Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 09:51:55 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Lý thuyết quân sự Trung Hoa  (Đọc 52535 lần)
0 Thành viên và 1 Khách đang xem chủ đề.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #70 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 01:12:29 am »

2.   CHUẨN BỊ CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG HOA TRONG THẬP NIÊN 1980
A.   Việc bao vây của Liên Xô và phản ứng của Trung Hoa
 Vào cuối thập niên 1970, ba vấn đề phát khởi bao quanh biên giới Trung Hoa đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến việc sắp xếp chiến lược toàn cầu của họ trong thập niên sau đó. Đó là việc Cộng Sản Việt Nam xâm lăng Kampuchea ngày 25 tháng 12 năm 1978, lật đổ chính quyền Pol Pot do Trung Hoa đỡ đầu, cuộc chiến biên giới Việt Hoa và việc Liên Xô xâm lăng Afghanistan vào ngày Giáng Sinh năm 1979. 
a/ Việt Nam xâm lăng Kampuchea và cuộc chiến Việt -Hoa
 Khi việc cộng tác chiến lược giữa Liên Xô và Việt Nam đã trở thành một thực thể rõ rệt vào giữa thập niên 1970, Trung Hoa cố tránh xa và không trực tiếp xung đột với các đồng minh cũ. Tuy nhiên, khi Việt Nam bắt đầu xâm lăng Kampuchea, Trung Hoa không còn có thể ngồi yên và Đặng Tiểu Bình đưa ra quyết định táo bạo là tiến hành cái mà ông ta gọi là chiến dịch trừng phạt và tự vệ chống Việt Nam vào giữa tháng 2 năm 1979 sau khi du hành Mỹ và Nhật trở về. Cuộc chiến Việt Hoa làm gia tăng sự bức thiết để hình thành Thỏa Ước Hữu Nghị Việt -Xô, Trung Hoa cũng đồng thời tăng cường hợp tác chiến lược với Mỹ và khối quốc gia Âu Tây.
b/ Liên Xô xâm lăng Afghanistan
 Mười tháng sau khi cuộc chiến Việt Hoa bắt đầu, Liên Xô lại thắt chặt vòng vây Trung Hoa bằng cách xâm lăng Afghanistan. Liên Xô thay thế chính quyền Mác xít cũ bằng một chính quyền mới và 100,000 quân trú phòng. Mặc dầu một số nhà lãnh đạo chính trị Âu Châu cho rằng cuộc xâm lăng đó chủ yếu là một hành động tự vệ, Trung Hoa lại nhìn bằng một nhãn quan khác hẳn. Họ cho đó là một phần của đại chiến lược mà Moscow nhắm vào để chiếm vùng ”bụng dưới” của Á Châu, một khu vực nhiều dầu hỏa có giá trị một lộ tuyến chiến lược. Khi Afghanistan và Việt Nam trong vòng kiểm soát, Liên Xô nếu tiến xa hơn về phương Nam đến tận Ấn Độ Dương và các mỏ dầu Trung Đông, sẽ dễ dàng khống chế Tây phương và nối liền các điểm áp lực trong Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Việc đó sẽ đặt eo biển Malacca trong vùng ảnh hưởng của Liên Xô. Nếu các biến động diễn tiến theo chiều hướng ấy, một sự đảo lộn cán cân quân sự thế giới là điều không sao tránh được.
 Mặc dù Trung Cộng không tuyên bố thẳng là việc phát triển này sẽ đe dọa nghiêm trọng đến an ninh của Trung Hoa tại vùng biên giới phía Nam, bờ biển Đông Nam khiến vòng vây của Liên xô thêm chặt chẽ nhưng thực tế họ rất khó chịu và quan ngại. vì thế các nhà lãnh đạo Trung Hoa phải tìm cách cộng tác chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước Tây phương để ngăn ngừa Liên Xô khỏi bành trướng xuống phương Nam và khả dĩ bao vây lãnh thổ họ. 
B.   Sự Hình Thành Quan Hệ Tam Phương Hoa -Mỹ -Nga 
a/ Hợp Tác Chiến Lược Hoa -Mỹ
 Việc Liên Xô xâm lăng Afghanistan và Việt Nam bành trướng ảnh hưởng trên bán đảo Đông Dương đã đe dọa nặng nề tới an ninh quốc gia của Trung Hoa khiến họ phải khai triển một chiến lược quốc tế ngõ hầu ngăn chặn Liên Xô. Chiến lược đó chủ yếu gồm các yếu tố sau đây:
•   Trước hết, Trung Hoa và các cường quốc Tây Phương phải hỗ trợ nhân dân Afghanistan và Kampuchea chống kẻ xâm lược. Đồng thời, họ phải cung cấp phương tiện và ủng hộ tinh thần cho Pakistan, Thái Lan là những quốc gia bị đe dọa trực tiếp của Liên Xô và Việt Nam.
•   Thứ hai, họ phải tăng cường đoàn kết và cộng tác để cùng nhau ngăn chặn Liên xô bành trướng.
 •   Thứ ba, tất cả các quốc gia này phải hỗ trợ khối Á Rập và quốc gia Á châu (bao gồm Malaysia, Indonesia, Singapore, Thái Lan và Phi luật tân) tăng cường khả năng quốc phòng.
•   Sau cùng, Trung Hoa cũng như các nước Tây Phương phải củng cố khả năng quân sự ngõ hầu giữ được thế quân bằng quyền lực với Liên Xô.  Với các quan điểm chiến lược đó, Trung Hoa coi ưu tiên hành đầu là việc làm sao có thể hợp tác chiến lược với Hoa Kỳ và các nước Tây phương. 
Tám năm sau chuyến viếng thăn của tổng thống Nixon năm 1972, Hoa Kỳ và Trung hoa chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày mồng 1 tháng 1 năm 1979. Cùng tháng đó, Đặng Tiểu Bình thăm nước Mỹ để gia tăng hợp tác chiến lược giữa hai bên. Cũng có lẽ chính trong chuyến đi này, Đặng tiểu Bình cho phép người Mỹ thiết lập một đài điện tử thu thập tin tức tình báo tại Tân Cương trong khu tự trị Uigur để thăm dò các thử nghiệm hỏa tiển của Liên Xô và đổi lại ông được sự im lặng tán đồng của Hoa Kỳ để Trung Hoa tiến hành chiến tranh trừng phạt Việt Nam. 
b/ Sự phát triển tương quan tam phương Trung Hoa, Hoa Kỳ và Liên Xô
  Dường như năm 1979 là thời kỳ trăng mật của tương quan Mỹ Hoa. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa trên thực tế đã phát triển được quan hệ hợp tác hữu nghị (nếu chưa phải là đồng minh) với Hoa Kỳ. Để việc ngăn ngừa Liên Xô bành trướng được hiệu quả, Mỹ phải hỗ trợ Trung Hoa trong tứ hiện đại hóa và nhất là canh tân quân đội bằng cách nhượng lại một số vũ khí và kỹ thuật cao. Tuy nhiên, hi vọng đó nhạt dần sau chuyến viếng thăm của Đặng chẳng bao lâu. 
Tháng 5 năm 1980, tại Cleveland, Tổng Thống Reagan đã trả lời một câu hỏi về vấn đề Đài Loan là ”trong cương vị một Tổng Thống, ông sẵn sàng tái lập quan hệ chính thức với hòn đảo”. Ông còn đi xa hơn điều chỉnh chính sách ”Hai Trung Hoa” cho rằng cũng giống như chính sách với hai nước Đức. Lời tuyên bố đó gây công phẫn cho giới lãnh đạo Trung Cộng và vì thế họ phản đối mãnh liệt. 
Mặc dầu Reagan đã cử người cùng liên danh của ông là George Bush tới Bắc Kinh giải thích tư thế của ông và bảo đảm với giới chức Trung Hoa nhưng chính sách thân Đài Loan không thay đổi và vì thế cộng tác chiến lược vừa hình thành bị bỏ dở. Sau khi lên nắm quyền, Reagan cử hai Bộ Trưởng Ngoại Giao là Alexander Haig và George Schultz sang Trung Hoa vào năm 1981 và 1983 để gia tăng hợp tác song phương nhưng vì Hoa Kỳ tiếp tục bán vũ khí cho Đài Loan chỉ càng khiến cho Trung Cộng nghi ngại không tin vào người Mỹ. Hậu quả là tranh luận và phản đối vẫn tiếp tục trong nhiều năm. Hoa Kỳ cố xoa dịu Trung Hoa bằng cách cho phép xuất cảng vũ khí và kỹ thuật cao sang lục địa và đồng thời hứa sẽ giảm dần mức vũ khí bán cho Đài Loan. Để chứng tỏ là chính phủ Mỹ coi vấn đề một cách nghiêm chỉnh, Tổng Thống Reagan đích thân thăm Trung Hoa năm 1985 để củng cố liên hệ giữa hai nước.
 Đến tháng 3 năm 1982, Trung Cộng bắt đầu cải thiện tương quan với Liên Xô khi Chủ tịch Brezhnev chứng tỏ thiện chí trong thỏa hiệp ở Tashkent. Thế nhưng giao thiệp Trung-Xô chỉ thực sự cải thiện khi Liên Xô, tới một mức độ nào đó, bằng lòng thỏa mãn 3 điều kiện tiên quyết Trung Hoa đưa ra. Đó là giảm thiểu binh bị dọc theo biên giới Trung-Xô và Trung Hoa-Mông Cổ, rút quân khỏi Afghanistan và yêu cầu Việt Nam rút khỏi Kampuchia. Kể từ giữa thập niên 1980, tương quan đại tam giác Trung Hoa-Mỹ-Liên Xô dần dần hình thành và chiến lược toàn cầu của Trung Hoa cũng tiến từ ngả về phía Hoa Kỳ hồi đầu thập niên sang một tư thế độc lập giữa hai siêu cường và tạo nên một thời kỳ mới theo chính sách mở cửa với mọi quốc gia.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #71 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 01:13:46 am »

C.   Chính Sách Mở Cửa và Hiện Đại Hóa Quốc Phòng trong thập niên 1980
 Khi Liên Xô và Việt Nam bị sa lầy trong chiến tranh du kích tại Afghanistan và Kampuchea, chiến lược tấn công của Liên Xô tại Nam và Đông Nam Á châu bị tạm thời chặn đứng hồi đầu thập niên 1980. Trong hoàn cảnh đó, cùng với sự giải trừ căng thẳng giữa Trung Hoa, Hoa Kỳ và Liên Xô, các nhà lãnh đạo Trung Cộng có thể tái lượng giá tình hình thế giới và phác họa những chiến lược quốc gia mới. Từ nay họ có thể dồn ưu tiên một cho phát triển kinh tế dưới một chính sách mở cửa để củng cố quốc phòng.
 a/ Tăng cường Quốc Phòng bằng cách Phát Triển Kinh Tế
 Các nhà lãnh đạo Trung Hoa nhận ra là một quốc phòng tân tiến phải dựa trên một hệ thống kinh tế quốc gia tân tiến yểm trợ bằng kỹ thuật cao. vì thế họ chọn một chính sách hai mặt để gia tăng phát triển kinh tế. Một bên là bành trướng thương vụ quốc tế của Trung Hoa, thiết lập những doanh nghiệp hỗn hợp với nước ngoài và vay các trái khoản quốc tế để giải quyết vấn đề thiếu hụt tư bản và kỹ thuật mới. Phương thức thứ hai là giảm thiểu các chi phí quân sự, cắt 1/4 quân số và chuyển một số kỹ nghệ quân sự sang sản xuất hàng dân dụng để giải quyết khó khăn tài chánh. 
Về phương thức thứ nhất, Trung Hoa đã gia tăng thương vụ quốc tế mỗi năm từ vài trăm triệu lên hơn 100 tỉ trong thập niên qua. Qua các chương trình hỗn hợp với công ty nước ngoài, họ đã thu hút được vài tỉ tiền mặt và trang bị kỹ nghệ tối tân đầu tư khiến không những kinh tế phát triển nói chung mà một số kỹ thuật cao cũng theo đó chuyển vào Hoa Lục. 
Hầu hết các học giả Tây Phương nghiên cứu về Trung Hoa đều biết rằng mặc dù Hồng quân hết sức cần thiết các vũ khí tối tân và trang bị để tăng cường khả năng chiến đấu nhưng họ không có tiền mà họ cũng không muốn mua từ nước ngoài. Trái lại họ muốn du nhập kỹ thuật mới và nhất là các loại kỹ thuật tân tiến nhất. Các nhà lãnh đạo Trung Hoa từng công khai tuyên bố rằng họ hi vọng mở rộng mậu dịch quốc tế sẽ giúp hiện đại hóa quốc phòng và sẵn lòng hợp tác với ngoại quốc để phát triển và sản xuất vũ khí mới ngay trên lãnh thổ Trung Hoa. Dẫu rằng các nước Tây Phương tiếp tục hạn chế xuất cảng kỹ thuật cao sang các quốc gia Cộng Sản nhưng họ cũng đã giải tỏa một phần cấm đoán cho Trung Hoa trong vài năm gần đây. Hoa Kỳ đã đồng ý giúp Trung Cộng cải thiện hệ thống radar trong chiến đấu cơ F-8 và bán cho họ nhiều máy điện toán tối tân. Tuy nhiên, sau biến cố Thiên An Môn ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989, một số nước trong đó có cả Hoa Kỳ và Nhật Bản lại tăng cường việc kiểm soát chuyển giao kỹ thuật. Theo các báo cáo, trong thập niên 1980, Trung Hoa đã nhập cảng 27 tỉ đô la kỹ thuật và trang bị, chiếm 60% gia tăng trong tổng sản lượng quốc gia. 
b/ Hiện đại hóa quốc phòng và cắt giảm chi phí quân sự 
Như đã đề cập trước đây, các nhà lãnh đạo Trung Hoa hết sức cần một giai đoạn hòa hoãn để tiến hành công cuộc canh tân. Chiến tranh, dù chỉ trong phạm vi khu vực cũng thu hút tài nguyên vào quân sự và sẽ làm đảo lộn thứ tự ưu tiên của công cuộc hiện đại hóa. Vì thế, khi việc liên hệ giữa Trung Hoa và các siêu cường trở nên bớt căng thẳng và tình hình tại biên giới tương đối ổn cố, các nhà lãnh đạo không ngần ngại tiếp tục việc tái tổ chức để giảm trừ các phần bộ thừa thãi của Hồng quân ngõ hầu tạo tình trạng thuận lợi hơn cho việc hiện đại hóa. 
Kể từ 1985, Trung Cộng đã giảm quân số từ 4.2 triệu xuống còn 3 triệu người. Theo đó các kinh phí quốc phòng cũng giảm theo. Thành phần giải ngũ gồm các đơn vị không chiến đấu và nhân viên không cần thiết nên không nhưng không làm yếu đi mà thực tế hiện nay Hồng quân còn mạnh hơn trước. 
Trước khi cắt giản quân số, lực lượng Trung Hoa nhiều hơn Liên Xô độ 10% và gấn 2.5 lần Hoa Kỳ. Tuy thế, ngân sách quân sự của họ chưa đầy 1/3 ngân sách Mỹ và chỉ bằng 1/4 ngân sách Liên Xô. Dù vậy, chính quyền vẫn tiếp tục cắt giảm mỗi năm. Từ 1971 đến 1985, ngân sách quốc phòng từ 17.4% rút xuống chỉ còn 7.5% ngân sách quốc gia. 
Để giải quyết vấn nạn tài chánh, Hồng quân được phép thực hiến các kinh doanh để có thêm lợi tức. Trong số các kinh doanh có cả việc dùng kỹ nghệ quốc phòng để sản xuất các mặt hàng tiêu thụ bán trong nội địa cũng như trên thị trường thế giới. Theo các báo cáo, có đến 1/3 các kỹ nghệ quân sự đã chuyển ngành và 3/5 tổng số sản phẩm nhắm vào thị trường dân sự, tổng cộng hơn 700 mặt hàng. Trong số đó, riêng năm 1989, trên 100 món bán ra thế giới đem về khoảng 300 triệu đô la. Ngoài ra, họ còn bắt đầu bán vũ khí cho các quốc gia trong thế giới thứ ba. Năm 1988, Trung Hoa đứng vào một trong 5 nước cung cấp vũ khí nhiều nhất thế giới trên thị trường quốc tế. Nếu cải tiến được lề lối quản trị, họ có thể đem về trên 10 tỉ Nguyên (Yuan) (khoảng 2.5 tỉ đô la) mỗi năm. Một báo cáo còn tiên đoán là trong vòng 20 năm số lợi tức do vũ khí và hàng thương mại đem lại có thể đủ cung ứng chi phí quốc phòng mà không cần chính quyền phải hỗ trợ tài chánh, nếu đà phát triển này cứ tiếp tục. 
Nhờ tiếp tục tái tổ chức các cơ chế quân đội và quản trị, mặc dù ngân sách quốc phòng vẫn bị cắt giảm, nên công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Hoa không bị chậm lại lại, nhất là việc canh tân các vũ khí chiến lược.
 c/ Tổ chức các lực lượng xung kích và vai trò chiến lược
 Trong khi Trung Hoa cắt giảm ngân sách quốc phòng, chuyển một số kỹ nghệ quân sự sang sản xuất hàng tiêu thụ nhưng họ không giảm các ngân khoản nghiên cứu. Không những thế, họ còn tập trung ngân sách quốc phòng vào việc phát triển các vũ khí hạch tâm và các chương trình không gian. Từ năm 1978 tới nay, ngân khoản giành cho nghiên cứ gia tăng đáng kể. Sau khi thành công trong thử nghiệm hỏa tiễn liên lục địa bắn từ mặt đất và từ dưới biển do tàu ngầm nguyên tử phóng ra hồi đầu thập niên 1980, họ đã có được một số lượng vũ khí hạch tâm hữu hiệu chống lại những cuộc tấn công bằng nguyên tử có thể xảy ra. 
Nhờ những thành tựu đó cũng như việc các siêu cường tiếp tục cắt giảm vũ khí hạt nhân, Trung Hoa biết rằng đã đến lúc họ phải thay đổi chiến lược toàn cầu. Trong một phiên họp khoáng đại của Ủy Ban Quân Sự năm 1985, các nhà lãnh đạo Trung Hoa đưa ra nhận định là từ nay tới cuối thế kỷ 20 và ngay cả đầu thế kỷ sắp tới sẽ không có thế chiến hay chiến tranh hạch tâm vì tình trạng quân bình về vũ khí giữa các đại cường khiến ai cũng hiểu là dùng nguyên tử là tiêu diệt cả hai bên và sẽ không ai muốn phiêu lưu như thế. 
Trong khi chiến tranh hạch tâm qui mô không xảy ra nhưng chiến tranh giới hạn hay đụng độ ở một mực độ thấp hơn vẫn có thể có bất cứ lúc nào và trở thành vấn đề chính yếu chi phối quan hệ khu vực trong một tương lai gần. Theo các nhà lãnh đạo Trung Cộng, nguyên nhân chủ yếu gây ra các cuộc chiến tranh giới hạn trong tương lai là tình trạng bá quyền khu vực hay chủ nghĩa bành trướng. Bá quyền khu vực ám chỉ Việt Nam còn chủ nghĩa bành trướng ám chỉ Liên Xô. ”Họ đang chiếm giữ đất đai và biển cả của ta. Trong khi xung đột biên giới vẫn tiếp tục, những đe đọa ngầm xem ra nguy hiểm hơn các diễn biến hiện tại”.
 Dựa vào nhận định đó, các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã đề chiến lược quân sự cho thập niên 1980 và cả đầu thập niên 1990. Triệu Tử Dương, nguyên Tổng Bí Thư Ủy Ban Trung Ương Đảng kiên Phó Chủ Tịch Quân Ủy, đã đề ra trong phiên họp cấp cao vào tháng 5 năm 1988 ở Bắc Kinh là chiến lược của Trung Hoa chủ yếu nhằm vào chiến tranh giới hạn và các xung đột quân sự địa phương. Để đạt mục tiêu đó, Hồng quân sẽ xây dựng một lực lượng xung kích chớp nhoáng, trong khi vẫn tiến hành việc lượng giá nguy cơ chiến tranh trong tương lai, chiến lược quốc phòng trường kỳ và xu thế phát triển quân sự. 
Việc thành lập lực lượng xung kích đã trở thành một quyết định chiến lược quan trọng từ năm 188 tới nay. Kế hoạch này không phải chỉ thực hiện trong lục quân mà cả không quân và hải quân. Trong quân đội, các tiểu đoàn đặc biệt hay tiểu đoàn xung kích chớp nhoáng, trang bị vũ khí tối tân đã được thành lập. Một lữ đoàn thủy quân lục chiến tương tự như tiểu đoàn xung kích cũng đã hình thành trong Hạm đội Nam Hải (South China Sea Fleet). Quân nhảy dù Trung Cộng dưới quyền điều động của không quân cũng tiến hành thành lập các đơn vị xung kích. Họ được giao nhiệm vụ tấn công kẻ thù trên bất cứ địa điểm nào trong toàn lãnh thổ trong vòng một ngày. 
Việc nhấn mạnh vào thành lập các lực lượng xung kích cho ta thấy Trung Cộng đã từ bỏ chiến lược thoái lui phòng ngự trước đây. Họ đang tiến sang chiến lược vị trí để đối phó với các xung đột biên giới và chiến tranh khu vực. Các lực lượng xung kích sẵn sàng vượt biên giới để chiến đấu trên lãnh thổ, không phận, hay hải phận của địch nến cần. 
Tổ chức các lực lượng xung kích còn được dùng làm khuôn mẫu cho việc canh tân Hồng quân. Nếu quân đội Trung Cộng tái tổ chức theo hướng các lực lượng xung kích thì hỏa lực của họ sẽ mạnh hơn nhiều và như thế không thể không ảnh hưởng đến chiến lược, chiến thuật của họ. 
Ngoài ra, nếu chúng ta giả định rằng một cuộc chiến tranh khu vực xảy ra và địch quân tràn vào chiếm một phần đất của Trung Hoa, người Tàu sẽ phải dùng lại chiến tranh du kích nhưng sẽ hoàn toàn khác với chiến tranh du kích trước đây. 
d/ Việc phát triển Hải quân và chiến lược trên biển 
Mặc đầu Trung Hoa tương đối vẫn có một số lượng chiếm hạm to lớn từ thập niên 1950 tới nay nhưng họ không dùng để bảo vệ duyên hải. Chiến lược của hải quân Trung Hoa vẫn chủ yếu theo lý thuyết chiến tranh nhân dân của Mao Trạch Đông. Theo chiến lược của Mao, nếu có chiến tranh, họ sẽ tiêu diệt quân xâm lược trên đất liền. Lý thuyết đó tương tự như quan điểm của Ngụy Nguyên và nhiều người khác hồi giữa thế kỷ 19 khi Trung Hoa đánh nhau với hải quân Anh (xem chương 3). Với chiến lược thoái lui phòng ngự, các nhà lãnh đạo Trung Hoa chống lại chủ trương chiến đấu trên mặt biển. Hải quân có nhiệm vụ bảo vệ duyên hải và các ngư thuyền. Kể từ đầu thập niên 1970, khi Trung Hoa gia nhập Liên hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, ảnh hưởng bởi quyền lãnh hải và hải vực kinh tế 200 dặm kể từ bờ biển như các nước trong thế giới thứ ba thường minh định, họ mới quan tâm đến những vấn đề này và bắt đầu xây dựng lực lượng hải quân nhất là từ khi họ thăm dò dầu khí trên biển cả. 
Sau khi chiến tranh Việt Nam chấm dứt năm 1975, hải quân Liên Xô tiếp thu hải cảng Cam Ranh do người Mỹ bỏ lại. Cuộc tranh quyền bá chủ khu vực biển Đông và Thái Bình Dương khiến Trung Hoa e ngại những đe dọa quân sự từ phía biển và do đó càng nỗ lực tăng cường hải lực để bảo vệ các quyền lợi và chống xâm lăng từ đại dương tiến vào.
Vì quan điểm chiến lược cũng như sự yếu kém về trang bị, lực lượng hải quân Trung Hoa trước năm 1976 ít khi ra khỏi khu vực các quần đảo nằm dọc theo lục địa. Từ đó tới nay, vì hải quân đã được tăng cường các chiến hạm tối tân, các chiến thuyền mới đóng, tàu ngầm nguyên tử và hỏa tiễn, họ đã gia tăng các công tác huấn luyện phối hợp nhiều binh chủng, nhiều hạm đội trên biển cả. 
Theo các báo cáo mới đây, lực lượng hải quân Trung Hoa đã được xếp hàng thứ ba trên thế giới với 20 khu trục hạm, 40 khu trục hạm hộ tống, 120 tiềm thủy đĩnh trong đó có 5 tàu ngầm nguyên tử và hơn 100 tuần dương hạm và các loại tàu chiến khác. Tổng cộng họ có khoảng từ 1700 đến 1900 chiến hạm đủ loại. Một số hiện nay được trang bị các hệ thống điện tử có chở theo trực thăng và hỏa tiễn. Từ năm 1983 tới nay, Trung Cộng cũng cho hay họ định kiến tạo 5 hàng không mẫu hạm, mỗi mẫu hạm có sức chở 25 phi cơ. Họ cũng định hạ thủy 12 tàu ngầm nguyên tử có mang đầu đạn nguyên tử bắn vòng cầu trong 10 năm sắp tới.
 Rõ ràng là giới lãnh đạo Trung Hoa ngày nay không còn bằng lòng với chiến lược phòng ngự duyên hải và đang hình thành một kế hoạch để đưa ra một chiến lược nhiều tham vọng hơn trong những năm sắp tới.
 Việc gia tăng công tác thao dợt trên biển cả nói lên mục tiêu chiến lược của các nhà lãnh đạo trong việc xây dựng hải quân. Họ muốn xây dựng một lực lượng hải quân để ”có thể kiểm soát hải phận nối liền các biển cả thuộc quyền Trung Hoa trong đó chúng ta có thể bảo vệ hữu hiệu các eo biển quan trọng và hoạt động trong vùng này”.
 Tuy Trung Hoa đã sẵn sàng từ bỏ chiến lược thoái lui phòng ngự nhưng không có nghĩa là họ đã đi đến quyết định chinh phục biển khơi. Khi nói về chiến lược hải quân, họ chia các hoạt động trên biển ra làm 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là Cận Ngạn Tác Chiến (Jinan Zouzhan) là hành quân ngoài bờ biển, trên nghĩa rộng tương tự như phòng vệ duyên hải. Cấp độ cao nhất là Viễn Hải Tác Chiến (Yuanhai Zuozhan) có nghĩa là hành quân ngoài khơi đại đương. Mức độ thứ hai là Cận Hải Tác Chiến (Jinhai Zuozhan) có nghĩa là hành quân trong giữa hai mức độ cận ngạn và viễn hải. Khi các nhà lãnh đạo Trung Hoa dự tính thay đổi chiến lược trên biển, bước đầu tiên là chuyển từ chiến lược duyên hải sang chiến lược cận hải, bao gồm mạn bắc từ Hải Sâm Uy (Fuladiwositouke) đến miền nam tới eo biển Malacca, kéo dài tới các hòn đảo ngoài khơi mặt đông. Khu vực đó vượt xa lãnh hải kinh tế 200 dặm. 
Theo định nghĩa này người ta thấy rằng chiến lược mặt biển hiện nay của Trung Hoa chủ yếu nhắm vào cấp độ thứ hai. Tham vọng của họ là kiểm soát khu cực cận hải và các eo biển quan trọng nối liền hải phận. 
Khi bàn về chiến lược toàn cầu, một hệ thống hỏa tiển địa không liên lục địa và các loại hỏa tiễn tầm trung khác, kèm theo tàu ngầm nguyên tử có khả năng phóng các đầu đạn hạch tâm từ dưới nước, các oanh tạc cơ tầm xa mang theo bom nguyên tử được xem như ba mặt của chiến tranh hạt nhân. Nếu đánh giá bằng các yếu tố đó, vũ khí chiến lược của trung Hoa chưa hoàn tất. họ chưa có những oanh tạc cơ tầm xa đủ sức tới Moscow hay lọt qua được hàng rào phòng không của Liên Xô ở vùng viễn đông. Mặc dù các hỏa tiễn địa không và tàu ngầm nguyên tử mang hỏa tiễn có thể chống đỡ các siêu cường tấn công bằng vũ khí hạch tâm nhưng còn xa Trung Hoa mới có thể đủ sức giao tranh trong một cuộc chiến nguyên tử mà không bị tổn thất. Cho nên, trên quan điểm chiến lược toàn cầu, Trung Hoa chỉ mới có những ảnh hưởng hạn chế. Thế nhưng trong một cuộc chiến khu vực với các quốc gia Á châu khác, chắc chắn Trung Hoa có một vị thế quan trọng. Họ đủ mạnh để tiến hành chiến lược tấn công trong các tranh chấp quân sự và chiến tranh giới hạn dọc theo biên giới. Nhìn vào bối cảnh đó, các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã chuyển từ thoái lui và phòng ngự bờ biển sang một chiến lược tích cực và tấn công. Đó là chủ điểm của chiến lược quân sự Trung Hoa cho đến khi nào có những điều kiện mới nảy sinh.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #72 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 01:14:21 am »

 3. PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN CHIẾN LƯỢC CỦA TRUNG HOA TRONG TƯƠNG LAI GẦN 
A.   Ảnh hưởng của các cuộc cách mạng trong thế giới Cộng Sản đối với chiến lược toàn cầu của Trung Hoa.
 Hai năm 1989 và 1990 là những năm đáng ghi nhớ vì những biến chuyển mãnh liệt trong các quốc gia Cộng Sản. Có thể nói rằng biến cố Thiên An Môn ngày mồng 4 tháng 6 năm 1989 mở đầu cho các thay đổi. Kế đó là việc lật đổ các chế độ Cộng Sản ở Âu Châu và rối loạn trong các quốc gia vùng biển Baltic thuộc Liên Xô, phủ nhận sự độc quyền chính trị trong 70 năm qua. Trong khi nhà cầm quyền Bắc Kinh đàn áp các cuộc vận động đòi dân củ của thanh niên bằng bạo lực để tạm thời củng cố quyền kiểm soát Trung Hoa thì các chế tài kinh tế của các quốc gia Tây Phương, kèm theo chính sách cởi mở của Liên Xô đã làm gia tăng sự bối rối và tâm lý bị cô lập trong giới lãnh đạo Trung Hoa. Quyết định xiết chặt quyền lực chuyên chính của giới già nua không thể không ảnh hưởng đến chiến lược phát triển kinh tế và quốc phòng.
 a/ Sự trì trệ kinh tế và ảnh hưởng đến quốc phòng  Dưới chính sách cởi mở trong thập niên qua, sự phát triển kinh tế đã tăng cường đáng kể cho sức mạnh quốc phòng. Nhiều chuyên gia về Trung Hoa đã tiên đoán là đến năm 2000, Trung Hoa sẽ là một trong 5 siêu cường nếu đà tiến bộ như hiện nay cứ tiếp tục. Tuy nhiên, từ sau biến cố Thiên An Môn, kinh tế Trung Hoa đã suy thoái trầm trọng vì hậu quả của trừng phạt từ phía Tây Phương phong tỏa các trái khoản, bãi bỏ việc xuất cảng kỹ thuật cao sang Trung Hoa. Mặc dầu cả Mỹ lẫn Nhật đều cố gắng để khỏi đẩy nước Tàu trở lại thời kỳ cô lập trước đây nhưng suy thoái kinh tế không thể nào tránh khỏi. Nếu các biện pháp chế tài đó kéo dài một thời gian dài và nếu chính quyền Trung Hoa không hành sử một cách hữu hiệu, việc hiện đại hóa quốc phòng sẽ bị tổn thương nặng nề vì kinh tế đi xuống.
 b/ Gia tăng công tác chính trị và ảnh hưởng trên việc định lệ hóa Hồng quân  Ngoài ảnh hưởng kinh tế và giới hạn kỹ thuật trên công cuộc canh tân quân sự, chương trình định lệ hóa ít nhiều cũng bị ngắt quãng vì việc gia tăng công tác chính trị giống như thời Cách Mạng Văn Hóa.
 Sau ngày mồng 4 tháng 6, nhất là khi cuộc nổi dậy của quân đội Roumania lật đổ chính quyền Ceausescu, các giới chức lãnh dạo Trung Hoa khẳng định nhiều lần là họ chú trọng vào việc học tập chính trị để Hồng Quân tuyệt đối tuân theo sự lãnh đạo của đảng.
 Như đã đề cập nơi phần đầu, để có thể hiện đại hóa và tổ chức hóa, Hồng quân đã tập trung vào việc giáo dục quân sự và giới hạn không để cho quân đội hoạt động chính trị nhiều như thập niên trước. Nếu muốn có một quân lực tân tiến thì điều trước tiên phải làm là định chế hóa để trở thành một quân đội nhà nghề. Vì những lý do chính trị, các nhà lãnh đạo Đảng phủ nhận các ý kiến của quần chúng kêu gọi tách Hồng quân ra khỏi đảng, quốc gia hóa quân đội và giữ cho quân đội trung lập không liên quan đến các hoạt động chính trị. Trong nhất thời, giới lãnh đạo chấp nhận đi chậm lại hoặc ngay cả hi sinh công cuộc định lệ hóa và canh tân hóa ngõ hầu nâng cao tính cách mạng của quân đội. 
c/ Sự thay đổi trong liên hệ tam phương Mỹ-Hoa-Nga 
Từ năm 1989, các cải cách chính trị và kinh tế của Gorbachev bắt đầu gặp khó khăn nghiêm trọng. Ông quyết định không dùng các lực lượng võ trang để trấn áp nổi dậy trong chính nước Nga cũng như tại các quốc gia trong khối Warsaw nên chỉ trong vài tháng các chế độ Cộng Sản ở Đông Âu hết nước này tới nước kia liên tiếp sụp đổ. Trái lại, ông theo đuổi một chính sách thương lượng để đối phó với các tiểu bang muốn li khai tại quốc nội và tỏ vẻ tán đồng các vận động dân chủ tại Đông Âu. Tháng 2 năm 1990, tiếp theo việc Ủy Ban Trung Ương Đảng Cộng Sản bãi bỏ quyền chính trị độc tôn hiến định, mở đường cho một hệ thống đa thành phần, Liên Xô tiến thêm một bước đạt thỏa hiệp tài giảm quân số tại Âu Châu trong một hội nghị các ngoại trưởng của khối NATO và WARSAW tại Ottawa, Canada. Trong hội nghị này, cả hai bên đều đồng ý sẽ thảo luận thêm về không phận và hải phận để điều hành lực lượng và vũ khí trong một tương lai gần. Một thỏa ước trên nguyên tắc về việc thống nhất nước Đức cũng được ký kết. 
Mặc dù chính sách hòa hoãn của Liên Xô chủ yếu là vì các vấn đề quốc nội và nhu cầu mua thời gian tiến hành cải cách, hướng đi đó đã thay đổi triệt để cuộc chiến tranh lạnh kéo dài 40 năm qua giữa hai siêu cường và hai khối Đông Tây. 
Trong khi Hoa Kỳ và thế giới Tây Phương tán dương Liên Xô về các cải cách dân chủ của họ thì việc Trung Cộng đem quân đội đàn áp các sinh viên và thái dộ cứng đầu của họ đưa tới thái độ chống đối và các chế tài kinh tế. Nếu Trung Hoa cương quyết chống lại cải cách, họ sẽ bị Hoa Kỳ kết án và sẽ làm hỏng hợp tác chiến lược mà hai bên đã thực hiện trong thập niên qua. Tuy nhiên, mặc dù Hoa Kỳ tiếp tục áp lực Trung Hoa phải tiến hành cải tổ, nhưng các nhà lãnh đạo Mỹ không để cho tương quan trở lại suy đồi như hồi thập niên 1950 hay 1960. Họ muốn tiếp tục liên hệ với Trung Hoa trên cả kinh tế lẫn chính trị. Tuy lúc đó tình hình Mỹ-Hoa có thể ngưng lại nhưng cả hai không bên nào muốn sự thế nghiêm trọng hơn. 
Vì những khó khăn trong nước, Liên Xô cố gắng hế sức để có tương giao hòa hoãn, nếu không nói là thân thiện, với Trung Hoa. Nhiều báo cáo cho hay giới lãnh đạo già của Trung Cộng đã chỉ trích các chính sách của Gorbachev và kết án ông ta là kẻ xét lại. Nhiều người còn đề nghị đưa ra vấn đề ý thức hệ để chống ông ta, kẻ khác còn đòi chuẩn bị các cuộc giao tranh quân sự tại biên giới giống như hồi 1968. Nếu các báo cáo đó có thật, quả thực các nhà lãnh đạo Trung Hoa đã sai lầm lớn vì tình trạng hiện tại của Trung Hoa cũng như thế giới đã khác hẳn hồi thập niên 1960. Nhưng hầu như không mấy ai trong cũng như ngoài nước quan tâm đến. Thay vì tranh cãi ý thức hệ, họ phải tập trung vào việc cải cách chính trị và kinh tế. Cho rằng nếu quả các nhà lãnh đạo Trung Hoa có nêu lên nhưng không hành động thì Gorbachev cũng chẳng cần để ý đến vì Trung Hoa càng chỉ trích thì ông càng tiến gần Hoa Kỳ hơn.
 Dựa trên phân tích này, liên hệ Trung Hoa -Liên Xô trong những năm tới đây có lẽ chỉ nhạt nhẽo nhưng chắc không có những tranh chấp nghiêm trọng về vấn đề biên giới hay chiến lược toàn cầu. 
d/ Phản ứng của Trung Hoa đối với các chế tài từ bên ngoài
 Sau 10 năm mở cửa với bên ngoài, gia tăng mậu địch quốc tế và hợp tác kinh tế với ngoại quốc đã biến Trung Hoa thành một phần tử hoạt động trong cộng đồng thế giới. Trung Hoa cần yểm trợ tài chánh và kỹ thuật để duy trì công cuộc canh tân kinh tế và quốc phòng trên một qui mô lớn. Rất có thể các nhà lãnh đạo già nua sẵn sàng hi sinh sự phát triển kinh tế vì những lý do chính trị như Mao Trạch Đông đã làm trong thập niên 1960. Tuy nhiên, tình trạng hiện tại của Trung Hoa khác xa với thời đó. Trước hết, hầu hết người Trung Hoa không còn tin vào Đảng và vì thế sẽ không thể nào được họ ủng hộ để vượt qua những thử thách mà Đảng phải đối phó. Thứ hai, liên hệ tài chánh của Trung Hoa với bên ngoài trong thập niên qua đã quá sâu đậm nên nếu thình lình cắt đứt thì không những Trung Hoa bị suy thoái kinh tế nghiêm trọng hay sụp đổ mà còn gây ra nhiều tranh chấp quốc tế khác. 
Vì những lý do đó, Trung Hoa không thể quay về chính sách đóng cửa. Không những thế, họ sẽ có thể nới lỏng một chút trên mặt chính trị để thu hút đầu tư và kỹ thuật ngõ hầu đẩy mạnh công cuộc tứ hiện đại hóa. Dưới danh nghĩa không can thiệp vào nội bộ nước ngoài, các nhà lãnh đạo Trung Hoa muốn tách rời chính trị và ngoại thương khỏi các vấn đề chính trị. 
Gần đây, họ đã chứng tỏ thái độ tích cực hơn bằng cách bãi bỏ thiết quân luật tại Bắc Kinh và Lhasa, thả vài trăm sinh viên và trí thức. Đặng Tiểu Bình cũng đổi thái độ với vụ Thiên An Môn, nói là không thể trách các sinh viên về việc biến động năm trước. Mặc dù các chính sách này không đem lại gì tốt cho nền dân chủ hay ảnh hưởng gì đến việc cai trị chuyên chính của đảng Cộng Sản, nhưng cũng khiến cho cộng đồng thế giới bớt nghiệt ngã hơn. Nếu dúng như thế, Trung Hoa sẽ theo đuổi chính sách mở cửa với mọi quốc gia dù có khác biệt về ý thức hệ. Họ tiếp tục quan hệ với các siêu cường bằng con mắt thận trọng e ngại họ ảnh hưởng đến phát triển chính trị tại Trung Hoa. Sau những thay đổi ngoạn mục tại Âu Châu, cả Hoa Kỳ lẫn Liên Xô đều muốn có một giai đoạn ổn định tại Á châu để có thì giờ cho việc phát triển Âu Châu. Nếu thế, Trung Hoa có thể thưởng thức một giai đoạn ổn cố trước khi có những thay đổi đáng kể xảy ra. Họ sẽ tiếp tục chính sách độc lập theo định nghĩa chính trị thế giới. 
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #73 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 01:14:57 am »

B.   Các nguy cơ xung đột khu vực và chiến lược của Trung Hoa 
Khi đề cập đến nhận định về các vấn đề khu vực trong phần trước, chúng ta đã thấy giới lãnh đạo Trung Hoa tỏ ý quan tâm đến các tranh chấp biên giới với Liên Xô và Ấn Độ, tranh chấp Hoa -Việt về các quần đảo ở biển đông là những vấn đề chiến lược chính yếu mà họ phải dối phó trong thập niên 1980 và 1990. Mặc dầu các vấn đề này trên nhiều mức độ khác nhau vẫn chỉ đạo chiến lược của Trung Hoa, một số yếu tố mới được thêm vào trong hoạch định chiến lược như sự trỗi dậy của lực lượng quân sự của Nhật Bản, Đài Loan và Đại Hàn. 
a/ Tranh Chấp các quần đảo ở biển Đông
 Vì tình hình biến đổi mãnh liệt tại Đông Âu và Liên Xô, trong thập niên tới dây các nhà lãnh đạo Xô viết chủ yếu quan tâm đến các vấn đề nội bộ. Cho nên, họ sẽ theo đuổi một chiến lược phòng ngự trên trường chính trị quốc tế. Họ rút quân ra khỏi Afghanistan, giảm bớt lực lượng dọc theo biên giới Nga -Hoa và áp lực Việt Nam rút khỏi Kampuchea. Thành thử chẳng những Liên Xô mà cả những đồng minh của họ tại Á Châu dọc theo biên giới Trung Hoa cũng cố gìm lại những xung đột không cần thiết. Mặc dù vấn đề Kampuchea chưa giải quyết xong, các siêu cường đã giảm bớt việc can thiệp và tiếp vận vũ khí, các phe lâm chiến xuống một mức có thể kiểm soát được. Tuy nhiên, việc tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Hoa về quần đảo Tây Sa (Paracel), giữa Trung Hoa và Philippines, Việt Nam, Malaysia về quần đảo Nam Sa (Spratly) vẫn còn là những vấn đề nóng bỏng trong thời gian sắp tới. Trung Hoa cũng tăng cường phô trương sức mạnh trong khu vực này, các áp lực khu vực vì thế sẽ không tránh khỏi ngoại trừ việc tiến đến một giải pháp có thể làm thỏa mãn mọi quốc gia liên hệ. 
b/ Tranh chấp biên giới Trung Hoa -Ấn Độ 
Tranh chấp biên giới giữa Trung Hoa và Ấn Độ là một vấn đề lịch sử xảy ra từ 1914 khi nước Ấn còn là thuộc địa của Anh. Vì quyền lợi riêng của họ, người Anh đã tự ý vẽ đường Mc Mahon giữa Ấn và Tây Tạng, sáp nhập một vùng rộng lớn của Tây Tạng. Chính quyền Trung Hoa từ chối không chịu ký vào thỏa ước đó. Năm 1962, hai nước đụng độ ở biên giới về vụ tranh chấp này nhưng không giải quyết được vấn đề. Mặc dầu hai nước sau hiệp ước đình chiến năm 1962 cố không để đụng độ quân sự nhưng không có dấu hiệu gì là bên nào sẽ từ bỏ sự công nhận chủ quyền. Cũng giai đoạn đó, Ấn Độ liên minh với Liên Xô và Việt Nam trong nhiều thập niên để chống lại Trung Hoa, khi đó liên minh với Pakistan và sau này là Hoa Kỳ để đối phó. Phần nào vì lý do này, Ấn Độ đã có lần cố gắng xây dựng quân đội. Người ta nói là từ đầu thập niên 1980 tới nay, Ấn Độ đã tăng ngân sách quốc phòng lên gấp đôi. Năm 1986, Ấn Độ là quốc gia nhập cảng vũ khí nhiều nhất thế giới. Năm 1987 họ tiêu 5.2 tỉ đô la vào việc mua khí giới trên thị trường thế giới, hơn tổng số của cả Iran và Iraq cộng lại dù khi đó họ đang đánh nhau tại vùng Vịnh và nhiều gấp 12 lần Pakistan tiêu trong cùng năm đó. Quân lực 1.36 triệu người của Ấn Độ đứng hàng thứ tư trên thế giới. Theo con số thống kê, Ấn Độ có hai hàng không mẫu hạn, 18 tàu ngầm và 24 hộ tống hạm, mạnh hơn hải quân Trung Hoa. 
Nhiều nhà lãnh đạo chính trị tại khu vực, trong đó có Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore, Bộ Trưởng Quốc Phòng Malaysia và Australia, đã tỏ ý quan ngại về việc bành trướng quân sự của Ấn Độ có thể đưa đến bất ổn và xung đột trong vùng. Họ cho rằng trong thập niên tới đây, Trung Hoa, Ấn Độ và Nhật Bản sẽ cạnh tranh để tạo ảnh hưởng và không tránh khỏi tranh chấp hay có thể đi đến chiến tranh. Nếu như thế, vấn đề tranh chấp biên giới Ấn -Hoa sẽ trở thành một điểm nóng. Năm 1962, Trung Hoa dùng lực lượng và tiến hành một chiến lược tấn công tự vệ. Nếu chiến tranh tái diễn họ sẽ không theo đuổi thoái lui phòng ngự như xưa. Một cuộc tranh chấp không những lan rộng thành chiến tranh mà còn có thể có một quốc gia thứ ba tham dự như Pakistan chẳng hạn vốn dĩ trong lịch sử tranh giành khu vực Kashmir. 
c/ Sự trỗi dậy của Nhật Bản và khuynh hướng liên kết tại Đông Á
 Sự suy thoái trong tương quan Mỹ-Nhật: Sau khi chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt năm 1945, Nhật Bản là một quốc gia bại trận bị quân đội Đồng Minh chiếm đóng, đứng đầu là Đại Tướng Mac Arthur, Tổng Tư Lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Á Châu. 
Vì tình trạng chiến tranh lạnh và các chiến tranh khu vực dọc theo vành đai Thái Bình Dương như cuộc chiến Quốc-Cộng Trung Hoa, chiến tranh Triều Tiên, sự căng thẳng nơi eo biển Đài Loan giữa Trung Cộng và Đài Loan, chiến tranh Việt Nam nên Hoa Kỳ dùng Nhật làm hậu trạm yểm trợ các hoạt động quân sự của họ tại Á châu. Theo hiệp ước An Ninh Mỹ-Nhật và chiếu hiến pháp, Nhật Bản được bảo vệ chu đáo mà không phải tốn tiền chi phí quân sự ngoại trừ việc duy trì một lực lượng tự vệ nhỏ. Vì thế, họ có thể phát triển kinh tế mau lẹ bằng cách gia tăng xuất cảng, kể cả trang bị quốc phòng cho quân Mỹ. Thành ra Nhật trở thành cường quốc kinh tế có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất thế giới từ thập niên 1970 tới nay trong khi Hoa Kỳ bị chìm đắm trong chi phí quốc phòng khổng lồ nên phải yêu cầu Nhật gia tăng ngân sách quân sự để giảm bớt một số trách nhiệm cho họ. Tuy nhiên, khi Nhật gia tăng kinh phí lại gây nghi ngại và chống đối bởi các nước láng giềng vốn dĩ còn hằn các kỷ niệm chua chát của thời quân phiệt Nhật trong thế chiến thứ hai. 
Nhật Bản chưa trở thành cường quốc quân sự. Theo những báo cáo gần đây, quân lực Nhật đang gia tăng nhanh chóng và được trang bị bằng những vũ khí tối tân. Với sức mạnh kinh tế hùng hậu và kỹ thuật cao, nếu muốn trở thành cường quốc quân sự, họ chỉ cần khoảng hai chục năm. Chính vì thế mà các nhà lãnh đạo Á Châu quan tâm về chiều hướng có thể xung đột giữa Trung Hoa, Nhật Bản và Ấn Độ trong tương lai. 
Nguy cơ đó không phải chỉ cho người Á Châu mà trong vai trò một lực lượng của vùng vành đai Thái Bình Dương, Hoa Kỳ cũng chia xẻ quan tâm đó. Trong khi người ta nghĩ rằng có thể sắp có ”Thế Kỷ của vùng Thái Bình Dương” thì cũng quan tâm đặc biệt là quan điểm ”Mối nguy cơ Nhật Bản”, đòi hỏi người Mỹ phải phác họa một chiến lược ngăn ngừa thích đáng. Với chính sách hiện nay của Mỹ, một Trung Hoa mạnh để kiềm chế Nhật ở Á Châu không phải là một ý kiến dở. Giải thích về chính sách đối với Trung Hoa trong cuộc họp báo ngày 24 tháng giêng năm 1990, Tổng Thống Bush đã phát biểu là một trong những lý do ông giữ liên hệ chặt chẽ với Trung Hoa là để giải quyết các vấn đề của Á Châu mà ông chỉ rõ là Kampuchea và Nhật Bản. Ông đã rõ ràng nhìn Trung Hoa là chìa khóa để duy trì quân bằng quyền lực ở Á Châu. 
Người Nhật trái lại rất công phẫn về chính sách của Mỹ. Trong khi Hoa Kỳ ép Nhật giảm thiểu thặng dư thương mại đồng thời giới hạn việc chuyển giao kỹ thuật quân sự cao sang đây khiến Nhật khơi lại lòng thù hận người Mỹ như hồi đệ nhị thế chiến. Thành ra nếu Nhật có muốn thoát ra khỏi sự khống chế của Mỹ để theo đuổi một chính sách đối ngoại độc lập hơn thì cũng là chuyện bình thường. Vì thế rất có thể Nhật sẽ chuyển sang giao thiệp với các quốc gia khác tại Á Châu để quân bằng với ảnh hưởng của Mỹ. Nếu thực như thế, tương quan Hoa-Nhật xích lại gần hơn sẽ xảy ra trong một tương lai không xa. 
Tranh chấp lãnh thổ Nhật-Nga: Việc Nhật và Nga thân thiện hơn cũng có thể là một biến số ảnh hưởng đến tương quan Hoa-Nhật. Từ thập niên 1980 tới nay, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã hơn một lần mời Nhật đầu tư vào khu vực Tây Bá Lợi Á. Tuy nhiên, người Nhật muốn Nga phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ trước khi bàn đến hợp tác kinh tế. Nếu Nga bằng lòng trả lại cho Nhật 4 hòn đảo tuy nhỏ nhưng có tính chất chiến lược mà họ đã chiếm sua thế chiến thứ 2 thì con đường xích lại giữa hai bên mới được khai thông. Nếu như thế, Trung Hoa sẽ cảm thấy khó chịu vì trên bình diện quyền lợi quốc gia, họ không muốn Liên Xô thành công trong việc phát triển kinh tế mạn đông Tây Bá Lợi Á, sớm muộn gì cũng đe đọa đến an ninh ở mạn bắc nước Tàu, ngoại trừ tương quan hai nước được cải thiện triệt để. Tuy nhiên việc liên doanh Nga-Nhật khai thác Tây Bá Lợi Á cũng không dễ dàng gì vì Liên Xô chưa muốn trả lại cho Nhật những hòn đảo vốn dĩ là tiền đồn của các căn cứ quân sự dọc theo bờ biển Okhotsk. Những hòn đảo đó không những làm cho vùng biển Okhotsk trở thành một biển riêng của Liên Xô mà còn là một đầu cầu và vị trí tiền phương trong trường hợp có chiến tranh với Nhật Bản. Nếu kiểm soát được các hòn đảo đó, Liên xô có một lợi điểm chiến lược đáng kể có thể đe đọa đến an ninh quốc phòng của Nhật trong mọi thời điểm. Chính vì thế, nếu tranh chấp lãnh thổ chưa giải quyết, quan hệ Nga-Nhật sẽ chưa thể nào tiến triển khả quan được. 
Vai trò của Nam Hàn trong các xung đột khu vực: Tại vùng đông bắc Á Châu, Triều Tiên từ lâu vẫn là một điểm nóng trong các xung đột giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Nhật Bản sáp nhập Triều Tiên vào lãnh thổ của họ sau cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894. Kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 tới nay, bán đảo này trở thành một trọng điểm trong tương tranh quốc tế trong suốt 4 thập niên liền. Việc các nước Cộng Sản rối loạn đã giảm bớt nguy cơ quân sự từ phía Bắc Hàn. Tuy nhiên, sự tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Hoa và Nhật tại vùng Đông Á có thể một lần nữa biến Nam Hàn thành một tâm điểm tranh chấp trong vùng nhất là khi Hoa Kỳ rút quân ra khỏi đây. Dầu sao chăng nữa, chính quyền Nam Hàn trong vài năm qua cũng đã tiến đến gần để tái lập quan hệ kinh tế và chính trị với Trung Hoa. Nếu liên hệ chính thức hay bán chính thức được thành lập, nguy cơ quân sự từ phía Bắc Hàn có thể giảm thiểu và còn có thể đưa tới thống nhất quốc gia. Người Đại Hàn cảm thấy an toàn hơn nếu các siêu cường chung quanh cạnh tranh với nhau và cũng có thể dùng để quân bằng quyền lực giữa Trung Hoa và Nhật Bản nếu trong tương lai Trung Hoa và Nhật Bản lại nảy sinh những mâu thuẫn.
Vấn đề Đài Loan: Nhật Bản có lẽ muốn Đài Loan trở lại dưới quyền kiểm soát của họ hay giữ độc lập hơn là sáp nhập trở lại Trung Hoa. Tuy nhiên Nhật không có quyền gì để bảo Đài Loan là đất của mình. Vấn đề đó đã được giải quyết từ lâu khi Nhật ký hiệp ước hòa bình Trung-Nhật với chính quyền Quốc Dân Đảng tại Đài Loan công nhận hòn đảo là một phần của Trung Hoa. Năm 1972, khi Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao với Hoa Lục, họ cũng công nhận như thế. Do đó không có vấn đề tranh chấp giữa Trung Hoa và Nhật Bản về chủ quyền Đài Loan. Nếu sau này Nhật Bản vì một lý do gì không công nhận Trung Hoa làm chủ hòn đảo sẽ đưa tới tranh chấp giữa Trung Hoa và Nhật Bản. Do đó có chuyện gì cũng do thái độ của người Nhật. 
Mặc dù cả Hoa Kỳ và Nhật Bản ở nhiều mức độ khác nhau ảnh hưởng đến việc giải quyết vấn đề Đài Loan nhưng các chính sách của chính quyền Quốc Dân Đảng tại Đài Loan mới là yếu tố quyết định tối hậu ảnh hưởng đến chính sách của Trung Hoa tại vùng này. Chính quyền Dân Quốc đã theo đuổi một chính sách mềm dẻo và hòa giải với Hoa Lục trong vài năm gần đây. Du lịch, mậu dịch và các liên hệ bán chính thức giữa hai chế độ đã phát triển nhanh chóng. Tân Tổng Thống của Đài Loan, Tiến Sĩ Lý Đăng Huy gần đây đã khởi xướng đưa đề nghị đàm phán chính thức giữa hai chính quyền. Tuy nhiên, việc ngày càng gia tăng đòi hỏi của các thế lực chính trị trong và ngoài hòn đảo để được độc lập và sự gia tăng bất ổn chính trị đã khiến chính quyền Trung Cộng phải lưu tâm. Nếu tình hình tiếp tục đi theo một khuynh hướng náo loạn thì việc can thiệp bằng quân sự từ phía Trung Cộng cũng không phải là điều không thể xảy ra. Nếu có động binh, tình hình giữa Trung Hoa và Mỹ, và cả giữa Trung Hoa và Nhật sẽ trở nên căng thẳng và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược toàn cầu và khu vực của nước Tàu. 
Viễn tượng hợp tác Hoa Nhật: Trong khi giao thiệp Mỹ-Nhật và Nga-Nhật có thể không thay đổi nhiều, tương quan Hoa-Nhật có thể chặt chẽ hơn trong những thập niên sắp tới. Người Tàu cũng như các dân tộc khác ở Á Châu không thể quên được việc Nhật Bản xâm lăng trong thời đệ nhị thế chiến. Tuy nhiên, Trung Hoa gần đây đã khác thời thập niên 1930 và đủ mạnh để tự đứng vững trên hai chân của mình. Vì thế mặc dù khó chịu về việc Nhật tái võ trang nhưng không còn e ngại như trước. Cho đến khi nào Nhật Bản chưa có ý định quay trở lại chính sách quân phiệt và bành trướng ở Á Châu và sẵn lòng hợp tác kinh tế với Trung Hoa mà không can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ thì Trung Hoa vẫn sẵn sàng giao hảo một cách hữu nghị với họ. Trong khi đó, Trung Hoa cũng yêu cầu Nhật Bản hợp tác bằng cách mở rộng thị trường cho sản phẩm của Tàu tràn vào và cung cấp thêm nhiều vật liệu kỹ nghệ. Sự kiện Nhật Bản ngần ngại không chịu đi theo đường lối trừng phạt kinh tế do Mỹ và các quốc gia Tây Phương đưa ra sau biến cố Thiên An Môn và có ý định giải tỏa các trái khoản cho Trung Hoa sớm hơn các nước khác có thể coi là một dấu hiệu của chính sách thân Trung Hoa. Trung Hoa sẽ không bỏ lỡ cơ hội kéo Nhật Bản lại gần hơn và bằng cách khéo léo vận dụng tình thế, họ có thể làm quân bằng được quyền lực giữa Mỹ và Nhật, nhất là nếu tương quan giữa hai quốc gia này tiếp tục đi xuống. Một sự kiện như thế khả dĩ có thể xảy ra như cựu Tổng Thống Nixon đã đề cập đến trong một cuộc phỏng vấn của báo Time hồi tháng 4 năm 1990.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #74 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 01:15:36 am »

C.   Chiến Lược của Trung Hoa trong tình hình mới
 Sau khi sự đối đầu giữa các siêu cường và đồng minh của họ tại Âu Châu giảm thiểu một cách triệt để, tiếp theo là sự thay đổi mãnh liệt trong khối Cộng Sản, vấn đề từ lâu vẫn rêu rao là ”Thế Kỷ của vùng Thái Bình Dương” sẽ trở thành một thực tế nếu các tranh chấp quốc tế di chuyển sang vùng vành đai Thái Bình Dương.
Từ một nhãn quan toàn cầu, mặc dù sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Hoa đã cải tiến một cách đáng kể trong thập niên qua nhưng họ vẫn chưa đủ sức để làm thay đổi cán cân quyền lực thế giới. Tuy nhiên, nếu các vấn đề tranh chấp quốc tế chuyển sang vùng Thái Bình Dương, vai trò và chiến lược của Trung Hoa trong các xung đột khu vực sẽ được thế giới chú ý và như thế có thể làm cho tầm vóc chính trị quốc tế của họ gia tăng.
 Nếu khuynh hướng chính trị thế giới tiếp tục theo chiều hướng đó, hợp tác chiến lược giữa Trung Hoa và Mỹ sẽ dần dần biến mất nhưng trong thời gian Liên Xô từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản thì quan hệ Trung Hoa-Liên Xô cũng chư thể cải thiện. Một hình thức liên kết mới giữa các quốc gia Á Châu và vùng Thái Bình Dương sẽ thay thế ít nhất cũng một phần sự khống chế của các siêu cường. Dựa trên các chính sách hiện nay của đại cường trong vùng Đông Á, sự quân bằng quyền lực có thể duy trì giữa Trung Hoa, Nhật Bản, Hoa Kỳ và Liên Xô nếu các phản ứng hỗ tương trong vòng kiểm soát được. Không thể có những liên minh mới tại khu vực này trong tương lai gần. Vì những vấn đề chính trị và kinh tế trong nước, chính quyền Trung Hoa sẽ hoan hỉ nếu thấy khu vực ổn định và hòa hoãn trong thập niên sắp tới để cho họ đủ thì giờ củng cố quyền kiểm soát và thúc đẩy tứ hiện đại hóa.
 Khi bàn về chiến lược khu vực, nhất là Nam và Đông Nam Á Châu, Trung Hoa rõ ràng đóng một vai trò chiến lược phòng ngự tích cực hơn khi phải đối phó với các khủng hoảng địa phương. Các khủng hoảng tiềm ẩn như đã đề cập trước đây vốn dĩ có liên quan đến những tranh chấp lịch sử về lãnh thổ giữa những cường lực trong vùng. Các vấn đề đó đã khiến Trung Hoa phải quan tâm trong nhiều thập niên qua. Một lực lượng hải quân Trung Cộng được tăng cường rất có thể sẽ dùng khu vực biển đông làm hải phận thử nghiệm sức mạnh trước khi ra xa ngoài khơi để hành động hung hãn hơn. Việc gia tăng sự hiện diện của hải quân Trung cộng tại vùng quần đảo Tây Sa và Nam Sa (tức là Hoàng Sa và Trường Sa theo tên của Việt Nam) sẽ không thể nào không tạo nên những cảnh giác và có thể đưa đến đụng độ quân sự với Philippines, Malaysia và nhất là Việt Nam. Nếu các tranh chấp biên giới Ấn-Hoa lại xảy ra, hoạt động quân sự của hai bên có thể sẽ không còn giới hạn trong vùng Hi Mã Lạp Sơn như hồi năm 1962 nữa. Người Pakistan sẽ lợi dụng cơ hội đặt vấn đề lãnh thổ với Ấn và đưa tầm vóc địa phương lên hàng chiến tranh khu vực. Cũng có thể tranh chấp quân sự trong biển Ấn Độ giữa Pakistan và Ấn sẽ bành trướng và có thể lan cả tới Trung Hoa. Nếu như thế vấn đề sẽ dần dần trở thành quốc tế có ảnh hưởng đến toàn cầu.
 Khủng hoảng chính trị năm 1989 và các hậu quả của nó sẽ không thể tránh được những ảnh hưởng trên vấn đề quốc phòng của Trung Hoa. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn những ảnh hưởng này không rõ rệt nhưng sẽ tác hại đến kinh tế Trung Hoa trong trường kỳ. Việc các ngân hàng thế giới từ chối không cho vay và việc đầu tư ngoại quốc ngừng lại đã gây nên những suy thoái nghiêm trọng cho kinh tế. Trong khi đó, mặc dù các nước Tây phương theo đuổi những hoạt động hợp tác để giới hạn việc xuất cảng vũ khí và kỹ thuật sang Trung Hoa nhưng lại không có ảnh hưởng trên vấn đề quốc phòng. Trái lại, khả năng tác chiến của quân đội Trung Hoa gần đây đã đạt tới một cao điểm nhờ vào việc thành tựu kinh tế của công cuộc cải cách và chính sách mở cửa của Đặng Tiểu Bình. Các trừng phạt kinh tế từ các nước Tây Phương chỉ có hậu quả sâu rộng nếu kéo dài và hoàn toàn bãi bỏ xuất cảng kỹ thuật cao sang Trung Hoa. Theo những báo cáo gần đây, tiếp theo việc thành lập các đơn vị xung kích, Hồng quân đã tăng cường khả năng chuyên môn bằng cách tổ chức nhiều đơn vị đặc biệt khác nhau như các chiến đoàn pháo binh, thiết giáp, công binh, phòng không, các đơn vị thượng du ... Ngoài ra, họ còn chứng tỏ sự thành tựu trong việc nâng cấp hải quân, không quân bằng cách kiến tạo thêm nhiều tuần dương hạm, ngư lôi và hệ thống radar có tốc độ và độ chuẩn xác cao. Các chuyên gia quốc phòng ở Đài Loan đã nhận thức được tầm ảnh hưởng của các trang bị mới mày trong tương lai nếu chiến tranh giữa Hoa lục và Đài Loan lại xảy ra.
 Cho nên, trên ý nghĩa chiến lược phòng thủ khu vực, không có chứng cớ nào nói là Trung Hoa sẽ quay trở lại con đường phòng ngự và thụ động như xưa dựa trên các nguyên tắc của chiến tranh nhân dân. Trái lại, việc liên tục cải tiến trang bị, qui tắc, tổ chức và phối hợp hành quân giữa nhiều lực lượng sẽ đưa Hồng quân Trung Hoa ra khỏi các nguyên tắc cũ ngoại trừ việc họ sẽ thay đổi theo tình thế mới, cái mà họ gọi là chiến tranh nhân dân trong điều kiện thời đại mới.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
dungrommel
Thành viên
*
Bài viết: 237


WWW
« Trả lời #75 vào lúc: 31 Tháng Mười, 2009, 01:16:26 am »

Chương 8 Kết luận
 Để phân tích về tư tưởng quân sự Trung Hoa thời đại mới, chúng tôi đã đề cập đến cả các lý thuyết quân sự thời cổ lẫn các khuynh hướng hiện đại trong công cuộc phát triển chiến lược quốc phòng. Các tư tưởng cũ nhằm giữ cho giòng lịch sử liên tục của tư tưởng quân sự Trung Hoa trong khi khuynh hướng mới nhằm đưa ra một hướng đi, dẫu không đi vào chi tiết, về sự phát triển chính sách quốc phòng cận đại thời hậu Mao Trạch Đông. Thành thử, cuốn sách bao gồm 3 đề mục chính: tư tưởng quân sự Trung Hoa thời cổ, tư tưởng quân sự Trung Hoa hiện đại và chiến lược quốc phòng trong thời gian gần đây. Những khảo sát đó chủ yếu tập trung vào việc phát triển tư tưởng quân sự tân thời. Sau khi đọc cuốn sách này, độc giả sẽ tự hỏi liệu các lý thuyết quân sự cổ điển và tư tưởng mới như lý thuyết chiến tranh nhân dân của Mao chẳng hạn có còn hữu dụng trong chiến tranh thời đại hôm nay nữa không? Thực khó cho tác giả khi trả lời câu hỏi này chỉ bằng ”có” hoặc ”không”, vì còn tùy thuộc vào mục tiêu của chiến tranh, vũ khí nào đang dùng và bản thể của các lý thuyết đó. 
Mặc dầu nhiệm vụ của quân đội nhiều vô kể nhưng quan trọng nhất là bảo vệ an ninh quốc gia bằng phương tiện chiến tranh cho phù hợp với mục tiêu quốc gia. Từ kinh nghiệm lịch sử, quân đội của một quốc gia thường được dùng làm phương tiện đàn áp các dấy loạn trong nước để giữ gìn trật tự hay dùng trong chiến tranh với các quốc gia khác để mưu cầu những mục tiêu hay quyền ích của đất nước. Theo chủ nghĩa Mác xít-Lê nin nít, các quốc gia Cộng Sản hằng lập đi lập lại là họ sẽ dùng quân đội để ủng hộ cái gọi là các lực lượng cách mạng vô sản chống lại giai cấp thống trị trong các cuộc nội chiến tại những quốc gia khác. 
Theo danh từ chiến tranh, có chiến tranh tổng quát và chiến tranh giới hạn. Khi nói tới chiến tranh giữa nhiều quốc gia thì có chiến tranh toàn cầu và chiến tranh khu vực. Khi đề cập đến kẻ địch, mục tiêu quốc gia và tầm vóc chiến tranh, các phương tiện và phương pháp dùng để đối phó với một cuộc tranh chấp có thể không giống nhau. Có loại dùng trong chiến tranh tổng quát hay chiến tranh toàn cầu thì thích hợp nhưng lại không hữu hiệu khi dùng trong nội chiến, chiến tranh giới hạn hay chiến tranh khu vực. Nếu nghĩ về chiến tranh tổng quát trong tương lai và tưởng tượng đến một loại chiến tranh hành tinh (star war) như trong phim ảnh mô tả thì người ta sẽ đi đến kết luận là một số vũ khí chiến lược như hỏa tiễn liên lục địa, phóng pháo cơ tầm xa hay phi thuyền trang bị bom nguyên tử và hỏa tiển sẽ có thể dùng để tiêu diệt đối phương. Nếu quả thực đó là hình thức chiến tranh trong tương lai, các vũ khí chiến tranh qui ước và quân đội nếu không dùng các loại trang bị mới này sẽ trở nên vô dụng và phải phá hủy. Thế nhưng đó chưa chắc đã là một giả định thực tế. Mặc dầu các vũ khí chiến lược vừa nói tới chắc chắn sẽ được các siêu cường dùng tới trong một cuộc chiến tổng quát của thời đại mới, nhưng cũng không đúng nếu nói rằng các lực lượng chính qui không còn cần thiết để thanh toán nốt các ổ kháng cự sau khi đã dùng vũ khí hạch tâm. 
Thật ra, không phải là chiến tranh tổng quát mà chiến tranh khu vực hay chiến tranh giới hạn mới thực sự chi phối chính trị toàn cầu từ thế chiến thứ hai tới nay, và vẫn tiếp tục là một áp lực chính trị trong những năm sắp đến. Kinh nghiệm lịch sử cho hay hầu hết các cuộc nội chiến và cả chiến tranh khu vực trong vài thập niên qua chủ yếu tại các quốc gia đang mở mang, chưa có vũ khí nguyên tử. Ngay cả một số hiện nay có vũ khí hạch tâm, họ cũng ngại ngùng không muốn dùng ngay trên đất mình hay để tấn công các quốc gia láng giềng. Cho nên, khó có thể, nếu không nói là không thể có, một quốc gia sử dụng vũ khí nguyên tử trong chiến tranh khu vực hay nội chiến. 
Ngoài ra, từ khi làm sóng dân chủ bất ngờ quét qua Đông Âu năm 1989, Liên Xô đã mất nhiều tin tưởng và nhiệt tình trong công tác ủng hộ các lực lượng cách mạng như trước đây họ đã làm. Thay đổi thái độ đó đã giảm thiểu mạnh mẽ sự đe dọa về xung đột quân sự giữa các siêu cường và nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Không mấy ai trong chúng ta tin rằng chiến tranh tổng quát hay hạch tâm không thể tránh được. Trái lại, càng ngày càng nhiều người có khuynh hướng nghĩ là vũ khí nguyên tử, vì kết quả là tự diệt, nên càng kém hữu dụng và không thể dùng được trong chiến tranh tương lai. Lý thuyết đó không được mọi người đồng ý nhưng ít nhất cũng cho thấy chiến tranh tổng quát hay chiến tranh khu vực dùng vũ khí qui ước sẽ vẫn còn đóng một vai trò quan trọng trong tương lai. Nếu quả thật như thế, các lý thuyết quân sự cổ điển của Trung Hoa và các quốc gia khác vẫn không phải hoàn toàn không thích hợp trong chiến tranh thời đại mới.
 Ngoài ra, vũ khí và kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến sự phát triển chiến lược, chiến thuật như đã đề cập trong phần giới thiệu quyển sách này, nhưng ảnh hưởng của nó trên chiến thuật còn to lớn hơn so với chiến lược. Khi súng ống thay thế giáo mác, cung tên là vũ khí chính trong chiến tranh, đội hình và bố trí lực lượng thay đổi mãnh liệt nhưng nguyên tắc chung về chiến lược hay căn bản quân sự không đổi mấy. Chẳng hạn như một số binh thư cũ của trung Hoa bàn về chi tiết trận đồ như đã đề cập trong chương hai nhưng không chiến lược gia tân thời nào còn mất thì giờ bàn đến nữa, cũng chẳng cấp chỉ huy nào dùng trong chiến đấu. Dù sao, một số nhiều nếu không nói là toàn bộ các nguyên tắc quân sự căn bản do các binh gia thời xưa soạn ra vẫn được coi là nguyên tắc tổng quát về điều binh. Kỳ, Chính, Hư, Thực. Kế hoạch chuẩn bị chiến tranh, thu thập tin tức, chiến tranh tâm lý, chính trị, các nguyên tắc điều binh và giữ tinh thần trên chiến địa là những vấn đề thuộc loại này. Các nhà lãnh đạo quân sự tân thời vẫn coi đó là những điểm then chốt để thắng trận. Những điều đó chưa bao giờ bị đặt câu hỏi là có hữu dụng hay không dù vũ khí thay đổi. Việc phát triển kỹ thuật mới đã tăng cường để thêm hữu hiệu chứ không phải làm các nguyên tắc kém đi. 
Lý luận tương tự cũng có thể áp dụng vào nhiều lý thuyết quân sự mới. Chẳng hạn như nguyên tắc của chiến tranh nhân dân đòi hỏi quân đội phải vận động, tổ chức và tùy thuộc vào sự hỗ trợ và cộng tác của nhân dân trong khi chiến đấu. Những nguyên tắc đó cũng tương tự như lý thuyết của Tôn Tử và Ngô Tử về việc ”vận động để sao cho quần chúng hoàn toàn hòa hợp với đấng quân vương, để cho họ theo không nề sống chết, không nề nguy hiểm” trong khi chiến đấu và ”khi trong nước bất hòa thì đừng động binh”. Dù chiến tranh tân thời có ở dưới dạng nào chăng nữa, dù vũ khí mới có mạnh mẽ sao chăng nữa, các lý thuyết căn bản vẫn hữu ích và do đó vẫn còn được coi trọng. Tuy nhiên, nhiều nguyên tắc được hình thành cho một tình trạng đặc biệt dùng trong cuộc nội chiến hay chiến tranh Trung-Nhật vào thập niên 1930 và 1940 có thể không còn áp dụng một cách không suy xét được nữa. Chẳng hạn như Mao đòi Hồng quân tự kiếm vũ khí bằng cách đi cướp của quân thù nơi trận tiền. Ngày nay vũ khí và trang bị đã tiêu chuẩn hóa, làm như thế là không thực tế. Chính thế mà Đặng Tiểu Bình coi là không áp dụng được hay không thể làm được như đã đề cập tới trong chương cuối. Ngoài ra, Mao cũng ra lệnh cho quân sĩ chiếm nông thôn dùng làm căn cứ bao vây thành thị. Khi đem áp dụng vào một đội quân cách mạng yếu kém chống lại kẻ thù được trang bị đầy đủ thì khôn ngoan nhưng dùng cho quân chính qui được trang bị vũ khí tối tân thì không áp dụng được. Như đã đề cập trong chương 6, chính bản thân Mao Trạch Đông cũng tin rằng mỗi loại chiến tranh có những nguyên tắc riêng của nó. Người ta phải tìm kiếm các nguyên tắc này và dùng sao cho thích đáng. Nếu chỉ sao chép các nguyên tắc của chiến tranh đã qua một cách máy móc, chắc chắn sẽ bị đánh bại. Cho nên, mặc dầu các lý thuyết căn bản của chiến tranh nhân dân vẫn còn có thể dùng sao cho thích đáng với tình trạng đặc biệt của tương lai. Một số nguyên tắc của Mao phải thay đổi. Thật ra, các nhà lãnh đạo quân sự của Trung Hoa đã bàn đến những thay đổi này một vài lần như trong phần mở đầu của cuốn sách. ”Chiến tranh nhân dân dưới điều kiện hiện đại” là kết luận mà họ chấp nhận. Như thế cho họ có chỗ để du nhập các điều kiện mới họ gặp phải trong tương lai. 
Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, việc canh tân quốc phòng của Trung Hoa đã đạt được những thành quả đáng kể và đưa chiến lược phòng ngự của Trung Hoa lên một tầm mức thực tế hơn trước đây. Tuy nhiên ảnh hưởng của biến cố năm 1989 đã làm thay đổi các chương trình phát triển kinh tế và chính trị một cách nghiêm trọng. Các nhà lãnh đạo hiện nay đang xiết chặt sự kiểm soát quân đội và hướng phát triển kinh tế-chính trị và cố lái xã hội Trung Hoa trở lại con đường chính thống của chủ nghĩa Mác xít. Dù chưa biết họ sẽ đi tới đâu, và theo hướng đó được bao lâu một điều chắc chắn là sự bất ổn chính trị không tránh khỏi có ảnh hưởng lớn lao đối với kinh tế nói chung và canh tân quốc phòng nói riêng nhất là trong những năm sắp tới. Nếu kinh tế Trung Hoa đi xuống thì quốc phòng sẽ yếu đi ảnh hưởng đến tình trạng quân bình quyền lực chính trị khu vực tại Á Châu.
 Đã từ lâu người ta có huyền thoại là thế kỷ 19 là thế kỷ của người Anh, thế kỷ 20 là thế kỷ của người Mỹ còn thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của người Tàu. Sự khả dĩ có một thế kỷ của vành đai Thái bình Dương, lại có những cải cách của Trung Hoa trong thập niên qua và sự phát triển của các quốc gia trong vùng Đông Á khiến chuyện này xem ra có thể trở thành sự thực. Tuy nhiên từ sau biến cố Thiên An Môn 1989 và cuộc cách mạng dân chủ của các quốc gia Đông Âu thì tình hình trở nên khác đi. Khi các đối đầu quân sự chấm dứt, khối NATO và khối WARSAW ngồi lại với nhau để cộng tác trên cả kinh tế lẫn chính trị. Nếu việc đó thành công (và xem ra có vẻ như thế) thì những nhóm siêu tài chánh thế giới sẽ đầu tư vào Âu Châu mà bỏ rơi các quốc gia Á Châu, nhất là Trung Hoa hiện đang cần nhiều tư bản nước ngoài.
Nếu các chế tài kinh tế và cấm vận kỹ thuật của các nước Tây Phương hiện nay kéo dài, chính quyền Trung Hoa lại không thoát khỏi bế tắc kinh tế và chính trị do chính họ gây ra thì khó mà có thể tin rằng thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của họ. Với đà gia tăng dân số mãnh liệt, tình trạng môi sinh ngày cành suy thoái, tài nguyên giới hạn, không nói là thế kỷ của Trung Hoa có đến không mà ngay cả giữ cho được mức phát triển như hiện nay cũng không phải dễ. 
Nếu người Trung Hoa muốn đóng một vai trò tích cực hơn trên chính đàn thế giới và khu vực trong thế kỷ tới đây, và đủ sức nuôi 1.2 tỉ người họ phải xây dựng một căn bản quốc gia vững chãi dựa trên hệ thống kinh tế và kỹ thuật tân tiến. Tuy nhiên, cứ theo kinh nghiệm lịch sử, mục tiêu đó chỉ có thể đạt được bằng phương tiện cải cách hòa bình trong một xã hội ổn định và hòa hài chứ không thể dùng bạo lực cách mạng. Một quốc gia ổn định và hòa hài có thể đạt được bằng nhiều cách nhưng không thể nào bằng đấu tranh giai cấp liên tục vì như thế chẳng đi đến kiến tạo và tiến bộ mà chỉ đem lại tàn hại và bi thương.
Logged

Không có bạn bè vĩnh viễn và kẻ thù vĩnh viễn. Tất cả chỉ vì sự tồn tại của mình.
Khi hai bàn tay nắm chặt và buông lơi một đất nước vĩ đại sẽ hình thành hoặc bị diệt vong.
Trang: « 1 2 3 4 5 6 7 8   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM