Lịch sử Quân sự Việt Nam
Tin tức: Lịch sử quân sự Việt Nam
 
*
Chào Khách. Bạn có thể đăng nhập hoặc đăng ký. 28 Tháng Ba, 2024, 05:38:30 pm


Đăng nhập với Tên truy nhập, Mật khẩu và thời gian tự động thoát


Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Xuống
  In  
Tác giả Chủ đề: Đường binh nghiệp của tôi  (Đọc 64601 lần)
0 Thành viên và 2 Khách đang xem chủ đề.
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 10:43:15 pm »



Thiếu  tướng Nguyễn Chuông

ĐƯỜNG
BINH NGHIỆP
CỦA TÔI


Tuyển tập ký ức chiến trận

Số hóa: Baogt - sách bác PQ cung cấp
Nguồn: PQ - Nhà xuất bản Thanh Niên - 2005

Nội dung:
•   Kỷ niệm ngày lên đường
•   Câu chuyện nhớ đời
•   Lần đầu ra trận
•   Anh Vệ Túm
•   Sầm Nưa, những kỷ niệm khó quên
•   Làm đường kéo pháo vào trận Điện Biên
•   Cắt sân bay Mường Thanh
•   Điện Biên trong tôi
•   Những ân nhân của tôi
•   Đập tan "Cù Kiệt"
•   Bản Na trước giờ nổ súng
•   Về thăm quê
•   Nằm trong chum giữa Cánh đồng Chum
•   Mở cánh cửa thép vào Cánh đồng Chum
•   "Không phải là vũ khí luận"
•   Đối đầu ở Quảng Trị
•   Trận cuối cùng
•   Nhớ mãi bài thơ "Giã gạo"
•   Vị tướng khéo dùng quân
•   Cuộc gặp gỡ bất ngờ thú vị
•   Về nhà chưa hết việc quân
« Sửa lần cuối: 25 Tháng Giêng, 2021, 06:27:47 pm gửi bởi ptlinh » Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #1 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 10:47:59 pm »

Lời thưa trước cùng bạn đọc


   Đất nước có giặc, tuổi trẻ cầm súng lên đường đánh giặc cứu nước, đó là lẽ thường tình. Giặc giã lại triền miên ba bốn chục năm ròng, đánh xong giặc nếu còn sống trở về thì cũng là trọn cuộc đời một con người sống giữa nhân gian nặng lòng trung với nước, hiếu với dân, coi việc cầm súng là một sự nghiệp.
Biết làm sao được. Đất nước có giặc mà! Và đường binh nghiệp trở nên thiêng liêng đối với triệu thanh niên trong đó có tôi, dẫu cho nó phải trải qua muôn vàn sóng gió và ghềnh thác.
  
     Tôi không dám so sánh với biết bao đồng đội của tôi đã phải nằm lại chiến trường không thể trở về. Và chính anh em đã tạo nên con đường binh nghiệp cho những ai đi hết cuộc chiến tranh cứu nước vĩ đại của dân tộc.

     Đường binh nghiệp của tôi được kể ra trong những trang hồi ức chiến trận này cũng không ngoài ý nghĩa tôn kính đó, đồng thời cũng là để minh chứng cho một góc nhỏ của lịch sử quân sự mà các đơn vị thân yêu của tôi đã bao phen xông pha lửa đạn. Tôi thiển nghĩ đây là tình cảm và đây cũng là trách nhiệm.

     Tôi vốn là nông dân nghèo ít được học hành phải nhờ bạn hữu giúp đỡ chỉ dẫn mới hoàn thành được công việc văn chương mà tôi cảm thấy nó cũng khó khăn không kém gì đánh trận. Tôi chân thành cảm ơn các anh Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Đình Tiên, Tạ Hữu Yên, Đinh Khánh Vân . . . những người bạn tri âm, tri kỷ, chính là những cố vấn chí nghĩa chí tình đã khích lệ cổ vũ tôi rất nhiều.

      Nhân dịp tập ký ức chiến trận Đường binh nghiệp của tôi ra mắt bạn đọc, tôi xin được nhắc tới cố Nghệ sĩ Nhân dân Tào Mạt. Sinh thời anh cũng là tri âm, tri kỷ của tôi, thường cùng nhau uống rượu, bình thơ. Hồi anh gặp phải bệnh hiểm nghèo, tôi đến thăm anh tại Viện Quân y, chuyện văn chương vẫn là đầu câu chuyện mà dường như nó lại sâu sắc và lắng đọng hơn bất cứ bao giờ. Anh bảo tôi: Hãy cứ viết những cái thật nhất và xúc động nhất của đời mình.

     Vâng! Thưa bạn đọc! Đường binh nghiệp của tôi chính là những cái thật nhất và xúc động nhất của đời tôi.

   NGUYÊN CHUÔNG
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #2 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 10:49:40 pm »

Thiếu tướng NGUYỄN CHUÔNG

Sinh ngày 15-8-1927, tại xã Thượng Nông, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ.
Tham gia quân đội 19-8-1945.
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 20-7-1947).

THÀNH TÍCH CHIẾN ĐẤU:
- Huân chương Chiến công (hạng l-2-3)
- Huân chương Giải phóng (hạng 3)
- Huân chưng Chiến thắng (hạng l-2-3)
- Huân chương Quân Công tổng kết chiến tranh (hạng 2-3)
Huân chương Chiến thắng hạng Nhất.

CÁC TÁC PHẨM ĐÃ XUẤT BẢN:

In chung: Binh đoàn sông Thao.
In riêng: Đường tới chân trời, Tim tôi thắp lửa, Dậm dài trên đất Triệu Voi (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân).


Thơ
Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt
tặng thiếu tướng Nguyễn Chuông

Phiên âm:Thập lục dĩ tòng ngũ
Lục thập vị hoàn hương
Bắc phong xuy bạch phát
Lục diệp tế thanh trung.
Huyết hãn lưu thiên lý
Đồng kiên quải bách sang
Trường đồ hữu thiết cước
Bảo quốc trấn biên cương.

--------------------------

Nghĩa là: mười sáu tuổi đã nhập ngũ. Sáu mươi tuổi chưa về làng. Gió bấc vẫn thổi tung mái tóc bạc. Đôi vai đồng đã vác trăm súng. Mà đường dài vẫn đôi chân sắt. Đi giữ nước trấn biên cương.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #3 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 11:38:48 pm »

KỶ NIỆM NGÀY LÊN ĐƯỜNG
 
    Ngày lên đường của tôi không có người đưa tiễn. Nói cho đúng hơn: Tôi trốn nhà ra đi, nên gia đình tôi chẳng ai hay biết gì cả. Mọi thứ cần thiết tôi đều phải chuẩn bị bí mật âm thầm. Bộ quần áo cũ, chiếc lược, chiếc gương con, tôi đã gói trong chiếc khăn vuông đen giấu sẵn vào ổ rơm góc bếp. Phải đi thật nhẹ chân, đến sát giường, mở căng mắt tôi mới nhìn rõ mặt mẹ và mấy đứa em. Con Khánh gầy, tay ôm lấy mẹ, thằng Khải mặc độc chiếc quần cộc nằm co đầu gối lên tận ngực. Sáng mai, nếu mẹ tỉnh dậy, thấy vắng tôi, chắc mẹ sẽ rất lo buồn. Tôi chỉ ân hận, khi ra đi không nói được gì với mẹ. Còn các em tôi, biết bao giờ tôi mới gặp lại. Tôi đã đứng lặng một hồi lâu, nước mắt không cầm được, tôi phải bước vội ra sân để khỏi bật thành tiếng khóc . . .

     Những ngày bình thường, nào mấy ai chú ý tới cảnh vật quanh mình. Nhưng, tới khi sắp sửa phải từ giã nó, tôi cứ muốn nán lại mà ngắm nhìn da diết. Ngôi nhà tranh chật chội, từng che chở cho gia đình tôi những tháng năm nghèo đói. Mảnh vườn hẹp trồng đầy sắn và dong riềng,  có cây khế đứng lặng yên như cái ô đem cắm xuống đất. Người làng tôi nói rằng: chôn mèo đen dưới gốc cây khế thì trái chua thành trái ngọt. Tôi đã xin tới mấy con mèo đen chôn vào gốc khế, mà cây khế vẫn ra những trái chua chát, gia đình tôi vẫn nghèo khổ. Cây khế không có trái ngọt ngào và tôi ra ngoài đường vẫn gặp bao người đói rách. Có lần, thấy tôi đào gốc khế chôn mèo, mẹ tôi chép miệng: "Khế nhà ta chua tự mấy đời rồi con ạ?".

     Đi cách nhà được một đoạn, nghe có tiếng động ở đằng sau, tôi quay lại. Thì ra con chó nhà tôi, chẳng biết nó ngủ bờ, ngủ bụi ở đâu, thấy tôi, nó chạy theo vẫy đuôi tíu tít. Tôi dừng lại, nó quấn lấy người, nhảy chồm chồm, cào hai chân trước lên quần áo, thè lưỡi liếm tay tôi rồi kêu ư ử. Tôi bước đi, nó đè cả mình lên chân tôi cản đường, bộ lông vàng mịn cọ vào thịt da tôi như muốn giữ tôi ở lại nhà với nó. Tôi ngồi xuống, cởi bọc hành lý cho nó một củ khoai chờ nó ăn xong, tôi ôm nó về nhà xích lại, vuốt ve nó lần cuối cùng. Ra khỏi ngõ, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng nó kêu ư ử, chắc hẳn nó còn muốn chạy theo tôi một lần nữa.


*
*       *
   
   
     Quá nửa đời người dành dụm, bố tôi mới tậu được dăm sào ruộng nhà Lý Ninh bị phá sản và bị tên Điền tịch thu toàn bộ ruộng đất. Tên Điền viện lý này lẽ khác nói số ruộng Lý Ninh bán cho nhà tôi không có văn bản hợp pháp, rồi tịch thu một nửa. Bố tôi chỉ là một người dân nghèo nên kiện cáo năm lần, bảy lượt cũng chẳng ăn thua gì. Nhiều lần chú Hội bàn với bố tôi:

       -   Tôi nghĩ cánh nhà mình chẳng có quyền thế gì trong làng, cứ để chúng nó đè đầu cưỡi cỗ mãi, uất ức lắm. Hay bác, và em bán nốt mấy sào ruộng rồi hùn vốn mua lấy cái chức Phó lý.

      - Trời ơi! Chú bảo bán ruộng đi thì treo cổ lũ con nhà này lên à - Bố tôi hỏi vặn lại.

     - Bác cứ mạnh dạn nghe em, khó khăn thì nương nhờ vào họ hàng. Với lại, phải có gan như thế thì cả họ mình mới được nhờ.

     - Nhưng tôi có biết chữ đâu, làm chức tước ít ra cũng phải viết được cái văn tự chứ.

     - Miễn là bác cứ có được chức tước, còn mọi việc em lo liệu hết. Em mà không bị vu oan hai cái án thì em tranh cử lâu rồi.

     Bố tôi ngồi thần ra một lúc, rồi đứng dậy nhìn chú Hội, nói như quát:

     - Từ nay chú đừng bàn chuyện đó với tôi nữa. Làm Phó lý để bòn mót của dân à, dẫu chịu là hạng cùng đinh tôi cũng chả thiết chức tước.

     Chú Hội khuyên bố tôi không được, đành buồn chán bỏ về. ở làng Thượng Nung này, chú Hói là người bị kẻ quyền thế bóc lột nhiều nhất. Trong làng chú mang nặng oan ức và thù hận. Chú đi kiện bọn Phó lý, Chánh tổng về chuyện cướp bóc ruộng đất. Trong vòng ba năm, đơn kiện chẳng ăn thua gì mà chú còn bị bọn chúng buộc cho những tội tày trời. Một lần gặp người chết chú mang chôn, bị chúng khép tội giết người. Một lần khác, đang đêm có đám cháy, chú chạy đến chữa cháy và kêu cứu, chúng khép tội đất nhà. Chú Hội vốn thông minh lại biết dăm ba chữ nên chúng càng cố tình dìm xuống bùn đen. Thế vẫn chưa yên, đã quá tuổi bốn mươi chú mới lấy được vợ. Vợ chú là vợ cũ của tên địa chủ Hạnh, vì lấy nhau không có con bị hắn bạc đãi và ruồng bỏ. Khi chú Hội lấy thì tên Hạnh khép tội lấy tranh vợ hắn. Bố tôi đành phải bán ít ruộng còn lại chuộc tội cho chú. Từ đấy, gia đình tôi chỉ còn hai bàn tay trắng. Bố tôi phải sang nhà tên Chiếu xin cấy nộp tô. Nhiều năm mất mùa, tô không được giảm, nộp tô, nộp thuế xong cũng là lúc phải vét bồ. Làm ruộng nộp tô còn phải thưa ông, bẩm bà, vào luồn ra cúi đủ điều. Quanh năm nhà tên Chiếu có bao nhiêu cái giỗ bố tôi phải nhớ hết. Giỗ to thì con gà chai rượu, giỗ nhỏ thì nải chuối, thẻ hương. Cứ thế, gia đình tôi càng ngày càng lâm vào cảnh nghèo đói.

     Làm ruộng chẳng đủ ăn, bố tôi phải lặn lội hết đồng Nung sang đồng Dàm kiếm cá. ông cụ dầm sương dãi nắng suốt ngày, nên người cứ đen thui. Nhà neo người làm, hơn mười tuổi đầu, tôi phải theo bố đi đánh cá. Cứ mỗi buổi chiều đi chăn trâu về, tôi khệ nệ vác tấm lưới to
bè trên lưng theo bố ra đồng. Trời rét như cắt ruột mà hai bố con chỉ mặc manh quần cộc. Khi chờ cá lên vật đẻ, tôi thường lấy tấm lưới choàng kín người rồi ngủ thiếp đi. Vừa ấm chỗ, bố tôi đã giục:

      - Dậy đi Chuông! Ngủ gì mà gớm thế.

      Chỉ cần ông cụ giục một lần, tôi đã bật dậy ngay lập tức. Nếu chậm, có thể bị ăn đòn vì tính ông cụ nóng như lửa.

      Khi thả lưới bố tôi thường cắm một đầu vào bờ, một đầu căng dài ra, rồi quây quanh lại thành một vòng tròn khép kín. Tôi ra sức lấy sào đập, dùng chân khua, tát té bì bõm. Chỉ cần không nghe tiếng khua nước là bố tôi lại quát tháo. Cho đến lúc đám ruộng chăng lưới bùn sục lên đầu gối, chân tay tôi cứng đờ, thâm tím, bố tôi mới cho nghỉ. Đánh được cá bố tôi đổi gạo đem về nấu cháo. Những ngày hết gạo, gia đình tôi chỉ còn biết trông vào mẻ lưới rủi may. Da thịt, đầu tóc tôi lúc nào cũng tanh tưởi mùi cá, mùi bùn. Chẳng bao lâu, tôi đã học được nghề thả lưới.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #4 vào lúc: 03 Tháng Mười, 2009, 11:41:30 pm »

      Cảnh nhà nghèo túng không được đi học, nhưng tôi rất ham học. Đi chăn trâu, đánh cá về nhà là tôi lại ê a đánh vần. Đôi khi buồn bực, bố tôi lại quát:

      -   Thôi im đi kẻo điếc tai tao? Nhà người ta có của, lễ lạt thì theo học mới làm nên ông cử, ông quan, còn chúng mày học để đi cày thuê à?

    Chửi vậy, nhưng bố tôi lại rân rấn nước mắt. Thế là tôi không được theo học. Tuổi thơ phải chăn trâu, thả lưới đế nuôi thân. Hàng ngày cưỡi trâu ra ngõ gặp lũ trẻ con nhà giàu cắp sách đi ngược về phía mình, tôi thấy buồn vô hạn. Ngôi trường không bao giờ dành chỗ cho tôi học.
Buồn chán và tủi cực, tôi lấy roi quất mạnh con trâu cho lồng vượt qua bọn trẻ.


*
*     *

      Cảnh sống lầm than, đói rách trong làng tôi ngày càng thêm nặng nề. Đi đâu cũng thấy người ta nói chuyện nợ nần, tô tức, chuyện lính Tây bắn giết đồng bào. Làng Thượng Nung của tôi bao nhiêu người đói khổ, bao nhiêu người bỏ đất bồng bế nhau đi. Hôm qua có người chết đói ở đầu làng, hôm nay có người chết đói ở bờ ruộng. Giếng giữa làng tôi nước vẫn trong, nhưng không phải nước hồi sinh cứu đói. Cánh đồng Nung cá nhiều, lúa lắm, mà con người Thượng Nung vẫn đói khổ, bần cùng.

      Cũng thời gian này, khắp nơi rộn lên những tin khởi nghĩa giành chính quyền. Rồi những danh từ "Cách mạng", "Việt Minh" lan tràn đến mọi người. Đầu tiên, tôi nghe nói Việt Minh đánh đuổi bọn Tây, Nhật giành tự do, độc lập lật đổ bọn địa chủ gian ác, đem cơm no, áo ấm cho
dân nghèo. Tôi dần dần hiểu ra chỉ có đi theo Việt Minh thì mới xóa được cuộc đời nô lệ. Khi tôi gợi chuyện xin đi Giải phóng quân thì cả nhà đều sửng sốt. Mẹ tôi vừa khóc vừa nói:

      - Bố mày mới mất, nắm cỏ ở gần cây đa bến Chuồm chưa xanh, chị mày mới đi lấy chồng, mày mới đỡ đần được đôi việc giờ lại bỏ đi, mẹ biết làm ăn, sinh sống ra sao?

     Mẹ tôi không nói, tôi cũng biết cảnh nhà như vậy, nhưng lẽ nào tôi cứ phải sống một cuộc sống tối tăm mãi. Gia đình tôi quanh năm vất vả mà vẫn đói rách. Bố tôi phải làm lụng cực nhọc, đến lúc chết ông vẫn còn mang theo cơn đói, bệnh tật. Các em tôi và tôi không được học hành. Những điều đó thúc ép tôi phải ra đi, tôi làm sao nói cho mẹ tôi hiểu hết được.

      - Mẹ ở nhà có nhiều cái khốn khó, con nhờ các chú, các bác giúp đỡ mẹ những khi ốm đau. Về phần con, con đã suy nghĩ kỹ rồi.

      - Mới mười sáu tuổi đầu, chứ nhớn nhao khỏe mạnh gì cho cam. Tao không cho mày đi đâu hết. Ở nhà còn có xóm làng, ra ngoài tao lo lắm.

      Mẹ tôi vừa nói vừa khóc.

     Tôi vượt qua cánh đồng trong, gió thổi ù ù. Ban đêm, nhìn vào đâu cũng thăm thẳm.  Bước đi trên đường làng, đầu óc tôi nghĩ lung bung đủ mọi chuyện. Tôi tin rằng, ngày mai, đêm mai, không thấy tôi cả gia đình sẽ khóc lóc, sẽ đi tìm mọi nơi. Nhà chỉ còn hơn chục bát gạo, ăn hết rồi thì biết trông cậy vào đâu. Cả những gì tôi chưa nghĩ tới thì lúc này cũng nảy ra: số tiền trong túi tôi tiêu thật hà tiện cũng chỉ được năm ngày. Khoản tiền này do người anh rể lấy trộm của gia đình cho tôi. Biết thế nào bà cụ cũng mắng anh, tôi từ chối:

     - Anh để tiền cho bà đong gạo nuôi các cháu. Em ra đi kham khổ rồi sẽ quen dần . . .

     - Không! Cậu cứ phải nghe anh cầm lấy số tiền. này. Ở nhà rau cháo cũng xong thôi, ra ngoài còn có anh em nữa chứ!

     Anh nói rồi cố tình tìm cách nhét tiền vào túi áo tôi. Thấy thái độ anh có vẻ dứt khoát, tôi phải ngoan ngoãn nhận tiền.

     Tới vị trí tập trung, anh Khang, anh Đình, anh Phẩm đều có mặt. Chúng tôi nhanh chóng giục nhau lên đường kẻo trời sáng. Tất cả mấy anh em ra đi đều giấu gia đình.

     Đến lúc đó, tôi mới thực sự lo về bước đường sắp tới của mình. Biết đến bao giờ mới gặp các anh Giải phóng quân? Nếu có gặp, người tôi nhỏ thế này chắc gì các anh ấy đã nhận? Nếu không nhận, tôi biết đi đâu? Quay về làng ư? Không được, vì mấy tháng nay, tôi đã nuôi cho mình một ý nghĩ phải ra đi. Ở thị xã, tôi làm gì để kiếm sống? Không, nhất định tôi phải xin vào Giải phóng quân bằng được. Có lẽ, bốn anh em mỗi người đều theo đuổi những ý nghĩ miên man. Anh Khang đeo tay nải bước đi trước, ba chúng tôi lầm lũi theo sau, không ai nói với ai một lời.  Đằng đông ửng lên một vệt mây hồng. Sao trên trời dần tắt. Trời bắt đầu sáng.

     Xóm làng lân cận hiện ra những mái cọ lúp xúp dưới bóng tre xanh thẫm. Con sông Hồng vào độ tháng chín, nước đỏ ngầu, với sức vóc rộng dài, hung dữ. Nó chảy cuồn cuộn, liên tiếp cuộn lên từng đợt sóng lớn. Con đường Hăm Bốn như rộng thêm ra. Hai bên đường, những hàng cây nối nhau lực lưỡng. Cây me lá xanh rợp mát, cây phượng đã qua mùa thắp lửa, chìa ra một loạt quả gầy khô. Chưa bao giờ tôi thấy đất trời cao rộng đến thế. Toàn tâm trí tôi bị cuốn hút vào thực tại, vào cảnh trù phú của miền quê trung du yêu dấu. Chính phong cảnh giàu đẹp, trù phú này đã nhói lên trong tôi một câu hỏi: Tại sao, những cánh đồng tươi tốt, những bãi sông đầy mía và chuối kia không nuôi sống được con người?
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #5 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 08:48:13 pm »

     Càng gần tới thị xã Phú Thọ, tôi càng gặp nhiều tốp người ăn mặc rách rưới, gồng gánh kẻo nhau đi. Nhiều người trèo lên cả cây phượng hái quả nhai rau ráu. Không cần hỏi, tôi cũng biết đó là những người ăn xin. Về phía chúng tôi, bề ngoài cũng chẳng khác gì họ, cũng tay xách, nách mang, cũng vẻ mặt phờ phạc, mệt nhọc. Chỉ có điều, họ và chúng tôi mục đích khác nhau: Họ đi ăn xin tạm kiếm sống cho mình. Còn chúng tôi đi với ước mong xóa bỏ kiếp người đói khổ.

     Đoàn người ăn xin cứ đông lại dần, không hiểu thị xã Phú Thọ có gì bảo đảm nuôi sống họ mà họ kéo nhau lên đông như vậy. Lúc đầu, thấy một chiếc xe chở đầy người chết đi từ thị xã về phía Hạ Thạch, tôi đã hoảng, sau lại thấy bốn năm xe nữa. Những người đẩy xe gầy nhẳng, bịt khăn kín miệng, chốc chốc lại thở phậm phì. Không biết vì sao họ chết nhiều đến thế. Câu hỏi này được trả lời sau khi tôi đã đặt chân vào thị xã.

    Chúng tôi vừa ngồi vào một quán ăn nhỏ, mụ bán hàng béo mũm mĩm đã vội xua té:

     - Ra ngay! Các anh ra khỏi hàng tôi ngay!

     Chẳng hiểu có chuyện gì chúng tôi ngơ ngác nhìn nhau, chủ quán lại thét lên the thé:

     - Các anh là những kẻ ăn quỵt chứ làm gì có tiền mà nghênh ngang vào đây.

    - Bà cứ bốc cho chúng tôi mỗi người một bát bún, chúng tôi sẽ trả tiền trước khi ăn - vừa nói anh Phẩm vừa rút tiền đặt trước mặt mụ. Một tay mụ chan nước vào bát bún, một tay mụ nhét tiền vào túi, mụ xuống giọng làm lành:

     - Thế mà tôi cứ tưởng các anh đến ăn quỵt hàng tôi như bọn hành khất cơ đấy.

     Từ thuở bé tới giờ, tôi mới được chứng kiến quang cảnh nhộn nhạo của một thị xã. Tôi đứng ngây người ngắm những dãy nhà hai, ba tầng chạy dọc phố. Mỗi nhà là một cửa hiệu trưng bầy đủ mọi thứ. Những chủ hiệu luôn mồm chào hỏi những người ăn mặc lịch sự. Dưới lòng đường: người, ngựa, xe bò, xe kéo đi lại nhộn nhịp. Có những người có vẻ sang trọng, nhưng vô vàn người rách rưới, bê tha. Có tốp người gồng gánh đi mải miết. Lại có tốp người chìa tay xin tiền, hoặc nhặt bã mía, lá bánh. Có những người chẳng nói năng gì, chỉ đứng trước cửa hàng ăn nhìn hau háu vào đ a cơm, bát phở. Chợt có tiếng kêu thất thanh:

     - Bắt hộ tôi thằng ăn cướp, các ông, các bà ơi. Một cậu bé vừa cướp được một mẩu sắn luộc bị mụ bán hàng đấm vào lưng túi bụi.
Thị xã ồn ào như muốn vỡ bung ra. Nhìn vào đâu cũng thấy những người đầu tóc bù xù, chân tay ghẻ lở, luôn mồm rên rẩm:

     - Lạy ông, lạy bà, chúng con là kẻ khốn cùng. Xin ông bà rủ lòng thương xót.

     Người này xin không được vừa quay ra, người khác đã xông tới van lạy. Họ xin vét từng cái bát ăn, xin cả củ khoai, mẩu bánh hoặc cây rau cải đã úa vàng. Thương nhất là bọn trẻ con, chúng nhai từng cái lá, nhai cả từ cái bã mía người ta vừa vứt đi. Đứa kêu khóc hu hu, đứa nằm thở thoi thóp, ruồi nhặng bâu đầy. Có trời mà biết được hiện giờ nhà cửa, cha mẹ chúng ở đâu.

     Đi trên đường phố thị xã, đầu óc tôi quay cuồng, lảo đảo như lên cơn sốt. Đột nhiên có mấy tiếng hú dài càng làm tăng thêm bầu không khí náo động. Tôi giật mình thốt lên:

     - Anh Phẩm ơi! Con gì mà nó kêu to thế?

     - Mày ngốc quá! "Con tàu” chứ còn con gì nữa.

     Anh vừa nói xong thì "con tàu” đồ sộ đã lao tới. Nó thở hồng hộc như một con thú hung hãn bị trúng thương, phun ra làn khói đặc sệt. Hơi nước và bụi than phả vào mặt tôi rát rạt. Tôi đuổi theo con tàu, nhưng mới chạy được vài bước thì con tàu đã lao qua hàng chục mét. Những người ngồi trên tàu thò đầu và tay ra cửa sổ vẫy gọi:

     - Có đi Giải phóng quân không?

     - Lên đây, có đi Giải phóng quân thì lên đây!

     Anh Khang, anh Phẩm, anh Đình và tôi đều khoa chân, múa tay reo hò:

     - Hoan hô Giải phóng quân! Các anh cho bọn tôi đi theo với!

     Tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động, đoàn tàu đi qua rồi mà chúng tôi vẫn đứng nhìn theo hối tiếc. Ước chi đoàn tàu dừng lại để chúng tôi được đi cùng các anh.

     Chúng tôi gặp đơn vị Giải phóng quân ở dinh tỉnh trưởng cũ. Trông thấy một toán người đầu đội mũ ca-lô đang túm năm, tụm ba trên bãi cỏ, anh Khang tiến lại hỏi:

     - Chúng tôi xin nhập Giải phóng quân. Nhờ các anh chỉ giúp nơi làm thủ tục.

     Một người đầu tóc còn đỏ bụi, nét mặt chất phác, giơ bàn tay to bè vỗ vào vai anh Khang:

     - Các cậu ở quê lên đây phải không? Hay lắm, cứ có đủ sức khoẻ, khai tên tuổi rõ ràng là được vào Giải phóng quân thôi.

     Anh chỉ tay về phía căn nhà có treo lá cờ đỏ sao vàng nói tiếp:

     - Đến nhà kia, gặp cái ông gầy, có râu quai nón mà trình bày nhé?

     Chúng tôi dạ vâng răm rắp rồi kẻo nhau tới căn nhà có lá cờ đỏ Anh Khang trình bày rõ tên tuổi và nguyện vọng từng người. Tôi thấy ông râu quai nón gật đầu tỏ vẻ đồng tình. Chợt ông nhìn xoáy vào tôi, cái nhìn khiến tôi giật mình, giọng ông nói thân mật, nhẹ nhàng nhưng vẫn làm tôi sợ:

     - Chú tên là Chuông à? Tên kêu quá nhỉ, năm nay bao nhiêu tuổi rồi?

     - Thưa, năm nay cháu mười sáu tuổi ạ!

     Tôi định khai tăng lên mười tám tuổi thì lại buột mồm nói mười sáu. Dường như trước mặt ông, tôi không đủ bình tĩnh để nói dối.

     - Thôi, thế thì trở về ở nhà với mẹ thêm hai năm nữa. Mười sáu tuổi, gầy guộc vậy đi theo Giải phóng quân sao được!
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #6 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 09:00:41 pm »

     Nghe câu đó, tôi như người bị đẩy ra dòng nước xoáy mà chưa tìm được cách vào bờ. Mồ hôi ướt đầm trên trán, giọng tôi nói run run:

     - Em trốn nhà ra đi! Các bác cho em ở lại...

     - Trốn nhà ra đi à? Ha ha, chắc là bị ăn đòn phải không?

     - Không ạ!

     Biết mình nói năng lúng túng, vụng về, tôi nhìn anh Khang cầu cứu. Anh Khang vội đỡ lời:

     - Thưa anh! Nó trốn nhà ra đi vì nghèo khổ, muốn làm cách mạng. Nếu anh không nhận vào Giải phóng thì nó chẳng biết đi đâu, làm gì để kiếm sống. Bọn chúng em có bố đứa cùng làng với nhau, mong anh vui lòng cho nó ở lại.

     - Nhưng chú ít tuổi, thấp bằng súng thì đánh giặc sao nổi.

      -Thưa bác? Bác giao việc gì em cũng làm được ạ!

     Dường như người có râu quai nón vẫn còn đắn đo, do dự. Chúng tôi nhìn ông, chờ đợi câu trả lời thì ông nói lảng sang việc khác:

     - Đi đường xa về đây chắc các đồng chí đói rồi. Bây giờ hãy nghỉ ngơi ăn cơm chiều ở đây. Việc này tôi phải bàn thêm với ban chỉ huy đã nhé.

     Tôi không ngờ nguyện vọng của tôi được chấp nhận dễ dàng đến thế. Cơm nước xong xuôi, chúng tôi được phát quân trang và sắp xếp ở ngay. Người có râu quai nón nói đây là nơi nhận quân, chỗ ở chỉ là tạm thời. ông còn phân bua: "Cơm nhà binh độn nhiều ngô vì phải dồn gạo về các nơi cứu đói“.

     Đội chiếc mũ ca-lô lên đầu, tôi có cảm giác như mình đang nằm mơ. Có lẽ nào sự việc lại diễn biến nhanh chóng đến thế được, chiều qua tôi còn ở nhà chiều nay tôi đã là anh Giải phóng. Anh Khang, anh Phẩm đều bình luận: Thằng Chuông đội mũ ca-lô vào trông lớn hẳn ra. Tôi rút chiếc gương con ở túi, soi đi soi lại, ngắm mãi mình mà không chán mắt. Ô! Anh Khang nói đúng, tôi lớn lên thật rồi.

     Bỗng nhiên, tôi nhớ về câu chuyện bà tôi đã kể bên bếp lửa thuở nào. Đó là đêm mùa đông gió buốt, tôi nép và lòng bà để nghe rõ những lời rì rầm, chậm rãi:

     Ngày xưa, có một chàng trai sống một cuộc đã nghèo khổ, bỏ làng ra đi mong tìm gặp chân trời. Chàng trai ấy ngây thơ nghĩ rằng, ở nơi đó có cung điện, đền đài không cần xây vẫn mọc lên, có loài cây toàn ra trái bạc, trái vàng, có dòng sông chảy ra sữa ngọt. . . Nghĩa là ở chân trời mọi thứ đều có sẵn, con người không phải đổ mồ hôi, đổ máu để sinh tồn. Chàng trai hy vọng tìm cho mình cảnh sống giàu sang sung sướng.

     Chiếc bị vừng nặng trên vai, chàng trai rải dọc đường đi mỗi ngày một hạt. Đi qua mùa xuân rồi đến mùa đông, năm này qua năm khác những hạt vừng để dấu dọc đường đã mọc thành cây vừng, cây vừng lại mọc thành mùa vừng, người đó vẫn ra đi và đi mãi. Chợt có tiếng hú rùng rợn từ vách đá vọng xuống :

     - Này, ông lão kia ơ! Hãy dừng lại. Chân trời lão mơ tưởng không bao giờ có được đâu.

     Chàng trai giật mình: Tại sao? Có ai gọi ta là ông lão. Đến một dòng suối xanh biếc, chàng trai soi bóng mình xuống đó, thì chao ôi: mái tóc khi nào còn xanh đã bạc trắng tự bao giờ. . .


     Ngày nay, tôi cũng đi để tìm gặp chân trời. Tôi cũng đói khổ, rời làng như chàng trai ngày xưa, nhưng tôi không đi để tìm riêng cho mình cuộc đời sung sướng. Tôi đã thành Giải phóng quân. Với khẩu súng trên vai, con đường dài phía trước, tôi biết, có nhiều gian nan, vất vả và cuộc hành trình mới bắt đầu.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #7 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 09:25:18 pm »

CÂU CHUYỆN NHỚ ĐỜI

     Trong đời mỗi người, ai chẳng có những kỷ niệm ấm lòng, dù chỉ một lần. Cuộc đời chiến sĩ cầm súng của tôi trên chặng đường đánh giặc, huấn luyện và xây dựng đơn vị hơn bốn mươi năm qua, có biết bao nhiêu điều đáng nhớ, đáng ghi.

     Đọc những trang sách viết về các bà mẹ Việt Nam, một kỷ niệm đẹp trong tôi bỗng thức dậy. Bởi câu chuyện này tôi vẫn không bao giờ quên.

     Ngày ấy, vào một mùa hè nắng chói chang. Quê tôi, một vùng trung du, trời cao vời vợi không một gợn mây, nóng hầm hập. Phú Thọ như gồng mình chịu cái nắng đổ lửa, trong tiếng cuốc kêu khắc khoải của mùa hè 1946 cũng như sau đó, chúng tôi chịu cái rét đến tê tái của mùa đông.

     Bấy giờ, tôi là một chiến sĩ Giải phóng quân vào tuổi mười bảy. Tuy ít tuổi đời, nhưng tôi đã có hai tuổi quân. Chi đội tôi do anh Ấn "trắng' chỉ huy. Anh ấn vốn là học sinh, nước da trắng mịn, nên bọn tôi gọi là Ấn "trắng”. Chi đội có ba trung đội Âu Cơ, Độc Lập và Quyết Thắng. Cán bộ chiến sĩ của chi đội là "Anh hùng của bốn phương tụ hội”, mũ nan, mũ ca-lô, giày ba-ta và dép lốp, đứng dưới lá cờ đỏ sao vàng.

     Chi đội là một cái nôi ấm cúng, đủ thành phân xã hội, nông dân, thợ thuyền, học sinh, thầy giáo và cả lý trưởng, lái buôn, cả lính khố xanh và khố đỏ, miễn là mỗi người đều biểu hiện được lòng yêu nước, căm thù giặc của mình sôi sục quyết tâm chiến đấu để bảo vệ chính quyền non trẻ mà nhân dân ta vừa mới giành được, bởi cuộc Cách mạng tháng Tám năm bốn lăm.

     Tôi, Sĩ và Thanh là một tổ ba người, thuộc trung đội Quyết Thắng. Tổ "tam tam" chúng tôi thân nhau hơn anh em ruột thịt, thương nhau hết lòng. Sĩ và Thanh hơn tôi ba, bốn tuổi. Tuy vậy ba chúng tôi đều "bằng vai phải lứa", xưng là cậu, tớ hoặc mày, tao. Quê Sĩ ở Bến Then, quê Thanh ở Thanh Cù, quê tôi ở Thượng Nung. Sĩ là học sinh, Thanh xuất thân là nông dân nhưng học khá. Chỉ có tôi nhà nghèo quá, nên học được ít.

     Cách mạng thành công rồi, tôi đã trở thành một chiến sĩ Giải phóng quân, nên sự ham mê học chữ chẳng kém gì người đói thèm cơm, người khát thèm nước. Tôi tranh thủ nhờ Sĩ và các anh Côn, Xuân, người trong trung đội, là thầy giáo cũ dạy thêm, có lúc dùng phấn viết lên cánh cửa, hết phấn dùng than, rồi lấy que "viết" lên nền đất, cốt sao luyện chữ cho đẹp và làm toán cho thông. Với lại, tôi còn dấu một nỗi niềm thầm kín của mình, là ở quê, tôi có người bạn gái tên là Lý. Tôi muốn viết những lá thư để bộc lộ lòng mình. Mà những lá thư ấy sao cho Lý đọc rồi không thể quên được. Từ ngày tôi đi Giải phóng quân, Lý đã gửi cho tôi ba, bốn thư, thư nào Lý cũng nói lên nỗi nhớ mong, chờ đợi và say đắm. Tôi còn nhớ lần ấy viết thư cho tôi, Lý đã ghi mấy câu thơ nôm na nhưng rất xúc động:

Bạn ơi , từ thuở phân kỳ
Người thì ở lại, kẻ đi sa trường
Riêng lòng em vẫn mơ màng
Tim em vẫn giữ bạn vàng chẳng khuây
Tuy rằng xa cách bấy nay
Lòng em chẳng lúc nào khuây nhớ mình.

     Gần hết tuổi 17, sắp bước sang tuổi 18, cái tuổi đẹp nhất của anh Giải phóng quân, cái tuổi chớm yêu và đi xa là nhớ, là mong, là nhiều đêm thao thức, càng thôi thúc tôi quyết tâm học chữ.

     Lần ấy, ban chỉ huy chi đội cử tôi đi đưa thư cho các đơn vị đóng quân quanh vùng đồi gần đấy. Cuối tháng 6, trời nắng chang chang, hoa phượng vào hè đỏ lửa. Tôi đi qua những đồi cọ xanh, những nương chè xanh trải ven bờ sông Hồng đỏ lự. Mỗi vùng quê đều có vẻ đẹp riêng của mình, quê tôi sau này là Vĩnh Phú, nơi đất tổ Hùng Vương, "thủ đô" của cọ và cũng là một trong những kho chè của cả nước. Tôi không dám nói nhiều về cọ nhưng nếu thiếu những tán lá như "Mặt trời xanh” thì tầm mắt nhìn sẽ nhức nhối biết bao, nhiều khi nắng tràn như đổ lửa. Các nương chè bám lấy sườn đồi nâng dần tấm thảm lên cao, góp một màu quê quen thuộc, làm thành bức tranh trung du ấm mắt.

     Men theo bờ sông Hồng, tôi đi mải miết, dòng sông chảy xuôi về phía Hà Nội, còn tôi đi ngược về phía Phú Thọ. Hành trang của người lính cách mạng chỉ có chiếc ba lô lép kẹp, trong đó có vài bộ quần áo màu nâu đã phai, màu lá cây đã nhạt, đầu đội mũ ca-lô tím, dính ngôi sao vàng, chân đi đôi dép cao su trắng, vai khoác khẩu súng trường, quần buộc túm nơi ống chân, một chiếc dây da to bản thắt ngang lưng, rõ ràng tôi đã là một anh Giải phóng quân rất có tư thế.

     Tôi cứ ung dung hành quân một mình. Đã đến thị xã Phú Thọ, đường phố ngập hoa phượng đỏ. Tôi có cảm tưởng như con đường được trải bằng than đỏ hàng ki-lô- mét. Tiếng chim cu gù trên cành xoan trong các vườn nhà. Tiếng trẻ con đùa vui trên đường phố. Đây đó tiếng rao hàng, tiếng còi xe làm cho cái thị xã nhỏ thêm náo nhiệt.

     Tôi ngồi nghỉ dưới gốc một cây phượng to, nhìn hoa phượng rụng đầy, tôi nhặt một bông hoa, bứt mấy cánh ăn có mùi vị chua chua, thì ra loại hoa này ăn được, cũng đỡ khát nước. Chuyến đi này trong túi tôi chỉ có ba xu, không hơn không kém. Vì ít tiền nên khi nào khát nước, tôi ghé vào các ngôi nhà ven đường xin nước lã uống. Là một chàng trai thôn quê, nên uống nước lã quen, cứ nốc hàng gáo, chẳng đau bụng đau bão gì. Ba xu lúc đó với tôi quý lắm, cắt cái tóc đúng kiểu chỉ mất có hai xu, nếu gặp người quen, thì chỉ mất một xu rưỡi. Bởi vậy tôi giữ ba đồng xu ấy, không ăn quà bánh, uống nước ở dọc đường.

      Nghỉ một lát, tôi lại đeo ba lô, vác súng thủng thẳng bước, trời nắng dữ, vừa đói vừa khát nước. Tôi đã đến Khải Xuân, một quán hàng nho nhỏ nấp dưới một bóng cây cổ thụ. Tôi đứng xa nhìn vào, thấy trên bàn gỗ mộc có mấy lọ kẹo vừng, kẹo lạc và dăm cái bát uống nước. Một bà trạc gần 50 tuổi ngồi bán hàng, tôi cú phân vân, có vào hay không, nếu vào có uống nước, ăn kẹo không? Cuối cùng tôi tặc lưỡi cứ vào ngồi nghỉ chân cái đã. Trong quán đã có người đang ngồi uống nước, ăn kẹo, tiếng điếu cày nghe giòn tan. Tôi cầm cái bát màu men đã ngả màu vàng, lật ngửa bát lên và nói từ tốn: Con xin mẹ bát nước. Bà chủ quán múc cho tôi một bát nước chè xanh bằng cái gáo dừa nhỏ. Hai tay bưng bát nước, tôi uống từng ngụm ngon lành. Chà! Ngon quá! Chè xanh Phú Thọ có thể liệt vào loại đặc
sản hiếm hoi, vị chát mà lại hơi ngon ngọt, uống đến đâu nghe mát ruột đến đó, cứ là tỉnh cả người ra và hình như đỡ mệt mỏi sau một chặng đường dài. Uống gần hết bát nước, tôi nhìn lọ kẹo vừng như nhìn vào một điểm ngắm phía trước mũi súng. Phải nói là tôi thèm, nhưng phải tính toán ăn mấy xu thì vừa. Một xu được mười một chiếc, không hiểu sao, lại không phải mười hoặc một tá để tròn mười hai chiếc.

     - Mẹ cho con một xu kẹo vừng - Tôi nói với bà chủ quán. Bà thong thả lấy đôi đũa tre gắp mười một chiếc kẹo ra đĩa, những chiếc kẹo nhỏ, rắn, chi chít hạt vừng bám ở ngoài. Tôi nhón một chiếc đưa lên miệng, sau một tiếng "cắc” nghe giòn tan, một vị bùi không thể tả được, ngấm vào từng chân răng, ngọt xớt. Cứ thong thả ăn từng chiếc một, loáng cái đĩa kẹo hết nhẵn. Vẫn còn thèm nhưng không dám ăn thêm. Trả một xu kẹo, trong túi chỉ còn có hai xu. Như vậy là "lưng vốn” quá mỏng rồi, tôi đứng dậy, loay hoay tìm tiền để trả. Lúng túng thế nào, mũi súng chạm vào lọ kẹo vừng, rồi nghe "choang” một cái, lọ kẹo rơi từ bàn xuống vỡ làm mấy mảnh. Thật là một tình huống bất ngờ, tình huống này đầy chất bi kịch. Tôi đứng nhìn lọ kẹo vỡ, chưa biết làm gì vì đột ngột quá. Trong lúc ấy, bà mẹ vụt đứng dậy, vừa nhặt những chiếc kẹo rơi tứ tung, vừa lẩm bẩm: "Anh làm khổ tôi rồi, mai lấy gì đựng kẹo mà bán. Anh không biết sao, cái giống kẹo vừng có hơi gió vào là nó chảy nước, ai người ta mua. Anh lấy tiền đâu mà đền cơ chứ? Rõ là hôm nay tôi gặp rủi, không biết ai xông hàng buổi sáng nay...".
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #8 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 09:38:55 pm »

    Tôi đứng như trời trồng bên chiếc ghế dài. Mấy người khách trả tiền xong rời quán, nên chỉ còn tôi với bà. Nghe bà mắng, tôi càng sợ, sợ đến bủn rủn chân tay. Tôi lo không đủ tiền đền chiếc lọ đựng kẹo bị vỡ và tôi nghĩ đến 12 điều kỷ luật của quân đội. Đánh mất cái kim của dân cũng phải đền cơ mà, huống hồ đây lại là một chiếc lọ thủy tinh hẳn hoi. Tôi lo lắng ngồi xuống ghế và cầu mong có đồng chí nào thuộc đơn vị qua đây, tôi xin tiền để đền. Và tôi quay mặt ra phía con đường vừa nhìn vừa ngó. Ngoài trời nắng đã tắt, chiều trung du đang xuống, một lúc sau đã thấy những ngọn khói bếp mấy nhà xung quanh tỏa dần lên các vòm cây cao. Sắp tối rồi. Thế là hết mọi hy vọng gặp người cùng đơn vị. Lòng tôi nặng trĩu và thú thật, lúc ấy tôi không biết mình phải làm gì. Chừng hiểu tâm trạng tôi, bà mẹ dịu dần, nhặt hết những chiếc kẹo rơi vãi cho vào một chiếc bình khác, rồi mẹ ngồi xuống ghế im lặng. Tôi đang lo một sự căng thẳng bao trùm lên chiếc quán nhỏ, bỗng nhiên mẹ hỏi tôi:

     - Quê anh ở đâu, đơn vị anh đóng quân gần hay xa?

     Tôi nghĩ câu hỏi của bà mẹ có lẽ là lời giải thoát cho mình khỏi tình trạng nan giải này, nên vừa mừng thầm trong bụng, vừa tìm cách trả lời sao cho không khí nhẹ nhàng, ấm áp.

      - Quê con ở Thượng Nung, cách đây không xa lắm. Nhà con nghèo, làm ruộng không đủ ăn, phải vỡ đồi trồng thêm sắn. Đơn vị con đóng quân gần đây thôi, đi khoảng ba bốn tiếng đồng hồ là đến.

      - Chiếc lọ kẹo đã vỡ rồi - Bà mẹ nói thủng thẳng – Tôi cũng không bắt đền anh đâu, các anh đi Giải phóng lấy tiền đâu mà đền. Lúc nãy, tôi nóng nói hơi quá lời, anh thông cảm. Nói thật, nhìn anh tôi biết, có lẽ anh còn kém tuổi con gái đầu lòng của tôi.

     Nghe bà mẹ nói, tôi mừng quá, nhưng vẫn áy náy, uống một bát nước, ăn một xu kẹo để rồi đánh vỡ chiếc lọ, thật là phiền phức. Tôi ngồi lặng im ngẫm nghĩ. Lúc ấy trời tối sẩm, muốn đứng dậy rời khỏi chiếc quán nhỏ, nhưng dùng dằng mãi, đắn đo mãi tôi chưa đứng lên được.

     Trong nhà, cô con gái lớn đã dọn cơm. Nghe bà mẹ gọi con, tôi biết tên cô là Tách, cô còn một em trai chừng tám, chín tuổi gì đó, em đang bưng nồi cơm từ bếp lên.

     Lúc ấy ông chồng bà cũng đã về. Ông là một nông dân thực thụ, khoảng ngoài 50 tuổi nhưng khỏe mạnh, nhanh nhẹn, rắn rỏi. Qua câu chuyện tôi biết gia đình ông từ thị xã Phú Thọ tản cư về đây. Bà mở chiếc quán nhỏ để có đồng ra đồng vào. ông vào núi Thắm vỡ đất làm vườn. Chắc là bà đã nói với ông về "sự kiện" chiếc lọ, nên ông nhìn tôi cười có vẻ thông cảm.

     - Thôi anh à, chuyện nhỏ, mà nhân bữa cơm tối, anh ở lại ăn cơm với gia đình tôi - Ông lên tiếng mời.

     Bà mẹ nói thêm, giọng vui vẻ:

     - Cơm quê mùa thôi. Bây giờ tối rồi, anh vào ăn cơm với mẹ, với các em cho vui. Khổ, từ trưa đến giờ đói rồi còn gì.

     Tôi đáp lý nhí:

     - Con chưa đói, bây giờ con xin về.

     Thật ra, tôi đã đói cồn cào. Nhìn vào mâm cơm toàn những món "hấp dẫn”, có một bát canh suông, một đĩa cà pháo, một đĩa cá diếc kho béo vàng. Nhưng không thể ở lại vì nhiều lẽ. Đánh vỡ chiếc lọ chưa có tiền đền, ăn xong bữa cơm, trời khuya khoắt ngủ lại không được, mà về thì trời càng tối đặc. Với lại biết lòng bà mẹ và gia đình rất tốt, bà đã xem tôi như con, tôi không muốn lợi dụng lòng tốt đó, chỉ mong sao có dịp thuận lợi khác sẽ đến thăm bà mẹ và gia đình.

*
*      *


     Tôi chào ông bà và cô Tách, em bé rồi bước ra đường. Trời tối nhưng có sao lưa thưa, tôi khoác cây súng đi trong đêm trung du mịt mùng. Lòng vừa vui vừa buồn, gió đêm mát rượi, tôi mở khuy áo ngực, hăm hở bước…

      Về đến nhà chị Quế khoảng 9 giờ tối, tôi đói mềm. Dạo ấy, các đơn vị bộ đội đều đóng ở nhà dân. Tổ "tam tam" của tôi ở nhà chị. Anh chị quý mến chúng tôi như các em của mình. Tôi vừa đặt ba lô xuống chiếc chõng tre vừa kêu: "Đói quá". Chị Quế đang lúi húi dọn dẹp, nghe tôi kêu đói liền bảo: "Ở dưới bếp có khoai luộc, em xuống lấy mà ăn, gạo cũng còn, em chịu khó thổi cơm ăn cho no bụng, có tép rang khô đấy!".

     Tôi vừa ăn khoai vừa kể "sự kiện lọ kẹo" cho cả nhà nghe. Sĩ, Thanh và anh chị Quế đều rất thông cảm. Chị Quế nói: "Nhà vừa bán con lợn, chị cho em hai hào mà đền”. Sau đó Thanh về nhà xin tiền, cho tôi ba hào nữa. Vậy là tôi giàu to, từ ba xu bỗng nhiên có tới năm hào, mà năm 1946 trong túi có năm hào phải nói là giàu chứ lị. Tôi nghĩ đến việc đền chiếc lọ bị vỡ. Đền tức là mình giữ vững 12 điều kỷ luật của quân đội. Với lại, sau này có cơ sở mà đi về, mình không có điều gì phải ngượng ngập, băn khoăn.

     Cả tổ nhất trí cử Thanh cầm tiền đi đền. Thanh ăn mặc chỉnh tề, vừa bảnh mắt đã lên đường. Chuyến đi này, Thanh có nhiệm vụ khá nặng nề. Thanh phải nói thế nào cho bà mẹ nhận tiền đền bù, lại phải giữ mối quan hệ tốt đẹp của tình quân dân.

     Đến nơi, nhà "lý luận" Thanh nói rất khéo. Anh nói với bà mẹ: "Nhà thằng Chuông rất nghèo, nó trốn nhà vào quân Giải phóng năm 16 tuổi. Chuông chăm học, ngoan nết và chịu khó. Nó ở nhà chị Quế, làm đủ việc: quét nhà, gánh nước, chẻ củi, không nề hà việc gì. Cả trung đội đều quý, đều thương nó. Sau việc đánh vỡ chiếc lọ đựng kẹo, nó áy náy băn khoăn mãi…" .

     Rồi Thanh nói đến chuyện xin đền lọ kẹo vỡ. Bà mẹ cười to, xua tay:

     - Ai bảo các anh đem tiền đến, đền với chùa cái gì? Hôm trước tôi nóng, nói vài câu thế thôi, chứ có để bụng để dạ gì đâu, các anh đánh giặc, máu xương còn chẳng tiếc nữa là. . .

     Hôm ấy, không biết bà mẹ mời chào thế nào mà Thanh ở lại ăn cơm đến chiều mới về. Khi về, cậu ta lại có bao thuốc lá Hoa Lư - loại thuốc ngon lúc bấy giờ, mời anh em hút. Thì ra, chuyện gì cũng có căn nguyên của nó cả, vấn đề quan trọng là do cô Tách, con gái cưng của bà mẹ "đạo diễn”. Cô nói nhỏ với bà mẹ: Mời anh ấy ở lại ăn cơm trưa, vì câu chuyện lọ kẹo còn dài. Bà mẹ mỉm cười, gật đầu. Vậy là Tách có dịp làm quen với Thanh. Năm ấy Thanh chừng 22, 23 tuổi. Cô Tách vừa tròn 20 tuổi. Về tuổi mà nói thì đẹp đôi rồi, còn tính nết, Thanh chân thật, thẳng thắn, anh nói chuyện có duyên và hát khá hay.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
baogt
Thành viên
*
Bài viết: 771



« Trả lời #9 vào lúc: 05 Tháng Mười, 2009, 09:46:18 pm »

      Thời ấy hình ảnh anh Giải phóng quân là một hình ảnh đẹp. Vẻ đẹp trước hết là ở đức tính hy sinh, sự chịu đựng gian khổ và quyết tâm chiến đấu không lùi bước trước bất cứ khó khăn, trở lực nào. Đôi vai người lính bấy giờ gánh rất nặng: Gánh sông núi, rừng biển, đồi nương, đồng ruộng, gánh cả vận mệnh dân tộc nữa. Nhưng mà tâm hồn trong sáng, tấm lòng thanh thản và vui nhộn, yêu đời ăn đói vẫn hành quân dẻo dai, thiếu súng dùng gậy tập luyện, đêm mưa nằm kể chuyện quê nhà, tối nào có trăng thì ngồi thành mấy vòng vỗ tay mà hát.

     Trung đội Quyết Thắng của tôi có mấy giọng nam vào loại nghe được, nên càng ham học hát. Những là "Anh em trong đoàn quân du kích", "Đoàn vệ quốc quân một lần ra đi”, rồi sang "Đời sống mới" có khi cao hứng hát "Em cứ đợi anh vê”. Thanh là một ca sĩ của đơn vị. Tôi nghĩ cô Tách yêu Thanh về đức tính đẹp, cũng có thể cả giọng hát hay của anh. Thanh và Tách đến với nhau, quả là một mối tình đẹp, nên bọn tôi hết sức vun vào. Tình quân dân, tình bạn, tình yêu hòa quyện vào nhau càng thêm bền vững càng thêm sáng trong. Nghĩ về Thanh, về bà mẹ nơi quán nhỏ, tôi lại nhớ về gia đình mình, nhớ Lý, nhớ làng quê Thượng Nung, chân lấm tay bùn. Mẹ tôi năm ấy đã già, người nhỏ nhắn nhưng ít ốm đau. Bà bám ruộng bám đồi, cấy cày, vun xới từ lúc mặt trời còn chưa mọc cho đến lúc mặt trời lặn. Với tôi, bà là một tấm gương lao động không sao có thể nói được đầy đủ về những giọt mồ hôi của bà, về tấm áo rách, về đòn gánh mòn vai, về chiếc quạt mo bà đập muỗi những đêm trở trời, trái gió.

      Bà mẹ nơi quán nhỏ ven đường, cũng như bà mẹ sinh ra tôi có một nét giống nhau, ấy là tấm lòng cưu mang, độ lượng, thương người. Tấm lòng ấy làm sáng tỏ, dầy dạn thêm những đức tính tốt đẹp của các bà mẹ Việt Nam. Mong bạn đọc thông cảm để tôi được dẫn ra một việc nhỏ:

     Năm tôi mười tuổi, mẹ tôi bảo tôi bưng nồi canh cua từ bếp ra, loáng quáng thế nào bị vấp, tôi đánh đổ gần hết nồi canh. Mẹ tôi nhìn cái nồi không rồi dịu dàng: "Có bị bỏng không con?". Lúc đó, tôi chỉ còn biết đứng trân trân nhìn mẹ, rồi ứa hai hàng nước mắt, nghẹn ngào. . .


      Tổ "tam tam" chúng tôi còn có anh chàng Cư Sĩ, Sĩ lực lưỡng, một học sinh chính cống, nói ít nhưng hay cười, luyện tập các khoa mục về quân sự. Sĩ tập như trâu lăn. Nắng, Sĩ để đầu trần tập bò, tập chạy. Mưa, không cần mũ, Sĩ chạy băng băng lên đồi luyện động tác xung phong, truy kích. Không biết "duyên trời" thế nào mà Sĩ yêu Kim Phương, cô gái quê Bến Then "xinh nhất hội”. Kim Phương yêu Sĩ, giúp Sĩ và tổ "tam tam' chúng tôi được nhiều việc. Thỉnh thoảng, cô mời cả tổ đến nhà chơi. Chúng tôi được ăn những bữa cơm ngon và tráng miệng khi thì quả chuối, khi thì múi bưởi Đoàn Hùng. Vậy là "gia đình nhỏ" của chúng tôi gồm năm người tôi, Sĩ, Thanh, Tách và Kim Phương.

      Cuối năm 1946, tôi được ban chỉ huy chi đội cử đi học trường Hoàng Hữu Nam, khóa đào tạo cán bộ tiểu đội, trung đội. Sau sáu tháng tôi trở về đơn vị - chiếc nôi ấm của tình đồng đội gắn bó keo sơn.

      Năm 1947, giặc Pháp đánh nống ra vùng núi lửa. Chúng đánh lên Tây Bắc trên đường từ Phong Thổ, Lai Châu xuống Sơn La, Nghĩa Lộ và đồng bằng Yên Bái. Hướng Phòng Tô, chúng chiếm Sa Pa, Lào Cai, Bắc Hà; hướng Hà Giang, chúng kết hợp với Phỉ, tàu Tưởng chiếm Hoàng Su Phì, Bắc Quang. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta cùng đồng bào các dân tộc vô cùng gian khổ, khó khăn. Theo lời Đảng, Bác Hồ, quyết tâm đánh giặc Pháp, tất cả đứng lên bảo vệ nền độc lập ta vừa giành được, không lùi bước trước thử thách hiểm nguy. Bọn giặc đến đâu chỉ gặp vườn không nhà trống. Thị xã Phú Thọ đang tiêu thổ kháng chiến, những ngôi nhà đã bị phá, đường phố dựng chướng ngại vật khắp nơi. Lực lượng vũ trang của ta chỉ để một số đơn vị chủ lực, đánh ngăn chặn địch, còn tổ chức đại đội độc lập luồn sâu vào hậu phương địch, vừa đánh địch vừa xây dựng cơ sở, bám dân, bám đất, kết hợp đánh từ trong ra ngoài và đánh từ ngoài vào trong. Kẻ địch càng lúng túng, chúng đã phải nếm nhiều đòn đau.

      Thời gian tôi đi học trở về thì tổ ba người được cấp trên phân công mỗi người đi một hướng. Chúng tôi đã trưởng thành, tất cả đều là cán bộ tiểu đội, cùng ở một trung đội. Thanh được phân công lên hướng Lào Cai, Bắc Hà, Sĩ đi hướng Hà Giang. Tôi đi hướng Nghĩa Lộ, Gia
Hội, Tú Lệ nên ít được gặp nhau. Thỉnh thoảng mới nhận được thư của nhau. Mùa thu năm 1949, các đại đội độc lập ở các ngả kẻo về tập trung thành đơn vị chủ lực. Đây là một bước trưởng thành của đơn vị chúng tôi. Ba anh em chúng tôi lại gặp nhau, cùng ở trung đoàn 165, đều được cấp trên giao phụ trách trung đội. Chúng tôi bắt tay vào xây dựng đơn vị, ra sức huấn luyện theo chương trình mới. Sau đó, đơn vị chúng tôi đã giải phóng được Bắc Hà, Lào Cai. Hoàn thành nhiệm vụ nặng nề cấp trên giao cho, đơn vị chúng tôi lại cơ động về Vĩnh Phúc, chuẩn bị chiến dịch Hòa Bình năm 1952.
Logged

Nhờ trời! Không yêu cầu cũng được ra
Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 »   Lên
  In  
 
Chuyển tới:  

Powered by MySQL Powered by PHP Powered by SMF 1.1.21 | SMF © 2006-2008, Simple Machines

Valid XHTML 1.0! Valid CSS! Dilber MC Theme by HarzeM