Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 12:14:49 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Nam Bộ - Những nhân vật một thời vang bóng  (Đọc 113145 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #50 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2010, 02:47:30 pm »

LUẬT SƯ TRẦN VĂN KHƯƠNG VỚI GIAI THOẠI CHÂU VỀ HIỆP PHỐ


Đám giỗ cuối năm của gia tộc Ung Văn Khiêm đã xong phần nghi lễ. Bà con thân tộc ngồi đông đủ hai bàn tròn. Chỉ còn thiếu một người. Cô Sáu Huệ, em ruột ông Ba Khiêm đứng lên nói:

- Dượng Sáu sáng nay có chút việc tại Tổng lãnh sự Pháp. Chắc cũng gần về rồi. Tôi dặn ổng đi xích lô thẳng lại đây.

Nhiều người tò mò:

- Hồi đầu năm Tổng thống Francois Mitterrand sang Việt Nam, ghé Sài Gòn, có hỏi thăm các nhà trí thức tốt nghiệp ở Pháp. Nay Tổng lãnh sự Pháp mời luật sư Trần Văn Khương, chắc cũng trong tinh thần nối lại mối liên hệ văn hóa lâu đời giữa hai nước.

Vài phút sau, ông Khương về tới. Đó là một người trên 80 tuổi, tóc bạc trắng nhưng tướng đi hãy còn cứng cỏi. Ông cầm trong tay một hộp tròn và dài giống như hộp banh tennis. Ông đi giáp vòng bắt tay mọi người, cười nói:

- Xin khoe với bà con, những món này tôi được cấp cách nay năm mươi năm. Nhưng tới bây giờ, nửa thế kỷ sau, tôi mới được thấy mặt.

Tất cả đều hướng về cái hộp ông Khương đang mở nắp. Vài phút sau, có tiếng reo vui:

- Bất ngờ, thú vị quá!

Và người ta chuyền tay nhau xem những món quí ông Khương vừa lấy từ trong hộp ra. Giáo sư kinh tế Bút, rể gia đình họ Ung đọc to lên:

- Licence en Droit, ba chứng chỉ cử nhân luật do Đại học Paris cấp năm 1943, bằng Năng khiếu luật sư năm 1944, hai bằng Cao học luật cũng năm 1944...

Chị Minh, cũng là giáo sư kinh tế, con gái ông Khiêm, đưa lên mấy tờ giấy nối lời chồng:

- Bằng này mới là ác liệt. Docteur d'Etat en Droit avec Mention Assez Bien (Tiến sĩ luật khoa Quốc gia) còn đây là bằng tốt nghiệp Trường Saences Politiques.

Tất cả tranh nhau mượn xem các bằng cấp từ những năm 43, 44, 45 cách nay nửa thế kỷ. Rồi lần lượt tới bắt tay chúc mừng nguội dượng Sáu Khương.

Tôi là khách được mời nên ngồi trong góc lặng lẽ quan sát. Không khí bữa giỗ kể từ đó bỗng trở nên lắng xuống, man mác buồn - những người học văn hóa Pháp gọi đó là "La nostalgie du passé" (nỗi nhớ xa xưa).

Luật sư Khương ngồi vào bàn, lặng lẽ ăn. Nhưng tôi biết tâm hồn ông đang sống lại những năm tháng nghèo đói, cô đơn, nhưng quyết tâm vượt mọi khó khăn để "dồi mài kinh sử". Hy vọng "bảng hổ đề tên" của một học sinh nghèo từ làng quê bùn lầy đọng sang kinh thành Ánh Sáng lập nên sự nghiệp với đời là cao quý tột bậc rồi; nhưng trường hợp của luật sư Khương còn cao hơn nữa. Ông dám bỏ cuộc đời hoa gấm để lao vào cuộc chiến tranh trường kỳ và gian khổ, góp phần giải phóng quê hương thoát ách nô lệ cả trăm năm. Tháng Tám năm 45, tôi đã cất cao tiếng hát "Xếp bút nghiên coi thường công danh như phù vân" nhưng một học sinh trung học như tôi thì có công danh gì đâu mà "coi thường như phù vân"?

Còn ông Tư Khương, sang Pháp năm 18 tuổi, chưa có bằng Sơ học, miệt mài 17 năm mới chiếm được các bằng cử nhân, tiến sĩ tốt nghiệp Saences Po, một loại bằng của giới quý tộc chuyên ngành chính trị và ngoại giao Pháp. Như vậy, cũng là xếp bút nghiên, nhưng giữa ông luật sư Khương và anh học trò trung học như tôi có một khoảng trời xa cách. Tôi nhất định đến nhà làm quen người trí thức đàn anh đáng quý của mình.

Luật sư Khương tâm tình:

- Quê tôi là xã Tân Hưng, một xã nghèo trong quận Ba Tri, Bến Tre. Cha tôi làm hương sư trong làng, nhà đủ ăn. Làng Tân Hưng không có trường, tôi phải học chữ nho tới 14 tuổi, sau qua xã Hưng Nhượng học chữ quốc ngữ một năm, năm sau lên Bến Tre học lớp nhì. Năm 1926, vào tháng ba, học sinh để tang cụ Phan Chu Trinh bị đuổi học. Nhà giàu cho con đi Tây học, tôi cũng ham, nhưng nhà nghèo không đủ sức . Tình cờ tôi tìm thấy trong tủ đứng trong nhà có gói bạc cha tôi vừa bán lúa, mở ra đếm thì đúng năm trăm đồng. Đây là số tiền lớn nhất mà cha tôi có, mấy năm trước, lúa không trúng như năm đó. Ngay đêm ấy, tôi viết thư xin cha mẹ tôi cho tôi số tiền năm trăm đó để sang Pháp lập thân.

Bốn giờ sáng hôm sau, tôi đạp xe ra xã An Ngãi Trung đón xe đò lên Sài Gòn. Tại Sài Gòn, tôi gặp cậu công tử cháu ngoại điền chủ mà cha tôi mướn đất làm, nghe tôi nói muốn qua Pháp học, anh ta hứa lo giấy tờ giúp, tôi đưa anh ta nửa số tiền là hai trăm rưỡi. Vài ngày sau anh ta nói "tao lỡ xài hết rồi!". Biết mình bị gạt, nhưng tôi cương quyết ra đi vì không thể trở về với hai bàn tay trắng. Tiền tàu hạng ba là ba trăm mà tôi chỉ còn trên hai trăm, phải đi hạng tư tức là "sur pont" (ngủ trên boong tàu) giá một trăm hai mươi đồng. Rủi thay, vé hạng tư đã hết. Tôi năn nỉ thầy ký bán vé khá lâu mà không được, tôi vụt nghĩ ra một cách là chờ thầy ta về nhà ăn cơm trưa, tôi nhét vội một tờ giấy "hoảnh" (hai chục đồng) vô túi. Thế là chiều đó thầy ta lo cho tôi mua được một vé.

Tôi xách vali mây lên tàu, mướn ghế bố xếp nằm trên boong mà chịu lạnh vào đêm. Trong vali chỉ có vài bộ bà ba vải trắng. Thời may trước đó tôi gặp em vợ thầy giáo Lê Thọ Xuân, nhà sử học cho bộ đồ kaki tôi mặc xuống tàu. Tàu chạy giữa biển, tôi nằm suy nghĩ, không biết sang Pháp sẽ tấp vào đâu để ăn học thì gặp anh Lâm Thái, người Miên Trà Vinh và anh Huỳnh Tích, cháu ngoại đốc phủ Mầu ở Mỹ Tho rủ về Praysass thuộc quận Agen, nơi đây có linh mục Sinonet chuyên đỡ đầu người Việt sống ở Pháp. Chúng tôi ở nhà của linh mục, đi làm lao động ba tháng hè kiếm tiền ăn học. Gần hết tiền, tôi viết thư về nhà xin tiền, gia đình không có tiền gửi qua, thời may có bà Mười Liễu ở xã An Ngãi Trung biết tôi là học trò nghèo mà ham học, gửi tiền sang giúp được vài năm.

Năm 1930, kinh tế khủng hoảng, đa số học sinh, sinh viên Việt Nam về nước. Tôi quyết tâm ở lại học và đi làm thuê làm mướn kiếm tiền đóng tiền trường. Tôi may mắn gặp ông Edouard Herriot, Viện sĩ Hàn lâm, Chủ tịch Quốc hội Pháp, Chủ tịch danh dự Đảng Xã hội Cấp tiến, ông viết thư cho Viện trưởng Viện Đại học Paris xin cho tôi làm "maitre d'internat" (giám thị) ở các trường trung học. Đây là một đặc cách vì nhiệm vụ này chỉ giao cho người Pháp thôi. Tôi là người Việt Nam đầu tiên được làm giám thị trường trung học ở Pháp.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #51 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2010, 08:36:46 am »

Tôi phải làm ở tỉnh nhiều năm mới có thể lên Paris để học Luật, năm 43, tôi đậu cử nhân Luật, năm 44 đậu hai bằng Cao học Luật và bằng Năng khiếu Luật sư, năm 45 đậu bằng tiến sĩ Luật Paris và tốt nghiệp trường Khoa học Chính trị. Học xong rồi, tôi không bao giờ quên các Mạnh thường quân như bà Mười Liễu, nghị sĩ Pierre Cot, ông Bastoul, Chủ tịch Hội cựu học sinh trường Trung học Agen, giáo sư Gaston Martin và nhất là ông Edouard Herriot.

Năm 1946 , tôi được đưa vào công tác trong phái đoàn ngoại giao nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do anh Trần Ngọc Danh làm trưởng đoàn. Trong thời gian Hội nghị Fontainebleau, tôi góp phần giúp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Hồ Chủ tịch tiếp xúc với các chính khách quan trọng Pháp nhờ nhiều năm học Luật và Khoa học Chính trị, có quen biết nhiều giới chính trị tiến bộ. Thủ tướng Phạm Văn Đồng có lời khen "anh Trần Văn Khương với vị trí xã hội bình thường của mình mà lại quen thân nhiều nhà hoạt động chính trị tiến bộ có tên tuổi ở Pháp".

Ngày 5.9.1949, tôi về nước tham gia kháng chiến. Tại Sài Gòn, tôi ở nhà ông bà Kinh lý Phạm Ngọc Thuần, cha của anh luật sư Gaston Phạm Ngọc Thuần, Phó Chủ tịch ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Bà kinh lý tặng tôi một quần lụa đen mới may, cô con gái tặng tôi một áo bà ba hàng đen. Áo hơi chật nên tôi mặc lội bưng Tháp Mười một bữa là rách.

Ngày vô khu là ngày 11.9.1949, xe nhà đưa tôi tới Cai Lậy, cách chợ vài trăm thước. Tôi xuống xe vô nhà dân thay bà ba đen lội bưng. Hai bàn chân đi không, bị gốc cỏ ống mới phát dưới đồng ngập nước tới đùi cứa đau điếng. Tôi được bạn bè trong khu ôm hôn, anh em bạn cũ gặp nhau, niềm vui nào kể xiết: Tôi được phân trong Mặt trận Liên Việt cho tới hòa bình 1954, thì tập kết ra Bắc.

Trở lại chuyện mấy cái bằng cấp, tôi hoàn toàn quên chúng cho tới khi ông Francois Mitterrand qua Sài Gòn hỏi thăm các nhà trí thức tốt nghiệp Paris mấy mươi năm về trước, tôi mới chợt nhớ lại việc mình cũng đã từng tốt nghiệp ở Pháp. Tôi bèn viết thư qua Pháp hỏi các bằng cấp nửa thế kỷ trước đây. Gửi thư nhưng không tin là còn vì trải qua năm chục năm đầy biến động. Nếu còn thì vui, còn không thì thôi. Không ngờ tháng sau tôi được ông Thư ký Đại học Luật Panthéon d’ Assas cho biết các bằng cấp vẫn còn và sẽ gửi qua cho tôi theo đường ngoại giao. Kế được thư Tổng lãnh sự Pháp mời tới lãnh giấy tờ từ Paris gửi qua.

Nghe anh Tư Khương kể câu chuyện tìm lại được các bằng cấp thất lạc 50 năm, tôi nghĩ tới chuyện Châu về Hiệp Phố. Tôi mừng cho anh về già có niềm vui tinh thần to lớn như vậy. Nhưng còn một niềm vui cao quí hơn nữa: Anh Khương nhận được Huân chương Độc lập hạng Hai (ngoài hai Huân chương kháng Pháp và chống Mỹ trước đó).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #52 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2010, 08:41:55 am »

LUẬT SƯ TẠ MINH LONG

Ở làng Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu có ông đại điền chủ Tạ Minh Hiển, ông có hai người con trai tên là Tạ Minh Long và Tạ Minh Hổ. Long và Hổ là hai tên quý mà các bậc làm cha, mẹ thích đặt cho con, hy vọng sau này chúng sẽ hùng mạnh và thông minh như cọp, như rồng. Niềm hy vọng của vị đại điền chủ đã được đáp ứng. Hai anh em Long, Hổ lớn lên đẹp trai, khỏe mạnh và thông minh. Cả hai được cha xuất tiền cho sang Pháp du học. Anh Long đậu cử nhân luật. Còn người em tên Hổ học trường võ bị Saint Cyr nổi tiếng của Pháp. Khi hai anh em về nước thì Cách Mạng Tháng Tám nổ ra. Đáp lời sông núi, Tạ Minh Hổ gia nhập bộ đội, sớm trở thành chỉ huy một đơn vị nhỏ trong huyện nhà. Đánh nhiều trận ra trò. nhưng trong một cuộc hành quân đêm, anh lọt vào vòng phục kích của quân đội Pháp do tướng Nyo thiện chiến chỉ huy. Anh bị bắt sống. Chỉ huy trung đội bắt được anh lại là bạn học cũ tại trường Chasseloup. Thằng này dân Tây, tên Robert. Gặp lại Tạ Minh Hổ, Robert mừng rỡ nói:

- Tao sẽ thả mầy nhưng với điều kiện tướng Nyo ra lệnh tên Việt Minh nào chịu xé lá cờ đỏ sao vàng là thả vì qua hành động đó, chúng đã ly khai hàng ngũ cũ.

Tạ Minh Hổ lắc đầu:

- Tao không xé cờ của Tổ quốc tao! Mầy bắt được tao thì cứ làm nhiệm vụ của mầy.

Thằng Robert ngạc nhiên:

- Làm sao tao bắn mầy được. Dù sao cũng là tình bạn bè nội trú trong nhiều năm.

Tạ Minh Hổ:

- Tình bạn bè là cao quý, nhưng tình Tổ quốc còn thiêng liêng hơn. Tao nhắc lại lần nữa, tao không thể xé cờ Tổ quốc tao!

Robert điếm đàng mách nước:

- Mầy chỉ làm bộ xé cờ để tao trình với ông tướng của tao. Sau đó mầy tìm cơ hội để trốn về đơn vị mầy. Hiểu chưa?

Tạ Minh Hổ nghiêm nghị:

- Có những việc không thể giả bộ được. Đồng bào tao sẽ nghĩ gì khi một chỉ huy Việt Minh xé cờ Tổ quốc mình để quân đội Pháp tha cho mạng sống?

Robert đành giao Tạ Minh Hổ cho một sĩ quan khác sẵn sàng thi hành cái mà anh ta gọi là "sale besogne".

Năm phút sau, một phát súng nổ khô khan kết thúc cuộc đời một thanh niên trí thức yêu nước tỉnh Bạc Liêu.

Cuộc sống của người anh phong phú hơn, có nhiều pha lên bổng xuống trầm hơn. Tạ Minh Long có bằng cử nhân luật nhưng không mở văn phòng luật sư. Anh cũng không làm cố vấn luật pháp cho các nhà tư bản Pháp mà chọn nghề tự do: dạy học. Anh dạy các trường tư thục nổi tiếng ở Sài Gòn như Lê Bá Cang, Huỳnh Khương Ninh. Sau ông về Cần Thơ mua lại trường tư thục Nam Hưng khai thác cho tới ngày Nhật đảo chính Pháp. Sau đó vài tháng, Việt Minh cướp chính quyền. Giáo sư Tạ Minh Long lặn một thời gian, không ai biết anh trôi giạt về đâu.

Bỗng một hôm, nhân viên tình báo của ta báo cáo với anh Bảy Chiếm (về sau còn có mật danh là Sáu Hoàng):

- Tỉnh Biên Hòa có một ông trưởng ty công an khác thường. Ông ta không giống mấy cha trưởng ty công an khát máu kiểu em út của Đốc phủ Nguyễn Văn Tâm hay Lê Tấn Nẫm.

Anh Cao Đăng Chiếm chú ý nghe:

- Nói cụ thể hơn đi. Khác thường là sao?

- Là ông ta dám can thiệp, không để bọn ác ôn đánh đập tù vô tội vạ trong phòng điều tra của Ty Công an mà ra lịnh đưa lên văn phòng trưởng ty để đích thân ông ta điều tra, lấy khẩu cung. Và nhiều lần ông thả tù với lý do "non lieu” (tha bổng vì không bằng chứng).

Anh Bảy Chiếm gật gù:

- Như vậy là anh ta có cảm tình với kháng chiến. Vậy các anh phải dò xét thêm. Báo cáo cho tôi biết tên họ, quê quán, nghề nghiệp trước khi làm trưởng ty công an.

Vài hôm sau, Bảy Chiếm biết vị trưởng ty công an cá biệt đó là cử nhân luật Tạ Minh Long, anh của liệt sĩ Tạ Minh Hổ, chỉ huy trên chiến trường Gò Quao, Rạch Giá.

Lập tức anh viết thư cho Tạ Minh Long kèm theo chỉ thị số 4-NV do anh ủy viên nội vụ Ung Văn Khiêm ký ngày 22.5.1947 kêu gọi công chức và nhân viên đang hợp tác với Pháp ra bưng kháng chiến. Người trao thư này là anh Lê Thanh Vân, tức Sáu Ngọc (từng giữ chức Giám đốc Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh sau giải phóng 1975).
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #53 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2010, 08:43:59 am »

Tạ Minh Long tiếp sứ giả niềm nở và nghe theo lời gợi ý của Bảy Chiếm, xin từ chức Trưởng ty Công an Biên Hòa để chuẩn bị ra bưng. Lại một lần nữa, anh Bảy Chiếm gợi ý: "Một người có vỏ học vững chắc như anh ở lại trong hàng ngũ địch có lợi nhiều hơn là ra bưng biền".

Lúc đó tòa Cao ủy phủ (Ham Commissariat de la République) mở cuộc thi tuyển nhân viên, điều kiện tối thiểu là cử nhân luật. Tạ Minh Long nộp đơn ứng thí. Và anh đỗ đầu. Việc rà lý lịch cũng thuận tiện. Cha là đại điền chủ ở Bạc Liêu. Cư ngụ trong tỉnh ly Bạc Liêu là vùng tạm chiếm. Bản thân Tạ Minh Long nguyên là Trưởng ty Công an Biên Hòa. Thế là Tạ Minh Long nghiễm nhiên là nhân viên Cao ủy phủ, hàng ngày tiếp xúc với các tay tổ thực dân từ Đốc phủ sứ trở lên bộ trưởng các chính phủ bù nhìn bác sĩ Lê Văn Hoạch (lên thay bác sĩ Nguyễn Văn Thinh tự tử trước đó). Sau thời gian tạo uy tín là viên chức siêng năng, mẫn cán để lấy lòng cấp trên, Tạ Minh Long bí mật liên lạc với anh Bảy Chiếm. Sau đó, anh kín đáo tiết lộ những tin tức tối mật vừa bàn thảo trong nội bộ Cao ủy phủ. Những chủ trương lớn như địch sắp áp dụng lá bài Bảo Đại, như lập chiến khu quốc gia ma Bình Quới Tây, những cuộc hành quân tổng lực hải lục không quân nhằm tiêu diệt đầu não kháng chiến ở Đồng Tháp Mười đều được Tạ Minh Long thông báo kịp thời để ta có thời gian đối phó. Anh Bảy Chiếm rất hài lòng đã "cấy" người của mình trong lòng tên Cao ủy Bollaert.

Ngày 25.4.1947, ta đánh lớn tại Giồng Dứa, phục kích đoàn xe chính phủ Lê Văn Hoạch đi kinh lý các tỉnh miền Trung Nam Bộ. Đây là trận đánh làm lễ tốt nghiệp Trường quân chính Khu Tám. Đích thân Khu trưởng Trần Văn Trà chỉ huy trận này. Ta đào hố cá nhân trên đồng ruộng vừa gặt, còn trơ gốc rạ. Bộ đội nằm trong "hồ chồn" suốt đêm chờ đoàn xe địch tới. Trên đường, dân quân đắp mô và đào hố để làm chậm tốc độ đoàn xe. Đúng giờ G, đoàn xe dẫn xác tới. Địa lôi khóa đầu. Đoàn xe nghẽn lại, lúng túng như "chó bỏ giỏ cua". Bộ đội ta tốc đám rạ nghi trang lao lên đường nổ súng. Địch nhanh chóng vứt súng đầu hàng. Bỗng một người mặc đồ lớn, xách cặp da chạy về phía quân ta, miệng hô to: "Cho tôi gặp anh Bảy Chiếm. Cho tôi gặp anh Bảy Chiếm!".

Hiện tượng bất thường này khiến một anh bộ đội phản ứng rất tự nhiên là bóp cò. Vậy là người của chúng ta, luật sư Tạ Minh Long gục ngã một cách oan uổng. Tư lệnh Trần Văn Trà khiển trách anh bộ đội thiếu bình tĩnh, còn anh Cao Đăng Chiếm thì hết sức khổ tâm. Cuối cùng anh cũng đã được anh Bảy Chiếm lo làm thủ tục truy tặng bằng liệt sĩ cho cử nhân luật yêu nước Tạ Minh Long.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #54 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2010, 08:49:51 am »

LUẬT SƯ HOÀNG QUỐC TÂN


Lý lịch của luật sư, tiến sĩ Hoàng Quốc Tân rất thú vị cho những ai quen một thời đề bạt cán bộ theo lý lịch. Ông Hoàng Quốc Tân là cháu Phó vương Hoàng Cao Khải. Họ Hoàng có ba người làm Tổng đốc. Hoàng Cao Khải và hai con, Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu. Tiến sĩ luật sư Hoàng Quốc Tân là cháu nội Tổng đốc Hoàng Cao Khải và là cháu hai ông chú Hoàng Mạnh Trí và Hoàng Trọng Phu. Ông Tân sang Pháp học cùng thời với các ông Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện. Ông Tân gia nhập đảng cộng sản Pháp và hoạt động trong giới công nhân Pháp, sát cánh với anh em lính thợ Việt Nam (ONS sang Pháp trong thế chiến 2).

Về Sài Gòn, luật sư Hoàng Quốc Tân gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh công tác trí vận tại thành phố Sài Gòn. Ông là thành ủy viên. Trong khi Mỹ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam giúp Pháp đưa ra giải pháp Bảo Đại để chống lại chính phủ Cụ Hồ, ông Tân có sáng kiến tập hợp các tầng lớp trí thức lại trong tổ chức chính trị với chủ trương cụ thể như sau: Cuộc chiến tranh kéo dài làm phương hại tới tình hữu nghị Việt-Pháp. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Pháp thương thuyết trở lại với chính phủ kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo để chấm dứt chiến tranh.

Bản tuyên ngôn của trí thức Sài Gòn chính là do ông Tân đề xướng và do hai ông Vương Quang Nhường và Trịnh Đình Thảo soạn thảo và hai vị trí thức lão thành bác vận Lưu Văn Lang, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng làm đầu tàu.

Muốn hiểu rõ thêm về sự tiến bộ của tiến sĩ luật sư Hoàng Quốc Tân, nên biết qua "công trạng" của ông nội ông là Tổng đốc Hoàng Cao Khải.

Hoàng Cao Khải sinh năm 1850, mất năm 1933, quê ở Đông Thái, tỉnh Nghệ An (nay là Hà Tĩnh). Đỗ cử nhân thời Tự Đức. Trước khi vinh thăng Tổng đốc, ông Khải đã giữ chức vụ Huấn đạo Thọ Xương, Giáo thụ Hoài Đức, Tri huyện Thọ Xương, Án sát Lạng Sơn, Tuần phủ Hưng Yên, Tổng đốc Hải Dương. Lúc đầu làm Tổng đốc Hải Dương, ông Khải được sung chức Khâm sai kinh lược Bắc Kỳ. Ông Khải viết thư chiêu dụ cụ Phan Đình Phùng theo lệnh của Pháp, ông bị cụ Phan Đình Phùng sỉ vả. Tổng đốc Hoàng Cao Khải bị nhân dân lên án là tay sai thực dân Pháp. Các con của ông là Hoàng Mạnh Trí, Hoàng Trọng Phu đều là Tổng đốc. Hoàng Trọng Phu là rể Tổng đốc Đỗ Hữu Phương trong Nam, Hoàng Gia Mô làm tri huyện.

Năm 1897, bãi bỏ Nha kinh lược, đặt phủ Thống sứ, Hoàng Cao Khải được Pháp điều về Huế lãnh chức Thượng thư Bộ binh, sau làm Phụ chính đại thần triều Thành Thái, làm Thái tử thái phó, văn minh điện đại học sĩ.

Về sau họ Hoàng bị Nguyễn Thân lấn áp về hưu, ở ấp Thái Hà (Hà Nội). Có lúc Hoàng Cao Khải được xem như là Phó Vương. Sĩ phu Hưng Yên có câu đối chửi họ Hoàng như sau:

"Ông ra Bắc là may, chức Kinh lược, tước Quận công, bốn bề không nhà mà nhất nhỉ.
Cụ về Tây cũng tiếc, trong triều đình, ngoài chính phủ một lòng với nước có hại đâu?".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #55 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2010, 09:09:37 am »

BÀ HỒ THỊ BI ĐUỢC TÂY PHONG "MA-ĐAM 131"


Xin nói ngay biệt danh "nữ hổ tướng", không phải bà Năm Bi vỗ ngực xưng danh mà do một nhà báo phiêu lưu quốc tế tên là Hilaire du Benier phong cho bà Năm trong cuốn sách lấy tên là Background to Betrayal do Nhà xuất bản Western Islands (Boston, Los Angeles, Hoa Kỳ) ấn hành năm 1965. Trong chương Ngô Đình Nhu and his In Laws (Ngô Đình Nhu và đám bên vợ), trang 39 có một đoạn nói về bà Năm Bi như sau:

“Here we find by Hồ Thị Hoa (or Madame Tee Bey as she was called), the Communist guerrilla leader with her band of foreign legion deserters and Jap mercenaries. She was in her thirties when her unit, Chi đội 12, of Ho Chi Minh southern army ravaged the HocMon area while French's. High commissioner in Indochina, Monsieur Pignon, was working to bring back Bao Đai. With her assassination squads, her own propaganda corps, police force, ministry of economy, and political bureau, she built herself an empire founded on terror and brainwashing. She dressed in a uniform with a Colt in her belt and a gun slung over her shoulder. Death was the punishment for any infraction of the rules Madame Tee Bey applied with an iron hand! (Chúng ta thấy ở đây - tức Việt Nam – Hồ Thị Hoa (hay là bà Bi như người ta gọi) một chỉ huy du kích với băng Lê dương đào ngũ và lính Nhật đánh thuê. Bà ta đang độ 30, khi đơn vị bà ta, Chi đội 12 trong bộ đội Hồ Chí Minh ở miền Nam gây tác hại trong vùng Hóc Môn giữa lúc Cao ủy Đông Dương Pignon vận động đưa Bảo Đại về nắm chính quyền ở Việt Nam. Với các đội ám sát, đội tuyên truyền, cảnh sát, kinh tài, bà ta tạo cho mình một vương quốc xây dựng trên khủng bố và tẩy não. Bà mặc bà ba đen, với khẩu Colt ở thắt lưng và một khẩu súng trường vác vai. Tử hình là hình phạt cho những ai vi phạm nội qui mà bà Bi thi hành với bàn tay sắt).

Nhà báo Mỹ nêu ra ba "tigresses" (cọp cái) trong chương nói trên là bà Năm Bi, kế bà Lê Thị Ngâm tức Phàn Lê Huê, vợ Năm Lửa và bà Ngô Đình Nhu, nhũ danh Trần Lệ Xuân. Bài này chỉ nói về bà Năm Bi thôi.

Hồ Thị Bi quê Hóc Môn, bán chè xôi nước. Mới lên 10 chị đã đi giữ em cho người ta, mỗi năm 4 đồng. Hồi mướn, chủ nói giữ em nhưng lại bắt bán dưa hấu tại bến xe đò Hóc Môn-Tây Ninh. Ở được hai năm lại đổi chủ về coi em cho vợ chồng thầy giáo Tháo ở Bà Chiểu.

Thời gian này có một chuyện trớ trêu. Chủ nhà thường vay nợ "chà sêtty" (người Ấn cho vay nặng lãi) mà sợ thiên hạ biết nên sai người ở đi rước chủ chà ban đêm. Báo hại chị Năm lúc đó đã lớn phải chạy bộ theo xe kéo. Có được chút đỉnh tiền làm vốn, chị đi bán chè theo nghề bà ngoại. Lúc này có anh Năm Ngài đã có một đời vợ tỏ ý muốn bước thêm bước nữa. Đến năm 1939, anh Năm bị Tây bắt sau vụ đình công ở Hóc Môn. Sợ bị liên can làm cộng sản, chị Năm rời gia đình chồng sống tự lập.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, kế Nam Bộ kháng chiến, chị Năm phụ trách tiếp tế các mặt trận Tham Lương, Bến Phần, Chợ Cầu cho Giải phóng quân liên quận Hóc Môn-Bà Điểm-Đức Hòa. Chị hoạt động rất tích cực. Đến khi Tây đánh mạnh, bộ đội thu hẹp lại cho gọn nhẹ, Ban chỉ huy cho chị về nhà. Chị năn nỉ quá chừng nhưng không được vì có con mọn. Hai lần bị đuổi về, chị nảy ra sáng kiến lập đơn vị riêng do chị chỉ huy, đó là đội công tác tại xã Thới Tứ. Đây là tiền thân của Ban công tác 12 của Chi đội 12, sau biên chế là Trung đoàn 312.

Đánh đợt đầu, đơn vị chị gồm 5 tiểu đội (hai nam, hai nữ và một tí hon) diệt một tiểu đội Pháp. Kỷ niệm vui trận đó là chỉ huy ném lựu đạn không nổ, phải ra lệnh miệng. Nhờ trận này mà tên tuổi Năm Bi được nhiều người biết. Đồng chí Trần Văn Trà trong Ban chỉ huy Giải phóng quân Liên quận gửi giấy khen trận 12.12.1945, tặng chị Năm một khẩu 7,65. Cây súng đó đẻ ra Đại đội 2804 sau này. Cũng trong dịp đó, anh Trà cho đơn vị 5.000, nhưng lại là tiền Nhật, giấy 500 rồng vàng dân không xài. Một tùy tướng của chị Năm Bi là anh Lê Văn Xinh, quê Tân Xuân, có lối đánh táo bạo và khi xung trận thường xưng danh "Tao là Lê Văn Xinh, thi hành lệnh bà Hồ Thi Bi, tiêu diệt tụi bây". Bọn Tây ở Hóc Môn sợ lắm, viết thư gửi vô xin phép đi lấy xác lính Lê dương chết trận. Nhà báo Berrier đã nói đúng: Trong đơn vị chị Năm Bi có một tiểu đội lính Âu. Mấy anh em này đi đâu, thấy trầu cũng xin về cho "chị Năm của tôi".

Năm 1947, anh Năm Ngài bị Tây bắn chết ở Láng Chà cùng với người em trai của chị Năm. Thằng Tây Robert là chỉ huy trưởng khu Hóc Môn kiêm phó tham biện Gia Định, chặt đầu anh Năm xách đi cùng nơi khoe khoang "Giết hai con cọp đực rồi còn con cọp cái". Về sau, Ban công tác đổi thành Ban ám sát, mỗi bản án xử Việt gian đều có chữ ký của chị Năm. Lúc đó, chị chưa biết chữ, chỉ tập độc một chữ ký mà cũng run tay, chữ Bi giống hệt số 131. Cho nên tụi Tây ở Hóc Môn gọi chị là Madame 131. Chúng ra giá cái đầu của Madame là 100 đồng, đó là tiền thưởng cho ai bắt sống, còn nạp đầu thì thưởng 50 đồng. Để dằn mặt Tây, đội ám sát càng hoạt động mạnh hơn. Từ khẩu 7,65, đơn vị cướp súng địch tiến lên thành trung đội rồi đại đội. Chị Năm chỉ huy Đại đội 2803 của An Phú Xã, hai anh Tư Thược và Năm Vọn (Tám Lê Thanh) coi Đại đội 2805 ở Phú Thọ Hòa. Năm 1948, ba đại đội hợp thành Tiểu đoàn 935 do anh Tư Thược chỉ huy, anh Bảy Sanh và chị Năm Bi làm phó, anh Nguyễn Hữu Đang làm chính trị viên. Tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 312 của Tô Ký.

Cuối năm 1950, chị Bi được giao xây dựng căn cứ địa Dương Minh Châu với 10.000 đồng tín dụng phiếu kháng chiến và 30 nhân viên, phần lớn là thương bệnh binh. Đó là bộ xậu, cái khung của Tiểu đoàn 999, có nhiệm vụ mở đường xây dựng căn cứ địa nối liền Nam Bộ với Campuchia. Chị Năm cùng anh em đóng quân suối Sa-mát. Vùng Tà Nốt được xem là tiền đồn phía bắc Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Công việc đầu tiên là liên lạc với bộ đội Pôkompô mua trâu bò tiếp tế cho miền Đông. Vùng này có tên Cao Đài phản động là Tám Luyến xưng hùng dưới chân núi Bà Đen. Để tiện lợi cho công tác, chị Năm Bi đã gửi thư cho Luyến mượn đường và Luyến viết thư trả lời, ca ngợi "Bà Bi cỡi trâu đánh giặc". Cuối năm 1951, ta mở đường Trà Vong, anh em đang thiếu gạo trầm trọng, một nhà văn đã ví von: "một hột gạo lãnh đạo mười củ khoai". Đơn vị của chị Năm rất được hoan nghênh khi tiếp tế mắm cá mè vinh, nhờ sáng kiến làm sa cá. Suối vùng này nhiều cá mè vinh, có con nặng tới ba ký. Công cuộc cắt đường mở rừng tiến tới Biển Hồ vào năm 1952. Đến năm 1953, chị Năm được lệnh ra Bắc, lần đầu tiên gặp Bác Hồ, chị Năm nhớ mãi. Ngày ấy, chị đang ăn cơm với Tố Hữu, Bác tới bất ngờ, hỏi: "Ai mà nói rổn rảng? Có phải nữ kiệt miền Đông đó không vậy?". Rồi Bác hỏi: "Cô Bi ăn mấy bát?". Chị Năm đáp: "Con ăn ba chén". Chị vội đổi là ba bát. Bác cười nói: "Cô Bi cứ nói tự nhiên, tiếng nói của đồng bào miền Nam, Bác thích nghe hơn".

Chị Năm đắc cử hai khóa đại biểu quốc hội (khóa 3 và 4) tỉnh Hòa Bình. trong 12 năm làm công tác chính sách, cho đến cuối năm 1973, chị đi B.

Đại tá Hồ Thị Bi tiếp tôi trong nhà chị ở Ngô Thời Nhiệm vào năm chị làm lễ ăn mừng 70 tuổi. Chị không nhớ ngày sinh nên chọn ngày anh Năm Ngài hy sinh làm ngày giờ mà cũng là ngày sinh nhật của chị. Và ngày ấy cũng là ngày chị tính sổ cuộc đời đi theo cách mạng của chị. Chị nói vắn tắt thôi: "Quyết tâm. Nhờ quyết tâm mà tôi đi tới nơi về tới chốn. Ngày xưa người ta thích huyết ăn thề, ngày nay cũng vậy đó cậu".
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #56 vào lúc: 06 Tháng Tám, 2010, 09:20:20 am »

BÀ NGUYỄN THỊ ĐỊNH LINH HỒN ĐỒNG KHỞI BẾN TRE



Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Nam có hai nữ chiến sĩ mà cả Pháp và Mỹ đều kính nể, báo chí Tây phương gọi hai vị này là nữ hổ tướng (tigress). Vị thứ nhất là bà Năm Bi, tức Hồ Thị Bi. Người thứ hai là bà Nguyễn Thị Định, thường được gọi theo Nam Bộ là chị Ba Định. Bà Định nguyên là thiếu tướng, Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam, phụ trách phong trào chiến tranh du kích toàn miền Nam. Đã có biết bao bài viết về cuộc đời cách mạng huyền thoại của nữ tướng Ba Định, trong bài này chúng tôi sẽ chuyển tới bạn đọc những giai thoại hùng ca chưa được nhắc đến.

Bà Nguyễn Thị Định sinh năm 1920, tuổi Canh Thân, tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, trong một gia đình nông dân. Bà Định tham gia phong trào Đông Dương Đại hội 1936. Hai năm sau, được kết nạp Đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1939, trước nguy cơ bị Đức chiếm, Pháp khủng bố trắng, bắt giam các nhà hoạt động cách mạng, bà Định bị bắt đầy lên căng (trại giam) Bà Rá. Nơi ma thiêng nước độc này, Pháp đã có trại tù thường phạm. Năm 1940, do các khám đông chật tù chính trị, chúng lập thêm hai căng, một cho nam, một cho nữ. Xin kể một vài giai thoại của bà Định trong trại Bà Rá.

Chủ ngục Bà Rá thời điểm 1940 là đại úy D'Ersnt mà anh chị em tù Bà Rá gọi là thằng Đẹt, là một tên khát máu. Nó nuôi một con chó berger đặt tên là Nam Kỳ. Hàng ngày nó cho con chó săn gốc Đức này uống máu tươi để duy trì và phát huy thú tính. Máu tươi lấy từ máu người tù vượt ngục không may bị bắt lại.

Bắt được tù vượt ngục, thằng Đẹt cho đánh kẻng tập trung tù lại để xem hình phạt dành cho tử tội.

Tử tù bị lột trần truồng, treo ngược lên cành cây, phía dưới để một chậu nhôm. Hắn ra lệnh cho con Nam Kỳ phóng tới, hai hàm răng cắn phập vào cổ tử tội. Máu tươi theo vết thương phóng ra, chậu nhôm hứng trọn. Con Nam Kỳ được thưởng công bằng chậu nhôm máu tươi đó. Màn cho chó săn giết tù và uống máu tù là thú giải trí thường xuyên của thằng Đẹt. Ý đồ của nó là đánh thẳng vào tinh thần những người tù bất khuất ngày đêm nung nấu toan tính vượt ngục. Có một số người lung lạc tinh thần trước nhục hình tên Đẹt cố tình bày ra trước mắt. Trong trại chị em chính trị phạm, có các chị Nguyễn Thị Lựu (Tám Lựu), Xuân Hồng (vợ anh Nguyễn Công Trung đầu năm 1941 đã vượt ngục Tà Lài trong nhóm tám người do anh Trần Văn Giàu đứng đầu), chị Ri (vợ nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn bị đày Côn Đảo) và chị Ba Định... Các chị em vẫn giữ khí tiết của người cộng sản, hiên ngang, bất khuất trong tù.

Thằng Đẹt có lẽ thấy được ánh mắt căm thù của các chị em tù chính trị nên nó nắn gân. Nó là thằng thiện xạ, sáng nào cũng dượt súng. Nó bắt tù cầm một chai rượu (chai không) đưa lên cao khỏi đầu, cầm cổ chai, đưa đít chai lên, đứng cách nó 100 mét để nó biển diễn tài thiện xạ. Rất nhiều người tù xanh mặt vì trò đùa ác ôn của tên chủ ngục. Chỉ nhích bàn tay một chút là hắn có thể kết liễu cuộc đời một con người. Thằng Đẹt biết rất nhiều người sợ trò chơi súng buổi sáng của nó nên quyết đem trò này ra thử lá gan nữ kiệt của đám nữ tù chính trị. Nó chỉ định người mà nó cho là cứng đầu cứng cổ nhất đám... Người đó là chị Định. Trước thử thách này, ai nấy đều lo cho chị. Nhưng chị nhờ thông ngôn nói thẳng với nó: "Theo đúng luật, ông không có quyền bắt tù chính trị làm trò chơi nguy hiểm này. Nhưng để chứng tỏ là chúng tôi không sợ chết, tôi vui lòng cầm chai cho ông bắn, nhưng chỉ một lần này mà thôi!".

Và chị Định ung dung cầm chai bước tới vạch ghi sẵn, bình tĩnh đưa cao chai không lên đầu cho tên chủ ngục bắn. Hành động dũng cảm này khiến thằng Đẹt trọng nể nhóm nữ tù chính trị trong căng Bà Rá.

Năm 1943, Nguyễn Thị Định mãn án tù, rời căng Bà Rá trở về quê nhà. Năm sau, Việt Minh ra đời , bà vận động chị em trong làng Lương Hòa và các xã kế cận trong huyện Giồng Trôm chuẩn bị sẵn sàng để cướp chính quyền vào cuối tháng 8.1945. Bà Định được bầu vô Ban chấp hành Hội Phụ nữ Cứu quốc Bến Tre. Năm 1946, Nguyễn Thị Định được cử ra Trung ương báo cáo tình hình tỉnh Bến Tre và cả Khu 8 đồng thời xin Trung ương chi viện vũ khí cho Nam Bộ. Các chuyến tiếp tế vũ khí ấy giúp bộ đội ta được vũ trang đầy đủ hơn và tương quan lực lượng giữa ta và địch được cải thiện, không quá chênh lệch như trước. Do thành tích đó, bà được bầu vô Tỉnh ủy Bến Tre vào năm 1947.

Trong chiến dịch Đồng Khởi ở Bến Tre, có một giai thoại về bản lĩnh của bà Định mà báo chí "ngại" đề cập vì hình thức đấu tranh đi ra ngoài thuần phong mỹ tục. Câu chuyện như sau:

Thi hành Nghị quyết 15, dùng bạo lực, lấy sức mạnh quần chúng dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp lực lượng vũ trang đánh đổ chính quyền địch, lập nên chính quyền nhân dân ta. Đồng Khởi nổ ngày 17.1.1960 tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh thuộc huyện Mỏ Cày. Năm ngày sau, Mỹ-Diệm đưa 12.000 quân tới phản kích. Ta cho đồng bào ba xã trên tàn cư ngược với 200 xuồng vô thị trấn Mỏ Cày, đòi quận trưởng rút quân. Cuộc tranh đấu của đội quân tóc dài tiếp diễn trong 12 ngày. Ngày 10.3.1960, Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn xuống thị sát và ra lệnh rút quân.

Thắng lợi ở Mỏ Cày rồi, Tỉnh ủy Bến Tre ra lệnh chuyển sang Giồng Trôm, lấy ba xã Châu Hò, Châu Bình, Phong Mỹ làm nòng cốt, 7.000 phụ nữ Giồng Trôm buộc địch rút. Sau đó, Xứ ủy Nam Bộ quyết định Đồng Khởi toàn Nam Bộ.

Nhưng hãy trở lại chiến trường Mỏ Cày. 10 ngày sau Đồng Khởi, ngày 26.2.1960, địch phản kích. Vẫn tại ba xã trung tâm đồng khởi: Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh. Địch đặt tên cho chiến dịch này là Bình định Kiến Hòa (Kiến Hòa là tên tỉnh Diệm đặt cho Bến Tre). Vẫn chiến thuật cũ, chị em tản cư ngược. 5.000 người của đội quân tóc dài trên 200 xuồng ghe đổ về Mỏ Cày. Hai bên giằng co tới ngày thứ 12. Đại tá Nguyễn Văn Y từng là giám đốc công an Nam phần ra lệnh rút đồng thời giở trò mất dạy buộc binh sĩ ngụy cởi quần để làm nhục chị em đang xuống đường. Nhưng vị chỉ huy của chị em chứng tỏ bản lĩnh hơn, hô hào chị em đồng hè tuột quần và la to lên: “Cho tụi bây coi mặt Ngô Tổng thống của bây đây".

Không ngờ gặp cao thủ bọn lính ngụy quê độ, bỏ chạy như vịt. Đại tá Y mắc cỡ nhảy lên trực thăng hối phi công vọt lẹ.

Sau Đồng Khởi Bến Tre, ta áp dụng đại trà chiến thuật ba mũi giáp công, cùng lúc đánh địch ba mũi chính trị, quân sự và binh vận. Sáng tạo này phần nào được xem là tài năng quân sự của Nguyễn Thị Định. Đầu 1960, bà được tín nhiệm với cương vị Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre. Tháng 5.1961, được bầu Khu ủy viên Khu 8, phụ trách dân vận. Năm 1965, bà Định được bầu Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam, phụ trách phong trào chiến tranh du kích. Năm 1974, bà được phong Thiếu tướng, hai năm sau là Thứ trưởng Bộ Thương binh-xã hội, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau lên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Tháng 6.1987, bà được bầu Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Bà mất ngày 26.3.1992 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #57 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 09:26:10 am »

LAN CÂY THỊ THỦ VAI NỮ KÝ GIẢ DIỆT XẾP BÓT CÂY MAI


Tiểu đoàn 302 hãnh diện có một nữ đội viên biệt động vừa xinh đẹp vừa mưu trí. Lan Cây Thị may mắn được vợ chồng người Pháp chủ sở cao su Bà Đầm (Hóc Môn) xin làm con nuôi từ lúc sơ sinh. Nhờ cha mẹ nuôi cho ăn học tới trung học cô nói tiếng Pháp rất giỏi và đóng vai nữ ký giả Pháp thật đạt. Cô đã diệt được tên trưởng đồn Cây Mai thật êm thấm với vai nhà báo từ Pháp qua viết về chiến tranh Việt Nam. Đây là một màn kịch hoàn hảo mà cô vừa làm đạo diễn vừa là diễn viên.

Chiếc taxi chạy chậm lại rồi đậu ngay trước cổng đồn Cây Mai trong Chợ Lớn. Thằng Tây gác cổng hung hăng chạy ra hất tay đuổi chiếc taxi, không cho đậu trước cổng đồn, nhưng hắn há hốc cái miệng với bộ râu xồm khi thấy từ trong taxi một cô đầm trẻ bước ra. Cô mở bóp da cá sấu có núm vàng trao cho anh ta một danh thiếp, tươi cười và châm một tràng tiếng Pháp:

- Nhờ hạ sĩ vào báo đại úy Trưởng đồn có nữ ký giả từ Paris sang tìm hiểu tình hình an ninh ở Sài Gòn.

Tên hạ sĩ đứng như trời trồng. Lần đầu tiên hắn thấy một cô đầm xinh đẹp duyên dáng như thế. Hắn cứ đứng đực ra, tay cầm tấm danh thiếp, mắt không rời người đẹp. Cô đầm như biết sức hấp dẫn của mình chỉ mỉm cười độ lượng rồi đưa cánh tay trần ngọc ngà của mình ra vẫy nhẹ, đôi môi hồng khẽ nói như mơn trớn kẻ cuồng si:

- Allez-y, je vous en prie! (Đi đi).

Chừng đó, tên hạ sĩ mới tỉnh hồn, chập hai chân lại, đưa tay lên chào:

- Xin mời cô theo tôi!

Đại úy Trưởng đồn Cây Mai cũng không hơn gì tên hạ sĩ râu xồm. Hắn hết nhìn tấm danh thiếp lại nhìn cô đầm. Cô đầm chủ động tiến tới bắt tay, tự giới thiệu:

- Chào đại úy đồn trưởng. Như ông thấy trên danh thiếp, tôi là Domnique Will, đặc phái viên báo Le Monde Diplomatique, từ Paris sang đây tìm hiểu về tình hình an ninh...

Đại úy Trưởng đồn nghe giới thiệu, trịnh trọng mời khách quý vô văn phòng. Tên trùm Phòng Nhì này cứ nhìn khách lạ. Có một cái gì khiến hắn chú ý. Cô đầm này quả là xinh đẹp, nói tiếng Pháp giọng Paris không chê được, nhưng... cô ta hơi nhỏ con so với dân Pháp. Cô ta đi giày cao gót bảy phân nhưng chiều cao của cô ta không quá một mét sáu mươi.

Như đoán được ý nghĩa đó, cô nữ ký giả cười thật duyên dáng:

- Ông đại úy có vẻ tiếc cho tôi thiếu chiều cao của dòng giống Gaulois? Thú thật với ông tôi là kết tinh của hai dòng máu Âu Á, cha tôi là người Pháp vùng Camargue, còn mẹ tôi là người Hoa. Do vậy tôi chỉ cao có một mét sáu hai thôi... Nhưng chiều cao hạn chế đó không ảnh hưởng gì tới nghề nghiệp của tôi.

Nói xong, nàng mở bóp da cá sấu đưa ra tờ báo Joumal d'Extrême Orient, đẩy về phía đại úy trưởng đồn:

- Tôi đã đọc mẩu tin nhỏ này. Đây là thành tích đáng kể của ngành an ninh Sài Gòn. Các ông đã diệt được trùm Việt Minh hoạt động phá hoại nội thành. Tên Nam Khá này là Trưởng Ban công tác đã chỉ huy treo cờ tại Pointe des Blagueurs nơi bến tàu Sài Gòn, là tụ điểm có nhiều du khách tới ngắm cảnh đẹp của Hòn ngọc Viễn Đông... Không chỉ treo cờ mà chúng còn gài lựu đạn. Do vậy gây nhiều thương vong cho ngành an ninh của ta.

Tên đại úy Trưởng đồn Cây Mai liếc sơ tờ báo Pháp rồi nhìn cô đầm đang trình bày lưu loát... Gương mặt hắn ta giãn ra, những mối nghi ngờ trước đây dần dần biến mất sau 15 phút quan sát chặt chẽ nữ đặc phái viên tờ báo tên tuổi Pháp quốc.

Bấy giờ hắn mới nhận chuông cho nhân viên mang rượu Tây ra đãi khách quý từ Paris tới. Trong lúc giải khát, hắn được dịp ngắm người đẹp mang hai dòng máu Âu Á. Về ngôn ngữ, cô nàng nói tiếng Pháp không chê vào đâu được Nàng dùng từ thật chính xác, câu cú đúng văn phạm, văn Pháp. Còn về cách ăn mặc thì đúng là phong cách Paris. Quần áo, trang sức đắt tiền đúng thời trang. Cô nàng có vẻ là người mẫu hơn là nữ phóng viên. Son phấn Coty, nước hoa Chanel, nhè nhẹ mà thâm trầm, quí phái. Đến đôi giày cũng là giày da cá sấu made in Italy.

Khi biết trưởng đồn đã ngẩn ngơ trước sức thu hút đặc biệt của mình, cô Dominique đứng lên cáo từ:

- Hôm nay chỉ tới làm quen với đại úy. Xin hẹn sẽ tới làm việc vào vài ngày sau. Sẽ nhờ đại úy giúp cho một ít tư liệu để viết bài về ngành an ninh Sài Gòn đã dũng cảm mưu trí đương đầu với các Ban Công tác thành thiện chiến của Việt Minh.

Đại úy trưởng đồn mừng rỡ. Hắn định mời nàng trở lại thì nàng đã nói điều hắn mong ước. Tâm lý dân Pháp là vui sướng được tiếp chuyện với phái đẹp. Đó là dòng máu của những con gà trống (Les coqs gaulois).

Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân khu 7 được bản báo cáo mật nội dung như sau: "Đã tiếp cận được đại úy Trưởng đồn Cây Mai. Sẽ khai thác hệ thống  tổ chức nội bộ của nhóm tình báo. Sau đó sẽ có kế hoạch khử tên trùm tình báo lợi hại này. Ký lên. LCT".

Trong văn phòng Bộ Tư lệnh Khu 7, không ai biết ba chữ LCT là ai, trừ một mình anh Tám Nghệ (Huỳnh Văn Nghệ) nguyên là Chi đội trưởng Chi đội 10, nay là Khu bộ trưởng thay Trung tướng Nguyễn Bình được vinh thăng ủy viên quân sự Nam Bộ. LCT là chữ tắt của Lan Cây Thị. Lý lịch cô nữ điệp viên này như sau:

Sở Cao su bà Đầm ở Hóc Môn, chủ là hai vợ chồng người Pháp không có con. Trong sở có cặp vợ chồng sinh một cô gái thật xinh. Vợ chồng chủ sở xin làm con nuôi. Do không có con nên con nuôi cũng như con ruột. Cô bé được chăm sóc cẩn thận nên ngày càng xinh đẹp, trắng nõn như cha mẹ nuôi. Thi đậu tiểu học, cô được cha mẹ nuôi đưa vô trường đầm học. Bốn năm sau, cô thi đậu Brevet tương đương với bằng Thành Chung. Đã xinh đẹp lại học giỏi, cô được cha mẹ nuôi khuyên nên sang Pháp học cao học, nhưng lúc bấy giờ tình hình thế giới và trong bước biến chuyển, rồi ta cướp chính quyền tháng Tám năm 1945. Lan - tên nàng - gia nhập Thanh niên Tiền Phong rồi học cứu thương, tham gia bộ đội trấn giữ các đầu cầu quan trọng trong Sài Gòn như cầu Thị Nghè, Cầu Bông, Cầu Kiệu. Thế giặc quá mạnh, dân quân rút ra cố thủ các cầu ngoại thành như cầu Bình Triệu, Cầu Bến Phân. Lan phân vân nửa ở nội thành, nửa rút ra ngoại ô. Đang đắn đo thì chị được giới thiệu tới gặp anh Tám Nghệ, lúc đó mới chỉ là chỉ huy bộ đội Tân Uyên. Anh Tám Nghệ khuyên chị Lan nên dự một khóa quân chính rồi về nội thành hoạt động. Anh phân tích: hoạt động trong nội thành còn quan trọng hơn ra bưng. Vì nội thành là đầu não của kẻ địch. Đánh vào đầu não là tầm quan trọng chiến lược. Một người xinh đẹp lại có trình độ văn hóa Pháp như Lan là một cán bộ nội thành khó kiếm. Và anh Tám bố trí Lan hoạt động nội thành bên cạnh các Ban Công tác thành do trung tướng Nguyễn Bình lập ra từ tháng giêng 1946.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #58 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 09:32:51 am »

Lan đồng ý. Anh Tám bàn kế hoạch cụ thể:

Gia đình Lan chuyển về Cây Thị, xã Bình Hòa (nay là phường 2, quận Bình Thạnh), cô sinh sống bằng nghề dạy học tư, luyện Pháp văn cho học trò thi vô lớp Đệ Nhất (cours Un). Xong đâu đấy, cô giáo Lan vô khu học khóa quân chính. Khóa mở tại An Nhơn Tây, bấy giờ là khu xôi đậu. Pháp muốn vô đây phải tập trung cả trung đội mới dám. Khóa học này dành riêng cho Ban Công tác 5. Một kỷ niệm vui xảy ra khiến cô giáo Lan có một mối tình thật thơ mộng. Đầu kháng chiến có phong trào chống giặc dốt. Chợ An Nhơn Tây có một trạm gác, ai không đọc được một câu ca dao thì phải trở về. Trong khóa có ba cậu học viên nhí thích đùa. Ba cậu đi chợ An Nhơn Tây cho biết, chợt thấy mấy cô dân quân An Nhơn Tây có vẻ ta đây nên quyết tâm đùa. Ba cậu giả không biết đọc, xuống nước xin các cô cho đi qua. Các cô không cho, một cậu nói: "Các chị không cho đi qua thì chúng tôi chạy qua, được không?". Không đợi trả lời, ba cậu phát chạy. Tưởng đùa chơi, ai ngờ ba cô làm dữ. Một cô bồng súng lên bắn chỉ thiên. Tiếng súng làm cả chợ xôn xao. Vì chỉ bắn súng khi Tây đi càn. Khi biết nguyên do, du kích tóm bắt cả ba cậu học viên nhí thích quậy. Chừng điều tra, các cậu khai thật là học viên và xin cho người lên Hố Bò gặp chị Lan là tổ trưởng khóa học.

Bấy giờ Tiểu đoàn 302 là chủ lực của miền Đông đóng ở An Nhơn Tây. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thế Truyện - Năm Truyện - cho người lên  Bời Lời mời cô Lan xuống bảo lãnh cho ba học viên bi giữ tại An Nhơn Tây vì vi phạm kỷ luật.

Chừng gặp cô Lan, anh Năm Truyện không ngờ học viên quân chính có người đẹp như đầm. Anh lân la trò chuyện, cô giáo Lan cũng thích thú được làm quen với một chỉ huy trẻ, đẹp trai, oai hùng với khẩu Colt 12 lủng lẳng nơi chiếc thắt lưng to bản mà nhà binh Pháp gọi là ceinturon. Trong khóa học hai tuần, anh Năm Truyện thường tới thăm cô giáo Lan. Mỗi lần anh đến, các học viên đều vui mừng chào đón anh với chiến lợi phẩm như lựu đạn OF của Mỹ là loại lựu đạn tấn công, ném là nổ và có sức sát thương dữ dội, hơn xa loại lựu đạn do Chi đội 12 sản xuất. Ngoài lựu đạn, anh Năm Truyện còn ủy lạo các học viên gốc Sài Gòn cả giỏ trái cây: chôm chôm, măng cụt, mít tố nữ... Có đêm trăng, hai người cùng sánh vai nhau đi bách bộ trên con đường làng dẫn ra bờ sông Sài Gòn.

Vài ngày sau, nữ phóng viên Dominique điện cho đại úy Trưởng đồn Cây Mai báo tin nàng sẽ tới vào đầu giờ làm việc buổi chiều. Hai người sẽ làm việc suốt buổi chiều đó và nàng mời đại úy tới dự tiệc giã biệt tại khách sạn Majestic,sáng hôm sau nàng sẽ đáp phi cơ Air France sang Nam Vang hội kiến với ông hoàng Sihanouk.

Đại úy trưởng đồn mừng rỡ vì sẽ được gần gũi người đẹp suốt buổi chiều tới tối. Ông ta thắc mắc về việc ai đãi ai. Theo phép xã giao của người Pháp mà cũng là của nhân loại, nam giới là paying sex (giới trả tiền) còn phụ nữ là fair sex (giới người đẹp). Nhà báo Dominique Will giành phần trả tiền là để cám ơn đồn trưởng đã cung cấp tư liệu cho nàng viết bài phóng sự về ngành an ninh Sài Gòn đối phó với nạn phá hoại của các Ban Công tác thành. Trưởng đồn nhất định tranh phần trả tiền đêm tiệc tối nay.

Đúng như cú điện thoại, vào hai giờ, chiếc taxi lại đưa người đẹp có hai dòng máu Âu Á tới đồn Cây Mai. Xe vẫn đậu ngoài cổng đồn, nhưng tên hạ sĩ râu xồm không quát nạt mà nhũn nhặn cúi đầu chào thượng khách của sếp. Đại úy ra tận cổng đón người đẹp.

Trên bàn làm việc đã có đủ nho, táo và rượu Tây chờ giờ giải khát.

Như đã trình bày trước, Dominique ca ngợi tài điều quân diệt địch của đại úy Cụm trưởng tình báo Sài Gòn (chef de réseau) mà sự kiện diệt tên Năm Khá là đỉnh cao.

Được người đẹp ca ngợi, mà người đẹp đây lại là phóng viên của một tờ báo chính trị hàng đầu ở Paris, đại úy trưởng đồn mừng rỡ như mình được ngôi sao Danh Vọng chiếu mạng. Tất cả những thủ thuật săn tin, thủ thuật cấy nhân mối thâm nhập hàng ngũ Việt Minh ở nội thành và ngoại ô đều được anh ta nêu rõ trong báo cáo. Báo cáo chuyên môn này hắn chỉ làm hai bản để trình lên cấp trên bản chính còn bản sao thì nhân tiện biếu không cho nhà báo xinh đẹp đã để mắt xanh tới hắn.

Dominique chăm chỉ ghi chú như một phóng viên rành nghề. Thỉnh thoảng cô đặt vài câu hỏi để đại úy đi sâu vô chuyên môn. Không rõ cô nàng học nghề báo chí ở đại học nào mà khi đặt câu hỏi cũng như khi ghi chú bao giờ nét mặt nàng cũng tươi như hoa, nụ cười của nàng xoa dịu nỗi mệt mỏi trên mặt người mình phỏng vấn. Phái đẹp mà làm nghề phóng viên thì có lợi thế hơn nam giới rất nhiều. Dominique biết các lợi thế đó là làm việc với đầy đủ đức tin. Nàng càng tự tin bao nhiêu thì đại úy cụm trưởng tình báo càng hết lòng phục vụ bấy nhiêu.

Chiếc đồng hồ Westminster trên tường điểm 5 tiếng. Dominique gấp sổ tay lại mỉm cười thật tươi:

- Cuộc phỏng vấn tạm kết thúc. Bây giờ tôi xin phép đại úy về sửa soạn để đúng bảy giờ, tôi xin mời đại úy tới nhà hàng Majestic dự buổi tiệc tôi chiêu đãi riêng đại úy vì đã chịu khó để nửa ngày giúp tôi viết bài phóng sự trên báo Le Mon de Diplomatique. Xin tạm biệt.

Nàng chủ động đưa tay ra cho đại úy bắt.

- Xin phép cô cho tôi được làm tròn nhiệm vụ của giới Paying sex.

Dominique khoát tay kia cười nói:

- Ở đây không nói tới paying hay fair sex. Mà đây là tôi làm nhiệm vụ của một người được đại úy cung cấp tư liệu để viết bài. Người Pháp mình có câu rất hay. Đó là "Les affaires sont les affaires!" (Công việc là công việc đâu ra đấy!). Ta nên sòng phẳng, đúng không đại úy?

Lại cười thật tươi và nhẹ nhàng rút bàn tay ra khỏi hai bàn tay quyến luyến của đại úy.

Khách sạn-nhà hàng Majestic chiếm vị trí đẹp nhất Sài Gòn. Ngồi trên sân thượng khách sạn - tầng năm, du khách có thể nhìn thấy hết chân trời bao la của thành phố sinh đôi Sài Gòn-Chợ Lớn. Sông Sài Gòn uốn khúc, từ Thanh Đa qua Ba Son, Thủ Thiêm đổ ra Khánh Hội, xuôi vê Nhà Bè qua cảng Tân Thuận với hàng hàng lớp lớp tàu khách, tàu hàng. Cờ mấy chục quốc gia theo gió đêm bay phất phơ như đùa giỡn với nhau.

Đúng 7 giờ, đại úy tình báo ăn mặc tươm tất lên tới sân thượng thì được Dominique chào đón tại cửa thang máy. Nàng hướng dẫn khách quý tới bàn tiệc nhỏ nơi một góc kín đáo. Trên bàn trắng được rắc bông nho nhỏ đỏ rực và giữa bàn tiệc có lọ hoa chưng hai cành hoa lys trắng vừa đẹp vừa sang. Hoa lys là tiêu biểu cho dòng vua chúa nước Pháp.

Nội lọ hoa này đã làm đại úy Pháp đánh giá cao cô nhà báo vừa đẹp, vừa lịch lãm.

Dominique nghiêm giọng:

- Ngày mai tôi sang Cambodge hội kiến Sihanouk, khi là thái tử, lúc lại là quốc vương... Tại Việt Nam, đại úy là nhân vật đặc biệt chịu trách nhiệm về ngành an ninh. Tôi cám ơn đại úy đã hết mình giúp đỡ tôi. Đêm nay ta chia tay và chắc chắn là sau này trong nhiều năm tôi sẽ không bao giờ quên được một thanh niên - hay đúng hơn là một tráng niên - đẹp trai, lịch lãm và tận tụy với nghề nghiệp. Còn bây giờ, xin bắt tay vào tiệc. Tôi không đặt menu, ai thích món gì cứ gọi.
Logged
hoi_ls
Thượng tá
*
Bài viết: 5098



« Trả lời #59 vào lúc: 11 Tháng Tám, 2010, 09:36:18 am »

Một lần nữa đại úy tình báo kính phục sát đất cô nữ phóng viên. Nếu như trong giây phút đầu tiên hắn ta có phần cảnh giác vì vóc dáng hơi thấp của cô ta thì bây giờ, phong cách sống đậm đà màu sắc người Pháp đã đánh tan sự cảnh giác kia. Hắn trổ tài hoạt bát:

- Cho phép tôi được ăn theo cái thực đơn của cô. Vì sao vậy? Tôi là người Pháp chôn chân khá lâu ở nơi xứ sở thuộc địa này, làm sao theo kịp một nữ ký giả bôn ba khắp nơi như cô đây.

Dominique lại cười:

- Đại úy đã giao tay lái cho tôi điều khiển thì thật là hân hạnh cho tôi. Vậy xin gọi ba món: món khai vị là món súp củ hành cho nhẹ bụng. Món thứ hai, tôm càng nướng và món thứ ba là món chủ lực "poulet au riz" cơm gà rô ti. Đại úy thấy thế nào? Với phụ nữ, ba món này là vừa, nhưng với đại úy, chắc chưa đủ, xin đại úy cứ tùy nghi gọi thêm.

Tới món thứ ba, Dominique duyên dáng cầm lọ madi xịt lên đĩa cơm gà của đại úy. Nàng vờ sơ ý làm nước chấm văng vô áo vị khách quí. Nàng vội lấy khăn ăn xoa các vết bẩn, nhưng không xong. Nàng xin lỗi rối rít rồi đứng lên, mời khách vào phòng vệ sinh để tẩy xóa.

Đại úy cười thích thú trước vẻ cuống quít của nhà báo. Người đẹp càng lăng xăng, ông ta càng thấy duyên dáng, quyến rũ. Khi nàng đề nghị vào phòng vệ sinh, đại úy nghe theo ngay. Dominique chờ vài phút rồi gõ cửa. Nàng bước vô đóng cửa lại, chĩa khẩu súng có bộ phận hãm thanh bắn liền ba phát vô đầu tên đầu sỏ trùm tình báo. Nàng cẩn thận mở vòi nước tối đa trước khi chĩa súng và bóp cò. Chuyện xảy ra thật bất ngờ, trùm tình báo chết không kịp ngáp.

Dominique cẩn thận gài chốt trước khi đóng cửa phòng vệ sinh. Trên sân thượng, nhạc sống đang trỗi khúc "Dòng sông xanh", cả chục cặp nam nữ đắm đuối dìu nhau trên cánh nhạc. Không ai nghe ba tiếng súng có bộ phận hãm thanh nổ trong phòng vệ sinh, Dominique thanh toán số tiền bữa tiệc, ung dung bước vào thang máy ra đường. Vẫn chiếc taxi quen thuộc chờ đón nàng đưa về xóm Cây Thị.

Sáng hôm sau, báo chí Sài Gòn loan tin đại úy trưởng cụm tình báo đồn Cây Mai bị mưu sát bằng ba phát súng trên sân thượng khách sạn - nhà hàng Majestic. Theo tin chưa được kiểm nhận thì kẻ sát nhân là một thiếu phụ người Pháp đã cùng tới khách sạn với đại úy.

Trong khi đó, trên bàn của Khu trưởng Tám Nghệ có bản báo cáo vắn tắt : Đã thanh toán được tên đại úy trưởng đồn Cây Mai. Đồng đội Năm Khá của chúng ta đã được trả thù. Toàn bộ hồ sơ của Cụm tình báo nội thành Sài Gòn  sẽ gởi về vào ngày mai. Ký tên. LCT

Cái biệt danh nữ phóng viên Dominique Will của báo Le Mon de Diplomatique chỉ có một mình tên đại úy trưởng đồn Cây Mai biết mà thôi. Và hắn đã mang bí mật này xuống âm phủ. Còn cái tên Lan Cây Thị thì ngày càng phổ biến với những chiến công như rải truyền đơn, dán biểu ngữ, treo cờ ném lựu đan... Địch xôn xao với các hoạt động táo bạo trong nội thành. Chúng treo giá cái đầu của Lan Cây Thị rải trắng các khu phố có cơ quan an ninh địch đóng. Nhưng vào một ngày kia, trong công tác đặc biệt, chị bị bao vây. Hai khẩu súng đã nhả hết băng đạn, chỉ còn một viên dành cho chị. Tiếc thay nó lại lép. Chị bị bắt. Địch vui mừng không tả nổi. Tra tấn đủ kiểu vẫn không khai thác được, chúng đày chị ra Côn Đảo và chị đã hy sinh nơi hòn đảo ngục tù.

Hay tin này, cả 10 Ban Công tác thành đều rơi lệ, đặc biệt là bà con nơi Sở Cao su Bà Đầm Hóc Môn và dân chúng vùng Cây Thị. Hình ảnh cô giáo Lan dạy Pháp văn đẹp như đầm vẫn còn sống trong trí nhớ nhiều người.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM