Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 18 Tháng Tư, 2024, 11:49:56 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Ba truyện ngắn - Nguyễn Thành Nhân  (Đọc 14133 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:13:07 am »

LỤC BÌNH


"Về phương Nam ngắm sông ngậm ngùi
Thương những đời như lục bình trôi..."-
Vũ Đức Sao Biển
 
Gã đi lững thững qua con đường Lê Lợi, rồi quẹo sang Nguyễn Huệ, hướng ra Bến Tàu, đi mà không hề chú ý gì đến ngoại cảnh chung quanh (trên mặt đất - xin phép bạn cho tôi được mở ngoặc đơn). Vì gã còn bận ngước mặt ngó lên những vòm cây lá đang reo hát trên đầu, và vì đầu óc gã đang mơ màng băn khoăn với bao ý đồ sáng tác. Mùa mưa ở Sài Gòn đã sắp chấm dứt rồi, nhưng thỉnh thoảng trời lại trút một cơn mưa ào ạt. Như lúc sáng nay. Và sau mỗi cơn mưa, cây lá lại xanh ngắt, trẻ trung và mát mẻ. Gã đắm đuối nhìn những nhánh cong queo, những tàng lá đang đung đưa khẽ theo cơn gió chiều mát rượi, như thể đang đắm đuối nhìn một cô gái đẹp. Thỉnh thoảng, gã lại va phải một ai đó đi ngược chiều, hay bước bừa lên những vũng nước đọng chưa rút kịp ven đường. Lâu lắm rồi gã không có dịp để đi bộ chút chút cho giãn gân giãn cốt. Những vỉa hè trên mọi con đường Thành phố luôn luôn bị lấn chiếm bởi muôn vàn thứ linh tinh, chúng trở thành chỗ để phục vụ cho mọi nhu cầu, ngoại trừ nhu cầu đi tản bộ. Vâng, thì người ta vẫn có thể qua lại, tới lui. Nhưng người ta sẽ phải thường xuyên chú ý để khỏi va phải trăm thứ bà rằn, khỏi đâm xầm vào một người, một vật gì đó hiện ra trên khắp những quãng đường ngắn ngủi. Đi như thế có thể gọi là đi tản bộ lang thang? Có thể cho phép người ta thả hồn lơ mơ theo một dòng xúc cảm, hay quan trọng hoá hơn một chút - để tìm cấu tứ của một truyện ngắn hay bài thơ gì đó, như mục đích của gã hôm nay ?
 
Gã không phải là nhà văn nhà thơ gì cả. Nhưng gã mê văn thơ hơn mê đàn bà đẹp, thế mới khổ thân cho gã chứ! Gã mê đọc. Và mê viết nữa. Đọc thì dễ quá, phải không ? Chỉ cần có chút thì giờ và chút tình yêu chữ nghĩa, người ta có thể đọc bất cứ thứ gì, từ các tác phẩm hiếm quý cổ kính chỉ còn nằm trong các thư viện xưa ẩm mốc cho đến những cuốn truyện ba xu bán "xôn" trong những cửa hàng sách cũ. Viết thì khó hơn nhiều. Mà gã, ngoài chuyện khoái đọc, còn muốn viết, khát khao cái sự viết quá chừng. Khổ là lực lại bất tòng tâm. Gã cũng đã viết nhiều lắm rồi, từ lâu lắm rồi chứ. Hồi đó, gã viết trên những cuốn vở học trò đen thui và đôi khi lẫn lộn mấy sợi gỗ, sợi rơm còn sót lại, với một cây bút máy hiệu Hồng hà. Ôi, nhắc tới nó mà lòng gã bùi ngùi xúc động. Chiến hữu của ta ơi ! Chiến hữu thân thương với một cái ngòi rè vì bị gã ấn quá mạnh trong bao cơn cảm xúc, với cái đuôi bút xác xơ vì hàng ngàn lần nằm giữa hai hàm răng của gã. Giờ thì khoẻ hơn, gã đã gác bút rồi. Gác bút - không phải quẳng bút nhé - vì bây giờ gã chỉ việc ngồi gõ lách cách trên cái bàn phím, và nếu cần, chỉ việc nhấn control+A rồi delete, là tất cả cái mớ ngôn từ lộn xộn vô giá trị làm gã điên tiết sẽ biến mất liền tù tì, không phải mất công vò xé mấy tờ giấy lem nhem vứt vào sọt rác, rồi lại phải mất công đi đổ rác sáng hôm sau.
 
Vâng, nói có cây bút máy Hồng hà và cái kòm-píu-tơ đời 486 làm chứng, gã đã viết nhiều thật đó mà ! Nhưng ... hầu hết những gì gã viết đã bị thủ tiêu một cách tức tưởi hết mất rồi. Vì "lực bất tòng tâm" (hay "chí cao tài mọn" thì cũng thế!), xin bực mình nhắc lại ! Giá có ai có câu biện bạch nào hay hơn xin làm ơn chỉ giúp, gã sẽ khấu đầu lạy tạ ! "Lực" (hay tài) của gã, chủ quan mà nhận xét, giỏi lắm chỉ viết được dăm ba bài thơ con cóc tía, dăm chục trang truyện tếu thọc lét ngang hông người khác. mà "tâm" (hay chí) của gã, ôi, nó cao xa hoằng viễn quá xá quà xa. Gã hằng mơ mình viết được một tác phẩm để đời. Một, và chỉ một mà thôi, cũng hả lòng hả dạ lắm rồi ! Cở như Gone With The Wind hay Wuthering Heights vậy đó. Mười mấy năm cầm bút, rồi gõ phím của gã đã trôi sông đổ biển. Tuổi trẻ của gã đã bị phí hoài vì cái giấc mơ làm văn hào không đúng chỗ. Bạn bè xem gã là một tên điên khùng ba trợn, mắc bệnh vĩ cuồng. Từng người tình lần lượt bỏ gã ra đi "như những dòng sông nhỏ"! Vợ gã cũng đá gã ra lề đường để chạy theo một tay bụng phệ, ít mơ mộng mà có nhiều tiền vàng trong két sắt. Thật ra, gã có sống, có làm gì khác người đâu nhỉ! Gã chỉ đam mê văn chương, mơ ước trong thầm lặng, chứ nào có ti toe hay khoe mẽ gì đâu. Dù sao, dù có bị ngộ nhận thế nào, gã vẫn còn yêu tha thiết chuyện văn chương, vẫn còn say sưa viết lách, dù ngày càng biết lượng sức mình. Giờ đây, gã đâu còn mơ hái một giải Nobel. Gã chỉ mong mình viết được những mẩu truyện ngăn ngắn, chân thật và giản dị. Vậy mà cả mấy tháng trời rồi, gã vẫn không thể viết được dòng nào. Văn hứng ngày xưa đã đưa gã bay bổng chín tầng mây, viết ào ào như nước lũ ngập tràn hàng chồng giấy, dù là viết toàn những dòng vô nghĩa tào lao, giờ cũng đã bỏ gã đi mất tiêu rồi. Lắm khi gã ước ao có lại những phút giây cảm hứng tuyệt vời ngày cũ. Chỉ viết khơi khơi, rồi viết xong có xé liệng, có đốt bỏ cũng được, cũng vui. Mà viết không ra chữ! Để gã phải lang thang đi rong tìm chút hồn văn trên mấy vỉa hè chật chội của Sài Gòn, như buổi chiều hôm nay vậy.
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #1 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:14:35 am »

Buồn bã, gã không thèm say đắm nhìn mây trời nữa mà cúi gằm đầu xuống đếm bước chân mình. Một cái vỏ lon bia tình cờ nằm lăn lóc kế bên chân gã, đang bực bội, gã ngứa chân sút một cái thật kêu vào nó. Nó bay lên, rồi cũng tình cờ hôn hơi mạnh vào một tà váy ngắn phía trước.
 
- Thằng cha này !... Mù hả ?
 
Người con gái trẻ trợn mắt nhìn gã với vẻ giận dữ. Chiếc váy của nàng đẹp thật, sạch sẽ thơm tho như thân hình nàng vậy. Nhưng tí bia còn sót trong lon và sình đất bám trên đôi giày gần há mõm của gã đã làm nó bớt sạch sẽ ít nhiều. Gã bừng tỉnh, ấp úng mấy lời xin lỗi lí nhí trong cổ họng. Nàng nguýt gã một cái thật dài rồi quay lưng ỏng ẹo bước đi. Gã thầm tạ ơn trời vì đã may mắn gặp phải một cô gái tương đối dịu dàng hiền thục!
 
Dãy quán dọc bờ sông Sài Gòn nằm phơi mình trước gió. Đôi ba cặp tình nhân trẻ tuổi ngồi mê mải tâm tình, không buồn chú ý đến gã. Gã bước tới một cái bàn đặt sát bờ rào ven sông. Cô bé phục vụ đến bên bàn nhìn gã chờ đợi. Gã gọi một chai bia và một dĩa đậu phọng rang rồi nhìn hờ hững ra dòng sông đang chảy lặng lờ. Ngoài kia, trên dòng nước, những đám lục bình lềnh bềnh trôi, như đời gã, như đời của bao người, trôi mà chẳng biết về đâu, chẳng biết sẽ tấp vào cái xó xỉnh nào. Có khi nào chúng trôi được ra tới biển? Mà không đâu, bao nhiêu hóc hẻm bờ sông, bao nhiêu ngáng trở, cuối cùng sẽ giam lỏng chúng lại một nơi, gom chúng thành một đám bùng nhùng dính chặt vào nhau, giả sử có một bụi lục bình yêu tự do và khát khao biển rộng, chúng cũng không thể bứt thoát khỏi những bện đan chằng chịt của cộng đồng họ hàng bà con của chúng, chúng sẽ chết dí trong cuộc sống mòn dưới gầm cầu, bên những cột nhà sàn ổ chuột mà thôi - Gã tự hỏi thầm rồi tự đáp. Dù sao, lục bình ở dưới gầm cầu cũng có thể ra hoa mà, gã tự an ủi mình, rồi mỉm cười vu vơ, tự thưởng cho mình một ngụm bia. Đó là thơ chứ còn gì nữa, gã chợt vỗ đùi hớn hở. Viết về ước mơ của đám lục bình, về cuộc đời của nó, về những bông hoa của nó, hẳn sẽ là một bài thơ chân thành và giàu sức sống.
 
Một người chống nạng, trên tay cầm một xấp vé số tới mời gã. Gã thò tay vào túi, móc ra một mớ giấy bạc nhăn nheo, nhàu nát. Gã không nhìn lên, khẽ nói:
 
-Anh chọn cho tôi hai tấm đi, xong rồi giữ luôn. Tặng anh đó. Hy vọng anh sẽ trúng, và sẽ kiếm được công việc khác khoẻ hơn chút đỉnh.
 
Im lặng. Người đàn ông bán vé số đứng nhìn gã đăm đăm, trên nét mặt có cái gì đó là lạ, nửa tin nửa ngờ, nửa muốn hỏi nửa e dè. Gã ngạc nhiên, ngẩng lên nhìn lại anh ta. Nét mặt này gã đã gặp ở đâu mà, trông quen lắm. Cái chân này! Lính thì phải rồi, nhưng tên gì, ở đại đội nào cà? Trí nhớ của mình coi bộ hay đi lạc quá, gã nhủ thầm.
 
Người đàn ông bật lên tiếng:
-Xin lỗi, anh là anh Bình, trước ở C8, D2 phải không ?
-Phải, vậy còn anh là ...
Gã sực nhớ ra. Trời đất, thằng Phi ! Thằng em trong tiểu đội, vậy mà gã lại không nhận ra nó, thật là tồi tệ. Gã đứng bật dậy, ôm chầm lấy vai anh ta, nghẹn ngào.
-Phi, mày còn sống hay sao ! Tao mừng quá, Phi ơi !
Gã kéo chiếc ghế ra, đẩy nhẹ người bạn lính ngồi xuống rồi hét to gọi cô bé phục vụ:
-Lấy bia đi cháu gái !
Gã quay sang người ddàn ông bán vé số, giờ là Phi, vẫn còn run run xúc động:
-Tao không nhớ ra kịp, mày đừng buồn. Mày vào có mấy tháng rồi sau trận đó mất tích luôn, anh em tưởng mày chết mất xác rồi ...Mừng thiệt đó, Phi à !
Phi cúi xuống cười buồn:
-Hôm đó, đại đội mở đường máu rút, em còn kẹt lại vì sợ quá, không dám chui ra khỏi cái hố mèo. Đến lúc địch rút, mò ra thì đơn vị đã đi khỏi đó lâu rồi. Em đi lạc sang đoàn 7704 rồi ở đó luôn cho đến lúc bị thương, được đưa về nước.
 
Gã nhìn Phi trân trối, rồi đưa tay bóp nhẹ vai của anh ta. Trong khoảnh khắc, trận đánh ngày hôm ấy quay trở về trong ký ức gã ... Lúc đó, Phi là lính của tiểu đội gã. Nó là lính đầu 1985, mới về đơn vị khoảng vài ba tháng. Gã cưng nó lắm, vì nó trắng trẻo thư sinh và hiền như con gái, ai nói gì cũng chỉ cười cười vâng dạ. Hôm đó, vì mê truy kích địch, đại đội gã thọc quá sâu vào đất Thái. Đến lúc lính biên phòng Thái từ các chốt gần đó tăng viện nổ pháo tấn công, đại đội mới biết mình đã sang đất Thái quá xa. Đại đội trưởng vội ra lệnh lui lại cố thủ, đợi đến tối rút về lại đất K. Cầm cự đến sụp tối thì đơn vị đồng loạt nổ súng uy hiếp để mở đường rồi rút dần dần. Ra khỏi tầm pháo, điểm quân số lại thì không còn Phi nữa. Trận đó có bốn người bị thương, và Phi mất tích. Ai cũng cho là nó đã bỏ thây bên Thái rồi.
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #2 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:15:49 am »

-Mày bị thương năm nào ?
-Cuối 86 anh à.
 
Gã nhìn xuống chân Phi, một bên đã cưa tới gối.
-Đạn nhọn hay mìn cóc ?
-Dạ mìn anh.
-Thôi, còn mạng là may rồi. Vậy giờ mày sống ở đâu ?
-Em ở bên nhà vợ, quận 2 đó. Vợ em nhận may gia công ở nhà, bữa nào rảnh anh ghé nhà em nhậu chơi nghe.
-Vậy sao mày không ở nhà phụ vợ mà đi vầy cho cực ?
-Dạo này ít hàng anh à. Ráng đi bán kiếm thêm chút đỉnh.
-Ờ, con cái gì chưa ?
-Dạ hai đứa anh, con trai hết, thằng lớn tám tuổi, thằng nhỏ ba tuổi ... Còn anh ?
-Ừm, tao hả ... Giờ thì lông bông, trước đây có vợ nhưng chia tay rồi, chưa có con.
 
Gã nâng lỵ
-Thôi, cụng ly đi. Mừng cho mày, vợ chồng có hạnh phúc không ?
-Dạ, vợ em thương em lắm anh à. Chị của cổ làm hộ lý trong quân y viện 175, cổ hay vào thăm chị, rồi riết hai đứa em quen nhau, thương nhau.
-Ờ, hay nhỉ ...
 
Gã nhìn đám lục bình tấp dưới chân kè đá lúc nãy. Sóng đã đẩy chúng về phía dưới xa hơn, và dường như chúng đã dầy hơn do tụ họp với nhiều đám khác. Con nước ròng ngày càng xuống thấp, trôi xuôi ra mé cửa biển. Cuộc sống có bao nhiêu điều kỳ lạ, bất ngờ! Cái thằng tưởng đã bỏ xác đất người giờ đây lại sống tương đối êm đềm hạnh phúc, dù còn cơ cực. Hay thiệt đó. Gã ngẫm nghĩ rồi bật cười to.
 
-Anh bây giờ làm gì ?
-Làm nhà nước. Cũng nhàn, có điều không khá được.
-Hơi đâu lo anh. Hồi xưa anh em mình cơm muối mà vẫn khoẻ khoắn yêu đời đó thôi. Ăn thua ở mình, biết chấp nhận cuộc sống là được mà.
-Ờ, phải đó. Mày cũng đã chững chạc, trưởng thành nhiều rồi. Hổng còn là thằng Phi ngỗng đực hồi nào nữa há. Phi nè, mày thử nhìn cái đám lục bình kia xem. Mày biết nó giống cái gì hôn? Nó giống như anh em mình vậy đó. Trôi nổi dòng đời, ngẫu nhiên tụ họp, rồi cách xa nhau, rồi lại ngẫu nhiên tụ họp. Ha ha, thú vị chứ, phải không?
 
Gã vỗ vai Phi. Cả hai cười ha hả. Tiếng cười vang trên sóng nước, lan xa.
 
Tháng 11/2002
(Trích tập truyện Lục bình NXB Văn Nghệ -Tháng 11/2005)

Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #3 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:19:27 am »

XA VẮNG


Xe qua khỏi cửa khẩu Sa Mát lúc trời chạng vạng. Tay hạ sĩ lái xe nhếch bộ ria mép, lầm bầm nói gì đó trong tiếng máy nổ ầm ầm, rồi thắng kít chiếc zin quân dụng bên lề, làm tung lên một làn bụi mịt mù. Hắn chỉ kịp vơ vội cái ba lô lép kẹp, thốt nhanh lời cảm ơn rồi nhảy xuống xe. Tay lái xe giơ tay trái lên vẫy vẫy, rồi chiếc xe rú lên, quẹo ngoặt sang hướng Kà Tum, phả thêm một lớp bụi đường biên giới lên bộ mặt sạm đen bụi bặm và nắng gió của hắn. Hắn khoác chiếc ba lô lên một bên vai, mỉm cười nhìn quanh quất. Trời, quê nhà, mình đang đứng trên đất Việt thật rồi! Trái tim hắn đập rộn lên, và một cảm giác thật lạ làm hắn muốn trào nước mắt, khi trên môi nụ cười còn chưa tắt hẳn. Hắn chợt muốn nằm xoài ra mà hôn lên mặt đất. Năm năm rồi, hắn xa cách ánh đèn thành phố, xa cách quê hương. Năm năm trời đằng đẳng, mở mắt ra chỉ thấy những rừng, những lũng hoang vu.
 
Trong trận đánh hồi cuối tháng trước, một trái B.40 của địch nổ tung trước công sự của hắn. Hắn chỉ kịp nhìn thấy một nụ lửa khổng lồ xoè ra trước mặt là đã ngất đi, và khi tỉnh dậy, hắn đã nằm trong quân y viện sư đoàn được ba ngày. Cũng may, nhờ chiếc hố mèo khá sâu, hắn chỉ bị ứa máu tai máu mũi vì sức ép chứ không dính phải miếng miểng nào. Rồi sau khi từ quân y viện trở về đơn vị vài hôm, hắn nhận được quyết định ra quân. Vĩnh biệt chiến trường! Vĩnh biệt những vinh quang và đắng cay chua xót. Và bây giờ, hắn đứng đây, trong lòng đất Việt. Thân hình còn nguyên, trái tim nóng bỏng còn đập rộn ràng trong lồng ngực.
 
Từ Tây Ninh về Sài Gòn khoảng chín mươi cây số. Hắn ước gì mình có cánh như chim để bay một hơi về tới ngôi nhà yêu dấu. Gã lái xe thật tốt, đã cho hắn quá giang suốt từ quân trạm ở Bat Đom Boong về tới đây, tiếc là gã phải rẽ sang hướng khác để về đơn vị. Bây giờ, không có cánh thì mình cuốc bộ chút chút chơi, rồi lại quá giang chứ còn sao nữa, hắn nghĩ thầm. Thật ra, giờ đó vẫn còn có vài chuyến xe đò cuối xuôi về Sài Gòn, nhưng hắn chẳng còn một xu dính túi. Mấy đồng riel trợ cấp phục viên cuối cùng đã bị vét nốt cho bữa chiều hôm kia, và hai bộ quân phục cũ mà hắn bán đi cũng chỉ vừa đủ cho hắn cùng tay tài xế ăn cơm bụi Khmer cho đến chiều nay. Trong cái ba lô lép kẹp, chỉ còn những vật kỷ niệm không bán được- cuốn nhật ký, chiếc đèn pin Trung Quốc, chiếc võng dù lũng lỗ chỗ đạn AK địch phản công trong một lần xung kích- và một hũ kem thoa mặt Thái Lan mà hắn mua ở chợ Sisôphôn để làm quà cho Vân, vợ hắn.

Hắn đi được chừng hơn một cây số thì trời đã tối đen. Con đường quốc lộ thật tồi, chẳng có một trụ đèn đường làm vốn. Hắn vừa lẩm bẩm nguyền rủa vừa bước thấp bước cao trên mặt đất mấp mô ven lộ, thỉnh thoảng lại nheo nheo mắt khi bị một chiếc xe tải chạy ngược chiều pha đèn vào mặt. Rốt cuộc, hắn cũng được một chiếc xe khách đồng ý cho quá giang sau hơn hai giờ cuốc bộ. Chuyến xe này chắc cũng là chuyến cuối cùng, đã hơn tám giờ tối còn gì. Trên xe thưa thớt chừng mươi hành khách. Hắn gật đầu cám ơn gã lơ xe vui tính đang gân cổ rên ư ử một câu nhạc sến, rồi lủi xuống dãy ghế cuối xe. Hắn ngồi dựa vào ghế, nhắm mắt lại, nhưng đầu óc tỉnh như sáo. Làm sao có thể ngủ khi lòng hắn quá chừng xao động, không thôi nghĩ tới mái ấm gia đình.
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #4 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:23:08 am »


Hắn nghĩ ngợi lan man. Lướt qua trong cơn mơ tỉnh thức của hắn một chuỗi hình ảnh, một chuỗi khuôn mặt bè bạn thân quen. Nhất là Vân. Vân với mái tóc đen dài, đôi môi dịu ngọt. Thân hình nàng ấm áp và mềm mại. Hắn vẫn còn nhớ như in sự ấm áp mềm mại đó. Hắn chỉ vừa mới cưới nàng được nửa tháng thì nhận được lệnh thi hành nghĩa vụ quân sự. Và hắn chỉ được ôm ấp thân hình mềm mại đó thêm đôi lần khi từ quân trường về phép, sau đó là hơn năm năm cách xa đằng đẵng.

Lúc hắn mới sang K, nàng viết thư cho hắn thật nhiều, như thác lũ, gần như mỗi ngày một lá. Đơn vị hắn hành quân cơ động suốt một vùng biên giới Cam Pu Chia-Thái Lan dài hàng trăm cây số, lâu lâu mới quay về hậu cứ, và mỗi lần về, hắn là người nhận được nhiều thư nhất, cả một xấp thư dày. Hắn thuộc lòng tất cả những lá thư đó. Hắn đọc đi đọc lại, gần như đâm nghiện được nhìn thấy những nét chữ mềm mại thân thuộc của nàng. Rồi thác dần biến thành sông, sông thành suối, rồi suối cạn nguồn. Đã hai năm hắn chẳng nhận được lá thư nào của nàng nữa. Đôi khi hắn hơi buồn, nhưng rồi hắn nghĩ chắc là nàng quá bận bịu vì sinh kế bon chen. Vả lại, từ đầu, hắn đã rất ít viết thư gửi cho nàng, ngay cả lần này về hẳn cũng vậy, vì hắn muốn gây cho nàng một sự bất ngờ lãng mạn. Hắn không quen viết, và cũng chẳng biết viết gì cho nàng, ngoài vài câu lặp đi lặp lại. Hắn không kể cho nàng nghe về cuộc sống của hắn, vì hắn không muốn làm nàng lo sợ. Hắn chỉ biết là hắn yêu nàng, rất yêu nàng, và nàng cũng rất yêu hắn. Thế thôi. Hắn nhớ hồi mới cưới nhau, trừ ra ba ngày được nghỉ "tuần trăng mật", nhiều hôm hắn vẫn nằm co một mình vì nàng phải đi làm ca đêm.
 
Một cô thợ dệt như nàng quả thật cực khổ đáng thương, với đồng lương ít ỏi. May mà hắn kịp mua lại được một căn nhà ổ chuột ven kênh Nhiêu Lộc với giá thật bèo trước khi cưới ít lâu cho nàng ở. Có lần, lâu lắm rồi, nàng viết trong một lá thư, bảo rằng giá mà nàng có thai với hắn, sinh một đứa con, có lẽ nàng đỡ cô đơn hơn. Hắn không đồng ý. Hắn biết chiến tranh là gì. Và hắn không muốn nàng phải vất vả một mình nuôi con nếu lỡ ra... Phải, súng đạn vô tình lắm, Vân ơi. Và anh không muốn em phải khổ vì anh. Nhưng bây giờ, hắn đã trở về. Ao ước của nàng đã có thể thực hiện được rồi. Hắn mỉm cười. Hắn tưởng tượng cái cảnh nàng bế một thằng nhóc bụ bẫm trắng hồng trên tay, hai mẹ con ngồi tựa vào lòng hắn. Hắn hình dung sẽ có những buổi chiều nắng vàng nhẹ hắt ngoài hiên, hắn ngồi đùa cợt với con, còn nàng loay hoay bên bếp lửa, đôi má hồng lên, chuẩn bị cho bữa cơm tối. Làn khói bếp toả lên ấm áp trong chiều, đẹp như trong một bài hát mà tụi hắn vẫn thường hay hát.... Rồi sẽ một ngày, có một ngày chinh chiến tàn. Anh trở về quê tìm tuổi thơ đã mất năm nao... Chuông chùa làng xa chiều lại vang. Bếp ai lên khói ấm tình thương. Bát cơm rau thấm mối tình quê... Có con trâu, có nương dâu, thiên đường mơ ước bao lâu... Giấc mơ đẹp làm tim hắn rộn lên, một cảm giác ngọt ngào lạ lùng toả lan khắp cơ thể hắn.
 
Hắn đang chìm đắm trong giấc mơ êm ái đó, chợt đột ngột quay về thực tại. Một mùi nước hoa rẻ tiền nồng nặc ập vào khứu giác. Tiếng sột soạt của lớp quần áo di chuyển cọ sát nhau cho hắn biết có hành khách vừa lên xe tới ngồi vào băng ghế phía trên. Hắn vẫn lơ mơ nhắm mắt, nhưng hai tai dỏng lên, lắng nghe tiếng con gái chuyện trò tíu tít. Ra là mấy cô ả. Kể cũng hay, lâu lắm rồi mới được nghe giọng con gái Việt Nam quen thuộc, hắn nhủ thầm.

- Mày có nhớ cái thằng hay ôm cặp, vẻ ta đây cán bộ cấp cao hôn Lan? Cái thằng cao to, có hàm ria con kiến đó- Một cô gái nói, chất giọng đặc sệt dân miền Tây.

- Ừ, sao? - Cô gái kia hỏi lại.

- Mẹ nó! Cái cặp toàn là giấy lộn không! Vậy mà mấy lần nó dụ tao bỏ quán đi theo nó. Nó nói sẽ lo cho tao sống sang trọng như một bà hoàng.

-Đời bây giờ lắm thằng ma cô xạo sự, hơi đâu mà ddể ý. Đừng ngu ngơ tin lầm tụi nó là chắc ăn mày ơi.

-Nhưng tao ức lắm. Nó lừa đảo của tao hết mấy trăm ngàn chứ ít sao. Nó nói cho anh mượn tạm, rồi vài bữa anh ra nhà băng rút tiền, sẽ bù lỗ cho em thoải mái. Mẹ nó chứ thoải mái!

-Tại mày thôi, cứ mê cái vẻ bề ngoài. Thôi, thí cô hồn đi Dung.

 Hắn lắc đầu chán ngán, không buồn nghe tiếp nữa. Câu chuyện của hai cô gái này thật nhạt phèo. Đây chắc là hai cô nàng tiếp viên bia ôm hay cà phê ôm gì đó. Dạo trước, hắn có nghe mấy thằng bạn sĩ quan mới đi phép về nước qua kể lại, rằng Sài Gòn bây giờ quậy dữ dội lắm, vui lắm, không cù lần như mấy năm về trước, nhưng hắn đâu có tin. Hắn cứ nghĩ tụi nó nổ cho vui. Vậy là Sài Gòn bây giờ vui hơn thật. Vui hơn, hay thảm hại suy đồi hơn đây, hắn tự hỏi thầm, rồi tiếp tục chìm vào giấc mơ thần tiên đang dang dở.

 
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #5 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:24:31 am »


Chiếc xe chợt quẹo gắt làm người hắn nghiêng sang một bên. Tiếng ồn ào rao bán nước ngọt, bánh mì lao xao làm hắn giật mình mở mắt ra. Đã tới bến xe rồi, hắn nhìn những dãy phố xá tràn ngập ánh đèn, nôn nóng. Hắn nối theo hai cô gái bước xuống xe. Một cô chợt quay sang nhìn hắn cười cười:

 - Anh mới ở bên K về phải hông? Nhìn là biết ngay mà.

- Phải, lâu lắm rồi tôi mới về lại Sài Gòn - Hắn đáp, hắn vốn tử tế và nhân hậu, dù thật ra hắn không ưa gì mấy cô gái thuộc dạng này.

- Nhà anh ở đâu?

- Ở Bình Thạnh, kênh Nhiêu Lộc.

- Bây giờ ở đó giải tỏa cả rồi, anh không biết hay sao? Anh có vợ chưa, anh chàng đẹp trai? Hay về ở với em đêm nay nghen! - Cô gái nheo mắt, cười một tràng ròn rã, chắc là tự cho mình vừa pha trò một câu có duyên lắm lắm.

- Cám ơn, chào cô - Hắn đáp, gật nhẹ đầu chào mấy cô gái, rồi quay lưng rảo bước.

 

***

Hắn bước liêu xiêu lơ lửng như một tên say rượu trên con đường dọc bờ kênh, lòng gợn lên bao lo âu thắc thỏm. Tất cả đã thay đổi hoàn toàn. Những căn nhà ổ chuột nằm ven con kênh nước đen, trong đó có nhà của hắn và nàng đã biến mất. Thay vào đó là một bãi đất trống toang, ngổn ngang đất đá, gạch ngói và rác rến tạo thành những đống lù lù dưới ánh sao khuya nhàn nhạt. Từ lòng kênh, mùi bùn hắt lên nồng nặc. Vậy là cô gái ban nãy nói thật. Hắn hoang mang như một đứa bé bị lạc mẹ giữa đám đông. Nỗi nhớ Vân chợt cồn cào thiêu đốt gan ruột hắn. Nàng ở đâu, khi mà túp nhà xưa không còn nữa? Hắn đứng cô đơn trong bóng đêm, cơn gió thốc lên từ lòng kênh chợt làm hắn thấy nhoi nhói lạnh. Hắn không biết phải làm gì, phải đi đâu trong lòng thành phố đầy quen thuộc của ngày xưa, nhưng giờ đây đã trở thành xa lạ.

Hắn đi lang thang qua những đường phố tối. Thỉnh thoảng, hắn tạm thời đi quên nỗi lo âu do bực tức với sự quấy rầy của những lời mời chào lơi lả: "Vui vẻ không anh!" của mấy cánh bướm đêm đứng chơ vơ trong bóng tối dưới những gốc cây. Đêm đã rất sâu. Thành phố đã bắt đầu thiếp ngủ trong giây lát, để chuẩn bị cho một ngày mới đến. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe gắn máy của ai đó đi nhậu về khuya vọt ngang qua. Ngày xưa, chiều chiều hắn thường hay chở Vân đi qua những con đường rợp bóng me này trên chiếc xe đạp cọc cạch. Lá me theo gió bay bay xuống vương trên áo, trên tóc của nàng. Những lúc ấy, trông nàng đẹp như một cô công chúa nhỏ. Hắn nghĩ thầm, rồi bỗng thấy thân thể rã rời, khi nghĩ tới hiện tại mông lung. Nàng đã đi đâu? Cuộc sống của nàng bây giờ ra sao? Hắn tự trách mình thật nhiều vì đã không duy trì thư từ liên lạc thường xuyên với nàng. Nếu không, đêm nay hắn đâu phải cô đơn và lo lắng như vầy. Thèm thuốc quá! Hắn bất giác đứng lại, sờ tay lên túi, tìm kiếm một mẩu thuốc lạc loài còn sót lại. May thật, còn một khúc bẹp dí dưới đáy túi. Hắn ngồi bệt xuống vỉa hè, đưa mẩu thuốc lên môi, châm lửa, rồi rít một hơi thật sâu, khoan khoái.

Từ một góc tối, một cô gái bước tới gần hắn. Ánh đèn đường vàng vọt từ xa mờ mờ hắt xuống một bên khuôn mặt héo úa đầy son phấn rẻ tiền. Cô gái mỉm cười khi ngồi xuống sát bên hắn, đưa tay vuốt nhẹ lên cánh tay hắn.

 
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #6 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:27:07 am »

 

- Anh còn thuốc không, cho em xin một điếu.

- Hết rồi- Hắn đáp, và vì lòng thương hại, hắn chìa mẩu thuốc ra - Còn chút xíu đót này, cô có hút không?

- Thôi khỏi, cám ơn anh. Anh muốn vui vẻ không anh?

- Trời, sao mấy cô dai như đĩa vậy. Tôi không có một xu nào hết. Tôi mới từ biên giới về đây, biết không- Hắn bực mình khẽ quát.

- Vậy hả anh. Xin lỗi. Chồng em cũng là lính như anh đó. Nhưng chắc ảnh chết rồi.

Cô gái hơi xoay người sang hắn, mặt quay về hướng ánh đèn. Hắn thờ ơ nhìn lướt qua khuôn mặt của cô ta. Ừ, thật sự cũng hơi có nét, nhưng phấn son, mắt xanh mỏ đỏ trông tởm quá. Cô gái cũng nhìn vào mặt hắn, rồi người cô như chợt cứng đờ ra. Trong một khoảnh khắc thật ngắn, hình như hắn bắt gặp trong ánh mắt của cô gái thoáng hiện lên một cái gì đó, như là sợ hãi, như là vui mừng lẫn lộn. Cô ta đột ngột đứng lên, gật nhẹ đầu chào hắn, rồi lặng lẽ bước đi. Hắn nhìn theo, bất giác. Thì còn có gì khác để làm nữa đâu, hắn thầm tự biện hộ, dù sâu xa trong tâm cảm, thật ra đang có một sự thúc ép nào đó rất mạnh mẽ buộc hắn phải nhìn theo. Cái dáng hao gầy, mái tóc chấp chới nhẹ trong cơn gió đêm lạnh lẽo có một cái gì đó thật buồn tủi, và ...hình như quen thuộc lắm. Hắn chợt giật mình khi nhận ra điều đó. Hắn cố gợi lại trong ký ức một hình ảnh nào đó, so sánh với khuôn mặt hắn thoáng nhìn lúc nãy, và dáng đi này. Hắn thừ người. Rồi chợt run bắn lên. Không lẽ lại là nàng sao? Không, không bao giờ có thể! Hắn hét thầm, rồi hét lên thành tiếng. Giọng hét của hắn vang lên trong phố đêm quạnh vắng, nghe như tiếng rống của một con thú hoang bị trọng thương. Hắn chồm dậy, đuổi theo cô gái. Lúc này, cô ta bước thật nhanh, gần như chạy, đôi vai gầy yếu run lên như đang khóc. Hắn lao đến, vớ lấy hai vai xoay cô gái lại một cách thô lỗ. Hắn run run hỏi, giọng lạc đi vì một cảm xúc khó tả thành lời:

- Em....em có phải là Vân không?

- Không, em là Thúy... Thúy điên - Cô gái đáp, giọng thì thào thật lạ.

Hắn thở hổn hển, cầm lấy bàn tay phải của cô gái, lật úp lại, đưa lên gần mắt. Ở gần chỗ cườm tay có một vết sẹo dài giống như hai cánh chim én xoảy ra. Hắn run lẩy bẩy, rồi hai mắt hắn chợt nhoà đi. Đúng thật rồi! Đây chính là Vân của hắn. Hắn lảo đảo. Trời đất như tối sầm trước mắt hắn. Hắn ôm đầu quỵ xuống, lẩm bẩm những tiếng nghẹn ngào: Tại sao? Tại sao?....Rồi hắn đứng phắt lên, trợn mắt nhìn nàng. Nàng đứng lặng câm, đôi mắt đỏ hoe nhìn xuống mặt đường. Hắn giang tay tát nàng một cái như trời giáng, làm nàng ngã quỵ.

Hắn thở hồng hộc như một con thú hồi lâu, nhìn trống vắng về phía trước. Lướt qua trong óc hắn loang loáng như một cuốn phim chạy nhanh những hình ảnh của Vân. Vân ngây thơ xinh xắn của những ngày tháng học trò, tóc mềm xõa vương vương những lá me vàng chiều nắng nhạt. Vân bé bỏng vợ hiền, nằm nép vào lòng hắn như một chú mèo ngoan. Vân mắt đỏ hoe vẫy tay chào hắn lúc chiếc xe lăn bánh lên quân trường...Tất cả những Vân của ngày xưa sao mà thương quá. Rồi cơn điên giận lắng đi. Hắn chợt bối rối, không biết phải làm gì. Sâu thẳm trong lòng hắn, nỗi đau khôn cùng, sự nuối tiếc, lòng ăn năn và thương xót trộn lẫn vào nhau, gào rú bằng những âm thanh câm lặng. Hắn quay lại phía nàng. Nàng vẫn còn nằm đó trên mặt đường giá lạnh, nghiêng người thổn thức. Tình yêu và lòng thương xót một lần nữa dâng lên làm tim hắn mềm dịu lại. Hắn nhẹ nhàng dìu nàng đứng dậy, rồi vòng tay qua ôm lấy thân hình gầy ốm. Nàng bật khóc nức nở, nép đầu vào ngực hắn.

Hai người đứng lặng, ôm chặt lấy nhau, mắt ướt đẫm thương yêu và hờn tủi. Thật lâu. Rồi Vân chợt vùng ra khỏi hắn. Nàng quẹt vội những giọt nước mắt còn hoen, nói nhanh với hắn:

- Quên em đi. Em không còn xứng đáng với anh đâu.

- Không! Hãy bình tỉnh đi em. Từ từ rồi kể cho anh nghe sau cũng được. Chủ yếu là chúng ta còn có nhau, Vân à. Chúng ta chưa mất nhau. Đó chính là điều kỳ diệu và tốt lành nhất trên đời. Em có hiểu không?

Họ lại nép vào nhau. Im lặng.

 Khoảng trời phía trên nóc những căn nhà cao tầng ở hướng đông bắt đầu hửng lên một màu xanh nhạt. Những vì sao trở nên xa tít tắp. Từ đầu đường, một chiếc xe ba gác chở đầy rau cải dần dần tiến lại. Tiếng bánh xe lăn khua lên lạch cạch thật rõ trong đêm. Rồi một đám những chiếc xe đạp thồ cũng tiếp tục nối đuôi nhau chạy qua chỗ họ, chở rau cải hàng hoá về cho phiên chợ sáng. Đêm đã qua rồi.

1994/2002
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #7 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:29:00 am »

MỘT CÂU CHUYỆN VÔ LÝ


Sự vô lý và khó hiểu, nói một cách văn hoa cường điệu hơn là “bất khả tư nghị” của câu chuyện này bắt đầu từ một buổi tiệc gặp gỡ giữa những người bạn cũ với nhau, hoặc cũng có thể bắt đầu từ một thời điểm xa hơn, xin các bạn đọc tự kết luận lấy sau khi đọc. Có một điều là nó thật sự lạ lùng. Anh bạn đã kể lại cho tôi câu chuyện này còn cho là nó thậm vô lý và kỳ cục. Nghe xong, tôi cũng đồng ý với anh ấy.


***

Bàn tiệc có năm người. Đôi vợ chồng Hương, Thiện từ Mỹ về thăm quê. Hằng, giảng viên đại học ở Đà Lạt. Tuấn, ông chủ một tiệm tạp hóa nho nhỏ ở Long Xuyên. Và tôi, một gã đàn ông bốn mươi hai tuổi chưa vợ lông bông.

Hương và Thiện đã mất mấy ngày cố gắng tìm kiếm bắt liên lạc để có cuộc hội ngộ hôm đó. Chúng tôi vừa là bạn hàng xóm, vừa là bạn học từ thời còn cởi truồng tắm mưa cho đến lúc học hết lớp mười hai. Rồi bỗng dưng tứ tán mỗi đưá một phương, hơn hai mươi năm rồi mới có dịp gặp nhau tương đối đông đủ như thế.

Thiện kể:

- Hương qua đó được ba năm thì mình qua, nhưng ở khác tiểu bang. Hơn hai năm sau, qua một số bạn bè mới biết tin, liên lạc được với nhau. Tụi mình cưới nhau năm 1989, có một con gái 12 tuổi và một con trai 10 tuổi. Mình gởi hai đứa cho ông bà nội chứ không dẫn chúng về. Tụi nhỏ sinh ra ở Mỹ bây giờ thích nói tiếng Mỹ với nhau hơn tiếng Việt. Ngay cả nói chuyện với tụi mình chúng cũng chêm nửa nạc nửa mỡ nghe muốn nổi điên. Chuyện tụi mình nói tóm là vậy. Bây giờ Hằng, Tuấn và Bình kể xem chuyện gia đình sinh sống thế nào…

Tôi xin phép được tóm tắt câu chuyện của từng người: Hằng học xong Đại học Sư phạm, ra trường về Long Khánh dạy mấy năm, sau đó quen với một giảng viên đại học ở Đà Lạt, kết hôn và chuyển lên đó sống, đã có ba con. Tuấn học trung cấp cơ khí, sau đó về làm với một ông cậu có xưởng cơ khí ở Long Xuyên, gặp và cưới một nàng thôn nữ, rồi bỏ nghề cơ khí, mở tiệm bán hàng, sống cũng tạm ổn. Tôi đi nghĩa vụ quân sự về, trôi nổi một thời gian, sau đó học sư phạm nhưng ra trường cũng bỏ nghề, giờ viết lách lăng nhăng kiếm sống.

Cuộc chuyện trò kéo dài hơn ba tiếng đồng hồ, sôi nổi, hào hứng, ai cũng tranh nhau nói, tranh nhau hỏi. Quá nhiều kỷ niệm, quá nhiều hồi ức. Và cả những điều mới mẻ đã xảy ra trong cuộc sống của mỗi đưá sau hơn hai mươi năm xa cách. Nhưng rồi không khí cũng chùng xuống, mỗi người dõi theo những dòng suy nghĩ riêng tư. Đột ngột Hương nhìn tôi hỏi:

- Tâm bây giờ ra sao?

Tôi nhìn Hương, rồi nhìn lướt qua tất cả những gương mặt thân yêu cũ. Thời gian khắc nghiệt đã in dấu lên tất cả. Thiện và Hương tuy có phần trắng trẻo, hồng hào những cũng đã thay đổi, già đi. Hằng, cô hoa khôi trung học ngày nào, giờ đã trở thành một phụ nữ trung niên héo hắt. Tuấn thì cũng giống tôi, tóc đã chớm nhiều sợi bạc, mặt xếp đầy những nếp nhăn của một thời gian khổ. Chỉ có Tâm là còn trẻ mãi. Nó đã chết khi chưa đầy hai mươi tuổi.

-Tâm chết lâu rồi Hương à. Nó ở cùng tiểu đội với mình cho đến lúc hy sinh.
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #8 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:30:23 am »


Im lặng. Những cốc rượu vang trên bàn vừa được rót đầy. Tôi dõi theo những tia sáng phản chiếu trong mấy cốc rượu. Chúng đi theo những đường di động phức tạp nào đó trong cái chất lỏng màu đỏ sóng sánh để rồi cuối cùng hắt lên gương mặt của các bạn tôi, tạo thành những vệt sẫm lạ lùng, trông như những vệt máu khô. Từ đôi mắt sâu buồn của Hương, những giọt nước mắt rưng rưng trào khỏi khóe rồi bắt đầu lăn xuống hai bên gò má, tạo thành hai dòng chảy ngoằn ngoèo, long lanh một màu đỏ nhòa nhòa.

Hồi ấy Tâm và Hương yêu nhau. Yêu ghê lắm, nhưng rất e dè kín đáo và trong sáng, không như cái cách yêu phô bày trơ tráo đậm màu xác thịt của giới trẻ ngày nay. Hồi ấy, Thiện cũng yêu Hương, đơn phương, câm lặng. Nhưng tất cả những người ngồi ở đây đều biết rõ. Vì tất cả đều quá thân thiết và gần gũi nhau trong những tháng ngày đó. Những trò chơi u, chơi đánh chỏng, tạt lon, trốn tìm… thời cấp một cấp hai. Rồi lên cấp ba, những trò chơi hồn nhiên ít dần đi, giữa mấy đưá con trai và con gái bắt đầu có những cảm xúc lạ lùng khi đối diện với nhau. Chợt thấy người bạn khác phái trở nên xa lạ, bí ẩn nhưng có một sức hút mãnh liệt làm tim đập mạnh và mặt đỏ bừng khi vô tình chạm phải thân thể của nhau. Những buổi chiều tan học, mấy đứa tôi cùng đi chầm chậm dọc theo con đường nhỏ có những hàng phượng vỹ, trò chuyện lan man về một bài toán khó, một đoạn văn hay, một bộ phim xúc động…Những bài thơ câu chữ vụng về nhưng chân thật gửi tặng cho nhau. Tình yêu giữa Tâm và Hương nảy mầm từ những điều như vậy. Khi tôi và Tâm còn ở quân trường, có lần Hương và vài người bạn đã lên thăm. Tâm kể với tôi hai đưá đã trao tặng cho nhau nụ hôn đầu ở một góc đồi râm mát. Một mối tình học trò thơ mộng và trong sáng, nhưng thật sự chẳng có gì sâu đậm. Tôi cũng từng trải qua gần một chục mối tình học trò như vậy. Tất cả đều chỉ mang đến chút buồn vui dịu nhẹ mơ hồ khi nhớ lại. Chỉ vậy mà thôi. Hồi nhỏ, tôi cũng khá thích Hằng. Nhưng lên cấp ba, tôi thấy Hằng nói nhiều quá, bình thường quen thuộc quá. Tôi chỉ thích những cô gái ít nói và có một chút gì đó hơi kiêu kỳ xa cách. Nó tạo nên sự hấp dẫn mãnh liệt ở đối tượng, và cũng tạo cho tôi một cảm giác an toàn. Hình như cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ biết yêu thật sự. Tất cả đều dừng lại ở mức độ một tình yêu trẻ con thơ mộng và nhút nhát. Cả Tâm cũng vậy. Cả Hương cũng vậy. Một tình yêu như thế không thể làm cho người ta đau khổ, nó chỉ nâng đỡ tâm hồn, gợi nhớ lại một thời tuổi trẻ ngây ngô. Và tất cả đều đã qua rồi. Qua rất lâu rồi. Giờ Tâm đã chết, Hương đã là của Thiện. Một kết thúc tương đối tốt, cho Hương, và cho Thiện.

Tôi lên tiếng, phá vỡ sự im lặng không nên có.

- Hương đừng buồn nữa. Kỷ niệm ngày xưa đẹp lắm, nhưng thực tế bây giờ mới quan trọng. Lâu nay hai vợ chồng bạn vẫn hạnh phúc với nhau phải không? Mình tin là vậy.

Thiện cầm cốc rượu lên nốc cạn, rồi nói khẽ:

- Cô ấy vẫn nhớ Tâm … cho đến bây giờ, các bạn à. Cô ấy chấp nhận đến với mình không phải vì tình yêu mà vì nhiều lý do khác. Nhưng mình hiểu Hương, tôn trọng Hương và vẫn yêu Hương… Bình nè, có cái mình không hiểu là hồi ấy, khi hai ông qua Campuchia, Hương đã gửi rất nhiều thư cho Tâm mà chẳng có một tin gì hồi đáp. Hồi đó, mình cũng hay qua Hương hỏi thăm nên biết chuyện này. Vì sao vậy? Ông có biết không? - Thiện hỏi tôi.

Tôi biết. Và tôi đã kể cho các bạn tôi nghe. Tuy nhiên, tôi không nói đến chi tiết quan trọng nhất. Tâm là một đưá trẻ mồ côi cha mẹ. Ba má nó mất trong một tai nạn giao thông. Bà ngoại nó nuôi nó từ nhỏ đến lớn. Hồi còn đi học, bạn bè ai cũng thương quý nó, vì nó nghèo mà học giỏi, lại rất hiền lành dễ mến. Tâm và tôi về cùng một tiểu đội trinh sát. Tâm chiến đấu gan lì, dũng cảm lắm. Tôi với nó đã là bạn thân từ nhỏ, sang đó lại càng thương nhau hơn cả anh em ruột. Hai đưá tôi qua K được khoảng hai tháng thì bà ngoại nó mất. Sau đó, căn nhà của bà bị một ông cậu bán đi. Ông cậu nó vốn là tay cờ bạc ăn chơi. Sau khi bán nhà ăn xài hết ông cũng bỏ đi đâu mất tích. Tâm trở thành kẻ không nhà cửa, không người thân. Nó quyết định đăng ký sĩ quan, chọn theo đời binh nghiệp. Trong một trận đánh không bao lâu sau đó, tôi và nó đều bị thương. Có điều tôi thì không sao, còn vết thương của Tâm biến nó thành một người không còn khả năng làm cha nữa.

- …Nhiều đêm Tâm nằm tâm sự với mình. Nó nói nó không nhà cửa, thân thích. Giờ lại là lính chiến, biết sống chết ngày nào. Nếu còn nguyên lành xuất ngũ về thì cuộc sống cũng rất khó khăn, làm sao lo cho Hương được. Nó nhận ra nó khó mang đến cho Hương hạnh phúc. Ngoài ra, Thiện à, Tâm biết ông rất yêu Hương. Ông lại có điều kiện chăm sóc cho Hương, có thể vượt biên như cô ấy. Vì thế, nó quyết định cắt đứt, không viết thư cho Hương nữa. Để Hương giận và quên nó, để Hương dễ dàng thuận lợi sang Mỹ với gia đình.
Logged
nguyenthanhnhan
Thành viên
*
Bài viết: 51


« Trả lời #9 vào lúc: 26 Tháng Mười Một, 2010, 12:32:23 am »


Hương nhìn tôi đau đáu. Đôi mắt to đen trong vắt ngày xưa Tâm thường hay ví là hai hồ nước mùa thu và xin tình nguyện làm người chết đuối trong đó giờ đã hơi mờ đục. Từ đôi mắt ấy niềm đau chôn giấu suốt hai mươi năm nay thoát ra thành những giọt rưng rưng.

- Tâm suy nghĩ thật kỳ. Nếu lúc đó, Tâm gửi thư về thì Hương nhất định không theo gia đình vượt biên qua Mỹ. Hương sẽ ở lại chờ Tâm. Nghèo khó thế nào Hương cũng chịu … Trong thư, Hương cũng có ghi rõ vậy mà … Bình có giữ được kỷ vật gì của Tâm không?

Tôi gật đầu. Tâm hy sinh trong trận cuối rất đột ngột. Không kịp có một lời trăng trối. Nhưng bình thường trò chuyện với nhau, nó hay nói giỡn rằng nếu nó chết trước thì tôi sẽ là người thừa kế di sản của nó, còn nếu tôi chết trước thì nó là người thừa kế của tôi. Di sản của nó là một cuốn sổ ghi chép linh tinh đủ thứ, trong đó có dán tấm ảnh của Hương chụp trong một lần lớp tổ chức đi cắm trại ở núi Bửu Long, Biên Hòa, một bọc nylon đựng tất cả thư từ của Hương, một cái bình toong sắt, một chiếc võng dù. Võng dù và bình toong tôi đã cho một đứa em trong trung đội xài. Tôi cũng chưa chắc mình có còn sống về tới nhà hay không thì giữ mấy thứ đó làm gì.

Bao nhiêu năm rồi không biết, tôi ít khi ngó lại những kỷ vật của một thời chinh chiến. Cuộc sống ngày nay có quá nhiều bận rộn, toan tính, lo âu cho tất cả mọi người. Những dĩ vãng, ký ức dường như chìm khuất, mất tăm trong vòng xoáy sôi sục của những gì đang xảy ra trước mắt hoặc sắp sửa xảy ra. Tuy nhiên, thỉnh thoảng trong những đêm say chưa tới mức, tôi nằm lăn lộn, thao thức trên căn gác lạnh giá và nhớ tới những chuyện xa xưa. Nhớ những anh em đồng đội, đã chết hay còn sống. Nhớ thời thơ ấu hồn nhiên, những buổi tắm mưa, tắm sông, những trò chơi tuổi nhỏ. Sống lại một lần nữa những quãng thời gian đẹp đẽ và trong sáng trong khoảnh khắc. Rồi chợt giật mình quay trở về thực tại. Nghe tiếng thằn lằn tắc lưỡi trên tường. Nghe gió đìu hiu thổi qua song cửa.

- Mình còn giữ một cuốn sổ của Tâm, sẽ giao lại cho Hương. Trong đó còn có một tấm ảnh của Hương hồi lớp 11 nữa. Và cả những lá thư Hương gửi sang, Tâm vẫn giữ gìn rất cẩn thận cho tới lúc hy sinh. Các bạn à, ngày mai tụi mình đến nghĩa trang liệt sĩ viếng mộ Tâm đi. Nó hy sinh tháng mười một. Bây giờ cũng gần tới ngày giỗ của nó rồi.

Chúng tôi trao đổi thêm vài câu nữa rồi chia tay nhau.

 

***

 

Vợ chồng Thiện về Mỹ được khoảng hơn một tháng có gửi email cho tôi. Rồi sau đó bặt tăm. Gần một năm sau, Thiện lại viết cho tôi, báo rằng hai vợ chồng đã ly hôn. Hương đã vào tu trong một nữ tu viện dòng kín ở Colorado từ mấy tháng rồi. Trong thư Thiện kể rằng sau khi từ Việt Nam quay về Mỹ, Hương ngày càng ít nói, ít ăn, ít ngủ, hay thẫn thờ lo ra, và không muốn tiếp tục sinh hoạt chồng vợ nữa. Được một thời gian thì đòi ly hôn để đi tu. Thiện bảo đã cố gắng năn nỉ, thuyết phục Hương mãi mà không được. Cả hai đưá con cứ khóc lóc ỉ ôi cũng chẳng làm Hương xiêu lòng. Cuối cùng đành phải chấp nhận làm theo ý cô ấy. Thiện than thở và hỏi tôi có hiểu được lý do sự việc không. Tôi suy nghĩ rất nhiều, nhưng cuối cùng cũng không hiểu đâu vào đâu cả. Xét theo lý lẽ thường tình, nếu Hương có tâm hồn mộ đạo, muốn đi tu thì đã tu từ thời thiếu nữ. Tất cả phải xuất phát từ buổi gặp hôm đó, vì cuốn sổ của Tâm. Nhưng cho dù đúng vậy thì sao? Cũng không có một lô-gíc nào trong mối dây liên hệ. Vì một mối tình học trò với một người đã chết từ hơn hai mươi năm trước? Chẳng lẽ nào! … Vì Thiện thay đổi thái độ, ghen tuông hằn học làm Hương khổ sở chăng? … Cũng không thể có. Thiện là một người đàn ông rộng lượng và hiểu biết. Vả lại, có ai đi ghen với một cuốn sổ bao giờ. Cuốn sổ của Tâm tôi đã đọc nhiều lần, cũng không có gì đặc biệt. Nó ghi chép linh tinh các thứ, về những trận đánh, về đồng đội, về nỗi nhớ Hương…Nhưng tất cả đều bình thường như bất kỳ một cuốn sổ nào của những người lính chiến. Tâm có khiếu về toán lý chứ không có khiếu văn chương, câu chữ của nó đọc nhiều lúc thấy tức cười. Những gì ghi chép trong đó không thể tác động đến Hương một cách mãnh liệt được. Tôi không biết có một chuyên gia tâm lý nào có thể lý giải được quyết định lạ kỳ đó hay không, dựa trên những tình tiết mà tôi biết. Rốt cuộc, có lẽ chính tôi là người có lỗi vì đã giao lại cuốn sổ ấy cho Hương. Tôi suy tư, dằn vặt ít lâu rồi cũng quên khuấy đi mất. Cuộc sống quả còn nhiều lạ lùng bí ẩn. Tâm lý con người quả phức tạp khôn lường. Trước đây tôi cứ tưởng là mình cũng đã sống nhiều, hiểu nhiều, giao tiếp gặp gỡ với đủ loại người, biết gần hết mọi sự đời. Sau chuyện này, tôi nhận ra rằng có những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ, những sự kiện nào đó, tuy rất bình thường, nhưng nếu xảy ra sẽ có thể đẩy một số phận con người chuyển sang một bước ngoặt lớn lao. Dù sao, tôi nghĩ, cuộc sống vẫn như một dòng chảy không ngừng xuôi về phiá trước. Những gì đã rơi lại sau lưng chỉ còn là những hồi ức thỉnh thoảng quay về, gợi chút buồn thương hay nhớ tiếc…



***

Tái bút của người thuật lại: Câu chuyện này tưởng chừng đã kết thúc ở bên trên hóa ra vẫn còn chút vĩ thanh; tưởng chừng vô lý lại hóa ra không vô lý, hoặc cũng vô lý nhưng theo một chiều kích khác. Lần gặp tôi gần đây nhất, Bình, anh bạn đã kể lại câu chuyện trên, đưa cho tôi đọc một lá email mà anh đã in ra. Tôi nghĩ tốt nhất là trích lại nguyên văn một phần quan trọng của lá thư này để các bạn cùng đọc và kết luận. (Tôi đã được sự đồng ý của tác giả lá thư, với điều kiện phải giấu tên thật của các nhân vật.)


*
Logged
Trang: 1 2 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM