Từ điển nhân vật lịch sử Thanh Hóa

<< < (8/17) > >>

copbien51:
Lê Thiếu Dĩnh (TK XV)
Danh sĩ đời Lê Thái Tổ (1428 -1433), tự là Tử Kỳ, hiệu là Tiết Trai. Tổ tiên ông người Thuần Lộc, trấn Thanh Hoa (nay thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá), sau dời về làng Mộ Trạch, huyện Đường An, trấn Hải Dương (nay thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, Hải Dương).
Khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, cha của ông là Lê Cảnh Tuân và anh trai là Lê Thái Điệp bị bắt về Trung Quốc. Ông cùng với em là Lê Thúc Hiển vào Lam Sơn theo Lê Lợi khởi nghĩa chống giặc. Kháng chiến thành công ông được bổ làm Thẩm hình viện sự, sau đó được thăng Hàn Lâm thị chế. Năm sau đi sứ nhà Minh Trung Quốc, ông bị vua Minh giữ lại một thời gian mới cho về. Nhân dịp ấy, ông đi tìm nơi cha ông cư ngụ, nhưng không được.
Vua Lê rất trọng vọng ông, nhân việc can gián vua Lê, ông bị giáng chức làm Viên ngoại lang bộ Lễ. Ít lâu sau, ông cáo quan về hưu ở quê nhà.
Ông là tác giả của bài Tiết Trai thi tập được đời truyền tụng và một số bài in trong Hoàng Việt thi tuyển và Toàn Việt thi lục. Phan Huy Chú có trích mấy bài thơ của ông vào sách mình như bài Đăng Lễ Để sơn, Sơn tự... và khen rằng thơ “Lê Thiếu Đĩnh giản dị, cổ kinh, dễ ưa... lời và ý sâu xa, nói lên được ý thú ở ngoài lời thơ”.


Tô Vĩnh Diện (1924-1953)
Là một Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của Việt Nam.
Anh  quê ở xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn, Thanh Hoá; nhập ngũ năm 1949, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Khi hy sinh anh là khẩu đội trưởng pháo phòng không, đại đội 827, tiểu đoàn 394, trung đoàn 367. Để phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ, tháng 3 năm 1953, Tô Vĩnh Diện và đồng đội kéo pháo ra đến đoạn Dốc Chuối. Lúc đó, anh và pháo thủ Ty xung phong cầm càng lái pháo. Khi dây tời chính bị đứt, pháo lao nhanh và khó điều khiển, pháo thủ Ty bị càng pháo đánh bật ra, Tô Vĩnh Diện vẫn bám lấy càng, điều khiển hướng lao của pháo, bất chấp nguy hiểm lấy thân mình đẩy càng pháo vào vách núi cho pháo dừng lại, Tô Vĩnh Diện hy sinh. Anh được trao tặng Huân chương quân công hạng nhì, Huân chương chiến công hạng nhất và được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân năm 1956

copbien51:
Trần Xuân Soạn (1849-1923)
Người tổ chức phong trào Cần vương kháng Pháp ở Thanh Hoá. Ông quê ở làng Thọ Hạc (nay là phường Đông Thọ, Tp. Thanh Hoá).
Ông sinh trong gia đình nông dân nghèo, tòng quân thay cho con một phú hào trong làng để lấy tiền nuôi gia đình. Trong thời gian đi lính, ông lập được nhiều chiến công, được thăng Đề đốc.
Sau khi Hàm Nghi lên ngôi (1885), được điều về Huế để cùng phái kháng chiến lo giữ kinh thành. Tham gia tổ chức cuộc nổi dậy ở kinh đô Huế đêm 4 rạng 5/7/1885 và đưa vua Hàm Nghi ra sơn phòng Quảng Trị. Cùng Phạm Bành, Đinh Công Tráng xây dựng cứ điểm Ba Đình (Thanh Hoá), trực tiếp chỉ huy cánh quân ở Quảng Hoá (thuộc huyện Vĩnh Lộc) để hỗ trợ các căn cứ Ba Đình và Mã Cao (Yên Định, Thanh Hoá). Cuối năm 1886, Ba Đình, Mã Cao thất thủ, ông rút quân lên Điềm Lư, châu Quan Hoá (nay là huyện Bá Thước) xây dựng lại lực lượng. Ít lâu sau, ông sang Trung Quốc gặp Tôn Thất Thuyết để bàn chuyện xin viện trợ, rồi bị mắc kẹt luôn ở đó.
Năm Qúi Hợi (1923) ông mất tại Long Châu (Trung Quốc), thọ 74 tuổi.
Khi ông kháng chiến ở Thanh Hóa, quân địch đào mồ lấy cốt thân phụ ông xếp vào ở giữa đường để thiêu hủy, cốt lung lạc để ông về đầu thú, nhưng ông vẫn bất khuất. Em ông là Trần Xuân Huấn cũng hi sinh trong cuộc kháng chiến, con trai thứ hai của ông là Trần Xuân Kháng cũng hi sinh vì nước.


Hoàng Tạo (?-1867)
Văn thần đời Nguyễn, quê ở huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Năm Nhâm Dần (1842), ông đỗ cử nhân, từng làm Tri huyện, Tri phủ, có tiếng thanh liêm, chính trực.
Đời Tự Đức (1829–1883), ông làm đến Giám sát ngự sử, ít lâu sau, sung chức Bang biện quân vụ Thái Nguyên.
Năm Giáp Tý (1867), ông làm Án sát sứ Cao Bằng, tỉnh thành có loạn, lại bị bọn Nguyễn Tứ, Trương Thập Nhị phản bội làm nội tuyến, ông bị bắt, bèn rút dao đâm cổ tự tử, chúng giựt dao giữ ông lại. tuyệt thực đến chết. Ông được thờ trong đền Trung nghĩa.

copbien51:
Tống Duy Tân (1837-1892)
Nhà yêu nước cận đại, quê xã Đông Biện, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa.
Năm Canh Ngọ 1870 đỗ cử nhân, năm 1875 đỗ tiến sĩ. Bước đầu làm tri phủ Vĩnh Tường, rồi Đô đốc học Thanh Hóa. Về sau làm Thương biện Tỉnh vụ, đổi sang Chánh sứ Sơn phòng tỉnh Thanh Hóa.
Từ năm 1885, ông hưởng ứng phong trào Cần Vương tham gia khởi nghĩa chống Pháp, trở thành thủ lĩnh kháng chiến tỉnh Thanh Hóa.
Năm Nhâm Thìn 1892, tháng 9 Âm lịch, ông rút quân về hang Nhâm Kỉ (nay thuộc xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, Thanh Hóa) được một thời gian thì bị học trò cũng là cháu ruột ông là Cao Ngọc Lễ báo cho Pháp vây bắt ông. Chúng kết án tử hình và giết ông ngày 5-10 Âm lịch năm 1892, hưởng dương 55 tuổi.
Trước ngày mất, ông có đôi câu đối:
“Nhị kim thuỷ liễu tiên sinh trái
Tự cổ do truyền bất tử danh”
Nghĩa:
“Món nọ tiên sinh nay mới trả
Cái danh bất tử trước còn truyền”.


Lê Thận (?-1448)
Danh tướng  cuộc  khởi  nghĩa  Lam Sơn, quê huyện Thụy Nguyên, Thanh Hóa.
Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi võ nghệ. Một hôm đánh lưới ở sông Lam, bắt được một thanh kiếm xưa. Chợt có Lê Lợi đến xem, trò chuyện giờ lâu, ông cảm phục tặng thanh kiếm ấy cho Lê Lợi, và sau đó theo Lê Lợi dấy quân khởi nghĩa, đánh đuổi quân cướp nước. Ông trải qua hàng trăm trận quyết chiến và có nhiều chiến công.
Sau khi đuổi được giặc Minh, ông được Lê Thái Tổ phong làm Bắc Đạo chư vệ quân sự, rồi thăng Tư không Bình chương sự. Ít lâu, lại lãnh nhiệm vụ Đô đốc đi đánh Chiêm Thành.
Sau khi mất, ông được tặng tước Huyện Thượng Hầu.
Đến đời Lê Thánh Tông (1460–1497), khoảng năm Đinh Tỵ 1497, truy tặng ông là Thái phó, tước Hoằng Quận công.

copbien51:
Thôi Hữu (Nguyễn Đắc Giới) (1919-1950)
Nhà thơ, bút danh là Thôi Hữu. Ông cũng có tên riêng là Trần Văn Tấn với bút hiệu Tân Sắc, quê huyện Hoằng Hoá, Thanh Hóa.
Ông học tại trường Kỹ nghệ thực hành Huế. Từ năm 1939, ông bắt đầu sáng tác văn chương, có thơ đăng ở báo Bạn Đường (Thanh Hóa). Giác ngộ cách mạng ông bỏ học từ năm 1940 làm nghề thợ điện, tích cực hoạt động trong đoàn Thanh niên Dân chủ. Năm 1943 tham gia các tổ chức bí mật hoạt động ở Hà Nội, năm sau ông bị bắt, rồi vượt ngục, tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc.
Sau Cách mạng tháng Tám ông cộng tác các báo Sự Thật, Thủ Đô của Liên khu I, Vệ Quốc quân của Quân đội Nhân dân.
Ngày 16-12-1950 ông hi sinh trên đường đi công tác trong vụ oanh tạc của máy bay Pháp, hưởng dương 31 tuổi.
Thơ văn ông được hoan nghinh qua các bài:
.  Lên Cấm Sơn,
•  Xe trâu,
•  Lời cô lái đò,
•  Đi tuần,
•  Sau lũy tre xanh.
Và các phóng sự:
•Đi vào sau địch,
•   Tù binh đường số 4...


Hoàng Đình Thể (?-1786)
Hoàng Đình Thể tức Thể Quận công là phó tướng trấn giữ thành Phú Xuân dưới thời Thịnh Vương Trịnh Sâm. Năm 1786, Nguyễn Huệ tiến đánh Phú Xuân được thuộc tướng là Nguyễn Hữu Chỉnh dùng kế ly gián khiến cho chủ tướng trấn giữ thành là Phạm Ngô Cầu -vốn là một kẻ nhút nhát, đa nghi- làm phản. Trước hết Phạm Ngô Cầu bàn với ông bàn bạc cách chống giữ thành: Phạm Ngô Cầu ở lại giữ thành còn Hoàng Đình Thể cùng hai con trai ra ngoài thành cự địch. Ông đánh nhau với quân Tây Sơn từ sáng đến trưa thì tên, đạn hết sạch liền cho người vào xin thêm nhưng Phạm Ngô Cầu không cấp cho, cũng không cho vào thành. Ông nổi giận định phá cổng thành giết Phạm Ngô Cầu nhưng Phạm Ngô Cầu đã kéo cờ trắng đầu hàng khiến cho quân Lê - Trịnh tan vỡ, hai con trai Hoàng Đình Thể đều bị giết, ông chạy trốn thì bị quân Tây Sơn đuổi theo bắn chết trên bành voi.

copbien51:
Hồ Hán Thương (?-1407)
Ông là con thứ của Hồ Quý Ly, em Hồ Nguyên Trừng, không rõ năm sinh năm mất.
Năm Canh Thìn (1400), Hồ Quí Ly lật đổ Trần Thiếu Đế, tự lập làm vua. Ông được lập làm Thái tử (1400). Cuối năm ấy (1400), Quí Ly nhường ngôi cho Hán Thương để làm Thái thượng hoàng.
Vừa lên ngôi ông sai sứ sang cống nhà Minh và xin phong. Dù thế, ông vẫn ngầm chống đối nhà Minh; mặt khác lo sửa sang việc nội trị nhằm đương đầu với các phe nhóm không phục tùng.
Năm Đinh Hợi (1407), ông và cha, anh của ông đều sa vào tay giặc Minh ở cửa biển Kì La. Giặc Minh giải cha con ông về Kim Lăng. Con ông là Hồ Nhuế cùng chung số phận. Sau đó, ông và cha bị giặc giết, chỉ còn anh và con ông được chúng thu dụng.
Ông ở ngôi được 6 năm, đổi niên hiệu hai lần: Thiệu Thánh (1401-1402); Khai Đại (1403-1407).


Nguyễn Đôn Tiết  (1836-1886)
Ông quê ở làng Thọ Vực xã Hoằng Ðức (Hoằng Hoá).
Năm Kỷ Mão (1879), ông đỗ Phó bảng, làm Tri phủ một thời gian. Năm 1885, hưởng ứng chiếu Cần vương, ông đă mộ quân phối hợp với nghĩa quân Hoàng Bật Ðạt tấn công đồn Pháp ở Bút Sơn. Con trai ông là Nguyễn Hiệu Tri cũng chỉ huy một cánh quân tiếp ứng chiến đấu ở Ba Đình, và hi sinh trong ngày 20-1-1887.
Ông bị bắt trong tháng 3-1886. Khi nghe tin chiến hữu của ông là Phạm Bành tử tiết, ông có đôi câu đối khóc bạn:
Quân tử nhất sinh tâm khả bạch,
Tướng quân tuy tử diện do hồng.
Nghĩa:
Quân tử trọn đời lòng trong trắng,
Tướng quân dù chết mặt còn hồng.
Ông bị chúng đày đi Lao Bảo và chết ở đấy. Một người con trai nữa của ông là Nguyễn Đôn Dự đỗ giải nguyên, tham gia phong trào Đông du, chuẩn bị ra nước ngoài thì bị bắt đày đi Côn Đảo.

Navigation

[0] Message Index

[#] Next page

[*] Previous page