Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 05:06:04 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh  (Đọc 126697 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #260 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:42:53 am »

Tổng tư lệnh tối cao quay sang phía An-tô-nốp và tôi, hỏi:

- Các đồng chí đã đọc lịch sử chiến tranh chưa?

Chúng tôi bối rối, không biết trả lời như thế nào. Câu hỏi hơi lạ: sao lại hỏi chúng tôi lúc này về lịch sử!
Thế rồi Xta-lin lại nói tiếp:

- Có dịp đọc lịch sử, các đồng chí sẽ biết rằng, ngay từ thời cổ đại, mỗi khi quân đội chiến thắng thì chiêng trống các loại đều nổi lên để ăn mừng các vị thống soái và ba quân. Chúng ta ăn mừng chiến thắng càng giòn giã thì càng tốt chứ sao, mà không phải chỉ dùng có hình thức nhật lệnh chào mừng. Chúng tôi nghĩ rằng, - đồng chí vừa nói vừa hất hàm về phía các đồng chí ủy viên Đại bản doanh đang ngồi bên bàn, - nên bắn pháo chào mừng các đơn vị bộ đội có thành tích xuất sắc và các đồng chí chỉ huy các đơn vị bộ đội ấy và cũng nên tổ chức hội hoa đăng...

Thế là có quyết nghị bắn những loạt đại bác trọng thể ở Mát-xcơ-va và mỗi loạt lại kèm theo pháo hoa, để ăn mừng chiến thắng của quân đội ta; và trước tiên là tất cả các hệ thống phát thanh của toàn Liên bang xô-viết sẽ truyền đi khắp nơi bản nhật lệnh ấy của Tổng tư lệnh tối cao. Bộ tổng tham mưu chịu trách nhiệm về các việc này.

Cũng trong ngày hôm ấy, ngày 5 tháng Tám, được ban hành nhật lệnh chào mừng và bắn loạt đại bác đầu tiên chào mừng ngày giải phóng Ô-ri-ôn và Bê-lơ-gô-rốt. Đồng thời lại có lệnh tặng cho ba sư đoàn bộ binh (5, 129 và 380) danh hiệu sư đoàn Ô-ri-ôn và cho hai sư đoàn (89 và 305) danh hiệu sư đoàn Bê-lơ-gô-rôt.

Đợt bắn đại bác chào mừng đầu tiên gồm 12 loạt, có 124 khẩu đại bác tham gia. Bấy giờ, chúng tôi nghĩ rằng sau này cứ mỗi lần chiến thắng cũng sẽ lại bắn như vậy. Nhưng ngày 23 tháng Tám, khi chiếm lại Khác-cốp, thì thấy rằng không thể coi tất cả những chiến thắng đồng đều như nhau được. Việc giải phóng Khác-cốp có ý nghĩa rất lớn, nên có đề nghị cho bắn 20 loạt đại bác, với số lượng 224 khẩu tham gia, để mừng ngày ấy. Chúng tôi cũng đã làm như vậy.

Không những nhân dân thủ đô, mà cả những đơn vị bộ đội đang tác chiến cũng rất hân hoan chờ đón những đợt bắn súng chào ấy. Có ngày, các mặt trận gọi dây nói về nhiều lần xin phép bắn chào sau mỗi lần chiếm lại được một vùng đông dân cư. Bởi vậy, cần phải tiến hành phân cấp về việc này như thế nào đây, vì rõ ràng việc giải phóng những thành phố như Ki-ép và Béc-đi-tsép, Ri-ga và Si-a-u-lai, Min-xcơ và Đu-khốp-si-na đều không thể có một ý nghĩa hoàn toàn như nhau được.

Sau này, Bộ tổng tham mưu nghiên cứu và Tổng tư lệnh tối cao đã phê chuẩn ba cấp bắn chào: cấp một có 324 khẩu pháo bắn 24 loạt, cấp hai: 224 khẩu bắn 20 loạt và cấp ba: 124 khẩu bắn 12 loạt. Mỗi lần bắn chào phải được Tổng tư lệnh tối cao cho phép. Không theo lệ ấy thì chỉ có một số trường hợp như Mát-xcơ-va bắn chào mừng những người chiến thắng nhân ngày đánh đuổi quân địch ra khỏi một số vùng đông dân cư.

Danh sách những đơn vị bộ đội và tên họ những đồng chí chỉ huy cần nêu để tuyên dương trong các nhật lệnh đều do các tư lệnh phương diện quân đề nghị gửi lên. Cục tác chiến chuẩn bị các bản nhật lệnh. Phần mở đầu của mỗi bản nói về đặc điểm hoạt động của các đơn vị, hay như ta gọi hồi đó là phần “mũ” của bản nhật lệnh, thì nội dung nhất thiết phải báo cáo với Tổng tư lệnh tối cao. Thông thường phần mở đầu ấy được báo cáo bằng điện thoại và qua điện thoại được quyết định luôn cả cấp bắn chào mừng.
Thường trung tướng A. A. Grư-dơ-lốp hoặc tôi viết phần mở đầu bản nhật lệnh, Grư-dơ-lốp rất thạo việc này. Phần ấy ít khi phải bổ sung, nếu có thêm gì thì thường là những nhận định về lịch sử; chẳng hạn, trong nhật lệnh ngày 27 tháng Giêng 1945 chào mừng việc đột phá hàng phòng ngự địch ở khu vực hồ Ma-dua, Tổng tư lệnh tối cao có thêm câu: “hệ thống phòng ngự kiên cố của quân Đức từ thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ nhất”. Như thế để nêu bật hơn ý nghĩa của chiến thắng.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #261 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:43:48 am »

Theo quy định, đại bác bắn chào mừng cấp một - 324 khẩu, 24 loạt - chỉ dành cho những trường hợp giải phóng thủ đô các nước cộng hòa trong Liên bang, chiếm được thành phố thủ đô của các nước khác hoặc dành cho những sự kiện thật đặc biệt nào đó. Trong thời gian chiến tranh, đã bắn tất cả 23 đợt như vậy những khi tiêu diệt và đánh đuổi quân địch ra khỏi Ki-ép, Ô-đét-xa, Xê-va-xtô-pôn, Pê-tơ-rô-da-vốt-xcơ, Min-xcơ, Vin-ni-út, Ki-si-ni-ôp, Bu-ca-rét, Tan-lin, Ri-ga, Bê-ô-grát, Vác-sa-va, Bu-đa-pét, Cra-cop, Viên, Pra-ha, và cả những khi chiếm được Cơ-ních-xbe và Béc-lin. Ngoài ra, còn bắn chào mừng cấp một ngày 26 tháng Ba 1944, khi quân đội ta tiến đến biên giới phía Nam đất nước, ngày 8 tháng Tư 1944, khi tiến ra đến biên giới Tây - Nam, và vào dịp quân ta liên lạc được với quân Anh - Mỹ ở khu vực Toóc-gan-u ngày 27 tháng Tư 1945. Trong thời gian chiến tranh với đế quốc Nhật, cũng đã bắn hai đợt chào mừng cấp một: nhân dịp tiêu diệt Đạo quân Quan Đông và ngày 3 tháng Chín 1945 nhân dịp toàn thắng đế quốc Nhật.

Mát-xcơ-va bắn chào mừng cấp hai - 224 khẩu, 20 loạt - tất cả 210 lần: khi giải phóng những thành phố lớn - 150 lần, khi chọc thủng tuyến phòng ngự kiên cố mạnh của quân địch - 29 lần, khi kết thúc việc tiêu diệt những tập đoàn lớn của quân địch - 7 lần, khi tiến công vượt qua được sông lớn - 12 lần, khi đột nhập vào được những tỉnh của quân Đức, vượt qua được dãy núi Các-pát, chiếm được những hải đảo - 12 lần.

Bắn chào mừng cấp ba - 124 khẩu, 12 loạt - tất cả có 122 lần, chủ yếu khi chiếm được những đầu mối đường sắt, đường bộ lớn và cả những vùng đông dân cư có ý nghĩa chiến dịch.

Ngày toàn thắng nước Đức phát-xít, ngày 9 tháng Năm 1945, thì 1000 khẩu đại bác bắn tất cả 30 loạt.
Có những trường hợp, hệ thống phát thanh chỉ truyền đi những bả nhật lệnh cám ơn, không có bắn súng chào mừng kèm theo; chẳng hạn, ngày 12 tháng Tám 1943, khi bốn sư đoàn chúng ta chiếm được thành phố Ca-ra-tsép. Và ngày 18 tháng Chín 1943, Đại bản doanh đã ký một bản nhật lệnh cám ơn quân đoàn kỵ binh cận vệ 2 về việc đột phá vào hậu phương địch, vượt sông Đê-xna và trụ lại giữ bàn đạp đầu cầu chờ cho đến khi chủ lực tới. Khi quân ta vượt sông Đni-ép-rơ, cũng đã ban hành hai bản nhật lệnh như vậy.

Còn trường hợp như thế này nữa: ngày 6 tháng Mười một 1943, nhân dịp giải phóng Ki-ép đã có bắn súng chào mừng rồi, nhưng mười ngày sau lại phát hiện ra là phương diện quân báo cáo còn sót tên của 5 trung đoàn độc lập (3 trung đoàn súng cối, 1 trung đoàn pháo nòng dài và 1 trung đoàn xe tăng) đã tham gia chiến đấu chiếm thủ đô U-crai-na. Chúng tôi báo cáo lên Tổng tư lệnh tối cao việc này và được chỉ thị ra thêm nhật lệnh bổ sung không bắn chào mừng, và 5 trung đoàn trên đều được tặng danh hiệu “trung đoàn Ki-ép”.

Trong thời gian chiến tranh với nước Đức Hít-le đã ban hành tất cả 373 nhật lệnh cám ơn, có 20 nhật lệnh không bắn súng chào mừng.

Thông thường, súng bắn chào mừng chiến thắng của một phương diện quân nào đó. Nhưng có 27 trường hợp súng bắn chào mừng chung ba, bốn, có khi tới năm phương diện quân đã cùng nhau hiệp đồng tác chiến. Còn trong trường hợp một thành phố ở ven biển, có cả những chiến hạm cùng với những đơn vị bộ đội hiệp đồng giải phóng thì súng bắn chào luôn cả hạm đội.

Tất nhiên, việc chuẩn bị những nhật lệnh cám ơn và tổ chức những đợt bắn đại bác chào mừng là một nhiệm vụ khiến cho chúng tôi rất phấn khởi, vì nó trực tiếp gắn với những thắng lợi của các Lực lượng vũ trang chúng ta. Trong khi lượng công tác chung của Cục tác chiến. việc đó chưa phải đã chiếm vị trí hàng đầu, nhưng cũng đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự chú ý.

Khi chuẩn bị nhật lệnh, phải kiểm tra tỉ mỉ phiên hiệu các binh đoàn, binh đội, tên họ các đồng chí chỉ huy, không được nhầm lẫn và bỏ sót một ai. Mà thời gian thường là “eo hẹp”, ít khi được chuẩn bị hơn hai tiếng đồng hồ. Báo cáo chiếm được những thành phố thường về vào buổi chiều, mà súng chào thì không được bắn sớm trước khi trời tối, vì như vậy sẽ mất hết tác dụng của việc bắn pháo hoa, nhưng cũng không được chậm quá 23 giờ. Có những ngày lại phải bắn súng chào hết đợt này đến đợt khác, và đúng là đã nhờ có những sĩ quan và tướng lĩnh có năng lực công tác cao, hiểu rõ tình hình, quen thuộc phiên hiệu các đơn vị và tên họ các cán bộ chỉ huy, chúng tôi mới làm trọn được nhiệm vụ trong những lúc khó khăn này.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #262 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:44:28 am »

Những bản nhật lệnh thường được nối tay nhau hoàn thành ngay trong buồng làm việc của cục trưởng Cục tác chiến, khi tôi báo cáo “phần mở đầu" cho Tổng tư lệnh tối cao, thì những đồng chí trợ lý gần gũi của tôi đã chuẩn bị xong phần văn bản còn lại.

Trước ngày 30 tháng Mười một 1944, những nhật lệnh cám ơn chỉ gửi cho các tư lệnh phương diện quân. Sau đó có ghi thêm một người nhận thứ hai nữa là tham mưu trưởng phương diện quân. Có việc này là do sáng kiến của bên dưới. Khi chuẩn bị nhật lệnh thường lệ gửi cho bộ đội của phương diện quân U-crai-na 2, chúng tôi thường xác định rõ chi tiết với thượng tướng M. V. Da-kha-rốp. tham mưu trưởng phương diện quân. Mát-vây Va-xi-li-ê-vích Da-kha-rốp góp ý với chúng tôi là đánh giá chưa hết vai trò của các cơ quan tham mưu, vì trong nhật lệnh có ghi công lao của tất cả nhưng không có một chữ nào nói đến các cơ quan tham mưu. Chúng tôi báo cáo cho Tổng tư lệnh tối cao biết việc này. Tổng tư lệnh tối cao thông cảm với sự góp ý ấy và nói:

- Da-kha-rốp nói đúng. Vai trò của các cơ quan tham mưu rất lớn. Từ nay về sau, nhật lệnh viết cho hai người nhận: tư lệnh và tham mưu trưởng.

Và chúng tôi đã làm như thế. Nhật lệnh đầu tiên viết như vậy gửi cho phương diện quân U-crai-na 2 cùng ngày hôm ấy, 30 tháng Mười một 1944.

Việc ra những nhật lệnh cám ơn và bắn súng chào không phải lúc nào cũng đều diễn ra thuận lợi cả, vì thường phải tranh luận xem đơn vị nào chiếm được cứ điểm này hay cứ điểm kia? Cũng đã xảy ra những trường hợp Bộ tổng tham mưu từ chối không cho bắn súng chào thì các bộ tư lệnh không hài lòng. Các đồng chí tư lệnh một số phương diện quân hoạt động trên những địa bàn chỉ có rất ít vùng dân cư đông, đã có lần khẩn khoản đề nghị cho bắn súng chào khi đơn vị của họ chiếm được những vùng dân cư tương đối ít. Bộ tổng tham mưu không đồng ý thì các đồng chí ấy gặp thẳng Tổng tư lệnh tối cao, đôi khi Tổng tư lệnh tối cao đã thỏa mãn những đề nghị của các đống chí ấy; chẳng hạn trưởng hợp giải phóng Đu-khốp-si-na. Và. cũng có trường hợp, Xta-lin từ chối không cho bắn súng chào, nhưng lại chỉ thị cho làm nhật lệnh cám ơn.

Nhật lệnh được viết rất tỉ mỉ. Tổng tư lệnh tối cao đích thân soát lại nhật lệnh và không tha thứ một sai sót nào. Có lần, đồng chí chỉ thị là khi gặp những thành phố đã đổi tên thì nhất thiết phải ghi trong ngoặc đơn tên cũ của các thành phố ấy, ví dụ như: Tác-tu (I-u-rép, Đe-rơ-ptơ); bởi vậy chúng tôi đã phải phân công riêng cho một đồng chí chuyên làm cái việc xác định rõ tên cũ của các thành phố đã đổi tên. Sau này, khi giải phóng Ba Lan, lại còn thêm một việc làm nữa là phải ghi trong nhật lệnh những thành phố ta đã chiếm được vừa bằng tên tiếng Ba Lan, vừa bằng tên tiếng Đức.

Lúc ban đầu, tất cả những binh đội và binh đoàn được nêu tên trong nhật lệnh cám ơn đều được mang tên thành phố đã giải phóng làm danh hiệu. Vì thế, đã xuất hiện những sư đoàn Vô-rô-ne-giơ, Cuôc-xcơ, Khác-cốp. Nhưng về sau, cuộc tiến công càng phát triển rộng thì những thành phố được giải phóng càng nhiều, thế là một vấn đề tự nó được đặt ra: có những binh đoàn và binh đội đã giải phóng đến ba bốn thành phố và nhiều hơn nữa. Như vậy phải tính sao đây? Tặng cho những binh đội, binh đoàn ấy cả bốn danh hiệu hay sao? Sau khi chúng tôi nghiên cứu, vấn đề này được Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị đúng đắn như sau: chỉ có thể tặng danh hiệu kép, tặng hai lần mà thôi, chẳng hạn sư đoàn không quân cường kích Vô-rô-ne-giơ - Ki-ép 291, đối với những đơn vị bộ đội nhiều lần lập nên những thành tích xuất sắc, thì dùng những biện pháp khích lệ khác như tặng thưởng huân chương, hoặc tặng danh hiệu đơn vị cận vệ.

Chúng tôi đã có sự thỏa thuận về nguyên tắc với Tổng tư lệnh tối cao về mọi chi tiết của bản nhật lệnh cám ơn. Nhưng dù sao, những khi vội cũng có lần không tránh khỏi những sai sót nhất định. Tôi còn nhớ một trường hợp. Một hôm, trong lúc chúng tôi đang báo cáo ở Đại bản doanh thì Cô-nép gọi điện thoại tới và báo tin trực tiếp cho Xta-lin là đã giải phóng một vùng dân cư lớn nào đấy. Lúc đó vào khoảng 22 giờ nhưng Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị cho bắn súng chào ngay trong ngày hôm ấy. Vậy là chúng tôi chỉ còn không đầy một tiếng đồng hồ để chuẩn bị mọi mặt.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #263 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:46:18 am »

Tôi viết “phần mở đầu” của bản nhật lệnh tại chỗ và được phê chuẩn. Sau đó, tôi sang phòng bên có đặt máy điện thoại, nói chuyện với Grư-dơ-lốp để xin chuyển đến ngay phiên hiệu các đơn vị và tên các đồng chí chỉ huy, rồi gọi điện cho Pu-din báo phải chuẩn bị cho phát thanh bản nhật lệnh sắp gửi đến; và cuối cùng, gọi đồng chí tư lệnh thành phố Mát-xcơ-va bàn việc tổ chức bắn súng chào.

Mang “phần mở đầu” đã viết tới cho các đồng chí đánh máy, tôi ngồi soạn nốt phấn còn lại của bản nhật lệnh, sử dụng bản đồ công tác của mình và danh sách các đồng chí chỉ huy vừa điện tới chỗ tôi. Chừng nửa giờ sau, tôi cùng với Grư-dơ-lốp kiểm tra lại nội dung những số liệu trong bản nhật lệnh, rồi đem đến buồng đánh máy đánh nốt phần còn lại và gửi đến đài phát thanh. Xong xuôi đâu đấy, tôi trở về văn phòng của Tổng tư lệnh tối cao báo cáo là mọi việc đã hoàn thành và đến 23 giờ thì bắn súng chào mừng.

- Ta cùng nghe xem, - Xta-lin nói và mở chiếc loa phát thanh tròn đã cũ, trên bàn làm việc.

Đọc nhật lệnh cũng phải tính thế nào để khi đọc xong độ trên dưới 1 phút là đại bác bắt đầu bắn chào ngay. Lần ấy cũng đúng như thế. Giọng nói trịnh trọng, đặc biệt của đồng chí I-u. B. Lê-vi-tan cất lên:

- Gửi đồng chí tư lệnh phương diện quân U-crai-na 1! Bộ đội của phương diện quân U-crai-na 1...

Nghe đến đây, Xta-lin bỗng kêu lên:

- Tại sao Lê-vi-tan lại bỏ sót tên họ của Cô-nép? Đưa bản nhật lệnh cho tôi xem!

Tên họ đồng chí Cô-nép không có trong văn bản. Tôi có lỗi trong việc này, vì khi viết “phần mở đầu" tôi viết tắt cái nhan đề (gửi T.L.P.D.Q.U. 1", mà quên khuấy mất rằng viết đây không phải là viết cho các đồng chí đánh máy của Bộ tổng tham mưu, ở trong Bộ tổng tham mưu chúng tôi các đồng chí đánh máy đã quen với lời viết tắt của tôi và tự họ đánh lấy đầy đủ cả tên họ của người nhận nhật lệnh.

Xta-lin nổi nóng:

- Tại sao lại bỏ sót tên họ đồng chí tư lệnh? – Tổng tư lệnh tối cao hỏi, nhìn chằm chằm vào tôi. - Nhật lệnh mà không có tên họ thì còn ý nghĩa gì nữa? Đầu óc đóng chí để đi đâu vậy?

Tôi im lặng.

- Ngừng phát thanh ngay và cho đọc lại từ đầu. - Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh.

Tôi lao ngay tới máy điện thoại, báo cho sở chỉ huy chưa được cho bắn súng chào ngay khi đọc xong. Tiếp theo đó, tôi gọi dây nói tới đài phát thanh đúng lúc Lê-vi-tan vừa đọc xong, đề nghị đồng chí đọc lại từ đầu, và nhất thiết phải đọc rõ tên họ của đồng chí Cô-nép.

Lê-vi-tan đọc lại nhật lệnh lần thứ hai gần như chỉ một hơi. Tôi lại gọi dây nói tới sở chỉ huy và ra lệnh bắn súng chào theo kế hoạch đã định, sau khi đọc xong. Tất cả những việc ấy diễn ra trước mắt Tổng tư lệnh tối cao. Đồng chí như theo dõi từng động tác, cử chỉ của tôi, và cuối cùng khi thấy tôi đã chữa xong khuyết điểm của mình, mới nói: 

- Có thể ra về được.

Tôi thu dọn bản đồ trên bàn, rồi bước ra. đợi A. I. An-tô-nốp.

- Thật chẳng ra sao cả, - An-tô-nốp nói khi vừa ra khỏi văn phòng.

Vì trước tôi, đã thay đổi năm cục trưởng Cục tác chiến rồi, nên tôi biết trước là việc này rồi sẽ ra sao. Thực tình mà nói, lúc này tôi có hai tình cảm: nửa buồn mà cũng nửa vui. Không làm cục trưởng Cục tác chiến nữa, tôi rất có thể được ra mặt trận. Nhiều đồng chí chúng tôi đều mong được như thế, vì công tác ở Bộ tổng tham mưu hồi ấy tinh thần luôn luôn vô cùng căng thẳng. Và nói chung nguyện vọng được ra tiền tuyến trong lúc này cũng là nguyện vọng tự nhiên của mỗi một người công dân Xô-viết.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #264 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:47:27 am »

Các đồng chí trong Bộ tổng tham mưu và ở các phương diện quân không ai biết chuyện xảy ra quanh cái nhan đề bản nhật lệnh ấy. Chỉ có thắc mắc là tại sao nhật lệnh lại đọc hai lần. Nhưng về phần chúng tôi thì đã rút ra cho mình được một bài học. Tất cả chúng tôi được lệnh nghiêm ngặt tuyệt đối không được viết tắt trong những bản nháp; từ nhan đề cho đến nội dung phải được viết cả chữ.

Hai ngày sau tôi không đến Đại bản doanh và sáng sáng Tổng tư lệnh tối cao không gọi điện thoại cho tôi như mọi khi. Tất cả những vấn đề có liên quan với Bộ tổng tham mưu, lúc ấy Tổng tư lệnh tối cao chỉ giải quyết với An-tô-nốp.

Sang đến ngày thứ ba, khi A. I. An-tô-nôp đến báo cáo thường kỳ ở Đại bản doanh thì được tin bộ đội của phương diện quân U-crai-na 2 đã giải phóng một vùng dân cư lớn. Như thường lệ, chúng tôi vội vàng bắt tay ngay vào viết “phần mở đầụ” của bản nhật lệnh cám ơn. Tôi gọi dây nói tới Pô-xcri-ơ-bư-sép và đề nghị cho tôi báo cáo “phần mở đầu) bản nhật lệnh ấy với An-tô-nốp. Liền ngay lúc đó, An-tô-nốp gọi điện thoại cho tôi:

- Đồng chí mang bản nhật lệnh tới đây...

Mấy phút sau, tôi đã đến buồng làm việc của Tổng tư lệnh tối cao. 

- Đồng chí đọc xem, - Tổng tư lệnh tối cao nói, - không quên tên họ chứ?

Tôi đọc xong và được phép cho phát thanh bản nhật lệnh. Từ đó, mọi việc lại tiến hành như cũ.

“Nhật lệnh chào mừng”, như chúng tôi vẫn gọi, càng ngày càng làm cho chúng tôi bận rộn. Chúng tôi viết những bản nhật lệnh ấy rất vội vã. Đôi khi phải đưa đến phòng phát thanh từng đoạn một. I-u. B. Lê-vi-tan đã đọc sang trang hai, thì trang ba mới đưa đến. Nhưng Lê-vi-tan và cả chúng tôi đều làm trôi chảy mọi việc. Tất cả sắp kết thúc êm đẹp, thì bỗng lại sinh ra chuyện rắc rối mới.

Chuyện xảy ra vào ngày cuối cuộc chiến tranh, khi chúng tôi bắn súng chào mừng việc chiếm được Béc-lin. Nhật lệnh viết trong dịp này không nhắc tới tên họ tướng V. V. Nô-vi-cốp. Có thể là Cơ quan tham mưu phương diện quân không báo cáo tên của đồng chí, và cũng có thể là chúng tôi trong Bộ tổng tham mưu nhầm lẫn, nên người ta có cảm tưởng như quân đoàn xe tăng 7 không tham gia trận đánh chiếm thủ đô nước Đức. Ngày hôm sau, V. V. Nô-vi-cốp gửi điện cho Tổng tư lệnh tối cao, khiếu nại về việc này.

Tổng tư lệnh tối cao rất không vừa lòng. Đồng chí cho rằng: có lẽ Bộ tổng tham mưu còn bỏ sót tên những đồng chí chỉ huy khác nữa. Cuối cùng, chúng tôi được chỉ thị: viết cho Nô-vi-cốp một nhật lệnh riêng, gửi tới tay đông chí ấy, nhưng không đem ra phát thanh, rồi thi hành kỷ luật những đồng chí có khuyết điểm. Ngày 4 tháng Năm, Xta-lin đã ký bản nhật lệnh ghi số 11080. Nhật lệnh viết:

“Quân đoàn xe tăng cận vệ 7 của thiếu tướng bộ đội xe tăng Nô-vi-côp, vì nhầm lẫn nên trong nhật lệnh của Tổng tư lệnh tối cao không có tên ở danh sách những binh đoàn đã tham gia đánh chiếm Béc-lin, nay được bổ sung vào nhật lệnh và được tặng thưởng danh hiệu “Quân đoàn Béc-lin" cùng với huân chương”.
V V Nô-vi-cốp chắc hẳn vừa lòng. Nhưng, chúng tôi lại gặp điều không hay là mấy người bị thi hành kỷ luật...

Nhân dịp ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, Ngày 1 tháng Năm và Ngày Hồng quân, chúng tôi đã viết những bản nhật lệnh đặc biệt và cho phát thanh đi toàn quốc. Những bản nhật lệnh thời chiến ấy, nhất thiết đều có tóm tắt đặc điểm tình hình ngoài mặt trận, thay mặt Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ cho bộ đội và những người lao động ở hậu phương trong thời gian sắp tới, lại đánh giá thích đáng công lao những người anh hùng trong chiến đấu và lao động. Sau đó cũng xuất hiện những ngày kỷ niệm các binh chủng như: Ngày hội pháo binh, Ngày hội bộ đội xe tăng, v. v.. Trong những ngày hội ấy, ở Mát-xcơ-va đều có bắn súng chào, và hiện nay cả những thành phố anh hùng cũng đều có bắn súng chào như ở thủ đô Liên Xô.

Bắn súng chào và chăng đèn đã trở thành nghi thức trong những ngày hội của toàn dân chúng ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #265 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:48:15 am »

*
*   *

Ngày 8 tháng Năm 1945, ở Các-hoóc-xtơ, ngoại ô Béc-lin, đã ký kết biên bản đầu hàng không điều kiện của những lực lượng vũ trang Đức. Bộ máy chiến tranh cua Hít-le đã bị đánh tan. Đế chế thứ ba đã bị sụp đổ.

Tuy vậy, đêm rạng ngày 9 tháng Năm. chúng tôi vẫn ở trong tình trạng báo động. Bọn cầm đầu phát-xít sẽ thi hành những điều khoản của hàng ước, hay là sẽ có thái độ xem đó là mảnh giấy lộn như chúng vẫn xem những điều ước quốc tế khác? Nhưng đến sáng thì những mối lo ngại của chúng tôi đều tan hết. Bộ tổng tham mưu và Đại bản doanh bắt đầu nhận được báo cáo rằng ở khắp mọi nơi, quân Đức đã hạ vũ khí và nộp mình làm tù binh.

Chỉ riêng ở Tiệp Khắc là tình hình vẫn còn căng thẳng. Quân địch ở đây chưa chịu hàng, vẫn kháng cự như trước và rắp tâm thoát về phía Nam và phía Tây. Bộ đội của các phương diện quân U-crai-na 1, 4 và 2 tức tốc chuyển sang chi viện cho lực lượng khởi nghĩa ở Pra-ha, giáng những đòn mãnh liệt vào quân thù.

Hai tập đoàn quân xe tăng cận vệ 3 và 4 từ Béc-lin lao nhanh tới đây, mờ sáng đột nhập thủ đô Tiệp Khắc và cùng nhân dân Pra-ha quét sạch quân địch ra khỏi thành phố trong vòng có mấy tiếng đồng hồ. Đến trưa, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 4 tiến vào Pra-ha. Và đến tối, thì cả bộ đội của phương diện quân U-crai-na 2 cũng tới đây. Tàn quân ít ỏi của lực lượng vũ trang Đức do thống chế Séc-nơ và tướng Ve-le chỉ huy đã kiệt lực và về mặt nào cũng cho thấy rõ là ngày tận số của chúng cũng chẳng còn xa xôi gì.

Trong khi ấy, ở Mát-xcơ-va đang tràn ngập niềm vui sướng lớn. Ngày 9 tháng Năm được công bố là Ngày Chiến thắng, ngày hội của toàn dân. Chúng tôi viết nhật lệnh bắn súng chào mừng chiến thắng từ sáng. Khác với lệ thường, lần này I-u. B. Lê-vi-tan được mời đến Đại bản doanh để phát thanh bản nhật lệnh ấy. Cũng ngay tại đây, trong điện Crem-li này, hồi 21 giờ, I. V. Xta-lin đã đọc một bài diễn văn ngắn trước nhân dân Liên Xô. Đồng chí tuyên bố là việc đầu hàng của nước Đức phát-xít đã thành hiện thực, nhưng cũng không bỏ qua việc tập đoàn của Séc-nơ và Ve-le đang ngoan cố cầm cự. Sau đấy, Tổng tư lệnh tối cao nói tiếp:

“Nhưng tôi tin rằng, Hồng quân sẽ làm cho tập đoàn ấy phải tỉnh ngộ. Bây giờ chúng ta có đủ căn cứ để có thể tuyên bố rằng: ngày lịch sử kết thúc việc tiêu diệt nước Đức quốc xã, ngày vĩ đại mà nhân dân ta chiến thắng chủ nghĩa đế quốc Đức đã đến. Những hy sinh lớn lao của chúng ta vì tự do và độc lập của Tổ quốc, vô vàn những tổn thất và đau khổ nặng nề mà nhân dân ta phải chịu đựng trong quá trình chiến tranh, bao nhiêu lao động căng thẳng ở hậu phương và tiền tuyến hiến dâng cho Tổ quốc không phải đã mất đi một cách vô ích, mà đã đem lại những thắng lợi rực rỡ cho toàn dân...”

Phải nói rằng, chế độ làm việc quy định chặt chẽ cho Đại bản doanh trong suốt thời kỳ chiến tranh, đến cuối tháng Tư bỗng bị vi phạm. An-tô-nốp và tôi được triệu tập đến Đại bản doanh ngày mấy lượt, không kể giờ giấc gì hết. Chúng tôi thảo ra nhiều văn kiện trực tiếp tại đấy. Tình hình phát triển vô cùng nhanh chóng, vượt mọi dự định.

Còn từ ngày 2 tháng Năm, khi chiếm được Béc-lin, toàn bộ Mát-xcơ-va sống trong một không khí khác thường, náo nhiệt hẳn lên. Phố xá tưng bừng như trong ngày hội lớn, ở Hồng trường, đêm ngày lúc nào cũng chật ních người.

Một hôm, vào ngày đầu tháng Năm, tôi cùng với A. I. An-tô-nốp từ điện Crem-li ra về. Khác với mọi lần, chúng tôi qua cổng Xpát-xki để ngắm cảnh hân hoan của nhân dân Mát-xcơ-va. Khi ô-tô của chúng tôi vừa mắc nghẽn trong biển người trên quảng trường, chúng tôi mới nhận ra là việc làm của mình thật nông nổi. Nhân dân hô “u-ra”, lôi chúng tôi ra khỏi xe để “tung hô". Lúc này, bất kỳ ai mặc quân phục ở đây cũng đều được “tung hô” như thế cả, tất nhiên là không loại trừ chúng tôi. Chẳng còn cách gì để thoái thác được. Cuối cùng, An-tô-nốp bị lôi ra khỏi xe, và chỉ một loáng là đã thấy hai chân đồng chí chới với trên cao; còn tôi thì ngồi lại ôm lấy hai chiếc cặp đựng đầy tài liệu, lo lắng cho những văn kiện tác chiến bên trong. May có các đồng chí vệ binh của điện Crem-li kịp tới, chúng tôi mới có thể đi bộ trở lại điện và lên xe khác đi về Bộ tổng tham mưu qua cổng lớn Bô-rô-vít-xki.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #266 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:49:17 am »

Mấy ngày sau khi ký nhật lệnh báo tin chiến thắng, Tổng tư lệnh tối cao lệnh cho chúng tôi suy nghĩ và báo cáo những dự kiến của mình về việc tổ chức lẽ duyệt binh mừng chiến thắng nước Đức Hít-le.

- Cần phải chuẩn bị và tiến hành một cuộc duyệt binh thật đặc biệt, - đồng chí nói. - Làm sao để cho đại biểu của tất cả các phương diện quân và tất cả các quân chủng, binh chủng đều được tham gia. Theo phong tục của người Nga, cũng nên mở tiệc để ăn mừng chiến thắng nữa, vì vậy nên tổ chức một bữa tiệc trọng thể ở điện Crem-li. Ta sẽ mời các đồng chí tư lệnh các phương diện quân và một số cán bộ quân đội khác theo danh sách đề nghị của Bộ tổng tham mưu. Không nên để muộn quá, nên tổ chức trước ngày duyệt binh.

Ngày hôm sau, Bộ tổng tham mưu nhộn nhịp hẳn lên vì công việc. Hai nhóm được lập ra: một nhóm cùng với Tổng cục chính trị chuẩn bị danh sách những người được mời đến dự tiệc, còn một nhóm chuyên về việc chuẩn bị tổ chức lễ duyệt binh. Cần phải quy định thành phần tham dự, xác định toàn bộ nghi thức buổi lễ khác hẳn nghi thức thường lệ, ấn định lễ phục, thời hạn chuẩn bị và thu xếp bố trí ở chỗ ở cho những người từ các mặt trận về Mát-xcơ-va, và còn nhiều vấn đề tổ chức khác nữa đòi hỏi phải được giải quyết thật đúng đắn.

Hai ba ngày sau, chúng tôi đã sơ bộ dự tính xong và thấy là dù có tính toán thế nào đi nữa thì ít ra cũng phải hai tháng mới chuẩn bị kịp lễ duyệt binh. Sở dĩ như thế chủ yếu là vì cần may hơn một vạn bộ lễ phục. Khắp nơi, ngoài tiền tuyến cũng như ở hậu phương, quân nhân chúng ta không ai còn nhớ rõ hình dáng bộ lễ phục như thế nào nữa, và dĩ nhiên chẳng có ai còn giữ lại được một bộ lễ phục nào. Rồi lại cũng cần phải có thời gian cho những người tham dự tập qua những động tác đội ngũ để đi duyệt binh cho đều nữa: trong bốn năm chiến tranh dài đằng đẵng, nào có ai quan tâm đến những cái ấy đâu.

Chúng tôi đề nghị mỗi phương diện quân hiện hành cứ một trung đoàn hỗn hợp gồm 1000 người, không kể những đồng chí chỉ huy. Trung đoàn hỗn hợp phải có đại biểu của tất cả các loại lực lượng vũ trang, các binh chủng và mang theo 36 ngọn cờ chiến đấu của các binh đoàn, binh đội xuất sắc nhất của phương diện quân để diễu binh trên Hồng trường.

Tham gia lễ duyệt binh tất cả có mười trung đoàn hỗn hợp của các phương diện quân và một trung đoàn hỗn hợp của Hải quân với 360 ngọn cờ chiến đấu đi đầu. Ngoài ra, các học viện quân sự, các trường quân sự và bộ đội của các đơn vị đóng ở Mát-xcơ-va cũng được tham gia duyệt binh.

Theo dự kiến của chúng tôi, ngọn cờ Chiến thắng đã từng phấp phới trên nóc nhà Quốc hội Đức ở Béc-lin sẽ đi đầu đoàn diễu binh, do chính những chiến sĩ đã cắm lá cờ ấy trên thủ đô nước Đức Hít-le là M. V. Can-ta-ri-a, M. A. Ê-gô-rốp, I. I-a. Xi-a-nốp, C. I-a. Xam-xô-nốp và X. A. Ne-u-tơ-rô-ép tự mình cầm đi và hộ tống.

Ngày 24 tháng Năm, đúng vào ngày tổ chức bữa tiệc long trọng mừng chiến thắng, chúng tôi trình kế hoạch ấy với Xta-lin. Đồng chí thông qua những đề nghị của chúng tôi, duy có vấn đề thời hạn chuẩn bị là đồng chí không đồng ý:

- Đúng một tháng nữa phải tiến hành lễ duyệt binh, ngày 24 tháng Sáu. -Tổng tư lệnh tối cao chỉ thị như vậy và nói tiếp đại khái như sau: - Chiến tranh chưa chấm dứt mà Bộ tổng tham mưu đã chuyển sang lối làm việc thời bình. Phải hoàn thành trong thời hạn đã định! Và còn việc này nữa: mang theo cả những lá cờ của Hít-le trong cuộc diễu binh và đem ném một cách nhục nhã xuống dưới chân những người chiến thắng. Các đồng chí suy nghĩ xem, nên làm như thế nào... Và theo các đồng chí thì ai sẽ chỉ huy cuộc duyệt binh và ai là người đứng ra duyệt binh?

Chúng tôi yên lặng vì biết chắc là đồng chí đã tự mình quyết định đâu vào đấy cả rồi và chỉ hỏi chúng tôi lấy lệ mà thôi. Bấy giờ chúng tôi đã biết kỹ mọi lề lối làm việc ở Đại bản doanh, nên rất ít khi lầm trong việc phán đoán của mình. Lần này cũng thế, chúng tôi quả đã không lầm. Sau vài phút im lặng, Tổng tư lệnh tối cao tuyên bố: 

- Người duyệt binh là Giu-cốp, còn người chỉ huy duyệt binh là Rô-cô-xốp-xki.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #267 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:50:12 am »

Cũng ngày hôm ấy, N. M. Svéc-ních (N. M. Svéc-ních bấy giờ là Phó chủ tịch thứ nhất Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên Xô và Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô-viết tối cao Liên bang Nga. - ND.) trao Huân chương “Chiến thắng” cho các nguyên soái Gh. C. Giu-cốp, C. C. Rô-cô-xốp-xki, I. X. Cô-nép, R. I-a. Ma-li-nôp-xki, Ph. I. Tôn-bu-khin.  

Tên tuổi những đồng chí đại biểu lỗi lạc ấy của nền nghệ thuật quân sự xô-viêt đã đi vào lịch sử của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại. Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí, kế hoạch những chiến dịch nổi tiếng đã được xây dựng và tiến hành trong thực tế, mà cuối cùng đã kết thúc bằng việc cắm ngọn cờ Chiến thắng lên nóc nhà Quốc hội Đức và việc tiêu diệt hoàn toàn nước Đức Hít-le.

Ghê-oóc-ghi Côn-xtan-ti-nô-vích Giu-cốp, trong thời gian chiến tranh được tặng thêm hai Huân chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô. Huân chương Sao vàng Anh hùng Liên Xô đầu tiên đồng chí nhận được năm 1939. Các đồng chí I. X. Cô-nép, C. C. Rô-cô-xốp-xki và R. I-a. Ma-li-nốp-xki được tặng thưởng hai lần huân chương này. Ph. I. Tôn-bu-khin được truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1965.

Những chương trước đây đã nói nhiều về nguyên soái Gh. C. Giu-côp. Nhưng dầu sao cũng vẫn cần phải nói thêm rằng đó là một con người tài năng, một vị chỉ huy lỗi lạc, táo bạo và độc đáo trong những kết luận của mình, rất kiên trì khi thực hiện những quyết định, không chịu dừng lại trước bất kỳ một khó khăn nào, khi phải đạt lấy mục tiêu chiến tranh đã định. Khi cảm thấy mình đúng trong một vấn đề đang tranh luận, Giu-côp có thể tranh luận khá kịch liệt đối với ý kiến của Xta-lin, việc mà những người khác ít khi dám làm như vậy.

Phong thái chỉ huy của Côn-xtan-tin Côn-xtan-ti-nô-vích Rô-cô-xôp-xki rất linh hoạt. Đồng chí đã đảm nhiệm một vai trò cực kỳ khó khăn trong chiến dịch Xmô-len-xcơ nổi tiếng năm l941 và trong những trận chiến đấu phòng ngự tại những cửa ngõ tiếp cận Mát-xcơ-va.

Đồng chí chỉ huy bộ đội của phương diện quân sông Đôn ở Xta-lin-grát và đã hoàn thành xuất sắc việc tiêu diệt tập đoàn xung kích của quân phát-xít Đức bị bao vây. Sau đó, dưới sự chỉ huy của C. C. Rô-cô-xốp-xki, bộ đội của phương diện quân Trung tâm đã ngoan cường chống đỡ được mũi đột kích của quân Đức ở vòng cung Cuốc-xcơ và trong quá trình phán công sau này, đã hiệp đồng với những phương diện quân bạn đánh tan cánh quân Ô-ri-ôn của địch.

Đồng chí chỉ huy phương diện quân Bê-lô-ru-xi-a 1, hoạt động trên hướng chủ yếu của chiến dịch lịch sử Bê-lô-ru-xi-a. Tên tuoi đồng chí gắn liền với những chiến dịch thắng lợi ở Đông Phổ, Đông Pô-mê-ra-ni và cuối cùng ở Béc-lin, trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Rô-cô-xốp-xki có sức thuyết phục và cảm hóa con người rất mạnh. Có lẽ tôi không nhầm nếu nói trắng đồng chí chẳng những được mọi người vô cùng kính trọng, mà tất cả những ai đã có lần tiếp xúc và cộng tác với đồng chí cũng đều chân thành quý mến đồng chí.

I-van Xtê-pa-nô-vích Cô-nép tỏ ra có biệt tài về mặt quân sự khi chỉ huy các phương diện quân Ca-li-nin, Thảo nguyên và về sau là phương diện quân U-crai-na 2. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí, năm 1943 bộ đội ta đã giải phóng Khác-cốp và tiến công vượt sông Đni-ép-rơ, tiến hành chiến dịch Ki-rô-vô-grát.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #268 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:51:28 am »

Một trang sử rực rỡ trong lịch sử cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại là chiến dịch Coóc-xun - Sép-tsen-cốp-xki, và tên tuổi của I-van Xtê-pa-nô-vích Cô-nép cùng gắn liền với chiến dịch ấy. Đồng chí đã tiến hành thắng lợi việc tiêu diệt tập đoàn U-man của quân đội phát-xít Đức. Tiếp sau đó là chiến dịch tiến công Lơ-vốp - Xan-đô-mia, giải phóng miền Tây U-crai-na và bắt đầu đuổi quân địch ra khỏi lãnh thổ Ba Lan.

Năm 1945, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 1, dưới sự chỉ huy của Cô-nép, hiệp đồng với những phương diện quân bạn, đã gây cho địch những tổn thất nặng ở miền Xi-lê-di và đã thực sự hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong quá trình chiến dịch Béc-lin. Cuối cùng trong giai đoạn kết thúc chiến tranh, I-van Xtê-pa-nô-vích đã góp phần quyết định vào chiến dịch Pra-ha, giải phóng thủ đô Tiệp Khắc.

Trong hàng ngũ các tướng lĩnh, Cô-nép vẫn được tiếng là một vị chỉ huy vững vàng và kiên quyết. Nhiều đồng chí chúng ta hằng ao ước có được năng lực và tính tích cực như đống chí. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đồng chí cũng cố nhìn chiến trường tận mắt và chuẩn bị rất tỉ mỉ cho từng chiến dịch. Cố gắng đi sâu vào mọi chi tiết của từng chiến dịch, quả là Cô-nép đã bắt cấp dưới phải làm việc hết sức mình.

Rô-đi-ôn I-a-côp-lê-vích Ma-li-nôp-xki nổi lên trong những trận chiến đấu ở Xta-lin-grát. Là tư lệnh tập đoàn quân cận vệ 2, đồng chí đã cùng với tập đoàn quân 51 giáng cho thống chế Man-stai-nơ, tướng được Hít-le tin cậy, một đòn trí mạng ở đấy. Sau đó, bộ đội do R. I-a. Ma-li-nốp-xki chỉ huy quét địch ra khỏi Rô-xtốp và hiệp đồng với bộ đội của Ph. I. Tôn-bu-khin (phương diện quân Nam) đã giải phóng miền Đôn-bát. Tiếp đó. phương diện quân của đồng chí đã vượt sông Đni-ép-rơ và tham gia giải phóng Hữu ngạn U-crai-na.

Tên tuổi Ma-li-nốp-xki gắn liền với chiến dịch I-át-xư - Ki-si-ni-ốp, tiến hành hiệp đồng thắng lợi với phương diện quân U-crai-na 3, gắn liền với những chiến thắng ở Bu-đa-pét và ở Viên, với những trận chiến đấu giải phóng Tiệp Khắc. Về sau, như đã nói ở trên, Rô-đi-ôn I-a-cốp-lê-vích chỉ huy phương diện quân Da-bai-can ở trên hướng chủ yếu đánh Đạo quân Quan Đông.

Phê-đô I-va-nô-vích Tôn-bu-khin là một cán bộ tham mưu chuyển sang làm cán bộ chỉ huy. ở cương vi tư lệnh tập đoàn quân, đồng chí đã tỏ ra xứng đáng trong chiến dịch lịch sử Xta-lin-grát và ngay từ tháng Bảy 1943 đã bắt đầu giữ chức tư lệnh phương diện quân Nam. Đồng chí đã chỉ huy những trận đánh đột phá tuyến phòng ngự của địch trên sông Mi-u-xơ và giải phóng miền Nam Đôn-bát, đánh tan quân địch trên sông Mô-lô-tsơ-nai-a và ở Xi-va-sơ, giải phóng Crưm. Dưới sự chỉ huy của đồng chí, bộ đội của phương diện quân U-crai-na 3 đã đánh tan quân địch ở khu vực phía Nam Ki-si-ni-ốp, tiến tới vùng Ban-căng, giải phóng Bun-ga-ri và cùng với những người yêu nước Nam Tư, quét sạch quân chiếm đóng ra khỏi Bê-ô-grát.

Con đường tiếp theo của đồng chí được đánh dầu bằng thắng lợi ở hồ Ba-la-tôn, bằng cuộc tiến công thắng lợi vào thủ đô nước Áo. Riêng tôi nhớ đến Ph. I. Tôn-bu-khin như nhớ đến một con người rất tốt và có lẽ là người khiêm tốn nhất trong tất cả các tư lệnh phương diện quân. “Hạt nhân tham mưu” còn giữ lại mãi ở con người đồng chí, đôi khi còn chiếm ưu thế, lấn cả cái “hạt nhân chỉ huy". Đồng chí lại luôn luôn tạo điều kiện cho cấp dưới có thể phát huy được rộng rãi tính chủ động.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #269 vào lúc: 23 Tháng Bảy, 2011, 09:52:27 am »

*
*   *

Đối với chúng tôi, những cán bộ trong Bộ tổng tham mưu, ngày 24 tháng Năm 1945 có lẽ là ngày căng thẳng nhất sau khi nước Đức Hít-le đầu hàng. Ngay sau khi báo cáo cho Xta-lin những dự kiến của chúng tôi về lễ duyệt binh, chúng tôi phải ngồi vào viết cho xong bản chỉ thị gửi các phương diện quân và phải kịp gửi đi trước lúc dự tiệc chiêu đãi ở điện Crem-li. Bản chỉ thị này, theo tôi, chưa thấy được công bố trong một ấn phẩm nào gần gũi với đông đảo bạn đọc, vì vậy cho phép tôi được chép lại toàn văn bản chỉ thị ấy ra đây:

“Tổng tư lệnh tối cao ra lệnh:

1. Mỗi phương diện quân sẽ chọn ra một trung đoàn hỗn hợp để tham gia lễ duyệt binh ở Mát-xcơ-va mừng chiến thắng nước Đức.

2. Tổ chức trung đoàn hỗn hợp như sau: năm tiểu đoàn, biên chế mỗi tiểu đoàn là hai đại đội và mỗi đại đội có 100 người (gồm 10 tiểu đội, mỗi tiểu đội 10 người). Ngoài ra, còn có 19 cán bộ chỉ huy: 1 trung đoàn trưởng, 2 trung đoàn phó (1 về đội ngũ và 1 về chính trị), 1 tham mưu trưởng trung đoàn, 5 tiểu đoàn trưởng, 10 đại đội trưởng và 36 người cầm cờ cùng với 4 sĩ quan trợ lý; như thế mỗi trung đoàn hỗn hợp có 1059 người và 10 người dự bị.

3. Trong trung đoàn hỗn hợp có 6 đại đội bộ binh, 1 đại đội pháo thủ, 1 đại đội chiến sí lái xe tăng, 1 đại đội phi công và 1 đại đội hỗn hợp gồm kỵ binh, công binh, thông tin liên lạc.

4. Biên chế các tiểu đội trưởng trong đại đội gồm những sĩ quan trung cấp, còn biên chế các tiểu đội gồm những chiến sĩ và hạ sĩ.

5. Chọn những chiến sĩ và sĩ quan có thành tích xuất sắc trong chiến đấu và đã được tặng thưởng huân chương tham gia lễ duyệt binh.

6. Trung đoàn hỗn hợp sẽ trang bị như sau: 3 đại đội bộ binh mang súng trường, 3 đại đội bộ binh mang tiểu liên, 1 đại đội pháo binh đeo các-bin sau lưng, 1 đại đội chiến sĩ lái xe tăng và 1 đại đội phi công đeo súng ngắn, 1 đại đội chiến sĩ công binh, thông tin liên lạc và kỵ binh đeo các-bin sau lưng, ngoài ra chiến sĩ kỵ binh còn mang theo kiếm.

7. Tư lệnh phương diện quân và tất cả các tư lệnh tập đoàn quân, kể cả những tập đoàn quân xe tăng và không quân, phải có mặt để dự lễ duyệt binh.

8. Trung đoàn hỗn hợp đến Mát-xcơ-va ngày 10 tháng Sáu năm nay, mang theo 36 ngọn cờ chiến đấu của các binh đoàn, binh đội đã lập được thành tích chiến đấu xuất sắc nhất và tất cả những lá cờ chiến đấu của các binh đoàn, binh đội quân địch mà bộ đội phương diện quân đã chiếm được, không kể số lượng.

9. Lễ phục cho tất cả những người tham gia duyệt binh sẽ cấp phát ở Mát-xcơ-va.

Ngày 24 tháng Năm 1945.

An-tô-nốp”.


Các cán bộ lãnh đạo Bộ tổng tham mưu được mời đến điện Crem-li vào khoảng 8 giờ tối. Ở đày, trong gian phòng Ghê-oóc-ghi-ép-xki, cùng với các đồng chí bên quân đội, có mặt các đồng chí ủy viên Chính phủ, ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng, các nhà hoạt động nổi tiếng nhất trong nền kinh tế quốc dân, trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, văn học và nghệ thuật.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM