Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 19 Tháng Tư, 2024, 03:10:52 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Cách mạng Văn hoá liệt truyện - Tập 1  (Đọc 63083 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:46:01 pm »

Tên sách: Cách mạng Văn hoá liệt truyện
Tác giả: Thiên Đảo Hồ
Người dịch: Nguyễn Duy Chiếm
Nhà xuất bản: Cà Mau
Năm xuất bản: 2003
Số hoá: ptlinh, chuongxedap




Chương I
TAI HỌA TỪ LƯ SƠN


1
Vì chuyện “chửi mẹ” nhau hai anh hùng trở mặt
Cảm chuyện xưa Mao khóc vì không con nối dõi tông đường


1. Kha Khánh Thi lặng lẽ cầm đi bản ghi lời phát biểu của Bành Đức Hoài

Vào năm thứ hai của cuộc chống phái hữu, mảnh đất Thần Châu bao la bước vào thời kỳ thần thoại. Chỉ trong mấy tháng, nông thôn cả nước đã công xã hóa, gang thép trong một năm tăng lên gấp đôi, lương thực tăng lên gấp bội, sản lượng lúa nước 10 tấn trên một mẫu, sản lượng khoai lang 60 tấn trên một mẫu, gia đình đã bị tiêu diệt, một người trong một đêm viết được 60 kịch bản, nới rộng thắt lưng để mà ăn, ăn cơm không mất tiền... chiến đấu gian khổ ba tháng, chạy bộ lên chủ nghĩa cộng sản, con người đã từ vương quốc tất yếu bước vào vương quốc tự do, con người đã trở thành vạn năng, có thể đi mây về gió, bay lên trời chui xuống đất, hô gió gọi mưa, đào non lấp biển, gieo đậu thành lính, cái gì cũng dễ như trở bàn tay. Muốn cái gì có cái nấy. Khẩu hiệu “đuổi kịp Anh, vượt qua Mỹ, thi đua với Liên Xô” về sản xuất gang thép vang trời dậy đất, trong chớp mắt, những lời nói hào hùng, những vệ tinh giá đã đầy ắp trên báo chí và đài phát thanh. Đầu óc mọi người đã nóng rực. Trước đây cho rằng chủ nghĩa cộng sản tươi đẹp nhưng xa vời, hình như chỉ trong một đêm đã từ trên trời rơi xuống.

Đại nhảy vọt mới triển khai được hơn một năm, đến năm 1959, mà kỳ tích không hề được thực hiện, thực tế xuất hiện lại là: đói khát, phù thũng, giày vò đến chết, đâu đâu cũng vậy, một tai họa do con người gây nên đang đổ lên đầu muôn triệu gia đình.

Nhưng đầu óc của những người quyết định chính sách cao nhất không hề nguội lạnh.

“Đây là bệnh cuồng nhiệt của giai cấp tiểu tư sản”. Nguyên soái Bành Đức Hoài, ủy viên Bộ chính trị, đã từng vì cách mạng lập bao chiến công hiển hách, đang giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng lúc ấy đã đứng ra nói như vậy.

Lịch sử cũng thường phức tạp như thế đấy, câu nói chân thành lanh lảnh của Bành Đức Hoài đã đẩy mình vào cửa nhà tù thì đồng thời cũng làm cho một con người khác có được cơ hội mà ông ta khao khát đã lâu.

Thực ra vào khoảng thu đông năm 1958, Mao Trạch Đông đã phát hiện được những lộn xộn trong phong trào “đại nhảy vọt” và công xã nhân dân hóa. Rất nhiều người vội vội vàng vàng xông lên phía trước “muốn chạy bộ lên chủ nghĩa cộng sản”, rất nhiều công xã vội vã chuẩn bị tuyên bố sở hữu toàn dân, rất nhiều địa phương đã chuẩn bị xóa bỏ thương nghiệp và sản xuất hàng hóa. Để làm cho mọi người bình tĩnh lại, giải quyết sự lộn xộn về tư tưởng, theo đề nghị của Mao Trạch Đông, vào tháng 11 năm 1958 Trung ương Đảng đã triệu tập Hội nghị Trịnh Châu, sửa chữa sai lầm “tả” khuynh, tiếp theo đó lại tiến hành Hội nghị Bộ chính trị mở rộng ở Vũ Xương. Trên cơ sở hai hội nghị này, Trung ương Đảng đã triệu tập hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa 8 và thông qua “Nghị quyết về một số vấn đề công xã nhân dân”. “Nghị quyết” đã đánh giá cao sự xuất hiện của công xã nhân dân; chỉ rõ trước mắt công xã nhân dân trên cơ bản vẫn là tổ chức kinh tế của chế độ sở hữu tập thể; trao đổi hàng hóa không những không thể xóa bỏ, mà còn phải phát triển lớn hơn, quy định tư liệu sinh hoạt (bao gồm nhà ở) của cá nhân xã viên vĩnh viễn thuộc sở hữu cá nhân xã viên.

Vào khoảng tháng 2-3 năm 1959, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng tại Trịnh Châu (tức Hội nghị Trịnh Châu lần thứ hai). Trong Hội nghị này, Mao Trạch Đông đã nêu ra phương châm 14 câu để chỉnh đốn và xây dựng công xã nhân dân: “Thống nhất lãnh đạo, đội là cơ sở; phân cấp quản lý, giao quyền cho cấp dưới; hạch toán theo ba cấp, tự tính toán lỗ lãi, có kế hoạch phân phối, do công xã quyết định; tích lũy thỏa đáng, điều tiết hợp lý, lao động và vật tư, trao đổi ngang giá; phân phối theo lao động, thừa nhận sự chênh lệch”. Ý cơ bản mà Mao Trạch Đông nói ở đây là, trong hạch toán ba cấp: công xã, đại đội sản xuất và tiểu đội sản xuất trong công xã nhân dân, phải lấy đại đội sản xuất (vốn là hợp tác xã cao cấp) làm cơ sở, chống chủ nghĩa bình quân và việc điều động nhân lực, tiền vốn, tư liệu sản xuất của các đội sản xuất mà không hoàn lại.

Dựa vào ý kiến và phương châm của Mao Trạch Đông, Hội nghị Trịnh Châu lần thứ 2 đã định ra “Dự thảo: Một số quy định về thể chế quản lý công xã nhân dân”. Tiếp đó cũng vào khoảng tháng 3-4 năm 1959, Hội nghị Bộ Chính trị cũng định ra “Mười tám vấn đề của công xã nhân dân”. Hai văn kiện này đều quy định đội sản xuất (tức là Đại đội sản xuất) là đơn vị hạch toán cơ bản của công xã nhân dân, giải quyết trả lại tài sản xã viên đã điều động bình quân.

Đầu tháng 4 năm 1959, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương lần thứ 7 khóa 8, Hội nghị đã thông qua kế hoạch năm 1959, ngoài việc điều chỉnh đầu tư xây dựng, đã từng được công bố, kế hoạch vẫn duy trì chỉ tiêu cao như đã công bố, chỉ tiêu sản xuất thép định là 18 triệu tấn.

Lúc này, những hậu quả tai hại mất cân đối nghiêm trọng do đại nhảy vọt, xây dựng công xã nhân dân và cả nước luyện gang thép gây nên trong nền kinh tế quốc dân đã bộc lộ ra, lương thực giảm mạnh, thực phẩm phụ càng thiếu thốn, sản xuất gang thép không lên được, sản xuất gấp cũng chẳng thấm vào đâu, quý 1 chỉ sản xuất được 3,36 triệu tấn thép. Hàng tiêu dùng thiếu, cung ứng căng thẳng, rất nhiều địa phương xuất hiện tình hình cực kỳ nghiêm trọng, đã xuất hiện mất mùa đói kém.

Trong bước hiểm nghèo, qua điều tra, Trần Vân đã kiến nghị với Bộ Chính trị là nên giảm sản lượng thép năm 1959 xuống còn 13 triệu tấn, giảm bớt số nhân khẩu phi nông nghiệp, phát triển sản xuất lương thực, tổ chức sản xuất hàng tiêu dùng. Trung ương và Mao Trạch Đông rất coi trọng ý kiến của Trần Vân, lập tức sắp xếp lại.

Mặc dù đã có một số cố gắng như vậy, nhưng do Mao Trạch Đông vẫn hoàn toàn khẳng định đối với đường lối chung, đại nhảy vọt và công xã nhân dân, nên sai lầm “tả” khuynh không được sửa chữa triệt để, tình hình trên căn bản vẫn không sáng sủa.
« Sửa lần cuối: 15 Tháng Hai, 2021, 09:14:09 am gửi bởi ptlinh » Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #1 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:46:37 pm »


Đúng lúc này, Cam Túc và nhiều nơi khác liên tục điện lên Trung ương báo cáo tình hình thiếu lương thực. Mao Trạch Đông chỉ định Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Khắc Thành điều động lực lượng vận tải của quân đội giúp vận chuyển lương thực đến Cam Túc. Hoàng Khắc Thành nhẩm tính những xe điều động được đều đã điều động cả, bây giờ biết điều xe từ đâu? Đang lúc bối rối thì Bành Đức Hoài kết thúc chuyến thăm Liên Xô và các nước Đông Âu về nước. Hoàng Khắc Thành thở phào, nắm chặt tay Bành Đức Hoài nói: “Ôi, đồng chí đã về, vậy là tôi yên lòng lắm rồi!” Bành Đức Hoài chột dạ hỏi: “Xảy ra chuyện gì vậy?” Hoàng Khắc Thành đáp: “Đồng chí không biết sao, gần đây mấy tỉnh Sơn Đông, An Huy, Cam Túc, Hà Nam đều khẩn cấp xin lương thực, Trung ương ra lệnh cho bộ đội phải điều lực lượng vận tải để vận chuyển lương thực khẩn cấp. Bộ đội đã điều rất nhiều xe thuyền thậm chí cả máy bay. Hiện nay tình hình thiếu lương thực ở Cam Túc rất nghiêm trọng, Trung ương lại ra lệnh cho bộ đội tiếp tục điều xe chi viện, nhưng tôi biết điều xe từ đâu?” Bành Đức Hoài giậm chân thở dài: “Tôi đã bảo từ lâu rồi mà, phải lường trước sự thổi phồng về sản lượng lương thực, nhưng mọi người không nghe, bây giờ thì vấn đề đã xảy ra. Giờ chỉ còn cách rút bớt một số xe đi Tây Tạng”. Hoàng Khắc Thành lo lắng: “Nếu vậy sẽ ảnh hưởng đến việc trấn áp bọn gây rối”. Bành Đức Hoài thở dài: “Cứu đói như cứu hỏa chậm sẽ gây chết người, đồng chí cứ thống nhất phân phối đi”. Hoàng Khắc Thành đồng ý.

Sau khi xong việc, Bành Đức Hoài định gọi điện cho Mao Trạch Đông báo cáo ý kiến của mình về tình hình nông thôn, nhưng ngẫm nghĩ một lúc lại đặt máy xuống. Đúng lúc này, Văn phòng Trung ương thông báo Trung ương quyết định triệu tập Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng ở Lư Sơn tỉnh Giang Tây từ ngày 2 đến ngày 15 tháng 7, mời Bành Đức Hoài đến họp đúng giờ. Vì bận viết báo cáo tổng kết đợt đi thăm Liên Xô và bận chỉ huy chiến đấu dẹp bọn phiến loạn ở Tây Tạng nên Bành Đức Hoài đã gọi điện cho Văn phòng Trung ương xin nghỉ không tham gia Hội nghị.

Không lâu sau đó, có điện thoại của Phong Trạch Viên, Bành Đức Hoài cầm máy thấy trong máy có tiếng: “A lô, đồng chí Bộ trưởng Bành Đức Hoài phải không ạ? Chủ tịch muốn nói chuyện với đồng chí”. Bành Đức Hoài nghe thấy vậy bèn đứng nghiêm báo cáo: “A lô, Chủ tịch đấy ạ? Tôi là Bành Đức Hoài”. Trong máy nghe vang lên tiếng nói thân thiết của Mao Trạch Đông: “Đồng chí Bành Đức Hoài, nghe nói đồng chí xin nghỉ không đến Lư Sơn phải không? Không được, không được, nhất định đồng chí phải đến”. Bành Đức Hoài bối rối: “Thưa Chủ tịch, tôi vừa đi thăm Liên Xô về, tình hình không nắm được nhiều, hơn nữa việc trấn áp bọn phiến loạn vẫn chưa xong”. Mao Trạch Đông nói: “Những việc ấy có thể tạm xếp lại, bọn phỉ ở vùng Sơn Nam đã bị tiêu diệt, chỉ còn lại một số nhóm, sẽ giải quyết dần, đồng chí nhất định phải đến Lư Sơn đấy!”

Thấy Mao Trạch Đông khăng khăng yêu cầu mình đến Lư Sơn, Bành Đức Hoài đành phải bàn giao công việc cho Hoàng Khắc Thành rồi đến Lư Sơn.

Vũ Hán tháng 7 nóng như một cái lò lửa còn Lư Sơn tháng 7 mát mẻ như mùa thu. Ở đây đã được giới nghiêm từ lâu, các uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư thứ nhất các tỉnh thành phố, Bộ trưởng các bộ trong Chính phủ, lần lượt đến Lư Sơn, phút chốc Lư Sơn trở nên náo nhiệt. Ngày 2 tháng 7 Hội nghị mở rộng của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khai mạc, Mao Thạch Đông phát biểu đầu tiên: Hội nghị lần này của chúng ta, chủ yếu thảo luận tổng kết công tác Đại nhảy vọt. Trước khi đến Lư Sơn, tôi đã đến thăm Hồ Nam, công việc ở Hồ Nam làm khá tốt. Tôi rất tán thành ba câu nói của Chu Tiểu Châu Bí thư Tỉnh ủy Hồ Nam, đồng chí ấy nói là thành tích của đại nhảy vọt to lớn, tuy vấn đề không ít nhưng tiền đồ sáng sủa. Thành tích to lớn thì không phải nói nữa, vấn đề không ít thì cần phải bàn đến nơi đến chốn, tiền đồ sáng sủa thì phải nhận thức cho rõ. Ban Thường vụ chúng tôi đã xem xét lại tình hình trong nước, sắp xếp lại các vấn đề và sẽ truyền đạt đến các đồng chí 19 vấn đề, đọc sách là một, tình hình là hai còn nhiệm vụ, thể chế, nhà ăn, tổng hợp cân đối v.v… Năm ngoái đã làm một việc ngốc nghếch, chỉ tiêu của mấy năm lại muốn đạt được trong một năm, nhưng khuyết điểm thì chỉ đếm trên vài ba đầu ngón tay, rất nhiều vấn đề phải chờ một thời gian dài nữa mới có thể nhìn thấy được Con đường nhảy vọt đã đắp được nhiều mà chưa bị sụt”.

Mao Trạch Đông uống một hớp nước, rồi tiếp tục nói, mọi chuyện vui vẻ, lấy cổ bàn kim, nói rất hấp dẫn hào hứng, hội trường thỉnh thoảng lại rộn lên tiếng cười vui vẻ.

Sau khi Mao Trạch Đông nói xong, đến lượt Lưu Thiếu Kỳ: “Nói thực ra cuộc sống năm ngoái quả là khó khăn, thường bị cắm cờ trắng. Năm ngoái thành tích rất lớn, thành tích phải kể cho đủ, nếu không kể thành tích thì sẽ không có lòng tin. Bài học cũng rất sâu sắc, phải tổng kết một cách nghiêm túc. Cuộc họp ở Lư Sơn hôm nay của chúng ta coi là Hội nghị thần tiên, mọi người có thể trình bày ý kiến của mình một cách thoải mái”.

Sau khi các vị lãnh đạo Trung ương phát biểu, bắt đầu chia tổ thảo luận. Do thời gian công tác ở Tây Bắc tương đối dài nên Bành Đức Hoài được chia về tổ Tây Bắc. Vì là Hội nghị thần tiên nên mọi người phát biểu tương đối thoải mái. Trước đấy, Bành Đức Hoài đã từng khảo sát ở Tây Bắc, nửa năm trước lại đến khảo sát tình hình ở Hồ Nam và còn đến quê Mao Trạch Đông ở Thiều Sơn, đã hiểu được một số tình hình thực tế. Sau khi thảo luận tổ, ông định tìm Mao Trạch Đông để trao đổi, nhưng chương trình làm việc của Hội nghị sắp xếp rất căng thẳng. Lúc Bành Đức Hoài rỗi rãi thì Mao Trạch Đông lại đang nghỉ ngơi, mấy lần đến đều bị cảnh vệ ngăn lại. Bành Đức Hoài không tìm được dịp nào để nói chuyện với Mao Trạch Đông nên đành phải phát biểu trong thảo luận tổ, mong Mao Trạch Đông thông qua biên bản thảo luận tổ có thể thấy được những ý kiến của mình:

- Cuối năm ngoái tôi đã đi khảo sát tình hình mười tỉnh, cũng đã tới công xã Thiều Sơn. Vấn đề báo khống sản lượng rất nghiêm trọng, việc luyện gang thép khắp nơi đã hút hết sức lao động ở nông thôn, thu hoạch mùa màng toàn là trẻ em và phụ nữ. Công xã Thiều Sơn được nhà nước cấp ngân sách và giúp đỡ cũng chỉ tăng được 13%, không nhiều như đã báo cáo, không biết Chủ tịch có biết tình hình này hay không.

- Năm 1957, cuộc chống phái hữu đã giành được thắng lợi to lớn, đầu óc nóng lên niềm say sưa mãn nguyện, cả nước làm gang thép, muốn phút chốc trở thành người béo. Công xã nhân dân cũng không thí điểm đã cho mở rộng dấy lên cơn gió cộng sản.

- Phải tìm được những bài học kinh nghiệm, không nên truy cứu trách nhiệm, vì nếu truy cứu trách nhiệm thì mọi người chúng ta đều có trách nhiệm, Mao Trạch Đông cũng có một phần.

- Ý kiến quần chúng lớn nhất là đặc thù hóa, chủ nghĩa quan liêu. Tôi đến khảo sát phát hiện ở một số nơi danh lam thắng cảnh không cho nhân dân đến thăm, trong đó xây những lầu nhỏ nói là để thủ trưởng ở. Tôi thấy một số người đã trở thành những lão gia quý tộc, trở thành vua quan khanh tướng, cẩn thận kẻo dân chúng chửi mẹ cho.

- Rất nhiều tỉnh đã xây biệt thự cho Mao Chủ tịch, định giở cái trò gì? Đây rõ ràng không phải Mao Chủ tịch bảo họ làm, những người này muốn làm gì vậy?

Tuy là Hội nghị thần tiên, nhưng mọi người vẫn rất thận trọng, mọi người chỉ bàn chuyện được mất thành bại của đại nhảy vọt, thảo luận trước mắt nên làm gì, chưa có ai dám chỉ mặt vạch tên Mao Trạch Đông như thế. Bây giờ thấy Bành Đức Hoài lớn tiếng phê phán, ai cũng im như thóc, trố mắt nhìn Bành Đức Hoài, không ai nói một lời tán thành hay phản đối.

Tổ trưởng tổ Hoa Đông, Bí thư thứ nhất thành phố Thượng Hải Kha Khánh Thi từ khi đến Lư Sơn lúc nào cũng tươi cười, luôn nhìn mọi người xem có ai nói gì không. Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Châu, Trương Trọng Lương, Dương Thượng Khuê, Chu Huệ, Lý Nhuệ, Điền Gia Anh, Ngô Lãnh Tây trong hội nghị đều liên tiếp phê phán “tả” khuynh làm cho Kha Khánh Thi vừa tức vừa mừng. Nhưng ông ta mưu sâu kế hiểm, vui giận không để lộ ra ngoài. Sau khi tan họp, ông ta lặng lẽ cầm bản ghi lời phát biểu của Bành Đức Hoài đến biệt thự Lư Sơn gặp Mao Trạch Đông.

Hôm nay Mao Trạch Đông rỗi rãi, một mình ngồi trên chiếc ghế mây ở ban công trầm ngâm hút thuốc. Ông cầm bản ghi lời phát biểu của Bành Đức Hoài liếc mắt đọc, nói với Kha Thánh Thi một cách không vui: “Từ Hội nghị Trịnh Châu năm ngoái đến nay các cuộc họp lớn họp nhỏ có tới sáu bảy lần, lần nào tôi cũng tự kiểm điểm. Tôi đã bắn ba viên đạn pháo, có sai, nhưng Bành Đức Hoài cũng không nên được thể mà không bỏ qua chứ”. Kha Khánh Thi nói: “Gia Anh không hiểu sao cũng theo họ, tôi không tiện nói, Chủ tịch nên khuyên ông ta”. Mao Trạch Đông uể oải nói: “Thôi, ăn cơm đánh rắm, trong bụng có khí, khí ra khỏi bụng sẽ dễ chịu, ai bảo ngay từ đầu tôi đã làm cái hình nộm? Ngay từ đầu là cái hình nộm thì sẽ tuyệt tự. Một đứa con trai... thì chết, một đứa con trai thì điên, tôi không có người nối dõi!”. Nói rồi, bờ mi Mao Trạch Đông bừng đỏ, Kha Khánh Thi thấy không ổn, vội đi ra ngoài.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #2 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:47:28 pm »


2. Dùng dằng không dứt, giờ dữ khó tránh

Lúc này Hội nghị sắp kết thúc, Ban thư ký Hội nghị đã bắt đầu sắp xếp xe cộ để các đại biểu trở về. Bành Đức Hoài cảm thấy Hội nghị Lư Sơn lần này chưa giải quyết vấn đề trên căn bản, nên bồn chồn không yên, đi đi lại lại, chợt nảy ra một sáng kiến: sao lại không viết cho Chủ tịch một bức thư nhỉ? Đúng lúc này, Chu Tiểu Châu đến, Bành Đức Hoài liền nói những ý kiến của mình với ông ta, Chu Tiểu Châu rất tán thành. Bành Đức Hoài quay về phòng, bắt đầu suy nghĩ, cuối cùng chuẩn bị viết về ba vấn đề:

a. Thành tích đại nhảy vọt năm 1958 là cần khẳng định không có gì phải nghi ngờ. Trong đó nên có một số khẳng định về sự tăng trưởng giá trị sản lượng trong sản xuất công nông nghiệp năm 1958, mặc dù có sự phóng đại các con số trên báo chí, nhưng xét cho cùng thì cũng có những con số thực trong đó. Ngoài ra, còn phải đồng thời chỉ rõ phong trào công xã nhân dân hóa quá nhanh quá gấp, lãng phí tài nguyên v.v...

b. Tổng kết những kinh nghiệm và bài học như thế nào? Phải chú ý chỉ rõ cái thói khoe khoang đang dấy lên một cách khá phổ biến. Thói khoe khoang lan tràn khắp các ngành các địa phương, một số kỳ tích không đáng tin cậy đã xuất hiện trên các mặt báo. Qua các tài liệu báo cáo về các mặt lúc bấy giờ thấy cái thế của chủ nghĩa cộng sản đang đến rất nhanh, làm cho uy tín của Đảng hạ thấp.

c. Tính cuồng nhiệt của giai cấp tiểu tư sản một số khuynh hướng “tả” đã khá phát triển, luôn muốn một bước lên chủ nghĩa cộng sản, về phương pháp tư tưởng thường lẫn lộn các quan hệ giữa bố cục mang tính chiến lược với những biện pháp cụ thể, giữa phương châm mang tính lâu dài với những bước đi trước mắt, giữa toàn thể và cục bộ, giữa tập thể lớn và tập thể nhỏ v.v.. Như việc Chủ tịch đề ra lời kêu gọi “trồng ít, sản lượng cao, thu hoạch nhiều”, “mười lăm năm đuổi kịp nước Anh” v.v… đều thuộc những phương châm chiến lược lâu dài, nhưng chúng ta lại thiếu nghiên cứu. Một số chỉ tiêu cứ tăng dần thco từng cấp, mỗi cấp thêm một ít, làm cho những yêu cầu vốn phải mấy năm hoặc mấy chục năm mới có thể đạt được trở thành chỉ tiêu một năm hoặc vài tháng phải hoàn thành…

Bành Đức Hoài xem lại đề cương cảm thấy đã hòm hòm, liền viết thư theo đề cương:

Mao Chủ tịch:

Hội nghị Lư Sơn lần này rất quan trọng, trong tổ Tây Bắc, tôi đã phát biểu mấy lần, nhưng thấy vẫn chưa nói hết ý kiến của mình nên viết riêng thư này để Chủ tịch tham khảo. Nhưng tôi là một con người giản đơn giống như Trương Phi, thực sự cái thô thiển thì có nhưng cái tỉ mỉ thì không. Vì vậy nó có giá trị tham khảo hay không xin Chủ tịch cân nhắc. Có chỗ nào không thỏa đáng xin Chủ tịch chỉ bảo...

Thư viết xong, Bành Đức Hoài gọi thư ký đến, nhờ anh ta chép lại, thư ký đem thư về chép lại, do thời gian gấp, nhiệm vụ khẩn trương, nên anh ta đã chép rất nhanh.

… Trong việc toàn dân luyện gang thép, phần lớn dựng một số lò địa phương nhỏ, đã lãng phí một số tài nguyên (vật lực, tài lực) và nhân lực, tất nhiên là một tổn thất khá lớn. Nhưng cái được là đã bước đầu điều tra một cách rộng rãi với quy mô to lớn về địa chất trong cả nước, đã bồi dưỡng được không ít nhân viên kỹ thuật, đông đảo cán bộ đã được rèn luyện và nâng cao trong phong trào này. Tuy nhiên phải trả một khoản học phí (phải bù vào 2 tỷ), tức là, về mặt này cũng có mất có được...

Thực ra trong nguyên văn của Bành Đức Hoài viết là “có được có mất”, bây giờ sao lại thành “có mất có được”, cái phần trách cứ có vẻ nặng thêm, đáng tiếc là khi đọc duyệt lại lần cuối cùng bức thư dài này, Bành Đức Hoài đã không nhìn ra.

Sau khi thư viết xong, Bành Đức Hoài không muốn gửi đi ngay, ông muốn nói chuyện trực tiếp với Mao Trạch Đông để bày tỏ ý kiến của mình. Từ chỗ ở của ông là Hổ Hống Lĩnh đến Mỹ Lư nơi ở của Mao Trạch Đông chỉ có mấy trăm bước, nhưng Bành Đức Hoài đã phải đi rất lâu, đi vài bước lại quay trở lại. Ông sợ trình bày ý kiến trực diện nếu vỡ lở thì khó mà thu vén, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì nói trực diện hay hơn là viết thư, nếu nói được thì không phải đưa bức thư này nữa. Nghĩ đến đây, Bành Đức Hoài rảo bước đến biệt thự Mỹ Lư.

Vì tối hôm trước Mao Trạch Đông đã trò chuyện với Hạ Tử Trân, sắp xếp để Hạ Tử Trân về trước, cả đêm không ngủ, trời sắp sáng mới chợp mắt. Bành Đức Hoài đi đến cổng biệt thự Mỹ Lư, cảnh vệ lập tức chạy đến báo cáo: “Thưa đồng chí, Chủ tịch vừa chợp mắt, xin đồng chí không nên làm phiền!”. Bành Đức Hoài sốt ruột: “Tôi có việc muốn nói với Chủ tịch!” Cảnh vệ nói: “Chủ tịch ngủ được không phải là dễ, đợi Chủ tịch tỉnh dậy đồng chí hãy nói, chỉ vài tiếng nữa thôi mà”. Bành Đức Hoài thở dài, đành quay trở về.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #3 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:48:10 pm »


3. Đây là bức chiến thư của anh đối với tôi

Mao Trạch Đông vừa rửa mặt xong, thư ký đến báo cáo: “Buổi sáng, Bành Đức Hoài cử người đến đưa cho Chủ tịch một bức thư”. Mao Trạch Đông ngây người, đưa thư? Mọi người đều cùng ở với nhau, có chuyện gì thì đến nói chuyện đưa thư làm gì? Ông lập tức nhận ra rằng bức thư này có thể có nguyên do gì đây, ông bóc ngay thư ra, xem một cách chăm chú, đôi mày ông chợt chau lại, lồng ngực phập phồng liên hồi, cuối cùng ông đặt bức thư xuống bàn, châm một điếu thuốc, trầm ngâm suy nghĩ.

Làm thế nào đây? Ông có thể có hai cách lựa chọn. Một là phớt lờ không đếm xỉa đến bức thư này, thậm chí gửi trả lại Bành Đức hoài. Hai là đưa bức thư này cho các ủy viên Bộ Chính trị khác xem. Nếu chọn cách thứ nhất, thì khẳng định là Bành Đức Hoài không chịu, sẽ dẫn đến sự bất mãn của các ủy viên Bộ Chính trị khác. Nếu chọn cách thứ hai, thì trên bức thư này sẽ có những lời bình luận của các ủy viên Bộ Chính trị, do đó sẽ tạo nên một dư luận trong bầu không khí hiện nay có thể khẳng định là dư luận này sẽ không có lợi đối với ông. Nghĩa là bức thư này của Bành Đức Hoài sẽ là ngòi nổ, chưa biết chừng sẽ gây hiệu ứng bùng nổ dây chuyền.

Mao Trạch Đông đã cân nhắc đầy đủ tình hình này, cảm thấy bức thư của Bành Đức Hoài là một sự thách thức đối với địa vị lãnh đạo của ông trong toàn Đảng, ông quyết tâm đón nhận sự thách thức này, liền thông báo cho các tổ kéo dài thời gian họp, yêu cầu Văn phòng Trung ương thông báo cho Lâm Bưu, Trần Nghị, Hoàng Khắc Thành, An Tử Văn v.v… đến Lư Sơn tham gia Hội nghị... lại mời ba người là Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức trong Thường vụ Trung ương đang ở Lư Sơn đến bàn. Mao Trạch Đông nói với mọi người về bức thư của Bành Đức Hoài, cười thanh thản: “Đồng chí Bành Đức Hoài đã cẩn thận viết thư gửi đến, không để mọi người bàn bạc sẽ không hay, theo tôi cứ in ra phát cho mọi người để mọi người cùng bàn”. Ba vị ủy viên Thường vụ cảm thấy ý của Mao Trạch Đông có lý, cứ để mọi người bàn bạc, nói hết ý của mình nên đã đồng ý in và phân phát.

Sau khi Văn phòng Trung ương nhận được chỉ thị đã in ngay bức thư với tốc độ nhanh nhất, ngay hôm sau đã phát cho mọi người dự Hội nghị. Ngày thứ hai sau khi gửi cho cho Mao Trạch Đông, Bành Đức Hoài nhận được bức thứ được in ấn do Văn phòng Trung ương gửi đến, trên có tiêu đề lớn: “Ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài”. Bành Đức Hoài vừa trông thấy, trong lòng chợt lắng xuống, một điềm báo trước chẳng lành thoáng qua trong óc ông. “Hỏng rồi, gặp họa lớn rồi!” Bành Đức Hoài vốn đặt mình nằm là ngáy khò khò nhưng đêm ấy đã mất ngủ, trằn trọc suy nghĩ tìm đối sách. Trong cuộc họp nhóm nhỏ vào ngày hôm sau, Bành Đức Hoài thật thà như đếm đã dùng biện pháp bổ cứu. “Tôi chính thức trình bày rõ”, ông xúc.động nói: “Bức thư này tôi viết vội vã, chưa hoàn toàn nói hết ý, tôi yêu cầu thu lại bức thư này!”. Nhưng Mao Trạch Đông mỉm cười lắc đầu.

Sau khi thư của Bành Đức Hoài được in và phát cho mọi người tham gia Hội nghị, các tổ thảo luận rất sôi nổi, ngay tức khắc trở thành đầu đề trọng tâm của Hội nghị. Có hai loại ý kiến đối với vấn đề này. Phần lớn cho rằng thư của Bành Đức Hoài viết hay, nêu được thực chất của vấn đề, một số người cảm thấy nội dung thư quá khắt khe. Trương Văn Thiên (Lạc Phủ) tán thành ý kiến của Bành Đức Hoài. Trong lời phát biểu ở nhóm Hoa Đông, Trương Văn Thiên một lần nữa đã nói một cách hệ thống ý kiến của mình về đại nhảy vọt, bày tỏ thái độ ủng hộ thư của Bành Đức Hoài một cách rõ ràng. Chu Tiểu Châu ở tổ Trung Nam cũng tỏ thái độ hoàn toàn ủng họ ý kiến của Bành Đức Hoài. Hoàng Khắc Thành vừa đến Lư Sơn vốn không quen với những sự thổi phồng trong đại nhảy vọt cũng tỏ thái độ ủng hộ thư của Bành Đức Hoài.

Kha Khánh Thi, Khang Sinh, Trần Bá Đạt v.v... đều là những người bày mưu tính kế cho đại nhảy vọt, thấy lửa cháy lại đổ thêm dầu. Hội nghị Lư Sơn vừa bắt đầu, họ đều có phần căng thẳng, sợ sẽ bị phê phán. Ngày 17 tháng 7, Mao Trạch Đông đội ngột in phát thư của Bành Đức Hoài, họ lập tức ý thức được rằng Mao Trạch Đông đã bắt đầu phản kích, phút chốc sôi nôi hẳn lên, dẫn đầu phát biểu ý kiến phê phán Bành Đức Hoài trong cuộc họp tổ. Để bày tỏ quyết tâm kiên quyết ủng hộ Mao Trạch Đông của mình, Khang Sinh đã viết riêng cho Mao Trạch Đông một bức thư ngắn, mắng Bành Đức Hoài là từ lâu đã có lòng dạ khác, chống lại Mao Trạch Đông, việc Bành Đức Hoài viết bức thư này ở Lư Sơn quyết không phải là ngẫu nhiên, mũi nhọn của bức thư là trực tiếp chĩa vào Mao Trạch Đông, đề nghị Mao Trạch Đông không thể dung túng cho hành vi chống Đảng, chống Chủ tịch, chống chủ nghĩa xã hội này, phải kiên quyết triển khai cuộc đấu tranh với ông ta v.v…

Trong biệt thự Mỹ Lư, Mao Trạch Đông đọc các biên bản ghi chép của Hội nghị. Tình hình này xuất hiện trong Hội nghị không ngoài dự kiến của ông, nhưng ông tin là mình có thể xoay chuyển được chiều hướng của Hội nghị. Nhớ lại chuyện trước khi đến Lư Sơn, ông đã kiên quyết yêu cầu Bành Đức Hoài đến dự quả thật là rất đúng, nếu không chưa biết là tình hình sẽ còn xảy ra rối loạn lớn đến mức nào.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #4 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:53:00 pm »


4. Mao Trạch Đông đã khóc: “Tôi không có con trai nối dõi! Tôi không có con trai nối dõi! Không con không cháu...”

Ngày 23 tháng 7, là một ngày nhất định phải được chép vào lịch sử. Đêm hôm ấy, Mao Trạch Đông trằn trọc suy nghĩ về cuộc họp ngày hôm sau, ông đã quyết định phải phát biểu trong Hội nghị toàn thể, đây lại là một lần liều mình quyết định số phận trong cuộc đời chính trị của ông. Sự suy đi tính lại trước khi lâm trận đã làm ông không ngủ được, uống thuốc ngủ do bác sĩ ba lần đưa đến, nhưng vẫn không tài nào chợp mắt được. Trời sắp sáng rõ, ông uống mấy viên thuốc, rửa mặt chải đầu rồi đến hội trường. Trong hội trường im phăng phắc, mọi người dự họp đều lặng lẽ chờ đợi. Mao Trạch Đông thong thả bước lên bàn Chủ tịch uống mấy hớp nước chè, châm một điếu thuốc nhãn hiệu Gấu Mèo, bắt đầu nói chuyện: “Các đồng chí đã phát biểu nhiều rồi, cho phép tôi được phát biểu khoảng một tiếng, có được không? Uống ba lần thuốc ngủ vẫn không ngủ được. Tôi đã xem biên bản, những lời phát biểu, các văn kiện của các đồng chí, đã trao đổi với một số đồng chí, mỗi người có một cái mồm, một là để ăn cơm hai là có nghĩa vụ nói chuyện. Đồng chí ấy muốn nói, ông có biện pháp gì? Hiện nay trong và ngoài Đảng đang tấn công chúng ta từ hai mặt, trong hội nghị ngoài hội nghị cùng kết hợp, có bọn phái hữu ở ngoài Đảng, cũng có những người ấy ở trong Đảng. Tôi khuyên những đồng chí này ở trong Đảng phải chú ý đến vấn đề phương hướng phát biểu, trong lúc khẩn cấp không nên dao động...”

Nói đến đây, Mao Trạch Đông liếc nhìn Bành Đức Hoài. Có rất nhiều người như nhận được hiệu lệnh đều quay đầu nhìn Bành Đức Hoài. Mao Trạch Đông nói với giọng nặng nề xúc động “Tính cuồng nhiệt của giai cấp tiểu tư sản là gì? Bí thư Đảng ủy Công xã Tra Nha Sơn nói với tôi, ba tháng 7, 8, 9 mỗi ngày có ba ngàn người đến tham quan, ba tháng ba mươi vạn người. Nhiệt tình ấy nên đánh giá thế nào? Có phải là tính cuồng nhiệt của giai cấp tiểu tư sản hay không? Theo tôi không thể nói như vậy. Đối với phong trào quần chúng không thể dội nước lạnh, chỉ có thể khuyên bảo... cái không khí cộng sản là không đúng, không thể nói cái của anh là của tôi, rồi lấy đi. Từ xưa đến nay không có cái lệ này, sau một vạn năm nữa cũng không thể lấy như thế, lấy của bọn địa chủ cường hào thì được, vì đó là của bất nghĩa, lấy đi cũng chẳng sao cả. Nhưng cái không khí ấy đã được uốn nắn. Vì sao trong một tháng có thể dẹp được cái không khí ấy? Nó chứng minh Đảng của chúng ta vĩ đại, vẻ vang và đúng đắn”.

“Tất nhiên chỉ có thể ăn từng miếng, thịt cũng chỉ có thể ăn từng miếng, muốn ăn một miếng để béo ngay thì không được. Lâm Bưu một ngày ăn một cân thịt (0,5 kg), cũng vẫn không béo, 10 năm cũng không thể béo ra được. Cái béo của Tổng Tư lệnh (Chu Đức - N.D) và tôi không phải là do bồi dưỡng trong một sớm một chiều. Toàn Đảng đều phải học tập, học một chút về chính trị kinh tế học. Thời Nam Bắc Triều có một vị tướng quân họ Tào, sau khi đánh trận làm một bài thơ. “Lúc xuất quân con cái buồn thương, khi trở về kèn trống vang dậy, hỏi người qua đường, vì sao lại nhanh chóng qua đi nỗi bất bình ấy”. Hộc Luật Quang người thời Bắc Triều không biết một chữ nào mà vẫn hát “Bài ca Sắc Lặc”. “Cái khe Sắc Lặc, dưới núi âm u, trời như vòm cong, trùm lên bốn mặt. Trời xanh biêng biếc, cánh đồng mênh mông, gió thổi cỏ rạp, thấy ngay bò cừu”. Cán bộ công xã không biết chữ thì có thể nói cho họ biết. Trong cuộc họp tổ, Chu Đức đã từng phát biểu rằng nhà ăn có đóng cửa hết cũng chẳng sao, khi nói đến nhà ăn, Mao Trạch Đông nói kháy một câu “Nhà ăn là một điều tốt, không thể coi thường”. Tổng tư lệnh, tôi tán thành ý kiến của đồng chí, nhưng lại có điểm khác với đồng chí. Không phải là không giải tán, nhưng không thể giải tán nhiều, tôi thuộc phái trung gian. Có người phê phán nhà ăn ở một điểm, mà không nói đến những điểm khác. Tống Ngọc nước Sở thời Xuân Thu làm bài “Phú Đăng Đồ Tử hiếu”. Trước mặt Sở Vương, Đăng Đồ Tử công kích Tống Ngọc hiếu sắc thích đẹp. Sau khi Tống Ngọc biết, đã làm một bài phú dâng Sở Vương, nói là hàng xóm ở phía đông có một người đẹp tuyệt thế đã nhìn trộm mình liền trong ba năm, nhưng ông ta không một chút động lòng, còn Đăng Đồ có người vợ gù xấu xí mà đã có với bà ta năm mặt con, rốt cuộc thì ai hiếu sắc? Những người chê bai nhà ăn chính là đã dùng cách của bài “Phú Đăng Đồ Tử hiếu sắc”... Bành Đức Hoài có một bức thư nói là việc luyện gang thép rộng rãi có cái mất có cái được, đồng chí ấy đã đặt chữ “được” ở cuối cùng và vội vã chống lại nhân lúc Đảng ta khó khăn bị trong và ngoài nước công kích, đã tiến công vào Đảng, mưu đồ cướp đoạt Đảng, thành lập Đảng cơ hội của đồng chí ấy!”

Mọi người nghe đến đây, ai cũng sợ run. Chu Đức cười gượng. Bây giờ mọi người mới hiểu... hóa ra một cơn bão táp đang ập đến Lư Sơn. Bành Đức Hoài không ngờ được rằng bức thư của mình viết cho Mao Trạch Đông lại trở thành tiến công vào Đảng, phút chốc máu trong người bốc lên cả đầu. Chưa đợi ông nổi cơn giận, Mao Trạch Đông khoát tay ra hiệu, nói một cách tình cảm: “Các đồng chí, năm 1958, 1959, trách nhiệm chủ yếu là ở tôi, các đồng chí nên trách mắng tôi. Quyền phát minh luyện gang thép rộng rãi là Kha Khánh Thi hay là tôi? Tôi xin nói rằng trách nhiệm đầu tiên là tôi. Đồng chí Kha Khánh Thi, quyền phát minh của đồng chí ấy, đồng chí có trách nhiệm hay không?” Kha Khánh Thi lớn tiếng đáp: “Có!” Mao Thạch Đông gật gật đầu: “Đó là hình thái ý thức của đồng chí. Tôi là người tạo nên 10 triệu 70 vạn tấn thép với mấy chục triệu người ra quân, được chẳng bõ mất, gây nên sự rối loạn lớn, tự mình phải chịu trách nhiệm. Ngay từ đầu là hình nộm thì phải tuyệt tự ư? Tôi đã tuyệt tự! Một đứa con trai đã chết, một đứa con trai thì điên. Tôi đã tuyệt tự! Tôi đã tuyệt tự! Không con không cháu...”

Mao Trạch Đông nói đến đây, giọng nghẹn ngào, bờ mi ngấn lệ tay run run. Cả hội thương im phắc, có người không cầm lòng được, thở dài, rất nhiều người bắt đầu oán trách Bành Đức Hoài vì ông mà Chủ tịch phải tức giận như vậy.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #5 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:53:51 pm »


5. Lâm Bưu đột ngột đứng dậy

“Bành Đức Hoài, ông luôn luôn không trung thành với Mao Chủ tịch, không thực tâm!” Lâm Bưu đột ngột đứng dậy dùng ngón tay chỉ vào mặt Bành Đức Hoài, lớn tiếng quát mắng: “Trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật, ông đã làm trái chỉ thị của Mao Chủ tịch, độc đoán chuyên quyền tự mình chủ trương làm một cuộc đại chiến! Trong mắt ông có còn địa vị của Mao Chủ tịch nữa không?” Ông ta tự hỏi và tự trả lời? “Không! Ông hoàn toàn coi thường Mao Chủ tịch. Ông tự cho rằng bản thân ông đã trải qua nhiều thử thách, đã giành lại giang sơn, lập được công lớn, ta đây là người đứng đầu trong thiên hạ. Chẳng nghe lời ai, ông không thành tâm làm cách mạng mà đến để “góp cổ phần”, trong đầu ông đều là tư tưởng quân phiệt cũ. Tư tưởng tự coi mình là anh cả của ông không chỉ biểu hiện ở trong nước, để ông đem quân ra nước ngoài chiến đấu, ông lại biểu hiện tư tưởng nước lớn, không tôn trọng các đồng chí Triều Tiên. Ông là nhân vật kiểu Ngụy Diên trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, sau gáy ông mọc cái xương ngược, bình thường ông làm ra vẻ chính nhân quân tử đạo mạo trang nghiêm, gian khổ giản dị, không làm ra vẻ ta đây, bình dị dễ gần, tất cả những cái đó đều là giả, đến giờ phút then chốt, cái xương mọc ngược của ông đã lộ ra. Đường lối chung, đại nhảy vọt, công xã nhân dân do Mao Chủ tịch đích thân đề ra, đó là sáng kiến vĩ đại chưa từng có từ khi có loài người đến nay. Công xã nhân dân là chiếc cầu bằng vàng để bước vào chủ nghĩa cộng sản rất tài tình. Ông hãy mở to mắt mà nhìn, trên thế giới có nước nào sản lượng gang thép trong một năm tăng lên gấp đôi, sản lượng lương thực trong một năm cũng tăng gấp bội?”

Lâm Bưu nhìn quanh hội trường rồi nói tiếp: “Không, đây là kỳ tích mà cổ kim trong ngoài chưa từng có, chỉ có dưới sự lãnh đạo của Mao Chủ tịch mới thực hiện được! Nhưng đối với những kỳ tích cổ vũ lòng người như thế ông trợn trừng trợn trạo tìm đủ mọi cách làm khó dễ, xoi mói công kích một lỗi nhỏ, phớt lờ những chỗ tốt, công kích đại nhảy vọt, công xã nhân dân và đường lối chung chẳng có chỗ nào đúng, chỉ là một mớ hỗn độn, lẽ nào Mao Chủ tịch và Trung ương Đảng lại sai, chỉ có một mình Bành Đức Hoài là đúng, ông đã quá thiếu cái thông minh tự biết mình đấy!” Ông ta càng nói càng xúc động, “Bành Đức Hoài, ông thì biết cái cóc khô gì, ông hiểu chủ nghĩa Mác, tư tưởng Mao Trạch Đông là gì không?” Ông ta dùng ánh mắt sắc như dao hậm hực nhìn Bành Đức Hoài nói mỉa, “Ông là kẻ ngào bột nhóm bếp cũng chẳng biết, ông giống như Thân Công Báo trong “Phong thần diễn nghĩa”, mắt mọc ở sau gáy, người ta coi là việc tốt, thì ông lại coi là việc xấu, người ta coi là việc xấu thì ông lại coi là việc tốt. Trong mắt ông, mọi thứ đều lộn ngược. Nhân dân Trung Quốc, không nhân dân toàn thế giới đều coi Mao Chủ tịch là nhà mác-xít vĩ đại nhất hiện nay. Người đã lãnh đạo chúng ta giành lại giang sơn, giành được thắng lợi của cuộc cách mạng. Sau khi dựng nước, cũng chính là do Mao Chủ tịch đích thân lãnh đạo mà đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác trong lĩnh vực chính trị, lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực tư tưởng. Đó là điều ai cũng biết. Nhưng ông đã nhảy lên chống lại Mao Chủ tịch, chống lại ba phương châm: đại nhảy vọt, công xã nhân dân và đường lối chung do Mao Chủ tịch đề ra, rốt cuộc thì ông muốn làm gì?” Lâm Bưu cao giọng: “Có phải là ông muốn đuổi Mao Chủ tịch đi để ông lên cầm quyền không, ông quá không biết điều. Để một kẻ trong đầu đầy tư tưởng cũ rích như ông lên cầm quyền thì Trung Quốc chỉ có thể lùi vào xã hội cũ, nhân dân Trung Quốc còn phải chịu bao nhiêu kiếp nạn...

Trong toàn bộ quá trình phê phán Bành Đức Hoài, Lâm Bưu có giọng điệu cao nhất. Lúc ấy có không ít người giữ thái độ do dự chờ xem, hoặc tư tưởng không thông, hoặc không bày tỏ thái độ. Riêng Lâm Bưu đã thay đổi quan hệ với Bành Đức Hoài trước đây, ra sức quy tội cho Bành Đức Hoài.

Từ hôm ấy, chiều gió trong Hội nghị Lư Sơn bỗng nhiên thay đổi, từ chống “tả” chuyển hoàn toàn sang chống hữu. Tối hôm ấy, một số cán bộ quân đội lần lượt đến thăm Bành Đức Hoài, có người lặng lẽ bắt tay ông, có người khuyên ông nên nhìn thoáng một chút. Sau khi những người này đi thì Trương Văn Thiên lại đến, hai người như có rất nhiều điều muốn nói, nhưng bây giờ không nói ra được. Ngồi một lúc, Trương Văn Thiên thở dài rồi đứng dậy ra về. Bành Đức Hoài buồn bã ngồi trong phòng hồi lâu, quả thực không hiểu được vì sao Mao Trạch Đông lại nổi nóng ghê gớm như thế đối với bức thư của mình. Thư viết cho Mao Trạch Đông vào ngày 14 tháng 7, thì đến ngày 16 tháng 7 Văn phòng Trung ương đã in phát cho mọi người dự Hội nghị. Đến ngày 22 tháng 7, các tổ tiến hành thảo luận bức thư trong 6 ngày, ngoài một đồng chí trên cơ bản không đồng ý ra, những đồng chí còn lại đều phát biểu đồng ý với bức thư đó.

Bành Đức Hoài lại nghĩ, mình viết bức thư này vì cảm thấy có một số điều không tiện nói ra trong cuộc họp tổ, muốn gặp Chủ tịch để trao đổi. Nhưng lần nào đến, Chủ tịch cũng đều ngủ, nên mới nghĩ đến việc viết thư cho Chủ tịch, để ông tham khảo, sao Chủ tịch lại nêu vấn đề nghiêm trọng như vậy, hơn nữa lại còn nhắc lại những chuyện cũ trước đây. Bành Đức Hoài lo lắng, như vậy vấn đề không những không được giải quyết, hơn nữa do chống chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh nên vấn đề nóng vội làm bừa “tả” khuynh vốn có sẽ còn phát triển, sẽ dẫn đến tỷ lệ không cân đối càng thêm nghiêm trọng, thậm chí sẽ dẫn đến tình trạng trong và ngoài nước hỗn loạn làm cho mức sống của nhân dân hạ thấp.

Đêm hôm ấy, Bành Đức Hoài không sao chợp mắt được. Hôm sau, ông dùng nước lạnh vã vào mặt, rồi đi ra khỏi phòng, đúng lúc mấy vị tướng lĩnh cũ... cũng đi về phía ông. Mấy người đứng ngoài cửa bàn chuyện hội nghị. Bành Đức Hoài ấm ức nói: “Không ngờ Chủ tịch lại giở những chuyện cũ ra, chụp mọi thứ mũ nào là Hội nghị Hội Lý, cuộc đại chiến Bách Đoàn, là kẻ có dã tâm, kẻ phản đảng. Còn nói nếu giải phóng quân các anh đi theo Bành Đức Hoài thì tôi sẽ lên Tỉnh Cương Sơn đánh du kích. Có nghiêm trọng như thế không? Đấy là gán ép cho người ta. Các vị tướng lĩnh cũ gật đầu đồng tình, nhắc nhở Bành Đức Hoài: “Chủ tịch nói những điều ấy không phải là tùy tiện đâu, đồng chí phải tỏ thái độ mới đúng!” Bành Đức Hoài tỏ ra không chịu khuất phục: “Tôi chẳng có gì phải nghĩ cả. Tôi không có âm mưu, đồng chí bảo tôi nói gì?” Một vị nguyên soái nói: “Đồng chí chú ý đến toàn cục, nhẫn chịu một chút, viết một bài phát biểu đi”. Bành Đức Hoài lắc đầu, trả lời chắc nịch: “Không viết, không viết”. Mọi người buồn bã giải tán.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #6 vào lúc: 04 Tháng Mười Hai, 2009, 11:54:31 pm »


6. Đồng chí chửi tôi 40 ngày, còn tôi chửi đồng chí 20 ngày không được ư?

Sau khi Bành Đức Hoài về phòng, ngẫm nghĩ, dù sao Chủ tịch cũng đã nói rồi, mắng cũng đã mắng rồi và cơn giận cũng đã nguôi rồi, có thể hội nghị sắp kết thúc, liền bảo nhân viên đi theo thu dọn đồ đạc, chuẩn bị về. Không ngờ Văn phòng Trung ương gọi điện đến thông báo là Hội nghị sẽ kéo dài. Bây giờ Bành Đức Hoài mới vỡ lẽ, chuyện không đơn giản như thế, xem ra lần này mình không qua nổi rồi. Ông ngồi phịch xuống mép giường, lo trước nghĩ sau, nhưng vẫn không rõ. Đó chẳng phải là bức thư gửi riêng cho nhau ư? Vì sao Mao Trạch Đông lại có thể tức giận đến như thế, nói ra những lời nào là “đấu tranh đường lối”, nào là “giải phóng quân không đi theo tôi thì tôi sẽ lên núi đánh du kích”. Mình và Mao Trạch Đông đã kết bạn chiến đấu từ thời kỳ Tỉnh Cương Sơn, lẽ nào ông ấy lại quên câu thơ: “Kẻ nào dám vung gươm thúc ngựa; Ta đây đã có đại tướng Bành” rồi hay sao? Ông muốn tìm người để tâm sự, nhưng biết tìm ai bây giờ.

Đang ngâm nghĩ thì Mao Trạch Đông cho người đến đón Bành Đức Hoài tới biệt thự Mỹ Lư để nói chuyện. Bành Đức Hoài mừng thầm cuối cùng đã có dịp nói chuyện trực tiếp với Mao Trạch Đông, có thể có dịp giải thích trực tiếp với Chủ tịch. Chỉ còn giải thích rõ chuyện này với Chủ tịch thì sự việc sẽ chẳng dễ dàng hay sao? Bành Đức Hoài lập tức đứng dậy đi theo thư ký một cách vui vẻ đến biệt thự Mỹ Lư.

Bước vào phòng khách, Bành Đức Hoài chợt thấy lòng trĩu nặng, khi thấy cả Ban Thường vụ đều có mặt: Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai, Chu Đức còn có Lâm Bưu vừa mới tới Lư Sơn. Chiếc xa-lông đối diện với Mao Trạch Đông để trống, xem ra ghế ấy là dành cho mình. Hóa ra không phải là Chủ tịch tìm mình để nói chuyện, mà là Ban Thường vụ triệu tập hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị vì mình. Ông bỗng hiểu ra, đây là do Chủ tịch thấy mình không chịu kiểm thảo nên họp Thường vụ để phê phán. Việc đã đến thế này, Bành Đức Hoài đành ngồi xuống, nghe mọi người phê bình mình. Ông lấy bao thuốc Trung Hoa, rút một điếu châm lửa, lập tức bị ho sặc sụa.

Mao Trạch Đông biết Bành Đức Hoài chưa bao giờ hút thuốc, thấy vậy rất ngạc nhiên, vội đưa thuốc Gấu Mèo của mình cho Bành Đức Hoài, nói với vẻ quan tâm: “Anh hút thuốc lúc nào vậy? Hút thuốc của tôi đây này, loại thuốc này không bị sặc”. Tiếp đó Mao Trạch Đông nói nửa như trách móc nửa như quan tâm: “Anh Bành ạ, có điều gì đừng nên để bụng, như thế sẽ không tốt cho sức khỏe. Anh xem anh là một người theo chủ nghĩa không hút thuốc vậy mà bây giờ lại hút thuốc rồi sao. Cái ý kiến “có mất có được”, được không bõ mất của anh sao không nêu ra trong hội nghị? Cũng có thể gặp tôi trao đổi. Sao không nói một lời nào lại tấn công bất ngờ, gửi cho tôi bức chiến thư?”

Mao Trạch Đông cười nhạt, rít một hơi thuốc. Lâm Bưu tiếp lời tấn công ngay Bành Đức Hoài: “Đồng chí Bành Đức Hoài, cách đây không lâu đồng chí đi thăm Liên Xô trở về. Ở Liên Xô đồng chí rất thân thiết với Khơ-rút-sốp có phải là đã đáp ứng điều kiện gì đó của ông ta rồi phải không? Lần này nổi lên ở Lư Sơn có phải là sự phối hợp mật thiết với Khơ-rút-sốp không?

Bành Đức Hoài nghe Lâm Bưu gán tội cho mình, tức giận phất tay bác lại: “Nói bậy, đó là đồng chí vu cáo. Tôi không biết một tiếng nước ngoài nào tôi nói gì đều phải qua phiên dịch, các đồng chí có thể gặp phiên dịch để điều tra”. Lâm Bưu cười nham hiểm lạnh lùng: “Cao Cương cũng không nói được một tiếng nước ngoài nào, vẫn có thể thông đồng với nước ngoài, đưa tin tình báo cho Liên Xô. Đồng chí và Cao Cương thân thiết như vậy, lẽ nào đồng chí lại không làm được việc ấy? Đồng chí cho quân đội Trung Quốc đội mũ ca lô của quân đội Liên Xô, đồng chí muốn giao quân đội cho Khơ-rút-sốp!” Bành Đức Hoài tức giận, đứng bật dậy, chỉ vào mặt Lâm Bưu mắng: “Đồ đê tiện!”

Mao Trạch Đông lập tức phẩy tay, ra lệnh cho Bành Đức Hoài ngồi xuống, phê phán một cách gay gắt: “Anh Bành, tôi biết trong lòng anh đang bốc lửa. Từ Tỉnh Cương Sơn đến nay, đối với tôi anh chỉ hợp tác với tôi ba phần còn bảy phần không hợp tác. Anh luôn không phục Hội nghị Diên An Hoa Bắc, lần này ở Lư Sơn lại nổi giận. Giỏi thật, dễ muốn làm nổ tung Lư Sơn chắc!” Bành Đức Hoài không phục, biện bạch: “Sao tôi lại muốn làm nổ tung Lư Sơn? Lần này đến họp ở Lư Sơn, tôi vẫn nghĩ đến việc dẹp bọn phiến loạn ở Tây Tạng, không muốn đến, do Chủ tịch ra lệnh cho tôi phải đến. Tôi viết thư cũng chỉ là để Chủ tịch tham khảo, không có một chút ác ý gì cả!” Mao Trạch Đông vung tay: “Hiểu rồi, hiểu rồi, anh thì xưa nay vẫn thế. Anh chửi từ Hội nghị Trịnh Châu đến Hội nghị Bắc Kinh, ở Lư Sơn anh lại chửi 20 ngày, anh còn muốn gì?” Bành Đức Hoài thấy Mao Trạch Đông hoàn toàn không nghe lời giải thích của mình, lại nhắc đến chuyện ở Hội nghị Diên An Hoa Bắc, không nhịn được tức giận đứng bật dậy quát lên: “Ở Diên An ông chửi tôi 40 ngày vậy tôi chửi ông 20 ngày không được ư?” Các vị ủy viên thường vụ người nào cũng sửng sốt sợ hãi. Lưu Thiếu Kỳ tức giận nói: “Không còn thể thống gì nữa”. Chu Ân Lai nghiêm khắc ra lệnh cho Bành Đức Hoài ngồi xuống. Mao Trạch Đông lặng lẽ nhìn Bành Đức Hoài bằng đôi mắt nửa ngủ nửa thức, giận dữ dụi tắt điếu thuốc lá mới hút một nửa vào chiếc gạt tàn.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2009, 05:09:08 pm »


7. “Ai tin được những người như chúng ta đã mấy chục năm ăn chung một nồi”

Sau khi hội nghị kết thúc, Bành Đức Hoài uể oải đi về phòng của mình. Mấy vị tướng cũ vội đến thăm ông. Một vị nói: “Anh Bành, sao anh lại có thể mắng Chủ tịch? Trời ạ anh quá hung dữ. Chủ tịch còn khoẻ mạnh anh đã như vậy. Đến khi Chủ tịch qua đời thì còn ai quản lý được anh. Anh phải kiểm thảo cho tốt, nhận rõ sai lầm!” Bành Đức Hoài hiểu ra, mình không kiểm thảo thì Hội nghị Lư Sơn sẽ không thể kết thúc, mọi người sẽ cùng ở lại Lư Sơn, chuyện lớn của đất nước sẽ ra sao? Vì đại cục, ông đành nuốt nước mắt viết bản kiểm thảo.

Mao Trạch Đông biết Bành Đức Hoài không phục, để đập tan tinh thần chống đối của ông, ngày 1 tháng 8, Mao Trạch Đông lại triệu tập họp Thường vụ Bộ Chính trị để phê phán Bành Đức Hoài, một số ủy viên Bộ Chính trị cũng được lệnh tham gia hội nghị. Hoàng Khắc Thành, Chu Tiểu Châu, Chu Huệ, Lý Nhuệ v.v… những người có liên quan tới Bành Đức Hoài cũng được thông báo đến dự thính. Hội nghị lần này không nhẹ nhàng như lần trước. Mao Trạch Đông vừa tuyên bố khai mạc, Lâm Bưu đã tranh phát biểu, chỉ vào mặt Bành Đức Hoài mắng: “Lần này Bành Đức Hoài chống đối ở Lư Sơn, hoàn toàn là có tổ chức, có cương lĩnh, có dự mưu để tiến công vào Đảng, Bành Đức Hoài ông là một kẻ có dã tâm, kẻ có âm mưu, một tên ngụy quân tử, là nhân vật kiểu Phùng Ngọc Tường. Sau gáy của Ngụy Diên đại tướng của nước Thục thời Tam Quốc có cái xương mọc ngược luôn muốn làm phản, Gia Cát Lượng biết hắn sau này tất sẽ làm phản nên đã dùng mưu kế giết hắn. Bành Đức Hoài cũng có cái xương mọc ngược ở sau gáy. May có Chủ tịch sáng suốt, kịp thời nhìn rõ quỷ kế của ông... Ở Trung Quốc chỉ có Mao Chủ tịch là anh hùng, đừng có ai hòng làm anh hùng”.

Thấy mọi người nói đã khá nhiều Mao Trạch Đông lại nói, ông kể những chuyện Quân đoàn 3 đánh Trường Sa từ mấy chục năm trước đến sự kiện Cao Cương, Nhiêu Thấu Thạch, từ những lộn xộn trên thế giới đến Hội nghị Lư Sơn, Mao Trạch Đông khéo léo gắn cuộc đấu tranh đường lối trong lịch sử nội bộ Đảng với Bành Đức Hoài. Những sự việc này, các ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị đều đã từng trải qua, nhưng khi Mao Trạch Đông kể lại thì hình như Bành Đức Hoài chỗ nào cũng sai.

Lúc này, Trung ương quyết định triệu tập Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 8, một số ủy viên Trung ương không có mặt ở Lư Sơn được triệu tập khẩn cấp đến Lư Sơn. Ngày 2 tháng 8, Hội nghị toàn thể khai mạc, Mao Trạch Đông phát biểu trước tiên: “Khi mới lên Lư Sơn, tôi chuẩn bị để chịu sự mắng mỏ. Chửi từ Hội nghị Trịnh Châu cho đến Hội nghị Lư Sơn, tôi đã nghe đến mức tai có tổ kén rồi. Tôi đã kiểm thảo từ Hội nghị Trịnh Châu cho đến Lư Sơn, không biết đã kiểm thảo bao nhiêu lần. Ai ngờ có người còn thấy chưa đã, muốn làm nổ tan Lư Sơn, phủ định toàn diện đường lối chung, phủ định chế độ xã hội chủ nghĩa, muốn chia rẽ Đảng ta. Chúng tôi vừa kiểm tra, té ra những người này đã kết bè với nhau đã thành lập một câu lạc bộ quân sự, đứng đầu chính là Bành Đức Hoài, còn có Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Châu, Hoàng Khắc Thành. Bành Đức Hoài xưa nay không hợp tác với tôi, các lần sai lầm về đường lối trước đây đồng chí ấy đều có phần trách nhiệm. Bây giờ đồng chí ấy công nhiên chống lại, tiến công vào Đảng, vấn đề này bây giờ phải được giải quyết. Bây giờ không phải là vấn đề chống tả, mà là phải chống hữu”.

“Sai lầm của Bành Đức Hoài lâu nay tôi đã nhận ra. Để giáo dục đồng chí ấy chúng ta đã cố gắng hết mức. Để đồng chí ấy có thể yên tâm công tác trong lãnh đạo Quân ủy, tôi cấp lương chuyển ngành cho Lâm Bưu và các vị nguyên soái khác. Nếu giải phóng quân không đi cùng tôi, đi với Bành Đức Hoài thì tôi sẽ lên rừng đánh du kích. Tôi nghĩ là giải phóng quân sẽ đi theo tôi”.

Phát biểu của Mao Trạch Đông đã định hướng cho hội nghị. Sau khi Bành Đức Hoài kiểm thảo, Hội nghị lập tức chia tổ thảo luận, Kha Khánh Thi, Trần Bá Đạt, Khang Sinh đều được phân về tổ của Bành Đức Hoài. Bành Đức Hoài, Chu Tiểu Châu, Hoàng Khắc Thành, Trương Văn Thiên đều bị các tổ lần lượt gọi đến để trả lời các vấn đề, yêu cầu họ phải trả lời về những hoạt động và mục đích vào trước và sau Hội nghị Lư Sơn. Các chuyện cũ đều được giở ra, có người thậm chí còn gợi lại cái chết của Mao Ngạn Anh, bảo rằng đó là một âm mưu của Bành Đức Hoài chống lại sự lãnh đạo của Đảng.

Đương nhiên, sự phê phán gay gắt nhất vẫn là ở tổ Bành Đức Hoài. Tổ trưởng tổ này là Chu Đức. Sau khi Hội nghị bắt đầu, Kha Khánh Thi tranh “nổ súng trước”: “Bành Đức Hoài nói “tính cuồng nhiệt của giai cấp tiểu tư sản”, là ngấm ngầm công kích Mao Chủ tịch, muốn thay đổi sự lãnh đạo của Đảng, muốn hạ bệ Mao Chủ tịch và Lưu Chủ tịch để ông ta lên nắm quyền”.

Khang Sinh tiếp lời: “Bành Đức Hoài, chân tướng của ông là nhân vật kiểu Ngụy Diên, sau gáy ông mọc một cái xương ngược, ông là một kẻ có dã tâm trăm phần trăm”.

Rồi đến lượt Trần Bá Đạt lẩm bẩm một hồi mọi người không hiểu rõ lắm về những câu phương ngôn Phúc Kiến của ông ta, nhưng đại ý thì đã rõ ràng, chính là mắng Bành Đức Hoài chống Mao Chủ tịch, chống lại việc hô “Mao Chủ tịch muôn năm”, chống lại việc hát bài “Đông phương hồng”.

Có lúc Bành Đức Hoài muốn biện giải cho mình, nhưng cứ mỗi lần ông định nói thì Lâm Bưu, Khang Sinh, Kha Khánh Thi, Trần Bá Đạt cùng ào lên quát tháo mắng ông là “không thành thật, có xương mọc ngược (có tư tưởng chống đối) là Phùng Ngọc Tường”. Chu Đức thấy họ thô bạo không phân rõ phải trái đúng sai, bất giác nổi nóng, đập bàn quát: “Không được phép như thế! Tác phong gì vậy! Về kiểm thảo của đồng chí Bành Đức Hoài tôi cho là đúng trọng tâm. Có điều, anh Bành ạ, anh có viết thư thì cũng nên bàn với chúng tôi một chút, vì sao không nói một lời nào, chỉ đơn thương độc mã mà làm”.

Mao Trạch Đông, Lưu Thiếu Kỳ lặng lẽ đến phòng họp, đúng lúc nghe thấy lời phát biểu của Chu Đức, Mao Trạch Đông liền châm biếm: “Tôi thấy có một số đồng chí đã già rồi, đầu óc đã mơ hồ, nói năng không đâu vào đâu, lộn xộn, gãi ngứa ngoài giày”. Chu Đức cười gượng, chợt nhớ đến những năm tháng chiến tranh. Thời kỳ ở Tỉnh Cương Sơn, thời kỳ chống Nhật, sao Mao Trạch Đông có thể không chút nể nang châm biếm mình trước mặt mọi người như vậy? Thay đổi rồi, quan hệ chiến hữu trước đây bây giờ đã thành quan hệ quân thần.

Không đợi Bành Đức Hoài trình bày, Mao Trạch Đông lại kể lể những vấn đề lịch sử của Bành Đức Hoài, Bành Đức Hoài không chịu, lớn tiếng biện bạch, Lâm Bưu và một số người lại cãi nhau với Bành Đức Hoài. Hội trường trở thành một nồi cháo. Chu Đức đau khổ vung hai tay: “Ai tin được những người chúng ta ở đây đã từng mấy chục năm ăn chung một nồi cơm?”

Ngày 16 tháng 8 năm 1959, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 8 họp phiên cuối cùng đã thông qua nghị quyết của Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 khóa 8 về sai lầm của tập đoàn chống Đảng do đồng chí Bành Đức Hoài cầm đầu và một số văn kiện khác, bãi bỏ chức Phó Thủ tướng chính phủ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng của Bành Đức Hoài, bãi bỏ chức Bí thư Trung ương Đảng và Tổng Tham mưu trưởng của Hoàng Khắc Thành, chức Thứ trưởng Ngoại giao của Trương Văn Thiên, chức Bí thư thứ nhất Tỉnh ủy Hồ Nam của Chu Tiểu Châu, bảo lưu các chức vụ Ủy viên Trung ương, Ủy viên Dự khuyết Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị của họ, đợi xem kết quả sau này.

Đại cục đã định, mọi người nhộn nhịp thu xếp hành lý chuẩn bị ra về. Các vệ sĩ của Mao Trạch Đông cũng bắt đầu thu dọn đồ đạc. Đúng lúc này Bành Đức Hoài đến tìm Mao Trạch Đông, ông muốn nói chuyện với Mao Trạch Đông. Các vệ sĩ đã nghe được chuyện xảy ra ở Lư Sơn, nên ngăn Bành Đức Hoài ở bên ngoài, rồi vào thỉnh thị Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông nghe nói Bành Đức Hoài đến gặp, trầm ngâm một lúc rồi nói: “Được, để ông ta vào!”.

Bành Đức Hoài được vệ sĩ đưa vào. Mao Trạch Đông ngồi trên xa-lông, chỉ lạnh lùng nói một tiếng: “Ngồi xuống!” Bành Đức Hoài thấy trên xa-lông để đầy đồ đạc, đành phải ngồi trên một chiếc ghế tựa. Mao Trạch Đông châm một điếu thuốc Gấu Mèo, hút một hơi, sau đó hỏi: “Có điều gì muốn nói ư? Vậy thì nói nhanh lên!”. Bành Đức Hoài nghiêm sắc mặt nói: “Tôi muốn nêu một yêu cầu, bây giờ tôi không thể làm việc cho Đảng nữa, cũng không nên ăn không. Tôi xin Trung ương phê chuẩn cho tôi đến Diên An hoặc Hồ Nam làm một nông dân làm ruộng cấy trồng cũng còn có thể làm thêm cho đất nước một ít lương thực!”. Mao Trạch Đông phẩy tay: “Thôi đi, xem ra anh vẫn chưa phục. Nếu anh cho là đúng thì không nên kiểm thảo, kiểm thảo cái gì nhỉ?” Bành Đức Hoài không có lời nào đáp lại, đành buồn rầu cáo từ. Mao Trạch Đông cũng không đứng dậy tiễn.

Bành Đức Hoài đi rồi, các vệ sĩ vào phòng thu dọn ấm chén. Mao Trạch Đông hỏi vệ sĩ: “Đồng chí có biết Bành Đức Hoài vốn có tên gọi là gì không?”. Vệ sĩ lắc đầu. Mao Trạch Đông nói với anh ta: “Gọi là Bành Đắc Hoa, muốn được Trung Hoa!”. Vệ sĩ giật nảy người, thầm nghĩ Bành Đức Hoài quả là người có dã tâm nên ngay đến cái tên cũng dã tâm.

Một lúc sau, Điền Gia Anh đến chỗ Mao Trạch Đông, Mao Trạch Đông nói một cách độ lượng: “Được rồi, hãy rút ra bài học. Sau này đừng nên hễ đầu óc nóng lên là chạy theo người ta. Sau này anh vẫn là thư ký của tôi, hãy cố gắng làm việc”. Từ đó Điền Gia Anh không được trọng dụng nữa.

Mấy ngày vất vả, Mao Trạch Đông có phần mệt mỏi, nhìn vệ sĩ thu dọn hành lý, chợt nghĩ đến việc cần làm. Ông cầm điện thoại thông báo cho Văn phòng Trung ương, ra lệnh trong điện thoại: “Thông báo cho văn phòng Quân ủy, ngày kia sẽ họp Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng. Phải, Bành Đức Hoài xuống máy bay, sẽ đưa ngay ông ta đến dự họp tiếp tục nghe phê phán!”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2009, 05:10:35 pm »


8. Sau Khơ-rút-sốp là Bành Đức Hoài

Sau khi Hội nghị Lư Sơn kết thúc, Bành Đức Hoài bị  bãi quan. Mao Trạch Đông đích thân đề nghị bổ nhiệm Lâm Bưu làm Bộ trưởng Quốc phòng.

Lâm Bưu vốn là một Tư lệnh quân khu nhảy một bước lên làm thống soái ba quân lục, hải, không quân của cả nước, len được vào hàng ngũ yếu nhân của Đảng và Nhà nước.

Thực ra đối với chuyện Bành Đức Hoài, việc xử lý như vậy của Mao Trạch Đông còn có những nguyên nhân đằng sau phức tạp hơn nhiều.

Tháng 7 năm 1959, Mao Trạch Đông uống một hớp chè Long Tỉnh, ánh mắt lướt qua đống tài liệu gồm báo cáo sơ lược tổng hợp tư liệu các tập “Động thái”, “Tình hình”, chậm rãi đến trước cửa sổ. Dưới núi nóng bức đột ngột, còn trên núi là một thế giới mát mẻ. Gió nhẹ thổi vào cửa sổ làm người ta thấy thoải mái dễ chịu, còn đem đến hương vị cỏ cây ngào ngạt. Lồng ngực Mao Trạch Đông phập phồng, bỗng ông bật ra một câu: “Sau Khơ-rút-sốp là Bành Đức Hoài...”.

Đây là lần đầu tiên, Mao Trạch Đông nói ra câu ấy, sau đó trong hội nghị hoặc ngoài hội nghị lại nhắc lại mấy lần, lời thì ngắn ngủi nhưng bao hàm nhiều ý, phản ánh toàn bộ sự suy nghĩ và ý kiến của ông.

Nguyên nhân mở đầu của suy nghĩ là bức “Vạn ngôn thư” của Bành Đức Hoài, nhưng chỗ đứng của sự suy nghĩ lại hoàn toàn không phải là bức “Vạn ngôn thư” ấy.

Vị trí mà Mao Trạch Đông đứng, sự suy nghĩ quyết không thể giản đơn như Bành Đức Hoài; trách nhiệm mà ông gánh vác cũng không cho phép ông giản đơn như Bành Đức Hoài. Ở Lư Sơn, Bành Đức Hoài là anh hùng. Mao Trạch Đông cũng là anh hùng. Ý kiến đó không hề tự mâu thuẫn mà nó nói lên tính phức tạp của sự vật, đã không thể giản đơn lấy thắng bại để luận anh hùng thì làm sao lại có thể lấy đúng sai luận thị phi một cách giản đơn được.

Mao Trạch Đông xem qua bức “Vạn ngôn thư” của Bành Đức Hoài, đã dụi tắt điếu thuốc trong cái gạt tàn, cười gượng: “Tất cả những cái mà Bành Đức Hoài đưa cho mình xem đều là tài liệu tiêu cực, đưa tất cả tài liệu tiêu cực cho mình”. Ông dừng lại thận trọng lấy một điếu thuốc lá đưa lên miệng nói tiếp: “Tài liệu mà Bành Chân, Vương Nhiệm Trọng, Đào Chú, Kha Khánh Thi đưa là tài liệu tích cực”. Sau khi hút cháy điếu thuốc, ông còn nói thêm hai câu: “Người này dám nói thật”. “Dễ đắc tội với người khác”.

Nếu không phải là một con mọt sách thì ai cũng có thể hiểu được một đạo lý cơ bản như thế này: Lời nói thật chưa chắc đã là lời nói đúng. Tiêu chuẩn của sự đúng sai không chỉ giản đơn là lời nói thật hay lời nói giả, mà còn có liên quan đến thời cơ và tình thế, càng có liên quan đến lợi ích căn bản của đất nước và dân tộc. Cùng một lời nói thật, nói sau 10 năm có thể là đúng, nói trước 10 năm có thể là “sai”, sai là ở chỗ không có lợi cho đại cục.

Mao Trạch Đông thừa nhận Bành Đức Hoài nói thật, đồng thời cũng nhạy cảm nhận ra hai vấn đề khác. Một là vào năm 1958, tại Bắc Kinh Khơ-rút-sốp đã trực diện châm biếm “đại nhảy vọt” của Trung Quốc là “tính cuồng nhiệt của giai cấp tiểu tư sản”, trong bức “vạn ngôn thư”, Bành Đức Hoài cũng dùng quan điểm này. Hai là “phái xúc tiến” đã nhắc nhở Mao Trạch Đông chú ý đến tâm trạng “oán trách” trong thư sẽ lan rộng ra, sẽ làm “rối loạn tư tưởng”, “nhụt chí khí”, sáu trăm triệu người mà nhụt chí khí thì quả là ghê gớm.

Tất nhiên Mao Trạch Đông hiểu được cái đạo lý trong thời kỳ bất thường (hoặc gọi là thời kỳ khó khăn) chỉ có thể cổ vũ khí thế chứ không thể làm nhụt đi. Ông bình tĩnh, cần nhìn thấy “một khuynh hướng khác” rốt cuộc nó nghiêm trọng đến mức nào?

Sáng ngày 17 tháng 7, mọi người tham dự Hội nghị Lư Sơn đều đã cầm trong tay văn kiện được đặt tên là “ý kiến của đồng chí Bành Đức Hoài”. Ngày hôm sau, Chu Tiểu Châu phát biểu ý kiến ủng hộ Bành Đức Hoài. Đồng thời Khơ-rút-sốp cũng phát biểu phê phán và chống “công xã nhân dân”, “đại nhảy vọi”' của Trung Quốc ở Ba Lan.

Ngày 20 tháng 7, Trương Văn Thiên phát biểu ủng hộ Bành Đức Hoài. Ngày hôm sau, Liên Xô và Ba Lan thông qua môi giới thông tấn công khai phê phán và chống “công xã nhân dân”, “đại nhảy vọt”, bắt đầu cuộc tranh luận về hình thái ý thức giữa Trung Quốc và Liên Xô. Thông tấn xã Trung ương Đài Loan và báo chí Mỹ nhanh chóng đưa tin và đăng các bài bình luận của Liên Xô. Lúc này, một số cán bộ đảng viên ở trong nước cũng nhao nhao đưa đến Hội nghị những ý kiến phê bình.

Thế là, từ Đu-lớt-xơ (John Fostes Dulles) đến Tưởng Giới Thạch, từ Khơ-rút-sốp đến những người “bất đồng chính kiến” trong Đảng ở Trung Quốc, sự công kích ác ý và sự phê bình thiện ý lẫn lộn, trong đầu Mao Trạch Đông đã hình thành nên một “dàn hợp xướng”, hình thành nên “một bầu không khí”.

Thế là, nội dung của bản thân “Vạn ngôn thư” không phải là điểm tập trung của vấn đề nữa, đối với toàn cục và sự nghiệp mà nói, uy tín của Mao Trạch Đông, tính hợp pháp của Đảng Cộng sản đối với quyền lãnh đạo trong kết cấu Nhà nước cũng như sức gắn bó của Đảng đã trở thành điểm tập trung của vấn đề, là việc lớn quan trọng hơn nhiều số phận của Bành Đức Hoài. Người sau bình luận về người trước không thể tách rời điều kiện lịch sử và tình hình đất nước đặc biệt lúc ấy. Trên thực tế, chính Lưu Thiếu Kỳ, Chu Ân Lai là những nhân vật lãnh tụ tài trí hơn người, không ai không có quan điểm chung là: Vấn đề Bành Đức Hoài không được giải quyết, toàn đảng không thể đoàn kết một lòng, để cùng vượt qua khó khăn.

Khi sự việc phát triển đến mức ảnh hưởng tới uy tín của Mao Trạch Đông, ảnh hưởng tới tính hợp pháp của Đảng Cộng sản đối với quyền lãnh đạo trong kết cấu Nhà nước cũng như sức gắn bó của Đảng thì tất nhiên Mao Trạch Đông không thể cho qua. Đúng như Giang Thanh đã nói, trên những vấn đề nguyên tắc, Mao Trạch Đông chưa bao giờ nhượng bộ.

Khi Mao Trạch Đông đứng bên cửa sổ, hít thở không khí mát lành trong đêm ở Lư Sơn, điều mà ông suy nghĩ đã không phải là có đập lại Bành Đức Hoài hay không mà là đập lại đến mức nào!?

Nếu như nói ảnh hưởng về những yêu cầu báo cáo của “phái xúc tiến” và không khí chung đã đưa Mao Trạch Đông đến chỗ trách mắng Bành Đức Hoài là “sự dao động của giai cấp tư sản”, thì việc “trở gió chống lại” xảy ra đêm nay đã bị bọn tú tài kiểm tra phát giác thì không thể không đưa đến sự nâng lên thành định tính. Có bàn tán sau lưng, có “gặp gỡ” sau cuộc họp, tự nhiên sẽ biến thành “câu lạc bộ” và nâng lên thành: “Tập đoàn chống Đảng do Bành Đức Hoài cầm đầu”.
Logged
chuongxedap
Đại tá
*
Bài viết: 13138



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Mười Hai, 2009, 05:12:08 pm »


2
Bịa ra câu lạc bộ quân sự bí mật
người ở hậu trường kinh sợ khi Bành Đức Hoài đập bàn


1. Lâm Bưu chơi bài

Khi Hội nghị Lư Sơn gần tới hồi cuối, Mao Trạch Đông đã quyết định họp Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng ở Bắc Kinh. Nhằm truy đánh Bành Đức Hoài và một số người đến cùng, nên ông đã cố ý quyết định thời gian họp Hội nghị Quân ủy Trung ương mở rộng vào ngày thứ 3 sau khi kết thúc Hội nghị Lư Sơn, tức ngày 18 tháng 8, như vậy sẽ làm cho Bành Đức Hoài vừa xuống máy bay đã phải đến ngay Hội trường nghe phê phán, làm kiểm điểm, không để Bành Đức Hoài có một chút thời gian nghỉ ngơi hồi lại sức. Cho nên khi Hội nghị Lư Sơn còn đang tiến hành, Lâm Bưu nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng đã bắt đầu sắp xếp, Đại tướng La Thụy Khanh nhậm chức Tổng Tham mưu trưởng, nhận lệnh tổ chức cụ thể Hội nghị Quân ủy mở rộng ở Bắc Kinh. 104 người tham gia Hội nghị đều là những nhân vật lớn trong giới quân sự, Trưởng ban Thư ký Hội nghị do La Thụy Khanh đảm nhiệm, dưới có các nhóm thư ký, phục vụ Hội nghị và cảnh vệ v.v.. Ngày 17 tháng 8, khi Bành Đức Hoài đáp máy bay về tới Bắc Kinh, Hội nghị Quân ủy mở rộng đã có mặt đầy đủ, chỉ thiếu Tổng Tư lệnh Bành Đức Hoài. Máy bay của Bành Đức Hoài hạ cánh xuống sân bay Nam Uyển, một đội xe hơi cảnh giới nghiêm ngặt, lập tức đưa ông về Hoài Nhân Đường trong Trung Nam Hải để kiểm thảo, nghe phê phán.

Ai ngờ sự việc xảy ra lại trái với mong muốn, các vị tướng soái nửa đời trên yên ngựa đã rèn đúc được tác phong coi trọng thực tế một cách nghiêm khắc. Phải, trên chiến trường nếu không coi trọng thực tế một cách nghiêm khắc, kế hoạch tác chiến hơi có chút thoát ly thực tế thì ngay lập tức bài học sẽ là một đám thi thể. Hơn nữa, các vị tướng soái này trước khi tham gia quân đội, rất nhiều người xuất thân từ nông dân, họ còn không biết là một mẫu đất có thể thu được bao nhiêu cân lương thực hay sao? Năm 1958, họ cũng đã từng tham quan một số ruộng cao sản, họ đã nhận ra ngay đó là giả. Có cơ sở nhận thức này, sau khi được đọc bức thư của Bành Đức Hoài, không những họ không cho là sai, trái lại còn thầm khen hay. Cho nên sau khi Hội nghị chia tổ thảo luận, rất nhiều người không phát biểu. Quả thực là bức bách, mọi người đều nhất loạt biểu thị ủng hộ quyết định của Trung ương.

Kha Khánh Thi, Trần Bá Đạt, Khang Sinh thấy các vị tướng soái không hứng thú với việc phê phán Bành Đức Hoài cho lắm, chỉ ầm ừ ứng phó, liền đến tố cáo với Mao Trạch Đông và Lưu Thiếu Kỳ. Nghe nói Hội nghị Quân ủy mở rộng trở thành Hội nghị để Bành Đức Hoài kích động quân đội tiến công vào Đảng, Mao Trạch Đông vô cùng tức giận, xem ra tự mình không ra tay không xong. Mao Trạch Đông lập tức triệu tập Hội nghị Thường vụ Bộ Chính trị, yêu cầu mở rộng quy mô hội nghị tổ chức họp lại, Lâm Bưu tán thành ngay, những người khác không phản đối, thế là Mao Trạch Đông ra lệnh cho Lâm Bưu lập tức họp lại các tổ.

Lâm Bưu nhận lệnh, đắc ý vô cùng. Từ cuộc chiến tranh kháng Mỹ viện Triều đến nay ông ta thấy Bành Đức Hoài đem quân đến Triều Tiên, lập được nhiêu chiến công, tiếng tăm lừng lẫy, rất đố kỵ ghen ghét, nhưng không biết làm thế nào. Bất chợt nhớ đến cái chết của Mao Ngạn Anh ở Triều Tiên, Bành Đức Hoài lại xông vào mấy lần làm Mao Trạch Đông rất không vui, Lâm Bưu lại thường xuyên gièm pha trước mặt Mao Trạch Đông, lâu ngày quả nhiên có hiệu quả, trong Đại hội 8 ông ta được thăng chức làm Phó Chủ tịch Đảng, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bành Đức Hoài tuy vẫn là Ủy viên Bộ Chính trị, nhưng địa vị đã giảm sút rõ rệt. Gặp cơn sóng gió ở Hội nghị Lư Sơn lần này, trong giờ phút then chốt, Lâm Bưu đã giúp Mao Trạch Đông một cách đắc lực, kết quả là đã đạt được nguyện vọng ấp ủ từ lâu, nắm được quyền lực quân sự, ông ta quyết tâm lập công lớn một lần nữa trong Hội nghị Quân ủy mở rộng để củng cố vững chắc địa vị của mình.

Ông ta đắc ý khi chơi con bài chính trị, tuy có một chút mạo hiểm, nhưng hiệu quả của nó còn đến nhanh hơn vũ đài quân sự, thấy ngay hiệu quả trong chốc lát.

Trong một trận chửi bới, Lâm Bưu đã kiếm được chức Bộ trưởng Quốc phòng, sau khi đã kiếm được món hời trong canh bạc chính trị, nhưng chưa biết đủ để dừng bước, mà được một muốn mười. Ông ta vẫn muốn tiếp tục cưỡi gió vượt sóng để tiến thêm bước nữa. Ông ta hạ lệnh cho La Thụy Khanh và Phó Tư lệnh Không quân Ngô Pháp Hiến, đem 18 máy bay đến các nơi trong cả nước đón các tướng lĩnh tham gia Hội nghị gồm tất cả những người lãnh đạo các tổng cục của Quân ủy, các quân binh chủng, các đại quân khu, cán bộ lãnh đạo cấp quân đoàn của các dã chiến quân, các cán bộ lãnh đạo cấp quân đoàn của quân khu thuộc các tỉnh, các cán bộ tư tưởng, chính ủy của bộ đội dã chiến, các cán bộ cấp cục trở lên của quân ủy, lại thêm các cơ cấu phục vụ Hội nghị tổng cộng đến 2000 người. 18 chiếc máy bay cất cánh hạ cánh, khách sạn Tiền Môn người vào người ra nhộn nhịp, trong một ngày tất cả đã tề tựu đông đủ rồi tiến hành chia tổ.

Ngày 22 tháng 8, Hội nghị họp lại. Hoài Nhân Đường, Tử Quang Các, người vào ra đông nghịt. Lâm Bưu đích thân chủ tịch Hội nghị, trước tiên ông ta truyền đạt tinh thần của Hội nghị Lư Sơn, tiếp đó Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Châu kiểm điểm, sau đó lại chia tổ thảo luận. Bộ Tổng Tham mưu và Văn phòng Quân ủy được biên chế thành một tổ. Tổ này là tổ trọng điểm phê phán Bành Đức Hoài và Hoàng Khắc Thành, tổ trưởng là Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Cục trưởng Cục Kế hoạch trang bị Bộ tham mưu Vạn Nghị. Đồng chí này quê ở Huyện Kim thuộc vùng Đông Bắc, từ sớm đã tốt nghiệp ở Giảng Võ Đường Đông Bắc, về sau nhậm chức ở đạo quân Đông Bắc vào đầu thời kỳ kháng chiến chống Nhật, đã dẫn quân đội tham gia Bát lộ quân, thời kỳ chiến tranh giải phóng giữ chức Quân đoàn trưởng Quân đoàn 40 thuộc Dã chiến quân thứ 4.

Sau khi các tổ bắt đầu thảo luận, trong tổ này mấy ngày không có ai phát biểu. Lâm Bưu nói chuyện với Vạn Nghị một bộ hạ cũ của ông ta, đưa ra kế sách, lại liên tiếp cử người đến phòng họp của tổ này nghe thảo luận nhưng vẫn không ai phát biểu. Vạn Nghị thấy vậy bèn đề nghị: “Mọi người đã không phát biểu, ở trên lại yêu cầu phải phê phán mạnh mẽ vạch rõ vấn đề của Bành Đức Hoài. Theo tôi chi bằng ta hãy đưa ý kiến của Bành Đức Hoài ra đọc, xem đồng chí ấy nói như thế nào, có vấn đề hữu khuynh chống Đảng không. Có thì phê không có thì không phê, các đồng chí thấy làm như vậy có được không?” Mọi người nhất trí cho là phải, ào ào lấy bản góp ý kiến ra đọc rồi nói cảm nhận của mình. Có người kể chuyện cười khi đi tham quan ruộng Vệ Tinh: “Lần ấy cơ quan Quân ủy chúng tôi đi tham quan ruộng Vệ Tinh ở thành phố Thiên Tân, thấy lúa mọc dày đặc chi chít, trên treo rất nhiều bóng đèn lớn, bốn bên có mấy chiếc quạt gió đang quay tít, trên ngọn bông lúa còn có một đứa trẻ đang ngồi, tình hình mùa màng quả là đáng mừng. Theo người phụ trách địa phương giới thiệu thì một mẫu ruộng (1) này ít nhất cũng có thể thu được 5 tấn, ngay tại đấy chúng tôi hỏi anh ta hạch toán giá thành như thế nào, trong nháy mắt người phụ trách há hốc mồm. Đang lúc nhộn nhịp, đứa trẻ đòi về nhà. Chúng tôi vào đám ruộng đón đứa trẻ mới phát hiện ra rằng đứa trẻ này ngồi trên những chiếc đèn cực tím, nhìn kỹ thấy những khóm lúa được chuyển từ nơi khác tới trồng xen sát vào nhau. Ở quê tôi cũng trồng lúa, sao có thể lừa được tôi. Chúng tôi liền truy hỏi, người phụ trách địa phương đã nói thật, té ra những khóm lúa này được chuyển từ 18 mẫu ruộng khác tới trồng”. Mọi người nghe xong cười ồ. Một người khác tiếp lời: “Một lần tôi đi tham quan huấn luyện biên chế quân sự hóa của một công xã nhân dân ở huyện An Quốc tỉnh Hà Bắc. Nam dân quân đều đi luyện gang thép cả, “Đội Hoàng Trung” và “Đội Mộc Quế Anh” tham gia duyệt đội ngũ. Vẫn chưa bắt đầu duyệt đội ngũ mấy người già trong “Đội Hoàng Trung” ngã lăn ra đất, mấy cô “Đội Mộc Quế Anh” tè cả ra quần. Chúng tôi vội quay người đi để “Mộc Quế Anh” thay quần, chúng tôi không thể đứng đó nhìn. Khi tắm tránh phụ nữ là điều không thể quên trong “Ba kỷ luật, tám chú ý” mà! Sau đó, chúng tôi đi thăm nhà ăn công cộng của họ mới biết nguyên nhân tè ra quần của Mộc Quế Anh, té ra trong nhà ăn chỉ có một chiếc chảo cháo ngô loãng toè loãng toẹt, xem kỹ thì vẫn là nấu cháo để cho đoàn tham quan xem. Không có gì để ăn, đành phải uống nước lã thì làm sao Mộc Quế Anh không tè ra quần?”. Người ấy chưa dứt lời thì người khác tiếp ngay: “Chuyện vui còn ở hồi sau: chúng tôi tham quan xong, quay về xe chuẩn bị ăn cơm thì thấy lương khô đem đến đã bị người ta lấy trộm sạch từ bao giờ rồi. Chẳng còn cách nào, chúng tôi đành phải đến nhà ăn, mỗi người húp một báo cháo ngô loãng, tất nhiên là phải trả tiền, và phiếu lương thực, sau đó chúng tôi đi về. Bây giờ mới vui, các anh đoán xem là chuyện gì?” Mọi người trợn mắt nghe anh ta nói: “Trên đường về người nào cũng đi tiểu, xe lúc chạy lúc dừng, khó khăn lắm mới về đến Bắc Kinh. Có một nữ trung úy trẻ, vì không tìm được chỗ thuận tiện, đành phải cố nhịn, nhưng không ngờ bị ho, không nhịn được nữa thế là ướt quần”. Trong Hội trường bỗng rộ lên một trận cười.

Tiếp đó, cả hội trường anh một lời tôi một câu bàn luận sôi nổi, bàn mãi mà không sao tìm thấy một chỗ không đúng nào trong thư góp ý kiến. Vạn Nghị thấy mọi người đã phát biểu, liền đề nghị: “Tôi thấy những ý kiến trong thư góp ý của Bành Đức Hoài đều phù hợp với thực tế, không có chỗ nào chống Đảng cả. Hiện nay có người chỉ nhìn lên trời, hoàn toàn không chú ý gì đến nỗi khổ của dân, ai tán thành thư góp ý của Bành Đức Hoài xin giơ tay!”

Vạn Nghị vừa dứt lời, mọi người nhất loạt giơ tay, Vạn Nghị nói: “Được, mọi người đều tán thành, tôi quyết định giải tán tổ, mọi người ra về chia ra học tập”.
Logged
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM