Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:21:23 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất  (Đọc 45748 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #30 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2019, 07:58:16 pm »

Viện trợ quân sự của Trung Hoa nhân dân cho Việt Minh

Viện trợ quân sự nhận được của cộng sản Trung Quốc bắt đầu từ trước năm 1949 khá lâu16 (Xem chương I), tất nhiên đã tăng cường khi Quân Giải phóng nhân dân tiến sát biên giới Việt Nam17 (Nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không bao giờ nhận đã viện trợ quân sự cho Việt Minh. Ngược lại, một số sách của Liên Xô ngày nay đã có nói đến. Xem G.V. A-xta-phi-ép, A.M. Đu-bin-xki, Chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mát-xcơ-va, Nhà xuất bản Tư tưởng, 1974, tập I, tr. 87-88)


Từ cuối tháng 12 năm 1949, một phái đoàn quân sự của Việt Minh có lẽ đã đến Bắc Kinh để thương lượng xin thêm viện trợ nhiều hơn nữa. Ngày 18 tháng 1 năm 1950, cùng ngày, Trung Hoa mới công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa, một hiệp định đầu tiên về viện trợ quân sự được ký kết mà theo những nguồn tin Trung Hoa quốc gia, thì Bắc Kinh sẽ giao 150.000 súng trường tịch thu được của Nhật và 10.000 súng các-bin Mỹ cùng với đạn dược tương ứng. Việt Minh bắt đầu nhận được số vũ khí này kể từ mùa xuân18 (Chiang Yung Ching, sách đã dẫn, tr.14-15. K.C.Chen trích trong sách đã dẫn tr.261, vấn đề Trung Quốc viện trợ cho Việt Minh được nghiên cứu chi tiết ở các tr.260-278. Frédéric Dupont, Mission de la France en Asie (Sư mệnh của nước Pháp ở châu Á), Paris, France-Emprie 1956, tr.116 nói đến việc xây dựng các con đường quan trọng ở biên giới Trung-Việt kể từ tháng 1 năm 1950. Nói chung, về viện trợ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cho Việt Minh, nên tham khảo các sách: Joseph. J.Zasloff, The role of the Sanctuary in Insurgency: Communist China's Support to the Việt Minh 1946-1954 (Vai trò của đất thánh trong cuộc nổi dậy: Ủng hộ của cộng sản Trung Quốc cho Việt Minh 1946-1954) Santa Monica (California) The Rand Corporation, 1967, tr.80 (Memorandum R.M, 4618, P.R)). Từ thời kỳ này, các đơn vị chủ lực của Việt Minh (20.000 người) được đưa sang Trung Quốc huấn luyện19 (Ra-un Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.166. Xem thêm J.Laniel: Le drame indochinois de Dien Bien Phu au pari de Geneve (Tấn thảm kịch Đông Dương từ Điện Biên Phủ đến trận đánh cuộc ở Giơ-ne-vơ) Paris, Plon, 1957, tr.87 ). Viện trợ này đã đem lại sức nặng đáng kể cho cuộc tiến công lớn của Việt Minh khoảng tháng 9 - tháng 10 năm 1950 (chiến dịch Lê Hồng Phong đợt 1). Như mọi người đều biết, cuộc tiến công này đã đưa lại thảm bại cho quân đội Pháp-Việt (Đông Khê, Thất Khê, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lao Cai đều thất thủ). Cuối năm 1950, khoảng bốn chục tiểu đoàn đã được Trung Quốc trang bị hoàn toàn20 (Bernard Fall, Le Viet-Minh, sách đã dẫn, tr.195).


Cùng thời gian này, quân Trung Quốc vào Triều Tiên: xuất hiện mối lo sợ là "quân chí nguyện" Trung Quốc cũng sẽ tràn ngập Bắc Kỳ. Tháng 12 năm 1950, tướng Đờ Lát đờ Ta-xi-nhi (De Laltre de Tassigny) thay thế tướng Các-păng-chi-ê (Carpentier) chỉ huy quân đội Pháp-Việt21 (Tướng Đờ-Lát đơ Tát-xi-nhi giữ quyền Tổng chỉ huy cho đến khi chết tháng 1 năm 1952, sau đó đến lượt tướng Xa-lăng kế tục đến tháng 5 năm 1953, rồi sau đó đến tướng Na-va đến tháng 6 năm 1954).


Bắt đầu từ năm 1951, viện trợ Trung Quốc được cung cấp cho Việt Minh theo hiệp định ký kết mùa hè hoặc mùa thu năm đó22 (K.C.Chen, sách đã dẫn tr.269 P.Recolle: Pourquoi Dien Bien Phu? (Tại sao có trận Điện Biên Phủ?). Paris, Flam marion, 1968 tr.67). Nam Ninh (Quảng Tây) có lẽ là nơi ký hiệp định, trở thành trung tâm tiếp tế chủ yếu cho Việt Minh.


"Sau này tướng Xa-lăng viết về tình hình mùa thu năm 1951 rằng tướng Giáp nhận được của Trung Quốc khối lượng viện trợ quan trọng. Các con đường đi từ Trung Quốc-từ Ninh Minh, từ Long Châu (ở Quảng Tây, phía bắc Lạng Sơn) tới miền châu thổ (Bắc kỳ) bằng xe lửa và là những đường tốt. Tôi đã có thể cho thiếu tá La-ta-pi (Latapy) bay trên những trung tâm quan trọng đó của Trung Quốc đối diện với Lạng Sơn. Ông ta đã đem về những tấm ảnh chụp không để lại chút nghi ngờ gì về giá trị, khối lượng xe ô-tô vận tải của Trung Quốc và phát hiện được những kho hàng lớn ở đó. Các xe vận tải đó đi lại không ngừng trên các con đường đi về hướng Bắc kỳ (...)"23 (Ra-un Xa-lăng sách đã dẫn, tập II, tr.244).


Viện trợ của Trung Quốc còn tăng lên nữa trong năm 1952, khối lượng đạt khoảng 6.000 tấn24 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện ngoại giao từ Pa-ri gửi đến đoàn đại biểu Béc-lin/số 991-1002, ngày 10-2-1954). Bắt đầu từ năm đó, còn có thêm một số lớn vũ khí từ các nước xã hội chủ nghĩa khác đưa tới. Một kho vũ khí do Trung Quốc cung cấp cho Việt Minh thu được ở Phủ Đoan ngày 9 tháng 11 năm 1952, đã cho biết 50% trung liên là do Tiệp Khắc sản xuất, và hơn nữa đa số vũ khí khác có nguồn gốc Mỹ hoặc Nhật Bản25 (Ra-un Xa-lăng sách đã dẫn, tập II, tr.340). Cũng trong năm 1952, ngày 7 tháng 4, Trung Quốc và Việt Minh ký "Hiệp định trao đổi hàng", theo đó Chính phủ Bắc Kinh cam kết cung cấp cho Việt Nam dân chủ cộng hòa máy công cụ, dược phẩm, v.v... và cả thiết bị quân sự, tất cả đổi lấy gỗ và sản phẩm nông nghiệp26 (Quan hệ bang giao của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Bắc Kinh, tập 2, tr.136-137. Tướng Xa-lăng, sách đã dẫn, tập 2, tr.385, nói đến việc thanh toán bằng thuốc phiện của dân Mèo trồng ở Lào?).


Các thứ hàng hóa này được ước tính gần 1.000 tấn mỗi tháng trong năm 1953. Nhưng trong tổng số đó, số vũ khí này chiếm phần ngày càng lớn: 4 đại bác cỡ 105 ly, 296 trọng liên phòng không, 152 moóc-chi-ê 120 ly hoặc 81 ly, v.v... Ngoài ra, cũng trong năm đó, 500 xe vận tải được giao cho Việt Minh, tăng khối lượng xe vận tải của Việt Minh lên khoảng 1.000 xe, trong đó có một số là xe vận tải Liên Xô kiểu Mô-lô-tô-va. Ngoài các thứ đó, có thêm vũ khí nhẹ: 710 trung liên, 1.500 súng tiểu liên, 6.000 súng cá nhân, cùng với đầy đủ đạn dược; 300.000 bộ quân phục, thiết bị thông tin liên lạc; 120 máy thu-phát, 20 tổng đài, 70 máy điện thoại, v.v...
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #31 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2019, 08:11:05 pm »

Các con đường giao hàng viện trợ đó đều hoàn toàn công khai. Trung tâm phân phối lớn Bằng Tường (Quảng Tây) nơi đây hàng đưa tới bằng xe lửa. Từ đó phần lớn hàng được đưa tới Cao Bằng qua Long Châu rồi về hướng Thái Nguyên (bằng con đường thuộc địa số 3) hoặc Lạng Sơn (bằng đường thuộc địa số 1). Các con đường khác đi từ Vân Nam, bắt đầu từ Vân Sơn (Wenshan) qua Hà Giang rồi Tuyên Quang hoặc qua Lao Cai và sông Hồng hoặc qua đường mòn Lào Cai-Lai Châu. Việc chuyên chờ từ Bình Tường hoặc Vân Sơn do xe vận tải Việt Minh đảm nhiệm (hoặc do các xe vận tải Trung Quốc nhưng chỉ đến biên giới thì dừng lại) rồi tùy trường hợp, bằng các đoàn ngựa thồ, thuyền ván, xe đạp thồ, hoặc người gánh27 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Điện đã nói ngày 10-2-1954, do R.Xa-lăng xác nhận trong sách đã dẫn, tập 2, tr.394. Cần lưu ý rằng nhiều tác giả khác đưa ra con số viện trợ năm 1953 cao hơn nhiều 1.000 tấn mỗi tháng. K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.276 (3.000 tấn); Bác-na Phôn trong cuốn Le Viet-Minh đưa ra con số từ 3.000-5.000 tấn mỗi tháng. Những sự ước tính đó rất gần với sự thật hơn là trong hồ sơ lưu trữ chính thức của Bộ tham mưu Đông Dương muốn giảm nhẹ một cách có hệ thống sự đe dọa của Trung Quốc để không làm chính phủ Pa-ri phải lo sợ vì Bộ tham mưu Đông Dương cảm thấy Pa-ri sẵn sàng bỏ rơi họ (nói chuyện với đại tá Buốc-gioa, ngày 17-10-1974). Từ những điểm này, một phần hàng viện trợ Trung Quốc được phân phối về miền Trung, nhất là qua ngả Hòa Bình, đến tận miền Bắc Trung Bộ28 (Ra-un Xa-lăng, Hồi ký, sách đã dẫn, tập 2, tr.263 và 271). Nhưng những hàng này không đi vào tới miền Nam29 (Như trên).


Từ cuối năm 1952 viện trợ quân sự của Trung Quốc bao gồm cả việc đưa sang Việt Nam một số lượng lớn hàng vạn kỹ thuật viên nhiều ngành khác nhau: truyền tin, bộc phá, bảo quản vật tư, pháo binh, v.v...30 (Xem "Handbook for Political Woker Going to Viet Nam (sổ tay cho người công tác chính trị đi Việt Nam) 15-12-1952 trong Allan B.Cole Conflict in Indochina and International Repercussions: A Documentary History. 1945-1955 (xung đột ở Đông Dương và ảnh hưởng quốc tế. Tư liệu lịch sử. 1945-1955). Cornell University Press, 1956, tr.125-130 (Hoàng Hoa người phát ngôn đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, hôm 14-5, khẳng định rằng tài liệu này hoàn toàn bịa đặt do Chính phủ Mỹ đưa ra để chuẩn bị dư luận cho việc mở rộng chiến tranh (tin Tân Hoa Xã, Giơ-ne-vơ, 14-5-1954)). Ngoài ra các cố vấn Trung Quốc cộng tác với bộ tham mưu Việt Minh xây dựng các kế hoạch chiến lược, chuẩn bị chiến tranh tâm lý, hoặc huấn luyện và phát triển quân đội. Tuy vậy, đến cuối năm 1953, không có một chiến binh Trung Quốc nào đứng trong hàng ngũ quân đội Việt Minh và không một huấn luyện viên Trung Quốc nào dính líu trực tiếp đến các trận chiến đấu31 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện đã nói, ngày 10-2-1954. Về vấn đề này, người ta ghi nhận những ý kiến táo bạo của Julas Roy: La bataille de Điện Biên Phủ (trận Điện Biên Phủ), Paris, Juliard, 1963, tr.243-244. Có lẽ Giuyn Rôi đã đi quá xa khi ông ta viết: "Trung Quốc không có tại chỗ một cố vấn quân sự nào có thể ra quyết định, không có một pháo thủ nào, một chuyên gia nào (chúng tôi nhấn mạnh)").


Ngoài ra, binh lính Việt Minh, các sĩ quan và chính trị viên còn được Trung Quốc dành cho những điều kiện thuận tiện đáng kể cho việc huấn luyện và nghỉ ngơi32 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, điện đã nói, ngày 10-2-1954. Về vấn đề này, người ta ghi nhận những ý kiến táo bạo của Julas Roy: La bataille de Điện Biên Phủ (trận Điện Biên Phủ), Paris, Juliard, 1963, tr.243-244. Có lẽ Giuyn Rôi đã đi quá xa khi ông ta viết: "Trung Quốc không có tại chỗ một cố vấn quân sự nào có thể ra quyết định, không có một pháo thủ nào, một chuyên gia nào (chúng tôi nhấn mạnh)") ở "đất thánh", cần thiết cho việc tránh khỏi các cuộc phản công của lực lượng Pháp-Việt.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #32 vào lúc: 12 Tháng Năm, 2019, 08:13:46 pm »

Bắt đầu từ khi có đình chiến Triều Tiên, nhất là sau hội nghị Béc-lin mà kết quả là thông báo sẽ có hội nghị Giơ-ne-vơ, khối lượng viện trợ của Trung Quốc tăng nhiều khoảng gần 4.000 tấn hàng mỗi tháng, gần 2.000 tấn lương thực33 (Hồ sơ lưu trữ của G.Ph, Đa-lét dự thảo diễn văn ở Câu lạc bộ báo chí hải ngoại của Mỹ (Oversea Press Club of America) đề ngày 24-3-1954 (xem đoạn sau) do M.Guốc-tốp, trích trong sách đã dẫn, tr.188 chú thích 58). Tháng 4 năm 1954, Tướng Na-va đã tóm tắt tình hình mới như sau:

"Chiến tranh bắt đầu gia tăng từ khi có tin sẽ họp hội nghị Giơ-ne-vơ (...). Nhờ viện trợ Trung Quốc, đây là một "cuộc chiến tranh khác" mà bộ chỉ huy Việt Minh đang tiến hành. Đó là cuộc chiến tranh hiện đại thật sự có sự can thiệp của pháo binh, súng phòng không, vận chuyển bằng ô-tô trên những con đường có giá trị, việc thông tin liên lạc không thể coi thường được"34 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/24-4-1954/ bản ghi nhớ số 1807/Giơ-ne-vơ/C.C. "Tình hình quân sự ở Đông Dương trước hội nghị Giơ-ne-vơ" (chúng tôi nhấn mạnh). Xem thêm trả lời của tướng Na-va gửi Đại sứ Sô-ven có nói một phần đến viện trợ Trung Quốc (20-4-1954, đoạn 4). Những câu trả lời đó là nội dung của công văn số 1809 trong hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Viên tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương cho rằng nếu giả định ném bom cắt đường tiếp tế từ Trung Quốc thì Việt Minh "không còn có đủ trang bị cần thiết để mở một chiến dịch mới cũng qui mô như vậy trong năm 1954 với những phương tiện như họ đang sử dụng hiện nay". Về việc gia tăng viện trợ của Trung Quốc trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ họp, xem thêm H.Na-va Đông Dương hấp hối 1953-1954, sách đã dẫn, tr.183, 205-208 và 253).



Sự có mặt của một tướng Trung Quốc nào đó tên là Li Chen Hu (?) và khoảng hai chục cố vấn Trung Quốc của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc tại Tổng hành dinh của tướng Giáp còn làm cho bộ chỉ huy Pháp35 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao/điện của Bon-nê/Oa-sinh-tơn/số 2294-2296/5-4-1954. Xác nhận bằng phiếu số 485/F.T.N.V. của Phòng nhì, Ban tham mưu của tướng chỉ huy lục quân Bắc Việt Nam, 7-2-1955, lời khai của tướng Na-va trước Ủy ban điều tra, phần thứ nhất, tr.48 (P.Rô-cô-le trích trong sách đã dẫn, tr.92. Không có tập "tiểu sử nhân vật" Who's Who "hồ sơ cá nhân" nào mà chúng tôi có thể tra cứu được, lại đưa ra một tư liệu dù là sơ sài nhất về nhân vật của tướng Li Chen-hu (có lẽ chỉ là một tên mượn). Ngược lại, một vài nguồn khác lại nói đến sự có mặt từ năm 1950 của tướng La Quý Ba, bên cạnh các lực lượng Việt Minh (Hoàng Văn Chỉ, sách đã dẫn, tr.65) và cả ở Điện Biên Phủ (Huan Chen Hsia, Tiểu sử cá nhân quân đội Trung cộng, Hồng-công, Research Institute of Contemporary History 1968, tr.725-726). Phải chăng Li Chen-hu chỉ là bí danh của La Quý Ba? Theo một vài nguồn tin, La Quý Ba có thể được cử tham gia đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ. Xem Donald W.Klein, Anne B.Clark, Từ điển tiểu sử của cộng sản Trung Quốc, 1921-1965, Cambridge (Mass), Harvard University Press, 1971, tr.649. Từ lúc hội nghị Giơ-ne-vơ kết thúc, La Quý Ba được cử lam Đại sứ tại Việt Nam dân chủ cộng hòa (xem chương X). Cần lưu ý rằng một vài nguồn tin nói đến có mặt của tướng Lâm Bưu tại Mặt trận Điện Biên Phủ (Tạp chí Xuân thu, số 349, 16-1-1972, tr.26) và những nguồn khác lại nói đến Diệp Kiếm Anh cũng có mặt tại Điện Biên Phủ (Trần Minh, Hồng Công, tháng 8 năm 1978, là người có quan hệ với Hồ Chí Minh từ đầu chiến tranh Trung-Nhật) lo ngại hơn nữa. Bộ chỉ huy Pháp cũng biết từ đầu 1954, Việt Minh đã yêu cầu Trung Quốc viện trợ bổ sung đạn dược, xe, và vũ khí36 (Phiếu tình hình Đông Dương cuối tháng 2-1954 do tướng Na-va trình bày để viết chỉ thị số 222/OPS ngày 25-2-1954, tr.2 P.Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.264). Cuối tháng 2, Trung Quốc lại giúp đỡ trang bị cho một trung đoàn pháo phòng không37 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện của Bon-nê/ngày 5-4-1954. Cũng xem phiếu số 208/F/EMIFT/2S: của Phòng nhì Bộ tham mưu của Tổng chỉ huy quân đội Pháp ngày 2-3-1954. P. Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.339-340. Lời khai của tướng Na-va trước Ủy ban điều tra. Phần thứ nhất, tr.52. P.Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.444. Na-va, sách đã dẫn tr.211-212 và 243. J.Laniel, Jours de gloire et jours cruells (Những ngày vinh quang và những ngày tàn khốc), Paris, Presses de la cité, 1971 tr.235 và Le drame Indochinois Tấm thảm kịch Đông Dương, sách đã dẫn, tr.84 (Có đoạn viết: "sự có mặt của pháo thủ Trung Quốc trong chiến đấu đã được xác định")). Đầu tháng 3, có vài máy bay MIG-15 của Trung Quốc xuất hiện trên bầu trời Bắc kỳ, càng làm tăng thêm nỗi lo ngại của Bộ tham mưu Pháp38 (Về mối lo ngại của Bộ tham mưu liên quan đến sự can thiệp bằng không quân Trung Quốc ở Bắc kỳ. Xem Dwight D.Eisenhower, The White House Years. Mandate for Change 1955-1956 (Những năm ở Nhà Trắng-"Nhiệm kỳ có những đổi thay" 1953-1956). New York. Double day, 1963, tr.361-362. Người ta đã tính với 120 máy bay, Trung Quốc có thể ngăn cản quân đội viễn chinh không rút được khỏi vùng châu thổ, nếu cần phải rút. Về quan điểm này, xin chú ý đến lời khai của tướng Na-va trước Ủy ban điều tra, phần thứ 2, tr.2: như sau: Tướng Lô-duyn đã nói với tôi đến 20 lần rằng nếu máy bay đến bắn phá hoặc ném vài quả bom trên lãnh thổ Bắc kỳ, không quân của chúng ta sẽ có lẽ bị phá hủy đến hai phần ba lực lượng. Điều đó càng có thể đúng khi các bãi đậu máy bay đã được tổ chức (...) không phải để chống máy bay địch oanh tạc mà lại để chống các đội biệt động, điều này khiến cho đáng lẽ máy bay đậu phân tán thì lại tập trung càng sát với nhau càng tốt, có dây thép gai bao bọc để giám sát. Có một sự bế tắc về không quân. Chúng ta không có một máy ra-da nào, chúng ta lại không có súng phòng không (...). P.Rô-cô-le trích lại trong sách đã dẫn, tr.69). Tuy nhiên khối lượng hàng giao sang những năm 1951-1954, ước lượng chừng 50.000 tấn và xét cho cùng cũng dưới 100.000 tấn, hãy còn kém xa mức nước Pháp nhận của Mỹ cũng trong thời gian đó40 (Xem đoạn sau. Tuy nhiên, cần chú ý rằng viện trợ Trung Quốc, do tính chất thô sơ, phù hợp hơn với kiểu cách hoạt động của Việt Minh, có hiệu lực hơn là viện trợ của Mỹ cho quân đội Pháp).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #33 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2019, 07:50:18 pm »

Khả năng Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào Đông Dương


Tới giữa năm 1953, không ai nghĩ đến một cuộc can thiệp trực tiếp của Trung Quốc vào bán đảo Đông Dương. Rõ ràng là những cuộc hành quân của Quân đội liên hiệp Pháp ở Đông Dương không thể coi như một sự đe dọa đối với nền an ninh của Trung Quốc. Nhưng nhất là sự cố gắng lớn lao do cuộc chiến tranh Triều Tiên đòi hỏi, cộng thêm những khó khăn của một chế độ mới thiết lập và của công cuộc phục hồi kinh tế, đã tạm thời ngăn cấm Trung Quốc không nghĩ đến một hành động gì ở sườn phía nam. Chắc chắn, nguy cơ chủ yếu là ở trên sông Áp Lục chứ không phải trên biên giới Việt Nam. Bởi vậy, lợi ích dân tộc đã buộc Trung Quốc phải dốc hết sức lực ra ngăn cản sức ép tối đa của các lực lượng Mỹ-Nam Triều Tiên.


Hiệp định đình chiến Bàn Môn Điếm được ký kết thì vấn đề Trung Quốc thay đổi thái độ có thể được đặt ra. Mặt trận Đông Bắc được giải tỏa, liệu Trung Quốc có xem xét cuộc chiến tranh Đông Dương một cách hoàn toàn khác trước hay không? Nếu Việt Minh gặp khó khăn41 (Xem J.Laniel: Le drame indochinois (Tấm thảm kích Đông Dương), sách đã dẫn, tr.111), thì như một số người nghĩ, liệu Việt Minh có kêu gọi Trung Quốc nhảy vào cuộc xung đột để xoay chuyển cán cân lực lượng có lợi cho họ hay không?42 (Giả thiết này sẽ hoàn toàn đứng vững nếu điều nói trong tập "Hồi ký Khơ-rút-sốp" được xác nhận là có thật. Khơ-rút-sốp kể lại (trong Hồi ký) rằng phong trào kháng chiến của Việt Nam sắp tan rã vì Chu Ân Lai đã tuyên bố với ông ta: "Đồng chí Hồ Chí Minh đã nói với tôi (tức với Chu Ân Lai-N.D) rằng tình hình Việt Nam là tuyệt vọng và nếu chúng ta không có được một cuộc ngừng bắn thì người Việt Nam sẽ không kháng cự được lâu hơn nữa với Pháp. Cho nên, họ đã quyết định lui đến biên giới Trung Quốc và nếu việc đó là cần thiết, thì họ muốn Trung Quốc sẵn sàng đưa quân vào Việt Nam như Trung Quốc đã làm với Bắc Triều Tiên. Nói một cách khác, người Việt Nam muốn chúng tôi giúp họ đuổi người Pháp", Khrouchetchev, Souvenirs (Hồi ký), Paris, R.Lafont, 1971, tr.456-457). Và nhất là việc Mỹ tăng thêm viện trợ cho quân đội Liên hiệp Pháp43 (Về vấn đề này, xem đoạn sau) ở Đông Dương liệu có nguy cơ bị Chính phủ Bắc Kinh từ nay coi như một sự đe dọa thực tế mà họ cần phải trả đũa hay không? Đến cuối năm 1953 đầu năm 1954, vấn đề được trình bày ở phương Tây đại thể theo những lời lẽ như vậy.


Không đi vào chi tiết một lập luận không thể có căn cứ vững chắc vì thiếu những nguồn tin đầy đủ về phía Trung Quốc, tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, có ba loại vấn đề cần xem xét: kinh tế, quân sự và ngoại giao, xem ra loại trừ việc Trung Quốc can thiệp trực tiếp vào cuộc xung đột.


Về mặt kinh tế, việc triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đòi hỏi những khoản đầu tư lớn lao đến nỗi việc thực hiện kế hoạch chắc chắn sẽ bị trở ngại nếu Trung Quốc dính líu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương mà bất cứ lúc nào cũng có thể mở rộng quy mô như cuộc chiến tranh Triều Tiên. Lập luận này đã gây ra cả một cuộc luận chiến ở phương Tây, nhất là ở Pháp. Một bài diễn văn của Trần Vân đọc ngày 5 tháng 3 năm 1954 ở Bắc Kinh nhân dịp kỷ niệm một năm ngày Xta-lin từ trần đã đánh dấu điểm xuất phát của cuộc luận chiến. Trong bài diễn văn, Trần Vân đã giải thích rằng một trong những công trạng lớn lao của Xta-lin là sự phát triển tiềm lực kinh tế của Liên Xô44 (Tin Tân Hoa Xã-Bắc Kinh, ngày 6-3-1954). Ngày hôm sau phóng viên hãng thông tin Pháp AFP tại Hồng Công, bình luận về bài diễn văn đó như sau: "Bài diễn văn đó hình như chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc do dự trước nguy cơ cuộc cách mạng Trung Quốc trước khi truyền bá chủ nghĩa cộng sản ở châu Á, cho dù để làm việc đó, phải hy sinh Hồ Chí Minh45 (Pháp tấn xã (AFP), ngày 6-3-1954. Chúng tôi nhấn mạnh). Báo chí cánh tả, kết tội Chính phủ Pháp đã xuyên tạc bài diễn văn của Trần Vân vì lý do chính trị nội bộ, đã phát động cả một cuộc luận chiến46 (L' observateur d' au jourd'hui (Báo Người quan sát ngày nay), ngày 18-3-1954, Libération (Giải phóng) ngày 18-3-1954; L' Humanite (Nhân đạo), ngày 19-3-1954). Ở Mỹ, một phần giới báo chí đã bình luận bài nói của người lãnh đạo Trung Quốc theo cùng một hướng đó. Đặc biệt hai anh em An-xốp (Alsop) cho rằng có thể Trung Quốc đề nghị đình chỉ viện trợ cho Việt Minh đánh đổi lấy việc các cường quốc phương Tây thừa nhận nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa gia nhập Liên hợp quốc và lập lại quan hệ kinh tế bình thường với phương Tây47 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Đa-ri-đan/Oa-sinh-tơn/số 2027-2035/26-3-1954). Với những người khác, trái lại, giả thuyết này tỏ ra không có căn cứ. Đó là trường hợp của các nhà quan sát ở Hồng Công, theo họ thì Trung Quốc mong muốn có một thời kỳ hòa bình để thực hiện công cuộc xã hội hóa nhưng không có thể kết luận rằng như vậy chính phủ Bắc Kinh sẵn sàng bỏ rơi Việt Minh48 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Buy-đôn/Hồng Công/số 29-92/23-3-1954; hoặc điện Buy-đôn/Hồng Công/số 105-108/31-3-1954 kể lại tình cảm của ông Đan-tơn, cố vấn chính trị của Chính phủ Hồng Công).


Thật ra, hai quan điểm trên đây không phải hoàn toàn không thể dung hòa được. Nếu những mục tiêu kinh tế của Trung Quốc đối lập hoàn toàn với việc quốc tế hóa cuộc xung đột thì cũng không phải vì thế mà chúng loại trừ việc duy trì một sự viện trợ có giới hạn cho những du kích Việt Minh.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #34 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2019, 07:51:23 pm »

Việc phân tích tình hình quân sự của Trung Quốc cũng dẫn đến những kết luận tương tự. Một mặt, về phương diện hậu cần, tình hình căn bản khác với cuộc chiến tranh Triều Tiên. Phương tiện giao thông đường bộ và đường sắt ở các tỉnh miền Nam không có nhiều, không thể so sánh được với hệ thống giao thông ở Mãn Châu dùng vào việc chi viện cho mặt trận Triều Tiên bốn năm trước đây. Vả lại, Việt Nam ở xa các trung tâm tiếp tế của Trung Quốc về vật tư cũng như lương ăn cho bộ đội. Có nghĩa là các cuộc hành quân quy mô lớn ở Đông Dương sẽ đặt ra các vấn đề hậu cầu lớn hơn nhiều so với Triều Tiên.


Về phương diện chiến lược, những điều kiện cũng rất khác nhau. Một mặt, ngược lại với các tỉnh ở đông bắc, các tỉnh miền nam không có một tiềm lực công nghiệp quan trọng nào. Vì vậy sự thúc bách phải can thiệp chống lại sự đe dọa có thể xảy ra có lẽ không gay gắt trong trường hợp Đông Dương như trong năm 1950, khi đó, Mãn Châu, ở phía bên kia Triều Tiên, xem ra có thể bị trực tiếp uy hiếp. Mặt khác, ở Đông Dương, Trung Quốc không thể được Liên Xô bảo đảm ủng hộ về hậu cầu và về chiến lược với mức độ ngang như trường hợp Triều Tiên. Thực thể, sự cách xa về địa lý có thể dẫn những người có trách nhiệm ở Liên Xô đến chỗ coi vấn đề Đông Dương hoàn toàn khác với vấn đề Triều Tiên. Từ đó, đối với Trung Quốc, nguy cơ bị cô lập về quân sự càng tăng lên. Cuối cùng, từ đầu năm 1954, tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan49 (Xem D.D. Ai-xen-hao, sách đã dẫn, tr.462) tăng lên, bắt buộc nước Trung Hoa nhân dân phải thận trọng hơn đối với Đông Dương.


Tình hình ngoại giao của Chính phủ Bắc Kinh cũng buộc Trung Quốc phải có một thái độ hết sức dè dặt về đường lối quốc tế. Ý muốn nới lỏng bao vây về kinh tế mà Trung Quốc phải chịu đựng và bình thường hóa quan hệ với càng nhiều quốc gia càng tốt, nhất là ở châu Á tất nhiên cũng buộc Trung Quốc phải tránh một cuộc can thiệp chỉ có thể gặp phải sự chống đối của hầu hết các thủ đô, sau cuộc can thiệp của "chí nguyện quân" ở Triều Tiên. Mấy năm sau, I-đơn viết: "Tôi biết Trung Quốc do dự, ít nhất là trong giai đoạn này trong việc làm cho Ấn Độ chống lại mình và Trung Quốc có những cố gắng lớn lao để hòa giải với dư luận châu Á nói chung"50 (I-Đơn, Hồi ký, sách đã dẫn, tr.106). Đúng như vậy, vào tháng 4 năm 1954 trước khi khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ ít hôm, Liên Xô, Trung Quốc và Việt Minh họp hội nghị trù bị ở Mát-xcơ-va. Theo nguồn tin Liên Xô, tại cuộc họp, Chu Ân Lai đã tuyên bố rằng trong trường hợp cuộc xung đột ở Đông Dương mở rộng, chính phủ của ông ta không thể viện trợ thêm cho Việt Minh được nữa, "bởi vì điều đó làm Trung Quốc đối lập với các nước khác ở Đông Nam châu Á và tạo cho Hoa Kỳ khả năng thành lập một khối kéo dài từ Ấn Độ đến In-đô-nê-xi-a". Vây là, theo Thủ tướng Trung Quốc, "cần phải tìm khả năng tiến hành thương lượng với Pháp"51 (M.S. Ka-pit-sa "Hai chục năm-Hai chính sách". Sách đã dẫn, tr.109, G.V.A-xtafi-ép, A.M. Dy-bin-xki, sách đã dẫn, tập I, tr.93. Không ước đoán về tính chân thực của tập Hồi ký Khơ-rút-sốp, người ta ghi nhận rằng những dòng viết về hội nghị trù bị Mát-xcơ-va nói trên phù hợp hoàn toàn với điều được kể lại hiện nay trong các sách Liên Xô. Thủ tướng Trung Quốc có lẽ đã tuyên bố như sau: "Chúng tôi hoàn toàn không có thể đáp ứng yêu cầu (Trung Quốc can thiệp vào Việt Nam) của đồng chí Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã mất quá nhiều quân ở Triều Tiên, nơi đây chúng tôi đã trả giá đắt cho cuộc chiến tranh. Trong tình hình hiện nay, chúng tôi không thể lao vào một cuộc xung đột mới được nữa" (sách đã dẫn, tr.457)). Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nhằm đặt nền móng cho sự phát triển xã hội chủ nghĩa của mình, Trung Quốc phải chú ý đến dư luận quốc tế để hy vọng được nhiều sự thừa nhận về ngoại giao và có nhiều quan hệ kinh tế hơn. Vào mùa xuân 1954, Trung Quốc đã lựa chọn "cùng tồn tại hòa bình" mà họ cho rằng chỉ có như thế mới phù hợp với lợi ích dân tộc của mình. Điều đó tuyệt nhiên không hề ngăn cấm Trung Quốc ủng hộ Việt Minh về quân sự và kinh tế chừng nào sự viện trợ đó có khối lượng và tính chất thế nào để phương Tây không thấy ở đó một sự can thiệp công khai trong cuộc xung đột. Nhưng hiển nhiên là điều đó loại trừ sự dính líu trực tiếp của quân đội Trung Hoa trên chiến trường Đông Dương. Đối với Trung Quốc, Đông Dương không được trở thành một Triều Tiên mới.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #35 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2019, 07:57:37 pm »

Phản ứng của phương Tây52
(Tiêu đề mục này không bao gồm một sự phán xét đáng giá nào. Đồng ý là thái độ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa cũng có thể hiểu là sự "phản ứng" đối với chính sách của phương Tây)


Tới năm 1949, nước Mỹ còn chia rẽ ý kiến về vấn đề Đông Dương. Một mặt, Mỹ từ chối tỏ thái độ có thể gây cảm tưởng rằng Mỹ ủng hộ sự có mặt của thực dân Pháp ở bán đảo Đông Dương53 (Từ năm 1944, Tổng thống Ru-dơ-ven đã cho rằng không nên giữ nguyên trạng các thuộc địa ở Đông Dương, nhất là do chính sách lạc hậu Pháp đang tiến hành ở đó. Bộ Ngoại giao Mỹ: Quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, hồ sơ ngoại giao: Các cuộc Hội nghị Man-ta và Y-an-ta, 1945. Oa-sinh-tơn. D.C.1955, tr.770). Nhưng mặt khác, Mỹ rất lo ngại về những khuynh hướng đang trở thành cộng sản của Việt Minh. Sau chiến tranh thế giới thứ hai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Gioóc-giơ Mác-san (George C.Marshall) đã xác định sự bối rối của Mỹ trong một bức điện gửi Đại sứ quán Mỹ tại Pa-ri: "Chúng ta hoàn toàn thừa nhận lập trường tự chủ của nước Pháp và chúng ta không muốn tỏ ra bằng bất cứ cách nào là chúng ta đang thay đổi lập trường đó. Đồng thời, chúng ta không thể làm ngơ trước sự thực rằng đây là một vấn đề có hai mặt. Các tin tức của chúng ta nói đến việc Pháp vừa thiếu hiểu biết đối phương vừa duy trì ở vùng này những biện pháp và cách nhìn có tính cách thực dân đã lỗi thời một cách nguy hiểm. Mặt khác, chúng ta không được quên rằng Hồ Chí Minh gắn bó trực tiếp với những người cộng sản và hiển nhiên là chúng ta chẳng có lợi ích gì khi thấy các chính quyền ở các thuộc địa được thay thế bằng một triết lý và tổ chức chính trị ở Krem-li và do Krem-li trực tiếp kiểm soát. Thật thà mà nói chúng ta chẳng có giải pháp nào để gợi ý về vấn đề này"54 (Tài liệu mật Bộ quốc phòng, sách đã dẫn, tr.7-8. (không nói rõ ngày gửi điện). Tuy nhiên, cần nhắc lại vài thời kỳ về chính sách Mỹ ở Việt Nam đối với người Pháp  năm 1945. Xem B.Phôn, sách đã dẫn, tr.89-91).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #36 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2019, 08:06:28 pm »

Ngăn cản Trung Hoa nhân dân can thiệp vào Đông Dương

Nhưng khi cộng sản giành được thắng lợi ở Trung Hoa lục địa, lập trường của Mỹ được xác định rất nhanh chóng. Từ ngày 30 tháng 12 năm 1949-quân cộng sản vừa mới đến sát biên giới Trung-Việt-Tổng thống Tơ-ru-man thông qua một văn kiện của Hội đồng an ninh quốc gia, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ngăn chặn cộng sản bành trướng xuống Đông Dương bằng cách cung cấp viện trợ chính trị, kinh tế và quân sự cho các chính phủ hữu quan55 (Tài liệu NSC. 48/2/ Xem tài liệu mật Bộ quốc phòng, sách đã dẫn, tr.9). Sau đó, khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Liên Xô công nhận Việt Nam dân chủ cộng hòa tháng 1 năm 1950, Mỹ trả đũa lại bằng cách cùng với Anh, công nhận Quốc gia Việt Nam ngày 7 tháng 2. Cùng trong tháng đó, một văn kiện mới của Hội đồng an ninh quốc gia trình bày rõ ràng cái sau này gọi là "thuyết Đô-mi-nô" và nhấn mạnh rằng Mỹ cần khẩn thiết bảo vệ Đông Dương nếu muốn tránh cho cán cân lực lượng ở Đông Nam châu Á không ngả về phía những người cộng sản56 (Như trên, tr.6).


Từ đầu năm 1952, Mỹ bắt đầu tính đến một số biện pháp quân sự chống lại Trung Quốc trong trường hợp Trung Quốc can thiệp trực tiếp hơn nữa vào cuộc xung đột Đông Dương. Một bản nghiên cứu của Hội đồng an ninh quốc gia vào thời kỳ này đã nêu ra khả năng về một hành động chung chống Trung Quốc, hoặc dưới sự bảo trợ của Liên hiệp quốc, hoặc ít nhất hợp tác với Pháp và Anh57 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.27-32. Khó mà nghe theo R.F.Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.31, khi ông ta viết rằng tháng 1-1954, Mỹ không có chính sách ở Đông Nam châu Á. Nhưng tác phẩm của ông đã hoàn thành trước khi công bố tài liệu mật Bộ Quốc phòng. cũng xem A. I-Đơn, Hồi ký, sách đã dẫn, tr.93). Một hành động như vậy có thể bào gồm một cuộc bao vây đường biển đối với Trung Quốc (đoạn 11a), những hoạt động du kích chống cộng ở ngay trên lãnh thổ Trung Quốc để phá hoại đường giao thông và quấy rối việc Trung Quốc tiếp tế quân sự cho Việt Minh (đoạn 11b), sử dụng các lực lượng của người Trung Quốc chống cộng hoặc theo chủ nghã quốc gia ở Đông Nam châu Á, ở Triều Tiên và ở ngày trên đất Trung Quốc (đoạn 11c), thậm chí, trong trường hợp xung đột mở rộng, mở những cuộc hành quân trên biển và trên không của Mỹ-Anh-Pháp nhằm vào các mục tiêu quân sự của Trung Quốc, trừ những mục tiêu nào ở quá gần biên giới Liên Xô (đoạn 12). Nếu Pháp và Anh từ chối thì lúc đó Mỹ có thể tính đến hành động một mình (đoạn 13).


Chính là vừa để chuẩn bị đối phó với mọi tình huống, vừa để cân đối với việc Trung Quốc đưa vũ khí và dụng cụ vào Đông Dương và để tăng cường cuộc chiến đấu chống Việt Minh mà bắt đầu từ tháng 5 năm 1950, Mỹ đã quyết định cung cấp dụng cụ quân sự cho Pháp với số lượng ngày càng tăng58 (Tập san Bộ Ngoại giao Mỹ, 2-5-1950, tr.821. Tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đin A-chi-sơn (Dean Acheson) ngày 8-5-1950. Phái đoàn cố vấn quân sự (MAAG) ở Đông Dương được thành lập tháng 8-1950). Từ năm 1950 đến năm 1953, những dụng cụ quân sự chuyển giao không phải trả tiền tăng gấp 10 lần, từ 11.000 lên 117.000 tấn.


« Sửa lần cuối: 18 Tháng Năm, 2019, 08:14:09 pm gửi bởi quansuvn » Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #37 vào lúc: 18 Tháng Năm, 2019, 08:16:12 pm »

Song song với việc trên, Mỹ không ngừng tăng mức viện trợ tài chính cho Pháp. Năm 1952, viện trợ tài chính là 115 tỷ phrăng chiếm gần 40% chi phí cho các cuộc hành quân59 (Theo một nguồn tin Mỹ, năm 1952, viện trợ tài chính của Mỹ chiếm 65% chi phí chiến tranh. Đó là do có sự khác nhau trong phương pháp tính toán, do sự phức tạp của các thủ tục viện trợ của Mỹ cho nước ngoài. Tường trình trước Ủy ban đối ngoại Hạ nghị viện Mỹ-Quốc hội khóa 83, phiên họp thứ 2 về luật viện trợ vì an ninh chung, năm 1954 Oa-sinh-tơn, 1954, tr.35. Cũng xem A.B. Cô-le, sách đã dẫn tr.260-261). Năm 1954, viện trợ tài chính của Mỹ đạt khoảng 300 tỷ phrăng (905 triệu đôla) trong đó 135 tỷ phrăng (bi vong lục ngày 29 tháng 9 năm 1953) để chi phí cho các kế hoạch mà Chính phủ Pháp đã xây dựng nhằm tăng cường các cuộc hành quân chống Việt Minh60 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, viện trợ Mỹ cho Đông Dương, bản ghi nhớ đã nêu ở trên, bảng 7).


Có nghĩa là, cuối năm 1953-đầu năm 1954, viện trợ Mỹ chiếm ưu thế trong chi phí của cuộc chiến tranh. Điều đó giải thích rộng rãi tại sao Việt Minh đã tố cáo gay gắt viện trợ đó61 (Xem Trả lời phỏng vấn của các nhà báo về sự can thiệp của Mỹ ở Đông Dương, ngày 25-7-1950 trong Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tr.251-252, trong đó Hồ Chí Minh viết "Thực dân Pháp theo đuổi chiến tranh ở Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào theo chỉ thị của Mỹ và nhờ đôla, vũ khí Mỹ, nhưng đồng thời đế quốc Mỹ cũng tìm cách hất cẳng thực dân Pháp để độc quyền thống trị Đông Dương"). Và tại sao Trung Quốc lại tỏ ra lo ngại. Các cuộc hội nghị quân sự của đồng minh nối tiếp nhau họp ở Xin-ga-po và Trân Châu Cảng từ đầu năm 1951 còn củng cố thêm mối lo ngại của Trung Quốc về khả năng quốc tế hóa cuộc xung đột theo qui mô đã xảy ra ở Triều Tiên. Thực thế, Bộ tham mưu đồng minh (Staff Agency) được thành lập ở Trân Châu Cảng tháng 4 năm 1953 giữa Mỹ, Anh, Pháp, Ô-xtrây-li-a và Niu Di-lơn62 (Xem đoạn trước, chương I). Lần thứ nhất đã họp một phiên làm việc, tiếp đó lại họp ở Trân Châu Cảng từ 15 đến 30 tháng 5. Sau nhiều cuộc thảo luận dài, hội nghị đã kiến nghị là trong trường hợp Trung Quốc xâm lược sẽ có một phản ứng kép của phương Tây. Một mặt là có thể yểm hộ bằng không quân và thủy quân cho quân đôi liên hiệp Pháp. Nhằm mục đích đó, Bộ tham mưu trên đã đề nghị phân chia ngay sự chỉ huy giữa một vùng phòng thủ Đông Dương đặt dưới quyền trách nhiệm của Pháp và ở bên ngoài vùng đó, một ban chỉ huy hành quân của Mỹ, cũng như xây dựng một cơ sở hạ tầng thích đáng (sân bay ra-đa, v.v...) Mặt khác, đề nghị phong tỏa các bờ biển Trung Quốc kèm theo ném bom chiến lược và hoạt động du kích ở lục địa. Mọi người cũng thỏa thuận rằng Chính phủ Pháp sẽ cộng tác xây dựng kế hoạch và sẽ là người duy nhất đánh giá thời cơ thuận lợi cho việc triển khai kế hoạch đó63 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, Hội nghị Luân-đôn lời ghi do ông Rút chuẩn bị và ông Bi-đôn đọc tại hội nghị tháng 10-1953. Cũng xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương/bản ghi nhớ về: "biện pháp dự kiến trong trường hợp Trung Quốc xâm lược Đông Dương. Tiêu chuẩn của sự xâm lược đó"/15-10-1953).


Một cuộc họp thứ hai cũng ở Trân Châu Cảng ngày 21 tháng 9 đến 2 tháng 10 năm 1953, còn cụ thể hóa thêm nữa những kiến nghị đầu tiên ấy. Trong cuộc họp, người Ăng-lô Xăc-xông đã nêu bật ý muốn duy trì một đầu cầu ở Bắc kỳ, trong trường hợp Trung Quốc xâm lược, bảo vệ Mã Lai, lấy điểm tựa của việc phòng thủ (Mã Lai) trên eo đất Kra, và chiếm đảo Hải Nam để sau này dùng vào việc đổ bộ lên lục địa Trung Quốc (nếu cần)64 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/châu Á-châu Đại dương, Bản ghi nhớ "Chiến lược chung ở Đông Nam châu Á"/30-11-1953. Ý kiến chiếm đảo Hải Nam có từ trước vì trong cuộc nói chuyện của tổng thống Ô-ri-ôn ngày 2-2-1953. Xem V.Auriol, Journal du Sptennat 1947-1954, Nhật ký 7 năm (1947-1954). Paris, Colin, 1971, tr.44. Cần lưu ý rằng ai cũng biết đến kế hoạch này vì chính một nhà báo của AFP đã trình bày ý kiến đó lên tổng thống Ô-ri-ôn). Sau cuộc họp đó, ngày 7 tháng 10, các đại sứ Pháp, Anh và Mỹ có nhiệm vụ hỏi Bộ Ngoại giao Anh và Mỹ xem bắt đầu lúc nào các Chính phủ Anh và Mỹ nghĩ rằng có cuộc xâm lược thực sự của Trung Quốc65 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Bản ghi nhớ chuẩn bị cho..., sách đã dẫn).


Mấy hôm sau, Bi-đôn trở lại ý kiến này trong cuộc hội đàm Pháp-Anh-Mỹ tại Luân-đôn (từ 16 đến 18 tháng 10). Trước hết, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp đã trình bày rằng những tin tức nhận được ở Pari đã làm cho người ta nghĩ rằng có thể khẳng định được khả năng một cuộc xâm lược như vậy. Một nguồn tin chắc chắn nói đến việc thành lập một trường dạy lái máy bay ở Nam Ninh (Quảng Tây). Một nguồn tin khác kém tin cậy hơn, từ Đài Loan đưa về66 (Thực ra, Bộ Ngoại giao Pháp ít chú ý đến các nguồn tin nhận được từ Đài Loan, kể cả những báo cáo của đại sứ quán Pháp tại Đài Bắc gửi về vì cho rằng những tin tức đó quá thiên về tuyên truyền (nói chuyện với một nhân vật Pháp ngày 5-7-1973)). Nói đến việc tập trung máy bay phản lực ở miền Nam Trung Quốc67 (Ở Đông Dương, Pháp không có một chiếc máy bay phản lực nào). Một đường bay có lẽ đã được xây dựng ở ngay Lạng Sơn. Như vậy, Bi-đôn nói tiếp, có lẽ đến lúc các nhà quân sự nghiên cứu những tiêu chuẩn của một cuộc xâm lược của Trung Quốc có thể xảy ra, để áp dụng các biện pháp do Bộ tham mưu đồng minh đề ra, ví dụ như cung cấp một số dụng cụ nhất định và nhất là việc sử dụng không quân.
Hai vị Bộ trưởng (Anh và Mỹ) đã đáp ứng tích cực các đề nghị đó. I-đơn đã nhấn mạnh sự phát triển của tình ình Đông Dương đã ảnh hưởng trực tiếp đến Mã Lai68 (Sự quan tâm đó đến an ninh ở Mã Lai à do các cuộc nổi dậy mới đây của cộng sản mà Anh đang phải đối phó. Về vấn đề này, xem chương V). Và do đó, ông ta đồng ý sẽ tiến hành việc nghiên cứu các vấn đề đó. Đồng thời Đa-lét cũng tuyên bố sẵn sàng xem xét giới hạn của việc Trung Quốc viện trợ, vượt qua giới hạn của việc Trung Quốc viện trợ, vượt qua giới hạn đó thì sẽ phải có biện pháp can thiệp mà chắc chắn người Mỹ sẽ là những người đứng ra tổ chức chủ yếu.
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #38 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 12:03:45 pm »

An ninh tập thể ở Đông Nam châu Á và việc Mỹ không can thiệp vào Đông Dương


Từ tháng 1 năm 1951, trong một cuộc họp giữa ba nước Anh, Pháp, Mỹ ở Oa-sinh-tơn, đại biểu Pháp đã đề nghị nên tính "làm một cái gì đó để Trung Quốc hiểu rằng một cuộc xâm lược vào Đông Dương sẽ gây ra một cuộc trả đũa tập thể". Còn đại biểu Mỹ thì đề nghị công bố một lời cảnh cáo long trọng với chính phủ Bắc Kinh mà Pháp cho rằng có lợi cho việc đánh dấu tình đoàn kết giữa các nước đồng minh nhưng cũng "bất lợi là Bắc Kinh có thể giải thích rằng đó là một sự khiêu khích"69 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ liên quan đến dự thảo tuyên bố chung về Đông Nam châu Á. 1-12-1952, tr.6-7. Vấn đề được đề cập ngay từ hội nghị Luân-đôn (5-1950), nhưng với những lời lẽ mơ hồ hơn nhiều. Xem P.Ely, sách đã dẫn, tr.18).


Một năm sau, tháng 5 năm 1952, Phủ cao ủy Pháp tại Đông Dương và Bộ phụ trách quan hệ với các quốc gia liên kết đã nêu lại vấn đề và đưa ra ý kiến về một bản tuyên bố Anh-Pháp-Mỹ "trong đó ba cường quốc trình bày những mục đích hành động của họ ở Đông Nam châu Á và nhất là khẳng định lại ý chí kiên quyết giúp đỡ các quốc gia trong vùng được độc lập hoàn toàn, bảo vệ họ chống lại sự đe dọa của bên ngoài và bên trong và cuối cùng, xây dựng lại nền kinh tế của họ"70 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Sài Gòn/bản ghi nhớ về "Lịch sử vấn đề dự thảo tuyên bố giữa các nước đồng minh gọi là "Hiến chương Thái Bình Dương"/23-6-1953). Mục đích dài hạn của dự án là giành được việc ký kết một hiệp ước tương trợ giữa các cường quốc hữu quan về Đông Nam châu Á và mở rộng sang khu vực này những nghĩa vụ và bảo đảm đã có đối với khu vực Bắc Đại Tây dương". Nhưng trước mắt có lẽ thực tế hơn nếu ấn định một mục tiêu ít tham vọng hơn dưới hình thức một tuyên bố, tương tự như Hiến chương Đại Tây dương năm 1940, có thể gọi là Hiến chương Thái Bình dương. Ô-xtrây-li-a và Tân-tây-lan phải được mời tham gia. Giữa năm cường quốc có thể thành lập một cơ quan liên lạc quân sự, kinh tế và chính trị71 (Như trên).


Cuối tháng 5 năm 1952, trong cuộc họp ban bên ngày 28, Bộ trưởng ngoại giao A-chi-sơn (Acheson) đã giải thích rằng chính phủ Mỹ đang định rõ chính sách nhằm ngăn ngừa mọi sự mở rộng mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Viễn đông. Mỹ luôn luôn nghĩ đến việc gửi một lời cảnh cáo chung của ba nước đồng minh72 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Vụ chính trị/bản ghi nhớ về vấn đề "Hiến chương Đông Nam Á"/12-6-1952). Từ đó đối với chính phủ Pari, những ý muốn của Oa-sinh-tơn có lẽ có thể điều hòa được với dự án của Pháp. Lúc bấy giờ, Vụ chính trị Bộ Ngoại giao Pháp nhận xét "theo cách nào đó, chúng ta hãy thử quy tụ vào một hướng những ý định cùng Mỹ đối với Trung Quốc, rút bỏ cái mũi nhọn hiếu chiến và thay bằng một bản tuyên bố long trọng về viện trợ quân sự, chính trị và kinh tế cho các quốc gia Đông Nam châu Á (...)"73 (Như trên). Giữa tháng 6 hội đồng chính phủ Pháp đã xác nhận những đề nghị của Bộ Ngoại giao và, từ cuộc họp các Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ba nước Anh, Pháp, Mỹ ngày 27 tháng 6 năm 1952 ở Luân-đôn, Rô-be Su-man (Robert Schuman) đã báo cáo cho các đồng nghiệp của ông về ý muốn của Pháp74 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ đã kể trên, ngày 23-6-2953). Các cuộc thăm dò đã được tiến hành ở Luân-đôn và Oa-sinh-tơn bằng con đường ngoại giao, người ta nhấn mạnh cần phải ngăn ngừa tuyên truyền cộng sản có nguy cơ phát triển nhân có Đại hội hòa bình sẽ họp ở Bắc Kinh75 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện Ngoại giao Pari gửi các đại sứ quán Pháp tại Luân-đôn và Oa-sinh-tơn/16-9-1952).


Nhưng Luân-đôn, tuy có thiện cảm với gợi ý của Pháp, lại đánh giá rằng thời cơ chưa thuận lợi và muốn đợt kết quả hội nghị quân sự giữa các nước đồng minh, dự kiến sẽ họp ở Oa-sinh-tơn vào tháng 10. Về phần Mỹ, họ mong muốn được giải thích rõ ràng về dự án của Pháp và trước hết cần nghiên cứu tường tận tình hình quân sự ở Đông Nam châu Á trước khi dính líu vào76 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ đã trích dẫn tên/ngày 23-6-1953).


Cuối cùng, vào tháng 9 năm 1952, Pháp ngả theo ý kiến của Anh và quyết định chờ xem kết quả của các cuộc hội đàm quân sự tại Oa-sinh-tơn77 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/điện đã trích dẫn trên/ngày 19-9-1952). Chỉ đến cuối năm 1952, người ta mới mở lại hồ sơ đó. Nhưng việc Đa-lét thay A-chi-sơn ở Bộ Ngoại giao Mỹ và Bi-đôn thay Su-man ở Bộ Ngoại giao Pháp vào tháng 1 năm 1953, rồi những triển vọng về đình chiến ở Triều Tiên, nhất là diễn biến tình hình Đông Dương và kèm theo là sự mệt mỏi của dư luận Pháp, rốt cuộc đã dẫn đến việc bỏ rơi dự án đó vào mùa xuân năm 195378 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ đã dẫn trên, ngày 23-5-1953. Hồ sơ sẽ chỉ được mở lại sau khi ký Hiệp nghị Giơ-ne-vơ khi Pháp sẵn sàng ký hiệp ước Ma-ni-la thành lập Tổ chức liên phòng thủ chung Đông Nam châu Á (SEATO) (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/bản ghi nhớ về vấn đề "Tuyên bố quốc tế liên quan đến Đông Dương" 21-7-1954)). Tuy nhiên, đến tháng 7, Bộ tham mưu Pháp nghĩ rằng những lực lượng nước ngoài được Trung Quốc ủng hộ tấn công vào Lào phải được khai thác về mặt ngoại giao bằng cách yêu cầu Mỹ và Anh cam kết có những biện pháp trả đũa lại Bắc Kinh trong trường hợp xảy ra xâm lăng Vương quốc Lào và Khơ-me79 (Thông báo số 3430/12-OM ngày 17-7-1953, dưới đóng dấu của bộ tham mưu đồng minh các lực lượng vũ trang. Ký tên: Blanc, Fay, Nomy. P.Rocolle trích trong sách đã dẫn, tr.52-53. H.Na-va sách đã dẫn, tr.86-87).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
quansuvn
Moderator
*
Bài viết: 6589



WWW
« Trả lời #39 vào lúc: 02 Tháng Sáu, 2019, 12:09:03 pm »

Nhưng từ lúc này, tình hình quân sự "ruỗng nát" đòi phải có những giải pháp căn bản khác trước. Từ đầu năm 1954, tướng E-li (Ely) Tổng tham mưu trưởng lục quân đã được phép qua trung gian của tướng Va-luy (Valluy), yêu cầu Oa-sinh-tơn tăng cường viện trợ cho Đông Dương, nhất là dưới hình thức bổ sung thêm những phương tiện không quân80 (Về quan hệ Pháp-Mỹ trong giai đoạn này, có thể chủ yếu xem Ph.Devillers, La Fin d'une guerre (Kết thúc một cuộc chiến tranh), sách đã dẫn, tr.70-108. R.Ph. Ran-đơn, sách đã dẫn, tr.53-135 và Coral bell, Survey of International Affairs, 1954 (Điểm lại các vấn đề quốc tế) Luân-đôn, Niu Oóc và Tô-rôn-tô, Oxford University Press, 1957, 329 trang, tr.21-42). Ngoài ra Mỹ còn nhận đáp ứng một phần yêu cầu của Pháp đặc biệt là máy bay B.26, cùng với thợ máy bảo dưỡng và phi công81 (Về những vấn đề này, xem những đoạn trích trong Bọ vong lục của Ủy ban đặc biệt về Đông Dương gửi Tổng thống Ai-xen-hao, ngày 30-1-1954. Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.32-35. Quyết định này được công bố bằng một thông cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 6-2. Về phản ứng của Trung Quốc. Xem bản tin ngày 8-2-1954 của Tân Hoa xã đưa lại trong Surprise of China Mainland Press (Điểm lại báo chí Trung Hoa lục địa), Tổng lãnh sự Mỹ, Hồng Công, số 744, ngày 10-2-1954). Chính là để phối hợp việc sử dụng sự viện trợ từ nay rất quan trọng đó mà mấy tuần sau, tướng Ô Đa-ni-en (O Daniel) thay thế tướng Tơ-ráp-nen (Trapnell) đứng đầu phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ (MAAG) tại Sài Gòn82 (Sự có mặt của tướng Ô Đa-ni-en tại Sài Gòn không thể không giống sự có mặt của tướng Trung cộng Li Chen-hu bên cạnh Bộ tham mưu của Việt Minh).


Cuộc tiến công căn cứ Điện Biên Phủ, bắt đầu từ ngày 13 tháng 3, nhất là việc đánh chiếm nhanh chóng các đồn tiền tiêu của cứ điểm83 (Xem P.Rô-cô-le, sách đã dẫn, chương VII (La surprise tactique-Chiến thuật bất ngờ), tr.343-390). Điện Biên Phủ từ những ngày đầu chiến sự, đã làm các giới hữu trách trong chính phủ Pari ngạc nhiên84 (G.Sô-ven, sách đã dẫn, tr.44. Về thời kỳ này, xem thêm M.Guốc-topps, sách đã dẫn, tr.68-115). Trong mấy tuần, các giới chính trị và quân sự, ở Pháp cũng như ở Mỹ và ở Anh đều trải qua một cơn sốt đặc biệt. Ngày 20 tháng 3, tướng Ê-li, có nhiệm vụ đi Mỹ cầu cứu, đã tới Oa-sinh-tơn và hội đàm nhiều ngày với Tổng thống Ai-xen-hao, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét và đô đốc Chủ tịch Ủy ban các tham mưu trưởng Rát-pho (Radford) giải thích cho họ rằng nếu không có sự can thiệp ồ ạt của không quân Mỹ thì sẽ không thể thắng được ở Điện Biên Phủ, nơi quyết định số phận của Đông Dương. Ngay lúc đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và đô đốc Chủ tịch Ủy ban các tham mưu trưởng tỏ ý rất tán thành một hành động như vậy và tướng Ê-li trở về Pari ngày 26 tháng 3 khá lạc quan về khả năng Mỹ có thể sẽ hành động trong trường hợp ít nhất là có sự can thiệp bằng không quân của Trung Quốc85 (Tài liệu mật Bộ Quốc phòng, sách đã dẫn, tr.11 (Operation Vautour-Chiến dịch Chim ưng), và nhất là xem P.E-ly, sách đã dẫn, tr.59-81 (Mission a Washington-Sứ mệnh ở Oa-sinh-tơn). Tướng E-ly chú thích rằng... đô đốc Rát-pho không tin Trung Quốc sẽ can thiệp quân sự trực tiếp vào Đông Dương (tr.63). Xem thêm J.Laniel, (Le drame Indochinois (Tấn thảm kịch Đông Dương), sách đã dẫn, tr.83-84).


Chính lúc đó, Bộ Ngoại giao Mỹ lại tung ra ý kiến về một hiệp ước an ninh tập thể ở Đông Nam châu Á. Theo ý của Mỹ, liên minh đó phải vừa làm xoa dịu dư luận (nhất là Quốc hội Mỹ) đang lo ngại một cuộc phiêu lưu quân sự có thể xảy ra ở Viễn Đông mà không được Anh và các đồng minh khác ủng hộ, vừa ngăn đe phe cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc không được can thiệp trực tiếp vào Đông Dương86 (P.E-ly, sách đã dẫn, tr.66). Ngày 29 tháng 3, trong một diễn văn quan trọng đọc tại "Câu lạc bộ báo chí hải ngoại của Mỹ", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đa-lét kịch liệt tố cáo Trung Quốc can thiệp vào Đông Dương:

"Một phần lớn những người lính đang chiến đấu dưới lá cờ của Hồ Chí Minh đã được Trung hoa cộng sản huấn luyện và trang bị (...) khoảng 2.000 cộng sản Trung Quốc đóng vai trò cố vấn quân sự và kỹ thuật. Họ giữ những vị trí then chốt trong các lực lượng của Hồ Chí Minh, nhất là ban tham mưu của Bộ tổng tư lệnh, ở cấp sư đoàn và trong các binh chủng chuyên môn: thông tin liên lạc, công binh, pháo binh và vận tải (...) Cộng sản Trung Quốc tránh sử dụng công khai quân đội của chính họ để tiến hành xâm lược trực tiếp Đông Dương. Tuy nhiên họ đã tăng cường đáng kể sự ủng hộ đối với cuộc xâm lược vào vùng này của thế giới. Thực tế, họ tạo mọi phương tiện dễ dàng cho cuộc xâm lược đó trừ sự xâm lược thuần túy (...)87 (P.E-ly, "Diễn văn của Đa-lét về các vấn đề Viễn Đông" USA (bản tin hàng ngày của các cơ quan thông tin Mỹ), Pari, 30-3-1954. Bản tiếng Anh trong Thời báo Niu Oóc, 30-3-1954, tr.4. Về điểm này, xem thêm H.Na-va, sách đã dẫn, tr.243 và J.Laniel, La drame Indochinois (Tấn thảm kích Đông Dương), sách đã dẫn, tr.84).
Logged

Ai công hầu, ai khanh tướng, vòng trần ai, ai dễ biết ai
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM