Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 04:25:57 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lịch sử Gestapo  (Đọc 102134 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #220 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 11:26:59 pm »


*

Trong khi xẩy ra những sự kiện ấy, tên Himmler vẫn tiếp tục cuộc phiêu lưu khi rời bá tước Bernadotte ở Lubeck, hắn đi vòng vo như một con thú sa bẫy. Mảnh đất hắn đang lẩn trốn đang bị thu hẹp từng giờ như cái bẫy đang kẹp dần con mồi nguy hiểm. Đầu tiên hắn trở về Berlin vì cho rằng sự phản bội của hắn chưa bị phát giác. Nhưng hắn không làm sao qua nổi vòng vây để vào thành Berlin. Hắn đi lên phía bắc một chút, đến bản doanh của hắn đặt ở Fürstenberg.

Ngày 26, hắn được tin sự phản bội của Goering đã thất bại. Himmler vội vàng lên đường ra biên giới Đan Mạch để gặp Schellenberg còn đang ở đấy. Tên này vẫn đi cùng bá tước Bernadotte để “thương lượng”. Himmler đến gặp Schellenberg, trao mọi quyền hành động cho hắn. Sau đó Schellenberg vội đi ngay sang Đan Mạch, đến Flensbourg vào ngày 30. Và sau đó hắn bị tước hết mọi chức vụ. Hitler đoán rằng: Schellenberg ở nước ngoài là do lựa chọn của Himmler nên đã trừng phạt hắn. Tên Wanck, chỉ huy Cục chính trị của S.D và tên Skorzeny, chỉ huy Cục quân sự, đã thay thế cho Schellenberg.

Schellenberg không phải là con người dễ dàng bị tình cảm chi phối, nên đã đến gặp chỉ huy của hắn đang đóng gần Travemünde, phía bắc Lubeck. Ở đây, hắn đã biết tin vào ngày 1-5 Hitler đã tự tử và Doenitz đang kế vị Hitler. Himmler đã ở đây từ vài ngày trước rồi chuyển toàn bộ bộ tham mưu đến Plön, cách Lubeck vài cây số. Schellenberg theo Himmler đến Plön, gặp Schwering Von Krosigk, một thành viên của chính phủ Doenitz, sau đó trong đêm đi ngay tới Đan Mạch tiếp tục cuộc thương lượng. Sau khi trở lại Plön, hắn lại tới Stockholm, nhưng bất ngờ được tin nước Đức đã đầu hàng.

Về phần Himmler, hắn đã theo chính phủ mới, khi rời bỏ Plön vào ngày 4-5, để đến đóng ở trường hàng hải Mürwick, gần Flensbourg. Một đám người hoảng hốt, lúc nhúc theo sau vết xe của vị tân tổng thống. Keitel, Jodl và một số sĩ quan quân đội đã bàn đến chuyện tiếp tục cuộc chiến đấu ở Na-uy. Doenitz đã triệu tập ủy viên Quốc xã Terboven và các tướng lĩnh ở Boehme và ở Lindermann để bàn đến khả năng cầm cự ở các xứ Bắc Âu. Một đám giới chức của Đảng Quốc xã cùng tìm cách tham dự vào chính phủ mới. Chúng chỉ là những “nhà chiến lược ở ngoài tiền sảnh” chẳng hiểu tí gì về sự đổ nát của chế độ Quốc xã, ít quan tâm tới những đau khổ của một dân tộc đã bị chà nát bởi cuộc chiến tranh thảm khốc mà giờ đây bom đạn đang tiếp tục gây ra những cái chết vô ích trong từng phút.

Trong khi cái đám hỗn quân, hỗn quan đang dao động trước những tin tức sai lầm, thì Himmler đã bỏ trốn khi nghe tin về quyết định đầu hàng không điều kiện vào ngày 6-5. Ngày hôm đó, tên Quốc xã tối cao lãnh đạo S.S đã trở nên tuyệt vọng, và hắn bị đuổi cổ ra khỏi chính phủ mới. Himmler hiểu rằng hắn đang bị nguy hiểm. Ngày 8-5, vào lúc nửa đêm, tiếng súng ở khắp Châu Âu đã ngừng. Từ ngày 1-9-1939 lần đầu tiên đại bác không còn nổ.

Không ai biết tên Himmler trốn ở đâu. Có thể hắn đã trốn tạm thời ở đâu đó gần Flensbourg cùng với vài tên S.S trung thành cũng muốn trốn tránh sự trừng phạt. Trong 15 ngày, hắn đã thoát khỏi mọi cuộc truy lùng của các cơ quan chuyên trách Đồng minh. Những đoàn quân chiếm đóng ở các vùng đều nhận được ảnh của hắn. Chắc chắn là cũng có nhiều người Đức căm thù Quốc xã sẵn sàng tố cáo hắn nếu biết hắn ở đâu.

Hoàn cảnh ấy không kéo dài được lâu. Ngày 20-5, Himmler cùng với gần 10 tên sĩ quan S.S định đến nơi ẩn nấp chắc chắn ở Bavière.

Ngày 21, một nhóm người từ Hambourg đến, theo con đường từ Bremervörde đi Brême, lẩn trong đám đông người phải bỏ quê hương ra đi vì cuộc chiến tranh, nay trở về nơi ở cũ. Họ đi bộ, hay bằng mọi thứ phương tiện chắp vá, vừa là phương tiện vừa là nhà ở. Đây là một vùng trũng, đầm lầy, nghèo xơ xác, loáng thoáng vài vũng nước đục lờ, hơi mằn mặn, và lơ thơ vài đám cây thông cằn cỗi. Gần chỗ Teufels moor (vùng đầm lầy của ma quỷ) nhóm người ấy đi chậm lại để chờ qua vọng kiểm soát của người Anh. Một người đến chỗ rào chắn, đưa cho người lính gác tấm thông hành mang tên Hienrich Hitzinger. Hắn có dải băng đen bịt ở mắt trái và cũng như mọi người dân trốn tránh, mặc bộ quần áo các loại: chiếc quần của người dân thường mặc, chiếc áo của một lính trơn Quốc xã, thái độ lúng túng và nhất là tấm thông hành mới nguyên, giữa đám người hầu như chẳng còn thứ giấy tờ gì, hắn đã làm cho người lính gác nghi ngờ. Anh ta ra hiệu cho hai lính Anh bao vây người đó và đưa vào trong bốt gác, sau đó báo cho cơ quan an ninh của quân đoàn 2 đóng ở Lünebourg. Trong khi chờ đợi quyết định, kẻ tình nghi ấy đã bị đưa đến doanh trại gần nhất và tống giam vào xà lim. Không ai biết kẻ đeo băng bịt mắt lại chính là tên Himmler nguy hiểm, vì hắn đã cạo nhẵn bộ ria mà trước đây để theo kiểu quan thầy Hitler. Trong túi hắn còn có đôi kính. Himmler hiểu rằng hắn sẽ nhanh chóng bị lật mặt và quyết định chơi đòn ăn cả, ngã về không. Hắn yêu cầu xin gặp người chỉ huy doanh trại. Khi được đưa đến trước mặt người chỉ huy, hắn tháo bỏ băng bịt bên mắt và tự giới thiệu: “Tôi là Heinrich Himmler. Tôi cần gặp ngay tướng Montgomery.”

Hắn hy vọng đóng vai trò mới hoặc nếu bị chuyển đi thì sẽ tìm cách trốn trên đường. Khi vừa tự xưng tên hắn được chuyển ngay tới ban chỉ huy quân đoàn ở Lünebourg, rồi bị giao cho cơ quan an ninh.

Ở Lünebourg, người ta dùng mọi biện pháp đề phòng tên tù quan trọng. Một thầy thuốc đến khám bệnh cho hắn. Quần áo của hắn bị lục soát kỹ. Người ta thấy trong túi ngực bên trái có ống thuốc độc cyanure. Người ta phát cho hắn bộ quân phục lính Anh cũ và giam hắn, chờ đại tá Murphy do thống chế Montgomery đặc cử tới để giải quyết. Nhưng Murphy không cần phải hỏi cung Himmler. Khi mới đến Murphy đã kiểm tra các biện pháp an ninh, hỏi những người canh giữ: “Đã cho khám xét trong miệng hắn chưa?” vì thường những tên quốc xã quan trọng hay giấu viên thuốc độc dưới lưỡi hay là một chiếc răng giả.

“Ống cyanure mà các anh thấy ở trong túi áo của hắn, chỉ là sự nghi binh.”

Ông thầy thuốc định khám người Himmler lần nữa. Khi ông yêu cầu tên Himmler há mồm ra, thì người hắn co rúm lại, hai hàm răng nhai một vật gì rồi hắn ngã vật ra đất. Hắn bị nhiễm nặng chất độc cyanure1. Mọi ý định làm cho hắn hồi tỉnh đều vô ích. Vài phút sau tên tư lệnh tối cao S.S đã nằm dài trên sàn, trong khi quân đội Anh cố gắng làm cho hắn nôn ra được. Sau đó người ta chụp ảnh hắn và chôn ở một nơi hoàn toàn được giữ bí mật.
_______________________________________
1. Bọn chỉ huy Quốc xã thường mang trong mồm một viên thuốc độc cyanure. Cần phải nhai viên thuốc ấy thì độc tố mới có tác dụng. Nếu chỉ nuốt xuồng dạ dày, viên thuốc chịu được chất xít tiêu hóa sẽ không có tác dụng gì nữa.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #221 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 11:29:24 pm »


*

Heinrich Müller, một tên phụ tá trung thành của Himmler, đứng đầu Gestapo, chỉ có mình hắn thoát khỏi cái chết đang rình rập. Ngay từ ngày đầu tháng 5-1945, hắn đã biến mất. Nhiều sĩ quan Đức là tù binh chiến tranh ở Nga khi được tha trở về nước đã khẳng định Müller có mặt ở Matxcơva. Theo Schellenberg thì tên Müller đã lợi dụng vụ Rote Kapelle để thiết lập mối quan hệ với tình báo Xô Viết và đã phục vụ cho tình báo Xô Viết lúc nước Đức sụp đổ. Có rất nhiều người làm việc trong các cơ quan của nhà nước Đức, định cứu mạng bằng cách làm việc cho các cơ quan tình báo của Mỹ và Anh v. v..., và cả với Pháp nữa.

Nhiều người đã thoát chết bằng cách làm đó. Tên Müller cũng chọn chơi con bài ấy với người Nga. Mặc dầu hắn đã kịch liệt trong việc theo đuổi cuộc điều tra vụ Rote Kapelle, và tự gây khó khăn cho người Nga khi chấp nhận sự cộng tác của hắn. Cũng theo nguồn tin của những tù binh Đức được tha trở về nước thì tên Müller đã chết vào năm 1948 ở Matxcơva.

Nhưng lại có thông tin gần đây nhất cho biết Müller cùng với tên Bormann đã có mặt ở Chi Lê.

Tên Kaltenbrunner cũng bị bắt như tên Goering, bị coi là người thân cận của tên này và cũng phải ra trước tòa án quốc tế và bị xử treo cổ. Phiên tòa quốc tế ở Nuremberg, bắt đầu từ ngày 20-11-1945 đến ngày 1-10-1946 có 403 thính giả đến dự. Tên Kaltenbrunner bị treo cổ vào ngày 16-10-1946 cùng với tên Ribbentrop, Keitel, Rosenberg, Jodl, Franck, Frick, Seyss-Inquart, Sauckel và Streicher. Goering bị tên Von der Bach-Zelewski, làm chứng trước tòa chống lại hắn, nhưng tên này lại bí mật trao cho Goering viên thuốc độc. Hai giờ trước khi bị xử tử Goering đã cắn vỡ viên thuốc độc như Himmler đã làm trước đấy một năm rưỡi.

Tên Oberg, Knochen đã tránh né những câu hỏi mà người ta đưa ra cho chúng.

Ngày 8-5-1945, Oberg trú trong ngôi làng Kirtschberg của tỉnh Tyrol ở nước Áo, gần Kitzbühl, với cái tên giả là Heintze Albrechz. Hắn chỉ lẩn trốn được một thời gian ngắn. Cuối tháng 7, cảnh binh Mỹ đã bắt được hắn, chuyển cho các nhà chức trách Pháp ở Wildbad theo yêu cầu của họ.

Tên Knochen khôn khéo hơn, giấu mình ở Göttingen thuộc vùng phía nam Hanovre. Hắn thoát khỏi cuộc truy nã hơn 7 tháng. Ngày 14-1-1946, hắn rời nơi ẩn nấp để sang vùng chiếm đóng của Mỹ. Chuyến đi ấy của hắn là khinh suất. Nếu hắn cứ ở nguyên tại chỗ có thể hắn đã thoát. Ngày 16, Knochen đến Kronach, cách 50 cây số về phía bắc Bayreuth, và bị cảnh binh Mỹ bắt giữ. Sau một thời gian chuyển hết trại giam này đến trại giam khác, nhất là ở Dachau, hắn bị trao cho các nhà chức trách Pháp, sau khi phải ra làm chứng ở tòa án Nuremberg trong vụ xử tên Kaltenbrunner và Ribbentrop. Hắn đến Paris vào ngày 9-11-1946.

Oberg và Knochen cùng bị đưa ra xử trước tòa án binh ở Paris, bị giam ở nhà tù Cherche-Midi. Ngày 22-2-1954, diễn ra cuộc thẩm vấn khó khăn trong đó tên Oberg phải trả lời 386 câu hỏi. Hồ sơ kết tội hắn tập trung trong 90 kg và bản luận tội dài hơn 250 trang. Nhưng phiên tòa đã bị hoãn lại nhiều lần vì còn phải bổ sung thêm những tài liệu mới. Sau vụ xét xử thứ hai cũng ở tòa án binh trước, bắt đầu từ ngày 20-9, cho đến ngày 9-10-1954, hai tên Oberg và Knochen đều bị kết án tử hình.

Cựu đại sứ Abetz bị kết án 20 năm tù khổ sai, nhưng sau đó hắn được ân xá vào năm 19541. Theo báo Parisien libéré có một việc rất kích thích là cả hai tên (Oberg và Knochen) lúc nghe đọc bản tuyên án, chúng đã cười: “Việc kết tội ấy, may lắm chỉ làm thỏa mãn được về mặt tinh thần cho những người đã bị chúng xử bắn và cả cho những người bị đi đày ở các trại tập trung, trong những năm đen tối nước Pháp bị bọn cảnh sát Đức gieo rắc kinh hoàng.”

Ân huệ ấy báo trước một ngày sẽ đến. Ngày 10-4-1958 có sắc lệnh của tổng thống Pháp giảm tội chết cho chúng, thay vào đó là án tù chung thân. Hình phạt này, một lần nữa được giảm chỉ còn 20 năm tù kể từ ngày tòa tuyên án xét xử theo sắc lệnh ngày 31-12-1959. Hai tên Oberg và Knochen sẽ được tha vào ngày 8-10-1974; Nhưng vì những lý do còn chưa được rõ mà Chính phủ Pháp đã định tha cho chúng sớm hơn nữa. Cả hai tên đều được bí mật chuyển đến nhà tù Mulhouse và ngày 28-11-1962 chúng lại được hưởng một ân huệ khác là được chuyển giao cho các nhà chức trách Đức.

Knochen về với gia đình trong làng Schlerwig-Holstein. Còn tên Oberg cũng được gặp gỡ gia đình gần Hambourg. Nhưng tên Oberg vẫn phải bị đưa ra tòa xét xử về vụ thanh toán Roehm.

Thực tế tên Oberg đã là phụ tá của tên Heydrich trong Cục trung ương S.D từ năm 1934, ở Berlin với cấp hàm đại úy. Cơ quan này đã giữ vai trò đáng kể trong việc chuẩn bị cho vụ thanh toán Roehm.

Những phiên tòa sau không làm cho Oberg phải lo sợ nhiều. Tháng 5-1957, tòa đại hình ở Munich đã xử hai tên trong số những kẻ tàn sát là cựu thiếu tướng S.S Sepp Dietrich và cựu đại úy S.S ở trại tập trung Dachau là tên Michael Lippert. Tên Lippert bị kết tội cùng với tên Eicke đã ám sát Roehm trong xà lim, nhưng cả hai tên này chỉ bị kết án có 18 tháng tù.

Adolf Eichmann, kẻ chịu trách nhiệm chính về cái chết của hàng triệu người dân vô tội, đã kháng cự lâu dài. Cuối cùng năm 1952 hắn được phép sang Nam Mỹ. Eichmann lang thang trong ba năm ở Achentina, ở Brasil, Paraguay, Bolivia, sau đó định cư ở Buenos Aires vào năm 1955. Hắn đã gặp vợ và hai con trai, tìm được việc làm ở nhà máy sản xuất ôtô Mercédes Benz vùng ngoại ô Buenos Aires.

Hắn đã mang tên giả là công dân Ricardo Klement. Vẻ bề ngoài của người công nhân nhỏ bé bình thường cũng không cứu được hắn: Ngày 13-5-1960, một toán tình báo Do Thái đã bắt cóc hắn khi hắn ở xưởng máy về nhà rồi bị chuyển bí mật về Israel. Eichmann bị đưa ra xử trong phiên tòa ở Jérusalem kéo dài từ ngày 11-4-1961 cho đến ngày 15-12, và bị kết án tử hình.

Ngày 1-6-1962, hắn bị treo cổ ở nhà tù Ramleh. Xác hắn được thiêu ra tro và ngay trong đêm ấy được rải xuống biển khơi.
_______________________________________
1. Otto Abetz sau đó làm phóng viên cho tờ tuần báo Forts Chrill. Ngày 5-5-1958, hai vợ chồng hắn bị tai nạn ôtô trên đường Cologne-Ruhr và đã chết.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #222 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 11:30:08 pm »


*

Kết quả là những tên chủ chốt trong lịch sử của Gestapo đều có kết cục giống nhau. Đây là hiện tượng duy nhất trong cuộc đời ảm đạm của chúng phản ánh một thời kỳ chúng đã “đắm mình trong bùn máu.”

Cơ cấu phức tạp của Gestapo, trụ cột của chủ nghĩa Quốc xã chỉ biến mất cùng với nó. Những công trình kiệt tác về kỹ thuật, những bộ phiếu khổng lồ phủ lên toàn Châu Âu, những sổ lưu trữ hồ sơ bao gồm những điều bí mật nhất, riêng tư nhất của hàng triệu người đã thành tro tàn bay trong những đám cháy của “thảm bom” thả xuống các tỉnh thành của nước Đức, hay bị trộn lẫn vào trong bùn quánh đặc của đoàn Camion của quân đội và của những tên chạy trốn, đang quay cuồng lúng túng trong một đất nước bị vây hãm tứ phía. Chỉ có những tài liệu rơi vào tay những người chiến thắng là còn nguyên vẹn, bao gồm những chứng cứ nóng bỏng nhất, chống lại những kẻ mà trước đấy chúng đã cẩn thận tích lũy và giữ gìn. Cơn ác mộng đã chấm dứt và lúc này chỉ còn nỗi mệt nhọc rộng lớn, một vị đắng của tro tàn và nước mắt hòa trộn với tự do đã tìm lại được. Cái cơ cấu tổ chức kỳ dị phi thường ấy chỉ còn để lại trong ký ức những kỷ niệm về một công cụ khủng khiếp, đã gây ra bao nỗi đau khổ, nước mắt và tang tóc Và cả nỗi nhục nhã.

Tội ác của chế độ Quốc xã không chỉ là của một dân tộc. Sự tàn ác, cái ý thích về bạo lực, sự cuồng tín và sức mạnh, chủ nghĩa Quốc xã dã man, không phải của riêng một thời kỳ nào, một đất nước nào. Nó có thể xuất hiện ở mọi thời kỳ, ở mọi đất nước. Nó là ý tưởng của sinh vật học, của tâm lý học đã thoát ra khỏi sự kiểm soát của chúng ta và còn có thể xẩy ra ở vài nơi.

Con người là loài ác thú nguy hiểm. Ở thời kỳ bình thường, bản năng con người còn ẩn ở phía sau, bị ngăn chặn bởi những thỏa ước, những thói quen, luật pháp, những tiêu chuẩn của văn minh. Nhưng điều gì sẽ xẩy đến khi một chế độ không chỉ buông lỏng cho những thôi thúc khủng khiếp mà còn tạo cho nó thêm dũng khí, và thế là tận đáy tiềm thức, cái độc ác thô lỗ của con người xuất hiện dưới cái mặt nạ văn minh, xé toang cái vỏ mỏng manh bề ngoài, rống lên tiếng rú chết chóc của thời gian đã bị bỏ quên.

Chủ nghĩa Quốc xã đã sản sinh ra thứ gì đó trong tổ chức Gestapo, đã thực hiện và đã đạt được kết quả, ấy là việc hủy diệt con người, như chúng ta đã biết, như hàng trăm ngàn người đã bị nó đào luyện thành kẻ tàn ác. Thế giới Quốc xã là vương quốc của sức mạnh tổng lực không có gì ngăn chặn nổi, là thế giới của những ông chủ và nô lệ mà ở đấy sự êm ái, lòng tốt, sự xót thương, việc tôn trọng luật pháp, cái ý muốn được tự do không còn là đạo đức mà chỉ là những tội ác triền miên. Là một thế giới mà người ta chỉ có thể bò sát người xuống để tuân lệnh, giết người theo lệnh chỉ huy và cũng để tự hủy diệt mình trong im lặng, nếu người ta không biết gào rú lên như bầy sói. Một thế giới mà người ta thanh toán nhau chỉ vì vui thích và coi những tên giết người là anh hùng.

Điều ấy hình như đã xa rồi, như một cơn ác mộng mà người ta muốn quên đi. Nhưng dù sao cái thể chất độc hại ấy vẫn luôn luôn sẵn sàng vùng dậy. Con người không được mau chóng quên điều đó. Họ không có quyền được quên; không bao giờ được quên.

Cuộc phiêu lưu đã tàn phá nước Đức, để lại một đất nước tả tơi, nát vụn, ghi lại một điều sỉ nhục, mà điều đó không thể tái hiện cho bất kỳ một quốc gia nào. Nếu người ta khuất phục một dân tộc bằng cách luôn tuyên truyền nhồi nhét gây sự ám ảnh, gây nỗi sợ hãi, quân sự hóa dân tộc ấy, tố giác đổ vấy cho nhau, rình mò nhau; và nếu người ta khắc sâu vào trí não lớp trẻ những nguyên lý hoang tưởng của chủ nghĩa Quốc xã, đề cao tội ác; và nếu người ta tước đi hết đạo đức, làm cho họ tin vào thuyết một dân tộc được lựa chọn, một giống nòi là chúa tể thì kết quả cuối cùng là không thể khác được.

Dân tộc nào có thể chống lại và sẽ chống lại được một chế độ như vậy vào ngày mai?

Bởi vì vấn đề ấy vẫn tồn tại và luôn tồn tại, hoàn toàn, đầy đủ.

Ví dụ về nước Đức đã mờ nhạt. Nhưng bây giờ ở khắp bốn phương trời, những tên Quốc xã sống sót, những kẻ lưu vong của chủ nghĩa Quốc xã lại lần nữa đang gieo rắc hạt mầm chết chóc. Nếu con người không còn trí nhớ, nếu hoàn cảnh thuận tiện cho phép, nếu lòng người rối loạn hay không còn chỗ dựa vững chắc, thì đó là sự cho phép chủ nghĩa Quốc xã trỗi dậy và làn sóng thủy triều máu lại có thể tràn ngập lần nữa lên mọi đất nước.

Vậy sau này ai sẽ là nạn nhân của chủ nghĩa tàn độc ấy?
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #223 vào lúc: 01 Tháng Chín, 2010, 11:31:32 pm »


PHỤ LỤC
CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA R.S.H.A


R.S.H.A gồm có 7 Ämt (Có thể gọi là Cục, Sở, Phòng, Ban tuỳ theo sự quan trọng của từng khu vực quản lý)
Ämt I: cơ quan nhân sự của toàn bộ tổ chức R.S.H.A.
Giám đốc đầu tiên là Best: 1/1940 - 7/1940.
Giám đốc kế tục Streckenbach: 7/1940 - 1/1943.
Giám đốc Schulz: 1/1943 - 11/1943.
Giám đốc Ehrlinger: 11/1943 đến ngày Quốc xã sụp đổ.

Ämt II: phụ trách hành chính và kinh tế.
II. a/ Chia ra làm 4 ban: Nhà ở, lương thực thực phẩm, tiền lương và kế toán.
II. b/ Vấn đề kinh tế, quan hệ với Bộ tư pháp, giam giữ (trừ nhà tù và các trại tập trung), vận chuyển tù nhân.
II. c/ Quản lý hành chính về vật chất cho các Sở - Phòng - Ban của SIPO-SD.
II. d/ Ban kỹ thuật (đặc biệt về ô tô).
Giám đốc đầu tiên là Best, sau đó là Nockemann, Slegert và Spacil.

Ämt III: Phụ trách S.D, Nội bộ - tổ chức của Đảng Quốc xã. Chia làm 5 nhóm:
Cơ quan điều tra trung ương của Ämt III có từ 300 - 400 nhân viên.
III. a/ Phụ trách các vấn đề luật pháp và cơ cấu tổ chức của liên bang.
(Dưới ban III.a có 4 cơ sở đảm trách thường xuyên về dư luận chung và thái độ của nhân dân)
III. b/ Phụ trách các vấn đề có liên đến cộng đồng, các nhóm tộc người, dân tộc thiểu số, nòi giống, sức khỏe cộng đồng.
III. c/ Phụ trách về văn hóa, khoa học, giáo dục, nghệ thuật, thông tin báo chí; điều tra các tín ngưỡng.
III. d/ Phụ trách vấn đề kinh tế; giám sát các nhà máy xí nghiệp v. v...
Nhóm thứ hai của III.d điều tra những người có danh tiếng và giới thượng lưu.
Giám đốc Ämt III là Otto Ohlendorf

Ämt IV: GESTAPO - cơ quan nắm quyền lực tuyệt đối bắt giam người về mặt chính trị; Cơ quan trung ương có 1.500 người.
Các phòng trực thuộc: nghiên cứu kẻ thù, tấn công, bắt giữ, hành quyết..., gồm có 6 phòng:
IV. a/ Chống địch thủ của chế độ: cộng sản, phản động, vô chính phủ, chống khủng bố phá hoại, các biện pháp an ninh chung.
(Nhóm IV.a này còn có 6 nhóm bên dưới).
IV. b/ Giám sát hoạt động chính trị của nhà thờ Thiên chúa giáo và Tin lành; các giáo phái: Do Thái, Tam Điểm - Chia làm năm ban trực thuộc. Ban trực thuộc IV. b/4 phụ trách giải pháp chung về vấn đề Do Thái do Adorf Eichmann phụ trách.
IV. c/ Bắt người để bảo vệ, tạm giam; các vụ việc về Đảng Quốc xã; Phòng hồ sơ - phiếu.
IV. d/ Phụ trách lãnh thổ Đức chiếm đóng và lao động người nước ngoài làm việc ở Đức.
Có bốn bộ phận trực thuộc phụ trách các vùng phía Tây: Hà Lan, Bỉ, Pháp; Chỉ huy là Karl Heinz Hoffmann, điều khiển lệnh có mật danh “Đêm tối và sương mù”, đã giết hàng ngàn người tù.
IV. e/ Chống gián điệp - gồm 6 nhóm:
- Các vấn đề chung của việc chống gián điệp
- Chống gián điệp trong các nhà máy của Quốc xã
- Vấn đề kinh tế chung
- Các nước Tây Âu
- Các nước Bắc Âu
- Các nước Đông Âu
- Các nước phía Nam.
IV. f/ Cảnh sát biên phòng; Hộ chiếu, căn cước và cảnh sát người nước ngoài.
Đầu năm 1947 chỉ huy Ämt IV đã đặt thêm một ban phụ, độc lập, để thẩm tra lại các tin tức. Chỉ huy ban phụ này là Heinrich Müller.

Ämt V - KRIPO - cơ cấu tổ chức nhà nước - cơ quan hoạt động nắm quyền tuyệt đối về các loại tội phạm. Cơ quan trung ương có 1.200 nhân viên chia làm 4 nhóm:
V. a/ Cảnh sát hình sự; Các biện pháp phòng xa.
V. b/ Cảnh sát hình sự chiến đấu; Tội phạm và bắt quả tang.
V. c/ Điều tra lý lịch và dò xét.
V. d/ Học viện khoa học hình sự (Gestapo - Kripo) Giám đốc Arthur Nebe đến 20-7-1941.
Danzinger từ 1941 đến ngày Quốc xã sụp đổ.

Ämt VI - S.D ngoài nước: Phụ trách các tổ chức của Đảng Quốc xã; Do thám nước ngoài. Cơ quan trung ương có từ 300 - 500 người tùy theo từng thời kỳ, chia ra làm 6 nhóm, sau đó chia thành 8 nhóm.
VI. a/ Tổ chức chung của cơ quan do thám kiểm tra các S.D khu vực.
VI. b/ Ban do thám Tây Âu - chia làm 3 nhóm:
+ Pháp
+ Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha
+ Bắc Phi.
VI. c/ Do thám các nước ảnh hưởng của Nga gồm một nhóm trực thuộc của VI. c phụ trách khu vực Ả Rập và phá hoại ở Liên Xô.
VI. d/ Do thám các vùng ảnh hưởng của Mỹ.
VI. e/ Do thám Đông Âu.
VI. f/ Các biện pháp kỹ thuật dùng cho toàn bộ Ämt
VI. g/ Sử dụng số lớn các hội ở nước ngoài và điều hành hàng chục ngàn nhân viên điều tra.
Tên do thám nổi tiếng nhất là Eliaza Bazna biệt danh là “nhà hùng biện” hoạt động ở Ankara do tên S.S điều khiển là Sturnbanzhührer và do Schellenberg cài ở Ankara.
Giám đốc tiếp theo là Heinz Jost đèn đầu 1941; Walter Schellenberg từ 1941 đến ngày Quốc xã sụp đổ.
Năm 1942 Schellenberg lập thêm nhóm VI.g chuyên khai thác tin khoa học và nhóm S chịu trách nhiệm bố trí và thực hiện kế hoạch phá hoại vật chất, tinh thần và chính trị. Nhóm S do Otto Skorzeny chỉ huy.

Ämt VII: Phụ trách các tài liệu viết tay - nghiên cứu ý tưởng các địch thủ của chế độ Quốc xã như Tam Điểm, đạo Do Thái - Thiên chúa giáo, vô chính phủ, Mác-xít.
Tổ chức Đảng Quốc xã có ba ban ở S.D:
VII. a/ Nghiên cứu, tổng hợp tài liệu
VII. b/ Khai thác tài liệu; Đưa ra các giả thuyết; Ghi chép tiểu sử; Bình luận báo chí v. v...
VII. c/ Tập trung hồ sơ lưu trữ; Sắp xếp các hồ sơ; Khai thác các tấm phích; Bảo quản các nhà bảo tàng, thư viện; Ảnh viện chung của R.S.H.A.



Hết!
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM