ mà không cần phải tiếp tế nhiên liệu. Ðứa con tinh thần thứ hai của Yamamoto là loại chiến đấu cơ Zero. Ðây là loại chiến đấu cơ hữu hiệu nhất trong đệ nhị thế chiến, và các phi cơ này đã làm chủ không phận Thái Bình Dương trong suốt hai năm.

Khi Nhật Bản nỗ lực phát triển tiềm lực chiến tranh thì Nhật Bản đã xác định trước địch thủ của mình là ai rồi. Thoạt đầu đối thủ của Nhật tại Á châu là Nga Sô, nhưng sau khi đánh bại Nga Sô rồi thì kẻ thù chính yếu của Nhật phải là Hoa Kỳ. Sự so tài giữa hai đại cường đang phát triển tại hai bên bờ Thái Bình Dương là điều không thể tránh khỏi. Ngay sau đệ nhất thế chiến, chính sách quốc phòng Hoàng gia Nhật đã xác định Hoa Kỳ có tiềm năng là kẻ thù số một, và Nga Sô trở thành kẻ thù số hai. Tuy vậy sự bành trướng của nước Nga Sô cộng sản sau đệ nhất thế chiến đã là một trở ngại cho việc xâm chiếm Trung hoa của Nhật Bản. Thực ra thì lục quân Nhật vẫn cho rằng nếu Nhật Bản bành trướng tại Á Châu thì thế nào cũng phải xung đột với Nga Sô, trong khi hải quân nghĩ rằng trận chiến nếu xảy ra tại Thái Bình Dương thì sẽ là trận hải chiến và rất e ngại hai hạm đội Anh và Mỹ. Chính vì quan niệm khác nhau như thế nên lục quân chỉ lo đề phòng Nga Sô, và gửi những sĩ quan lục quân xuất sắc nhất sang làm tùy viên quân sự tại Mạc Tư Khoa để làm tai mắt theo dõi tình hình. Trái lại hải quân Nhật hướng cặp mắt lo âu sang bên kia bờ biển Thái Bình Dương, và gửi những sĩ quan ưu tú sang làm tùy viên quân sự tại Hoa Thịnh Ðốn. Yamamoto từng là một trong những tùy viên của hải quân tại thủ đô Hoa Kỳ.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM