Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 11 Tháng Năm, 2024, 09:41:07 am


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Điện Biên Phủ từ góc nhìn của người lính Pháp  (Đọc 141541 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #10 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2008, 11:32:57 am »

Ngày 15-6 các cơn mưa trút nước vẫn tiếp diễn, dẫu mưa đã nhỏ hơn. Trước khi rời, ông Ben mông đã nghiên cứu các bức ảnh hàng không chụp vào tháng 5-1954, điều đó đã giúp ông có thể báo cho đại diện địa phương về dự đoán địa điểm hai nghĩa trang nhỏ. Một sự trùng hợp, những "người lao động" đã cập nhật chúng. Cái thứ nhất chắc chắn là của trạm giải phẫu dù số 5 của đại úy bác sĩ Hanz. Ở đó cây thánh giá sẽ giúp cho việc nhận diện được nhanh chóng: Rôlăng Gentilini thuộc tiểu đoàn 8 dù xung kích. Ở nghĩa trang thứ hai ở phía nam Clôđin, một ngôi mộ thứ hai, mộ của Lui Lơ Gôn phơ của thiết đoàn xe tăng. Buổi chiều không phát hiện được thêm mộ nào. Mưa lại nặng hạt, ai về nhà nấy, Ben mông thay quần áo đi tắm và nhận được một gáo nước lạnh khác, khó chịu hơn trước mắt ông: Ngày mai là lễ hội Mùa, trong hai ngày tới không có nhân công. "Những lễ hội này là truyền thống - người ta nói với ông - không thể phản đối, còn ông không thể tiến hành việc tìm kiếm mà không có người đi cùng. Chúng tôi chịu trách nhiệm về an toàn của ông" - người sĩ quan liên lạc nói thêm đồng thời nhắc đến việc có mìn.

Ngày 17, Ben mông nêu lại yêu cầu và người đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam đã phải xiêu lòng, cho phép ông đi đến Isaben. Quãng đường từ chỗ họ đến trận địa cũ của đại tá Lalăng dài 6 kilômét, người sĩ quan trưng dụng một số xe đạp. Đến độ cao của cứ điểm cũ của trung úy Uyiem, trên hữu ngạn, xe đạp trở nên vô ích bởi vì cầu Xuđra - mang tên tư lệnh công binh cũ - chưa được khôi phục, vì vậy phải lội qua sông Nậm Rốm. Thực ra, các thành viên của bạn bơi qua sông, áo quần do các ông bộ đội mang trên đầu.
Nỗi ngạc nhiên thứ nhất, nghĩa trang ở ngoài hàng rào dây thép gai đã được nhân dân bản Hồng Cúm dọn cỏ và quét dọn theo lệnh của đại diện Việt Minh. Những cây chữ thập có ghi tên còn đọc được và mộ Alanh Gămbiê đã được tìm thấy. Trên 58 ngôi mộ, 40 ngôi có mang tên, đó là một tỉ lệ đáng kể so với Élian, ở đó các cuộc oanh tạc đã thay đổi địa hình đến mức hàng trăm chiến binh được chôn cất mà không có hy vọng nhận dạng.

Sau khi vượt sông trở lại, đoàn dừng lại ở đường băng sân bay và nhìn thấy hai nấm đất gần những mảnh vỡ của một chiếc máy bay. Chắc chắn đây là những thành viên của phi hành đoàn. Buổi chiều trời quang và cho phép Ben mông đi tiếp. Các nhà chức trách địa phương không mặn mà gì với cuộc đi này vì ở đấy cũng có nhiều mìn. Hơn nữa những người cầm dao phạt đã đụng đầu với một khu rừng thật sự nguyên sinh, mọi sự tìm kiếm sẽ không thực hiện được. Lui trở về đoàn gặp những xe tải quân sự đang đỗ, bên cạnh đó, bộ đội đang thu thập xe tăng và pháo mang về Hà Nội. Chính viên sĩ quan liên lạc đã khẳng định điều đó.
Ngày 18-6, người đại diện địa phương muốn xóa ấn tượng về việc mất hai ngày trong hội Mùa, đã tập hợp 50 người Thái để quét dọn nghĩa trang Clôđin và nghĩa trang trạm quân y Hant. Nghĩa trang trạm quân y có những dãy gồm 50 mộ, 12 trong đó đã được nhận dạng nhưng 5 mộ là hố chôn chung và không thể xác định là có bao nhiêu thi hài trong đó.

Tin rằng công việc sẽ tiếp tục vào đầu mùa khô, viên sĩ quan ghi vào sổ tay các địa điểm mà nạn nhân của trận đánh đã được chôn cất thường là dưới làn đạn trái phá. Đến tháng 10, ông nghĩ, người ta sẽ mở các ngôi mộ và các hố chôn chung và chắc là sẽ có thể xác định tên cho phần lớn các thi thể. Trong nghĩa trang chính, 172 thi hài đã được khai quật mà chỉ có 4 thi hài là có thể nhận diện. Vị trí của 12 thi thể khác còn được đại úy thừa nhận, ông nhận diện được người Việt Nam ngay đầu tiên: trung sĩ nhảy dù Hoàng Công Năng. Ít lâu sau, thư ký của người đại diện thông báo cho Ben mông 110 mộ vừa được phát hiện ở Isaben. Viên chức ấy hứa sẽ cho sơn lại tên trên các thập tự.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #11 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2008, 11:33:05 am »

Phía nam bệnh viện trung tâm, nơi mổ của trung úy bác sĩ Ginđrây sau khi thiếu tá bác sĩ Grauuyn đã lựa chọn thương binh, nhờ phát quang các bụi rậm, đã thấy được 4 hào đầy, dài ít nhất 25 mét mỗi cái. Trước khi Ben mông lên đường, Grauuyn có cho biết là gần 300 thi thể đã được chôn cất ở đó đó là những thương binh nặng chỉ đến bệnh viện để chết và những người khác quá yếu không chịu nổi những hậu quả của một cuộc mổ xẻ. Làm thế nào để khôi phục tên tuổi cho những người chết - lẫn lộn giống nhau như anh em thế này?

Dày và mau hạt, mưa, gió mùa gõ trống trong thung lũng. Mưa rơi suốt đêm 20 cho đến rạng ngày 21, những đám mây cuối cùng sẽ vỡ tung ra trên bầu trời chiến trường xưa vào sáng 21. Bầu trời xanh đã trở lại và khuyến khích Ben mông men theo một đường mòn dẫn đến nghĩa trang của Đôminíc 4, ở đấy dân làng đang phát những cây cỏ dại lấn át nghĩa trang. Viên sĩ quan lo lắng với ý nghĩ xúc động: ban đêm, nước sông dâng lên tràn ngập các ngôi mộ gần bờ nhất và đe dọa cuốn phăng đi theo dòng nước.
"Công việc chỉ có thể tiến hành sau mùa mưa!", ông lấy làm tiếc.

Sau một bữa ăn thanh đạm, Ben mông lợi dụng lúc mưa im gió lặng để đi xem xét những mảnh vỡ của chiếc máy bay Privateer đã bị rơi ở tây bắc An nơ Mari ở độ cao 1600 mét. Năm thi thể đã được chôn cất trong một hố chung cách máy bay 30 mét. Máy bay chỉ còn những mảnh vỡ không có gì đáng chú ý. Đây là chiếc Privateer có thương hiệu Manphanôpski bị súng phòng không bắn rơi ngày 14-4-1954.

Ngày 23-6 đã đến và chiếc trực thăng có thể trở lại bất cứ lúc nào, không còn vấn đề thị sát trận địa mà phần lớn một phần không thể tới được. Tuy nhiên thời tiết đã quá xấu đến mức người phi công lái trực thăng chắc đã bỏ chuyến bay: "Trần mây rất thấp, núi chìm trong mây. Mưa phùn rơi và đến trưa, trời quang đãng nhưng cảnh đẹp trời chỉ ngắn ngủi nhất thời vì gió đã nổi lên và sương mù đặc đã che kín".

Bản tổng kết nhiệm vụ là tích cực. Dĩ nhiên, nhiều nghĩa trang đã được biết của Bộ tổng chỉ huy Pháp hoặc đã chụp được trong các bức ảnh thám không chưa được cập nhật, hoặc do thiếu thông tin, hoặc do đất đai đã bị gài mìn, song những kết quả đạt được giữa một mùa mưa gió đã cho thấy những người chết của tập đoàn cứ điểm, được nhận diện hay không đều được mai táng trang trọng. Trừ một vài hố chung mà các nạn nhân là người của hai bên đã được chôn cất không phân biệt quốc tịch.

Người ta đọc dưới ngòi bút của Ben mông rằng "hầu hết toàn bộ những người bị giết có thể sẽ được tìm thấy”. Trong báo cáo của mình, ông đề xuất việc thành lập một nghĩa trang lớn tập hợp tất cả những người chết và lấy Élian 4 làm địa điểm vì nó ở trung tâm các điểm đề kháng, nơi diễn ra những cuộc chiến đấu ác liệt nhất.

Công việc làm trong 15 ngày cho phép nghĩ rằng tiếng trống trận đã im, đã có thể tìm ra một giải pháp để hồi hương phần lớn các thi thể bị tổn thương hoặc thỏa thuận về một cuộc mai táng cuối cùng tại chỗ. Mang niềm hy vọng đó, sau 16 ngày chờ đợi dưới những cơn mưa gió mùa, ngày 9-7, Ben mông từ biệt thung lũng. Sau khi trở về, ông thảo báo cáo trình lên tướng Giắccô, Quyền Tổng chỉ huy.

Cây cối rậm rạp che khuất phần lớn các thiết bị, các sắp đặt bố trí của chiến trường, Giắccô bình luận. Không một cuộc phá dò mìn nào được tiến hành. (chỉ có vài mảnh đất vuông trồng ngô đang được khôi phục. Một đài kỷ niệm để tôn vinh quân đội nhân dân làm bằng sào tre và vải dù đã được thiết lập trên đỉnh Élian 2. Các nghĩa trang, mộ chung và hào giao thông - nơi chôn cất người chết, đều được tôn trọng nhưng bị cây cối che phủ.

Nói đến kết quả mà phái đoàn Ben mông đã đạt được, Giắccô lấy làm hài lòng: 638 ngôi mộ cá nhân đã được nhận biết, trong đó 162 đã được nhận diện (xác định được tông tích). Những chữ ghi trên mộ đã được làm lại theo chỉ dẫn của đại úy Benmông. 300 thi thể đã được mai táng trong một hố chung ở nam sân bay Mường Thanh. Hai nghìn thi thể của cả hai bên đã được quân đội Việt Nam chôn cất trong một hố chung trên đồi Élian 1. Nếu việc thăm dò chiến trường có thể được thực hiện bằng những phương tiện cần thiết sau khi đã gỡ mìn trước, thì những kết quả tích cực khác chắc chắn sẽ có thể đạt được.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #12 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2008, 11:33:15 am »

Vị tướng tỏ ý tin tưởng rằng "thi thể các quân nhân được mai táng ở Điện Biên Phủ có thể được tìm thấy phần lớn, nhưng đông nhất là những thi thể không thể nhận diện được Tuy nhiên không thể nói là thời gian nào thì một kíp khai quật đầu tiên sẽ được gửi đến".

Ben mông không bao giờ trở lại trong thung lũng của dòng sông Nậm Rốm và ý tưởng về một đại nghĩa trang trên đỉnh đồi Élian 4 sẽ được xếp vào ngăn tủ các dự án quá tham vọng. Những người chết ở Điện Biên Phủ sẽ không có phần mộ nào hơn là những thửa ruộng và những sườn đồi, nơi phát triển của lớp thực vật nhiệt đới tốt tươi qua nhiều năm tháng đã che lấp các vết sẹo chiến tranh của mặt đất và cả những di hài của các chiến binh.

Vì lý do gì mà người ta lại quyết định thiết lập, ở xứ Thái một căn cứ không - bộ (Chú thích: Căn cứ không quân và lục quân (BT). .) cách Hà Nội 300km?

Và tại sao tướng Na va lại chấp nhận sự đụng độ trong lúc ông không thể không thấy những rủi ro của một trận đánh như vậy và không thể không biết đến bệnh thiếu quân số kinh niên mà đạo quân viễn chinh đã phải chịu bao nhiêu năm nay?

Những trách nhiệm về sự thất bại của trận đánh đã được điều tra nghiên cứu và xác định từ năm 1955 bởi một ủy ban điều tra đứng đầu là đại tướng Catơru. Sau khi xem xét những hồ sơ mật và nghe điều trần trong cuộc họp kín với các tướng lĩnh, nhất là các tướng Ăngri Nava - Tổng chỉ huy ở Đông Dương khi xảy ra sự kiện, Rơnê Cônhi của Lục quân Bắc Việt và Crixtian đờ Caxtơri, người chịu trách nhiệm về "chiến trường được tổ chức", đại tướng Catơru cho rằng cả ba người đều chịu trách nhiệm về sự thất bại, ở các cấp của họ và với những tình tiết giảm tội rộng rãi. (Chú thích: Thành phần ủy ban điều tra đã được công bố trên công báo ngày 10-4- 1955. Chủ tịch: tướng Catơru. Các ủy viên: tướng Valanh, đô đốc Lơmôniê, tướng Ma nhăng và toàn quyền Lơ bô. Thư ký: Tướng Ma dô. Phiên họp đầu tiên là vào ngày 21-4-1955. )

Lời chê trách đầu tiên dành cho Nava là trận Điện Biên Phủ không được suy tính đầy đủ. Lời chê trách này là rất nặng nề. Làm sao có thể tưởng tượng được là đưa 12.000 người đi 300 kilômét cách căn cứ của họ mà không biết họ sẽ trở về như thế nào? Hoặc người nào đó có trơ trẽn không mà nghĩ rằng có lẽ không có ngày về! Tuy nhiên không thiếu những thái độ thận trọng đề phòng như thái độ của đại tá Ni cô, một năm trước là tư lệnh không quân vận tải ở Đông Dương. Để thả các tiểu đoàn dù xuống Điện Biên Phủ - chiến dịch Hải li - tốt hơn nên hỏi ý kiến ông ta. Tóm tắt ý kiến của mình, ông đặt câu hỏi: hàng ngàn người được không vận lên xứ Thái rồi sẽ ra sao? ông cho rằng sẽ gặp khó khăn, thậm chí không thể "vận chuyển trở lại bằng đường không những đơn vị đã thả xuống đất khi gặp phải sức ép đặc biệt mạnh mẽ của một kẻ thù đã tiếp cận". Tấn bi kịch sau này đã được ghi trong câu ấy. Người ta biết cách đi đến đó nhưng không biết cách từ đó trở về như thế nào.

Những hậu quả mà trận đánh đã thai nghén từ khi mới manh nha, - người ta đọc trong lưu trữ hồ sơ của ủy ban điều tra, "chỉ xuất hiện quá muộn màng ở tướng Nava ... Khi ông nhận thức được những sai lầm trong tính toán của mình thì đã quá muộn để xem xét lại . Về phần Cônhi, ông cũng nhận được những lời chí trích mạnh mẽ và ủy ban điều tra cho rằng ông có thể tránh được một số sai lầm "nếu các khu ngoại vi của cứ điểm dã được các sĩ quan tham mưu của ông kết hợp với các sĩ quan của không đoàn chiến thuật phía Bắc nhận biết và nghiên cứu trên thực địa. Những kết luận của một cuộc nghiên cứu như vậy, việc có thể làm từ đầu tháng 12-1953, có thể đưa tướng Nava đến quyết định từ bỏ đúng lúc ý định giao chiến ở Điện Biên Phủ.

Năm 1954, tướng Đờ sô - chỉ huy không đoàn chiến thuật phía Bắc, khi nói về Điện Biên Phủ trước ủy ban điều tra của Catơru, nhấn mạnh rằng người ta biến tập đoàn cứ điểm thành một Con nhím (Chú thích: Điểm tựa biệt lập có khả năng phòng thủ ở mọi phía (ND). ), đó là một sai lầm lớn vì, ông ta nói, không nên bao giờ đặt mình vào trường hợp không thể chiếm một cứ điểm con nhím bằng cách này hoặc cách khác, sau một thời gian hạn định và xác định vững chắc”.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #13 vào lúc: 30 Tháng Tư, 2008, 11:33:33 am »

Đờ sô nói thêm với một thái độ hài hước dữ dằn: "Giả thử Việt Minh không chiếm Điện Biên Phủ bằng sức mạnh thì họ làm gì? Vẫn ở đấy chăng? trong khi đồng ý giảm nhẹ tội cho những người chịu trách nhiệm quân sự, ủy ban điều tra của tướng Catơru nhắc lại là đạo quân viễn chinh thường đơn độc một mình trong cuộc chiến tranh năm 1945 do tướng Lơcléc phát động một cách bất đắc dĩ. Người ta đọc trong kết luận của ủy ban điều tra:

Tổng chỉ huy không cảm thấy mình được ủng hộ. Ông có lý do để nghĩ rằng chiến tranh Đông Dương không được chỉ đạo và theo dõi đầy đủ từ Pa ri. Ông biết rằng dư luận công chúng đã mệt mỏi vì một cuộc chiến tranh kéo dài đã bảy năm và những tổn thất không ngừng tăng lên, đặc biệt đã đào một luống cày sâu trong các thế hệ sĩ quan trẻ. Ông hiểu rằng nước Pháp đã kiệt quệ tài nguyên và dè sẻn khi người ta gửi viện binh cho ông, sự chậm chạp khi nó đến với ông, đã phản ánh những khó khăn ngày càng tăng trong việc đáp ứng các yêu cầu của ông.

Có phải vì những lý do dó mà Chính phủ Lanien cũng bị cáo giác? Theo ủy ban điều tra, Chính phủ đã không chỉ đạo cuộc chiến tranh với đầy đủ sự sáng suốt và kiên quyết, ra những chỉ thị cho tướng Na va chậm trễ đến nỗi ông này đã làm tổng chỉ huy từ nhiều tháng nay mà mới nhận được chỉ thị thả lính dù xuống Điện Biên Phủ. Song trước Lanien, từ năm 1946, các chính phủ nối tiếp nhau lãnh đạo nước Pháp lại không nhận những trách nhiệm như thế ư?. Thế mà từ Đông Dương những lời cảnh báo đã thấu tới họ, ý nghĩa của nó không thể bỏ qua. Đạo quân viễn chinh luôn luôn là đứa con nghèo khổ của quân đội Pháp. Chính phủ giao nhiệm vụ cho nó nhưng chỉ những người nhập ngũ theo hợp đồng thì mới đưa ra nước ngoài. Người ta không động đến những người làm nhiệm vụ quân dịch, điều đó không ngăn cản bộ chỉ huy làm mọi cách để khuyến khích những người được gọi nhập ngũ tình nguyện sang Đông Dương.

Chúng ta hãy đọc đoạn trích của Thông tư ngày 17-6-1952 của Bộ trưởng Quốc phòng gửi Tổng trưởng các bộ chiến tranh, không quân, hải quân, dưới ngòi bút của tướng Ganêvan: "Những khó khăn mà ba quân chủng gặp phải cho đến nay, để đảm bảo sự thay thế các lực lượng của chúng ta ở Đông Dương, vẫn nổi cộm trong năm 1952 và 1953. Vậy cần có một nỗ lực lớn trên phương tiện tuyên truyền để tạo ra một lượng tối đa các thiên hướng và do đó mà thu được một số lớn người tình nguyện sang Viễn Đông. Nỗ lực đó phải hướng vào đặc biệt là những thanh niên được gọi đi quân dịch.

Trong lưu trữ không thiếu những lời khiếu nại của các cấp chỉ huy về vấn đề quân số. Ngay từ năm 1946, trung tá đờ la Brốtxơ thuộc trung đoàn bộ binh thuộc địa Ma rốc báo cáo về những người phải giữ lại trong đơn vị ông khi họ đã hoàn thành hợp đồng: Chúng tôi gần như bị tước vũ khí khi những người trong đơn vị đã hoàn thành hợp đồng hoặc thời gian phục vụ bình thường theo quân dịch, đôi khi từ hơn mười tám tháng nay. Không chút do dự và bằng những lời lẽ đôi khi rất mạnh mẽ, những người này trình bày hoàn cảnh của họ với các sĩ quan ... Họ cảm thấy rằng chính quốc không quan tâm đến họ và đạo quân viễn chinh không được lòng dân.

Ngày 11-6-1946, đại tá Mát xuy thuộc một thiết đoàn của Sư đoàn thiết giáp số 2, cũng nêu những nỗi băn khoăn tương tự:

“Mọi quân nhân của đơn vị đến đây với cái nhãn duy nhất "tình nguyện vì cuộc chiến tranh chống Nhật" và để đi theo tướng Lơcléc, bởi vì lúc đó chẳng có việc gì làm ở Pháp. Phục vụ vượt quá thời gian ra đi của vị tướng sau khi đã phục vụ vượt quá yêu cầu đối với các lớp lính tương ứng của chính quốc có lẽ là lạm dụng lòng tin”.

Hai năm sau, vào ngày 13-4-1948, tướng Xalăng phàn nàn về sự chậm trễ trong việc quyết định ngày lên đường của những người có thể hồi hương và đề nghị áp dụng một chương trình thay quân: "Tôi không phải không cảm thấy sự thực hiện một chương trình như vậy sẽ kéo theo việc gửi người làm nghĩa vụ quân dịch sang Viễn Đông , ông nói và thêm: nếu những đề nghị của ông không được ghi nhận "Vấn đề hiện diện của nước Pháp ở Đông Dương sẽ được đặt ra vào quý tư năm nay".

Sự cao giọng tiếp tục không ngừng. Trong một hồ sơ hồi tháng 7-1949 do đại tá Crevơcơ thảo ra và ký (ông sẽ là người chỉ huy các lực lượng ở Lào năm 1954) người ta đọc: "Sự thiếu hụt người Pháp ngày càng trầm trọng thêm, trong vài tháng tới đạo quân viễn chinh có nguy cơ phải bỏ một số đất đai". Nhưng Crevơcơ đi xa hơn và cảnh báo: "Việc rút quân, nếu chúng ta buộc phải làm, đòi hỏi mười tám tháng để thực hiện, trong những điều kiện bất lợi và có thể là đẫm máu".

Năm 1950, sau khi rút khỏi Cao Bằng và Lạng Sơn, tướng Cácpăngchiê, tổng chỉ huy, đã gửi đến Chủ tịch Hội đồng một báo cáo dày tám trang trong đó ông đề nghị Chính phủ chống lại mọi hành động co rút "được xem như là dấu hiệu của sự yếu đuối sự khuyến khích kẻ thù và làm cho bạn bè xa rời mình... Theo tôi nghĩ, đó là dấu hiệu rời bỏ Đông Dương .

Tuy nhiên, Cácpăngchiê phải chịu khuất phục trước quyết định của cấp lãnh đạo chính trị, họ không tăng viện như ông yêu cầu và "chấp nhận phá vỡ sự cân bằng với Việt Minh mà tiềm lực không ngừng tăng lên với một nhịp độ nhanh hơn lên từ hai tháng qua do sự giúp đỡ của Trung Quốc.
Không chịu ngồi ì, Tổng chỉ huy bày tỏ ý kiến về tương lai Đạo quân viễn chinh Pháp ở Viễn Đông. Lúc này là vào cuối năm 1950:

“Đó là khởi đầu của việc co rút, tín hiệu của việc rời bỏ Đông Dương, bởi vì nước Pháp không muốn hoặc không thể tiếp tục ủng hộ sự nỗ lực cần thiết để bảo đảm sự hiện diện của nước Pháp ở đó. Nhưng tôi nghĩ lúc bấy giờ phải nói ra điều đó và không tìm cách ở lại trong khi ra đi hoặc tìm cách ra đi trong khi ở lại. Tháng 1-1951, sau khi bẻ gãy cuộc tấn công của Việt Minh vào Tiên Yên và Móng Cái ở biên giới với Trung Quốc và ngăn chặn sự đe doạ nhằm vào Hà Nội, tướng Đờ Lattơrơ Đờ Tátxinhi báo cáo với Bộ trưởng Quốc phòng Gian Mốt sơ rằng: "ông đã chạy như người say trên đất Bắc Kỳ vừa để giúp đỡ những nơi khẩn cấp trước, vừa liều lĩnh mạo hiểm nhất thời ở những nơi khác". Và Đờ Lattơrơ nói thêm: "trước tầm quan trọng của nhiệm vụ mà chúng tôi được giao phó và trước sự gia tăng các phương tiện của kẻ thù, những lực lượng mà tôi có trong tay không đủ. Tôi đã thấy trước điều đó khi mới đến và ở Hà Nội tôi đã trình bày với ngài ước tính đầu tiên về sự tăng viện cần có".

Vị tướng cam đoan rằng ông đã tính đưa quân số người Âu lên mức tối đa, tuy nhiên ông còn nói "những xoay sở này cũng chỉ có một hiệu quả hạn chế, tôi yêu cầu ngài cố nài với Chính phủ để Chính phủ thấy nổi cộm lên sự cần thiết tuyệt đối phải ủng hộ hoạt động đã cam kết ở Đông Dương bằng một nỗ lực gia tăng, thiếu nó thì không thể tránh khỏi những hậu quả nghiêm trọng".

Tất cả những điều cảnh báo này đã được phát biểu - chúng tôi không bao giờ không nhấn mạnh - nhiều năm trước Điện Biên Phủ.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #14 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2008, 09:02:24 pm »

PHẦN MỘT
SỰ LỰA CHỌN

Chương I
"TÔI NGHĨ RẰNG CHÚNG TA CÓ HAI TRẬN ĐÁNH"

Tướng Cônhi là "một trong những người đầu tiên" đề xuất trận đánh Điện Biên Phủ. ông ta có một chục tiểu đoàn phân tán trên hướng tây bắc của Bắc Kỳ và với tinh thần tiết kiệm thì ông cho rằng thế là quá nhiều. Để giảm nhẹ sự bố trí lực lượng này ông mong muốn có "một điểm neo tàu tốt ở xứ Thái nhưng, vì lý do địa lý, Lai Châu không thích hợp, Nà Sản thì bị hạn chế, còn lại, Cônhi nói, "sáu tiểu đoàn chẳng biết làm gì, vì, trong cái xứ này, người ta không ngăn chặn một hướng bằng một bánh xi niêm phong .

Ở Lai Châu, thủ phủ của xứ Thái, người trị vì là Đèo Văn Long, người mà Cônhi đánh giá là "chưa thể tin được, phong kiến nhưng có uy tín rõ rệt". Có thể nhờ người đó mà giữ Lai Châu được không?. Ít có khả năng. Trước hết phải dọn Nà Sản đi đã nhưng hình như Nava chưa vội. Cônhi đã yêu cầu, đã van xin trước khi Tổng chỉ huy, cuối cùng đã chấp nhận nguyên tắc của sự ra đi. Lai Châu là một "căn cứ không - bộ tồi, Nà Sản bị buộc phải biến mất, sự hiện diện của Pháp ở Tây Bắc, Bắc Kỳ trở thành loại da thuộc hay co rút lại, nhưng Cônhi lo lắng hơn cả là vùng châu thổ sông Hồng. Tuy nhiên vào đầu mùa hè 1953, vấn đề đang bàn là Điện Biên Phủ. Ở đây có một đường băng hạ cánh do người Nhật xây dựng từ năm 1945. Cônhi nói chuyện đó với Nava: "Đó có thể làm một căn cứ không - bộ để yểm hộ cho các hoạt động chính trị - quân sự, ông xác định cụ thể, không phải là một tập đoàn cứ điểm".

Cônhi ngạc nhiên được đọc trong một chỉ thị của Nava ngày 25-7 rằng việc chiếm Điện Biên Phủ cho phép can thiệp, khi kẻ thù đe doạ nước Lào mà Pháp có quan hệ bằng hiệp ước tương trợ.

Cônhi không tin rằng "với giá trị một tập đoàn cứ điểm lại có thể chặn được một hướng, dù hướng đó là Luang Prabang cách 400 kilômét ... . ông nói thêm: "Tôi đã thuyết phục được tướng Nava vì ngày 6-8, tướng Nava đã thôi không chiếm Điện Biên Phủ nữa. ông chấp nhận sẽ bám trụ ở đó sau khi đã rút khỏi Nà Sản, mà việc này chúng tôi sẽ làm trong vài ngày. Và vì một mối đe doạ luôn luôn có thể xảy ra trong xứ Thái, ch úng tôi làm 1u mờ Lai Châu.

Việc rút khỏi Nà Sản được thực hiện bằng máy bay từ ngày 8 đến ngày 12-8-1953. Hiệu quả của sự bất ngờ đã phát huy tác dụng, Tướng Giáp không có thời gian để lên một kế hoạch tấn công vào những người phòng thủ cuối cùng và họ đã rút đi rồi. Trong lúc đó Nava lại suy nghĩ và trở lại với ý tưởng ban đầu, quyết định đi đến Điện Biên Phủ.

Thật là một bất ngờ đối với tôi, Cônhi thú nhận, vào ngày 2-11, khi Tổng chỉ huy trở lại với ý định đi lên Điện Biên Phủ.
Chắc chắn là đối với ông, tư tưởng chủ đạo là hướng phải ngăn chặn, ý tưởng khác với tôi... Việc chọn Điện Biên Phủ làm một căn cứ không - bộ yểm hộ các hoạt động chính trị - quân sự, là do tôi đề xuất. Nhưng biến nó thành một tập đoàn cứ điểm, tôi không thể chịu trách nhiệm vì đó không phải là ý kiến của tôi.

Nava muốn xâm nhập vào Điện Biên Phủ vì một lý do buộc ông xem xét lại chiến lược của mình ở Tây Bắc Bắc Kỳ: một sư đoàn Việt Minh, sư đoàn 316, đang vận động theo hướng xứ Thái. Sự chuyển động đó làm ông bối rối, điều đó có nghĩa là Việt Minh có thể có ý định lấp chỗ trống của Pháp. Ngoài sự vận động của sư đoàn 316, phòng nhì được tin các trinh sát của các sư đoàn 308 và 312 đã nhận được lệnh trở về đơn vị mình. Cơ quan tình báo nghe ngóng ước đoán rằng sư 316 sẽ đến Lai Châu vào ngày 10-12, các đoàn xe Việt Minh đêm đêm đi trên tỉnh lộ 41, tất cả các tin tức đều ăn khớp: việc chuẩn bị hậu cần đã vượt xa các nhu cầu của sư 316. Vậy có những đơn vị khác sẽ tiếp theo không?
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #15 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2008, 09:06:59 pm »

Bị Nava thúc, Cônhi cho chuẩn bị một chiến dịch không vận đến Điện Biên Phủ cách Hà Nội hơn 300 kilômét. Ông dự định sử dụng sáu tiểu đoàn dù, những đơn vị con cưng của đạo quân viễn chinh. Mật mã là Hải li, quyền chỉ huy giao cho tướng Ginlơ. Người ta đẩy nhanh các công tác chuẩn bị, bởi vì Nava nghĩ tới sư đoàn 316 đang tiến về hướng xứ Thái. Phải làm cho quân dù là những người đầu tiên đến thung lũng sông Nậm Rốm. Trong một thông tư đặc biệt phát đi ngày 21-11, Cônhi giải thích rằng Hải li nhằm tạo cho chúng ta một căn cứ viễn tập ở biên giới xứ Thái và nước Lào, lấy đi của Việt Minh một trung tâm tiếp tế lúa gạo quan trọng nhất của miền núi.

Đó là một lý lẽ hay! Cônhi hy vọng nhất là Hải li sẽ làm cho Tướng Giáp giảm sức ép lên vùng châu thổ, một vựa lúa ở xa quan trọng hơn. Ý nghĩ về một cuộc tấn công của Việt Minh vào vùng châu thổ - và mọi tin tức đều chỉ ra rằng nó đã được lập chương trình - làm cho Cônhi lo lắng. Mặc dầu nắm trong tay 80 ngàn người rải ra trong 918 đồn bốt, được 125 khẩu pháo chi viện, ông vẫn thấy nổi lên "sự xuống cấp của khu vực nhạy cảm này (Chú thích: Tháng 9-1952, Việt Minh kiểm soát 2900 làng vùng châu thổ. Đến tháng 3-1954 họ đã kiểm soát 3345. Cũng một đường biểu diễn như vậy với các bốt của lính bổ sung: mất 59 bốt trong thời gian từ 12-2 đến 18-5- 1954 (khoảng 3200 người có vũ trang so với 29 trong 10 tháng trước đó).

Sự vận động của các đơn vị là một việc, chất lượng của chúng lại là việc khác và Nava hiểu rằng bộ binh của ông không được tốt. Khi đến nắm quyền chỉ huy ngày 25-5-1953, tất cả các vị đại tá đã nói với ông điều đó. Tổng chỉ huy điều trần trước ủy ban điều tra: "Tôi không muốn nói nó là xấu. Trong phòng ngự nó còn vững chắc nhưng, với khung cán bộ từ Pháp sang, không quen, không hiểu đơn vị, thay đổi luôn luôn, gồm những người phần lớn chưa bao giờ chiến đấu ở Đông Dương, bộ binh của chúng ta kém hơn về chất lượng so với bộ binh Việt Minh. Họ ít nhiều giống bộ binh Pháp năm 1914 - 1918 là bộ binh được chà xát và tốt lên trong chiến đấu".

Ngày 23-10, Nava gặp lại Cônhi ở Lai Châu, cách Điện Biên Phủ 80 kilômét về phía bắc, nối liền với Điện Biên Phủ bằng đường mòn, một loại đường cho ngựa đi, dọc theo sông Nậm Cỏ. Nếu có quyết định rút, thì chỉ có du kích Thái ở lại, khung cán bộ là người Pháp hoạt động thành từng nhóm du kích, đến tận biên giới Trung Quốc. Với Điện Biên Phủ thì lại khác. Sau khi quân dù kiểm soát địa điểm, công binh sửa sang khôi phục lại đường băng và khi Ginlơ nắm được tình hình thì phần lớn các tiểu đoàn dù sẽ rời đi, các máy bay Đacôta sẽ đưa bộ binh của lực lượng đồn trú sau này đến thay thế họ .

Ngày 3-11, đại tá Béctêin, phó tham mưu trưởng của Nava, đưa đến cho Cônhi một chỉ thị yêu cầu chiếm Điện Biên Phủ trong thời gian từ 20 đến 25. Như vậy ngày mở đầu chiến dịch hầu như đã được ấn định trong lúc các sĩ quan tham mưu của Cônhi thậm chí không đồng ý vế sự cần thiết của nó. Đại tá Bastiani (Chú thích: Tham mưu trưởng của tướng Cônhi, đại tá Gátxông Bastiani không có quan hệ bà con gì với trung tá Đôminic Bastiani.) và các trung tá Đênép và Muyntriê đã trình bày ý kiến phản đối của mình bằng văn bản. Họ nhắc lại cuộc hành quân Hải âu - nhằm tiêu diệt sư đoàn 320 - chưa kết thúc (cuộc hành quân này sẽ chấm dứt trong ba ngày nữa), nhiều cuộc hành quân khác khẩn cấp hơn đang được nghiên cứu và việc đưa một căn cứ vào miền núi chưa có lợi ích trước mắt. Họ chấp nhận việc rút Lai Châu nhưng việc chiếm Điện Biên Phủ - họ nhấn mạnh theo cách nói của Bastiani - "sẽ là một biện pháp chuẩn bị cho việc phòng thủ nước Lào mà hiện nay chẳng ai đe doạ cả".

Tuy nhiên phải chịu khuất phục, nhưng ngày 12-11 ông nhấn mạnh với Ginlơ: "không có tập đoàn cứ điểm kiểu con nhím chung quanh đường băng, Ginlơ phải chuẩn bị "bố trí sắp đặt một lực lượng đồn trú bình thường gồm năm tiểu đoàn trong đó hai tiểu đoàn có thể du cư”. Hải li sẽ diễn ra từ ngày 20-11. Ngoài ra, Béctây từ Hà Nội về tham gia vào một cuộc họp với các người có trách nhiệm. "Tất cả những người có mặt phải dành lực lượng dự bị trong phạm vi quyền hạn của họ", đại tá Ni cô của lực lượng vận tải đường không làm yên lòng họ".

Ginlơ hỏi các tin tức về lực lượng Việt Minh. Làng đã bị chiếm chưa? Hình như hai hoặc ba đại đội của trung đoàn 148 đang đóng quân ở đó. Trong những điều kiện như thế, ít khả năng quân dù giành được lợi thế bất ngờ. Hơn nữa, quân của Ginlơ sẽ bị phân tán ít nhiều khi chạm đất. Tướng Mát xông, phó chỉ huy trường của Cônhi lo ngại: "Chúng ta sẽ mất 50% quân dù!".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #16 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2008, 09:11:09 pm »

Đờ sô phi công, quan tâm đến đường hạ cánh. Bao nhiêu ngày sau Hải li nó sẽ sử dụng được? Đại đội 17 công binh nhảy dù đợt đầu, sẽ bố trí sắp xếp nó. Đờ sô nhắc nhở là máy bay yểm trợ sẽ hoạt động theo giới hạn của sự can thiệp và Ni cô thì nghĩ đến gió bão, mưa phùn và các cơn mưa có thể khiến không thể đến được thung lũng sông Nậm Rốm bằng máy bay trong nhiều ngày. Giữa cao điểm của gió mùa, lượng mưa ở khu vực Điện Biên Phủ cao hơn nhiều so với mọi nơi khác ở Bắc Kỳ. Ông tự hỏi về việc sử dụng đường băng về mùa mưa "nếu chiến dịch phải kéo dài đến đó". Ni cô cũng diễn đạt một sự dè dặt khác: sự cách xa của các căn cứ không quân, từ đó hoàn toàn thiếu sự yểm trợ cho hành trình trong khi bay 300 km trên vùng núi. Còn về trọng tải thì dự kiến cho người/ngày (7kg) xem ra khá nhẹ đối với Ni cô mà giác quan thứ sáu chắc là đang có báo dộng bởi vì nhu cầu về ăn uống lên tới 12 kg một người/mỗi ngày trong thời gian chiến dịch nghĩa là đánh giá thấp hơn 70%. Hầu như chẳng đâu ra đâu cả

Nava đến Hà Nội ngày 17-11 và ấn định thời gian của Hải li là ba ngày sau, ngày 20. Phòng chiến tranh tâm lí của thiếu tá Phốt xây Phrăngxoa đánh lạc hướng bằng cách phao tin về một chiến dịch không vận trên điểm bắc vùng châu thổ. Ngày 19 về Sài Gòn, ngày hôm sau Nava tiếp chuẩn đô đốc Cabaniê từ Pa ri đến mang theo câu trả lời từ chối không đáp ứng yêu cầu tăng viện. Chuẩn đô đốc còn mang theo một thông điệp của ông Lanien - Chủ tịch Hội đồng. Ông Chủ tịch hứa kết thúc chiến tranh bằng thương lượng nhưng cần phải hiểu rằng chỉ giải quyết khi có khả năng về sức mạnh. Thế mà khi những cuộc hành quân mới nhất đã phô trương thế tích cực thì vị đứng đầu chính phủ lại do dự đã đến lúc chưa để tìm kiếm một cuộc tiếp xúc theo đường ngoại giao và để hướng tới sự chấm dứt xung đột bằng những cuộc thương lượng kín đáo. Pa ri nhắc nhở Nava rằng vai trò của ông không phải là để đạt được một thắng lợi cuối cùng mà là để đặt đối phương trước điều chắc chắn là họ không thể giành thắng lợi được. "Hãy làm cho nhiệm vụ của ông thích ứng với những phương tiện mà ông có!", người ta khuyên Nava như vậy.

Tổng chỉ huy nghĩ rằng việc khởi đầu một chính sách thương lượng đã chín muồi, Điện Biên Phủ có thể sẽ cho ông một nền tảng tốt nhất, nhưng Tướng Giáp cũng nghĩ vậy và hai người sẽ giao chiến với nhau để giảng hòa được tốt hơn. Một trận đánh thừa?

Chuẩn đô dốc Cabaniê có thể không quan tâm gì đặc biệt về ngày đàm thoại của ông với Nava: ngày thứ sáu 20-11. Cũng vậy Tổng chỉ huy có nghĩ là nên nói với ông về cuộc hành quân Hải li và có nhấn mạnh thời điểm khởi sự thương thuyết sẽ bị chọn sai ở điểm nào không? Chiến dịch không vận lớn nhất trong chiến tranh Đông Dương đã bắt đầu và những người lính dù đầu tiên vừa nhảy dù xuống Điện Biên Phủ.

Rạng sáng ngày 20, ba vị tướng Ginlơ, Bô đê (phó của Nava), và Đờ sô, chui vào một chiếc Đacôta C47 bay về hướng tây. Ginlơ có nghĩ gì về những lời nói sau cùng của Nava? "Với điều kiện là thời tiết phải thuận lợi ...".

Số mệnh, nghĩa là sự sống hay là cái chết của hàng ngàn con người, có phải là do vài dám mây dông? Có phải do sự hiện diện dai dẳng của làn sương mù dày đặc ở trên địa điểm? Dưới chiếc máy bay chứa đầy những thiết bị thông tin liên lạc, bay ở độ cao hai ngàn mét, bầu trời mờ đục và sĩ quan khí tượng trên máy bay do dự không muốn báo tầm nhìn trên thung lũng sông Nậm Rốm. 7h15 phút, chiếc Đacôta chở các tướng đã đến Điện Biên Phủ, bị che phủ bởi sương mù dày đặc mà sĩ quan khí tượng, bỗng trở nên lạc quan, dự đoán là sẽ tan đi trong nửa giờ nữa. Mặt trời như chứng minh cho anh ta khi nó lấp lánh phản chiếu những khúc uốn của dòng sông Nậm Rốm. Bô đê quay đầu về phía Ginlơ và gợi ý bật đèn xanh cho Hải li.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #17 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2008, 09:13:45 pm »

Trong lúc đó ở sân bay Bạch Mai và Gia Lâm, quân dù chuẩn bị lên máy bay, Ni cô đã nắm lấy cơ cấu điều khiển chiếc Đacôta của đợt nhảy đầu tiên. Dù thiếu quân số ông vẫn dàn 67 chiếc máy bay để xuất phát, đó là một con số đáng kể đối với một sự bắt đầu, về lý thuyết có 70 chiếc máy bay cho 52 tổ lái. Tín hiệu xanh phát bằng rađiô đối với tất cả phi công và lính dù, là một sự nhẹ nhõm. Với 33 chiếc máy bay, đợt đầu cất cánh sau máy bay của Ni cô (tên mã: Texas), sau khi bay vòng trên bầu trời Hà Nội để lập đội hình rồi bay về hướng tây. Tại sân bay Gia Lâm, phía bên kia sông Hồng, động cơ của ba mươi hai chiếc Đacôta của đợt nhảy dù thứ hai đã khởi động.

Nhờ có ảnh chụp từ trên máy bay, một bản đồ của thung lũng đã được vẽ, có bốn hình chữ nhật biểu thị các khu vực tiếp đất của quân dù. Những ngày tiếp sau, các dụng cụ, khí cụ cho căn cứ tương lai được ném xuống (rơi tự do) hoặc thả bằng dù. Làng ở phần bắc của khu vực nhảy dù và thung lũng bị cắt bởi hai trục bắc nam con sông và ở tả ngạn là tỉnh lộ số 41. Ở phía bắc Điện Biên Phủ dọc theo đường băng hạ cánh cũ, Natasa, là khu vực nhảy dù thứ nhất. Quá về phía nam, Ôc tan trên hữu ngạn và Ximon trên tả ngạn. Cách gần 6 kilômét về phía nam và ở hữu ngạn là Xuydan, được dùng đến trong trường hợp bất ngờ. Gồm 651 lính dù, tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 của thiếu tá Biga nhảy đầu tiên xuống Natasa. Nhiệm vụ của nó: đứng chân ở các rìa phía tây của làng rồi chiếm lấy. Thứ đến: yểm hộ Natasa trong lúc thả đợt 2 tức là tiểu đội 2, trung đoàn dù thuộc địa số 1 của thiếu tá Brêsinhắc có 820 quân dù, sẽ đậu xuống Ximon. Biểu hiện của các cuộc thay quân không đầy đủ được chính quốc đành chấp nhận và sự "vàng hoá" (Chú thích: Chỉ màu da quân lính (BT). các đơn vị, Biga có hai trăm người Việt Nam trong quân số, còn Brêsinhắc 420, một nửa tiểu đoàn. Đơn vị thứ ba của Liên đoàn không vận số 1 tiểu đoàn dù xung kích thứ nhất của thiếu tá Xukê nhảy vào buổi chiều cùng với công binh và một đại đội của trung đoàn khinh pháo dù số 35.

Tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 bị phạt ở lại từ thứ năm ngày 19 lúc 18h và mãi đến 21h các trung đội trường được triệu tập bởi các đại đội trưởng (Trapp, Man hia, Uynđơ và Lơ Pa) đã được thông báo nhiệm vụ. Hồ sơ nhảy dù gồm các ảnh chụp từ trên không, các bản đồ mà vùng trắng lại nhiều hơn vùng nắm vững tin tức và một tin khó chịu: người ta ước tính có 5 hoặc 6 đại đội Việt Minh đóng quân ở Điện Biên Phủ. Nếu hiệu ứng bất ngờ phát huy tác dụng, nếu các phi công tôn trọng sự chính xác của thời gian quy định cho các chuyến bay, nếu sự phân tán lúc dù chạm đất không quá lớn, nếu các túi đạn dược và các túi khí nặng đến cùng một lúc, nếu ...

Đối với Biga, sự nghi ngờ không được phép, người của ông sẽ phải "đấu kiếm" - thuật ngữ thời thượng - để chiếm lấy mục tiêu. Đêm ngắn ngủi và buổi sáng thứ sáu, máy bay nuốt các nhóm vào bụng và cất cánh theo hướng xứ Thái. Trung uý Lơ Bruđếc thuộc đại đội Trapp, kể lại đoạn tiếp theo với mẹ anh, đó là năm ngày sau khi nhảy dù. Mai Lơ Bruđếc sẽ rất hài lòng: bức thư có những 6 trang viết cả mặt trước và mặt sau: 

"Còn nửa giờ nữa và chúng con thấy tổ lái cùng những người thả dù hối hả bận rộn. Nét mặt của những cậu ngồi cạnh con căng thẳng... Rađiô xuất hiện và ra tín hiệu cho những người thả dù; còn mười phút nữa. Con thử nhìn phong cảnh qua cửa sổ tròn của máy bay nhưng con đã phí thời gian. Ba phút. Rađiô ra lệnh: "Đứng dậy! Móc vào dây!" Chúng con dang tay chân bị cứng khớp và tai thì nghe tiếng ve vì máy bay giảm độ cao. Con nuốt nước bọt và có cảm giác là máy bay lướt qua các ngọn đồi. Một người thả dù đặt cái bao đựng đại bác không giật (ĐKZ) ở cửa máy bay mà còn không thấy mở. Con phải vẹo người để thấy khu vực nhảy dù nhưng tiếng chuông thả dù lại vang lên. Kíp pháo thủ ĐKZ nhảy đầu tiên, cửa đã mở, con liền nhảy ra! Có cảm giác là lộn đầu xuống trước trong khi cái mũ của con tuột khỏi đầu con nhưng sự va chạm lúc mở dù làm cho con lấy lại thăng bằng. Hạ sĩ nhất Manxini nhảy sau con, chân anh ta đụng vào dù con làm con lo lắng. Bầu trời đầy những dù xanh lục và trắng và vì còn phải theo dõi Manxini, con không hay mình đã tới mặt đất và con rơi vào một bụi cây. Con không thấy gì xung quanh mình, con bỏ cái dù của mình và tiến đến chỗ Manxini, trong lúc đó các máy bay yểm hộ bắn phá, oanh tạc các vùng xung quanh".
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #18 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2008, 09:16:26 pm »

Trên thực tế, việc nhảy dù của tiểu đoàn dù thuộc địa số 6 quá chậm và thiên về phía bắc. Đến 11h, trung uý Trápp đã tập hợp được nửa đại đội 2 đối diện với một xóm có vài ba nhà sàn từ đó có những loạt đạn bắn ra, một trung đội đã bị Việt Minh "đốt sạch", Việt Minh sử dụng đường kênh cắt ngang khu vực nhảy dù nhưng trung đội của trung uý Xamalen đã đến. Đại đội 4 của trung uý Đờ Uynđơ nhảy xuống khu rừng thưa phía bắc, xung quanh là quân Việt Minh, họ bị bất ngờ nên bắn với một nhịp độ mà Uynđơ cho là phi lý. Đại đội 4 chẳng có cách nào hơn là tổ chức thành những ổ phòng ngự biệt lập. Đại đội 3 của trung uý Manhila tập hợp ở rìa làng còn trung uý Lơ Pa quá khó khăn để đẩy lui địch đang bắn vào phía nam, rồi bắt đầu tấn công, nhưng kẻ thù tỏ ra rất bướng bỉnh. Hai trung đội tới được những ngôi nhà đầu tiên làm bằng tre nhưng không thể thoát ra được dưới hoả lực dày đặc của những vũ khí tự động nấp dưới hầm. Cũng lúc này, Biga liên lạc bằng rađiô với các đơn vị của ông và di chuyển sở chỉ huy và đại đội chỉ huy sở của trung uý Buốcgoa đến Lơ Pa giơ. Đến 11h30 thiếu uý Alleri đã nhận được các khẩu cối 81 nhưng anh chỉ có ba viên đạn; người của anh đi tìm đạn. Một giờ sau, tìm được một bao đạn và Alleri có thể khai hỏa. Ở chỗ Trapp cuộc chiến đấu gay go: Pêrétxianh, người phụ trách vô tuyến điện bị một viên đạn vào ngực, trung uý Coócbinô bị thương và trung sĩ nhất Lugrê đi trong nháy mắt đã ngụy trang lá cờ chuẩn mà anh phất vì Việt Minh chỉ cách có dưới 50 mét. Bên cạnh Lơ Bruđếc, Bôe với khẩu súng có kính ngắm "bắn bia vào những tay súng dùng vũ khí tự động .

"Bỗng nhiên - Bruđếc kể với mẹ, trò xiếc lại bắt đầu, lần này từ phía chúng con. Một số Việt Minh bằng những bước nhảy mau lẹ, di động từ bụi cây sang bờ ruộng. Trapp yêu cầu con chăm lo đến những người của Coócbinô, Xamalen vòng ra phía sau sườn bên trái của chúng con và đẩy lùi sự đe doạ của kẻ thù. Việt Minh bị hẫng chân".

Cái làng trở thành mục tiêu chủ yếu, cả Manhia và Lơ Pa giơ đều vận động các trung đội của họ nhưng không có kết quả lớn. Bám chặt vô tuyến điện, Biga đã yêu cầu được một cuộc oanh tạc bằng máy bay B26, các trung liên 12,7 li của chúng đã phá huỷ một phần những ổ đề kháng. Việt Minh chưa chịu thua, một đợt B26 nữa là cần thiết. Đến 16 giờ sau một cuộc công kích và những đợt bắn gần vào Việt Minh đang bám trụ đến cùng trong các hố cá nhân, Lơ Pa giơ báo cáo đã đạt mục tiêu. Chưa phải là giảm được áp lực nhưng cũng gần như vậy. Tráp mất 11 người nhưng một số trong đó được thả dù kéo dài nên họ nhập vào đơn vị Uynđơ. Trung uý Gia cốp có bốn người chết và chục người bị thương. Manhila có một sĩ quan bị thương, thiếu uý Bulay, đã được sơ tán bằng trực thăng với Coocbinô. Lơ Pa giơ mất hai hạ sĩ quan, Gay và Máctơlinô. Trung uý bác sĩ Rivier của tiểu đoàn 6 và cha Sơvaliê tìm kiếm người bị thương và người hấp hối

Sau khi thượng sĩ Prigiăng phát khẩu phần ăn nhẹ, cuộc lùng sục bắt đầu. Người ta đếm được 90 xác chết Việt Minh và 4 người bị bắt. Thung lũng sông Nậm Rốm đã thuộc về tay quân dù, họ thu được một trung liên, một tiểu liên, hơn hai mươi ngàn viên đạn, một số thùng lựu đạn, 100kg thuốc nổ và một số tài liệu mà trung uý Êlidơ tra cứu ngon lành. Nếu người Việt Nam gọi là Điện Biên Phủ thì người Thái sống trong thung lũng lại gọi nó là Mường Thanh. Người của Lơ Pa giơ đã tìm thấy sở chỉ huy của đối phương và khoảng một trăm bọc đồ. Người sĩ quan đầu tiên bị giết trong cuộc hành quân Hải li là đại uý bác sĩ Ray mông bị đạn khi nhảy dù xuống. (Chú thích: Sinh tháng 12-1914, Giăng Côdiuýts Ray mông làm nghĩa vụ năm 1935 tại trường Quân y. Bác sĩ trong lực lượng Pháp ở Đông Dương, rồi được phong trung úy, được bổ nhiệm về binh đoàn lê dương hiến binh làm đại uý bác sĩ vào dịp Nôen 1945. Có bằng nhẩy dù năm 1946, công tác ở Ma rốc. Năm 1953 được cử sang Đông Dương, đến Đông Dương vào tháng 9. Là bác sĩ các đơn vị không vận của cuộc hành quân Hải li, nhảy dù cùng tiểu đoàn 6 dù thuộc địa ngày 20- 11)

Tiểu đoàn 2, trung đoàn dù thuộc địa số 1 của Brêsinhắc nhảy xuống khu vực nhây dù Ximon và đến sẩm tối hơn 1800 lính dù kiểm soát Điện Biên Phủ. Ở đơn vị Biga có 10 người bị giết, 31 người bị thương trong số đó những người nặng nhất được sơ tán bằng trực thăng đi Lai Châu là nơi đã bố trí trạm giải phẫu cơ động số 21 của trung uý bác sĩ Thômát.
Logged
Đánh đông dẹp bắc
Thành viên
*
Bài viết: 595



« Trả lời #19 vào lúc: 01 Tháng Năm, 2008, 09:18:31 pm »

Phân bố trong 30 máy bay Đacôta, 722 người của tiểu đoàn dù thuộc địa số 1 đã cất cánh từ 13h15. Cùng với họ, có 6 sĩ quan pháo binh và 28 bao khí cụ. Đợt thả dù đầu tiên lúc 15h, họ được biết là tiểu đoàn 6 dù thuộc địa còn đang chiến đấu. Đại đội súng cối hạng nặng của đội lê dương đã nhảy dù với trung uý Môliniê, tám người và các xe hòm của trạm giải phẫu số 1 của trung uý bác sĩ Rugiơn nhảy trước các pháo thủ hai đội pháo 75 không giật, cho đến tối dù nở như những cánh hoa trên bầu trời.

Thứ bảy ngày 21, sau khi thả tiểu đoàn 8 dù xung kích , 654 lính lê dương (trong đó 336 là người Việt) của tiểu đoàn 1 dù ngoại quốc nhảy xuống và nhận nhiệm vụ tổ chức và bảo vệ, nếu cần, hai quả đồi ở phía tây bắc làng là Élian 2 và Élian 3. Tiểu đoàn cuối cùng, tiểu đoàn 5 dù Việt Nam của đại uý B ... được thả xuống ngày chủ nhật 22.

Cuộc nhảy dù diễn ra như một bài tập - đại uý Máctine của đại đội 4 viết. Tôi khám phá ra một bản Thái bên bờ một con sông đẹp đẽ, trong một thung lũng rộng mênh mông có những ngọn đồi xanh tươi bao quanh. Đây là một vùng nông thôn. Đại đội của tôi khoảng 170 người tập hợp lại và chúng tôi hành quân đến một vị trí sau này trở thành Élian. Chúng tôi bắt đầu rút đi nhưng đêm thật là yên tĩnh. Ngược lại tôi không thấy người ta có thể làm gì ở đó và nhất là chúng tôi sẽ ra khỏi đó như thế nào. Tướng Ginlơ nhảy dù vào ngày thứ hai cùng với trung tá Lăng le thuộc Liên đoàn không vận số 2 bị vỡ mắt cá và tức điên lên đã trở về Hà Nội ngay hôm sau để bó bột (Chú thích: Sinh năm 1909 tại Pontivy, Pie Lang le tốt nghiệp trường võ bị Xanh Xia năm 1930. Ở Đông Dương lần đầu với Sư đoàn 9 Bộ binh thuộc địa năm 1945. Sang Đông Dương lần thứ 2, chỉ huy phân khu Móng Cái rồi phân khu Đồng Hới. Trở về Pháp với quân hàm trung tá, đã tốt nghiệp nhảy dù cuối 1950. Lần thứ 3 sang Việt Nam nhảy dù xuống Điện Biên Phủ trong cuộc hành quân Hải li.). Những cuộc thả dù các khí cụ lớn đã bắt đầu. Một xe ủi bảy tấn đấu tiên được thả bằng dù đã bị tách ra "biến mất mãi mãi trong bùn lầy một thửa ruộng”, thiếu tá Angdơre Xudra kể. Bốn chiếc khác chạm đất đỡ nặng nề hơn nhưng không phải là của mới vì theo lý lịch của chúng thì chúng đã được dùng trong chiến dịch ở Italia, ở Pháp và ở Đức chưa kể trong nhiều cuộc hành quân ở Đông Dương. Công binh nhận được một trạm hàn, 25 cưa gỗ và 15 tổ máy phát điện. Lúc này, nỗ lực của họ hướng vào việc sửa chữa, khôi phục đường băng hạ cánh và đại đội 17 công binh nhảy dù của thiếu tá Sáclê, đã phát quang và san bằng mặt đất. Cuối đường băng họ sẽ xây dựng một cầu gỗ cho máy bay lăn vào bãi và khi phát hiện nó, Xudra đã đánh giá là "kỳ diệu”.

Biga đã điều một trăm người cho công binh sử dụng trong khi chờ đại đội Excăngđơ (4-12) và đại đội Phadenchiơ 8 ngày sau. Ngày 22, sau cuộc nhảy dù của Bảo an (tức là tiểu đoàn dù Việt Nam số 5 theo cách gọi của người Việt Nam), một chiếc Beaver liên lạc sẽ đỗ xuống, trên đó có Tướng Cônhi, ông tham dự cuộc hạ cánh của ba chiếc Crikê (Moran 500) được cử đến cho căn cứ. Ngày 25-11 sẽ là chiếc Đacôta đầu tiên.

Nếu trung uý Lơ Buđếc làm yên lòng mẹ bằng cách kể cho mẹ nghe câu chuyện về Hải li thì một sĩ quan khác của Biga, trung uý Xamalen quan tâm trước tiên là không làm cho cô Blăngsơ, vợ anh, đang chờ một đứa con ra đời vào tháng 12 lo lắng. Các bức thư của anh mô tả như anh được đưa đến một loại trại nghỉ hè ở miền Bắc Việt Nam. Không phải là Câu lạc bộ Địa Trung Hải nhưng cũng na ná như thế. Với ngòi bút của một nhà du lịch ngỡ ngàng, anh tả cảnh xứ Thái. Ở Bayon, cô vợ trẻ giả vờ như không biết chồng mình là thuộc một tiểu đoàn xấu xa, cau có, dữ tợn nhất Đông Dương. Lá thư đầu tiên viết ngày 21-11: "Lúc này chẳng có đánh nhau, anh ta nói với vợ. Sự bất ngờ đã qua rồi, mọi việc tốt đẹp. Vùng này đẹp lắm: màu xanh lá cây, núi non, sông ngòi ... Các anh ăn uống tốt vì người Thái bán cho các anh gà tơ và hoa quả để đổi lấy khẩu phần ăn; ở đây là vương quốc của cây tre, cái gì cũng làm bằng tre: nhà cửa, cọc sàn, gáo và nhiều loại đồ dùng. Anh viết thư cùng lúc lực lượng tăng viện nhảy dù, mọi người nhìn lên không trung, một cuộc hội tụ thực sự".
Logged
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM