Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 07:32:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Bộ Tổng Tham mưu Xô-viết trong chiến tranh  (Đọc 126416 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #10 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:37:32 pm »

Sáng ngày 21 tháng Sáu, đoàn xe lửa chở chúng tôi đến ga Ca-dan tại thủ đô. Trong ngày hôm ấy, chúng tôi trình bày và nộp các tài liệu. M. N. Sa-rô-khin xin phép cho những người đã tham gia diễn tập được nghỉ hai ngày: chủ nhật - ngày 22 và thứ hai - ngày 23 tháng Sáu.

Nhưng không ai được nghỉ cả. Đêm 21 rạng ngày 22 tháng Sáu đúng 2 giờ sáng, đồng chí liên lạc đến nhà riêng của tôi và truyền lệnh báo động. Nửa giờ sau, tôi đã có mặt ở Bộ tổng tham mưu.

Chiến tranh đã bắt đầu..

Cái đêm nặng nề ấy đã xa cách chúng ta hàng chục năm rồi, nhưng hiện nay vẫn còn có nhiều ý kiến rất khác nhau trong việc đánh giá tình hình lúc đó của các Lực lượng vũ trang chúng ta.

Một số người nói rằng, chúng ta hoàn toàn không sẵn sàng để đánh lui cuộc tiến công của quân địch, rằng quân đội của chúng ta được giáo dục theo tinh thần dễ dàng giành thắng lợi. Và, những ý kiến thuộc loại này tuy thường do những người không phải là quân nhân nêu ra, song lại thường được rào đón kín bằng đầy dẫy những thuật ngữ chuyên môn phức tạp. Thí dụ, họ đã khẳng định rằng: dường như vì hiểu không đúng về tính chất và nội dung của thời kỳ đầu chiến tranh nên chúng ta đã huấn luyện bộ đội không đúng theo các hoạt động chiến đấu trong chính thời kỳ này.

Lối khẳng định đó mang tính cách táo bạo thì ít, mà mang tính cách ngu dốt thì nhiều. Bởi vì khái niệm “thời kỳ đầu chiến tranh” là một phạm trù chiến dịch - chiến lược, không hề có ảnh hưởng quan trọng là bao đối với việc huấn luyện cho người chiến binh, cho đại đội, trung đoàn và thậm chí cả sư đoàn nữa.

Từ người chiến binh cho đến đại đội, trung đoàn và sư đoàn, nói chung đều hành động một cách giống nhau trong bất kể thời kỳ nào trong chiến tranh. Họ phải kiên quyết tiến công, ngoan cường phòng ngự và khôn khéo dùng mưu trí trong mọi trường hợp, bất kể cuộc chiến đấu xảy ra vào lúc nào: vào thời kỳ đầu hay thời kỳ cuối của cuộc chiến tranh. Trong các điều lệnh, không hề bao giờ thấy có một sự phân biệt nào về điểm này cả. Và, ngay hiện nay cũng không có những sự phân biệt ấy.

Người ta lại thường bàn tán rằng, chúng ta đánh giá thấp nguy cơ chiến tranh với Đức. Để bảo vệ những ý kiến không đúng này, có lúc người ta đã đưa ra những lý lẽ thật nực cười về cái gọi là sự bố trí quân đội sai lầm trong các quân khu có nhiệm vụ yểm hộ và phòng vệ những biên giới phía tây. Tại sao lại sai lầm? Vì theo họ, những binh lực lớn thuộc biên chế các quân khu biên giới đã được bố trí không phải ở ngay biên giới, mà ở cách xa biên giới.

Về vấn đề này, thực tiễn và lý luận từ lâu đã chứng minh rằng trong bất kỳ hình thức tác chiến nào, lực lượng chủ yếu cũng nhất thiết phải được bố trí thành nhiều tuyến trong tung thâm. Cần bố trí ở đâu nhiều lực lượng hơn, và nên bố trí các tuyến theo chiều sâu như thế nào là một vấn đề rất phức tạp. Vấn đề này tùy thuộc vào tình huống và tùy thuộc vào ý định của người chỉ huy.

Có lẽ vì chưa hiểu hết những điều sơ đẳng trong công tác quân sự, nên có một số đồng chí tuyên bố rằng: cái nguyên tắc mọi người đều biết trong điều lệnh hồi trước chiến tranh của Quân đội Liên Xô về vai trò phụ thuộc của phòng ngự đối với tiến công là nguyên tắc không đúng. Những đồng chí ấy cần nhớ rằng: ngay hiện nay, nguyên tắc này cũng vẫn có hiệu lực như thường.

Tóm lại, chúng tôi nghĩ rằng: trong nhiều trường hợp, những người đang bàn cãi về chiến tranh đã đi theo con đường không đúng, vì họ không chịu thực sự bỏ công nghiên cứu thực chất của vấn đề mà họ định phê phán. Rốt cuộc, khát vọng đáng khen của họ “muốn phân tích những nguyên nhân thất bại của chúng ta trong năm 1941” lại biến thành mặt đối lập và gây ra tình trạng lầm lẫn có hại. Những khái niệm và hiện tượng hoàn toàn không giống nhau lại bị đánh lộn phèo làm một, ví như: việc không quân sẵn sàng xuất kích chiến đấu, việc pháo binh sẵn sàng phát huy hỏa lực, việc bộ binh sẵn sàng đánh lui cuộc tiên công của quân địch đã bị đánh lộn phèo với việc đất nước và quân đội nói chung sẵn sàng tiến hành chiến tranh với một kẻ địch mạnh.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #11 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:38:20 pm »

Nhân đây tôi muốn phát biểu quan điểm của mình, tất nhiên không phải với kỳ vọng rằng các ý kiến của tôi đều đã hoàn hảo và độc đáo, mà chỉ nói theo đúng những sự kiện lịch sử mọi người đều biết, theo đúng những ý nghĩ lành mạnh và kinh nghiệm công tác trong Bộ tổng tham mưu.

Đất nước chúng ta có đủ khả năng tiềm tàng để tiến hành chiến tranh chống lại một kẻ địch mạnh không? Đúng, có! Ngoài quân thù ra, ai có thể phủ nhận rằng: hồi đầu những năm bốn mươi, Liên Xô đã từ một nước lạc hậu về kinh tế trở thành một cường quốc xã hội chủ nghĩa thực sự hùng mạnh?

Do kết quả của việc thực hiện những kế hoạch năm năm phát triển kinh tế quốc dân, đất nước chúng ta đã có mọi tiên đề vật chất - kỹ thuật cần thiết để đánh bại bất kỳ kẻ thù nào, và chiến tranh đã xác nhận điều đó. Chúng ta đã xây dựng được ngành luyện kim mạnh so với thời kỳ ấy, và đã đuổi sát nút Đức về mặt sản xuất thép và gang. Năm 1940, Liên Xô luyện được hơn 18 triệu tấn thép, còn Đức: quá 19 triệu tấn một ít; chúng ta sản xuất được khoảng 15 triệu tàn gang, và Đức: chỉ được có 14 triệu tấn.

Đế chế thứ ba vượt chúng ta về sản xuất điện lực (bọn chúng sản xuất được khoảng 63 tỷ ki-lô-oát giờ, còn chúng ta: 48 tỷ), nhưng lại thua xa chúng ta về mặt khai thác dầu lửa. Ngành công nghiệp chế biến dầu lửa của chúng ta đã lớn mạnh, không có nó thì xe tăng và máy bay Liên Xô có lẽ sẽ trở thành vô dụng. Ta đã xây dựng được các ngành chế tạo cơ khí, chế tạo máy bay, máy kéo, thiết bị dụng cụ của mình.

Nông nghiệp đã được căn bản tổ chức lại trên cơ sở tập thể hóa toàn bộ. Những thành tựu văn hóa của chế độ xô-viết thật là cực kỳ vĩ đại, nó cho phép chúng ta đào tạo được một đội ngũ cán bộ làm kinh ngạc toàn thế giới: đội ngũ các nhà bác học, các nhà chế tạo, các kỳ sư, kỹ thuật viên, công nhân và tất nhiên cả đội ngũ chiến sĩ - từ người chiến binh đến vị nguyên soái nữa.

Trong những năm trước chiến tranh, công cuộc xây dựng một quân đội chính quy đông hàng triệu người đã được triển khai rất mạnh. Chỉ một quân đội như thế mới có khả năng đánh trả quân địch một cách đích đáng. Đến giữa năm 1941, chúng ta đã có hơn 5 triệu quân. Đồng thời, quân đội đã được trang bị lại, cả hải quân và không quân cũng vậy. Toàn thể các Lực lượng vũ trang Liên Xô đã được xây dựng theo những yêu cầu của cuộc chiến tranh hiện đại cả về mặt tổ chức lẫn về mặt kỹ thuật.

Đặc biệt là bộ đội xe tăng của chúng ta đã ngày càng thêm mạnh. Có thể khẳng định điều đó, dù chỉ nêu lên rằng: trong năm 1940, chúng ta đã xây dựng được 9 quân đoàn cơ giới. Trong tháng Hai - tháng Ba 1941 , ta đã bắt đầu thành lập thêm nhiều quân đoàn cơ giới mới nữa (mỗi quân đoàn có 2 sư đoàn xe tăng và 1 sư đoàn mô tô). Nhịp độ sản xuất xe tăng tăng lên. Trong năm 1941 , công nghiệp đã có thể cung cấp cho chúng ta 5500 chiếc. Tuy nhiên, lúc đầu chiến tranh, chúng ta còn kém địch khá nhiều về số lượng xe tăng hiện đại

Chúng ta chưa kịp hoàn thành việc đổi mới trang bị kỹ thuật cho bộ đội, chưa có nhiều xe tăng có uy lực mạnh loại KV và T-34 để bổ sung đầy đủ cho những quân đoàn cơ giới đã thành lập từ trước và những quân đoàn cơ giới đang thành lập, nhất là ở những quân khu biên giới quan trọng: quân khu Pri-ban-tích, Đặc khu phía Tây và Đặc khu Ki-ép, quân khu Ô-đét-xa. Những quân khu này đã phải chịu đòn đột kích chủ yếu của nước Đức phát-xít, nhưng lại không có nhiều xe tăng hiện đại. Những kiểu xe tăng cũ không thể có ảnh hưởng quyết định tới quá trình tác chiến sắp tới, đã thế lại không có đủ phần nửa số lượng định trong biên chế.

Điều không may của chúng ta là bộ đội có ít xe tăng loại KV và T-34. Nhưng, nếu nói về những khả năng của Liên Xô trong việc phát triển bộ đội xe tăng thì chúng ta có đủ những khả năng ấy để vượt hơn địch trong quá trình Chiến tranh giữ nước vĩ đại.

Có thể nói rằng bắt đầu từ năm 1939, Liên Xô đã áp dụng nhiều biện pháp khẩn cấp nhằm củng cố cơ sở sản xuất của ngành công nghiệp hàng không, mở rộng những cơ quan thiết kế để chế tạo các loại máy bay chiến đấu mới và tổ chức việc sản xuất hàng loạt các loại máy bay đó. Trong chừng mực nào đày, tình hình không quân của chúng ta hồi gần xảy ra chiến tranh cũng giống như tình hình xe tăng vậy. Công nghiệp cung cấp cho chúng ta một số lớn máy bay, nhưng về mặt tính năng chiến thuật - kỹ thuật, những máy bay này phần thì đã lỗi thời, phần thì không đáp ứng được các đòi hỏi của chiến tranh. Chúng ta đã ham chuộng quá đáng các máy bay ném bom bay êm, nhưng có tầm bay xa không đủ mức cần thiết và về thực chất, không có sức tự vệ chống lại máy bay tiêm kích.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #12 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:39:01 pm »

Vì đã có cái chủ yếu (nền công nghiệp hàng không khá hoàn hảo so với thời kỳ bấy giờ) nên Nhà nước xô-viết cần đổi mới cơ số máy bay trong một thời hạn ngắn. Nhưng điều không may lại vẫn là: chúng ta không có đủ thời gian, mặc dầu đã đưa nhịp độ sản xuất lên rất cao. Năm 1940, ta chỉ mới chế tạo được có 64 máy bay tiêm kích loại I-ắc- 1 và 20 máy bay tiêm kích loại Mích-3, vẻn vẹn có 2 máy bay ném bom bổ nhào Pe-2. Trong nửa đầu năm 1941, chúng ta chế tạo được: 1946 máy bay tiêm kích hiện đại nhất loại I-ắc-1, Mích-3, LAGG-3, 458 máy bay ném bom Pe-2, 249 máy bay cường kích IL-2, tổng cộng hơn 2650 chiếc.

Tháng Bảy 1940, Ban chấp hành trung ương Đảng và Hội đồng bộ trưởng dân ủy Liên Xô đã thông qua một quyết định quan trọng “Về việc cải tổ lực lượng không quân của Hồng quân”. Quyết định này xác định kế hoạch trang bị lại các đơn vị không quân, thành lập những trung đoàn không quân mới, thể thức huấn luyện các phi công điều khiển kỹ thuật mới. Không nghi ngờ gì nữa, văn kiện này đã đẩy nhanh công cuộc chuẩn bị cho các Lực lượng không quân đi vào chiến tranh.

Từ lâu, trước lúc có chiến tranh, đất nước xô-viềt đã có quân đổ bộ đường không, đây là loại quân chủng mới, chưa có trong quân đội của một nước nào khác trên thế giới bấy giờ. Những thành tựu của đất nước chúng ta trong lĩnh vực này đã được biểu dương trong các cuộc thao diễn ở Ki-ép năm 1935, rồi ở Bê-lô-ru-xi-a và đã làm cho các quan sát viên nước ngoài sửng sốt không ít. Đến năm 1940, sồ lượng quân đổ bộ đường không đã tăng lên gấp đôi.

Hải quân cũng đã tiến lên được một bước lớn. Trong vòng hai kế hoạch 5 năm, những xí nghiệp đóng tàu của chúng ta đã đóng hơn 500 chiến hạm các loại. Đội ngũ chiến đấu của Hải quân đã phát triển đặc biệt nhanh lúc gần xảy ra chiến tranh. Khi nước Đức Hít-le tiến công chúng ta, các Lực lượng hải quân đã có 3 thiết giáp hạm, 7 tuần dương hạm, 54 khu trục hạm và lãnh hạm, 212 tàu ngầm, 287 tàu phóng lôi và hơn 2500 máy bay.

Chỉ hạm đội thành lập ở phía bắc từ ngày 25 tháng Sáu năm 1933 đã được cải tổ lại thành Hạm đội Bắc trước ngày 11 tháng Năm 1937. Do kết quả của việc đẩy nhanh công việc đóng tàu, nên đến lúc bắt đầu cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, Hạm đội Bắc - hạm đội trẻ nhất trong số các hạm đội của chúng ta - đã có một đoàn tàu chiến hùng hậu và đã tiếp tục phát triển vững chắc lực lượng của mình. 

Những hạm đội có từ lâu của chúng ta, đặc biệt là Hạm đội Ban-tích Cờ đỏ, cũng được hoàn thiện và phát triển. Hạm đội Ban-tích đã có nhiều căn cứ mới: Tan-lin, Khan-cô và những căn cứ khác, mỗi căn cứ đều đã đóng vai trò tích cực của mình trong quá trình đấu tranh vũ trang trên chiến trường mặt biển này.

Các Lực lượng vũ trang Liên Xô dựa được vào nền khoa học quân sự tiên tiến. Lý luận về chiến dịch có chiều sâu, sử dụng một số lớn xe tăng, máy bay, pháo binh, quân đổ bộ đường không, đã được nghiên cứu ở nước ta trước các nước khác. Ngay lúc bắt đầu những năm 30, ta đã có cơ sở của lý luận này. Và học thuyết quân sự của chúng ta cũng là một học thuyết tiên tiến, nhằm bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa và quy định việc tiến hành chiến tranh với những mục đích quyết định, bằng mọi nỗ lực thống nhất của toàn thể các quân chủng và binh chủng. Vai trò của các quân chủng, binh chủng và những nguyên tắc sử dụng tác chiến những quân chủng, binh chủng đó đã được quy định một cách đúng đắn về cơ bản.

Thật vậy, trong quá trình Chiến tranh giữ nước vĩ đại, có một số điểm nào đó phải được chuẩn xác lại, có một số điểm thì phải bỏ đi: thực tiễn luôn luôn bổ sung cho lý luận. Nhưng, nói chung, học thuyết quân sự và khoa học quân sự của chúng ta vẫn bền vững và làm cơ sở tốt cho việc đào tạo một đội ngũ cán bộ quân sự có nghệ thuật hơn hẳn các tướng lĩnh và bọn sĩ quan phát-xít Đức.

Tất nhiên, điều đáng tiếc cho quân đội và đất nước chúng ta nói chung là: trước lúc chiến tranh, chúng ta đã bị mất nhiều cán bộ chỉ huy quân sự đầy kinh nghiệm. Lớp cán bộ trẻ đã gặp khó khăn, đã tích lũy được những kinh nghiệm cần thiết trong quá trình chiến đấu và thường phải trả giá khá đắt để có được những kinh nghiệm đó. Nhưng dầu thế nào chăng nữa, rốt cuộc lớp cán bộ trẻ cũng đã học được cách đánh bại quân thù và thắng lợi đã thuộc về chúng ta.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #13 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:40:11 pm »

Cuối cùng, còn một vấn đề nữa thường được đặt ra cho chúng ta - những quân nhân, nhưng không hiểu tại sao chúng ta cứ hay lảng tránh, không chịu giải đáp: chúng ta có biết khả năng Đức sẽ tiến công vào Liên Xô trong năm 1941 hay không và trên thực tế chúng ta có làm gì để đánh lui cuộc tiến công ấy hay không? Vâng, chúng ta có biết! Đúng! Chúng ta có làm!

Hiệp ước không tiến công lẫn nhau, ký kết năm 1939 theo đề nghị của Đức, không làm cho chúng ta có ảo tưởng. Rõ ràng đó chỉ là kế hoãn binh và rồi sớm muộn, nước Đức phát-xít được các giới đế quốc ở các cường quốc phương Tây cổ vũ, sẽ xông về phía Đông. Vì thế cho nên Đảng cộng sản và Chính phủ Liên Xô đã tiến hành những biện pháp kiên quyết để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.

Chúng ta hãy bắt đầu từ kế hoạch tác chiến. Đó là kế hoạch tập trung và triển khai các Lực lượng vũ trang trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Các đồng chí trong Bộ tổng tham mưu thường gọi kế hoạch này là kế hoạch đẩy lùi sự xâm lược, ở đây chính nước Đức Hỉt-le đã được chỉ rõ rất có thể là kẻ thù chủ yếu. Chúng ta cũng cho rằng đứng về phía Đức chống Liên Xô còn có Phần Lan, Ru-ma-ni, Hung-ga-ri và I-ta-li-a. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí B. M. Sa-pô-sni-cốp, trực tiếp tham gia vạch kế hoạch có các đồng chí N. Ph. Va-tu-tin, A. M. Va-xi-lép-xki, V. Đ. I-va-nốp, A. Ph. A-ni-xốp và sau này có thêm cả đồng chí Gh. C. Ma-lan-đin nữa.

Ngày 5 tháng Mười 1940, kế hoạch được bộ trưởng dân ủy X. C. Ti-mô-sen-cô và đồng chí Tổng tham mưu trưởng mới là K. A. Mê-rét-xcốp trình lên đồng chí I. V. Xta-lin. Kế hoạch thấy trước rằng ngay từ ngày đầu của cuộc chiến tranh sắp tới, hoạt động tác chiến của tất cả các quân chủng trên bộ, trên biển và trên không sẽ mang tính chất vô cùng gay go và phức tạp.

Kế hoạch cũng dự tính là cuộc tấn công của các binh đoàn xe tăng và bộ binh của địch sẽ đi đôi với những trận oanh tạc của không quân vào các đơn vị bộ đội Liên Xô và các cơ sở hậu cần có tầm quan trọng to lớn về quân sự. Kế hoạch xuất phát từ chỗ quân đội Liên Xô hoàn toàn được chuẩn bị sẵn sàng đánh lui kẻ địch và có thể bẻ gãy những đợt công kích của chúng bằng lực lượng và phương tiện của các quân khu biên giới trên vùng biên cương. Tiếp nữa, kế hoạch còn dự tính cuộc tấn công quyết định của ta, trong đó có sự tham gia của các đơn vi bộ đội được điều từ sâu trong nội địa.

Mọi bộ phận cấu thành của kế hoạch đều gắn bó chặt chẽ với nhau và với hoạt động của nền kinh tế quốc dân, của giao thông vận tải, thông tin liên lạc. Tiếp đó, trên cơ sở kế hoạch của Bộ tổng tham mưu, chúng ta đã xây dựng các phương án triển khai bộ đội các quân khu.

Như vậy, kế hoạch tác chiến đã xác định rõ tính chất của cuộc chiến tranh có thể xảy ra, đã giải quyết đúng đắn vấn đề kẻ địch là ai và hướng hoạt động của chúng ở chỗ nào.

Dựa vào dẫn chứng của đồng chí K. A. Mê-rét-xcốp, đồng chí I. V. Xta-lin đã bày tỏ ý kiến cho rằng nước Đức không tập trung sức cố gắng chủ yếu của nó ở khu vực phía Tây như đã ghi nhận trong kế hoạch, mà là ở khu vực phía Tây - Nam để trước hết chiếm những khu công nghiệp, những vùng nông nghiệp và nguyên liệu giàu có nhất Liên Xô. Đồng chí bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng vừa ở khu vực phía Tây - Nam về chắc cũng tán thành quan điểm đó. Dù sao đi nữa thì cả đồng chí lẫn Bộ tổng tham mưu đều không phản đối kết luận đó của đồng chí Xta-lin.

Bộ tổng tham mưu được lệnh sửa đổi lại kế hoạch. Sỏ dĩ phải làm như vậy là vì cụm quân chủ yếu của quân đội Liên Xô sẽ không tập trung ở khu vực phía Tây như đã dự tính trước đây nữa, mà là ở khu vực phía Tây - Nam.

Như các sự kiện của cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại đã cho thấy, dự đoán đó là sai lầm. Song dù sao Hít-le cũng vẫn giáng đòn chủ yếu ở khu vực phía Tây và bộ chỉ huy Liên Xô phải sửa lại dự tính sai lầm đã mắc phải và tập trung lực lượng chủ yếu ở khu vực phía Tây, tức Xmô-len-xcơ - Mát- xcơ-va. Việc đó đã gây nên một tình trạng rối loạn nhất định vì một số đơn vị bộ đội đã đổ bộ không đúng nơi mà sau này họ có nhiệm vụ chiến đấu ở đó, và làm mất đi một số thời gian quý giá.

Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #14 vào lúc: 04 Tháng Giêng, 2011, 08:40:20 pm »

Tiếp theo, cần nhắc lại rằng ngay trước lúc bắt đầu chiến tranh, chúng ta đã hết sức bí mật điều động quân bổ sung đến những quân khu biên giới. Năm tập đoàn quân từ phía sâu trong đất nước đã được điều ra phía Tây: tập đoàn quân 22 dưới quyền chỉ huy của tướng Ph. A. Éc-sa-cốp, tập đoàn quân 20 của tướng Ph. N. Rê-me-dốp, tập đoàn quân 21 của tướng V. Ph. Ghê-ra-xi-men-cô, tập đoàn quân 19 của tướng I. X. Cô-nép, và tập đoàn quân 16 của tướng M. Ph. Lu-kin.

Tất cả có 28 sư đoàn được điều động. Binh đoàn chiến dịch được điều từ quân khu Mát-xcơ-va đến Vin-ni-txa, sau này trở thành ban chỉ huy mặt trận phía Nam. Bộ dân ủy Hải quân đã hạ lệnh tăng cường trinh sát và cảnh giới trên các hạm đội, cho chuyển một phần lực lượng của Hạm đội Ban-tích Cờ đỏ từ Li-ba-va và Tan-lin đến các vị trí an toàn hơn. Và ngay trước lúc chiến tranh, Hạm đội Ban-tích, Hạm đội Bắc và Hạm đội Biển Đen đã được lệnh tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Làm sao lại có thể quên được tất cả những chuyện ấy?

Làm sao lại có thể bỏ qua không tính đến toàn bộ công tác to lớn mà đảng và chính phủ đã tiến hành trước lúc chiến tranh, nhằm chuẩn bị cho đất nước và quân đội sẵn sàng đánh trả quân thù? Còn vì thiếu thời gian mà chúng ta không giải quyết được hoàn toàn đầy đủ các nhiệm vụ được đặt ra cho mình, thì đó lại là một vấn đề khác. Chẳng hạn như nhiệm vụ thành lập các quân đoàn cơ giới và các trung đoàn không quân mới, nhiệm vụ trang bị cho các khu vực bố phòng ở các vùng ven biên giới mới v.v.. 

Như đã từng nói tới, đến tháng Sáu 1941, đất nước chưa có khả năng trang bị đầy đủ vũ khí và phương tiện kỹ thuật mới cho bộ đội, vì vậy không phải tất cả các sư đoàn Liên Xô đều đã được bổ sung đầy đủ và nhiều sư đoàn còn thiếu những trang bị đó, thiếu xe quân sự, phương tiện vận tải, phương tiện thông tin liên lạc. Thêm vào đó, tính năng của các vũ khí và thiết bị kỹ thuật quân sự cũ lại lạc hậu so với những đòi hỏi của chiến tranh.

Cũng cần chú ý tới một điều là từ lâu kẻ thù đã chuyển toàn bộ nền kinh tế của chúng vào quỹ đạo chiến tranh. Chúng sử dụng toàn bộ tiềm lực công nghiệp - quân sự hầu như của cả Tây Âu và về mặt này, đã giành được ưu thế đáng kể so với đất nước xô-viết. Quân đội của chúng đã được động viên toàn bộ và sẵn sàng hành động. Vì vậy, tỷ lệ vũ khí mới và thiết bị kỹ thuật mới cũng như trình độ cơ giới hoá của quân Đức cao hơn của chúng ta.

Cuối cùng, cần phải nói rằng nước Đức phát-xít đã lợi dụng được yếu tố bất ngờ. Kẻ xâm lược ấy đã tấn công Liên Xô sau khi đã phá mọi kỷ lục về sự phản trắc. Tình thế lại càng trở nên phức tạp hơn, do chỗ không kịp thời ban bố lệnh hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, thống nhất cho toàn thể các Lực lượng vũ trang. Vì thế nên bộ đội (trừ hải quân và các binh đoàn thuộc quân khu Ô-đét-xa) không kịp chiếm lĩnh các trận địa phòng thủ đã dự kiến trong kế hoạch, không kịp đổi sân bay, đưa máy bay rời khỏi trường bay, thực hiện những biện pháp cần thiết khác trong hoàn cảnh đó.

Chúng ta cũng chớ quên những sai lầm trong việc xác định phương thức hoạt động và lực lượng đột kích ban đầu của kẻ địch. Bộ tư lệnh tối cao Liên Xô cho rằng kẻ địch sẽ không lập tức dốc toàn bộ lực lượng trên khắp mặt trận Xô - Đức và điều đó cho phép chúng ta kiềm chế chúng khi sử dụng cái gọi là quân yểm trợ. Song chiến tranh lại không tiến triển như vậy: bọn xâm lược Hít-le đã tung ra các binh đoàn xung kích trên suốt độ dài biên giới phía Tây nước ta. Chúng ta không thể đẩy lùi cuộc tấn công đó bằng những lực lượng đóng ở vùng biên giới vốn chưa hoàn toàn sẵn sàng hành động nhanh chóng.

Những dự tính sai lầm và những sơ suất trong việc chuẩn bị cho bộ đội sẵn sàng đánh lui đợt tấn công đầu tiên của bọn xâm lược phát-xít Đức, rõ ràng đã khiến cho tình hình của ta thêm gay go hơn khi bước vào cuộc đọ sức với bộ máy quân phiệt khổng lồ của nước Đức Hít-le có chỗ dựa là các nguồn dự trữ kinh tế và quân sự của nhiều nước châu Âu. Nhưng dù có như vậy đi nữa, quân đội phát-xít cũng đã lập tức bắt đầu phải chịu nhiều tổn thất to lớn và chỉ nửa năm sau, các quân đoàn và sư đoàn tinh nhuệ của chúng đã bị đánh tan tác ở gần Mát-xcơ-va. Từ đây bắt đầu một bước ngoặt cơ bản trong quá trình chiến tranh.

Những bài học lịch sử là như thế đó và ta phải luôn luôn nhớ đến.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #15 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:56:11 pm »

CHƯƠNG HAI
Những ngày buồn phiền và hy vọng

Tại Bộ tổng tham mưu - guồng máy chạy đều - Những trợ lý tác chiến không phạm lỗi mà gặp tai vạ. - Mặt trận hướng Tây-nam. - Những cuộc tập kích đầu tiên bằng không quân vào Mát-xcơ-va. - Cục tác chiến rời vào đường ngầm. - Một trong những tháng cực kỳ khó khăn trong chiến tranh. - Cống hiến của Vi-a-dơ-ma và Tu-la vào công cuộc phòng vệ thủ đô. - Cuộc duyệt binh tháng Mười truyền thống. - Tổng kết nửa năm đầu chiến tranh. - Tôi gặp nguyên soái B. M. Sa-pô-sni-cốp.

Từ những phút đấu của chiến tranh, Bộ tổng tham mưu làm việc rất khẩn trương, dù có lo âu. Tất cả chúng tôi đều tin rằng, việc Hít-le mưu toan dựa vào yếu tố bất ngờ chỉ có thể đem lại cho hắn những thắng lợi quân sự tạm thời mà thôi. Từ các đồng chí phụ trách đến các đồng chí dưới quyền đều hành động một cách tin tưởng như thường lệ. Các đồng chí trong ban Tây-bắc, ban miền Tây và ban Tây-nam đang truyền đạt mệnh lệnh cho các đơn vị, liên lạc qua máy điện báo Bô-đô với cơ quan tham mưu các quân khu, lúc này đã trở thành các phương diện quân. Các ban khác vẫn cố chăm lo mọi công việc hàng ngày mà chiến tranh đang đẩy lùi xuống hàng thứ hai. Số người ở đây cũng bớt đi: một số sĩ quan đã được điều đến giúp sức cho các bộ phận có công tác khẩn trương.

Các sự kiện tiên triển nhanh như chốp. Máy bay địch hung hãn tiến công bộ đội ta. Và, ở những nơi tiếp giáp giữa các phương diện quân, chúng đang tập trung sức cố gắng của các tập đoàn xe tăng mạnh. Phương diện quân Tây-bắc báo cáo về tình hình cực kỳ gay go của tập đoàn quân 11 bên cánh trái do tướng V. I. Mô-rô-dôp chỉ huy và của tập đoàn quân 8 do P. P. Xô-ben-nhi-côp chỉ huy. Đứng trước nguy cơ bị bao vây, tập đoàn quân 8 đã buộc phải rút về Ri-ga.

Cả tập đoàn quân 4 của A. A. Cô-rốp-côp đang phòng ngự bên sườn trái của phương diện quân Tây cũng không nhẹ gánh hơn. Tập đoàn quân này, phải chịu gánh đòn chủ yếu của tập đoàn xe tăng địch, đã bị đánh tan nhưng vẫn tiếp tục kháng cự, tuy không có chính diện liên tục. Ở mặt trận Tây- Nam đang diễn ra trận đánh ác liệt tại vùng Pê-rê-mư-slơ, nhưng Pê-rê-mư-slơ vẫn đứng vững. Các sư đoàn Đức tập trung ở Phần Lan và Ru-ma-ni hãy còn ở tuyến xuất phát.

Liên lạc với các phương diện quân, nhất là với phương diện quân Tây, gặp nhiều khó khăn, đường dây không ổn định. Vì đường dây bị phá hoại luôn, nên không phải lúc nào chúng tôi cũng nắm được tình hình với mọi chi tiết cần thiết. Cơ quan tham mưu các phương diện quân cũng than phiền về tình trạng thông tin liên lạc với các đơn vị của họ không được thông suốt. Vì vậy, ngay nếu như chúng tôi có bắt liên lạc được với họ thì cũng vẫn không được biết khá đầy đủ về tình hình các đơn vị.

Công tác bận rộn đã lôi cuốn tất cả mọi người, chẳng trừ ai, nên chúng tôi không nhận thấy ngày đầu tiên chiến tranh đã trôi qua như thế nào nữa. Trên các tấm bản đồ xuất hiện nhiều mũi tên xanh chỉ hướng hoạt động của các tập đoàn quân xung kích của địch.

Ngày 23 tháng Sáu, mọi người được biết Hội đồng bộ trưởng dân ủy và Ban chấp hành trung ương Đảng đã thông qua quyết nghị thành lập Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh các Lực lượng vũ trang Liên Xô - cơ quan cao nhất lãnh đạo tất cả các hoạt động của quân đội và hải quân. Tham gia Đại bản doanh có các đồng chí: bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng X C. Ti-mô-sen-cô (chủ tịch), tổng tham mưu trưởng Gh. C. Giu-cốp, I. V. Xta-lin, V. M. Mô-lô-tốp, C. E. Vô-rô-si-lốp, X. M. Bu-đi-on-nưi và bộ trưởng Bộ dân ủy Hải quân N. Gh. Cu-dơ-nét-xốp. Trực thuộc Đại bản doanh có hệ thống các cố vấn thường trực gồm các đồng chí B. M. Sa-pô-sni-cốp, K. A. Mê-rét-xcốp, N. Ph. Va-tu-tin, N. N. Vô-rô-nôp, A. I. Mi-côi-an, N. A. Vô-dơ-nê-xen-xki, A. A. Giơ-đa-nốp và nhiều đồng chí khác. Bộ tổng tham mưu trở thành cơ quan công tác của Đại bản doanh, mặc dù không có chỉ thị chính thức nào về việc này cả.

Các cán bộ trong Cục tác chiến cũng được bố trí theo cách mới. Giờ đây, hầu như tất cả chúng tôi đều thực tế làm việc theo các hướng mặt trận: hướng Tây, hướng Tây - Nam, hướng Tây - Bắc. Để tiện quan hệ với nhau, chúng tôi rời sang làm việc trong phòng họp. Bàn làm việc kê dọc theo tường. Điện báo ở cạnh bên. Văn phòng của đồng chí bộ trưởng Bộ dân ủy quốc phòng và Tổng tham mưu trưởng cũng ở gần ngay đây. Các nhân viên đánh máy cũng làm việc với chúng tôi trong một phòng. Chật chội, ồn ào, nhưng mọi người đều tập trung tư tưởng vào công việc của mình.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #16 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:56:51 pm »

Các đồng chí tư lệnh pháo binh N. N. Vô-rô-nôp, phó tư lệnh bộ đội quân khu Mát-xcơ-va phụ trách về phòng không M. X. Grô-ma-đin, chủ nhiệm Tổng cục pháo binh N. Đ. I-a-cô-vlép, chủ nhiệm Cục thông tin liên lạc N. I. Ga-pít, chủ nhiệm Cục giao thông vận tải quân sự N. I. Tơ-ru-bét-xcôi thường có mặt trong Bộ tổng tham mưu. Chúng tôi, những trợ lý tác chiến, phải duy trì quan hệ với cơ quan của các đồng chí ấy, nhất là với cơ quan giao thông vận tải quân sự, vì việc chuyển quân từ các quân khu nội địa ra tiền tuyến cần được kiểm tra chặt chẽ.

Các thê đội liên tục tiến ra phía Tây và Tây - Nam. Chúng tôi khi người này lúc người khác, được phái đến những trạm điều chỉnh. Sự phức tạp và hay thay đổi của tình hình thường buộc phải đình chỉ việc điều chỉnh và điều các thê đội sang một trạm nào khác. Đã có trường hợp bộ tư lệnh và cơ quan tham mưu sư đoàn được chuyển đến một nơi, còn các trung đoàn lại chuyển đến chỗ khác, thậm chí đến nhiều chỗ khác cách nhau khá xa. Nhiều mệnh lệnh và chỉ thị gửi cho các đơn vị đôi khi trở nên lỗi thời vì không kịp tói tay người nhận.

Cán bộ tác chiến có trách nhiệm phải theo dõi toàn bộ những sự việc ấy và kịp thời tiến hành những biện pháp cần thiết. Chúng tôi ghi tình huống lên bản đồ, truyền đạt những chỉ thị bổ sung đến các đơn vị, nhận tin mới, viết thông báo và báo cáo. Các sĩ quan, do đại tá V. V. Cu-ra-xôp đứng đầu tổng hợp mọi tài liệu đó và chuẩn bị báo cáo lên Đại bản doanh.

Thường hay có những chuyến đi công tác xuống các tập đoàn quân đang tác chiến, chủ yếu là để xác định tiền duyên phòng ngự thực sự của bộ đội chúng ta, xác định những vùng dân cư nào đã bị quân địch chiếm đóng. Trong những trường hợp ấy, các cán bộ tác chiến đi công tác thường dùng máy bay XB tới khu vực đã định.

Những chuyến bay đó thường bay về mặt trận phía Tây nhiều hơn cả. Tình hình ở đấy ngày càng phức tạp, mà thông tin liên lạc lại không ổn định. Ngày 28 tháng Sáu, Min-xcơ thất thủ. Mười một sư đoàn của chúng ta đang ở quá phía Tây thành phố này buộc phải tiếp tục chiến đấu ở phía sau quân địch. Vấn đề này Bộ tổng tham mưu không được biết ngay. Về sau cũng mới biết cuộc chiến đấu anh dũng kéo dài gần tháng trời của đội trú phòng pháo đài Brét bị địch bao vây.

Những ngày đầu chiến tranh đã cho chúng tôi thấy cơ cấu tổ chức của nhiều khâu thuộc Bộ tổng tham mưu còn chưa thật hoàn chỉnh. Không phải tất cả những gì khá tốt trong thời bình đều phù hợp với lúc này. Những khâu đó đã được chấn chỉnh lại trong quá trình công tác.

Tôi đã nói rằng lúc mới bắt đầu tác chiến, chúng tôi đã đứng trước sự cần thiết phải rút bớt cán bộ ở các ban khác để tăng cường cho ban Tây - Bắc, ban miền Tây và ban Tây - Nam như thế nào. Về sau, chúng tôi đã thấy rõ rằng hệ thống các ban nói chung phải được bãi bỏ. Hệ thống này hình như chỉ đáp ứng được nhiệm vụ của nó khi còn chưa triển khai một số phương diện quân trên từng hướng chiến lược. Từ giờ mới thấy rõ rằng cơ cấu tổ chức cũ dứt khoát không còn phù hợp với thực tế nữa. Điều đó đòi hỏi phải thành lập các tổ trợ lý riêng, do một số tổ trưởng giàu kinh nghiệm phụ trách, để mỗi tổ theo dõi một phương diện quân. Làm việc như vậy tốt hơn, và trong tháng Tám năm 1941, các ban đã giải thể.

Lại còn những chuyện phức tạp khác. Một hôm, chúng tôi được biết là ở phương diện quân Tây, tư lệnh Đ. G. Páp-lốp, tham mưu trưởng V. E. Cli-map-xkích và trưởng ban tác chiến - thiếu tướng I. I. Xê-mi-ô-nốp - đã bị cách chức vì không chỉ huy được bộ đội. Sau đó, ở cơ quan chúng tôi cũng bắt đầu sắp xếp lại cán bộ. Gh. C. Ma-lan-đin được bổ nhiệm thay V. E. Cli-mốp-xkích làm tham mưu trưởng phương diện quân Tây. Tổng tham mưu trong Gh. C. Giu-cốp được bổ nhiệm làm tư lệnh phương diện quân dự bị. Nguyên soái B. M. Sa-pô-sni-cốp lại trở về Bộ tổng tham mưu. V. M. Dơ-lô-bin được đề bạt làm cục trưởng Cục tác chiến. Ít lâu sau, Ph. E. Bô-cốp, một cán bộ chính trị giàu kinh nghiệm, thay X. C. Cô-dép-nhi-cốp. làm chính ủy Bộ tổng tham mưu.

Rõ ràng là tất cả những sự thay đổi và điều động các cán bộ chỉ huy quân sự này làm cho đầu óc chúng tôi căng thẳng và đôi khi gây nên ý thức phản ứng trong nội bộ. Thêm vào đó do ảnh hưởng của những thất bại tạm thời của chúng ta ngoài mặt trận, một số đồng chí lại mang nặng tính đa nghi quá đáng. Trong một chừng mực nào đó, hiện tượng không lành mạnh ấy đã lan tới cả Bộ tổng tham mưu.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #17 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:57:30 pm »

Có lần, một trong số những cán bộ chỉ huy mới được điều về bộ, trong khi xem xét công tác nghiên cứu bản đồ của đại tá A. A. Grư-dơ-lốp, đã gán cho đồng chí này tội thổi phồng sức mạnh của địch. May thay, tổ chức đảng của chúng tôi đã có thái độ khá chín chắn và đã bác cái lối đoán chừng vô lý đó. Trong vấn đề này, đồng chí bí thư chi bộ mới được bầu - đại tá M. N. Bê-rê-din - đã đóng một vai trò quan trọng. Là người thông minh, dũng cảm và là một trợ lý giàu kinh nghiệm nhất, đồng chí biết đoàn kết các đảng viên cộng sản để giải quyết những nhiệm vụ chủ yếu.

Không phải lúc nào chúng tôi cũng nắm được những tin tức chi tiết về tình hình bộ đội ta. Đó không phải là lỗi lầm mà là tai vạ của chúng tôi. Vả lại, tin tức về quân địch cũng không phải là dễ nắm. Không dùng mẹo thì không được! Tôi nhớ có lần chúng tôi không làm sao nằm được tình hình hai bên trong một khu vực ngoài mặt trận phía Tây. Đường dây liên lạc bị đứt. Lúc ấy, một đồng chí cán bộ trợ lý nào đó đã quyết định gọi điện thoại tới một hội đồng Xô viết xã ở khu vực ấy. Đồng chí chủ tịch hội đồng nói chuyện với chúng tôi.

Chúng tôi hỏi: trong làng đồng chí có bộ đội ta đóng không? Đồng chí đó trả lời không có. Thế bọn Đức? Té ra, bọn Đức cũng không có, nhưng chúng đang đóng ở những làng lân cận, - đồng chí chủ tịch kể tên những làng ấy. Nhờ vậy, trên bản đồ tác chiến mới có được tình hình thật chính xác của hai bên trong khu vực này như sau này đã xác nhận.

Sau đây, mỗi khi gặp khó khăn, chúng tôi đều áp dụng phương pháp chuẩn xác tình hình như vậy. Trong những trường hợp cần thiết, chúng tôi đã hỏi các đảng ủy huyện, ủy ban hành chính huyện, hội đồng Xô-viết xã, và thường được họ cho biết những tin tức cần thiết.

Nhớ lại những tháng đầu chiến tranh, tôi không thể không nói đến việc chúng tôi đã nhiều lần cố gắng tìm cách xin ra đơn vị chiến đấu. Dựa trên cơ sở những tình cảm cao đẹp nhất, nguyện vọng này tự nó là rất cao quý. Nhưng cũng phải có ai làm việc ở Bộ tổng tham mưu chứ. Trong vấn đề này, tổ chức đảng đã phải dùng toàn bộ sức mạnh uy tín của mình để tác động đến mọi người: thuyết phục, giải thích, chứng minh.

Nhưng dẫu sao, người nào kiên tâm hơn thì đôi khi cũng được toại nguyện. Như trường hợp của A. A. Grê-xcô chẳng hạn. Đồng chí làm việc cùng với chúng tôi vỏn vẹn được khoảng hai tuần lễ. Đồng chí đã trực tiếp trình bày yêu cầu của mình với Tổng tham mưu trưởng và được bổ nhiệm làm tư lệnh sư đoàn kỵ binh 34. Chính đồng chí đã thành lập sư đoàn ấy và sau đó đưa sư đoàn ra tiền tuyến.

Còn tôi được điều sang tăng cường cho bộ phận theo dõi hướng Tây-nam. Trên hướng này, quân ta đang kiên cường chiến đấu. Đồng chí Gh. C. Giu-cốp, đại diện của Đại bản doanh, cũng đã có mặt ở đó. Ở khu vực Lút-xcơ, Brô-dư, Rô-vơ-nô, bộ chỉ huy của ta đang tìm cách phản kích tiêu diệt địch và lập mặt trận ổn định. Ngoài bộ binh ra, tham gia cuộc phản kích còn có một số quân đoàn cơ giới, tùy theo mức độ tiếp cận của họ: quân đoàn cơ giới 8 do tướng Đ. I. Ri-a-bư-sép chỉ huy, quân đoàn 9 do C. C. Rô-cô-xốp-xki chỉ huy, quân đoàn 15 do I. I. Các-pe-do chỉ huy, quân đoàn 19 do N. V. Phê-cơ-len-cô chỉ huy, quân đoàn 22 do X. M. Côn-đru-xép chỉ huy.

Bộ đội ta không chặn đứng và đánh tan được quân địch, nhưng trong trận này, tập đoàn quân xung kích của chúng tiến về hướng Ki-ép đã bị suy yếu và bị kìm chân lại.

Tập đoàn quân 5, do thiếu tướng M. I. Pô-ta-pốp chỉ huy, đã giữ vững Pô-lê-xi-ê và vùng lân cận, và như người ta nói, đã trở thành cái gai trước mắt các tướng lĩnh Hít-le. Tập đoàn quân này đã chống địch rất mãnh liệt và gây cho chúng nhiều tổn thất lớn. Quân đội phát-xít Đức ở đây không thể nhanh chóng đột phá mặt trận. Các sư đoàn của Pô-ta-pốp đã đánh bại chúng khỏi tuyến Lút-xcơ - Rô-vơ-nô - Gi-tô-mia và buộc chúng phải từ bỏ cuộc đột kích nhanh chóng vào Ki-ép.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #18 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:58:13 pm »

Chúng ta còn giữ được những lời thú nhận đáng chú ý của quân địch. Ngày 19 tháng Bảy, trong chỉ thị số 33, Hít-le đã ghi nhận rằng cuộc tiến quân bên cánh phía Bắc của Cụm tập đoàn quân “nam" đã bị chặn đứng lại vì có sự tăng cường củng cố của Ki-ép và có hoạt động của tập đoàn quân xô-viết 5. Ngày 30 tháng Bảy, Béc-lin lại kiên quyết hạ lệnh: “phải buộc tập đoàn quân đỏ 5 đang chiến đấu trên địa hình đầm lầy ở Tây - Bắc Ki-ép tiếp chiến ở quá phía Tây sông Đni-ép-rơ và phải tiêu diệt nó trong quá trình chiến đấu. Phải kịp thời ngăn chặn nguy cơ để nó đột phá qua Pri-pi-át sang phía Bắc”. Và rồi lại một lần nữa nhấn mạnh: “khi chiếm lại những con đường tiến về Ô-vru-tsơ và Mô-dưa, phải tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn quân Nga 5”.

Bất chấp tất cả những âm mưu ấy của quân địch, bộ đội của M. I. Pô-ta-pôp đã tiếp tục anh dũng chiến đầu. Hít-le nổi điên lên. Ngày 21 tháng Tám, hắn lại ký một văn kiện nữa, bắt Tổng tư lệnh lục quân phải bảo đảm điều động những lực lượng như Cụm tập đoàn quân “trung tâm” đi vào chiến đấu để có thể tiêu diệt được tập đoàn quân Nga 5.

Tập đoàn quân 5 giữ vững trận địa đến hạ tuần tháng Chín năm 1941, rồi về đảm nhận những cuộc chiến đầu ác liệt ở Phía Đông Ki-ép và những tổn thất họ đã phải chịu trong các trận đó thật không phải là vô ích. Mặt trận này đã đặt một trong những viên đá vững chắc đầu tiên vào việc xây nền đắp móng cho những thắng lợi tiếp sau.

Từ ngày 5 tháng Tám, Ô-đét-xa anh hùng hầu như đã giam chân quân địch trong suốt hai tháng rưỡi trời. Đại bản doanh đặc biệt coi trọng vùng này và hạ lệnh: “phải phòng thủ khu vực Ô-đét-xa... cho tới người lính cuối cùng”. Các chiến sĩ bảo vệ thành phố - bộ đội và nhân dân - đã quyết tử. Các trận oanh tạc bằng không quân và những đợt tấn công dữ dội trên bộ đều không thể bẻ gãy được sức kháng cự của tập đoàn quân vùng ven biển, của các thủy thủ Hạm đội Biển Đen và của nhân dân thành phố. Ô-đét-xa đã trở thành thành phố anh hùng và vào những ngày này, cả nước và quân đội đều biết đến tên tuổi của I. E. Pê-tơ-rốp, N. I. Crư-lốp, Gh. C. Giu-cốp cũng như của những người chỉ huy và những người anh hùng khác bảo vệ Ô-đét-xa.

Ngày 30 tháng Mười 1941 bắt đầu công cuộc phòng thủ Xê-va-xtô-pôn. Dồn quân địch ra sát biển, các chiến sĩ xô-viết đã chiến đấu vô cùng gan dạ và dũng cảm hy sinh. Kìm hãm quân địch ở Crưm lúc đó có nghĩa là không để cho chúng vượt qua bán đảo Ta-man vào Cáp-ca-dơ tới vùng dầu mỏ và các vùng tài nguyên vô cùng phong phú khác của nước ta. Khi đó, Đại bản doanh chỉ thị: “Dù thế nào đi nữa cũng không được bỏ Xê-va-xtô-pôn”. Theo truyền thống, chỉ huy khu vực phòng thủ Xê-va-xtô-pôn là tư lệnh Hạm đội Biển Đen, phó đô đốc Ph. X. Ốc-chi-áp-rơ-xki. Chỉ huy quân bộ binh ở Xê-va-xtô-pôn là tướng I. E. Pê-tơ-rốp, tư lệnh tập đoàn quân vùng ven biển được điều từ Ô-đét-xa tới cùng với đơn vị của đồng chí.

Ngày 22 tháng Bảy, máy bay địch bắn phá Mát-xcơ-va lần đầu tiên. Chúng tôi ra phố và thấy hàng trăm ngọn đèn pha đang xẻ rạch khắp bầu trời, ánh lửa pháo cao xạ bừng lên trong khoảng không sâu thẳm.
Trong tầng dưới của tòa nhà Bộ tổng tham mưu đã thiết bị hầm phòng không. Mọi người không có phận sự khi máy bay bắn phá bắt buộc phải xuống đày.

Các gia đình quân nhân bắt đầu sơ tán khỏi Mát-xcơ-va. Sau trận đánh phá đầu tiên này của không quân Đức, tôi gửi mẹ, vợ và hai con mình đi Nô-vô-xi-biếc. Đến nơi nào và đến nhà ai ở đày, tôi cũng không rõ.
Ga Ca-dan tối om. Hàng ngàn người đã tụ tập ở đó. Vát vả lắm tôi mới đưa được gia đình vào trong toa. Tôi phải chuyến con gái mình qua cửa so, vì không tài nào len vào bằng của chính được.

Tôi đã giao cho vợ mình một bức thư gửi trung tướng V M. Dơ-lô-bin, lúc đó làm phó tư lệnh quân khu Xi-bi-ri. Nhưng sau này được biết là vợ tôi đã không gặp được đồng chí Dơ-lô-bin. Xin cảm ơn ban phụ vận của đảng bộ thành phố đã giúp đỡ chúng tôi bằng mọi khả năng của mình, chủ yếu là đã thu xếp cho gia đình tôi có nơi ăn chốn ở hẳn hoi.
Logged
SaoVang
Đại tá
*
Bài viết: 8205



« Trả lời #19 vào lúc: 05 Tháng Giêng, 2011, 05:58:52 pm »

Còn ngoài mặt trận, tình hình ngày một nặng nề thêm. Ngày 30 tháng Sáu, ta thành lập Hội đồng quốc phòng Nhà nước, đứng đầu là I. V. Xta-lin. Mọi quyền hạn đều tập trung trong tay Hội đồng quốc phòng Nhà nước. Ngày 10 tháng Bảy, ủy ban quyết nghị thành lập ba Bộ tổng tư lệnh các khu vực mặt trận: khu vực Tây-bắc do C. E. Vô-rô-si-lốp, khu vực phía Tây do X. C. Ti-mô-sen-cô và khu vực Tây-nam do X. M. Bu-đi-on-nưi làm Tổng tư lệnh. Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh chuyển thành Đại bản doanh Bộ tư lệnh tối cao, và ít lâu sau, ngày 8 tháng Tám thành Đại bản doanh Bộ tổng tư lệnh tối cao. I. V. Xta-lin được làm Tổng tư lệnh tối cao.

Trong những ngày này, mọi quan tâm và suy nghĩ của chúng ta đều tập trung hướng vào Xmô-len-xcơ. Nhiều lực lượng dự bị đáng kể của quân đội Liên Xô đã được điều động tới khu vực ấy nhằm giam chân quân địch tại đấy, không để cho chúng tiến vào Mát-xcơ-va, bằng cách giáng cho chúng những đòn phản công thấm thía. Và, mặc dù Xmô-len-xcơ đã thất thủ ngày 16 tháng Bảy, các trận chiến đấu vẫn sôi nổi tiếp diễn ở phía Đông thành phố trên một chính diện rộng, đến cuối tuần đầu tháng Chín. Lần đầu tiên, ở đây chúng ta đã sử dụng thành công hỏa tiễn “ca-chiu-sa” rất nổi tiếng sau này.

Ở gần Ên-ni-a, ta đã giáng cho quân địch một đòn thua đau và đã đuổi được chúng ra khỏi vùng này.
Địch tăng cường oanh tạc Mát-xcơ-va. Hầu như đêm nào cũng có báo động. Có khi bom rơi gần Bộ tổng tham mưu. Các hầm phòng không thiết bị trong các tầng dưới bây giờ được sử dụng làm nơi làm việc, và như vậy thật là không thích hợp

Ít lâu sau, có quyết nghị: cứ đêm đến là Bộ tổng tham mưu phải chuyển xuống làm việc tại ga xe điện ngầm “Bê-lô-ru-xi-a”, ở đây đã thiết bị cả sở chỉ huy lẫn trung tâm thông tin.

Từ đó, chiều tối nào chúng tôi cũng thu xếp tài liệu vào va-li rồi đi tới ga “Bê-lô-ru-xi-a”. Sở chỉ huy trung ương làm việc suốt đêm trên một nửa sân ga; còn nửa bên kia ngăn cách với nửa bên này bằng một lớp ván mỏng, cứ sẩm tối là đã chật ních nhân dân Mát-xcơ-va, chủ yếu là đàn bà và trẻ em. Cũng như chúng tôi, họ đã đến đây không cần chờ còi báo động và ngủ cả đêm ở ngay tại đây. Làm việc trong những điều kiện như vậy đương nhiên là rất không tiện; chủ yếu vì ngày nào cũng cứ phải thu dọn và đi lại, lãng phí mất nhiều thời gian vàng ngọc, ảnh hưởng đến nhịp điều làm việc.

Ít lâu sau, chúng tôi không làm như vậy nữa và di chuyển tới một ngôi nhà ở phố Ki-rốp. Ga xe điện ngầm “Ki-rốp” được giao cho chúng tôi hoàn toàn sử dụng. Tàu không dừng lại ở ga đó nữa. Sân ga, nơi chúng tôi làm việc, được ngăn cách với đường sắt bằng một bức tường ván cao. Trung tâm thông tin đặt ở một đầu, trụ sở của Xta-lin ở đầu bên kia, còn ở giữa là những dãy bàn nhỏ để chúng tôi làm việc. Vị trí của Tổng tham mưu trưởng ở bên cạnh trụ sở của Tổng tư lệnh tối cao.

Mùa thu đang đến gần. Sức ép của quân địch rất mạnh. Cả ở Mát-xcơ-va, cả ở Lê-nin-grát và cả ở U-crai-na nữa. Trên khắp các mặt trận.

Lúc này, ta đang có tài liệu khẳng định rằng bộ chỉ huy phát-xít Đức không thể thực hiện việc đánh chiếm Mát-xcơ-va nếu như chúng không chiếm được Lê-nin-grát trước và lập được mặt trận chung với Phần Lan tại phía Bắc và nếu như chúng không đánh tan được cánh quân của chúng ta ở khu vực Ki-ép tại phía Nam.

Ngoài các ý nghĩa thuần túy quân sự, việc đánh chiếm U-crai-na còn có ý nghĩa kinh tế to lớn đối với nước Đức phát-xít. Ngay từ 4 tháng Tám 1941, Hít-le đã họp ở Bô-ri-xốp với các tư lệnh tập đoàn quân thuộc Cụm tập đoàn quân “trung tâm” và đã thông qua phương án về những hành động tiến công tiếp sau. Ngày 23 tháng Tám, chính Hít-le đã họp bàn về vấn đề này. Như vậy là kết quả cuộc chiến đấu ở khu vực mặt trận miền Tây, khu vực chủ yếu lúc này phụ thuộc nhiều hơn bao giờ hết vào tính kiên cường của quân dân Lê-nin-grát và Ki-ép.

Tháng Chín 1941 là một trong những tháng chiến tranh khó khăn nhất đối với chúng ta. Số dân Mát-xcơ-va giảm đi một cách rõ rệt. Nam giới vào bộ đội và các đội dân phòng. Phụ nữ và trẻ em hoặc đã tản cư, hoặc đang đứng máy thay thế cho nam giới. Rất nhiều người tham gia xây dựng công sự ở những cửa ngõ vào thủ đô. Và ngay trong thành phố, trên các đường phố đã xuất hiện những cọc chống tăng, chướng ngại chống tăng và chống bộ binh. Một bộ phận chính phủ rời đi Quy-bư-sép. Các thành viên trong Hội đồng quốc phòng Nhà nước và Đại bản doanh ở lại Mát-xcơ-va.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM