Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 27 Tháng Năm, 2024, 03:17:28 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: X30 Phá lưới  (Đọc 67765 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 11:12:17 pm »

                                                             X30 phá lưới ( tiểu thuyết tình báo)
                                                            Tác giả : Đặng Thanh
                                                             Nguồn:IPVnn(tin tức)
                                               Lời nói đầu
Tháng 8 năm 1945, Ngô Đình Diệm bị bắt tại Đức Phổ (Quảng Ngãi) khi hắn trên con đường chạy trốn.
Vì có nhiều nợ máu đối với Cách mạng trong thời kỳ là tri phủ Tuy An, quản đạo Ninh Thuận và tuần vũ Khánh Hoà, Uỷ ban khởi nghĩa địa phương chuẩn bị đưa hắn ra xét xử trước Tòa án Nhân dân.
Nhưng có lệnh giải hắn ra Bắc…
Chính quyền nhân dân lúc bấy giờ mới thành lập. Với chính sách đại lượng khoan hồng, Hồ Chủ Tịch không những đã ban ơn tha tội chết cho hắn, lại còn cho phép hắn được ở thủ đô, đãi ngộ hắn như khách, cho hắn được tự do đi lại, rồi sau đó, được vào ở hẳn trong một nhà thờ Thiên chúa giáo ở phố Hàng Bột theo sự thỉnh cầu của hắn.
Tuy biết hắn là một tên tráo trở, đã từng làm tay sai đắc lực cho Pháp, bị Phạm Quỳnh hất cẳng thì chạy theo liếm gót Nhật, đến khi Nhật đầu hàng đồng minh thì lại tìm cách quay về với chủ Pháp, Cách mạng vẫn mở rộng cửa với hắn, tạo điều kiện cho hắn trở về với con đường của dân tộc.
Thế nhưng, sau khi được vào ở trong nhà thờ, Diệm đã thông qua một cha cố Pháp để bắt liên lạc với tướng Lơ-cờ-léc (Leclerc) chỉ huy quân đội Pháp, đóng ở trong thành. Tướng Leclerc đã lệnh cho Phòng Nhì Pháp giải thoát Diệm. Phòng Nhì Pháp đã giao việc thực hiện cho một người giúp việc bí mật của chúng là Phan Thúc Định – con của tuần vũ Phan Thúc Ngân, bạn thân của Diệm – đưa hắn vào thành, rồi bằng phương tiện của quân đội, Pháp bí mật đưa Diệm sang Hồng Kông.
Từ đó, Diệm về Sài Gòn, sang Paris.
Tuy ra tay cứu Diệm nhưng không tin Diệm bằng những tên tay sai khác, nên hắn không có vai vế gì trong chính phủ bù nhìn do Pháp dựng nên.
“Sau bao năm từng lê gót nơi quê người”, như sau này hắn đã phô trương, Diệm tìm đường sang Tô-ky-ô (Tokyo), nói là đi thăm Kỳ - ngoại hầu Cường Để, nhưng thực ra, hắn chủ tâm đi tìm chủ mới.
Tháng 2 năm 1950, một người Mỹ tên là Phi-sin (1) đến gặp hắn tại khách sạn Đại Đông Á, đưa cho Diệm bức thử của Hồng Y Giáo chủ Spen-man (2), mời Diệm sang Mỹ. Kèm theo bức thư, Phi-sin đã đưa cho Diệm một ngân phiếu mười vạn đôla lãnh tại ngân hàng Tô-ky-ô.
Năm 1951, Diệm sang Mỹ được Hồng Y Giáo chủ Spen-man nhận làm con đỡ đầu và cho ở tại chủng viện Ma-ry Nôn (3).
Hai năm sau, CIA đưa vào học trường đại học Michigan (Mi-sit-găng). Lúc này hắn vừa tròn 53 tuổi. Tại đây, câu chuyện bắt đầu…


--------------------------------------------------------------------------------
Hết Lời nói đầu. Mời bạn xem tiếp : Chương 1 Phan Thúc Định
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2011, 07:50:13 am gửi bởi vmt » Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #1 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 11:26:11 pm »

Chương 1 Phan Thúc Định
Ngô Đình Diệm xem rất kĩ chiếc ví mà Lên-sđên (4) và Phi-sin đã trao cho. Lên-sđên nói:
- Tất nhiên chúng tôi đã xem rồi. Bây giờ xin mời ông xem, sau đó, ông hoàn lại cho chúng tôi. Vài ngày nữa Sở Cảnh sát Nữu Ước sẽ điện cho chủ nhân nó, báo tin đã tìm được và trả lại cho chủ nhân của nó.
Chiếc ví bằng loại da cừu mềm đắt tiền, sản xuất ở Pháp. Trong ví có một số đôla, một số phơrăng Pháp, mấy cái danh thiếp in kiểu chữ nhã mà đẹp:


PHAN THÚC ĐỊNH
Tiến sĩ luật

Diệm lẩm bẩm:
- À, ra anh chàng đã đỗ tiến sĩ luật.
Một cái hộ chiếu của Định được cấp từ Pháp cho phép nhập cảnh nước Mỹ. Một cái ảnh Định đứng dưới chân tháp Ép-phen. Tất cả những thứ ấy, Diệm không chú ý tới, chỉ xem qua. Nhưng có hai vật, Diệm cứ bâng khuâng ngắm nghía, cầm mãi trên tay. Một là bức bưu ảnh in hình Đức bà Ma-ri-a màu sắc, đề in rõ tại nhà in riêng của Va-ti-căng. Đức Bà bồng đức Chúa Hài Đồng trên tay, mặt phúc hậu, đẹp dịu dàng, cặp mắt hơi buồn đầy vẻ thương yêu, chung quanh người toả hào quang. Nét vẽ trau chuốt, sinh động đến nỗi người ta nhớ những bức họa của Lê-ô-na đờ Vanh-xi. Đây không phải là bức bưu ảnh thường. Vừa nhìn thấy, Diệm biết ngay đây là của Đức Cha anh, Ngô Đình Thục. Người cầm bức ảnh ấy – chỉ anh em Diệm mới hiểu riêng với nhau thôi – là người đã được Ngô Đình Thục thẩm tra rồi và tin cẩn được. Ngô Đình Diệm là người rất tin ở CIA, nhưng lại tin anh em ruột mình hơn cả CIA. Diệm biết anh mình là Ngô Đình Thục có cả một màng lưới tai mắt tay chân riêng rộng lớn mà nhiều lần Phòng Nhì của Pháp ở Việt Nam đã phải nhờ vả. Đức chúa Giê-su dạy các tông đồ rằng: “Được cả và thiên hạ làm gì nếu mà mất nước thiên đàng?”. Ở giám mục Ngô Đình Thục thì “nước thiên đàng” không trọng bằng “nước hạ giới” nên người “tinh thạo” việc đời lắm. Người đã giao cho Định cầm bức bưu ảnh Đức bà Ma-ri-a này.
Vật thứ hai là một cái thẻ ngà. Khi đưa ví cho Diêm, cả Lên-sđên và Phi-sin cũng không hiểu vật đó là gì. Diệm phải giải thích cho hai tên Mỹ hiểu: Đây là cái thẻ của Nam Triều ban cho các quan lại, trên ghi chức tước phẩm ngạch để treo ở ngực bên trái ngoài chiếc áo dài. Lên-sđên gật gù:
- À… như trong quân đội Mỹ khâu vải ghi tên và cấp bực của mình ở ngực đây. Có cái khác là chúng tôi đeo ngực bên phải.
Chiếc thẻ ngà có mấy hàng chữ nhỏ. Chiếc thẻ ngà của người đồng liêu Phan Thúc Ngân đã quá cố đây. Phan Thúc Định vẫn giữ những di vật kỉ niệm một thời làm quan của bố. Anh ta thật là một người con chí hiếu. Những người như thế này làm sao quên được mối thù của Cộng sản đối với gia đình mình? Những người như thế này sẽ là những người rất đắc lực cho ta đây. Bức bưu ảnh của Đức Cha anh Ngô Đình Thục và cái thẻ ngà của bố mà anh ta còn trân trọng như một báu vật này đủ cho ta hiểu con người ấy như thế nào rồi. Các ông CIA nhiều khi cũng khá cẩn thận. Người Mỹ làm thế nào lại có thể hiểu được người Việt Nam bằng người Việt Nam, bằng ta.
Cái thẻ ngà bâng khuâng trên bàn tay dày thô và ngắn ngủn của Diệm. Ở giữa cái nước Mỹ xa xôi toàn những con người chỉ biết có thực tại, cái vật lạc loài này tự dưng đến càng làm hắn xót xa nhớ tới dĩ vãng bạc vàng. Nhìn cái thẻ ngà, hắn như nhìn thấy cả quá khứ sống lại. Cái vật thân thuộc và nhiều kỉ niệm… Chỉ riêng việc Phan Thúc Định trân trọng giữ gìn cái thẻ ngà này đủ làm cho Diệm ưu ái Định hơn lên.
*
* *
Có tiếng chuông reo khe khẽ ở đầu buồng. Tiếng chuông ấy nối thẳng từ phòng thường trực của trường vào, báo hiệu có người đến hỏi Diệm, Diệm xếp tất cả các vật vào chiếc ví như cũ, mở khoá tủ áo của mình cất chiếc ví đi. Trường đại học Mi-si-găng dành riêng cho Diệm hai buồng rộng. Một buồng ngủ có kê giường, tủ gương đựng quần áo. Một buồng làm việc và tiếp khách, có kê tủ sách, một bàn giấy, một bộ ghế bành và bàn uống nước.
Diệm vào ngồi ở sau bàn giấy chờ đợi. Trên bàn giấy, một quyển “Min Kamft” của Hít-le mở rộng. Diệm đang đọc dở quyển đó. Thường thường Diệm có hai cách tiếp khách, một là đối với khách người Mỹ thì Diệm thường ngồi ở ghế bành nói chuyện tự nhiên. Hai là đối với khách người Việt Nam – dù Diệm hầu như không có khách người Việt, ngoài mấy gã mà CIA đưa sang học như Trần Kim Tuyến, Phạm Xuân Phòng… – Diệm bao giờ cũng bố trí cách ngồi của mình sao cho có uy thế của bề trên, nói năng sao cho đường bệ, khẩu khí, hách dịch.
Năm phút sau có tiếng gõ cửa. Diệm đáp:
- Cứ vào!
Một nhân viên nhà trường mở rộng cửa, cúi chào và đưa tay mời một thanh niên người Việt dong dỏng cao, nhanh nhẹn trong bộ quần áo xám nhạt sang trọng, bước vào. Người thanh niên cúi đầu chào Diệm:
- Bẩm cụ lớn, con kính chào cụ lớn. Chẳng biết cụ lớn còn nhớ con không?
Gã nhân viên nhà trường đã im lặng bước ra, sau khi khép cửa buồng lại.
Diệm không trả lời người thanh niên ngay, gĩư thái độ im lặng, vờ nheo mắt nhìn anh chăm chú. Người thanh niên vẫn lịch sự, mỉm cười nhìn thẳng vào mặt Diệm, lễ độ:
- Kính thưa cụ lớn, con là Phan Thúc Định. Thầy con là Phan Thúc Ngân, năm 1945 đã cùng cụ lớn đi Tân-gia-ba. Năm 1946, con đã có dịp gặp cụ lớn…
Diệm lúc ấy mới như chợt nhớ ra.
- A! Anh là Định, con cụ Ngân. Bảy, tám năm qua rồi, anh có hơi khác đôi chút và diện quá làm tôi không nhận ra được ngay.
Diệm đưa tay chỉ chiếc ghế trước bàn giấy:
- Anh ngồi xuống đây. Nào. ta nói chuyện!
Người thanh niên cảm ơn và ngồi xuống ghế.
- Tôi vẫn… vẫn nhớ cụ Tuần Ngân. – Diệm nói – tội nghiệp cụ, chẳng may…
Câu nói của Diệm như khơi dậy nỗi đau thương sâu kín trong tim Phan Thúc Định.
Anh cúi xuống, buồn bã, bậm môi lại. Diệm vẫn nhìn vào mặt anh soi mói:
- Bọn Cộng sản đã giết thầy anh, đã làm gia đình anh tan nát.
Phan Thúc Định vẫn cúi gục đầu xuống. Mắt anh chớp mau. Môi anh vẫn mím chặt. Anh rút vội khăn tay chậm mắt. lm lặng nặng nề. Diệm vẫn chăm chú nhìn từng nét thay đổi trên mặt anh.
Mấy giây sau, Định ngửng lên, mắt anh đỏ hoe và anh nói như nói qua hàm răng nghiến chặt:
- Con không bao giờ quên mối thù đó. Con ghi vào xương tuỷ.
Nét mặt Diệm vui hẳn lên. Hắn đổi giọng:
- Cháu nghĩ thế là phải. Cháu thật là người con có hiếu. Thầy cháu cũng là một người tử vì đạo. Bổn phận của những người sống là phải trả thù cho thầy cháu. Không phải chỉ mình cháu đâu, còn nhiều người nữa cũng muốn trả thù. Bác cũng sẽ làm tất cả mọi việc để trả thù cho thầy cháu. Chắc cháu biết rằng lúc sinh thời thầy cháu và bác đã kết giao thân thiết. Thầy cháu đã gởi gắm cháu cho bác.
Giọng nói của Định vẫn chưa hết xúc động:
- Vãng, thầy con có kể cho con nghe những ngày theo hầu cụ lớn bôn ba nơi hải ngoại. Thấy cụ lớn, con lại nhớ đến thầy con. Con chỉ mong nối được chí thầy con, được đi theo cụ lớn, nghe lời cụ lớn chỉ bảo.
Diệm gật đầu:
- Bác cũng thấy có trách nhiệm với cháu. Nhưng bác muốn hỏi cháu: sao cháu biết bác ở đây mà tìm đến được?
- Con vẫn nhớ thầy con dặn phải nương tựa cụ lớn. Con vẫn cố tìm cụ lớn. Đầu năm nay, sau khi tốt nghiệp ở Pháp, con về Huế, gặp được cha Cơ-rát-xơ (5). Nhắc đến cụ lớn Cha Cơ-rát-xơ giới thiệu con vào thăm Đức Cha Thục ở Vĩnh Long. Thật là may mắn cho con được gặp Đức Cha Thục. Đức Cha cho con biết cụ lớn đang ở Mỹ. Lúc ấy, Người nói Người đang mắc bận. hẹn con nửa tháng sau đến. Người mới có thời gian nói chuyện được nhiều (Diệm hơi mỉm cười). Y hẹn, con đến, Người chỉ cho con sang bên này gặp đức giáo chủ Spen-man ở tu viện Ma-ry Nôn. Người có viết cho con hai bức thư, một bức Người bảo trình đức giáo chủ, một bức Người bảo phải chuyển đến tận tay cụ lớn nếu được gặp cụ lớn…
Định móc trong túi một phong bì dán kín, lễ phép đưa cho Diệm. Diệm cầm chiếc phong bì không mở ra xem ngay. Định ngập ngừng:
- … Còn điều này con không dám giấu cụ lớn…
Diệm vẫn chăm chú nghe Định:
- Sao? Cháu cứ nói, đừng e ngại gì cả…
- Con thật có lỗi với cụ lớn. Ngoài bức thư này ra, Đức Cha Thục còn gởi cho con chuyển đến cụ lớn một bức ảnh Đức bà Ma-ri-a để lấy phước lành. Bức ảnh ấy con để trong ví, chẳng may cách đây vài hôm đi dạo phố bị kẻ cắp móc mất. Con không ngờ ở Mỹ này cũng nhiều kẻ cắp thế… May mà lá thư này con để trong cặp, không mang theo trong người hôm đó.
- Cháu bị mất cắp ví ư? Có mất nhiều thứ không?
Định xót xa:
- Trong ví con có hộ chiếu, tiền. Hộ chiếu con xin lại được. Tiền con không tiếc. Con chỉ ân hận để mất chiếc ảnh đức Bà của Đức Cha Thục ban phước lành cho cụ lớn và một kỉ vật của thầy con, con vẫn mang theo mình hàng chục năm nay.
- Cháu đã trình Sở Cảnh sát chưa?
- Con đã đi báo với sở Cảnh sát Nữu Ước rồi. Người ta hứa sẽ tìm hộ con, nhưng con không tin sẽ tìm thấy, vì qua báo chí, con thấy hằng ngày ở thành phố Nữu Ước xảy ra hàng nghìn vụ phạm pháp: giết người, ăn cắp xe hơi, cướp của có vũ khí cũng hàng trăm vụ mà nhiều vụ không thể tìm ra được thủ phạm thì việc mất chiếc ví nhỏ bé của con, họ quan tâm gì đến.
- Cháu không được nói về Hoa Kỳ như vậy! Cháu mới ở Pháp sang, chưa hiểu Hoa Kỳ đấy thôi. Báo chí hay làm to chuyện giật gân để gợi tò mò của độc giả. Đây là đất nước của tự do. Cháu hãy tin ở cảnh sát Hoa Kỳ. Họ nhiều và được đào tạo cẩn thận lắm. Họ hứa tìm hộ cháu thì biết đâu họ chẳng tìm ra cho cháu.
Diệm vẫn soi mói nhìn Định nói tiếp:
- À… thế sau cái dạo bác gặp cháu năm 1946, rồi cháu làm những gì? Cháu kể chuyện cho bác nghe với.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #2 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 11:32:45 pm »

Tiếp:
Định thản nhiên:
- Hồi năm 1946, sau khi gặp cụ lớn ở Hà Nội, đưa cụ lớn vào thành rồi, con vẫn liên lạc với người Pháp và ông Nhu. Ít lâu sau, người Pháp cho biết cụ lớn đã qua Hồng Kông và sẽ đi Pháp, nhờ Pháp đưa thêm viện binh sang đánh Việt Minh, con muốn đi theo cụ lớn quá mà không được. Ông Nhu cử con trở lại Huế mang theo bức thư của ông gởi đức Khâm mạng Đơ-ra-pi-ê, triệu tập một hội nghị thành lập liên đoàn công giáo chống Cộng dưới sự bảo trợ của người Pháp. Con phải gian khổ lắm mới gặp được đức Khâm mạng và trình bức thư lên ngài. Con được dự cuộc họp bí mật đó tại Phú Cam. Đức Khâm mạng Đơ-ra-pi-ê sơ hở thế nào để lọt một nữ công an Việt Minh vào trong đám đại biểu họp kín. Thế là toàn bộ tổ chức và mưu đồ của đức Khâm mạng với ông Nhu bị bại lộ. Nhiều người của ta bị bắt ngay chưa kịp hành động gì cả. Con sợ quá, chạy trốn vào khu Pháp kiều, nương nhờ tướng Lơ-bơ-rít lúc bấy giờ có mặt ở Huế. Tướng Lơ-bơ-rít cho máy bay đưa con vào Sài Gòn. Thấy con còn trẻ, có học ít nhiều, con một gia đình đã từng có công với chính phủ Bảo hộ trước đây, tướng Lơ-bơ-rít giúp đỡ con tiếp tục học tập, để thâu nhận nền văn hoá tốt đẹp của nước Pháp. Năm 1947, con đỗ tú tài ở Sài Gòn. Sau đó, con được học bổng sang Pháp học. Năm vừa qua, con tốt nghiệp luật khoa tiến sĩ. Mấy trường đại học ở Pháp mời con giảng dạy nhưng nghĩ đến thù nhà chưa trả, vận mệnh đất nước đang nghiêng ngửa, con không thể an tâm ở nước ngoài được. Đầu năm nay con về nước thăm nhà và như đã thưa với cụ lớn, con may mắn được gặp cha Cơ-rát-xơ…
Cái nhìn của Diệm dịu xuống. Hắn có vẻ vui lòng:
- Cháu lặn lội tìm bác như vậy, hẳn có ý định?
Giọng Định tha thiết:
- Thầy con xưa kia đã theo hầu cụ lớn. Con còn trẻ tuổi, mang nặng thù nhà, nhưng không biết phải làm gì. Con thật bơ vơ như người đứng giữa ngã ba đường, nếu không gặp được cụ lớn. Con quyết tâm nối chí thầy con, một lòng một dạ trung thành với cụ lớn. Con chỉ mong gặp được cụ lớn, xin cụ lớn chỉ cho con, con phải làm gì. Con xin làm bất cứ việc gì cụ lớn sai khiến. Từ bao năm nay, con vẫn tâm niệm rằng chỉ có đi theo cụ lớn, con mới có thể trả được mối thù nhà.
- Cháu nghĩ thế là phải lắm. Bác rất sung sướng được gặp lại cháu. Bác cháu ta có rất nhiều việc phải làm, rất nhiều việc phải làm.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #3 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 11:43:55 pm »

Tiếp:
Hắn đứng dậy, giơ một nắm tay về phía xa, đe doạ:
- Bác còn sống đây thì bọn Việt Minh đừng hòng yên ổn với bác. Bác sẽ lập lại tôn ti trật tự. Bác sẽ trở về nước, sẽ xử bắn tất cả những đứa nào đã giết thầy cháu, sẽ xử bắn tất cả những đứa nào chống đối. Người Mỹ sẽ giúp chúng ta. Chúng ta sẽ không thiếu súng đạn, tiền bạc. Chúng ta sẽ bắn hàng loạt.
Hắn chỉ tay về phía quyển sách của Hít-le như để dẫn chứng:
- Bất độc bất anh hùng. Muốn làm được việc lớn thì phải biết tàn nhẫn, phải có bàn tay sắt. Cháu phải nhớ lấy điều đó.
Định im lặng nghe Ngô Đình Diệm nói với thái độ thành khẩn. Ngô Đình Diệm trở về bàn ngồi, vẫy tay cho Định kéo ghế nhích lại phía hắn, nói:
- Bắt đầu từ hôm nay cháu là người của Bác. Cháu có định ở lại nước Mỹ lâu không?
- Bẩm cụ lớn, con không có ý định ở lại đây lâu. Thù cha chưa trả, con không thể nào an tâm ở lại đất nước phồn hoa này được.
Diệm gật gù:
- Đúng. Cháu nên trở về Việt Nam ngay. Cháu muốn trả thù cho thầy cháu, muốn tuổi trẻ của cháu sớm thành đạt hưởng vinh hoa phú quý, cháu hãy nghe lời bác, làm tất cả những việc gì bác trao cho cháu.
Định ngoan ngoãn:
- Con xin tuân theo lời dạy của cụ lớn.
Diệm nói thong thả:
- Cháu hãy trở về Việt Nam. Chúng ta muốn làm việc lớn thì phải có lực lượng. Đằng sau chúng ta đã có người Mỹ rồi, nhưng người Mỹ không muốn xuất đầu lộ diện. Người Mỹ chỉ muốn đưa cố vấn và vũ khí sang giúp chúng ta thôi, chúng ta phải làm lấy. Việc của chúng ta thật là nặng nề. Chúng ta vừa phải chống lại bọn Cộng sản, vừa phải gạt bỏ những người Pháp đi. Cho nên ngay từ bây giờ chúng ta phải có nhiều người của chúng ta ở trong nước, ở cả vùng người Pháp lẫn vùng Việt Minh kiểm soát. Từ cuối năm 1951, bác có phái Lê Mậu Thành. (Phan Thúc Định cau mày, cố nhớ lại một điều gì. Cái tên Lê Mậu Thành anh đã nghe thấy ở đâu một lần rồi), giáo sư nổi tiếng ở Huế, vờ theo Cộng sản, vào chiến khu Việt Minh ở miền Trung Trung phần, để lập “nhóm kháng chiến quốc gia” nằm phục sẵn ở đó, đợi thời cơ, làm đảo chính. Không hiểu anh ta đã gây được lực lượng của ta ở trong đó chưa mà từ hai năm nay, bác chưa nhận được liên lạc gì của anh ta. Tin tức báo về, chưa chính xác cho lắm, cho biết anh ta vẫn còn sống và hình như đã lọt vào làm việc ở một cơ quan của Việt Minh. Bác giao cho cháu việc thứ nhứt là tìm mọi cách liên lạc được với anh ta, xem anh ta đã mở rộng được màng lưới đến đâu rồi, đã sẵn sàng hoạt động chưa.
Thấy Ngô Đình Diệm ngưng lại, Định hỏi:
- Thưa cụ lớn, con xin hỏi một điều: Lê Mậu Thành có đáng tin cậy không? Vì con sợ khoảng thời gian hai năm không có liên lạc ấy, lòng con người có thể có những đổi thay, ai mà đoán trước được.
Diêm xua cái bàn tay ngắn ngủn:
- Cháu đa nghi như thế là tốt nhưng bác tin ở Lê Mậu Thành. Cũng như bác tin ở cháu đây. Đấy cháu xem, bác có cần phải mở thư của Đức Cha Vĩnh Long ra đâu, mà bác vẫn tin cháu. Vì giáo sư Lê Mậu Thành cũng có mối thù không đội trời chung với bọn Việt Minh như cháu. Bố Lê Mậu Thành là cụ Hàn Dục trước đây là một đại điền chủ có hàng nghìn mẫu ruộng đất, dinh cơ đồ sộ thế mà mất hết. Lê Mậu Thành lại là người có mang một lí tưởng quốc gia sâu sắc, anh ta là một người đáng tin cậy của chúng ta.
- Nếu tìm được Lê Mậu Thành thì con làm thế nào để anh ta biết con là người của cụ lớn phái về?
Diệm mỉm cười:
- Bác sẽ viết thư riêng trả lời Đức Cha Vĩnh Long. Cháu về yết kiến Đức Cha, Người sẽ dặn dò cháu mật khẩu để liên lạc với Lê Mậu Thành. Việc thứ hai là cháu nhân danh một nhà trí thức quốc gia, tiếp xúc với các tổ chức công khai, các giáo phái trong vùng người Pháp kiểm soát thăm dò thái độ của họ ra sao để bác dễ xử sự với họ sau này. Cháu tìm hết cách lôi kéo một số người trong bọn họ về với chúng ta.
Mấy đảng phái công khai như Việt Nam quốc dân đảng, Đại Việt quốc gia liên minh đang múa máy, thì chắc cũng dễ nói chuyện với bọn chúng thôi, vì bọn chúng gió chiều nào che chiều ấy, ai mạnh thì chúng theo. Còn các giáo phái thì bác hơi e ngại vì Đức Cha Vĩnh Long có cho biết người Pháp nắm họ khá chặt. Công việc này cháu sẽ gặp khó khăn đấy, nhưng Đức Cha cũng sẽ giúp cháu được nhiều.
Diệm ngưng lại nhìn Phan Thúc Định có ý chờ đợi. Định cúi đầu:
- Con xin đem hết sức con ra làm việc, để đền ơn sự tín nhiệm của cụ lớn, xứng đáng với sự uỷ thác của cụ lớn.
Ngô Đình Diệm xoa hai tay vào nhau:
- Việc của chúng ta thật nặng nề. Cùng một lúc vừa phải có người của chúng ta ở vùng Việt Minh, vừa phải có người của chúng ta ở vùng Pháp kiểm soát. Cần bao nhiêu tiền, người Mỹ sẽ giúp chúng ta. Nhưng kẻ thù của chúng ta là bọn Việt Minh Cộng sản. Dù sao, chúng ta cũng phải thừa nhận là chúng có lí tưởng và lí tưởng ấy đã thu hút được nhiều người. Để đối chọi với Việt Minh cho có kết quả, chúng ta phải có một lí tưởng có sức thu hút mọi người theo chúng ta. Bác đang giao cho chú Nhu, với sự giúp đỡ của các giáo sư Mỹ ở trường này, xây dựng một học thuyết, một lí tưởng, một nền triết học riêng khả dĩ có thể chống lại được Cộng sản. Một học thuyết làm người ta mê tín tuân theo, tuân theo như tuân theo một đạo giáo…
Ngô Đình Diệm cười thoả mãn làm những thớ thịt vốn bì bì trên mặt hắn nở ra:
- Việc thành công, bác về nước, cháu sẽ là người thân cận của bác, cháu có công lớn, tuổi trẻ của cháu sẽ muôn vàn vinh quang sung sướng.
Phan Thúc Định kính cẩn ngồi nghe những lời vừa làm nhiệm vụ vừa là bài học, vừa là lời hứa hẹn động viên của Diệm.
- Cháu ở đây ăn cơm với bác. – Diệm lại nói.
- Thưa cụ lớn, con xin phép cụ lớn cho con về khách sạn thu xếp. Con nóng lòng muốn về nước. Con gặp cụ lớn ở đây, được cụ lớn chỉ bảo cho tham gia vào việc lớn là con mãn nguyện rồi. Con không muốn để thời gian trôi phí…
- Được, bác cũng không giữ cháu. Bác cũng rất nóng ruột. Vậy ngày mai cháu lại đây, bác viết thư cho cháu về trình với Đức Cha Vĩnh Long. Ở nước Mỹ này, cháu cần tiền tiêu, cứ bảo bác. Còn về nước, nếu cháu cần bao nhiêu, cháu cứ xin Đức Cha Vĩnh Long.
Phan Thúc Định đứng lên lễ phép:
- Con xin phép cụ lớn. Con kính chào cụ lớn.
Diệm vẫn ngồi yên sau bàn giấy. chìa bàn tay ngắn ra. Phan Thúc Định đỡ lấy, hơi cúi đầu.
Cánh cửa khép lại sau lưng Phan Thúc Định chưa được bao lâu thì lại có tiếng gõ cửa. Diệm dõng dạc: (thiếu một câu, có lẽ là Mời vào – CB)
Cánh cửa mở rộng, Phi-sin và Lên-sđên hiện ra. Thái độ Diệm thay đổi. Hắn niềm nở đứng dậy đón hai tên Mỹ.
- Gút-mo-ninh! (6)
Phi-sin hỏi ngay:
- Phan Thúc Định vừa ở đây ra?
- Vâng.
Hai tên Mỹ ngồi xuống ghế bành, vắt chéo chân, rút thuốc lá ra hút. Lên-sđên hỏi:
- Ông thấy anh ta thế nào?
- Chúng ta dùng được. Chắc chắc là Đức Cha anh tôi cũng đã thẩm tra về anh ta rồi, đây có cả thư của anh tôi.
Lúc ấy, Diệm mới xé phong bì bức thư của Ngô Đình Thục, vừa đọc vừa dịch lại cho hai tên Mỹ nghe.
“Chú Diệm,
Nhân dịp anh Phan Thúc Định sang Mỹ, tôi viết thư này nhờ anh mang cho chú.
(Diệm giải thích: Khi anh tôi nhờ ai cầm thư tay mang sang cho tôi như thế này, tức là đã ngầm giới thiệu người đó với tôi là tôi có thể sử dụng được).
Anh Định là con trai cụ tuần Phan Thúc Ngân, bạn đồng liêu của chú chắc chú còn nhớ. Anh đến tôi từ lâu nhưng tôi bận việc, nên bây giờ mới giới thiệu anh sang gặp chú được. (Ý anh tôi muốn nói: Anh tôi đã để thời gian điều tra về Định rồi). Anh Định là một thanh niên có nhiệt huyết, muốn phụng sự đạo cả. Chú hãy nói con đường tuân theo ý Chúa để anh Định rõ. (Ý anh tôi muốn nói: Có thể giao nhiệm vu cho Định hoạt động được).
Tiện đây, tôi báo tin gia đình ta để chú rõ: Gia đình ta mọi người đều mạnh khoẻ, các cháu mỗi ngày một thêm đông. Riêng “bên ngoại” vẫn gặp nhiều khó khăn. tôi chẳng được tin gì cả. (Ý anh tôi muốn nói: Tổ chức của chúng ta ở trong vùng người Pháp kiểm soát tốt, có thêm nhiều người tham gia. Còn riêng vùng Việt Minh kiểm soát như thế này là không thể làm ăn gì được).
Chúc chú mạnh khoẻ, Chúa sẽ ban phước lành cho chúng ta.
Ngô Đình Thục”.
Hai tên Mỹ nghe Diệm vừa đọc thư, vừa giải thích những ý ngầm trong thư, dáng trầm ngâm. Khi Diệm đọc xong, Phi-sin nói:
- Ồ, chỗ nào chúng ta cũng vào được, chỉ riêng vùng Việt Minh kiểm soát vẫn là một vùng rất bí mật đối với chúng ta.
Như để chứng minh thêm lời của Phi-sin, Lên-sđên ngậm ngùi:
- Nghiên cứu các báo cáo từ Việt Nam gởi về, tôi cũng lấy làm lạ. Đầu năm 1950, cơ quan tình báo của ta có giao cho phòng Nhì Pháp một nhân viên tên là Hồ Minh vào chiến khu Việt Minh ở Thừa Thiên để tổ chức “Chiến khu quốc gia” nhưng bị bại lộ (7). Ông Diệm phái Lê Mậu Thành vào vùng chiến khu Việt Minh ở miền Trung Trung phần từ năm 1951 đến nay cũng không làm ăn được gì. Những tổ chức Đại Việt quốc gia liên mmh, Việt Nam quốc dân Đảng ở mấy tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên sẵn sàng theo ta thì cũng như rắn nằm tịt trong hang, không dám thò đầu ra. Phía Bắc Việt Nam, những nhóm “Liên hiệp quốc gia” “Liên tôn chống Cộng” ở ba tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh đều tan rã cả. Cả một nhóm người của Phòng Nhì Pháp giới thiệu với ta định đưa vào Thanh Hoá lập “Chiến khu quốc gia” cũng bị Việt Minh lừa cho bắt gọn (Cool. Những điệp viên được huấn luyện rất công phu của Phòng Nhì Pháp như Hải Đường, Trà Mi, Nguyễn Phước… được phái ra vùng Khu 4 của Việt Minh đến nay vẫn chưa có tin tức gì (9). Người Pháp đã mất vào đây bao nhiêu của, bao nhiêu người… Thế là thế nào? Chúng ta phải tìm hiểu cho ra. Vì khi ông Diệm về nước thì không phải thông qua Phòng Nhì của Pháp nữa, mà chính chúng ta phải đấu trực diện với tình báo Việt Minh.
Phi-sin quả quyết:
- Không. Nhất định chúng ta phải hơn bọn Phòng Nhì Pháp. Với những kĩ thuật tiên tiến. với đôla, với những phương tiện đầy đủ, với những người được chúng ta đào tạo kĩ lưỡng, với một kế hoạch hành động tỉ mỉ, chu đáo, nhất định chúng ta phải hơn người Pháp.
Ngô Đình Diệm gật đầu:
- Tôi cũng đồng ý với giáo sư.
Lên-sđên hỏi Diệm:
- Thế ông đã giao nhiệm vụ hoạt động cho Định?
- Tôi đã giao cho anh ta một vài việc rồi. Tất nhiên mới chỉ là những việc thử thách bước đầu. Anh ta không thể nắm được điều gì quan trọng của chúng ta cả.
Diệm quay về mở tủ, lấy chiếc ví của Phan Thúc Định.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #4 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 11:50:45 pm »

Tiếp:

Diệm quay về mở tủ, lấy chiếc ví của Phan Thúc Định. Hắn kéo ở ví ra chiếc ảnh Đức bà Ma-ri-a:
- Mặc dù anh tôi cũng đã gởi cho tôi vật này.
Hắn cất chiếc ảnh vào chiếc ví, trả lại cho Lên-sđên:
- Phan Thúc Định đã nói cho tôi rõ việc “mất cắp” chiếc ví này. Người của chúng ta làm rất giỏi. Định không biết mất vào lúc nào khi dạo chơi trên phố. Anh ta nói tất cả những gì có trong ví không giấu một thứ gì. Bây giờ, tôi xin trả lại đại tá.
Lên-sđên cầm lấy chiếc ví:
- Chiều nay, tôi sẽ cho Sở Cảnh sát Nữu Ước gọi điện báo cho anh ta biết đã tìm ra chiếc ví và mời anh ta đến nhận.
- Đại tá trả Định tất cả những thứ có trong ví này? – Diệm hỏi.
Lên-sđên mỉm cười:
- Trả lại tất cả, trừ đô la trong ví, để cho nó hợp lí.
Và hắn hỏi Ngô Đình Diệm:
- Bao giờ anh ta về nước?
- Anh ta định ngày mai. – Diệm đáp.
Lên-sđên nói:
- Trong giai đoạn này, chúng ta phải cử một người bí mật giám sát những hoạt động của anh ta. Nguyên tắc của chúng ta là như thế.
- Cử ai? – Diệm hỏi.
Lên-sđên suy nghĩ một lát rồi thong thả nói:
- Theo ý tôi, không nên cử người ở Việt Nam theo dõi Định, bởi vì hầu hết những người của ta ở Việt Nam trước đây, bọn SEDCE (10) và bọn Phòng Nhì Pháp đều biết. Nếu Định là người của SEDCE thì anh ta biết ngay. Tôi muốn cho một người của ta mà tình báo Pháp và Định chưa hề biết về làm việc đó. Tôi đề nghị cho Phạm Xuân Phòng bí mật về Việt Nam vừa làm những việc ta định giao cho Phòng, vừa theo dõi Phan Thúc Định.


--------------------------------------------------------------------------------
Hết Chương 1 Phan Thúc Định. Mời bạn xem tiếp : Chương 2 Vân Anh .
Chú thích
(1) Wesley Fishiel, tiến sĩ, giáo sư khoa chính trị trường đại học Michigan, nhân viên của cơ quan tình báo Mỹ CIA.
(2) Spellman, Hồng Y Giáo chủ Mỹ, có thế lực trong giới tài phiệt và chính giới Mỹ.
(3) Chủng viện Mary Knoll, Lakewood, ở bang New Jersey.
(4) Edward Lansdale, đại tá, chỉ huy tình báo Mỹ (CIA) ở Việt Nam.
(5) Père Cras, một linh mục Pháp thuộc dòng Rédemptorist hoạt động tình báo cho SEDCE (cơ quan gián điệp và phản gián Pháp) ở Huế, trong những năm trước và sau thế giới đại chiến thứ hai.
(6) Good morning (tiếng Anh): Chào buổi sáng.
(7) Vụ này đã bị Công an Thừa Thiên khám phá, hồi ấy Đài tiếng nói Việt Nam đã vạch trần âm mưu và thủ đoạn của địch trước dư luận thế giới.
(Cool Vụ này xảy ra ở Thanh Hoá, bị công an bắt gọn vào năm 1950.
(9) Xem truyện phản gián Cất vó – NXB Quân đội Nhân dân (1967), NXB Thuận Hoá (tái bản – 1987), cùng một tác giả.
(10) SEDCE: Service d’étude et documentation de contre-espionnage (Sở Nghiên cứu và Tư liệu phản gián).   
« Sửa lần cuối: 26 Tháng Ba, 2011, 10:59:52 am gửi bởi vmt » Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #5 vào lúc: 25 Tháng Ba, 2011, 11:57:45 pm »

Chương 2 :Vân Anh
 Sân bay Tân Sơn Nhất - một sân bay lớn ở ngoại thành Sài Gòn - đầy máy bay quân sự và máy bay dân dụng. Những đường băng rộng thênh thang. Có những đường băng bê tông nhẵn lì. Có những đường băng rải lưới thép. Đây là đầu não của con đường hàng không toả đi khắp Đông Dương, đi châu Âu, châu Á, châu Mỹ...

Cách 5 phút lại có một chiếc máy bay hoặc cất cánh, hoặc hạ cánh. Những người lính không quân, thợ máy, lính thông tin, quần áo ka ki, mũ calô xanh nước biển hoặc mũ lưỡi trai đen bọc vải trắng, những cô chiêu đãi viên hàng không váy hẹp màu xanh nước biển, sơmi trắng, mũ calô xanh đi lại tấp nập.

Phan Thúc Định, vẫn chiếc cặp du lịch trên tay, vẫn bộ quần áo đúng thời trang, bước vào phòng khách của sân bay. Phòng khách như lắp toàn bằng kính, người đông ồn ào. Chỗ này vài ba viên sĩ quan người Pháp đang đứng nói chuyện gẫu. Chỗ kia, mấy hành khách đang quây quanh quầy giải khát uống nước, ăn bánh ngọt. Có hành khách tay chắp sau lưng đi bước một quanh phòng, vẻ chờ đợi. Có hành khách ngồi thản nhiên trên ghế, mở báo xem, phì phèo điếu thuốc lá trên môi. Theo thói quen, bao giờ Phan Thúc Định cũng quan sát khắp gian phòng, đặc biệt chú ý đến những người hành khách ngồi có vẻ ung dung xem báo

Trong những người cầm tờ báo che lấp mặt hoặc đang chăm chú xem sách kia, có người nào cần phải đề phòng không? Kinh nghiệm cho biết những người ấy mới là những người anh phải quan tâm đến. Hình như không có gì đặc biệt cả. Anh đến sát giờ. Có tiếng loa mời những hành khách đi Huế ra máy bay. Mọi người theo cô chiêu đãi viên thân hình dong dỏng, xinh xắn, luôn luôn có nụ cười duyên dáng trên cặp môi tô son màu phớt tím, ra máy bay. Chiếc thang máy bay đã để sẵn ở cửa một chiếc máy bay Công-sten-la-siông bốn động cơ của hãng "Pháp Quốc Hàng Không". Cô chiêu đãi viên dừng bước, đứng sững cạnh thang, giơ tay nghiêng đầu rất kiểu cách, nói bằng tiếng Pháp:

- Xin mời quý vị lên máy bay.

Hành khách lần lượt bước lên thang, lần lượt vào chỗ ngồi của mình.

Phan Thúc Định bước vào khoang máy bay, đưa mắt nhìn một lượt các hành khách. Nhanh như chớp, anh thu vào đôi mắt sắc sảo của mình những đặc điểm biểu lộ trên nét mặt đám hành khách cùng đi. Mấy sĩ quan và hạ sĩ quan Pháp người thì ngồi trầm tư, người thì nói chuyện nhỏ với nhau. Mấy ông người Việt cỡ trung niên mà Phan Thúc Định chia làm hai loại: người nào láu táu, mặt lộ vẻ sốt ruột chắc là nhà buôn đi giao dịch; người nào có quần áo phẳng phiu, đầu mượt bóng, nét mặt đăm chiêu thì chắc là công chức cao cấp của chính phủ Bảo Đại hoặc là một thứ "chính khách" chưa kiếm chác được gì, đi Huế để vận động một ghế ngồi nào đó có thể hốt bạc được. Một bà già - hay nói đúng hơn một "mệ" Huế - búi tóc bằng trâm ngà, cổ đeo "kiềng" vàng, lên máy bay vẫn cầm hộp trầu trên tay. Cuối khoang máy bay có một người đàn ông khoảng gần năm mươi tuổi, chải chuốt, đeo kính mát gọng to, ngồi bên cạnh một cô gái mười sáu, mười bảy tuổi.

Người đàn ông ít nói, chỉ gật đầu hoặc lắc đầu trả lời rất hà tiện lời, trong khi cô gái hay nhí nhảnh hỏi chuyện. Cô gái tóc buông xoã kiểu tóc các nữ sinh trung học, mặc một chiếc áo dài trắng điểm hoa nhỏ và thưa màu xanh. Trán rộng, lông mày thanh, đôi mắt đen láy thông minh, mũi dọc dừa, đôi môi gọn nhỏ. Cô gái nói chuyện đôi lúc pha một câu tiếng Pháp. Qua câu chuyện loáng thoáng, Phan Thúc Định biết đấy là hai bố con.

Anh ngồi xuống ghế, ghế bên cạnh anh vẫn còn trống. Anh tự hỏi trong đám hành khách này ai là người của CIA? Ai là người của SEDCE? Ai là người của Việt Minh? Có ai theo dõi mình không? Lại còn có thể có những gián điệp của các nước khác nữa. Bởi vì, từ sau cuộc chiến tranh Nga - Nhật và từ đầu thế kỉ 20 này, tất cả các nước trên thế giới đều thấy rõ vai trò đặc biệt quan trọng của công tác tình báo. Nó có thể góp một phần quyết định vào cuộc chiến thắng hoặc chiến bại của mỗi bên. Trước cuộc chiến tranh Nga - Nhật 1905, hàng nghìn gián điệp Nhật Bản đóng vai thợ giày, thợ cắt tóc đã lọt vào đất Nga làm cho tất cả những cuộc vận chuyển, kế hoạch tác chiến của quân đội Nga Hoàng bị Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nhật Bản nắm vững.

Rồi trong hai cuộc chiến tranh thế giới thứ nhứt và thứ hai, diễn ra bao nhiêu cuộc đấu trí giữa các cơ quan tình báo Giết-ta-pô của Đức, Hắc Long của Nhật với Phòng Nhì của Pháp, lntelligence Service của Anh, Ghê-pi-iu của Nga... Riêng ở Đông Dương này, trước khi Nhật đổ bộ vào, đã có hàng trăm, hàng nghìn gián điệp Nhật đóng vai bán kem, bán sâm cao-ly, nhà buôn, du học sinh, sang sục sạo khắp nơi. Trong cuộc chiến tranh Việt - Pháp năm 1949, vụ tình báo Việt Minh lấy được bản báo cáo của tướng Rơ-ve chẳng làm chấn động thế giới đấy ư? Đã làm cho kế hoạch hành quân của Pháp bị thất bại ngay từ bước đầu, làm cho chánh phủ Pháp suýt bị đổ và nhiều nhân viên chỉ huy SEDCE phải bị cách chức. Những nơi nóng bỏng trên thế giới đều là nơi thu hút, tập trung những gián điệp quốc tế.

Việt Nam đang là một trong những nơi nóng bỏng nhất của thế giới. Pháp đang muốn chèo chống giữ cho con thuyền tả tơi của mình trước cơn bão táp tấn công của Việt Minh. Mỹ đang muốn thay chân Pháp. Nhật đang muốn đục nước béo cò. Tưởng đang muốn nắm số Hoa kiều đông đảo ở đây. Anh muốn dò la để giữ vững ảnh hưởng của mình ở Mã Lai, Tân Gia Ba, Miến Điện...

Việc anh về nước với nhiệm vụ của Ngô Đình Diệm giao cho ấy, liệu có cơ quan tình báo nào biết mà theo dõi? Anh cứ phải đề phòng. Một điều làm anh phải suy nghĩ nữa là làm thế nào liên lạc được với Lê Mậu Thành? Làm thế nào biết được hoạt động và thái độ của Lê Mậu Thành?

Từ Mỹ về Pa-ri về Sài Gòn, Định hi vọng lần gặp giám mục Ngô Đình Thục này, Ngô Đình Thục sẽ giúp đỡ anh dễ dàng trong việc hoàn tất nhiệm vụ của Ngô Đình Diệm giao cho. Nhưng khi đến Vĩnh Long, gặp Ngô Đình Thục, Định thấy tự mình phải xoay xở lấy là chính.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2011, 12:00:16 am »

Tiếp:


- Từ mùa thu năm 1951 đến nay - Ngô Đình Thục nói - Tôi chưa nhận được báo cáo của Lê Mậu Thành, nhưng nguồn tin riêng cho tôi biết Lê Mậu Thành vẫn còn sống và đang ở một cơ quan của Việt Minh. Còn lòng trung thành của anh ta đối với cụ Thượng (chỉ Ngô Đình Diệm) thế nào thì chưa có bằng chứng gì bảo đảm. Cụ Thượng ở xa không rõ đấy thôi chứ chưa nối được trạm liên lạc nào giữa Lê Mậu Thành với chúng tôi. Có thể anh ta phải phục xuống tạm thời cắt đứt mọi mối liên lạc để giữ mình, cũng có thể anh ta không còn là người của chúng ta nữa.

Phan Thúc Định không biết những lời của Ngô Đình Thục là thực hay giả. Vì trong ngôi nhà uy nghi của Toà Giám mục Vĩnh Long, Ngô Đình Thục đã điều khiển nhiều việc bí mật, ngoài việc lên bục giảng đạo, ngồi buồng kín rửa tội, hắn đã từng phản bội người ta và bị người ta phản bội nhiều lần cho nên hắn rất già dặn công việc tiếp xúc với mọi người.

Ngô Đình Thục hạ giọng nói tiếp:

- Cụ Thượng đã giao trách nhiệm cho anh, thì anh nên cố gắng làm cho xong. Anh nên tìm mọi cách liên lạc được với Lê Mậu Thành. Nếu anh làm thế nào gặp được Thành thì càng tốt, nói cho Thành rõ những điều cụ Thượng đã dặn.

- Nhưng thưa Đức Cha, làm thế nào con có thể bắt liên lạc được với Thành? Cha có cách nào giúp con được không?

Ngô Đình Thục nheo mắt cười tinh quái, bộ mặt hắn khác hẳn lúc hắn giảng đạo:

- Cái đó tuỳ thuộc vào trí thông minh và tài tháo vát của anh. Tôi chỉ giúp được anh mật khẩu để liên lạc với Thành mà thôi.

Ngô Đình Thục mở khoá chiếc tủ lim lớn đàng sau hắn. Phan Thúc Định liếc nhanh vào trong tủ, thấy tủ chia làm nhiều ngăn nhỏ đánh số như tủ đựng hồ sơ. Ngô Đình Thục tìm một ngăn, lấy ra một phong bì dán kín đưa cho Định, rồi lặng lẽ đứng dậy, bắt tay Định.

Bước chân ra khỏi Toà Giám Mục Vĩnh Long, Phan Thúc Định băn khoăn: "Có phải anh em họ Ngô thử mình chăng?". Nếu gặp được Lê Mậu Thành, anh em họ Ngô sẽ đặt câu hỏi: làm thế nào mà một người như mình, vừa ở Pháp về, con một kẻ tử thù của Việt Minh, lại có thể gặp được Lê Mậu Thành ở vùng chiến khu Việt Minh một cách dễ dàng? Còn nếu Định không gặp, không liên lạc được với Lê Mậu Thành thì nhiệm vụ của Diệm giao cho sẽ không hoàn thành. Mới chỉ có một việc bình thường, bước đầu đã không hoàn thành được thì về sau ra sao?

Phan Thúc Định tự nhủ: "Mình phải tìm cho ra đáp số của con toán rắc rối đó... giải quyết thế nào bây giờ? Lê Mậu Thành... Lê Mậu Thành... cái tên mình đã nghe thấy một lần rồi...".

Phan Thúc Định ngã người trên ghế suy nghĩ miên man. Bề ngoài trông anh có vẻ lơ đãng, thản nhiên nhưng thật ra tất cả những việc gì xảy ra quanh anh, trong khoang máy bay, vẫn không lọt khỏi mắt anh. Ở anh đã thành hình cái nếp: trong bất cứ một môi trường xa lạ nào, bao giờ anh cũng chỉ để một nửa tâm trí suy nghĩ, còn một nửa tâm trí thì theo dõi quan sát chung quanh.

Có một cô gái bước lên máy bay, đến ngồi ghế bỏ trống bên anh. Anh quay lại... vừa ngạc nhiên, vừa mừng rỡ:

- Ô... Vân Anh!

Cô gái cũng nhận ra anh, ngạc nhiên không kém anh:

- Anh Định. Ôi, thật là một sự may mắn kì diệu!

Với mái tóc uốn chải công phu, cắt cao, để lộ chiếc cổ trắng ngần, với cặp mắt hơi buồn ẩn sau hàng mi dài vuốt thuốc, với đôi môi tô son cầu kì, thỉnh thoảng hơi nhếch lên một cách kênh kiệu, và chiếc áo dài màu xanh nước biển có thêu nổi một bông hồng trắng trên ngực trái, Vân Anh hiện ra trước mắt Phan Thúc Định vẫn diễm lệ, vẫn quyến rũ, vẫn lộng lẫy như hai năm trước...

... Hai năm trước, trong một buồi chiều bước vào mùa đông, trời Pa-ri đầy hoa tuyết đầu mùa. Hoa tuyết bay như bông nõn ai tung ra khắp bầu trời. Chàng sinh viên xóm Latinh nghèo Phan Thúc Định đang chuẩn bị luận án tiến sĩ luật khoa đã gặp cô gái đồng bào Vân Anh ở một thư viện. Xa quê hương, người cùng nước gặp nhau, hai người làm quen với nhau một cách dễ dàng và mau chóng trở thành đôi bạn. Những buổi gặp nhau ở thư viện, những buổi sóng đôi đưa nhau về một quãng đường, những buổi rủ nhau vào một quán cà phê ấm cúng ngồi tâm sự, Vân Anh đã kể cho Phan Thúc Định nghe về cuộc đời riêng của mình.

Vân Anh là con một viên án sát ở một tỉnh lẻ miền Nam Trung Bộ tên là Cao Xuân Thọ. Vì có nợ máu với nhân dân nên hồi Cách mạng tháng Tám 1945, Thọ đã bị Toà án Nhân dân xử tử hình. Vân Anh phải về ở với chú ruột là Cao Xuân Đăng, trước cách mạng vốn là tham tá Toà sứ của Pháp, lúc đó chuyển sang làm công chức cho chánh quyền cách mạng. Lúc thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam năm 1946, Cao Xuân Đăng ở lại Huế, nhảy ra làm tay sai cho Pháp và được thực dân Pháp cho làm tỉnh trưởng ở một tỉnh Trung phần. Đăng nuôi Vân Anh ăn học và cho sang Pháp học ở trường đại học Soóc-bon-nơ.

Một buổi đẹp trời, Phan Thức Định và Vân Anh sánh vai nhau đi dọc bờ sông Sen. Họ đi qua những quán sách cũ có những ông chủ quán để râu thuỷ thủ, ngồi lim dim như ngủ giữa đống sách dày mỏng về đủ các mặt: khoa học, văn học, lịch sử... Họ đi qua những người Pháp đội mũ nồi, ngậm ống tẩu ngồi câu bên bờ sông có những con chó ngoan ngoãn nằm bên cạnh.

- Chú em chiều em lắm, không để em thiếu thốn gì cả - Vân Anh nói - nhưng em vẫn hay buồn. Cái buồn ấy, các bạn em bảo, hiện lên đôi mắt em. Người Pháp vẫn thường bảo đấy là cửa sổ của tâm hồn. Có lẽ đúng. Bởi vì dù sao em cũng là một cô gái mồ côi. Bố em đã chết bất đắc kì tử...

- Em có oán hận gì những người đã giết bố em không?

- Oán hận thì em có thể làm gì được nữa. Lịch sử đã chuyển qua trang khác rồi... Vả lại, em chỉ là một người phụ nữ yếu đuối cô đơn.

- Em thiếu tình cảm gia đình nhưng em có thể có những tình cảm đẹp đẽ khác động viên em, an ủi em. Chẳng hạn... tình bạn... tình yêu.

Vân Anh giương cặp mắt có hàng mi dài và cong, nhìn thăm thẳm vào mắt Phan Thúc Định, hình như muốn ngăn không để Định nói rồi tiếp tục:

- Em không muốn giấu anh làm gì, em có người yêu rồi.

Hai người im lặng. Cái sắc da trên tay Vân Anh buông thõng, đung đưa theo nhịp bước chân chậm rãi của họ. Lại mấy cửa hàng sách cũ... Lại mấy người ngồi câu... Có thêm vài anh hoạ sĩ dựng giá khung đang nheo mắt bôi màu trên vải... Một lát sau, Vân Anh thở dài:

- Người yêu em ở xa lắm.

- Ở Việt Nam.

- Vâng. Còn xa hơn nữa, vì... ở bên kia chiến tuyến.

Lại một phút im lặng.

- Xin lỗi. Em không nói nên anh không dám hỏi, em đã nói thì cho phép anh hỏi nhé: em có thể cho anh biết người ấy là ai được không? - Phan Thúc Định hỏi.

- Đối với anh thì được chứ. Anh Lê Mậu Thành, giáo sư trường trung học Khải Định - Huế.

- Em vừa nói, người ấy ở bên kia chiến tuyến?

- Vâng. Mùa hè năm ngoái, lúc em vừa đỗ xong tú tài phần thứ hai, cũng chính là lúc chúng em xa nhau.

Giọng nói của Vân Anh nhỏ xuống trầm trầm xúc động:

- Chúng em yêu nhau tha thiết, nhưng anh Thành lại yêu lí tưởng của anh ấy hơn cả người yêu. Anh ấy tự nhiên bỏ thành phố Huế lên chiến khu Việt Minh. Anh ấy để lại cho em một bức thư vỏn vẹn có mấy dòng. Em còn nhớ thuộc lòng bức thư đó: "Anh ra đi vì tiếng gọi của Tổ quốc, vì nhiệm vụ thiêng liêng đối với đất nước. Anh biết rằng em không thể đi theo anh được nhưng anh vẫn hi vọng một ngày nào đó, chúng ta sẽ gặp nhau ở chiến khu". Sau đó, em không được tin gì của anh ấy nữa, rồi chú em nhất định bắt em sang đây du học.

Em viết thư cho mấy người bạn cũ của anh Thành, ghi rõ địa chỉ của em bên này, mong mỏi nhận được một lá thư hoặc một tin tức nào đó của anh Thành cũng được nhưng suốt từ đó đến nay, vẫn đằng đẵng tuyệt vô âm tín. Linh cảm em sợ một sự tan vỡ vì anh biết đấy, em không bao giờ đi con đường của anh Thành được. Em với anh Thành ở hai trận tuyến khác nhau. Anh Thành đã theo Việt Minh còn em và Việt Minh có một mối thù không đội trời chung. Chao ôi, khoảng cách về không gian không sợ bằng khoảng cách về tư tưởng.
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2011, 12:03:08 am »

                   Tiếp:
- Trước đó, em có thấy anh Thành nói chuyện gì với em về kháng chiến không?

Đôi lông mày kẻ chì của Vân Anh hơi cau như cố nhớ lại chuyện cũ:

- Anh Thành là một người rất kín đáo. Khi nói chuyện về văn học, nghệ thuật, anh ấy tỏ ra hiểu biết nhiều và nói sôi nổi. Nhưng đối với các vấn đề chính trị, thời cuộc thì anh ấy thường không phát biểu gì.

- Xin lỗi em nhé, em đừng trách anh là quá tò mò, cho anh hỏi thêm một điều: Em vẫn còn yêu anh Thành?

- Tình cảm của em đối với anh Thành vẫn nguyên vẹn. Tình yêu của người phụ nữ không phải dễ thay đổi. Sự đổi thay trong tình yêu là một điều không đẹp đẽ. Huống chi, từ trước đến sau, anh Thành đối với em vẫn rất tốt. Giữa hai chúng em, yêu nhau mấy năm trời, vẫn giữ nguyên được lòng tôn trọng nhau. Chỉ trừ việc anh Thành bỏ đi một cách đột ngột, bất ngờ... Em vẫn mong gặp anh Thành, vẫn chờ đợi anh ấy.

Dòng sông Sen lững lờ trôi. Thỉnh thoảng một chiếc ca nô chở khách lướt sóng để lại một vệt trắng dài ngầu bọt.

Sau buổi ấy, Phan Thúc Định không gặp lại Vân Anh nữa. Có người nói Vân Anh bỏ học, qua Luân Đôn, thủ đô sương mù ảm đạm. Hình ảnh diễm lệ của Vân Anh với đôi mắt buồn sau hàng lông mi dài và cong, hình ảnh những ngày ngồi bên cốc càphê thơm phức ở khu xóm Latinh, hình ảnh những ngày đón nhau ở thư viện về, đi dưới những cây sên mùa đông trụi hết lá, hình ảnh một cuộc dạo chơi bên bờ sông Sen váng vất một tiếng còi canh... lùi dần vào dĩ vãng.

Hai năm qua rồi...

Phan Thúc Định nắm lấy bàn tay mềm mại của Vân Anh mà như thấy dĩ vãng sống lại.

Câu chuyện cũ hiện ra, đồng thời cái tên Lê Mậu Thành nổi bật lên rõ rệt trong óc Phan Thúc Định: "À, Lê Mậu Thành đây rồi. Thế mà mình cứ cố nhớ mãi. Đáp số của bài toán đố anh em họ Ngô ra cho mình ở đây rồi".

Chiếc máy bay đóng cửa, từ từ cất cánh. Sau khi chạy một quãng dài trên đường băng, nó nhấc mình lên, rời khỏi mặt đất. Những căn nhà, lùm cây, những con đường tấp nập người và xe cộ lùi xa, bé dần lại. Rồi đến những cánh đồng, những dòng sông... Rồi nhìn thấy màu nước biển xanh ngắt... Rồi mây trắng bồng bềnh trôi bên ngoài khung cửa, trôi dưới thân máy bay...

Trong lúc Phan Thúc Định và Vân Anh vui mừng gặp lại nhau, họ không ngờ tất cả thái độ, cử chỉ của họ đều được thu gọn, đầy đủ vào cặp mắt của người đàn ông chải chuốt đeo kính mát ngồi cạnh cô con gái. Cô nữ sinh vẫn hồn nhiên, không hay biết gì, vẫn ríu rít trò chuyện.

- Con không thích Sài Gòn bằng Huế, ba ạ. - Cô gái nói - Bởi vì Huế có gia đình ta, sao ba cứ bắt con ở Sài Gòn, ít cho con về thăm Huế?

Người đàn ông đeo kính mát trả lời:

- Tố Loan ạ, lúc này việc học tập của con là trên hết. Con cần để thời gian vào học tập.

- Nhưng con nhớ biệt thự của nhà ta, nhớ dòng sông Hương lắm.

Người đàn ông im lặng, trầm tư như đang mải suy nghĩ làm cô gái không dám hỏi thêm nữa. Sau cặp kính mát hướng thẳng về phía trước mặt, cặp mắt người ấy vẫn thỉnh thoảng nhanh chóng liếc nhìn về phía Phan Thúc Định và Vân Anh.

- Không ngờ lại gặp Vân Anh ở đây. - Phan Thúc Định nói.

- Em cũng vậy. Đúng là quả đất tròn thật.

- Sau buổi em nói chuyện với anh ở bên sông Sen, em đi đâu mà anh không nhận được tin tức gì của em cả?

- Hồi ấy, em mê những bi kịch của Sếch-spia lắm... Em nảy ra ý định muốn đi sâu vào ngôn ngữ Anh. Được chú đồng ý, em qua Anh và xin vào học trường đại học Kem-brít-giơ 1. Mải học nên cũng không viết thư từ cho ai cả, anh tha lỗi cho. Còn anh, đã bảo vệ xong luận án rồi chứ?

- Cảm ơn em, xong rồi.

- Xin có lời chúc mừng anh.

Một cô chiêu đãi viên người Pháp dong dỏng, duyên dáng bưng khay kẹo, bánh ngọt và nước hoa quả đến mời hành khách. Cặp dưới khay bánh kẹo cô ta cầm một bản quảng cáo các đường bay của hãng "Pháp Quốc Hàng Không" in màu sắc sặc sỡ. Đến chỗ Phan Thúc Định, Định nhặt mấy chiếc kẹo sôcôla sữa, rồi lịch sự hỏi cô chiêu đãi viên:

- Xin lỗi, cô có thể cho tôi xin tờ quảng cáo này được không?

Cô chiêu đãi viên nhìn Định, mỉm cười, đưa tờ quảng cáo cho Định:

- Rất vui lòng biếu ông...

Mắt người đàn ông đeo kính mát nhìn quanh tờ quảng cáo. Tờ quảng cáo gấp nếp lại thành nhiều trang nhỏ, ở trang đầu tiên có in hình huy hiệu hãng "Pháp Quốc Hàng Không" nửa mình một con ngựa trắng có cánh bay lên và ảnh cổng khải hoàn môn của thủ đô nước Pháp.

Phan Thúc Định hỏi thêm cô chiêu đãi viên:

- Ở Huế, tôi muốn đặt trước vé máy bay thì gọi điện theo số bao nhiêu?

Cô chiêu đãi viên vẫn duyên dáng:

- Thưa ông số điện thoại 377. Lúc nào chúng tôi cũng mong được hầu ông.

- Cảm ơn cô.

Cô chiêu đãi viên đi sang hàng ghế khác. Phan Thúc Định cất tờ quảng cáo vào trong túi áo nói với Vân Anh:

- Anh thích có những kỉ niệm nho nhỏ trong mỗi chuyến đi. Em về nhà ai ở Huế? - Định hỏi.

- Chú em hiện nay làm việc ở Huế. Em về nhà chú em. Chú đã hẹn ra đón em ở sân bay.

- Em về thăm nhà thôi chứ? Có dự định làm gì nữa không?

Vân Anh nói nho nhỏ như một hơi gió thoảng bên tai Định:

- Em định tìm gặp cho được anh Lê Mậu Thành.

Phan Thúc Định nhìn vào mắt Vân Anh. Anh thấy đôi mắt đượm buồn ấy sâu như biển thẳm.

Óc anh nảy ra một ý nghĩ rất nhanh khi nghe Vân Anh nhắc đến tên Lê Mậu Thành. Sự gặp gỡ tình cờ với người con gái này biết đâu chẳng giúp anh giải được con toán hắc búa do anh em họ Ngô ra cho anh. Gặp Lê Mậu Thành bây giờ thì không nên, nhưng vẫn phải bắt được liên lạc với Lê Mậu Thành cho Ngô Đình Diệm. Hay nhất là qua một người khác để có thể chắp được đường dây với Lê Mậu Thành. Có thể qua Vân Anh.

Phan Thúc Định cũng nói nhỏ:

- Em làm thế nào tìm gặp được anh ấy?

Giọng Vân Anh có vẻ bí mật:

- Em sẽ nói chuyện với anh sau.

Những khu rừng màu xanh bát ngát, con đường số 1 như một sợi chỉ, rồi lại đến làng mạc ruộng nương nhỏ xíu hiện ra dưới thân máy bay.

Máy bay hạ cánh xuống sân bay Phú Bài. Hành khách lục tục bước xuống. Người đàn ông đeo kính mát dần dà bước xuống sau Phan Thúc Định và Vân Anh.

Ở phòng khách đã có một người đàn ông cao to, mặt bèn bẹt, đầu vuốt mượt, y phục sang trọng và diêm dúa một cách quá đáng, bước ra đón Vân Anh. Vân Anh chào:

- Chú ạ! Chú bận thế mà cũng ra đón cháu.

Rồi cô quay sang giới thiệu với Phan Thúc Định:

- Đây là chú em, em đã nói chuyện với anh. Xin giới thiệu với chú đây là anh Phan Thúc Định, tiến sĩ luật khoa, bạn của con từ hồi ở bên Pháp.

- Hân hạnh!

- Hân hạnh!

Cao Xuân Đăng hỏi Định:

- Có ai đi đón anh không?

- Thưa ông, không ạ.

- Anh về phố nào? Tôi có xe, xin mời anh về cùng một thể.

- Cảm ơn ông, tôi ở khách sạn. Tôi có một số việc mua bán ở ngoài phố nữa. Xin ông cho phép vài hôm nữa tôi được đến thăm ông và Vân Anh. Xin mời ông và Vân Anh cứ về trước.

Cao Xuân Đăng không mời thêm câu nào nữa, mở ví rút ra một cái danh thiếp ghi địa chỉ mình, chìa tay ra bắt tay Định:

- Đây là địa chỉ của tôi, lúc nào rảnh, mời anh đến chơi.

Vân Anh cũng chìa bàn tay nuột nà, móng bôi thuốc đỏ chót ra:

- Thế nào anh cũng lại thăm em nhé! Tạm biệt!

Hai chú cháu bước (tới chiếc) Xitrôen 15 màu đen. Cao Xuân Đăng cầm lái, mở máy. Bên trong cửa xe, Vân Anh còn thò bàn tay trắng muốt ra vẫy Định.

Định cũng vẫy tắc xi về khách sạn Thuận Hoá

Người đàn ông đeo kính mát, lúc ấy mới cùng con gái bước ra đường. Miệng gã lẩm bẩm một con số:

- 377.

Trên cái cặp du lịch gã xách, có một cái thiếp nhỏ ghi tên: Phạm Xuân Phòng.

° ° °

Ba ngày sau, Phan Thúc Định theo địa chỉ trên tấm danh thiếp tìm đến nhà Cao Xuân Đăng thăm Vân Anh.

Cao Xuân Đãng đì vắng. Vân Anh tiếp Định ở phòng khách. Trong phòng bày toàn đồ đạc cổ kính: xa lông kiểu Trung Quốc bằng gỗ lim mặt đá vân, một chiếc tủ chạm trổ rồng phượng cầu kì, những bức tứ bình vẽ điển tích với đầy chữ Hán.

Sau những chuyện xã giao bình thường, Phan Thúc Định dẫn dần câu chuyện vào vấn đề ý định của Vân Anh đi gặp Lê Mậu Thành. Vân Anh nhìn Định như dò hỏi nhưng cũng thong thả nói:

- Cách đây ba tháng em ở Luân Đôn về Sài Gòn. Em gặp một người bạn trai trước cùng học ở Huế cho em biết chắc chắn là giáo sư Lê Mậu Thành hiện đang ở chiến khu Việt Minh trong tỉnh Thừa Thiên - Người bạn đó cũng đã bỏ học ra đi theo Việt Minh. Hắn có gặp giáo sư Lê Mậu Thành ở ngoài đó. Hắn không thể lầm được, vì trước hắn đã nghe anh Thành giảng. Ít lâu sau, hắn không chịu được gian khổ nên lại trốn về đầu hàng nhà đương cuộc Pháp. Được biết tin anh Thành, em nảy ra ý định quyết đi tìm anh ấy. Em biết nhiều phụ nữ trong này có chồng ngoài kia vẫn ra thăm chồng được...

Phan Thúc Định nhìn sự trang điểm lúc nào cũng cầu kì chải chuốt của Vân Anh, hỏi:

- Em làm thế nào để ra được ngoài ấy?

- Hoặc là em sẽ đi theo một bà nào đó ra thăm chồng ở ngoài ấy, hoặc là em đến một người cậu có con đi theo Việt Minh, em sẽ nhờ cậu ấy bắn tin là em muốn bỏ vùng quốc gia lên chiến khu.

Chắc Việt Minh sẽ không từ chối một người trí thức muốn theo họ. Hoặc là em sẽ viết đơn hẳn hoi xin phép Việt Minh ra gặp anh Lê Mậu Thành.

- Em làm như viết đơn gửi Việt Minh dễ lắm.

- Em được biết hiện ở Huế đây, có một trạm liên lạc của Việt Minh, gọi là "Trạm 14 Nội thành".

- Em giỏi thật. Em vừa ở nước ngoài về được mấy tháng sao đã biết được trạm liên lạc của Việt Minh?

Vân Anh ngước nhìn Phan Thúc Định, môi trên đỏ chót hơi nhếch lên:

- Anh tò mò quá nhỉ.

Phan Thúc Định cảm thấy ở Vân Anh có một điều gì bí ẩn mà anh chưa rõ "Tại sao cô ta lại biết được? Cô ta tìm gặp Lê Mậu Thành có phải do tiếng gọi của tình yêu không? Chắc không phải chỉ có thế. Còn có cái gì nữa chứ?". Nhưng bắt người thiếu nữ này nói rõ sự thật không phải là chuyện dễ. Phan Thúc Định đành phải dùng một đòn táo bạo hơn:

- Vân Anh ạ, có một điều trước đây anh chưa nói cho em rõ là anh có quen anh Thành từ xưa. Nếu Vân Anh gặp anh Thành, thì nói hộ anh rằng: Người bạn cũ của Thành nhà ở bên núi Ngự Bình có lời hỏi thăm và muốn biết anh Thành đã làm xong sự nghiệp lớn chưa?

Vân Anh mỉm cười:

- Vâng, em sẽ nhắc đúng như lời anh dặn: "Người bạn cũ của Thành nhà ở bên núi Ngự Bình có lời hỏi thăm...".

- Vân Anh cố nói với anh Thành viết thư cho người bạn ở bên núi Ngự nhé.

- Viết nói gì?

- Điều ấy tuỳ anh Thành thôi.

Nụ cười trên môi Vân Anh trở nên bí mật:

- Hay là giữa anh và anh Thành có âm mưu gì?

Rồi Vân Anh nhún vai:

- Phải. Biết đâu đấy. Đời bây giờ chỗ nào chẳng có âm mưu và âm mưu, bí mật và bí mật.

Phan Thúc Định cười to:

- Em bắt nọn giỏi thật.

Vân Anh khẽ đập tay vào Phan Thúc Định, giọng đổi khác:

- Ông Tiến sĩ Luật ơi, ông hãy nói thật với tôi đi: có phải người ta đã giao cho ông nhiệm vụ bắt mối liên lạc với Lê Mậu Thành đó không? Nếu không, tại sao lại có mật khẩu "núi Ngự Bình"?... Nhưng thôi, đó là công việc của các anh. Còn tôi, tôi chỉ cần gặp anh Thành là đủ rồi. Và, anh yên chí, tôi hứa khi gặp anh Thành, tôi sẽ nói lại lời anh dặn...

- Thế... cô là ai?

- Em là em... là Vân Anh!
                                                 Hết chương 2
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2011, 12:06:58 am »

                         
CHƯƠNG 3

Gặp lại người xưa

Đồng chí Vũ Long - trưởng ban công tác đặc biệt Trị Thiên - đặt tập hồ sơ trên tay xuống, hỏi đồng chí Trần Mai - đội trưởng một đội công tác nội thành của thành phố Huế - ngồi trước mặt mình:

- Đồng chí vừa nói trong đơn xin phép vào chiến khu của Cao Thị Vân Anh ghi là xin vào thăm ai?

- Báo cáo anh, cô ta xin vào thăm Lê Mậu Thành và nói là chồng chưa cưới.

- Đồng chí cho tôi biết rõ hơn về Vân Anh.

Trần Mai mở chiếc sắc-cốt đặt bên mình, lấy ra quyển sổ tay, anh tìm một trang có ghi về điều Vũ Long hỏi, nói:

- Như anh đã biết sơ qua đấy: Vân Anh, năm nay hai mươi nhăm tuổi, con án sát Cao Xuân Thọ. Thọ bề ngoài là một quan lại của triều đình bù nhìn Huế, hắn còn là một chỉ điểm riêng của tên khâm sứ cáo già Pháp Gơ-ráp-phơi. Hắn đã cài một số tay chân xuống tận các xã, thôn để dò la những hoạt động của nhân dân. Hắn đã xử rất nặng những người đấu tranh cho độc lập tự do. Ngay cả những viên quan lại của Nam triều, người nào liêm khiết, dễ dãi với nhân dân cũng bị hắn báo cáo ngầm cho Pháp biết. Hắn đã nhận nhiều ân huệ về tiền nong, ruộng đất của thực dân Pháp ban thưởng cho công lao đó. Thực dân Pháp đang dự định thăng hắn lên tổng đốc thì cách mạng tháng Tám bùng nổ. Hắn đã chống đối lại cách mạng, hô lính bắn vào đoàn nhân dân biểu tình thị uy cướp chính quyền.

Trước khí thế của nhân dân, bọn lính không theo lệnh hắn đã tan chạy hết. Hắn bị bắt và bị toà án nhân dân kết án tử hình. Vợ hắn đem Vân Anh về ở với người em ruột của hắn là tham tá Cao Xuân Đăng. Ít lâu sau, vợ hắn cũng chết, Vân Anh ở với Cao Xuân Đăng. Đăng ra làm tay sai cho Pháp, khi Pháp quay trở lại. Do công lao của tên anh ruột trước đây, do thái độ trung thành với đế quốc, Đăng được bọn thực dân cho làm tỉnh trưởng. Hắn đang có âm mưu muốn leo nữa, thường thì thọt đi lại nhà riêng tên Nguyễn Đệ, đổng lí văn phòng của Bảo Đại, định làm một ghế bộ trưởng, thứ trưởng gì đó của chính phủ bù nhìn. Hắn nuôi Vân Anh cũng có dụng ý riêng. Hắn muốn dựa vào công lao đối với thực dân và cái chết của tên Thọ để được tín nhiệm với Pháp. Tuy mang tiếng là nuôi Vân Anh nhưng thực ra tất cả tiền ăn học của Vân Anh hồi ở Huế cũng như học bổng sang Pháp du học của Vân Anh đều do Pháp trợ cấp hết.

Hình như chính Vân Anh cũng không biết điều đó, bởi mọi việc đơn từ xin xỏ, kể công với thực dân Pháp đều do tên Đăng làm, mọi giấy tờ chứng nhận cũ của tên Thọ, Đăng còn giữ được cả. Riêng về Vân Anh thì hồi còn đi học ở Huế thường ít nói, hay buồn, hay tránh những cuộc tụ họp đông đảo của học sinh, thanh niên. Trong thời kì này, Vân Anh gặp Lê Mậu Thành và yêu Thành, sau đó Lê Mậu Thành ra vùng ta thì Vân Anh cũng sang Pháp. Theo sự điều tra của ta thì thời kì Vân Anh ở Pháp, chủ yếu là cô ả đi học chứ chưa có hoạt động gì cho bọn đế quốc cả. Lúc sang học ở Kem-brít-giơ thì có hiện tượng hay vào phòng thông tin Mỹ mượn sách báo. Mùa hè năm nay trước khi về nước, cô ả có sang Mỹ một tháng dưới danh nghĩa ở trong đoàn đi du lịch tìm hiểu nước Mỹ, do phòng thông tin Mỹ ở Anh tổ chức.

Việc sang Mỹ này Vân Anh không cho ai biết cả. Về nước cô ta có đến phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn vài lần. Theo phán đoán của tôi thì có thể là Vân Anh đã bị bọn tình báo nước ngoài mua chuộc trong thời kì ở Anh. Việc cô ta đến phòng thông tin Mỹ ở Sài Gòn chắc không phải chỉ là để mượn sách đọc báo, mà có thể là để nhận chỉ thị gì của bọn địch. Bởi vì rất nhiều tên gián điệp của Mỹ không bao giờ đến tiếp xúc trực tiếp với Toà đại sứ Mỹ mà chỉ qua bọn đội lốt nhân viên phòng thông tin.

Đồng chí Vũ Long lắng nghe Trần Mai nói rất chăm chú. Mái tóc sớm hoa râm, trên khuôn mặt hãy còn trẻ của anh, hơi nghiêng nghiêng. Đôi lúc lông mày anh hơi cau lại như phân tích những sự việc Trần Mai kể, anh cầm bút ghi một vài chữ vào giấy. Khi Trần Mai nói xong, anh mỉm cười:

- Không phải có thể nữa đâu mà chính Vân Anh đã là người của tình báo nước ngoài rồi đấy.

Tài liệu của đỏng chí thu thập được và sự phán đoán của đồng chí về Vân Anh rất phù hợp với những điều đồng chí X.30 báo cáo về. Việc Vân Anh xin ra vùng ta nhờ đồng chí X.30, chúng ta cũng đã được biết trước. Nhưng cô ta ra đây mục đích gì là chúng ta chưa rõ. Việc xin phép ra này cũng là cách cô ta đánh một ván bài cao tay với ta đây. Vân Anh xin phép công khai chứ không lẻn ra bí mật vì biết rằng với sự kiểm soát chặt chẽ của ta, cô đi bí mật thì ta cũng biết và có thể ta sẽ vin vào cớ đó mà giữ cô ta lại, gây thêm nhiều rắc rối cho cô ta. Còn một điều nữa, nếu Vân Anh lẻn ra bí mật tiếp xúc với Lê Mậu Thành thì sẽ gây thêm cho ta mối nghi ngờ lớn đối với Thành - nếu chúng ta chưa hiểu biết gì về Thành. Cô ta xin phép công khai như thế này để dễ đánh lạc hướng chúng ta, làm chúng ta tin rằng một khi đi đàng hoàng như thế là không có ẩn ý gì như trăm nghìn người khác vẫn ra thăm người thân ngoài vùng ta. Nếu chúng ta không cho phép Vân Anh ra, Vân Anh vin vào cớ đó nói rằng chúng ta ngăn cản sự đi lại, chia cắt tình cảm gia đình, buông "bức màn sắt" - như bọn địch vẫn thường rêu rao một cách khả ố. Vả lại, như thế chẳng khác gì báo cho địch rằng ta đã biết cô ta là ai rồi và làm cho Lê Mậu Thành thấy động.

Trần Mai nhìn người thủ trưởng của mình và nhận xét thấy gần đây tóc Vũ Long lại thêm nhiều sợi bạc nữa. Anh nghĩ thầm: "Làm gì mà không sớm bạc đầu. Ngũ Tử Tư chỉ một đêm suy nghĩ, tóc đã trắng xoá hết, huống chi đằng này phải đối phó với những kẻ địch vô cùng nham hiểm độc ác, nhiều mưu sâu kế hiểm, len lỏi cài vào khắp nơi. Làm sao phân biệt được người ngay với kẻ gian?
Logged
vmt
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 959



« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Ba, 2011, 12:10:29 am »

                             Tiếp
 


Người ngay thì phải bênh vực, bảo vệ. Kẻ gian thì phải trừng trị, nhưng không phải đối phó với kẻ gian nào cũng giống với kẻ gian nào. Người làm công tác đặc biệt này phải hàng ngày hàng giờ luôn suy nghĩ, nhận xét, phán đoán, phân tích, tổng hợp đề ra biện pháp, kế hoạch... Mình đến năm bốn mươi tuổi cũng bạc đầu sớm mất". Anh lại có thêm một nhận xét nữa về thủ trưởng của mình: "Mỗi lúc Vũ Long suy nghĩ thì nét mặt anh thật nghiêm nghị, già hẳn đi, nhưng khi anh cười lại thấy anh như trẻ hắn lại, niềm lạc quan, yêu đời ánh lên trong cặp mắt đen thông minh, với hàm răng trắng bóng của anh". Trần Mai tự nhủ: "Công tác này làm người ta già trước tuổi nhưng mình lúc nào cũng phải giữ được lạc quan như anh ấy. Điều ấy thật là khó, tuy vậy đấy cũng mới chỉ là một nét của con người cách mạng".

Thấy Vũ Long trở lại vấn đề Lê Mậu Thành, Trần Mai hỏi:

- Anh đã xác minh được vấn đề Lê Mậu Thành chưa?

- Vấn đề Lê Mậu Thành đã rõ rồi. Lê Mậu Thành tên thật là Lê Hùng. Bố hắn là Lê Dục, thường gọi là Hàn Dục, có đồn điền trồng cà phê ở Kon-tum và có nhiều ruộng đất ở Quảng Ngãi. Lê Mậu Thành là con thứ hai của Hàn Dục. Vào đảng Đại Việt Quốc xã khi Nhật sang, sau khi Nhật đầu hàng, hắn cùng đồng bọn tìm cách lẩn trốn. Hùng đổi tên là Lê Mậu Thành, giấu kín quá khứ, đi dạy học ở trường Khải Định. Hắn nổi tiếng nói chuyện hay, nên đã lôi kéo được một số thanh niên học sinh. Năm 1951, hắn bắt liên lạc với ta, bỏ dạy học, từ giã bạn bè ra vùng giải phóng xin tham gia kháng chiến.

Chúng ta đã đón tiếp hắn niềm nở, theo nguyện vọng muốn tham gia công tác của hắn, xếp hắn công tác ở cơ quan giáo dục. Hai năm nay, ở co quan hắn làm việc rất tích cực, chứng tỏ có nhiều khả năng, hay đi lại thăm hỏi săn sóc anh em, được anh em trong cơ quan tín nhiệm. Nhưng nghiên cứu lí lịch tự khai của hắn, ta thấy hắn giấu cái quá khứ tham gia Đảng Đại Việt mà hắn tưởng ta không biết. Đồng thời bảo vệ cơ quan cho biết hắn thường xuyên lân la tiếp xúc với nhiều người trong đó có một số phần tử có nghi vấn về thái độ chính trị. Những điều ấy làm chúng ta phải nghiên cứu. Một thời gian chúng ta chưa kết luận được gì về Lê Mậu Thành vì thấy hắn hoàn toàn không liên hệ gì với tay chân của bọn Phòng Nhì Pháp cả, trong khi hầu hết bọn Đại Việt khác đều chuyển sang làm tay sai cho Pháp. Gần đây theo bản báo cáo của đồng chí X.30, thì ra hắn là người của Ngô Đình Diệm cài vào hàng ngũ ta...

Sở dĩ ta vẫn để Lê Mậu Thành ở đây vì muốn theo dõi thêm hoạt động của hắn, để có những chứng cứ cụ thể mà hắn không chối cãi được và xem đồng bọn của hắn như thế nào? Ta phải phán đoán xem mục đích của Vân Anh gặp hắn để làm gì? Có phải là vì tình yêu hay đây chỉ là mối dây liên lạc đầu tiên giữa bọn gián điệp.

Hai người cùng im lặng. Từ bên ngoài một tiếng chim hót lảnh lót bay vào.
       
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM