Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 04:23:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất  (Đọc 45727 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #40 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 12:12:56 pm »

Để đối phó với sư đe dọa của Liên Xô và Trung hoa nhân dân, đối với thế giới tự do như vậy, theo Đa-lét, chỉ có một giải pháp, đó là "hành động chung" ("united action").

Bài diễn văn này còn xác nhận sự lạc quan đã được tướng Ê-li bày tỏ ở Pari. Người ta nói đến các ý kiến của Phó tổng thống Ních-xơn về một chiến lược mới của Mỹ: "Thà trông vào sức mạnh cơ động ghê gớm sẽ được sử dụng kín đáo để trả đũa chống lại nguyên nhân chính của sự xâm lược, vào thời gian và địa điểm do chính chúng ta lựa chọn, còn hơn là để cộng sản đưa chúng ta vào chỗ chết bằng những cuộc chiến tranh nhỏ, nhen lên ở khắp mọi nơi trên thế giới"88 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/bản ghi nhớ về Chiến lược mới của Mỹ và việc quốc tế hóa chiến tranh Đông Dương/5-4-1954, tr.2-3). Trong các giới chính phủ Pháp, người ta gợi lên việc sử dụng "sức mạnh hải quân và không quân và có lẽ cả sức mạnh nguyên tử (của Mỹ) chống lại Trung Quốc"89 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (như trên), tr.3. Chúng tôi nhấn mạnh). Người ta cũng cho là tự nhiên khi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, trong diễn văn ngày 22 đa ám chỉ đến những "nguy cơ nghiêm trọng" do "hành động chung" đem lại vì "người ta đương nhiên nghĩ đến việc sử dụng vũ khí nguyên tử"90 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Như trên. Chúng tôi nhấn mạnh. Cần nhận xét rằng tướng E-ly trong chương nói về nhiệm vụ của ông ta sang Oa-sinh-tơn (tháng 3-1954) không nói gì đến một khả năng như thế).


Điều đó hình như là kết quả lô-gích của cái lúc đó người ta gọi là "cách nhìn mới" về chiến lược của Mỹ, được hiểu chủ yếu là giảm lục quân Mỹ và đương nhiên ám chỉ một khả năng có nhiều hơn là việc sử dụng vũ khí nguyên tử91 (Về chính sách "cách nhìn mới", xem D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.445-458, cũng như G.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.53-55 ("Strategy, the Neww Look and Massive Retaliation"-"Chiến lược, cách nhìn mới và trả đũa ồ ạt"). Về phản ứng của Trung Quốc đối với chiến lược đó, xem chương VIII ở đoạn sau). Đứng trước một sự đe dọa như vậy, có lẽ Trung Quốc sẽ nhượng bộ. Vì Trung Quốc không chắc chắn được sự ủng hộ của Liên Xô. Đó có lẽ là con chủ bài lớn của Pháp tại hội nghị Giơ-ne-vơ92 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ đã dẫn, ngày 5-4-1954, tr.5-6).


Nhưng, cùng lúc đó, những người lãnh đạo của Mỹ tiếp tục tự hỏi về khả năng sử dụng lực lượng Mỹ ở Đông Dương. Đã có nhiều sự dè dặt kể cả trong nội bộ lục quân, ví như của bản thân tướng Rít-uây (Ridg-way)93 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.11. Tướng Rít-uây, Tổng tham mưu trưởng lục quân, là một trong những người chống lại "cách nhìn mới" về chiến lược của Mỹ (Xem Matthew Ridway H.H.Martin. Soldier: memoirs of M.B.Ridgway người lính chiến: Hồi ký của M.B.Rít-uây), New York Harper and Brothers, 1956, tr.274-278). Nhiều người sợ rằng một hành động của hải quân và không quân sẽ nhanh chóng lôi kéo theo một sự can thiệp trên bộ, và không chắc chắn được sự ủng hộ của đồng minh Anh, Mỹ sẽ phải dính líu vào một cuộc chiến tranh mới ở Đông Dương chống Trung Quốc theo kiểu chiến tranh Triều Tiên. Vậy, một cuộc chiến tranh như vậy đòi hỏi một số lớn sư đoàn, điều đó không phù hợp với "cách nhìn mới" về chiến lược. Theo họ, người ta không thể vừa giảm lục quân Mỹ, lại vừa tăng những cuộc can thiệp hoặc ngay cả tăng nguy cơ can thiệp ở hải ngoại.


Cuối cùng, ngày 3 tháng 4, những người đứng đầu Quốc hội từ chối không ủng hộ một cuộc hành động do Đa-lét và đô đốc Rít-uây đưa ra như vậy. Hay đúng hơn là họ đặt ra ba điều kiện: các đồng minh, nhất là Anh, phải đồng tình và tham gia, Pháp phải trao trả độc lập thật sự cho các quốc gia liên kết và Chính phủ Pari cam kết duy trì quân đội viễn chinh ở Đông Dương94 (D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.347. Tổng thống Ai-xen-hao nhận xét rằng sự tham gia của các nước đồng minh lại càng cần thiết hơn, nếu người ta muốn tránh cho hành động đó khỏi mang tính chất đế quốc, khi "không có chứng có rõ rệt là Trung Hoa đỏ tham gia công khai vào cuộc xung đột Đông Dương" (Như trên, tr.340)).


Cùng ngày, Đa-lét tiếp Đại sứ Pháp Bô-nê (Bonnet) và yêu cầu ông ta chuyển về chính phủ một dự án về liên hiệp chống cộng ở Đông Nam châu Á, có thể bao gồm, ngoài Pháp và Mỹ, các nước Anh, Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lơn, Thái Lan và Phi-lip-pin95 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Khả năng lập nhóm phòng thủ chống cộng ở Đông Nam Á"/5-4-1954, tr.1). Đề nghị này, phù hợp với ý kiến của Phủ cao ủy Pháp tại Đông Dương và Bộ phụ trách quan hệ với các quốc gia liên kết đưa ra cách đây hai năm, đã đặt Chính phủ Pari vào thế khó xử. Một mặt, không thể trả lời hoàn toàn tiêu cực đối với đề nghị của Mỹ trong lúc đang cần đến sự viện trợ quân sự ngày càng khẩn cấp của Mỹ. Nhưng, ngược lại, việc thành lập một liên minh quân sự ngay trước khi đi vào thương lượng để giải quyết hòa bình vấn đề Đông Dương rõ ràng là trái ngược với đường lối hành động của chính phủ Pháp96 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/như trên, tr.2). Trước mắt, Pháp yêu cầu Oa-sinh-tơn nói rõ hơn về ý muốn của Mỹ, nhất là về phạm vi của hiệp ước đã dự kiến, về việc thành lập một lực lượng quân sự chung, về tính hợp thời của sự tham gia của các quốc gia như Thái Lan, Phi-líp-pin, v.v... vào hiệp ước đó97 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/như trên, tr.4. Tuy nhiên, việc thương lượng vẫn tiếp tục giữa Mỹ và Anh, và khi được Bộ Ngoại giao Mỹ mời tham gia (cuối tháng 7-1954), Pháp đã đứng trước những dự án đi rất xa rồi (G. Sô-ven, sách đã dẫn, tr.91-93). Thái Lan nhận lời đề nghị của Mỹ từ 9-4-1954. Tài liệu riêng của G.Ph.Đa-lét, 5-4-1954. Tài liệu riêng của G.Ph.Đa-lét, bản thảo ngày 9-4-1954. R.Ph.Ran-đơn dẫn trong sách đã dẫn, tr.76).


Thực ra, từ ngày 4 tháng 4, tổng thống Ai-xen-hao chú ý đến phản ứng của Quốc hội Mỹ, đã quyết định không can thiệp98 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.11). Mặc dầu ngày 5 tháng 499 (Như trên, tr.38 (Điện của Đâu-glớt gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét, 5-4-1954). Yêu cầu mới này đưa ra sau khi Na-va chấp nhận ngày 4-4 kế hoạch "Chim ưng". Việc chấp nhận này được Chính phủ Pari tán thành cùng ngày hôm đó. Xem P.E-ly, sách đã dẫn, tr.85-86, J.La-ni-en, Tấn thảm kịch Đông Dương, sách đã dẫn, tr.85), Chính phủ Pháp lại yêu cầu nữa, Mỹ đã báo cho Pari trong ngày hôm đó rằng không thể thực hiện yêu cầu can thiệp ngoài khuôn khổ của "hành động chung" với các nước hữu quan của Khối thịnh vượng chung100 (Như trên, tr.39-40 (Điện ngày 5-4-1954 của G.Ph.Đa-lét gửi Đại sứ Đin-lơn). Bi-đôn bèn trả lời ngay rằng ông ta hiểu rất rõ lập trường của Mỹ, nhưng thời điểm thương lượng để thành lập liên minh đã qua rồi vì chính là 10 ngày sau đó đã quân đội số phận Điện Biên Phủ và của Đông Dương101 (Như trên, tr.10 (Điện của Đin-lơn gửi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét nagfy 5-4-1954. Về các yếu tố của cuộc thương lượng này mà ít lâu sau; giới báo chí đã biết, xem báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, ngày 7-6-1954. "U.S. Twice Proposed Intervention in Indochina" (2 lần Mỹ đề nghị can thiệp vào Đông Dương) của A.F. and Carrier. Based Planes"; Le Monde ngày 1-7-1954 bài "Comment les Américains rininteverviennent pas en Indochine" (Mỹ không can thiệp vào Đông Dương như thế nào?", C.H.Roberts. "The Day we didn't go to war" (Ngày chúng tôi không ra trận), Reporter, 14-9-1954, tr.31-35. Cũng xem John Robinson Beal, John Foster Dulles, New York, 1957, tr.207-209. M.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.94-98).


Tuy nhiên, đáp ứng lời mời thân hành đi Luân-đôn và Pari để giải thích chính sách Mỹ, Đa-lét đến Anh ngày 11 tháng 4. Trong hai ngày 12 và 13, ông ta hội đàm với Sơớc-sin và I-đơn về vấn đề Đông Dương. Các nhà lãnh đạo Anh, chủ trương không đưa ra một sáng kiến nào có thể gây trở ngại cho cuộc thương lượng tại Giơ-ne-vơ và làm cho năm cường quốc châu Á sắp gặp nhau ngày 28 tháng này tại Cô-lôm-bô (Colombo) có thể hiểu một cách không có lợi102 (Ấn Độ, Pa-ki-xtan, Xây-lan, Miến Điện và In-đô-nê-xi-a ba trong số các nước này là thành viên của khối thịnh vượng chung của Anh. Về cuộc họp này, xem chương IV ở đoạn sau), đã nhắc lại cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ rằng trước mắt, Chính phủ Anh loại trừ một hành động quân sự ở Đông Dương. Một thông cáo chung công bố ngày 13 cho biết, hai nước tuyên bố sẵn sàng xem xét nguyên tắc của "một sự phòng thủ chung trong khuôn khổ Hiến chương Liên hiệp quốc, để bảo đảm hòa bình, an ninh và tự do ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình dương". Thông cáo đó viết tiếp: "Chúng tôi tin tưởng vững chắc rằng triển vọng của việc thành lập một kế hoạch phòng thủ chung đồng nhất trong toàn bộ Đông Nam châu Á và Tây Thái Bình dương góp phần đem lại hòa bình trong danh dự ở Đông Dương"103 (Thông cáo chung công bố sau hội đàm Đa-lét-I-đơn Textes du jour (Documentation francaise), 15-4-1954. Về thái độ của Anh trong cuộc thương lượng tháng 4, xem Hồi ký I-đơn, tr.104-120). Tuy vậy, mấy ngày sau, I-đơn chỉ thị cho đại sứ Anh tại Oa-sinh-tơn, Ma-kinh (Makins) không tham dự cuộc họp đầu tiên bàn về vấn đề đó, do Đa-lét dự định triệu tập ngày 20 tháng 4.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #41 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 12:15:02 pm »

Từ ngày 13, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đến Pari, ông xác nhận với La-ni-en và Bi-đôn lập trường của Mỹ đã đưa ra trước đây: Mỹ không can thiệp nhưng thương lượng về một hiệp ước tập thể. Đa-lét kết luận: "Có thể tạo điều kiện để trục cộng sản Mát-xcơ-va-Bắc Kinh phải thừa nhận rằng họ không thể mở rộng ảnh hưởng ra Đông Nam châu Á và Thái Bình dương. Chỉ có như vậy mới có thể thương lượng ở Giơ-ne-vơ về một giải pháp dẫn đến hòa bình thực sự". Rồi Bi-đôn khẳng định lại lập trường của Pháp. Chưa đến lúc nói đến việc quốc tế hóa cuộc xung đột mà trước hết cần khai thác khả năng do hội nghị Giơ-ne-vơ đem lại. Các cuộc nói chuyện bán chính thức giữa ông ta và người Nga ở Béc-lin cho ông ta nghĩ rằng họ thực sự lo ngại "chiến tranh mở rộng ở Đông Nam châu Á do Trung Quốc chủ động gây ra". Điều đó giải thích những sự nhân nhượng của Mô-lô-tốp. Dù còn rất mỏng manh, nhưng dấu hiệu đó cho phép hy vọng những kết quả cụ thể tại Giơ-ne-vơ. Tiếp theo các cuộc hội đàm Pháp-Mỹ, một thông cáo tương tự như thông cáo Luân-đôn đã được công bố.


Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phải trở lại Pari ngày 21 tháng 4 để tham dự một cuộc họp của khối NATO. Một cuộc gặp mới ngày 22 tháng 4 giữa Bi-đôn, Đa-lét và I-đơn, trong đó, một lần nữa, vị bộ trưởng người Mỹ bênh vực dự án tổ chức phòng thủ tập thể ở Đông Nam châu Á. Cuối cùng, một cuộc gặp được tiến hành ngày 24 giữa ba người, ban đầu họp riêng, về sau có cố vấn tham dự. Tin tức từ Điện Biên Phủ là đáng lo ngại. Đa-lét hỏi riêng Bi-đôn: "Ông tính sao, nếu chúng tôi cho các ông hai quả bom nguyên tử?"104 (Georges Bidault, D'une résistance à l'autre (Từ cuộc kháng chiến này đến cuộc kháng chiến khác). Paris, Les Presses du Siècle, 1965, tr.198, được G.Sô-ven xác nhận trong sách đã dẫn, tr.46. Ngược lại I-đơn lại không nói điều gì tương tự. Tuy nhiên, ông viết trong Hồi ký "rằng hội nghị Giơ-ne-vơ" là cuộc hội nghị quốc tế đầu tiên, trong đó ông ý thức sâu sắc về sức mạnh răn đe của bom khinh khí" ("Hồi ký", sách đã dẫn, tr.140). Nhưng nhận xét đó liên quan đến Liên Xô hơn là Trung Quốc (như trên, tr.141). Gioóc-giơ Bon-nê trong "Le Quai d' Orsay sous trois Républiques" (Bộ Ngoại giao Pháp dưới ba chế độ Cộng hòa), Paris, Fayard, 1961, tr.465, nói đến đề nghị của Mỹ về "những cỗ pháo nguyên tử", Tổng thống Ai-xen-hao không ám chỉ gì việc đó. Nhưng trong cuộc nói chuyện năm 1978 (với tác giả), ông Su-man khẳng định một lần nữa đề nghị của Mỹ: "Tôi nói được hai thứ tiếng và ông Ph.Đa-lét kéo tôi ra một chỗ và nói với tôi hết sức thản nhiên: "Liệu điều đó có thể giúp ích gì cho nước Pháp hay không, nếu tôi không nói là trong lúc này, người ta cho Pháp mượn hai quả bom nguyên tử?". Tạp chí Historia, số 375, tháng 2-1978, tr.46. Chúng tôi không tìm thấy tài liệu gì trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp liên quan đến vấn đề này).


Thực ra, khó mà xác định rõ các nhà quân sự đã thực sự nghiên cứu đến mức nào và trong điều kiện nào sẽ đem ra sử dụng vũ khí nguyên tử. Về phần tướng Na-va, hai năm sau đó, ông ta khẳng định rằng chưa bao giờ tính đến việc dùng bom nguyên tử trong khu vực Điện Biên Phủ105 (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.244, chú thích 2. Tuy vậy, việc sử dụng vũ khí nguyên tử ở ngay trên đất Đông Dương đã được Bộ tham mưu Mỹ tính đến đầy đủ (Tài liệu mật-Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.46). Về vấn đề này, xem thêm sự phán xét của tướng E-ly, sách đã dẫn, tr.90) và không bao giờ ông ta được biết đến một dự án nào đó về việc Mỹ sẽ ném bom nguyên tử trên đất Trung Quốc106 (H.Na-va, sách đã dẫn, tr.245, chú thích 1). Hơn nữa, đề nghị của Đa-lét càng đáng ngạc nhiên hơn khi một tháng trước đó, Đa-lét đã bảo đảm dứt khoát rằng một chiến lược trả đũa ồ ạt là "không áp dụng" đối với Đông Dương107 (Tuyên bố ngày 19-3-1954. R.Ph.Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.71). Bởi vậy, đâu là ý nghĩa thực sự của đề nghị đó, mà chính Bi-đôn cũng không nêu ra? Phải chăng đó là một quả bóng thăm dò các ý định của Pháp? Hay là một đề nghị thực sự để tránh cho tập đoàn cứ điểm khỏi thất thủ và ngăn cản một chính phủ quyết tâm thương lượng bằng mọi giá với cộng sản khỏi lên cầm quyền ở Pháp? Đó là bấy nhiêu câu hỏi mà lúc này thật rất khó giải đáp rõ ràng108 (Tuy nhiên chúng ta lưu ý đến một tài liệu quân sự Mỹ ngày 26-5 trong đó một lần nữa nêu khả năng dùng bom nguyên tử (Tài liệu mật  Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.45-46. Xem chương V phần sau)).


Dù thế nào chăng nữa, cuộc gặp cuối cùng ngày 24 tháng 4 không đem lại kết quả tích cực nào. Người Anh vẫn bám lấy chủ trương không can thiệp109 (Xem diễn văn của Sơớc-sin tại Hạ nghị viện Anh ngày 27-4-1954. "Parliamentary Debates" (Tranh luận tại Quốc hội), Hạ nghị viện, Loại 5, tr.526, ngày 27-4-1954, tr.1455-1456), và vì lý do đó, cả người Mỹ cũng không hành động gì. Một cố gắng cuối cùng của I-đơn với Nội các Anh cũng không thay đổi gì hơn110 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.47. Xem thêm, A.I-đơn, Hồi ký, sđ, tr.117-120). Người ta đã không cứu được Điện Biên Phủ. Hai ngày sau, hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc. Ngày 7 tháng 5, những người sống sót tại Điện Biên Phủ đầu hàng.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #42 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 12:17:41 pm »

Về phía đồng minh, hai tháng hoạt động ngoại giao ráo riết chỉ minh họa quá rõ khoảng cách giữa Pari, Luân-đôn và Oa-sinh-tơn về vấn đề Đông Dương.

Chính nước Mỹ cũng chia rẽ về vấn đề này. Những người có trách nhiệm như Phó tổng thống Ních-xơn, Thứ trưởng Ngoại giao Bơ-đen Xmít hay đô đốc Rát-pho tán thành can thiệp. Thậm chí Ních-xơn, trong một diễn văn đọc ngày 16 tháng 4, còn đề nghị gửi "lính Mỹ" đến Việt Nam kẻo quá chậm111 (D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.353), và đô đốc Rát-pho cũng nói đến đổ bộ một lực lượng vào khu vực Hải Phòng-Hà Nội, dù cho có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Trung Hoa đỏ112 (Ga-vin (lúc này phụ trách tác chiến của lục quân). We can get Out of Viet Nam (Chúng ta có thể ra khỏi Viet Nam), báo Saturday Evening Post, 24-2-1968, tr.24. K.C.Chen trích trong sách đã dẫn, tr.303, chúng tôi gạch dưới. Chính phủ Pháp khi đưa ra yêu cầu ngày 5 tháng 4 đã tính đến nguy cơ đó (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.39. Về phần minh, Đa-lét phải cố gắng thuyết phục I-đơn về việc Mỹ không hề có ý đồ xâm lược Trung Quốc. (D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.355). Tổng thống Ai-xen-hao và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của ông ta ngược lại lo ngại những tác động chính trị mà một quyết định như vậy có thể gây ra chỉ mấy tháng sau khi đạt được cuộc đình chiến ở Bàn Môn Điếm một cách rất vất vả, và nhất là trong năm tuyển cử. Vì vậy, hai người này mong muốn các nước đồng minh ký một hiệp ước trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp. Theo họ, đó là cách duy nhất để tránh cho nước Pháp khỏi đi vào thương lượng trên thế quá yếu, và cũng là cách duy nhất để giữ gìn tương lai trong trường hợp hội nghị thất bại, như ý kiến rất phổ biến ở Oa-sinh-tơn.


Nhưng vụ Ma-kinh (Makins) đã chứng tỏ rằng nước Anh không muốn ký hiệp ước trước Giơ-ne-vơ. Để làm giảm tình hình căng thẳng quốc tế, Anh thấy nên khai thác những khả năng của một cuộc thương lượng thực sự, và để cho cuộc thương lượng đó đi đến kết quả, hình như Anh cho rằng cần phải tránh va chạm trực tiếp với Mát-xcơ-va và Bắc Kinh bằng việc thành lập một liên minh như thế. Những nhân tố trong nhiều cái khác, giải thích đường lối của Sơớc-sin và I-đơn là: Ý muốn giữ gìn sự thống nhất trong Khối thịnh vượng chung và như vậy, quan tâm hết sức đến thái độ của Niu Đê-li đối với vấn đề Đông Dương, việc Bơ-vin (Bevan) ngoi lên địa vị cầm đầu Công đảng đang mở chiến dịch chống lại sự lệ thuộc quá đáng về chính sách của Anh đối với Mỹ, lòng mong muốn của Luân-đôn có "cách nhìn mới" về chiến lược mà trong trường hợp này có nghĩa là giảm đến mức tối thiểu khả năng can thiệp ở hải ngoại, nhất là ở Đông Nam Á, nơi đây quân đội Anh đã dính líu vào cuộc chiến đấu chống cộng sản ở Mã Lai, hoặc còn có nghĩa là phát hiện những khả năng thương mại với Liên Xô và Trung Quốc.


Bởi vậy, "hành động chung" là không thể được. Nghiêm trọng hơn nữa, sự việc đã ra công khai. Các cường quốc cộng sản biết rằng trước mắt họ, ở Giơ-ne-vơ, không có một mặt trận đồng minh đồng nhất. Thế của Pháp càng tỏ ra yếu hơn nữa.


Cuối cùng có hai vấn đề đối lập nhau giữa Pari và Oa-sinh-tơn. Vấn đề thứ nhất là mức độ độc lập của các nước Đông Dương mà người Mỹ cho rằng không đầy đủ113 (Về điểm này, M.Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.35-52 ("Washington and Paris: The Political Tangle") (Oa-sinh-tơn và Pari: Rối ren về chính trị). Tình cảm của Chính phủ Anh không khác mấy. Xem I-đơn, sách đã dẫn, tr.189. Kết luận "Các kế hoạch trao trả độc lập của người Pháp đến quá chậm và xem ra đã tuột khỏi tay họ, v.v..."). Sự thật là những nhượng bộ của Pháp cho các quốc gia liên kết ở Đông Dương nhiều khi được quyết định dưới sức ép duy nhất của tình hình. Chính thứ tự thời gian của các sự việc diễn ra chứng tỏ rằng các nước Đông Dương đã vượt qua những chặng đường lớn tiến tới độc lập trong các thời kỳ mà nỗi lo sợ về Trung Quốc là lớn nhất. "Hiệp định Ê-li-dê" (Elysée), trao đổi thư giữa Ô-ri-ôn và Bảo Đại114 (Văn bản trong "Notes et Etudes documentaires" số 1295, ngày 14-3-1950), thừa nhận nền thống nhất của Việt Nam chỉ được ký ngày 8 tháng 3 năm 1949, vào lúc cuộc tiến công của cộng sản đã đến trung tâm đất nước. Chỉ đến 6 tháng cuối năm 1949, cũng mới ký được các Hiệp định Pháp-Lào (19 tháng 7), Pháp-Khơ-me (ngày 8 tháng 11) thừa nhận nền "độc lập" của hai Vương quốc. Ở Việt Nam, chỉ sau khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tuyên bố thành lập, và Việt Minh được sự giúp đỡ của Trung Quốc, đã có thể mở chiến dịch tháng 9 năm 1950, thì nước Pháp mới thật sự chấp nhận nguyên tắc thành lập một đội quân tự trị của Việt Nam (Hội nghị Đà Lạt tháng 9 năm 1950). Cũng như thế, chỉ sau đình chiến Triều Tiên và tính đến nguy cơ Trung Quốc quay về mặt trận Đông Dương, nước Pháp mới nhận ký ngày 8 tháng 10 năm 1953 với Lào một hiệp ước hữu nghị và liên kết thừa nhận nền độc lập hoàn toàn của vương quốc này cũng như hai hiệp định ký ngày 29 tháng 8 và 17 tháng 10 năm 1953, công nhận chủ quyền của Cam-pu-chia về cảnh sát và quân đội. Với Việt Nam, tiếp theo tuyên bố ngày 3 tháng 7, mãi đến mùa thua mới bắt đầu tiến hành các cuộc thương lượng nhằm "hoàn thành" độc lập của quốc gia này. Ngày 8 tháng 3 năm 1954 nối lại các cuộc thương lượng với hoàng thân Bửu Lộc kéo dài đến 21 tháng 4 mới kết thúc, chỉ mấy ngày trước khi họp hội nghị Giơ-ne-vơ bàn về Triều Tiên và Điện Biên Phủ thất thủ. Hai dự án hiệp định đã được soạn thảo, một thừa nhận Việt Nam hoàn toàn độc lập, còn dự án kia thì định ra các cơ sở chợ liên kết với Pháp trong khuôn khổ Liên hiệp Pháp115 (Văn bản hai hiệp ước này đăng trong Textes du Jour số 67, ngày 15-6-1954). Tuy nhiên, khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, hai văn bản đó vẫn chưa được ký kết chủ yếu là do có những tin đồn gây nên lo ngại ở Việt Nam về khả năng chia cắt đất nước, một dự án đã được nghĩ đến từ nhiều tháng nay ít nhất là ở Luân-đôn và Pari116 (A.I-đơn, sách đã dẫn, tr.97-99, 103. Các tin đồn công khai trong "The times" ngày 19-4-1954. Về dự án của Pháp chia cắt Việt Nam, xem Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ của Tùy viên quân sự Pháp tại Thái Lan gửi ông Tổng thư ký thường trực Bộ Quốc phòng về vấn đề "Vài nhận xét về các cuộc thương lượng sắp tới về hòa bình ở Đông Dương", số 76/AM/Băng Cốc/25-2-1954. Báo chí Mỹ truyền đi nhanh chóng những dự án tương tự ở Mỹ, The New York Herald Tribune, ngày 1-5-1954).


Vấn đề thứ hai, đối lập giữa Pháp và Mỹ có lẽ còn quan trọng hơn, đó là vấn đề hiệp ước thành lập Cộng đồng phòng thủ châu Âu (C.E.D). Trong khi Liên Xô phản đối kịch liệt hiệp ước này, thì Mỹ ngược lại, coi đó là một bộ phạn chủ chốt của nền phòng thủ Tây Âu. Vậy mà từ nhiều tháng qua, chính phủ Pháp bác bỏ việc phê chuẩn nó. Vì vậy ở Oa-sinh-tơn, người ta lo ngại rằng việc phê chuẩn hiệp ước C.E.D, thậm chí nếu được Bi-đôn bênh vực, thì cũng sẽ trở thành đối tượng mặc cả giữa Pari và Mát-xcơ-va, Pháp sẽ bác bỏ C.E.D đổi lấy một giải pháp danh dự ở Đông Dương. Tất cả mọi vấn đề đó, mọi sự bất đồng đó đều đem tranh luận công khai trên báo. Chắc chắn là điều đó góp phần làm suy yếu thế đàm phán của phương Tây tại hội nghị.


Trung Quốc, ngược lại, đề cập đến hội nghị trong một hoàn cảnh tương đối thuận lợi. Trong khi viện trợ ồ ạt cho Việt Minh, họ đã biết làm cho Việt Minh giành được thế mạnh mà Bộ tham mưu Pháp tìm kiếm từ đầu năm mà không được. Nhưng nhất là Chính phủ Bắc Kinh đã khéo léo giúp đỡ vừa đủ để tạo thuận lợi cho Việt Minh giành được thắng lợi, song không vì thế mà viện trợ vô hạn độ để Việt Minh có thể làm cho Mỹ hoặc đồng minh của Mỹ can thiệp. Bởi vì chắc chắn rằng khi chiến tranh Triều Tiên đã chấm dứt, Trung Quốc có thể có phương tiện cung cấp cho Việt Minh một sự viện trợ về vật chất to lớn hơn là sự viện trợ mà Trung Quốc thực sự đã dành cho họ.


Vậy thì, đâu là những chủ bài của Pháp trước chính phủ Bắc Kinh? Phải chăng là triển vọng công nhận ngoại giao mà Anh đã vạch đường chỉ lối? Hay là chấp nhận những trao đổi thương mại quan trọng đó sẽ nới lỏng bao vây kinh tế mà Mỹ và Liên hiệp quốc áp đặt năm 1951? Hoặc cho hưởng những đặc quyền ở Bắc Việt Nam, nhất là ở Hải Phòng như năm 1946 đã nhượng cho Trung Hoa quốc gia? Chắc chắn là Pháp đã có sẵn mấy con bài, nhưng tất cả đều khó chơi, vì phải tính đến sự "phủ quyết" của Mỹ. Tình hình tài chính của Pháp, và do đó đưa đến sự lệ thuộc của chính phủ Pari đối với Mỹ về phương diện kinh tế cũng như về quân sự, đã đặc biệt giảm đi quyền tự do hành động mà Pháp có được.


Cuối cùng, phải chăng sự suy yếu của Pháp là con chủ bài duy nhất có trọng lượng? Theo con mắt người Trung Quốc, 8 năm chiến tranh đã chứng minh quá rõ ràng, không thể coi sự có mặt của Pháp ở Đông Dương là mối đe dọa đối với Trung Quốc, dù sao, sự có mặt đó cũng không đáng ngại bằng sự có mặt của Mỹ. Xét cho cùng cái lô-gisch đó, việc duy trì một sự có mặt nào đó của Pháp, tức là một cuộc thương lượng có kết quả giữa Pháp và Việt Minh, có thể là biện pháp duy nhất để ngăn cản sự đe dọa của Mỹ. Đó có lẽ là "điểm mạnh" duy nhất của nước Pháp đối với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #43 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 07:03:31 pm »

Chương III
BỐN "NƯỚC LỚN" MỜI TRUNG QUỐC ĐẾN GIƠ-NE-VƠ


"Một cuộc hội nghị bao gồm cả Trung Quốc tự nó là một bước tiến trên con đường dẫn đến cải thiện quan hệ giữa các nước lớn và giảm tình hình căng thẳng. Các nước lớn có trách nhiệm đặc biệt bảo vệ hòa bình và an ninh các dân tộc" - Nhân dân nhật báo, 22-2-1954


Tiến tới một cuộc thương lượng quốc tế về Đông Dương


Trung Quốc lo sợ Mỹ can thiệp vào Đông Dương

Từ bốn năm nay, Trung Quốc không ngừng tố cáo Mỹ can thiệp vào cuộc xung đột ở Đông Dương, nhất là tố cáo viện trợ quân sự của Mỹ cho quân đội Liên hiệp Pháp từ 1950. Ngũ Tu Quyền, được Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc mời đến trình bày quan điểm của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đối với cuộc chiến tranh Triều Tiên đã tuyên bố: "Cuộc vũ trang xâm lược của Mỹ đối với Đài Loan không tách rời sự can thiệp của Mỹ vào công việc nội bộ của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, việc Mỹ ủng hộ bọn xâm lược Pháp và chế độ bù nhìn Bảo Đại và việc chúng tiến công vũ trang chống lại nhân dân Việt Nam (...). Ủng hộ cuộc xâm lược đó và chế độ bù nhìn chống lại nhân dân Việt Nam, Chính phủ Mỹ không phải chỉ kéo dài cuộc xâm lược Việt Nam mà còn đe dọa biên giới nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhân dân Trung Quốc không thể không lo ngại sâu sắc về sự phát triển của mưu đồ xâm lược của Chính phủ Mỹ chống lại Việt Nam1 (Đại sự ký về các sự kiện chính liên quan đến vấn đề Đông Dương (Tân Hoa xã, Bắc Kinh, 23-28-4-1954), 26-4-1954, tr.17).


Từ năm 1950 đến năm 1953, tuyên truyền của Trung Quốc tiếp diễn không mệt mỏi theo cùng một giọng điệu như vậy. Mọi hành động và cử chỉ của Mỹ đã được ghi chép cẩn thận và khai thác. Không phải là không tùy tiện ít nhiều đối với sự thật lịch sử, ngay từ sau khi Nhật Bản thua trận, Trung Quốc kết tội Mỹ đã làm mọi việc có thể làm để giúp đỡ "thực dân pháp lấy lại" Đông Dương2 (Peoplé's' China, số 7 ngày 1-4-1954, tr.8 ), và lập Chính phủ "bù nhìn" của cựu hoàng Bảo Đại. Một cách có ý nghĩa, tập biên niên sử quan trọng về các sự kiện Đông Dương do tạp chí thế giới tri thức công bố trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp, dành 85 đề mục trong tổng số 181, nói về các hoạt động của Mỹ ở bán đảo Đông Dương trong thời gian từ năm 1950 đến 19543 (Đại sự ký về các sự kiện chính liên quan đến vấn đề Đông Dương, sách đã dẫn. Một bản tổng kết của đại sự ký đó đã đăng trong tạp chí People's China số 13, ngày 1-7-1954 tr.34-37). Đặc biệt Trung Quốc nêu bật động cơ kinh tế và chiến lược xâm lược của Mỹ là muốn chiếm lấy các mỏ chính và sản phẩm nông nghiệp Việt Nam4 (Như trên, (báo People's China) các ngày 13, 15-2-1950, 13-3-1952), biến các cảng Hải Phòng và Sài Gòn thành những căn cứ của Mỹ hoặc bằng cách đặt chân ở đó, kiểm soát bán đảo Mã Lai5 (Như trên, các ngày 13-15-2-1950). Từ nhiều năm nay, Chính phủ Bắc Kinh không ngừng trình bày chính sách của Mỹ về Đông Dương như là một trong những yếu tố của kế hoạch xâm lăng Trung Quốc cũng như việc Mỹ chiếm đóng Triều Tiên và Đài Loan.


Sau hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, việc Mỹ tăng cường viện trợ cho Pháp, xem ra không phải là không có lý do, có quy mô đáng lo ngại hơn nữa đối với Trung Quốc6 (People's China số 7, 1 tháng 4 năm 1954, tr.9). Như vậy Trung Quốc cho là có mối hiểm nguy lớn, khi thấy Mỹ, do phải cung cấp phần lớn chi phí của Pháp ở Viễn Đông đòi hỏi tham gia ngày càng nhiều trong việc chỉ huy các cuộc hành quân. Cũng không cần nói đến những khía cạnh thuần túy quân sự và quốc tế của vấn đề, có phải Chính phủ Oa-sinh-tơn quả thấy ngày càng khó để cho tiền của người đóng thuế ở Mỹ bị đem phung phí trong một cuộc chiến tranh mà theo một số người chỉ huy quân sự đang sa lầy ví nó không được tiến hành một cách đủ kiên quyết. Hiểu kỹ về tình hình dư luận ở Pháp, Trung Quốc biết rằng một bộ phận dư luận đó là cánh tả, tha thiết mong muốn mở cuộc thương lượng. Báo chí Trung Quốc trong những năm 1953-1954 không ngừng đăng lại những ý kiến đặc sắc nhất của bộ phận dư luận đó7 (Xem đoạn sau). Nhưng chính phủ Bắc Kinh cũng biết rằng có một khuynh hướng quan trọng trong cánh hữu mong muốn Mỹ thay thế quân đội Pháp ở Đông Dương8 (Người ta có thể ghi nhận trong báo chí Pháp có những đề mục cũng có ý nghĩa như "Lính Mỹ cần thay thế quân đội chúng ta ở Đông Dương" (Paris Presse, 19-5-1953). Bản tin kỷ yếu của bá tước Pari đưa ra giải pháp cho cuộc xung đột "Rút đi, để cho kẻ mạnh hơn, bảo đảm thay thế quân ta (báo Combat, ngày 1-6-1953)). Đó lại là một lý do phụ nữa cho mối lo sợ của Trung Quốc về việc "Mỹ hóa" cuộc xung đột.




Thêm vào những đòi hỏi cấp thiết của chính sách kinh tế nội bộ, tình hình quốc tế cũng thúc đẩy Trung Quốc từ giữa năm 1953 hướng về một giải pháp thương lượng mà chỉ có như vậy mới tránh được sự can thiệp ồ ạt của Mỹ ở Đông Dương. Vì vậy, từ lúc đình chiến Triều Tiên, chính phủ Bắc Kinh bắt đầu nói rõ ràng, đối với Trung Quốc, sự kiện đó phải được coi là bước đầu tiên tiến tới một nền hòa bình chung ở châu Á. Ngay hôm sau Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm, Nhân dân nhật báo viết rằng: "Không có cuộc xung đột quốc tế nào không thể giải quyết được bằng thương lượng9 (Nhân dân nhật báo, ngày 28-7-1953). Ngày 24-8 Chu Ân Lai tuyên bố công khai rằng có thể thảo luận "các vấn đề khác" sau khi giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên10 (Hồ sơ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "thương lượng hòa bình ở Đông Dương", 9-10-1953). Quách Mạt Nhược, Chủ tịch Ủy ban hòa bình của Trung Quốc, cũng viết rằng đình chiến tháng bảy là một "thí dụ điển hình về việc có thể giải quyết các cuộc tranh chấp quốc tế bằng thương lượng"11 (People's China, 16-8-1953). Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 ngày Nhật Bản thua trận, bài xã luận quan trọng của Nhân dân nhật báo một lần nữa tố cáo "Bọn xâm lược Mỹ chiếm đóng Đài Loan, một đảo của Trung Quốc, công khai can thiệp vào các cuộc chiến tranh giải phóng của các dân tộc Việt Nam và Phi-líp-pin và bằng đe dọa, mua chuộc cùng các phương tiện gian dối khác, tìm cách mở rộng sự xâm lược đối với các nước láng giềng của Trung Quốc ở Đông Nam châu Á". Nhưng đồng thời, bài xã luận viết tiếp: "Dư luận ở châu Á và phần còn lại của thế giới đòi hỏi rằng cuộc đình chiến Triều Tiên phải đưa đến hòa bình ở toàn châu Á (...)12 (Nhân dân nhật báo 3-9-1953). Ý muốn đi đến thương lượng về Đông Dương còn được đại diện của Pháp tại Bắc Kinh xác nhận13 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Thương lượng hòa bình ở Đông Dương" 7-10-1953. Mặc dù không có quan hệ ngoại giao bình thường giữa nước Pháp, và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, một đại diện của Pháp vẫn ở lại Bắc Kinh cho đến tháng 10 năm 1953).
« Sửa lần cuối: 06 Tháng Sáu, 2019, 07:13:05 pm gửi bởi quansuvn » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #44 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 07:09:37 pm »

Bắt đầu từ tháng 9 năm 1953, thái độ của Trung Quốc được xác định rõ hơn nữa14 (Ví dụ: Tân Hoa xã, Bắc Kinh 2-9-1953. Đăng lại trong tạp chí Survey of China Mainland Press (Điểm báo chí ở lục địa Trung Quốc) số 643, 2-3-9-1953). Ngày 13, đài phát thanh Trung Quốc đã gợi ý mở các cuộc đàm phán, bằng cách khẳng định rằng "lực lượng đã buộc đồng minh ký Hiệp định đình chiến về Triều Tiên cũng có thể buộc bọn đế quốc hạ vũ khí ở Việt Nam"15 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ 6-10-1953 đã dẫn). Ngày 1 tháng 10, nhân dịp quốc khánh, chính phủ Trung Quốc nhắc lại một trong những nghị quyết của Đại hội hòa bình ở Bắc Kinh họp tháng 10 năm 1952 và đã thêm vào những khẩu hiệu quen thuộc về vấn đề Đông Dương một câu nhấn mạnh đến khả năng thương lượng hòa bình16 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, bản ghi nhớ 9-10-1953 đã dẫn).


Tuy nhiên, luận diệu của Trung Quốc, cho tới lúc đó, còn khá dè dặt trong chừng mực Việt Minh, về phần mình, hình như còn có thái độ rất dè dặt đối với phương hướng mới đã phát triển ở Bắc Kinh (và nhất là Mát-xcơ-va). Tuyên truyền của Việt Minh tiếp tục nhấn mạnh cần phải kháng chiến trường kỳ, nhấn mạnh những nguy cơ của "hòa bình giả hiệu" và "độc lập giả hiệu".


Trong lời kêu gọi ngày 2 tháng 9 năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh bác bỏ mọi tư tưởng thỏa hiệp và khẳng định hòa bình chỉ có thể là kết quả của "thắng lợi cuối cùng". Bề ngoài, người lãnh đạo Việt Minh, trông chờ rất nhiều ở mùa khô tới việc Trung Quốc cung cấp nhiều vũ khí hiện đại17 (Như trên).


Chính phủ Bắc Kinh, mà những lợi ích dân tộc và quốc tế khác với lợi ích của Việt Minh ở một số điểm càng tỏ ra thận trọng và các cuộc thương lương có thể diễn ra. Đa số các bài xã luận trong mùa hè 1953 cũng chỉ có thể diễn ra. Đa số các bài xã luận trong mùa hè 1953 cũng chỉ có thể đả kích mạnh mẽ chính sách của Mỹ ở Viễn Đông và nhấn mạnh đến khả năng giải quyết mọi vấn đề bằng thương lượng. Nhưng vấn đề cụ thể về Việt Nam thì được đề cập một cách thưa thớt như trước đây, và nay thường chỉ nói đến khi tố cáo hành động của Mỹ ở bán đảo Đông Dương18 (Như vậy, trong số các bài xã luận đã kể ra ở tên, hiếm có những bài nói về chiến tranh Đông Dương. Xã luận Nhân dân nhật báo ra ngày 14-8-1953 (cách đúng đắn để giảm căng thẳng quốc tế) không nói gì đến cuộc chiến tranh Đông Dương. Bài xã luận ngày 3-9-1953 cũng vậy (Một tương lai tươi sáng cho nhân dân các nước Á Phi), hay bài của Quách Mạt Nhược trong People's China ngày 16-8-1953 cũng vậy).


Tuy nhiên, trong khi mở rộng chiến dịch ủng hộ thương lượng vào tháng 9 năm 1953, Trung Quốc, từ tháng 10 năm 1953 đã nói rõ lập trường của mình. Hưởng ứng công hàm ngày 28 tháng 919 (Xem đoạn sau), của Liên Xô, ngày 8 tháng 10 Thủ tướng Chu Ân Lai, sau khi nhắc lại sự cần thiết phải khôi phục quyền của Trung Quốc ở Liên hiệp quốc, đã nhấn mạnh ý muốn đóng góp vào việc "củng cố hòa bình ở Viễn Đông và trên thế giới"20 (Tin Tân hoa xã, Bắc Kinh, ngày 8-10-1953). Hôm sau tờ Nhân dân nhật báo đã nhắc lại luận điệu đó và ủng hộ ý kiến về một cuộc hội nghị của 5 nước lớn để giải quyết vấn đề còn tồn tại ở châu Á cũng như phần còn lại của thế giới21 (Nhân dân nhật báo, 9-10-1953, Cũng xem Thế giới trí thức, ngày 18-10-1953, số 20, tr.3).


Vài ngày sau (27 tháng 10), Tổng thống La-ni-en tuyên bố sẵn sàng nắm mọi thời cơ đi đến hòa bình ở Đông Dương và quốc hội Pháp biểu quyết ủng hộ chính phủ trong việc đi tìm một giải pháp thương lượng22 (Công báo-Các cuộc thảo luận tại Quốc hội 28-10-1953, tr.4066. Tổng thống La-ni-en đã tuyên bố về dịp đó: "Một cuộc thương lương với Trung Quốc để làm dễ dàng việc giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam, đối với con mắt của chúng ta, không phải như là một liên minh với quỷ sứ"). Cuối cùng, tại hội nghị hòa bình họp ở Viên (Vienne) từ 23 đến 28 tháng 11, đại biểu Việt Minh, Lê Đình Thám, Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình của Việt Nam lần đầu tiên chấp nhận khả năng thương lượng về Việt Nam23 (Tân hoa xã, Bắc Kinh 26-11-1953; Nhân dân nhật báo 27-11-1953). Quách Mạt Nhược, đại biểu Trung Quốc, đã lập tức ủng hộ tham luận của Lê Đình Thám. Trong lúc đó Chủ tịch Hồ Chí Minh xác nhận với báo Thụy Điển Ét-xprêt-xen, ý muốn thương lượng24 (Expressen, 29-11-1953. Bản dịch trong AB Cô-lơ, sách đã dẫn, tr.148-149). Từ ngày 1 tháng 12, Nhân dân nhật báo đăng lại lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm theo một bài xã luận ủng hộ hoàn toàn lập trường đó25 (Nhân dân báo, ngày 1-12-1953). Về thái độ của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, đây là lúc quyết định. Ba tuần sau, chính phủ Bắc Kinh rầm rộ tổ chức ở Thủ đô một ngày đoàn kết với nhân dân Việt Nam, nhân dịp đó, Lê Đình Thám và Lưu Ninh Nhất, Phó chủ tịch Tổng công hội Trung Quốc, đã nhắc lại những luận điểm26 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, 19-12-1953), nói trên, và ngày hôm sau được tất cả các báo Trung Quốc tường thuật rộng rãi27 (Như trên, 20-12-1953).


Diễn biến của các sự kiện dường như chứng tỏ rõ ràng việc Việt Minh quân đội chấp nhận nguyên tắc thương lượng có lẽ là kết quả gây sức ép của phe xã hội chủ nghĩa, bao gồm cả Trung Quốc. Trong sức ép chung này, phần Liên Xô có lẽ chiếm ưu thế. Nhưng cần phải nhấn mạnh rằng việc sắp mở ra các cuộc thương lượng về Đông Dương đáp ứng hoàn toàn lợi ích dân tộc của Trung Quốc: tạo điều kiện thuận lợi cho việc giảm căng thẳng ở Viễn Đông, cần thiết cho công cuộc phát triển kinh tế của Trung Quốc; loại trừ được, nếu cuộc thương lượng đi đến kết quả, nguy cơ can thiệp ồ ạt của Mỹ vào cuộc xung đột; tạo khả năng cho chính phủ Bắc Kinh chấm dứt được tình trạng phân biệt đối xử ở Liên hiệp quốc mà Trung Quốc là nạn nhân; làm nổi bật qui chế cường quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa trên sân khấu quốc tế; cuối cùng tạo cơ hội có được cuộc thương lượng về thương mại với phương Tây. Đó là bấy nhiêu lý do không thể bác bỏ được đáng để Trung Quốc đấu tranh cho một cuộc hội nghị quốc tế rộng rãi bàn về các vấn đề lớn trên thế giới28 (Người ta sẽ nhận xét rằng nếu đạt được hết thảy mục tiêu đó thì sẽ có hậu quả là đưa Trung Quốc ra khỏi ảnh hưởng của Liên Xô. Phải chăng đó là mục đích mà Trung Quốc tìm kiếm? Không có chứng cớ nào để khẳng định điều đó nhưng giả thuyết không phải là không có được).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #45 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 07:15:18 pm »

Những cuộc thương lượng giữa những nước phương Tây và mối quan hệ của họ với Liên Xô


Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm vừa mới ký kết (27-7-1953), trong công hàm ngày 4-8-195329 (Văn bản đăng trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 6, số 5, tháng 9-1953, tr.700-702. Về các cuộc thương lượng này, cũng xem A.E-đen, Hồi ký, sách đã dẫn, tr.60 và tiếp theo), lần đầu tiên Liên Xô gợi ý triệu tập hội nghị năm nước lớn, có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tham dự, có nhiệm vụ nghiên cứu các biện pháp nhằm làm giảm tình hình căng thẳng ở Viễn Đông. Đề nghị này làm cho các nước phương Tây lúng túng.


Ba cường quốc phương Tây đến lúc đó bao giờ cũng tự hạn chế trong việc cùng nhau yêu cầu triệu tập hội nghị bốn nước lớn để giải quyết các vấn đề châu Âu (chủ yếu là vấn đề Đức và vấn đề Áo), đặc biệt đó là điều được gợi ý trong công hàm của các nước phương Tây ngày 15 tháng 7 vừa qua30 (Như trên, tr.698-699). Nhưng đằng sau sự thống nhất bề ngoài đó của phương Tây, những sự bất đồng quan trọng đã xuất hiện giữa Mỹ, Anh và Pháp. Mỹ có thái độ "cực kỳ dè dặt"31 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Hội nghị 5 nước lớn", 20-1-1954) nếu không nói là hoàn toàn chống đối mọi ý nghĩ thương lượng khi nó có nghĩa, ngay cả gián tiếp, thừa nhận trên thực tế quy chế cường quốc của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Về phần mình, nước Anh đã công nhận chế độ Bắc Kinh từ 1950, tán thành Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc và chỉ chấp nhận một cách rất dè dặt sự ngoan cố của Mỹ32 (Trong một bị vong lục trao cho Bộ Ngoại giao Pháp mùa thu năm 1953, người Anh tuyên bố họ không đẩy Mỹ phải từ bỏ Đài Loan (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Công nhận Trung hoa cộng sản", 21-11-1953) còn nước Pháp thì đang phân vân. Được Mỹ cung cấp viện trợ cho các cuộc hành quân ở Đông Dương, Pháp không thể có một thái độ khác biệt với Chính phủ Oa-sinh-tơn. Nhưng đồng thời ở Pari, người ta hoàn toàn nhận thức được sự cần thiết phải thương lượng với Trung Quốc. Một bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao nhắc lại rằng hiện nay, chính sách tự chế "là không thể chấp nhận và không thể thực hiện được (...). Rõ ràng không thể có một giải pháp vững bền cho các cuộc xung đột ở châu Á nếu không có Trung Quốc tham gia"33 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Công nhận Trung Hoa cộng sản", 21-22-1953).


Ngoài ra, các nước phương Tây, luôn luôn khẳng định rằng các cuộc hành quân ở Triều Tiên và Đông Dương là cùng một cuộc chiến đấu, và từ nhiều tháng nay, không ngừng nhắc lại một cách lô-gích rằng việc tìm kiếm hòa bình ở hai bán đảo này cũng không thể tách rời nhau. Ngày 16-4-1953, Tổng thống Ai-xen-hao đã tuyên bố gắn việc lập lại hòa bình ở Triều Tiên với việc chấm dứt các cuộc tiến công trực tiếp và gián tiếp ở Đông Nam châu Á. Trong cuộc hội đàm ba bên ở Oa-sinh-tơn từ 10 đến 14 tháng 7, Thủ tướng Bi-đôn luôn luôn nêu lên trước nguyên tắc "hòa bình không thể phân chia" ở Viễn Đông34 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Thương lượng hòa bình ở Đông Dương", 6-10-1953). Trong phiên họp ngày 13 tháng 7, ông ta đã tuyên bố với các đồng nghiệp Mỹ và Anh như sau:

"Hòa bình sắp lập lại ở Triều Tiên, cũng cần làm sao cho Đông Dương có thể sớm đến giai đoạn hòa bình như thế. Bằng mọi giá, cần phải tránh không để cho hiệp định về Triều Tiên có tính cách riêng rẽ, nếu không Chính phủ Pháp sẽ lâm vào tình thế nguy ngập là hòa bình đã được lập lại ở Triều Tiên mà chiến tranh còn tiếp tục ở Đông Dương. Tất nhiên, gắn hai vấn đề đó với nhau sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải vì thế mà bỏ không làm. Mối quan tâm lớn nhất của phương Tây là không để cho cộng sản có thể vừa thỏa mãn lòng mong muốn chấm dứt một sự nghiệp đã thất bại trông thấy lại vừa tiếp tục duy trì một tai họa công khai ở Đông Nam châu Á".


Cuối cùng ít lâu sau cuộc đình chiến Bàn Môn Điếm có hiệu lực, bản tuyên bố ngày 7 tháng 8 của Bộ chỉ huy Liên hiệp quốc nhấn mạnh vài ngày sau do ý muốn của "16 nước" là không muốn thấy hiệp định đó làm hại đến việc lập lại hay duy trì hòa bình ở một phần khác của châu Á"35 ("Thời sự chính sách đối ngoại", tháng 8 năm 1954, tr.499).


Hơn nữa, nếu Pháp gạt bỏ ý kiến về một cuộc thương lượng trực tiếp với Bắc Kinh, thì ngược lại Pháp cho rằng "sẽ có nhiều cơ hội tốt nhất đi đến một giải pháp thương lượng về vấn đề Đông Dương nếu nó được đem ra bàn bạc trong khuôn khổ một cuộc hội nghị nhiều bên" trong đó vấn đề Đông Dương chỉ còn là một vấn đề trong các vấn đề khác và Mỹ, Anh sẽ đứng về phía Pháp. Vả lại, rõ ràng là không thể nghĩ rằng Trung hoa nhân dân lại không có mặt ở một cuộc họp như thế nếu người ta mong muốn giải quyết có hiệu quả cuộc xung đột Đông Dương.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #46 vào lúc: 06 Tháng Sáu, 2019, 07:17:43 pm »

Như vậy đề nghị ngày 4 tháng 8 của Liên Xô đã nêu lên những khó khăn về thực chất trong nội bộ phương Tây. Tuy nhiên, dưới sức ép của Mỹ, phương Tây đã trả lời trong một công hàm ngày 2 tháng 936 (Văn bản trong "Thời sự chính sách đối ngoại" tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.81-82. (Văn bản các công hàm của Pháp, Mỹ và Anh đều giống nhau) rằng họ mong muốn ưu tiên họp hội nghị bốn nước lớn, và hội nghị đó được giới hạn trong các vấn đề Đức và Áo, có thể được tổ chức ở Lu-a-ga-nô ngày 15 tháng 10. Nhưng không nói gì đến sự tham gia của Trung hoa nhân dân và cả vấn đề Triều Tiên là vấn đề phải được đề cập trong khuôn khổ Hội nghị chính trị theo điều khoản IV của hiệp định đình chiến37 (Điều khoản IV ghi như sau: "Nhằm giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên, các bộ chỉ huy hai bên sẽ khuyến cáo các chính phủ các nước và hai bên hữu quan rằng trong thời hạn 3 tháng sau khi đình chiến được ký kết và có hiệu lực, đại biểu do 2 bên chỉ định sẽ họp hội nghị chính trị tổ chức ở bình diện cao hơn nhằm giải quyết bằng thương lượng vấn đề rút tất cả quân đội nước ngoài ra khỏi Triều Tiên, vấn đề giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên v.v.. (Văn kiện về đình chiến Triều Tiên-Notice et Documentaries-La Documentation francaise, Paris, số 1791, 6-10-1953, tr.18. Thực ra thời hạn ba tháng nêu ra trong điều khoản IV sẽ không được tôn trọng (mặc dù sự khẩn khoản của các nước xã hội chủ nghĩa là các nước mong muốn quân đội Mỹ rút nhanh chóng ra khỏi bán đảo). Thực vậy ngày 28 tháng 8, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết yêu cầu các nước hữu quan chỉ định các thành viên đại diện Liên hiệp quốc tại cuộc hội nghị nói trên và giao cho Mỹ, nhân danh các nước đó, sẽ tiếp xúc với các bên Trung-Triều để triệu tập cuộc họp. Cuối tháng 10, Mỹ cử Đại sứ A-tơ Đin thảo luận vấn đề này tại Bàn Môn Điếm. Sau sáu tuần thương lượng không đi đến đâu, đại biểu Mỹ cắt đứt các cuộc tiếp xúc ngày 12 tháng 2, mấy ngày sau cuộc họp ở Béc-muýt (xem đoạn sau)). Tuy vậy Liên Xô đã nhấn mạnh lại đề nghị của mình. Đi xa hơn một công hàm mới của Liên Xô ngày 28 tháng 938 (Văn bản trong phần Phụ lục bản tin hàng ngày số 2587, 3-10-1953. Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.83-87) đề nghị họp hội nghị năm nước lớn để làm giảm tình hình căng thẳng trên thế giới và gợi ý một chương trình nghị sự bao gồm những vấn đề rất khác nhau như các vấn đề Triều Tiên, Trung Quốc, Đông Nam châu Á, khối Đại Tây dương, quân bị, căn cứ quân sự và tuyên truyền chiến tranh. Họp ở Luân-đôn từ 16 đến 18 tháng 10, ba cường quốc một lần nữa quyết định giữ vững dự án ban đầu là họp bốn nước lớn ở Lu-a-ga-nô, cho rằng mọi giải pháp khác đều là không hợp thời39 (Văn bản công hàm ngày 18 tháng 10 trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.88-90. Văn bản công hàm của Anh, Pháp và Mỹ đều giống nhau. Văn bản thông cáo chính thức của Hội nghị Luân-đôn (18 tháng 10) trong bản tin hằng ngày, số 2601, 20-10-1953). Hai công hàm khác (một của Liên Xô ngày 3 tháng 11 và một của phương Tây, ngày 6 tháng 11 không đem lại yếu tố gì mới40 (Văn bản hai công hàm trong Thời sự chính sách đối ngoại tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.90-96 và 103-104).


Cuối cùng, ngày 26 tháng 11, về nguyên tắc Liên Xô tán thành hội nghị bốn nước lớn có thể họp ở Béc-lin và tại hội nghị này, Chính phủ Mát-xcơ-va dành quyền đặt vấn đề triệu tập một hội nghị năm nước lớn41 (Văn bản công hàm ngày 26 tháng 11 của Liên Xô trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.105-108). Họp ở Béc-muýt (Bermudes) từ 4 đến 7 tháng 12, ba nước phương Tây cuối cùng đã chấp nhận gợi ý của Liên Xô, tuy vẫn giữ ý kiến của phương Tây vẫn là "họp hội nghị chính trị như Hiệp định đình chiến Triều Tiên đã dự liệu". Thông cáo cuối cùng của cuộc hội nghị Béc-muýt nói thêm rằng "đó là cách tốt nhất đi đến một giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và có những bước tiến bộ nhằm lập lại những điều kiện bình thường hơn ở Viễn Đông và Đông Nam châu Á42 (Thông cáo cuối cùng của Hội nghị Bermudes đăng trong Bản tin hàng ngày, số 2643, 9-12-1953. Văn bản công hàm ngày 8-12 của phương Tây đăng trong Thời sự chính sách đối ngoại, tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.109 (văn bản các công hàm Pháp, Mỹ và Anh như nhau)-Cũng xem V.Ô-ri-ôn, sách đã dẫn, tr.558. Về lập trường của Mỹ đối với Trung hoa nhân dân tại Hội nghị Béc-muýt xem D.D.Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.248-249). Ngày 26-12-1953, Liên Xô nói là đã nhận được công hàm ngày 8 tháng 1 của các nước phương Tây, tỏ ý vui mừng về sự thỏa thuận họp hội nghị bốn nước lớn ở Béc-lin và về việc phương Tây đồng ý sẽ thảo luận về khả năng họp hội nghị năm nước lớn43 (Văn bản công hàm ngày 26 tháng 12 của Liên Xô đăng trong Thời sự chính sách đối ngoại tập 7, số 1, tháng 1 năm 1954, tr.122). Chính phủ Mát-xcơ-va đề nghị ngày 25 tháng 1 sẽ khai mạc hội nghị Béc-lin và điều này cũng đã được chấp nhận.


Hiển nhiên rằng, việc Liên Xô, ngày 26 tháng 12 nhận họp bốn nước lớn chỉ là một nhượng bộ sách lược, và vấn đề Trung Quốc tham dự hội nghị năm nước sẽ trở thành trung tâm của hội nghị Béc-lin sắp tới.


Cũng trong thời gian đó, chính phủ Bắc Kinh có nhiều tuyên bố về khả năng họp năm nước lớn. Ngày 4-1-1954, bà Tống Khánh Linh Phó chủ tịch Hội đồng Chính phủ nhân dân Trung ương đã liệt kê tại cuộc Hội nghị đó: Trung Quốc gia nhập Liên hiệp quốc, cấm bom nguyên tử và bom khinh khí, thống nhất Triều Tiên, ngăn ngừa phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức và Nhật44 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, châu Á-châu Đại dương, bản ghi nhớ về vấn đề "Xác định thái độ của Pháp về vấn đề Triều Tiên", 14-1-1954). Một chương trình nghị sự như thế có nghĩa rõ rệt là Trung hoa nhân dân phải được chấp nhận tham dự hội nghị như một trong năm nước lớn và do đó, có thể thảo luận với bốn đoàn đại biểu khác về những vấn đề quốc tế lớn nhấy không phải chỉ là những vấn đề Viễn Đông: Nước Trung Hoa muốn trở thành không những là cường quốc châu Á mà cũng là cường quốc thế giới.


Cuối cùng, ngày 9 tháng 1, bản thân Chu Ân Lai đã nói thẳng ra lập trường của Trung Quốc là đòi nối lại các cuộc thương lượng về vấn đề Triều Tiên, các đoàn đại biểu Trung-Triều được tham gia các cuộc thảo luận tại Liên hiệp quốc nếu tổ chức này quyết định xem xét vấn đề Triều Tiên và cuối cùng, đòi tham dự hội nghị năm nước lớn, kết thúc ý cuối cùng, Chu khẳng định: "Chúng tôi cho rằng hội nghị này sẽ phục vụ lợi ích của việc làm dịu tình hình trên thế giới, bảo vệ hòa bình và an ninh quốc tế, nếu cuộc hội nghị sắp tới của bốn bộ trưởng ngoại giao tại Béc-lin sẽ mở đường dẫn tới Hội nghị năm nước lớn với sự tham dự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế cấp bách nhất"45 (Tân hoa xã, Bắc Kinh, ngày 9-1-1954).


Cả hai phía, đều đặt ra những đòi hỏi của mình. Cuộc thương lượng ắt là phải khó khăn.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #47 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2019, 10:36:43 am »

Hội nghị Béc-lin


Sự thỏa thuận giữa "bốn nước lớn" về quyền đại diện của Trung Quốc.

Như đã dự kiến, cuộc hội nghị khai mạc ngày 25 tháng 1 tại Béc-lin trong ngôi nhà trước đây của Hội đồng giám đồng minh, dưới quyền chủ tọa của Đa-lét46 (Về toàn bộ cuộc thương lượng, có thể tham khảo bài "Hội nghị Béc-lin" trong Thời sự chính sách đối ngoại Brúc-xen, tập 7, số 2, tháng 3-1954, tr.182-183. Cũng xem A.E-đen, sách đã dẫn, tr.69-85 (vấn đề châu Âu) và 98-100 (Trung Quốc)).


Hai ngày đầu (25 và 26 tháng 1), dành cho các bản tuyên bố sơ bộ của bốn bộ tưởng ngoại giao47 (Về văn bản các tuyên bố và đề nghị, xem hồ sơ "Văn kiện hội nghị Béc-lin" 25 tháng 1-18-2-1954 của Bộ Ngoại giao Pháp Paris, La Documentation francaise, 99 trang). Lập trường của hai phe như người ta có thể trông đợi, căn bản khác nhau. Trong lúc Bi-đôn ghi tên phát biểu đầu tiên đi thẳng vào vấn đề châu Á (không nêu rõ về vấn đề Đông Dương), tuyên bố phản đối mọi cuộc hội nghị gắn về vấn đề châu Âu với vấn đề Viễn Đông48 (Chúng tôi không thấy tại sao số phận nước Áo lại tùy thuộc vào vấn đề Triều Tiên, tại sao phải đặt mối liên hệ giữa việc thống nhất nước Đức với việc thay đổi quy chế quốc tế của Trung Quốc-Văn kiện hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.5). I-đơn về phần mình, thận trọng tránh đả động đến vấn đề châu Á, rồi Mô-lô-tốp, người thứ ba phát biểu, trình bày dài dòng mọi lý lẽ hình như hướng về việc triệu tập hội nghị năm nước lớn có sự tham gia của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Đối với ông ta, một cuộc hội nghị như vậy là cần thiết không những để giải quyết vấn đề châu Á, mà cũng là nhằm chấm dứt chạy đua vũ trang" và phát triển trao đổi buôn bán giữa các nước. "Lập luận đó cuối cùng đưa Bộ trưởng Bộ ngoại giao Liên Xô đến một chương trình nghị sự ba điểm mà điểm một sẽ là những biện pháp nhằm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế và triệu tập Hội nghị cấp Bộ trưởng Bộ Ngoại giao giữa Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa"49 (Văn bản tham luận của Mô-lô-tốp đăng trong Văn kiện Hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.8-13. Hai điểm tiếp theo của chương trình nghị sự là dành cho: "2/ vấn đề Đức và vấn đề  bảo vệ an ninh châu Âu. 3/ Hòa ước nước Áo". Cùng ngày, Liên Xô đưa ra đề nghị như sau: vì cần thiết  bảo vệ hòa bình thế giới và an ninh của các dân tộc, loại trừ mối đe dọa hòa bình thế giới và an ninh của các dân tộc, loại trừ mối đe dọa của một cuộc chiến tranh mới. Cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc phát triển các mối quan hệ chính trị và kinh tế giữa các nước, phù hợp với hiến chương Liên hiệp quốc, việc triệu tập vào tháng 5, tháng 6 năm 1954 một cuộc hội nghị các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Anh, Mỹ, Liên Xô và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa để xem xét các biện pháp khẩn cấp nhằm làm giảm căng thẳng trong quan hệ quốc tế được xem là thích đáng). Về điểm này, Đa-lét phản ứng lại bằng cách công kích kịch liệt Trung Quốc, "cái đuôi của chủ nghĩa cộng sản Liên Xô" và chỉ ra hết sức rõ ràng và không ai có thể hiểu lầm điều mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô đã biết rõ là "Mỹ sẽ không nhận họp một hội nghị năm cường quốc với bọn xâm lược cộng sản Trung Quốc để giải quyết các vấn đề chung của hòa bình thế giới"50 (Như trên, tr.15). Tuy nhiên, đại biểu Mỹ nhận xem xét chương trình nghị sự do Liên Xô đề nghị.


Vấn đề họp hội nghị năm nước được thảo luận bắt đầu từ 27 tháng 1 nhưng ngay ngày hôm sau, một cuộc thương lượng công khai như vậy đã tỏ ra không bổ ích. Mỹ không muốn nhượng bộ gì về vấn đề Trung Quốc: Đa-lét nói "Chu Ân Lai là ai mà việc để ông ta ngồi họp với chúng ta khiến cho mọi vấn đề lâu nay không thể giải quyết được lại có thể giải quyết được. Đó là người đứng đầu một chế độ nắm quyền hành thực tế ở Trung Hoa lục địa sau khi đã cướp quyền bằng một cuộc chiến tranh đẫm máu, và lấy việc thủ tiêu hàng triệu người Trung Quốc làm phương tiện duy nhất để bám lấy quyền lực"51 (Như trên, tr.20.21.22). Cho nên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ đề nghị chuyển ngay sang hai điểm khác trong chương trình nghị sự: vấn đề Đức và vấn đề Áo.


Tuy nhiên, Anh và Pháp trong khi thừa nhận một cách chung chung những nguyên tắc Mỹ bênh vực, lại có một lập trường mềm dẻo hơn nhiều. Trong diễn văn ngày 28, I-đơn đề cập đến Hội nghị năm nước bằng những lời lẽ cực kỳ ôn hòa, không đưa ra một lời đả kích nào đối với Liên Xô cũng như Trung Quốc và chỉ thận trọng đề nghị hoãn chưa bàn điểm 1 trong chương trình mà chuyển ngay sang các điểm tiếp theo52 (Như trên, tr.20.21.22).


Còn về lập trường của Bi-đôn, các đồng nghiệp Mỹ và Anh cũng đã biết quá rõ, nó không khác lập trường của Luân-đôn bao nhiêu. Tại cuộc hội nghị Béc-muýt, bảy tuần lễ trước đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp đã nói toạc ra:

"Những hình thức có thể của một cuộc thương lượng là gì?

1. Có thể đàm phán tay đôi với Việt Minh (...) nhưng tôi không tin sự thành thật của Hồ Chí Minh.

2. Có thể tìm trung gian. Nhưng phải trả giá đắt cho người trung gian và không chắc tìm được một người được cả hai bên đều chấp nhận.

3. Có thể tìm cách đàm phán với Trung Quốc53 (Có thể từ lâu trước khi họp hội nghị Giơ-ne-vơ, Bi-đôn đã nghiêm chỉnh nghĩ đến một cuộc thương lượng trực tiếp với Trung hoa nhân dân (Sô-ven) là người mà Bi-đôn tâm sự cởi mở, đã nói đến điều này trong cuốn sách Commentaire (Bình luận) của ông, tr.40). Chắc là bị từ chối ngay lập tức vì chính sách nước này cung cấp trang bị cho Việt Minh nhưng lại không muốn công khai thừa nhận. Vậy phải đi đến đàm phán trên bình diện quốc tế. Bản thân tôi cũng chống lại việc triệu tập Hội nghị năm nước nhưng nếu muốn có hòa bình, một ngày kia phải thương lượng với đối phương"* (Tài liệu chưa được phép công bố nguyên văn)


Nếu ở Béc-lin, Bi-đôn tỏ ra cứng rắn hơn I-đơn thì trong bản tuyên bố ngày 28, ông ta đành lòng đưa ra một yêu sách bằng cách đặt câu hỏi:

"Có gì đáng ngạc nhiên (...) khi chính phủ Pháp cảm thấy có quyền đòi Trung Quốc chứng minh tinh thần hòa bình mà họ thường đề cao? Liệu người ta có thật sự tin rằng việc họp hội nghị năm nước để nghiên cứu, chẳng hạn như các nguyên nhân của tình hình căng thẳng trên thế giới lại được biện hộ bằng sự ngoan cố của Trung hoa nhân dân ủng hộ cuộc xâm lược chống lại chúng ta".


Và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp, để ngỏ cửa cho một sự thỏa hiệp có thể đạt được, nói thêm:

"Tất cả các hình thức nói chuyện nào đưa đến tiến bộ trên con đường lập lại hòa bình ở Đông Dương đều được hoan nghênh"54 (Văn kiện hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.19-20).


Thực ra, cuộc thương lượng đã bắt đầu. Từ ngày 29 trong lúc các phiên họp toàn thể dành hoàn toàn cho việc bàn bạc các vấn đề châu Âu, một số các cuộc họp hẹp đã cho phép bốn nước lớn cuối cùng đi đến một thỏa thuận về một văn bản chung.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #48 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2019, 10:38:02 am »

Ngày 8 tháng 2*, họp phiên đầu tiên trong lúc họp toàn thể tiếp tục thảo luận vấn đề Đức. Lập tức Đa-lét khẳng định lại rằng "Chính phủ Mỹ không thể nhận họp một hội nghị dẫn đến thành lập một hội đồng chấp chính của "năm nước lớn", có Cộng hòa nhân dân Trung Hoa thamg gia. Tuy nhiên, như đã để lộ từ bài diễn văn ngày 26 tháng 1 Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm: "Chính phủ Mỹ thừa nhận tình hình thực tế do sự tồn tại nước Trung Hoa cộng sản tạo nên và sẵn sàng thảo luận với Trung Quốc về các vấn đề cụ thể bất cứ ở đâu nếu điều đó phục vụ sự nghiệp hòa bình". Chính theo phương hướng đó, ông ta đưa ra một dự thảo nghị quyết gồm ba điểm, làm một trong những cơ sở thảo luận trong những ngày tiếp theo.


1. Mời Cộng hòa nhân dân Trung Hoa dự hội nghị bàn về vấn đề Triều Tiên;

2. Khả năng triệu tập một cuộc hội nghị khác về Đông Dương "ngay khi thái độ cư sử của Cộng hòa
nhân dân Trung Hoa tại cuộc hội nghị chính trị về vấn đề Triều Tiên và ở Đông Nam châu Á đem lại những chứng cớ về tinh thần yêu chuộng hòa bình";

3. Cả 2 cuộc hội nghị nói trên không thể dẫn đến việc công nhận ngoại giao trong trường hợp chưa đạt được sự công nhận đó55 (Cần nhắc lại rằng lúc này chiều hướng dư luận ở Mỹ là thù nghịch với Trung Quốc. Tướng E-ly ghi nhận chẳng hạn như có một kiến nghị chống lại việc công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã thu được một triệu chữ ký khi ông ta đang ở Oa-sinh-tơn (tháng 3-1954) P.Ely, sách đã dẫn, tr.65).


Tuy nhiên phiên họp đầu tiên đó kết thúc mà chưa đưa lại kết quả khả quan nào. Người ta chỉ ghi nhận rằng tại phiên họp đó Bi-đôn, sau khi xác nhận lại lập trường của Pháp ngay từ đầu hội nghị là ("Không có hội nghị năm nước lớn về các vấn đề thế giới (...) nhưng luôn luôn sẵn sàng xem xét với Trung Quốc về những vấn đề cụ thể"), đã không quên kết thúc bản trình bày của mình bằng cách khẳng định nước Pháp, về phần mình, sẽ sẵn sàng xem xét lại ngay vấn đề Trung Quốc khi vấn đề Đông Dương cũng sẽ được Trung Hoa cộng sản xem xét lại", điều được hiểu là một sự mở cửa trực tiếp với Chính phủ Bắc Kinh. Một cuộc họp hẹp thứ hai tổ chức ngày 11. Tại cuộc họp này, có 2 dự thảo nghị quyết được đưa ra. Một của Mô-lô-tốp trở lại ý kiến triệu tập Hội nghị năm nước, có thể có những nước khác tham dự tùy theo vấn đề đem ra thảo luận* (Tài liệu chưa được phép công bố). Một của Bi-đôn đề nghị triệu tập ở Giơ-ne-vơ ngày 15 tháng 4 một cuộc hội nghị về vấn đề Triều Tiên gồm bốn nước lớn dự, hai nước Triều Tiên, Trung hoa nhân dân và những nước đã tham gia lực lượng Liên hiệp quốc ở Triều Tiên mà muốn tham dự; nếu cuộc hội nghị này và tình hình ở Đông Nam Á đem lại những triển vọng thuận lợi cho hòa bình56 (Mấy ngày truwcs đó, Su-man đã điện cho Bi-đôn "ông Đơ-giăng, Cao ủy ở Sài Gòn, nói rõ rằng việc tăng cường và mở rộng chiến tranh ra toàn Đông Dương một phần lớn là do Trung Hoa cộng sản tăng thêm viện trợ. Cần nhấn mạnh điều này ngay trong lúc mà ở Béc-lin, Liên Xô đang tìm cách đưa Trung Quốc của Mao Trạch Đông vào "hội đồng chấp chính" thế giới với nhiệm vụ chủ yếu là tìm các biện pháp làm dịu tình hình thế giới". Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Su-man/Pari/số 653-656/1-2-1954) thì có thể bốn nước lớn triệu tập một cuộc hội nghị khác để bàn về vấn đề Đông Dương, cả hai cuộc hội nghị đó không dẫn đến việc công nhận ngoại giao* (Tài liệu chưa được phép công bố). Trong phiên họp hẹp thứ ba vào ngày 12, Mô-lô-tốp nói rằng theo quan điểm Liên Xô, đề nghị của Pháp còn nhiều điều bất tiện quan trọng: có hai cuộc hội nghị khác nhau, mối liên hệ giữa việc giải quyết vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương, và Trung Quốc phải chịu một "thời kỳ thử thách"* (Tài liệu chưa được phép công bố).


Để vượt qua mọi khó khăn đó trong cuộc họp hẹp thứ tư ngày 15 tháng 2, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô đưa ra một đề nghị mới, dự kiến rằng ngoài năm nước tham dự hội nghị để xem xét vấn đề Triều Tiên còn có hai bên Triều Tiên, và những nước đã tham chiến ở Triều Tiên, và để xem xét vấn đề Đông Dương, các đại diện các nước hữu qua ở châu Á* (Tài liệu chưa được phép công bố). Về thực chất, như Đa-lét nhận xét, đề nghị đó khá gần với lập trường ngày 11 tháng 2 chắc chắn rằng Liên Xô thừa nhận là vấn đề Đông Dương được đưa vào chương trình nghị sự như đoàn đại biểu Pháp mong muốn, nhưng ngược lại, Trung Hoa cộng sản cũng bao gồm trong trung tâm năm nước lớn và được coi như một cường quốc đứng ra mời và ngoài ra cuộc hội nghị này có tư cách để xem xét các vấn đề "làm dịu tình hình thế giới". Hiển nhiên là các cuộc họp hẹp như các phiên họp toàn thể có nguy cơ không đi đến kết quả.


Chính là để thoát khỏi bế tắc mà I-đơn, người duy nhất đến lúc đó chưa đưa ra một kế hoạch nào, tại phiên họp này đã đưa ra một phản đề nghị gồm hai điểm:

1. Hội nghị về Triều Tiên giữa Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và những nước nào đã nhân danh Liên hiệp quốc tham chiến ở Triều Tiên mà muốn tham dự.

2. Một cuộc hội nghị mới về Đông Dương giữa Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước hữu quan ở Đông Nam châu Á, chừng nào các cuộc thảo luận tại hội nghị nói ở trên và tình hình ở Đông Nam châu Á đem lại những triển vọng thuận lợi cho hòa bình (công thức của Pháp đưa ra ngày 11 tháng 2).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #49 vào lúc: 14 Tháng Bảy, 2019, 10:45:56 am »

Đưa cho tiểu ban các chuyên viên đến ngày 18 tháng 2, bốn nước lớn mới bàn lại vấn đề ở phiên họp hẹp thứ sáu. Cuối cùng đạt được thỏa thuận về văn bản cuối cùng sau đây:

"Các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, Pháp, Anh và Liên Xô họp ở Béc-lin.

"Cho rằng việc thành lập bằng phương thức hòa bình, một nước Triều Tiên thống nhất, độc lập sẽ là một nhân tố quan trọng để giảm căng thẳng trên thế giới và lập loại hòa bình ở các phần khác của châu Á.

"Đề nghị triệu tập tại Giơ-ne-vơ, ngày 26 tháng 4, một cuộc hội nghị các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Triều Tiên, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên và các nước khác có quân đội tham chiến ở Triều Tiên mà muốn được tham dự, nhằm đi đến một giải pháp hòa bình cho vấn đề Triều Tiên,

"Thỏa thuận rằng vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương cũng sẽ được xem xét tại hội nghị có sự tham dự của các đại biểu Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và các nước hữu quan khác,

"Thỏa thuận rằng việc mời dự Hội nghị nói trên, việc họp hội nghị đó đều sẽ không được coi như dẫn đến sự công nhận về ngoại giao trong trường hợp chưa có sự công nhận đó"57 (Văn kiện Hội nghị Béc-lin, sách đã dẫn, tr.23. Về ảnh hưởng của Nghị quyết Béc-lin đối với tình hình quân sự ở Đông Dương, xem ý kiến của Na-va, sách đã dẫn, tr.182, 255, 296, 297. Cuối cùng người ta ghi nhận rằng trong quan niệm của Trung Quốc, về luật quốc tế, việc hai nhà nước tham dự vào cùng một hội nghị quốc tế sẽ dấn đến sự công nhận trên thực tế, trừ khi có bảo lưu rõ ràng. Xem Về vấn đề kiến lập quan hệ ngoại giao, Thời sự thủ sách, số 11, 10-6-1956, tr.41-43).


Văn bản này, đưa vào thông cáo cuối cùng của Hội nghị bốn nước lớn, công bố cùng ngày58 (Toàn văn thông cáo cuối cùng đăng trong Văn kiện hội nghị Béc-lin, sđ, tr.98. Phần thứ 2 của thông cáo nhận xét về thất bại của cuộc thương lượng về châu Âu đã được thảo ra như sau: "Các chính phủ Mỹ, Pháp, Anh, Liên Xô tin tưởng rằng việc ký một hiệp định về giải trừ quân bị, hay ít nhất bằng một hiệp định có giá trị thật sự về tài giảm binh bị sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các mối bất đồng quốc tế cần thiết cho việc thiết lập một nền hòa bình lâu dài. Thỏa thuận sẽ tiến hành trao đổi ý kiến để đi đến một giải pháp tích cực như điều khoản 6 của nghị quyết Liên hợp quốc ngày 28-11-1953 đã kiến nghị. Các vị bộ trưởng đã tiến hành trao đổi ý kiến đầy đủ về vấn đề Đức và vấn đề an ninh châu Âu cũng như vấn đề Áo, nhưng đã không đi đến thỏa thuận nào về vấn đề đó), chắc chắn là kết quả của một sự thỏa hiệp giữa hai phe. Đoạn 2 (cho rằng ...) là lấy lại từ dự thảo của Đa-lét ngày 8 tháng 2, đoạn 3 (đề nghị ...) là lấy lại từ dự thảo ngày 15 tháng 2 của I-đơn, đoạn 4 (thỏa thuận rằng ...) là do Liên Xô đề  nghị trong một cuộc họp chuyên viên, đoạn cuối cùng (thỏa thuận rằng ...) trực tiếp phỏng theo dự thảo ngày 8 tháng 2 của Đa-lét. Cuối cùng, chính theo gợi ý của Bi-đôn mà bốn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã thỏa thuận rằng Liên Xô sẽ đứng ra mời Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, còn Mỹ sẽ mời Nam Triều Tiên và các nước tham chiến ở Triều Tiên, dự hội nghị Giơ-ne-vơ.


Nhưng nếu đúng là một sự thỏa hiệp, thì cũng đúng không kém là chính Liên Xô đã có những nhượng bộ quan trọng nhất. Việc so sánh các dự thảo khác nhau và việc nghiên cứu các cuộc thương lượng bí mật không để lại chút nghi ngờ nào về điểm đó.


Chắc chắn rằng, người phương Tây, về phần mình, cũng đã nhân nhượng một số điểm. Họ đã chấp nhận rằng vấn đề Triều Tiên và vấn đề Đông Dương sẽ được thảo luận trong một cuộc hội nghị duy nhất (ngay cả trên thực tế hội nghị đó có hai giai đoạn rõ rệt); rằng vấn đề Đông Dương sẽ được đề cập dù kết quả của hội nghị bàn về Triều Tiên thế nào đi nữa; rằng mọi lời lẽ liên quan đến chứng cớ phải có trước về ý muốn hòa bình của Trung Quốc cũng không có trong văn bản cuối cùng. Nhưng so với những nhân nhượng của Liên Xô, sự nhượng bộ này là nhỏ.


Bộ trưởng Liên Xô trên thực tế đã chấp nhận:

1. Một cuộc hội nghị sẽ không phải là hội nghị năm nước và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không phải là nước lớn đứng ra mời59 (Ngày 21-4-1954, ngay trước ngày họp hội nghị Giơ-ne-vơ, Liên Xô gửi công hàm cho ba nước phương Tây, cố gắng một lần nữa để Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được chấp nhận như một trong năm cường quốc ngang với Liên Xô, Mỹ, Pháp, Anh. Ngày 23-4, ba nước phương Tây giữ chung một công hàm từ chối)

2. Chương trình nghị sự của cuộc họp giới hạn vào hai vấn đề Triều Tiên và Đông Dương: hội nghị Giơ-ne-vơ không phải là hội nghị có thẩm quyền quốc tế như lúc đoàn Mát-xcơ-va và Bắc Kinh mong muốn; Hội nghị đó cũng không giải quyết các vấn đề tồn tại khác ở châu Á như vấn đề Đài Loan; Trung Quốc bị loại khỏi các công việc ngoài châu Á60 (Bình luận về phiên họp toàn thể ngày 10 tháng 2, dành cho vấn đề Đức và an ninh châu Âu, Bi-đôn điện về Pari "Cũng cần lưu ý cố gắng của Mô-lô-tốp đưa Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vào vị trí quan sát viên trong các vấn đề châu Âu. Khi đọc đến đoạn này, chỉ có đoạn này là bất ngờ-cả hội ngị cười ồ (...). Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Bi-đôn, Béc-lin, số 391-394, ngày 10-2-1954);

3. Đoạn liên quan đến việc không công nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa do Mỹ khởi thảo, đã được giữ lại (trong khi Mô-lô-tốp, cho đến phút chót của các cuộc họp hạn chế, đã từ chối không chấp nhận đoạn đó);

4. Cuối cùng không một cường quốc trung lập châu Âu nào được mời dự Hội nghị chính trị về Triều Tiên như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa đã đề nghị hồi tháng 9 năm 1953.


Tóm lại, Liên Xô đã không nhân nhượng tí gì về các vấn đề châu Âu (do đó hội nghị đã thất bại về điểm này), tất cả những nhân nhượng đối với phương Tây đều là về các vấn đề Viễn Đông và chỉ có Trung Quốc là bị thiệt mà thôi. Trong khi các vấn đề Đức và Áo gặp bế tắc, những điểm duy nhất mà những người cộng sản nhận thương lượng là những vấn đề châu Á và điều đó đã được giải quyết tại một cuộc hội nghị mà Trung Quốc không có mặt. Hai ngày sau trong một bức điện thông báo cho các đại diện ngoại giao Pháp trên thế giới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp có thể tuyên bố một cách chính đáng:

"Những lập trường của các bên lúc đầu tưởng như không thể dung hòa được cuối cùng đã gặp nhau nhờ có sự nhượng bộ lẫn nhau. Nếu những nhượng bộ của các nước phương Tây, nhất là Mỹ là khá nhiều thì những nhân nhượng của phía Liên Xô còn lớn hơn nữa"61 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện thông báo số 20/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về vấn đề "Kết quả hội ngị Béc-lin về các vấn đề châu Á", 20-2-1954).


Còn đối với Mỹ, việc tán thành mời Trung Hoa cộng sản dự hội nghị là sự nhượng bộ đáng kể nhất của họ. Dù cho về mặt pháp lý, cách giải thích cảu Mỹ đã giảm đi rất nhiều ý nghĩa của việc mời đó, Mỹ đã nâng cao không kém uy tín quốc tế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, làm thiệt hại cho Đài Loan. Chẳng phải là Trung Hoa cộng sản sắp tham dự một cuộc hội nghị ở ngay một thành phố đã đăng cai nhiều hội nghị có tiếng nhất là các cuộc họp của Hội Quốc Liên trước đây đó sao? Nhưng Đa-lét hiểu rằng từ chối mọi thương lượng với Trung Quốc là trực tiếp đi ngược lại với ý muốn và lợi ích của Pháp cũng như với dư luận chung ở Pháp và ở Anh và chung cục là có thể có hại đến tính vững chắc của Liên minh Đại Tây dương và như vậy là trúng kế của Liên Xô ở châu Âu. Đó cũng sẽ là những lập luận mà Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ sử dụng để thuyết phục đảng viên Đảng cộng hòa của ông ta vốn chống đối kịch liệt nhất mọi bước đầu bình thường hóa với Trung Quốc, đặc biệt "nhóm Trung Quốc" như thượng nghị sĩ Nao-len (Knowland) hay Hâm-phrây (Humphrey)62 (Về vấn đề này, xem R.Ph.Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.45-48).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM