Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 26 Tháng Tư, 2024, 12:28:56 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Sông xa  (Đọc 112311 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 11:58:46 pm »

Sông Xa (Tiểu Thuyết)





Tác giả: Nhà văn Chu Lai.
Nhà xuất bản: NXB Lao động
Link nguồn:
http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237n4nmn4nnn31n343tq83a3q3m3237nvn

Đoạn mở đầu


Đã lâu lắm chúng tôi mới có dịp ngồi lại với nhau như thế này. Chúng tôi là những người lính, hay đúng hơn là năm thằng cựu chiến binh may mắn còn sống sót trong cả đội hình một trung đoàn vượt Trường Sơn năm xưa. Hòa bình được mười năm rồi, bây giờ ngồi nhìn nhau cứ thấy buồn buồn.Cuộc đời trôi nhanh quá! Cuộc chiến cũng lùi về quên lãng với tốc độ không chậm. Mới đó mà đầu tóc đã có sợi bạc, sợi đen, đã đùm đề vợ con, đã bị cái khó của đời thường làm cho đạo mạo, làm cho nói năng trễ nải đi nhiều. Đứa nào cũng đã bước qua vạch tuổi 40 rồi. Thằng làm giám đốc, thằng làm thày giáo, thằng làm ngoại giao và có cả thằng mất sức sớm, về nhà kỳ cạch ngồi sửa xe máy cho thiên hạ kiếm sống. Tất nhiên có cả thằng đến nay vẫ còn đeo đuổi binh nghiệp mà đôi quân hàm cũng rất khiên tốn nếu đem so với những gì cậu ta đã trải qua, đã cống hiến. Thế mà đã có một thời cả năm đứa chỉ làm độc một nghề, nghĩ cùng một hướng, mang trên mặt cùng một màu da sốt rét và chỉ duy nhất một niềm hy vọng mỏng manh: còn sống mà trở về.
Có lẽ khác với một số đông người khác, họ không thích nhắc lại quá khứ, không thích kể lại những tháng ngày gian khổ đã qua với một lý do nghe chừng có vẻ biện chứng: cái gì qua cho nó qua, nhớ lại làm gì, cho nhọc lòng, cuộc sống đã chẳng quá nhọc nhằn rồi sao! Đành là thế nhưng chúng tôi cứ thích tạo một thứ thành lũy cho cảm hứng hoài cổ thánh thiện của mình. Lâu lâu tụ bạn bè, chúng tôi vẫn cứ thích lôi chuyện cũ ra kể, kể chân thành, kể say sưa mà có lẽ chẳng có đề tài nào có khác khiến chúng tôi có thể đạt được độ nhiệt tâm cao như thế. Rất đơn giản: bởi lẽ chúng tôi chỉ còn lại năm người trong đội hình trai trẻ một ngàn năm trăm người; bởi lẽ, người lính không nhớ lại chuỗi ngày làm lính của mình thì còn nhớ cái gì khác nữa, và cuối cùng cũng có thể vì, bây giờ tuy mỗi đứa một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng đều ý thức rất rõ rằng: đoạn đời ở rừng cầm cây súng chắc chắn sẽ là đoạn đời đẹp nhất. Điều này được thể hiện mạnh đến nỗi, anh bạn trung đội phó công binh ngồi cạnh tôi, nay là giám đốc hay tổng giám đốc gì đó của một xí nghiệp lớn ở phía Nam, phải chân thành thốt lên:
- Chao! Giá mà được sống lại một ngày của cái thời ấy....Một cái bồng, một cái võng, một khẩu súng. Tất cả chỉ có thế, bước nhẹ tênh trong cuộc đời, chẳng bận bịu, chẳng lo toan và ngay cả cái chết cũng không làm lòng bớt thanh thản...
Tất nhiên đó là nghĩ ngợi của riêng cậu ấy nhưng dù sao, câu nói không đượm chút giả tạo đó đã dồn đuổi đầu óc tất cả chúng tôi cùng trôi ngược về phía sau, nơi thấp thoáng những cánh rừng ẩm thấp và những đồng bưng nhòe nhoẹt ánh hỏa châu kẻ thù...
- Buồn cười nhỉ! Khi oánh nhau, bọn mình có nghĩ ngợi xa xôi gì lắm đâu mà bây giờ ngồi ngẫm lại cứ bật ra đủ thứ này nọ. Thì ra người ta nói đúng: chiến tranh ít triết lý nhất nhưng chiến tranh cũng chứa đựng nhiều triết lý nhất.
Người bạn nhà giáo, vốn trước đây làm đại đội trưởng bộ binh ở một vùng rất ác liệt mào đầu với cái giọng khá khúc triết. Chúng tôi gật đầu. Nghe đâu anh bạn này gần đây có viết một vài lý luận về văn học chiến tranh sang tiếng Việt được dư luận chú ý. Trong những buổi gặp gỡ, cậu ta bao giờ cũng tìm được những câu nói thú vị để đưa đà cho một đêm tâm tình cựu chiến binh như vậy.
Và để đối lập với khẩu khí thâm trầm ấy, bao giờ cũng vẫn là giọng nói bỗ bã của Tịnh, anh bạn chữa xe máy kiêm bán rượu chui ở một thị trấn buồn tênh ngoại thành Hà Nội. Tịnh vẫn giữ được cái phong độ ngang ngang, hơi bề trên của một người tiểu đoàn trưởng hào hoa và can đảm mười lăm năm về trước, khi ấy anh là thủ trưởng của tất cả bọn chúng tôi, một thủ trưởng nghiêm khắc và khó gần. Tịnh lôi từ túi áo lông ra một chai lít đựng thứ nước đùng đục:
- Mỗi đứa uống một ly rồi hẵng triết lý các chú! Rượu chính tay tao cất đấy. Toàn nếp thôi. Nếp cũng do chính tay tao trồng. Chôn xuống chân giường hai năm nay, giờ mới moi lên để nhậu lai rai với các chiến hữu. Rót đi! Để một phút nhớ lại ba cái xị đế trước kia. Đế đắng bỏ mẹ, nhạt phèo, lại chỉ toàn uống với lá giang, lá lộc vừng khé cổ nhưng zô hết sức. Nào, nâng ly! Nâng ly mừng cho những thằng còn sống và mừng cho những thằng đã chết.
- Chết mà mừng gì anh Hai? – Tôi rụt rè đế vào.
- Xét đến cùng là mừng. Còn sống, giờ này cũng cực lắm. Chết khỏe re. Tao nghiệm ra, thằng người đã chót có một thời trần thân trận mạc rồi thì sống đời thường nó cứ thế nào ấy. Vướng víu, ngứa ngáy và nặng đầu bỏ mẹ. Các chú thấy sao?
Có lẽ ở đây không ai mếch lòng với lối xưng hô suồng sã của Tịnh, một anh bán hàng nước ở ngã tư đường, kể cả Hoàng, anh viên chức cao cấp đã đáp máy bay ra chỉ để gặp nhau tối nay. Tịnh cứ phải thế mới là Tịnh, tối nay chúng tôi dừng sống khác đi mới đúng là chúng tôi.
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Ba, 2021, 12:59:55 pm gửi bởi ptlinh » Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #1 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 12:01:20 am »

Rượu uống vào cứ như không nhưng uống đến đâu, người nóng phừng phừng đến đó tưởng như tất cả tế bào thân thể muốn giãn ra, nở bung trong sự giao cảm tột cùng với những vùng sâu thẳm nhất của thần kinh tâm lý. Chúng tôi nói đến đủ thứ chuyện, ôn lại vài kỷ niệm, dăm ba trận đánh, nhắc nhở đến mấy thằng bạn chết vì B52, vì biệt kích Mỹ phục giữa rừng; đến thời tiết khí hậu của một vùng sông, một vùng đất; đến vị đắng của mìn Klêmo, vị ngọt của măng tầm vông, của trái khổ qua nhấm nháp trong đêm chờ vượt lộ...Nói đến nhiều lắm. Có chuyện hình như đã nói rồi, hôm nay nói lại vẫn thật mới, thật bồi hồi. Người này nói nhiều, người kia nói ít, có người không nói chỉ ngồi nghe. Nói bằng đủ thứ giọng. Giọng trầm lắng có, giọng sôi nổi có, lại có cả những câu văng tục đốp chát mà nghe vẫn cứ thấy đó là câu chuyện, là tâm tư của mình. Nhà ngoại giao hôm nay nói lại mười lăm lần hút chết hôm xưa để rồi bồng bột kết luận với cái cách không giống tính cách ngoại giao chút nào: “Con người ta ở đâu cũng chịu sự an bài của số phận. Sống, chết, giàu nghèo, sướng khổ đã định sẵn khi anh sinh ra đời, có gồng lên cũng chẳng thay đổi được gì, chỉ bể đầu sứt trán. Đấy như tớ - anh nói – Ngày xưa vốn nổi tiếng là một tay trinh sát nói năng bán trời không văn tự, ai ngờ hết chiến tranh lại húc vào nghề này, mà lại húc được”. “Thì cũng như tớ - ông Tổng giám đốc hùa theo – Ngày xưa đánh giặc rát như cáy, cứ nghe mùi B52 là nước đái chảy trong quần, xểnh ra là tìm cách chuồn về phía sau, vậy mà bây giờ... có khi có số thật. Cái may, cái họa nó cứ lù lù ập đến, chả đứa nào biết trước được mà tu rèn, mà chuẩn bị. Thì cứ như cái ông Tịnh này này...” Cậu ta dừng lại. Tư duy của một nhà quản lý kinh doanh cao cấp đủ tinh nhạy để giữ cậu ta không đẩy tiếp luồng ngôn ngữ buông thả đến trót câu, mặc dù Tình đã há mồm cười thật to để đón trước câu nói bạn bè đó.
Duy chỉ có một người, tôi để ý từ đầu đến giờ chỉ cười không nói. Đó là Thắng. Thiếu tá Thắng, vừa ở tiền đồn Hà Tuyên về chiều nay, có thể nói từ đầu tóc, mặt mũi đến bộ quân phục mặc trên người còn sặc mùi biên ải gió sương. Thắng ngồi im lặng rót thêm rượu cho người này, đưa cái tăm cho người kia, rút thuốc châm lửa cho người kia nữa. Thỉnh thoảng lại xuống bếp giúp bà chủ nhà, vợ tôi, mang lên một đĩa xào, đĩa nấu gì đó. Thắng ngồi đấy, hiền hậu như một đứa em gái, lại bao dung như một bà chị cả tốt tính. Trong bất cứ cuộc rượu nhỏ, to nào; trong cái đám người thích nói, tranh nhau nói, nói không cần ai nghe hoặc buộc tất cả phải nghe, một tính cách hiền hậu, chu đáo như thế là rất cần. Chỉ có đôi mắt có vẻ ít ngủ của Thắng là hiện rõ vẻ yêu thương, quý trọng bạn bè đến ủy mị.
- Thôi, vất mẹ nói chuyện số phận đi! - Tịnh bẻ một miếng bánh đa nghe cái rắc. – Bây giờ chuyển làn sang nói về đàn bà. Đàn bà thời chiến đàng hoàng chứ không phải thứ đàn bà vớ vẩn chung chung đâu. Tớ sống ở chiến trường lâu hơn các chú, va chạm với họ nhiều hơn các chú, tớ có quyền nói rằng: Chả có cái gì khổ bằng làm một người đàn bà trong trận mạc. Khổ kinh khủng. Và sức chịu đựng cũng kinh khủng. Tớ mê họ và kính trọng họ sát đất. À...Mà cái đó cũng lại là số phận rồi còn quái gì. Hở? Tít mù nó lại vòng quanh...
Tịnh cười vang. Tiếng cười đầy sức lây lan.
- Phải chăng vì thế mà ông Tịnh dám vác hẳn một cô gái Lái Thiêu ra xứ lạnh này làm vợ mà không sợ cô ta chê nghèo, chê khổ bỏ đi. Ông này khôn! Nghĩ cái gì ra cái đó. Nếu không bị vết thương ở đầu năm 1970 làm cho cụt ngẵng đường quan lộ thì lúc này ông đâu có thèm ngồi ở đây – Nhà bình luận văn học nhận định, không giấu nổi một chút tâng bốc chân thành.
- Ở địa bàn tam giác sắt của tớ có một cô xã đội trưởng thân hình dềnh dàng như đàn ông, vào trận cũng thét lác như đàn ông, nhưng đêm mò về hầm lại úp mặt xuống võng khóc một mình. Dạo ấy...
- Cái hồi Mậu Thân, chính tay tớ chôn cất một cô du kích nằm chết giữa rừng đã lâu ngày. Cũng là cái chết nhưng xác đàn ông trông đỡ hơn, còn xác đàn bà...Thịt da vẫn trắng, tóc xõa ra vẫn đen nhánh. Tội lắm! Nhất là...
- Mình lại có kỷ niệm với một cô giao liên ở đường 14 biên giới, chẳng hiểu tại sao thỉnh thoảng lại lăn đùng ra, sùi cả bọt mép. Một lần kia...
- Còn tớ...
- Theo mình thì...
Lại tranh nhau nói...Những đoạn hồi ức được bùng nổ bất thần, đan chéo vào nhau, khi nặng nề, lúc dí dỏm, lúc đằm xuống thành im lặng. Chính trong cái khoảnh khắc im lặng đa thanh đó. Tịnh đã buộc được Thắng phải lên tiếng. Thoạt đầu Tịnh cười cười:
- Thôi chứ! Cứ cả vú lấp miệng em mãi. Cũng phải để cho thằng Thắng nó nói một câu gì chứ. Sáng mai chúng mình nghỉ, nó lại phải lặn lội lên trên đó rồi!
- Nhất trí nhưng – Nhà quản lý kinh tế nói - Tớ tin chắc thằng Thắng sẽ không bao giờ nói về thế giới đó. Hận thù truyền kiếp thì có. Mang hình ảnh cô người yêu ở nhà đi suốt các cánh rừng, khi trở về cô ta đã có con với người khác. Đàn bà... Điểm chốt là nhà. Thôi, tha cho nó.
- Không....không đến nỗi thế đâu - Thắng đột ngột lên tiếng bác bỏ với cái cười ngượng nghịu – Các anh chỉ hay nói quá! Tôi...thực ra tôi cũng có biết một người phụ nữ, một người chị... Cuộc đời chị ấy... Nhưng mà dài lắm! Tôi lại không biết cách kể...
- Không sao! Cứ nói đi! Nói đại đi! Đêm nay giành cho cậu. Cậu hoàn toàn có quyền được sử dụng phần thời gian còn lại của hội cựu chiến binh đêm nay. Mạnh dạn lên! Chú lính!
Hầu như tất cả chúng tôi đều nhất loạt lên tiếng giục Thắng như thế. Không phải vì để lấp đầy khoảng trống, cũng chẳng phải do tò mò muốn được nghe một câu chuyện lạ - còn cái gì là lạ nữa khi chúng tôi đã đi hết tuổi trẻ của mình trong chết chóc – Mà có lẽ bạn bè muốn được nghe Thắng nói, Thắng tâm sự một cái gì đấy. Giữa năm thằng, Thắng là đứa trẻ nhất và có lẽ cuộc đời cũng trắc trở, lận đận nhất, lận đận đến tận hôm nay. Chúng tôi muốn san sẻ với Thắng tất cả, muốn Thắng ngày mai lên đường có thể mang theo được chút ít hơi ấm của tình bạn chân thành đêm nay. Chúng tôi muốn được nghe Thắng nói. Và Thắng đã nói. Nói nhỏ nhẹ, nói vấp váp, thỉnh thoảng lại quên, lại ngừng, lại ho khan. Những điều Thắng nói không sáo rỗng, không một chi tiết giả trá. Thắng nói như rút ruột của mình ra phơi bày trước mặt bạn vè. Và, rất không ý thức, chúng tôi ngồi nghe mà trời sáng khi nào chẳng hay...
Hôm nay, Thắng không còn nữa, anh đã hy sinh ngay sau tháng thứ hai khi tạm biệt chúng tôi. Nhớ bạn, thương bạn, bốn đứa còn lại bảo tôi xin nghỉ phép năm mà chép lại những điều Thắng kể. Chép tỉ mỉ, đừng để sót, đừng bịa đặt, mà cũng đừng tránh né sự thật trần trụi, kẻo Thắng nó oán. Họ nhủ tôi thế. Và tôi đã cố gắng làm đúng như thế. Dưới đây là tất cả những lời của Thắng kể về người đàn bà ấy, gần như hoàn toàn nguyên văn, tôi chỉ làm cái động tác sắp xếp điều chỉnh một chút cho rõ ý, rõ nghĩa.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #2 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:25:38 pm »

Phần một


Đó là những năm tháng đen tối nhất của chiến trường miền Nam. Sau Mậu Thân, lực lượng ta còn rất mỏng, mà hầu hết lại dồn tụ lên rừng già. Dưới đồng bằng, trong vùng đô thị ta chỉ còn giữ được những nhóm lẻ tẻ để bám trụ địa bàn. Nếu trước đây ngày là của nó, đêm là của ta thì thời kỳ năm 70 này, phải đau xót thừa nhận rằng cả đêm lẫn ngày, hầu như thuộc về tầm khống chế của đối phương. Chúng khống chế, truy kích ta bằng đủ kiểu: càn rừng, B52 rải thảm, gài biết kích trên tất cả các mối đường, đánh bung hầu hết các kho dự trữ lương thực, tóm lại chỉ cần ngửi thấy mùi “Việt cộng” là chúng huy động tối đa quân số, bom đạn hủy diệt cho kỳ được. Nhưng cũng chính vì thế mà chúng bộc lộ sơ hở: ngay cạnh nách chúng vẫn có những khoảng trống bất ngờ có thể ẩn náu hoạt động được.
Đầu mùa mưa năm ấy, cùng với hàng trăm bộ phận được xé lẻ khác, tiểu đoàn của tôi được lệnh luồn sâu vào vùng địch, tìm bắt liên lạc với cơ sở địa phương để triển khai chiến đấu.
Nơi chúng tôi cần có mặt là vùng ven thị xã Bình Dương và nơi chúng tôi phải tác chiến là bất cứ điểm nào có thể gây được tiếng nổ, có thể diệt được địch.
Người ta nói với chúng tôi rằng cái vùng đất ấy dữ dằn lắm, người khôn ngoan tài giỏi đến đâu cũng may lắm là trụ được vài tháng, cùng lắm là nửa năm, rồi nếu không mất xác thì cũng mụ đầu mụ óc mà tìm đường chạy dạt về sau. Tuy vậy, cũng không đến nỗi - Họ, tức là những người vừa từ ở trong ấy luồn lách ra, nói thêm - Nếu biết cách sống thì vẫn xoay xỏa được, có khi lại còn rất tươm nữa là khác. Có điều cần nhớ: đàn ông trai tráng dưới đó mỗi ngày một hiếm, nếu tới đây có gặp những người trung kiên nhất, những người chỉ huy, những người lãnh đạo tài giỏi nhất là đàn bà thì đừng lấy làm lạ. Phải bám thật chặt vào họ, học hỏi họ, tóm lại là phải hết sức gắn bó với họ, như vậy sẽ làm ăn được. Đàn bà vùng sâu kỳ lắm! Họ như cây lau, cây sậy ở mé sông, gió dập mưa vùi đến đâu cũng không gẫy gục, chỉ lả ngọn để rồi lại vươn lên dẻo dai hơn. Nó cũng giống như ngọn đèn đêm. Đêm càng đen, đèn càng cháy sáng. Còn tôi, tôi nghe lấy lệ. Chiến tranh mà sớm khái quát, sớm triết lý quá như thế, dường như tôi thấy không ổn, nhất là một khi cái khái quát đó đang được hình thành ngoài tầm đạn nhọn M.16. Tuy vậy tôi cũng thấy lòng dạ nôn nao. Không! Chúng tôi không chỉ hoàn toàn là sợ! Thằng lính chỉ tồn tại ở hai thái cực: sự hiểm nguy sẽ làm cho nó co rúm lại, hoặc sẽ khiến cho nó gồng căng lên tiếp nhận hết. Có lẽ chúng tôi thuộc loại thứ hai, cái loại thường rơi vào tuổi trẻ, bồng bột và khát vọng được đọ sức với gian nan.
Thế là chúng tôi xuống địa bàn.
Đường hành quân kéo dài dằng dặc suốt ba mươi ngày. Ba mươi ngày… chúng tôi để lại phía sau những cánh rừng dầu sũng nước, những khóm le mảnh mai không giăng nổi một cánh võng ni lông, để lại những khúc sông đầy biệt kích và bóng dáng chiếc máy bay do thám nhập nhòa như cú vọ; để lại những con đường có mùi xác người, những bãi bom B52 bước chân lên còn nóng rẫy; và chúng tôi đã để lại bảy người anh em nằm xuống vĩnh viễn với rừng già. Ba mươi ngày… Con đường đó nếu hôm nay đi chỉ cần đạp xe mất một ngày… Cuối cùng chúng tôi cũng tới đích. Tơi tả, râu ria, đói khát, nhưng trầm tĩnh hơn. Đơn vị chỉ còn hơn một trăm đứa. Rồi cũng chẳng được ở lại với nhau lâu. Hai ngày sau, từng ấy đứa lại bị xé lẻ thành bốn, năm bộ phận; mỗi bộ phận xuống chém vè tại một xã. Tôi cùng một tổ năm người được phân xuống xã sâu nhất, điều kiện hoạt động phức tạp nhất. Người đón chúng tôi và đưa chúng tôi xuống là chị Hai Thanh.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #3 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:28:51 pm »

Chị Hai hồi đó chừng trên dưới ba mươi tuổi, so với tôi chị lớn hơn chút ít. Dáng chị cao và mảnh. Không, thực ra chị cũng chả cao gì nhưng có lẽ do thân hình mảnh mai quá nên trông cứ vượt lên. Da chị trắng xanh như hầu hết những người ở vùng giáp ranh, tóc chị thưa nhưng dài. Nếu không phải vấn cao để chui luồn cho dễ thì mái tóc ấy có thể thả dài quá lưng.
 Khuôn mặt chị nhẹ nhõm, xương xương với cái miệng cười hơi buồn buồn. Răng chị đến trắng, nhưng hình như không còn đủ, điều này chỉ khi chị cười mới thấy được. Vừng trán chị cao, đã ẩn hiện vài nếp nhăn nho nhỏ, nhất là khi chị đang mải suy nghĩ điều gì. Chị thường mặc bộ bà ba đen tự khâu lấy, vạt áo và ống quần hơi rộng. Cổ chị tròn và dài, nếu cái cổ ấy không gầy quá, chắc là đẹp lắm.
Tóm lại chị là một người phụ nữ không có gì nổi bật, nếu không muốn nói nhác trông thấy chị lần đầu có cái gì mệt mỏi và tiều tụy. Nhưng riêng đôi mắt của chị lại ngược hẳn tất cả. Mắt to, đen, lòng trắng phủ một màu xanh phớt. Nhìn ai, chị nhìn rất thẳng, cái nhìn rất chăm chú, lúc nghiêm nghị, lúc dịu dàng, có lúc lại buồn buồn vơ vẩn. Vui điều gì, trông mắt chị cứ anh ánh nước. Buồn điều gì, cũng ánh mắt ấy lại sụp tối sầm xì. Tôi có cảm giác cái nhìn của chị vừa rất già vừa rất trẻ, vừa xa lạ vừa gần vũi. Đôi mắt có sức cuốn hút kỳ lạ, vừa buộc người ta phải nể vì lại vừa thôi thúc người ta tâm sự, cởi mở đến tận những điều sâu kín nhất. Đôi mắt ấy gợi sức cuốn hút khó cưỡng lại cho cả con người chị. Mãi sau này do va vấp, từng trải nhiều tôi mới hiểu, những người đàn bà phải gánh chịu nhiều gian truân lắm mới có cái nhìn như thế. Còn lúc ấy, tôi chỉ thấy tin ở chị.
Tin một cái gì đó mình chưa hiểu thật tường tận, nhuốm một chút màu sắc siêu hình. Ở giữa nơi sự sống con người được đếm từng giờ như thế, chỉ nội một phong thái đôn hậu, trầm tĩnh của chị là đủ át đi tất cả.
Đồng chí cán bộ quân sự địa phương giới thiệu với tôi rằng: chị là tỉnh ủy viên, đảm trách các địa bàn phía trước, do thiếu cán bộ có kinh nghiệm nên chị xuống nằm hẳn ở một xã điểm để chỉ đạo trực tiếp. Nghe thế, bỗng dưng tôi nhìn chị khác hẳn đi. Người đàn bà ba mươi tuổi, chưa biết cuộc đời và bản lãnh ra sao, thỉnh thoảng gặp vẫn chỉ thấy nụ cười lặng lẽ hơi buồn buồn mà lại là một bà tỉnh ủy?... Trước con mắt của người lính, bất giác tôi cho đó là một cái gì đó phi thường. Trong khi đó chị lại không tỏ ra có cái gì khác thường cả. Không thấy chị tung ra những chỉ thị, mệnh lệnh, không thấy chị chém tay vào không khí để nói những danh từ quân sự, thuật ngữ chính trị to tát; không thấy chị đăm chiêu đi lại để vạch ra trong tư duy cách đấu tranh với kẻ thù ở địa bàn cài răng lược… không thấy gì hết.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #4 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:32:51 pm »

Chị vẫn dịu dàng như người chị, hỏi đến đời riêng, chị còn đỏ mặt e ấp như con gái dậy thì. Vì lẽ đó, con người chị bỗng dội vào tôi những tò mò khác lạ. Tôi bắt đầu quan sát chị và thầm hứa tới đây nếu có dịp, nếu không đến nỗi khó sống lắm, tôi sẽ yêu cầu chị kể cho nghe một điều gì đó về mình.
Dịp ấy đã đến.
Thông thường, cứ ban ngày bọn tôi phải chui vào hầm mật, tối mới ngoi lên tìm cách hoạt động. Một tháng hai lần, tôi và chị bám ra một cái lều che nắng ở giữa bưng để gặp giao liên nhận thư từ, chỉ thị ở trên xuống, đồng thời gửi báo cáo lên trên. Có lẽ đến bây giờ, tôi vẫn hình dung ra trước mắt cái dáng đi đêm địch hậu của chị. Không gian mênh mông, gió rất nhiều. Đồng bưng đang vào kỳ cây trái chín thơm ngào ngạt. Xa xa là những vật đen mờ mờ của ấp chiến lược. Trên trời cũng tuyệt đối im lậng, lất phất mấy hạt mưa. Thỉnh thoảng lắm mới nghe một tiếng pháo nổ cô đơn ở nơi nào không rõ. Gần trục lộ 13, tiếng trực thăng bay đêm ì ì dai dẳng, đôi lúc lại để rơi xuống vài trái pháo sáng lập lòe như ma trơi. Trời se se lạnh. Con người bị ngợp trước cái yên tĩnh xa lạ này.

 Trước tôi, chị vẫn đi mềm mại, tấm dù hoa vừa để chống lạnh, vừa để ngụy trang bị gió đánh bay tung, uốn lượn quanh đôi vai tròn con gái. Đôi bắp chân thon nhỏ của chị thi thoảng cứ sáng trắng lên theo một lằn chớp rạch ngang bầu trời. Chị đeo một cây côn ở hông, dây lưng hơi trễ xuống làm dáng đi của chị nghiêng nghiêng. Nghiêng nghiêng một dáng con gái đi trong đêm hậu địch… mỏng manh và thật lẻ loi. Ánh đèn thị xã hắt một quầng sáng nhạt lên bầu trời… Bước đi giữa bốn bề lúa má mà cứ ngỡ đang đi vào một nơi vô định. Yên tĩnh đến giá lạnh, đến ngẩn ngơ nhưng ruột gan vẫn khắc khoải không yên. Ngay bây giờ, hay lát nữa trở về, rất có thể một quả mìn bất chợt chớp lửa dưới chân.

Thế là xong! Đêm vẫn là đêm. Gió vẫn là gió. Vẫn mênh mang. Nhưng cái dáng chao nghiêng kia không còn nữa, tất cả biến thành hư vô. Rất có thể như thế và đã từng xảy ra như thế. Sống thầm mà chết cũng thầm, như không có thực. Tuy nhiên tôi thấy thương thương chị! Chiến tranh là tàn bạo, là khổ đau. Cái khổ đau này dồn lên đôi vai thằng đàn ông thấy còn khả dĩ, còn tạm chấp nhận được. Nhưng cùng cái độc địa ấy lại đổ ập xuống cái thân hình mảnh mai kia, đôi vai tròn nhỏ kia, đôi bắp chân sáng trắng cả bưng biền kia, lại thật không nỡ, thấy nhẫn tâm.

Chị vẫn đi. Cả tuổi trẻ của chị đã từng đi như thế? Chốc chốc chị lại dừng lại lắng nghe động tĩnh. Nghe tiếng động của tử thần mà tránh hay giống như tôi, chị đang đắm chìm trong cái khát khao nho nhỏ như những làn sóng tràn ngập vào lòng?
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #5 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:34:56 pm »

Dân gần lắm! Những mái nhà ấm cúng gần lắm! Bên trong cái vệt mờ mờ kia là giấc ngủ. Những gia đình, những cặp vợ chồng… Họ đang ngủ. Mùi khói bếp, mùi nhang, tiếng trẻ khóc. Nếu giờ đây giữa đồng bưng có một tiếng nổ thì sao? Tất cả những cái trên kia vẫn tồn tại, vẫn dửng dưng giữ cái nhịp sống đời thường của nó. Sau tiếng nổ ấy, nào ai hay, ai biết có một người không còn nữa. Người ấy rất quen thuộc với vùng đất này. Người ấy đã nhiều đêm không ngủ, rất nhiều đêm một mình đi móc nối, bám dân. Người ấy là… Tôi rảo chân đi sát gần chị với một ý muốn mơ hồ và ngây thơ rằng, làm như thế, cái hình hài yếu đuối kia sẽ bớt đơn chiếc hơn.

Đã tới chiếc lều con có mái che tránh nắng ở giữa đồng. Gió thổi mát rượi. Nước chảy róc rách dưới chân. Tất cả đều mờ nhòa, dàn trải ra đến tận cùng. Chao ôi! Giá giờ này có một chiếc võng mà ngả lưng ngủ một giấc, ngủ thật lâu, ngủ giữa gió, giữa muôn ngàn xao động của cây lá, giữa thiên nhiên thoáng rộng và tinh khiết, ngủ không sợ hãi, không giật mình vì nơm nớp lo ngại cái bóng tối huyền bí kia sẽ tách ra thành những hình người thù hận ngậm dao mò đến, ngủ…
Như đoán hiểu được tâm trạng tôi, chị tháo tấm dù đưa cho tôi:
- Thắng ngủ một chút đi! Tôi dòm chừng cho. Giờ này mà thằng nhỏ chưa xuống là dám có chuyện đây. Đường xá độ này tụi nó phục dữ quá!
Giọng nói của chị sao đêm nay nghe ngọt, nghe ấm đến thế. Sau này, khi đã hòa bình, mỗi lần đi đâu, làm gì, bất chợt nghe được tiếng nói con gái Nam Bộ là tôi lại xốn xang cả người, lại nhớ đến giọng nói của chị ở cái đêm vùng ven sâu thẳm ấy.
- Nhưng cũng phải chờ gần sáng chứ nhỉ? – Tôi hỏi.
- Chắc vậy.
Tôi trả lại chị tấm dù:
- Tôi không ngủ được đâu. Đêm đẹp thế này, ngủ nó phí đi.
Dưới ánh trăng hạ tuần lờ mờ, khuôn mặt chị nhìn nghiêng rất đẹp, rất thanh thoát, vừa nghiêm trang vừa tư lự. Bỗng dưng tôi thấy mình muốn làm nũng, muốn vòi vĩnh một cái gì đấy như hồi còn thơ bé, tôi gạ:
- Tôi hút thuốc nhé!
- Thèm lắm rồi phải hôn? Tội nghiệp!... Đàn ông ai cũng thế cả, chết không sợ, chỉ sợ phải nhịn thuốc, nhịn rượu. Được, hút đi! Bụm tay kín vào nghe!
- Thôi, không thèm hút nữa nhưng chị phải bù lại một cái gì kia.
- Cái gì? - Chị nhìn tôi tò mò.
- Dễ thôi! Từ giờ tới sáng còn cả một đêm, ngồi không dễ “tự tử” lắm. Chị kể một cái gì đi! Kể chuyện đời chị cho tôi nghe chẳng hạn.
- Trời đất! Có gì đâu mà kể? Thôi, ngủ đi!
- Không! Tôi muốn nghe. Biết đâu đêm mai, đêm mốt không còn được ngồi với nhau thế này nữa.
- Sao mà bi quan quá vậy?
- Bi quan gì đâu. – Tôi làm mặt giận – Đánh xong cái chi khu, nếu không chết thì cũng chuyển đi, có khi đi luôn, chứ bộ còn có dịp được nghe chị nói nữa sao?
- Nhưng mà.. kể kỳ lắm! Ai lại kể thế bao giờ. - Chị đưa tay gỡ mái tóc cho rời ra, buông xòa tới đất.
Tuy nói thế nhưng chị đã bị tôi điểm đúng chỗ yếu nhất của đàn bà, là lòng thương người. Im lặng một lát rồi chị bắt đầu nói. Cũng chưa hẳn là nói với tôi, theo yêu cầu của tôi. Có lẽ với một đêm như đêm nay, con người thường nảy sinh nhu cầu được giao hòa với thiên nhiên, qua đó soi rọi và chiêm nghiệm lại chính cuộc đời mình. “Kể chút chút thôi nghe! Kể chuyện tư riêng, chuyện gia đình nghe cho vui...”. Chị nói mà như đang tâm tình với gió.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #6 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:39:51 pm »

Lời kể của chị trong đêm thứ nhất


Tôi mồ côi cha tôi sớm lắm. Khi tôi lên mười tuổi. Ba tôi chết trong một chiều đi theo ông Tám Nghệ đánh đồn Tây ở ngã ba Là Ngà. Nhà chỉ còn lại má tôi tần tảo chạy chợ nuôi hai chị em tôi. Em tôi là thằng Riềng, kém tôi hai tuổi nhưng ngay từ hồi đó nó đã cao to hơn tôi. Sở dĩ đặt nó tên Riềng vì ba má tôi sanh ra nó ở vùng đồn điền Phú Riềng. Tính nó nóng dị thường lắm… Nhưng thôi, tôi sẽ kể về nó sau.
Má tôi không được khỏe. Những khi trái gió trở trời, bà thường phát cơn ho dễ sợ. Thương má, thương em; hồi đó thằng Riềng ngày ngày phải đi theo đám bạn lớn hơn ra sông kiếm cá, kiếm củi về bán lấy tiền đỡ má; tôi đành thôi học xin vào làm chân rửa bát trong tiệm ăn ngoài phố. Tiệm này khá sang trọng và đông khách. Hầu như người ăn kẻ ở phải làm quần quật từ sáng sớm đến tối mịt, có bận đến tận đêm khuya. Khoảng thời gian ấy, không hiểu một ngày tôi phải rửa mấy ngàn chiếc bát, đĩa nữa, chiếc nào cũng đẹp, cũng là hàng sứ Giang Tây cả. Chẳng may đánh bể một miếng, để sứt một miếng là bị mắng chửi, có khi bị trừ đi cả tháng tiền công. Cho nên nói là rửa bát đĩa nhưng đầu óc lại rất căng thẳng, những ngón tay suốt ngày nhúng vô mỡ, vô nước nóng cứ sưng phù, nứt nẻ ra. Đến tận bây giờ, thỉnh thoảng trở lạnh, những ngón tay tôi vẫn bị nhức sưng trở lại, cầm cây súng cứ dài dại như là bàn tay của người khác.

 Tuy vậy cái đó còn đỡ. Sợ nhất là cái thứ mùi dầu mỡ. Mùi lúc nào cũng ngửi thấy cái vị tanh tanh lờm lợm của nó, kể cả trong giấc ngủ. Tắm gội kỹ rồi mà vẫn thấy mỡ, thấy dầu dính nhớp nháp ở đâu đây trên thân thể trên từng chân tóc. Do đó, mang tiếng là người làm của một tiệm ăn có tiếng nhất thị xã nhưng tôi cứ gầy dần đi. Cứ ngửi thấy mùi xào nấu là mắc ói rồi còn lấy đâu mà mập. Nhưng đang độ tuổi lớn nên dù ít ăn, ít ngủ, tôi vẫn cứ lớn phổng phao. Lại được cái ông bà chủ đối xử với gia nhân không đến nỗi tồi tệ. Do đó tháng tháng tôi cũng ký cóp mang về cho má được ít tiền thuốc thang, cơm cháo. Thằng Riềng cũng đỡ vất vả hơn. Dạo này nó cao dềnh dàng, chân tay đen đúa và càng lầm lì. Tôi nói nó thử đi học tiếp lấy cái chữ đặng sau này đỡ cực, nó lắc đầu: “Em sẽ đi học nếu chị không phải đi làm cái nghề hầu hạ người ta như thế nữa!”. Tôi chạnh lòng, lén giấu nó ra góc vườn ngồi bần thần một mình.

 Nhưng tủi thì tủi vậy thôi, tôi còn biết kiếm được việc gì khác khá hơn nữa ở cái thị xã ăn tiêu vung phí và lính tráng dữ dằn từ các tiền đồn về phá phách này. Thực ra, với vốn chữ nghĩa gần hết trung học, tôi có thể kiếm một việc làm gì đó dễ chịu, sạch sẽ hơn, nhưng có một người cha như thế, công sở nào dám nhận? Lúc này tôi đã sắp mười tám tuổi. Tuổi ấy mà tôi đã nghĩ ngợi đủ chuyện như bà già. Tôi cho rằng thế là đời tôi coi như bỏ đi, phận sự còn lại, sợi dây níu kéo tôi lại với cõi đời là giúp má, giúp em. Mỗi tối trở về nhà, chân bước không vững nhưng nhìn thấy má, thấy em có chén cơm gạo trắng đưa lên miệng là tôi thấy đủ lắm rồi.

Nhưng có lẽ ông trời không cho tôi được cam phận như thế, ông trời thích làm khổ người nghèo.
Ông chủ tiệm có hai cô con gái và một cậu con trai. Hai cô đi học đâu tận Sài Gòn, lâu lâu mới tạt về qua nhà, ăn diện lộng lẫy như hai cô đào chớp bóng. Còn cậu hai tên là Quang thì ở nhà với cha mẹ. Hồi đó cậu Quang khoảng trên 20 tuổi. Học hết tú tài là cậu bỏ luôn. Thỉnh thoảng cậu mới uể oải đạp xe đến thư viện, còn ngoài ra người ta chỉ thấy cậu xoay trần ở sân banh hay đỏ mặt tía tai trong đám đánh nhau. Ỷ vào cha mẹ sẵn của cậu ta ăn chơi thục mạng. Mới từng ấy tuổi cậu đã thường xuyên uống rượu say khướt, lúc nào cũng phì phèo điếu thuốc lá trên môi, loại thuốc Bátstô rất nặng mà lính tráng ưa xài.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #7 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:41:51 pm »

Cậu ta tướng đẹp nhưng dữ dằn chứ không trắng trẻo, nhã nhặn như ông chủ. Đối với người ăn kẻ làm, cậu không thèm ngó nửa mặt cũng như cậu không bao giờ để ý đến công việc làm ăn buôn bán của cha. Dáng cậu ấy bặm trợn, lừ lừ như lúc nào cũng sắp sửa nện vỡ mặt một ai. Ông chủ ngán cậu, chả thèm nhắc nhở nhưng bà chủ lại rất cưng con. Thành ra cậu muốn gì được nấy. Tối thì mất hút xuống khu xóm cờ bạc, tối thì khoác vai mấy người lính dù ngả ngớn hát nghêu nao cùng đường, gặp ai đánh nấy! Tối thì nằm khoèo ở nhà ngốn truyện trinh thám Mỹ. Chán rồi, cậu xin mẹ một cục tiền cặp kè với bồ đi Cấp cả tuần mới về. Hồi đó, cậu ta có nhiều bồ lắm! Không hiểu các cô ấy ham tiền hay ham cái phong độ người hùng, bất cần đời của cậu? Chắc cả hai.
Tôi chỉ nhác trông thấy cậu đôi bận. Nhưng không ngờ ông con trời đánh ấy lại chú ý đến tôi.

Có một lần đang đứng lau chồng đĩa, tôi chợt cảm thấy có cái gì nhồn nhột ở sau gáy. Đoán chắc đó là tia nhìn xét nét của bà quản bếp, tôi không quay lại. Nhưng cái cảm giác nhồn nhột ấy vẫn không dứt, bất giác tôi nhìn lại và nhận ra cậu chủ. Cậu đứng ở cửa ra vào, chắn hết một nửa ánh sáng và đang nhìn tôi lom lom. Tôi giật mình, đột nhiên cảm thấy tay chân bối rối, chút xíu nữa thì để tuột mất cái đĩa. Thấy vậy, cậu cười nhẹ một tiếng rồi xây lưng bước đi, cái gáy nở nang có những chùm tóc xoăn thoáng chốc mất hút trong đám đông người. Chắc là vô công rồi nghề, chẳng biết làm gì, cậu ta đi sục sạo nhìn ngó mọi nơi cho vui mắt? Tôi nghĩ thế và cũng chẳng buồn để ý.

Lần khác, hết giờ làm việc, tôi vừa ở phòng thay đồ bước ra thì đụng ngay cậu ở cửa. “Cậu ạ!”. Tôi chào và cúi đầu toan lách người qua cậu để đi nhưng cậu ta lấy tay giữ tôi lại, mắt nhìn rất dịu:
- Khoan đã cô Hai!
- Cậu bảo gì ạ? – Tôi lại định lách người lần nữa.
- Bảo gì thì cũng phải đứng lại cái đã chớ. - Giọng cậu gằn gằn – Tôi có phải thằng cùi đâu mà cô cứ mắt trước mắt sau vậy?
- Dạ!
- Tối nay cô Hai làm gì?
- Dạ, đâu có làm gì. Về nhà sắc thuốc cho má thôi.
- Tôi sẽ đưa cô Hai về.
- Ý! Đâu có được cậu chủ.
- Được chớ, sao lại không được?
- Dạ, thôi cám ơn cậu, tôi về một mình, nhà gần mà.
Cậu ta bước đến sát trước mặt tôi, to cao lừng lững, từ vồng ngực nở nang của cậu toát ra mùi nước hoa lần mùi rượu, mùi mồ hôi, nồng nồng. Mắt cậu gườm gườm:
- Đừng có phách. Hay có thằng nào khác đưa đón rồi?
- Đâu có có cậu, tôi gầy guộc, xấu xí, làm gì có ai đưa đón. Cậu nói thế tội nghiệp...
Cậu lắc lắc cái đầu có mớ tóc xoắn bết:
- Ai bảo cô vậy? Cô đẹp lắm. Cô đẹp một cách kỳ cục, đẹp chờn vờn ma quỷ, hiểu chưa? Tôi đã nhìn cô trong những buổi trưa cô ngồi đọc sách, buổi chiều cô tha thẩn đi về nhà; tôi đã nhìn lúc cô cười và cả lúc cô buồn. Cô có một cái gì bí ẩn bên trong mà tôi không thể khám phá ra; dịu dàng, tinh khiết, có vẻ bất cần, rất đáo để, như tập trung tất cả những tính nết đàn bà trong đó. Con mắt cô nhìn mới thật lạ! Đừng! Cô đừng mỉm cười như thế. Không phải tôi nói lại những lời trong tiểu thuyết đâu. Những lần lan man nghĩ về cô, nó đã bật ra đấy. Cả cái thị xã này không có một đứa nào có mái tóc bén gót cô ráo trọi. Nhưng không phải thằng đực nào cũng nhìn ra cái đẹp của cô đâu. Nhưng... mà thôi, cô đẹp hay xấu thì kệ cô, tối nay tôi muốn đưa cô về nhà, chịu không?
- Dạ, không... không...- Tôi lắp bắp, thực sự không biết trả lời sao.
- Chịu không? - Cậu đanh giọng như ra lệnh.
Vừa may lúc đó bà quản bếp vào, chao chát:
- Chưa về hả Thanh, bộ trời còn sớm lắm hay sao mà vẫn lựng xựng ở đó? Cậu Hai! Bà gọi cậu kìa!
- Gọi gì gọi hoài vậy? Còn bà nữa, đang không vô đây làm gì - Cậu càu nhàu.
Thừa dịp, tôi xách túi đi lẹ ra cửa. Sắp tới cái khúc suối chạy qua đồng bưng rồi mà trống ngực tôi vẫn còn đập mạnh.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #8 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:44:10 pm »

Tôi có cảm giác cậu ta vẫn đi theo mình, to cao lừng lững, bước những bước rất dài, trán gồ lên. Tôi càng bước nhanh. Bóng tối đã buông rủ khắp cánh đồng. Gió mát quá mà tôi không dám dừng chân. Đến bờ suối, ngoái nhìn lại không thấy ai, tôi mới thở ra một hơi và ngồi xuống nghỉ. Khúc suối vắng vẻ, kín đáo có nhiều khóm lá chà là che kín này là nơi hàng chiều tôi thường dừng lại tắm táp thỏa thuê rồi mới thảnh thơi quay tóc đi về nhà. Nhà tôi ở cách bờ suối bên kia không xa nên khúc suối trong vắt, chảy chầm chậm này đối với tôi là khoảnh khắc vui sướng nhất trong ngày. Mọi nhọc nhằn mệt rũ sạch ở đây và bên kia, trong mái nhà lợp lá mờ mờ ấy, một chút nữa tôi sẽ được ngồi với má, với em bên ngọn lửa cháy lom đom...

Nhưng bữa nay tự nhiên tôi ngại tắm? Không phải tôi sợ cậu chủ đâu. Không! Hết sợ rồi, vả lại tính tôi cũng không hay sợ vặt như thế, nhưng có một cái gì đó cứ khiến chân tay tôi bứt rứt không yên. Những câu nói hừng hực của cậu còn vang lên cục cằn trong đầu tôi. Cậu nói tôi đẹp, cậu khen mái tóc tôi dài... Cậu muốn đưa tôi về nhà... Tất cả những cái đó đối với tôi mới lạ quá, chưa bao giờ được nghe. Cả ánh mắt dữ dội ấy nữa... Tôi cũng chưa một lần được một người con trai nào nhìn kiểu ấy bao giờ. Thế là thế nào nhỉ? Tại sao lại như vậy? Hay là... Tôi chợt nhớ lại khoảng thời gian gần đây, mỗi buổi sáng đi làm qua chợ, tôi thường hay thoáng nhận tháy có những cặp mắt đàn ông đang chăm chú nhìn mình mà lúc đó tôi cho rằng họ nhìn giễu hay nhìn thương hại dáng đi tất bật, bộ đồ quá tồi tàn của tôi.

 Hay là... bất giác, tôi ngiêng người soi mặt xuống dòng nước trong chảy lững lờ, một khuôn mặt gày gầy có đôi mắt to, sống mũi thẳng và cái miệng buồn buồn thẫn thờ nhìn ngược lên tôi. Tôi đấy ư?... Từ nhỏ tới giờ, hình như tôi mới có một đôi lần đứng trước gương, cũng là chiếc gương nhỏ xíu trong lòng tay, rồi thôi! Đến nỗi tôi quên cả mặt mình. Cho đến tận hôm nay... Tôi bỗng thấy nóng nực quá thể theo thói quen, tôi vội vàng cởi đồ dìm ngưòi xuống dòng nước mát lạnh và đưa mắt ngắm thân thể mình nửa nổi nửa chìm trong nước. Không! Tôi đâu có đến nỗi gầy guộc như chính tôi tưởng. Da tôi trắng, vai tôi tròn và ngực tôi... Vậy mà tôi vẫn nghĩ nó xẹp lép như ngày nào! Giây phút ấy, tôi bỗng thấy mình đã trở thành một cô gái hoàn toàn, bỗng thấy mình... không đến nỗi xấu xí như mình tưởng. “Đàn bà con gái cả cái thị xã này không đứa nào bén gót cô ráo trọi!”. Thiệt thế ư? Làm gì có chuyện ấy.

Tôi thoắt mắc cỡ, vội nhảy lên bờ mặc đồ vào. Không! Cho đến tận bây giờ tôi vẫn biết rằng, con người ăn chơi phá gia chi tử, coi tình nhân như trái banh ngoài bãi, lúc ấy không đọng lại trong tôi cái gì cả, thậm chí còn làm cho tôi ghê sợ và xa lánh nhưng những câu nói của hắn, cái nhìn của hắn đã phá vỡ trong tôi một vỏ bọc mà do quá nhiều đau buồn và vất vả, tôi tự làm cho nó cứ dày thêm, cứng thêm. Hắn đã giúp tôi chợt nhìn nhận lại mình. Bởi vì, dù muốn hay không, câu nói của hắn, cái nhìn của hắn cũng là của một con người khác giới.
Hôm sau tôi trở lại tiệm ăn, trong lòng hơi hồi hộp. Tôi ngại gặp con người ấy. Nhưng thật may, mấy người cùng làm đã kháo nhau: cậu chủ sáng nay lại đi cùng với một cô ca sĩ cải lương lớn tuổi, nghe đâu có con gái đã sắp lấy chồng, lên Đà Lạt rồi. Tôi thở phào nhẹ nhõm.
Logged
baokhanhnbk
Thành viên
*
Bài viết: 1089



« Trả lời #9 vào lúc: 02 Tháng Chín, 2010, 04:45:48 pm »

Nhưng dù sao, sau cái buổi chiều hôm ấy, giống như một sự tỉnh giấc, tôi bỗng chú ý đến cách ăn mặc, đi đứng của mình hơn. Tôi lén giấu má sắm một chiếc gương và một chiéc lược sừng mới (vì lâu nay hai má con tôi chỉ chải chung một chiếc lược gỗ gãy gần hết răng). Đến lúc đó tôi mới nhận thấy tóc của mình dài và mượt thật.

Mấy ngày sau, tôi ra chợ cũ mua lại được một chiếc áo bà ba không còn mới nhưng nếu về khâu chật lại một chút thì so với cái áo tôi đang mặc cũng cách nhau một trời một vực. Tôi lại mua một đôi dép mới, tức cười cho cái tâm tính con người, mới có vậy thôi mà tôi cảm thấy có cái gì không phải với má, với em, giống như đứa con gái hư hỏng chỉ lo ăn trắng mặc trơn. Độ này má tôi càng yếu. Bà gần như nằm bẹp trên giường, ho cả đêm và lúc nào chân tay cũng xâm xấp ướt. Bà hay nhìn tôi đâu đâu, rồi thở dài. Tiếng thở dài của bà nghe thương lắm buốt cả ruột gan. Tiếng thở dài của người sắp chết. Tôi biết má tôi không còn sống được bao lâu nữa.

 Ông thấy thuốc nổi tiếng ở thị xã trước đây có quen ba tôi nói riêng với tôi rằng, hai lá phổi của bà đã ruỗng gần hết... Nghe vậy tôi chỉ lén má ra sau nhà, nhét khăn vô miệng mà khóc... Trời! Tôi không dám nghĩ đến lúc má tôi vĩnh viễn không còn nữa, để lại hai chị em tôi chơ vơ trên đời này. Tôi càng ra sức thuốc thang cho má. Nghe ở đâu có ông thầy hay hoặc vị thuốc nào hiệu nghiệm, tôi đều tìm tới, má tôi thèm gì, muốn ăn gì, chị em tôi đều lo kiếm cho bằng đựơc. Mỗi lần như vậy, dường như má tôi có đỡ hơn mặc dù chỉ ngay sau đó, bệnh bình má đâu lại vào đấy. Sau này tôi mới hiểu ra, má tôi mỗi bận như thế lại xiết cứng tay vào thành giường để nén cơn ho, để giả bộ khỏe hẳn ra cho chúng tôi được vui. Đến lúc không giả bộ nổi nữa, bà bật lên cơn ho rũ rượi, ho quặn cả người, đầu tóc ướt đầm mồ hôi. Ho xong, bà mềm người ra, nằm thở dốc, nhìn chúng tôi mà nước mắt ứa dàn dụa... Chao! Suốt đời tôi không quên được con mắt hối lỗi ấy. Mỗi lần nhớ lại là cổ tôi cứ nghẹn lên... Đời má tôi sao khổ quá!

Thằng Riềng em tôi lúc này thôi không đi kiếm củi, kiếm rác nữa. Với sức vóc to cao trước tuổi, nó nhập vô làng đạp xế lô. Nó đạp khỏe, lại cần cù, lại không rượu chè, cờ bạc như những người khác, nên hàng ngày cũng mang được về lúc cân thịt, khi xâu bánh ít, lúc chùm trái cây cho má ăn lấy sức. Nhưng mấy hôm nay nó bỏ việc ngồi không ở nhà. Tôi hỏi, nó trả lời cấm cẳn:
- Mẹ nó! (Nó cũng mới bắt đầu biết chửi tục từ khi đi đạp xe). Thằng chủ xe chơi chó má. Cả ngày đạp ựa cơm, kiếm được ba trăm, nó đòi hai. Không chịu, nó cúp luôn. Điên quá, em xáng cho nó cái bạt tai rồi quẳng cả tiền lại, không thèm.
- Rồi tính sao Riềng? Má đang...
- Chính vì sợ má buồn nên đâu dám ho he. Ngày ngày phải giả đò đi làm rồi ra sân banh lang thang, tối mới dám về. Nói thiệt vvới chị Hai, nếu không vì má, thì em bỏ đi Sài Gòn làm ăn rồi. Sống ở đây sao muốn đánh lộn quá hà!
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM