Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 29 Tháng Ba, 2024, 09:57:32 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Hồ sơ mật 1963 - Từ các nguồn tài liệu của Chính phủ Mỹ  (Đọc 1482 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:18:55 pm »

- Tên sách: Hồ sơ mật 1963 - Từ các nguồn tài liệu của Chính phủ Mỹ
- Tác giả: Tâm Diệu - Trí Tánh, Nguyên Giác - Nguyễn Minh Tiến
- Nhà xuất bản: Liên Phật hội
- Năm xuất bản: 2017
- Người số hóa: saoden


LỜI GIỚI THIỆU


Tập sách "Hồ Sơ Mật 1963 - Từ các nguồn Tài liệu của Chính phủ Mỹ" này ra đời có hai mục đích:

Thứ nhất là để giới thiệu với quảng đại độc giả một nguồn tài liệu tham cứu của chính phủ Mỹ, ký tự là FRUS, vốn khá quen thuộc với giới nghiên cứu nhưng lại vẫn còn xa lạ với độc giả Việt Nam bình thường khi muốn tìm hiểu về những biến động lịch sử trong thập niên 1960 của nước ta.

Thứ nhì là thông qua nguồn tài liệu đó để trình bày một số phát hiện mới, vốn không được đa số giới nghiên cứu người Việt hải ngoại khai thác và phổ biến, thậm chí còn bị một số "nhà bình luận" xuyên tạc và ngộ nhận, về những gì đã thực sự xảy ra tại miền Nam Việt Nam trong năm 1963.


Do đó, từ "mật" trong tiêu đề tập sách chỉ là đối với quảng đại độc giả chưa biết đến, hoặc có biết đến nhưng không chịu sử dụng, nguồn tài liệu này mà thôi. Từ nay, hy vọng rằng mọi độc giả đều có thể tiếp cận trực tiếp nguồn FRUS để bổ túc cho những nhận định của mình được trung thực và chính xác hơn.


Tập sách này gồm nhiều bản văn được chuyển dịch và trình bày kèm theo nguyên tác Anh ngữ, là các tài liệu trước đây vốn thuộc loại hồ sơ mật hoặc tối mật, nghĩa là chỉ dành riêng cho những người có trách nhiệm mà hoàn toàn không được phổ biến đến công chúng. Phần lớn các tài liệu đó là của chính phủ Mỹ, như các Công điện, Bản Ghi nhớ, Điện tín, Phúc trình... Tài liệu có nguồn từ Bộ Ngoại Giao Mỹ được lấy từ FRUS; ngoài ra còn có các tài liệu từ Tòa Bạch Ốc (Cục An Ninh Quốc Gia NSA), Bộ Quốc Phòng (Pentagon Papers), CIA (tại Sài Gòn và tại Langley), và từ Thượng Viện (Select Committee to Study Governmental Operations).


Một vài tài liệu không trực tiếp lấy nguồn từ chính phủ Mỹ là: Một bài viết của tác giả Nguyễn Minh Tiến phân tích Phúc trình A/5630 của Phái đoàn Điều tra Liên Hiệp Quốc; một số đoạn trong Death of A Generation của Howard Jones vốn là một tác phẩm cũng sử dụng rất nhiều nguồn tài liệu của chính phủ Mỹ, và một bài Dẫn nhập của tác giả Tâm Diệu, tổng hợp về Phật giáo và cuộc Chính biến 1-11-1963 thông qua các tài liệu của chính phủ Mỹ.


Xin được có vài lời về lý do tại sao chúng tôi lại chọn sử dụng rất nhiều tài liệu FRUS của Bộ Ngoại Giao Mỹ cho tập sách này.

FRUS, ký tự viết tắt của cụm từ Foreign Relations of the United States, là một tập hợp các tài liệu lịch sử chính thức liên hệ đến các quyết định quan trọng trong chính sách ngoại giao của Mỹ đã được giải mật và biên tập để công bố1 (The Foreign Relations of the United States series is the official documentary historical record of major U. S. foreign policy decisions that have been declassified and edited for publication). Những tài liệu này do Văn phòng Sử gia (Office of the Historian) thuộc Bộ Ngoại giao soạn thảo và chịu trách nhiệm xuất bản, và do Sở Ấn loát Chính phủ (Government Printing Office) in ấn phát hành. Tập hợp tài liệu đồ sộ này bắt đầu từ các biến cố ngoại giao từ thời chính quyền Tổng thống Abraham Lincoln (1861) cho đến ngày nay.


Riêng tài liệu liên hệ đến Việt Nam dưới nhiệm kỳ Tổng thống Kennedy thì gồm 4 tập, phủ dài thời gian 3 năm từ 1961 đến 1963. Hai tập cuối cùng, Tập III và Tập IV, được phát hành vào năm 1991 và được phổ biến online trên Internet vào đầu thiên niên 2000.

Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #1 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:20:54 pm »

Độc giả người Việt ở hải ngoại, ngay cả ở Mỹ, cũng ít nghe nói đến kho tài liệu đồ sộ và quý giá đã được giải mật khá đầy đủ và dễ dàng truy cập online này. Chỉ một số nhà nghiên cứu nghiêm túc là biết từ rất sớm về FRUS và đã khai thác rất hiệu quả để tái khẳng định hoặc hiệu đính lại một số biến cố, luận điểm mà trong quá khứ đã không hoặc chưa được biểu đạt rõ ràng.


Xin đan cử trường hợp về hai bài viết có liên quan đến chế độ Ngô Đình Diệm chỉ vài năm sau khi FRUS được lên online: Cách đây hơn 10 năm, trong bài viết "Toàn Trị và Ngoại Thuộc" vào tháng 5 năm 2003, giáo sư Cao Huy Thuần ở Pháp đã sử dụng 50 nguồn trích dẫn từ FRUS trong tổng số 53 cước chú của ông1 (Bài được đăng trên Diễn Đàn Forum số 129, xuất bản tại Paris vào tháng 5 năm 2003 và được Thư Viện Hoa Sen đăng lại: http://thuvienhoasen.org/a13482/toan-tri-va-ngoai-thuoc-cao-huy-thuan). Còn trong tiểu luận công phu "'Phiến Cộng’ trong Dinh Gia Long", hoàn thành vào tháng 8 cũng năm 2003, Tiến sĩ Chính Đạo Vũ Ngự Chiêu ở Mỹ đã sử dụng 49 tham chiếu từ FRUS trong tổng số 149 cước chú của ông2 (Bài được đăng trên Tạp chí Hợp Lưu tại California vào tháng 8 năm 2003 và được Việt-Studies đăng lại).


Sở dĩ FRUS đạt được độ tin cậy khá cao, do đó mức sử dụng khá nhiều, trong các công trình nghiên cứu là vì ba lý do:

(i) Nói chung, FRUS là những tài liệu mật hoặc tuyệt mật (TOP SECRET) được trao đổi giới hạn giữa một số ít giới chức hành pháp rất cao cấp của Mỹ. Nội dung của những tài liệu này thường được làm cơ sở hoặc công cụ để thiết lập chính sách hoặc kế hoạch hành động cấp quốc gia, nên độ trung thực và tính chính xác của tài liệu, dù có lợi hay có hại cho chính quyền Mỹ, đều luôn luôn được người soạn thảo tài liệu cố gắng giữ ở mức tối đa;


(ii) Cơ chế vận hành Check and Balance (Kiểm soát và Quân bình) của chính phủ Mỹ [và sau này với việc ban hành Freedom of Information Act năm 1966 (Đạo luật về Quyền tự do tiếp cận Thông tin)] cho phép hai ngành Lập pháp và Tư pháp cũng như bất kỳ người dân nào, sớm hay muộn, cũng truy cứu được thông tin của chính phủ. Thậm chí nếu cần, có thể xin tòa án can thiệp (subpoena) để được tiếp cận tài liệu. Vì biết rõ và vì làm việc trong khung nguyên tắc đó từ lâu nên trong quá trình hình thành các tài liệu, giới chức chọn lựa và soạn thảo FRUS đã phải cố gắng tránh những sai lầm, sơ hở, tối nghĩa, lạc dẫn, suy đoán, thậm chí dối trá... ở mức tối đa;


(iii) Tinh thần và đạo đức học thuật của giới nghiên cứu Mỹ là khá cao, lãnh vực nghiên cứu là khá đa dạng, và tranh chấp học thuật thì gay gắt trên trường quốc tế. Do đó, những học giả luôn đòi hỏi các nguồn cung cấp tài liệu, dù trong hay ngoài chính phủ, dù lãnh vực an ninh quốc gia hay bất kỳ lãnh vực nào, cũng phải duy trì một mức độ chuyên nghiệp trong các tài liệu để họ có thể tin tưởng sử dụng. Trong lãnh vực bang giao quốc tế có liên hệ đến Mỹ, FRUS là công cụ làm việc của giới nghiên cứu nên cũng phải chuyên nghiệp ở mức tối đa.


Đó là những lý do ít nhất giải thích vì sao FRUS có độ khả tín khá cao. Do đó, một cách cụ thể, công trình nghiên cứu nghiêm túc nào về quan hệ Việt-Mỹ trong thập niên 1960’ mà không tham chiếu FRUS thì cũng là điều thiếu sót. Nhưng dĩ nhiên chúng ta cũng không ngây thơ đến độ tin tưởng hoàn toàn bất kỳ thông tin nào của FRUS mà không đối chiếu với các nguồn thông tin khác và/hoặc đặt chúng trước quy trình phân tích chặt chẽ và chọn lọc khắt khe. Dù sao thì FRUS cũng đáng tin cậy và cần tham cứu để sử dụng, nhất là khi so sánh với những "nguồn tài liệu" khác rất đáng nghi ngờ, nhưng lại thường được đa số những "bình luận gia" người Việt cả trong lẫn ngoài nước, nhất là ở hải ngoại, sử dụng để "đầu độc chính trị" nhau nhiều hơn là để trình bày sự thật.


Một cách cụ thể, chúng tôi xin cung cấp hai đường link sau đây để độc giả có thể truy cập tất cả tài liệu FRUS liên quan đến quan hệ Việt-Mỹ trong năm 1963:

1. FRUS 1961-1963, Volume III: Vietnam January - August 1963: http://www.historymatters.com/archive/contents/vietnam/contents_vietnam_frus_61-63_3.htm

2. FRUS 1961-1963, Volume IV: Vietnam August - December 1963: http://www.historymatters.com/archive/contents/vietnam/contents_vietnam_frus_61 -63_4.htm


Năm 1963 là năm có đầy đủ triệu chứng của một chế độ toàn trị đang ở hồi cuối cùng của quy trình hủy diệt. Đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ của bà Nhu, là người đầu tiên dùng cụm từ "toàn trị" để xác định đặc tính chính trị của chế độ Diệm1 (FRUS 1961-1963, Tập III, Memo của Forrestal gửi Harriman ngày 8-3-1963)


Để hiểu rõ hơn về biến cố 1963, ta cần nắm bắt được ba giai đoạn phân chia cuộc đời chính trị của ông Ngô Đình Diệm:

- Trước 1954, ông là một chính khách trôi nổi trong cuộc chiến Pháp-Việt, bị kẹt giữa chính sách của Hội Truyền giáo Hải ngoại (MEP) và truyền thống phục vụ nền đô hộ Pháp của gia đình nên ông đã không xả thân chống Pháp quyết liệt như các nhà cách mạng đương thời. Khi thì làm quan Nam Triều nên Việt Minh ghét ông, khi thì theo Nhật nên Tây muốn bắt ông, khi thì ẩn mình trong tu viện, khi thì "bao năm từng lê gót nơi quê người", không uy tín, không lực lượng ngoại trừ một nhóm tín đồ Thiên Chúa giáo bản địa ủng hộ. Quốc tế không biết đến ông, vốn không có gốc rễ trong quần chúng nên không có một hoạt động nào có tác động đáng kể vào cuộc vận động giải thực gian khổ của toàn dân.


Đây là giai đoạn ông Diệm có thể có tâm nhưng chắc chắn không có tài, ai theo ông cũng được, không theo ông cũng chẳng sao. Ông chỉ là một "chính khách sa-lông" như ta thường gọi.


- Giai đoạn thứ nhì là từ 1954 đến 1959: Đó là lúc Mỹ thay Pháp tham dự vào thế cờ Đông Dương để xây dựng một tiền đồn chống lại chiến lược bành trướng của Cộng sản Quốc tế tại châu Á. Ông may mắn có hai yếu tố mà các chính khách Việt Nam đương thời không có: Mỹ và Vatican. Ông cũng may mắn có ông anh Giám Mục quen biết với lãnh tụ số một của Công giáo Mỹ trong thời kỳ đó. Cho nên ông được cường quốc Mỹ hỗ trợ thay thế Bảo Đại của Pháp. Ba "bà mụ" chăm sóc để hóa thân ông thành "phép lạ" của Mỹ là Hồng y Francis Spellman, Thượng Nghị sĩ Mike Mansfield, và Ngoại trưởng John Foster Dulles1 (Joseph Buttinger, Vietnam: A Political History. New York: Frederick A. Prae-ger, 1968). Với hai thế lực quốc tế và bảo chứng của vị vua triều Nguyễn, ông về nước, "phất cờ" và được hầu như toàn dân miền Nam ủng hộ để xây dựng miền Nam mà chống Cộng. Quân viện và kinh viện, nhân sự và văn hóa của Mỹ ào ạt đổ vào miền Nam, giúp ông vượt qua mọi trở ngại để thành lập nền Cộng hòa. Lãnh đạo miền Bắc vừa phải chờ gần hai năm để Tổng tuyển cử, lại vừa bận lo chữa vết thương chiến tranh sau 9 năm đánh Pháp, nên miền Nam được tạm ổn, thanh bình và trù phú. Ông làm Tổng thống của một nền Cộng hòa non trẻ, là một lãnh tụ không giỏi nhưng gặp thời và được hai thế lực đỡ đầu hết lòng yểm trợ, nên thực hiện được nhiều thành tích tại miền Nam. Trong giai đoạn 5 năm này, ông Diệm là người có thể vừa có tâm vừa có tài, nhưng quan trọng hơn cả là ông được thời thế, ai là người muốn xây dựng miền Nam để chống Cộng thì phải ủng hộ ông. Ông là một ông quan phụ mẫu chi dân tuyệt vời trong một chế độ dân chủ khập khiểng.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #2 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:22:47 pm »

Giai đoạn cuối là từ năm 1960 với những bước ngoặt oan trái, hệ quả của nền cai trị độc tài của ông mấy năm trước và của bản chất phong kiến gia đình trị, tổng hợp chất Thiên Chúa giáo Trung cổ và quan lại Tống Nho của văn hóa gia tộc ông. Năm 1960, chánh sách nội trị của ông phạm nhiều sai lầm nên bị chính quân dân miền Nam chống đối. Từ đầu năm, nhóm trí thức Bắc di cư trong báo Tự Do công khai tố cáo hành động đục khoét miền Nam của gia đình họ Ngô với bức tranh 5 con chuột trên bìa báo Xuân Canh Tý. Tiếp theo là thảm bại của Sư đoàn 13 tại Trảng Sập (Tây Ninh) vào ngày 26/1 dù lực lượng chính phủ đông và mạnh hơn. Đến tháng 4, nhóm 17 nhân sĩ trí thức và một linh mục (trong đó có 11 người đã từng là chiến hữu hoặc cộng tác viên cũ của ông Diệm) thuộc nhóm Tự Do Tiến Bộ ra Tuyên ngôn (tại khách sạn Caravelle) tố cáo tình trạng độc tài, tham nhũng, kém hữu hiệu và đòi ông thay đổi nhân sự cũng như chính sách. Tháng 11, các sĩ quan chỉ huy binh chủng Nhảy Dù cùng nhiều nhân vật đảng phái quốc gia tập họp trong Liên Minh Dân Chủ và Mặt trận Quốc gia Đoàn kết đã phát động cuộc binh biến, đánh thẳng vào dinh Độc Lập, đòi ông Diệm cải tổ toàn diện cơ cấu lãnh đạo quốc gia để xây dựng lại chính nghĩa và nâng cao hiệu năng chiến đấu của quân dân miền Nam. Tháng 12, Hà Nội cho ra đời và công khai hóa Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, làm điểm tụ lực để thu hút quần chúng bất mãn hầu tiến hành cuộc đấu tranh vũ trang, thách thức tính chính thống của Việt Nam Cộng hòa trên cả hai mặt quốc tế và quốc nội. Nhưng 5 biến cố đó cũng không tác hại sâu sắc bằng tình trạng kể từ năm 1960, hai ông bà Ngô Đình Nhu bắt đầu khuynh loát rồi cuối cùng khống chế trung tâm quyền lực quốc gia ở Dinh Gia Long, từ từ đẩy ông Diệm vào vai trò thứ yếu trong công việc quản trị miền Nam. Ông làm Tổng thống như một vua Lê bù nhìn bên (ông bà) chúa Trịnh lộng quyền.


Đây là giai đoạn chót, ông Diệm mất đi cả cái tâm lẫn cái tài, nhưng vẫn cùng gia đình cao ngạo bám vào ghế lãnh đạo quốc gia nên hại nước hại dân, vì vậy ai là người có trí và có lòng thì cũng phải chống ông. Từ người hùng của thời thế, ông Diệm trở thành tội nhân của lịch sử. Đó có phải là nhiệm ý Thiên Chúa chăng?


Vì cái năm bản lề 1960 nhiều biến động đó mà những năm sau, miền Nam bắt đầu suy thoái, chịu đựng hết cuộc khủng hoảng này đến cuộc khủng hoảng khác.

Thật vậy, năm 1961, trong lúc nền kinh tế quốc gia vẫn còn phụ thuộc nặng nề vào kinh viện Mỹ1 (Bernard C. Nalty, Rival Ideologies in Divided Nations (Vietnam War), tr. 62; và Frances Fitzgerald, Fire in the Lake, tr. 101 -104) thì tình hình an ninh hầu như bị suy sụp một cách đáng quan ngại, nhất là ở nông thôn, nơi Việt cộng kiểm soát 80%2 (Robert Scigliano, Vietnam, A Country At War) đến nỗi ngày 10-10-1961, ông Diệm phải ban bố "tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa"3 (Sắc lệnh số 209-TTP của Tổng Thống Phủ - Đoàn Thêm, "Những ngày Chưa quên" Đại Nam, 1967 - Nam Chi Tùng Thư tái bản). Và hai tháng sau, ngày 7-12-1961, ông Diệm đã gửi thư cho Tổng thống Kennedy xin tăng thêm viện trợ vì "Việt Nam Cộng hòa đang phải đối đầu với một thảm họa lớn nhất trong lịch sử"4 (Marvin E, Cettlemen, Vietnam History, Documents and Opinionsm và Đoàn Thêm, "Những ngày Chưa quên" Đại Nam, 1967 - Nam Chi Tùng Thư tái bản).


Qua năm 1962, sáng ngày 27 tháng 2, hơn một năm sau "Đảo chánh Nhảy dù", hai sĩ quan của một binh chủng khác của quân đội lại hành động: Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn cử đã bay 2 chiếc Skyrider A-1 ném bom Napalm và bắn rocket vào dinh Độc Lập với mục đích tiêu diệt toàn bộ lãnh đạo đầu não của Đệ Nhất Cộng hòa. Trong khi đó thì ngoài chiến trường, các đơn vị vũ trang của Việt cộng bắt đầu thách thức quân lực VNCH trên cả 4 Quân khu, đánh chiếm nhiều đồn bót, pháo kích vào các quận huyện ven thủ đô Sài Gòn. Đặc công của họ còn dám đặt chất nổ tại các thành thị và bắt cóc các viên chức của chế độ5 (Stanley Karnow, Vietnam, A History, New York: King Presss, 1983). Tình trạng an ninh khẩn trương đến nỗi ngày 31-3-1962, ông Diệm đã phải gửi thông điệp cho 92 quốc gia trên thế giới yêu cầu ủng hộ VNCH chống cuộc xâm lăng của Cộng sản1 (Đoàn Thêm, "Những ngày Chưa quên" Đại Nam, 1967 - Nam Chi Tùng Thư tái bản). Như vậy, "Sau sáu năm trời làm một thứ Quốc trưởng không ai lay chuyển nổi, Diệm vẫn bất an. Sự ủng hộ của nhân dân phai lạt, quân đội không thể chiến đấu theo lối chiến tranh cách mạng của Việt cộng, còn kinh tế quốc gia hầu hết hoàn toàn phụ thuộc vào viện trợ Mỹ"2 (Bernard C. Nalty, Rival Ideologies in Divided Nations (Vietnam War), tr. 62).


Và, cuối cùng, năm 1963 định mệnh cũng đến! Trong năm đó, những biến cố dồn dập khuấy động một miền Nam hừng hực lửa. Những biến cố này là do hệ quả tích lũy từ các nguyên nhân các năm trước hoặc được khởi động đột biến ngay trong chính năm 1963: Từ thảm bại Ấp Bắc đến Phúc trình Mansfield (đặt câu hỏi căn bản rằng "Chúng ta có thể thắng Cộng sản với Diệm không?"); từ cuộc đấu tranh rồi bị đàn áp của Phật giáo đến hành động quyên sinh của văn hào Nhất Linh; từ rạn nứt quan hệ với Mỹ đến những tiếp xúc thỏa hiệp với Hà Nội; từ gần 10 âm mưu đảo chánh của các sĩ quan trung cấp ngay đầu năm 1963 đến chính ông Nhu cũng dự định đảo chánh ông Diệm trong kế hoạch Bravo I để thay ông Diệm... Tất cả như những ngọn sóng, trùng trùng điệp điệp đan bện vào nhau đổ ụp xuống chế độ ông Diệm vào ngày 1-11-1963. Và vào sinh mạng hai anh em ông ngày 2-11-1963.


Phật giáo hay không Phật giáo, Quân đội hay không Quân đội, Mỹ hay không Mỹ, cuối cùng thì nhân nào quả nấy. Và lịch sử sang trang. Phải sang trang...

Nhiều tài liệu đã đề cập đến những ngày sôi động của năm 1963. Trong tập sách này, thông qua các nguồn tài liệu Mỹ mà chủ yếu là từ FRUS, chúng tôi chỉ muốn cung cấp thêm một số dữ kiện do người Mỹ phát hiện nhưng không được đông đảo người Việt Nam biết đến. Sau đây là vài ví dụ:

- Trong vụ nổ súng tại Đài Phát thanh Huế ngày 8-5-1963, lúc đầu, binh sĩ chính quy được lệnh đàn áp đám đông Phật tử nhưng họ từ chối. Do đó, cuối cùng, chính Địa phương quân của Thiếu tá Đặng Sỹ đã nổ súng và ném lựu đạn1 (FRUS 1961-1963, Vol. III, Doc. 116).

- Ngày 3-6-1963, sinh viên và đồng bào tại Huế biểu tình và đã bị quân đội phun hóa chất để giải tán2 (FRUS 1961-1963, Vol. III, Doc. 146 và 147).

- Tướng Lê Văn Kim là tướng lãnh đầu tiên đề cập với người Mỹ, ông Rufus Phillips của USOM, về ý định của quân đội sẽ loại bỏ ông Nhu nếu Mỹ có cùng một thái độ cứng rắn như thế. Bộ trưởng Phủ Tổng Thống Nguyễn Đình Thuần và Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Võ Văn Hải cũng muốn Mỹ tỏ thái độ muốn loại bỏ ông Nhu3 (Pentagon Papers trích dẫn FRUS 1961-1963, Vol III, Doc. 274).
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #3 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:24:47 pm »

- Tướng Trần Văn Đôn cho người Mỹ biết giữa ông Diệm và bà Nhu không có quan hệ xác thịt nhưng ông Diệm xem bà Nhu như một người vợ lý tưởng thuần khiết (platonic wife) như Hitler đối với Eva Braun, và ông Diệm đã từng thăng chức cho một người làm vườn tại Đà Lạt từ Trung sĩ lên Trung tá chỉ vì người này trắng trẻo đẹp trai1 (FRUS 1961 - 1963, Vol III, Doc. 275).


- Việc ông Nhu lừa dối các tướng lãnh khi cho Lực Lượng Đặc Biệt giả danh quân đội tấn công các chùa tại Sài Gòn đêm 20-8-1963 khiến cả Mỹ lẫn dân chúng Việt Nam lên án quân đội, đã là một bước ngoặt mạnh mẽ khiến Quân đội dứt khoát muốn loại bỏ ông Nhu hơn2 (FRUS 1961 - 1963, Vol III, Doc. 274).


- Từ năm 1962, sau cuộc đảo chánh của Nhảy Dù và vụ oanh kích của 2 phi công, và trước khi xảy ra vụ biến động Phật giáo, Mỹ đã đánh giá là miền Nam sẽ bị nhuộm máu vì gia đình họ Ngô đa nghi, kém hiệu quả và mất lòng dân3 (FRUS 1961 - 1963, Vol II, 1 962, Doc. 268).


- Sau cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức, ngày 25/6, ông Nhu đã nói thẳng với người Mỹ rằng ông chống đối ông Diệm, và chính phủ hiện tại phải bị loại bỏ. Ông Nhu trình bày điều này trong một tình trạng xúc động cao độ4 (FRUS 1961 - 1963, Vol III, Doc. 256).


- Một đội cảnh sát đặc biệt của bà Nhu được thành lập và do người em của bà là Trần Văn Khiêm chỉ huy. Ông Khiêm đã cho một ký giả người Úc xem một danh sách các viên chức Mỹ tại Sài Gòn mà ông đang lên kế hoạch ám sát1 (FRUS 1961 - 1963, Vol IV, Doc. 68).


- Nhiều quan chức Việt Nam cho biết quyền lực thực sự nằm trong tay ông Nhu; ông Diệm chỉ là "búp bê" của ông Nhu. Cả hai ông Nguyễn Đình Thuần và Võ Văn Hải đều xác nhận ông Nhu hút thuốc phiện từ hai năm rồi. Trạng thái tâm thần hoảng loạn của ông Nhu hiện rõ khi ông tuyên bố chỉ có ông mới cứu được Việt Nam2 (FRUS 1961 - 1963, Vol IV, Doc. 110).

Bà Trần Văn Chương, thân mẫu của bà Nhu, gọi bà Nhu là "đồ quỷ" (monster), ông Nhu là "hung nô" (barbare), ông Diệm là "kẻ bất tài" (incompetent). Còn ông Trần Văn Chương, Đại sứ VNCH tại Mỹ, thì bàn thảo với các nhà hoạt động để thành lập một chính phủ lưu vong nhằm lật đổ nhà Ngô3 (FRUS 1961-1963, Vol IV, Doc. 118).


Khoản tiền 42.000 Mỹ kim đã do CIA trao trước đó để dùng mua thực phẩm cho chiến binh VNCH và dùng làm tiền tử tuất cho gia đình tử sĩ trong cuộc binh biến 1-11-1963. Tướng Dương Văn Minh hai lần điện thoại tới ông Diệm, đề nghị hai anh em Diệm-Nhu đầu hàng sẽ được an toàn xuất ngoại. Ông Diệm hai lần từ chối...4 (Phúc Trình Thượng Viện Hoa Kỳ số 94-465).


Trên đây cũng chỉ là một số điểm nổi bật. Xuyên suốt tập sách, độc giả sẽ tiếp tục khám phá ra nhiều sự kiện khác nữa trong giai đoạn lịch sử đặc biệt này.

Về hình thức trình bày, để độc giả tiện tham khảo đối chiếu, chúng tôi cố gắng trình bày cả nguyên tác Anh ngữ và các dẫn chú tham chiếu ở bất cứ nơi nào có thể được. Hầu hết các chú thích là của nguyên tác và được chuyển dịch sang Việt ngữ. Tuy nhiên, ở một số nơi cần có sự giải thích rõ hơn của người dịch (ND), chúng tôi sẽ dùng các cước chú bằng chữ số La-mã (i, ii, iii...) để phân biệt. Các thuật ngữ dùng trong các hệ thống văn bản này chưa từng được chuyển dịch nhất quán, do đó chúng tôi sẽ tạm quy ước dùng "điện văn" (telegram, tel) để chỉ các bức điện được trao đổi, "hồ sơ" (document, doc) để chỉ các văn bản đã được hệ thống và đánh số trong kho dữ liệu FRUS. Đối với một số các thuật ngữ khác, chúng tôi cũng sẽ cố gắng chuyển dịch nhất quán trong chừng mực có thể được.


Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chính biến 1-11-1963, chúng tôi hy vọng tập sách này sẽ là một nhắc nhở đến những độc giả muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam thời cận đại một điều ai cũng đã biết, rằng trong tình trạng nhiễu loạn thông tin và nhiễu nhương thế sự hiện nay, hiểu và đánh giá đúng một sự kiện thật là khó khăn.

Trân trọng,

Nhà Xuất bản Thiện Tri Thức
(Thien Tri Thuc Publications)
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #4 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:26:11 pm »

PHẦN I
CUỘC VẬN ĐỘNG BÌNH ĐẲNG TÔN GIÁO
NĂM 1963 CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

DẪN NHẬP

Tâm Diệu


Năm 1963 là năm mà chính quyền Ngô Đình Diệm đã gặp phải sức phản kháng mạnh mẽ nhất từ mọi thành phần dân chúng. Khởi đầu là cuộc tranh đấu của Phật giáo khởi đầu từ ngày 8-5-1963 và chấm dứt vào đêm 20 tháng 8 năm 1963, và tiếp sau đó là cuộc đấu tranh toàn diện của học sinh, sinh viên, và quân dân Miền Nam Việt Nam.


Từ đó đến nay đã hơn nửa thế kỷ, một thời gian đủ dài để con người có thể lắng dịu tâm tư và các kho lưu trữ tài liệu mật của các bộ Ngoại Giao, Quốc Phòng, và cục Tình báo Trung Ương Hoa Kỳ cũng đã giải mật cho công chúng tự do vào xem, kèm theo đó còn có một bản Phúc trình của Phái đoàn Liên Hiệp Quốc được thực hiện ngay trước khi Chính phủ Diệm sụp đổ cũng đã lưu hành rộng rãi. Nhờ đó, chúng ta có thể nhìn lại lịch sử ngày 1-11-1963 một cách rõ ràng hơn.


Toàn bộ các kho tài liệu trên đều bằng Anh ngữ. Nhưng may mắn thay, chúng ta đã có thể tiếp cận một cách dễ dàng qua những bản dịch Việt ngữ rất nghiêm túc của các dịch giả Nguyên Giác, Trí Tánh và Nguyễn Minh Tiến. Những bản dịch này được các dịch giả tuyển dịch từ tài liệu chính thức có độ khả tín cao và khách quan, vốn từng là những thông tin nội bộ chỉ dùng trong bộ máy điều hành, không có tính cách tuyên truyền, bao gồm các Phúc trình kín, mật và tối mật, biên bản chính thức của những thảo luận nội bộ, điện văn trao đổi giữa Bộ Ngoại Giao, Bộ Quốc Phòng, Tòa Bạch Ốc, Cục Tình báo Trung ương ở Washington và tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn cũng như Lãnh sự quán tại Huế. Những tài liệu này đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ giải mật và xuất bản thành 5 tập với tựa đề: Foreign Relations of the United States (FRUS), 1961-1964 (Bang giao quốc tế của Hoa Kỳ, 1961-1964), thường được giới nghiên cứu biết và sử dụng dưới tên gọi tắt là FRUS. Thêm vào đó là hồ sơ tối mật về cuộc chiến Việt Nam "The Pentagon Papers" do Ủy ban Đặc nhiệm Nghiên cứu về Việt Nam của Bộ Quốc Phòng Mỹ nghiên cứu, soạn thảo và xuất bản thành 4 tập.


Qua nội dung các bản dịch, chúng ta có thể biết được những gì thực sự đã xảy ra trong những ngày trước và sau cuộc chính biến 1-11- 1963.

Trước khi trình bày toàn bộ các bản dịch, chúng tôi mạn phép tóm lược dưới đây vài điểm ghi nhận quan trọng của chính các dịch giả, theo diễn biến sự kiện.


BIẾN CỐ NGÀY 8-5-1963 TẠI HUẾ

Trước hết là các điện văn trao đổi giữa Lãnh Sự quán Mỹ ở Huế, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và Bộ Ngoại Giao Mỹ ở thủ đô Washington trong đêm xảy ra biến cố 8-5-1963 tại đài phát thanh Huế. Và tiếp theo các điện văn trao đổi là bản Phúc trình của Trung Ương Tình Báo (CIA) ở Washington báo cáo lên Tổng Thống Mỹ về Cuộc Thảm Sát Huế 1963, trong đó ghi rằng, khi giải tán đám đông 3.000 Phật tử, trách nhiệm thảm sát tại Đài Phát Thanh Huế là do lực lượng: cảnh sát, Dân Vệ và quân đội. Hồ sơ CIA nơi đây cũng nói: Chính sách của chính phủ ông Diệm là thiên vị Thiên Chúa giáo, nhưng Phật Từ trước giờ vẫn lặng lẽ chịu đựng, cho tới khi xảy ra biến động Huế.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #5 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:27:41 pm »

CUỘC TỔNG TẤN CÔNG CÁC CHÙA ĐÊM 20-8-1963

Sự kiện tại Huế ngày 8 tháng 5 năm 1963 - một sự kiện dẫn tới những gì được gọi là cuộc khủng hoảng Phật giáo và khởi sự cho một chuỗi sự kiện cuối cùng dẫn tới việc đảo chánh lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm đã xảy ra một cách tình cờ và bất ngờ, theo sự nhận định của 36 nhà phân tích của Mỹ về tình hình Phật giáo Việt Nam trong thời gian từ ngày 8-5-1963 tới ngày 21-8-1963, trong hồ sơ The Pentagon Papers.


Cũng theo tài liệu này thì nguyên nhân xảy đến chuỗi sự kiện này là do chính quyền Ngô Đình Diệm đã biệt đãi Thiên Chúa giáo và kỳ thị Phật giáo. Các nỗ lực hòa giải giữa Phật giáo và chính quyền đã không thành công, Thông Cáo Chung 16-6-1963 không được ông Diệm thực thi vì bị ông bà Nhu phá hoại. Cao điểm sự tráo trở của chính phủ Ngô Đình Diệm là cuộc tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21-8-1963, bắt giam hơn 1.400 tăng ni Phật tử, trong đó có hai vị lãnh đạo Phật giáo cao cấp là Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết (Hội chủ của Tổng Hội Phật giáo Việt Nam) và Thượng Tọa Thích Tâm Châu (Chủ tịch Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo).


Điều đáng chú ý là trong suốt năm 1963, chính ông Nhu đã đoạt quyền ông Diệm để đối phó với cuộc khủng hoảng Phật giáo càng lúc càng lan rộng, nhờ có sự ủng hộ từ các lực lượng quần chúng khác. Thậm chí ông Nhu còn cho ông Diệm là người nhu nhược và "đã biểu lộ sự chống đốì mãnh liệt ông Diệm và chính phủ của ông ta" đến mức dự định đảo chánh ông Diệm1 (FRUS 256 - Bản Ghi nhớ của Phó Giám đốc Kế hoạch CIA Helms, ngày 16-8-1963, gửi Phụ tá Ngoại trưởng Hilsman). Ông Nhu đã thăm dò những điều kiện đàm phán sơ khởi với lãnh đạo Cộng sản ở Hà Nội2 (Theo Death of a Generation, Howard Jones, Oxford University Press, 2003), đã từng thiết lập danh sách viên chức Mỹ sẽ bị ông ám sát3 (FRUS 68 - Điện văn của Giám Đốc Phòng Tình Báo và Nghiên Cứu Thomas Hughes trình lên Ngoại Trưởng Hoa Kỳ ngày 6-9- 1963), đã tuyên bố với nhật báo Ý L’Expresso ngày 3-10-1963 là sẽ "cắt đầu" cha vợ, Đại sứ Trần Văn Chương...4 (FRUS 186 - Điện văn số POL 15S VIET của Đại sứ Cabot Lodge gửi cho Bộ Ngoại Giao ngày 7-10-1963) Lý giải cho những động thái điên cuồng đó của ông Nhu, Đại diện Ba Lan tại Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Đình chiến (ICC) là Mieczylaw Maneli, Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Võ Văn Hải, Bộ trưởng Phụ tá Quốc phòng Nguyễn Đình Thuần đều cho là do ông Nhu bị bệnh tâm thần, ám ảnh bởi bệnh hoang tưởng... "Vào giai đoạn đó, Nhu sa vào vòng nghiện ngập và điều đó đã đẩy ông ta đến những trạng thái cực đoan... Người ta bắt đầu thấy những dấu hiệu điên loạn trên mặt ông ta, nhìn bất động như kẻ mộng du, với một nụ cười lạnh lùng cố hữu..."5 (Theo Roger Hilsman, To Move A Nation, Doubleday Inc. and Co. , New York 1967, trang 480).


Không khí chính trị căng thẳng tại Sài Gòn từ ngày Hoà Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu đến giữa tháng 8-1963 đã cho các nhà quan sát Hoa Kỳ thấy rằng cuộc tranh chấp giữa Phật giáo và chính quyền đang diễn tiến. Tuy nhiên, khi xảy ra cuộc tổng tấn công đêm 20 rạng ngày 21-8-1963 nhắm vào các chùa với lệnh thiết quân luật trên toàn miền Nam, các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã hoàn toàn bất ngờ. Họ cũng nhận định, Quân đội VNCH bất mãn vì bị dân chúng đổ tội tấn công các chùa, trong khi thực tế họ không biết gì về việc ông Ngô Đình Nhu ra lệnh cho Đại Tá Lê Quang Tung dẫn Lực Lượng Đặc Biệt bất ngờ tấn công các chùa và tin tức tình báo cho biết ông Nhu đã gài vũ khí, chất nổ vào các chùa để vu vạ. Chính người Mỹ cũng bất mãn vì ông Diệm không thực tâm tiến hành hòa giải với Phật giáo, và chính trận tổng tấn công các chùa đã xé bỏ bản Thông Cáo Chung 16-6-1963 mang chữ ký của hai nhà lãnh đạo, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết và Tổng Thống Ngô Đình Diệm.


CUỘC ĐIỀU TRA CỦA PHÁI ĐOÀN LIÊN HIỆP QUỐC

Có ba tài liệu chính thức của Liên Hiệp Quốc và một công trình nghiên cứu đại học liên quan đến cuộc điều tra về đàn áp Phật giáo tại Nam Việt Nam của Liên Hiệp Quốc:

- Đề mục Thảo luận số 77 (Agenda Item 77) - là căn cứ để Liên Hiệp Quốc chỉ định các thành viên thành lập Phái đoàn điều tra sự thật về vi phạm nhân quyền tại miền Nam Việt Nam.

- Phúc trình mang số hiệu A/5630 - là phúc trình về kết quả điều tra của Phái đoàn Liên Hiệp Quốc tại Nam Việt Nam, hoàn tất ngày 7-12- 1963.

- Biên bản Buổi họp Khoáng đại thứ 1280 của Đại Hội đồng LHQ, Phiên họp thứ 18, ngày 13- 12-1963, là văn bản chính thức tuyên bố việc không cần thiết đưa ra kết luận của Đại Hội Đồng vì đối tượng điều tra là Chính phủ Diệm đã sụp đổ.

- Khảo luận in thành sách "Một Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân Quyền" (A United Nations High Commissioner For Human Rights) của Giáo sư Roger Stenson Clark, do Martinus Nijhoff (Hòa Lan), xuất bản năm 1972.


Các văn bản trên đều sẽ được trích dịch và phân tích chi tiết trong tập sách này, để mang đến cho độc giả một cái nhìn sáng tỏ hơn về vấn đề đàn áp Phật giáo trước và trong năm 1963.
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #6 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:28:57 pm »

CUỘC CHÍNH BIẾN 1-11-1963

Điểm quan trọng trong các tài liệu nói về cuộc chính biến 1-11-1963 là: Ai đã khởi xướng và lập kế hoạch đảo chánh? Đại sứ Hoa Kỳ Henry Cabot Lodge, cơ quan tình báo CIA của Mỹ, hay chính các Tướng lãnh dưới quyền ông Diệm? Và liệu Phật giáo có vai trò gì trong cuộc chính biến này hay không?


Theo điện văn 243 của Thứ Trưởng Ngoại Giao George Ball gửi ông Lodge ngày 24-8-1963, Washington đã chỉ thị cho Đại sứ Lodge phải gây áp lực buộc ông Diệm gạt bỏ ông bà Nhu ra khỏi chính phủ, nghĩa là vẫn duy trì Chính phủ với ông Diệm làm Tổng Thống, và nếu điều này không được thực hiện thì cần hiểu là Mỹ đồng ý một "sự thay thế" lãnh đạo tại miền Nam.


Theo Bản Ghi Nhớ do William P. Bundy1 (William P. Bundy là sĩ quan CIA, Phụ Tá Ngoại Trưởng về Viễn Đông Á Vụ, cũng là cố vấn đối ngoại cho các Tổng Thống Kennedy và Johnson) soạn ngày 30-7-1966 theo yêu cầu của Bill Moyers2 (Trưởng Phòng Thông Tin của Tổng Thống Johnson) thì vào thời điểm trước đảo chánh, Mỹ nhận thấy không thể cản nổi cuộc đảo chánh vốn đã manh nha từ trước ngày ông Nhu hạ lệnh tổng tấn công các chùa đêm 20- 8-1963. Trung Tá Đỗ Khắc Mai, Tham Mưu Trưởng Không Lực VNCH, đã bày tỏ ý định vận động một cuộc lật đổ nhà Ngô; ý định này được ghi lại trong điện văn 165, đề ngày 11-6-1963, do Tòa Đại Sứ Mỹ gửi về Bộ Ngoại Giao; và theo Bản Ghi Nhớ số 118 đề ngày 16-9-1963, viết bởi Paul M. Kattenburg, Phó Giám Đốc Đông Nam Á Sự Vụ tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, thì đã có ít nhất là 10 âm mưu đảo chánh khác, vận động từ phía các sĩ quan cấp tá và nhiều lãnh tụ đảng phái, kể cả những cộng sự viên thân tín của ông Diệm. Trong những người tham dự âm mưu lật đổ nhà Ngô có cựu Đại sứ Trần Văn Chương, thân phụ của bà Ngô Đình Nhu. Ngoài ra Tướng Lê Văn Kim ngày 23-8-1963, đã gặp Rufus Phillips, Giám đốc USOM Rural Affairs, và nói rằng quân đội VNCH đã sẵn sàng đảo chánh để lật đổ chế độ nhà Ngô vì đó là cách duy nhất để giữ lòng dân - vì quân đội và dân chúng đều bất mãn tột độ.


Như thế, qua các tài liệu đã giải mật, người đọc có thể thấy rõ rằng cuộc đảo chánh 1-11-1963 nhằm lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm không khởi nguồn từ xúi giục của bất kỳ ngoại nhân nào, kể cả từ Hoa Kỳ. Có thể nói, cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963 là một chuyển biến tất yếu của lịch sử, mà những nguyên nhân tiềm ẩn cũng như động lực thúc đẩy nó xét cho cùng đều được sản sinh từ chính sách cai trị do Chính phủ Diệm-Nhu áp đặt lên người dân, trong đó phần quan trọng nhất chính là sự đàn áp kéo dài đối với người Phật tử, chiếm hơn 80% dân số vào lúc đó. Và người dân Sài Gòn đã xác nhận điều này không phải bằng bất kỳ một văn bản hay phúc trình nào trên giấy trắng mực đen, mà bằng những nụ cười rạng rỡ khi họ chứng kiến sự sụp đổ của chế độ.


Trong sách này, chúng tôi kính mời quý độc giả theo dõi các diễn biến lịch sử qua những văn bản một thời từng được xem là tối mật và chỉ dành riêng cho các cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước, Việt Nam cũng như Hoa Kỳ. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là những thông tin khách quan và thuyết phục nhất để giúp quý độc giả tìm hiểu sâu hơn về một giai đoạn đầy biến động của dân tộc với rất nhiều đau thương mất mát, nhưng quan trọng hơn hết là hiện vẫn còn tồn tại quá nhiều những cách hiểu và nhận thức sai lầm về giai đoạn lịch sử này, không đúng thật như đã từng diễn ra. Mong rằng với nỗ lực lần này của những người thực hiện tập sách, những nhận thức và định kiến sai lầm sẽ được xua tan.


Trân trọng,

Tâm Diệu
Trưởng Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen
Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #7 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:32:47 pm »

CÁC ĐIỆN VĂN TRAO ĐỔI GIỮA TÒA TỔNG LÃNH SỰ HUẾ,
TÒA ĐẠI SỨ MỸ TẠI SÀI GÒN VÀ BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ TẠI WASHINGTON VỀ BIẾN CỐ ĐÊM LỄ PHẬT ĐẢN 8-5-1963 TẠI ĐÀI PHÁT THANH HUẾ

Lời dẫn

Có ba biến cố cao điểm của phong trào tranh đấu Phật giáo năm 1963 - cái chết của 8 Phật tử đêm 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế cuộc tự thiêu của HT. Quảng Đức ngày 11/6/1963 tại Sài Gòn và chiến dịch "nước lũ" tổng tấn công chùa chiền toàn quốc đêm 20 rạng ngày 21/ 8/1963. Ba biến cốlịch sử quan trọng này dẫn đến cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng kéo dài nửa năm và kết thúc bằng cuộc đảo chánh lật đổ chính quyền của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Dưới đây là các điện văn trao đổi giữa Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Huế, Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ ở Sài Gòn, và Bộ Ngoại Giao Mỹ ở thủ đô Washington trong đêm xảy ra biến cố 8/5/1963 tại đài phát thanh Huế. Điểm quan trọng trong biến cố này là ai đã bắn súng và ném lựu đạn vào đám đông trước đài phát thanh đêm 8/5/1963. Theo điện văn số 4 báo cáo về Washington, Dân vệ dưới quyền Thiếu tá Phó Tỉnh Trưởng Đặng Sỹ đã nổ súng và ném lựu đạn (Hồ sơ số 116). Tuy nhiên, trong một điện văn khác ông Đại sứ Nolting, sau khi hội kiến với TT Ngô Đình Diệm cho biết ông Diệm vẫn cho rằng Việt cộng hoặc thành phần bất đồng chính kiến đã ném lựu đạn vào đám đông. (Hồ sơ số 131)


112. ĐIỆN VĂN TỪ TÒA LÃNH SỰ TẠI HUẾ GỬI VỀ BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ1 (Nguồn: Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Hồ sơ trung ương, POL 25 S VIET. Mật. Xem xét tức khắc. Nhận lúc 8:33 giờ sáng. (Foreign Relations of the United States, 1961-1963 Volume III, Vietnam, January-August 1963, Document 112... - ND))

Huế, ngày 9 tháng 5-1962 - lúc 3 giờ chiều


Điện văn số 4. Đại Lễ Phật Đản tại Huế ngày 8 tháng 5 đã trở thành một cuộc biểu tình lớn ở Đài Phát Thanh Huế từ 8 giờ tối đến 11 giờ 30 tối, giờ địa phương. Vào lúc 11 giờ 45, khoảng 3.000 người tụ tập và bị canh gác bởi 8 xe thiết giáp, một đại đội Dân vệ, một đại đội thiếu quân số của Quân đội VNCH, xe bọc sắt của cảnh sát, và một số súng carbine bắn chỉ thiên để giải tán đám đông, rõ ràng không hỗn loạn nhưng lại có vẻ đe dọa dưới mắt nhà cầm quyền. Lựu đạn nổ ở thềm đài phát thanh làm chết 4 trẻ em, một phụ nữ. Các chuyện khác xảy ra, có lẽ vì hốt hoảng, làm chết thêm 2 trẻ em và một người không rõ tuổi. Tổng cộng thương vong đêm này là 8 người chết và 4 bị thương2 (Lúc 7 giờ tối, Tòa Đại Sứ Mỹ tại Sài Còn gửi bản Phúc trình thứ nhì vụ này về Washington, nói rằng có 7 người chết và 7 người bị thương. Tòa Đại Sứ ghi nhận rằng lính VNCH có thể đã bắn vào đám đông, nhưng hầu hết thương vong, theo Tòa Đại Sứ báo cáo, là từ một quả bom, một loại lựu đạn sát thương, "từ đám đông quần chúng". Tòa Đại Sứ thấy rằng mặc dù khỗng có dấu hiệu Việt cộng liên hệ tới vụ này, VC có thể dự kiến sẽ khai thác các cuộc biểu tình tương lai. (Điện tín 1005 từ Sài Còn, ngày 9-5-1963; nguồn như trên, SOC 14-1 S VIET). Thiệt hại trong ngày 8-5-1963 tại Huế thường được ghi là 9 người chết và 14 người bị thương. (United States-Vietnam Relations, 1945-1967, Sách 3, trang 5; Hilsman, To Move a Nation, tr. 468; Mecklin, Mission in Torment, tr. 153). Trong một lượng định chi tiết về biểu tình của Phật tử tại Huế các ngày 8-10 tháng 5-1963, Lãnh Sự Helble báo cáo rằng 7 người chết trong đêm 8-5, và một trong số bị thương sau đó đã chết, ông ghi nhận rằng có thểm khoảng 1 5 người biểu tình bị thương, nhưng thêm rằng con số chính xác khó biết. Có 2 người trong số bị giết là trẻ em, chết vì bị xe thiết giáp cán chết. (Điện văn A-20 từ Huế, ngày 3 tháng 6-1963; Bộ Ngoại Giao, Central Files, SOC 14-1 S VIET)).


Nguyên nhân phía sau của vụ này bắt nguồn từ ngày 7 tháng 5, khi cảnh sát cố thi hành luật cấm treo cờ, trừ quốc kỳ1 (Luật hạn chế treo cờ tôn giáo đưa ra theo Nghị Định 189/BNV/ NA/P5, hiệu lực từ ngày 12 tháng 5-1958. Theo luật, cờ tôn giáo có thể treo riêng ở lễ hội tôn giáo ở nơi thờ phượng hay nhà riêng với sự cho phép của chính quyền địa phương. Trong điện văn A-20, dẫn ở chú thích 2 nêu trên, Helbe ghi nhận rằng luật này "chưa bao giờ được tôn trọng" cho tới khi có nỗ lực thi hành tại Huế, hiển nhiên là do lệnh từ Tổng Thống Diệm, vào ngày lễ Phật giáo quan trọng nhất trong năm. (Bản văn quy định trong Nghị Định 189 nằm trong bản văn ban hành bởi Thị Trưởng Đà Nẵng ngày 8-4-1963, đã được chuyển về Washington trong phụ lục 6 của điện văn A-20.)) cảnh sát đã gặp phải sự đối kháng khắp nơi khi hàng ngàn lá cờ Phật giáo đã treo lên. Theo yêu cầu của cảnh sát, đêm 7 tháng 5, Tỉnh Trưởng [Nguyễn Văn] Đẳngi (Điện văn viết tắt là Dang, trong khi Tỉnh Trưởng lúc đó là Nguyễn Văn Đẳng, và Phó Tỉnh Trưởng Nội An là Thiếu Tá Đặng Sỹ - chữ Dang có thể dễ gây nhầm lẫn giữa tên ông Tỉnh trưởng và họ của ông Phó. - (Chú thích của người dịch - ND)) rút lại lệnh cấm. Sáng ngày 8 tháng 5, một cuộc biểu tình nổ ra tại chùa Từ Đàm vì thầy Hội trưởng [Hội Phật giáo Trung phần], với sự hiện diện của Phật tử Đẳng,ii (Có lẽ muốn nói Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đẳng là Phật tử - (ND)) đã đọc diễn văn chỉ trích việc chính phủ VNCH đàn áp tự do tôn giáo trong khi ưu đãi Thiên Chúa giáo. Các biểu ngữ tuần hành chống chính phủ VNCH được giương lên. Các bản dịch sẽ được chuyển tới [Washington] ngay khi chuẩn bị xong.


Đêm 8 tháng 5, đám đông tập họp ở đài phát thanh, nơi Thượng tọa Hội trưởng [Hội Phật giáo Trung phần] theo dự tính sẽ có bài diễn văn được phát sóng. Giờ chót, chính quyền từ chối không cho phép. Các vị tăng sĩ ở đó kêu gọi dân chúng bình tĩnh. Vòi rồng và lệnh thúc giục giải tán của Tình Trưởng không giải tán được đám đông. Quân đội kéo đến và ra lệnh giải tán.


Các tu sĩ Phật giáo kêu gọi đứng yên, đừng chống đối. Phía chính quyền nói là có một số người ném đá vào đài phát thanh, mặc dù có dấu hiệu cho thấy nói thế không đúng. Rồi có tiếng súng nổ.

Lúc 11 giờ trưa ngày 9 tháng 5, Tình Trưởng nói chuyện trước khoảng 800 người biểu tình trẻ, giải thích rằng phản ứng của đám đông [lúc đó] bị thúc đẩy bởi những kẻ đối nghịch kích động nên quân đội buộc phải hành động để giữ trật tự. Vị Thượng tọa Hội Trưởng kêu gọi đám đông giải tán êm thắm và nộp các lá cờ. Có tiếng một số người trong đám đông hô khẩu hiệu "Đả đảo Thiên Chúa giáo".


Lúc đó, Huế yên tĩnh. Không thấy có việc động binh khác thường và kiểm soát quần chúng. Tuy nhiên, tình hình rất dao động và có tin cuộc biểu tình của Phật tử sẽ xảy ra vào chiều ngày 9 tháng 5. Phật tử rất phẫn nộ. Cộng đồng người Mỹ được cảnh báo Tình trạng Khẩn Cấp Bậc 2, nhưng không thấy đe dọa nào cho người Mỹ lúc này.

Ký tên: Helblei
(Tổng Lãnh Sự ở Huế vào thời điểm đó)

Nguồn: http://thientrithucvn.blogspot.com/2013/01/no-o-hue-ngay-9thang-5-1963-nguon.html

Logged
saoden
Thành viên
*
Bài viết: 1075



« Trả lời #8 vào lúc: 21 Tháng Mười Một, 2023, 08:34:02 pm »

112. TELEGRAM FROM THE CONSULATE AT HUE TO THE DEPARTMENT OF STATE1 (Source: Department of State, Central Files, POL 25 S VIET. Secret; Operational Immediate. Received at 8:33 a.m)

Hue, May 9, 1963, 3 p. m.

Buddha Birthday Celebration Hue May 8 erupted into large-scale demonstration at Hue Radio Station between 2000 hours local and 2330 hours. At 2245 hours estimated 3,000 crowd assembled and guarded by 8 armored cars, one Company CG, one Company minus ARVN, police armored cars and some carbines fired into air to disperse mob which apparently not unruly but perhaps deemed menacing by authorities. Grenade explosion on radio station porch killed four children, one woman. Other incidents, possibly some resulting from panic, claimed two more children plus one person age unknown killed. Total casualties for evening 8 killed, 4 wounded2 (At 7 p.m. the Embassy in Saigon sent a second report of the incident to Washington, listing seven dead and seven injured. The Embassy noted that Vietnamese Government troops may have fired into the crowd, but most of the casualties resulted, the Embassy reported, from a bomb, a concussion grenade, or "from general melee". The Embassy observed that although there had been no indication of Viet Cong activity in connection with the incident, the Viet Cong could be expected to exploit future demonstrations. (Telegram 1005 from Saigon, May 9; ibid., SOC 14-1 S VIET) Subsequent accounts of the May 8 incident in Hue have generally listed the casualties as nine killed and fourteen wounded. (United States-Vietnam Relations, 1945-1967, Book 3, p. 5; Hilsman, To Move a Nation, p. 468; Mecklin, Mission in Torment, p. 153) In a detailed assessment of the Buddhist demonstrations in Hue May 8-10, Consul Helble reported that seven people died on the evening of May 8, and one of those injured subsequently died. He noted that approximately 15 additional demonstrators were injured, but added that exact figures were difficult to determine. Two of those killed, both children, died from being crushed by armored vehicles. (Airgram A-20 from Hue, June 3; Department of State, Central Files, SOC 14-1 S VIET))


Background this incident started May 7 when police attempted enforce law that no flags other than Viet- Namese to be flown1 (The law limiting the use of religious flags was established by Decree 189/BNV/NA/P 5, which became effective on May 12, 1958. According to the law, religious sect flags could be flown only on religious holidays at places of worship or private homes with the permission of the local authorities. In airgram A-20, cited in footnote 2 above, Helble noted that the law was "never observed" until the attempt to enforce it, apparently on orders from President Diem, at Hue on the most important Buddhist holiday of the year. (The text of the regulations outlined in Decree 189 is contained in a communique issued by the Mayor of Danang on April 8, 1963, which was transmitted to Washington as enclosure 6 to airgram A-20)). Police apparently encountered popular resistance to enforcement of law as thousands Buddhist flags publicly displayed. At police request evening May 7 Province Chief Dang reportedly rescinded order. Morning May 8 demonstration at large Tu Dam Pagoda resulted in speech by Chief Bonze in presence Buddhist Dang criticizing GVN suppression freedom religion, favoritism of Catholics. Parade banners during day anti-GVN orientated. Translations of same will be forwarded when available.


Evening May 8 crowd gathered at radio station where Head Bonze scheduled broadcast speech. Permission refused at last minute by GVN. Bonzes on scene urged people remain peaceful. GVN fire hoses and exhortations of Province Chief unsuccessful in dispersing crowd. Troops arrived and ordered dispersal.


Bonzes said stand still, do not fight, GVN claims some threw rocks at radio station, although indications are this not true. Firing then broke out.

1100 hours May 9, Province Chief addressed estimated 800 youth, demonstrators, explained crowd actions spurred by oppositionist agitators had necessitated troop action to maintain order. Head Bonze requested crowd disperse peacefully and turn in flags. Some of crowd heard chanting "down with Catholicism".


At moment Hue quiet. Population controls and unusual troop deployment not observed. However, situation very fluid and reports of Buddhist demonstration to occur afternoon May 9 flowing in. Buddhists very upset. American community on Emergency Phase II Alert but no threat to Americans apparent at present.

Helble

Source: www.history.state.gov/
historicaldocuments/frus1961-63v03/dl12
Logged
Trang: 1   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM