Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 07:32:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Panzer Aces - Chỉ Huy Xe Tăng Đức trong Đệ Nhị Thế Chiến (Franz Kurowski)  (Đọc 132789 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #190 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2013, 09:24:16 pm »

Họ tiến lên, biết chắc luôn có thể dựa vào nhau và sẽ phải chiến đấu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ.

Lúc này cỗ xe nặng nề đã lọt xuống 1 hố đạn pháo bị tuyết che lấp, nó rồ máy và dùng số 1 để leo qua. Lực lượng tiến công ngày 1 tới gần hơn khu vực tập trung quân của địch.

“Ngôi làng kia rồi!” Ernst nói. Họ dừng lại để viên trung úy chỉ huy đại đội bộ binh bắt kịp.

“Chỉ thấy loáng thoáng, nhìn không rõ. Có vẻ không có gì trong đó.”

Song, thiếu úy Ernst lắc đầu.

“Chúng ở trong đó đó…Cái gì thế nhỉ? Nghe như tiếng xích xe tăng và cả 1 đoàn xe lớn.”

“Chúng nó đó, thiếu úy. Trên con đưởng trước mặt ngôi làng.”

Ernst quan sát con đường và nhìn thấy 4 cái bóng đen không biết là cái gì.

“Có thể đó là xe tăng hoặc xe ngựa.” Anh thận trọng nói.

“Hãy gọi mấy cỗ pháo tự hành chống tăng tiến lên trước hội quân với chúng ta”

Đại đội bộ binh đã triển khai quân.

Sau khi gọi 2 cỗ pháo tự hành chống tăng của mình lên và chỉ định vị trí cho họ, Ernst nói: “Tôi sẽ tiến lên trước để trinh sát mục tiêu.”

“Nếu cần thì cậu sẽ nắm quyền trưởng xe, Colany.”

“Rõ, thưa thiếu úy”

Đi cùng với viên trung úy và lính trong sở chỉ huy đại đội, Ernst mon men tới gần con đường.

Với đội hình tản rộng, lính bộ binh đã tiến được 1 nửa khoảng cách tới chỗ con đường, họ dừng lại đợi lệnh.

“Chết tiệt! Chúng là tăng. Đang nổ máy.”

Viên trung úy xúc động nói. Ernst gật đầu. Anh nhìn thấy những lính tăng Nga đang hút thuốc. Ở khoảng cách 250m, tiếng nói chuyện của chúng nghe khá rõ.

“Làm gì đây, Ernst?” viên trung úy hỏi. “Ta tiến vào chứ?”

“Đây là cơ hội ngàn năm có một đó. Ta phải nhanh lên: Phải bắn trước khi chúng nghỉ ngơi xong và vào lại trong xe. Nếu để chúng nó đánh trước thì với những chiếc T-34 và KV-1 kia thì mọi việc sẽ rất tệ.”

“Tốt. Khi anh khai hỏa, tôi sẽ bắn 2 phát pháo hiệu màu xanh và tấn công đồng thời.”

Thiếu úy Ernst chạy về chỗ người của mình. Anh phải nhanh lên, nhanh hơn bao giờ hết.

Anh về đến vị trí và leo lên cỗ pháo tự hành chống tăng của mình. Ernst gọi cho 2 xe kia, lúc này đã tiến đến gần hơn.

“Chúng ta sẽ tấn công bọn xe tăng trên đường. Diều hâu đi bên sườn phải. Đại bàng bên trái. Bắn từ cuối đến giữa đoàn xe đẽ khóa đường rút của chúng. Tôi sẽ đi giữa.”

Cả 2 trưởng xe kia đã hiểu lệnh. Rồi người thiếu úy ngắm bắn. Anh ngồi sau kính ngắm rà soát toàn bộ đoàn xe. Rồi tập trung vào chiếc xe tăng ở giữa. Nó đã nằm gọn trong kính ngắm.

“Chú ý! Bắn!”

Khẩu “88” nổ vang khi bắn, ngay khi đạn chưa chạm vào mục tiêu, 2 phát pháo hiệu màu xanh đã bay vút lên trời.

Viên đạn đã trúng đích. Lửa phụt ra từ khoang động cơ của chiếc xe tăng Nga bị bắn.

Ngay khi đó, có lẽ chỉ chậm hơn chừng nửa giây đồng hồ. Hai cỗ pháo tự hành chống tăng kia đã khai hỏa, báo hiệu 1 cảnh tượng kinh hoàng chưa bao giờ thấy.

Qua ống nhòm, Ernst thấy lính tăng Nga chạy tóe sang 2 bên đường. Một số cố leo vào trong xe tăng của mình nhưng bị súng máy của bộ binh Đức đốn ngã lập tức.

Tiếng la hét của lính tăng Nga xen lẫn tiếng ồn của trận đánh.

Một vài tổ lái đã vào được xe tăng. Ernst thấy 1 số xe tăng LX bắt đầu di chuyển quay qua đối diện với quân tấn công để thu hẹp mục tiêu và chiếm lĩnh vị trí bắn.

Trong khi đó các cỗ pháo tự hành chống tăng vẫn tiếp tục xạ kích. Đạn xuyên giáp rít lên khi bắn trúng vỏ giáp xe địch.

Từ các chiếc xe tăng địch bị loại khỏi vòng chiến lửa cháy sáng rực cùng những cột khói bốc cao. 5 xe T-34 và 1 chiếc KV đã lủi vào màn đêm trốn thoát. Một số tổ lái cố chui được vào trong xe để rồi bị cháy thui trong cỗ quan tài thép của mình.

Bộ binh Đức hò reo xung phong lên phía trước đến chỗ xe tăng địch. Một số lính hồng quân bị thương ra đầu hàng. Lính tăng địch chui ra khỏi chỗ nấp, tay giơ cao lên trời và hoàn toàn bị choáng váng trước trận bão lửa.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #191 vào lúc: 03 Tháng Mười Hai, 2013, 09:24:45 pm »

Một tuyến phòng thủ được lập ra dọc theo con đường. Lính bộ binh giờ đã có thể phòng ngự 1 cách linh hoạt khi trận tấn công tiếp theo ùa đến. Khi cần họ có thể rút khỏi tuyến phòng ngự cũng như đương đầu với quân tấn công tại đó.

Tuyết bắt đầu rơi nặng hạt xuống khi Ernst và lính dưới quyền cho xe quay về nơi đóng quân trong ánh sáng nhợt nạht của sáng sớm ngày 9 tháng 1. Họ rất hạnh phúc khi lại được chui vào nhà mình sau khi đã bổ sung đạn và nạp nhiên liệu cho mấy cái xe.

Các thợ máy bắt tay vào sửa chữa ngay những hỏng hóc của các cỗ pháo tự hành chống tăng nên chúng sẽ lại có thể sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh gọi.

Ngày 9 tháng 1 năm 1944, trong nhật lệnh của tập đoàn quân có thông báo tới việc có 60 xe tăng địch bị tiêu diệt cùng với 27 chiếc khác bị bắn hỏng và những xe này đã được quân Đức tịch thu để sử dụng.

Báo cáo kết thúc rằng: “một lần nữa những chiếc xe Hornisse của tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng hạng nặng 519 lại góp công lớn trong chiến thắng.”

Ngày 7 tháng 2 năm 1944, thiếu úy Ernst được gọi về tiểu đoàn bộ. Khi về đến nơi, anh nhận ra chiếc xe tham mưu của đại tướng do nhìn thấy cờ hiệu và người lái xe.

Tiểu đoàn đang đứng xếp hàng phía sau tòa nhà.

“Ernst, mũ sắt của cậu đâu rồi?” đại úy Strehler hỏi khi nhìn thấy người thiếu úy trẻ.

“Sao lại phải cần mũ sắt ạ?” Ernst hỏi lại.

“Cậu phải xuất hiện trước đại đội và toàn thể tiểu đoàn với quân phục chỉnh tề nhất chứ? Có phải thế không, Ernst?”

Bỗng nhiên, viên thiếu úy nảy ra sáng kiến. Anh vừa định kiếm người để mượn thì vừa hay Schaarschmitt chạy tới chỗ anh.

“Lấy mũ sắt của tôi này, Albert.”

Ernst đội mũ lên đầu rồi bước về chỗ của mình ở đằng trước đại đội.

Tư lệnh trưởng tập đoàn quân bước ra sân. Đại úy Strehler tới báo cáo cho tiểu đoàn trưởng. Rồi anh quay qua báo cáo đại tướng Reinhardt.

“Tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng hạng nặng số 519 đã tập hợp. Thưa ngài đại tướng!”

“Cám ơn anh. Hoppe.”

Vị đại tướng nói lớn 1 câu chúc mừng. 200 tiếng hô đáp lại.

Thiếu úy Albert Ernst bước lên trước. Đại tướng Reinhardt đưa tay ra.

“Thiếu úy Albert Ernst, anh đã trở thành người đạt được nhiều thành tích tiêu diệt xe tăng địch nhất trong trận đánh mùa đông ở Vitebsk. Với việc phá hủy 25 chiếc xe tăng cùng nhiều pháo chống tăng địch, Quốc trưởng đã tặng thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ cho anh. Tôi được vinh dự trao nó cho anh bây giờ. “

Ông nhặt miếng kim loại 2 màu đen, trắng với dải băng màu đỏ đang nằm trong chiếc hộp mở nắp do người phụ tá cầm lên. Thiếu tá Hoppe bước ra phía sau Ernst và bắt đầu buộc giải băng của chiếc huân chương cho anh.

Sau đó viên thiếu tá, người thiếu úy cùng ngài đại tướng đi đều bước dọc theo hàng quân.

Khi tới chỗ đại đội mình, Ernst dừng lại, quay qua và đứng nghiêm chào.

“Kötter!” Anh thì thầm. Nhắc đến người đồng đội đã bỏ mình đó cũng là để tưởng nhớ tới tất cả những người đã chết.

Sau đó 1 lúc lâu, đại tướng Reinhardt nói về “đội ứng cứu Vitebsk” và “những con hổ Vitebsk”. Ông nói với toàn thể bọn họ - cho tới những thợ máy cuối cùng – những lời khen ngợi của những người lính bộ binh đã được pháo tự hành chống tăng nỗ lực giải nguy nhiều lần. Albert Ernst nói về khoảnh khắc đó sau này: “Đó là ngày trọng đại nhất đời, tôi vẫn thấy tự hào khi nhớ tới nó. Nhưng tôi biết tôi được như vậy là do sự nỗ lực của cả những người khác trong tổ lái cùng với 2 tổ lái của 2 chiếc xe khác trong trung đội.”



Tiêu diệt 1 lữ đoàn thiết giáp Nga


Vào cuối trận đánh mùa đông ở Vitebsk, quân Nga bị mất 40.000 lính, với 1203 xác xe tăng nằm lại trên bãi chiến trường rộng lớn. Nỗ lực của các đơn vị chống tăng đã được tuyên dương trong 1 thông cáo của Wehrmacht (lục quân Đức).

“Ngoài sự chiến đấu dũng cảm và kiên quyết của những người lính bộ binh và bộ binh cơ giới, pháo binh, xe tăng các đơn vị chống tăng. Các đơn vị pháo tự hành cùng lính không quân cũng đã đóng vai trò đặc biệt quyết định.”

2 tuần yên tĩnh tiếp theo đó là lúc Albert Ernst được trao tặng huân chương chữ thập hiệp sĩ.

Hoppe đã đề cử người thiếu úy trẻ và đưa ra những tài liệu cần thiết. Ông muốn thấy người được vinh thưởng phải chiến đấu nhiều hơn những người khác trong đơn vị và phải là người có thể chi phối tới diễn biến trận đánh.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #192 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2013, 09:05:30 am »

Thời gian mà thời tiết trở nên ấm áp giữa tháng giêng đã làm cho đường xá trở thành bãi lầy. Trận Vitebsk mùa đông lần 2 bắt đầu ngày 3 tháng 2 năm 1944. Lực lượng hùng hậu của LX lại tiến công nhất là ở hướng tây bắc Vitebsk vùng giữa hồ Loswida và hồ Saronovskoye.

Không lâu sau, quân LX cũng tiến đánh phía đông nam mặt trận Vitebsk. Vào đúng cái ngày thiếu úy Albert Ernst được nhận huân chương chữ thập hiệp sĩ, các trung đoàn quân LX đã tấn công đầu cầu Noviki. Thiếu tá Ludwig Schütte, chỉ huy tiểu đoàn bộ binh của sư đoàn 131, cùng binh sĩ dưới quyền đã đánh bật tổng cộng 21 đợt tấn công. Schütte đã được thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ vì những nỗ lực đó.

Giờ đến lượt các cỗ pháo tự hành chống tăng. Đã có lệnh tấn công. Albert Ernst đã bắn cháy hai chiếc T-34 trong 1 cuộc giao tranh đầu tiên ngắn ngủi.

Tối đó, Ernst báo cáo vối thiếu ta Hoppe: “Có vẻ như đối phương đã trở nên e ngại chúng ta. Chúng không còn sử dụng xe tăng 1 cách ồ ạt như trước nữa, mà chỉ là 1 hoặc 2 chiếc.”

“Việc này sẽ khiến ta khó khăn hơn khi tiêu diệt chúng. Nhưng sức tấn công của địch sẽ không còn vượt trội như trước. Lính bộ binh sẽ cảm ơn vì điều đó.” Ngày hôm sau tất cả pháo tự hành chống tăng đều được gọi tiến ra phía trước. Đã phát hiện được 1 khu vực tập trung của thiết giáp Nga nằm đối diện với vị trí bộ binh và nó phải được trừ khử.

Trong khi đang tiến ra phía trước, các tổ lái nghe rõ tiếng pháo tăng Nga đang bắn đạn trái phá vào các vị trí súng máy Đức.

“Tốc độ tối đa! Tiến lên! Heinrichs tăng ga đi!”

Cỗ pháo tự hành chống tăng bò tót vọt lên. Hai chiếc xe đi cùng chạy ở 2 bên để phòng trường hợp địch từ khu rừng bị bắn phá trơ trụi xuất hiện và đánh thọc sườn mấy cỗ pháo tự hành chống tăng.

Bỗng trên bầu trời phía sau lưng họ có tiếng gầm rú. Chiếc bò tót dừng lại. Tổ lái nhìn lên trời.

“Máy bay Stuka!” Colany reo lên “Stuka đang tấn công!”

Quân dưới mặt đất của Đức đặt tên cho những chiếc Stuka trang bị đại bác là “pháo binh trên trời”

Những chiếc máy bay ném bom bổ nhào lao về phía khu rừng có thiết giáp đang Nga tập trung. Mọi người đều dõi theo những chiếc Stuka đang gào rú tiến tới. Lửa sáng rực khạc ra từ những khẩu đại bác đeo dưới cánh chúng. Tưởng như những cỗ máy bay sẽ va vào ngọn cây, nhưng chúng đã kéo ngược lên và bay ra xa. Một lát sau chúng quay lại và bay ngang qua đầu những cỗ pháo tự hành chống tăng đang chờ đợi.

Máy bay Stuka lại lao về phía khu rừng.Lần này những tổ lái pháo tự hành chống tăng nhìn rõ hơn cuộc không kích. Họ có thể thấy chớp lửa từ họng đại bác và khói để lại từ những viên đạn xuyên giáp của chúng. Trung sĩ nhất Hollmann đột ngột hét lên: “Chú ý! Bắn!”.

Có 8 xe tăng địch đang tới gần. Cả 3 cỗ pháo tự hành chống tăng đều khai hỏa. Hollmann là người đầu tiên ghi điểm từ 1 cú bắn trúng đích. Rồi thì bò tót cũng thành công trong phát đạn thứ 2. Chiếc xe tăng Nga nổ tung.

Trận đánh bắt đầu. Giống như lũ chó săn, mấy chiếc Stuke đã lùa 8 chiếc xe tăng Nga ra khỏi khu rừng và lao đầu vào họng đại bác của mấy cỗ pháo tự hành chống tăng. Cự ly lý tưởng để xạ kích. Xe tăng LX cũng bắn trả. Một viên đạn đã bắn trúng 1 bên xích của chiếc đại bàng , Störtz, người vừa mới báo là đã diệt được 1 xe tăng đối phương, giờ phải cùng tổ lái lo thay xích dưới làn đạn.

“Hollmann! Bắn yểm hộ cho đại bàng!”

Trung sĩ nhất Hollmann đã hạ gục chiếc xe tăng địch vừa bắn hỏng chiếc đại bàng.

Quân Nga hoàn toàn bị bất ngờ. Kế hoạch của chúng đã bị phá sản.

Nạn nhân thứ 2 và 3 của Ernst đã bị ngọn lửa sáng rực bao phủ. Chiếc cuối cùng trong 8 xe tăng Nga và biến vào trong 1 cái rãnh dẫn vào rừng.

“Đuổi theo nó! Chạy vào cái rãnh cạnh mấy bụi cây đó!”

Cỗ pháo tự hành chống tăng chạy hết tốc lực ầm ầm lao qua những hố đạn pháo, những mô đất. Có 1 lần nó suýt nữa thì bị lật nghiêng nhưng rồi thì cũng vượt qua được. Động cơ gầm lên, nó đã tới chỗ được chỉ định trên bờ cái rãnh và tí nữa thì lọt xuống. Cỗ pháo tự hành chống tăng lui lại vài mét. Chiếc T-34 hiện ra ở khúc quanh của cái rãnh, nó đã rơi vào trong tầm ngắm.

Họ chờ đợi. Chiếc T-34 chìa đuôi ra từ khoảng cách 500m.

“Bắn!”

Khẩu “88” nổ vang. Mặt đất dưới xích cỗ pháo tự hành chống tăng bắt đầu lở xuống. Heinrichs nhanh chóng chuyển sang số lùi và cho xe lui lại vài mét.

Một cột lửa phụt ra từ khoang động cơ của chiếc T-34 và vài giây sau thì ngọn lửa đã bao trùm nó. 4 thành viên tổ lái chiếc xe tăng địch không thoát ra được.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #193 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2013, 08:30:39 am »

Lần này Ernst đã nâng tổng số xe tăng địch bị tiêu diệt lên 32 chiếc. Chiến công mới nhất của anh đánh dấu chiếc xe tăng địch thứ 300 bị tiểu đoàn phá hùy.

Trận đánh vẫn tiếp diễn, song nỗ lực của quân Nga đã suy giảm. Những trận tiến công lớn trở nên hiếm hơn. Nhưng quân địch có rất nhiều xe tăng và thiếu úy Ernst và mấy cỗ pháo tự hành chống tăng dưới quyền phải chiến đấu liên tục.

Tăng địch theo nhau vào bảng thành tích của Ernst. Bảng danh sách thành tích của anh ngày càng dài ra. Cái nòng dài của cỗ pháo tự hành chống tăng anh chỉ huy gần như bị những vạch điểm thắng bao kín.

Khi quân Nga chấm dứt trận Vitebsk mùa đông thứ nhì, những người lính của thiếu úy Ernst thở phào nhẹ nhõm. Họ đã phải chiến đấu liên tục từ ngày 8 đến ngày 17 tháng 2 mà vẫn sống sót sau bao hiểm nguy. Họ không còn có thể chịu đựng thêm được nữa.

Sự căng thẳng của trận đánh hằn rõ trên mặt bọn họ. Cùng với lính bộ binh, họ cũng phải chịu đựng tất cả những gian khổ, lo lắng. Hai trận đánh lớn đã lùi vào dĩ vãng sau lưng họ. Giờ tới phần thưởng: Được ngủ thẳng giấc. Những lá thư gửi về nhà sau bao chậm trễ giờ đã được viết xong và gửi đi.

Mối bận tâm chủ yếu của họ trong thời kỳ bình yên này là tân trang bảo dưỡng khí tài. Những cỗ pháo tự hành chống tăng Hornisse đã được đại tu đến mức hoàn hảo để chiến đấu, vì dù ngày hay đêm, quân thù cũng có thể tấn công vào bất kỳ lúc nào.


Nói chuyện với 1 vị thống chế


Cuối tháng 2 năm 1944, các sư đoàn quân Nga lại đánh. Tuy nhiên lần này họ không tấn công ồ ạt như trước mà hầu hết chỉ ở cấp trung đoàn và các đơn vị tiến công chỉ được phối thuộc từ 6 đến 8 xe tăng.

Cỗ pháo tự hành chống tăng bò tót thường xuyên lên tuyến lửa. Thiếu úy Ernst thực hiện hết nhiệm vụ này tới nhiệm vụ khác. Cuối tháng 2, Jolassen từ bệnh viện dã chiến trở về. Anh đã được cho về Đức nhưng lại bỏ trốn và quay ra mặt trận.

Sau khi tới báo cáo thiếu úy Ernst về việc quay về của mình, anh ta cười nói  “Anh sẽ không thể bắt tôi đi được đâu! Thiếu úy”. Tất cả cùng cười ồ vì Jolassen làm bộ như đang rất đau vậy.

“Tốt rồi. cậu có thể quay lại xe đại bàng làm lính tiếp đạn.”

Trong những tuần kế tiếp, mấy cỗ pháo tự hành chống tăng được điều đi khắp nơi. Thiếu tá Hoppe đã thành lập 1 “đơn vị chữa cháy” do Ernst chỉ huy.

Đại đội đã tiến đến đầu cầu Noviki để giải tỏa hai sư đoàn bộ binh 197 và 299. Sau đó nó được lệnh đến bờ tây sông Luchesa để tăng cường cho vị trí chốt chặn Wolosso.

Trận đánh diễn ra khốc liệt. Khu vực này đã đổi chủ 6 lần trong 1 đêm. Quân LX phải chọc thủng chỗ này để tiến sang phía tây. “Đơn vị chữa cháy” lại được gởi đến khu vực này 1 lần nữa vào ngày 4 tháng 3 năm 1944.

“Hãy cẩn thận. Tôi đang tiến ra đây. Mọi người cứ đợi mà xem! Đạp ga đi. Heinrichs!” Ernst gọi lái xe của chiếc Hornisse.

Lính trên xe đang ở trạng thái báo động chiến đấu. Xe tăng Nga có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào từ phía sau cái đỉnh dốc có súng cối của chúng đang bắn.

Mấy chiếc Hornisse tiến lên đồi, xích xe nghiến nát những bụi cây. Tấ cả cùng bò tót đều đột ngột dừng lại.

Không cần ống nhòm Ernst vẫn có thể thấy khu vực xe tăng Nga tập trung. Xe nổ máy, chúng đang chuẩn bị cho trận tấn công tiếp theo. Trong ánh sáng mờ mờ Ernst có thể nhìn thấy sau xe tăng đông đặc lính và lính.

“Tất cả theo tôi! Lên đỉnh đồi! Có xe tăng địch! Cự ly 600m.”

Colany đợi lệnh khai hỏa. Anh nhằm vào chiếc xe tăng bên cánh phải và biết ở khoảng cách này mà bị trúng đạn của khẩu “88” thì chết chắc.

Đối phương vẫn không để ý tới mối nguy hiểm đang tới gần. Tiếng ổn của động cơ xe chúng đã át đi tiếng máy của mấy chiếc Hornissen đang leo dốc.

Vào những giây cuối cùng, khi 7 chiếc xe trong toán chiến đấu Đức đã lên gần đến nơi, quân Nga mới sực tỉnh. Albert Ernst nhìn thấy chiếc xe tăng đầu tiên của Nga bắt đầu di chuyển.

“Bắn!” Anh hạ lệnh.

Tiếng pháo bắn cùng với tiếng đạn va chạm gần như cùng 1 lúc. Viên đạn xuyên giáp từ khẩu pháo 88 ly đã đục thủng giáp 1 chiếc T-34 và làm nó bốc cháy.

Nạp đạn – bắn! Nạp đạn – Bắn!

Những pháo tự hành chống tăng còn lại đã lên tới đỉnh đồi và tham chiến. Có ngay 3, 4 rồi 10 chiếc T-34 xông tới chỗ họ. Dưới chân đồi là góc chết đối với mấy cỗ pháo tự hành chống tăng vì họ không thể chúc nòng xuống tới mức có thể giao chiến được với xe tăng Nga.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #194 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2013, 09:36:45 am »

Một trung sĩ nhất xuất hiện cùng 1 tiểu đội xung kích.

“Thiếu úy! Bọn tôi lo chúng cho!” anh ta la lớn và chỉ tay về phía mấy cái xe tăng đang bắt đầu leo lên đồi.

Ernst gật đầu khi thấy những túi bộc phá cùng mìn chống tăng họ mang theo.

Những cỗ pháo tự hành chống tăng của Ernst cứ bắn cho đến khi các xe tăng địch quay lại và lủi vào trong 1 đám rừng. Từ phía dưới có 1 tiếng nổ ở khoảng cách 200m. Rồi mìn chống tăng và bộc phá thi nhau nổ. Khiến sóng xung kích bạt lên sườn đồi, nhổ tung cả mấy bụi cây.

Từ đỉnh đồi Ernst cùng lính dưới quyền có thể thấy ở bên dưới 3 xe tăng địch bị đánh hỏng. Song một chiếc đã thoát chết và giờ chỉ còn cách ở dưới chừng 60m.

“Đi, Heinrichs! Chạy xuống!”

Chiếc Hornisse bắt đầu di chuyển. Nó phóng xuống đồi 50m rồi quay qua. Ernst nhìn thấy chiếc T-34 đang ở cùng độ cao với họ. Nó đang đứng lại và vừa mới khai hỏa pháo chính.

Chiếc T-34 phơi sườn phải ra. Colany không cần đợi lệnh bắn. Ngay khi chiếc T-34 vừa lọt vào kính ngắm, anh liền bấm nút xạ kích.

Tiếng va chạm lớn kinh khủng. Đạn của khẩu “88” đã xuyên thủng chiếc T-34 và kết liễu đời nó.

Mũi tấn công của quân LX đã bị bẻ gãy. Đội hình phalanx bằng thép đã bị đánh tan. Bộ binh địch theo sau bị quân Đức đánh lui một cách dễ dàng.

Thiếu úy Ernst lúc này đã tiêu diệt được 49 xe tăng địch. Anh đang đứng đầu danh sách, nhưng đây chưa phải là con số cuối cùng trong bối cảnh những đợt tấn công của quân Nga vẫn không hề suy giảm.

Trong 1 đợt tấn công của kẻ thù, những cỗ pháo tự hành chống tăng đã không đến kịp. Nhưng không quân Đức trong trường hợp này đã tới can thiệp. 90 máy bay Bf-110 và Ju-87 đã càn quét tiền duyên. Họ tiêu diệt xe tăng và oanh tạc bộ binh Nga.

Ban ngày tuyết rơi dầy đặc, nhiệt độ ở mức trên 0 độ. Nhưng đêm của tháng 3 thì trời vẫn lạnh và nhiệt độ có khi xuống tới -10 độ C. Những cơn bão đầu năm kéo tới khiến cho đường xá lại lầy lội. Những cỗ Hornissen nặng nề dùng xích cố vượt qua những chỗ bùn sâu tới hàng mét.

Trong cuộc phòng ngự trên mặt trận Luchesa, 9 tiểu đoàn quân Đức phải chống trả 9 sư đoàn cùng 1 lữ đoàn bộ binh và 2 lữ đoàn xe tăng địch. Họ trụ được là nhờ sự nỗ lực của nhưng chiếc Hornisse, tiểu đoàn xe tăng Tiger cùng 6 lữ đoàn pháo tự hành được tập trung trên mặt trận Vitebsk.

Ngày 28 tháng 3, Ernst dẫn những cỗ pháo tự hành chống tăng của mình vào 1 khu vực bắn phá của pháo binh địch. Tin tình báo Đức xác định chính xác có 110 pháo đội LX với 440 khẩu pháo. Chúng đang tiến hành oanh kích dữ dội xuống các vị trí quân Đức.

Bò tót cố vượt qua hỏa lực pháo địch, tiến đến 1 đài quan sát của quân Nga và đã phá hủy nó bằng 4 viên đạn trái phá.

Bộ binh Nga tiến công cỗ pháo tự hành chống tăng. Tổ lái của xe bò tót dùng tiểu liên và lựu đạn đánh trả. Mọi người cùng thở phào nhẹ nhõm khi thấy chiếc diều hâu tới giải cứu.

Quân Nga cố gắng đột phá suốt 5 ngày. Rồi sau khi đã tấn công 50 đợt, bỗng dưng họ dừng lại. Những đợt tấn công này đều có sức mạnh cấp trung đoàn hay sư đoàn. Hơn 80 trận đánh do quân Nga tiến hành diễn ra ở cấp tiểu đoàn và đại đội. 4000 người chết cùng 49 xác xe tăng nằm rải rác phía trước tuyến phòng thủ chủ yếu của Đức.

Chiến trường đã yên tĩnh. Ngày 20 tháng 4 có thông báo tới các đơn vị ở tiền tuyến rằng, thượng tướng Hans Jordan, tư lệnh quân đoàn 6 bộ binh, đã trở thành quân nhân thứ 464 của lực lượng vũ trang Đức được thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ với chùm lá sồi.

Đại tướng Reinhardt đã tới thăm Albert Ernst mấy lần. Binh sĩ trên tiền tuyến nhanh chóng truyền tai nhau : “Người phòng thủ Vitebsk là Reinhardt”

Ngày 26 tháng 5 năm 1944, vị đại tướng trở thành quân nhân Đức thứ 68 được thưởng thanh kiếm và chùm lá sồi. Nhân dịp này ông đã nói: “Tôi cảm thấy hạnh phúc và tự hào khi giành phần thưởng cao quí này cho tập đoàn quân xe tăng 3 của tôi vì những thắng lợi nó giành được trong các trận đánh mùa đông gian khổ ở Vitebsk bị vây hãm.”

Ngày hôm sau, thiếu úy Albert Ernst được mời tới bộ tư lệnh cụm tập đoàn quân Trung tâm. Thống chế Ernst Busch đã mời những người được những quân nhân có phần thưởng cao quí nhất trong cụm tập đoàn quân tới Minsk.

Thiếu úy Ernst đi xe tới sân bay. Những người đi tiễn đều biết cái gì đang chờ anh. Trung sĩ nhất Schaarschmitt nói ra những suy đoán của mình là viên thiếu úy của họ sắp được thưởng chùm lá sồi.

Trung sĩ nhất Hollmann, người vừa được thưởng huân chương chữ thập nước Đức vàng thì đánh cá với tất cả rằng “lão già” sẽ bỏ túi chùm lá sồi khi từ Minsk quay về.

Một số người bạn chấp nhận cá cược, và Hollmann đã thua cuộc vì những diễn biến sau:
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #195 vào lúc: 12 Tháng Mười Hai, 2013, 09:37:06 am »

Các vị sĩ quan đang ngồi chỗ cái bàn lớn trong phòng ăn ở bộ tư lệnh tập đoàn quân. Họ đang kháo chuyện với nhau. Nhìn xung quanh, Ernst thấy có rất nhiều sĩ quan đeo những huân chương cao quý. Anh cảm thấy lo lắng và bước lên ngồi đối diện với ngài tư lệnh trưởng. Vị thống chế hỏi anh, trong khi mọi người đang hút thuốc sau bữa ăn tối, “Sao mà anh lại chưa được thăng chức nhỉ, Ernst? Anh đã làm đại đội trưởng được 1 thời gian rồi…”

Thiếu úy Ernst nuốt nước bọt và trả lời. “Thưa thống chế. Những lính Hornisse chúng tôi không ai nghĩ tới việc thăng cấp đâu ạ. Công việc hàng ngày của chúng tôi là tiêu diệt xe tăng địch hay cũng có thể là chính mình bị diệt.”

“Đó không phải là đáp án cho câu hỏi của tôi. Ý tôi là, tại sao anh lại chưa trở thành trung úy nhỉ?”

“Tôi đã nói, thưa thống chế, rằng tôi còn phải phục vụ nhiều năm nữa với hàm thiếu úy rồi mới được lên trung úy ạ.”

Thống chế Busch quay sang sĩ quan quân lực cụm tập đoàn quân.

“Groeben! Anh thấy sao? Ernst nói có đúng không?”

“Thiếu úy Ernst đã đúng. Anh ta không thể vì được thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ mà được đưa ngay lên trung úy. Phải có thời gian ạ.”

Albert Ernst là 1 sĩ quan dũng cảm khi chiến đấu với kẻ thù. Nên dù việc thăng chức của anh có bị chậm chễ vài tháng thì không chóng thì chầy Ernst rồi cũng sẽ được lên trung úy.

Nhưng rồi thống chế Busch quay qua người thiếu úy.

“Vậy thì thế này, Ernst thân mến, anh sẽ chọn chùm lá sồi hay chức trung úy cho việc tiêu diệt đươc 55 xe tăng địch đây?”

Mọi người nhìn chằm chằm vào người thiếu úy. Ernst đoán phần lớn bọn họ đều ngĩ rằng: chùm lá sồi sẽ khiến anh nổi tiếng hơn và vì thói háo danh của con người, anh sẽ chọn phần thưởng này.

Tuy nhiên, viên thiếu úy lại nghĩ khác. Anh đã cưới vợ và có 2 con nhỏ. Lương của thiếu úy thì ít hơn so với lương trung úy dù cùng thâm niên 12 năm.

“Nếu thống chế cho tôi chọn, thì tôi muốn được thăng lên trung úy ạ.”

Cả phòng ăn lặng đi. Nhiều người chất vấn anh, và Ernst đã trả rằng anh cần nhiều tiền hơn cho bản thân và gia đình, và sẽ cần nó hơn là huân chương.

Rốt cục, Albert Ernst được thăng lên trung úy vì đã dũng cảm đối mặt với quân thù. Với 1 người lính bình thường trong lực lượng Reichswehr, thì đây là 1 bước tiến dài.

Vài tuần sau Ernst được lệnh rời tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng hạng nặng 519. Anh cuối cùng cũng được tham gia 1 khóa chỉ huy dù chưa học qua khóa đào tạo sĩ quan và được chọn làm chỉ huy 1 tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng mới. Trung úy Ernst buộc phải chia tay với các đồng đội.

“Nếu sau này có đủ thẩm quyền thì hãy cho chúng tôi theo nhé, Albert.” Boghut nói. Mấy người khác cũng nêu yêu cầu tương tự.

Người trung úy vô cùng xúc động, vì anh đã từng chỉ huy ngững con người này xông vào bao gian lao nguy hiểm.

Ở trường thiết giáp Mielau, Ernst đã hoàn tất khóa học với kết quả nổi trội. Cuối khóa học người ta nói anh sẽ về phục vụ dưới quyền thiếu tá Noack, người từng được thưởng huân chương chữ thập hiệp sĩ cùng tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng 46 ở Pháp. Chính Noack, vào ngày 17 tháng 1 năm 1942, ở ngoại vi Maxcơva, đã trở thành quân nhân Đức thứ 63 được thưởng chùm lá sồi.

Tiểu đoàn của ông ta được trang bị loại pháo tự hành chống tăng mới rất uy lực là loại Jagdpanther.

Tuy nhiên việc điều động này đã không thành hiện thực. Ernst đã mất dịp học hỏi rất nhiều từ thiếu tá Noack, người đã chỉ huy tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng hạng nặng 654 với những xe Ferdinand trong trận Kursk.

Thay vì vậy, Ernst lại được chọn tham gia vào việc thành lập tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng 1299.

Giờ thì anh đã có cơ hộ để mang các đồng đội cũ từ Nga trở về nhà. Là thủ trưởng của tiểu đoàn tân lập, anh được quyền lựa chọn nhân sự theo ý muốn.

Vậy là các chiến hữu của Ernst đã từ Nga trở về nhà. Tuy nhiên không phải là tất cả bọn họ. Trong chiến dịch lớn hè năm của quân LX nhằm vào cụm tập đoàn quân Trung tâm, tiểu đoàn được triển khai cùng sư đoàn bộ binh 299 và đã phải chịu thương vong nặng nề.

Chỉ thiếu úy Boghut, thượng sĩ Tarlach và thiếu úy Rondorf cùng với Colany và Bretschneider trong kíp xe cũ của Ernst là về được. Những người còn lại đều đã bỏ mạng.

Trong thời kỳ này Ernst có nhiều dịp để về thăm gia đình ở Leipzig. Đây là những tuần xả hơi hạnh phúc. Lần đầu tiên anh mới lại được hưởng những tiện nghi của cuộc sống đời thường.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #196 vào lúc: 13 Tháng Mười Hai, 2013, 01:48:58 pm »

Năm đó mùa hè thật đẹp. Tuy nhiên, cuối cùng thì cũng đến lúc phải đưa tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng mới (ban đầu chỉ mới có 1 đại đội) tham gia chiến đấu. Đơn vị được đưa tới khu vực tây nam Leningrad, là nơi hồng quân đang tung ra 1 chiến dịch tấn công mới. Một lần nữa Albert Ernst lại nằm dưới sự điều động của tập đoàn quân xe tăng 3.

Quân LX đã tới được Njemen gần Olita. Sư đoàn xe tăng số 4 và số 7 đã phóng ra 1 cuộc tiến công từ vùng Babriskis cách 10km phía bắc Orany để tiêu diệt lực lượng này. Trung úy Ernst cùng những cỗ pháo tự hành chống tăng Jagdpanther của mình cũng tham gia vào cuộc tấn công gọng kìm ấy. Một chiến đoàn được thành lập từ các thành phần của trung đoàn 25 xe tăng và trung đoàn 6 bộ binh cơ giới phối hợp. Nó được phân công tấn công bên sườn trái dọc theo tuyến đường đi Olita.

Đại đội có 14 cỗ pháo tự hành chống tăng mới tinh của Ernst và 1 tiểu đoàn bộ binh phối hợp đi bên sườn phải.

Sáng sớm ngày 11 tháng 7, Albert Ernst, lúc này chỉ huy cả 1 tiểu đoàn, khoát tay và những cỗ pháo tự hành chống tăng bắt đầu xuất phát.

“Tiến lên! Các cậu. Chúng ta nếu không vượt qua được thì sẽ bị bọn Nga nện đó.”

Những cỗ pháo tự hành chống tăng Jagdpanther rồ máy tiến lên.

Loại vũ khí chống tăng mới này, chỉ được chế tạo khoảng 200 chiếc, được trang bị pháo chống tăng Pak L/71 88 ly, là một trong những khẩu pháo uy lực và bắn chính xác nhất thời kỳ đó.

Những chiếc Jagdpanther được đưa ra để thử lửa tại vùng Olita này.

Tiếng của thiếu úy Rondorf, trung đội trưởng, người đang dẫn đầu, vang lên trong tai nghe của Ernst: “Có pháo chống tăng địch, thưa trung úy!”

“Mọi người theo tôi! Tấn công!”

Những cỗ pháo tự hành chống tăng to lớn tăng tốc, bỏ xa bộ binh và bộ binh cơ giớ lại phía sau.

Lửa khạc ra từ những bụi cây. Đạn pháo bắn trúng giáp trước những cỗ pháo tự hành chống tăng của Ernst và bật văng ra. Trong tiếng ồn dữ dội đó anh nghĩ rằng sẽ bị điếc mất.

Colany khai hỏa. Khẩu pháo chống tăng mà anh ta chọn bắn tung lên trời.

“Tiến!”

Trung sĩ nhất Zellmann, lái xe của Ernst, chuyển sang số 6. Những cỗ pháo tự hành chống tăng xông đến 1 vị trí pháo phản lực của LX, khi mà 4 xe của bọn chúng đang bắn vào bộ binh Đức.

Những cỗ xe hạng nặng càn thẳng qua vị trí này rồi tiến tới chỗ pháo chống tăng. Khi chúng tới nơi thì lính pháo thủ Nga nhảy ra và bỏ chạy. Nhưng chẳng cách gì thoát được. Những âm thanh khủng khiết phát ra khi các cỗ pháo tự hành chống tăng đè bẹp những khẩu pháo và vùi chúng xuống đất. Chạy thêm 1 quãng ngắn nữa thì họ tới vị trí phòng thủ chủ yếu của quân Nga và đã nhìn thấy con đường đi tới Olita ở phía trước.

Những loạt đạn súng máy cùng pháo phản lực đã biến bãi chiến trường thành 1 hỏa ngục kinh hoàng. Lính bộ binh cơ giới Đức ngoài bãi trống bị tàn sát. Người bị thương kêu khóc đau đớn, còn những ai sống sót thì dùng cả tay và xẻng đào bới đất mềm mùa hè để chui xuống ẩn nấp.

“Cuộc tấn công đã bị chặn lại, thưa trung úy.” Trung sĩ nhất Unterschmitt báo.

Tiếng của Rondorf lại vang lên trên điện đài. ”Có đoàn quân địch trên đường, thưa trung úy!”

“Dàn xe theo hình bán nguyệt và bắn yểm trợ. Tiêu diệt ngay lập tức mọi vị trí địch nhìn thấy. Boghut và Rondorf đi với tôi.”

Trung úy Ernst định dùng chiến thuật thường giành thắng lợi như hồi còn là “Con hổ Vitebsk”. Bất ngờ đột phá, tiêu diệt xe địch làm kẻ thù hoảng loạn. Nếu đối phương chịu thua, anh sẽ dùng toàn đơn vị truy kích và mở đường tới mục tiêu cho bộ binh cơ giới.

Xe của Boghut tiến lên. Rondorf tiến ra từ nơi ẩn nấp ở bên phải phía trước. Ernst theo dõi 2 chiếc xe Jagdpanther đang tiếp cận. Phía trước con dốc, các cỗ pháo tự hành chống tăng có nòng pháo dài cùng với thân trên nhỏ, giáp nghiêng làm cho chúng trở thành 1 khối chắc nịch.

“Ta sẽ bố trí tấn công cách nhau 50m. Mọi người chọn mục tiêu trên đường cho mình. Đánh từ trái qua phải tới giữa đội hình địch.”

Máy xe gầm lên, những cỗ pháo tự hành chống tăng xông lên trước cho đến khi tới 1 vị trí xạ kích thuận lợi có tầm nhìn trống trải.

“Bắn tùy ý!”

Lửa phụt ra từ 3 họng pháo. Đạn pháo lao vào các xe tăng, xe tải, xe bọc thép trong đoàn xe Nga. Xe cộ nổ tung bốc cháy trong khi những cái khác thì bị bắn văng ra khỏi con đường.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #197 vào lúc: 16 Tháng Mười Hai, 2013, 10:35:38 am »

Rondorf báo thành tích về, rồi sau đó tiếng Boghut cũng vang lên trên điện đài. “Diệt được 3 thằng rồi, Ernst.”

Ba cỗ xe xông tới rồi dừng lại bắn. Đạn pháo rít lên bay ngang qua. Chỉ có phần mũi xe có giáp dầy và vát nghiêng là xoay thẳng tới phía quân địch. Dường như không có gì có thể cản nổi bước tiến của chúng.

“Boghut ở lại đây. Tôi và Rondorf sẽ lên trước. Giữ liên lạc với những người khác!”

Trung sĩ nhất Zellmann lái chiếc Jagdpanther xông về phía địch với tốc độ 40km/g. Khẩu súng máy trước mũi xe, do Bretschneider điều khiển bắn vào những lính hồng quân lọt vào tầm nhìn.

“Chúng bắt đầu chạy rồi, Albert!" Rondorf gọi tới.

Quân Nga đã mất 30 xe cộ và 1 số xe tăng. Cuộc tấn công mau lẹ bất ngờ và mạnh mẽ của 3 cỗ pháo tự hành chống tăng đã khiến đối phương hoảng loạn. Lính địch cực kỳ hoảng hốt và bỏ chạy tán loạn.

Những chiếc xe tải đang bốc cháy nằm la liệt trên đường. Một số pháo chống tăng lăn bánh xuống vệ đường định bắn trả liền bị cán bẹp.

“Tiếp tục bắn!” Ernst hô.

Hai khẩu 88 ly tiếp tục cái công việc hủy diệt của chúng, trong khi 2 khẩu súng máy trên xe cũng bắn không ngừng. Quân địch đang rất hoảng loạn.

Đột ngột ,cách khoảng 300m phía trước có 1 chớp lửa. Rồi 1 cú chấn động và chiếc Jagdpanther đứng khựng lại.

“Không thể tiến tiếp nữa, bị bắn văng mất bánh xe rồi, thưa trung úy!” lái xe báo cáo.

“Cẩn thận, Rondorf! Chúng tôi vừa bị bắn trúng.”

“Tôi thấy rồi. Đã sẵn sàng để đón anh ra. Boghut cũng vừa báo qua báo điện đài là sẽ xông vào.”

“Bảo cậu ta ở yên đó!”. Ernst ra lệnh. Nếu chiếc xe khác tiến đến, khẩu pháo chống tăng, vẫn chưa biết đang nấp chỗ nào ,sẽ hạ nó dễ dàng.

“Chú ý! Bọn Nga tấn công!”

Những lính Nga, giờ đã lấy lại bình tĩnh và tập hợp lại thành các toán tấn công, đang xông tới cỗ pháo tự hành chống tăng của Ernst.

“Phòng thủ vòng tròn! Lấy lựu đạn ra!”

Họ mang theo trong xe 2 thùng lựu đạn, và đây chứng tỏ là 1 hành động khôn ngoan. Lính Nga đã tiếp cận chiếc Jagdpanther. Từ các nắp cửa, lựu đạn được ném ra. Qua khe nhìn tổ lái thấy quân Nga gục ngã. Những tên bị thương cố lê ra khỏi khu vực, nhưng những lính Nga khác vẫn đeo bám. Chúng ném chai cháy Molotov, những chai này rơi quá gần và lửa xăng đã thiêu cháy luôn những thương binh kia.

Ernst ném lựu đạn ra từ nắp cửa chỉ huy đang mở. Súng máy trước mũi xe bắn hết cả băng đạn, cố gắng chặn lực lượng chính của quân Nga lúc này đang tiếp cận phía trước xe lại. 5 người lính trong cỗ pháo tự hành chống tăng nghe thấy những tiếng thét, tiếng những loạt súng máy nổ vang và nhìn thấy lửa cháy sáng xung quanh.

Ernst, người chỉ huy đang lãnh trách nhiệm bảo vệ tháp pháo. Một số tên Nga leo lên trên vè chắn bùn. Ernst dùng súng lục bắn chúng rồi hụp xuống để thay 1 băng đạn mới.

Đây là 1 trận đánh sinh tử. Thiếu úy Rondorf nã đạn trái phá vào những toán quân tấn công lớn đang cố gắng tràn ngập chiếc xe tăng bất động.

Trung úy Ernst đã thay băng đạn cuối cùng. Anh đứng lên chỗ nắp cửa bắn ra 4 phát đạn rồi hụp xuống khi 1 loạt máy bay rít qua đầu.

Một lần nữa Ernst lại đứng dậy và chạm mặt với 1 sĩ quan Nga ở khoảng cách không đến 1m. Anh giơ khẩu súng lục lên, dù đã nhanh hơn tên Nga vài phần trăm của giây nhưng khẩu 08 lại tịt. Thay vào đó là tiếng nổ khi tên sĩ quan Nga bắn khẩu súng lục Nagan của hắn. Albert Ernst thấy như bị đánh 1 cú trời giáng vào trán. Viên đạn chui vào đầu ngay dưới tổ hợp nghe nói và xuyên ra đằng sau.

Khi anh ngã vào trong xe, nắp cửa đóng sập lại. Có lẽ viên trung úy đã đóng được nắp cửa tháp pháo do bản năng. Bretschneider chốt cửa lại.

“Chúng nó ở khắp xung quanh ta! Phải tìm đường về với đồng đội. Thưa thiếu úy!” Trung sĩ Feige, pháo thủ trên xe của Rondorf kêu lên.

“Bắn đi! Đạn trái phá!” Người thiếu úy ra lệnh. Đạn pháo dập xuống xung quanh cỗ xe của đại đội trưởng. Những người lính trong xe phải chịu đựng 1 cảm giác kinh khủng. Chỉ có viên chỉ huy đã bất tỉnh là không biết những gì đang diễn ra.

Bretschneider gỡ tai nghe đẫm máu của Ernst ra.

“Chú ý! Đại đội trưởng bị thương nặng rồi. Anh phải đưa tụi tôi ra nếu không anh ấy chết mất.”

Họ băng bó cho trung úy, dùng băng quấn quanh đầu, lấy 1 miếng gạc dầy đặt trên lỗ thủng phía trước và sau đầu rồi buộc chặt lại.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #198 vào lúc: 17 Tháng Mười Hai, 2013, 09:39:26 am »

“Tiến lên! Bắn thêm 4 phát nữa rồi xông vào! Nössgen chuẩn bị sẵn móc rồi đưa cho tôi.”

“Để tôi móc nó cho, thiếu úy!” lái xe Herbert Nössgen trả lời.

“Vậy thì tốt!”

Đã bắn xong phát cuối cùng và cỗ pháo tự hành chống tăng bắt đầu tiến lên trước. Nó xông qua 1 toán lính Nga khi chúng đang mải mê ùa tới phía sau chiếc xe của người đại đội trưởng. Nössgen chui ra khỏi cửa lái và ném cái móc thép qua bên kia. Anh ta nhắm giỏi và cái móc đã móc trúng ngay.

Thiếu úy Rondorf dùng súng tiểu liên bắn vào số địch đang nhắm bắn người lái xe của mình. Rồi thì cỗ pháo tự hành chống tăng giật lùi kéo theo cả chiếc Jagdpanther hỏng.

Boghut cùng chiếc xe thứ 3 đã tiến lên và bắn liên hồi. Rondorf lúc này cũng bắn mỗi khi nhìn thấy có xe tăng đuổi theo.

Những chiếc Jagdpanther lùi lại từng mét một. Cuối cùng họ cũng để khu vực tập trung quân địch lại phía sau và dừng lại. Họ bây giờ đã nằm trong phạm vi bảo vệ của những cỗ pháo tự hành chống tăng còn lại.

“Phải đưa chỉ huy trưởng về phía sau càng nhanh càng tốt. Phải di chuyển anh ấy thôi.” Một người trong bọn nói.

Người trung úy vẫn đang bất tỉnh được đặt vào trong 1 cỗ pháo tự hành chống tăng khác và cẩn thận chạy về trạm sơ cứu. Trên đường đi Ernst tỉnh lại và nhận thấy bọn họ đang đi về phía tây. Dù bị thương nhưng anh vẫn cảm thấy nhẹ nhõm. Họ đang đưa anh về tuyến sau và anh sẽ được cứu chữa. Anh nghe tiếng xích xe kêu lách cách, nhìn thấy mặt của những người đang ngồi phía trên. Anh cố mỉm cười nhưng không nổi.

Máu vẫn chảy thấm qua lớp băng. Cái áo jacket màu xanh ô liu dày cộm lên vì máu khô. Máu che khuất cả tấm huân chương chữ thập hiệp sĩ của anh.

Vì mất nhiều máu nên Ernst lại ngất đi. Khi tỉnh lại anh thấy mình đang được 2 người đồng đội khiêng qua cánh đồng khoai tây tới 1 cái lều.

Họ tới sở chỉ huy 1 trung đoàn bộ binh. Người sĩ quan thiết giáp rất bối rối: Tiểu đoàn pháo tự hành chống tăng đã rời khỏi đây. Họ đã tranh cãi với vị trung đoàn trưởng, chỉ huy của đơn vị này. Ernst nghe thấy hết mọi việc cho đến khi lại ngất đi.

Bỗng thiếu úy Boghut, 1 tay khổng lồ người xứ Silesia, xông vào trong sở chỉ huy. Anh cũng đã chạy theo sau khi đánh tan trận địa chống tăng của LX. Boghut đi đến chỗ người bạn của mình và cúi xuống. Rối anh nổi đóa đứng dậy quay sang các sĩ quan kia. “Từ giờ tôi sẽ phải chỉ huy đơn vị. Đó là 1 mất mát lớn. Đừng ai nói gì nữa. Đừng ai trong số các người.”

“Anh làm sao vậy hả?” Vị đại tá kinh ngạc thốt lên.

Sau đó thì Ernst ngồi dậy.

“Không ai ngoài Boghut có thể làm được.” Anh lẩm bẩm 1 mình rồi lại ngã xuống ngất lịm.

Thiếu úy Boghut nắm quyền chỉ huy đơn vị. Ernst được thượng sĩ nhất  Wippermann chở tới trạm sơ cứu. Quân LX vẫn gây sức ép và việc chúng chọc thủng được chỉ còn là vấn đề thời gian. Một giờ sau Ernst đã nằm trong 1 căn lều nhỏ được 1 sĩ quan quân y chăm sóc.

Ernst nói 1 cách khó khăn “Bác sĩ, chỉ cần băng lại là sẽ ổn thôi mà.”

“Băng lại à?” viên bác sĩ đáp lời “Ca này phải về Đức mới chữa được.”

Đâu là những lời cuối cùng Ernst nghe trước khi mê đi. Anh được mổ ngay. Sáng hôm sau khi tỉnh dậy, anh thấy mình đang nằm trong 1 ngôi nhà gỗ cùng với khoảng 2 tá thương binh nặng. Anh nghe họ rên rỉ, kêu la vì đau đớn cùng mùi hôi thối của những vết thương bị nhiễm trùng. Bỗng trước mặt anh hiện ra 1 khuôn mặt thân quen. Đó là Wippermann.

“Anh làm gì ở đây?” Ernst ngập ngừng hỏi.

“Tôi ở đây chăm anh, trung úy. Tôi sẽ ở đây cho tới lúc anh yên vị trên đoàn tàu quân y để về nhà.”

Wippermann làm đúng những lời đã nói với viên sĩ quan chỉ huy của mình, vì không an tâm giao Ernst cho những hộ lý người Nga tình nguyện (Hiwis). Nếu cứ thấy 1 thương binh không còn động đậy, hơi thở yếu thì họ sẽ coi là anh ta chết rồi đem ra xe bò và để vào chỗ những xác chết.

Wippermann cứ ở đó trông coi và đến khi Ernst đã yên ổn trên toa tàu bệnh viện – 1 kiểu bệnh viện dã chiến có giường rơm và gối cho thương binh – thì mới trở về đơn vị. Có lần ,Ernst không biết, Wippermann đã chĩa súng lục dọa 1 số tay Hiwi khi họ định khiêng người trung úy đi.

Khi Ernst nghe được chuyện này, lần đầu tiên anh đã khóc sau bao nhiêu năm. Dù đã được ngọn lửa chiến trận tôi luyện nhưng khi thấy tình đồng đội và lòng trung thành đó, trong giây lát anh đã yếu lòng.

Trung úy Ernst đã được ghi tên vào bảng danh dự (Honor Roll ) của quân đội Đức và được tặng dải băng danh dự. Tại 1 bệnh viện ở Karlsdorf, gần Dresden anh đã được thưởng huy hiệu chiến thương vàng.
Logged
ngthi96
Thành viên
*
Bài viết: 498


« Trả lời #199 vào lúc: 18 Tháng Mười Hai, 2013, 08:53:52 am »

Ở đó, vợ và con anh được phép vào thăm. Người bác sĩ nói rằng cuộc chiến đối với anh coi như đã xong. Ernst không muốn tin điều ấy, mọi thứ sẽ không thể kết thúc vậy được.

Sau vài tuần dưỡng thương, anh đã cảm thấy khỏe hẳn lại dù vết thương nơi đầu vẫn còn đau.

Đến khi hồi phục, Ernst được đến Berlin. Vợ anh nói: “Albert, đứng cố cưỡng lại số mệnh. Việc anh còn sống và ở đây cùng vợ con là 1 món quà tuyệt diệu. Không nên đòi hỏi Chúa nhiều hơn nữa!”

Anh hứa với vợ, vì rất yêu cô và các con, rằng sẽ quay lại cuộc sống đời thường khi hoàn thành tất côngviệc.

Khi vừa đến Berlin, Ernst được triệu tập đến trình diện tướng Bolbrinker. Tại bộ tư lệnh, ông tướng nói anh được chọn cho 1 sứ mạng đặc biệt. Vì biết cả tiếng Anh và tiếng Pháp, anh được gia nhập chiến đoàn đặc nhiệm (Sonderverband ) Skorzeny.

Ernst có biết đại úy SS Skorzeny. Hình ảnh của anh ta đã tràn khắp các mặt báo sau khi anh cùng những lính dù dưới quyền giải cứu được Mussolini. Skorzeny là 1 người cao lớn có 1 vết sẹo trên mặt.

Vậy là Albert Ernst đã trở thành 1 trong số ít sĩ quan lục quân gia nhập chiến đoàn đặc nhiệm Skorzeny. Nhiệm vụ của đơn vị này rất quan trọng và nguy hiểm. Họ sử dụng quân phục lính Mỹ cùng xe cộ chiến lợi phẩm, vượt qua phòng tuyến đối phương để gây rối và gieo giắc hoảng loạn ở hậu phương của chúng. Đây là 1 phần kế hoạch trong chiến dịch tấn công Ardennes.

Albert Ernst trở thành 1 ‘đại úy’ quân Mỹ chỉ huy tiểu đoàn thiết giáp 405 với toàn lính Đức.

Trong thời gian huấn luyện Ernst có nhiều dịp nói chuyện với Otto Skorzeny. Anh ta nói rằng các tên lửa V-3, mà anh đòi, sẽ sớm được sử dụng. Song điều này đã không xảy ra.

Có lần 1 thành viên trong đơn vị xúc phạm Ernst. Anh ta giật lấy huân chương chữ thập hiệp sĩ của Ernst và hỏi: “Anh làm quái gì mà có mảnh sắt này hở?”

Ernst đã phản ứng. Đây là 1 sự xúc phạm đối với anh cùng lính dưới quyền, nhiều người trong số đó đã tử trận. Bản thân anh cũng đã 6 lần bị thương.

Anh bật dậy và đánh gục gã kia. Anh quá đơn độc và Ernst nhanh chóng bị nhốt lại, nhưng rồi được Skorzeny thả ra ngay.

Skorzeny sử xự công tâm và đã trừng phạt cái gã đã xúc phạm danh dự Ernst. Ernst muốn được rời khỏi đơn vị vì đang ở trong 1 vị thế khó xử nhưng không được.

Dù không thành công 100% nhưng chiến dịch Greif đã gieo giắc mối nghi ngờ trong hệ thống chỉ huy quân Mỹ. Lính gác Mỹ đã bắt giữ cả các sĩ quan của mình vì cho rằng họ là biệt kích Đức(Sonderkommando).

Sau chiến dịch, Ernst đi máy bay về Cologne-Wahn. Ở đây anh đã khôn khéo thu xếp được thuyên chuyển về tiểu đoàn bổ sung đóng ở Borna cùng với những người bạn nối khố là trung úy Boghut và thiếu úy Rondorf, những người cũng gia nhập đơn vị biệt kích cùng với anh.

Ernst lại có thể dành nhiều thời gian cho gia đình. 14 ngày sau anh đến tiểu đoàn bổ sung thay thế số 500 (xe tăng Tiger) tại Paderborn. Tại đây anh được huấn luyện trên xe tăng Tiger rồi được gửi đi tham gia vào việc thành lập tiểu đoàn xe tăng Tiger số 512 dưới quyền đại úy Scherf.

Tiểu đoàn này được trang bị loại pháo tự hành chống tăng kiểu mới Jagdtiger, được chế tạo tại nhà máy Hindenburg ở St. Valentin gần Linz, Áo. Ernst rất ấn tượng trước cỗ xe khổng lồ và khẩu pháo 128 ly, cùng cái nòng dài hơn 8m của nó.

Sau khi bắn thử nghiệm trong khu vực Döllersheim, ngày 10 tháng 3 năm 1945, những cỗ pháo tự hành chống tăng mới này đã được tung vào chiến đấu chống lại bàn đạp vượt sông Rhine của quân Mỹ ở Remagen. Đối với những tổ lái đã có kinh nghiệm việc chiến đấu trong các loại xe tăng truyền thống, thì việc chiến đấu trong xe Jagdtiger có một số điểm mới. Trước khi tham chiến thì khóa hãm pháo khi di chuyển phải được tháo ra. Nhắm bắn đòi hỏi phải xoay hướng toàn bộ xe trong do khẩu pháo 128 ly được gắn trên 1 tháp pháo cố định. Nhưng với Ernst và những người đã có kinh nghiệm về pháo tự hành chống tăng khác thì việc chuyển loại sang Jagdtiger không gặp rắc rối gì lớn.

Cuộc tấn công của quân Đức vào bàn đạp Remagen gặp thất bại phần lớn là do quân tấn công không đủ lực. Trung tướng Bayerlein, tư lệnh quân đoàn bộ binh 53 đã đề xuất hoãn cuộc tấn công cho đến khi 3 sư đoàn được chọn cùng vũ khí hạng nặng của họ tới nơi. Đề nghị này bị bác bỏ nên ông ta buộc phải tấn công vào ngày 10 tháng 3. Mệnh lệnh của Hitler là: “Phải dùng các đơn vị có sẵn tiến công ngay lập tức!”

Cuộc tấn công mà đại đội của Ernst có tham gia đã không thành công. Câu châm ngôn của Guderian là đột kích mạnh với lực lượng tập trung đã bị bỏ qua.

Sau khi tấn công thất bại, Ernst cùng những chiếc Jagdtiger của mình được giao nhiệm vụ chặn hậu cho quân rút lui Đức. Những xe Jagdtiger đã chiếm lĩnh vị trí và hạ gục các xe tăng Mỹ đuổi theo từ cự ly 2km, điều này đã chứng tỏ sự chính xác vượt trội của khẩu pháo 128 ly trên Jagdtiger. Ernst cùng đơn vị mình sau đó đã rút về qua Niedernepfen và Obernepfen về Siegen. Một cuộc tấn công đang được lên kế hoạch để giải vây cho ‘cái túi’ vùng Ruhr.
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM