Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 06:25:33 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 826521 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
bichuoi
Thành viên
*
Bài viết: 129


WWW
« Trả lời #280 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2009, 03:20:45 am »

Thiếu tướng Trần Đức Long

Sửa rồi Okie bạn thay lại link ảnh là được
Logged

p900
Thành viên
*
Bài viết: 33


« Trả lời #281 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2009, 01:06:57 pm »

Năm 1948, ông được phong quân hàm Đại tá

Bác ơi chỗ này có nhầm không bác. Vì năm 1958 mới phong quân hàm đầu tiên mà.
Logged
chiangshan
Thành viên
*
Bài viết: 3405


No sacrifice, no victory


WWW
« Trả lời #282 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2009, 03:20:14 pm »

Đầu năm 1948 có 1 đợt phong tướng và đại tá. Rải rác sau đó cũng có vài lần phong đại tá nữa.
Logged

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết cần tra Gúc gồ
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #283 vào lúc: 14 Tháng Tám, 2009, 11:19:54 pm »


Đại tá Hoàng Đạo Thúy (1900-1994), từng giữ các chức vụ: Ủy viên ủy ban Quân sự toàn quốc, Giám đốc Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng đầu tiên Cục Thông tin Liên lạc, Cục trưởng Cục Giao thông Dân binh, Cục trưởng Cục Quân huấn, Cục trưởng Cục Chính trị.

Ngoài ra ông còn từng là: Đại biểu Quốc hội Khóa 1, Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương, Tổng Thư ký đầu tiên Phong trào thi đua ái quốc. Tên họ của ông đã được đặt cho một đường phố tại Hà Nội, phố Hoàng Đạo Thúy.


Đại tá Hoàng Đạo Thúy sinh năm 1900, cũng có nơi ghi là 1897, tại số nhà 7 phố Hàng Đào. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho yêu nước, vốn gốc họ Cung ở làng Kim Lũ, xã Đại Kim, huyện Thanh Trì, nay thuộc quận Hoàng Mai, Hà Nội. Bố ông là cụ Hoàng Đạo Thành hiệu Cúc Lữ đổi họ khi đi thi hương, đỗ cử nhân, làm quan giáo thụ ở các huyện Quốc Oai, Hoài Đức, Đa Phúc, Thuận Thành, Từ  Sơn; làm Tri huyện Quế Dương, Thuận Thành; Thương tá Bắc Ninh, viết Việt  sử tân ước, Việt sử tứ tự, Đại Nam hành nghĩa liệt nữ truyện… Cụ là một chí sĩ trong Phong trào Duy tân. Tên tuổi cụ Hoàng Đạo Thành cũng được đặt cho một đường phố tại Hà Nội. Anh trai của ông là Cử nhân Hoàng Đạo Phương, một thương gia giàu có ở Hà Nội ngày xưa. Chị gái ông là nữ sĩ Hoàng Thị Uyển, tức bà Cả Mọc.

Hoàng Đạo Thúy lúc còn nhỏ theo học tại Trưởng Bưởi (Trường Chu Văn An của Hà Nội bây giờ), rồi làm giáo viên Tiểu học tại Trường Sinh Từ từ những năm 1920, nhiều năm cư trú tại làng Đại Yên.

Trong thời gian dậy học, ông bắt đầu nghiên cứu và tìm hiểu các tài liệu về Hướng đạo của Liên đoàn Hướng đạo Pháp.

Trong những năm 1927-1930, các đoàn Hướng đạo Việt Nam đầu tiên xuất hiện ở miền Bắc, hầu hết đều trực thuộc Hội Hướng đạo Pháp. Năm 1929 Hoàng Đạo Thúy cho in quyển Hướng đạo sinh tại Nhà in Đông Tây ở Hàng Bông.

Trưởng Hoàng Đạo Thúy lập ra Ắu đoàn đầu tiên tên là bầy Lê Lợi vào năm 1931 với tên rừng là Hổ Sứt (sau đổi tên thành Hổ Mài Nanh). Cùng với việc thành lập đoàn Lê Lơi, Trần Duy Hưng lập Thiếu đoàn Hùng Vương.

Năm 1933, Hoàng Đạo Thúy đổi danh xưng là Hướng Đạo Sinh (thay vì Ðồng tử quân) và chọn áo sơ mi màu củ nâu với quần cụt màu xanh nước biển làm đồng phục. Tổ chức và sinh hoạt theo mẫu Hướng đạo Pháp.

Với sự gây dựng của các trưởng đi tiên phong, và sự giúp đỡ của Hướng đạo Pháp, Hướng đạo Việt Nam đã tổ chức được 3 ngành: Ấu, Thiếu và Tráng. Đáng kể nhất là Tráng đoàn Lam Sơn, một trong những tráng đoàn đầu tiên cột trụ của phong trào Hướng đạo Việt Nam tại miền Bắc do Trưởng Hoàng Đạo Thúy hướng dẫn. Ông cũng là tác giả các cuốn Hướng Đạo Đoàn, Đội Của Tôi với bút hiệu Ba Tô. Năm 1936, khi Liên hội Đông Dương được thành lập, ông là một trong những Ủy viên phụ trách ngành Tráng sinh và là Thủ lĩnh của phong trào hướng đạo Bắc Kỳ được người Pháp hết sức nể trọng.

Những năm 40, ông là thành viên Ban biên tập báo Thanh Nghị, phụ trách các vấn đề giáo dục, văn hóa, hướng dẫn thanh thiếu niên theo phương pháp Hướng đạo. Cùng thời điểm, ông tham gia hoạt động phong trào Truyền bá Quốc ngữ, phong trào Cứu tế xã hội ở miền Bắc, Hội viên Hội Tân Việt Nam...Với tinh thần yêu nước, ông gia nhập Việt Minh. Khi Cách mạng tháng 8 thành công, ông nỗ lực hướng hoạt động của phong trào Hướng đạo theo Việt Minh.

Chiều ngày 2 tháng 9 năm 1945, đích thân ông Võ Nguyên Giáp, khi đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ  kiểm Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang đến mời ông đến Bắc Bộ Phủ bàn nhiệm vụ xây dựng hệ thống thông tin liên lạc quân sự trong cả nước. Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Phòng Thông tin Liên lạc trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu được thành lập, ông được cử giữ chức vụ Trưởng phòng đồng thời là Ủy viên Ban Quân sự toàn quốc. Trong Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên (6/1946), ông trúng cử Đại biểu Quốc hội của tỉnh Thái Bình.

Sau đó, ông lphụ trách nhiệm vụ đào tạo cán bộ quân sự cho Quân đội còn non trẻ: là một trong những người gánh vác trọng trách xây dựng Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn. Khi trường này khai giảng khóa 1 ngày 25 tháng 5 năm 1946, ông được cử giữ chức vụ Giám đốc; rồi Cục trưởng Cục Quân huấn.

Năm 1948, trước đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống Pháp, phong trào thi đua ái quốc ra đời. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh mời và bổ nhiệm ông giữ vai trò Chủ tịch Phong trào thi đua toàn quốc với toàn quyền quyết định, toàn quyền bổ nhiệm… miễn sao sau một năm phải có phong trào. Kết quả của phong trào này là Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc tổ chức vào ngày 1 tháng 5 năm 1952 tại Chiến khu Việt Bắc với 154 đại biểu đại diện cho Công Nông Binh Trí thứ. Phong trào thi đua do ông lãnh đạo đã có tác dụng to lớn đối với cuộc kháng chiến, góp phần làm tăng gia sản xuất và tiết kiệm, diệt giặc lập công; thi đua là đoàn kết, là yêu nước, là góp sức gìn giữ hoà bình và dân chủ thế giới, là cải tạo con người. Phong trào thi đua là một hình thức động viên nhân dân ra sức phấn đấu cho thắng lợi của cuộc kháng chiến. Đại hội đã bầu được 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh; 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Nguyễn Quốc Trị. Đó là 7 anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của nhân dân Việt Nam.

Ngày 31 tháng 7 năm 1949, Cục Thông tin Liên lạc ra đời trên cơ sở Phòng Thông tin Liên lạc được thành lập, ông được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng đầu tiên. Hoàng Đạo Thúy tham gia chỉ đạo công tác thông tin trong nhiều chiến dịch quan trọng trong đó có Chiến dịch Biên Giới, Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Sau đó, ông còn lần lượt giữ các chức vụ Cục trưởng Cục Giao thông dân binh, Cục trưởng Cục Chính trị trước khi về hưu và chuyển sang làm Giám đốc Trường Dân tộc Trung ương.

Trường hợp của Đại tá Hoàng Đạo Thúy khá đặc biệt và hiếm có, bởi ông hoạt động trên rất nhiều lĩnh vực khác nhau và trong lĩnh vực nào cũng để lại những dấu ấn đặc biệt. Mà theo đúng như ông đúc kết lại trong câu nói: “Dạy học 28 năm, làm Hướng đạo 15 năm, vào bộ đội 20 năm... Cả đời yêu nước. Làm gì cũng nghĩ yêu nước. Từ dạy học, làm Hướng đạo, vào bộ đội, làm trường Dân tộc, vì yêu nước. Đến cầm bút viết cũng vì mục đích ấy’’.

Một điều rất thú vị ông luôn là ngươì đi đầu, khai sơn phá thạch. Những người hoạt động trong phong trào Hướng đạo Việt Nam từ trước đến giờ, trong và ngoài nước luôn coi ông là ‘’Huynh trưởng của Hướng đạo Việt Nam. Là nhà giáo, lại tích cực nghiên cứu và phát triển phong trào hướng đạo Việt Nam, chứng tỏ một nhãn quan, một tư duy mà đến nay nền giáo dục nước ta vẫn chưa đạt tới đó là kết hợp giữa học và các hoạt động xã hội cho học sinh sinh viên, tùy theo từng cấp để đạt tới một nền giáo dục toàn diện. Là một trong những người đặt nền móng cho công tác đào tạo cán bộ quân sự Việt Nam cụ thể là thành lập Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn rồi sau này là Cục trưởng Cục Quân huấn, ông có công trong việc đào tạo đội sĩ quan cho Quân đội những ngày đầu còn non trẻ, đặc biệt ngay từ đầu các học viên của Trường Võ bị luôn được đặt trong môi trường học tập và chiến đấu, liên kết giữa đào tào và thực tế. Nguồn cán bộ được đào tạo từ ngôi trường là một trong những yếu tố góp phần làm Quân đội Việt Nam từ nhược tiểu liên tục trưởng thành trong Kháng chiến. Là người lãnh đạo đầu tiên của Thông tin Liên lạc, trong những điều kiện thiếu thốn, khó khăn và gần như không có gì sau khi Cách mạng thành công. Sự thành công trong việc truyền mệnh lệnh từ Trung ương, Bộ Tổng tham mưu cho chiến trường miền Nam những ngày đầu Nam bộ kháng chiến, rồi cho đến những chiến dịch lớn sau này như Biên Giới, Điện Biên Phủ thể hiện trình độ tổ chức, quản lý của ông. Một dấu ấn không thể không nhắc đến ở ông đó là trên cương vị Tổng thư ký đầu tiên của Phong trào thi đua yêu nước, phong trào không chỉ những phát triển ở chiến trường Bắc Bộ mà cả Trung Bộ và Nam Bộ, chỉ trong một thời gian ngắn cả một phong trào thi đua sâu rộng khắp các chiến trường, khắp các giới, từ hậu phương đến tiền phương… như nở rộ trong điều kiện mà các phương tiện truyền thông chưa phát triển, liên lạc còn khó khăn…

Là nhà giáo, nhà quản lý giáo dục, nhà hoạt động xã hội, nhà hoạt động chính trị, nhà quân sự rồi nhà văn có uy tín, nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa Hà Nội ông đã để lại nhiều tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực như:
Hướng đạo sinh (1929), Bác Hai Bền (1941), Trai nước Nam làm gì?(1943), Nghề thầy (1944), Những ngày hè vui khỏe, Đi thăm đất nước, Thi đua ái quốc (1948), Thông tin liên lạc sơ lược (1948), Ông cha ta đánh giặc như thế nào? (1959), Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội (1969), Phố phường Hà Nội xưa (1974), Đi thăm đất nước (1978), Lên đường hạnh phúc (1985), Đất nước ta (1980, cùng viết), Hà Nội thanh lịch.

Đại tá Hoàng Đạo Thúy có con là Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính, cháu nội là Kiến trúc sư Hoàng Đạo Cương. Con gái của ông lấy Giáo sư Tạ Quang Bửu.


Sưu tầm và Tổng hợp




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #284 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 04:53:32 pm »


Đại tá Hà Văn Lâu (Sáu Lâu, 9/12/1918) từng giữ các chức vụ : Cục trưởng Cục Tác chiến Bộ Tổng Tham mưu, Chỉ huy trưởng Mặt trận Bình Trị Thiên, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân (E101, Chủ lực Trị Thiên Huế), Đại đoàn phó Đại đoàn 27 Liên khu 5.

Đại tá Hà Văn Lâu từng giữ các chức vụ : Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Việt Nam tại Cu-ba, Đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đại sứ Việt Nam tại Liên hợp quốc.


Hà Văn Lâu sinh vào giờ Ngọ, ngày 9 tháng 12 năm 1918, tại làng Sình nơi ngã ba một bến sông Hương cách Huế không xa. Đây là nơi dòng sông Bồ chảy xuôi về cửa Thuận gặp dòng sông Hương, nơi gặp nhau này nằm kế bên một ngọn núi cao với đỉnh nhô cao nhất là đỉnh Thiên Thai.

Bố ông là cụ Hà Văn Phu, người dân xung quanh thường gọi là thầy Cửu Phu, vốn là một thầy giáo dậy tiểu học trường làng. Theo ông Hà Vă Lâu thì cái tên của ông nó do cha ông thường tối tối xuống bến sông ngồi mà nghe hò trên sông man mác ‘’ Chiều chiều trước bến Văn Lâu. Ai ngồi, ai câu. Ai sầu, ai thảm, ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông. Thuyền ai thấp thoáng bên sông, đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non…’’, cho nên khi vợ đang mang thai cụ bảo ‘’Trai gái chi cũng đặt tên là Lâu… Hà Văn Lâu’’.

Khi ông lên 7 tuổi, cha ông cụ Cửu Phu, qua đời mẹ và bà ngoại ông tần tảo làm lụng nuôi anh em ông ăn học. Sau khi đỗ được bằng Thành chung, nhưng học đến tú tài 1, thì gia cảnh không cho phép tiếp tục ăn học, ông phải thi công chức vào ngạch thư ký Tòa sứ. Rồi ý muốn đi du học ở Pháp thúc đẩy ông xin vào học một trường quân sự của Pháp ở Đông Dương, sau đó ông tốt nghiệp hạ sĩ quan trù bị (1942). Nhưng rồi Pháp giải tác các trường đào tạo huấn luyện và đình chỉ tăng quân, ông buộc lại phải trở về nghề cũ.

Thời gian này, ông gặp bà Nguyễn Tăng Diệu Hương, con nhà dòng dõi quý tộc trong triều đình Huế, nhưng lại có lối sống chân thật, giản dị, chẳng màng son phấn, lại hoạt bát, quán xuyến việc nhà. Hai ông bà lên duyên vợ chồng. Rồi lại vì gia cảnh, ông phải thi vào ngành thương chánh, và được bổ nhiệm trông coi một đồng muối ở phủ Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa vào năm 1943. Chính ở nơi đây, năm 1944, mà ông gia nhập mặt trận Việt Minh.

Cách Mạng Tháng tám thành công, và vì ông đã có kinh nghiệm huấn luyện tự vệ thời tiền Khởi nghĩa, ông được trao nhiệm vụ ủy viên quân sự Nha Trang, hiệu trưởng trường huấn luyên quân sự Đồng Đế. Đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ đấy.

Pháp trở lại chiếm Nam Bộ rôi Nam Trung Bộ, lúc đó mới vào cuối tháng 10/1945, ông là chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng mặt trận Nha Trang. Sau khi Hiệp định Sơ bộ 6/3/1945 được ký, ông dược cử làm Trưởng phái đoàn sĩ quan liên lạc của Việt Nam ở Khánh Hòa-Nha Trang,
nhưng rồi chỉ sau 7 tuần lễ đình chiến thì phía Pháp đã khởi hấn tấn công lấn chiếm, bộ đội rút ra Phú Yên, rồi sau đó tổ chức lại quân chủ lực của ba tỉnh Khánh Hòa, Phan Thiết, Ninh Thuận thành một đại đoàn do ông Cao Văn Khánh làm Đại đoàn trưởng và ông Hà Văn Lâu làm Đại đoàn phó. Chiến đấu ở vùng này đến đầu tháng 12/1946, thì mặt trận Ninh Hòa bị vỡ theo ý kiến của ông Nguyễn Chí Thanh kho đó là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ kiêm Chủ tịch Việt Minh Trung Bộ, ông được triệu về Huế làm Trung đoàn trưởng trung đoàn Trần Cao Vân và chỉ huy trưởng mặt trận Huế sau đó kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Thừa Thiên Huế. Ông chỉ huy nơi đây khi Kháng chiến toàn quốc bùng nổ ; sau gần hai tháng vây hãm và giữ chân quân Pháp ở Huế, mặt trận Huế bị vỡ, ông chỉ huy bộ đội rút lên chiến khu Mỹ Hòa xây dựng chiến khu tiếp tục chiến đấu.


Bước vào Thu Đông 1949, khi trên chiến trường chính mở chiến dịch tấn công vào quân đội viễn chinh Pháp ở các tỉnh Hòa Bình, Phúc Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, thì mặt trận Bình Trị Thiên mở chiến dịch phối hợp, do ông Hà Văn Lâu làm chỉ huy trưởng, đánh vào các đồn bốt từ Bắc Quảng Trị đến Nam Quảng Bình, và một số vị trí ở Thừa Thiên-Huế. Rồi ông được cử làm đại biểu Bình Trị Thiên lên Việt Bắc báo cáo tình được gặp Bác.

Năm 1951, sau chiến thắng Thanh Hương, ông Hà Văn Lâu được gọi ra Bắc nhận nhiệm vụ mới : làm Cục trưởng Cục tác chiến ở bộ Tổng tham mưu. Ông tham gia chiến dịch Hòa Bình, rồi
chiến dịch Thu Đông 1952, rồi chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954. Vào giai đoạn này, ông Văn Tiến Dũng nhận chức Tổng tham mưu trưởng thay ông Hoàng Văn Thái chuyển làm phó Tổng tham mưu trưởng, ông Trần Văn Quang làm Cục trưởng Cục Tác chiến thay ông chuyển làm Cục phó, chuyên nghiên cứu đàm phán về mặt quân sự.

Năm 1954, ông được phong quân hàm Đại tá được cử tham gia Đoàn đàm phán Genève với tư cách là chuyên viên quân sự, (làm phó cho ông Tạ Quang Bửu, thày học cũ của ông ở Huế). Sau Giơnevơ, ông Hà Văn Lâu được trao nhiệm vụ làm Trưởng phái đoàn liên lạc cạnh Ủy ban quốc tế giám sát và kiểm soát việc thi hành Hiệp định. Năm 1961-1962, ông tham gia Hội nghị Giơnevơ về Lào, với tư cách là tổng thư ký của phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Rồi sang năm 1968, khi cuộc mở cuộc đàm phán ở Paris, ông được cử làm phó Trưởng Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, còn gọi là « Đoàn 57». Đến đầu 1970 thì ông được điều động trở về nước. Rồi nhận được quyết định chuyển sang ngành ngoại giao làm Trợ lý Bộ trưởng, sau 28 năm trong quân ngũ.

Sang năm 1974, ông được cử làm đại sứ ở Cuba, rồi hơn ba năm sau, chuyển làm đại sứ cạnh Liên hợp quốc; sau đó từ 1984, ông làm đại sứ ở Pháp trong bốn năm, trước khi trở về nước làm Thứ trưởng rồi cố vấn ở Bộ Ngoại giao. Sau khi ông Lê Đức Thọ mất, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh muốn cử ông Lâu làm trưởng Ban Việt kiều trung ương, mà một thời ông đã làm phó nhưng ông xin nghỉ hưu về quê chăm sóc vợ. Năm 1991 ông nghỉ hưu, sau một thời trở về sống ở Huế, gần làng Sình quê cũ, ông bà định cư ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tá Hà Văn Lâu rất phong phú, là một chỉ huy quân sự có tài tham gia chỉ huy nhiều đơn vị như Đại đoàn phó Đại đoàn 27, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Trần Cao Vân, là một trong những người đặt nền móng xây dựng và phát triển Chiến khu đầu tiên của Trị Thiên Huế, tham gia chỉ huy nhiều mặt trận nóng bóng như Ninh Hòa, Trị Thiên Huế rồi làm Cục trưởng Cục Tác chiến, Cục quan trọng nhất của Bộ Tổng Tham mưu. Là một nhà ngoại giao Quân sự rồi nhà ngoại giao thuần túy luôn có mặt tại các mặt trận ngoại giao nóng bỏng Giơ-ne-vơ, Pa-ri rồi đại sứ Liên hợp quốc tại thời điểm khó khăn của Việt Nam. Một điều thú vị nữa, ông là tác giả của đôi dép Trị Thiên huyền thoại đã đi vào thơ ca.

Theo hồi ký Từ bến làng Sinh của Hà Văn Lâu






« Sửa lần cuối: 17 Tháng Tám, 2009, 01:49:43 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #285 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 05:17:33 pm »


Đại tá Trần Hiệu (30.4.1914-1995), từng giữ các chức vụ : Cục trưởng Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Tổng Chỉ huy, Cục trưởng Cục Tình bảo Bộ Tổng Chí huy Quân đội Quốc gia Việt Nam, Cục trưởng Cục Tình báo Chiến lược.

Ngoài ra ông còn giữ các chức vụ : Phó Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ, Phó Giám đốc Nha Công an Việt Nam kiêm Trưởng ty Tình báo Nha Công an, Phó Viện trưởng kiêm Bí Thư Đảng ủy Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Ông được phong quân hàm Đại tá năm 1958.


Trần Hiệu sinh ngày 30-4-1914 tại xóm Gianh - làng Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức - tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình trung nông lớp trên theo Nho học và có truyền thống yêu nước. Năm 1926, mới 12 tuổi, ông đã tích cực tham gia lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh tổ chức ở trường làng. Tháng 6-1929, khi là học sinh lớp nhì đệ nhất cấp ở Trường Bờ Sông - Hà Nội, ông được kết nạp vào tổ chức thanh niên cộng sản. Học hết đệ nhất cấp, ông đi học nghề thợ nguội ở xưởng Tân Thành tại phố Hàng Nón-Hà Nội. Mùa hè năm 1935 ông ra Hải Phòng học nghề sửa chữa xe ô-tô ở trường kỹ nghệ thực hành. Tại đây, ông tham gia làm báo bí mật với đồng chí Nguyễn Quyết (sau là Đại tướng, Phó chủ tịch Hội đồng Nhà nước), Vũ Đức Toa… được 10 tháng thì bị nhà trường phát hiện, đuổi học.

Trở về Hà Nội, Trần Hiệu tham gia hoạt động trong phong trào Mặt trận dân chủ, Hội ái hữu và Đoàn thanh niên dân chủ. Năm 1937 ông được giao phụ trách Phòng quản trị tờ báo Thế giới, tiếng nói của Đoàn thanh niên dân chủ. Năm 1938 ông được đồng chí Trường Chinh, Đào Duy Kỳ giới thiệu vào Đảng cộng sản Đông Dương, sinh hoạt trong chi bộ công khai ở Hà Nội.

Tháng 9-1939 Trần Hiệu bị thực dân Pháp bắt, kết án tù và giam ở nhà lao Sơn La. Tháng 9-1940, ông bị đưa về giam ở xà lim của Sở mật thám Hà Nội. Đầu năm 1941, thực dân Pháp đày ông lên nhà lao Bắc Mê nằm tại một vùng heo hút, ma thiêng nước độc ở tỉnh Hà Giang. Tại đây, ông và các đồng chí chẳng những không nhụt chí trước chế độ giam giữ tàn ác và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, mà còn mau chóng biến lao tù thực dân thành trường học cách mạng, chủ động lãnh đạo tù nhân đấu tranh chống khủng bố, đòi cải thiện đời sống. Vào các dịp lễ tết, chi bộ còn tổ chức biểu diễn văn nghệ rất sôi nổi. Hoạt động của chi bộ đã có ảnh hưởng lớn đến phong trào cách mạng ở các địa bàn lân cận, góp phần biến một số làng bản trở thành cơ sở hoạt động của Đảng bộ địa phương trong những năm 1940-1945. Vì thế thực dân Pháp bèn đưa ông và một số đồng chí về nhà lao Sơn La. Tại đây, ông đã tham gia tuyệt thực phản đối chế độ thực dân.

Giữa tháng 6-1941, ông cùng 7 đảng viên cộng sản và 3 chính trị phạm khác bị đẩy lên tàu hỏa, đưa vào Sài Gòn rồi xuống tàu thủy, đem đi đày ở đảo Ma-đa-ga-xca thuộc châu Phi.

Tại trại tù Ma-đa-ga-xca, Trần Hiệu và các đồng chí của ông, tiêu biểu là Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, sau là Thứ trưởng Bộ Nội vụ), Tô Gĩ (tức Lê Giản, sau là Phó chánh án TAND tối cao), Hoàng Đình Giong (tức Vũ Đức, sau là Khu trưởng khu 9, Khu 6), Nguyễn Văn Ngọc (sau là Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ), Nguyễn Văn Phòng (tức Nguyễn Văn Minh, sau là Chánh án Tòa dân sự-TAND tối cao), Đoàn Ngọc Rê (tức Cao Dương Tiệp, Dương Công Hoạt, sau là Ủy viên Ban dân tộc Trung ương kiêm Phó chủ nhiệm Ủy ban dân tộc của Chính phủ) ra sức tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, quyết không để mình chết dần chết mòn như ý đồ hiểm độc của thực dân Pháp.

Năm 1942, sau khi quân Anh đánh chiếm Ma-đa-ga-xca từ tay lực lượng của chính phủ bù nhìn Vi-si rồi giao lại cho lực lượng của Đờ Gôn kiểm soát, các tù nhân Việt Nam được trả tự do. Trong thời gian chưa tìm ra đường về nước, Trần Hiệu và các đồng chí của mình đã tận tình hướng dẫn dân bản địa cách trồng lúa nước, dệt vải bông, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ và làm nhiều việc hữu ích khác như giúp dân chế tác đồ trang sức, đan các loại giỏ xách, gò dụng cụ nhà bếp, sửa chữa đồng hồ, vì vậy mà được nhân dân và chính quyền bản địa rất quý mến.

Tháng 3-1943 quân đồng minh Anh - Pháp gọi Hoàng Đình Giong và Đoàn Ngọc Rê nhập ngũ. Anh em cộng sản liền nhóm họp. Từ nhận định “hổ có về rừng thì mới là hổ”, họ quyết định lấy lý do muốn về nước chống phát-xít Nhật để tranh thủ con đường của bọn Anh-Pháp, người đi trước tìm cách kéo theo người còn ở lại. Kết quả là ngày 4-6-1943 Phan Bôi, Tô Gĩ, Nguyễn Văn Phòng được gọi nhập ngũ, tới đầu tháng 9 thì đến Trần Hiệu và 12 người khác. Hầu hết được đưa tới Đại đội 1 thuộc cái gọi là “Quân chí nguyện Đông Dương” của lực lượng Đờ Gôn. Tại đây, Trần Hiệu và các đồng chí của ông đã vừa vận động binh lính người Việt, vừa tìm cách tranh thủ, thuyết phục bọn Pháp để bảo toàn đội ngũ, sớm trở về nước.

Đầu năm 1944 Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng được quân Anh đưa tới Kê-ni-a rồi sang Ấn Độ. Họ gặp lại Phan Bôi, được Phan Bôi cho biết người Anh định dùng họ để thực hiện các chương trình phát thanh ở Xít-ni - Ô-xtrây-li-a, Xan Phran-xít-xcô (Mỹ) và Niu Đê-li (Ấn Độ). Vì biết Anh, Mỹ chống cộng sản và sớm muộn gì cũng sẽ chống Liên Xô nên họ tìm mọi cách thoái thác. Rốt cục, người Anh chuyển họ sang hoạt động tình báo, huấn luyện họ về lý thuyết, cách đánh moóc-xơ và dịch mật mã.

Tháng 3-1945 máy bay B-29 của Anh chở Trần Hiệu, Nguyễn Văn Ngọc, Nguyễn Văn Phòng bay từ Đắc-ca qua vịnh Ben-gan, vịnh Thái Lan, biển Đông, vịnh Bắc Bộ vào châu thổ sông Hồng để thực hiện kế hoạch cho họ nhảy dù cùng điện đài xuống khu vực Miếu Môn ở giữa hai tỉnh Hà Đông, Hòa Bình nhưng vì pháo phòng không Nhật bắn lên nhiều, sương mù lại dày đặc nên máy bay phải quay về. Tháng sau, hành trình cũ lặp lại. Lần này, ba người nhảy dù xuống làng Tiên Lữ-huyện Quốc Oai-tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Tuy vùng này có quân Nhật chiếm đóng nhưng nhờ được nhân dân che chở, giúp đỡ, họ đã tìm về được nhà Trần Hiệu ở làng Phúc Lâm - huyện Mỹ Đức và chỉ ít ngày sau đã bắt liên lạc được với Xứ ủy Bắc Kỳ. Phó bí thư Xứ ủy Trần Quốc Hoàn dẫn Nguyễn Văn Phòng đi gặp Tổng bí thư Trường Chinh. Tổng bí thư khen ngợi. Trần Hiệu được giao ẩn náu trong một ngôi chùa ở xóm La Dương-xã La Phù-huyện Hoài Đức, với ba nhiệm vụ: giữ liên lạc bình thường với người Anh, thực hiện liên lạc bằng điện đài giữa Xứ ủy và Trung ương, chuẩn bị chương trình để mở lớp huấn luyện về trinh sát quân sự cho Xứ ủy.

Tháng 8-1945, Trần Hiệu tham gia chỉ đạo khởi nghĩa ở Hà Đông và là người đại diện phía cách mạng tiếp nhận sự bàn giao chính quyền từ Tổng đốc Hồ Đắc Điềm. Sau đó ông được cử phụ trách Phòng án chính trị rồi làm Phó giám đốc Sở công an Bắc Bộ. Ông đã tham gia chỉ đạo lực lượng công an trấn áp có hiệu quả bọn phản động tay sai của Tàu Tưởng, kịp thời phát hiện thực dân Pháp âm mưu dựa vào bọn Đại Việt, Quốc dân đảng để bắt gọn Chính phủ ta nhân lễ duyệt binh kỷ niệm ngày quốc khánh 14-7 của chúng. Ông cũng đã tham gia chỉ đạo phá vụ án Ôn Như Hầu, tiêu diệt bọn phản động Đại Việt, Quốc dân đảng ở Thủ đô Hà Nội.

Ngày 20-3-1947, Cục tình báo thuộc Bộ Quốc phòng-Tổng chỉ huy được thành lập, Trần Hiệu được cử làm Cục trưởng. Ngày 20-1-1948 ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh cử làm Cục trưởng Cục tình báo thuộc Bộ tổng chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam. Tháng 4-1950 Cục tình báo giải thể, ông được cử làm Phó giám đốc Nha công an Việt Nam kiêm Trưởng ty Tình báo-Nha Công an. Ngày 15-7-1951 cơ quan tình báo chiến lược của Đảng và Chính phủ với tên gọi Nha liên lạc thuộc Thủ tướng phủ được thành lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh bổ nhiệm Giám đốc. Ngày 10-6-1957 Nha liên lạc hợp nhất với Cục quân báo-Bộ Tổng tham mưu thành Cục tình báo-cơ quan tình báo chiến lược toàn diện của Đảng và quân đội, ông lại được bổ nhiệm Cục trưởng.

Năm 1958 ông được phong quân hàm đại tá. Là thủ trưởng đầu tiên và trong 13 năm liên tục, ông đã có đóng góp lớn vào việc xây dựng tổ chức, lực lượng, phát triển hoạt động, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành tình báo chiến lược. Đặc biệt, thông qua việc mở các hội nghị toàn quốc, hội nghị công tác, tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ, ông đã góp phần đào tạo nên một lớp cán bộ tình báo chiến lược vừa hồng vừa chuyên, phát huy được tác dụng trong nhiều năm sau.

Năm 1960, sau Đại hội III của Đảng, Trần Hiệu được bổ nhiệm Phó viện trưởng Viện KSND tối cao. Trên cương vị bí thư Đảng ủy dân-chính-đảng các cơ quan trực thuộc Trung ương, ông đã góp phần quan trọng giúp Ban bí thư Trung ương làm tốt các mặt công tác chính trị, tư tưởng, tổ chức, kiểm tra... đối với các cơ quan trực thuộc Trung ương, nhất là trong thời kỳ thực hiện Nghị quyết 9 của Bộ Chính trị (khóa III). Năm 1984, khi vừa tròn 70 tuổi, sau 23 năm làm Phó viện trưởng Viện KSND tối cao, ông mới nghỉ hưu. Ông đã được tặng thưởng huân chương Độc lập hạng Nhất và nhiều huân chương, huy chương cao quý khác.

Theo Báo Quân đội Nhân dân online.




« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 03:20:23 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #286 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 10:31:02 pm »


Trung tướng Nguyễn Thế Bôn (bí danh Thế Hoan, 4.2.1927 – 22h25’ 5.8.2009) từng giữ các chức vụ : Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Quân khu 4, Tư lệnh Quân đoàn 7, Phó Tư lệnh Quân đoàn 4, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 1, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân đoàn 1, Cục trưởng Cục Quân huấn và Cục trưởng Cục nhà trường Bộ Tổng Tham mưu.

Ngoài ra ông còn từng là : Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 5, Chủ tịch Hội Thể thao khuyết tật Việt Nam.

Huân chương Quân công (hạng Nhất, Nhì), Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huân chương Chiến sĩ Giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy chương Quân kỳ quyết thắng, Huân chương Quân công hạng Nhất của Quân đôi Pathét Lào, Huy hiệu 50 năm và 60 năm tuổi Đảng.

Trung tá (1958); Thượng tá (1970); Ðại tá (1973); Thiếu tướng (1977); Trung tướng (1984).


Trung tướng Nguyễn Thế Bôn quê tại Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, thành phố Hải Phòng, tham gia Cách mạng 15 tháng 8 năm 1945, nhập ngũ ngày 1 tháng 11 năm 1946, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương nay là Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 2 năm 1948 (chính thức tháng 6 năm 1948).

Ông tham gia Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đội viên đội tự vệ chiến đấu ở Hải Phòng; tháng 12 năm 1946 nhập ngũ vào đơn vị bộ đội địa phương Kiến An, Hải Phòng; tháng 2 năm 1948, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Từ tháng 1 năm 1948 đến tháng 3 năm 1961 ông giữ các chức vụ: Trung đội trưởng thuộc Tiểu đoàn 56, Trung đoàn 42; Đại đội phó rồi Đại đội trưởng Đại đội 107, Tiểu đoàn 766; Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 766, Trung đoàn 66; Tham mưu trưởng Trung đoàn 9; Trung đoàn trưởng Trung đoàn 66; Tham mưu phó rồi Tham mưu trưởng Sư đoàn 304.

Tháng 4 năm 1961 là Tham mưu phó Quân khu Hữu Ngạn; tháng 11 năm 1961 đến tháng 7 năm 1962 là học viên Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng; học viên Trường quân sự Vô-rô-si-lốp tại Liên Xô.

Tháng 12 năm 1964 đến tháng 6 năm 1969 ông giữ các chức vụ: Cán bộ đốc chiến Cục Tham mưu, Bộ Tư lệnh miền Nam; Tham mưu phó Chiến dịch Đồng Xoài, Miền Đông Nam bộ; Tham mưu trưởng Sư đoàn 9 Miền Đông Nam bộ; Sư đoàn phó quyền Sư đoàn trưởng Sư đoàn 9; Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7.

Tháng 3 năm 1970 đến tháng 3 năm 1982, ông là Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu; Cục trưởng Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu; Tư lệnh Sư đoàn 308; Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân đoàn 1; Phó hiệu trưởng Trường sĩ quan Lục quân 1; Phó tư lệnh Quân đoàn 4; Tư lệnh Quân đoàn 7; Phó tư lệnh-Tham mưu trưởng Quân khu 4; Tư lệnh Quân khu 4.

Tháng 4 năm 1982 ông được bổ nhiệm Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông được bầu là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V. Ông được Đảng, Nhà nước, Quân đội cho nghỉ hưu.

Theo : Báo Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #287 vào lúc: 15 Tháng Tám, 2009, 11:58:27 pm »


Trương Quang Giao (30.3.1910-1983), từng giữ các chức vụ : Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu V, Bí thư Liên khu ủy Khu V.

Ngoài ra ông còn từng là : Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam- Đà Nẵng, Bí thư Ban Cán sự Tây Nguyên, Phó ban Tổ chức Trung ương, Ủy viên Ban kiểm tra Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất Trung ương (hàm Thứ trưởng).


Ông Trương Quang Giao, tên khai sinh là Trương Quang Viên, bí danh là Giao, Tám; sinh ngày 30-3-1910 tại xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, từ nhỏ, Trương Quang Giao đã có tinh thần ham học, có tư duy độc lập. Lúc học ở trường tỉnh, Trương Quang Giao rất ham đọc thơ, phú của các sĩ phu yêu nước, nhất là của các cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu… Năm 16 tuổi, vì hoàn cảnh gia đình, Trương Quang Giao phải thôi học về nhà làm ruộng, làm nghề thủ công phụ giúp gia đình và chính trong thời gian này, Trương Quang Giao đã được tiếp xúc, trao đổi với những người “gieo hạt” cách mạng ở Quảng Ngãi như Nguyễn Thuận, Phạm Hòe...; để rồi đến tháng 9-1930, Trương Quang Giao được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Do hoạt động tích cực, nên từ năm 1930 đến năm 1939, ông bị địch bắt giam đến 4 lần, trong đó lần thứ tư bị kết án tù 5 năm và đày đi Buôn Mê Thuột.

Cuối tháng 12-1944, tại Hội nghị lập lại Tỉnh ủy Quảng Ngãi, ông được cử làm Bí thư Tỉnh ủy và được giao phụ trách chung, phụ trách các huyện phía bắc của tỉnh, xây dựng mối quan hệ với Tỉnh ủy Quảng Nam, đặc biệt phải tìm cách bắt liên lạc với Xứ ủy và Trung ương.

Ngay sau Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi họp bất thường bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị cử ra Ban Khởi nghĩa do ông Trương Quang Giao làm Trưởng ban, phụ trách cánh bắc của tỉnh. Trên cương vị mới, ông động viên tinh thần chiến đấu của cán bộ, đảng viên, nhất là các thành viên Ban Chỉ huy Khởi nghĩa Ba Tơ: "Bất kỳ giá nào, chúng ta cũng phải khởi nghĩa, giành chính quyền Ba Tơ. Chúng tôi sẽ nỗ lực phát động quần chúng đồng bằng vùng lên khởi nghĩa nông thôn để hưởng ứng các ông". Chiều 11-1-1945, cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giành được thắng lợi, chính thức khai sinh một chính quyền và lực lượng vũ trang cách mạng đầu tiên của Quảng Ngãi.

Ngày 10-6-1945, Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi triệu tập hội nghị đại biểu, nhằm bàn công tác vận động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền và bầu Tỉnh ủy, ông Trương Quang Giao được bầu lại làm Bí thư. Mặc dù lúc này số lượng đảng viên của tỉnh chưa nhiều, nhưng Đảng bộ Quảng Ngãi dưới sự lãnh đạo của ông đã từng bước thống nhất được ý chí và hành động, khơi dậy được quyết tâm cao, sáng suốt nắm bắt tình hình, lãnh đạo quần chúng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân vào ngày 18-8-1945.
Từ khi Trung ương Đảng và Chính phủ thành lập Ủy ban Quân dân chính Nam Trung Bộ vào tháng 9-1945, ông được cử làm Chính trị viên, phụ trách Mặt trận Nha Trang, Buôn Mê Thuột, góp phần cùng quân và dân địa phương đấu tranh chống địch lấn chiếm, bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ.

Để thống nhất chỉ đạo, chỉ huy và mở rộng thế trận rộng lớn chống giặc, tháng 11-1946, cấp trên quyết định Quảng Nam và Đà Nẵng nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và chỉ định Liên Tỉnh ủy, do ông Trương Quang Giao - Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, làm Bí thư. Bấy giờ, Quảng Nam - Đà Nẵng là địa bàn trọng yếu, thực dân Pháp đang mở rộng chiếm đóng ra các địa phương phía bắc sông Thu Bồn, đời sống của nhân dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với bản lĩnh, ý chí cách mạng đã được rèn luyện trong thực tế đấu tranh, ông Trương Quang Giao đã bình tĩnh cùng Liên Tỉnh ủy đưa phong trào kháng chiến tỉnh nhà từng bước tiến lên. Từ năm 1946 đến năm 1949, ông cùng với Liên Tỉnh ủy từng bước lãnh đạo quân dân trong tỉnh vượt qua khó khăn, chỉ đạo chuyển cơ quan về căn cứ an toàn, tránh những tổn thất, đấu tranh làm thất bại kế hoạch "đánh nhanh, thắng nhanh" của địch, trấn áp bọn phản cách mạng, xây dựng và củng cố chính quyền, xây dựng Đảng; vận động nhân dân ổn định sản xuất, xây dựng vững chắc vùng tự do, chuẩn bị điều kiện đẩy mạnh cuộc kháng chiến đến thắng lợi. Đặc biệt, những nơi khó khăn, phức tạp, như huyện Hòa Vang, ông đều có mặt, phân tích tình hình rồi đưa vào những quyết sách đúng đắn.

Đầu năm 1949, ông được điều động về công tác ở Liên khu V và tại Đại hội Đảng bộ Liên khu lần thứ nhất (tháng 3-1949), ông được bầu vào Liên khu ủy, sau đó được cử đi học văn hóa ở trường Trung học cán bộ bình dân. Năm 1950, kết thúc khóa học, được cử về làm Bí thư Ban Cán sự tỉnh Đắc Lắc kiêm Chính ủy Trung đoàn 84 (thay ông Đoàn Khuê), Chính ủy chiến dịch Nguyễn Huệ ở Đắc Lắc năm 1950. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Liên khu 5 lần thứ hai (tháng 8-1951), được bầu vào Liên khu ủy 5 và đến năm 1952 bổ sung vào Ban Thường vụ Liên khu ủy 5.

Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông được cử làm Bí thư Liên khu ủy 5. Tháng 3-1955, được cử làm Phó ban Tổ chức Trung ương Đảng. Từ năm 1960 đến năm 1976, ông được cử làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban thống nhất Trung ương và là Ủy viên Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng, ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trong những năm công tác ở miền Bắc, mặc dù các nhiệm vụ được giao đều còn mới mẻ, song ở bất kỳ cương vị công tác nào, ông cũng luôn nỗ lực phấn đấu, đóng góp nhất định vào nhiệm vụ lãnh đạo công tác chung của cơ quan, đóng góp nhiều ý kiến quý báu cho Đảng về đường lối cách mạng miền Nam, đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc...

Năm 1977, sau gần 50 năm hoạt động cách mạng liên tục, ông  được Đảng, Nhà nước cho nghỉ hưu theo chế độ, cùng gia đình về an dưỡng tại thành phố Đà Nẵng và từ trần năm 1983.

Là một cán bộ thuộc thế hệ đầu tiên của Đảng, trong bất cứ hoàn  cảnh nào, ông cũng đều lạc quan, tin tưởng ở thắng lợi của cách mạng. Thời kỳ hoạt động bí mật, tuy nhiều lần bị giam cầm tra tấn, ông vẫn không hề khai báo, tiết lộ điều gì có lại cho Đảng cũng như lúc kháng chiến được Đảng phân công đến những địa phương và chiến trường xa, hay gặp hoàn cảnh khó khăn, phức tạp, ông vẫn giữ vững lòng tin ở Trung ương Đảng, khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu giữ vững phong trào.

Một đặc điểm đáng chú ý ở ông Trương Quang Giao là luôn vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng vào đặc điểm của địa phương, đơn vị mình phụ trách. Đặc biệt, luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, nhất là trong cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Một trong những khả năng công tác của ông Trương Quang Giao luôn được bạn bè, ông ghi nhận là về công tác tổ chức, cả về tổ chức nhân sự và tổ chức công việc. Công việc gì ông cũng tổ chức một cách khoa học nên luôn đem lại hiệu quả cao;  cán bộ nào được ông đề xuất bố trí đều phát huy tốt tác dụng. Lúc nào, ông cũng suy nghĩ và tự đặt cho mình nhiệm vụ phải bảo vệ và giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng, đặc biệt có những sự việc mới mẻ, theo đà phát triển tình hình và nhiệm vụ mới, mặc dù trình độ hiểu biết còn hạn chế song ông nỗ lực, cố gắng nghiên cứu học tập nên dần dần nắm được và ngày càng thấm nhuần các chủ trương của Đảng.

Theo Báo điện tử Quảng Nam và Quảng Ngãi




Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #288 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 04:21:45 am »



Thượng tướng Trần Sâm (tên thật : Trần Hầu ; bí danh : Trần Bá, Đinh Vu ; 5.4.1918 – 19h10’ 13.8.2009), từng giữ các chức vụ : Phó Chỉ huy trưởng Phân khu Bình Trị Thiên, Tư lệnh kiêm Chính ủy Khu 4, Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng Tham mưu, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Kinh tế.

Ngoài ra, ông còn từng là : Bộ trưởng Bộ Vật tư ; Ủy viên Trung ương Đảng khóa 4 ; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước ; Đại biểu Quốc hội khóa 3, 5 và 7.

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba), Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (tháng 8-1959), Trung tướng (tháng 4-1974), Thượng tướng (tháng 1-1986).


Thượng tướng Trần Sâm quê tại xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Từ năm 1935 đến năm 1938, ông theo học ở Trường Kỹ nghệ Thực hành Huế. Ông tham gia Cách mạng năm 1938 khi đang làm công nhân hỏa xa tại ga Tháp Chàm và được giao nhiệm vụ làm giao thông giữa Trung và Nam Bộ. Tháng 6 năm 1939, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tháng 11 năm 1939, ông bị thực dân Pháp bắt bị kết án 5 năm tù,  đày lên nhà lao Buôn Ma Thuột, cùng bị giam với các nhà cách mạng nổi tiếng khác như Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh… Tháng 11 năm 1943, ông ra tù, bắt liên lạc và tiếp tục hoạt động Cách mạng. Tháng 8 năm 1945, ông tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở quê nhà huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Tháng 9 năm 1945, ông được bầu là Ủy viên Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị.

Tháng 3-1946, ông là Chính trị viên Trung đoàn Quảng Trị, tháng 3-1947, kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Quảng Trị. Tháng 9-1948 là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 101, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị. Từ tháng 1-1950 đến tháng 5-1957, ông giữ các chức vụ: Phân khu phó Phân khu Bình Trị Thiên, Tư lệnh kiêm Chính ủy Liên khu 4-Thường vụ Khu ủy, Cục trưởng Cục Quân lực-Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam, Phó Chủ nhiệm kiêm Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần, Cục trưởng Cục Nghiên cứu kỹ thuật.

Ngay sau khi về làm Cục trưởng Cục Quân lực, ông đã bỏ ra nhiều công sức xây dựng chế độ báo cáo, nền nếp quản lý, kiểm tra quân số và trang bị. Bản trích ngang lý lịch để quản lý nhân sự, cách phân loại xe và vũ khí hiện nay về cơ bản dựa trên ý tưởng có từ thời đó.


Tháng 3-1961, ông giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam.Tháng 8-1963 đến tháng 3-1975 ông giữ chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Phó Tổng Tham mưu trưởng, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần-Bí thư Đảng ủy Tổng cục Hậu cần, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, kiêm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật.

Tháng 8-1976, ông được Đảng, Nhà nước bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Vật tư-Bí thư Đảng đoàn Bộ Vật tư. Tháng 12-1976, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng, ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa IV. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa: III, V, VII.


Tháng 6-1982 đến tháng 3-1986 ông giữ các chức vụ: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Xây dựng kinh tế.

Thượng tướng Trần Sâm có một vinh dự và tự hào là nhiều lần được gặp Bác Hồ, được Bác trực tiếp chỉ bảo từ khi còn là Cục trưởng Cục Quân lực ở Chiến khu Việt Bắc. Trong những ngày diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông luôn ở bên cạnh Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại hầm chỉ huy ở Mường Phăng.

Trong những năm Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là người phụ trách Hậu cần Kỹ thuật của Quân đội, ông luôn có mặt trong các đoàn đại biểu của Chính phủ đi khắp các nước trên thế giới tranh thủ sự viện trợ của họ, góp phần không nhỏ vào sự thắng lợi của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Có lẽ, ông là một trong những người giữ cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng lâu nhất, 30 năm.

Thượng tướng Trần Sâm là một người am hiểu kỹ thuật không chỉ vì ông đã học và tốt nghiệp trường kỹ nghệ Huế (1935-1938), mà vì ở bất kỳ cương vị nào, cứ tiếp cận cái mới là ông đọc, học cho kỳ hiểu thấu đáo mọi vấn đề để luôn chủ động khi điều hành. Mấy chục năm chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật của quân đội trong điều kiện vũ khí trang bị của quân đội ta được đến từ nhiều nguồn, lại thường bị tổn thất trong chiến đấu và vận chuyển, Thượng tướng hết sức quan tâm đến vấn đề đồng bộ trang bị. Là người có kiến thức rộng, luôn biết cách hóa giải các tình huống khó khăn, nhưng ông lại rất ít nói về mình.

Những năm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước là thời kỳ Đảng ta bắt đầu khởi xướng công cuộc đổi mới. Là người được đề bạt chức Phó tổng tham mưu trưởng từ năm 1960, nhiều lần tham gia cùng Đoàn Chính phủ ta đi đàm phán về vấn đề viện trợ của các nước bạn Liên Xô, Trung Quốc, từng là Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Vật tư (1976-1982), là Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nên Thượng tướng Trần Sâm rất am hiểu về kinh tế - xã hội. Ông là người luôn tâm huyết với các quan điểm mới. Ngay khi chưa có Nghị quyết Trung ương 2 khóa VI (ngày 9 tháng 4 năm 1987) về phân phối lưu thông, ông đã giảng giải cho cán bộ dưới quyền về sự cần thiết phải đưa thị trường về một giá. Ông cho rằng, giá cả là thước đo trong cơ chế thị trường. Một khi thị trường còn để hai giá thì không bao giờ có sự công bằng trong sản xuất và phân phối. Ông cũng là người đề nghị sớm chuyển việc đảm bảo đời sống cho bộ đội sang cơ chế thị trường. Từ cơ chế cả nước đảm bảo cho chiến đấu sang cơ chế thời bình, ông đã chỉ đạo cơ quan nghiên cứu vấn đề cân đối giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của nền kinh tế cho nhiệm vụ quân sự quốc phòng. Ông luôn mong có một cơ quan kế hoạch tổng hợp giúp Bộ trong việc này.

Thượng tướng Trần Sâm, một con người đã dạn dày trận mạc trên chiến trường Quảng Trị, làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 4 từ thời kháng chiến chống Pháp rồi giữ qua nhiều trọng trách, nhưng ông luôn sống cuộc sống chan hòa, thương yêu mọi người. Ở Thượng tướng Trần Sâm có cả sự sắc sảo trong chuyên môn, lại có cả sự quan tâm đến mọi người của người chính ủy. Tướng Trần Sâm thì ngược lại. Khi còn đương chức, nhà ở gần cơ quan, ông thường đạp xe đi làm cho tiết kiệm xăng xe nhà nước. Xuống đơn vị công tác, ông không đồng ý cho anh em thết đãi tốn kém. Ngôi nhà ông ở mưa lớn có khi dột xối xả, ông cũng không phàn nàn nhiều. Ông sống trong sạch và luôn giữ nguyên tắc.


Theo : Báo Quân đội Nhân dân, Báo Sài Gòn giải phóng, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.





Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
trucngon
Thành viên
*
Bài viết: 1776



« Trả lời #289 vào lúc: 18 Tháng Tám, 2009, 07:52:18 am »

Xin thành kính chí buồn với gia đình thượng tướng!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM