Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 03:33:36 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Saburo Sakai - Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình Dương  (Đọc 54588 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 01:18:50 am »

Saburo Sakai - Những trận không chiến dữ dội nhất lịch sử Thái Bình Dương
Nguôn:
http://lichsuvn.info/forum/showthread.php?t=6564

LỜI NÓI ĐẦU


Saburo Sakai đã trở thành một huyền thoại “sống” ở Nhật Bản trong suốt thời đệ nhị thế chiến. Khắp nơi, các phi công Nhật Bản đã nói đến những chiến công không thể tưởng tượng được của Sakai với tất cả sự nể phục.

Sakai đã hưởng được một tăm tiếng khác thường mà tất cả những phi công chiến đấu hằng ôm ấp trong lòng. Giữa các phi công Nhật Bản bắn rơi trên mười phi cơ địch, Saburo Sakai là phi công duy nhất chưa bao giờ để mất một đồng đội nào, bay sát cánh với anh trong khi chiến đấu. Đó là điều đáng kinh ngạc đối với một người đã từng tham dự hơn 200 trận không chiến, và việc nầy đã giải thích tại sao sự ganh đua ráo riết nhiều khi xảy ra xung đột giữa những phi công khác để dành bay cho được ở vị trí kề cận bên anh.

Nhân viên bảo trì cho phi cơ anh tâng bốc anh không tiếc lời. Một chuyên viên cơ khí sẽ lấy làm hãnh diện khi được chỉ định săn sóc cho chiếc chiến đấu cơ Zero của Sakai. Theo lời những nhân viên dưới đất, trong suốt hơn 200 phi vụ chiến đấu, Sakai khéo léo đến nỗi chưa bao giờ phải thực hiện 2 lần đáp, chưa bao giờ để cho phi cơ lật nhào hoặc va chạm cho dù phải đáp xuống trong đêm, người mang đầy thương tích và phi cơ bị hư hại nặng nề.

Saburo Sakai nhận lãnh những vết thương trầm trọng trong trận không chiến ở Guadalcanal vào tháng 8 năm 1942. Anh đã cố gắng hết sức để đưa chiếc chiến đấu cơ què quặt trở về Rabaul, với các vết thương gây tê liệt cho cánh tay trái và chân trái, với con mắt bên mặt mù hẳn và con mắt trái chỉ thấy lờ mờ, với những mảnh kim loại ghim vào ngực và lưng, và với 2 viên đạn đại liên 12,7 mm chui vào nằm trong hộp sọ của anh. Hai vết thương sau cùng nầy là một trong những thiên anh hùng ca trên không vĩ đại nhất, một biến cố mà tôi tin rằng sẽ trở thành một huyền thoại giữa các phi công chiến đấu cơ.

Hai vết thương nầy đã quá đầy đủ để chấm dứt những ngày chiến đấu của bất cứ ai. Hãy hỏi bất kì một cựu phi công chiến đấu nào đã từng gặp những khó khăn kinh khiếp, xem họ có bao giờ lâm trận chỉ với một con mắt hay không? Nhứt là khi viên phi công một mắt đó phải quay lại chiến đấu trong một chiến đấu cơ Zero cổ lổ để chống lại những chiếc chiến đấu cơ Hellcat tối tân và siêu đẳng của Hoa Kỳ vừa đưa vào sử dụng.

Sau những tháng dài dằng dặt oằn oại đau đớn cả thể xác lẫn tinh thần, giữa lúc hy vọng trở lại với tình yêu đầu, tức không gian bao la kia, đã tắt hẳn. Một lần nữa Sakai lại bước vào trận chiến. Không chỉ lấy lại phong độ khéo léo của ngày trước, anh còn hạ thêm bốn chiến đấu cơ địch nữa nâng tổng số lên 64 phi cơ địch bị anh hạ.

Người đọc chắc hẳn sẽ ngạc nhiên khi biết được rằng Saburo Sakai chưa bao giờ nhận bất kì một loại huy chương hoặc tuyên dương công trạng nào do chính phủ của anh ban tặng. Những loại ban tặng nầy, người Nhật chưa hề biết đến. Công trạng chỉ được thừa nhận sau khi một người đã nằm xuống. Trong khi những phi công giỏi (hạ trên 10 phi cơ địch) của các quốc gia khác bao gồm cả Hoa Kỳ trên ngực họ sẽ lòe loẹt hết dãy huy chương nầy đến dãy huy chương khác và kèn trống rình rang mỗi khi được ban tặng. Sakai và những phi công đồng đội thực hiện các phi vụ chiến đấu không biết bao nhiêu lần mà họ vẫn chưa từng được nếm mùi sự thừa nhận công khai như vậy.

Lần đầu tiên câu chuyện của Saburo Sakai sẽ cung cấp cho người đọc một sự hiểu biết cặn kẻ về phía “đối phương”. Sakai tiêu biểu cho một lớp người Nhật mà chúng ta ít biết hoặc chưa từng biết đến. Đây là những Samurai (Võ Sỹ Đạo) lừng lẫy, những chiến sỹ thiện nghệ, bỏ cả một đời để phục vụ cho xứ sở họ. Thế giới của họ là một thế giới cách biệt hẳn với thế giới của chính dân tộc họ. Bây giờ, lần đầu tiên, các bạn sẽ có thể nghe được suy tư, cảm xúc và xúc động của những người đã từng chĩa “mũi dùi Nhật Bản” vào không trung ấy.

Trong lúc viết quyển sách nầy, tôi có được sự may mắn đàm luận với nhiều người bạn Hoa Kỳ trong số những người đã từng lái chiến đấu cơ tham dự mặt trận Thái Bình Dương trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Những người nầy đã nhìn các phi công chiến đấu Nhật Bản, địch thủ của họ, như là một thực thể khó hiểu. Họ không bao giờ nghĩ các phi công chiến đấu Nhật là một con người đúng nghĩa của nó, mà là một cái gì xa lạ và khác biệt đối với họ. Chẳng hạn như Sakai.

Samurai! Những kẻ đã mang trận chiến trên không ở Thái Bình Dương vào một phối cảnh mới. Các nỗ lực tuyên truyền thời chiến của Hoa Kỳ đã bóp méo hình ảnh người phi công Nhật, biến họ thành một bức hoạt kê khó chấp nhận được. Nội dung của bức hoạt kê nầy đã mô tả một kẻ xẩy chân từ trên không trung xuống với đôi mắt kèm nhèm, và hắn ta sở dĩ còn lơ lửng được là nhờ ơn trời.

Thái độ khinh thường nầy là một thái độ nguy hiểm. Saburo Sakai là một thiên tài bậc nhất trên không, không thua gì các phi công tài ba nào của bất kì quốc gia nào. Anh luôn luôn phải được xếp vào hàng những phi công vĩ đại nhứt mọi thời đại. 64 phi cơ đã rơi trước họng súng của anh. Tiếng chuông báo tử sẽ gõ nhiều hơn nữa, nếu anh không nhận lãnh những vết thương trầm trọng.

Hành vi và lòng can đảm của các phi công Hoa Kỳ được mang ra thử thách trong suốt cuộc Đệ Nhị Thế Chiến không cần đòi hỏi sự biện giải. Chúng ta (người Mỹ) cũng có sự vĩ đại và tầm thường của chúng ta. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những chiến thắng trên không của chúng ta được ghi vào tài liệu cũng chỉ dựa trên giấy tờ.

Chẳng hạn như câu chuyên phi thường của Đại úy Colin P.Kelly Jr, người đọc sẽ không tìm thấy một mảy may hứng thú nào trong câu chuyện kể của Sakai về cái chết của Kelly vào ngày 10 tháng 12 năm 1941 trong quyển sách nầy.

Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #1 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 01:19:55 am »

Theo câu chuyện về cái chết của Kelly trước đó: ông đã tấn công và đánh chìm thiết giáp hạm Haruna, ông đã tả xung hữu đột mở lối xuyên qua một nhóm chiến đấu cơ đối phương, ông đã tự sát bằng cách bổ nhào xuống một chiến hạm địch, ông đã được truy tặng huân chương Danh Dự của Quốc Hội Hoa Kỳ. Nhưng tất cả chỉ là một câu chuyện sai lầm. Tại vì sự quan sát chiến trường không chính xác hoặc tại vì nôn nóng muốn tìm cho ra một vị “anh hùng” sau trận Trân Châu Cảng của dân chúng Hoa Kỳ ?

Vào lúc mà chiếc Haruna được báo cáo bị đánh chìm, nó đang ở phía khác của Nam Hải , đảm trách nhiệm vụ yểm trợ cho mặt trận Mã Lai Á. Không có một thiết giáp hạm nào của Nhật ở quần đảo Philippine. Chiến hạm mà Kelly đã tấn công nhưng không đánh chìm, theo Sakai và các phi công Nhật bay bao che trên chiến hạm nầy là một tuần dương hạm hạng nhẹ 4000 tấn. Sau khi tấn công, Kelly rời khu vực trước khi các phi cơ Nhật phát hiện và truy đuổi. Ông không cho phi cơ bổ nhào xuống nhưng vừa trốn chạy vừa thả bom từ cao độ 22.000 bộ và sau đó bị Saburo Sakai bắn rơi gần phi trường Clark ở Philippine. Kelly được truy tặng, không phải là huân chương Danh Dự của Quốc Hội Hoa Kỳ mà là huy chương Chiến Công Bội Tinh.

Để bổ túc đầy đủ thành tích và câu chuyện của Saburo Sakai, trong vòng một năm Fred Saito đã gặp Sakai mỗi cuối tuần, để khai quật quá khứ chiến đấu của một phi công đại tài Nhật Bản, hiện nay vẫn còn sống ngay sau chiến tranh, Sakai đã sắp xếp lại tập ghi chép đồ sộ về những kinh nghiệm mà anh đã trải qua. Tập ghi chép nầy, cộng thêm hàng ngàn câu hỏi được đặt ra bởi Saito, một thông tín viên tài ba và kinh nghiệm của Associated Press đã làm sống lại câu chuyện riêng của Sakai.

Sau đó, Saito đã tìm tòi lục lọi qua hàng ngàn trang hồ sơ của Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản. Ông đã đi khắp nước Nhật, phỏng vấn nhiều sỹ quan và phi công còn sống sót, để thâu thập những câu chuyện do họ kể lại. Nhằm tạo ra tập tài liệu xác thực nầy, quân nhân mọi cấp, từ anh binh nhì thuộc nhóm chuyên viên bảo trì cho đến hàng tướng lãnh và đô đốc đều được hỏi dò. Thật ra, nhiều câu chuyên kể về các trận đánh của Sakai vẫn vấp nhiều khiếm khuyết, bở lẽ những hồ sơ chính thức của Nhật Bản hoặc Hoa Kỳ không thể dùng làm tài liệu được.

Tài liệu có giá trị đặt biệt là nhật ký chiến đấu của cựu đại tá phi công Hải Quân Masahisa Saito. Đại tá Saito, cấp chỉ huy của Sakai ở Lae, đã ghi chép tỉ mỉ các biến cố xảy ra trong suốt thời gian ông chiến đấu tại khu vực nầy. Vì đây là một quyển nhật ký cá nhân nên không phải đệ trình lên Tổng Hành Dinh Hoàng Gia, Fred Saito và tôi xem nó như là một tài liệu đơn độc có giá trị nhất của cuộc không chiến trên Thái Bình Dương.

Có một khuyết điểm vào lúc đó, là các sỹ quan hầu như không báo cáo những khó khăn vấp phải trong khu vực chỉ huy tiền tuyến của họ về tổng hành dinh hậu phương. Sự kiện đặc biệt thường xảy ra trong hệ thống chỉ huy của Hải Quân Hoàng Gia. Nhật ký cá nhân của đại tá Saito đã ghi lại đầy đủ chi tiết con số phi cơ trở về hoặc không trở về từ các phi xuất được thực hiện hầu như hàng ngày ở mặt trận New Guinea. Ông cũng ghi lại nhiều cuộc chiến thắng của phi công Hoa Kỳ với sự chứng kiến trực tiếp của ông. Đại tá Saito vẫn còn sống, và những cuộc phỏng vấn kéo dài với ông đã chứng tỏ sự giá trị của quyển sách nầy.

Trung tá phi công hải quân Tadashi Nakajima, nhân vật xuất hiện hầu như trong suốt quyển sách nầy, hiện thời là một đại tá trong tân không lực Nhật Bản. Qua nhiều cuộc tiếp xúc với đại tá Nakajima, ông đã cung cấp cho chúng tôi nhiều dữ kiện cần thiết nhất. Đồng thời giúp chúng tôi nhận được sự giúp đỡ lớn lao của trung tướng Minoru Genda, nguyên là một đại tá phi công Hải Quân và là người đã chỉ huy Sakai trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến.

Chúng tôi cũng mang ơn đại tá Masatake Okumiya hiện thời là giám đốc cơ quan tình báo kiêm tham mưu trưởng hỗn hợp Nhật Bản. Đại tá Okumiya, một trong những người cộng tác với tôi để viết 2 quyển “Zero” và “Chiến đấu cơ Zero”, đã tham dự nhiều trận không chiến hơn bất kì sỹ quan Nhật Bản nào khác, và vào năm cuối của cuộc chiến, ông đã chỉ huy công việc phòng không nội địa của Nhật Bản. Qua các cố gắng của ông, chúng tôi mới được xem qua những hồ sơ cần thiết trong các văn khố của Bộ Hải Quân Hoàng Gia trước kia.

Tôi thấy cũng cần phải nói qua thái độ của Sakai đối với đời sống hiện tại của anh, trong tư cách một phi công đại tài nhất của Nhật Bản còn sống sót. Sakai cảm thấy rằng sở dĩ anh còn sống sót trong cuộc bại trận và trong những trận không chiến từ năm 1943 trở về sau đó, chỉ là may mắn. Có nhiều phi công Nhật Bản đại tài khác như: Nishizawa, Ota, Takatsuka, Sasai v.v… những người đã chiến đấu cho đến khi các trận không chiến quá chênh lệch đã hạ gục họ.

Đây là những lời nói sau chiến tranh của Sakai: “Hồi ở trong Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản, tôi chỉ biết một đường lối duy nhứt là làm sao để điều khiển một chiếc chiến đấu cơ và làm sao để tiêu diệt cho nhiều kẻ thù của xứ sở tôi. Việc nầy tôi đã làm gần 5 năm, ở Trung Hoa và trên Thái Bình Dương. Tôi không biết đời sống nào khác. Tôi là một chiến sỹ của không trung.

Với cuộc đầu hàng, tôi bị quăng ra khỏi Hải Quân. Mặc dù người mang đầy thương tích và thời gian phục vụ khá lâu, tôi không được lãnh một món tiền trợ cấp nào cả. Chúng tôi là những kẻ trắng tay, và tiền hưu bổng hoặc trợ cấp tàn phế chỉ được dành cho những cựu chiến binh của một quốc gia chiến thắng.

Ngay cả việc ngồi trên ghế lái phi cơ tôi cũng bị nhà cầm quyền chiếm đóng cấm đoán, không cần biết đó là loại phi cơ gì. Trong 7 năm chiếm đóng dài đằng đẵng của Đồng Minh, từ năm 1945 đến 1952, tôi bị cấm nhận lãnh bất kì chức vụ công nào. Việc nầy không có gì khó hiểu tôi từng là một phi công chiến đấu.

Sự kết thúc của cuộc chiến Thái Bình Dương chỉ mở ra cho tôi một cuộc xung đột, còn tồi tệ hơn bất kì cuộc xung đột nào mà tôi đã từng gặp trong khi chiến đấu. Có nhiều kẻ thù mới và ghê gớm hơn, nghèo khổ, bệnh tật, bịnh hoạn và bao nỗi bực bội khác. Nhà cầm quyền chiếm đóng đã xây một hàng rào sừng sững quanh tôi. Hai năm của một kẻ lao động chân tay nhọc nhằn nhứt, tôi chui rúc trong các khu ổ chuột, với quần áo đầy chí rận và hiếm khi no lòng.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #2 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 01:21:32 am »

Một cú đấm chí tử: cái chết của người vợ thân yêu nhứt của tôi do bịnh hoạn gây ra. Dưới những trận mưa bom, dưới những hiểm nguy của cuộc chiến, Hatsuyo đã tồn tại. Tuy nhiên nàng không thể nào thoát khỏi tay kẻ thù mới nầy.

Cuối cùng, sau nhiều năm thiếu thốn, đói khổ tôi đã góp nhóp dành dụm tiền để mở ra một quán ăn nhỏ. Có công mài sắt… và ít tia sáng đã nhìn thấy trước mắt.

Tôi đi tìm ngay góa phụ của đề đốc Takijiro Onishi, mà tôi đã gặp nhiều tháng trước đây. Đề đốc Onishi đã mổ bụng tự sát ngay sau cuộc đầu hàng vào năm 1945. Ông không muốn sống trong lúc những người nhận tử lịnh của ông không bao giờ trở về. Bởi lẽ, cha đẻ của Thần Phong Kamikaze không ai khác hơn là Onishi.

Đối với tôi bà Onishi còn hơn là một góa phụ của một vị đề đốc, bà chính là người dì của trung úy Sasai, một người bạn thân nhất của tôi. Sasai đã bay vào cõi chết trên không phận New Guinea giữa lúc tôi còn nằm trong một bệnh viện.

Nhiều năm nay bà Onishi tàn tạ, rách rưới, lang thang xin ăn trên đường phố. Tôi xúc động khi nhìn thấy thân thể gầy gò của bà ghém trong manh áo tả tơi, nhưng tôi không biết cách nào để giúp đỡ.

Bây giờ, với một quán ăn nhỏ, tôi cố thuyết phục bà đến làm việc với tôi. Công ăn việc làm của chúng tôi sớm phát đạt. Tôi lại để ý tìm kiếm và mang về cơ sở thêm nhiều góa phụ khác, cũng như một số anh em của những người bạn thân đã từng bay với tôi và chết trận trước đây.

Cũng may, mọi việc đều biến chuyển. Hiện thời chiến tranh đã chấm dứt hơn 10 năm rồi. Cơ sở của chúng tôi càng ngày càng phát đạt và những người làm việc với tôi đã phục hồi lại nếp sống của họ.

Quả thật, những năm sau nầy là những năm đầy lạ lùng đối với tôi. Trong tư cách khách mời danh dự, tôi được lên thăm viếng một số hàng không mẫu hạm và các tàu chiến khác của Hoa Kỳ. Việc thay đổi bất ngờ từ những chiếc chiến đấu cơ Zero, Hellcat cổ lỗ sang các phản lực chiến đấu cơ tối tân khiến tôi kinh ngạc. Tôi đã gặp những người từng đối đầu với tôi trên không, ngồi bên nhau nói chuyện, và tìm thấy tình thân mật.

Nhiều lần tôi được mời cộng tác với tân không lực Nhật Bản, nhưng tôi đã từ chối. Tôi không muốn trở lại quân đội, tôi không muốn quá khứ sống lại trong tôi.

Nhưng bay, cũng giống như bơi lội, không dễ gì quên được. Tôi đã ở trên mặt đất hơn 10 năm. Tôi luôn luôn thấy như mình đang rờ mó lại tất cả những dụng cụ trên phi cơ tất cả những gì mà người phi công đã biết.

Không, tôi không bao giờ quên được nghề bay. Nếu Nhật Bản cần tôi, nếu quốc gia của chúng tôi bị đe dọa xâm lăng, tôi lại bay nữa. Nhưng tôi chân thành cầu nguyện rằng đó không phải là lý do để tôi trở về với bầu trời cao.”

SABURO SAKAI MARTIN CAIDIN

Đông Kinh, 1956 New York, 1956
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #3 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 03:53:50 pm »

Chương I


Trên hòn đảo chính Kyushu ở cực Nam Nhật Bản, thành phố Saga nhỏ bé nằm giữa lộ trình đưa đến hai trung tâm quan trọng, mà những năm gần đây đã trở thành quen thuộc đối với hàng nhiều ngàn người Mỹ. Ở Sasebo có căn cứ Hải Quân Hoa Kỳ với hầu hết hạm đội đã tham dự vào cuộc chiến Triều Tiên, và từ các phi trường ở Ashiya, chiến đấu cơ và oanh tạc cơ Mỹ cất cánh bay ngang qua eo biển nhỏ hẹp Tsushima để tấn công quân Trung Cộng và Bắc Hàn.

Các cuộc viễn chinh xuyên eo biển Tsushima không phải mới mẻ gì đối với thành phố Saga. Tổ tiên của chúng tôi đã từng có chân trong lực lượng Nhật Bản, phát xuất từ Saga, xâm chiếm Triều Tiên vào năm 1592. Hình ảnh của cuộc xung đột mới ở Triều Tiên không phải là không có trước đây. Cuộc chiến Nhật Bản – Triều Tiên thời Trung Cổ, năm 1597, đã bị đẩy vào nước bí sau khi triều đình nhà Minh tung lực lượng Trung Hoa vào phía Triều Tiên, giống như hành động của Trung Cộng ở cuộc chiến hiện đại.

Như vậy, giòng họ của tôi có một nguồn gốc binh nghiệp, và trải qua nhiều năm, tổ tiên của tôi đã trung thành phục vụ lãnh chúa Saga cho đến kỳ Trung Ương Tập Quyền vào thế kỷ XIX, tất cả lãnh chúa đều qui về tay Thiên Hoàng.

Trong thời phong kiến, dân chúng Nhật Bản chia ra làm bốn giai cấp, giòng họ tôi được hưởng đặc quyền của giai cấp cầm quyền, đó là giai cấp Samurai. Sống cách biệt hẳn với các giai cấp khác, giới Samurai kiêu hãnh không quan tâm đến các vấn đề riêng tư, họ tận tùy với công việc điều hành chính quyền địa phương, và luôn luôn chuẩn bị các biến cố đòi hỏi lòng dũng cảm chiến đấu của họ. Vị lãnh chúa sẽ đảm bảo đời sống của các Samurai, họ không cần chú ý đến gia sản hoặc lợi lộc nào khác.

Việc phế bỏ các giai cấp vào thế kỷ XIX như một cú đấm chí tử nện vào giới Samurai đầy kiêu hãnh. Chỉ một cú đấm, tất cả những đặc quyền trước đây của họ đều bay hết, và họ bắt buộc phải chuyển sang nghề buôn bán, nghề nông. Họ không thể nào thích nghi với đời sống mới.

Có lẽ vì vậy mà hầu hết Samurai trở nên nghèo khốn, cố gắng tìm miếng ăn bằng những nghề lao động ti tiện nhứt, hoặc quần quật suốt ngày trên mảnh đất nhỏ bé của họ. Đời sống của ông nội tôi không hơn gì các bạn hữu của ông. Khi rời nghiệp võ, ông được cấp cho một nông trại nhỏ. Ở đó, ông đã quần quật sống một cách thống khổ, và ở đó vào ngày 26 tháng 8 năm 1916, tôi chào đời. Ba tôi có 4 trai, 3 gái, tôi thứ ba.

Mỉa may thay, tôi lại bước trên con đường gần gũi với con đường mà ông nội tôi đã đi qua. Khi Nhật Bản đầu hàng Đồng Minh tháng 8 năm 1945, tôi là phi công dẫn đầu các phi công hạ trên 10 phi cơ địch còn sống sót của xứ sở tôi. Tôi đã chính thức đốn ngã 64 phi cơ địch trong các trận không chiến. Tuy nhiên, với sự kết thúc của chiến tranh, tôi bị sa thải khỏi Hải Quân Hoàng Gia Nhật Bản và bị cấm nhận bất kì công việc nào của chính phủ. Không một xu dính túi, không nghề không nghiệp, tôi không thể tìm được một việc làm thích hợp trong một thế giới mà tất cả đều đổ nát quanh tôi. Giống như ông nội của tôi, tôi đã sống bằng sức lao động chân tay, nhọc nhằn không kể xiết. Nhiều năm phấn đấu gay go, tôi tìm cách dành dụm đủ số tiền để mở một nhà in nhỏ và lấy đó làm sinh kế…

Công việc trồng trọt nhọc nhằn trên mảnh đất nhỏ bé của gia đình oằn xuống đôi vai của má tôi, người đã bỏ cả một đời cho 7 đứa con. Khi tôi lên 7, gánh nặng trên vai má tôi oằn thêm, vì người trở thành góa phụ. Những gì mà tôi nhớ về má tôi vào thời gian đó là hình ảnh một người đàn bà cần cù làm việc, còng lưng hết giờ nầy sang giờ trên thửa đất dưới ánh nắng mặt trời thiêu đốt, với đứa con giá nhỏ nhất đai trên lưng.

Người đàn bà ấy, không bao giờ tôi nghe hở môi than thở một lời. Bà là một trong những người can đảm nhứt mà tôi chưa từng thấy, một mẫu người Samurai, kiêu hãnh và cứng rắn, nhưng không phải là không có một trái tim biết xúc động.

Thỉnh thoảng tôi bị bọn học sinh lớn tuổi đánh đập, tôi khóc sướt mướt trở về nhà. Những giọt nước mắt của tôi không làm má tôi động lòng, người còn nhíu mày và gay gắt nói: “Con không biết xấu hổ à! Đừng quên con là con trai của một Samurai, con không được quyền khóc.”

Lúc còn theo học trường tiểu học trong làng, tôi chăm chỉ học hành và luôn đứng đầu lớp trong suốt 6 năm. Nhưng con đường học vấn xa hơn nữa của tôi quá mù mịt. Điều quan trọng là nếu muốn học cao hơn nữa, gia đình học sinh phải đài thọ tiền bạc. Dĩ nhiên, điều nầy quá khả năng đối với gia đình tôi, vì chỉ lo ăn, lo mặc cũng vẫn chưa đủ. Tuy nhiên, bất ngờ người chú bà con xa của tôi ở Đông Kinh đề nghị lo liệu hết mọi khoản phí học hành của tôi. Gia đình tôi đã chấp nhận lòng tốt nầy không một chút đắn đo. Chú tôi là một viên chức có địa vị ở Bộ Giao Thông, và đề nghị của ông: ngoài việc nuôi ăn học còn nhận tôi làm con nuôi. Chúng tôi tiếp đón dịp may nầy với lòng biết ơn.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #4 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 03:54:57 pm »

Khắp nước Nhật, lãnh địa phong kiến Saga là một trong những lãnh địa nghèo nhất. Trải qua nhiều thế hệ, giai cấp Samurai ở Saga đã sống một đời sống khắc khổ, và nổi tiếng nhờ kỷ luật bản thân nghiêm ngặt của họ. Saga là tỉnh lỵ duy nhứt xem Bushido (tức tâm niệm của giới Samurai) như là một giáo lý. Một trong những câu chánh yếu của tâm niệm nầy: “Samurai đã sống một đời sống như vậy, hắn luôn luôn chuẩn bị để chết”. Trong những năm chiến tranh, những tâm niệm Bushido đã trở thành sách giáo khoa cho tất cả học đường Nhật Bản. Chúng đã thâm nhập vào tôi, và giúp tôi rất nhiều trong đời sống lúc còn đi học, cũng như những năm chiến đấu sau nầy.
Mọi thứ ở Đông Kinh đều làm tôi ngơ ngác. Tôi chưa bao giờ biết qua một thành phố lớn nào hơn Saga, với 50.000 dân cư của nó. Sự ồn ào náo nhiệt ở thủ đô Nhật Bản khó có thể tưởng tượng nổi. Với tiếng động ầm ĩ suốt ngày, những tòa nhà vĩ đại và mọi hoạt động khác, có thể nói nơi đây là một trong những thành phố lớn nhất thế giới. Tôi cũng nhận thấy Đông Kinh vào năm 1929 là một nơi chốn ganh đua trên mọi lĩnh vực, không chỉ các học sinh đã ra trường ganh đua một cách gay go để tìm chỗ làm, nhưng ngay cả các học sinh nhỏ cũng ganh đua ráo riết để giành giựt cho được một chỗ ngồi trong mấy học đường danh tiếng.

Những tưởng những gì tôi đã đạt ở thôn quê đã là giỏi giang và dư sức có được chỗ học. Tôi nghĩ rằng sự phi thường của tôi trong tư cách là một học sinh dẫn đầu lớp trong suốt cả 6 năm ở bậc tiểu học. Nhưng ở đây, tôi không bao giờ đối đầu nổi với các học sinh cặm cụi đèn sách ngày đêm, luôn luôn rình mò để đánh bại các bạn đồng lớp của mình. Các trường trung học chọn lọc ở Đông Kinh, đều tuyển chọn những học sinh xuất sắc của các trường tiểu học. Hơn nữa cứ 30 học sinh dự tuyển chỉ chọn 1 học sinh là cùng.

Đó là điều không thể nào ngờ đối với một đứa trẻ nhà quê như tôi. Không khí náo loạn và xa lạ nầy đã khiến tôi ngơ ngác. Không hy vọng vô học trong các học đường danh tiếng, tôi đành ghi tên vô trường Aoyama Gakuin, do các nhà truyền giáo Hoa Kỳ thiết lập nhiều năm trước đó. Mặc dù trường nầy không nổi danh bằng các trường khác, nhưng nó cũng có chút ít tiếng tăm.
Đời sống của tôi trong gia đình người chú rất dễ chịu. Mặc dù chú tôi nghiêm khắc, ít chú ý đến con cái, nhưng mợ tôi và mấy đứa em bà con của tôi tỏ ra tử tế và thân mật. Trong không khí vui vẻ nầy, tôi lại bắt đầu những ngày của một học sinh trung học, với lòng đầy nhiệt thành và tham vọng. Tôi nhứt quyết phải luôn luôn đứng đầu lớp.

Không đầy một tháng sau, giấc mộng của tôi tan biến. Hy vọng dẫn đầu lớp như trước kia của tôi đã vỡ thành từng mảnh. Việc nầy hiển nhiên không chỉ do lỗi mấy ông thầy trường làng của tôi mà cũng do chính tôi nữa. Tôi nhận thấy có nhiều học sinh chưa bao giờ đứng đầu lớp hồi còn ở tiểu học lại học giỏi hơn tôi khi lên bậc trung học. Điều nầy khó tin, nhưng là sự thật. Bởi lẽ họ biết nhiều thứ mà tôi không biết cho dù tôi cố học ngày học đêm, tôi cũng không thể nào tiến bộ mau lẹ hơn họ được.

Kỳ thi đệ nhứt lục cá nguyệt chấm dứt vào tháng bảy. Hạng trung bình trong kết quả học của tôi khiến chú tôi thất vọng não nề, và gây nhiều chán nản, tôi biết sở dĩ chú tôi đài thọ tất cả tiền bạc ăn học cho tôi vì ông cảm thấy tôi là một đứa trẻ đầy hứa hẹn, có thể luôn luôn đứng đầu lớp. Sự bất mãn của ông không thể nào phủ nhận được. Do đó, thời gian nghỉ hè, tôi cắm đầu cắm cổ lo học. Trong khi các bạn đồng lớp vui chơi, tôi miệt mài đèn sách, quyết định lấp đầy khoảng trống học vấn của mình. Nhưng niên học bắt đầu vào thàng hhín đã chứng minh các nỗ lực của tôi là vô ích. Tôi không đạt được một tiến bộ nào.

Việc học hành gặp hết thất bại nầy đến thất bại khác đã làm cho tôi tuyệt vọng cùng cực. Không những các môn học của tôi chỉ đứng trung bình trong lớp, mà ngay cả những môn thể thao tôi cũng thua sút mọi người. Rõ ràng có nhiều học sinh trưởng thành nhanh nhẩu, hoạt bát hơn tôi.

Thay vì tiếp tục cố gắng để vượt qua các bạn đồng học xuất sắc trong lớp, tôi làm bạn với một số học sinh kém cõi. Tôi cầm đầu bọn nầy, và sau đó tôi bắt đầu khai chiến với các học sinh lớn tuổi. Không ngày nào tôi không tìm cách đánh nhau với họ. Hầu như mỗi đêm tôi đều về nhà với mình mẩy bầm dập. Tuy nhiên, tôi đã dấu kín những cuộc phiêu lưu nầy một cách kín đáo.
Cú đấm đầu tiên giáng xuống vào cuối niên học của tôi. Một bức thư của thầy học thông báo cho chú tôi biết tôi là một “học sinh cần phải lưu tâm”. Điều tốt nhất mà tôi có thể làm là bỏ qua những trận đấm đá không quan trọng, nhưng tôi không bỏ qua những phương cách chứng tỏ rằng tôi là một học sinh “tốt hơn” các học sinh lớn tuổi. Vì vậy, những bức thư của thầy dạy tôi tiếp tục bay về nhà nườm nượp, và cuối cùng, chú tôi được mời đến trường để nghe báo cáo trực tiếp về hành vi xấu xa của tôi.

Tôi chấm dứt niên học thứ nhì hầu như ở cuối danh sách. Như vậy, đối với chú tôi cũng đã quá nhiều rồi.

Những bài “lên lớp” của ông càng lúc càng gia tăng thịnh nộ, và bây giờ quyết định của ông là không cho tôi ở Đông Kinh nữa.

Lời nói sau cùng của chú tôi: “Saburo, chú chán rầy la cháu rồi, và chú thấy không thể làm gì khác hơn, nhưng dù sao hình như chú đã làm cho một người con đầy kiêu hãnh của giòng họ Sakai đi và con đường quấy. Cháu nên trở về Saga.” Không biết làm sao hơn. Tôi không thốt ra một lời bào chữa nào, vì những điều chú tôi nói đều đúng sự thật. Tôi nhận tất cả phần lỗi về tôi. Nhưng tôi không để lộ vẻ gì gọi là tủi hổ khi phải trở về Saga. Tôi quyết định dấu kín nỗi lo lắng, nhứt là với con gái của chú tôi, Hatsuyo, người mà tôi rất yêu mến. Tôi lên đường, như là một chuyến về thăm gia đình ở Kyushu.

Tuy nhiên, đêm đó, khi xe lửa rời nhà ga Trung Ương Đông King trực chỉ 800 dặm đến Saga, tôi không thể nào cầm được nước mắt. Tôi đã làm cho gia đình tôi thất vọng, và tôi cảm thấy sợ hãi khi phải trở về nhà.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #5 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 03:56:03 pm »

Chương II


Tôi trở về nhà như là một sự điếm nhục cho gia đình tôi cũng như cho làng nước. Gặp nhiều vấn đề rắc rối, sự nghèo đói của gia đình tôi càng lúc càng trầm trọng. Má tôi và người anh lớn cắm cúi trên thửa đất nhỏ từ bình minh cho đến hoàng hôn. Cả hai người, và ba chị gái của tôi, ăn mặc quần áo tả tơi. Mái tranh, nơi tôi đã lớn lên, tiêu điều dột nát.

Mọi người trong làng đã phấn khởi và đặt hết tin tưởng vào chuyến đi Đông Kinh của tôi, họ chờ đợi chia xẻ sự thành công của tôi. Bây giờ, mặc dù tôi làm cho họ thất vọng, nhưng không ai buông thẳng một lời trách cứ nào. Tuy nhiên trong đôi mắt họ có bóng dáng của sự xấu hổ, và họ thường quay mặt để tránh làm tôi bối rối. Bởi thái độ nầy mà tôi không dám đi lại trong làng. Tôi không thể nào chịu đựng nổi sự trách mắng lặng lẽ của họ. Mong muốn chạy trốn khỏi nơi tủi hổ nầy trở thành mong muốn mãnh liệt trong tôi.

Bấy giờ tôi nhớ lại tấm yết thị to tướng ở nhà ga Saga kêu gọi thanh niên tình nguyện gia nhập vào hải quân. Đầu quân hình như là lối thoát duy nhứt cho một kẻ sống trong tình trạng khổ sở. Má tôi, từng chịu đựng sự vắng mặt của tôi trong mấy năm, đã than khóc trước quyết định ra đi một lần nữa của tôi. Nhưng bà không còn cách nào khác để chọn.

Ngày 31 tháng 5 năm 1933, tôi đầu quân ở căn cứ hải quân Sasebo, và trở thành một thủy thủ 16 tuổi. Căn cứ nầy cách phía Đông nhà tôi 50 dặm. Tôi bắt đầu một đời sống mới của một thứ kỷ luật sắt, của một sự cứng rắn vượt xa cả những cơn ác mộng kinh hoàng nhất trong cuộc đời tôi. Và chính nhờ vào tâm niệm Bushido mà tôi đã tồn tại.

Chắc chắn rằng độc giả xứ ngoài sẽ khó tán thành thứ kỷ luật thép mà tôi phải chịu đựng trong Hải Quân. Các hạ sỹ quan không ngần ngại trong việc đánh đập tàn nhẫn tân binh mà họ thấy cần trừng phạt. Trong trường hợp tôi phạm kỷ luật hoặc lỗi lầm trong huấn luyện, đêm đến 1 hạ sỹ quan lôi đầu tôi ra khỏi giường hét lên: “Chống tay vô tường! Cúi gặp xuống, tân binh Sakai! Tôi làm việc nầy không phải oán ghét anh, nhưng vì thương anh, muốn anh trở thành một thủy thủ giỏi! Cúi xuống!”.

Và hắn vung cây gậy thật dài đập xuống mông tôi. Đau đớn khủng khiếp, và mạnh mẽ không thể tưởng. Không có cách nào khác hơn là nghiến răng để khỏi bật tiếng kêu la. Nhiều khi tôi bị đánh tới 40 gậy. Thường thường tôi ngất xỉu. Tuy nhiên hình phạt không thể bỏ qua vì lý do bất tỉnh. Viên hạ sỹ quan sẽ dội một thùng nước lạnh lên thân xác mềm nhũn của tôi, dựng tôi dậy, và tiếp tục áp dụng “kỷ luật”. Một tân binh phạm lỗi, tất cả 50 tân binh khác đều bị đánh. Do đó, mỗi tân binh đều tìm hết cách ngăn chặn đồng đội phạm lỗi. Mỗi lần bị đánh, chúng tôi không thể nằm ngửa trên giường. Hơn nữa, chúng tôi không được phép buông lời than oán, ngay cả một tiếng kêu trong đau đớn của mình. Để cho một người rên rỉ khóc than vì đau đớn hoặc tủi thân, mọi người sẽ bị đá hoặc lôi cổ ra khỏi giường để lãnh hình phạt.

Lẽ dĩ nhiên sự đối xử như vậy làm cho chúng tôi oán ghét bọn hạ sỹ quan. Bọn nầy đa số đều 30 tuổi, và hình như không được lên cấp trong suốt cuộc đời binh nghiệp của họ. Ám ảnh quan trọng nhứt của họ là tìm cách khủng bố tân binh. Chúng tôi coi hạng người nầy như những con thú bạo dâm hèn hạ nhứt. Trong vòng 6 tháng, công việc huấn luyện khắc nghiệt đã biến chúng tôi thành bầy gia súc. Chúng tôi không bao giờ dám hó hé trước các mệnh lệnh đưa ra, không dám tỏ ý nghi ngờ cấp trên. Chúng tôi không dám làm bất cứ cái gì khác hơn là thi hành lập tức mệnh lệnh của thượng cấp. Chúng tôi vâng lời như những người máy.

Công việc huấn luyện tan thành một khối lờ mờ sự tập dượt, học hỏi, và tập dượt, của những cây gậy vung lên liên hồi, của những chiếc mông êm ẩm luôn luôn, của thịt da bầm dập và mặt mày nhăn nhó khi ngồi xuống.

Khi hoàn tất khóa huấn luyện tân binh, tôi không còn là một chàng thanh niên hăng hái và đầy nhiệt tâm như lúc rời khỏi ngôi làng nhỏ bé đi học tại Đông Kinh nhiều năm trước đây. Đường học vấn thất bại, sự tủi hổ của gia đình và kỷ luật huấn luyện, tất cả hợp lại đè bẹp tôi, tánh tự tôn tự đại của tôi bị hạ sát ván. Nhưng không bao giờ, trong suốt thời gian huấn luyện cũng như sau nầy, nỗi phẫn nộ sâu xa về sự tàn ác của bọn hạ sỹ quan giảm bớt trong tôi.

Ra trường tôi được chỉ định làm thủy thủ tập sự trên thiết giáp hạm Kirishima. Tôi đã nghĩ, sau thời gian huấn luyện, sự đối xử tàn nhẫn sẽ giảm bớt đi. Nhưng không, và có thể nói tôi còn bị đối xử tệ hơn trước đây. Cách tốt nhất mà tôi phải làm: vượt khỏi số kiếp của một tên thủy thủ hèn mọn nầy. Mỗi ngày tôi không được rảnh rang tới một tiếng đồng hồ, nhưng tôi cũng đã sử dụng thời gian nầy học hỏi thêm. Mục đích của tôi là xin theo học khóa huấn luyện đặc biệt của Hải Quân. Như vậy, một anh linh tình nguyện mới có thể hoàn tất về kỹ thuật và chuyên môn, đủ điều kiện để thăng chức.

Năm 1935, tôi đậu kỳ thi tuyển vô trường huấn luyện xạ thủ hải quân. Sáu tháng sau, tôi lên cấp Thủy Thủ I, và được chỉ định nhiệm vụ trên biển trở lại, lần nầy trên thiết giáp hạm Haruna, phụ trách một trong những pháo tháp 300 ly. Nghề nghiệp ngày càng tiến, sau nhiều tháng lênh đênh trên Haruna, tôi đã trở thành sỹ quan với cấp bậc Trung Sỹ.
__________________
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #6 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 03:57:49 pm »

Chương III


Lực lượng võ trang của Nhật Bản chia ra làm hai binh chủng, Lục Quân và Hải Quân. Mỗi bộ tư lệnh đều có không lực riêng trong tay. Một không lực độc lập không được nghĩ đến trước đây hoặc ngay cả trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Nhật Bản cũng không binh chủng Thủy Quân Lục Chiến tự trị như Hoa Kỳ hoặc các cường quốc khác, tức binh chủng được huấn luyện cho các cuộc hành quân vừa trên bộ vừa dưới nước.

Vào giữa năm 1930, tất cả các phi công hải quân được huấn luyện tại trường phi công Hải Quân ở Tsuchiura, cách đông bắc Đông Kinh 50 dặm. Mỗi khóa học có 3 lớp, một lớp dành riêng cho các thiếu úy xuất thân từ Hàn Lâm Viện Hải Quân ở Eta Jima, miền Tây Nhật Bản, một lớp dành cho các hạ sỹ quan đang phục vụ, và lớp cuối cùng dành cho các thanh niên từ 13 đến 19 tuổi muốn khởi nghiệp Hải Quân của họ trong tư cách sinh viên phi công.

Sau khi Nhật Bản khai chiến toàn diện với Hoa Kỳ, hải quân phát triển mạnh mẽ các căn cứ huấn luyện phi công, và đặt căn cứ trên việc sản xuất phi công chiến đấu. Tuy nhiên, vào năm 1937, quan niệm huấn luyện phi công ồ ạt nầy không hề được đặt ra. Phi công huấn luyện gồm toàn những người được chọn lọc kỹ càng, chỉ các ứng viên xuất sắc trên toàn quốc mới hi vọng được thâu nhận. Năm 1937, năm tôi theo học, chỉ có 70 người được chọn theo học lớp phi công trong tổng số 1.500 người dự thi. Khi tôi biết có tên mình trong danh sách 70 người được thâu nhận, nỗi vui mừng của tôi không thể nào tả xiết. Việc nầy có nghĩa là tất cả những tủi hổ trên đường học vấn ở Đông Kinh của tôi được quét sạch, danh dự gia đình cũng trở lại trong tôi.

Kỹ nghỉ phép đầu tiên, tôi trở lại nhà của người chú ở Đông Kinh với tất cả sự vui vẻ. Tôi không còn là một thiếu niên cứng đầu và bực tức, đối diện với vấn đề học vấn một cách đầy sợ sệt. Tôi đã trở thành một chàng thanh niên hai mươi tuổi, đầy kiêu hãnh, bảnh bao trong bộ đồng phục phi công hải quân mới toanh, với 7 chiếc nút sáng chói, và mong muốn, mong muốn nhứt, nhận lãnh những lời khen ngợi của gia đình chú tôi.

Ánh mắt của người em họ Hatsuyo hướng về tôi đăm đăm. Cô học trò bé bỏng ngày nào đã biến mất, nhường lại cho sự chững chạc, hấp dẫn của một nữ sinh trung học 15 tuổi. Hatsuyo đã đón tiếp tôi thân mật và nồng nhiệt hơn. Tôi nói chuyện rất lâu với người chú. Ông tỏ vẻ hài lòng, tất cả niềm kiêu hãnh đã trở lại trong ông. Quá khứ thất bại của tôi không còn vướng vấp chút nào.

Chuyến viếng thăm nầy khiến tôi không quên được trong nhiều năm. Sau bữa ăn tối, chúng tôi ngồi trong phòng khách và nghe Hatsuyo dạo dương cầm. Nàng mới bắt đầu học trong vòng 3 năm trở lại. Nhưng tôi không phải là nhà phê bình âm nhạc, vì vậy tiếng đàn của nàng đối với tôi rất tuyệt diệu. Xinh tươi, thoải mái và thân ái, tất cả đã xóa sạch những ngày huấn luyện đầy gian khổ nhọc nhằn. Tuy nhiên, cuộc viếng thăm ngắn ngủi, và tôi sớm trở lại quân trường.

Căn cứ huấn luyện Tsuchiura tọa lạc bên cạnh một cái hồ rộng lớn, và tiếp cận một sân bay có 2 phi đạo, 3000m và 2500m. Nhiều nhà chứa phi cơ khổng lồ có thể chứa hàng mấy trăm phi cơ cùng lúc, và căn cứ luôn luôn hoạt động rộn rịp.

Mỗi chương trình huấn luyện mới của Hải Quân là mỗi kinh ngạc đối với tôi. Những thứ kỷ luật mà tôi đã từng trải qua so với quân trường mới đền nầy không thấm vào đâu. Kỷ luật ở căn cứ hải quân Sasebo còn dễ chịu hơn nhiều ở Tsuchiura. Ngay cả thứ kỷ luật sắt đá ở trường huấn luyện xạ thủ hải quân cũng ấu trĩ đối với trường phi công. “Ở đây, Tsuchiura, chúng tôi sẽ thấm nhuần dần dần hai đặc tính nầy cho các bạn”. Nếu không thấm nhuần được các bạn sẽ không bao giờ trở thành một phi công hải quân. Không để mất thì giờ nhằm chứng tỏ cho chúng tôi thấy sự hùm hổ ấy ra sao, hắn ta bất chợt chỉ ngay hai khóa sinh và ra lệnh cho họ vật nhau. Kẻ chiến thắng sẽ được phép rời khỏi đấu trường, kẻ thua cuộc chuẩn bị đấu với một khóa sinh khác. Thua cuộc chừng nào hắn ta phải đấu nhiều chừng nấy, hắn có thể lần lượt đấu với cả 69 khóa sinh. Và nếu thua hết, ngày mai hắn lại phải tiếp tục đấu nữa. Cái ngày mai đó, hoặc là hắn chiến thắng một người hoặc là hắn ôm gói ra khỏi khóa học.
Đối với những khóa sinh nào không muốn bị đuổi ra khỏi khóa phi công, các màn đô vật sẽ trở thành những màn tranh đua dữ dội nhất của họ. Thường thường hễ khóa sinh nào bị hạ đều bất tỉnh. Nhưng bất tỉnh không phải hy vọng được miễn trừ. Một thùng những nước lạnh hoặc nhiều cách khác để làm hắn tỉnh lại, và cuộc đấu lại tiếp diễn.

Sau một tháng huấn luyện căn bản trên mặt đất, chúng tôi bắt đầu những bài học phi hành vỡ lòng. Những bài học nầy dạy vào buổi sáng, các môn khác dồn cho buổi chiều. Sau bữa ăn chiều, chúng tôi học thêm 2 giờ nữa.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #7 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 03:58:35 pm »

Nhiều tháng trôi qua, con số khóa sinh sút giảm hẳn. Khóa huấn luyện đòi hỏi khóa sinh phải hoàn hảo mọi mặt, và khóa sinh không thể nào tránh khỏi lỗi lầm nhẹ nhàng nhứt. Trong khi các phi công hải quân được xem là thành phần ưu tú nhứt của binh chủng hải quân, của ngay cả các lực lượng võ trang Nhật Bản không có chỗ nào gọi là chỗ sai lầm dành cho họ. Trước khi giai đoạn huấn luyện 10 tháng hoàn tất, 45 trong số 70 khóa sinh bị loại khỏi trường. Thẩm quyền áp dụng kỷ luật thể xác dữ dội không đáng sợ bằng thẩm quyền loại bỏ khóa sinh, với bất kì lý do nào của các huấn luyện viên.

Vào ngày mãn khóa, một trong những khóa sinh còn bị sa thải. Một nhóm tuần tiễu nhìn thấy hắn bước vô một quán rượu bị cấm ở Tsuchiura để ăn mừng “ngày thành tài” của hắn. Khi trở về trường, hắn được lịnh trình diện hội đồng kỷ luật, và biện hộ bằng cách qùy gối trước mặt các sĩ quan cán bộ. Nhưng lời biện hộ của hắn như đàn gảy tai trâu.

Hội đồng kỷ luật tìm thấy hắn phạm 2 tội không thể tha thứ được. Tội đầu tiên, mọi phi công đều biết: một phi công chiến đấu không bao giờ, vì bất kì lý do nào, uống rượu đến say khướt trong đêm trước khi bay. Ngày hôm sau chúng tôi sẽ có một chuyến bay theo đội hình, chuyến bay nầy được xem như một phần thực tập tốt nghiệp mà chúng tôi đã trải qua. Tội thứ hai, thường tình hơn nhưng nghiêm trọng không kém, không một binh sỹ hải quân nào làm giảm giá trị binh chủng của mình bằng cách bước vô một nơi có đề bảng “cấm”.

Sự huấn nhục ở Tsuchiura có thể là trầm trọng nhứt so với các trường khác ở Nhật Bản. Một trong những môn huấn nhục hóc búa hơn hết: leo cột sắt. Cột nầy rất cao, chúng tôi phải leo lên tận ngọn và chỉ được nắm lơ lửng một tay. Khóa sinh nào bám không tới 10 phút mà để rơi xuống sẽ nhận ngay một cái đá chớp nhoáng và bị bắt leo trở lên. Cuối môn huấn luyện nầy, khóa sinh nào muốn khỏi bị loại trừ ít ra cũng phải bám lâu đến 15 hoặc 20 phút.

Tất cả các quân nhân trong binh chủng hải quân Hoàng Gia đều biết lội. Có nhiều khóa sinh người miền núi nên không biết lội như thế nào. Phương pháp huấn luyện rất đơn giản. Các khóa sinh cột dây quanh lưng rồi quăng xuống biển, một là họ lội được hai là họ chìm lỉm. Hiện thời tôi đã 39 tuổi rồi mà vết dây siết chặt vẫn còn để dấu lại trong thân thể tôi. Tôi có thể lội 50m trong vòng 34 giây. Ở trường phi công, lội khoảng cách đó dưới 30 giây là chuyện thường.

Mỗi khóa sinh buộc phải lặn sâu xuống nước 50m và duy trì ít nhất 90 giây. Một người bình thường với tất cả nỗ lực, có thể nín thở được 40 – 50 giây, nhưng thành tích nầy được xem là trung bình đối với một phi công Nhật. Riêng tôi có thể nín thở 2’30 giây dưới nước.

Chúng tôi trải qua hàng nhiều trăm buổi tập lộn nhào để làm quen với cảm giác thăng bằng, giúp một phần sau nầy khi chúng tôi cho các chiến đấu cơ lộn nhào nhiều vòng trong bất kì cách thức nào. Có lý do đặc biệt để chúng tôi chú tâm vào các buổi tập tành nầy, vì một khi thấy chúng tôi lộn nhào đã thành thuộc, các huấn luyện viên ra lịnh cho chúng tôi leo lên một cái tháp cao và lộn nhào xuống mặt đất cứng. Trong lúc rơi xuống, chúng tôi phải lộn nhào 2 – 3 vòng trong không khí và đáp xuống bằng đôi chân. Đương nhiên, nhiều lỗi lầm xảy ra với những kết quả thảm khốc.

Môn lộn nhào nầy được xem là một phần huấn luyện thân thể quan trọng, đòi hỏi chúng tôi hoặc là phải thực hành chính xác và đầy đủ những gì mà huấn luyện viên đưa ra hoặc là bị loại khỏi khóa học.

Môn đi bằng tay cũng được xem là quan trọng. Thêm vào đó là môn cắm đầu xuống đất và giữ thăng bằng thoạt đầu 5 – 10 phút, và cuối cùng khóa sinh có thể giữ thăng bằng đến 15 phút hoặc hơn nữa. Dần dần, tôi có thể giữ thăng bằng hơn 20 phút, trong thời gian nầy mấy bạn đồng khóa đốt thuốc cho tôi hút.

Đương nhiên, mấy trò xiếc nầy không chỉ có tánh cách luyện tập thân thể mà thôi, mà chúng còn giúp cho chúng tôi phát triển một cảm giác thăng bằng cả tinh thần lẫn thể xác đáng kinh ngạc, và có giá trị cứu mạng sống chúng tôi nhiều năm sau nầy.

Mỗi khóa sinh ở Tsuchiura đều phải có thị độ sắc bén, việc nầy, dĩ nhiên, là một đòi hỏi tối thiểu khi mới bước chân vô quân trường. Lúc nào chúng tôi cũng phải học nhìn, để chỉ với một cái liếc mắt chúng tôi có thể biết các mục tiêu cách bao xa. Tóm lại, chúng tôi phát triển mọi kỹ thuật giúp chúng tôi thắng thế phi công đối phương.

Một trong những môn học mà chúng tôi khoái nhứt là tìm tòi các ngôi sao vào ban ngày. Các huấn luyện viên thường nhấn mạnh rằng việc nhận diện một ngôi sao giữa ban ngày còn dễ hơn một chiếc phi cơ ở khoảng cách nhiều trăm thước. Và một phi công khám phá kẻ thù trước tiên rồi chuẩn bị vị thế tấn công thuận lợi, phi công đó có thể đánh “trăm trận trăm thắng”. Sau nhiều lần thực tập, công việc “săn sao” của chúng tôi trở nên thiện nghệ. Chúng tôi có phương pháp nhìn và định vị trí một ngôi sao đặc biệt một cách chính xác và nhanh như chớp. Các phi công chiến đấu Nhật Bản đều làm được.

Riêng cá nhân tôi không thể đánh giá quá cao điều học hỏi đặc biệt nầy, nó có vẻ không thích hợp với những hoạt động của những chiến pháp trên không, chết hoặc sống chỉ trong nháy mắt. Tôi biết như vậy trong suốt 200 trận không chiến của tôi, ngoại trừ 2 lỗi lầm nhỏ, tôi không bao giờ để vấp vào một cuộc tấn công bất thần bởi các chiến đấu cơ địch, tôi cũng không để mất một đồng đội nào bay bên cạnh bao giờ.

Những giờ rãnh rỗi trong suốt cuộc huấn luyện ở Tsuchiura, không lúc nào chúng tôi không tìm những phương pháp có thể thu ngắn thời gian phản ứng và cải tiến những cử động chính xác của chúng tôi. Khả năng tạo những cử động chính xác không thể không có được trước những dụng cụ trong buồng lái của một chiến đấu cơ.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #8 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 03:59:42 pm »

Chương IV


Hai mươi lăm khóa sinh của khóa 38 hạ sỹ quan, trong đó có tôi, tốt nghiệp vào cuối năm 1937. Tôi được chọn làm khóa sinh ưu tú trong năm để nhận một chiếc đồng hồ bằng bạc, tặng phẩm của Thiên Hoàng.

Nhóm hai mươi lăm người chúng tôi là số còn lại trong 70 khóa sinh nguyên thủy tuyển chọn trong số 1500 dự tranh trên toàn quốc. Chúng tôi đã trải qua một thời gian huấn luyện gắt gao và thông suốt. Tuy nhiên, trước khi chúng tôi nhận nhiệm vụ ở Trung Hoa, nơi chiến tranh phát động vào tháng 7 năm 1937, chúng tôi được huấn luyện bổ túc.

Mặc dù chúng tôi trải qua nhiều cuộc huấn luyện như vậy, nhiều người thuộc nhóm chúng tôi đã bị phi công địch bắn hạ, không kịp gặt hái một chiến thắng nào. Ngay cả tôi, với khả năng bay có hạng, tôi vẫn thấy cái chết trước mắt trong trận không chiến đầu tiên, nếu đối thủ của tôi tấn công mạnh thêm chút nữa. Quả thật, tôi đã quá vụng về trong trận không chiến đầu tiên nầy, không hỗ trợ nổi các phi công đồng đội. Tôi sống sót là do sự thiếu khéo léo của đối thủ.

Đối với tôi, không chiến luôn luôn là một việc làm hóc búa, một nhiệm vụ quá gay go, với sự căng thẳng không thể nào chịu đựng nổi. Ngay cả khi cuộc chiến đấu đầu tiên của tôi đã vượt qua, và ngay cả khi nhiều phi cơ địch trở thành nạn nhân của tôi, mỗi lần chấm dứt một cuộc không chiến dữ dội trên không là mình mẩy tôi ướt đẫm mồ hôi. Luôn luôn có “cơ hội” để vấp phải một sai lầm nhỏ nhặt, điều nầy có nghĩa là sẽ biến thành bó đuốc. Xuyên qua tất cả hình thức diễn tập: đảo vòng tròn, đảo thật ngắn, lộn nửa vòng, lộn nhiều vòng, xoáy hình trôn ốc, bổ chúi xuống, bay vượt lên, rơi như chiếc lá, và nhiều hình thức khác nữa, chỉ sơ hở một đường tơ kẽ tóc là đi đời ngay. Hai mươi lăm bạn đồng khóa của tôi, cuối cùng chỉ một mình tôi sống sót. Cuộc chiến trên không kéo dài và đầy gian nan, do đó những ưu thế vào những ngày đầu của chúng tôi chìm dần vào cơn ác mộng. Trong cơn ác mộng đó, chúng tôi đã vật lộn một cách vô vọng với một dòng thủy triều đối nghịch càng lúc càng cuồng bạo.

Suốt thập niên 1930, hải quân Nhật huấn luyện trung bình 100 phi công mỗi năm. Nhưng chương trình huấn luyện khắc nghiệt đã loại bỏ gần hết, để cuối cùng trong vòng 10 năm chỉ khoảng hơn 100 phi công tốt nghiệp. Nếu hải quân được dành thêm ngân khoản huấn luyện và nếu hải quân giảm bớt thái độ cố chấp trong việc chọn lựa khóa sinh, tôi tin rằng con đường chúng tôi đi trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến sẽ bớt chông gai. Chắc chắn kết quả của cuộc chiến không thể cải biến, nhưng những cú đấm chết người mà đơn vị không quân của chúng tôi nhận lãnh trong hai năm cuối cùng của cuộc chiến sẽ nhẹ bớt đi phần nào. Chỉ sau khi cuộc chiến Thái Bình Dương bắt đầu, và những phi công đầy đủ kinh nghiệm hao mòn đến mức độ nguy ngập cần phải được thay thế ồ ạt, hải quân mới từ bỏ chính sách huấn luyện vô lý của mình. Nhưng lúc đó đã quá muộn rồi. Tài năng của các phi công tốt nghiệp trong những năm chiến tranh đáng nghi ngờ. Tôi biết chắc rằng 45 bạn đồng khóa với tôi đã bị loại khỏi Tsuchiura trước đây, còn tài cán gấp mấy lần những phi công đã hoàn tất huấn luyện trong thời chiến.

Sau khi tốt nghiệp, tôi được chỉ định đến nhiều không đoàn để thực tập. Thoạt đầu tôi được gởi đến căn cứ Không Quân hải quân ở Oita và Omura ở miền Bắc Kyushu. Cả hai căn cứ nầy là nơi đáp tạm của những phi vụ từ các phi trường ở đất liền, cũng như từ các hàng không mẫu hạm. Chứng kiến tài năng lão luyện của các phi công hàng không mẫu hạm đã khiến tôi hơi xao xuyến, nhứt là những cú bổ nhào của họ, khéo léo không thể tưởng tượng. Tôi ngờ vực khả năng của mình, ngay cả nhiều năm sau.

Đáp xuống hàng không mẫu hạm đối với tôi khó khăn vô cùng. Suốt một tháng ròng rã tập luyện, tôi mới hết gặp rắc rối, nhưng sau công cuộc tập luyện nầy, tôi chưa từng cất cánh hoặc hạ cánh xuống một hàng không mẫu hạm trong lúc chiến đấu bao giờ. Tất cả những phi vụ chiến đấu của tôi đều thực hiện ở các phi trường trên đất liền.

Tiếp theo sau 3 tháng thực tập liên tục trên đất liền và hàng không mẫu hạm, tôi được lệnh thuyên chuyển đến căn cứ không quân Kaohsing trên đảo Đài Loan, bấy giờ thuộc lãnh thổ Nhật Bản. Nhịp độ của đời sống hải quân đã đổi khác. Cuộc chiến ở Trung Hoa đến hồi ác liệt, các phòng tuyến lan rộng. Thêm phi công chiến đấu cho cuộc chiến đó, ngay cả những phi công tay mơ như chúng tôi bỗng nhiên trở thành nhu cầu thúc bách.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #9 vào lúc: 23 Tháng Mười, 2010, 04:00:28 pm »

Từ Đài Loan, tôi được thuyên chuyển lên Kiukiang ở miền Đông Nam Trung Hoa, và vào tháng 5 năm 1938, tôi nếm mùi chiến đấu lần đầu tiên. Vị chỉ huy trưởng liên phi đoàn ở Kiukiang rất ghét sử dụng bọn phi công mới ra trường vào các phi vụ chánh yếu, ông ta cảm thấy sự thiếu kinh nghiệm của họ sẽ làm mất mặt bọn phi công kỳ cựu đang bay ở Trung Hoa. Do đó, tôi chỉ được cắt đặt thực hiện các phi vụ thấp kém: yểm trợ các cuộc hành quân của Lục Quân. Các phi vụ không có gì nguy hiểm, bộ binh đã đè bẹp tất cả những cuộc chống đối của địch quân trên mặt đất, còn chống đối trên không hầu như hoàn toàn không có. Nhiều tuần lễ trôi qua, chỉ lãnh các nhiệm vụ yểm trợ, tôi cảm thấy bực bội. Hăng hái, nhiệt tâm và kiêu hãnh trong tư cách một trung úy phi công hải quân, tôi quyết định thử tài với địch quân một phen. Vào ngày 21 tháng 5, tôi hớn hở khi dò thấy tên tôi nằm trong danh sách 15 phi công chiến đấu được chọn thực hiện một phi vụ tuần tiễu chính thức ở Hán Khẩu vào ngày hôm sau. Chuyến đi nầy đầy “hứa hẹn”, vì Hán Khẩu là căn cứ không quân chính của Trung Hoa Quốc Gia lúc đó.

Vào năm 1938, loại chiến đấu cơ Zero chưa được mang ra sử dụng trên các mặt trận. Chúng tôi bay loại chiến đấu cơ Mitsubishi 96, Đồng Minh đặt tên là Claude, tốc độ chậm, tầm hoạt động giới hạn, bộ phận hạ cánh cố định và buồng lái lộ thiên.

Sáng ngày 22, 15 chiến đấu cơ của chúng tôi rời khỏi Kiukiang, từng nhóm 5 chiếc trong đội hình chử V, nhìn rất ngoạn mục. Chín mươi phút bay từ phía Đông Bắc của căn cứ chúng tôi đến Hán Khẩu giống như một phi vụ huấn luyện nhàn nhã. Không có chiếc phi cơ nào của địch xuất hiện tấn công chúng tôi, cũng không có một khẩu phòng không nào thăm hỏi chúng tôi. Dường như khó thể tin rằng có một cuộc chiến đang diễn ra ác liệt ở phía dưới.

Từ 10.000 bộ trên cao, phi trường Hán Khẩu đánh lừa chúng tôi một cách tuyệt hảo. Toàn là màu cỏ thẫm xanh chiếu lấp loáng dưới ánh mặt trời buổi sớm. Căn cứ không quân quan trọng của địch quân như một sân gôn vĩ đại được chăm sóc cẩn thận. Nhưng các chiến đấu cơ địch không phải để sử dụng một cách giản dị vào môn thể thao nầy. Tôi nhìn thấy 3 chấm nhỏ lướt như bay trên cỏ. Đó là 3 chiến đấu cơ địch.

Thế rồi chúng vượt lên cùng một độ cao với chúng tôi trong chớp mắt, to lớn, đen đúa và mạnh mẽ. Không một dấu hiệu cảnh báo nào, và trước sự kinh ngạc của tôi, một trong 3 chiến đấu cơ địch tách ra khỏi đội hình và đâm thẳng vô phi cơ của tôi với một tốc độ khủng khiếp. Những gì tôi sắp xếp để đối phó với cuộc không chiến đầu tiên của tôi đều biến mất. Tôi cảm thấy các thớ thịt của tôi xoắn lại, và mặc dù tình trạng hiện nay không lấy gì làm vui vẻ, tôi lại thấy toàn thân rung lên với nỗi kích thích lẫn xúc động, khi thấy phi cơ địch đã “chọn tôi” làm mục tiêu.

Tôi hành động có vẻ đần độn trong những giây phút khủng hoảng nầy. Tuy nhiên tôi nhấn mạnh rằng các phản ứng trí não của chúng tôi ở độ cao 10.000 bộ, sau 90 phút bay không có mặt nạ dưỡng khí, không còn chính xác bằng lúc chúng tôi ở mặt đất. Không khí loãng, dưỡng khí ít đã ảnh hưởng nhiều đến trí não. Hơn nữa, buồng lái lộ thiên, tiếng động nghe đinh tai nhức óc, cũng như những luồng gió lạnh cóng thổi tạc vô kiếng che gió, và không lúc nào bỏ lơi các cần kiểm soát được. Tôi xoay đầu nhìn mọi hướng một cách lo âu để xem còn bị đối thủ nào tấn công nữa hay không, cùng lúc tay chân tôi hoạt động trên cần điều khiển, bàn đạp bẻ lái, tốc độ, và các dụng cụ khác. Tóm lại, tôi hoàn toàn rối loạn.

Những thói quen trong thời gian huấn luyện lần lượt được áp dụng. Lời dặn của tất cả các bậc đàn anh: “Luôn luôn đeo dính đuôi phi cơ cầm đầu trong đội hình chữ V của anh”. Tôi mò mẫm một tay cột những sợi dây đai của chiếc mặt nạ dưỡng khí (cung cấp dưỡng khí trong vòng hai giờ và chúng tôi chỉ sử dụng mặt nạ khi lâm trận hoặc bay ở độ cao trên 10.000 bộ), nâng tốc độ lên tối đa. Tất cả các thùng chứa xăng phụ của các phi cơ Nhật khác đều đã được thả ra. Tôi quên khuấy đều nầy. Tay tôi run run đưa ra ấn nút. Bình chứa xăng của tôi rơi xuống.

Tôi hoàn toàn bối rối. Tất cả những điều tôi làm đều vụng về, hầu như quên mất hết các qui luật không chiến căn bản. Tôi không nhìn thấy các diễn biến ở 2 bên hoặc phía sau tôi. Phi cơ địch cũng biến mất trước mắt tôi. Tôi chỉ thấy cái đuôi của chiếc phi cơ đầu nhóm. Tôi cứ đảo phi cơ tôi theo, và cuối cùng tôi bay bên cạnh phi cơ dẫn đầu. Tôi lấy lại bình tĩnh, tay chân không sờ soạng trong buồng lái một cách vụng về nữa. Hít một hơi thở thật dài, tôi liếc nhìn thật mau về bên trái. Hai chiến đấu cơ địch bóng loáng đang bay thẳng vô phi cơ của tôi. Đó là 2 chiếc E.16 do Nga Sô chế tạo, với bộ phận hạ cánh có thể rút vào thân phi cơ. Loại E.16 nhanh nhẹn hơn và bay mau hơn loại chiến đấu cơ Claude của chúng tôi nhiều.

Tôi lại ngần ngừ, tay lơ lửng trong không khí, không biết làm gì bây giờ. Thay vì đảo qua một phía hoặc vượt thẳng lên cao, tôi vẫn tiếp tục bay như trước. Nhưng bất ngờ, khi cái chết của tôi ở trước mắt, hai chiến đấu cơ địch vượt lên và bay mất. Cả đời tôi chưa hề biết đến sự may mắn nào huyền diệu hơn sự may mắn nầy.

Nhưng không có gì gọi là khó hiểu. Đoán trước tôi sẽ là “gà chết” trong trận không chiến đầu tiên nầy, người cầm đầu phi vụ chỉ định một trong những phi công kỳ cựu bay theo phía sau để bảo vệ phi cơ tôi. Khi thấy tôi lâm nguy, viên phi công nầy lách ra như chớp và chĩa mũi thẳng vào hai chiến đấu cơ địch, phá vỡ ngay ý định tấn công của chúng.

Tôi vẫn bay như đuôi mù, không biết ngay cả việc tôi đã xê dịch vị trí và đặt phi cơ của tôi cách 500m phía sau một trong những phi cơ địch. Tôi đang “mơ mộng” . Cuối cùng tôi bừng tỉnh và phóng về phía trước.

Chiếc phi cơ địch, trước mắt tôi, đã nằm trong tử điểm. Tôi ấn cò súng. Không một tiếng nổ nào nghe thấy. Tôi ấn cò súng liên hồi, miệng không ngớt nguyền rủa hai khẩu đại liên. Cuối cùng tôi mới nhận ra tôi quên mở khóa an toàn của mấy khẩu súng trước khi chạm địch.

Viên hạ sỹ quan Nhật bay bên trái thấy tôi sờ soạng một cách vụng về trong buồng lái, hắn không còn kiên nhẫn được nữa đã lướt về phía trước, và khai hỏa vào chiếc chiến đấu cơ địch đang tháo chạy. Đạn không trúng, chiếc E.16 đảo về phía phải chỉ cách tầm súng của tôi 200m. Lần nầy tôi đã sẵn sàng, tôi ấn tay vào cò súng. Những viên đạn bay ra thành hình vòng cung, nhưng hoang phí. Tôi lại để mất một cơ hội bằng vàng khác.

Nếu tôi tiến gần hơn, tôi sẽ hạ đối thủ dễ dàng. Tôi gia tăng hết tốc lực. Viên phi công địch lộn nhào nhiều vòng và rớt xoáy xuống theo hình trôn ốc, tránh thoát hết tất cả những viên đạn tôi vừa bắn ra. Sau đó, phi cơ địch cố xoay lại để nghinh chiến. Đó là một lối bay nghèo nàn đáng kinh ngạc. Hiển nhiên hắn không có dịp may. Một trong những chiếc Claude đang quần trên cao bổ chúi xuống. Viên phi công địch cố chạy thoát một lần nữa thay vì cố tiêu diệt tôi. Tuy nhiên, hắn không làm được việc nầy. Bây giờ hắn chỉ cách trước mặt tôi có 150m, và tôi rót ngay một tràng đạn vô đầu máy chiếc phi cơ. Một luồng khói túa ra ở mũi và chiếc phi cơ chúi thẳng xuống mặt đất. Cho đến khi nó biến thành mảnh vụn trong chiếc nấm khói phía dưới, tôi mới biết các khẩu đại liên của tôi không còn một viên đạn nào. Mọi phi công chiến đấu đều phải cố duy trì một số đạn cho lượt về, nhằm chống đỡ các chiến đấu cơ tuần thám của đối phương. Tôi đã bắn xả láng.

Tôi nhìn quanh một cách đầy lo âu, và tim tôi chùng xuống. Không còn một chiếc phi cơ nào khác quanh tôi. Tôi đã lạc bầy. Chiến thắng của tôi đáng buồn cười, nó đã được các đồng đội dâng lên đến miệng tôi trên một chiếc dĩa bằng bạc. Những hành động quờ quạng vừa qua đã làm tôi xấu hổ, và mắt tôi dần dần bao phủ trong màn lệ. Chắc chắn tôi đã khóc cho đến khi, đảo mắt một lần nữa, tôi nhìn thấy 14 chiếc Claude đang bay vòng tròn chầm chậm trong đội hình, kiên nhẫn chờ đợi tôi lấy lại “tinh thần” và kết hợp với họ.

Trở lại Kiukiang, tôi kiệt sức khi leo ra khỏi buồng lái. Viên chỉ huy phi vụ hùng hổ chạy lại phi cơ tôi, mặt mày đỏ gấc vì phẫn nộ: “Sakai! Mọi việc …”. Ông ta lắp bắp: “Anh là một thằng ngu, Sakai! Anh sống được cũng lạ! Cả đời tôi chưa bao giờ thấy một lối bay vụng về và buồn cười như vậy! Anh…”. Ông ta không thể nói tiếp được nữa. Tôi cúi gầm mặt, buồn rầu và hối hận. Tôi muốn ông ta đấm đá tôi cho hả cơn tức. Nhưng viên đại úy không làm như vậy, ông quay lưng và bước đi.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM