Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 06:36:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Thế giới: Một góc nhìn  (Đọc 46863 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #10 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:22:03 am »

TỪ RIC ĐẾN BRIC: MỘT TỔ CHỨC QUỐC TẾ CÓ SỨC LAN TỎA MẠNH MẼ TRONG THẾ GIỚI ĐƯƠNG ĐẠI

   Một diễn đàn gây sự chú ý và ấn tượng mạnh

   Trung tuần tháng 5-2008, tại thành phố I-a-ca-te-ren-bua (Yakaterinburg) của nước Nga diễn ra cuộc gặp đầu tiên cấp Ngoại trưởng của bốn nước đồng thời là bốn nền kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ gồm Bra-xin (Brazil), Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Như vậy, từ diễn đàn “tam giác chiến lược” Nga - Ấn Độ - Trung Quốc, gọi tắt là RIC, gồm ba chữ cái đầu tiên của ba nước là Nga (Russia), Ấn Độ (India) và Trung Quốc (China), nay có thêm Bra-xin, trở thành BRIC, hình thành nên một tứ giác kinh tế và chính trị cạnh tranh với Diễn đàn G-8 của các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới.

   Việc lựa chọn I-a-ca-te-ren-bua là địa điểm nằm trên dãy núi U-ran trải dài xuyên qua hai lục địa châu Âu và châu Á làm nơi tổ chức diễn đàn BRIC năm 2008 thể hiện rõ sắc thái liên kết Á - Âu trong chính sách đối ngoại của nước Nga dưới thời cầm quyền của cựu Tổng thống V.Pu-tin. Nếu dựa trên dự báo của nhiều chuyên gia phân tích chính trị và kinh tế quốc tế cho rằng thế kỷ XXI là “thế kỷ của châu Á”, thì định hướng Á - Âu trong chiến lược đối ngoại của các nước trong tam giác chiến lược Nga - Ấn Độ - Trung Quốc nói lên nhiều điều.

   “Cha đẻ” của ý tưởng xây dựng “tam giác chiến lược Nga - Trung - Ấn” là cựu Ngoại trưởng Liên Xô và là cựu Thủ tướng Nga, ông Pri-ma-cốp (Primacov). Khi lần đầu ông Pri-ma-cốp đề xuất ý tưởng này vào năm 1998, nhiều chuyên gia nghiên cứu chính trị và không ít chính khách lúc đó đánh giá là “không thiết thực” và “không có tính khả thi”. Mười năm sau, tam giác chiến lược Nga - Trung Quốc - Ấn Độ không những trở thành hiện tượng kinh tế - chính trị sống động mà còn có sức lan toả mạnh mẽ ra bên ngoài phạm vi lục địa Á - Âu, trở thành diễn đang có quy mô và tính chất toàn cầu.

   Lần này, tại diễn đàn BRIC ở I-a-ca-te-ren-buôc, các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Bra-xin đã ra Thông cáo chung phản đối mạnh mẽ chủ nghĩa đơn phương của các nước phương Tây và kêu gọi các quốc gia cùng góp sức xây dựng một hệ thống quan hệ quốc tế mới dân chủ hơn và đa phương hơn, tiếp tục sự hợp tác giữa các nước mở rộng với G-8 trên nguyên tắc công bằng và bình đẳng. BRIC cho rằng, sự phát triển bền vững về lâu dài của nền kinh tế thế giới cũng như các giải pháp cho những vấn đề toàn cầu cấp thiết hiện nay như xoá đói giảm nghèo và chống bệnh tật chỉ có thể thực hiện được một khi các quốc gia tính đến lợi ích của nhau trong một hệ thống quan hệ kinh tế toàn cầu công bằng.

   Cũng tại Hội nghị ngoại trưởng các nước BRIC lần này, Ngoại trưởng Nga khẳng định: “Chúng tôi là những nước phát triển nhanh nhất thế giới, có nhiều lợi ích chung trong thế giới toàn cầu hóa và chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong việc xây dựng một thế giới dân chủ, công bằng và ổn định hơn”. Còn Ngoại trưởng Bra-xin, ông Xen-lô A-mô-rim (Celso Amorim) tuyên bố: “Chúng tôi đang thay đổi trật tự thế giới hiện nay”. Ngoại trưởng của bốn nước thống nhất ghi nhận tiến bộ trong các lĩnh vực hợp tác nông nghiệp, y tế, dược phẩm, cứu trợ thảm họa và kinh tế. Sự bất đồng duy nhất trong cuộc gặp BRIC đầu tiên là Trung Quốc từ chối cam kết ủng hộ nỗ lực của Ấn Độ và Bra-xin vào ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc do Nga đề xuất. Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng đến quyết tâm của cả bốn nước trong việc thể chế hóa BRIC thành một diễn đàn kinh tế và chính trị. Ngoại trưởng bốn nước đã đồng ý gặp lại bên lề cuộc họp lần thứ 63 Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 9-2008 và gặp riêng tại Ấn Độ vào năm 2009 song song với cuôc gặp của các nước RIC.

   Một động thái đáng chú ý là hai nước Bra-xin và Ấn Độ vừa là thành viên của BRIC, vừa là thành viên của Diễn đàn Đối thoại IBSA, gồm các nước Ấn Độ, Bra-xin và Nam Phi, tổ chức tại Nam Phi chỉ vài ngày trước khi diễn ra Hội nghị BRIC ở I-a-ca-te-ren-bua. Vì thế, không loại trừ khả năng, sẽ có sự hợp tác chặt chẽ giữa các diễn đàn này, trong đó Ấn Độ sẽ có vai trò đặc biệt như là sợi dây kết nối giữa họ.
 
   Cũng tại I-a-ca-te-ren-bua, trong Thông cáo chung của RIC, lần đầu tiên đưa ra quan điểm chung của ba nước về các vấn đề quốc tế do Ấn Độ thay đổi lập trường về vấn đề Cô-xô-vô và I-ran. Về Cô-xô-vô, Ấn Độ cùng với Nga và Trung Quốc phản đối tuyên bố độc lập đơn phương và coi hành động đó là “trái với Nghị quyết 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”, đồng thời kêu gọi nối lại đối thoại giữa chính quyền ở Xéc-bi và ở Cô-xô-vô. Trước khi diễn ra hội nghị BRIC ở I-a-ca-te-ren-bua, Ấn Độ chỉ tuyên bố rằng họ “đang xem xét diễn biến tình hình”. Về I-ran, Ngoại trưởng Ấn Độ, ông Mu-khây-de (Mukherjee), tuyên bố rằng, họ ủng hộ quyền sử dụng năng lượng hạt nhân vì hòa bình của I-ran, nhưng phải tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế, đồng thời khẳng định rằng các vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của I-ran phải do IAEA giải quyết. Ấn Độ chủ trương dùng giải pháp chính trị và ngoại giao thông qua đối thoại để giải quyết vấn đề hạt nhân I-ran.

   Một trong những thay đổi đáng kể nhất trong lập trường của Ấn Độ là vấn đề gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) gồm Nga, Trung Quốc và bốn nước Trung Á. Năm 2007, Ấn Độ tham dự SCO với vai trò là quan sát viên, tuyên bố sẽ tránh tham gia SCO về mặt quân sự, chiến lược và chính trị. Lần này, tại I-a-ca-te-ren-bua, Ngoại trưởng Ấn Độ lần đầu phát biểu quan điểm muốn được là thành viên đầy đủ của tổ chức này và cảm ơn Nga và Trung Quốc khuyến khích Ấn Độ tham gia tích cực các hoạt động của SCO.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #11 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:23:01 am »

   Tương lai của BRIC

   BRIC có nhiều đặc điểm chung rất đáng chú ý. Đây là những nước có dân số lớn (Trung Quốc: 1,321 tỉ người; Ấn Độ: 1,132 tỉ; Nga: 142 triệu; Bra-xin: 186,112 triệu). Tổng cộng, 4 nước BRIC chiếm tới 40% dân số thế giới, nhiều gấp 3 lần dân số các nước G-8. Các nước trong BRIC có diện tích lãnh thổ rộng, tiềm lực quân sự hùng mạnh. Ba trong bốn quốc gia trong BRIC là các cường quốc hạt nhân. Về mặt kinh tế, BRIC tập hợp các nền kinh tế đang nổi lên có thực lực và tiềm lực phát triển hùng hậu, đang cải cách mạnh mẽ và đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao. Về văn hoá, đó là 4 nền văn hoá lâu đời, giàu bản sắc và truyền thống.

   Theo đánh giá của Tập đoàn ngân hàng lớn nhất thế giới “Goldman Sachs”, nếu không có gì xảy ra ngoài dự tính của họ, sau 50 năm nữa, các nước BRIC sẽ là những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới. Chỉ trong vòng 4 năm kể từ lúc “Goldman Sachs” công bố kết quả nghiên cứu dự báo của họ vào năm 2003, quy mô kinh tế của các nước BRIC cộng lại tính theo GDP đều xấp xỉ các nước trong Nhóm G-6, gồm Anh, Đức, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Pháp. Quy mô nền kinh tế của Ấn Độ sẽ vượt Nhật Bản vào năm 2032 và Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2040. Nếu năm 2003, tổng GDP tính bằng USD của BRIC bằng 15% tổng GDP của G-6, thì đến năm 2040 sẽ ngang bằng và đến năm 2050 sẽ lớn gấp rưỡi. Năm 2050, 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ lần lượt là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Bra-xin và Nga, trong đó có 4 nước thuộc BRIC.

   Nếu xét về thu nhập GDP trên đầu người, đến năm 2050, các nước BRIC vẫn ở mức thấp hơn các nước G-6. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng kinh tế, tỷ giá hối đoái thực tế giữa đồng tiền của các nước BRIC so với đồng USD sẽ tăng lên. Vì vậy, trong tương lai, GDP của BRIC khi quy đổi ra USD sẽ lớn hơn đáng kể so với trường hợp giả định tỷ giá hối đoái không thay đổi. Các công trình nghiên cứu dự báo của “Goldman Sachs” cũng lưu ý về sự thay đổi tỷ giá hối đoái này.

   Có thể nói, tiếp thu ý tưởng ban đầu của cựu Thủ tướng Pri-ma-cốp, nước Nga đã có sáng kiến tổ chức cuộc gặp Ngoại trưởng các nước RIC lần thứ nhất bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002, chủ trì một cuộc họp khác của RIC tại Vơ-la-đi-vô-stốc (Vladivostok) thuộc Viễn Đông của Nga, năm 2005 và cuộc gặp cấp cao ba nước RIC bên lề Hội nghị G-8 tại Xanh Pê-tec-bua (St. Petersburg) năm 2006. Tháng 05-2008, lần đầu tiên, BRIC tổ chức cuộc gặp cấp ngoại trưởng cũng trên lãnh thổ Liên bang Nga.

   Là một thành viên của G-8 hơn 10 năm qua nhưng nước Nga không có nhiều động lực để tham gia tích cực. Khi Nga giữ chức Chủ tịch G-8 năm 2006, Tổng thống V.Pu-tin đã có sáng kiến khởi động quá trình chuyển đổi từ câu lạc bộ của các nước công nghiệp phát triển và giàu có ở phương Tây thành một diễn đàn rộng rãi hơn, trong đó có những nước chủ chốt khác như các nước là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vì thế, Bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao, Giáo dục và Y tế của 5 nước mở rộng gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Bra-xin, Nam Phi và Mê-hi-cô đã lần đầu tiên tham dự các cuộc họp của G-8. Cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin cũng ủng hộ việc mở rộng G-8 thành một cấu trúc mới trong các mối quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, đối thoại giữa G-8 và các nước mở rộng vẫn bị hạn chế. Thí dụ, Nhật Bản, nước chủ nhà Hội nghị cấp cao G-8 năm 2008 tại Hô-kai-đô (Hokkaido) hạn chế cuộc gặp giữa G-8 với các nước mở rộng vẻn vẹn trong một buổi sáng làm việc. Ngoại trưởng Nga La-vơ-rốp cho rằng, Tô-ky-ô đã bác bỏ những nỗ lực của Nga về việc dành cho các nước mở rộng quyền được tham dự nhiều nội dung của Hội nghị. Ông La-vơ-rốp tuyên bố tại cuộc họp của BRIC rằng Mỹ và Nhật phản đối việc mở rộng G-8.

   Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia chính trị - kinh tế quốc tế, các nước công nghiệp phát triển phương Tây không thể kìm hãm được tốc độ tăng trưởng và sự lan toả ảnh hưởng mạnh mẽ của BRIC. Đối với Nga, việc tham gia các diễn đàn đa phương như RIC, BRIC hay SCO dưới thời cựu Tổng thống V.Pu-tin là hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đến nay vẫn được Tổng thống kế nhiệm theo đuổi. Các cuộc họp của RIC, BRIC tại I-a-ca-te-ren-bua là diễn đàn quốc tế quan trọng đầu tiên dưới thời Tổng thống Đ.Mét-vê-đép. Trong chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tới Ca-dắc-xtăng và Trung Quốc, hai nước đã ký Tuyên bố chung khẳng định cùng hợp tác để tăng cường các mối quan hệ trong BRIC và RIC./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #12 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:25:47 am »

KHOẢNG KHÔNG VŨ TRỤ LIỆU CÓ TRỞ THÀNH CHIẾN TRƯỜNG “NÓNG” TRONG THẾ KỶ XXI?

   Từ nửa cuối thế kỷ XX, bắt đầu một cuộc chạy đua về khoa học, thể diện quốc gia, ưu thế công nghệ, sức mạnh quân sự và kinh tế, khởi nguồn từ sự kiện lần đầu tiên Liên Xô phóng thành công vệ tinh nhân tạo của Trái Đất (04-10-1957) và tiếp đến là Mỹ lần đầu tiên đưa người đổ bộ xuống Mặt Trăng (20-07-1969). Đến nay, bị cuốn hút vào cuộc chạy đua trong vũ trụ không chỉ có Nga và Mỹ, mà còn nhiều quốc gia khác như Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Pa-ki-xtan, I-ran, Bra-xin... Liệu khoảng không vũ trụ - “chiến trường thầm lặng” có thể trở thành “chiến trường nóng” trong thế kỷ XXI hay không?

   Vai trò của vũ trụ trong quân sự và kinh tế ngày càng tăng

   Các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh (1991), chiến tranh Cô-xô-vô (1999) và chiến tranh I-rắc năm 2003 là thực tế sinh động chứng tỏ rằng các đội quân đội hiện đại phụ thuộc cốt tử vào các phương tiện trinh sát, dẫn đường, chỉ thị mục tiêu bố trí trên vũ trụ. Về phương diện này, Mỹ đã có hệ thống dẫn đường bằng vệ tinh GPS, còn Nga có hệ thống GLONASS và các nước Châu Âu có hệ thống Galileo tương tự như của Mỹ. Không chỉ có thế, vũ trụ còn là cao điểm lý tưởng có tầm bao quát toàn cầu mà từ đó các quốc gia có thể bố trí hoặc triển khai các hệ thống vũ khí có thể tiến công vào bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất, vào bất cứ thời điểm nào.

   Trong lĩnh vực kinh tế, các tổ chức thương mại ngày càng quan tâm đến vũ trụ bởi lẽ, nhiều ngành kinh tế hiện đại sẽ không thể tồn tại và phát triển được nếu thiếu vai trò của các vệ tinh nhân tạo bay quanh Trái Đất làm nhiệm vụ truyền thông. Hiện nay, trên quỹ đạo xung quanh Trái Đất có khoảng 550 vệ tinh, trong đó đa số thực hiện các chức năng dân sự. Một nửa số vệ tinh này là của Mỹ, phần lớn là vệ tinh phục vụ mục đích dân dụng. Nhiều tổ chức thương mại ngày càng bị cuốn hút vào vũ trụ. Thí dụ, hãng truyền thông vệ tinh quốc tế “International Telecom Satellite Organization” đã phóng lên quỹ đạo 60 vệ tinh, nhiều hơn cả số vệ tinh của cả nước Đức và nước Pháp cộng lại. Chỉ tính riêng trong năm 2001, đầu tư của các công ty tư nhân vào các chương trình vũ trụ đã lên tới con số khổng lồ, vào khoảng 100 tỉ USD, và có xu hướng không ngừng gia tăng từ đó tới nay. Trên quy mô thế giới, có khoảng 1.100 hãng và công ty có các hoạt động liên quan đến khai thác khoảng không vũ trụ. Tổng số các đơn đặt hàng của ngành công nghiệp vũ trụ Mỹ hàng năm tăng 20%. Theo dự báo của Tạp chí “Air Force” (Mỹ ), trong 5 năm tới, thế giới sẽ đầu tư khoảng 500 tỉ USD cho các chương trình vũ trụ và sẽ có 1000-1500 vệ tinh mới được phóng lên quỹ đạo.

   Hãng nghiên cứu khoa học “Forecast International” dự báo, khối lượng thị trường sản xuất các thiết bị quang học điện tử cho các khí tài vũ trụ trong 10 năm tới sẽ đạt tới con số 15,7 tỉ USD. Thị phần của Mỹ chiếm 61%. Còn nhiều khu vực khác đều hoạt động dưới quyền kiểm soát hoàn toàn của các hãng công nghiệp ở Mỹ như “Lockheed Martin”, “Raytheon”, “Rafael”, “Northrop”, “Grumman” và “Boeing”.

   Mặt Trăng - “Vùng Vịnh trong thế kỷ XXI”

   Theo Viện sĩ Ga-li-môp (Galimov), Giám đốc Viện hoá học địa lý và hoá học phân tích thuộc Viện hàn lâm khoa học Nga, trong những năm gần đây, giới khoa học và công nghiệp ngày càng quan tâm nhiều đến khả năng sử dụng một dạng tài nguyên năng lượng được khai thác từ Mặt Trăng. Đó chất Hê-li-3, một dạng đồng vị của nguyên tố hoá học có tên là Hê-li. Hê-li-3 sẽ được dùng để tạo ra phản ứng tổng hợp nhiệt hạch có điều khiển. Tại Hội nghị lần thứ 3 về nghiên cứu và khai thác Mặt Trăng được tổ chức ở Mat-xcơ-va năm 1998, hai nhà khoa học Mỹ đã đọc một bản tham luận đầy ấn tượng mang tựa đề “Mặt Trăng - Vùng Vịnh trong thế kỷ XXI”, với hàm ý là các mỏ chứa chất Heli-3 trên Mặt Trăng sẽ là nguồn cung cấp năng lượng quan trọng cho loài người trên Trái Đất giống như dầu mỏ của Vùng Vịnh hiện nay.

   Hiện tại, chi phí để chuyên chở 1kg trọng lượng trên quãng đường từ Trái Đất lên Mặt Trăng và từ Mặt Trăng về Trái Đất vào khoảng 20 nghìn - 40 nghìn USD. Để chuyển 1 tấn Heli-3, cần phải chuyển 2-5 tấn vật liệu đi kèm. Để chuyển 1 tấn Heli-3 từ Mặt Trăng về Trái Đất sẽ phải cần tới 100 triệu USD. Thoạt nhìn có thể thấy đây là con số quá lớn, nhưng thực ra nó chỉ chiếm 1% giá năng lượng mà 1 tấn Heli-3 có thể tạo ra trên Trái Đất. Để tổ chức khai thác Heli-3 trên Mặt Trăng ở quy mô công nghiệp, cần phải phát triển nhiều ngành công nghiệp trên Mặt Trăng. Chi phí để nghiên cứu và phát triển công nghệ này, theo ước tính của các nhà khoa học, vào khoảng 15 tỉ USD nhưng sau đó, lợi nhuận thu được sẽ là con số khổng lồ.

   Hiện nay, dầu mỏ và khí đốt chiếm tới 60-80% cán cân năng lượng thế giới. Theo dự báo, với mức độ tiêu thụ như lúc này, dầu mỏ sẽ cạn kiệt vào cuối thế kỷ XXI, thậm chí, một số chuyên gia còn dự báo dầu mỏ sẽ cạn kiệt vào năm 2050 - năm mà dân số thế giới sẽ tăng gấp đôi.

   Nếu mức độ tiêu thụ năng lượng tính theo đầu người ở các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ ngang bằng với mức độ tiêu thụ năng lượng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, thì mức độ tiêu thụ năng lượng trên toàn thế giới có thể tăng 5-8 lần. Theo các chuyên gia, hiện có nhiều nguồn năng lượng thay thế, nhưng tổng cộng lại, không có khả năng hoàn toàn thay thế dầu mỏ và khí đốt.

   Trong tương lai, dù các nguồn năng lượng thay thế có lớn đến mức độ nào đi nữa thì việc giải quyết căn bản vấn đề năng lượng của nhân loại chỉ có thể thực hiện được bằng cách sử dụng năng lượng hạt nhân. Nhưng năng lượng hạt nhân do các nhà máy điện nguyên tử hiện nay cung cấp bị hạn chế bởi khối lượng chất thải phóng xạ quá lớn. Việc phát triển hàng loạt nhà máy điện nguyên tử tiềm ẩn những hậu quả chưa thể lường hết được đối với môi trường sinh thái. Để hạn chế hậu quả đó phải sử dụng năng lượng tổng hợp nhiệt hạch, trong đó, công nghệ tổng hợp nhiệt hạch có triển vọng nhất, sạch nhất và an toàn nhất là sử dụng Heli-3. Theo khẳng định của các nhà khoa học, phản ứng tổng hợp nhiệt hạch trên cơ sở Heli-3 là một nguồn năng lượng thay thế dầu mỏ và khí đốt không có đối thủ cạnh tranh. Trong tương lai không xa, công nghệ phản ứng tổng hợp nhiệt hạch dựa trên nguyên tử Heli-3 sẽ tạo ra một nguồn năng lượng gần như vô hạn.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #13 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 10:31:01 am »

   Chiến lược của Mỹ là độc chiếm khoảng không vũ trụ

   Theo báo “The Washington Post”, ngày 10-10-2006, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ ký sắc lệnh phê chuẩn “Chính sách vũ trụ quốc gia” - văn kiện đầu tiên xác định các nguyên tắc cơ bản của Mỹ trong khai thác khoảng không vũ trụ và đặt dấu chấm hết đối với việc nghiên cứu soạn thảo các điều luật quốc tế nhằm kiểm soát quá trình chạy đua vũ trang trong vũ trụ. Văn kiện này xác định rõ quyền của Mỹ ngăn chặn “các quốc gia không thân thiện” tiếp cận khoảng không vũ trụ. Theo Oa-sinh-tơn, quyền tự do hành động của Mỹ trong vũ trụ cũng quan trọng như quyền tự do đi lại trên không và trên biển. Bình luận về sắc lệnh của Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ, ông Phơ-re-đơ-rích Giôn (Frederick Jones), đại diện của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ tuyên bố rằng, văn kiện này phản ánh một thực tế là vũ trụ đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống bảo đảm an ninh kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.

   Để thực hiện “Chính sách vũ trụ quốc gia”, Mỹ đưa ra “Chiến lược vũ trụ quân sự”, trong đó xác định 6 nhiệm vụ chủ yếu của Mỹ trong vũ trụ. Một là, liên tục kiểm soát khoảng không vũ trụ và kiểm soát tình hình toàn cầu bằng các phương tiện vũ trụ của Mỹ. Hai là, chủ động bảo đảm cho Mỹ quyền tự do tiếp cận khoảng không vũ trụ để tiến hành các hoạt động quân sự và các hoạt động khác trong vũ trụ, từ vũ trụ và thông qua vũ trụ. Nhiệm vụ này bao gồm ngăn chặn bất kỳ một nỗ lực nào của các đối phương tiềm tàng có ý định gây khó khăn cho Mỹ tiếp cận khoảng không vũ trụ. Ba là, bảo vệ và phòng thủ cho các phương tiện và hệ thống vũ trụ của Mỹ chống lại bất kỳ hành động nào từ phía các phương tiện vũ trụ và các phương tiện khác của đối phương. Bốn là, hệ thống phòng chống tên lửa chiến lược và các công binh chủng khác Mỹ cần phải được bảo đảm bằng các phương tiện phòng thủ vũ trụ. Năm là, triển khai và sử dụng trong chiến đấu các phương tiện vũ trụ phòng thủ và tiến công phi hạt nhân trong vũ trụ và từ vũ trụ; triển khai và sử dụng các phương tiện của hệ thống vũ trụ để chỉ huy và quản lý nhà nước và hoạt động quân sự thời bình cũng như thời chiến. Sáu là, ngăn chặn các đối phương tiềm tàng tiếp cận vào khoảng không vũ trụ nhằm mục đích quân sự, không để cho họ triển khai các phương tiện tiến công trong vũ trụ và sử dụng các phương tiện đó trong vũ trụ và từ vũ trụ để chống lại Mỹ.

   Nói chung, chiến lược vũ trụ - quân sự của Mỹ trong Chiến lược an ninh quốc gia nhằm mục đích thực hiện một cách có hiệu quả nhất các nguyên tắc của chính sách hạt nhân cũng như chính sách kiềm chế phi hạt nhân trong các cuộc chiến tranh quy mô toàn cầu, khu vực và cục bộ.

   Nga dự kiến đưa người lên sao Hỏa vào năm 2020

   Trong hơn nửa thế kỷ, Liên Xô trước đây, nay là Nga, chạy đua với Mỹ nhằm giành ưu thế quân sự trong vũ trụ. Tới năm 1991, khi đã ở đỉnh cao của tiềm lực quân sự, Liên Xô vẫn lạc hậu so với Mỹ trong một số lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Liên Xô chỉ chiếm ưu thế so với Mỹ ở 5 lĩnh vực trong số 31 lĩnh vực, trong đó có 2 lĩnh vực là phòng chống tên lửa và các chương trình chống vệ tinh của đối phương có liên quan trực tiếp với vũ trụ. Trong 9 lĩnh vực khác, cả hai nước có khả năng như nhau. Cuộc chạy đua quân sự giữa hai siêu cường, trong đó có chạy đua vũ trụ quân sự, đã dẫn tới chỗ cả hai bên đều nhận thấy phải có sự hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ và bắt đầu thực hiện các đề án phối hợp trong vũ trụ. Kết quả là các phi công vũ trụ Nga đã bay lên vũ trụ trên các tàu con thoi của Mỹ, còn các phi công vũ trụ của Mỹ được đến thăm trạm quỹ đạo “Hòa Bình” của Nga. Các công trình nghiên cứu vũ trụ của Nga được sử dụng ở Mỹ và các tên lửa của Nga phóng vệ tinh của Mỹ lên quỹ đạo. Cả hai nước đều tham gia vào các đề án xây dựng sân bay vũ trụ quốc tế trên biển “Sea Launch” và xây dựng trạm vũ trụ quốc tế ISS. Đầu năm 2008, Tổng thống Nga V.Pu-tin đã ký sắc lệnh thành lập Cục hàng không vũ trụ quốc gia của Liên bang Nga, với chức năng giống như Cục hàng không vũ trụ quốc gia của Mỹ, mở đầu những nỗ lực mới của Nga hướng tới cuộc hành trình tiếp tục chinh phục và khai phá con đường đi vào vũ trụ.

   Về khả năng chiến tranh trong vũ trụ, Tư lệnh Quân chủng vũ trụ Nga, thượng tướng Pô-pốp-kin nhận xét: “Nếu các nước trên thế giới chế tạo và triển khai các phương tiện tiến công vũ trụ thì Nga sẽ phải áp dụng các biện pháp cần thiết vừa có tính phòng thủ, vừa có tính tiến công. Trong những năm 1970-1980, Liên Xô đã thử nghiệm thành công vũ khí chống vệ tinh. Nhưng từ đó đến nay, nước Nga chỉ đấu tranh nhằm giải trừ vũ trang trong vũ trụ”. Còn trong lĩnh vực khai thác vũ trụ vào mục đích hoà bình, Nga đã có kế hoạch và chương trình phát triển ngành công nghiệp Mặt Trăng, thậm chí cả chương trình đưa người lên Sao Hoả. Dự báo, đến năm 2020, Nga sẽ đưa người đổ bộ lên “hành tinh đỏ”.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #14 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 01:25:42 pm »

   Quân chủng vũ trụ của Ấn Độ

   Nguyên soái không quân, Tư lệnh không quân Ấn Độ, ông Tơ-va-gi (Tvagi), tuyên bố rằng, Ấn Độ đang bước đầu đặt nền móng để xây dựng Quân chũng vũ trụ nhằm giải quyết các nhiệm vụ trong không gian. Tuyên bố này là tín hiệu chứng tỏ sự ra đời của một cường quốc vũ trụ quân sự mới, thách thức vị thế của Mỹ trong lĩnh vực này. Theo Nguyên soái Tơ-va-gi, sự hiện diện trong vũ trụ là cần thiết không chỉ đối với các lực lượng vũ trang mà là cả Ấn Độ, một quốc gia đang phát triển rất nhanh và không bao lâu nữa sẽ trở thành một nền kinh tế hàng đầu thế giới.

   Còn tiến sĩ Vi-khơ-ram Xa-rap-hai - người được mệnh danh là “Cô-rô-lép của Ấn Độ”, là người đặt nền móng cho Cục vũ trụ Ấn Độ (ISRO), đã từng xác định các nhiệm vụ chiến lược đầu tiên cho tổ chức này là tạo khả năng cho Ấn Độ hoạt động độc lập trong vũ trụ, tiến hành phóng các khí tài nghiên cứu khoa học và vệ tinh thuộc hệ thống thăm dò Trái Đất từ xa và các tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo địa tĩnh phục vụ nhiệm vụ truyền thông. Ấn Độ đã hoàn thành nhiệm vụ phóng tên lửa vũ trụ do họ tự chế tạo PSLV (Polar Satellite Launch Vehicle) vào năm 1997, có khả năng đưa các khí tài vũ trụ lên quỹ đạo thấp xung quanh Trái Đất. Như vậy, Ấn Độ đã có khả năng xây dựng được “cộng đồng” vệ tinh truyền thông riêng. Theo xác nhận của các chuyên gia, Ấn Độ đạt được những thành tựu đó là nhờ sự giúp đỡ của Nga. Tuy nhiên, phải cần một thời gian khá dài nữa Ấn Độ mới có thể sử dụng các biện pháp sức mạnh trong vũ trụ để chống lại các khí tài vũ trụ của đối phương như tiêu diệt tàu vũ trụ bay trên quỹ đạo hoặc đánh chặn đầu đạn tên lửa xuyên lục địa trên đoạn quỹ đạo bay ngoài khí quyển. Năm 2007, với sự giúp đỡ của Nga, Ấn Độ đã phóng vệ tinh sử dụng hệ thống dẫn đường và định vị toàn cầu thuộc hệ thống GLONASS. Ngày 11-6-2008, Ấn Độ tuyên bố thành lập Cơ quan vũ trụ tổng hợp (ISC) nhằm đối phó với các hệ thống vũ trụ của các nước khác, trong đó có cả vũ khí chống vệ tinh, tên lửa đẩy cỡ nhỏ dùng cho hệ thống tác chiến trong vũ trụ.

   Trung Quốc lên kế hoạch chinh phục và khai thác Mặt Trăng

   Vệ tinh nhân tạo đầu tiên “Đông Phương Hồng” của Trung Quốc được phóng lên quỹ đạo ngày 24-04-1970 bằng tên lửa mang CZ-1 của chính họ. Từ vệ tinh này, Trung Quốc phát đi bản nhạc “Đông Phương Hồng” mà tên gọi đã được đặt cho tên các vệ tinh của Trung Quốc. Trong những năm 1980, Trung Quốc đã phóng 2 vệ tinh “Đông Phương Hồng-2” lên quỹ đạo địa tĩnh, có tính năng không thua kém các vệ tinh thương mại của phương Tây được phóng lên quỹ đạo vào những năm 1960. Đến thời điểm vệ tinh Đông Phương Hồng-2 hết thời hạn sử dụng, Trung Quốc đã phóng 3 vệ tinh truyền thông Đông Phương Hồng-2A cải tiến hơn vào ngày 07-03-1988. Sau đó, Trung Quốc phóng tiếp các vệ tinh “Đông Phương Hồng-3” và “Đông Phương Hồng-4” để truyền trực tiếp tín hiệu mà không cần qua trạm chuyển tiếp trung gian trên mặt đất. Ngày 22-12-1988 và 04-02-1990, Trung Quốc phóng vệ tinh mang tên quốc tế là “Chinasat-1”, “Chinasat-2”, “Chinasat-3”. Đến năm 2010, tổng số các khí tài vũ trụ của Trung Quốc trên quỹ đạo có thể vượt qua con số 100 vệ tinh nhân tạo có công dụng khác nhau. Ngoài ra, Trung Quốc sẽ đưa hơn 100 vệ tinh lên quỹ đạo vào những năm 2010-2020.

   Trung Quốc đã thông qua chương trình hợp tác với Nga trong lĩnh vực vũ trụ cho những năm 2007-2009 với 38 đề án. Hai bên đã bắt đầu công việc chuẩn bị đưa người lên Mặt Trăng. Cách đây hai năm, Trung Quốc đã tuyên bố về kế hoạch chinh phục và khai thác Mặt Trăng. Bước đầu tiên là phóng tàu vũ trụ không người lái lên Mặt Trăng vào năm 2010. Bước tiếp theo sẽ là phóng tàu vũ trụ không người lái lên Sao Hoả. Các chuyên gia cho rằng, công nghiệp và khoa học vũ trụ của Trung Quốc có khả năng tự mình thực hiện những đề án đó. Khả năng tài chính của Trung Quốc, tiềm năng kỹ thuật của Nga với các đề án tàu vũ trụ có người lái và tổ hợp tên lửa mang hạng nặng có độ tin cậy cao cũng như mô hình tàu đổ bộ lên Mặt Trăng của Liên Xô trước đây, có thể đem lại một tương lai sáng sủa cho chương trình vũ trụ của Trung Quốc một khi Nga và Trung Quốc cùng hợp tác với nhau.

   Thay lời kết

   Theo nhận xét của các nhà khoa học Nga và thế giới, thế kỷ XXI sẽ là “thế kỷ của khoa học vũ trụ” vì chính ngành khoa học này đang tiềm ẩn những khám phá khoa học và công nghệ hoàn toàn mới, có thể làm thay đổi căn bản quan niệm về cuộc sống của con người trên Trái Đất. Loài người đang đứng trước ngưỡng cửa của những phát minh vĩ đại liên quan tới khoa học vũ trụ. Người Nga đang có đề án chế tạo các phương tiện truyền thông với tốc độ vượt xa tốc độ ánh sáng! Nếu hiện nay việc liên lạc với Sao Hoả mất 27 phút thì trong tương lai mối liên lạc đó sẽ gần như tức thời. Người Nga cũng đang trên đường xây dựng các luận thuyết khoa học mới nhằm khai thác “năng lượng đen” và “vật chất đen” trong khoảng không vũ trụ. Thành tựu kỳ vĩ đó sẽ mở ra bước ngoặt có tính chất đột phá cách mạng trong khoa học và công nghệ mà trước đây chỉ có trongchuyện khoa học viễn tưởng.

   Trong bối cảnh đó, giữa các cường quốc Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ... đang bắt đầu một cuộc chạy đua mới trong kỷ nguyên vũ trụ. Cuộc chạy đua này sẽ tác động đến sự phát triển của thế giới như thế nào, đưa nhân loại tới đâu, cho đến nay chưa ai có thể dự đoán trước được./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #15 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 01:28:15 pm »

HỘI NGHỊ THƯỢNG ĐỈNH G-20: BƯỚC ĐẦU HƯỚNG TỚI TRẬT TỰ THẾ GIỚI MỚI?

   Nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị đã ủng hộ “Kế hoạch hành động nhanh”, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thống nhất quan điểm về việc cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, có các quy định phù hợp đối với thị trường tài chính với sự tham gia ngày càng lớn và quan trọng của những nền kinh tế mới nổi lên.
 
   Thế giới có chia tay với vị thế siêu cường duy nhất của Mỹ?

   Trong hai năm gần đây, sau bài phát biểu gây ấn tượng mạnh của cựu Tổng thống Nga V.Pu-tin tại Hội nghị an ninh quốc tế ở Mu-nich, người ta tranh luận sôi nổi về hình hài của trật tự thế giới mới mà người đứng đầu Điện Crem-li đã phác họa. Họ chưa thật tin rằng trật tự thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo có thể một sớm một chiều sụp đổ.

   Nhưng rồi cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, và tiếp đến là cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Mỹ sau đó nhanh chóng lan tỏa ra khắp toàn cầu đã làm lung lay không ít những người luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh tuyệt đối của nước Mỹ. Hóa ra, ngay trong lòng nước Mỹ từ lâu đã hình thành những yếu tố gây mất ổn định đến giờ mới bùng phát.

   Phát biểu tại Tòa nhà Liên bang ở Niu Oóc ngày 13-11-2008 chuẩn bị cho cuộc họp Nhóm G-20, Tổng thống G.W.Bu-sơ đã công nhận: “Cuộc khủng hoảng lần này không bộc lộ ngày một, ngày hai nên cũng không thể giải quyết được trong một sớm, một chiều. Cùng với việc đối phó với tình trạng khủng hoảng hiện nay, chúng ta cũng cần thực hiện những chính sách cải cách sâu rộng hơn nữa để tăng cường sức mạnh về lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu”. Nếu như niềm tin nước Mỹ - trung tâm tài chính và kinh tế toàn cầu, đã bị lung lay thì vị thế chính trị hàng đầu thế giới của Mỹ cũng sẽ không còn chắc chắn, vì “chính trị là biểu hiện tập trung của kinh tế”. Và hệ quả tiếp theo là sức mạnh quân sự Mỹ cũng sẽ không mạnh được mạnh như trước vì không có gì phụ thuộc mạnh vào kinh tế như quân sự. Vị thế siêu cường duy nhất lãnh đạo thế giới của Mỹ trong trật tự thế giới đơn cực, do đó, đã bị “đụng chạm” không ít.

   Trật tự nào cho thế giới tương lai?

   Để trả lời câu hỏi đó, cần hướng tới Hội nghị thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu vừa bế mạc tại Oa-sinh-tơn ngày 15-11-2008 vừa qua. Trước hết, nói về địa điểm cuộc họp. Đây thực sự là nơi thích hợp để tổ chức Hội nghị, bởi đến Oa-sinh-tơn vào lúc này, người ta mới thấy hết vị mặn chát của “thực đơn tài chính” mà lâu nay nước Mỹ muốn áp đặt cho cả thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử, một cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo các nước phát triển, những nền kinh tế mới nổi, cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, được tổ chức tại Oa-sinh-tơn để thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia và mở ra xu thế hợp tác, đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

   Nguyên thủ các quốc gia tham dự Hội nghị đã ủng hộ “Kế hoạch hành động nhanh”, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thống nhất quan điểm về việc cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, có các quy định phù hợp đối với thị trường tài chính với sự tham gia ngày càng lớn và quan trọng của những nền kinh tế mới nổi lên. Nhiều nguyên thủ quốc gia trong Nhóm G-7 cũng phải công nhận rằng, thiếu vai trò của các nền kinh tế mới nổi, không thể khắc phục được cuộc khủng hoảng tài chính hiện nay. Thủ tướng Anh Gô-đơn Brao (Gordon Brown) tuyên bố, thỏa thuận mà các bên đạt được là “có ý nghĩa lịch sử”. Còn Tổng thống G.Bu-sơ thì nói: “Từ nay, bộ trưởng tài chính các nước sẽ cùng phối hợp soạn thảo các đề xuất cải tổ hệ thống tài chính toàn cầu”. Như vậy, Hội nghị thượng đỉnh G-20 đã chứng tỏ, từ nay những nền kinh tế đang nổi lên sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quản lý kinh tế toàn cầu. Tổng thống Bra-xin, ông Lu-it I-na-ci-o Lu-la da Sin-va, cũng tuyên bố: “Lúc này, thế giới phải nói về G-20, vì G-8 đã không còn lý do để tồn tại nữa”.

   Một khi nền kinh tế toàn cầu là tập hợp gắn bó của những nền kinh tế phụ thuộc lẫn nhau, không thể loại trừ nhau, thì nền chính trị quốc tế và do đó cả trật tự thế giới mới cũng có lý do để bớt đơn phương hơn.

   Các thỏa thuận đa phương tại Hội nghị G-20

   Các nhà lãnh đạo thế giới G-20 đã nhất trí về các vấn đề chủ chốt sau:

   1. Cải tổ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế. Kể từ khi thành lập, hai tổ chức này đã bị Oa-sinh-tơn thao túng và trở thành công cụ chính trị của Mỹ nhằm khống chế, áp đặt chính sách đối với các nước;

   2. Cuối 2008 sẽ đạt được một thỏa thuận mới về thương mại tự do toàn cầu;

   3. Tăng cường sự minh bạch của thị trường tài chính và đảm bảo việc công bố chính xác và đầy đủ điều kiện tài chính của các hãng;

   4. Yêu cầu bộ trưởng tài chính các nước lập danh sách các tổ chức tài chính mà sự sụp đổ của nó sẽ đe dọa hệ thống kinh tế toàn cầu;

   5. Củng cố hệ thống quản lý tài chính của các nước;

   6. Có cách nhìn mới về các quy định quản lý thao túng và gian lận thị trường.

   Lãnh đạo G-20 nhất trí sẽ nhóm họp lại vào ngày 30-4-2009 để xem xét sự tiến triển sau Hội nghị lần này ở Oa-sinh-tơn. Hội nghị này, dự kiến, sẽ được tổ chức ở Luân Đôn với sự tham dự của Tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma.

   Thế giới cần có một cơ cấu tài chính mới

   Trong bài phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng thống G.Bu-sơ nói: “Chúng ta đang làm cho hệ thống tài chính của mình thích ứng với thế giới trong thế kỷ XXI”.

   Tổng thống Đ.Mét-vê-đép tuyên bố: “Cơ cấu tài chính toàn cầu được thiết lập từ cuối Chiến tranh thế giới lần thứ II hiện đã lỗi thời. Cần phải xây dựng và tái cấu trúc tài chính quốc tế, đảm bảo cho hệ thống đó hoạt động công bằng, hữu hiệu và hợp pháp”. Ông Đ.Mét-vê-đép đề nghị thành lập một ủy ban quốc tế chuyên nghiên cứu, soạn thảo các biện pháp để tái cơ cấu hệ thống tài chính quốc tế. Đó là nhóm các chuyên gia kinh tế và tài chính hàng đầu thế giới, có uy tín và hoạt động độc lập. Ông cũng đề nghị có các biện pháp trợ giúp các nước nghèo nhất thế giới thông qua Quỹ tiền tệ quốc tế và các tổ chức tài chính khu vực. Tổng thống Đ.Mét-vê-đép còn đề nghị xem xét lại vai trò của Quỹ tiền tệ quốc tế và thành lập một số trung tâm tài chính thế giới, trong đó có trung tâm tài chính sẽ được thành lập ở Mát-xcơ-va.

   Rõ ràng, dù thế nào đi nữa, trật tự kinh tế thế giới trong những năm tới sẽ khác so với trật tự đã từng hình thành trong mấy thập kỷ qua. Hệ quả là trật tự thế giới nói chung cũng sẽ khác trước. Trong bài phát biểu vận động tranh cử ngày 3-11-2008, một ngày trước khi diễn ra cuộc bầu cử, tân Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma nói: “Bài học lớn nhất có thể rút ra được từ tình hình của nước Mỹ chúng ta vừa qua là từ nhà tài chính, nhà quản lý, nhà tỉ phú đến người công nhân Mỹ đều phụ thuộc nhau. Sự thịnh vượng của người này cũng là sự thịnh vượng của người khác”. Suy rộng triết lý này ra thế giới, có thể thấy, một hiện tượng tương tự: ngày nay tất cả các quốc gia trên toàn cầu đều phụ thuộc lẫn nhau, an ninh và sự thịnh vượng của quốc gia này cũng là an ninh và thịnh vượng của quốc gia khác. Có lẽ, đó là những nét chấm phá đầu tiên cho trật tự thế giới mới công bằng hơn, bình đẳng hơn, dân chủ hơn... được gợi ý từ Hội nghị G-20 ở Oa-sinh-tơn vừa qua./.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #16 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 01:30:27 pm »

NATO - CÔNG CỤ CHIẾN LƯỢC TOÀN CẦU CỦA MỸ

   Không phải chờ đến dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO (24-4-1949 - 24-4-1999) với cái gọi là “Tuyên bố về khái niệm chiến lược quân sự mới”, thế giới mới biết rõ rằng khối quân sự lớn nhất hành tinh này có bản chất xâm lược, rằng NATO là công cụ của chiến lược toàn cầu của Mỹ.

   Ngay từ khi đang cùng các nước đồng minh chiến đấu chống lại phe phátxít Đức - Italia - Nhật Bản, giới lãnh đạo chính trị - quân sự Mỹ đã dự báo sự thất bại không thể tránh khỏi của chủ nghĩa phát xít. Theo các chiến lược gia Oasinhtơn, trong tương lai, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, Liên Xô sẽ là mối đe doạ chủ yếu đối với các lợi ích của Mỹ trên quy mô toàn cầu. Vì thế, khi chiến tranh chưa kết thúc, nhưng các nhà chiến lược quân sự Mỹ đã nghĩ đến cách thức đối đầu với Liên Xô thời hậu chiến. Để thực hiện mục tiêu chiến lược đó, giới chính trị - quân sự Mỹ đã không từ một thủ đoạn nào để xúc tiến kế hoạch chế tạo bom nguyên tử nhằm làm công cụ sức mạnh chủ yếu thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Bộ Chỉ huy các lực lượng Mỹ tham gia lực lượng đồng minh ở châu Âu đã cho quân đổ bộ bằng đường không vào các khu vực lẽ ra thuộc quyền kiểm soát của Hồng quân Liên Xô mà họ nghi có các cơ sở hạt nhân của Đức quốc xã để đánh chiếm trước khi quân đội Liên Xô tiến vào giải phóng. Nếu không kịp đánh chiếm, họ cho không quân cường kích chiến lược ném bom huỷ diệt các khu vực đó để bí mật hạt nhân của Đức không rơi vào tay các nhà khoa học Liên Xô.

   Tháng 8-1945, Tổng thống Mỹ Truman ra lệnh ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nhật Bản là Hirôshima và Nagasaki, hoàn toàn không xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ đánh bại phát xít Nhật, vì không có hai quả bom đó thì Hồng quân Liên Xô cũng đã đánh bại đội quân Quan Đông mạnh nhất của phát xít Nhật, buộc chúng phải đầu hàng vô điều kiện. Viện cớ giả tạo đánh phát xít Nhật, Mỹ quyết định sử dụng bom nguyên tử, trước hết để đe doạ Liên Xô và các lực lượng cách mạng thế giới trong hoạch định sức mạnh, quyền lợi và ảnh hưởng của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Hành động đó của Mỹ báo hiệu mọt kỷ nguyên mới trong quan hệ quốc tế - kỷ nguyên dùng sức mạnh của vũ khí hạt nhân để giải quyết mâu thuẫn giữa các nước trên quy mô toàn cầu.

   Chẳng bao lâu sau, với nỗ lực phi thường, Liên Xô cũng làm chủ được công nghệ chế tạo bom nguyên tử và phá bỏ thế độc quyền của Mỹ. Núp dưới ô hạt nhân, thế giới phân chia thành hai cực, thực chất là hai hệ thống chính trị đối đầu về ý thức hệ. Ở châu Âu hình thành hai khối quân sự lớn nhất và mạnh nhất hành tinh đối đầu nhau với bản chất trái ngược nhau: khối NATO - công cụ xâm lược và quan trọng nhất trong chiến lược toàn cầu của Mỹ và khối Vácsava, trụ cột chủ yếu của hoà bình thế giới.

   Trong thực tế, việc thành lập NATO là do Mỹ chủ trương tập hợp lực lượng phương Tây, trước hết là các nước tư bản phát triển nhất và lớn nhất, trừ Nhật Bản, để kiềm chế Liên Xô - đối thủ số một đang thách thức lợi ích toàn cầu của Mỹ.

   Theo Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ký ngày 4-4-1949 tại Oasinhtơn và có hiệu lực ngày 24-4-1949, ngay từ thời bình, NATO đã có một lực lượng vũ trang liên quân hùng hậu. Theo Điều 5 của Hiệp ước, trong trường hợp một nước thành viên hoặc một nhóm nước thành viên bị tấn công vũ trang thì các thành viên NATO nhanh chóng viện trợ ở mức độ cần thiết, kể cả việc sử dụng sức mạnh quân sự.

   Cơ quan cao nhất là khóa họp của Hội đồng NATO, được triệu tập hai lần trong một năm, ở cấp ngoại trưởng hoặc thủ tướng của tất cả các nước thành viên, có sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Tài chính hoặc các bộ trưởng khác, tuỳ thuộc vào nội dung cần thảo luận để thông qua quyết định. Giữa hai kỳ hội nghị có hai cơ quan điều hành Hội đồng NATO là Hội đồng thường trực và Uỷ ban Kế hoạch quân sự. Ban Thư ký quốc tế là cơ quan hành chính.

   Uỷ ban Kế hoạch quân sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất về các vấn đề quân sự. Trực thuộc uỷ ban này có Uỷ ban Quân sự - cơ quan chấp hành cao nhất về mặt quân sự và Uỷ ban Phòng thủ hạt nhân chuyên trách soạn thảo chiến lược hạt nhân của khối. Uỷ ban Quân sự ở cấp tham mưu quân và cấp tham mưu trưởng liên quân của các nước thành viên đều họp ít nhất hai lần trong một năm. Hoạt động quân sự hằng ngày của khối do Uỷ ban thường trực quân sự đảm nhiệm bao gồm đại diện Bộ Tổng tham mưu quân đội các nước thành viên. Riêng Aixơlen không có quân đội nên họ cử một đại diện dân sự. Cơ quan chấp hành của uỷ ban này là Ban Thư ký quân sự quốc tế (còn gọi là Ban Tham mưu).

   Thành viên của Uỷ ban Phòng thủ hạt nhân là Bộ trưởng Quốc phòng quân đội các nước thành viên. Riêng Aixơlen và Lúcxămbua không tham gia uỷ ban này. Cơ quan điều hành Uỷ ban Phòng thủ hạt nhân là nhóm kế hoạch hạt nhân có bốn thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Đức, Italia và ba thành viên không thường trực thay phiên nhau 18 tháng một lần.

   Để chỉ huy các lực lượng vũ trang liên quân, khối NATO thành lập bốn vùng chỉ huy liên quân: châu Âu, Đại Tây Dương, eo biển Măngsơ, nhóm vạch kế hoạch chiến lược Mỹ - Canađa.

   Tổng Tư lệnh tối cao thực hiện chỉ huy các lực lượng liên quân ở châu Âu thông qua các bộ chỉ huy chủ yếu của ba chiến trường châu Âu: Bộ Chỉ huy Bắc Âu với Bộ Tham mưu đóng tại Côlốt, gần Ôxlô, Nauy; Bộ Chỉ huy Trung Âu với Bộ Tham mưu đóng tại Bruckheum, Hà Lan; Bộ Chỉ huy Nam Âu với Bộ Tham mưu đóng tại Neapôn.

   Mỹ theo đuổi mục tiêu sử dụng quân đội và lãnh thổ các nước thành viên phục vụ lợi ích riêng của mình, biến Tây Âu thành bàn đạp tiến hành các hoạt động xâm lược. Đồng thời, Mỹ cũng sử dụng khối này để củng cố sự hiện diện về kinh tế, chính trị, quân sự của họ ở Tây Âu. Các nước NATO ở Tây Âu chuẩn bị chiến tranh xâm lược trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, tư tưởng, tiến hành cuộc chạy đua vũ trang mạnh mẽ chưa từng có. Họ đã bỏ ra chi phí khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng quân dụng và dân dụng phục vụ cho mục đích chuẩn bị chiến tranh.

   Xét về mặt hình thức, NATO dường như chỉ có tính chất phòng thủ tập thể. Nhưng ngay sau khi thành lập, trong các văn bản chính thức và công khai, NATO không chỉ nhấn mạnh các cuộc tấn công từ bên ngoài mà cả những mối đe doạ lợi ích sống còn của các thành viên trong khối. Không những thế, họ còn nói đến cái gọi là “khu vực trách nhiệm của các thành viên”. Bằng chứng cho nhận định này là Tuyên bố Brucxen năm 1967, trong đó nhấn mạnh: “Không nên xem xét các khu vực trách nhiệm của khối NATO tách khỏi thế giới bên ngoài. Khủng hoảng và xung đột bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên đều làm phương hại đến lợi ích an ninh của khối một cách trực tiếp hoặc do thay đổi cán cân lực lượng toàn cầu”. Thí dụ điển hình cho sự can thiệp của NATO vào công việc nội bộ của các nước là vụ can thiệp ở Hy Lạp năm 1967. Để trấn áp phong trào yêu nước và củng cố ảnh hưởng của khối tại nước này, NATO đã thực hiện chiến dịch “Prômêtê” để giúp phái quân sự tiến hành đảo chính và thiết lập chế độ độc tài phát xít. Chế độ đó tồn tại cho tới năm 1974 thì sụp đổ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #17 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 01:31:21 pm »

   Năm 1982, Hội đồng NATO đưa ra nhận định: “Các biến cố bên ngoài phạm vi khu vực trách nhiệm của NATO đều đe doạ các lợi ích sống còn của chúng ta… Các nước thành viên thoả thuận nghiên cứu khả năng của các nước riêng rẽ bảo đảm đưa quân ra ngoài phạm vi khu vực trách nhiệm của khối”. Như vậy, vấn đề toàn cầu hoá NATO đã được đề cập trước cả khi Liên Xô tan rã.

   Về thực chất, chiến lược quân sự của NATO là một chiến lược con trong chiến lược lớn toàn cầu của Mỹ và vì thế cũng đã trải qua nhiều giai đoạn, theo bước thăng trầm của chiến lược lớn.

   Trong giai đoạn thứ nhất (1949-1954), chiến lược đó dựa trên quan niệm “phòng thủ châu Âu” có tính đến kết cục Chiến tranh thế giới thứ hai và khả năng Mỹ có vũ khí hạt nhân. Chiến tranh có thể xảy ra theo mô hình Chiến tranh thế giới thứ hai, vũ khí hạt nhân chỉ có tác dụng tăng cường sức mạnh vũ khí chiến lược vì khi đó trình độ khoa học chưa cho phép cả Mỹ và NATO hiểu hết tính năng khủng khiếp của loại vũ khí này.

   Trong giai đoạn thứ hai (1954-1967), chiến lược NATO có tên là “thanh kiếm và lá chắn” dựa trên cơ sở chiến lược “trả đũa ồ ạt” của Mỹ. “Thanh kiếm” là vũ khí hạt nhân của Mỹ, còn “lá chắn” là các lực lượng thông thường liên quân của NATO trên các chiến trường châu Âu và Đại Tây Dương. Chiến lược này bước đầu căn cứ vào ưu thế vũ khí hạt nhân vượt trội của Mỹ so với Liên Xô. Đến năm 1961, do không còn giữ được ưu thế vũ khí hạt nhân, Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược “phản ứng linh hoạt”, dự kiến tiến hành chiến tranh hạt nhân tổng lực và chiến tranh thông thường hạn chế. Từ đó chiến lược quân sự của khối cũng thay đổi và được thông qua năm 1967, trong đó coi chiến tranh hạn chế là bước leo thang thành chiến tranh hạt nhân tổng lực.

   Giai đoạn thứ ba diễn ra những năm sau đó, chiến lược NATO phát triển dưới tác động của chiến lược “răn đe thực tế”, chấp nhận chiến tranh hạn chế có sử dụng vũ khí hạt nhân và chiến lược “đối dầu trực tiếp”, chiến tranh hạt nhân tổng lực được Mỹ đề xuất đầu những năm 1970 và 1980.

   Giai đoạn thứ tư, trước thay đổi có tính chất toàn cầu những năm 1990, Mỹ và NATO buộc phải thay đổi và điều chỉnh chiến lược của khối. NATO đưa ra chiến lược mới với ba nguyên tắc: “phòng thủ” (có nghĩa là tăng cường tiềm lực quân sự), “đối thoại” (có nghĩa là mở rộng đối thoại trên thế mạnh) và “ hợp tác” (có nghĩa là mở rộng quan hệ hợp tác toàn diện với các nước khối Vácsava cũ, nhưng không đề cập việc có thể sẽ sử dụng sức mạnh trong quan hệ với các nước đó, đặc biệt là các nước SNG). Các nước Đông Âu và các nước Bantích thuộc Liên Xô trước đây được coi là “ khu vực có lợi ích sống còn của NATO”. Chính sách mới của NATO là vừa hợp tác với các nước Xôviết cũ, vừa loại trừ khả năng xuất hiện một siêu cường hoặc khối liên minh mới đe dọa lợi ích của NATO tại các khu vực có lợi ích sống còn. Năm 1994, kỳ họp bất thường của Hội đồng NATO ở Brucxen đã thông qua quyết định mở rộng khối về phía Đông và chấp nhận nguyện vọng muốn gia nhập khối của các nước mới sau đây: Anbani, Bungari, Hunggari, Látvia, Êxtônia, Maxêđônia, Ba Lan, Rumani, Xlôvakia, Xlôvênia.

   Năm 1999, ba nước Ba Lan, Séc và Hunggari chính thức trở thành thành viên mới của NATO.

   Theo quan điểm mới của NATO thì tiềm lực quân sự của Liên Xô trước đây do Nga kế thừa vẫn còn là mối đe doạ tiềm tàng lớn nhất đối với an ninh của các nước NATO. Vì thế, bằng mọi cách, Mỹ phong toả và kiềm chế hàng ngàn xí nghiệp công nghiệp quân sự của Nga, đưa các xí nghiệp đến chỗ giải thể hoặc sống dở chết dở. Ngoài ra, trong chiến lược của NATO vẫn giữ nguyên quan điểm tiến hành hai loại hình chiến tranh: chiến tranh tổng lực và chiến tranh hạn chế chủ yếu bằng vũ khí thông thường, nhưng chiến tranh tổng lực trong tương lai trước mắt rất ít khả năng xảy ra.

   Một trong những hướng ưu tiên của khối là kiểm soát khủng hoảng bằng tất cả các biện pháp chính trị, quân sự, kinh tế ... Để thực hiện việc đó, NATO có thể sử dụng lực lượng quân sự bên ngoài các khu vực trách nhiệm của khối. Như vậy, NATO thực sự công khai trở thành công cụ của Mỹ trong việc thiết lập trật tự thế giới mới theo ý đồ của Mỹ. Dưới góc độ đó, NATO từ chỗ là một khối có tính chất “phòng thủ tập thể” chuyển thành khối “bảo vệ lợi ích tập thể”. NATO sẽ đáp ứng bất kỳ yêu cầu giúp đỡ nào trong trường hợp bị đe doạ từ các chế độ “phi dân chủ” và các nước chế tạo vũ khí sát thương hàng loạt. Do đó, bất kỳ nước nào theo đuổi chính sách độc lập hoặc kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia của họ đều bị coi là “mối đe doạ các lợi ích của Mỹ và NATO”.

   Mỹ ngang nhiên và vô cớ cho rằng các công dân và lợi ích của nước Mỹ đang bị đe doạ ở nhiều nơi và trong nhiều vấn đề như xung đột khu vực, các phong trào nổi dậy đến chủ nghĩa khủng bố, tội phạm và xung đột sắc tộc. Cái cớ này làm người ta nhớ lại việc Mỹ viện cớ đánh Nhật Bản để ném bom nguyên tử trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Mỹ phải đơn phương hành động hoặc phối hợp với các đồng minh đáng tin cậy nhất (trước hết là NATO) để bảo vệ lợi ích của Mỹ trên toàn thế giới. Đó cũng chính là lý do để Mỹ biện minh cho sự tồn tại và tiếp tục bành trướng khối quân sự lớn nhất và mạnh nhất hành tinh này thành một công cụ quan trọng nhất nhằm thực hiện chiến lược toàn cầu trong điều kiện mới. Để thực hiện tham vọng đó, Mỹ phải duy trì các lực lượng quân sự đủ mạnh để có thể tiến hành đồng thời các chiến dịch ở nhiều khu vực cách xa nhau trên thế giới. Ở châu Á, Mỹ viện cớ thành lập hệ thống phòng chống tên lửa hạt nhân để lôi kéo Nhật Bản, và có thể một số nước khác vào một liên minh quân sự mới nhằm trước hết khống chế Trung Quốc - một đối thủ nặng ký thách thức chiến lược toàn cầu của Mỹ - và yểm trợ tốt hơn cho các hoạt động viễn chinh can thiệp trên quy mô toàn cầu của Mỹ.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #18 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 01:32:53 pm »

   Thực chất chiến lược toàn cầu của Mỹ trong điều kiện mới là toàn cầu hoá kinh tế phục vụ cho lợi ích của Mỹ, mở rộng hệ thống các nước “dân chủ” có chế độ thị trường tự do, củng cố và mở rộng thị trường đầu tư và xuất khẩu của người Mỹ và các xí nghiệp Mỹ. Để thực hiện mục tiêu đó, Mỹ sử dụng hai công cụ chủ yếu. Một là sức mạnh kinh tế thông qua các tổ chức tài chính và ngân hàng mạnh nhất do Mỹ khống chế như Ngân hàng Thế giới (WB), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF)... Hai là sức mạnh quân sự, trong đó chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao là yếu tố then chốt quyết định. Cuộc chiến tranh vùng Vịnh là dấu hiệu đầu tiên về loại hình chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao do Mỹ tiến hành. Sau cuộc chiến đó, các chiến lược gia Mỹ cho rằng Mỹ sẽ sẵn sàng “xung trận ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, chống bất kỳ ai”. Mỹ đã dùng vũ khí công nghệ cao trong chiến dịch “Con cáo sa mạc”, trong cuộc không kích Libăng, Apganixtan... Nhưng cuộc chiến tranh bằng không quân của NATO do Mỹ chỉ huy nhằm vào Nam Tư mới thể hiện đầy đủ nhất sức mạnh của công cụ quân sự trong chiến lược toàn cầu của Mỹ.

   Quyết định ném bom Nam Tư là một bước quan trọng trong kế hoạch chiến lược toàn cầu đã được phác hoạ rõ ràng, mở đầu cho một loạt hoạt động can thiệp bằng quân sự ở nước ngoài. Trong cuộc họp thượng đỉnh nhân kỷ niệm lần thứ 50 ngày thành lập NATO ở Oasinhtơn ngày 24-4-1999, liên minh quân sự lớn nhất hành tinh này chính thức chấp nhận “khái niệm chiến lược mới”, trong đó xác định rõ vai trò “gìn giữ hoà bình” trong các cuộc xung đột bên ngoài lãnh thổ các nước thành viên, mà thực chất là vai trò cảnh sát quốc tế.

   Trước hết, tính chất cảnh sát quốc tế thể hiện ở cái cớ gây chiến. Mỹ và NATO lấy lý do “can thiệp nhân đạo”, “bảo vệ” người Côxôvô gốc Anbani bị người Xécbi phân biệt đối xử để gây chiến tranh không cần biết đến Liên hợp quốc. Đây là một lý do được Mỹ khái quát thành một trong ba luận điểm chủ yếu để can thiệp quân sự, nhằm thực hiện chiến lược toàn cầu. trong kỷ nguyên sau chiến tranh lạnh. Một là, sau khi Liên Xô tan rã, tuy không còn chạy đua vũ trang và tăng cường sức mạnh quân sự, nhưng Mỹ vẫn ngang nhiên lấy cớ trừng phạt hành động “vi phạm nhân quyền” và “bảo vệ nhân đạo” để gây chiến tranh. Hai là, Mỹ tự cho mình là một siêu cường thế giới với lợi ích kinh tế toàn cầu, cần duy trì sự ổn định quốc tế. Vì không có một cường quốc nào khác có thể bảo đảm sự ổn định đó, nên Mỹ phải đơn phương hành động và phối hợp với các đồng minh đáng tin cậy, trước hết là NATO. Đó là lý do để Mỹ biện minh cho sự tồn tại và tiếp tục bành trướng khối quân sự lớn nhất và mạnh nhất hành tinh này thành một công cụ quan trọng nhất để thực hiện chiến lược toàn cầu của họ. Ba là, Mỹ phải duy trì một lực lượng quân sự đủ mạnh để có thể tiến hành đồng thời các chiến dịch ở những khu vực khác nhau trên thế giới và sẵn sàng đối đầu với các ứng cử viên vào vị trí siêu cường như Trung Quốc và Nga.

   Ba nội dung trên đây được triển khai trong chiến tranh chiến lược mới của Mỹ, được thể hiện bằng 112 tỷ USD mà Tổng thống B. Clintơn sẽ bổ sung cho ngân sách quốc phòng sáu năm tới nhằm mua sắm thêm vũ khí trang bị, bảo đảm khả năng “tung sức mạnh” tới bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào. Trong bài Diễn văn đọc tại Xan Phranxixcô ngày 26-2-1999, Tổng thống Mỹ B. Clintơn đã công khai nói rõ ý đồ chiến lược của Mỹ: “Quả thật là chúng ta không có khả năng và không nên làm mọi việc hoặc có mặt ở khắp nơi. Nhưng ở những nơi mà giá trị và lợi ích của chúng ta bị đe doạ, những nơi mà chúng ta có thể làm thay đổi tình hình, thì chúng ta phải sẵn sàng làm”.

   Chiến lược quân sự mới của NATO thực sự là một hiểm hoạ còn thể hiện trong cái gọi là chỉnh sách “quy chuẩn nước đôi”. Theo quy chuẩn này, lợi ích sẽ định hướng cho chính sách. Thí dụ điển hình cho chính sách nước đôi đó là họ vừa dùng sức mạnh quân sự ở Côxôvô chống lại quân đội Nam Tư, đồng thời lại phớt lờ chuyện Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp và diệt chủng người Cuốc, họ “tỏ ý lo ngại” về việc các bên sử dụng sức mạnh quân sự ở Chexnia, Nagốtnưi Carabắc (Nga). Với những nỗ lực đó, NATO có ý định thiết lập một trật tự công pháp quốc tế mới, trong đó vai trò trung tâm không thuộc về Liên hợp quốc mà là NATO. Hiểm hoạ này làm cho nguyên tắc thiêng liêng về chủ quyền quốc gia của các nhà nước bị lung lay và làm tái hiện học thuyết Rudơven, theo đó một quốc gia “văn minh” có quyền dùng vũ khí lập lại trật tự ở một quốc gia “kém văn minh” hơn, mở toang mọi cánh cửa cho sự độc đoán chuyên quyền của Mỹ và sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với toàn bộ hệ thống các quan hệ quốc tế. Các nước trên thế giới lại phải lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mới, kể cả việc nghiên cứu chế tạo vũ khí hạt nhân, vì các nước đều cho rằng chỉ có bằng cách làm chủ vũ khí hạt nhân và các vũ khí sát thương hàng loạt khác mới có thể làm cho Mỹ biết thế nào là “lễ độ” trong các quan hệ quốc tế. Và loài người không còn sức lực tập trung vào giải quyết các vấn đề toàn cầu có ý nghĩa sống còn đối với mọi quốc gia, mọi dân tộc như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, nạn đói và bệnh tật, tệ nạn ma tuý…

   Chiến lược quân sự mới của Mỹ và NATO cùng với việc coi thường vai trò của Liên hợp quốc và thao túng Toà án quốc tế, vốn là các tổ chức có trách nhiệm giải quyết khủng hoảng và duy trì trật tự trên thế giới, khiến cho một trong những nhân vật có tiếng là “diều hâu” nhất ở Mỹ như nhà phân tích chính sách đối ngoại Samuen Huntingtơn phải cảnh báo rằng, phần lớn các nước trên thế giới hiện nay coi Mỹ là mối đe doạ thực sự. Ngay cả châu Âu cũng chịu nguy cơ trở thành con tin của chính sách phiêu lưu đầy tham vọng và vô trách nhiệm của Mỹ - NATO.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #19 vào lúc: 22 Tháng Hai, 2011, 01:34:40 pm »

SỰ TRỞ LẠI CỦA NƯỚC PHÁP: NATO THÊM LUỒNG SINH KHÍ

   Ngày 11-3-2009, tại Hội nghị của Hội đồng nội các hai nước Pháp và Đức diễn ra ở Béc-lin, thủ đô Cộng hoà Liên bang Đức, với chủ đề “Nước Pháp, nền quốc phòng châu Âu và NATO trong thế kỷ XXI”, với sự tham gia của các chính trị gia, các nhà ngoại giao, các nghị sỹ quốc hội, các nhà quân sự nổi tiếng đã và đương nhiệm, Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di đưa ra tuyên bố thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận: đưa nước Pháp trở lại cơ chế quân sự của NATO mà quốc gia này đã từng rút khỏi cách đây 43 năm về trước.

   Năm 1966, để bảo vệ chủ quyền quốc gia, Tổng thống Pháp khi đó, ông Sác Đờ Gôn đã quyết định rút khỏi cơ chế quân sự của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm củng cố vị thế độc lập của nước Pháp. Sau quyết định đó, Cơ quan tham mưu của NATO buộc phải chuyển từ Pháp sang thành phố Bruc-xen (Bỉ) và yên vị từ đó cho tới hôm nay.

   Quyết định đưa nước Pháp trở lại cơ chế quân sự của NATO đã tạo nên bầu không khí chính trị mới mẻ cho cuộc Hội nghị của Hội đồng nội các hai nước Pháp - Đức. Thủ tướng Đức, bà An-ge-la Méc-ken, ủng hộ ý định của Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di và coi tuyên bố đó là “sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ song phương Đức - Pháp”.

   Giải thích về việc đưa ra quyết định này, Tổng thống Ni-cô-lai Xac-cô-di nói, hiện nay thời thế đã thay đổi, nước Pháp từ lâu đã từng tham gia các chiến dịch quân sự của NATO với lực lượng lên tới 4.000 người. Thế nhưng, Pháp không có quyền tham gia xây dựng các kế hoạch hoạt động của Khối.

   Ông N.Xác-cô-di tuyên bố: “Chúng ta muốn tham gia hoạch định chính sách của NATO chứ không chỉ tham khảo chung chung. Hiện nay, nước Pháp chưa có đại diện ở các vị trí quan trọng trong bộ máy chỉ huy và lãnh đạo quân sự của NATO. Chúng ta không được tham gia bất kỳ ý kiến nào khi các đồng minh đưa ra quyết định về các mục tiêu quân sự và các chiến dịch hoạt động mà nước Pháp sẽ tham gia. Tình hình này một phần do lỗi của chúng ta bởi nước Pháp đã chủ trương tự quyết định trong các vấn đề quốc phòng. Đã đến lúc chúng ta phải chấm dứt tình trạng đó, vì lợi ích của nước Pháp và vị lợi ích của châu Âu”.

   Ngoài ra, vị chủ nhân Điện Ê-li-dê còn cho rằng, việc tham gia cơ chế quân sự của NATO sẽ góp phần củng cố và tăng cường chủ quyền của nước Pháp. Đồng thời, tiềm năng hạt nhân, tuy vẫn là độc quyền sử dụng của Pháp, nhưng sẽ góp phần nâng cao tiềm lực an ninh của châu Âu.

   Quyết định của Tổng thống N.Xác-cô-di được đưa ra khi NATO đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập tại Xtra-buốc của Pháp và Ba-đen của Đức vào đầu tháng 4-2009 gây sự chú ý trong dư luận. Một số chuyên gia phân tích chính trị ở châu Âu lưu ý một chi tiết rất đáng quan tâm là nước Pháp quay lại NATO đúng vào lúc liên minh này đang đứng trước tương lai khá ảm đạm. Sự trở lại của Pháp đã tiếp thêm một luồng sinh khí mới cho tổ chức này vào dịp 60 năm thành lập!

   Quyết định của ông N.Xác-cô-di đã mang lại những phản ứng trái chiều trong Quốc hội và dư luận Pháp: ủng hộ và phản đối.

   Theo một kết quả điều tra, hiện nay có khoảng 58% người Pháp ủng hộ quyết định của Tổng thống N.Xác-cô-di, tuy nhiên, vẫn có 37% số người Pháp phản đối, trong đó có 4 cựu Thủ tướng Pháp là Li-ông Giô-xpanh, Lô-ran Pha-bi-út (người của Đảng xã hội), A-len Giu-pê và Đô-mi-nich Vin-pen (những người theo phải bảo thủ).

   Phái phản đối cho rằng, xét về cơ cấu, NATO là một tổ chức không cân xứng, trong đó Mỹ chiếm ưu thế gần như quyết định, vì thế, hiện nay, để tạo dựng sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương có hiệu quả hơn nên sử dụng cơ chế đối thoại giữa EU và Mỹ hơn là cơ chế bên trong khuôn khổ NATO.

   Thủ lĩnh Đảng xã hội Mac-tanh Ô-bri gọi quyết định của Tổng thống N. Xác-cô-di là “sự phục sinh tư tưởng Đại Tây Dương”. Theo nhận xét của bà Mac-tanh Ô-bi, không có bất kỳ luận cứ nào làm cơ sở cho việc nước Pháp trở lại NATO. Còn thủ lĩnh đảng trung dung Phrăng-xoa Bai-rô cho rằng quyết định của Tổng thống N.Xác-cô-di là sự cáo chung “nền quốc phòng của châu Âu”. Đại biểu của đảng cầm quyền ở Pháp, ông Phrăng-xoa Gu-la, cho rằng cùng với việc tham gia NATO, nước Pháp sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ.

   Ủng hộ quyết định của Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Pháp E-va Mô-ren đưa ra lập luận phản đối các ý kiến cho rằng nếu gia nhập NATO, Pháp sẽ mất quyền độc lập. Theo bà E-va Mô-ren, trong tương lại Pháp sẽ vẫn độc lập hành động và tự quyết định nên hay không nên tham gia các chiến dịch của NATO.

   Còn theo ông Ac-nô Ca-lic, Tổng Biên tập chuyên san thông tin chiến lược của Pháp, việc xem xét lại quyết định của Tổng thống Pháp Đơ Gôn là do những đổi thay diễn ra trong bối cảnh chính trị - quân sự quốc tế. Theo ông, ngày nay, nước Pháp tích cực tham gia các hoạt động của NATO, trong đó có việc đưa quân tới Ap-ga-ni-xtan, nhưng Pháp lại không được tham gia soạn thảo quyết định và lập kế hoạch thực hiện các chiến dịch đó. Trong khi đó, những quốc gia mới gia nhập NATO như Ba Lan lại tích cực tham gia hoạt động trong NATO và có ảnh hưởng lớn hơn cả của Pháp. Điều này trái với luật lệ thông thường. Vì vậy, cùng với việc trở lại với NATO, vai trò của nước Pháp trong liên minh này sẽ gia tăng. Theo nhận xét của ông Ac-nô Ca-lic, những ý kiến phản đối việc nước Pháp quay trở lại NATO mang tính tư tưởng nhiều hơn.

   Ngày 17-3-2009, Quốc hội Pháp tiến hành thảo luận để xem xét vấn đề này. Theo sự uỷ nhiệm của Tổng thống Pháp, Chính phủ của Thủ tướng Phrăng-xoa Phi-ô-na đã phải thuyết phục một số nghị sỹ trong Quốc hội Pháp để đạt được số phiếu ủng hộ đa số bởi vẫn còn một số nghị sỹ chưa muốn chia tay với chủ trương trước đây của Tổng thống Đờ Gôn. Với kết quả bỏ phiếu: 329 nghị sỹ ủng hộ và 238 nghị sỹ phản đối, Quốc hội Pháp chính thức thông qua đề xuất của Tổng thống N.Xác-cô-di.

   Điều kiện để nước Pháp trở lại cơ chế quân sự của NATO đã được dàn xếp giữa Điện Ê-li-dê và Nhà Trắng. Đó là, sẽ có khoảng 900 sỹ quan Pháp đến làm việc trong các cơ quan tham mưu của NATO. Sẽ có một vị trí của Pháp trong Bộ chỉ huy cải tổ các lực lượng liên quân của NATO hiện có văn phòng ở bang Viếc-ghi-ni-a (Mỹ). Một sỹ quan cao cấp khác của Pháp sẽ giữ trọng trách trong Bộ chỉ huy khu vực của NATO ở Li-xbon, nơi có Văn phòng của lực lượng phản ứng nhanh và cơ quan chỉ huy tình báo vũ trụ của NATO.

   Bình luận về sự kiện này, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng hãy còn quá sớm để có thể nói đến chuyện quyết định của Tổng thống N.Xác-cô-di đưa nước Pháp trở lại cơ chế quân sự của NATO sẽ góp phần tăng cường sự liên kết trong không gian châu Âu - Đại Tây Dương để đối phó với các thách thức an ninh trên cơ sở Tổ chức an ninh và hợp tác ở châu Âu và Hội đồng Nga - NATO theo nguyên tắc duy trì một nền an ninh chung. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga ủng hộ ý định của Tổng thống Pháp thiết lập quan hệ đối tác với Nga, và Mat-xcơ-va sẽ sẵn sàng thảo luận với Pa-ri về các vấn đề an ninh ở châu Âu./.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM