Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:42:01 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hình ảnh & Tiểu sử Lãnh đạo, Tướng lĩnh, Sỹ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam  (Đọc 825418 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #130 vào lúc: 16 Tháng Bảy, 2008, 01:52:32 am »


Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh (1916), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chính ủy Quân khu 4, Cục trưởng Cục Tổ chức trực thuộc Tổng cục Chính trị.

Thiếu tướng (1959).

Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất...


Ông quê ở xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, tham gia Cách mạng năm 1937, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (ĐCSVN) năm 1939, nhập ngũ năm 1947.

Năm 1940 ông bị thực dân Pháp bắt giam. Sau khi được trả tự do (2.8.1945) ông được phân công về hoạt động tại huyện Đông Anh là Bí thư huyện ủy, kiêm Phó Chủ tịch huyện chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8.1945. Sau cách mạng tháng 8, tháng 11 năm 1945, ông được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Phúc Yên rồi tháng 10 năm 1946, là Bí thư tỉnh ủy kiêm Phó Chủ tịch tỉnh Thái Bình.

Tháng 2 năm 1947, trước yêu cầu của của cuộc kháng chiến chống Pháp, ông được điều vào quân đội là Chính ủy, Thường vụ khu ủy Khu 1. Từ 2.1948 đến 1950, ông là Trưởng phòng cán bộ và đảng vụ, Cục phó Cục Chính trị Quân đội quốc gia và Dân quân Việt Nam, Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị.

Năm 1958, ông được cử vào làm Chính ủy Quân khu 4. Tháng 6.1961 ông ra Trung ương và giữ chức vụ Phó Tổng thanh tra Ban Thanh tra Chính phủ.

Tháng 8 năm 1961, ông là Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Từ tháng 3 năm 1964 đến năm 1974, ông là Đoàn ủy Đoàn 959, kiêm Phó ban công tác miền Tây của Chính phủ (CP–38), Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Từ năm 1974 đến năm 1989, ông là Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc, là vị đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc lâu năm nhất đồng thời lại là thời kì căng thẳng, xung đột giữa hai nước.

Ông là ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 3. Năm 1993, ông là Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh Việt Nam.

Theo Từ điển Bách khoa Quân sự Việt Nam.

Chú ý: Trong từ điển không ghi Thiếu tướng Nguyễn Văn Vĩnh từng giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhưng theo một bài viết của Trung tướng Đặng Kinh thì tại thời điểm 1968 ông là Thứ trưởng Bộ quốc phòng.     


Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #131 vào lúc: 27 Tháng Bảy, 2008, 09:04:32 pm »


Đại tá Lê Tâm (tên thật: Nguyễn Hy Hiền, 1921), nguyên Trưởng phòng Quân giới Nam Bộ. Ông là một trong 7 sĩ quan đầu tiên ở Nam Bộ được phong quân hàm Đại tá (1949). Ông được Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng giải thưởng nhà nước Hồ Chí Minh năm 1996.

Đại tá Lê Tâm quê tại làng Niêm Phò, Xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng xã với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Làng quê mà nhà thơ Tố Hữu đã mấy câu thơ viết về:

''Như quê bạn, Niêm Phò trơ trụi
Đạn bom cày cả nương sắn, đồng khoai...''

Bố của của Nguyễn Hy Hiền là cụ Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại từng phụng chiếu Hoàng đế Thành Thái "sung phó chủ khảo" khoa thi hội năm Tân Sửu-1901, cùng cụ chánh chủ khảo Cao Xuân Dục, hiệp biện đại học sĩ, phó tổng tài Quốc sử quán, chấm bài làm của các vị cử nhân "lai kinh hội thí", để lấy đỗ tiến sĩ, phó bảng. Hai cụ Nguyễn Sinh Huy (còn gọi là Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh chủ tịch Hồ Chí Minh) và cụ Phan Châu Trinh cùng đỗ phó bảng trong khoa thi năm 1901 ấy.

Người xưa từng nói: "Sĩ học hy hiền, hiền hy thánh, thánh hy thiên". Nghĩa là: Kẻ sĩ học tập với niềm mong ước trở thành người hiền, người hiền mong ước trở thành bậc thánh, còn bậc thánh thì mong ước trở nên anh minh, khoan thứ như lồng lộng trời cao! Cụ Tiểu Cao chọn đặt tên Hy Hiền cho con trai thứ là nhằm gửi gắm ở anh chút kỳ vọng.

Từ nhỏ, ông đã học rất giỏi. Năm 1939, ông đỗ đầu tú tài Tây, cả ban toán lẫn ban triết ở Huế. Lúc bấy giờ Hội Như Tây du học (một tổ chức khuyến học của Nam triều) mỗi năm cấp một suất học bổng cho học sinh nào xuất sắc nhất trong cả ba kỳ Bắc, Trung, Nam. Nguyễn Hy Hiền được nhận suất học bổng đó. Rời Sài Gòn lênh đênh mấy tháng trời trên cùng một chuyến tàu thủy với Lê Văn Thiêm sang Pháp học. Từ đấy hai người trở thành đôi bạn chí thân.

Sau khi bổ túc kiến thức tại Trường Saint Luis, ông thi đỗ vào Trường Quốc gia Cầu - Ðường, một trong mấy "trường lớn" của nước Pháp. Trước đó mấy năm, Phạm Quang Lễ (Thiếu tướng Trần Ðại Nghĩa) cũng theo học trường này. Căng-tin của trường nằm trong khu la-tinh, cách Trường Ðại học Sư phạm Paris-nơi Lê Văn Thiêm và Trần Ðức Thảo theo học-chỉ vài trăm mét. Hằng ngày, ba người này và Phạm Quang Lễ thường cùng ăn cơm ở căng-tin. Tại Paris hình thành một nhóm trí thức trẻ người Việt hăng hái hướng về cách mạng.

Năm 1946, Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do ông Phạm Văn Ðồng dẫn đầu, sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleu. Các trí thức trẻ Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông, Nguyễn Hy Hiền tình nguyện giúp việc không lương cho Ðoàn.

Khi nghe kỹ sư Hiền tỏ ý muốn về nước tham gia cách mạng, ông Phạm Văn Ðồng tin cậy viết thư giới thiệu để đến khi trở về, nếu bị kẹt lại tại Sài Gòn, thì kỹ sư Hiền có thể liên hệ với cơ sở bí mật ở trong đó. Ðêm 19-12-1946, chiếc tàu thủy chở kỹ sư Hiền ghé cảng Tân Gia Ba (Singapore), đúng vào lúc ở trong nước, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Ngày 23-12, tàu cập bến Sài Gòn. Ông tìm đến nhà bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, lúc đó đang công khai giữ chức giám đốc Viện Pasteur, đưa thư giới thiệu.

Một tháng sau, ông thay bộ đồ Tây sang trọng thường mặc bằng bộ áo quần bà ba đen, lên một chiếc xe thổ mộ lóc cóc chạy về phía Củ Chi. Ðến chỗ vắng, ông xuống xe, lặng lẽ len lỏi qua đồn bốt Pháp, rồi được một chú liên lạc đón, đưa ra bưng biền. Cùng ra bưng biền với ông hôm ấy còn có giáo sư Hoàng Xuân Nhị.

Ngay sau đó, Hoàng Xuân Nhị sáng lập và làm chủ bút tờ báo L'Appel du Maquis (Tiếng gọi Bưng biền) in bằng tiếng Pháp để phát hành vào vùng tạm bị địch chiếm đóng. Còn ông được ông Nguyễn Bình giao phụ trách ngành quân giới, và vào năm 1949, trở thành  một trong bảy sĩ quan đầu tiên ở Nam Bộ được phong quân hàm đại tá. Ngay sau khi ra bưng biền tham gia kháng chiến, ông đổi tên Lê Tâm để bảo vệ cho dòng tộc và gia đình trong vùng bị Pháp chiếm đóng.

Mặc dù quân giới không phải là chuyên ngành của ông, nhưng được tướng Nguyễn Bình tin tưởng giao cho công việc hết sức quan trọng này. Ông đã phải tự học rất nhiều và đã có những đóng góp to lớn cho ngành quân giới Nam Bộ thời kì Kháng chiến chống Pháp.

Chiến trường Nam Bộ không có nơi nào địa hình hiểm trở để có thể xây dựng thành An toàn khu (ATK) như vùng rừng núi Thái Nguyên-Tuyên Quang-Bắc Cạn. Các xưởng quân giới phải đổi chỗ luôn, lúc đóng ở Ðồng Tháp Mười, lúc chuyển đến chiến khu Ð, lúc lui về vùng rừng ngập mặn Bà Rịa - Vũng Tàu. Khu rừng này có loài cây sác chịu mặn, nên gọi là rừng sác. Pháp đến, ta chôn máy xuống đất. Pháp rút, ta lại đào máy lên! Khó khăn là vậy nhưng vẫn xây dựng được những xưởng quân giới lớn, như xưởng của Bộ Tư lệnh Nam Bộ có gần 1.000 cán bộ, công nhân, xưởng của quân khu 8 có 300. Lực lượng quân giới Nam Bộ đông tới 8.000 người. Sống trong rừng lầy lội, đầy muỗi, vắt, thế mà cán bộ và chiến sĩ vẫn chế được súng cối, bộc lôi, địa lôi, đạn súng trường, đạn súng lục, sửa chữa súng, và về sau, còn chế cả SS...

Liên lạc giữa Việt Bắc và Nam Bộ vô cùng khó khăn, thường chỉ bằng điện tín mật mã, ngắn gọn. Năm 1949, mới có một đoàn cán bộ quân giới do kỹ sư Trần Ðại Nghĩa cử vào, mang theo một ít tài liệu về ba-dô-ca và SKZ. Nhưng điều kiện ở rừng sác không giống ở Việt Bắc.

Kỹ sư Lê Tâm nghĩ tới một loại súng có sức công phá bằng cỗ đại bác nặng hàng tấn thép, nhưng chỉ nhẹ khoảng 5-10 kg để anh vệ quốc có thể vác trên vai. Muốn vậy, phải tự chế tạo được đạn lõm, loại đạn mới xuất hiện trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Khi bị kích nổ, đạn lõm chỉ tập trung năng lượng vào một luồng, đủ tạo ra sức nóng tới 3.000 độ C, áp suất hàng trăm át-mốt-phe, chọc thủng vỏ thép xe tăng dễ như chiếc đũa xuyên qua... cục bơ! Lính Pháp ngồi trong xe cháy thành than! Loại súng này không đòi hỏi thuốc đẩy tốt như thuốc con bài, mà có thể dùng thuốc đẩy thông thường của súng cối. Viên đạn lõm to hơn nòng súng, chỉ có chuôi đạn nằm trong nòng. Thuốc đẩy viên đạn bay ra phía trước và, cùng một lúc, đẩy khối lùi (có thể tiện bằng gỗ) bay lại phía sau, do đó triệt tiêu lực giật. Kỹ sư Lê Tâm đặt tên cho loại vũ khí mới này là SS,  nghĩa là Súng Rừng Sác.

Lúc bấy giờ, binh lính Pháp thường ngồi trong xe tăng, xe bọc thép, tàu chiến, nghênh ngang càn quét vùng căn cứ kháng chiến. Súng trường, súng máy, lựu đạn  của ta không thể làm gì được! Nhưng bỗng xuất hiện SS-AT bắn cháy xe tăng! Dòng kênh Nam Bộ bề ngang chỉ rộng chừng 80 mét. Từ trên bờ kênh, các chiến sĩ du kích nấp trong rừng Sác, kẹp khẩu SS-B, SS-L hay SS-88 (cỡ lớn hơn SS-AT) phụt một quả đạn lõm, đạn chỉ cần bay khoảng 40 mét là đã có thể va vào thành tàu, nổ tung, vỏ tàu thủng, nước ùa vào, tàu chìm nghỉm! Ta chỉ mới dùng SS đánh mấy trận, Pháp đã chùn bước, không còn dám ngông cuồng như trước!

Năm 1952, được Trung ương điều động, kỹ sư Lê Tâm "tháp tùng" ông Lê Duẩn, đi bộ một mạch sáu tháng rưỡi từ Nam Bộ ra Việt Bắc, dọc theo con đường mòn sau này sẽ được mở rộng thành đường Hồ Chí Minh. Ðể có thể tiếp nhận vũ khí hạng nặng từ Trung Quốc chở sang, phía Trung Quốc đề nghị ta mở đường mới rộng 8 mét, rộng hơn mặt đường quốc lộ ở Ðông Dương thời ấy (6,5 mét), với độ dốc, độ cua thấp hơn. Ðó chính là  con "đường ta rộng thênh thang tám thước/đường Bắc Sơn - Ðình Cả - Thái Nguyên" mà Tố Hữu ngợi ca trong bài thơ nổi tiếng Ta đi tới. Thật ra, con đường này bắt đầu từ Mục Nam Quan, qua Ðồng Ðăng, rồi mới đến Bắc Sơn, và chạy tiếp về Ðình Cả, Thái Nguyên, dài 150 km, chỉ làm trong sáu tháng, bằng sức người và cuốc xẻng. Tốt nghiệp ngành cầu - đường tại Paris, kỹ sư Lê Tâm được điều từ Nam Bộ ra đây để tham gia chỉ đạo mở đường, chuẩn bị cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ...

Hòa bình trở lại trên nửa nước. Ông về Hà Nội, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật đường sắt tham gia chỉ đạo phục hồi các tuyến đường Hà Nội-Mục Nam Quan,  Hà Nội-Vinh, rồi làm chủ nhiệm Khoa Xây dựng Trường đại học Bách khoa, Cục trưởng Cục Ðo lường, Ủy viên Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), tổng biên tập tạp chí Hoạt động khoa học, v.v.

Năm 1986, Nhà nước ta phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho công trình Một số vũ khí đặc biệt trong kháng chiến chống Pháp (1945-1954) trong đó có vũ khí SS do ông và các cộng tác viên nghiên cứu, chế tạo thành công trong rừng Sác Nam Bộ.

Kĩ sư Lê Tâm là con rể của Giáo sư Nguyễn Xiển, một trong những trí thức lớn của Việt Nam.

Theo Báo Nhân dân
« Sửa lần cuối: 14 Tháng Mười, 2008, 09:06:58 am gửi bởi DepTraiDeu » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #132 vào lúc: 31 Tháng Bảy, 2008, 01:39:53 am »


Thiếu tướng Lê Văn (tên thật: Cấn Văn Vũ, sinh 3/7/1928 mất 17h10' 29/7/2008), nguyên Cục trưởng Cục tổ chức Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Ông được Nhà nước Lào tặng thưởng Huân chương Tự do hạng nhất, được Nhà nước Liên Xô tặng thưởng Huân chương Hữu nghị.


Trong cách mạng tháng 8 năm 1945, ông tham gia giành chính quyền ở địa phương. Từ tháng 8.1945 đến tháng 2.1946, học lớp quân sự do tỉnh Sơn Tây mở, sau đó tham gia Ban Chấp hành tự vệ huyện Quốc Oai.

Ngày 4.3.1946, ông nhập ngũ là Tiểu đội trưởng thuộc Trung đoàn Sơn La. Sau là Đội trưởng Đội Võ trang Tuyên truyền, Chính trị viên Đại đội 870, 860, 834 địch hậu Sơn La. Tháng 3-1952 đến năm 1956, ông là Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 148 (Trung đoàn Sơn La cũ), Phó Bí thư Đảng ủy Trung đoàn, tham gia nhiều chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp trong đó có Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.

Năm 1957, ông là Trưởng phòng Tổ chức Quân khu Tây Bắc. Năm 1960, là Bí thư kiêm Chỉ huy trưởng Tiền phương của Quân khu Tây Bắc đưa một số đơn vị làm nhiệm vụ giúp Lào ở Sầm Nưa. Năm 1962, được điều lên giúp Quân khu Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng), Viên Chăn của Lào, sau đó là Chính ủy Đoàn 463 chuyên gia của Quân khu Cánh đồng Chum mới thành lập do Trung ương Cục của Lào trực tiếp lãnh đạo. Năm 1969, chuyển về Đoàn 959, tham gia giúp Lào chuẩn bị Đại hội Đảng, sau làm chuyên gia Tổng cục Chính trị Quân giải phóng nhân dân Lào. Từ tháng 6 đến tháng 8 năm 1975, phụ trách chính trị Tổ chuyên gia quân sự chuẩn bị giành chính quyền ở thủ đô Viên Chăn.

Từ năm 1976 đến năm 1979, là Cục phó Cục 100 của Bộ Quốc phòng. Từ năm 1980 đến năm 1990, ông là Cục trưởng Cục Tổ chức Tổng cục Chính trị.
Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
panphilov
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 780



« Trả lời #133 vào lúc: 06 Tháng Chín, 2008, 03:03:16 am »


Trung tướng Lê Xuân Lựu (Sáu An) (1925), Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú, nguyên Viện trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị Quân sự ; Phó Chính ủy Đoàn 232 tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh ; Chính ủy Trường Quân chính Quân giải phóng miền Nam Việt Nam ; Phó Chính ủy Quân khu 7.

Huân chương Độc lập hạng nhì ; Huân chương Quân công hạng nhất ; Huân chương Kháng chiến hạng nhất ; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất ; Huân chương Chiến công hạng nhì ; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, nhì, ba ; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng ; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

Thiếu tướng (1979), Trung tướng (1986)


Ông quê tại xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra và lớn lên tại một vùng đất giàu truyền thống yêu nước, ông sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng từ trước cách mạng tháng 8 năm 1945, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) năm 1945.

Trong Cách mạng tháng 8, ông tham gia giành chính quyền ở địa phương. Đầu năm 1946, ông tham gia Huyện ủy, là Huyện ủy viên, được cử đi học lớp Nguyễn Ái Quốc II tại Hà Đông. Năm 1947, trước yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Pháp cứu nước của dân tộc, ông được điều động vào công tác trong Quân đội giữ chức vụ Chính trị viên đại đội rồi tiểu đoàn (1948).

Là một cán bộ quân sự, chính trị song toàn, chỉ huy, lãnh đạo đơn vị chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, sáng tạo, giành nhiều thắng lợi. Nhờ thực tiễn chiến đấu trên mặt trận, tinh thần đồng cam, cộng khổ với nhân dân và đồng đội nên ông được mọi người yêu mến, tin tưởng.

Tháng 2 năm 1950, trước yêu cầu chính quy hóa lực lượng cách mạng miền Nam, ông là Phái viên của Bộ Tổng tham mưu tham gia vào Đoàn cán bộ của Bộ Quốc phòng vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Tại đây, ông được cử làm Chính trị viên của Trung đoàn Đồng Nai Nam Bộ. Năm 1953, ông là Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Long Châu Sa.

Năm 1954, ông lên đường ra Bắc tập kết, là Chính uỷ Trung đoàn, rồi Phó Chủ nhiệm Chính trị Đại đoàn Pháo binh 349. Sau đó, ông được cử đi đào tạo tại Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Liên Xô. Với lý luận được trang bị và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, những vấn đề lý luận và thực tế cuộc sống đặt ra chưa được giải đáp qua các lớp học ngắn trước đây đã được ông lý giải có lý, có tình và chính ông đã thường xuyên tự học tập, hoàn thiện mình để đóng góp tư duy khoa học và kinh nghiệm thực tiễn vào sự nghiệp xây dựng và chiến đấu của Quân đội.

Sau khi hoàn thành khóa học về nước, tháng 8 năm 1962, ông giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Công tác Chính trị Học viện Quân chính (sau là Trường trung cao Quân đội). Bước vào những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Bộ Tổng tham mưu chủ trương tăng cường cho miền Nam những cán bộ quân sự quen thuộc với chiến trường, năm 1964, sau ba năm làm chủ nhiệm khoa Kinh tế - Chính trị của Trường trung cao Quân đội, ông được cử đi trên đoàn tàu không số, trở lại chiến trường miền Nam chiến đấu.

Vào thời kỳ gay go, quyết liệt những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông đã tham gia chiến dịch Bình Giã với cương vị Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị chiến dịch. Tại Đồng Xoài, đơn vị ông đã đánh đòn đau vào "chiến tranh cục bộ" của kẻ thù. Kết thúc chiến dịch ông được điều về giữ chức chính ủy Sư đoàn 5 (tháng 9 năm 1965), cùng đơn vị giành nhiều thành tích xuất sắc.

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1968, ông là Bí thư dân chính Đảng, phụ trách hướng Đông Bắc đánh vào Sài Gòn. Sau đó, ông lần lượt giữ các chức vụ : Phó Chính ủy Mặt trận Đông Bắc Căm-pu-chia, Phó Chính ủy Quân khu 7 (cuối năm 1968), Chính ủy Trường Quân chính Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Tháng 4 năm 1975, ông là Phó Chính ủy Đoàn 232 (Đoàn Tây Nam Bộ) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông đã có những đóng góp về quân sự, chính trị ở cấp chiến dịch - chiến lược góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đánh thắng "chiến tranh đặc biệt" và "chiến tranh cục bộ" trên chiến trường Nam Bộ. Sau chiến dịch, ông tiếp tục được cử giữ chức vụ Chính ủy Đoàn 500 có nhiệm vụ giáo dục, cải tạo sĩ quan ngụy.

Tháng 8 năm 1976, ông là Chủ nhiệm Khoa Chính trị, Học viện Quân sự Cấp cao. Tháng 7 năm 1978, ông là Phó Viện trưởng Học viện Chính trị. Từ năm 1981 đến năm 1991, ông là Viện trưởng, Bí thư Đảng uỷ Học viện Chính trị Quân sự. Từ tháng 1 năm 1992 đến năm 1993, ông là Chuyên viên nghiên cứu lý luận Tổng cục Chính trị cho đến khi về hưu. Trong hơn 10 năm giữ cương vị lãnh đạo ở Học viện Chính trị, ông có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp xây dựng Học viện, nhất là lĩnh vực nghiên cứu Khoa học, Giáo dục và Đào tạo.

Ông là một trong những người không nhiều của các học viện, nhà trường đã đi tiên phong trong đổi mới tư duy, nắm bắt nhu cầu thực tiễn và sự phát triển bão táp của khoa học và công nghệ. Nhờ vậy, trong một thời gian ngắn, Học viện Chính trị quân sự đã trở thành lá cờ đầu của ngành giáo dục nước ta.

Trung tướng Lê Xuân Lựu là người cán bộ có đạo đức và tài năng tốt, song toàn về chính trị, quân sự, được học tập, đào tạo cơ bản, đã trải qua các cấp trong hoạt động thực tiễn, tích lũy được nhiều kinh nghiệm về nhiều lĩnh vực. Một con người có ý chí chiến đấu cao, tinh thần chịu trách nhiệm lớn nên đã dám đấu tranh chống lại các quan điểm thù địch, chống lại mọi sự hoài nghi, giao động trong nội bộ, kiên quyết đấu tranh với mọi biểu hiện suy thoái về đạo đức. Do vậy, cá biệt có lúc ông bị một vài người ở cương vị cấp trên thiếu thiện cảm, một vài đồng chí cùng hoạt động đố kị. Trong hoàn cảnh như vậy, ông vẫn có lòng tin sắt đá vào "chân, thiện, mỹ", không định kiến với cá nhân con người. Chính quá trình thử thách và tôi luyện đó đã làm nhân cách của một vị tướng, một giáo sư, một nhà giáo trong sáng hơn, đẹp đẽ hơn và được người đời kính phục.

Tham khảo : Báo Quân đội Nhân dân, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
« Sửa lần cuối: 05 Tháng Mười Hai, 2011, 02:14:02 am gửi bởi panphilov » Logged

''Chúng tôi đánh giặc và làm thơ"
chienthanh
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #134 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2008, 12:59:38 pm »

Đọc xong phần này em thấy hay quá.Quân đội ta oai hùng và có những vị tướng tài giỏi như thế thì đúng là "XỨNG DANH ANH HÙNG" Rất mong các bác tiếp tục nhé
Logged
chienthanh
Thành viên

Bài viết: 4


« Trả lời #135 vào lúc: 21 Tháng Chín, 2008, 01:22:12 pm »

TRUNG TƯỚNG
ĐẶNG HÒA

TIỂU SỬ TÓM TẮT

•   Trung tướng ĐẶNG HÒA (Tức Đặng Ngọc Lập – Ba Lập)
•   Sinh năm 1927 ,tại thôn Tích Phú ,xã Đại Hiệp ,huyện Đại Lộc,Tỉnh Quảng Nam.
-   Sớm giác ngộ cách mạng ,tháng 10-1942 Ông tham gia lực lượng thanh niên cứu quốc (Tổ trưởng tổ thanh niên cứu quốc xã Đại Hiệp)
-   Từ năm 1943 – 1944 là trưởng ban cứu quốc xã,tiểu đội trưởng tự vệ đỏ,Bí thư thanh niên cứu quốc.Chủ nhiệm Việt minh xã Đại Hiệp.
-   Tháng 7-1945 Ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.
-   Tháng 8-1945 làm Bí thư chi bộ Quyết Tiến,Trưởng ban bạo động khởi nghĩa xã Đại Hiệp.Lãnh đạo chỉ huy cướp chính quyền các xã : An Mỹ, Hải Châu, Đông Phú,Phú Luận thuộc huyện Đại Lộc.
-   Tháng 10-1945 được cử vào thường vụ Huyện ủy huyện Đại Lộc,sau đó làm phó Bí thư huyện ủy.
-   Năm 1948 là Tỉnh ủy viên,phó ban Kiểm tra liên tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng
-   Tháng 5-1950 Ông nhập ngũ vào Quân đội nhân dân Việt Nam, được giao giữ chức vụ phó ban tổ chức cán bộ,Bộ tư lệnh liên khu 5.
-   Năm 1955 là phó phòng cán bộ thuộc Cục tổ chức- Bộ Quốc Phòng.
-   Năm 1957 là Trưởng phòng Quân Huấn,thuộc Cục Quân Huấn - Tổng cục cán bộ - Bộ Quốc Phòng.
-   Năm 1960 là phó chính ủy Sư đoàn 324.
-   Tháng 12 – 1967 là chủ nhiệm chính trị Quân khu 5 kiêm Chính uỷ Sư đoàn 3 (Sao Vàng).
-   Tháng 8-1971 là Chính ủy  Binh chủng Pháo binh.
-   Tháng 01-1973 là phó Chính ủy Quân khu 4.
-   Từ tháng 12-1977 đến 12-1987 Ông lần lượt giữ các chức vụ: Phó Chính ủy , Chính Ủy Binh chủng Pháo Binh , Phó tư lệnh về chính trị (Chính Ủy) Quân khu 4.
-   Tháng 01-1988 Ông giữ chức Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung Ương.
Ông ĐẶNG HÒA được phong quân hàm Thiếu tướng tháng 11-1978, Trung tướng tháng 11- 1986.

Do những cống hiến suất sắc cho sự nghiệp cách mạng ,giải phóng dân tộc,thống nhất đất nước ,Ông Đặng Hòa được Đảng,Nhà nước tặng thưởng huân chương Độc Lập hạng nhất, Huân chương Quân công hạng nhất,nhì,ba.Huân chương chiến công hạng nhì,ba,Huân chương chiến thắng hạng nhì,Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất , Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều Huân huy chương cao quý khác
Ông từ trần hồi 17h 45 phút,ngày 04-03-2007 ( Nhằm ngày 16-01 năm Đinh Mão) Tại Viện Quân y 175 - Bộ Quốc Phòng.An táng tại Nghĩa Trang TP HCM (Lạc Cảnh ,Thủ Đức)
Logged
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #136 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2008, 12:59:11 am »

   Nguồn: Tổng hợp

  Ông sinh tại làng Tân Tịch, huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa, nay là xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Cha của ông là một thầy dạy võ. Giám đốc đài truyền hình TP.HCM - ông Huỳnh Văn Nam là con của ông.

   Do học giỏi nên Huỳnh Văn Nghệ được nhận học bổng học tại trường trung học Pétrus Ký Sài Gòn. Trong những năm 1936-1939, ông làm việc ở Sở hỏa xa Sài Gòn. Năm 1940, ông tham gia Khởi nghĩa Nam Kỳ. Khi bị lộ, ông sang Campuchia rồi Thái Lan (1942) hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước. tại đây ông tổ chức xuất bản báo Hồn cố hương.
 
   Năm 1944, ông trở về nước lập khu nghĩa quân Đất Quốc tại quê hương Tân Uyên, Biên Hòa. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và tham gia Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, trực tiếp chỉ huy bắt sống tỉnh trưởng và cảnh sát trưởng tỉnh Biên Hòa. Ông được giao nhiệm vụ chỉ huy trưởng lực lượng Giải phóng quân Biên Hòa, cố vấn cho Ủy ban kháng chiến miền Đông. Chính quyền cách mạng giao cho ông trọng trách mang hơn 10 vạn đồng (tiền Đông Dương) qua Campuchia mua vũ khí về phục vụ cách mạng nhưng hai kẻ môi giới cầm tiền đã bỏ trốn, khiến ông không hoàn thành nhiệm vụ. Sau này hai kẻ môi giới lừa bịp đã bị bắt.

   Cuối tháng 9 năm 1945, Sài Gòn bị Pháp chiếm, trạng sư Dương Văn Giáo, “lãnh tụ” Việt Nam phục quốc đồng minh hội, đứng ra thành lập chính phủ “Nam Kỳ Cộng hòa quốc” phục vụ cho thực dân Pháp. Huỳnh Văn Nghệ đã trực tiếp tham gia bắt sống Dương Văn Giáo.
Tháng 5 năm 1946, Tư lệnh Nam Bộ Nguyễn Bình phong cho Chi đội trưởng Chi đội (tương đương trung đoàn) 10 Huỳnh Văn Nghệ làm Khu bộ phó Khu 7 (miền Đông Nam Bộ, một trong 3 khu quân sự-hành chính ở Nam Bộ). Sau này ông được thăng chức Khu trưởng Khu 7 kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Khu 7. Ông đã chỉ huy nhiều trận đánh nổi tiếng với bí danh Tám Ngãi.

   Năm 1953, ông được cử ra Bắc học tập và tiếp tục công tác trong Quân đội với hàm Thượng tá, chức vụ Phó Cục trưởng Cục Quân huấn thuộc Bộ Tổng Tham mưu.

   Rời Quân đội, Huỳnh Văn Nghệ chuyển sang làm Tổng cục phó Tổng cục Lâm nghiệp. Năm 1965, ông về miền Nam tham gia chống Mỹ, làm Phó ban Kinh tài Trung ương Cục miền Nam.

  Sau khi đất nước thống nhất, ông là Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp (nay đã hợp nhất vào Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Ông lâm bệnh và mất tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5 tháng 3 năm 1977.

   Không chỉ là một chỉ huy quân sự tài ba, ông còn là một nhà thơ có những vần thơ in đậm trong tâm trí người đọc. Đồng đội và nhân dân miền Nam gọi ông là "Thi tướng rừng xanh".
   Ở Huỳnh Văn Nghệ nhiệm vụ chiến sĩ và sứ mệnh thi sĩ đã hoà quyện với nhau, như chính lời ông viết:

                             Tôi là người lăn lóc giữa đường trần,
                             Không phân biệt lúc mài gươm múa bút.
                             Đời chiến sĩ máu hoà lệ, mực
                             Còn yêu thương là chiến đấu không thôi
                             Suốt một đời gươm chẳng ráo mồ hôi
                             Thì không lẽ bút phải chờ kiếp khác.
                             Trên lưng ngựa múa gươm và ca hát,
                             Lòng ta say chiến trận đến thành thơ…

   Thơ của ông giản dị mà gần gũi, đầy cảm hứng mà sâu sắc, hồn nhiên mà xúc động. Bài thơ Nhớ Bắc của ông làm tại Chiến khu Đ năm 1946 với 4 câu tuyệt bút mở đầu đã được nhiều thế hệ người Việt Nam truyền tụng:
       
                             Ai về xứ Bắc ta đi với
                             Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
                             Từ thuở mang gươm đi mở cõi
                             Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.

   (Câu cuối có một số bản chép là "Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long". Tuy nhiên sau này đã được đính chính lại đúng nguyên tác là "trời Nam").
   Bài thơ kết thúc bằng 4 câu mang nặng tình với đất nước:

                             Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
                             Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
                             Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
                             Bao giờ mang trả kiếm dân ta.

   Gần 50 bài thơ của ông đã được chọn in trong tập Thơ văn Huỳnh Văn Nghệ, NXB Đồng Nai, 1998. Ngoài ra ông còn viết truyện ký, tự truyện được tập hợp trong hai tập sách Quê hương rừng thẳm sông dài và Những ngày sóng gió.
Tháng 12/2006, các tập thơ Chiến khu xanh, Bên bờ sông xanh, Rừng thẳm sông dài. được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

   Đầu năm 2007, tỉnh Bình Dương phối hợp với tỉnh Đồng Nai và Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học Huỳnh văn nghệ - Cuộc đời và sự nghiệp tại Nhà Lưu niệm Huỳnh Văn Nghệ, thuộc xã Thường Tân, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Tại thị xã Thủ Dầu Một, có một con đường mang tên Huỳnh Văn Nghệ. Và cũng để tưởng nhớ công lao của một vị tướng - một nhà thơ, tỉnh Bình Dương đã quyết định thành lập Giải thưởng văn học nghệ thuật Huỳnh Văn Nghệ của tỉnh Bình Dương.
Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #137 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2008, 01:01:43 am »

Nhớ Bắc
          Huỳnh Văn Nghệ

Ai về Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long

Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng!
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu hồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương.

Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn thương vẫn nhớ mùa vải đỏ
Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng

Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
Muốn trở về quê, mơ cảnh tiên.

(Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồ xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang trả kiếm dân ta)

                   (chiến khu D-1946
« Sửa lần cuối: 07 Tháng Mười, 2008, 01:04:54 am gửi bởi UyenNhi05 » Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
UyenNhi05
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 2589


Vì nước quên thân, Vì dân phục vụ.


« Trả lời #138 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2008, 01:03:42 am »



Lời bình bài thơ Nhớ Bắc

  Đặt bài thơ vào bối cảnh những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám chúng ta sẽ nhận ra ý nghĩa hết sức to lớn của nó.

  Nền độc lập dân tộc mà đồng bào ta vừa giành được đang ngàn cân treo sợi tóc. Hai mươi vạn quân Tưởng đã tràn vào miền Bắc. Ở miền Nam, với âm mưu tách Nam Kỳ khỏi Việt Nam, thực dân Pháp đã thành lập nhà nước Nam Kỳ tự trị do địa chủ Nguyễn Văn Thinh đứng đầu.

  Để chống lại âm mưu của kẻ thù, ngày 6-3-1946, Hồ Chủ tịch đã ký Hiệp định sơ bộ, đồng ý cho Pháp đưa quân viễn chinh ra miền Bắc. Với quyết định táo bạo này, chúng ta đã đuổi được quân Tưởng ra khỏi bờ cõi.

  Cùng thời gian ấy, với tư cách làm thượng khách, Bác cũng chuẩn bị sang Pháp để đấu tranh ngoại giao bảo vệ nước Việt Nam mới khai sinh. Trước lúc lên đường, Người đã họp báo và khẳng định: "Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Khi đến Pháp, Bác lại đanh thép tuyên bố: "Nam Bộ là miếng đất của Việt Nam. Đó là thịt của thịt chúng tôi, máu của máu chúng tôi. Sự đòi hỏi đó dựa trên những nguyên nhân về chủng tộc, lịch sử và văn hóa. Trước khi Corse trở nên đất Pháp thì Nam Bộ đã là đất Việt Nam rồi".

  Những lời tuyên bố cháy bỏng của Hồ Chủ tịch đã thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước trong trái tim mỗi người dân đất Việt.

Từ chiến khu Đ (Tây Ninh), Huỳnh Văn Nghệ đã sáng tác bài thơ bất hủ này. Mở đầu bài thơ là câu lục ngôn:

  "Ai về Bắc ta đi với"

  Câu thơ ngắt nhịp 3/3, có giọng điệu rắn rỏi, thể hiện sự lựa chọn dứt khoát của đồng bào Nam Bộ là hướng về Bắc. Hướng về cội nguồn dân tộc chứ nhất định không theo Pháp, dù chúng có giở thủ đoạn nào đi chăng nữa. Bởi với người Việt Nam, dù sống ở đâu cũng đều là con cháu Lạc Hồng.

  Phát tích từ vùng đất tổ Hùng Vương, người Việt từ đời này qua đời khác đã bền bỉ Nam tiến để mở cõi biên thùy. Trong sâu thẳm tâm hồn những người tiên phong ấy, hình ảnh "đế đô muôn đời" (Lý Công Uẩn) luôn là khoảng trời chứa chan niềm nhung nhớ:

  "Từ độ mang gươm đi mở cõi
  Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long"

  Trong suốt bài thơ, từ "nhớ" được lặp lại năm lần. Và nó đặc biệt xúc động khi kết hợp với từ "thương" để thành: "nhớ thương", "thương nhớ". Thủ pháp nghệ thuật này đã tạo nên những đợt sóng tình cảm càng lúc càng dâng lên mãnh liệt trong tâm hồn bạn đọc.

  Ở khổ thơ thứ ba có một kết cấu khá đặc biệt. Câu thứ nhất nhớ về Bắc: "Vẫn nghe tiếng hát thời quan họ", câu thứ hai hướng về Nam: "Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn", câu thứ ba lại nhớ về Bắc: "Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ", câu cuối cùng lại hướng về Nam: "Mỗi lần phảng phất hương sầu riêng".

  Lối kết cấu xen kẽ hai hình như vậy tạo nên sự gắn bó keo sơn, không thể chia lìa giữa hai miền Nam - Bắc. Ba từ "vẫn nghe", "vẫn nhớ", "vẫn thương" là lời khẳng định tấm lòng thủy chung son sắt của đồng bào Nam Bộ với "non nước rồng tiên" của mình.

  Ở phần kết tác phẩm, Huỳnh Văn Nghệ thể hiện đầy cảm động niềm tự hào của người dân Nam Bộ về "sứ mạng ngàn thu" gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, trong khi luôn canh cánh bên lòng niềm hoài hương khắc khoải:

  "Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm
  Muốn trở về quê mơ cảnh tiên"

  "Kinh đô" đó là Thăng Long ngàn năm yêu dấu, là nơi hội tụ của hồn thiêng dân tộc, là niềm tự hào của mọi người dân trên đất nước Việt Nam này. Nhớ kinh đô là nhớ quê hương, là sự thể hiện sâu sắc nỗi lòng với Tổ quốc của người dân Nam Bộ.

  Dòng cuối, tác giả ghi "Chiến khu Đ, 1946". Không gian và thời gian ấy thật có ý nghĩa. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác: "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", nhân dân Nam Bộ đã lập chiến khu, anh dũng đứng lên chiến đấu chống lại âm mưu xâm lược của kẻ thù để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc.

  Có thể nói, đây là bài thơ mở đầu cho dòng thơ viết về khát vọng thống nhất non sông từ những ngày đầu chống Pháp năm 1946 đến ngày thắng Mỹ xâm lược năm 1975 của lịch sử văn học nước nhà.

Logged

"Đời chiến sỹ máu hòa lệ, mực _ Còn yêu thương là chiến đấu không thôi..."
tuaans
Cựu chiến binh
*
Bài viết: 3774


« Trả lời #139 vào lúc: 07 Tháng Mười, 2008, 08:41:19 am »

Có bản ghi là "tiễn bạn" viết tại ga Sài Gòn 1940?
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM